Lời khuyên của Kissinger có còn giá trị?

Tiến sĩ Henry Kissinger. Để không bỏ lỡ cuộc tranh luận lịch sử, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng ngay tức thì đối với với lời khuyên của Kissinger. Zelensky không chỉ phản đối Kissinger về mặt chính trị và chiến lược, mà còn về mặt chủng tộc. Để phê phán Kissinger: Nếu theo lời khuyên của ông thì không chỉ Ukraine, mà trên địa cầu ngày nay khó có quốc gia nào đủ đất đổi lấy hòa bình, vì tham vọng của các thế lực bành trướng là không giới hạn. Nhưng chiến tranh Ukraine đang bước sang tháng thứ tư và thế giới đã quen với khái niệm “hậu Ukraine”. Đó là một thế giới biến đổi khó lường, một kỷ nguyên hoàn toàn mới. Hơn nữa, kết thúc chiến tranh bao giờ cũng khó hơn nhiều so với khởi chiến. So, to be or not to be? Đinh Hoàng Thắng Ngày 11/6/2022, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore qua đường truyền video từ một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Kiev, Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố, kết cục của cuộc chiến ở đất nước ông không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trật tự quốc tế. Đất nước ông đang tìm cách đẩy lui quân Nga ra khỏi các khu vực mà họ đã kiểm soát kể từ đầu cuộc chiến và đang phòng thủ trước các cuộc tấn công dữ dội của Nga ở miền đông đất nước, đặc biệt là xung quanh thành phố Sievierodonetsk. Lưu ý sự ủng hộ cho đến nay từ các nước trên thế giới, ông Zelensky cho biết, điều hệ trọng là các quốc gia tiếp tục gửi viện trợ. “Tôi biết ơn sự hỗ trợ của quý vị... nhưng sự hỗ trợ này không chỉ dành cho Ukraine, mà còn cho cả quý vị nữa,” ông nói. “Các luật lệ của thế giới trong tương lai đang được quyết định trên chính các chiến trường của Ukraine, cùng với ranh giới của những điều có thể.” Kinh nghiệm từ “Chính trị thực dụng” Ranh giới mà Tổng thống Ukraine đề cập ở đây phải chăng là làn ranh giữa tự do với nô lệ, giữa bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia với mất nước vào tay đế chế, giữa dân chủ pháp quyền với độc tài toàn trị. Đó là những điều đối nghịch nhau như nước với lửa, thật khó để tìm được đất để thỏa hiệp. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Ukraine biết cái giá mà dân tộc quả cảm này đang hàng ngày hàng giờ phải chi trả cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự chống trả quyết liệt của Ukraine trên chiến trường làm nhiều cá nhân cũng như quốc gia bị kích động, muốn tranh thủ cơ hội giáng cho Nga một đòn quyết định. Trong khi đó, Tiến sỹ Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng/ Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Nixon đang bước sang tuổi bách niên, đã đưa ra một lời khuyên khác hẳn. Hôm 23/5/2022, từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Davos), ông đã một lần nữa làm dư luận dậy sóng khi khuyên Ukraine nên nhượng đất cho Nga để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Khi khuyên như thế, liệu Kissinger có còn minh mẫn hay đã lỗi thời? Phải chăng Kissinger định bắt chước Neville Chamberlain khi “nhân nhượng” Adolf Hitler (hồi tháng 9/1938)? Chamberlain đã ngây thơ tin rằng nếu đối xử với Hitler “một cách thực tế và nghiêm túc” thì có thể thuyết phục được Hitler về hiệu nghiệm của hòa bình. Trên thực tế, từng có một thế hệ ngưỡng mộ Henry Kissinger với các tác phẩm kinh điển về ngoại giao và Realpolitik (Chính trị thực dụng). Nhưng sau khi biết rõ những hành xử của ông trong chiến tranh Việt Nam và nội chiến Bengalis, dư luận đã phải nhìn nhận lại. Kissinger đúng là một yếu nhân trong lịch sử ngoại giao từng làm đảo lộn thế giới, nhưng bàn tay ông ấy bị cáo buộc nhúng chàm diệt chủng. Sẽ nguy hiểm và ảo tưởng nếu giờ đây lại nghe theo ông ta với “trò chơi” Realpolitik để một lần nữa làm đảo lộn trật tự quốc tế hiện hành. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một sự thật lịch sử là Kissinger đã vận dụng thành công “Cấu trúc Quyền lực” (Concert of Powers) của châu Âu cũ vào trật tự thế giới những năm 70, để Nixon bắt tay Mao chơi “lá bài Trung Quốc”, rút quân Mỹ khỏi Việt Nam “trong danh dự” và tập trung đối phó với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, lời khuyên của Kissinger đưa ra từ Davos thật ra không mới. Chính ông cũng thừa nhận, từ 8 năm trước đây, ông từng có ý tưởng về việc Ukraine nên được cấu thành như một nhà nước trung lập – một cầu nối giữa Nga và châu Âu chứ không phải là tuyến đầu của các nhóm kình địch nhau ở bên trong châu Âu. Theo quan điểm của Kissinger, các chuyển động hướng tới đàm phán về hòa bình cần phải bắt đầu trong hai tháng tới, trước khi nó có thể tạo ra những biến động và căng thẳng khó vượt qua hơn bao giờ hết, đặc biệt là giữa mối quan hệ cuối cùng của Nga, Gruzia và Ukraine đối với châu Âu… Lý tưởng nhất, theo Kissinger, đường phân chia nên trả lại nguyên trạng như trước đây. Cựu Ngoại trưởng cho rằng, việc tham gia cuộc chiến bên ngoài Ba Lan sẽ biến nó thành một cuộc chiến tranh, không phải vì quyền tự do của Ukraine, vốn đã được NATO thực hiện với sự gắn kết tuyệt vời, mà mà sẽ thành cuộc chiến chống lại chính Nga. Lời khuyên này của Kissinger về cách thức kết thúc cuộc chiến đã dấy lên cuộc tranh cãi về vai trò của ông trong chiến tranh Việt Nam. Với tư cách là Ngoại trưởng, Kissinger vừa leo thang chiến tranh, vừa tìm cách chấm dứt nó, không phải trên chiến trường, mà thông qua 68 lần tiếp xúc với chính khách Bắc Việt đầy quyền lực Lê Đức Thọ. Theo Thomas Alan Schwartz, Giám đốc Nghiên cứu Lịch sử tại Đại học Vanderbilt và là tác giả cuốn “Henry Kissinger and American Power”, vào cuối thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Nixon muốn người của mình thực hiện các cuộc đàm phán để kết thúc cuộc chiến, chứ không phải là người từ Bộ Quốc phòng hay từ Chính quyền Mỹ. Điều mà bản thân Nixon không lường trước được là khả năng ông Cố vấn có thể làm lu mờ chính Tổng thống của mình. Schwartz viết: “Tổng thống đã tạo ra quái vật Frankenstein của riêng mình từ Kissinger”. Đối với các nhà phê bình, “hòa bình trong danh dự” xem ra chẳng khác gì với những lựa chọn đã có sẵn ngay khi Nixon lần đầu tiên lên nắm quyền: “Kissinger và Nixon đã lãng phí bốn năm đàm phán với những người cộng sản Việt Nam, để đồng ý với các điều khoản hòa bình năm 1973 mà hầu như đã có trên bàn từ 1969”. Kết quả vẫn là, từ 2,5 đến 3 triệu người Việt và những người Đông Dương khác và 58.000 người Mỹ đã bỏ mạng. Hàng trăm người khác đã mất tích trong chiến tranh. Lời khuyên của Kissinger có “quá đát”? Để không bỏ lỡ cuộc tranh luận lịch sử, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phản ứng ngay tức thì đối với với lời khuyên của Kissinger. Zelensky không chỉ phản đối Kissinger về mặt chính trị và chiến lược, mà còn về mặt chủng tộc. Tổng thống Ukraine, vốn là một người gốc Do Thái như Kissinger, đã nhắc lại rằng, “vào năm 1938, khi gia đình Kissinger chạy trốn Đức Quốc xã, ông mới 15 tuổi, và ông hiểu mọi thứ một cách khá hoàn hảo. Không ai nghe từ Kissinger lúc đó rằng cần phải thích nghi với Đức Quốc xã thay vì chạy trốn hoặc chiến đấu với chúng”. Zelensky nói thêm: “Với lời khuyên Ukraine nên trao thứ gì đó cho Nga, các 'nhân vật địa-chính trị vĩ đại' này đã không bao giờ thấu hiểu những người Ukraine bình thường, những người đang sống trên lãnh thổ của riêng mình, mà lại đề xuất đòi họ đổi lãnh thổ ấy để lấy một nền hòa bình viển vông…” Lần này, chống lại luận điểm của Kissinger còn có thêm bỉnh bút Cal Thomas. Thomas đã viết trên phiên bản tiếng Anh của mạng majalla.com (mạng dành riêng cho thế giới nói tiếng Ả Rập): “Vừa qua là lần thứ ba kể từ khi trở thành Tổng thống, Joe Biden đã tuyên bố hồi tuần trước rằng, ông ấy sẽ cử lực lượng Mỹ đến bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc đại lục tiến hành một cuộc tấn công. Nhưng đây cũng chính là vị Tổng thống ấy đã nhanh chóng rút các lực lượng Mỹ khỏi Afghanistan. Và hứa sẽ không gửi quân đến Ukraine để giúp chính phủ đó đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga”. Lý do được đưa ra là Nga là một cường quốc hạt nhân. Thế nhưng Trung Quốc cũng có hạt nhân. Vậy có gì khác biệt? Khác biệt ở đây là do vị trí địa-chiến lược của Đài Loan trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung, Mỹ không thể đánh mất Đài Loan. Biden dường như có sứ mệnh lịch sử là chuộc lại lỗi lầm cách đây ngót nửa thế kỷ của bộ đôi Nixon – Kissinger. Trong bài phát biểu ở Davos, Kissinger nói Ukraine phải nhường một số lãnh thổ cho Nga để kết thúc chiến tranh và tránh mở rộng xung đột. Kissinger đã sai! Nếu Ukraine nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, điều đó có nghĩa là sẽ mời gọi Tổng thống Vladimir Putin chinh phạt tiếp các quốc gia khác từng nằm dưới sự kiểm soát của Liên Xô. Liệu Kissinger có đồng ý nhượng tiếp những vùng lãnh thổ ấy cho Mátxcơva để tránh “tình trạng mất ổn định” toàn cầu và tránh một cuộc xung đột có quy mô rộng lớn hơn không? Dẫu sao, vào thời điểm hiện nay, phương Tây và thế giới nói chung vẫn bị chia thành (ít nhất) hai phe. Một, theo Reapolitik (của Kissinger), phe kia mang tính “diều hâu”, chủ chiến nhiều hơn. Lập trường của phe “Chính trị thực dụng” như Kissinger đã trình bày chi tiết từ Davos. Những người đi gần tới lập trường của Kissinger chủ yếu quan ngại các ảnh hưởng sâu rộng của việc kéo dài cuộc chiến. Đặc biệt xu hướng này lo lắng nhìn vào các tác động kinh tế (lạm phát ở Mỹ và Anh đều đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ) và nguy cơ còn leo thang tiếp. Tuy nhiên, xu hướng này cũng không hề chủ trương đổi đất lấy hòa bình! Phe “diều hâu”, dẫn đầu bởi London và Washington. Mặc dù không tuyên bố rõ ràng, nhưng lập trường Anh – Mỹ là tăng cường hỗ trợ Ukraine bằng các trang thiết bị quân sự và mạng lưới tình báo để giáng những đòn mạnh nhất có thể. Mục đích là vừa củng cố vị thế của Ukraine tại bàn đàm phán, vừa ngăn chặn Nga khỏi bất kỳ hành động gây hấn nào với các quốc gia châu Âu khác, đặc biệt là các nước Baltic. Mẫu số chung của hai phe nói trên là niềm tin cuộc chiến sẽ phải kết thúc với một thỏa thuận được thương lượng, ngay cả khi tình trạng của thỏa thuận này đang bị tranh cãi gay gắt. Tuy nhiên, sau khi bước sang tháng thứ tư của cuộc chiến, “thỏa thuận được thương lượng” có vẻ xa vời hơn so với lúc bắt đầu xung đột. Thay vì đi vào kết thúc, điều có vẻ ngày càng nhiều khả năng là một cuộc xung đột âm ỉ lâu dài. Tại đó, Kiev rất khó giành lại đươc toàn bộ lãnh thổ của mình và quân đội Nga cũng sẽ không rời khỏi những vùng lãnh thổ họ vừa cưỡng chiếm được. Tổng thống Putin đặt cược uy tín chính trị của mình vào chiến thắng ở Ukraine, điều mà phương Tây muốn phủ nhận. Tuy nhiên, một cuộc chiến không có hồi kết có thể kéo phương Tây mất một vài năm – đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp đến gần – trước khi tiến tới một thỏa hiệp nào đó. Trong khi chính các quan chức ở Kiev hiện cũng đang bày tỏ quan ngại, tình trạng mệt mỏi vì chiến tranh dễ làm “xói mòn” quyết tâm của Mỹ và đồng minh giúp Ukraine đẩy lùi cuộc xâm lược. https://www.voatiengviet.com/a/l%E1%BB%9Di-khuy%C3%AAn-c%E1%BB%A7a-kissinger-c%C3%B3-c%C3%B2n-gi%C3%A1-tr%E1%BB%8B-/6615871.html  
......

Ukraine và vấn đề tái thiết hậu chiến

Đỗ Kim Thêm - Việt Luận   Chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine đang diễn ra vô cùng sôi động. Điển hình là thảm cảnh dân chúng tỵ nạn ngày càng trầm trọng. Gần đây nhất, theo Phủ Cao Ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, kể từ khi có cuộc chiến cho đến nay, có trên 6 triệu 6 người dân tỵ nạn ở các nước lân cận, nhiều nhất là Ba Lan, và khoảng 7 triệu người tỵ nạn trong nước. Con số này sẽ còn thay đổi trong tương lai.   Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, có ít nhất 243 trẻ em đã thiệt mạng, 446 bị thương và 139 mất tích, ngoài ra hơn 200.000 người đã được đưa đến Nga. Ngược lại, quân đội Nga ước lượng gần 1,6 triệu người Ukraine trong vùng ly khai đã được chuyển đến Nga, trong đó có gần 260.000 trẻ em. Đó là những thông tin mà không ai có thể kiểm chứng.   Trong khi các cơ sở hạ tầng của Ukraine bị tàn phá nặng nề, ước khoảng 50%, thì triển vọng về một cuộc hoà đàm đang lâm vào cảnh bế tắc.   Dù trong bối cảnh còn nhiều bất trắc như vậy, chính giới quốc tế đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tái thiết hậu chiến cho Ukraine. Cụ thể là, Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Ủy ban Châu Âu và Quốc hội Mỹ đã phác thảo nhiều kế hoạch liên hệ, mà các quan tâm chính của giới hoạch định là ước lượng phí tổn tái thiết, tìm nguồn tài trợ, xác định vai trò lãnh đạo của Liên Âu và trách nhiệm bồi thường chiến tranh của Nga.   Phí tổn tái thiết   Hiện nay, Hoa Kỳ đã đưa ra con số ban đầu là khoảng 500 tỷ đô la, trong khi chính phủ Ukraine ước lượng lên đến trên 600 tỷ đô la. Chiến tranh còn tiếp diễn, nên các con số này không chính xác, tất nhiên, nó sẽ có thể còn lên cao hơn nữa. Trong bài phát biểu qua video tại Davos cuối tháng 5, Tổng thống Volodymyr Zelenskyi cho biết, thời gian tái thiết kéo dài khoảng hơn một thập niên sau khi kết thúc chiến tranh. Dù không nêu rõ tổng số tiền mà Ukraine cần đến, nhưng ông cho biết, ít nhất hằng tháng Ukraine sẽ cần khoảng 5 tỷ đô la.   Nguồn tài trợ   Khó khăn hiện nay mà Ukraine đang gặp phải là các nguồn thu cho ngân sách đang giảm mạnh, nhất là các khoản thu từ thuế doanh nghiệp và xuất khẩu, trong khi kinh phí dành cho quốc phòng và phúc lợi xã hội tăng lên đáng kể. Kết quả của tình trạng này là ngân sách thiếu hụt trầm trọng. Theo ước lượng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đến cuối tháng 7 năm nay, số khiếm hụt ngân sách lên đến 15 tỷ đô la.   Để đáp ứng một phần lớn cho nhu cầu này, ngày 18/5 vừa qua, Liên Âu tuyên bố là sẽ viện trợ cho Ukraine khoảng 9 tỷ Euro qua hình thức hỗ trợ tài chính vĩ mô và các khoản vay với lãi suất thấp trong dài hạn.   Với nguồn cung ứng này, Ukraine có thể trang trải trước mắt các chi phí về các nhu cầu cơ bản và đặc biệt là tiếp tục trả lương cho quân nhân, công chức và người về hưu. Nhờ thế mà một phần nào các hoạt động kinh tế vẫn còn được duy trì.   Trong cuộc họp tại Petersberg gần Bonn (Đức) vào ngày 20/5, các Bộ trưởng Tài chính thuộc khối G7 đã cam kết viện trợ cho Ukraine 19,8 tỷ đô la cho năm nay, trong đó 9,5 tỷ đô la mới được cam kết tại cuộc họp, phần lớn là các khoản tài trợ không hoàn lại.   Một ngày trước đó, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua một gói viện trợ khác cho Ukraine với 40 tỷ và nước này đã viện trợ 14 tỷ vào tháng 3.   Dù cộng đồng quốc tế viện trợ ào ạt cho Ukraine, nhưng trong thị trường tài chính, uy tín tín dụng của Ukraine không vì thế mà phát triển khởi sắc.   Ngược lại, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody, lại một lần nữa hạ thấp điểm tín dụng từ Caa2 thậm chí xuống còn Caa3 (gần như rác). Việc hạ điểm này tạo cho Ukraine một triển vọng bi quan và việc xuống điểm tệ hơn sẽ còn tiếp tục xảy ra. Vào đầu tháng 3, Moody đã hạ xếp hạng tín dụng của Ukraine xuống hai bậc từ B3 xuống Caa2.   Để biện minh cho quyết định này, Moody nhận định là: “Cuộc chiến kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và tình trạng nợ công còn nguy cơ gia tăng, tất cả chứng minh là nền kinh tế Ukraine không bền vững trong trung hạn“. Moody dự kiến, nhu cầu tài chính của Ukraine trong năm nay khoảng 50 tỷ đô la và nền kinh sẽ giảm 35%.   Vai trò của châu Âu   Chính giới Liên Âu tuyên bố rằng, Liên Âu đã và đang có trách nhiệm hỗ trợ cho Ukraine trong công cuộc chiến đấu chống Nga xâm lược, thì cũng sẽ có một mối quan tâm chiến lược trong việc tham gia tái thiết hậu chiến. Dù đòi hỏi sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong công cuộc tái thiết cho Ukraine, nhưng Liên Âu cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Hoa Kỳ và các định chế tài trợ khác. Trong một cuộc họp gần đây tại Brüssel, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, việc tái thiết Ukraine cũng sẽ tiến hành tương tự như kế hoạch Marshall cho châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến.   Việc phác thảo chương trình tái thiết cho Ukraine cũng đã được đề cập tại Diễn đàn Davos năm nay.   Trong cuộc họp này, các chính giới quốc tế và chuyên gia kinh tế đồng thanh kết luận là: “Ngay cả khi chưa có hòa ước, hiện nay, chúng ta cần phải chuẩn bị cho công cuộc tái thiết, ít nhất về cơ sở hạ tầng, điện nước, trường học, đường xá và cầu cống, các lãnh vực này đang nằm trong sự kiểm soát của Ukraine. Chính phủ Ukraine sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc soạn thảo kế hoạch và thực hiện việc tái thiết”.   Trong tài liệu “Rebuild Ukraine” của Liên Âu được phổ biến gần đây, một trình tự cho “Nền tảng tái thiết Ukraine” sẽ phải được phê duyệt trước khi đi vào thực hiện.   Một mặt, mục đích kế hoạch là nhằm đánh giá toàn bộ các nhu cầu tái thiết của Ukraine và khả năng tài trợ của Liên Âu và các đối tác khác. Mặt khác, Liên Âu hy vọng, thông qua dự án tái thiết này, Ukraine sẽ được hiện đại hóa về kinh tế và về chính trị sẽ gần gũi hơn với Liên Âu.   Ngoài việc tái thiết cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và gia cư, một trọng tâm đặc biệt của kế hoạch là xây dựng nhà nước pháp quyền và chống tham nhũng.   Theo tài liệu này, công cuộc đầu tư tái thiết cũng chỉ thực hiện theo các tiêu chuẩn của Liên Âu đề ra, có nghĩa là, phù hợp với các khuôn khổ chính sách về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và kỹ thuật số. Để bảo đảm mục tiêu này, một quy định tương tự như với Quỹ Tái thiết Corona sẽ được áp dụng. Nếu các mục tiêu đề ra không đạt được, thì các khoản viện trợ sẽ không được thanh toán. Chương trình “Tái thiết Ukraine” sẽ được tài trợ cụ thể như thế nào vẫn còn là vấn đề để giới hoạch định thảo luận, nhưng nhìn chung, nhu cầu chi xuất trong tương lai sẽ vượt qua khỏi khả năng hiện tại của các quỹ trong khung tài chính đa quốc gia. Do đó, tìm ra các nguồn tài trợ mới sẽ là vấn đề.   Để giải quyết, Liên Âu có đề cập đến những đóng góp bổ sung từ các quốc gia thành viên, sửa đổi khung tài chính thông qua các khoản vay. Cuối cùng, quyết định thuộc về giới lãnh đạo các nước thành viên.   Có nhiều chuyên gia đề xuất việc tái thiết Ukraine là thông qua các khoản nợ chung của Liên Âu, tương tự như Quỹ Tái thiết Corona. Một công cụ như vậy là hợp lý về mặt kinh tế. Mặc dù chi phí tái thiết lên đến 600 tỷ đô la nghe có vẻ khổng lồ, nhưng thật ra, nếu so với đến sản lượng kinh tế của Liên Âu, đó chỉ là ba phần trăm.   Trong khi đó, một chương trình vay nợ mới chung cho các nước bị một số quốc gia bác bỏ, trong đó Đức đứng hàng đầu.   Trách nhiệm của Nga   Các nước Latvia, Estonia, Slovakia đã lên tiếng cho rằng Nga xâm lăng và gây thiệt hại cho Ukraine, thì Nga phải chịu trách nhiệm bồi thường cho việc tái thiết. Qua các biện pháp phong toả tài chính, các nước phương Tây đang nắm được một số lượng tài sản khổng lồ của nhà nước Nga và các đại gia. Do đó, giải pháp thực tế nhất là châu Âu sẽ trưng dụng trực tiếp số tiền này cho nhu cầu tái thiết.   Ngược lại, chính giới Đức đã lên tiếng phản đối biện pháp tịch thu này vì cho rằng vi phạm luật quốc tế và quốc gia. Theo các luật gia Đức, tài sản của quốc gia hay công dân cũng cần phải được luật pháp bảo vệ. Nhưng mức độ bảo vệ đến đâu là vấn đề, tài sản nào là hợp pháp và không hợp pháp cần phân biệt, tiêu chuẩn cần xem xét là dòng tiền có liên hệ đến hoạt động của ngân hàng nhà nước hay thuộc về tư nhân. Đó là cơ sở để nhận định xem có thể trưng dụng cho Quỹ tái thiết.   Ngày 25/3 Liên Âu đã bắt đầu soạn thảo dự luật liên quan đến việc trưng thu các tài sản của Nga đang bị phong toả trong ngân hàng của châu Âu. Kết quả này cần được toàn thể 27 quốc gia thành viên đồng tình. Nếu thành công, bước tiếp theo của Liên Âu sẽ là tổ chức bán đấu giá các dinh thự và du thuyền của các quan chức Nga, tiền thu được sẽ đưa vào một quỹ chung để giúp cho nạn nhân chiến cuộc.   Chiến tranh chưa kết thúc, nên triển vọng tái thiết chỉ là bước khởi đầu tranh luận và còn nhiều thời gian để thực hiện.   Đỗ Kim Thêm - Việt Luận  
......

Dựa vào ai và rút về đâu khi xảy ra “chiến dịch đặc biệt”?

Nguyen Ngoc Chu 1. VẼ LẠI BIÊN GIỚI Ngày 16/6/2022, khi thăm Kyiv cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Mario Draghi và Tổng thống Rumani Klaus Iohannis, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: "Cuộc tấn công xâm lược Ukraine đồng nghĩa với sự thay đổi thời đại. Bởi vì Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu, và điều này là không thể chấp nhận được. Do đó, nước Đức cùng với các nước khác trên thế giới, đã đứng về phía Ukraine ngay từ ngày đầu". Lời của Thủ tướng Đức Scholz về “Nga đang làm việc dịch chuyển biên giới các nước ở ngay trung tâm châu Âu” chỉ là nhắc lại khẳng định của Tổng thống Nga Putin trước đó 1 tuần. Ngày 09/6/2022 tại triển lãm kỷ niệm 350 năm Pyotr đại đế (1672-1725), ông Putin ví cuộc xâm lược Ukraine như cuộc xâm lược Thuỵ Điển của Pyotr đại đế: “Pyotr đại đế đã tiến hành đại chiến Bắc Âu trong suốt 21 năm. Nhiều người nghĩ rằng ông đã chiếm thứ gì đó trong cuộc chiến với Thuỵ Điển. Nhưng Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ tay họ, mà chỉ giành lại những thứ gì thuộc về Nga”. Một cách thẳng thừng, ông Putin khẳng định về mục đích phát động cuộc chiến tranh Nga- Ukraine: “Rõ ràng sứ mệnh của chúng ta là lấy lại những gì của Nga và củng cố sức mạnh đất nước”. “Chúng tôi chắc chắn sẽ xử lý thành công nhiệm vụ trước mắt” (tức là chiếm được lãnh thổ của Ukraine)( https://vnexpress.net/ong-putin-so-sanh-chien-dich...). Mụctiêu chiếm đất là tối thượng. các lý do khác chỉ là che đậy. Nhưng lệu ông Putin có sống được để tiến hành cuộc chiến tranh dài 21 năm như Pyotr đại đế? 2. ÔNG PUTIN VIẾT LẠI LỊCH SỬ Diện tích Đế quốc Nga trong giai đoạn 1900-1905 là lớn nhất trong lịch sử hình thành nước Nga cho đến hiện tại. Ngoài các nước cộng hoà thuộc Liên Xô, nó còn bao gồm cả lãnh thổ Phần Lan và Ba Lan. Nhưng đến Hoà ước BREST-LITOVSK thì diện tích Đé quốc Nga bị giảm đi rõ rệt. Hoà ước BREST-LITOVSK ký ngày 03/3/1918 với một bên là nước Nga Xô Viết, mà đại diện là ông Grigoriy Yakovlevich Sokolnikov, Uỷ viên Bộ Chính trị Đảng Bolsevich, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao - với các bên gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo - Hung, Đế quốc Ottoman và Vương quốc Bulgaria. Theo Hoà ước BREST-LITOVSK, nước Nga phải trao trả độc lập (lãnh thổ) cho 10 quốc gia từng là thuộc địa của Đế Quốc Nga gồm: Ukraine, Ba Lan, Belarus, Phần Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Armenia, Azerbaijan và Georgia. Hoà ước BREST-LITOVSK được Soviet Đại biểu Công nhân, Nông dân và Binh sỹ Toàn Nga phê chuẩn ngày 15 tháng 3 năm 1918. Lãnh thổ của quốc gia Ukraine độc lập được xác định trong Hoà ước BREST-LITOVSK (xem bản đồ đính kèm) không những bao gồm toàn bộ vùng Donbass và bán đảo Crimea, mà còn bao gồm cả các thành phố Brest (nay thuộc Belarus), Belgorod và Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don thuộc tỉnh Voronezhskaya của LB Nga ngày nay. Biên giới Ukraine trong Hoà ước BREST-LITOVSK được Hoà ước Versaille (do các quốc gia thắng trận và bại trận sau Thế chiến 1 ký kết ngày 28 /6 / 1919, tại Versailles, Paris), công nhận. Trong bài phát biểu tối ngày 21/2/2022 biện minh dẫn đường cho cuộc xâm lược Ukraine, mà nhiều người nghe nhầm tưởng là đúng đắn và thống thiết, Tổng thống Nga Putin đã tự mình viết lại lịch sử. 1/. Ông Putin khẳng định Ukraine là một phần không thể tách rời của Nga, để biện minh cho nguyên nhân mở “chiến dịch đặc biệt” chiếm lại Ukraine. Ông Putin có tình quên rằng người Ukraine và người Nga là hai dân tộc khác nhau, rằng Kiev Rus không phải là của Đế quốc Nga. 2/. Ông Putin phê phán và chê bai toàn bộ các lãnh tụ ĐCS Liên Xô tiền nhiệm- những người mà ông Putin từng thần tượng cả đời cho đến khi lên ngôi Tổng thống Nga- cả Lê nin thiên tài lẫn Stalin vĩ đại, cả Khơrutshop lẫn Brejonev và Gorbachop. Tất cả đều sai lầm trầm trọng - tương đương với ngu dốt. 3/. Ông Putin phê phán chính sách dân tộc tự quyết của Lenin, Stalin, Gorbachop. Chính sách dân tộc tự quyết đó là nguyên nhân dẫn đến sự li khai của của các nước cộng hoà khỏi Nga. Không có chính sách dân tộc tự quyết đó thì các nước có thời là thuộc địa của Đế quốc Nga sẽ mãi mãi không được tách ra khỏi nước Nga. Với ông Putin, tất cả các nước từng là thuộc địa của Đế quốc Nga đều là của Nga và mãi mãi không thể tách rời khỏi Nga. Chính vì thế mà Nga đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh tàn phá Grozny, không cho người Checchen dành độc lập. Với ông Putin các nước Trung Á mà các vua chúa Trung Quốc buôn bán qua con đường tơ lụa từ thời Nhà Hán, Nhà Đường, tồn tại nhiều thế kỷ trước khi có Đế Quốc Nga, đều không thể độc lập khỏi Nga. Với ông Putin, lãnh thổ nào thuộc Nga một lần thì phải thuộc Nga vĩnh viễn. Và sứ mệnh của ông là “lấy lại những gì của Nga” 4. Ông Putin khoác cho Lenin vai trò sinh ra nước Ukraine. Nhờ Lenin và những người Bolsevich mới có Ukraine. Nay Ukraine lại đập bỏ tượng Lenin là vô ơn. Chính ông Putin đã cố tình quên nước Ukraine đã có trước cả Đế quốc Nga chứ không phải chờ đến Lenin mới có Ukraine. Ông Putin cũng cố tình quên chính Lenin đã phải thừa nhận sự độc lập của Ukraine với một lãnh thổ rộng lớn như trong Hoà ước BREST-LITOVSK, chứ không phải Lenin vẽ ra nước Ukraine. Để đánh chiếm Ukraine, ông Putin tuyên truyền Ukraine chưa bao giờ là một quốc gia. 3. TIẾN HÀNH CHIẾN TRANH ĐỂ CHIẾM LÃNH THỔ LÀ BẠO NGƯỢC Lãnh thổ của một quốc gia thay đổi theo chiều dài lịch sử. Nhỏ rồi lớn, hợp rồi tan, xuất hiện rồi biến mất, thuận theo quy luật của tạo hoá. Các bạo chúa xâm chiếm đất đai của người khác biến thành của mình luôn là những kẻ viết lại lịch sử. Họ xoá một quốc gia, vẽ lại biên giới. Họ xoá lịch sử viết lại lịch sử. Các bạo chúa - kẻ sau lật kẻ trước, tự phủ nhận lẫn nhau. Bởi thế, có quốc gia thành lập từ xa xưa mà lãnh thổ không lớn bằng quốc gia mới xuất hiện về sau. Ví như khi nhà Hán vào thế kỷ thứ 2 trước công nguyên có diện tích hơn 6 000 000 km2 thì nước Nga chưa có tên trên bản đồ. Nhà Hán, nhà Đường phát triển rực rỡ nhưng vì giá lạnh nên không để ý đến lãnh thổ hơn 13 triệu km2 của Siberia. Người Mông Cổ chiếm mà vẫn không có người trông coi, đành phải bỏ Siberia khi Đế quốc Mông Cổ tan rã. Để sau hết, vùng đất Siberia bao la hơn 13 triệu km2 lại thuộc vào Đế Quốc Nga. Nước Nga, bắt đầu từ Công quốc Matxcova, là chư hầu của đế quốc Mông Cổ với diện tích nhỏ hơn 2500 km2 vào năm 1147. Hơn một thế kỷ sau vào năm 1300 chỉ vỏn vẹn có 20 000 km2, nhỏ hơn lãnh thổ Ai Lao cùng thời. Nhưng tiếp theo, Công quốc Matxcova đã bành trướng về phía Đông được 430 000 km vào năm 1462, 2,8 triệu km2 vào năm 1533, 5,4 triệu km2 vào năm 1584, xâm chiếm toàn bộ Siberia trong suốt thế kỷ 17 mà trở thành quốc gia rộng nhất thế giới, lớn hơn cả nhà Thanh cùng thời. Trước khi Đế quốc Nga chiếm Siberia thì Siberia đã thuộc về người Mông Cổ. Nhưng trước người Mông Cổ, từ vạn năm xa xưa Siberia đã có chủ nhân. Quốc gia thành lập rồi diệt vong. Không có quốc gia nào tồn tại vĩnh viễn. Không có lãnh thổ nào là sở hữu vĩnh cửu của một triều đại. Viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại thì đó là bạo ngược. Viện vào lý do Ukraine từng thuộc Đế quốc Nga để mang quân xâm chiếm là bạo ngược. Bạo ngược tất bị đánh bại. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã khẳng định vào ngày 08/5/2022, nhân lễ kỷ niệm 77 chiến thắng phát xít: “Tôi bị thuyết phục sâu sắc. Putin không thể thắng cuộc chiến tranh. Ukraine sẽ chiếm ưu thế. Tự do và an toàn sẽ chiến thắng. Như tự do và an toàn đã khải hoàn trước khổ sai, bạo lực và độc tài 77 năm trước”. https://www.theguardian.com/.../ukraine-will-prevail-as... 4. ĐỐI MẶT VỚI THỰC TẾ Tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin mang quân chiếm Crimea của Ukraine, không ít người nhầm lẫn về chủ quyền lãnh thổ. Họ chỉ được biết Tổng bí thư ĐCS Liên Xô Khorutshop tháng 12/1954 cắt chuyển Crimea từ LB Nga sang Ukraine. Họ không biết, khi thành lập Liên Xô vào tháng 12/1922, một vùng lãnh thổ mênh mông của Ukraine, bao gồm Crimea, Belgorod, Rostov-na-Donu, cùng toàn bộ vùng Krasnodarskiy Krai và phần hữu ngạn sông Don của tỉnh Voronezhskaya đã bị cắt từ lãnh thổ Ukraine sang cho LB Nga. Nhiều người cũng quên đi LB Nga, ít nhất là đã 2 lần kể từ năm 1991 đặt bút ký công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Chính Tổng thống Putin cũng cố tình quên đi rằng ông đã ký hợp đồng thuê cảng Sevastopol của Ukraine trong nhiều thập niên. Trong vấn đề Crimea, Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã có quyết định đúng theo luật pháp quốc tế. Nhà nước CHXHCN Việt Nam không công nhận việc sát nhập Crimea của LB Nga. Nhà nước CHXHCN Việt Nam công nhận Crimea là của Ukraine. Không thể viện vào lý do một vùng lãnh thổ nào đó có thời từng thuộc trong quá khứ để tiến hành chiến tranh chiếm lại. Không thể viện vào lý do vì an ninh nước mình mà đánh chiếm nước khác. Đó là lý lẽ của kẻ bạo ngược. Trung Quốc đang xây quân cảng Ream ở Campuchia chỉ cách Phú Quốc vài chục dặm. Tham gia lễ động thổ hôm 08/6/2022, đại sứ Trung Quốc tại Camphuchia Vương Văn Thiên tuyên bố: “Trung Quốc và Campuchia đã trở thành những người anh em son sắt” (https://vnexpress.net/trung-quoc-muon-gi-o-quan-cang...). Nói về Ukraine là để nghĩ đến Việt Nam. Việt Nam phải đối mặt với thực tế. Ukraine còn có thể tựa lưng vào Ba Lan và các nước Đông Âu. Còn Việt Nam cả 4 phía không có đường rút. Việt Nam lại không thể mở “chiến dịch đặc biệt”. Phải chuẩn bị kịp trước khi người khác mở “chiến dịch đặc biệt”.  
......

"VIỆT Á LÀ AI?".

  Thái Hạo   Mấy hôm nay đang nổi lên một luồng dư luận đòi công bằng cho Việt Á, rằng 3 triệu kit mà VA nhập từ TQ là test nhanh chứ không phải RT- PCR; rằng giá PCR 470 nghìn là không cao trong thời điểm đó; rằng tiền lại quả 20% vốn là tiền lệ trước nay, không phải là hối lộ gì ghê gớm v.v.. Tôi cũng đồng ý như vậy.   Tuy nhiên, có một câu hỏi hết sức sơ đẳng phải trả lời trước tiên, là "VIỆT Á LÀ AI?".   Việt Á có phải là cái công ty mang tên Việt Á do Phan Quốc Việt là giám đốc? Không, công ty Việt Á và "vụ án Việt Á" là khác nhau rất xa.   Vụ án Việt Á là một vở đại kịch mà những người tham gia viết kịch bản đã gồm Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên BT Bộ KH-CN - Chủ tịch thủ đô. Đó là mới là nhắc những nhân vật rất có thể chỉ "thường thường bậc trung", chứ chưa phải là đạo diễn thật sự. Đó cũng là chưa nói gì tới Học viện Quân y. Và đặc biệt là hệ thống báo chí nhà nước đã tổng lực tuyên truyền cho nó, hòng dẫn dắt dư luận và che mắt tất cả.   Đó cũng mới chỉ là khâu "sản xuất" và phân phối đến "đại lý cấp 1", tức đến các CDC trên cả nước, chứ chưa hề nhắc gì tới các "đại lý bán lẻ". Chính ở điểm mút này (bán lẻ), tội ác mới hoành hành một cách ghê rợn và gây tang tóc thảm khốc nhất. Có thể gọi đây là giai đoạn 2 của "Việt Á".   Tuy nhiên, như chúng ta thấy, những bắt bớ và cả sự quan tâm của dư luận mới chỉ chủ yếu dừng lại ở giai đoạn 1 (từ khởi động đến đại lý cấp 1). Ở giai đoạn 2, với chính sách "tách F0", các cơ sở y tế và chính quyền địa phương trên cả nước đã "vào cuộc" để bóc lột một cách tàn bạo đối với người dân.    Giá một que test nhanh nhập về chỉ 21 nghìn nhưng có những nơi những lúc đã trấn lột người đi đường hoặc người đến bệnh viện từ 500 - 300 nghìn. Khi vụ Việt Á bắt đầu vỡ lở thì giá mới giảm xuống dần. Tuy nhiên, đến đầu năm 2022 tại ngay các trạm y tế xã phường, tiền mỗi lần test nhanh vẫn dao động từ 200 - 100 nghìn đồng. Trên đây mới chỉ là nói về test nhanh, chưa nói gì về test PCR.   Người dân bị đè ra ngoáy mũi liên tục, khốn khổ nhất là cánh tài xế (chỉ cần nhắc tới mỗi shipper và tài xế xe tải thôi đã đủ thấy) và người bệnh (không liên quan đến covid) mỗi khi đi khám chữa bệnh.   Như thế, sự trục lợi dựa trên đại dịch không phải chỉ giới hạn trong ngành y tế mà là cả ở chính quyền địa phương các cấp. Việt Á bán đắt cho các CDC một thì khi về đến khâu tiêu thụ cuối cùng, họ bán cho dân đắt lên gấp nhiều lần nữa. Vụ Việt Á, "nấng khống giá, trích lại hoa hồng" để trục lợi chỉ làm mất tiền của nhà nước một khoản không quá lớn ở giai đoạn 1 (800 tỉ lại quả và 500 tỉ lợi nhuận); nhưng móc túi người dân ở giai đoạn 2 mới là tàn bạo ngoài sức tưởng tượng.   Hơn thế, không còn chỉ là vấn đề tiền, mà nó tác động tổng thể đến mọi mặt đời sống xã hội. Bắt đầu từ "làm chính sách" đến bán đắt cho nhà nước bằng cách đút lót cho các CDC, rồi tiếp theo là trực tiếp móc tiền và hút máu người dân. Tất cả, làm đóng băng xã hội, phá sản, khủng hoảng tâm lý...   Trên đây là chưa hề nhắc gì tới chất lượng của những loại Test kit này. Việt Á sản xuất Kit ở đâu, ai kiểm định, kiểm định có khách quan hay không. Nếu chất lượng của loại Kit này đảm bảo thì tại sao Bộ KH-CN phải bịa ra rằng Kit của Việt Á đã được WHO công nhận? Đó chỉ là một ví dụ về việc phải đặt câu hỏi đối với chất lượng của Kit Việt Á.   Cái chết của hơn 30 nghìn đồng bào ta có liên quan đến vấn đề chất lượng của loại Kit này không? Chính sách ngăn sông cấm chợ, ngoáy mũi, lùa nhốt dân chúng trong các trại cách ly và phong tỏ tràn lan đã làm phá sản hàng vạn doanh nghiệp, làm khánh kiệt hàng triệu người dân, gây nên đau thương tang tóc khắp hang cùng ngõ hẻm..., ai có thể thống kê hết và ai sẽ chịu trách nhiệm?   Còn nhiều nữa những câu hỏi. Nhưng quay trở lại với cái tên, tôi cho rằng chính cách gọi tên là "Vụ án Việt Á" đã gây hiểu lầm và hiểu sai về quy mô cũng như tính chất của vụ đại án này. Nó cần một cái tên gọi khác để phản ánh đúng về một liên minh ma quỷ mà trong đó công ty Việt Á chỉ một mắt xích, cái mắt xích dường như không hề có vai trò quyết định trong việc đạo diễn vở đại bi kịch này trên đất nước ta.   Thái Hạo  
......

"Trăm năm trồng người" và thức tế hôm nay

Đỗ Ngà - Thế Giới Kpop Người CS thường hay lấy câu nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”’ làm khẩu hiệu treo khắp các trường học Việt Nam. Nếu chính quyền CS thực hiện đúng khẩu hiệu này thì không gì đáng nói, đằng này họ không làm gì cả ngoài phá hoại. Vì lợi ích mười năm trồng cây ư? Kế sách trồng cây thế nào mà rừng xanh thành đồi trọc làm cho rừng không giữ được nước nên làm cho thiên tai tàn phá dữ dội hơn. Vì lợi ích mười năm trồng cây mà sao để cho nông dân Việt Nam không sống nổi với nghề nông? Lớp thì bỏ nghề nông đi bán vé số, đi làm công nhân, đi bán hàng rong vv... Người bám trụ với nghề nông thì trồng cây gì cũng thất, nuôi con gì cũng thất. Cứ được giá thì mất mùa, kịch bản diễn đi diễn lại từ năm này qua năm khác. Nông dân đổ mồ hôi trồng ra hoa trái, cuối cùng không bán được phải cầu cứu xã hội giải cứu. Tôi có một số bạn làm thương mại ngành nông sản nói rằng “nông nghiệp Việt Nam như một thân xác mang trọng bệnh. Người nông dân khổ trăm bề, họ chỉ hy vọng tồn tại được chứ không dám mong làm giàu. Những tấm gương làm giàu từ nông nghiệp đa phần là rửa tiền bằng mặt nạ làm nông mà thôi”. Theo tôi, câu nhận xét này hoàn toàn có cơ sở. Bởi, những trại chăn nuôi của con trai ông Trần Bắc Hà trước đây cho thấy dự án không khả thi, nó chỉ là hình thức rửa tiền. Đấy là phần nổi tảng băng mà ai cũng nhìn thấy, còn phần chìm thì chỉ có những người lặn sâu dưới lớp nước bề mặt như bạn nôi mới thấy rõ hơn. Vì lợi ích trăm năm trồng người ư? Người ta hay nói, việc nhỏ làm không xong thì việc lớn làm sao kham nổi? Thật vậy, công tác trồng cây không không xong thì trồng người làm sao được? Cho đến nay, kế sách trồng người của ĐCS có thể được tóm tắt trong một từ đơn giản: Thất bại. Trồng người như thế nào mà lò ấp tiến sĩ nổ ra tràn lan? Đề tài “hành vi nịnh” cũng biến con người thành tiến sĩ. Đề tài “Cầu lông” cũng biến con người thành tiến sĩ vv... rồi những tiến sĩ ấy giúp sức được gì cho đời? Khi một đô thị lớn như Sài Gòn bị bế tắc trong bài toán xử lý ngập thì một vị tiến sĩ đóng góp ý kiến là “dùng lu”. Bài toán ngập cho thành phố gần 40 triệu dân như Tokyo được người Nhật giải quyết được còn các tiến sĩ Việt Nam thì bó tay, để một bà không hiểu biết gì về xây dựng hạ tầng đô thị làm trò cười cho xã hội. Dường như ngành giáo dục Việt Nam đã quên nhiệm vụ của họ là “trồng người” rồi. Các chính sách của Bộ Giáo Dục Việt Nam hiện nay thường có “mùi tiền”. Trên thế giới, những nước giàu thì miễn phí hoàn toàn giáo dục phổ thông, cho vay 100% giáo dục đại học trở lên. Nước Nghèo thì trợ giá một phần cho để ai cũng có thể tiếp cận được với giáo dục vì nó rẻ. Còn Việt Nam thì không như vậy. Tại Việt Nam, khi con tôi còn học phổ thông, và tôi là vai trò phụ huynh thì một thực tế rất rõ là nhà trường luôn muốn vòi tiền phụ huynh thông qua một cánh tay nối dài của ban giám hiệu có tên là “Hội Phụ huynh học sinh”. Hội này vẽ đề xuất rất nhiều thứ phí phải đóng kèm theo với học phí chính thức. Có lúc tổng số tiền phải đóng gấp 20 lần tiền học phí. Rất vô lý. Đây là một dạng tiêu cực, bộ máy quản lý giáo dục cấp trường hoạt động tựa như bộ máy nhà nước Cộng sản vậy, cũng có “cánh tay nối dài” để diễn trò “dân chủ” nhằm ép buộc phụ huynh khác “tự nguyện” sao cho hợp ý với Ban giám hiệu. Ở cấp Bộ thì đó là vấn đề chính sách. Mới đây cư dân mạng xôn xao về chính xác tăng học phí lên 5 lần. Tiếp theo đó là tăng giá sách giáo khoa lên từ 2 đến 3 lần. Ngày 18/3/2022 trên báo Giáo Dục Việt Nam có bài viết “Bộ Giáo dục nên có 1 bộ sách giáo khoa điện tử đăng công khai, ai cần cứ lấy”. Đây là một đề xuất rất hay, nó giúp phụ huynh giảm tải về vì phí học tập cho con. Tuy nhiên, ở cấp cao nhất bộ này là ông Nguyễn Kim Sơn thì dường như không nghe thấy cho nên Bộ mới có chính sách nâng giá sách giáo khoa bị xã phội phản đối mạnh mẽ những ngày qua. Mấy ngày qua, mạng xã hội lan tryền bài được đăng trên Báo Giáo Dục Việt Nam có tựa: “Lớp 1 đã phải mua 25 đầu sách, nhiều phụ huynh choáng ngợp”. Đây là hình ảnh rõ nét nhất về chủ trương của Bộ Giáo Dục. Họ lo làm chính sách để trục lợi, phần trồng những “cây mầm” đường như họ không quan tâm! Không biết những tiến sĩ ngành giáo dục ở đâu sao không nghiên cứu chương trình phát triển tối ưu cho trẻ con mà bắt nó phải gánh những toan tính của các người? Thế là trồng người đấy sao? Phải nói kế sách “trăm năm trồng người” của ông Hồ Chí Minh đã phá sản. Cho đến giờ họ, ĐCS không phải trồng mà chỉ lo khai thác. Phải chăng, ĐCS muốn độc quyền lãnh đạo là để được độc quyền khai thác trăm triệu dân? Hỏi cũng là trả lời. Đỗ Ngà Tham khảo: https://giaoduc.net.vn/.../bo-giao-duc-nen-co-1-bo-sach... https://giaoduc.net.vn/.../chu-trinh-khep-kin-ban-sgk-moi...    
......

Bao giờ xử lý bọn truyền thông bẩn tiếp tay cho Việt Á ?

Người Buôn Gió ..................... Rất nhiều cán bộ y tế CDC các tỉnh thành bị bắt giữ vì tội mua Kit của Việt Á và nhận tiền lại quả. Dư luận nhân dân rất ủng hộ cuộc điều tra những sai phạm ở công ty Việt Á, việc nhận tiền hối lộ lại quả là việc không có gì có thể biện minh. Tuy nhiên chúng ta cũng cần dừng lại đôi chút để phân biệt giữa hối lộ và lại quả. Hai việc này giống nhau nhưng cũng có chút khác nhau.   Hối lộ sau đó lại quả nhất định là việc đã được bàn bạc từ trước khi việc mua bán xảy ra, khi nó kết thúc thì thực hiện hợp đồng hối lộ, lại quả phần trăm.   Còn lại quả đôi khi lại là việc mua bán xong rồi, bên bán lại quả cho bên mua, nếu tư nhân mua tư nhân thì gọi là ra chút lộc. Cái này hợp lý. Còn cán bộ nhà nước mua mà được lại quả cho cá nhân cán bộ là điều không đúng. Số tiền lại quá lớn thì đương nhiên đó là phạm tội rõ ràng.   Tôi nghĩ rằng có nhiều cán bộ CDC các tỉnh thành khi được Việt Á tiếp xúc, được nhắn nhủ từ người thân của lãnh đạo nào đó rằng Việt Á là chỗ người nhà ( nhà báo, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên đã bóng gió nói như vậy ) họ bị tác động từ những giấy chứng nhận huân chương của Việt Á, những giấy phép cấp từ Bộ Y tế, chứng nhận từ bộ KHCN và đặc biệt là báo chí, truyền hình chính thống đưa tin ca ngợi sản phẩm của Việt Á. Những bài báo, chương trình truyền hình còn nhân danh lòng tự hào của người Việt sản xuất ra Kít , khiến nước ngoài đặt mua ầm ầm.   Thử hỏi vào vị trí họ, một đằng thúc ép phải có động thái hoàn thành nhiệm vụ phòng dịch là xét nghiệm trong dân. Một đằng Việt Á đưa Kít đến chào, cùng với nhắn nhủ của người thân lãnh đạo cấp cao, cùng với những tấm huân chương của CTN, giấy chứng nhận của bộ này, bộ kia và lực lượng truyền thông cái gọi là quyền lực thứ tư tác động. Liệu ai trong số họ từ chối không mua sản phẩm của Việt Á ?   Cho nên ở đây những kẻ nhận hối lộ của Việt Á do có bàn bạc trước tội đương nhiên phải nhẹ hơn những kẻ không có bàn bạc, cứ thế mua của Việt Á do tác động kể trên, sau đó được Việt Á lại quả. Cả hai thành phần này đều có tội không thể chối cãi, nhưng ở đây nói ra về cái tình lý mà những kẻ nhận lại quả không có bàn bạc trước đáng được nhẹ tội hơn.   Trong vụ Việt Á người ta chỉ vạch đến sự đốn mạt, táng tận lương tâm của cán bộ CDC các tỉnh thành. Nhưng chưa ai có cái nhìn thông cảm họ vừa là tội phạm cũng vừa là nạn nhân.   Nạn nhân bị cấp trên chỉ đạo, bị người thân lãnh đạo cấp cao chỉ đạo. Còn là nạn nhân của bọn truyền thông bẩn, bọn lăng xê sản phẩm để bọn này có điều kiện hơn, có bình phong hơn tiếp tục phạm tội lớn hơn và sâu rộng hơn. Bọn truyền thông này chính là bọn tiếp tay, đồng loã cho Việt Á phạm tội. Tại sao đến giờ chúng vẫn nhởn nhơ và như không hề bị nhắc nhở gì. Tất nhiên động cơ tham tiền, tham quyền, tham thăng chức nữa thì không thể gọi là nạn nhân. Tiêu biểu nhất là báo QDND có bài viết ca ngợi thượng tá Hồ Anh Sơn, thuộc học viện quân y của tác giả đại tá Nguyễn Hồng Hải.   Bài báo đã bị xoá đi, nhưng những bài viết về giải thưởng trao cho bài báo này vẫn còn, tác giả Nguyễn Hồng Hải nhờ bài viết về Hồ Anh Sơn đã nhận giải thưởng, từ đó có cơ sở được thăng chức, thăng hàm. Bộ sậu sau bài viết được giải thưởng này còn có trưởng ban biên tập điện tử báo QDND là đại tá Nguyễn Văn Minh. Sau khi ca ngợi và nhận giải thưởng, Mình được trả công bằng chuyển sang BCT làm phó tổng biên tập báo của bộ này. Còn Nguyễn Hoàng Hải kèo ruột với Minh sắp lên phó tổng biên tập báo QDND.   Tại sao các tướng tá quân đội liên quan đến Việt Á kẻ bị kỷ luật, kẻ bị vào tù mà nhóm truyền thông bẩn của quân đội này không bị sao mà còn thăng chức?   Ít ra ban tuyên giáo trung ương phải thu hồi giải thưởng của Nguyễn Hồng Hải, rõ ràng giải thưởng đó không đúng người, đúng sự việc. Kẻ được tôn vinh trong bài báo đó đã đi tù chính vì việc đã được ca ngợi trong bài báo đó. Một bài báo sai trái, thậm chí còn là tiếp tay cho tội phạm mà được giải thưởng, không bị xử lý thu hồi hay kỷ luật kẻ viết bài vì không thận trọng kiểm chứng thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng.   Được biết nhóm Minh, Hải là nhóm đệ tử cứng của tướng Lương Cường và tướng Nguyễn Trọng Nghĩa.   Thật cám cảnh cho cái giải thưởng mà Hồng Hải đã nhận, vì giải thưởng này còn nằm trong chương trình học tập tấm gương đạo đức HCM. Còn khốn nạn hơn nữa là chỉ bài viết ấy còn nhận được cả giải khuyến khích Búa Liềm Vàng. Có lẽ các ông Lương Cường, Trọng Nghĩa phải chăng vì sợ xử lý vụ việc này mà mất mặt mình. Nên đã làm ngơ và cho thấy việc báo QĐND xoá, gỡ bài báo của Nguyễn Hồng Hải là đủ.   Nhưng một bài báo đã nhục nhã đến mức phải xoá, gỡ đi mà các giải thưởng trao cho nó như giải Búa Liềm Vàng, giải Tấm Giương Bình Dị Cao Quý trong chương trình học tập tấm gương HCM vẫn còn giá trị, vẫn còn được căn cứ là tiêu chí để thăng chức. Thử hỏi cái bộ máy truyền thông và ban tư tưởng văn hoá chế độ này có phải toàn những phường mạt hạng hay không?   Uy tín của báo chí cách mạng là như vậy đó.   Chừng nào các ông Lương Cường, Trọng Nghĩa chưa ra quyết định thu hồi giải thưởng của Nguyễn Hồng Hải, chưa xử lý kỷ luật nhóm nhà báo quân đội đã tiếp tay cho Việt Á hại dân, hại nước thì uy tín báo chí cách mạng hay uy tin đảng lãnh đạo chỉ là con số không.   
......

Tại sao vụ Việt Á nổ tung?

Ảnh Nguyễn Xuân Phúc trùm cuối Việt Á? Thanh Hieu Bui Vụ Việt Á không có dấu hiệu nào được báo trước như các vụ đại án khác, không có tín hiệu dò đường, không có những con kền kền truyền thông định hướng dư luận như các vụ đại án khác. Một tháng sau khi đi Anh về, dư luận còn say sưa bàn tán vụ đại tướng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng, bất ngờ cơ quan cảnh sát điều tra bộ công an (BCA)  tiến hành bắt giữ những mắt xích đầu tiên của vụ Việt Á , đồng loạt khẩn trương mở chiến dịch trên diện rộng ở 8 địa phương là Hà Nội, TP HCM, Hải Dương, Thừa Thiên - Huế, Bình Dương, Long An, Cần Thơ, Nghệ An bắt giữ ngay ban lãnh đạo của công ty Việt Á. Sau đó tiến độ cuộc điều tra có vẻ gặp khó khăn khi đến đoạn bộ khoa học công nghệ  (KHCN) và Học Viện Quân Y, tưởng chừng đến đó sẽ gặp khó khăn. Nhưng cuộc điều tra tiếp tục mạnh hơn và các tướng tá quân đội người kỷ luật, người đi tù. Sự việc cao trào hơn khi hai ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long là bộ trưởng, uỷ viên trung ương đảng bị bắt giữ. Ai cũng biết vụ việc lớn và rộng như vậy không dễ gì có thể bộ công an làm thần tốc như vậy. Ngay cả bản thân những kẻ dính vào vụ Việt Á vừa bị bắt mới đây cũng không thể nghĩ rằng kết cục lại như vậy. Bởi đơn giản họ tin rằng vụ áp phe này đến từ nhân vật trọng yếu trong bộ chính trị như Nguyễn Công Khế thông báo. Phải nói BCA hay cơ quan điều tra BCA đã rất mạnh tay, kiên quyết làm vụ này một cách bất ngờ và thần tốc. Đặt luôn vụ Việt Á vào thế đã rồi, khiến cho nhân vật trọng yếu chỉ biết trơ mắt nhìn, hoặc lảng tránh lo cho thân mình. Hiện nay một số thông tin cho rằng thủ tướng Phạm Minh Chính là người liên quan đến vụ Việt Á vì phát biểu của ông Chính vào hồi tháng 8 năm 2021 đòi hỏi các tỉnh thành phải tập trung các nguồn lực để phòng dịch Covid lúc ông vừa thay thế Vũ Đức Đam làm trưởng ban chống dịch. Thế nhưng ông Chính đến cuối tháng 7 năm 2021 mới chính thức được quốc hội công nhận là thủ tướng, hơn nữa chỉ đạo của ông Chính liên quan nhiều đến việc tiêm vắc xin. Trước khi làm thủ tướng ông làm bên ban tổ chức trung ương đảng, không liên quan gì đến việc phòng chống dịch. Còn vụ Việt Á lại bắt đầu từ đầu năm 2020, đến tháng 4 năm 2020 sản phẩm của Việt Á đã được đưa đi các nơi chào hàng và được đón nhận. Song song lúc đó là những chỉ đạo phòng dịch đầy tính đe doạ của ông thủ tướng lúc đó Nguyễn Xuân Phúc. Đến tháng 12 năm 2021 vụ Việt Á nổ ra. Không có chuyện ông Chính tác động chỉ đạo các ông Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh hay chỉ đạo vụ Việt Á trong thời gian ngắn chỉ mấy tháng mà hơn 60 tỉnh thành mua kít của Việt Á. Sai phạm ông Chu Ngọc Anh trên cương vị bộ trưởng là dưới thời ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Chu Ngọc Anh lúc đó còn đang là bộ trưởng KHCN đã cấp phép chứng nhận cho Việt Á vào tháng 5 năm 2020. Sai phạm của ông Long sau đó một tháng là đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Nếu như không phải ông Chính thì là ai? Rõ ràng là không phải ông thủ tướng này thì là ông thủ tướng kia. Chứ chả lẽ vụ việc sai phạm kéo dài 2 năm, ông làm sau mấy tháng lại là người chủ mưu, trong khi mọi sai phạm đều rành rành diễn ra ở thời kỳ ông trước. Nhưng làm sao mà mà BCA và đặc biệt là cơ quan cảnh sát điều tra BCA vốn dĩ sát cánh với ông Phúc bấy lâu, từng giúp ông Phúc thanh toán nhiều phe nhóm đối địch với ông Phúc, giờ lại đột ngột làm vụ Việt Á ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông Phúc như vậy? Phải chăng BCA nghiêm túc, k hông hề né tránh ai, chỉ làm theo những điều đúng đắn của pháp luật? Thực ra là do tranh ghế cả, đã tranh ghế rồi thì chuyện gì lôi được ra đều lôi hết. Trường hợp ông Trọng về, phương án ông Phúc làm tổng bí thư (TBT), ông Tô Lâm làm chủ tịch nước (CTN) và ông Nguyễn Duy Ngọc làm bộ trưởng công an thì chắc chắn vụ Việt Á muôn đời không bao giờ nổ ra cả. Chẳng ai biết đã có vụ áp phe cắt cổ người dân trong lúc dịch bệnh, có khi người ta còn suy tôn những kẻ phạm tội trong vụ Việt Á là anh hùng, là người có tâm với nhân dân, đất nước, là người lặng lẽ cống hiến nọ kia. Nhưng phương án TBT sau này không biết có thay đổi gì không, nhưng giờ đưa ra là nếu ông Trọng rời ghế TBT, ông sẽ nhường cho người đàn em của ông là Vương Đình Huệ. Để đảm bảo ông Phúc phải về khi hết nhiệm kỳ, không được phép ở lại như kiểu trường hợp đặc biệt thì chỉ có cách nổ tung vụ Việt Á dưới thời ông Phúc quản lý. Độ tuổi tái cử BCT khoá sau chiếm không nhiều trong số UVBCT khoá này, các ông Võ Văn Thưởng, Trần Cẩm Tú, Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh, Trần Thanh Mẫn là còn đủ độ tuổi tái cử, trong đó có ông sở dĩ đủ tuổi vì còn tính theo tháng. Các ông quá 65 tuổi, tức độ tuổi tái cử theo quy định phải về là Trọng, Phúc, Lâm, Minh, Cường, Giang, Chính, Huệ và bà Mai. 9 người quá tuổi phải về, giả sử đặt ra trường hợp đặc biệt ở lại như hai nhiệm kỳ trước thì kỳ 12 là trường hợp ông Trọng , kỳ 13 là 2 trường hợp ông Trọng và ông Phúc, kỳ 14 thì những ông nào ở lại? 9 chọn 3 hay 9 chọn 2 hay là chọn 1. Hoặc là chọn 5,6,7 trường hợp đặc biệt để đái vào mặt cả trung ương đảng lẫn nhân dân là cái đảng này vô thiên, vô pháp đến điều lệ nó đặt ra nó cũng còn coi như giấy lộn thì nó lãnh đạo đất nước với tư cách đạo đức gì, lối sống gì để người trong nước tin tưởng? Bởi 4 năm tới đây đến hạn của tột đỉnh quyền lực, một là có hai là tay không. Nên chẳng có chuyện tình nghĩa sát cánh trước kia mà nhân nhượng cho nhau được. Tình hình như này vụ Việt Á nổ ra là tất yếu, chẳng những thế từ nay cho đến đại hội đảng lần thứ 14 không chừng còn khối vụ như Việt Á nổ ra cũng nên. Tứ trụ quá tuổi còn có thể, chứ bộ trưởng quá tuổi mà còn ngồi thì sẽ thành tiền lệ không thể chấp nhận được. Anh Tô Lâm chỉ có cách vươn lên tứ trụ nếu anh không muốn về hưu. Gần đây anh tiếp các quan chức chính phủ các nước như anh đương là chủ tịch nước vậy. Nếu như anh không được lọt vào tứ trụ kỳ sau, anh còn phải dốc sức cho đàn em của mình tranh ghế bộ trưởng công an với anh Thứ trưởng thường trực Trần Quốc Tỏ. Hơn lúc nào hết, anh Tô Lâm và những đàn em Hưng Yên phải tận dụng thế mạnh là cơ quan điều tra, cơ quan phát hiện và bắt giữ tội phạm. Phải đưa ra nhiều vụ án chấn động như Việt Á, vừa có thành tích thuyết phục vừa để loại trừ các đối thủ. Hy vọng trong thời gian tới, các anh tướng lĩnh ở Bộ Công An đưa nhiều vụ việc lớn như Việt Á ra ánh sáng vừa thoả lòng dân, vừa được việc các anh. Những kẻ bị xâm hại chắc hẳn cũng không ngồi yên, mấy năm trước BCA bắt bao nhiêu đại gia quan chức không sao, nhưng gần đây từ vụ Việt Á đã có những giọng điệu như bắt bớ lan tràn thế này ai dám làm gì, ai làm gì cũng sợ bị tội, không làm cũng bị tội, làm cũng bị... chắc đó là những luận điệu mở đường để ngăn cản không cho những vụ việc khác tương tự như Việt Á phải vào vòng điều tra, bắt bớ của BCA. - Thanh Hiếu Bùi -  
......

Thế giới trước một văn hóa chính trị mới

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên Putin và những cộng sự của ông hoàn toàn không học hỏi được gì trước một thế giới đang thay đổi. Theo sử gia Yuval Noah Hahari, Putin chỉ đơn thuần nghĩ rằng Ukraine là một phần của Nga. Theo đó, khi xua quân đánh Ukraine thì người nói tiếng Nga tại Ukraine sẽ đem hoa ra chào đón quân Nga, các chính quyền địa phương thi nhau đầu hàng và nhà nước Ukraine sẽ sụp đổ. Nhưng có một điều mà Putin không ngờ được, đó là văn hóa chính trị của người Ukraine đã thay đổi, và thay đổi rất nhiều: Ukraine là một quốc gia độc lập chứ không còn là một chư hầu của đế chế Nga. Người dân Ukraine đã cùng nhau kết tụ lại chống trả mãnh liệt của xâm lược Nga để bảo vệ đất nước và nền dân chủ non trẻ của mình. Ngay cả những vùng nói tiếng Nga và những chính trị gia thân Nga cũng cầm súng chiến đấu chống lại quân xâm lược (hoàn toàn khác với thái độ lưỡng lự và thiếu quyết tâm của giới trí thức và quần chúng Ukraine vào thời điểm 2014). Putin cũng không ý thức được rằng văn hóa của thế giới dân chủ đã thay đổi: họ có khả năng đồng thuận và đoàn kết cao để chống lại một bạo quyền dùng bạo lực để thôn tính nước khác. Không những thế họ còn gia tăng ủng hộ và tiếp tế phương tiện cho Ukraine chống trả lại quân xâm lược Nga. Để rồi chỉ sau hơn một tháng, âm mưu khuất phục Ukraine bằng bạo lực của Putin đã hoàn toàn thất bại. Không những thế, chính ông đang có nguy cơ bị đảo chính. Dưới nhãn quan của truyền thông phương Tây, Putin được đánh giá là một người "có nhiều thủ đoạn". Nhưng một người được đào tạo và sống trong môi trường và văn hóa chính trị độc tài như Putin sẽ không ngờ thất bại đến với mình dồn dập nhanh như vậy. Việc Belarus, một nước đồng minh (hay chư hầu) của Nga, không tiếp tay đưa quân vào xâm lược Ukraine đã khiến Putin rất bất bình. Thêm vào đó hạn kỳ bầu cử "dân chủ" các cấp dân cử địa phương và tổng thống Nga đang đến rất gần, nếu không có một thành quả mới thì vị trí lãnh đạo của Putin rất là bấp bênh. Bị quân đội đảo chính cũng là một yếu tố không thể bỏ qua Đó là chưa kể Liên bang Nga có thể bị giải thể, các nước chư hầu như Kazakhstan hay Venezuela buộc phải thoát Nga tìm lối thoát cho mình. Vào thời điểm năm ngoái, có một sự kiện cũng đáng chú ý khác là cuộc đảo chính tại Myanmar dẫn đến sự tái thiết chế độ độc tài quân phiệt. Nhìn vào bề mặt sự kiện thì đây là một thoái bộ về dân chủ. Nhưng chúng ta cũng thấy được sự chống trả quyết liệt của quần chúng với chế độ quân phiệt, bất chấp bị giết hại và cảnh đàn áp đẫm máu. Họ đã có một chế độ dân chủ tồi dở dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi, nhưng đã có đông đảo người, nhất là tuổi trẻ, sẵn sàng chết để bảo vệ nền dân chủ đó. Tương tự Putin chỉ nhìn thấy sự bất mãn của người Ukraine với chính quyền hiện tại: tầng lớp chính trị cũ tham nhũng, thiếu viễn kiến, còn uy tín của tân tổng thống Zelensky trước chiến tranh cũng xuống rất thấp, chỉ trên 20% (thấp hơn cả thời điểm thấp nhất của Putin). Nhưng điều mà cả Min Aung Hlaing và Putin đều không nhìn thấy là quần chúng nhân dân đã đoạn tuyệt với quá khứ độc tài và đang chờ đón một tương lai mới mở ra trước mắt trong, một thể chế dân chủ. Những sinh hoạt dân chủ trong những chế độ vừa thoát khỏi ách độc tài toàn trị có thể còn có nhiều khuyết điểm, chưa tuyệt hảo, nhưng không một người dân nào chấp nhận sống lại dưới chế độ độc tài. Putin đã lầm khi tưởng mang đại quân vượt qua biên giới thì chính quyền dân cử tại Ukraine sẽ đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của nước Đại Nga. Các chế độ dân chủ tuy không hoàn toàn tuyệt hảo nhưng có khả năng tự xét lại và truy tìm một đồng thuận mới để thay đổi xã hội một cách tốt đẹp hơn. Bài học cho Việt Nam Trước làn sóng dân chủ thứ 4 đang ào ạt trở lại, nếu các lãnh đạo chế độ cộng sản Việt Nam vẫn tự tin rằng hiện tại trước mắt họ không có một lực lượng đối lập nào đảng kể, không có một sự chống đối rõ ràng nào từ quần chúng, và vẫn được sự ưu ái của các quốc gia dân chủ là một thái độ hết sức sai lầm. Họ nên học cách nghi ngờ những sự kiện đang xảy ra trên thế giới để tự phán xét mình: những phản ứng và văn hóa mới trong các chế độ độc tài vừa qua có phải là một báo hiệu, một dấu chấm hết của chủ nghĩa độc tài và tương lai chính trị của đảng cộng sản Việt Nam ? Nếu thảo luận một cách nghiêm túc chắc hẳn những đảng viên đảng cộng sản Việt Nam đều hiểu rằng chế độ hiện tại không còn giải pháp lãnh đạo đất nước tương lai. Nhưng nếu hiểu được như vậy, họ cần dũng cảm và quyết đoán để nhanh chóng nhảy lên con thuyền dân chủ an toàn để rời bỏ con thuyền cộng sản đang sắp gặp nạn. Còn với những thành phần có học, có kiến thức ở Việt Nam, hãy tự tìm hiểu đâu là cách hành động đúng đắn để dẫn đưa đất nước đi lên và thoát ách độc tài toàn trị hiện nay. Ưu tư về nhu cầu thay đổi chính trị là một điều đúng đắn. Nhưng các bạn cũng nên dành nhiều ưu tư thường trực hơn cho việc đẩy mạnh và hội nhập vào một văn hóa chính trị mới, mà hành động đầu tiên là loại bỏ văn hóa nhân sĩ học để làm quan, hay phong cách đấu tranh lãng mạn của một người hùng dũng cảm nhưng đơn độc muốn gây tiếng vang trong nhất thời để rồi bế tắt. Các bạn hãy tìm và gia nhập một tổ chức chính trị có một dự án tốt đẹp cho đất nước, để cùng nhau bắt tay xây dựng một tương lai dân chủ bắt buộc phải đến của dân tộc. Rye Nguyễn Nguồn: Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên
......

Nụ cười huyền thoại

Loc Duong Theo thống kê, dân số nước mình hiện nay là gần một trăm triệu, nhưng hình như Thượng đế chỉ ban cho mỗi mình Chu Ngọc Anh một thứ vũ khí sinh học quý giá nhất, đó là nụ cười nịnh. Chu Ngọc Anh (giữa) - Nguyễn Phú Trọng (trái)   Thực tế đã chứng minh, khi Chu Ngọc Anh cười nịnh ai là người đó mê tơi hồn vía. Từ Khuôn mặt nhợt nhạt, gian ác của Nguyễn Tấn Dũng cho tới khuôn mặt hiền hậu nhưng thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng, chỉ cần Chu Ngọc Anh cười nịnh một phát là ai nấy đều hồn phi phách tán, trái tim đang bình thường bổng thổn thức, muốn bay chơi vơi vào khung trời bát ngát những hương hoa của mùi nịnh. Có lần họ Chu nói với vợ : Tao mà nịnh đứa nào là chắc ăn đứa đó. Vợ Chu bảo : Đúng rồi, hồi đó anh giỏi nịnh bố tôi, nên ông cụ mới bắt tôi làm vợ anh, chứ lúc đầu nhìn mặt anh tôi hãi lắm. Nó cứ nhớt nhớt, trơn tuồn tuột như mặt lươn.   Với thứ vũ khí lợi hại như trên, cuộc đời của Chu lên như diều gặp gió. Từ anh cán bộ quèn của Tổng cục Bưu điện, Chu leo dần lên tới ngất ngưỡng ngọn cây : Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Lạ một điều, cứ mỗi lần Chu được cất nhắc lên một chức vụ quan trọng, thì ông Trời lại đánh dấu lên mặt Chu một cái nốt ruồi, như để nhắc nhở Chu ăn vừa vừa thôi, cho dân tình còn thở với.   Nhưng Chu không nghe, hoặc Chu không hiểu được ngôn ngữ của trời cao. Ngồi ghế bộ trưởng, Chu đã sắm được căn biệt thự khủng trị giá cả trăm tỷ, mà Chu vẫn chưa hài lòng. Chu thường phàn nàn với vợ : Bộ KH&CN là bộ nhỏ. Ngân sách nhà nước rót xuống hàng năm cho cả bộ chỉ có 2.777 tỷ, chẳng bỏ bèn gì, không bằng một cái dự án của bộ Giao thông Vận tải hay của thành phố Hà Nội. Vợ mới bảo : Thế sao không đi gặp bác Trọng, ông giỏi nịnh lắm kia mà. Tôi áng chừng thằng Chung con sắp vào tù, ông đi đi kẻo thằng khác nó tranh mất.   Nghe lời vợ, Chu đi tới dinh cụ Tổng với một cốp xe đầy những của ngon vật lạ. Nhác thấy nụ cười huyền thoại của Chu, cụ Tổng tay phải đưa lên ngực như sợ trái tim mình nhảy vọt ra ngoài, tay trái cụ năm lấy cánh tay Chu lắc lắc như ngầm bảo : Được rồi, được rồi, đừng cười nịnh nữa, ta cảm động lắm rồi.   Tháng 9/2020 Chu ngồi vào ghế Chủ tịch UBND/ TP Hà Nội. Ngay hôm sau, trên mặt Chu mọc thêm cái nốt ruồi thứ 5, cạnh khoé mắt phải. Thuộc cấp bảo : Đây là đặc điểm của người lãng mạn. Về nhà, vợ Chu bảo : Ông coi chừng, nốt ruồi xấu lắm.   Mà đúng như thế thật. Ngồi ghế chưa nóng đít, vụ Việt Á bổng tùm lum tùm loe ra. Ban đầu Chu cứ tưởng chỉ có thằng giả ngây giả dại Phan Quốc Việt và hàng chục cán bộ trung cấp, cỡ giám đốc, bị moi ra là đủ để kết thúc vụ án rồi. Ai dè Tô Lâm, từ ngày ăn bò dát vàng bị bò điên nhập hay sao, bổng nổi điên lên, moi ra cho bằng sạch : Tướng quân đội, rồi Thứ trưởng các Bộ lần lượt dính chưởng. Và Chu, cùng với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, mấy ngày trước còn đi thắp nhang khấn vái với nhau cầu cho tai qua nạn khỏi, bị quân của Tô Lâm ập tới bắt, chỉ sau một ngày cả hai bị khai trừ đảng về tội ăn ngập họng để bảo kê cho Việt Á hút máu nhân dân. Chu Ngọc Anh  - Nguyễn Thanh Long (trái)   Ngồi trên xe dẫn giải về trại giam T14, nhớ tới Đinh La Thăng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh cũng đang bị giam ở đây, bất giác Chu nở một nụ cười. Thanh Long ngạc nhiên hỏi : Sao anh lại cười ? Chu bảo : Có Đinh La Thăng đón tiếp tụi mình rồi, không sợ cảnh tù cũ ăn hiếp tù mới. Long lại hỏi : Anh có chắc là Thăng còn nhớ tụi mình không ? Chu cười : Tin tôi đi, tôi nói là có. Nói xong, trong trí của Chu lại hiện lên hình ảnh ngày xưa, Đinh La Thăng đã từng bủn rủn, ngẩn người ra trước nụ cười nịnh siêu việt của Chu.   Loc Duong
......

Tác động của bàn cờ Ukraine sau 100 ngày

Nguyễn Quang Dy -  Viet-Studies   Nga xâm lược Ukraine đã làm cho nhiều người Việt bị sốc, vì Việt Nam có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Khi Nga đã trở thành kẻ xâm lược và tội đồ quốc tế thì Việt Nam khó duy trì cân bằng với cả hai bên, tuy Nga vẫn là nước cung cấp vũ khí chủ yếu để răn đe Trung Quốc. Trong khi đó, bàn cờ Ukraine đang làm đảo lộn trật tự thế giới. Sau hơn hai năm vật lộn với đại dịch corona, các nước phải làm quen và chung sống với một thế giới “hậu Covid”. Nay chiến tranh Ukraine đã vượt qua 100 ngày, các nước cũng phải làm quen và chung sống với một thế giới “hậu Ukraine” và “hậu Putin”. Đó là một thế giới biến đổi khó lường, “trong một kỷ nguyên hoàn toàn mới” (Henry Kissinger). Tác động tới Việt Nam Trước mắt, Việt Nam đang trong tình thế khó xử về ngoại giao, phải đối phó bằng một thái độ lấp lửng để tránh phải lên án Nga trong khi dư luận ủng hộ Ukraine. Tuy Việt Nam hai lần bỏ phiếu trắng về Ukraine và một lần bỏ phiếu chống nghị quyết LHQ loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền (HRC), Việt Nam đã viện 500.000 USD cho Ukraine. Theo Lê Hông Hiệp (ISEAS), “Lập trường của Việt Nam về Ukraine hơi thiếu nhất quán”. Thứ nhất, Nga là đồng minh truyền thống của Việt Nam. Thứ hai, Nga cung cấp cho Việt Nam 80% vũ khí chủ yếu. Thứ ba, Nga là đối tác dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Vì vậy, Hà Nội không công khai lên án Moscow. (PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals, Le Hong Hiep, Fulcrum, May 17, 2022). Trước mắt, Hà Nội vẫn duy trì chính sách “Ba không Một nếu” và chưa sẵn sàng nâng quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược”. Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine là một cơ hội tốt để Việt Nam đánh giá lại quan hệ với Nga. Để đối phó tốt hơn với các rủi ro tiềm tàng, Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí, để giảm lệ thuộc vào Nga. Trừng phạt kinh tế của phương Tây có hại cho cả Nga và các nước khác như Việt Nam, vì kinh tế mở phụ thuộc vào thương mại. Dự trữ ngoại tệ của Nga do 6 nước nắm là Trung Quốc: 17,7 %; Pháp: 15,6 %; Nhật: 12,8 %; Đức: 12,2 %; Mỹ: 8,5 %; Anh: 5,8 %, IMF & BIS: 6,4 %. Các nước (trừ Trung Quốc) đã phong tỏa tài sản Nga (330 tỷ USD). Về nhập khẩu vũ khí Nga, Việt Nam xếp thứ 5 trên thế giới và xếp thứ 1 trong khu vực. Nay Việt Nam phải giảm nhập khẩu vũ khí của Nga. Một là Mỹ có thể áp dụng luật CAATSA với Việt Nam. Hai là Ukraine đã làm cho Nga và Trung Quốc gắn bó hơn. Ba là phụ tùng vũ khí Nga ngày càng khan hiếm, như động cơ cho chiến hạm Gepard. Kế hoạch hiện đại hóa quân đội Việt Nam đã giảm từ năm 2016. Tuy Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí để giảm thiểu rủi ro, nhưng thay thế vũ khí Nga không dễ. Một là ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Hai là vũ khí phương Tây đắt hơn. Ba là hội nhập vũ khí của phương Tây với hệ thống vũ khí của Nga đòi hỏi nhiều thời gian. Theo SIPRI, vũ khí của Nga gồm 6 tàu ngầm Kilo 636; 4 tàu hộ tống Gepard 3.9; 36 chiến đấu cơ đa năng Su-30MK2; 2 khẩu đội tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion, chiếm 7,4 tỷ USD trong số 9,07 tỷ USD (1995-2021), từ 90% (1995-2014) còn 68,4% (2015-2021). Của Israel 13,7%, Belarus 5,7%, Nam Hàn 3,3%, Mỹ 3%, Hà Lan 2,4%. (Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep, Fulcrum, April 4, 2022). Việt Nam và Đài Loan Sau hai tháng tốc chiến (blitzkrieg) thành tốc bại (blitzfail) của giai đoạn một, Nga buộc phải rút khỏi Kiev để tập trung vào phía Đông trong giai đoạn hai. Trong “sương mù chiến tranh” (fog of war) do tuyên truyền và thông tin thất thiệt, chưa có dấu hiệu kết thúc chiến tranh. Graham Allison (Harvard) nói: “kết thúc chiến tranh khó hơn nhiều so với khởi động nó”. (Piercing the Fog of War, Graham Allison, National Interest, March 24, 2022). Do không chiếm được Kyiv, mục tiêu ngắn hạn của Nga là kiểm soát Luhansk, Donetsk, cầu nối với Crimea qua biển Azov, và Kherson ở phía tây Crimea. Để tránh thất bại, Putin có thể dọa dùng vũ khí không thông thường. Tuy lực lượng Nga mạnh hơn Ukraine, nhưng sau 100 ngày vẫn không giành được thắng lợi mà càng sa lầy vào cuộc chiến tranh hao binh tổn tướng. Đến nay, Nga đã mất 1/3 lực lượng và 12 tướng, trong khi Ukraine vẫn đứng vững và từng bước giành thắng lợi, tuy vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Trước khi Nga xâm lược (24/2) tướng Mark Milley (Tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ) cho rằng Kyiv sẽ sụp đổ trong 72 giờ. Nhưng sau ba tháng, Milley đã thay đổi quan điểm và tuyên bố: “các nước lớn không thể xâm lược và hủy diệt các nước nhỏ yếu”. Về kết cục chiến tranh, Milley nói: “người Ukraine sẽ quyết định kết thúc cuộc chiến trong phạm vi Ukraine”. Gần đây, thắng lợi của Ukraine trên chiến trường làm cho nhiều người ở Washington có tâm trạng hứng khởi, muốn tranh thủ cơ hội giáng cho Nga một đòn quyết định. Theo Derek Grossman (RAND), Trung Quốc dễ gây chiến với Việt Nam hơn là với Đài Loan. Trong tương lai gần, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn là Đài Loan. Các “sự cố” xảy ra trên Biển Đông có thể lan tới biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nói cách khác, kịch bản Trung Quốc bắt nạt Việt Nam dễ hơn là với Đài Loan. (Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei, March 21, 2022). Việt Nam và Đài Loan đều đứng trước đe dọa từ Trung Quốc. Diễn biến tại Ukraine sẽ tác động tới Việt Nam và Đài Loan, cũng như diễn biến tại Điện Biên Phủ thời trước đã tác động tới Algeria. Nói cách khác, tương lai của khu vực không chỉ phụ thuộc vào nhận thức về mối đe dọa của Trung Quốc mà còn về răn đe có hiệu quả. (What’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Noah Harari, Economist, February 9, 2022). Bình luận về cuộc tập trận giữa Nga và Việt Nam gần đây, Derek Chollet (cố vấn Ngoại trưởng Mỹ) nói với VOA (29/4): “Hiện nay, Nga là đối tác kém hấp dẫn hơn nhiều so với bốn tháng trước đây” nên “Việt Nam cần đánh giá lại quan hệ với Nga”, và “Mỹ sẵn sàng làm đối tác”. Tuy nhiên vì lợi ích an ninh của mình, Việt Nam không muốn làm mất lòng Nga. Đó là một thực tế mà các nước khu vực vẫn phải cân nhắc, trong đó có Việt Nam. Ấn Độ dương-Thái Bình dương Theo Đại sứ Úc John McCarthy, “Úc sẽ gặp rủi ro nếu không gắn bó với khu vực”. Trong đối ngoại, lập trường về Ukraine được hình thành không chỉ bởi các giá trị phương Tây mà còn bởi lập trường xuyên Đại Tây Dương. Ông cảnh báo: “Về ý thức hệ, chúng ta gần phương tây, nhưng chính sách đối ngoại của chúng ta không nên xa rời khu vực châu Á-Thái Bình dương” và “Chính sách về Ukraine của phương Tây có lỗ hổng chiến lược ở khu vực”. (The Perils of an Atlantic Outlook, John McCarthy, Asialink, 12 April 2022). Anthony Albanese đã trở thành Thủ tướng Úc (21/5). Ông đã đến Tokyo dự họp cấp cao QUAD (23/5). Trước mắt, Chính phủ Công Đảng chắc vẫn duy trì lập trường quốc tế. Sau cấp cao Mỹ-ASEAN (13/5), Tổng thống Biden đã đến Hàn Quốc và Nhật (20-24/5) để họp cấp cao QUAD và công bố “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (IPEF). Biden còn tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan. (Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region, Andrew Restuccia, Peter Landers and Ken Thomas, WSJ, May 24, 2022). Ý tưởng về IPEF đã được Biden đưa ra lần đầu tại Hội nghị cấp cao Đông Á (10/2021). Đây là “tiền đề cho không gian tự do, rộng mở, phát triển bền vững và dung nạp, tạo điều kiện cho các nước cùng hợp tác. Đó là khuôn khổ cho một khu vực hòa bình và thịnh vượng, dựa trên bốn trụ cột quan trọng là thiết lập các quy tắc mới cho tự do thương mại và kinh tế kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác trên chuỗi cung ứng, thiết lập các cam kết mới về biến đổi khí hậu và ngăn chặn rửa tiền hay hối lộ”. (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn Đại sứ Phạm Quang Vinh, 26/5/2022). Nói cách khác, các trụ cột mà IPEF đưa ra mang tính định hướng “theo các nguyên tắc tin cậy, bền vững, xanh, sạch, số, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam”. Tuy đây chỉ là bước đầu, nhưng thời gian tới, chắc chắn các nước sẽ phải chuẩn bị tích cực để chủ động đề xuất ý tưởng của mình, thể hiện lợi ích quốc gia cũng như khu vực. “Trong tương lai, chắc Mỹ phải quay trở lại với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cả về địa chiến lược lẫn địa kinh tế, vì cộng GDP của 13 nước thành viên IPEF sẽ chiếm 40% GDP thế giới”. Trong khi Singapore lên án Nga xâm lược và trừng phạt kinh tế Nga thì các nước ASEAN khác, trong đó có Việt Nam, Indonesia, Malaysia, không lên án Nga. Cuối năm nay, Indonesia sẽ chủ trì họp G-20, Thailand sẽ chủ trì APEC, Cambodia sẽ chủ trì ASEAN và EAS. Nhiều nước không muốn Nga dự các cuộc họp đó, sẽ làm chủ nhà khó xử. Đây là cơ hội tốt để Nhật phát huy vai trò tích cực dàn xếp trong khu vực, vì được tin cậy. (Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War, Huong Le Thu, CSIS, April 22, 2022). Sau khi Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đến thăm Việt Nam (30/4), Hà Nội đã quyết định viện trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 USD. Tuy đây là một khoản viện trợ khiêm tốn, nhưng là một động thái quan trọng chứng tỏ Việt Nam đã điều chỉnh lập trường đúng lúc, trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính đi Mỹ (11-17/5) để họp cấp cao Mỹ-ASEAN (12-13/5). Trong khi chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng tăng cường trước và sau Trung ương 5 (4-10/5), TBT Nguyễn Phú Trọng chắc sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2023 hoặc 2026. Tuy Phạm Minh Chính là một trong hai ứng cử viên hàng đầu để thay ông Trọng, nhưng ông đang đứng trước các thách thức mới sau khi nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn (chủ tịch AIC) bị truy tố ngay trước Trung Ương 5. Tuy quan hệ Mỹ-Việt đã cải thiện trong thời Biden, nhưng lập trường lấp lửng của Hà Nội về Ukraine là một vấn đề. Chuyến đi Mỹ của Phạm Minh Chính là một cơ hội tốt để Hà Nội làm rõ lập trường. Tuy Hà Nội chưa sẵn sàng nâng quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược, nhưng đó chỉ là vấn đề thời gian. Mỹ và đồng minh Theo Biden, Mỹ muốn thấy “Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng, có phương tiện răn đe hiệu quả để bảo vệ mình chống xâm lược”. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí chính xác và hiện đại như tên lửa chống tăng Javelin, và chống máy bay Stinger. Nhưng Mỹ không muốn chiến tranh giữa NATO và Nga, và không muốn trực tiếp tham gia xung đột bằng cách đưa quân Mỹ tới chiến đấu ở Ukraine hoặc tấn công quân Nga. Hiện Mỹ không thấy dấu hiệu Nga có ý định dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Putin đã sai lầm và không ngờ phương Tây đoàn kết và phản ứng mạnh như vậy. (President Biden: What America Will and Will Not Do in Ukraine, Joseph Biden, New York Times, May 31, 2022). Washington đã cam kết giúp Ukraine về lâu dài, trong khi Nga ngày càng bị cô lập và bị phương Tây bao vây cấm vận, sẽ suy yếu như một tội đồ bị thế giới ruồng bỏ. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã đến Kyiv gặp Tổng thống Zelensky và tuyên bố: “Mỹ sẽ đứng bên Ukraine cho đến khi thắng lợi”. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói: “Chúng tôi muốn thấy Nga suy yếu tới mức không thể xâm lược Ukraine”. Tuần trước, Biden đã chuẩn chi tiếp 40 tỷ USD, trong đó có 20 tỷ USD cho viện trợ quân sự. Washington đã viện trợ tổng cộng 54 tỷ USD để Ukraine tiếp tục chiến đấu trong những tháng tới. (What is America’s end game for the war in Ukraine? Felicia Schwartz and Amy Kazmin, Financial Times, May 29 2022). Putin muốn chia rẽ phương Tây và ngăn NATO tiến về phía Đông, nhưng bằng cách xâm lược Ukraine, ông không chỉ giúp phương Tây đoàn kết hơn bao giờ hết, mà còn thúc đẩy Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Trong khi đó, các nước Đức, Thụy Sỹ, và Đan Mạch đã thay đổi thái độ cứng rắn hơn đối với Nga. Tại Ấn Độ dương-Thái Bình Dương, Putin bắt tay với Tập Cận Bình đã làm cho Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, và Hàn Quốc tăng cường liên minh với Mỹ để đối phó bằng cách đẩy mạnh thể chế hóa QUAD, AUKUS và IPRF. Trong khi phương Tây tăng cường liên kết, thì liên minh Nga-Trung vẫn “đồng sàng dị mộng”. Tham khảo 1. What’s at stake in Ukraine is the direction of human history, Yuval Noah Harari, Economist, February 9, 2022 2. Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Derek Grossman, Nikkei Asia, March 21, 2022 3. Piercing the Fog of War, Graham Allison, National Interest, March 24, 2022 4. Will Vietnam Be Able to Wean Itself Off Russian Arms? Le Hong Hiep,Fulcrum, April 4, 2022 5. The Perils of an Atlantic Outlook, John McCarthy, Asialink, April 12, 2022 6. Japan’s Crucial Role in Southeast Asia amid the Ukraine War, Huong Le Thu, CSIS, April 22, 2022 7. PM Chinh Goes to Washington Equal Importance of Foreign and Domestic Goals, Le Hong Hiep, Fulcrum, May 17, 2022 8, Biden’s Asia Trip Shows Challenges in Uniting Region, Andrew Restuccia, Peter Landers and Ken Thomas, WSJ, May 24, 2022 9. What is America’s end game for the war in Ukraine? Felicia Schwartz and Amy Kazmin, Financial Times, May 29 2022 10. President Biden: What America Will and Will Not Do in Ukraine, Joseph Biden, New York Times, May 31, 2022 p align=”justify”>11. Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: Gắn kết Mỹ với khu vực, Tuần Việt Nam phỏng vấn đại sứ Phạm Quang Vinh, 26/5/2022 NQD. 9/6/2022  
......

Trùm cuối trong vụ máy bay giải cứu là ai ?

Thao Ngoc Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng về việc 2 vị bộ trưởng là Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh đã phải tra tay vào còng vì bòn rút mồ hôi xương máu đồng bào trong nạn đại dịch hai năm qua. Thì tướng Tô Ân Xô lại dội một gáo nước lạnh làm những người lạc quan nhất cũng phải xây xẩm mặt mày. Trong cuộc hop báo Chính phủ thường kỳ tháng 5, Tướng Tô Ân Xô cho biết , số tiền lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng mỗi chuyến bay, và thống kê có gần 2.000 chuyến bay giải cứu trong đợt dịch vừa qua. (https://vtc.vn/trung-tuong-to-an-xo-moi-chuyen-bay-giai...) Ảnh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng Trước đó, vào giữa tháng 4, Bộ Công an đã khởi tố và bắt giam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và 2 người khác là Phạm Trung Kiên, Chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế. Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, về tội "Nhận hối lộ”. Trong số những người bị bắt cả trước lẫn sau, có 2 người là đồng hương Nam Định với cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Phạm Bình Minh, là Tô Anh Dũng và Vũ Anh Tuấn. Cục Lãnh sự,: Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng Đầu tháng 9/ 2020, website chính thức của hãng Vietnam Airlines cho rằng mỗi chuyến bay giải cứu người Việt về nước có thể lên đến 10 tỉ đồng/chuyến. Với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nên đây là cơ hội vàng để các quan tham róc rỉa xương thịt đồng bào đang sinh sống nơi xứ người muốn về quê hương đất mẹ vừa tránh dịch vừa đoàn tụ gia đình, họ hàng làng xóm. Ngày 7/12/2021, trong buổi tọa đàm “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế”, có thông tin cho rằng một gói “combo về nước” có giá lên đến 240 triệu đồng. Vì các chuyến bay mang danh nhân đạo và giải cứu đồng bào nhưng bị đớp trắng trợn quá, nên trên nhiều diễn đàn, bà con Việt Kiều chia sẻ kinh nghiệm về nước bằng cách “lách” sang Campuchia. Hành khách bay từ châu Âu về Phnôm Penh chỉ với giá 630 euro, đi ô tô mất 100 euro lên cửa khẩu Mộc Bài, chìa hộ chiếu Việt Nam ra chắc chắn sẽ được vào Việt Nam và sau đó, cách ly 1 tuần ở Tây Ninh là xong. Có những đề xuất để ngăn chặn tình trạng trục lợi giá vé chuyến bay "giải cứu" này, nhưng không được quan tâm. Các chuyến bay combo do các công ty được cơ quan ngoại giao chỉ định thực hiện. Các hãng hàng không được công ty tổ chức thuê vận chuyển, chi phí thu với khách bao nhiêu do các công ty này đưa ra, các hãng hàng không không nắm được chi phí. Có nhiều ý kiến phàn nàn giá vé các chuyến bay nhân đạo đưa công dân về nước cao hơn rất nhiều so với bình thường. Trả lời về việc này, các hãng bay khẳng định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, giá vé cao là do phát sinh nhiều chi phí khác. Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 20/1/2022, khi báo chí đặt câu hỏi việc công dân về nước theo các chuyến bay giải cứu phải trả số tiền lớn, thủ tục khó khăn và nghi vấn có trục lợi từ các chuyến bay "giải cứu"này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Chủ trương đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu và hoàn cảnh khó khăn về nước là chủ trương đúng đắn và nhân đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam. Điều này cần đặt trong bối cảnh trong nước có những thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh”. Ở vế thứ nhất bà Hằng nói đúng, nhưng vế thứ hai là là bao biện. Ngày 27/ 1/2022, Bộ Ngoại giao đã ra quyết định đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ Cục Lãnh sự (gồm: Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng, Chánh Văn phòng Cục Lê Tuấn Anh và Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân Lưu Tuấn Dũng), để phục vụ điều tra. Cùng ngày, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 4 cá nhân nêu trên về tội “Nhận hối lộ” khi xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa Công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Đến tháng 3, bà Nguyễn Diệu Mơ ( Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình) cũng bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc Đưa hối lộ. Ngày 14 tháng 4 năm 2022,thứ trưởng Tô Anh Dũng và đồng bọn phải tra tay vào còng như đã nói trên. Trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải đến đâu? Cơ quan điều tra Bộ Công an có văn bản đề nghị Bộ GTVT cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay “giải cứu” công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Nhưng Bộ GTVT khẳng định không được giao trách nhiệm phê duyệt danh sách công dân, cấp phép cho doanh nghiệp tổ chức chuyến bay “combo”, “giải cứu”. Dư luận vẫn nghi ngờ và đặt câu hỏi về trách nhiệm rất lớn của bộ này. Bộ GTVT với vai trò là cơ quan phối hợp chịu trách nhiệm chỉ đạo Cục Hàng không VN cấp phép bay theo kế hoạch được Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao phê duyệt. Dư luận mong các cơ quan chức năng cần tiếp tục làm rõ vai trò trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT trong việc phối hợp với Bộ GTVT xem xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, “giải cứu”. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 4 /2022, tướng Tô Ân Xô cho biết, hoạt động của các đối tượng trong vụ án này rất tinh vi, số người tham gia đông, phạm vi rộng, cả trong nước và ngoài nước gồm một số cơ quan, ban, ngành trung ương, địa phương, xảy ra trong thời gian dài. Như vậy là cũng như vụ Việt Á, vụ “giải cứu nhân đạo”này cũng được giới đỉnh cao trí tuệ đưa hết mánh khóe bịp bợm và gian manh ra để hút máu đồng bào trong cơn hoạn nạn đại dịch. Dư luận đặt câu hỏi: Ngoài các bộ ngành liên quan như đã nói trên, thì trách nhiệm của các đại sứ quán VN tại các nước có nạn nhân được giải cứu, và đặc biệt là bộ trưởng Phạm Bình Minh, lúc đó là người đứng đầu ngành ngoại giao, có liên quan gì và trách nhiệm đến đâu. Trong số 4.000 tỉ mà các chuyến bay mệnh danh là giải cứu thu về, được chung chi cho những ai, và ai là trùm cuối trong vụ này? Thao Ngoc9/6
......

Nguyễn Công Khế, tên trùm cuối của Việt Á ?

Thanh Hieu Bui   Trùm cuối của Việt Á ?   Ai là trùm cuối của Việt Á và liệu hắn có bị xử lý không?   Đây là câu hỏi lớn nhất mà người dân đang đặt ra với tâm trạng vừa hồi hộp,vừa trăn trở và vừa hy vọng.   Vụ Việt Á là vụ việc phải nói là tính chất quá dã man và tham tàn của những kẻ chủ mưu. Bởi không như những vụ việc tranh giành thị phần, cướp dự án, cướp mối hàng, độc quyền cung cấp hay lấy đất công.   Trước kia vụ án Vũ Nhôm được báo chí quy kết là trùm maphia, hung hãn đe doạ người này, người nọ, kẻ thù của nhân dân.   Nhưng nếu nhìn kỹ thì Vũ Nhôm chỉ đi rình mua nhà công sản với giá rẻ hay lấp vịnh lấy đất làm khu đô thị. Thế mà cánh báo chí tay chân của Phúc Nghẹo đưa Vũ Nhôm thành kẻ tội đồ với nhân dân. Đó chẳng qua Vũ Nhôm là tay chân cũ của Bá Thanh và Đại Quang sau này, đòn thù được các ngòi bút kia tô vẽ Vũ Nhôm thành kẻ tội đồ khủng khiếp.   Vũ Nhôm lấy nhà công sản, nhưng chưa bao giờ vẽ dự án lấy đất nhà, đất nông nghiệp của dân. Chưa có người dân nào tan nhà, nát cửa đội đơn đi kiện những dự án mà Vũ Nhôm làm.   Nhà công sản đó nếu Vũ Nhôm không mua với giá rẻ mạt thì cũng có kẻ khác mua. Chẳng bao giờ đến phần người dân cả. Vụ Vũ Nhôm thực sự là vụ tranh cướp của công mà ra tay với nhau. Các vụ việc khác như vụ Trầm Bê, Trần Bắc Hà đều mang tính chất thanh toán nhau cướp cơ sở làm ăn. Thế nhưng hầu hết các vụ do Phúc Nghẹo khởi xướng này đều chung quy luật là được các cánh bồi bút khai thác giật gân, biến các đối tượng thành những kẻ tội đồ của dân tộc.   Nhưng ở vụ Việt Á thì các bồi bút này dường như không viết gì, một số viết kiểu chung chung quy kết do cơ chế mà ra.   Vụ Việt Á và vụ máy bay giải cứu là hai vụ cực kỳ tàn nhẫn, dã man bởi nạn nhân của hai vụ này là những người dân, trong đó có rất nhiều người dân nghèo. Không phải cứ ai ở nước ngoài bay về Việt Nam đều có tiền cả, có những người đi lao động, đi công tác, đi học, đi thăm thân nhân bị kẹt lại...bản thân khi đi ra nước ngoài họ cũng chi tiêu tiết kiệm từng đồng, thế nhưng những chuyến bay được ca ngợi là nhân đạo đưa họ về như làm ơn ấy lại bắt họ phải trả số tiền lớn gấp 5 đến 7 lần bình thường, để chúng chia nhau. Chị Lan bị cưởng bức xét nghiệm   Bao nhiêu người dân nghèo, người công nhân ở mọi miền đất nước phải móc tiền ra để trả cho cái gọi là xét nghiệm covid, cái thứ được làm không biết ở đâu, trong cái cơ sở chỉ vài chục mét vuông với giá cắt cổ, để rồi phần lớn số tiền đó vào tay bọn quan lại tham nhũng.   Ăn như thế là ăn thẳng từ máu, nước mắt, mồ hôi của dân. Ăn đất, ăn dự án, ăn nọ kia , cướp của nhau chưa đủ. Giờ còn thẳng thừng cướp trực tiếp vào máu toàn nhân dân. Tội của bọn này còn đáng chết ngàn vạn lần tội của kẻ khác.   Nguyễn Công Khế, ông trùm truyền thông quyền lực, kẻ tổ chức thi hoa hậu để cấp gái cho các quan chức cấp cao để đổi lại lấy quyền lực truyền thông mở màn vụ Việt Á bằng bài viết giới thiệu Việt là người đồng hương Quảng Nam đang sản xuất Kit covid và đã gặp những người trọng yếu. Ai cũng hiểu đó là lời nhắn nhủ các bồi bút Khế đã bảo kê, cũng là thông điệp cho các tỉnh thành liệu mà tiếp nhận Việt.   Nếu như Ngọc Trinh chỉ vài lời về lô đất ở cao nguyên mà báo chí rầm rộ kết án thổi bất động sản thì những lời của Khế đáng tội gì mà không báo chí nào dám nhắc đến?   Tội của Khế lớn hơn nhiều, vì Khế còn nhắc đến người trọng yếu. Hơn nữa người có theo Ngọc Trinh mua đất đa số người dư tiền. Nhưng người công nhân, người chạy chợ từng bữa buộc phải bóp bụng mua Kit mà Khế quảng cáo có rất nhiều người nghèo.   Lẽ ra cơ quan điều tra phải triệu tập Khế để làm rõ người trọng yếu mà Khế nhắc là ai, để làm rõ hậu quả tuyên truyền của Khế, cũng như làm rõ chuyện lăng xê cho Việt Á. Nhưng cơ quan điều tra chưa dám đụng đến Khế, bởi đụng đến Khế là đụng đến người trọng yếu, tức tên trùm cuối của Việt Á.   Các bạn nào làm trong các ban ngành, tổ chức đều biết rõ là nếu không có chỉ đạo ví dụ từ gíam đốc xuống, trưởng phòng A không thể tuỳ tiện sang gặp trưởng phòng B để bàn nhau phối hợp công việc, tương tự như thế không thể nào Việt Á được Bộ Kế Hoạch Đầu Tư, Học Viện Quân Y, Bộ Y tế và các địa phương ăn khớp nhịp nhàng cùng Việt Á.   Ai đã chỉ đạo hai vị bộ trưởng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long ngoài thủ tướng lúc đó là Nguyễn Xuân Phúc, chỉ có Phúc mới là nhân vật trọng yếu nhất mà Khế nhắc đến. Chính vì thế nên không ai dám đụng đến bài viết của Khế để hạch tội. Nếu là Vũ Đức Đam chắc hẳn bọn bồi bút của Phúc dưới sự chỉ đạo của Khế đã nghiền nát Đam như kẻ tội đồ dân tộc như đã từng nghiền Đinh La Thăng.   Đến khi nào kẻ cáo mượn oai hùm như Nguyễn Công Khế phải đền tội trong vụ Việt Á này, về lý có lẽ Khế còn cãi tôi viết vu vơ. Nhưng ai cũng hiểu Khế nhận lệnh trên đưa thông điệp cho các tỉnh phải phối hợp với Việt Á. Không xử lý được Khế thì vụ Việt Á này vẫn còn những ức chế trong nhân dân. Có lẽ cơ quan công an phải tiến hành xử lý vụ Khế cướp đấttoà báo bán cho Bùi Thành Nhơn Novaland kiếm lãi ngót nghìn tỷ. Đó cũng là cách trấn an nhân dân, kẻ tội phạm dù tinh vi ở tội này, những sẽ bị trừng phạt ở tội khác. Còn để Khế cướp đất mua nhà bên Mỹ, xây khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam, lăng xê cho Việt Á gây tội, xong Khế thản nhiên mời nhân vật này, nhân vật kia đến khi nghỉ dưỡng của mình phè phỡn, trêu người thiên hạ cũng là hạ nhục công cuộc chống tham nhũng chỉ là trò bắt gà con nào bị bắt con đó có tội.   Nào , bây giờ những kẻ như Osin ca ngợi thủ tướng Phúc là nhà kỹ trị, kiến tạo, liêm chính ở đâu rồi ?   Kẻ kiến tạo tinh vi móc tiền của dân đen trong dịch bệnh, kẽ kỹ trị tài ba đẩy bao nhiêu quan chức cấp dưới phải vào tù, kẻ liêm chính vét túi của dân hàng ngàn tỷ. Kẻ mua chuộc bọn báo chí tay chân ca ngợi ngút trời trong cả nhiệm kỳ 12 vừa qua. Kẻ đó là đương kim chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Cơ chế của đảng CS có thể không được đụng đến Phúc, nhưng con cáo mượn oai hùm như Khế cũng không diệt được, thực sự là thất vọng.   Trong số những quan chức bị bắt vụ Việt Á, có người khóc tức tưởi, có người tự vẫn, vô số kẻ ngậm ngùi vào tù. Họ không oan, nhưng họ có cái niềm riêng uẩn khúc của họ. Ở cương vị họ mà từ chối không mua , không hợp tác với Việt Á là chống lại thủ tưởng Phúc. Nghe theo, làm theo phối hợp với Việt Á thì chịu cảnh tù tội. Cho nên nước mắt của họ là nước mắt của sự ức chế vì vào cảnh bị thế lực Phúc ép phải làm.   Giá như lúc đó họ từ chối, trong lòng họ có người chắc đã nghĩ vậy. Nhưng họ không đủ can đảm, không dám chống lệnh ngầm của phe Phúc Nghẹo, không dám giã từ quan trường để về làm người bình thường. Họ hy vọng thủ tướng Phúc sẽ nắm quyền hoặc chí ít cũng ngăn cản không để họ bị xử tội như thế.   Tội ác của Phúc và Khế gây ra hại biết bao người, cả dân và cả quan chức. Phúc làmn CTN nhởn nhơ đã đành, một tên nhà báo như Khế mà còn nhởn nhơ lúc này khác gì vết bùn ném giữa bức tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái. Hay chăng Khế còn nắm bí mật nào của phe cánh Tô Lâm, những bí mật mà Khế được Phúc, Sang, Trương Hoà Bình gửi gắm làm vũ khí kiềm chế Tô Lâm.   Chắc chắn vậy, nên dường như trong muôn vàn tội mà Khế gây ra, Khế dường như tàng hình trong mắt Tô Lâm và các đàn em.
......

Khi chiếc mặt nạ bị xé toạt !

Ảnh; Chu Ngọc Anh (trái) - Nguyễn Thành Long (phải) Thao Ngoc Vậy là hai trong số những kẻ cầm đầu tổ chức tội phạm trong vụ Việt Á đã bị kỷ luật về mặt đảng. Chiều muộn ngày hôm qua (6/6/2022) đồng loạt các báo đưa tin Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thành Long đã bị hội nghị bất thường ban chấp hành trung ương  (BCH/TƯ) kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi đảng. (https://thanhnien.vn/khai-tru-dang-cac-ong-chu-ngoc-anh...) Việc mới cách nay 1 tháng, vào ngày 04/5 vừa qua, đảng vừa tổ chức hội nghị lần thứ 5 BCH/TƯ mà không đưa vụ này ra giải quyết, mà phải cắt ngang buổi chiều ngày 6/6 của kỳ họp Quốc hội để triệu tập kỳ họp bất thường xử lý vụ này, chứng tỏ để lôi được những con mối chúa này ra khỏi hang ổ không hề đơn giản, mà có lẽ những thế lực ngầm nào đó vẫn gây cản trở, mặc dù vụ này xảy ra từ hơn một năm nay. Khi chiếc mặt nạ che đậy những giáo sư tiến sĩ đạo đức sáng ngời này bị xé toạc, thì người ta thấy bộ mặt thật của chúng chỉ là những kẻ đại lưu manh, là lươn lẹo, là lừa lọc, và có tài luồn lách, càng chúng tỏ chúng rất lỳ lợm. Càng chứng tỏ chúng đang lấy dân làm thớt và những đồng tiền bẩn tanh mùi máu mà chúng kiếm được sẽ “xây đài vinh quang” cho bọn chúng để nhân dân nguyền rủa muôn đời. Một bộ test kit giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra theo giá của bộ y tế là 470.000đ/bộ. Chúng ăn trên mồ hôi xương máu của dân hơn 21 lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ test kit của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để ... bôi trơn chứ. Trong hơn 43.000 người chết vì Covid, không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ test kit dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Công lao bao nhiêu năm chúng rèn luyện và học tập tấm gương đạo đức đều tan biến như bọt xà phòng. Nếu lấy tre Trường Sơn làm bút, nước biển Đông làm mực cũng không đủ để kể tội bọn chúng đã gây ra cho nhân dân ta trong những năm qua. Xem kịch bản của bọn chúng trong vụ này mới thấy được sự gian manh xảo quyệt của chúng: Học viện quân y có nhiệm vụ mở các cuộc hội thảo khoa học để tung hô phẩm chất lừa đảo này lên tận mây xanh. Chu Ngọc Anh không ngượng mồm tuyên bộ rằng kít tes Việt Á được WHO công nhận và cho phép lưu hành, đã có 20 nước đăng ký mua. Chỉ một ngày sau Nguyễn Thành Long cấp phép cho bộ kis này được phép lưu hành, và ra mức giá 470.000/kis, từ đó 62 tỉnh thành trong cả nước mua ào ào. Nguyễn Thành Long còn ra nhiều văn bản hối thúc cả nước tiến hành xét nghiệm đại trà để tiêu thụ kis dổm của Tàu càng nhiều ngàng tốt. Đau nhất là chủ tịch nước đã cấp huân chương cho một công trình lừa đảo của những kẻ lưu manh. Nếu như vụ thuốc ung thư giả của mụ Kim Tiến gây ra, những kẻ gây tội ác chỉ trong nội bộ y tế và cục quản lý dược. Nhưng vụ Việt Á là cả một quá trình lừa đảo có tổ chức và quy mô rộng lớn hơn nhiều. Nó thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng và bài bản của nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan. Công ty Việt Á được thành lập với 3 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 1.000 tỉ, trong đó số cổ phần 3 cổ động sáng lập nắm giữ là 20%. Vậy 800 tỉ đồng còn lại là của những đồng chí nào? Có hay không tập đoàn tội phạm này hoạt động dưới sự điều khiển của cục tình báo Hoa Nam. Và nếu có thì ai là người tiếp nhận, chỉ huy và triển khai kế hoạch này cho học viện quân y, cho Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thành Long? Những Phan Quốc Việt, Nguyễn Thành Long, Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc và các tướng tá trong học viện Quân y chỉ là phần nổi của tảng băng, đã phơi bày công khai trên báo chí lâu nay. Phần còn lại của tang băng đang bị che khuất là những ai, có ông nào to hơn Nguyễn Thành Long và Chu Ngọc Anh không? Khai trừ Khỏi đảng với chúng chỉ là một phần. Linh hồn mấy chục ngàn nạn nhân covit đã phải chết oan uổng vì tội ác của bọn chúng gây ra sẽ không được yên nghỉ nếu như tội trạng của chúng không được trừng trị thích đáng. Kính đề nghị ông chủ lò tôn: Không vì “chống tham nhũng khó vì ta đánh ta”; không vì “đập chuột nhưng đừng đập vỡ bình” mà để bỏ lọt tội phạm là có tội với nhân dân, đặc biệt là những nạn nhân của chúng. Thao Ngoc 7/6 
......

Sự phối hợp nhịp nhàng trong hành động trục lợi

-Đỗ Ngà- - Thế Giới Kpop Một bộ kit test giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra gấp chục lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ kit test của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để ... bôi trơn. Bộ kit test này được quảng cáo là đạt kết quả chính xác gần 100%. Tuy nhiên, thực tế thì bộ kit này khi đem ra dùng cho kết quả rất thiếu chuẩn xác. Rất nhiều người được phỏng vấn lúc thì cho kết quả dương tính lúc thì cho kết quả âm tính khi xét nghiệm trên cùng một bệnh nhân. Trong hơn 43.000 người chết vì covid không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ kit test dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc sẽ gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Người không bệnh nhưng test có bệnh và cho vào nhốt chung với người có bệnh rồi chết. Người có bệnh nhưng test không có bệnh, nên lây cho cộng đồng khiến nhiều người khác nhiễm bệnh chết vv... Những trường hợp nếu nhiễm bệnh mà không chết thì nó cũng làm tiêu hao sức lực và tiền bạc của xã hội rất lớn. Nói chung, bộ kit test dỏm nó gây thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả nhân mạng của dân. Ăn của người dân gần 4000 tỷ rồi còn gieo thêm cái chết và sự mất mát khác, thật sự là tột cùng của tội ác. Trong vụ kit test dỏm của công ty Việt Á, điều đáng sợ không phải là khoản tiền trục lợi, mà sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng giữa các ban ngành để ăn cướp tiền dân. Học viện Quân Y thì dựng lên nhóm nghiên cứu dỏm. Bộ Khoa học – Công nghệ thì thừa nhận kết quả nghiên cứu. Bộ Y tế thì thì ký quyết định sử dụng sản phẩm. Để tô thêm vẻ đẹp cho trò lừa đảo này, Ủy ban Nhân dân TP. HCM còn đề nghị tặng huân chương lao động hạng 3 cho Công ty Việt Á. Cả bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ kế hoạch trục lợi toàn dân sao cho hoàn hảo nhất. Trong bài “Chiêu lùa gà và con dấu mật” tôi đã viết trước đó cũng đã nói lên sự phối hợp nhịp nhàng giữ các ban ngành. Trong trường hợp Mobifone mua AVG, Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nhau ra văn bản trao đổi giữa Nguyễn Bắc Son và Tô Lâm để lùa thương vụ Mobifone mua AVG với giá 9.000 tỷ đồng rồi sau đó ngắt 7000 tỷ đồng tiền lời chia nhau. Nhiều cơ quan kết hợp, mục đích cũng chỉ là để moi tiền nhà nước một cách hoàn hảo nhất. Mà tiền nhà nước thì từ tiền thuế của dân mà ra. Vụ chuyến bay giải cứu cũng vậy. Bộ Giao Thông Vận Tải ra chủ trương rồi chỉ định Vietnam Airlines thực hiện nghĩa vụ, Bộ Ngoại Giao làm nhiệm vụ “gom gà” nhét vào máy bay. Tiền vé được đẩy lên gấp 5 lần giá gốc để trấn lột. Mỗi chuyến bay kiếm khoảng 2 đến 3 tỷ, có tổng cộng 2000 chuyến bay. Vậy nhóm liên minh này kiếm từ 4000 đến 6000 tỷ đồng chia nhau. Đây lại thêm một hình ảnh nữa sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành để trục lợi dân sao cho hoàn hảo nhất. Chiêu trò trục lợi của chính quyền CS nó đã phát triển rất cao. Đây là “những bộ máy trục lợi” chứ không phải là cá nhân trục lợi. Các ban ngành khác nhau đều phối hợp rất nhịp nhàng, có phân công phân nhiệm rất chuyên nghiệp. Con người là chi tiết của bộ máy này, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có bắt người thì bộ máy đó vẫn còn. Vì thế, ông Trọng có bắt bao nhiêu người, về bản chất vẫn không xóa được các bộ máy trục lợi này. Tôi tự hỏi, không biết các các bộ ban ngành của Chính phủ họ đang làm gì nữa? Làm chính sách thì kém hiệu quả nhưng phối hợp nhau trục lợi thì lại vô cùng hiệu quả. Một bộ máy nhà nước như vậy thì họ làm được gì ngoài việc hại dân? -Đỗ Ngà-  Tham khảo: https://www.youtube.com/watch?v=yo4CGTsxAp8 https://www.youtube.com/watch?v=ScmW0cX6zVI https://cafef.vn/gan-2000-chuyen-bay-giai-cuu-moi-chuyen...
......

Lòi mặt chuột

Ảnh: BT Nguyễn Thành Long trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y Tế cho  Nguyễn Thị  Liên Hương Loc Duong Sáng nay, vừa đọc báo buổi sáng xong, đám nhân viên văn phòng Bộ Y Tế, phần lớn là nam, chạy ùa ra quán cà phế xế cửa Bộ, ngồi túm tụm để tán chuyện. Họ chẳng cần phải giữ vẻ khúm núm, sợ sệt như ngày thường. Bởi vì thứ nhất là sếp của họ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hôm nay mắc cở quá không dám vác mặt tới sở. Thứ nhì là báo vừa đăng tin Bộ Chính Trị đã đề nghị Trung Ương Đảng xử lý kỷ luật ông ta và tay chuyên nịnh hót, hửi đít trâu Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ. Cả hai đều là thủ phạm chính, bảo kê cho Việt Á lụm bốn ngàn tỷ trong việc đè nhân dân cả nước ra ngoáy mũi bằng que thử dỏm, nhập lậu từ Trung Quốc. Tòng Thị Phóng (trái) - Chu Ngọc Anh (phải)   Tại quán cà phê, họ tán chuyện hăng lắm : -Bây giờ thì cháy nhà ra mặt chuột rồi.   -Không trách được nền y tế nước mình rách nát, thảm hại như cái áo thằng ăn mày. Hết con mụ bộ trưởng Kim Tiến bắt tay với em chồng bán thuốc ung thư giả cho người bịnh, giờ tới ông nội Long này bảo kê cho Việt Á bán que thử Covid dỏm cho nhân dân cả nước.   -Bộ trưởng y tế kiểu chó gì toàn canh me hút máu nhân dân.   -Vậy mà mấy bố mở miệng ra nói toàn chuyện đạo đức. Ông biết mới hôm qua, lúc trao quyết định bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Y Tế cho mụ Liên Hương, sếp Long nói gì không ? -Nó nói cc gì ? -Sếp khen tân thứ trưởng là một cán bộ nữ trẻ, được đào tạo chính quy, bài bản, đã trải qua một quá trình rèn luyện, học tập theo gương bác. Lúc trao bó hoa cho người đẹp, sếp còn cao giọng khuyên bả phải phấn đấu, rèn luyện tư tưởng đạo đức, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tạo động lực cho ngành y tế vươn lên để phục vụ nhân dân.... -Á đù. Tao mới coi báo thấy Bộ Chính Trị kết tội sếp là suy thoái về tư tưởng chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống. Vi phạm quy định của đảng và pháp luật, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng. -Mẹ! Mới hôm trước còn dẻo mồm xạo xạo, hôm sau đã chuẩn bị đi tù rồi. Tao thấy dàn lãnh đạo nước mình giờ không tin được thằng đéo nào. -Thì vậy. Cứ như những thằng hề trong một vở hài kịch giễu dở. Thua hề Hoài Linh xa lắc...   Trong lúc bọn nhân viên đang hăng say bàn tán thì tại ngôi biệt thự riêng của Bộ trưởng, sếp Long đang nằm dài người như xác chết trên ghế sô pha, hồi hộp tự hỏi mai mốt không biết mình có xộ khám không, hay chỉ bị cách chức thôi. Thỉnh thoảng ông lại thở hắt ra và thều thào hỏi vợ :   -Xong chưa bà ?   -Chưa. Cái giống này khó khâu lắm, nó cứng quá.   Thì ra bà vợ đang ngồi cặm cụi khâu cho ông ta cái mặt nạ bằng mo cau, để có việc gì ra đường ông còn có cái mà đeo cho bớt nhục.   Loc Duong
......

Putin và các mốc thời gian

ẳnh Putin Phúc Lai GB   Ngày 24 tháng Hai năm 2022, lực lượng vũ trang Liên bang Nga gồm quân của cả lục quân, đổ bộ đường không và lính thủy đánh bộ cùng hàng trăm xe tăng, cả nghìn cỗ pháo từ ít nhất ba hướng tràn vào lãnh thổ Ukraine. Gần như tất cả chúng ta đều bàng hoàng và sửng sốt trước sự kiện đó, mà sau này người ta còn bình luận cuộc chiến tranh sẽ làm thay đổi toàn bộ thế giới từ thập niên thứ ba trở đi…   Sự bàng hoàng làm cho chúng ta ít người nhớ đến một chi tiết, nhất là nó lại bị chìm lấp sau một thứ hoành tráng hơn bao nhiêu lần là Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Rất nhiều người lính Nga, cái buổi tối ngày 23 tháng Hai, chỉ trước ngày tấn công có vài giờ chắc chắn là bữa ăn tối mừng ngày Lễ cuối cùng của họ. Ngày 23 tháng Hai năm 1919 như lịch sử nước này kể lại đã được đánh dấu cuộc tổng động viên đầu tiên trong lịch sử đất nước để bảo vệ chính quyền Xô-viết. Sau này, ngoài việc nó đường gọi là “Ngày quân đội và Hải quân Xô-viết” nó còn trở thành Ngày Bảo vệ Tổ Quốc và “Ngày lễ đàn ông.”   Vì thế ngoài sự đồn đoán liên quan đến nhắn nhe của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là “chỉ được tấn công sau khi Thế vận hội kết thúc,” thì dù thế nào người Nga cũng phải để cho binh lính của mình ăn xong cái Lễ đã, và như trên đã viết, với nhiều người lính bữa ăn đó y như một “bữa ăn ân huệ” và hôm sau cái chết đã chờ đợi sẵn họ trên đất Ukraine.   Đến mãi cả tháng sau này, có nhiều người vào hoạnh họe tôi dưới những bài viết của mình bằng các “comment” rằng họ không thấy Nga tuyên bố là sẽ chiếm Ukraine, hoặc đánh bại nước này, hoặc gì gì đó… trong vòng 72 giờ ở đâu cả. Thú thực là tôi cũng không thấy nó được tuyên bố ở đâu cả, nhưng những thông tin về người lính Nga trong lần tấn công đầu tiên của mình vào Ukraine ngày 24 tháng Hai, chỉ mang theo lượng đạn và thức ăn đủ cho ba ngày hoặc là chuyện một viên tướng Nga nào đó chết trận mà trước đó lưu truyền một câu chuyện là anh ta đã nói với lính của mình: “Chỉ ba ngày là xong tất.”   Có thể giải thích là họ, những người lính Nga không có khái niệm gì nhiều về số ngày, hoặc giả họ hi vọng nhân dân Ukraine sẽ tiếp đón họ bằng bánh mì và họ sẽ tiếp tục được “nuôi”… bao nhiêu ngày không quan trọng với họ, chỉ thấy tất cả từ binh đến sĩ đến tướng, đều quá tự tin vào một chiến thắng chóng vánh. Vì vậy họ đưa vào Ukraine một quân số và lượng thiết bị kỹ thuật hoành tráng về số lượng nhưng hóa ra bần cùng về chất lượng chuẩn bị, và nhanh chóng thất bại khi vấp phải sự chống trả quyết liệt của người Ukraine.   Thật ra, cái mốc “3 ngày” là có căn cứ của nó: cũng trong những ngày đó cách đây 8 năm, nước Nga của Putin xâm lược Ukraine lần thứ nhất. Trong hai ngày 22 và 23 tháng Hai, ông ta triệu tập bộ sậu chóp bu họp suốt đêm về sự kiện Euromaidan đang diễn ra ở nước láng giềng và tổng thống nước này đã bị phế truất. Tất cả diễn ra chóng vánh, chỉ… ba ngày sau tính từ 24 tháng Hai, ngày 27 tháng Hai năm 2014 quân đội Nga (bịt mặt, không đeo phù hiệu) đã tiếp quản Hội đồng tối cao (quốc hội) của Crimea và chiếm được các địa điểm chiến lược trên khắp Crimea.   Trong quân sự không hiểu sao người ta rất thích những cú đánh, những trận tấn công “ba ngày”, như thế là cả khởi động lấy đà, cao trào và hạ nhiệt cùng dọn dẹp trọn vẹn trong vòng một tuần, “quá đẹp cho một chiến dịch hạn chế.” Đến Khổng Minh còn hỏi Chu Du “Mượn gió đông ba ngày đủ không?” và Chu Du thì trả lời thế là quá đủ cho trận Xích Bích “một mớ lửa đốt trăm vạn quân Tào”.   Những ngày khó khăn nhất của cuộc chiến, khi xe tăng Nga ầm ầm tiến sát về phía thủ đô Kyiv của Ukraine, chúng ta vẫn vững tin là Ukraine sẽ thắng và họ chiến thắng thật, một chiến thắng không cần phải bàn cãi. Bây giờ nếu nói lại rằng “làm gì có chuyện xác định ba ngày, làm gì có những mục tiêu chiếm Kyiv và Kharkiv, làm gì có chuyện tiêu diệt hoặc xóa sổ chính quyền của Zelensky…” chỉ là những lý lẽ chống cự yếu ớt của giới cuồng Putin. Người hiểu biết người ta sẽ thấy nực cười vì những thương vong quá lớn của quân Nga trên chiến trường, hoặc cú đổ bộ thọc sâu bằng lực lượng lính dù vào sân bay Hostomel (Antonov) ngày 25 tháng Hai (2022) “mang lại” thương vong cho đến cả nghìn binh lính. Ấy thế mà trong hoàn cảnh đó, đã trót màu mè thì vẫn cứ phải son phấn, kế hoạch kỷ niệm đã lên thì vẫn cứ phải làm – Putin vẫn phải xuất hiện giữa công chúng (mà người ta đồn đoán là hàng giả, ít nhất về video và số lượng “cổ động viên” trên khán đài) nhân kỷ niệm 8 năm ngày “Crimea về với đất mẹ.” Nhân nhắc đến cái “về với đất mẹ” này, mỗi lần đọc trên tường nhà ai đó pro-Nga họ háo hức rủ nhau xem cái phim tài liệu của Nga về sự kiện này, tôi lại thấy buồn nôn. Chưa bao giờ lại có kiểu hào hứng với hành vi ăn cướp ở mức độ quốc gia như thế, và lại là hào hứng ở mức độ cộng đồng số đông.   Nhưng chúng ta không được quên, trước đó hơn chục ngày, ngày 4 tháng Ba là ngày đánh dấu kỷ niệm 10 năm Putin nắm quyền Tổng thống nhiệm kỳ thứ ba. Chuyện này liệu có đáng nói chăng? Rất đáng nói – nếu nó được đặt vào trong một tổng thể diễn biến của cả một quá trình. Putin được Yeltsin đặt lên ghế Tổng thống bằng quá trình: bổ nhiệm thủ tướng (một quái dị của chính trị mà Tổng thống bổ nhiệm thủ tướng, Quốc hội là cái đinh rỉ), Putin làm thủ tướng được ba tháng trong năm 1999. Sau đó ông ta làm quyền Tổng thống để Yeltsin chuẩn bị “về nghỉ,” và chính thức làm tổng thống thông qua bầu cử vào năm 2000. Trải qua hai “nhiệm kỳ 4 năm” kiểu cũ và qua tiếp một bước đệm tráo vai với D. Medvedev, ngày 4 tháng Ba năm 2012 Putin chính thức quay trở lại với ghế Tổng thống “nhiệm kỳ 6 năm” kiểu mới đầu tiên.   Trong hai nhiệm kỳ đầu, nước Nga trong giai đoạn phục hồi “hậu Yeltsin,” Putin đã ký một loạt các luật liên quan đến cải cách kinh tế tự do: chẳng hạn như áp thuế thu nhập đồng đều ở mức 13%, giảm thuế lợi tức… Ngoài ra các bộ luật dân sự và đất đai mới cũng được ban hành. Trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo ở Nga đã giảm hơn một nửa và thực tế GDP đã tăng lên nhanh chóng. Nhưng cũng chính trong cỡ hơn một năm cuối cùng của “giai đoạn đầu tiên” này, người ta đã nhận thấy manh nha có một cái gì đó hình thành, mà sau này nó được đặt tên là “Chủ nghĩa Putin” (“Putinism”) – khoảng cỡ năm 2007.   Chúng ta sẽ không đủ thời gian và khuôn khổ bài viết cũng không cho phép để đi sâu vào cái gọi là “Chủ nghĩa Putin” này, nhưng có thể hình dung là nó bao gồm tư tưởng bành trướng kết hợp với chủ nghĩa Đại Nga, thuyết không gian sinh tồn cho người Nga và các dân tộc phụ thuộc, xây dựng một tinh thần phục hưng tự tôn của người Nga dưới tư tưởng của Chính thống giáo kết hợp với các hình tượng Xô-viết, tất cả được bảo đảm bằng một phương pháp hiếu chiến dựa trên một lực lượng vũ trang mạnh mẽ, kho vũ khí khổng lồ với sức mạnh răn đe hạt nhân.   Về kế hoạch và các bước thực hiện cụ thể có rất nhiều, ví dụ như một số hành động xâm chiếm bằng phương pháp hoặc cứng, hoặc mềm hoặc hỗn hợp các vùng đất xung quanh mà họ vẫn coi như là của Nga từ mấy trăm năm qua: Ukraine, các nước vùng Trung Á, Ukraine, Belarus, Moldova… và cả ba nước vùng Baltic cũng sẽ chung số phận. Nếu Châu Âu vẫn tiếp tục chia rẽ, NATO vẫn tiếp tục suy yếu và Mỹ vẫn tiếp tục bận bịu với những kế hoạch vụn vặt sau thất bại ở Afghanistan, thì sự phục hồi thành công của Đế quốc Nga là điều gần như chắc chắn.   Có một số ý kiến cho rằng, nếu như cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine lần này mà kết thúc thắng lợi cho nước Nga, người ta đã có kế hoạch tung ra một chiến dịch tuyên truyền cho cái gọi là “Kỷ nguyên mới của Putin” gắn liền với sự phục hưng của Đế chế Nga, và Putin sẽ đi vào lịch sử như một hoàng đế vĩ đại, hoàng đế của sự chinh phục – người cũng sẽ tròn 70 tuổi vào tháng 10 năm 2022 này. Kỷ nguyên này sẽ bắt đầu vào ngày 13 tháng Tư năm 2012 và nó sẽ được kỷ niệm 10 năm vào năm nay. Đáng tiếc, kế hoạch này đã không thành công chỉ vì sự kiên cường của người dân và lãnh đạo Ukraine. Đó là lý do mà chuyện kỷ niệm 10 năm gắn với “pi-a” (PR) cho “Kỷ nguyên mới” cũng bị ỉm đi luôn, thật là đáng thương.   Trong bài “Chiến thắng lịch sử của Putin” ( http://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../chien-thang... ) tôi đã viết về việc trong thời gian tại vị của ông này, các lễ kỷ niệm Chiến thắng phát-xít cứ ngày càng được tôn vinh dần lên đến mức thần thánh hóa… Khi đặt vào bối cảnh của cuộc Chiến tranh Nga – Ukraine 2022, một lần nữa ngày 9 tháng Năm lại được trông chờ, như một cái mốc nhưng thay vì nó sẽ hoành tráng nhờ chiến thắng huy hoàng, năm nay người ta chờ xem Putin có tuyên bố… tổng động viên hay không. Đến đây chúng ta quả thực thấy nực cười, sau hơn hai tháng đánh nhau, “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà đúng nghĩa là chiến tranh, đã đi vào ngõ cụt đến mức khả năng phải tổng động viên và đặt đất nước vào tình trạng chiến tranh, đã là hiện thực.   Một đất nước diện tích lớn nhất thế giới, có quân đội thứ hai thế giới, có trữ lượng dầu khí hàng tốp mấy thế giới, lại có ngày sa lầy ở với một đối thủ thứ hai mươi mấy thế giới về quân đội, thua kém nhiều lần về cả diện tích lẫn quy mô nền kinh tế.   Đã nhắc đến “Chủ nghĩa Putin” trong đó có sự phục hồi và sử dụng các biểu tượng Xô-viết dẫn đến sự khẳng định về kế hoạch của Putin: không thể dừng lại trước khi họ thu hồi được phần lớn các vùng đất của Liên Xô cũ. Có thể kế hoạch lớn này sẽ không thể trước thời điểm cuối năm nay, nhưng “Chiến dịch Ukraine” là một phần quan trọng, hay nói chính xác là “mắt xích quan trọng nhất” trong chuỗi các chiến dịch.   Nếu chiến thắng ở Ukraine, thì ngày 30 tháng Mười hai năm nay nước Nga sẽ kỷ niệm hoành tráng sự kiện “Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết tròn một thế kỷ” và Putin sẽ đăng đàn tuyên bố về một Liên bang mới trong đó có Nga và các thành viên còn lại của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), Ukraine, Moldova… Trong thời gian từ sau “Chiến thắng Ukraine” đến thời điểm đó, chắc chắn sẽ diễn ra quá trình vừa dụ dỗ vừa ép buộc của Putin với các nước này, nếu không nghe thì lại… “chiến dịch quân sự đặc biệt” tiếp! Năm 2023 sẽ là “năm của Azerbaijan, Georgia và Uzbekistan” và nếu thuận lợi sẽ đến lượt ba nước Baltic: Lithuania, Latvia và Estonia sẽ “lên thớt.”   Xin nói thêm, Azerbaijan tham gia CSTO năm 1994, rời khối năm 1999; Georgia tham gia năm 1994, rời năm 1999 và Uzbekistan tham gia lần thứ nhất năm 1994 rời lần thứ nhất trong giai đoạn năm 1999 – 2006, lần tham gia thứ hai năm 2006 và rời khối năm 2012. Có thể nói, năm 2022 là năm “trọng đại không thể tưởng tượng được” với kế hoạch của Putin với những mốc quá “tuyệt vời” cho hoạt động tuyên truyền. Tuy nhiên, lúc này đây cuộc chiến của ông ta đã cán một mốc khác, cái mốc 100 ngày (hôm qua, 3 tháng Sáu) và quân đội của ông ta vẫn chỉ tiến được vài chục cây số ở Donbas. Người ta tính là họ chỉ tiến được 10km, còn tôi thì vốn muốn giải thích có lợi cho đương sự, thôi tính cho họ hẳn 40km đi cho những người Pro-Putin thoải mái tư tưởng. Bây giờ thì cũng không rõ với tình thế chiến trường như hiện nay thì họ có thể chiếm được những cái gì, tiến được đến đâu nữa.   Trước mắt người Nga hiện nay, chẳng còn cái mốc thời gian nào được tính – nếu lôi chuyện “100 năm Liên Xô” ra mà kỷ niệm với tròm trèm 110.000 đến 120.000 thương vong ở chiến trường Ukraine, quân đội mất số lượng xe tăng rất lớn đến mức lôi đồ cổ ra đánh nhau, kho dự trữ thê thảm đến mức vay của đệ tử Lukashenko về dùng, thì chỉ làm trò cười cho thế giới. Vì thế, may ra chỉ còn cái mốc “Ngày nước Nga 12 tháng Sáu” là còn khả dĩ cho họ: cố chiếm thêm lấy một thành phố nào đó, trụ lại và hùng hồn ầm ĩ ra tuyên ngôn chiến thắng. Từ sau đó trở đi, diễn biến chiến trường như thế nào, chiến tranh kết thúc ra sao… sẽ phụ thuộc vào người Ukraine.   #bình_loạn_của_phúc_lai Bài trên Nhịp cầu thế giới tại đây: http://nhipcauthegioi.hu/.../PUTIN-VA-CAC-MOC-THOI-GIAN... Bài trên Fanpage tại đây: https://www.facebook.com/thelastvagabond/posts/2272348879570232 Bài trên Blog tại đây: https://www.nguoilangthangcuoicung.net/.../putin-va-cac... Bản tin chiến sự của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tại đây: https://www.facebook.com/thelastvagabond/posts/2272195279585592  
......

„Chỉ có một con đường duy nhất để ra khỏi cuộc chiến tranh này“

  Ảnh: Edward Luttwak · Von Mladen Gladić - Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch „Nước Đức đã gây ra cuộc chiến tranh này“: Edward Luttwak Các chính trị gia phương Tây cần tuyên bố ủng hộ chiến thắng của Ukraine. Nhưng điều đó là không thể, chuyên gia về các vấn đề chiến lược Edward Luttwak nói. Vũ khí hạt nhân của Putin không phải là lý do duy nhất cho điều này. Trong một cuộc phỏng vấn, Luttwak giải thích, tại sao đáng ra chỉ có nước Đức mới có thể ngăn chặn cuộc chiến tranh này, điều gì có thể kết thúc cuộc chiến tranh này vào thời điểm. Tại sao Olaf Scholz và bộ trưởng quốc phòng của ông ta lại kiên quyết từ chối nói về một chiến thắng của Ukraine trước Nga? Bất cứ ai nói chuyện với Edward Luttwak (79 tuổi), chuyên gia về các vấn đề chiến lược về chủ đề này đều nhận ra rằng điều này không phải chỉ do Putin có đầu đạn hạt nhân. Luttwak là một trong những nhà lý luận quân sự được kính nể nhất trên thế giới. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Arad, Romania, năm 1942, và lớn lên ở Ý và Anh. Tại đây, ông theo học Trường Kinh tế London và được đào tạo quân sự cơ bản trong Quân đội Anh. Luttwak đã giảng dạy ở Bath, Anh, cũng như tại các trường Đại học Johns Hopkins và Georgetown ở Hoa Kỳ. Cuốn “Lý thuyết đảo chính” của ông, xuất bản năm 1968, đến nay vẫn được giảng dạy trong các học viện quân sự trên khắp thế giới, cũng như cuốn sổ tay Strategy: The Logic of War and Peace (1987) của ông. Năm 1997, cùng với ba đối tác kinh doanh, ông đã mua 17.000 ha đất ở vùng Amazon thuộc Bolivia, nơi ông dành toàn bộ tâm sức cho việc chăn nuôi gia súc hữu cơ. Die WELT: Thưa ông Luttwak, trong một bài đăng trên tờ “Frankfurter Allgemeine Zeitung” mới đây Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã viết: “Nếu Kiew thất thủ hoặc nếu Ukraine bị thua trận, thì không ai có thể bị đổ lỗi vì điều đó.” Morawiecki nói rằng hãy tin vào một chiến thắng của Ukraine. Chính xác thì điều gì đã thay đổi và người ta, theo ông , có thể đặt cược vào chiến thắng của Ukraine lúc này không? Edward Luttwak: Tôi sử dụng Twitter vì Twitter có chức năng ngày tháng. Các vị nên xem tài khoản twitter của tôi, các tweet đề ngày 23, 24, 25 tháng hai. Khi đó tôi đã nói xác suất chiến thắng của Nga bằng không. Các vị cũng sẽ tìm thấy các dòng tweet giải thích lý do tại sao cả FSB của Nga và CIA ở Washington đều tin vào một kịch bản trong đó Zelenskyy bỏ trốn và chính phủ sẽ tan rã. Nếu không có tổng thống và chính phủ, người Ukraine thậm chí sẽ không tham gia cuộc chiến. Các tweet của tôi đã bác bỏ thẳng thừng kịch bản này. Trước khi cuộc xâm lược bắt đầu, tôi đã nói người Nga thật điên rồ khi xâm lược đất nước lớn nhất châu Âu với một đội quân rất nhỏ. Sau đó, vào ngày 25 tháng 2, tôi nói rằng Putin là tay chơi poker thận trọng, ông ta đã thắng Nam Ossetia, Abkhazia và Crimea mà không tốn một viên đạn nào, giờ đã bước lên bàn roulette và đặt cược tất cả vào một con số. Ông ta sẽ thua. Cuối cùng, tôi giải thích lý do tại sao các tướng lĩnh Hoa Kỳ và giới quân sự Nga, trong các trò chơi chiến tranh của họ, đã quên rằng chiến đấu với những người châu Âu yêu nước khác với đánh nhau với những kẻ theo chủ nghĩa bè phái và cuồng tín ở Iraq, Afghanistan hay Syria mà người Mỹ và người Nga đã từng trải qua. Vì vậy, tôi không tán thành khi Morawiecki nói rằng điều đó không thể dự đoán được. Mọi chuyện đều rất rõ ràng. WELT: Chỉ vì những người Ukraine không phải là bọn theo chủ nghĩa bè phái, cuồng tín mà là những người yêu nước? Luttwak: Người ta gọi đó là hội chứng chiến tranh thuộc địa. Điều đó đã xảy ra trước đây. Năm 1914, người Bỉ, người Pháp và người Anh đã có rất nhiều kinh nghiệm chiến đấu trên khắp thế giới. Là một quốc gia tham chiến, người Đức khi đó vẫn còn là trinh nữ. Phải mất khoảng sáu tháng để các đội quân khác nhau nhận ra rằng kinh nghiệm thuộc địa còn tồi tệ hơn nhiều so với việc thiếu kinh nghiệm. Vì nó dẫn đến sự điên rồ. WELT: Rất nhiều người không nghĩ rằng Nga sẽ thua trong cuộc chiến này. Bây giờ thì khác, ở Đức, thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng của ông ta đang bị áp lực từ mọi phía, để tuyên bố rằng họ tin tưởng vào một chiến thắng của Ukraine. Luttwak: Đầu tiên bên đó có phe thất bại. Họ muốn sơ tán Zelenskyy. Sau đó, trong vòng vài tuần, đã xuất hiện phe chiến thắng. Phe này hiện diện mạnh mẽ ở nhiều nơi, chẳng hạn như ở London, Ba Lan và Estonia. WELT: Ông cũng liệt kê cả một bộ phận thuộc nhóm Green của Đức trong số lực lượng "Lobby" này, như ông từng gọi họ như vậy khi đăng tải trên tờ "UnHerd" cách đây mấy hôm. Luttwak: Theo tôi, những người này cũng có ảo tưởng. Các ông biết đấy, Davos, đã có thời từng là nơi diễn ra các cuộc họp mặt quan trọng. Từ nhiều năm nay Davos đã biến thành một cái chợ của những kẻ giả danh, lừa bịp. George Soros đã nói ở Davos: "Chiến đấu cho đến khi giành được thắng lợi". Và Henry Kissinger cũng đã nói ở đó: "Hãy từ bỏ". Điều đó cho thấy rằng hai con người này đáng ra nên ngồi ở nhà. Họ thực ra đã hết thời rồi. WELT: Ý ông là gì? Luttwak: Những người vận động cho thắng lợi đáng ra rất có lý nếu có ai đó biết cách đảo ngược sự phát minh ra vũ khí hạt nhân. Đây có lẽ là một nghệ thuật rất cần thiết. Chỉ có điều chúng ta không kiểm soát được chúng. WELT: Ông tán thành Jürgen Habermas, người gần đây đã viết kình địch với một cường quốc hạt nhân để giành chiến thắng là không thể? Luttwak: Đã có những thắng lợi trong cuộc chiến chống lại một cường quốc hạt nhân: Việt Nam đã đánh bại Hoa Kỳ. Nhưng không có chiến thắng nào trước một cường quốc hạt nhân mà không cách xa vạn dặm. Người Mỹ đã bị tống cổ khỏi Việt Nam. Và tất nhiên họ đã bị đánh bại ở Afghanistan. Thực ra họ không bị đánh bại ở Iraq. Nhưng ví thử nếu có một cuộc chiến ở Mexico liên quan đến người Trung Quốc, người Nga hoặc bất kỳ ai khác, người Mỹ sẽ không thể bị đánh bại. Họ cũng không thể rút lui về biên giới của họ và xem các cuộc diễu binh của kẻ thù đã giành chiến thắng. Habermas lẽ ra phải nói rằng không có chiến thắng nào trước một cường quốc hạt nhân của một lục địa, của Á-Âu mà không thể lên máy bay và tàu thuyền và cao chạy xa bay hàng vạn dặm. WELT: Vũ khí hạt nhân không phải là thứ duy nhất khiến Nga trở nên bất khả chiến bại? Luttwak: Điều kỳ lạ và lạ lùng ở Nga là ngay cả khi nước này không có vũ khí hạt nhân, thì Ukraine cũng không thể đạt được chiến thắng theo nghĩa quân Nga buộc phải rút lui hoàn toàn, thậm chí có thể rời khỏi Crimea. Người Nga là quốc gia châu Âu lớn nhất. Mặc dù tình hình nhân khẩu học rất tệ, vẫn có hơn 114 triệu người trong số họ. Họ là người thuộc dân tộc Nga, tất nhiên, Liên bang Nga có nhiều người hơn. Đặc điểm về vị trí địa lý của Nga và thực tế là ngay cả dù mạnh hay yếu, Nga vẫn hiện diện ở Viễn Đông, Trung Đông, Bắc Cực cũng như ở Biển Đen, chỉ riêng điều đó đã khiến điều này hoàn toàn không thực tế. Để cuộc chiến này kết thúc, phải được sự đồng ý của Tổng thống Liên bang Nga. Ông ấy phải chấp nhận cái kết này. WELT: Tổng thống này có nhất thiết phải là Putin không? Luttwak: Vâng, tất nhiên có thể có một Tổng thống mới của Liên bang Nga. Có lẽ nên có một tổng thống khác. Nhưng đây là những suy nghĩ viển vông. Nó giống như tưởng tượng rằng người Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine như là với Iraq hoặc Syria hoặc một trong những nơi mà bạn chỉ cần đạp cửa để xông vào. WELT: Làm thế nào để có thể kết thúc cuộc chiến tranh này, khi một trong hai bên dường như không thể giành thắng lợi? Luttwak: Chỉ có một lối thoát cho cuộc chiến này và duy nhất chỉ có một cánh cửa trong hành lang này: người Nga phải chấp nhận các cuộc trưng cầu dân ý thực sự ở Donetsk và Luhansk, không phải do họ tự tổ chức và thực hiện, mà là những cuộc trưng cầu với hàng nghìn thanh tra. Theo quy định của năm 1919. WELT: Ý ông là như thế nào? Luttwak: Năm 1919 có rất nhiều người cùng đinh (Plebiszite), từ Malmedy ở Bỉ đến Đan Mạch, Ba Lan và Hungary. Các quy định về thủ tục năm 1919 nói rõ ai có thể bỏ phiếu và người đó đăng ký sự hiện diện của mình với các quan sát viên trung lập. Không phải bốn hoặc năm, mà là hàng nghìn ở khắp mọi nơi, khiến cho việc gian lận là không thể. Và điều này bất chấp những điều kiện hoàn toàn không thể tưởng tượng nổi vì Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc, nó đã gây ra thiệt hại to lớn ở khắp mọi nơi và dịch cúm lại đang hoành hành và cướp đi sinh mạng của nhiều người. Ngoài ra, một số nước có liên quan lại là những nước mới xuất hiện 100%, như Ba Lan. Hungary cũng là một quốc gia mới được độc lập. Tuy nhiên, các cuộc trưng cầu dân ý với những người cùng đinh đã diễn ra mà không xảy ra sự cố. Người ta ngừng đánh nhau. Ngay cả ở Silesia, nơi mọi người chém giết lẫn nhau, những người dân cũng kết thúc các cuộc giao tranh. Vì vậy, đây là một cái gì đó đặc biệt chứ không phải một cái gì đó chung chung như bất kỳ một cuộc trưng cầu dân ý nào, giống như người Nga đã làm ở Crimea. WELT: Tại sao lại là dân cùng đinh? Luttwak: Để Putin có thể nói: “Tôi đã giành được điều gì đó cho người dân Nga. Bởi vì trước đó họ là tù nhân, những người dân Donetsk và Luhansk khốn khổ, cùng đinh. ”Và ngay cả Ukraine cũng không thể từ chối cách tiếp cận dân chủ như vậy. Ukraine cũng không thể từ chối cho mọi người một sự lựa chọn. Theo tôi, đây là cách duy nhất để thoát khỏi cuộc xung đột này, và đó là quan điểm của tôi từ những ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh này. Thật là hoang đường khi cho rằng có thể đánh bại được nước Nga, đó là điều không thể. Những gì người ta có thể làm được là mang lại cho Putin một thắng lợi nho nhỏ. WELT: Làm thế nào để có thể thuyết phục Nga tham gia một cuộc bỏ phiếu như vậy? Luttwak: Người ta có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn mà người ta mong muốn bằng cách dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhưng có thể khôi phục các lệnh trừng phạt đó nếu người Nga khai hỏa. WELT: Chẳng hạn như những biện pháp trừng phạt nào? Luttwak: Ví dụ, người ta có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt Swift. Điều đó có thể được thực hiện chỉ bằng một cuộc điện thoại. Cũng giống như áp đặt nó trở lại. Đúng vậy, hầu hết mọi người ở Nga hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến này, vì Nga tự sản xuất lương thực, thực phẩm và có các nguồn năng lượng riêng. Và không ai quan tâm đến việc những người này nghĩ gì. Không giống như đối với người dân ở Moscow. Họ phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, bạn biết đấy, thời buổi này thật u ám, thật đen tối. Tất cả các cửa hàng sang trọng đều đóng cửa. Không có rau xanh từ Hà Lan ở trong các siêu thị. Không chỉ giới tinh hoa cầm quyền, mà toàn bộ Moscow đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Cả Petersburg nữa. Ngay cả ở Omsk: Tôi đã đến Omsk một lần vào lúc 6 giờ sáng và nơi duy nhất để ăn là nhà hàng McDonalds. WELT: Vậy đối với Selenskyj? Lý do gì ông ta lại đồng ý để người cùng đinh bỏ phiếu? Luttwak: Selenskyj không thể nói không về chuyện này. Khác với đề nghị của Kissinger, một đề nghị hoàn toàn không thực tế. WELT: Henry Kissinger đề nghị Ukraine nhượng bộ một phần lãnh thổ của mình để có hòa bình. Tại sao điều đó lại là không thực tế? Luttwak: Zelenskyy hoàn toàn không có thẩm quyền cho các bộ phận lãnh thổ của Ukraine. Ông ấy là một Tổng thống được bầu, nhưng ông ta không có quyền hạn như vậy. Không ai có thể thực hiện đề xuất kết thúc chiến tranh bằng cách tặng chiến thắng cho Putin sau thất bại của lực lượng của ông ta. Những lực lượng này đã bị đánh bại, và do đó ông ta không thể tuyên bố đã chiến thắng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Người ta không thể đánh bại nước Nga, nhưng người ta cũng không thể buộc Ukraine phải đầu hàng. WELT: Huy động dân cùng đinh liệu có thể là một rủi ro quá lớn cho cả hai bên tham chiến? Luttwak: Giải pháp phải là một cuộc trưng cầu dân ý. Thực tế là kết quả của cuộc lấy ý kiến của bàn dân thiên hạ không chắc chắn không làm cho nó kém đi chút nào. Điều đó làm cho nó tốt hơn lên. Bởi vì cả hai bên đều có thể hy vọng nhập cuộc và sau đó xuất hiện kết quả. Mà kết quả là kết quả. Mọi người có thể ra về. WELT: Ý tưởng của ông có gì khác so với Minsk 1 và Minsk 2, vốn đã thất bại do sự kháng cự của cả hai nước? Luttwak: Minsk 1 và Minsk 2 thuộc về một thời xa xưa, về thời kỳ đồ sắt hoặc thời trung cổ. Minsk 1 và 2 đã bị xóa sổ bởi chiến tranh. Và tại Minsk 1 và 2, không có cơ chế trung lập nào để chịu trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo của cả hai bên tranh chấp. Trong một cuộc lấy ý kiến bàn dân thiên hạ họ không cần phải nói rằng họ đang từ bỏ Donbass. Putin cũng không cần phải nói rằng ông ấy từ bỏ Kherson. WELT: Thế còn với Crimea thì sao? Luttwak: Đó là ngày 24 tháng 2 và hiện trạng trước là chủ đề của một cuộc trưng cầu dân ý như vậy. WELT: Ai sẽ đàm phán tất cả những điều này? Luttwak: Để đưa điều này vào cuộc cần phải có một cuộc thảo luận chung. Đó là lý do tại sao tôi dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Ý tưởng này cần phải trở thành chủ đề của một cuộc thảo luận, nên để nó trở thành một bộ phận của các cuộc trao đổi. Phải tạo ra một bầu không khí để những người có trách nhiệm có thể nghĩ về nó và nói: “Tại sao chúng ta không kết thúc cuộc chiến này bằng một cuộc trưng cầu dân ý thông qua những người cùng đinh?” Xét cho cùng thì Zelenskyy là Tổng thống đắc cử của Ukraine. WELT: Và Putin là một nhà cai trị độc tài với đầu đạn hạt nhân. Luttwak: Putin là Tổng thống được bầu của Liên bang Nga. Những người gọi ông ta là nhà độc tài là xúc phạm ông ấy . Bối cảnh lựa chọn ông ấy có hoàn hảo không? Không, nhưng ông ấy là một Tổng thống được bầu. Vì vậy, bất cứ ai bầu ra một tổng thống không nên chống lại người dân bỏ phiếu cho đất nước họ. WELT: Ông có đề cập đến những người lobby cho thắng lợi, họ không chấp thuận đình chiến. Họ cũng từ chối trưng cầu ý dân? Luttwak: Ý tưởng về một cuộc trưng cầu ý dân chưa mở rộng đến mức tạo ra lực lượng đối lập. Tôi ủng hộ ý kiến này, nhưng tôi chỉ là một người thấp cổ bé họng, tôi đang cố gắng để yêu cầu này được chấp thuận. Đề xuất này hoàn toàn mới. Không có ý kiến phản đối vì nó chưa thực sự được khởi xướng. Các vị biết đấy, tôi không phải là người bán bảo hiểm hay đại loại như vậy. Đó là lý do tại sao tôi không xuất hiện ở Davos để trình bày ý tưởng của mình. Là một nhà chiến lược, tôi sẽ không bao giờ nói về bất cứ điều gì sẽ xảy ra. Nhưng tôi có thể nói với bạn một điều khác, đó là không có lối thoát ra khỏi cuộc chiến nếu cánh cửa mà bạn có thể gọi là của một cuộc trưng cầu dân ý bị đóng lại. Và kể từ khi vũ khí hạt nhân xuất hiện, chúng ta đã học được rất nhiều điều. Ví dụ, chiến tranh có thể diễn ra mãi mãi. WELT: Bất kể một sự phản đối nào đối với một lệnh ngừng bắn đều là sai? Luttwak: Một cuộc trưng cầu dân ý yêu cầu đình chiến vì mọi người phải lái xe đi lòng vòng để phân phát các lá phiếu và để bỏ phiếu v.v. Ý tưởng này là về một hiệp định đình chiến có ý nghĩa về chức năng. Hành lang lobby cho chiến thắng là một chuyện. Đây là những kẻ muốn đánh bại hoàn toàn Nga và lật đổ Putin. Nhưng những người phản đối lệnh ngừng bắn có thể phản đối vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có những lý do chính đáng. WELT: Thí dụ? Luttwak: Ví dụ, nếu lúc này người ta ký một hiệp định đình chiến không phải để trưng cầu dân ý, người Nga sẽ giữ tất cả các lãnh thổ mà họ đã chinh phục. Và điều đó rất không mong muốn bởi vì điều đó có nghĩa là một người nào đó bắt đầu chiến tranh và chiến đấu rất tệ vẫn có thể giành được rất nhiều lãnh thổ. Sẽ là phi logic nếu chấp nhận một lệnh ngừng bắn như vậy. Việc chấp nhận trưng cầu ý dân và đòi hỏi phải đình chiến là hoàn toàn logich. WELT: Điều nào sẽ không dẫn đến việc Nga tiếp quản lãnh thổ Ukraine mà họ đã chinh phục? Luttwak: Nếu người Nga chấp nhận ý tưởng trưng cầu dân ý vào sáng mai, điều đó có nghĩa là từ bỏ các khu vực họ kiểm soát ở Zaporizhia và Kherson. Thời điểm họ chấp nhận trưng cầu ý dân, họ đã tự động từ bỏ mọi yêu sách đối với lãnh thổ bên ngoài Donbass. WELT: Ông đánh giá như thế nào về hành động của Thủ tướng Đức ? Ông ấy hầu như không thuộc nhóm vận động hành lang cho chiến thắng. Luttwak: Tôi e rằng sự khẳng định lập trường của Thủ tướng Đức và những thông điệp của ông ấy chỉ nhằm nhấn mạnh đến sự khôn ngoan thông thường, rằng người Đức có nhiều tài năng trong nhiều lĩnh vực từ âm nhạc, công nghệ, chế tạo xe hơi, bất cứ thứ gì khác chỉ ngoại trừ chiến lược. Họ không biết gì về chiến lược. Có một người Đức hiểu vấn đề này hơn bất kỳ ai trong lịch sử. Đó là Bismarck. Bismarck quả là một con người siêu phàm! Còn sau Bismarck thì Đức nổi tiếng là tồi về chiến lược. Ý tưởng về chiến lược của Scholz thật kỳ lạ và không hay. Có hai điều mà ông ta đã làm. Một là ông ấy đã làm chủ tịch của một đảng chia rẽ trong một liên minh chia rẽ. Có lẽ ông ấy đã làm khá tốt phần đó. Về điều này tôi không có ý kiến. WELT: Thế còn phần mà ông có ý kiến? Luttwak: Đó là ông đã có một lập trường chiến lược sai lầm vào ngày 23 tháng Hai. Nếu hôm 23 tháng 2 ông ấy nói Đức sẽ dừng Nord Stream 2, rằng nước Đức sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, rằng Đức sẽ cho phép Estonia cung cấp đại bác cho Ukraine khi Nga xâm lược Ukraine, thì Putin rất có thể đã không tấn công Ukraine. Vì Putin rất chú ý đến nước Đức. Chính Đức đã gây ra cuộc chiến này. Chính thái độ của người Đức đã khiến cuộc chiến này có thể xảy ra. Vì vậy, đây là một thất bại lớn về chiến lược của Đức . WELT: Ông thấy có bao nhiêu ý đồ ở đàng sau điều này? Luttwak: Lời bào chữa của Olaf Scholz, khi ông ta phải đối mặt với tòa án lịch sử, sẽ là, ông ta đã bị chính các cơ quan tình báo đánh lừa. Họ đã lừa dối Putin và cả người Mỹ. Tại sao ông ta lại gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức khi người Nga sẽ giành chiến thắng trong vòng 24 giờ? Nhưng điều đó cũng có nghĩa cơ quan mật vụ Đức cũng thất bại. Khi các cơ quan tình báo Mỹ sai, không thể đổ lỗi cho họ vì họ luôn luôn sai. Họ thậm chí đã dự đoán rằng sẽ có sự kháng cự dữ dội ở Kabul và không có chuyện Taliban giành chiến thắng, dù là năm nay hay năm sau. Vì vậy, họ luôn luôn sai lầm. WELT: Và các cơ quan mật vụ của Đức? Luttwak: Nước Đức lẽ ra phải được biết đến nhiều hơn. Như tôi đã nói, nếu chính phủ Đức vào ngày 23 tháng hai đã nói những gì họ đã nói vào ngày 25 tháng Hai, thì sẽ không có chiến tranh. Tín hiệu mà Đức đưa ra trước cuộc chiến đã bật đèn xanh cho Putin. Đức có tầm quan trọng, có ý nghĩa trung tâm với Nga. Đức có một vị trí nhất định trên thế giới. Hãy chỉ gọi vị trí này là "A". Và sau đó Đức có một vị trí ở Nga. Và đó là một nhân ba "A." "A" cho lũy thừa của ba. Và nếu chính phủ Đức đã nói nếu ông tấn công Ukraine, dù chỉ với khẩu súng lục Parabellum chín mm, chúng tôi cũng sẽ ngăn chặn Nord Stream hai và chúng tôi sẽ ngăn chặn nhiều thứ khác nữa, thì người Nga sẽ không dám tấn công. WELT: Còn ai có thể ngăn cản được cuộc chiến tranh này? Luttwak: Chính phủ Ý nói gì, chẳng ai quan tâm. Còn với người Anh, họ luôn tạo dáng và nhảy tâng tâng lên. Rất nhiều người bỏ qua, không để mắt tới mấy cái trò đó. Nếu chính phủ Đức nói rằng sẽ không có Nord Stream 2 và họ sẽ ngừng mua khí đốt nếu người Nga xâm lược Ukraine, thì người Nga đã không xâm lược Ukraine. Hệ thống chính trị Đức đã không hiểu điều đó. Tôi thấy điều đó đáng chú ý. Bởi vì người Bồ Đào Nha không thể làm được điều đó. Người Pháp không thể làm được. Chỉ có Đức. Von Mladen Gladić - Nguyễn Xuân Hoài chuyển dịch     Nguồn; Strategie-Experte Luttwak: „Der einzigen Weg raus aus diesem Krieg“ - WELT  
......

Phản biện ý kiến của ông Đỗ Ngà

GS Nguyễn Đình Cống - Tiếng Dân Vừa rồi ông Đỗ Ngà công bố bài báo “Nên dẹp bỏ Quốc hội.” Đó là một ý kiến khá hay, thể hiện một cái nhìn và đánh giá đúng về Quốc hội, đưa ra một đề xuất dũng cảm. Ông viết: ‘Thực ra nhà nước CS chả khác nào nhà nước phong kiến. Mà nhà nước phong kiến thì chả cần Quốc hội họ vẫn điều hành đất nước theo cách của họ. Nhà nước CS cố lập ra ‘Quốc hội’ để làm gì? Chỉ để cho có vẻ khác phong kiến. Chỉ vậy thôi. Trong Quốc hội này, hễ ông/bà nào biết luật sai thì lại không nhiệt tình sửa lại theo quyền lợi dân, mà ai không biết luật thì phát biểu ngây ngô cho có. Vậy thì duy trì Quốc hội làm gì? Nên dẹp đi cho đỡ tốn tiền dân. Ai mà chả biết nó vô dụng?” Tôi đồng ý với ông Đỗ Ngà là Quốc hội hiện nay vô dụng, nhưng chỉ vô dụng đối với dân và đất nước, nhưng lại hữu dụng đối với đảng thống trị. Họ rất cần một Quốc hội gồm những nghị sĩ theo cơ cấu, một phần là các nghị gật, một phần gồm những kẻ ngây ngô. Một Quốc hội như vậy chỉ tiêu tốn tiền của dân một cách quá lãng phí. Trên thế giới từng xảy ra một số trường hợp Quốc hội không đủ năng lực, bị giải tán để dân bầu ra Quốc hội mới. Cần dẹp bỏ, giải tán những Quốc hội kém năng lực, bù nhìn. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì mới đạt được một nửa yêu cầu. Sau khi dẹp bỏ được cái Quốc hội làm cảnh với nhiều nghị gật thì phải tiếp tục vận động, đấu tranh để cử tri bầu ra được những người thực sự đại diện cho trí tuệ của dân tộc. Đó là một cách tích cực của việc dân chủ hóa đất nước trong hòa bình. Ông Đỗ Ngà đã có một nhận xét rất đúng rằng nhà nước cộng sản và nhà nước quân chủ, phong kiến có cùng bản chất. Nhưng ông chưa vạch ra điều khác biệt cơ bản. Nhà nước quân chủ có Chính danh, họ cai trị với phương châm Quang minh chính đại. Họ tự nhận là độc tài, có toàn quyền cai trị, họ không có nhu cầu dối trá để che đậy bản chất. Cộng sản có cùng bản chất với chuyên chế nhưng lại tìm mọi cách che đậy, mà một trong những cách đó là tạo nên nền dân chủ hình thức, giả hiệu bằng những biện pháp giả danh, dối trá. Ông Đỗ Ngà cho rằng Cộng sản lập ra Quốc hội cho có vẻ khác phong kiến. Đúng là cho nó có vẻ khác, nhưng không phải chỉ có thế mà họ nhằm thực hiện mưu đồ dối trá, lừa phỉnh rằng “Ta đây dân chủ gấp nhiều lần bọn tư bản.” Xin hỏi, dân tộc, đất nước có còn cần dân chủ hóa hay không? Nếu không cần thì xóa bỏ Quốc hội bù nhìn là xong một chuyện. Khi mà dân chủ hóa vẫn còn là nguyện vọng, vẫn còn là yêu cầu của nhân dân thì sau khi xóa bỏ được Quốc hội bù nhìn phải làm sao bầu chọn ra được một Quốc hội đủ năng lực. Rất hy vọng ông Đỗ Ngà và những người nặng lòng với đất nước sẽ có những suy nghĩ và đóng góp cho công việc quan trọng này. GS Nguyễn Đình Cống  
......

Biden gửi một thông điệp cho Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: Susan Walsch/ AP Asia Sentinel Tác giả: David Brown Song Phan, chuyển ngữ - Báo Tiếng Dân Bộ tứ và Đối tượng Tình cảm Dù tòa Bạch Ốc vội vã cố gắng ‘sửa chữa’ điều mà ông Joe Biden muốn nói trong phát biểu ngày 23 tháng 5, nhưng ý nghĩ của ông rất rõ ràng: Nếu Trung Quốc cố tìm cách xâm lược Đài Loan trong khi ông là Tổng thống Mỹ, thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Bối cảnh phát biểu cũng không kém nổi bật hơn lời của ông Biden. Phát biểu được đưa trong một cuộc họp báo ở Tokyo sau khi ông ấy gặp Fumio Kishida, Thủ tướng mới của Nhật, và vài ngày trước đó với tổng thống mới của Nam Hàn, Yoon Suk-yeol. Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Nhật Kishida cũng đã gặp nhau trong Hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ với Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ và thủ tướng mới của Úc, Anthony Albanese. Có phải ông Biden vừa bị tình bạn thân thiết hớp hồn? Hoặc, với cuộc phiêu lưu của Nga ở Ukraine trong đầu, Tổng thống Mỹ đã kết luận rằng, đã đến lúc phải xua tan ảo tưởng của Bắc Kinh, rằng các nước dân chủ có thể đứng sang một bên nếu quân Trung Quốc được tung ra qua eo biển Đài Loan? Biden là một đấu thủ trong bàn cờ tranh luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong nhiều thập niên. Sau khi lắng nghe nhiều tranh luận không thuyết phục, dường như ông kết luận rằng, đã đến lúc cần củng cố một sự đồng thuận mới về việc đối phó với tham vọng của Trung Quốc. Nhóm chuyên gia lớn tuổi của Mỹ về Trung Quốc ‒ những người từng là phụ tá Henry Kissinger thời ông ấy đàm phán với Chu Ân Lai về quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh ‒ đã vội vàng tỏ ra hối tiếc về tuyên bố của Biden.  Một người trong số đó nói: “Hầu như tất cả những ai biết những lãnh đạo Trung Quốc, đều tin rằng, việc kết thúc tình trạng mơ hồ chiến lược ‒ nghĩa là việc Hoa Kỳ cam kết bảo vệ Đài Loan một cách tường minh ‒ là động thái gây chiến (casus belli). Chuyên gia này có thể đúng.  Những kẻ chuyên quyền như Vladimir Putin và Tập Cận Bình có xu hướng liều lĩnh hơn, khi mọi thứ không suôn sẻ. Niềm tin rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác quyết tâm tham gia bảo vệ Đài Loan trước cuộc tấn công vũ trang, có thể có tác dụng ngược, thúc đẩy Bắc Kinh tiến hành tấn công trước khi Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương tìm cách giảm thiểu khả năng thành công của cuộc xâm lược đó. Đài Loan cần được hiểu là một ví dụ cho tất cả những gì mà các nhà dân chủ tỏ lòng ngưỡng mộ, một nền dân chủ sôi động và đang lớn mạnh.  Giống như Ukraine về nhiều mặt, Đài Loan thể hiện tinh thần dân tộc cao. Cho đến vài năm qua, có thể bỏ ngoài tai những lời Trung Quốc đe dọa sẽ chinh phục đảo quốc ngoan cố này; Trung Quốc chưa đủ lực để làm việc đó. Hoặc có thể lập luận rằng, chế độ ở Bắc Kinh cũng không muốn để thành quả của ‘phép màu kinh tế’ của họ bị nguy hiểm. Tuy nhiên, giờ đây, mối đe dọa đó có thể sờ thấy và hiện thực. Chế độ Tập Cận Bình đã nuốt chửng Hồng Kông, mở rộng quyền thống trị thực tế trên biển Đông, cưỡng ép người Duy Ngô Nhĩ Hán hoá và khoe khoang rằng, vào năm 2027, họ sẽ có các nguồn lực quân sự “thông minh hóa” cần có để buộc Đài Loan phải khuất phục. Họ đã bơm nhân dân tệ vào quá trình hiện đại hóa quân sự và hải quân, cảnh sát biển và không quân của họ hiện chiếm ưu thế ở vùng biển bên trong ‘chuỗi đảo đầu tiên’. Những đe dọa ngày càng trở nên hiện thực của Bắc Kinh trong việc phá vỡ hiện trạng, việc phô trương sức mạnh về quân sự và kinh tế của họ, là những điều khiến Hoa Kỳ lo ngại.  Cánh ‘diều hâu’ quốc phòng hiện chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận của Washington về ‘Trung Quốc trỗi dậy.’ Họ biện luận cho việc đầu tư lớn vào các khả năng ‘chiến tranh phi đối xứng’ mà Ukraine đã sử dụng để chống lại quân xâm lược Nga. Việc triển khai sự trợ giúp khiến Đài Loan có khả năng phòng thủ cao hơn trước một cuộc tấn công từ đại lục có thể có tác dụng ngược: Tức là thúc đẩy Bắc Kinh hành động, trước khi lợi thế của họ bị xói mòn.  Những khoảnh khắc căng thẳng đang ở phía trước, và rất có thể xảy ra các cuộc đụng độ vũ trang. Sự lo lắng đã lan tràn khắp tầng lớp quản lý thậm chí từ lâu hơn ở Nhật Bản, đối tác và đồng minh cốt yếu của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tokyo phụ thuộc vào Mỹ trong việc đứng lên chống lại Trung Quốc và chắc chắn vẫn đứng vững với điều đó. Nhận thức được sức mạnh kinh tế và khát vọng chiến lược của Trung Quốc, Tokyo đã đem tư thế “chỉ tự vệ” sau Thế chiến Thứ hai của nước này chôn cất tử tế dưới mồ. Điều vốn gây tranh cãi vào năm 2015 là việc Quốc hội chấp nhận quyền của Nhật Bản tham gia vào ‘việc tự vệ tập thể’, bao gồm cả hành động chung với các đối tác trong khu vực, hiện nhận được sự ủng hộ vững chắc của công chúng. Một tư thế phòng thủ ủng hộ Đài Loan rất phổ biến với công chúng Nhật Bản từng một thời có tiếng thích hoà hoãn: Một cuộc thăm dò của Nikkei vào tháng 4 năm 2021 cho thấy, 74% số người được hỏi, ủng hộ sự can dự tích cực của Nhật Bản đối với ‘sự ổn định ở eo biển Đài Loan’. Cảm giác đó được đáp lại ở Đài Loan, nơi có 58% số người được hỏi đến trong một cuộc thăm dò khác cho biết, họ tin rằng lực lượng Nhật Bản sẽ đến giúp Đài Loan chống Trung Quốc xâm lược. Nhận thức của các nhà quan sát Đông Á hiện nay về các lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chuyển mạnh về hướng coi Tập Cận Bình và các cộng sự thân cận là những người thất thường và sợ rằng họ có thể bỏ lỡ cơ hội tốt nhất của Trung Quốc ‒ là thời điểm hiện tại ‒ trong việc sửa chữa mọi tổn hại Trung Quốc bị bắt phải chịu trong quá khứ.  Việc duy trì sức mạnh và sự gắn kết của liên minh Hoa Kỳ với Nhật Bản và, ở mức độ nào đó với Nam Hàn, trong bối cảnh này hết sức phụ thuộc vào việc trông thấy phản ứng khẩn cấp của chính quyền Biden trước những bằng chứng cho thấy, Trung Quốc của Tập Cận Bình đang có ý định chiếm Đài Loan. Các quốc gia Đông Nam Á đã do dự trong việc tham gia, mặc dù những gì xảy ra với Đài Loan chắc chắn sẽ có những tác động trực tiếp, to lớn đến Đông Nam Á và các tuyến đường vận tải biển quan trọng ở biển Đông. Câu trả lời của Tổng thống Biden cho một câu hỏi có vẻ ngẫu nhiên, do đó cũng là một lời cảnh tỉnh đối với Singapore, Manila, Jakarta và Kuala Lumpur: họ đang bị thách thức trong việc lựa chọn, liệu có thể trở thành chư hầu của Bắc Kinh như Phnom Penh, hoặc thay vào đó, nên nắm cơ hội để liên kết với Quad. Đe dọa của Trung Quốc đối với hiện trạng vừa dễ thấy, vừa hiện thực, và phản ứng của Hoa Kỳ và Nhật Bản được cho là phù hợp, có thể vừa đủ để làm cứng hơn cái xương sống có tiếng mềm dẻo của ASEAN. Ít nhất, các quốc gia Đông Nam Á có phần ở biển Đông có thể cùng giải quyết với nhau các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ và sau khi làm như vậy, thể hiện rõ việc họ bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đòi thống trị vùng biển chung này. Đặc biệt, Hà Nội có rất nhiều lý do để khiếp sợ ‘Giấc mộng Trung Hoa’ của Tập Cận Bình. Việt Nam nằm gần Trung Quốc một cách khó chịu, trước đây từng là nước triều cống và gần đây là đối tượng của cả một cuộc chiến tranh biên giới dai dẵng, lẫn sự xâm phạm của Trung Quốc trên EEZ của họ. Nếu Hà Nội liên kết với Bộ Tứ, họ có thể mong đợi nhiều trợ giúp trong việc nâng cao khả năng phòng thủ vốn đáng kể của mình và có lẽ cả trong việc kiểm soát các mỏ dầu khí ngoài khơi. Liên kết công khai chống chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc sẽ được công chúng Việt Nam vô cùng yêu thích. Cuộc phiêu lưu ở Ukraine của Putin đã khiến sự phụ thuộc trước đây của Hà Nội vào Nga về hệ thống vũ khí và huấn luyện trở nên bấp bênh. Vài ngày trước khi Biden tiến vào Đông Á, nhà phân tích Derek Grossman của RAND lập luận rằng, “Đài Loan không phải là Ukraine của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hãy thử thay bằng Việt Nam”.  Quan điểm của ông là, Việt Nam không những không có đồng minh chính thức mà còn “thua xa Trung Quốc qua mọi thước đo [quân sự] có thể hình dung được” và do đó, so với Đài Loan, Việt Nam là mục tiêu nhẹ nhàng hơn cho tham vọng của Trung Quốc. Thật vậy, việc liên kết công khai với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác có khả năng hấp dẫn hơn đối với các nhà lãnh đạo Việt Nam so với trước đây. Thực tế, chính quyền Biden đang tha thiết đề nghị Hà Nội tham gia với họ trong một ‘quan hệ đối tác chiến lược’. Hà Nội có thể có những bước đi nhỏ. Ví dụ, họ có thể liên kết với Quad trong tư cách một quan sát viên. Tuy nhiên, phe giáo điều chiếm ưu thế trong Bộ Chính trị không tin chắc vào động cơ của một siêu cường luôn quấy rầy họ về nhân quyền phổ quát. Tuy nhiên, mọi thứ dường như đang trở nên khó khăn hơn, việc không đứng về phía nào có vẻ vẫn là chủ trương tốt hơn đối với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội. ______ Tác giả: David Brown là một nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã nghỉ hưu và là một cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel. Ông có nhiều bài viết về các vấn đề chính sách công ở Việt Nam. Bản dịch này đã được ông Brown chỉnh sửa, dành cho độc giả người Việt, có thể có vài chi tiết khác với bản tiếng Anh.  
......

Nghị trường Quốc Hội Việt Nam trở thành sân khấu tấu hài

Việt Tân Cứ đến hẹn lại lên, mỗi năm đến lúc Quốc hội họp là nhân dân trên cả nước lại được phen bàn tán như xem hài. Kỳ họp thứ 3 Quốc hội CSVN khóa XV khai mạc vào ngày 23 Tháng Năm, 2022, dự kiến bế mạc vào ngày 16 Tháng Sáu, mới qua được nửa kỳ họp, người dân Việt Nam đã được chứng kiến nhiều màn tấu hài rất hấp dẫn do các ngài nghị gật biểu diễn trên nghị trường. Các màn phát biểu rất ngây ngô, tấu hài như: Bộ trưởng, Tiến sĩ Trần Hồng Hà đề xuất biến cánh đồng, sân vận động, trường học thành bể chứa để chống ngập. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung thì cho rằng chồng suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo cũng là bạo lực gia đình. Đại biểu Lê Minh Nam: Về nhà vợ hay chồng không nói gì cũng có thể xem là bạo lực gia đình. Rồi còn có nhiều màn biểu diễn đặc sắc như: nhìn gợi tình là quấy rối t.ình d.ục, nào là “Thay vì nâng cấp những nơi còn yếu lên cho nó mạnh thì ta làm sao cho những nơi mạnh kéo cho nó yếu xuống, thì lúc đó là nó đồng đều hết đó”. Điều này cho thấy Quốc Hội Việt Nam không phải đi họp như những quốc gia dân chủ khác mà họ đang đi tấu hài, diễn hài. Họ ngồi trên ghế quốc hội lấy danh nghĩa là đại diện cho dân nhưng không hề tìm ra những biện pháp khắc phục những t.ệ n.ạn đang còn tồn đọng trong đất nước, và tìm kế sách để quốc thái dân an. Những phát biểu của họ không nhằm đóng góp nghiêm túc để sửa đổi, canh tân luật pháp cho hoàn chỉnh hơn mà chỉ kéo đất nước thụt lùi và lạc hậu và hình ảnh đất nước ngày một xấu hơn. Năm 2013, chi phí cho một ngày họp Quốc Hội là 1 tỷ đồng, tính ra mỗi phút 1 họp tiêu tốn 2 triệu đồng/phút. Quốc Hội khoá 14 vừa qua có 11 kỳ họp, còn khoá 15 hiện nay mới có 4 kỳ họp, mà giá của 2022 chắc không dừng lại ở con số 1 tỷ đồng/ ngày họp, chắc phải gấp đôi cỡ 2 tỷ mới đủ. 2 tỷ, đây là số tiền không phải lớn nếu các cuộc thảo luận đi đến quyết định xử lý những vấn đề quan trọng mang lại lợi ích cho nhân dân, cho quốc gia. Nhưng số tiền này lại là rất lớn nếu phiên họp Quốc hội không giải quyết được vấn đề đó mà chỉ biết tấu hài. Không chỉ có Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV này mới có nhiều màn tấu hài như vậy, mà tại các ký họp trước đây, luôn có những “kịch sĩ” trình diến những màn tấu hài miễn phí cho các vị ĐBQH và nhân dân xem. Việt Nam đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để diễn trò bầu cử và bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi ngày để họp trong suốt 47 năm qua và có lẽ ở những kỳ họp sau, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn. Vì khi mà những vị ĐBQH này không phải do người dân tự do lựa chọn bầu lên, mà họ được “đảng cử”, thì người dân Việt Nam sẽ còn được chứng kiến những khối óc của giời “đỉnh cao trí tuệ” tiếp tục trình diễn. Diễm Quỳnh
......

Tổng thống Biden những gì Hoa Kỳ sẽ làm và không làm’ ở Ukraine

- Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden - Cuộc xâm lược mà Vladimir Putin nghĩ rằng sẽ chỉ kéo dài vài ngày, nay đã bước sang tháng thứ tư. Người dân Ukraine đã khiến nước Nga ngạc nhiên và truyền cảm hứng cho thế giới với sự hy sinh, gan dạ và thành công trên chiến trường của họ. Thế giới tự do và nhiều quốc gia khác, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã đứng về phía Ukraine với sự hỗ trợ chưa từng có về quân sự, nhân đạo và tài chính. Với cuộc chiến tranh còn đang tiếp diễn, tôi muốn nói rõ về mục tiêu của Hoa Kỳ trong những nỗ lực này. Mục tiêu của Hoa Kỳ rất đơn giản: Chúng tôi muốn thấy một Ukraine dân chủ, độc lập, có chủ quyền và thịnh vượng với các phương tiện để răn đe và tự vệ trước các hành động xâm lược khác. Như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói, cuối cùng thì cuộc chiến này "sẽ chỉ kết thúc một cách dứt khoát thông qua ngoại giao." Mọi cuộc đàm phán đều phản ánh thực trạng trên chiến trường. Chúng tôi đã nhanh chóng gửi cho Ukraine một lượng vũ khí và đạn dược đáng kể để nước này có thể chiến đấu trên chiến trường và ở vị trí mạnh nhất có thể trên bàn đàm phán. Đó là lý do tại sao tôi quyết định rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa và đạn dược tiên tiến hơn để giúp họ tấn công chính xác hơn vào các mục tiêu quan trọng trên chiến trường Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình về các lệnh trừng phạt Nga, các biện pháp cứng rắn nhất từng được áp đặt đối với một nền kinh tế lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa phòng không Stinger, hệ thống pháo loại mạnh và tên lửa chính xác, radar, máy bay không người lái, trực thăng Mi-17 và đạn dược. Chúng tôi cũng sẽ gửi thêm hàng tỷ mỹ kim hỗ trợ tài chính, theo ủy quyền của Quốc hội. Chúng tôi sẽ làm việc với các đồng minh và đối tác của mình để giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang ngày càng trầm trọng do sự xâm lược của Nga. Và chúng tôi sẽ giúp các đồng minh châu Âu và những nước khác giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của chúng tôi sang một tương lai năng lượng sạch. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục củng cố sườn phía đông của NATO với các lực lượng và khả năng quân sự từ Hoa Kỳ và các đồng minh khác. Và mới đây, tôi đã hoan nghênh việc Phần Lan và Thụy Điển xin gia nhập NATO, một động thái sẽ tăng cường an ninh tổng thể của Hoa Kỳ và xuyên Đại Tây Dương khi có thêm hai đối tác quân sự dân chủ và có năng lực cao. Chúng tôi không muốn gây một cuộc chiến tranh giữa NATO và Nga. Cho dù tôi không đồng ý với ông Putin và phẫn nộ trước hành động của ông ấy, nhưng Hoa Kỳ sẽ không tìm cách lật đổ ông ta. Miễn là Hoa Kỳ hoặc các đồng minh của chúng tôi không bị tấn công, chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, bằng cách gửi quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine hoặc bằng cách tấn công lực lượng Nga. Chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của họ. Chúng tôi không muốn kéo dài chiến tranh chỉ để gieo rắc đau thương cho nước Nga. Nguyên tắc của tôi trong suốt cuộc khủng hoảng này là "Không có gì về Ukraine nếu không có Ukraine." Tôi sẽ không gây áp lực buộc chính phủ Ukraine - dù là bên trong hay công khai - phải đưa ra bất kỳ nhượng bộ nào về lãnh thổ. Làm như vậy sẽ là sai và trái ngược với các nguyên tắc đã được công nhận. Các cuộc đàm phán giữa Ukraine với Nga không bị đình trệ vì Ukraine đã quay lưng lại với biện pháp ngoại giao. Các cuộc đàm phán đang bị đình trệ vì Nga tiếp tục gây chiến để giành quyền kiểm soát Ukraine. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc để gia tăng sức mạnh cho Ukraine và hỗ trợ các nỗ lực của nước này để kết thúc cuộc xung đột thông qua đàm phán ngoại giao. Gây hấn vô cớ, vụ đánh bom các bệnh viện phụ sản và trung tâm văn hóa, và việc buộc hàng triệu người phải di dời khiến cuộc chiến ở Ukraine trở thành một vấn đề đạo đức quan trọng. Tôi đã gặp những người tỵ nạn Ukraine ở Ba Lan - những phụ nữ và trẻ em không biết chắc cuộc sống của họ sẽ ra sao, và liệu những người thân yêu ở lại Ukraine có ổn không. Không một người có lương tâm nào có thể không xúc động trước sự tàn phá của những nỗi kinh hoàng này. Hỗ trợ Ukraine trong lúc đất nước này cần nhất không chỉ là điều đúng đắn cần làm. Vì lợi ích quốc gia quan trọng chúng ta cần bảo đảm một châu Âu hòa bình và ổn định và làm rõ rằng có sức mạnh không có nghĩa là đúng. Nếu Nga không phải trả giá đắt cho hành động của mình, Nga sẽ gửi một thông điệp tới những kẻ xâm lược khác rằng họ cũng có thể chiếm lãnh thổ và chế ngự các quốc gia khác. Điều này sẽ khiến sự tồn vong của các nền dân chủ hòa bình khác gặp nguy hiểm. Và có thể đánh dấu sự kết thúc của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và mở ra cánh cửa cho sự xâm lược ở những nơi khác, với hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới. Tôi biết nhiều người trên thế giới lo ngại về việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Hiện tại, chúng tôi không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, mặc dù việc Nga thỉnh thoảng đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân là rất nguy hiểm và cực kỳ vô trách nhiệm. Tôi xin nói rõ: Bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong cuộc xung đột này ở bất kỳ quy mô nào cũng đều hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với chúng tôi cũng như phần còn lại của thế giới và sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Người Mỹ sẽ đồng hành với người dân Ukraine bởi vì chúng tôi hiểu rằng tự do không phải là miễn phí. Đó là điều chúng tôi luôn làm bất cứ khi nào những kẻ thù của tự do tìm cách bắt nạt và áp bức những người vô tội, và đó là những gì chúng tôi đang làm hiện nay. Vladimir Putin đã không ngờ mức độ thống nhất này hoặc sức mạnh của phản ứng của chúng ta. Ông ta đã lầm. Nếu ông ta nghĩ rằng chúng ta sẽ dao động hoặc rạn nứt trong những tháng tới, ông ta cũng đã lầm. Nguồn: President Biden: What America Will and Will Not Do in Ukraine - The NewYork Times
......

Nên bổ nhiệm Triệu Quân Sự làm cục trưởng cục quản lý trại giam?

Thao Ngoc  · Mấy hôm nay báo chí đồng loạt đưa tin: Phạm nhân Triệu Quân Sự lại trốn trại lần thứ tư. Đây là lần trốn trại thứ 4 của Sự(báo viết Sự trốn trại lần thứ 3 là sai). Năm 2013 bị tòa án QK1 tuyên án chung thân. Năm 2014 bị tòa xét xử tội "trốn khỏi nơi giam giữ". Năm 2016 bị tòa QK4 xét xử về tội" trốn khỏi nơi giam giữ và cố ý gây thương tích" Năm 2020 bị tòa QK5 xét xử về tội " trốn khỏi nơi giam giữ, trộm cắp tài sản" sau vụ lẩn trốn ly kỳ trên đèo Hải Vân. Với biệt tài trốn trại như vậy, Sự được báo chí nước ngoài phong cho biệt danh Michael Scofield Việt Nam. (https://tuoitre.vn/pham-nhan-trieu-quan-su-tron-trai-lan...) Nên biết rằng,Triệu Quân Sự khi đang tù chung thân vẫn tiếp tục gây án, như trộm cắp 3 điện thoại và hơn 6 triệu đồng tại Liên Chiểu (Đà Nẵng), Đại Lộc, Tam Kỳ (Quảng Nam). Đặc biệt là vụ trốn trại của Sự tháng 6/2020 trên đèo Hải Vân, nhà nước phải huy động hơn 100 Công an, Quân đội và chó nghiệp vụ, và phải mất nhiều ngày nhiều giờ vất vả gian nan mới bắt được Sự. Triệu Quân Sự vượt ngục không thành.bị bắt mà mặt vẫn hớn hở te réc thế đấy. Vì Sự từng là lính đặc công, giỏi võ nghệ, nên những ngón nghề mà y được đào tạo nay đem ra áp dụng để trốn trại. Và hiện nay Cục Cảnh sát hình sự(BCA)đã phải huy động trinh sát tinh nhuệ nhất để truy bắt cho bằng được Triệu Quân Sự. Vậy mà báo Công an nhân dân ra ngày 04/12/2019 có bài: “Trại giam của Việt Nam được tổ chức quá tốt”.Đúng là mèo khen mèo dài đuôi. Nếu quá tốt sao Triệu Quân Sự trốn trại được 4 lần. Hay đã bị thế lực thù địch mua chuộc? Qua vụ việc Triệu Quân Sự coi trại giam VN như chốn không người, lại nhớ đến một nhân vật nổi đình nổi đám gần đây. Từ chỗ là một tên tội phạm rất nguy hiểm, nhưng với biệt tài dùng người của VN, đã biến anh ta thành người khác hoàn toàn. Đó là Ngô Minh Hiếu, còn có biệt danh là Hiếu PC. Ngô Minh Hiếu sinh năm 1989 tại Gia Lai. Năm 19 tuổi, Hiếu đến New Zealand để theo học tại Học viện Công nghệ Unitec ở Auckland, nhưng chỉ 1 năm sau Hiếu bị đuổi về nước vì liên quan đến các vụ lừa đảo tại nước này. Từ năm 2007 đến 2013, Hiếu dùng máy tính thâm nhập trái phép vào nhiều hệ thống khác nhau nhằm lấy trộm số thẻ an sinh xã hội, thông tin về các tài khoản ngân hàng và nhiều dữ liệu khác của hơn 200 triệu người dùng. Sau đó, Hiếu cùng đồng bọn bán lại thông tin cho các nhóm tội phạm trực tuyến. Năm 2012, Hiếu PC kiếm được 3 triệu USD nhờ bán dữ liệu cá nhân mà y chôm được. Năm 2013 Hiếu bị đặc vụ Mỹ bắt. 2015, Hiếu bị tòa án Mỹ kết án 40 năm tù, sau đó giảm xuống 13 năm, và Hiếu ngồi tù 7 năm thì được thả. Hiện nay Hiếu được nhà nước VN trọng dụng và đang làm tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), trở thành một chuyên gia an ninh mạng hàng đầu tại VN. Theo pháp luật VN, hiện nay Cục Cảnh sát thuộc bộ công an quản lý các trại giam. Nhưng với việc để tù nhân đặc biệt nguy hiểm như Triệu Quân Sự ra vào trại giam như cơm bữa. Và mỗi lần như vậy phải tốn biết bao công sức tiền của, với sự phối hợp của công an, quân đội, lùng sục các hang cùng ngõ hẻm rất nguy hiểm, thì mới có thể bắt lại được Sự. Vậy với tài năng và những ngón nghề đã học được, nếu Triệu Quân Sự được bổ nhiệm làm cục trưởng cục quản lý trại giam, thì sẽ đề ra các biện pháp chống trốn trại rất có hiệu quả. Vì Sự là tên đại lưu manh, mà các quan tham, từ các tướng CA, tướng QĐ, nhiều UVTƯ và cán bộ cao cấp khác đang ngồi bóc lịch, và cả những đ/c chưa bị lộ, cũng là những kẻ đại lưu manh như Sự. Với phương châm lấy độc trị độc, thì Sự có thể tìm ra âm mưu chôm chỉa của các đ/ c chưa bị lộ. Và bắt các quan tham đang ngồi bóc lịch phải mở miệng khai ra của cải mà bọn chúng ăn cắp được đang cất giấu ở đâu, đang đầu tư vào những lĩnh vực nào do ai đứng tên, trong đó có mấy bồ nhí của các quan.v.v.. Nếu như một tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm như Ngô Minh Hiếu mà nay được trọng dụng, và đang trở thành cán bộ bảo vệ đảng và chính quyền, thì việc điều động và bổ nhiệm tên tội phạm như Triệu Quân Sự vào chức vụ cục trưởng cục quản lý trại giam để giữ an toàn khỏi tình trạng trốn trại như hiện nay thì đâu có gì khó hiểu. Cái khó hiện nay là Ngô Minh Hiếu do chôm được nên rất nhiều tiền. Còn Triệu Quân Sự thì chỉ có trên răng dưới …cát tút, nên chẳng biết lấy gì để lót đường? Vậy ai có kế sách gì hay xin góp ý, và thứ dân xin hậu tạ và tri ân! Thao Ngoc1/6
......

Tập Cận Bình đang phá nát nền kinh tế Trung Quốc như thế nào?

Ảnh minh họa: Pete Reynolds/ AFP The Economist - Phạm Nhật Bình lược dịch Tờ The Economist số ra ngày 27/5/2022 đã có bài viết “How Xi Jinping is damaging China’s economy” do Phạm Nhật Bình lược dịch. Trong 20 năm qua, Trung Quốc là nguồn tăng trưởng lớn nhất và đáng tin cậy nhất của nền kinh tế thế giới. Nó đã đóng góp một phần tư sự gia tăng của GDP toàn cầu trong giai đoạn đó. Trong phần lớn thời gian kể từ khi Trung Quốc mở cửa sau khi Mao qua đời, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận thực tế để làm cho nước nầy trở nên giàu có hơn, kết hợp cải cách thị trường với sự kiểm soát của nhà nước. Tuy nhiên hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy hiểm. Vấn đề trước mắt là chiến dịch zero-covid, đã gây ra sự sụt giảm và có thể khiến cho nền kinh tế bị khựng lại. Một vấn đề phức tạp hơn nữa: Cuộc đấu tranh tư tưởng của Chủ Tịch Tập Cận Bình để tái tạo chủ nghĩa tư bản nhà nước. Nếu cứ tiếp tục đi theo con đường này, Trung Quốc sẽ phát triển chậm lại và khó dự đoán hơn, gây ra những hậu quả lớn cho nước này và thế giới. Sau gần hai tháng, việc đóng cửa Thượng Hải đang được nới lỏng, nhưng Trung Quốc còn lâu mới chấm dứt được dịch Covid-19, với những đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh và Thiên Tân. Hơn 200 triệu người đang sống trong sự phong tỏa và nền kinh tế đang lung lay. Doanh số bán lẻ trong tháng Tư thấp hơn 11% so với một năm trước đó và lượng mua hàng dịch vụ tổng quát đều yếu. Mặc cho công nhân vẫn đang làm việc trong các nhà máy, nhưng sản lượng công nghiệp và sản lượng xuất khẩu đã giảm. Trong cả năm, Trung Quốc sẽ phải vất vả để phát triển nhanh hơn nhiều so với Mỹ lần đầu tiên kể từ năm 1990, sau vụ thảm sát tại Quảng Trường Thiên An Môn. Đối với ông Tập, thời điểm này thật tồi tệ: Tại đại hội đảng lần thứ 20 vào cuối năm nay, Tập dự trù sẽ ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng bí thư đảng và chủ tịch nước, phá vỡ nguyên tắc được áp dụng cho các nhà lãnh đạo phải nghỉ sau 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông Tập là người phải chịu nhiều trách nhiệm về cú đánh kép đối với nền kinh tế. Đầu tiên là chính sách zero-covid của ông, đã được thực thi trong 28 tháng qua. Đảng lo ngại rằng việc mở cửa sẽ dẫn đến làn sóng chết chóc có thể lên đến hàng triệu người. Điều đó có thể đúng, nhưng nó đã lãng phí thời gian quý báu: 100 triệu người trên 60 tuổi không được chích vaccine ba lần. Bắc Kinh đã từ chối nhập khẩu các loại vắc xin mRNA của phương Tây hiệu quả hơn vaccine tự sản xuất trong nước. Thay vào đó, kế hoạch dự trù là tiếp tục chính sách zero-covid kéo dài đến năm tới. Trung Quốc đã từ bỏ việc đăng cai tổ chức Asian Cup, giải bóng đá Á Châu dự trù vào tháng Sáu, 2023. Các trạm kiểm tra và đội quân thường trực để ngoáy mũi dân được duy trì khắp nơi. Vì Omicron có khả năng lây truyền cao, nên không thể tránh khỏi nhiều đợt bùng phát và đóng cửa. Kể từ khi chính sách zero-covid được đưa ra, bất kỳ lời chỉ trích nào về nó đều bị coi là chống lại đảng và nhà nước. Chính sự ngoan cố và giáo điều của tư tưởng Mác Lênin đã tác động lên cú sốc thứ hai, đó là một loạt các sáng kiến ​​kinh tế hình thành cái mà ông Tập gọi là “khái niệm phát triển mới,” đã tạo “những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ,” chính là sự xung đột Trung – Mỹ. Các mục tiêu đưa ra tuy mang tính hợp lý: Giải quyết bất bình đẳng, độc quyền và nợ, và đảm bảo rằng Trung Quốc chiếm lĩnh các công nghệ mới và được củng cố trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, ông Tập tin rằng đảng CSTQ phải là người đi đầu, và việc thực hiện chính sách có tính chất trừng phạt và thất thường. Hàng loạt tiền phạt, các quy định mới và thanh trừng đã khiến ngành công nghệ năng động, từng đóng góp 8% GDP đang bị  đình trệ. Và một cuộc đàn áp dã man nhưng không triệt để đối với lĩnh vực bất động sản, chiếm hơn 1/5 GDP, đã dẫn đến cuộc khủng hoảng nguồn vốn – một lý do khiến doanh số bán nhà ở trong tháng Tư giảm 47% so với một năm trước đó. Chính phủ Bắc Kinh hy vọng vào một chương trình kích thích rộng lớn đang được thực hiện sẽ giúp họ đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức là 5,5% cho năm 2022 và làm dịu sự căng thẳng trước thềm đại hội 20. Vào ngày 19 tháng Năm, Thủ //Tướng Lý Khắc Cường, đã thúc giục các viên chức “hành động một cách quyết đoán” để khôi phục tăng trưởng và ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất. Đảng đã cố gắng trấn an các ông trùm công nghệ đang khiếp sợ sau đợt trấn áp vừa qua. Một bước tiếp theo có thể là một chương trình cơ sở hạ tầng lớn được chính phủ tài trợ bằng trái phiếu. *** Nhưng số nợ chồng chất nhiều hơn sẽ không làm giảm bớt nhu cầu về các biện pháp ngăn chặn cứng rắn hoặc giảm thiểu rủi ro từ mô hình kinh tế của ông Tập. Nó liên quan đến việc mở rộng phạm vi của bộ phận kém năng suất nhất của nền kinh tế đất nước: Bộ phận do chính phủ điều hành. Trong khi đó, các ưu đãi trong bộ phận sản xuất hiệu quả nhất của nền kinh tế: Khu vực tư nhân đã bị phá hủy. Bạn có thể thấy điều đó trên các thị trường tài chính, vốn đã chứng kiến ​​những dòng tiền lớn chảy ra ngoài. Giá vốn tăng cao: Cổ phiếu Trung Quốc giảm giá 45% so với cổ phiếu Mỹ, một mức chênh lệch gần kỷ lục. Tính toán của các nhà đầu tư và doanh nhân đang thay đổi. Một số lo sợ rằng lợi nhuận tài chính cho bất kỳ doanh nghiệp nào sẽ bị giới hạn bởi một bên nghi ngờ quyền lực và tài sản tư nhân. Lần đầu tiên sau 40 năm, không có lĩnh vực chính nào của nền kinh tế đang tiến hành cải cách tự do hóa. Nếu không có chúng, sự tăng trưởng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. *** Nền kinh tế ý thức hệ của ông Tập có những tác động lớn đối với thế giới. Mặc dù kích thích có thể làm tăng nhu cầu, nhưng nhiều khả năng sẽ xảy ra tình trạng đóng cửa, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái. Trong kinh doanh, quy mô và sự tinh vi của Trung Quốc khiến các công ty đa quốc gia không thể làm ngơ. Các công ty lớn Trung Quốc có thể thống trị một số ngành công nghiệp vào những năm 2030, nhưng phương Tây có khả năng trở thành nhà nhập khẩu quan trọng hơn đối với các sản phẩm của Trung Quốc. Về ngoại giao, một khu vực tư nhân độc lập và ít tham vọng hơn có nghĩa là sự hiện diện của Trung Quốc ở nước ngoài sẽ do nhà nước lãnh đạo và mang nhiều tính chính trị hơn. Báo cáo đặc biệt của chúng tôi về Trung Quốc và Châu Phi giải thích rằng nó có thể trở nên độc hại hơn nhưng cũng kém hiệu quả hơn. Nguy cơ của quyền lực tập trung một người Cuộc sống bên trong một Trung Quốc lạc hậu hơn là gì? Trong khi mọi người trút giận trên mạng về tình trạng đóng cửa và mất việc làm, nhưng nó khó có thể chuyển thành tình trạng bất ổn xã hội vì sự giám sát, tuyên truyền và kiểm soát chặt chẽ cho các mục tiêu của đảng. Một số nhà kỹ trị không đồng ý với sự chuyển hướng sang trái của đất nước nhưng họ thiếu sức mạnh và lòng dũng cảm cần thiết để phản đối nó. Ngôn ngữ chung của giới tinh hoa Trung Quốc hiện nay là không có đối thủ nào đọ sức với ông Tập, người đã 68 tuổi. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua cho đến một đại hội tới, dự kiến vào năm 2027, liệu quyền lực của ông Tập có còn bảo đảm. Những thiếu sót của việc tập trung quyền lực vào một người ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lộ rõ. Phạm Nhật Bình lược dịch XEM THÊM: Tập Cận Bình coi chừng phía sau lưng  
......

Nỗi nhục quốc thể: Thái Lan đá nát lưới Việt Nam ngay trên sân nhà!

Mỹ Anh Hàng triệu người Việt Nam đã xuống đường với cờ xí rợp trời mừng chiến thắng bóng đá nam và nữ tại SEA Games 31 (tổ chức tại Việt Nam từ ngày 12 Tháng Năm đến ngày 23 Tháng Năm 2022). Huy chương vàng bóng đá nam lẫn nữ mà Việt Nam giành được đều từ hai trận chung kết với Thái Lan. Toàn bộ hệ thống báo chí truyền thông Việt Nam được dịp khua vang với vô vàn mỹ từ. Tất cả đều quên béng một sự thật chua chát: Bên ngoài vận động trường, Thái Lan đang đá rách lưới Việt Nam trên mọi sân. Việt Nam thua tan tác. Đại bại! Thảm hại! Bức ảnh buổi lễ cám ơn sau khi kết thúc đại hội thể thao của những nhà tài trợ SEA Games 31 đã nói lên tất cả. Trên sân khấu, logo của 12 tập đoàn Thái Lan tài trợ cho thấy họ không chỉ thuần túy là những người chi tiền để Việt Nam có thể tổ chức SEA Games 31 mà còn là những công ty đang khống chế gần như mọi ngóc ngách thị trường Việt Nam. Người Việt Nam nhào ra quán nhậu ăn mừng “chiến thắng” bằng bia của ThaiBev (Thai Beverage); dân Việt Nam mua đồ ăn mừng trong những siêu thị thuộc sở hữu Thái; dân Sài Gòn nhậu thịt gà từ nhà máy chế biến gà xuất khẩu tại Bình Dương của Tập đoàn CP; người Việt Nam rút tiền “đi bão” từ Ngân hàng Thái KASIKORN; và giới truyền thông Việt Nam tổ chức các cuộc họp báo về SEA Games tại khách sạn Melia Hà Nội cũng của Thái nốt. Thế mà không thấy xấu hổ, lại cứ hớn hở như trẻ con cùng nhau lên đồng với chiến thắng bóng đá vốn gần như chẳng mang lại chút gì lợi ích kinh tế gì để người dân có thể có cơm no áo ấm. Chiến thắng của Thái Lan trên sân nhà Việt Nam không phải là chiến thắng nhất thời. Từ nhiều năm nay, lần lượt các “đội Thái” đã ào ạt đến Việt Nam và thâu tóm hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác. Cafebiz.vn (ngày 24-3-2022) cho biết suốt nhiều thập niên nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Thái Lan vào Việt Nam liên tục tăng, với mỗi năm tăng bình quân 13%. Tính đến hết năm 2021, với tổng vốn đăng ký trên $13 tỷ, Thái Lan đứng thứ 8/140 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khu vực ASEAN, đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam chỉ đứng sau Singapore. Đầu tư ở đây không chỉ có nghĩa mở nhà máy. Đáng nói hơn là người Thái đã mua đứt doanh nghiệp Việt Nam. Và toàn doanh nghiệp khổng lồ. Tập đoàn Central Group của Thái hiện là chủ nhân chuỗi siêu thị (ngày xưa có tên) Big C; trong khi TCC Group (Thái) sở hữu Metro (Big C và Metro có thể nói từng là hai chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam)… Central Group, thuộc sở hữu gia đình Chirathivat, bắt đầu vào Việt Nam từ năm 2014, bây giờ cũng chính là chủ nhân siêu thị điện máy Nguyễn Kim! Nói đến bán lẻ, còn phải kể đến Thai Corp International. Tập đoàn này hiện nắm gần như tất cả các kênh phân phối lớn và có hơn 300 đại diện kinh doanh tại các tỉnh, thành phố khắp Việt Nam; chuyên cung cấp hàng cho các siêu thị, đại lý, cửa hàng bán sỉ và lẻ, từ nước tăng lực Red Bull, cá hộp Ba Cô Gái, khăn giấy Cellox và Zilk, sản phẩm sữa Dutch Milk, mì ăn liền Mama, sản phẩm sữa Nestle, nước trái cây Bireley, đến bánh gạo Want Want… Cùng với hai “tiền đạo” Central Group và TCC Group là tập đoàn khổng lồ SCG Group (Siam Cement Group). Tính đến thời điểm hiện tại, SCG Group đã sở hữu hơn 20 công ty con tại Việt Nam, nắm những ngành rất then chốt: Xi măng và vật liệu xây dựng (với công ty SCG Cement-Building Materials); hóa dầu (với SCG Chemicals) và bao bì (với SCG Packaging). Mới năm ngoái 2021, SCG Group đã mua lại 70% cổ phần công ty nhựa Duy Tân – một trong những hãng sản xuất sản phẩm nhựa lớn nhất Việt Nam. Trước đó, SCG Group đã “bỏ túi” Công ty Bao bì Biên Hòa (SVI) và Công ty Nhựa Bình Minh… Và ngay ở một quốc gia vẫn còn sống chủ yếu bằng nông nghiệp, CP Group (Charoen Pokphand Group) của Thái Lan hiện chiếm lĩnh gần như tuyệt đối tất cả những gì liên quan nông nghiệp, từ phân bón, chế biến nông sản đến thậm chí cám gia súc… Năm 2021, CP Group đã mua 24,9% cổ phần Công ty Thực phẩm Sao Ta (Fimex), vốn là doanh nghiệp nhà nước chuyên chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu thành lập từ năm 1996. Trong lĩnh vực thực phẩm, đại gia Charoen Sirivadhanabhakdi của tập đoàn ThaiBev đã ôm gọn không chỉ Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (nơi có những sản phẩm quen thuộc chẳng hạn Bia 333 Export và Bia Saigon mà dân nhậu Việt Nam rót tràn trề ăn mừng chiến thắng bóng đá trước Thái Lan) mà còn hốt luôn cả hãng sữa lừng danh Vinamilk. Thái Lan thậm chí “sở hữu” cả “mặt trời” ở Việt Nam. Cách đây ba năm, doanh nghiệp Thái Super Energy Corporation đã mua cổ phần loạt dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận, An Giang… Cuối Tháng Ba 2020, Super Energy thông báo chi hơn $456 triệu để đầu tư mua cổ phần bốn dự án nhà máy điện mặt trời tại Bình Phước… Nói tóm lại, một người dân Việt Nam nào đó có thể đang ở trong ngôi nhà được xây bằng xi măng Thái, đi chợ hàng ngày ở siêu thị Thái, xài những vật dụng bằng nhựa “của” Thái, nhậu nhẹt và giải khát bằng đồ uống Thái, ăn thịt gà và trứng gia cầm “của” Thái… rồi nháo nhào ra đường “đi bão” mừng chiến thắng bóng đá bằng xe Honda nhập từ Thái (tâm lý người tiêu dùng Việt Nam thích xe gắn máy được sản xuất ở Thái hơn là ở Việt Nam). Thế mà vẫn ngây thơ ăn mừng! Đến cám gia súc mà cũng để người Thái “lo giúp” nông dân Việt thì thực lực kinh tế Việt Nam có thể thấy “bền vững” như thế nào. SEA Games được tổ chức mỗi hai năm một lần. Hai năm mới được dịp rót bia (bia Thái!). Trong khi đó, mỗi ngày trôi qua, mỗi giờ trôi qua, kinh tế nước nhà vẫn rơi vào tay nước ngoài. Người Thái, từng ngày từng giờ, tiếp tục sút rách lưới kinh tế Việt Nam. Quả nào mạnh như thôi sơn quả ấy. Vậy mà vẫn không tỉnh. Vẫn tự sướng một cách ngây ngô. Vẫn “tự hào quá Việt Nam ơi” một cách ngớ ngẩn, lố bịch và thậm chí ngu xuẩn. Mỗi hai năm, người Thái mới vô lưới nhặt bóng nhưng mỗi ngày họ hốt hàng đống tiền từ Việt Nam. Chừng nào mới sáng mắt ra? Chính sách “tự hào dân tộc” bằng bóng đá là một chính sách mị dân cực kỳ ngu xuẩn. Nó ru ngủ người dân. Nó khiến người dân u mê và chìm đắm trong sự tự lừa dối rằng họ đang sống trên một đất nước “đang có uy” trên trường thế giới. Họ không nhận thức được rằng họ đang sống trong một nền kinh tế được thở bằng dưỡng khí người khác; và họ không thấy được rằng họ đang được cai trị bởi những kẻ vốn bẩm sinh mắc hội chứng kém phát triển não bộ, những kẻ có những cái đầu to quá khổ nhưng bộ óc không chỉ teo bé mà còn chứa đầy những thứ giống hệt thứ cám mà người Thái sản xuất ở Việt Nam. Mỹ Anh Nguồn: https://saigonnhonews.com/.../noi-nhuc-quoc-the-thai-lan.../
......

Để cái tôi điều khiển bộ não, Putin đang làm lụi tàn sức mạnh Nga

Đỗ Ngà Một cỗ máy đang hoạt động, có thể nó ở trạng thái chạy hết ga và cũng có thể ở trạng thái chạy cầm chừng (tức là chạy Roda). Nếu chạy hết ga, máy sẽ tiêu tốn nhiên liệu nhiều và động cơ mau hư, ngược lại nếu chạy roda, máy sẽ ít tốn nhiên liệu hơn và động cơ cũng bền hơn. Cỗ máy chiến tranh cũng như vậy, có lúc chạy hết ga và cũng có lúc chạy cầm chừng. Lúc đang đánh chiếm là lúc cỗ máy chiến tranh chạy hết ga, nó sẽ ngốn sinh mạng nhiều và tiêu hao lượng vũ khí rất lớn. Đây là lúc cỗ máy chiến tranh tiêu tốn ngân sách quốc phòng khùng khiếp nhất. Nếu chiến thắng trước đối phương thì nó sẽ chuyển sang trạng thái chạy roda. Giai đoạn này, cỗ máy ít hao người ít hao tổn vũ khí, và tất nhiên nó sẽ làm ít tốn ngân sách quốc phòng hơn. Nếu buộc cỗ máy chiến tranh luôn duy trì ở trạng thái “chạy hết ga” thì không sớm thì muộn, cỗ máy này cũng hỏng. Nước Nga là một cường quốc gia nghèo, khả năng nuôi cỗ máy chiến tranh của nó có giới hạn chứ không như Mỹ. Khi vào Iraq năm 2003, Mỹ đã lật đổ chính quyền Saddam Hussen chỉ trong vòng 3 tuần và sau đó là quân đội Mỹ đồn trú ở Iraq chỉ với vai trò là gìn giữ. Nghĩa là cỗ máy chiến tranh của Mỹ tại Iraq chạy hết ga chỉ có 3 tuần và sau đó là chạy Roda, vậy mà Mỹ cũng phải rút khỏi Iraq. Tại Afghanistan cũng thế, chỉ sau đúng 2 tháng, chính quyền Taliban sụp đổ và quân đội Mỹ sau đó chỉ đồn trú để gìn giữ. Rõ ràng, Mỹ luôn biết kết thúc sớm giai đoạn chạy hết ga của cỗ máy chiến tranh của họ, vậy mà Mỹ còn phải nhả Iraq và Afghanistan. Vậy câu hỏi là, nước Nga với kinh tế nghèo hơn Mỹ rất nhiều, ngân sách quốc phòng Nga hiện nay chỉ vào khoảng 62 tỷ đô chỉ bằng 8% ngân sách quốc phòng Mỹ, vậy thì làm sao Nga nuôi một cỗ máy chiến tranh hoạt động lâu dài được? Ông Putin không tính đến bài toán này nên mới nhắm mắt làm liều xua quân xâm lược Ucraina. Putin dự tính 72 giờ là chiếm thủ đô Kyiv đẩy bộ máy chính quyền Ucraina phải bỏ chạy. Mỹ và Phương Tây cũng đã có lúc sẵn sàng đưa ông Zelensky tị nạn. Như vậy ông Putin đã lên kế hoạch cho cỗ máy chiến tranh của Nga chạy hết ga trong một thời gian rất ngắn để chính phủ của ông có thể nuôi bộ máy này lâu dài, tuy nhiên đến nay đã hơn 3 tháng, Kyiv vẫn không thể chiếm được và quân Nga phải rút về cố chiếm vùng Đông Bắc Ucraina như là một loại kế hoạch B vớt vát cho những tham vọng không thể đạt được. Ucraina được Mỹ và Phương Tây viện trợ quân sự rất mạnh, sau thời gian bên viện trợ huấn luyện quân Ucraina sử dụng vũ khí mới thuần thục, quân Ucraina sẽ trở lại với sức mạnh đáng sợ hơn, lúc đó, quân Nga sẽ bị chết nhiều hơn, khí tài quân sự Nga cũng bị đốt cháy nhiều hơn. Nếu không sớm đẩy được quân Nga ra khỏi bờ cõi thì Ucraina cũng đủ khả năng buộc bộ máy chiến tranh Nga phải chạy hết ga trong khoảng thời gian dài cho đến lúc cỗ máy này rệu rã và Nga phải bỏ cuộc. Để nuôi cỗ máy chiến tranh, thì chính phủ Nga cần phải vét tiền trong nền kinh tế của họ đắp vào, đồng thời họ cũng phải vét người để bù vào tổn thất nhân mạng ở Ucraina. Trong khi đó, kinh tế Nga đang bị Mỹ và Phương Tây siết cổ từ từ, càng về sau, tiềm lực kinh tế Nga càng yếu đi. Việc người chết nhiều sẽ rất dễ gây ra làn sóng phản chiến trong nội bộ nước Nga. Lúc đó, Putin vừa đối phó bất ổn kinh tế vừa đối phó sự bất mãn của dân chúng trong nước vừa nuôi cỗ máy chiến tranh ở cường độ cao, liệu Putin có kham nổi không? Putin chỉ hành động theo cái tôi của lão mà không hề dùng lý trí để phân tích thiệt hơn trước khi quyết định cuộc chiến ở Ucraina. Không một cá nhân nào làm nên trò trống gì với kiểu chỉ biết hành động theo cái tôi mà xem nhẹ lý trí. Từ tổ chức, đến doanh nghiệp, và cao hơn là lãnh đạo quốc gia, loại người chỉ biết hành động theo cái tôi điều khiển thì hoặc tan tác nếu đó là tổ chức, hoặc phá sản nếu là doanh nghiệp, hoặc lụi tàn nếu đó là quốc gia. Không một quốc gia nào hùng mạnh với loại lãnh đạo như thế này. Cường quốc nào để loại người như Putin nắm quyền thì cường quốc đó sẽ lụn bại, không sớm thì muộn./. -Đỗ Ngà-  
......

Những phiên tòa đưa xã hội về thời man rợ, mông muội

  Phạm Đình Trọng 1. Luật hình từ thời phong kiến đã có một nguyên tắc công bằng, nghiêm minh và đúng với muôn đời là: Quan lại có công trạng, có bề dày cáng đáng việc dân việc nước thì đã được thăng quan tiến chức theo công trạng, đã được hưởng bổng lộc, đãi ngộ thoả đáng theo thang bậc chức tước rồi. Vì vậy quan lại chức tước càng lớn, có ảnh hưởng xã hội càng rộng, càng là tấm gương lớn với dân, khi phạm tội gây hại cho xã hội càng lớn, càng phải xử nghiêm, phải nhận trách nhiệm lớn hơn dân thường, phải xử nặng hơn dân thường.Trong văn học sử Việt Nam thế kỉ 19 có một tên tuổi sáng chói: Cao Bá Quát. Cao Bá Quát quê phủ Gia Lâm, trước thuộc Bắc Ninh, nay là ngoại thành Hà Nội. Cao Bá Quát có nhà ở phố Đình Ngang gần cổng Cửa Nam thành cố Cột Cờ. Nay vẫn còn phố ngắn Đình Ngang nối phố Nguyễn Thái Học với phố Cửa Nam chếch trước rạp cinéma Kinh Đô. Giữa thế kỉ 19, dân Hà Nội có câu cửa miệng: Thần Siêu, Thánh Quát để chỉ hai người nhiều chữ nhất nước thời đó là Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát. Trong dân còn truyền nhau câu chuyện rằng trong thiên hạ có bốn bồ chữ thì hai bồ chữ là của Thánh Quát, một bồ chữ của Thần Siêu. Bồ chữ còn lại là của cả thiên hạ. Học tài thi phận, tuy không đỗ cao nhưng vua Nguyễn ở Huế cũng biết tiếng Thần Chữ Cao Bá Quát đã triệu Cao Bá Quát vào làm quan ở kinh đô Huế. Năm Tân Sửu, 1841 Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo kì thi Hương ở Thừa Thiên. Năm thí sinh có bài thi bộc lộ kiến văn rộng và khí chất lớn của hiền tài nhưng đều có một chữ phạm huý sẽ bị đánh trượt. Chỉ người tài mới biết quí trọng người tài. Xót xa tiếc nuối, Cao Bá Quát bàn với đồng sự chấm thi Phan Nhạ rồi lấy muội đèn sửa lại chữ phạm huý để không vì một lỗi sơ ý nhỏ mà bỏ phí những người tài. Việc bại lộ, Cao Bá Quát và Phan Nhạ đều bị xử tội “trảm quyết”. Án đưa lên vua Thiệu Trị. Vua vừa lên ngôi, cần ra ân thu phục lòng dân liền hạ án từ “trảm quyết” xuống “giảo giam hậu”, giam đợi hậu xét. Năm thí sinh được sửa bài phải qua ba kì thi đều đỗ cao. Cao Bá Quát và Phan Nhạ mới được tha sau ba năm tù giam nhưng phải lấy công chuộc tội, mang kiến văn uyên bác, mang vẻ đẹp văn hoá Việt Nam đi giao thiệp với nước ngoài. Cao Bá Quát đi Giang Lưu Ba, Indonesia ngày nay. Phan Nhạ đi Tân Gia Ba, nay là Singapore.Luật hình của nhà nước phong kiến nghiêm khắc với quan lại đến mức quan trường chấm thi chỉ sửa một chữ trong bài thi đủ bị xử tội chết. Luật hình nhà nước phong kiến có thể chưa hợp lí nhưng thực sự nghiêm minh là một điểm sáng bền bỉ tạo nên sức sống ngàn năm cho xã hội phong kiến âm u. Giai đoạn nào luật pháp bất minh cũng là triệu chứng chính xác của một triều đại suy vong.   2. Cách mạng dân chủ tư sản đưa thế giới vào văn minh công nghiệp, vào luật pháp dân chủ và nhân văn. Quyền con người được luật pháp hoá. Cá nhân được nhìn nhận. Con người có mặt trong cuộc đời là những cá nhân chứ không còn là bầy đàn nô lệ. Mọi cá nhân, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật không chỉ là câu chữ trong văn bản pháp luật mà thực sự được áp dụng triệt để, nghiêm minh trong thực thi pháp luật, trong đời sống xã hội. Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, con gái Người Hùng Hàn Quốc, Tổng thống Park Chung Hee, người đã mở ra thời kì phát triển rực rỡ cho Hàn Quốc, đưa đất nước từ tro tàn, đổ nát sau chiến tranh mau lẹ thành đất nước phồn vinh hàng đầu châu Á và thế giới, Nữ Tổng thống đầy quyền uy lại có dòng dõi hiển hách như vậy nhưng chỉ vì người bạn gái sử dụng mối quan hệ thân thiết với bà Tổng thống, tạo lợi thế cho tập đoàn điện tử Samsung, lập tức tư pháp vào cuộc.Mối quan hệ trong bóng tối giữa quyền lực kinh tế và quyền lực nhà nước làm cho người dân Hàn Quốc thấy bất an và bất bình về sự lũng đoạn của các tập đoàn kinh tế được gọi là Chaebol với chính trường. Đặt lợi ích của dân của nước lên trên mọi lợi ích, ngăn chặn quyền lực bất minh và để an dân, bà Tổng thống Hàn Quốc đương quyền Park Geun Hye lập tức bị viện Công tố phế truất, truy tố và bị toà án xử 30 năm tù giam.Đất nước Hàn Quốc sang trọng, đẹp đẽ và phát triển kì diệu không phải chỉ bởi chính sách kinh tế, chính sách xã hội đúng đắn mà còn bởi pháp luật dân chủ, bình đẳng, nghiêm minh bảo đảm cho xã hội phát triển lành mạnh.   3. Trên thế giới có lẽ không có nước nào trong truyền thông, trong ngôn ngữ chính trường, trong đời sống xã hội lại say sưa ngợi ca tính ưu việt của luật pháp xã hội chủ nghĩa, lại lạm phát ngôn từ pháp quyền xã hội chủ nghĩa như ở Việt Nam.   Chỉ vài chục năm, Hiến pháp Việt Nam được viết đi viết lại tới năm lần. Lần viết lại nào Hiến pháp cũng khẳng định: Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Và: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Suốt mấy chục năm dóng dả cải cách tư pháp, nhiều đời Chủ tịch nước đứng đầu Hội đồng cải cách tư pháp. Nhưng những quyền con người cơ bản của người dân được ghi trong văn bản pháp luật nhà nước cao nhất là Hiến pháp lại bị luật Hình sự, văn bản pháp luật cấp dưới vô hiệu. Luật pháp Việt Nam Xã hội chủ nghĩa cứ mãi bất công, oan trái và lạc lõng với thế giới dân chủ văn minh. Cùng với luật Đất Đai tước đoạt quyền tư hữu thiêng liêng nhất của người dân, quyền tư hữu mảnh đất hương hoả, cùng với các điều 79, 88, 258 bộ luật Hình Sự 1999 vẫn đang được áp dụng và các điều 109 117, 331 bộ Luật Hình Sự 2015 hình sự hoá những quyền con người cơ bản của người dân là những phiên toà bất minh, bất công, bất lương, thẳng thừng xé toạc Hiến pháp, tuyên những bản án vô cùng nặng nề, khắc nghiệt, tàn nhẫn với người dân thấp cổ bé họng chỉ phạm tội rất nhẹ hoặc theo câu chữ của Hiến pháp thì không phạm tội. Nhưng lại mở lượng ưu ái hải hà cho đám quan tham, chức lớn, tội nặng chỉ phải nhận những bản án nhẹ tênh.   Suốt năm này qua năm khác những phiên toà đẩy người dân lương thiện vào tù tội, chặn con đường tiến thân và đóng góp tốt nhất cho xã hội của người dân và quá lộ liễu, trắng trợn bao dung, ưu ái cho đám quan tham tội phạm, khuyến khích đám quan tham hư hỏng cứ hư hỏng, cứ hối hả, rầm rộ tham nhũng. Đội ngũ quan tham ngày càng đông đúc, ngày càng nhơn nhơn thách thức pháp luật, thách thức xã hội và thách thức lương tâm con người.   Anh nông dân Nguyễn Văn Khang, 20 tuổi ấp Phước Chung, xã Mong Thọ, Châu Thành, Kiên Giang nhà nghèo, lam lũ làm thuê, ít học, ít hiểu biết pháp luật, bắt trộm con vịt của trại vịt gần nhà làm mồi nhậu. Trộm con vịt bị bắt giam mười ba tháng, từ 15.2.2016 đến 16.3.2017 mới xét xử. Trộm con vịt trị giá hơn trăm ngàn đồng chỉ là thứ trộm vặt của thói hư, tật xấu trong đời sống dân sự nhưng pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải mang bộ mặt dữ dằn trừng trị dân đen. Anh nông dân trộm con vịt bị toà án huyện Châu Thành, Kiên Giang xử 7 năm tù giam.   Tan trường, chiều 23.9.2013, bốn nam sinh Vũ Văn Thành 17t, lớp 10. Nguyễn Bá Thịnh, 16t, lớp 9, Vũ Thanh Hùng, 17t, lớp 9, Vũ Văn Lộc, 17t, lớp 10, xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng chạy xe máy chầm chậm nghịch ngơm giật chiếc mũ trên đầu mấy bạn gái đi bộ cùng chiều. Có đơn tố cáo của một nữ sinh, bốn nam sinh giật mũ đều lập tức mang mấy chiếc mũ trị giá chỉ vài chục ngàn đồng đến công an trả lại cho bạn. Sự việc dân sự cỏn con nhưng pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải mang bộ mặt rùng rợn với dân đen. Trò nghịch ngợm tuổi học trò đã bị hình sự hoá. Bốn nam sinh bị bắt giam mười tháng, từ tháng chín, 2013 đến tháng bảy, 2014 mới xét xử. Chưa đến tuổi thành niên, bốn học trò chỉ hành động quấy nghịch dân sự đều phải nhận mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam. Qua phúc thẩm rồi giám đốc thẩm cả năm trời nữa, án giam mới xuống án treo. Nhưng tuổi học trò đã để lại sau cánh cửa sắt phòng giam nhà tù rồi. Con đường đèn sách vĩnh mất rồi. Bốn tuổi trẻ đành vào đời bằng cơ bắp làm thuê kiếm sống.   4. Nhà nước dân chủ tư sản pháp luật hoá quyền con người thì nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa lại hình sự hoá quyền con người. Các điều 79, 88, 258 luật Hình sự năm 1999 và các điều 109. 117. 331 luật Hình sự năm 2015, hình sự hoá quyền con người của người dân đều mông lung, mơ hồ, mở ra biên độ phạm tội rộng vô biên để toà án tuỳ tiện buộc tội người dân sử dụng quyền con người mà động chạm đến quan chức lộng quyền hại dân, động chạm đến quyền lực nhà nước độc tài đảng trị.   Thế kỉ 19, ông Karl Marx viết sách Tư Bản chỉ ra những mâu thuẫn và tội ác dẫn đến sự diệt vong của nhà nước tư sản, viết Tuyên ngôn đảng cộng sản kêu gọi thành lập đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp, làm nội chiến cách mạng lật đổ nhà nước tư sản. Sách Tư Bản và Tuyên ngôn đảng cộng sản được các nhà xuất bản của nhà nước dân chủ tư sản xuất bản và phát hành rộng rãi. Không hình sự hoá quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, nhà nước dân chủ tư sản coi sách Tư Bản và sách Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản của Karl Marx chỉ là sách triết học của khoa học xã hội và ông Marx là nhà tư tưởng lớn của nước Đức, của thời đại loài người bước vào xã hội công nghiệp . Ông Marx tự do đi lại như con thoi từ Đức sang Pháp, sang Bỉ, sang Anh, tự do truyền bá chủ nghỉa cộng sản. Dành cả cuộc đời cho sự nghiệp tiêu diệt nhà nước tư sản nhưng khi K. Marx qua đời, những tượng đài người khởi xướng chủ nghĩa cộng sản quyết liệt tiêu diệt nhà nước tư sản lại được nhà nước tư sản dựng lên sừng sững ở thủ đô nhiều nước dân chủ tư sản   Thế kỉ 21, loài người đã tiến những bước dài tới dân chủ văn minh nhưng luật hình nhà nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa vẫn mang bộ mặt man rợ trung cổ quyết tước đoạt, giết chết quyền con người cơ bản của người dân. Nhà báo Phạm Đoan Trang chỉ viết tập sách mỏng diễn giải những quyền con người, quyền công dân chính đáng được pháp luật bảo đảm và ghi nhận những vi phạm quyền con người, quyền công dân của những cơ quan nhà nước bảo vệ pháp luật. Đó là đóng góp lớn của nhà báo tài năng, của tâm hồn nồng nàn yêu nước Phạm Đoan Trang giúp người dân biết sống theo pháp luật, đòi hỏi nhà nước phải vận hành theo pháp luật. Chỉ thực hiện quyền con người, quyền công dân đóng góp cho tiến bộ xã hội, Phạm Đoan Trang bị bắt giam với tội danh tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 luật hình sự năm 1999, bị toà án nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa xử 9 năm tù giam.   Hình sự hoá quyền con người của người dân, toà án đã tuyên những án tù đằng đẵng với những người dân vô tội và lương thiện. Nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù giam. Nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ 11 năm tù giam. Người thợ Đỗ Nam Trung 10 năm tù giam. Ba mẹ con người nông dân Cấn Thị Thêu phải nhận bản án từ 8 đến 10 năm tù giam . . . Từ khi luật Hình Sự hình sự hoá quyền con người của người dân Việt Nam, số người dân lương thiện vô tội trở thành tội phạm bởi quyền con người bị hình sự hoá lên tới vài trăm người và số năm tù oan của họ dài tới vài thế kỉ!   5. Trong khi người dân vô tội và lương thiện, không có bất kì hành vi nào sai trái với pháp luật, không mảy may gây hại cho bất cứ cá nhân và tổ chức nào, chỉ thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, ôn hoà bộc lộ chính kiến và kiên trì kiến nghị đòi tài sản chính đáng bị tư bản hoang dã cướp đoạt lại bị những điều luật hình sự vi Hiến buộc tội và phải nhận những bản án cả chục năm giam cầm tù đày thì những quan tham có tội lớn, gây thiệt hại nặng nề cho đất nước và người dân lại được nhận những bản án đầy ưu ái.   Ngày 10.12.2018, toà án cấp cao tại Sài Gòn gây kinh ngạc và phẫn nộ cho người dân khi tuyên án ba năm tù treo với Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đặng Thanh Bình gây thất thoát hơn 15 000 tỉ đồng. Xin nhắc lại, thất thoát hơn mười lăm ngàn tỉ đồng. Toà lí giải Đặng Thanh Bình được giảm nhẹ hình phạt vì nhân thân tốt và 64 tuổi, đã nghỉ hưu, không còn làm việc, không còn nguy hại cho xã hội. Nhân thân tốt đã được cất nhắc lên quan bự, đã hưởng đãi ngộ cả nhà cả họ. Quan lớn phải nhận trách nhiệm lớn chứ không thể giảm nhẹ trách nhiệm. Tội phạm gây ra khi đang làm việc chứ không phải khi đã nghỉ hưu. Thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng của dân của nước là để lại nguy hại lớn lâu dài cho xã hội. Không phải khi về hưu thì mười lăm ngàn tỉ đồng thất thoát không còn là thiệt hại nữa. 13 625 tỉ đồng là tiền đầu tư làm cầu Nhật Tân vượt sông Hồng, cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Số tiền ông quan Đặng Thanh Bình làm thất thoát lớn hơn cả tiền làm cây cầu lớn nhất Việt Nam. Phiên toà ở Sài Gòn ngày 10.12.2018 tuyên bản án ba năm tù treo cho ông quan Đặng Thanh Bình tưởng đã là sự phỉ báng công lí đến tận cùng rồi. Không ngờ phiên toà Hà Nội ngày 19.5.2022 xử ông quan Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường còn phỉ báng công lí khủng khiếp hơn.   Khi còn là Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc, Trương Quốc Cường giữ vai trò then chốt nhất, quyết định nhất trong vụ buôn bán thuốc giả chữa ung thư của công ty mafia Pharma. Phải có chữ kí của Cục trưởng Trương Quốc Cường cho phép nhập khẩu nhãn thuốc mờ ám H-Capita 500mg Caplet, giả mạo nguồn gốc xuất xứ, không có tác dụng chữa ung thư thì đường dây buôn thuốc giả của công ty mafia Pharma do Nguyễn Minh Hùng cầm đầu mới hình thành và vận hành được.   Không phải chỉ có Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc Trương Quốc Cường, trong công ty mafia Pharma còn có chiếc bóng của bộ Y tế khi Phó Tổng giám đốc Pharma Hoàng Quốc Dũng là em chồng Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Chiếc bóng của bộ Y tế và chữ kí của Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc giúp cho viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet cứ hiên ngang, ồ ạt tràn vào các bệnh viện, kiêu kì, cao ngạo đến với người bệnh ung thư với giá cắt cổ. Hàng ngày chi tiền lớn uống viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet hoàn toàn không có tác dụng chữa bệnh, người bệnh bị công ty mafia Pharma và Cục trưởng cục Quản Lý Thuốc lừa đảo vừa kiệt quệ kinh tế, vừa không được uống thuốc hỗ trợ trị bệnh, phải trần mình chịu những cơn đau triền miên hành xác và bị đẩy nhanh đến cái chết thê thảm. Viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet ở thế thượng phong, độc chiếm các bệnh viện, độc quyền đến với người bệnh ung thư với giá ăn cướp, ăn cướp tiền bạc, ăn cướp mạng sống. Khi vụ buôn thuốc giả bị phanh phui, bộ Y tế liền đôn đáo vào cuộc giải cứu Viên thuốc dỏm H-Capita 500mg Caplet. Tức tốc cử đoàn mang danh bộ Y tế sang Ấn Độ, nơi sản xuất H-Capita 500mg Caplet mang về tờ giấy dỏm vì không chính danh, không có giá trị pháp luật xác nhận H-Capita 500mg Caplet không phải thuốc giả. Nhanh chóng làm văn bản lên Thủ tướng Chính phủ đề bạt Cục trưởng Trương Quốc Cương thăng chức lên Thứ trưởng để chứng tỏ Cục trưởng Cường và bộ Y tế trong sạch, không dính dáng gì đến viên thuốc tội phạm H-Capita 500mg Caplet.   Năm 2013, Cục trưởng Trương Quốc Cường kí văn bản cho phép công ty mafia Pharma nhập khẩu thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet. Năm 2014, Tổng Giám đốc và băng nhóm buôn thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet ở công ty mafia Pharma bị khởi tố, bắt giam. Năm 2016 Cục trưởng Trương Quốc Cường được đề bạt lên Thứ trưởng Bộ Y tế. Xâu chuỗi những vụ việc trên cho thấy chiếc bóng can phạm lù lù của bà Bộ trưởng bộ Y tế trong vụ công ty mafia Pharma buôn tội ác H-Capita 500mg Caplet. Nhưng cho đến nay pháp luật vẫn chưa một lần gọi tên can phạm bà Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Có lẽ phải đợi đến khi can phạm Nguyễn Thị Kim Tiến theo chân tội phạm Hồ Thị Kim Thoa, tội phạm Nguyễn Thị Thanh Nhàn mù mịt trời Tây, pháp luật mới bừng tỉnh, hốt hoảng và tuyệt vọng réo tên bà Bộ trưởng không thể vô can trong đường dây tội ác buôn thuốc giả H-Capita 500 mg Caplet.   Bộ Y tế lộ liễu giải cứu tội phạm Trương Quốc Cường bằng cách vội vã cử đoàn te tái sang Ấn Độ mang về tờ giấy xác nhận thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet không phải thuốc giả và đôn đáo đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ đề bạt tội phạm Trương Quốc Cường lên Thứ trưởng, vừa tỏ ra Cường là cán bộ tốt không tì vết, vừa đôn Cường lên cán bộ cấp cao do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lí, pháp luật có đụng đến cũng phải quanh co, vòng vèo, khó khăn và chậm trễ. Còn cơ quan pháp luật thì giúp tội phạm Trương Quốc Cường tuy lặng lẽ, kín đáo nhưng vẫn để lại dấu vết lồ lộ.   Vụ việc vỡ lở dẫn đến vụ án là từ viên thuốc dỏm H-Capita 500 mg Caplet. Nhưng nếu xướng đúng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” có hai điều nguy khốn cho tội phạm Trương Quốc Cường.   Một là xướng đến “thuốc”, xướng đến “bệnh” là đụng đến cơ quan nhà nước quản lí thuốc và cơ quan nhà nước lo việc chữa bệnh, là lôi cục Quản Lý Thuốc và bộ Y tế vào vụ án. Vì vậy dù có dấu son nhà nước, có chữ kí của Cục trưởng Trương Quốc Cường mở cửa khẩu cho H-Capita 500 mg Caplet vào Việt Nam hợp pháp, có tư thế đàng hoàng vào bệnh viện, có tư cách công khai đến tay người bệnh, tức là viên thuốc H-Capita 500mg Caplet cứ ưỡn ngực, vung tay rầm rập đội ngũ như duyệt binh vào Việt Nam, không lậu chút nào nhưng vụ án phải mang tội danh “buôn lậu”, đẩy vụ án sang tội phạm kinh doanh, chỉ là tội trong kinh doanh bất hợp pháp, chỉ ở lĩnh vực thương mại, không liên quan đến y, đến dược.   Hai là, tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” có khung hình phạt cao nhất tới tử hình. Dính tội danh đó, dù có chạy tới thiên đình, thân phận tội phạm cũng chôn vùi lâu dài trong tăm tối ngục tù.   Vụ án khởi tố từ tháng chín, 2014. Mãi đến tháng chín, 2017, ba năm sau, viện Kiểm Sát cấp cao phía Nam mới kháng nghị xem xét lại toàn bộ vụ án. Đòi hỏi vụ án phải mang đúng tội danh “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. Phải làm rõ trách nhiệm của Cục Quản Lý Thuốc và khoản hoa hồng mà công ty mafia Pharma đã chi ra. Hai năm nữa qua đi, đến tháng chín, 2019, vụ án “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”. mới được tòa án Sài Gòn xử sơ thẩm lần hai. Nhưng đám tội phạm buôn thuốc giả H-Capita 500mg Caplet đưa mắt ai oán điểm mặt đồng phạm vẫn không thấy bộ mặt tội phạm hàng đầu Trương Quốc Cường. Hơn hai năm sau nữa, ngày 3.11.2021, tội phạm Trương Quốc Cường mới bị cơ quan điều tra bộ Công an khởi tố nhưng với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo điều 360 bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt cao nhất cũng chỉ 12 năm tù.   Vụ án tiến triển dùng dằng, chậm chạp kéo dài suốt bảy năm trời, đủ thời gian cho tội phạm Trương Quốc Cường lủi sâu vào quan trường, từ Cục trưởng tót lên Thứ trưởng, tạo vỏ bọc dày thêm lẩn tránh pháp luật. Đưa vụ án ra xa cục Quản Lý Thuốc, xa bộ Y tế với tội danh “buôn lậu”, né tránh liên quan đến quan chức bộ Y tế, tạo khoảng cách an toàn được ngày nào hay ngày đó cho tội phạm Trương Quốc Cường. Là đầu nguồn, là tội phạm chính, nguy hiếm nhất của vụ án buôn thuốc giả nhưng khi pháp luật truy vết lần đến tội phạm Trương Quốc Cường thì Cường lại được tách ra khỏi vụ án buôn thuốc giả có thể dẫn đến tội chết, để tội phạm Trương Quốc Cường đứng tên trong vụ án nhẹ nhàng, dễ chịu hơn “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Đó là những ưu ái mênh mông trời biển dành cho tội phạm là quan Thứ trưởng bộ Y tế Trương Quốc Cường.   Có sự ưu ái lớn của pháp luật, tội phạm Trương Quốc Cường không thấy được tội ác của Cường đã mang lại cái chết đau đớn cho bao người bệnh, mang lại đau khổ cho bao gia đình người bệnh. Là quan cấp Thứ trưởng, cấp quốc gia, mang trọng trách với dân với nước, không một lời nhận trách nhiệm. Quá trình điều tra được ưu ái, đứng trước toà, tội phạm là quan Thứ trưởng Trương Quốc Cường lại đòi hỏi tiếp tục được ưu ái: Xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo.   Và tội phạm là Thứ trưởng Trương Quốc Cường lại được ưu ái. Kí giấy cho phép nhập thuốc giả, thực sự mở ra đường dây tội ác buôn thuốc giả không những gây ra nhiều cái chết đau đớn cho người bệnh mà đường dây buôn thuốc giả do Trương Quốc Cường tạo ra còn lôi cuốn nhiều cán bộ cục Quản Lý Thuốc, nhiều cán bộ bộ Y tế vào đường dây tội phạm, phá nát đạo đức xã hội, phá nát tổ chức cơ quan cấp Chính phủ làm công việc nhân đạo và trí tuệ. Tội của quan Thứ trưởng Trương Quốc Cường lớn và nguy hại như vậy nhưng phiên toà ngày 19.5.2022 toà án Hà Nội ưu ái dành cho Cường bản án nhẹ tênh: bốn năm tù!   6. Người dân trộm con vịt trị giá hơn trăm ngàn đồng phải nhận bản án bảy năm tù. Người nông dân đấu tranh dân sự ôn hoà hợp pháp giữ mảnh đất hương hoả phải nhận bản án tám năm tù. Người dân ra báo mạng, viết báo mạng bộc lộ chính kiến là quyền cơ bản con người, phải nhận bản án mười một năm tù, mười lăm năm tù.   Quan chức làm thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng của dân của nước chỉ phải nhận án tù treo. Quan chức dùng quyền lực nhà nước mở ra cả đường dây buôn thuốc giả gây cái chết đau đớn cho nhiều người bệnh, gây đau khổ và kiệt quệ kinh tế cho nhiều gia đình người bệnh, làm băng hoại đạo đức xã hội, làm ruỗng nát một cơ quan nhà nước cấp Chính phủ, làm hư hỏng nhiều công chức nhà nước, chỉ phải nhận bản án bốn năm tù.   Công an, toà án, nhà tù là bạo lực nhà nước để trấn áp tội phạm, bảo vệ công lí, giữ gìn kỉ cương phép nước. Những phiên toà bất công, đẩy người dân thấp cổ bé họng vào lao lí ngục tù mút mùa, chà đạp lên thân phận người dân lương thiện, chà đạp lên công lí và lẽ phải đã đưa xã hội về thời nam rợ, mông muội.   Những phiên toà pháp quyền xã hội chủ nghĩa thế kỉ 21 xử người dân trộm vịt, xử người dân ôn hoà bộc lộ chính kiến, xử ông quan làm thất thoát mười lăm ngàn tỉ đồng, xử ông quan tạo ra cả đường dây buôn thuốc giả và phiên toà phong kiến thế kỉ 19 xử ông quan Cao Bá Quát cho thấy pháp quyền xã hội chủ nghĩa thế kỉ 21 còn man rợ, mông muội hơn cả pháp quyền phong kiến thế kỉ 19!   Pháp luật nghiêm minh tạo ra một xã hội lành mạnh, một nhà nước vững bền. Luật pháp bất minh là biểu hiện chính xác và sâu xa một nhà nước suy vong. Pháp luật phải bảo vệ công bằng và lẽ phải. Pháp luật chà đạp công bằng và lẽ phải thì xã hội mãi mãi bất an, trì trệ, man rợ và mông muội làm sao có thể tồn tại trong thời đại dân chủ, văn minh.  
......

Cuộc chiến vì Đài Loan có thể chuyển sang chiến tranh hạt nhân

Tổng Thống Hoa Kỳ Biden nói chuyện trực tuyến với Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ Tòa Bạch Ốc, tháng 11/2021. Ảnh: Jonathan Ernst/ Reuters Hai tác giả Stacie L. Pettyjohn and Becca Wasser vừa viết tiểu luận “A Fight Over Taiwan Could Go Nuclear” đăng trên tại chí Foreign Affairs vào ngày 20 tháng Năm, 2022. Phạm Nhật Bình lược dịch Việc Nga xâm lược Ukraine đã làm xuất hiện bóng ma chiến tranh hạt nhân, vì Tổng Thống Nga Putin đã đặt lực lượng hạt nhân của mình ở tình trạng cảnh giác cao độ. Putin cũng cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào của các nước bên ngoài can thiệp vào cuộc chiến sẽ dẫn đến “hậu quả mà bạn chưa bao giờ thấy.” Một cách dễ hiểu như vậy đã trở thành tiêu đề và thu hút sự chú ý ở Washington. Nhưng nếu Trung Quốc tiến hành xâm lược Đài Loan và Hoa Kỳ đứng ra viện trợ cho Đài Bắc, thì nguy cơ leo thang có thể vượt xa cả tình hình căng thẳng hiện nay ở châu Âu. Một trò chơi chiến tranh (war game) gần đây, được thực hiện bởi Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ (CNAS – The Center for a New American Security) kết hợp với chương trình “Gặp Gỡ Báo Chí” của đài NBC, đã chứng minh một cuộc xung đột như vậy có thể leo thang nhanh như thế nào. Trò chơi đặt ra một cuộc khủng hoảng hư cấu lấy bối cảnh vào năm 2027, với mục đích kiểm tra xem Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể hành động như thế nào trong một số điều kiện nhất định. Trò chơi đã chứng minh rằng Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội và mở rộng kho vũ khí hạt nhân – chưa kể đến tầm quan trọng của Bắc Kinh đối với việc thống nhất với Đài Loan – có nghĩa là trong thế giới thực, một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ rất có thể trở thành cuộc chiến tranh hạt nhân. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Nếu Đảng Cộng Sản Trung Quốc quyết định xâm chiếm đảo quốc, các nhà lãnh đạo của nó có thể không thể chấp nhận thất bại mà không làm tổn hại nghiêm trọng đến tính hợp pháp của chế độ. Do đó, Đảng CSTQ có thể sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đáng kể để bảo đảm rằng xung đột kết thúc theo những điều kiện mà họ thấy có thể chấp nhận được. Điều đó có nghĩa là phải thuyết phục Hoa Kỳ và các đồng minh của họ rằng chi phí bảo vệ Đài Loan cao đến mức không đáng phải phản đối cuộc xâm lược này. Mặc dù Trung Quốc có một số cách để đạt được mục tiêu đó, nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, sử dụng vũ khí hạt nhân có thể là phương tiện hiệu quả nhất để giữ Hoa Kỳ bên ngoài cuộc xung đột. Trong vài thập kỷ vừa qua Bắc Kinh đã đẩy mạnh quân đội của mình trở thành điều mà Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi là “quân đội đẳng cấp thế giới,” có thể đánh bại bất kỳ bên thứ ba nào tham gia bảo vệ Đài Loan. Chiến lược chiến đấu của Trung Quốc, được gọi là “chống tiếp cận – từ chối khu vực,” dựa vào việc có thể phóng sức mạnh quân sự thông thường ra vài ngàn dặm để ngăn chặn quân đội Mỹ chống lại một cuộc tấn công của Trung Quốc vào Đài Loan. Trong khi đó, kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng, cung cấp cho Bắc Kinh đòn bẫy cưỡng chế cũng như khả năng chiến đấu mới, có thể làm tăng nguy cơ chiến tranh và leo thang. Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ sở hữu vài trăm vũ khí nguyên tử trên mặt đất. Nhưng năm ngoái, các học giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân James Martin và Liên Đoàn các Nhà Khoa Học Mỹ đã xác định được ba hầm chứa hỏa tiễn đang được xây dựng ở khu vực Tân Cương. Tờ Financial Times đưa tin, Trung Quốc có thể đã tiến hành các vụ thử tàu lượn siêu thanh như một phần của hệ thống bắn phá quỹ đạo, có thể né tránh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn và đưa vũ khí hạt nhân tới các mục tiêu ở lục địa Hoa Kỳ. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ dự kiến đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có khoảng 1.000 đầu đạn hạt nhân – nhiều hơn gấp ba lần so với con số mà nước này hiện sở hữu. Dựa trên những dự đoán này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tin rằng sớm nhất là 5 năm kể từ bây giờ, PLA sẽ đạt được đủ vũ khí thông thường và hạt nhân để có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc chiến để thống nhất với Đài Loan. Trò chơi chiến tranh (war game) gần đây của chúng tôi – trong đó các thành viên Quốc Hội, cựu viên chức chính phủ và các chuyên gia về chủ đề này đảm nhận vai trò của những người ra quyết định an ninh quốc gia cấp cao ở Trung Quốc và Hoa Kỳ – minh họa rằng một cuộc chiến tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể leo thang nhanh chóng. Thứ nhất, nó cho thấy rằng cả hai quốc gia sẽ phải đối mặt với các động cơ hoạt động để tấn công các lực lượng quân sự trên lãnh thổ của bên kia. Trong trò chơi này, những đòn tấn công như vậy được dự định sẽ được hiệu chỉnh để tránh leo thang. Cả hai bên đều cố gắng đi một đường thẳng bằng cách chỉ tấn công các mục tiêu quân sự. Nhưng những cuộc tấn công như vậy đã vượt qua ranh giới đỏ đối với cả hai quốc gia và tạo ra một chu kỳ tấn công ăn miếng trả miếng, mở rộng phạm vi và cường độ của cuộc xung đột. Ví dụ, trong mô phỏng, Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào các căn cứ quan trọng của Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Các cuộc tấn công đặc biệt nhắm vào Guam, vì đây là căn cứ hành quân tiền phương quan trọng đối với các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở châu Á. Và bởi vì đây là một lãnh thổ chứ không phải một tiểu bang của Hoa Kỳ, nhóm Trung Quốc coi việc tấn công nó là ít leo thang hơn so với tấn công các mục tiêu khác. Đáp lại, Hoa Kỳ nhắm mục tiêu vào các tàu quân sự của Trung Quốc tại các cảng và các cơ sở xung quanh, nhưng hạn chế các cuộc tấn công khác vào lục địa Trung Quốc. Tuy nhiên, cả hai bên đều coi những cuộc tấn công này là cuộc tấn công vào lãnh thổ của họ, tức đã vượt qua một ngưỡng quan trọng. Thay vì phản ảnh mối quan tâm của họ về các cuộc tấn công vào lãnh thổ của nhau, mỗi bên biện minh rằng các đòn tấn công ban đầu là nhu cầu quân sự có giới hạn về bản chất. Các phản ứng đối với các cuộc tấn công ban đầu chỉ làm mọi thứ leo thang hơn nữa khi đội Hoa Kỳ phản ứng lại các hành động của Trung Quốc bằng cách đánh vào các mục tiêu ở Trung Quốc đại lục và đội Trung Quốc đáp trả các cuộc tấn công của Washington bằng cách tấn công các địa điểm ở Hawaii. Một phát hiện đặc biệt đáng báo động từ trò chơi chiến tranh là Trung Quốc nhận thấy cần phải đe dọa phi hạt nhân hóa ngay từ đầu để ngăn chặn sự ủng hộ từ bên ngoài đối với Đài Loan. Mối đe dọa này đã lặp lại trong suốt trò chơi, đặc biệt là sau khi Trung Quốc đại lục bị tấn công. Đôi khi, những nỗ lực làm xói mòn ý chí của Washington để nước này rút lui khỏi cuộc chiến nhận được sự quan tâm của nhóm nghiên cứu Trung Quốc hơn là cuộc xâm lược Đài Loan. Nhưng Trung Quốc đã gặp khó khăn trong việc thuyết phục Hoa Kỳ rằng các mối đe dọa hạt nhân của họ là đáng tin cậy. Trong thực tế, những thay đổi quan trọng và gần đây của Trung Quốc đối với tư thế hạt nhân và sự sẵn sàng của họ có thể ảnh hưởng đến quan điểm của các quốc gia khác, vì các mối đe dọa hạt nhân của họ có thể không được coi là đáng tin cậy vì học thuyết không sử dụng lần đầu, kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhưng đang phát triển của họ và thiếu kinh nghiệm đưa ra các mối đe dọa hạt nhân. Điều này có thể thúc đẩy Trung Quốc kích nổ trước vũ khí hạt nhân để củng cố độ tin cậy cho lời cảnh báo của nước này. Trung Quốc cũng có thể dùng đến một cuộc biểu dương sức mạnh hạt nhân của mình vì những hạn chế về khả năng tấn công thông thường tầm xa của nước này. Năm năm kể từ bây giờ, PLA vẫn sẽ có rất ít khả năng thực hiện các cuộc tấn công thông thường ngoài các địa điểm trong “chuỗi đảo thứ hai” ở Thái Bình Dương; cụ thể là Guam và Palau. Không thể tấn công nội địa Hoa Kỳ bằng vũ khí thông thường, Trung Quốc sẽ đấu tranh để áp đặt chi phí cuộc chiến cho người dân Hoa Kỳ. Cho đến một thời điểm nhất định trong trò chơi, đội Hoa Kỳ cảm thấy kho vũ khí hạt nhân lớn hơn của họ đủ để ngăn chặn leo thang và không đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của các mối đe dọa từ Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cảm thấy cần phải leo thang đáng kể để gởi một thông điệp rằng nội địa nước Mỹ có thể gặp rủi ro nếu Washington không lùi bước. Bất chấp chính sách hạt nhân “không được sử dụng trước” của Trung Quốc, trò chơi chiến tranh dẫn đến việc Bắc Kinh cho nổ một vũ khí hạt nhân ngoài khơi bờ biển Hawaii như một sự đe dọa. Cuộc tấn công gây ra một sự tàn phá tương đối nhỏ, vì xung điện từ chỉ làm hỏng các thiết bị điện tử của các tàu trong vùng lân cận nhưng không ảnh hưởng trực tiếp đến các tiểu bang Hoa Kỳ. Trò chơi chiến tranh kết thúc trước khi đội Hoa Kỳ có thể phản ứng, nhưng có khả năng là lần đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân kể từ Thế Chiến II sẽ gây ra phản ứng. Các con đường dễ dẫn đến leo thang hạt nhân nhất trong cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc khác với những con đường có nhiều khả năng xảy ra trong Chiến Tranh Lạnh. Liên Xô và Hoa Kỳ lo ngại một cuộc tấn công hạt nhân khổng lồ, nhanh chóng, sẽ dẫn đến một cuộc đối trả chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, trong cuộc đối đầu với Đài Loan, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ khí hạt nhân theo cách hạn chế hơn để báo hiệu quyết tâm, hoặc để nâng cao cơ hội chiến thắng trên chiến trường. Không rõ cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào sau loại hình sử dụng hạt nhân hạn chế đó và liệu Hoa Kỳ có thể làm giảm tình hình leo thang trong khi vẫn đạt được các mục tiêu của mình hay không. Một khoảnh khắc phòng ngừa Bài học rõ ràng từ trò chơi chiến tranh là Hoa Kỳ cần tăng cường các khả năng quân sự thông thường của mình ở Ấn Độ – Thái Bình Dương để bảo đảm rằng Trung Quốc không bao giờ coi việc xâm lược Đài Loan là một hành động chiến thuật thận trọng. Để làm được như vậy, Hoa Kỳ cần phải cam kết duy trì ưu thế quân sự thông thường của mình bằng cách mở rộng kho dự trữ vũ khí tầm xa và đầu tư vào các khả năng hoạt động dưới đáy biển. Washington cũng phải có khả năng tiến hành các hoạt động tấn công bên trong chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai ngay cả khi đang bị tấn công. Điều này sẽ yêu cầu quyền tiếp cận các căn cứ mới để phân bổ lực lượng Hoa Kỳ, nâng cao khả năng sống sót của họ và bảo đảm rằng họ có thể bảo vệ Đài Loan một cách hiệu quả trước các cuộc tấn công của Trung Quốc. Hơn nữa, Hoa Kỳ cần phải phát triển một mạng lưới tích hợp các đồng minh sẵn sàng đóng góp cho quốc phòng của Đài Loan. Đồng minh là một lợi thế bất đối xứng: Hoa Kỳ có đồng minh, còn Trung Quốc thì không. Hoa Kỳ nên lập kế hoạch chiến lược và hoạt động sâu sắc hơn với các đồng minh quan trọng để gửi tín hiệu quyết tâm mạnh mẽ tới Trung Quốc. Là một phần của những nỗ lực lập kế hoạch này, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ cần phát triển các chiến lược quân sự chiến thắng trong chiến tranh mà không vượt qua ranh giới đỏ của Trung Quốc. Trong tương lai, các nhà hoạch định quân sự ở Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của Washington phải vật lộn với tình trạng thực tế rằng, trong một cuộc xung đột về Đài Loan, Trung Quốc sẽ cân nhắc tất cả các lựa chọn hạt nhân và thông thường. Và Hoa Kỳ đang hết thời gian để tăng cường răn đe và khiến Trung Quốc không tin rằng một cuộc xâm lược Đài Loan có thể thành công. Rủi ro lớn nhất là Washington và những đồng minh của nó là không chọn nắm bắt đúng thời điểm và hành động: Một hoặc hai năm nữa, có thể đã quá muộn. Stacie L. Pettyjohn là thành viên cấp cao và là giám đốc Chương Trình Quốc Phòng tại Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ (CNAS), Washington, Hoa Kỳ. Becca Wasser là thành viên trong Chương Trình Quốc Phòng và là đồng lãnh đạo của Phòng Thí Nghiệm Trò Chơi (The Gaming Lab) tại Trung Tâm An Ninh Mới của Mỹ (CNAS), Washington, Hoa Kỳ. https://viettan.org/cuoc-chien-vi-dai-loan-co-the-chuyen-sang-chien-tranh-hat-nhan/  
......

Tân - cựu đế quốc kề vai?

Nguyen Khan Có thể nói, Mỹ đã rảnh tay hơn trong vai trò “sen đầm” quốc tế của mình, khi hai cựu đế quốc từng gây chiến trong thế chiến II là Đức và Nhật đang tích cực hợp tác với Mỹ ngăn cản hai tân đế quốc đang gây chiến và đe dọa gây chiến trên hai châu lục Á - Âu là Nga và TC (Trung Cộng). Tân thủ tướng Đức có vẻ đang lúng túng trong việc đối phó với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Bởi không chỉ thủ tướng tiền nhiệm Merkel có những chính sách thân thiện và phụ thuộc vào kinh tế Nga, nổi bật là để Đức và EU lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng hoá thạch của Nga (than đá, dầu thô và khí đốt)… Mà ngay cả thủ tướng tiền nhiệm của cựu thủ tướng Merkel, là thủ tướng thuộc đảng của thủ tướng đương nhiệm, cũng rất thân thiện với bạo chúa Putin. Đó là lý do khiến tân thủ tướng Đức gặp không ít lúng túng, vì không thể trừng phạt triệt để Nga, hàng ngày Đức và EU phải trả hàng trăm triệu Euro tiền mua khí đốt cho Putin để Putin có tiền chi trả chiến phí tàn phá và giết chóc nhân dân Ukraina. Công bằng mà nói, tân thủ tướng Đức đã tỏ rõ là nước đầu tàu EU, phối hợp tích cực với Mỹ, EU và NATO trừng phạt mạnh mẽ Nga, giúp đỡ tích cực cho Ukraina vệ quốc. Song rất tiếc vì chính sách thân Nga của các chính phủ tiền nhiệm đã khiến tân thủ tướng Đức bị kẹt… không thể trừng phạt triệt để năng lượng Nga ngay lập tức như mong muốn, mà phải chờ thêm thời gian… Thì ở Đông Bắc Á, Tân thủ tướng Nhật có vẻ thông thoáng hơn trong chính sách kềm chế TC xâm lăng đảo Shenkaku, quốc đảo Đài Loan hoặc Biển Đông, vì các thủ tướng tiền nhiệm đã xây dựng chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên cái sườn QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) rất minh bạch cho tân thủ tướng Nhật tiếp nối. Bởi cuối năm ngoái, các chuyên gia tin rằng TC sẽ tấn công Đài Loan sau thế vận hội mùa Đông, nên QUAD có lý do để phòng bị bất chấp sau đó là cuộc tấn công xâm lược Ukraina của Nga. Hiện tại tổng thống Mỹ đang thăm Hàn, Nhật, khởi động khung kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương (IPEF) nhằm tăng kết nối kinh tế trong khu vực để kềm chế TC. Tổng thống Mỹ xác nhận lại việc bảo vệ Đài Loan, trong khi thủ tướng Nhật tuyên bố phản đối việc dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông… Nói tóm lại, nhờ hai cựu đế quốc kèm chặt hai tân đế quốc nên Mỹ nhẹ nhàng hơn trong công việc “sen đầm” quốc tế của mình, vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ ngày càng có sức nặng và tích cực hơn./.  
......

Đọc được trên mạng

Hình minh họa : Một binh sĩ Nga bị tử trận sau khi đã cướp được vài chiếc đồng hồ đeo tay. Anh ta đã không có dịp để về khoe với bạn bè ở Nga. Loc Duong Nga đang thua trong cuộc chiến ở Ukraine. Vì hoảng sợ, binh lính Nga bỏ xe tăng và tháo chạy. Cuộc tấn công bị bế tắc, binh lính mất tinh thần, thiếu nhiên liệu và lương thực. Một ví dụ trắng trợn đã lột trần hiện thực của quân đội Nga là nguồn cung cấp lương thực.   Cả thế giới kinh ngạc trước những hình ảnh về khẩu phần ăn trên chiến tuyến đã hết hạn sử dụng từ năm 2015, nó được những người lính Nga tử trận và tù binh Nga mang theo. Quân đội của Putin phải đi ăn cướp ăn trộm để tránh bị chết đói. Tất cả những điều này nói rằng, quân đội ngày hôm nay của Nga vẫn là quân đội Xô Viết ngày trước, quân đội của những kẻ đói khát.   Tôi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Matxcova với tư cách là một phiên dịch viên quân sự. Tôi là một sĩ quan trong Quân đội Liên Xô, trung úy lực lượng dự bị. Tôi sẽ không bao giờ quên lời thề trong buổi lễ tuyên thệ tại doanh trại quân đội ở Kovrov: “Tôi thề sẽ bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa của tôi đến giọt máu cuối cùng.” Sau đó, tôi hôn lá cờ, nó có mùi cá hun khói. Các chỉ huy của chúng tôi đã uống bia, ăn cá rồi chùi tay lên lá cờ.   Thức ăn trong quân đội rất thảm hại, luôn là loại cám xay và một thứ nước uống không tên, chúng tôi cứ phải chạy lòng vòng với cái bụng cồn cào và ngày Chủ Nhật, chúng tôi đột kích vào ngôi làng gần nhất. Ở đó chúng tôi ăn trộm rau trong vườn, rung táo trên cây và sau đó hầu như tất cả đều bị tiêu chảy.   Phục vụ nhà bếp là một công việc yêu thích. Vâng, nó được xem như là đi dự bữa tiệc. Ở đó người ta có thể ăn bao nhiêu tùy thích. Mỗi khi chúng tôi khui những hộp thịt hầm ra, thì chúng tôi lén ăn một nửa. Nửa còn lại mang tới bàn của các sĩ quan. Chỉ còn lại những nắm cám xay không có thịt cho đám lính trơn. Không ai chống đối chuyện này, không ai nghĩ đó là ăn cắp thức ăn từ đĩa của người khác, bởi vì tất cả mọi người đều làm điều đó, khi họ đến phiên được phục vụ trong bếp.   Vô số báo cáo từ các cựu chiến binh đã vẽ nên bức tranh giống nhau về quân đội Nga: đói khát và tham nhũng. Nhà báo nổi tiếng Arkady Babchenko, người từng chiến đấu ở Chechnya, đã đưa ra châm ngôn nổi tiếng về tinh thần người lính trong quân đội Nga: "Tổ quốc của ta luôn bỏ rơi ta trong khốn khó, luôn luôn."   Hình ảnh một quân đội cải cách, hiện đại, sẵn sàng chiến đấu -- hóa ra chỉ là trò tuyên truyền lừa dối của Putin. Cả một chế độ tội phạm tham nhũng và biển thủ ngân quỹ nhà nước được nuôi dưỡng từ các khoản chi khổng lồ cho cải cách và trang bị lại quân đội.   Trong cuộc chiến ở Ukraine, quân đội Nga sử dụng chiến thuật tương tự đã được áp dụng trong tất cả các cuộc chiến trước đó: không ngừng đẩy hàng loạt binh lính vào biển lửa. Nga có một lợi thế, cái lợi thế mà thế giới văn minh không thể làm được, đó là : Putin không quan tâm đến việc phải hy sinh bao nhiêu binh sĩ, hàng nghìn hay hàng chục nghìn trên đất Ukraine. Georgy Zhukov, người được mệnh danh là Nguyên soái chiến thắng, đã nói rõ ràng: “Không sao hết. Đàn bà Nga sẽ đẻ thêm binh sĩ”….   (Trích đăng theo bài viết của nhà văn Nga Michail Schischkin. VTP-LHT dịch.)      
......

Rơi vào thế bị động, Nga có đấu được Ukraine?

Ông Putin   · Trần Quốc Quân   Phong trào yêu nước ở Ukraine ngày càng phát triển mạnh, cộng với sự hỗ trợ tích cực từ Mỹ và phương Tây, đã giúp Ukraine có nhiều lợi thế so với Nga trong chiến sự hiện nay.   Ông Putin mắc khá nhiều sai lầm trước khi tấn công Ukraine   Trước khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, Tổng thống Nga Putin đã tính toán sai lầm một vài điểm then chốt. Ông tự tin vào năng lực và hiệu quả của lực lượng quân đội có trong tay, đồng thời đánh giá thấp khả năng kháng cự của người dân Ukraine. Ông Putin cũng không đúng khi cho rằng, châu Âu chia rẽ, phương Tây khó lòng đạt được đoàn kết đối với tình hình Ukraine. Đồng loạt phản ứng quyết liệt Moscow trên phạm vi rộng cũng nằm ngoài dự liệu của ông Putin. Ngay từ rất sớm, giới quan sát trung lập đánh giá cuộc chiến này không thể mở ra con đường nào dẫn đến chiến thắng, vì nó không giải quyết bất cứ nhu cầu chính đáng nào mang tính phổ biến ngoài ý chí của giới tinh hoa chính trị Nga dưới trướng ông Putin.   Chiến thắng mà Nga mong muốn là đánh đổ chính phủ hợp hiến một quốc gia rộng lớn với 44 triệu dân. Phong trào chống Nga sẽ biến tướng thành xung đột vũ trang, bất ổn, chết chóc đẫm máu. Đây là bài toán hóc búa đối với ông Putin để có thể kiểm soát một cách yên bình sau khi chiến thắng.   Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu thua trong cuộc chiến này, chính là lời cảnh báo đắt đỏ rằng, người Nga không thể trở thành cường quốc, bá chủ châu Âu bằng con đường vũ lực, đặt hoài nghi với tất cả các nước không cùng chí hướng. Khả năng thất bại đối với Nga trong chiến sự ở Ukraine ngày một lớn hơn khi tương quan lực lượng hai bên không ngừng thay đổi theo hướng có lợi cho Kiev, vốn được Mỹ và châu Âu bảo hộ về nguồn lực vật chất. Đặc biệt, chủ nghĩa yêu nước Ukraine đã sống dậy mạnh mẽ.   NATO nhận định, Ukraine hoàn toàn có thể phản công giành lại Donbass, thậm chí có thể lấy lại bán đảo Crimea đã mất vào tay Nga hồi năm 2014. Vậy cơ sở nào giúp NATO đưa ra nhận định này?   Khi mới bắt đầu chiến dịch, Nga có lợi thế vượt trội về không lực, tỷ lệ “3 đánh 1”, hầu hết các nhà quân sự cho rằng quân Nga nhanh chóng đạt được mục tiêu. Nhưng không phải, hệ thống phòng không Ukraine rất hiệu quả, các trận đánh xung quanh Kiev, Kharkiv khiến Nga nhìn nhận lại và chuyển hướng về Donbass.   Tại Donbass, vùng địa hình hỗn hợp không hề dễ dàng để vận chuyển lực lượng tham chiến, Ukraine sẵn sàng bỏ trống các thành phố từ 20.000 dân cho khí tài Nga oanh kích. Chỉ riêng cứ điểm Azovstal ở Mariupol khiến Nga tiêu tốn quá nhiều sức lực.   Đến thời điểm này, sau 1 tháng chuyển hướng chiến lược, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa thể phát thông báo “giải phóng Donbass” thành công. Có nghĩa là con đường tiến về miền Trung và Tây Ukraine tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Putin có 190.000 quân phục vụ chiến dịch lần này, hiện đã mất hơn 10%, còn Ukraine tuyên bố đã tiêu diệt 14.000 lính Nga, con số của tình báo Mỹ là 28.000 đến 30.000 lính Nga tử trận. Nghĩa là càng kéo dài chiến tranh, lực lượng Nga càng sứt mẻ.   Các tổ chức chuyên nghiên cứu tâm lý con người ở phương Tây có bằng chứng về việc lính chiến đấu Nga đang sa sút tinh thần. Putin buộc phải cầu viện lực lượng từ Syria, Armenia bổ sung. Đồng thời, các quan chức phương Tây tin rằng, Moscow đã hết một số loại vũ khí khó thay thế như đạn chính xác tầm xa, bao gồm cả tên lửa hành trình.   Phía bên kia, vài tuần nay, Tổng thống Zelensky rất ít xuất hiện trên truyền thông chính thống cũng như phi chính thống, ông ta vẫn an toàn ở Kiev để chỉ huy đất nước, có rất nhiều thời gian tham khảo, bàn bạc với các chuyên gia quân sự hàng đầu NATO chuẩn bị phương án phản công nếu quân Nga tiến đến thủ đô.   Một phóng sự của đài truyền hình quốc gia Pháp (France 2) chiếu cảnh từng hàng dài cả nam giới, phụ nữ ở nhiều lứa tuổi kiên nhẫn chờ đăng ký phục vụ cho quân đội Ukraine tại Lviv.   Kiev dự trù 4 đợt tổng động viên. Trong trường hợp chiến tranh ác liệt, quốc gia này sẽ huy động tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên, con số này có thể lên tới nhiều chục triệu người có thể tham chiến. Quân Nga sẽ đối diện với pháo đài “thịt”, bắn hay không bắn - là vấn đề rất lớn!   Bên ngoài Donbass, người Ukraine rất nghiêm túc chuẩn bị cho chiến tranh, phụ nữ đan lưới ngụy trang, may áo giáp, nấu ăn tiếp viện cho binh lính, toàn bộ xưởng cơ khí đều chuyển đổi thành cơ sở gia công vũ khí. Tại Kiev, lớp phòng thủ bằng chướng ngại vật dựng sẵn ở từng con phố.    
......

Chiến tranh Nga-Ukraine: Hiện tình, nguyên nhân, giải pháp và lịch sử

Những ngôi mộ tập thể ở Bucha ngày 15-5-2022. Hàng trăm thi thể được tìm thấy ở Bucha sau khi quân Nga rút đi, một số bị trói tay sau lưng. Nguồn: picture-alliance, EPA Tác giả: Andreas Umland Dịch giả: Đỗ Kim Thêm - Báo Tiếng Dân Sau tất cả những nỗ lực của Nga nhằm gây bất ổn, xâm nhập và sát nhập Ukraine đã ít nhiều thất bại, Moscow phát động một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô. Do đó, cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và phương Tây về trật tự an ninh châu Âu bước vào một giai đoạn mới. Hiện tình Với sự khởi đầu của cuộc chiến tranh xâm lược công khai của Nga chống lại Ukraine vào ngày 24-2-2022, đặc điểm của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã thay đổi theo nhiều cách. Thay vì ủng hộ phe ly khai thân Nga được gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine, hiện nay Moscow sử dụng các phương tiện xâm lược quân sự trực tiếp và không che giấu. Cuộc tấn công diễn ra đồng thời ở miền đông, miền bắc và miền nam Ukraine, trên đất liền, trên biển và trên không, bằng cách sử dụng toàn bộ kho vũ khí thông thường, bao gồm thiết giáp, pháo binh, hỏa tiễn và chiến đấu cơ. Cuộc chiến chống Ukraine cũng được tiến hành do quân đội Nga đang đóng tại Belarus. Theo những tin tức nhận được cho đến nay, đầu tháng 5 năm 2022, không có đơn vị chính quy nào của Belarus được huy động trên vùng đất của Ukraine hoặc quân đội Ukraine trên lãnh thổ Belarus. Tuy nhiên, việc Nga sử dụng Belarus trong một quy mô lớn như là một khu vực tiến quân, đã làm thay đổi đặc điểm của cuộc xung đột song phương Nga-Ukraine và biến tình hình thành một cuộc xung đột quân sự ba bên. Song song với cuộc tấn công trên bộ gần như là hàng ngày, Nga ném bom tại các thành phố, cơ sở hạ tầng, cơ sở công nghiệp, cũng như các kho đạn dược và căn cứ quân sự của Ukraine. Tên lửa tầm ngắn, tên lửa đường dài, chiến đấu cơ, máy bay trực thăng và máy bay không người lái được sử dụng. Ở Donbas, một số khu vực dường như đã bị quân đội Nga gài mìn hoàn toàn. Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga được thực hiện một phần từ lãnh thổ Nga và một phần từ các chiến hạm ở Biển Đen và Biển Caspi. Chúng gây ảnh hưởng đến thủ đô Kiev cũng như các thành phố lớn khác, như Kharkiv và Odessa, mở rộng đến các khu vực phía tây Ukraine của Galicia, Volynia và Transcarpathia, cách xa cuộc chiến ở phía nam và phía đông của đất nước. Trong ý đồ khủng bố, quân đội Nga dường như cũng đang pháo kích các cơ sở dân sự như bệnh viện, trường học, cơ sở văn hóa và các nơi trú ẩn. Việc cướp bóc quy mô, tra tấn, giết người thành từng mảnh, hãm hiếp và giết hại thường dân Ukraine là một phần của trong cuộc chiến tranh Nga. Bị ảnh hưởng đặc biệt bởi tội ác chiến tranh là thành phố cảng Mariupol và một số vùng ngoại ô của Kyiv, như các thị trấn nhỏ Butsha, Borodyanka và Irpin. Ở đó và một số nơi khác, hàng ngàn thường dân Ukraine là nạn nhân của mục tiêu khủng bố của quân đội chính quy Nga, các đơn vị với quy chế không rõ ràng của Chechnya và các tổ chức của “các nước Cộng hòa Nhân dân”. Do hậu quả của cuộc chiến hủy diệt của Nga chống lại thường dân Ukraine, số lượng người tị nạn Ukraine đã tăng lên nhanh chóng, cả trong và ngoài nước. Đến tháng 5 năm 2022, khoảng 5,4 triệu người đã rời khỏi đất nước. Ngoài ra, Moscow còn tổ chức trục xuất [người dân Ukraine]  trong một quy mô lớn, bao gồm cả công dân vị thành niên của Ukraine, và vận chuyển kho dư trữ ngũ cốc và máy móc nông nghiệp của Ukraine sang Nga. Sự tích tụ các loại tội ác chiến tranh đã dẫn đến việc một số nhà quan sát chính trị, lịch sử và luật pháp sử dụng thuật ngữ diệt chủng khi mô tả về hành vi của Nga ở Ukraine. Mặc dù các lực lượng vũ trang Ukraine chịu tổn thất đáng kể, nhưng thật ra là họ mạnh hơn nhiều, không phải như các nhà quan sát, đặc biệt là từ Nga, đã giả định. Thành công tương đối của quân đội Ukraine một phần là do tinh thần chiến đấu cao độ, sự hỗ trợ của dân chúng, một phần là do thiết bị với vũ khí phòng thủ hiện đại do Ukraine sản xuất và từ phương Tây, cũng như hợp tác tình báo cấp tốc với các quốc gia phương Tây. Kể từ tháng 4 năm 2022, đã có một số vụ nổ và hỏa hoạn ngày càng tăng trong các cơ sở hạ tầng và quân sự ở Nga, mặc dù vẫn chưa xác định được là các cuộc tấn công này đang được thực hiện như thế nào. Nguyên nhân Bản đồ Ukraine. Màu vàng: vùng nói tiếng Ukraine. Màu xám nhạt: vùng nói tiếng Nga. Nguồn: bpb.de Từ khi Ukraine giành được độc lập năm 1991, quy chế chính thức của tiếng Nga (khoảng 17% dân số Ukraine là người dân tộc Nga), việc giải thích lịch sử Sa hoàng và Liên Xô, và định hướng địa chính trị của Ukraine đã là các chủ đề thường xuyên gây ra nhiều tranh cãi trong các cuộc diễn ngôn công khai của Ukraine. Nhưng trong hai thập niên qua, những cuộc tranh luận này đã diễn ra trong êm thắm. Không giống như ở một số quốc gia thời hậu Xô Viết khác như Estonia, Georgia hoặc Latvia, các vấn đề về bản sắc, dân quyền và văn hóa đã được tự do đề cập. Nguyên nhân sâu xa hơn của tình trạng công kích trong lập luận, chính trị và quân sự ngày càng tăng ở Ukraine của giới lãnh đạo Nga trong và sau cuộc cách mạng Euro-maidan (tháng 11 năm 2013 đến tháng 2 năm 2014) chủ yếu do các đặc điểm trong chính sách đối nội hơn là đối ngoại. Bằng cách kích động các thuyết âm mưu và hoang tưởng, chế độ Putin muốn mở ra các nguồn hợp pháp mới để bảo đảm sự cai trị độc đoán của mình. Mãi cho đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khế ước xã hội độc tài giữa giới tinh hoa cầm quyền và người dân nhằm tạo phúc lợi không còn có thể thực hiện được, vì sự phát triển kinh tế bị trì trệ và các thu nhập thực tế bị thu hẹp. Điện Kremlin ngày càng lo ngại rằng, một Ukraine khi được “châu Âu hóa” thành công có thể nổi lên như một mô hình đối nghịch hậu Xô Viết để chống lại “hệ thống Putin” trong việc tướt đoạt bằng cách cắt giảm lương hưu từ việc xuất khẩu nguyên liệu (không chỉ sang EU). Với việc hoàn thành đường ống dẫn khí Nord Stream đầu tiên qua vùng biển Ostsee Baltic, từ Vyborg đến Lubmin vào cuối năm 2012, sự phụ thuộc của doanh nghiệp nhà nước Nga Gazprom vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Ukraine cũng giảm. Từ năm 2013 trở đi, việc không lệ thuộc kinh tế năng lượng ngày càng tăng giữa Nga và Ukraine đã góp phần đáng kể vào căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia. Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo Nga trong khi hỗn loạn của biến động năm 2013/ 2014, đã cố tình sử dụng sự khác biệt về quan điểm văn hóa và địa chính trị, cũng như sự hiện diện ngày càng tăng của các nhóm dân tộc cực đoan sống bên lề ở Ukraine để huy động một bộ phận dân số Donbas cho một “cuộc nội chiến” chống lại “Banderovtsy”. Moscow đã thành công trong việc tuyển mộ hàng chục ngàn người quá khích ủng hộ Đại Nga ở cả Ukraine và Nga để can thiệp bán quân sự hoặc hợp tác ly khai ở Donbas. Một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ đã bôi nhọ tiến trình dân chủ hóa đang khởi đầu, giải phóng quốc gia và châu Âu hóa Ukraine như là một cuộc đảo chính chống Nga, thậm chí là “phát xít” và định hướng theo phương Tây của Ukraine, là một sự vi phạm cơ bản lợi ích quốc gia và địa chiến lược của Nga. Song song với việc chiếm đóng Crimea và một phần của miền đông Ukraine, là vi phạm luật quốc tế, “cuộc chiến tranh hỗn hợp” chống lại Ukraine đã được tăng cường, trong đó các hình thức đấu tranh phi quân sự (ví dụ như kinh tế, truyền thông, “hộ chiếu”) đóng một vai trò quan trọng như các hoạt động trá hình bằng tình báo và trực tiếp bằng quân sự. Bán đảo Crimea ngày càng được sát nhập vào chính quyền và nền kinh tế Nga, cũng như đời sống văn hóa và hệ thống giáo dục của Liên bang Nga. Với việc xây một cây cầu bắc qua eo biển Kerch, một tuyến giao thông giữa Crimea và lục địa Nga đã được thành hình. Sự thay đổi quyền lực ở Kyiv sau cuộc bầu cử đưa Volodymyr Zelenskyi lên làm tổng thống và chiến thắng của đảng “Người phục vụ nhân dân” trong cuộc bầu cử quốc hội vào mùa xuân và mùa hè năm 2019, đã dẫn đến sự thay thế gần như toàn bộ giới tinh hoa chính trị và một nhóm chính trị chống chủ nghĩa dân tộc mới tiếp quản các ngành hành pháp và lập pháp. Tuy nhiên, định hướng thân châu Âu và Đại Tây dương của Ukraine còn tiếp tục tồn tại ngay cả với giới lãnh đạo mới của Ukraine. Sau khi Tổng thống thứ năm Petro Poroshenko từ chức, Moscow hy vọng một sự thay đổi chính trị thân Nga tại Kyiv đã không xảy ra. Không có sự nhượng bộ lãnh thổ hoặc chính trị nào của Ukraine trong khuôn khổ các cuộc đàm phán của Nhóm tiếp xúc ba bên ở Minsk và cái gọi là Định dạng Normandy. Giải pháp Ngay trong tháng 3 năm 2014, Ukraine và các chính phủ phương Tây đã khởi xướng một cuộc bỏ phiếu của Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, trong đó có 100 quốc gia phản đối việc sát nhập Crimea, trong khi có 11 quốc gia (Armenia, Belarus, Bolivia, Cuba, Nicaragua, Bắc Triều Tiên, Nga, Zimbabwe, Sudan, Syria và Venezuela) đã bác bỏ Nghị quyết. Tổ chức OSCE cũng đã hành động. Họ đã gửi một Phái bộ Quan sát viên đặc biệt đến Ukraine với trọng tâm là khu vực chiến sự và hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình ở thủ đô Minsk của Belarus. Ở đó, vào tháng 9 năm 2014 và tháng 2 năm 2015, Đức và Pháp đã cố gắng làm trung gian cho một thỏa hiệp giữa Nga và Ukraine trong vấn đề Donbas. Tuy nhiên, các thỏa thuận đã không dẫn đến một lệnh ngừng bắn hiệu quả hoặc phục hồi quyền kiểm soát của Kyiv đối với lãnh thổ của hai “nước Cộng hòa Nhân dân” ở miền đông Ukraine. Thay vào đó, tháng 2 năm 2015, được sự hỗ trợ của quân đội Nga chính quy, “phe ly khai” đã không tuân thủ thỏa thuận Minsk lần thứ hai được ký kết gần đây, đã chiếm đóng trạm kiểm soát đường sắt Debaltseve và các khu vực xung quanh trong một trận chiến đẫm máu. Tuy nhiên, những nỗ lực ban đầu của chính phủ Ukraine nhằm tạo ra một quy chế hợp hiến đặc biệt cho các khu vực Luhansk và Donetsk đã gặp phải sự kháng cự không chỉ giữa các nhóm dân tộc cực đoan, mà còn hầu hết nơi các phe phái của quốc hội và trong phần lớn xã hội Ukraine. Hầu hết những người chỉ trích Thỏa thuận Minsk yêu cầu các nhóm vũ trang bất hợp pháp trước tiên phải rút ra khỏi các khu vực ly khai và trở lại biên giới Nga, được đặt hoàn toàn dưới sự kiểm soát của Ukraine. Chỉ sau khi đó, các cuộc bầu cử khu vực và địa phương mới có thể được tổ chức và các quyền tự trị đặc biệt được bảo đảm. Giới phê bình khác chỉ ra rằng, tình trạng địa phương tản quyền của Ukraine đã diễn ra từ năm 2014, và từ chối các quyền đặc biệt bổ sung cho các vùng lãnh thổ do Kremlin kiểm soát. Trong khi đó, sự cách biệt trong lĩnh vực văn hóa giữa Ukraine và các vùng lãnh thổ bị sáp nhập cũng liên tục xảy ra. Đạo luật Giáo dục năm 2017 đã cho phép tiếng Ukraine (với một số ngoại lệ) xem như là một ngôn ngữ được giảng dạy thống nhất trong các trường công lập từ cấp trung học trở đi. Năm 2018, Đạo luật về ngôn ngữ từ năm 2012, cho phép sử dụng tiếng Nga như một ngôn ngữ chính thức, đã bị Tòa Bảo Hiến đình chỉ vì vi hiến. Đạo luật mới về ngôn ngữ năm 2019 định nghĩa tiếng Ukraine là ngôn ngữ quốc gia duy nhất và quy định ứng dụng độc quyền hoặc chiếm ưu thế trong nhiều lĩnh vực xã hội. Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô của Nga vào tháng 2-2022, các điều kiện cho một giải pháp đàm phán về cuộc xung đột đã xấu đi một cách đáng kể. Các Thỏa thuận Minsk đã hết hiệu lực. Tính đến tháng 5 năm 2022, cả hai phía Ukraine và Nga không có cơ sở cũng như không sẵn sàng đàm phán. Vào tháng 3 năm 2022, Ukraine đã gợi ý về những nhượng bộ khả thi, bao gồm tình trạng trung lập cho đất nước trong trường hợp có các biện pháp đảm bảo an ninh tương ứng và các cuộc đàm phán với Nga liên quan đến các vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng trước ngày 24-2-2022. Tuy nhiên, những đề xuất này cũng không dẫn đến bất kỳ một sự xích lại gần nhau nào. Thay vào đó, chiến tranh kéo dài và tội ác chiến tranh phơi bày đã gây ra các quan điểm thành cứng rắn. Lịch sử “Cuộc cách mạng về nhân phẩm” vào ngày 21-11-2013 bắt đầu với các cuộc biểu tình nhỏ chống lại việc trì hoãn việc ký kết Hiệp định hội nhập Ukraine với EU. Sau khi giải tán một cách đẫm máu trong một trại lều của các trí thức và sinh viên thân châu Âu trên Quảng trường Độc lập của Kyiv, các cuộc biểu tình mở rộng nhanh chóng. Phong trào quần chúng chống đối giới đầu sỏ chính trị và ủng hộ dân chủ lên đến đỉnh điểm vào ngày 21-2-2014 trong chiến thắng trước chế độ cướp bóc của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, cũng như chuyến trốn chạy của ông đến Nga. Sau đó, Quốc hội đã bãi nhiệm tổng thống và quy định bầu cử mới. Sau chiến thắng của Euro-maidan, Nga đã lấy tình hình đen tối như là một cơ hội để sát nhập Crimea, nơi chủ yếu là dân tộc Nga (khoảng 60% dân số địa phương). Trong một hành động ban đêm và sương mù, tòa nhà quốc hội của Cộng hòa tự trị Crimea ở Simferopol đã bị một đơn vị đặc biệt của căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol tấn công. Sau đó, các cơ sở hành chính và doanh trại Ukraine đã lần lượt bị chiếm đóng bởi các đơn vị vũ trang hạng nặng của Nga mà không có cấp bậc và biểu tượng. Dưới áp lực của họ, quốc hội cộng hòa và chính phủ lâm thời do Điện Kremlin chỉ định đã quyết định ly khai và tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giả mạo. Sáng ngày 18-3-2014, hiệp ước (bất hợp pháp) về việc gia nhập Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol vào Liên bang Nga đã được ký kết tại Moscow. Cuộc chiến ở miền đông Ukraine bắt đầu vào mùa xuân năm 2014, với sự chiếm đóng bằng bạo lực các tòa nhà của chính phủ ở khu vực Luhansk và Donetsk bởi các nhóm vũ trang thân Nga, thường là do công dân Nga lãnh đạo, gián tiếp được hướng dẫn và tài trợ bởi Moscow. Những cao điểm đau buồn đầu tiên của cuộc chiến leo thang nhanh chóng là các cuộc đụng độ đầy bạo lực giữa các nhà hoạt động thân Nga và thân Ukraine ở Odessa vào ngày 2-5-2014, trong đó 48 người thiệt mạng và vụ bắn hạ một máy bay chở khách của Malaysia bằng tên lửa phòng không loại “Buk” của Nga ở miền đông Ukraine vào ngày 17-7-2014, trong đó tất cả 298 hành khách đã thiệt mạng. Vào đầu cuộc chiến năm 2014, quân đội Ukraine đã thiếu trang bị và tài trợ, và một phần trong giới lãnh đạo đã bị các đặc vụ Nga xâm nhập. Do đó, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, các đơn vị tình nguyện yếu về số lượng nhưng có động lực cao, họ đóng vai trò quan trọng, bao gồm các đơn vị được thành lập bởi những kẻ cực đoan cánh hữu, chẳng hạn như tiểu đoàn “Azov”, được chuyển đổi thành một trung đoàn vào cuối năm 2014, được sát nhập vào Vệ binh Quốc gia của Bộ Nội vụ và tiếp tục không còn đặt vấn đề ý thức hệ. Vào mùa hè và mùa thu năm 2014, các hội đoàn, một phần nổi lên từ các cuộc biểu tình Euro-maidan, đã ngăn chặn sự mở rộng can thiệp bí mật của Nga vào Donbas. Ngoại trừ một vài nhóm dân quân nhỏ mang tính bán quân sự và chính quy, chẳng hạn như Đoàn quân Tình nguyện Ukraine của Cánh Hữu, các đơn vị đã được sát nhập vào quân đội của Bộ Quốc Phòng hoặc Bộ Nội Vụ. Tác giả: Andreas Umland Dịch giả: Đỗ Kim Thêm - Báo Tiếng Dân   
......

Tất cả đều nằm trong tính toán của Bắc Kinh

Putin - Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters) Lao Ta Chỉ cần thay “Putin” bằng “Bắc Kinh”, thì câu nói nổi tiếng bất đắc dĩ của tướng Cương sẽ tuyệt đối đúng. Tổng hợp từ nhiều nguồn tin tình báo, đặc biệt là tình báo Anh và Hoa Kỳ, theo dõi các phản ứng của Bắc Kinh thời gian qua, có thể khẳng định, Tập Cận Bình được Putin thông báo trước về cuộc xâm lược tàn khốc mà ông ta nhắm vào Ucraina. Putin làm thế vì muốn cho giới lãnh đạo Bắc Kinh cảm nhận được rằng, với ông ta Trung Quốc đáng tin cậy và gần gũi như thế nào. Tuy nhiên đó chỉ là một lý do. Lý do thứ hai là Putin muốn thăm dò thái độ của Tập. Có thể Tập cũng tỏ ra ngần ngại nhưng cuối cùng đã đồng ý khi Putin hứa mọi chuyện sẽ kết thúc chậm nhất trong 72 giờ. (Chúng ta nhớ lại: Cuối năm 1978, khi thăm Hoa Kỳ, khi muốn chứng tỏ Mỹ gần gũi với Trung Quốc như thế nào, đồng thời muốn dò thái độ của Washington, Đặng Tiểu Bình thông báo với tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter, rằng ông ta sẽ tấn công Việt Nam. Theo các tài liệu đã được công khai, dù rất ghét Việt Nam, Carter đã tỏ ra ngần ngại, khuyên Đặng không nên làm như vậy. Cuối cùng Đặng hứa sẽ chỉ tấn công hạn chế cả không gian và thời gian, khiến Carter không nói gì thêm). Tập Cận Bình, khác với Carter, đã không chỉ gật đầu, mà còn khích lệ Putin. Chúng ta hãy chú ý các tuyên bố sau để tin vào điều đó: Khi Nga tấn công Ucraina, Bắc Kinh lớn tiếng đổ lỗi cho NATO là nguyên nhân của cuộc chiến, đồng thời, “cảm thông” với các lo lắng về an ninh của Nga. Khi Nga không thắng nhanh như kế hoạch, Vương Nghị nói rằng: “Những gì đang xảy ra ở Ucraina là điều Trung Quốc không muốn trông thấy”. Thông điệp này nói lên điều gì? Thế giới có thể hiểu Trung Quốc không khích lệ Nga tấn công Ucraina. Nhưng Putin sẽ đọc được thông điệp này như một lời trách móc: Ngài đừng làm chúng tôi thất vọng! Và Putin biết phải làm gì. Trên thực tế, mức độ khủng khiếp của các cuộc bắn phá do Nga tiến hành nhắm vào mọi nơi trên đất nước Ucraina sau đó tăng lên gấp đôi, với quyết tâm thắng bằng mọi giá (Cũng là cách không làm Trung Quốc thất vọng). Chúng ta nhớ đến lời tuyên bố của Ucraina sau đó, coi Trung Quốc không còn là quốc gia đáng kính trọng nữa. Hẳn họ phải có bằng chứng. Khi Nga có dấu hiệu sa lầy rõ ràng, Bắc Kinh công khai tuyên bố: “Sự ủng hộ của Trung Quốc với Nga là không có giới hạn”. Một lời khích lệ như vậy tưởng rằng không còn gì quý hơn với Putin trong nỗ lực mở rộng chiến tranh của ông ta. Trong tính toán của Bắc Kinh, thì việc Nga tấn công Ucraina, (với giả định mọi chuyện kết thúc giống như vụ Nga sáp nhập Crimea) chắc chắn gây thiệt hại cho Trung Quốc cả về ngoại giao và kinh tế, nhưng so với những lợi ích khổng lồ nó đem lại, thì chút thiệt hại kia quá bé, chấp nhận được. Kịch bản Nga thắng nhanh chóng Món lợi kếch xù đầu tiên mà Trung Quốc thu được là cuộc trắc nghiệm phản ứng của dư luận quốc tế. Trung Quốc còn e dè trong việc tấn công Đài Loan, ngoài yếu tố thực lực chưa đủ tự tin, họ không thể tiên liệu hết phản ứng của quốc tế, chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Anh Quốc mạnh mẽ cỡ nào. Nếu mọi chuyện êm xuôi, sẽ là cơ sở thực tế quan trọng để Trung Quốc lên kế hoạch động binh ở eo biển Đài Loan hoặc biển Đông, thậm chí có thể chớp nhoáng tấn công những vị trí dễ xơi nhất (Quần đảo Trường Sa, chẳng hạn). Món lợi lớn thứ hai là người Nga vô tình giúp Trung Quốc phân tán sự chú ý và sức mạnh của đối thủ lớn nhất là Mỹ. Trong tính toán của Bắc Kinh thì Hoa Kỳ sẽ cấm vận và tìm cách bao vây Nga về ngoại giao, đồng thời tăng cường lực lượng sang châu Âu để đề phòng Nga sẵn đà tấn công các nước thuộc Liên minh châu Âu. Vì khả năng của Mỹ cũng có hạn, nên họ buộc phải “sao nhãng” những khu vực khác, trong đó có nhiều khu vực thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Món lợi lớn thứ ba, theo kịch bản này, là châu Âu sẽ không còn đặt cược hoàn toàn vào Hoa Kỳ và nghiễm nhiên Trung Quốc trở nên quan trọng đối với họ như một nhà hòa giải và như một nhà kiến tạo hòa bình. Khi đó liên minh Nga-Trung thoải mái phá hủy cấu trúc an ninh cũ, để xây lại theo ý mình. Kịch bản Nga sa lầy hoặc thất bại Phải khẳng định, đây chỉ là kịch bản phụ của Bắc Kinh. Trước ngày 24 tháng 2, như hầu hết mọi người, Bắc Kinh tuyệt đối tin vào sức mạnh quân sự của Nga. Chính người Mỹ cũng đưa ra dự báo chính quyền Kyiv khó mà trụ lại được quá 3 ngày. Nhưng vì mọi chuyện đều có thể xảy ra, do vậy, Bắc Kinh sẽ tính toán cả cho trường hợp này. Và tất nhiên, lợi ích của họ vẫn rất lớn. Thứ nhất: Nga sẽ trở thành một kiểu chư hầu của Trung Quốc (điều đó đang xảy ra), có thể dễ bề điều khiển, khi cần có đồng minh nặng kí trong các quyết định quốc tế quan trọng. Thứ hai: Trung Quốc coi như rảnh tay, ít nhất vài thập kỉ, với người láng giềng to lớn ở phía bắc, vốn là kẻ thù lịch sử. Khi biết Nga không mạnh như mọi người và Trung Quốc nghĩ, khi nước Nga bị kiệt quệ và đi thụt lùi nhiều năm, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh chính sách hướng đến sự tiết kiệm lớn về mặt phòng thủ phần biên giới dài và dễ tổn thương nhất, để ưu tiên các khu vực khác. Thứ ba: Trung quốc sẽ mua dầu, khí đốt, than đá… giá rẻ mạt của Nga rồi bán lại hàng hóa với giá cắt cổ, dựa trên “nguyên tắc thị trường”, khiến Nga chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay. Tất nhiên, với cuộc chiến Nga-Ucraina và sự đại bại của Nga, thì biển Đông và Đài Loan giờ đây cũng càng ra xa tầm tay của Bắc Kinh. Riêng điều này thì có thể là ý Trời. Tạ Duy Anh  
......

Chuyện đi tù cải tạo của võ sư Lê Sáng, chưởng môn Vovinam

Tác giả: Vũ Ánh   Tôi biết Võ sư Lê Sáng Chưởng môn phái Việt Võ Đạo tức Vovinam từ lúc còn mới chập chững bước vào nghiệp báo bổ qua lời giới thiệu của một môn sinh của ông lúc đó mới mang chuẩn Hồng đai Nguyễn Đức Quỳnh Kỳ. Sau đó có một vài lần đến võ đường của Vovinam gần nơi tôi làm việc để xem Quỳnh Kỳ dạy võ cho các môn đệ của anh và đến tổ đường Vovinam ở 31 đường Sư Vạn Hạnh để xem Quỳnh Kỳ học võ với võ sư Chưởng môn Lê Sáng. Rồi sau đó, miệt mài với nghề nghiệp, với chiến trường nên tôi không còn hình ảnh nào với môn phái này nữa suốt trong thời gian chiến tranh. Cho mãi đến năm 1976, khi tôi từ biệt giam ở nhà tù Chí Hòa ra ngồi tù ở phòng tập thể số 14 khu ED thì gặp lại võ sư Lê Sáng. Khoảng thời gian này, buồng giam 14 khu ED là một buồng giam có nhiều điểm đặc biệt về tù nhân. Chẳng hạn như trong số hơn 60 tù nhân, có cựu Thủ Tướng VNCH Phan Huy Quát và con trai là Phan Huy Anh, Phó Đại sứ Nam Hàn tại VNCH (rất tiếc tôi đã quên mất tên vị này), linh mục Trần Hữu Thanh (người cầm đầu phong trào tố cáo tham nhũng), Võ sư Suzuki một người Nhật nhưng quốc tịch Việt Nam chuyên dạy môn karate cho cảnh sát quốc gia và quân đội VNCH, Chủ tịch Dân Xã Đảng Phan Bá Cầm, cụ Nguyễn Phan tổng giám đốc công ty bột giặt NET, Lưu Nhật Thăng, một chủ báo Hoa ngữ ở Chợ Lớn từng là thư ký của Kim Dung, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng ở Hong Kong, ông Tám Mộng người được nói là cầm đầu một trong những lực lượng vũ trang của Phật Giáo Hòa Hảo, ông Nguyễn Thế Thông giáo sư Anh văn rất nổi tiếng của Saigon vào thời đó. Năm 1976, ghẻ bắt đầu hoành hành tại khắp các khu ở nhà tù Chí Hòa và riêng buồng 14 khu ED. Ghẻ kềnh ghẻ càng, ghẻ khủng khiếp. Ghẻ làm da hư hại nặng có thể gây tử vong, và một trong những nạn nhân đầu tiên của dịch ghẻ là cựu Thủ tướng Căm Bốt Sơn Ngọc Thành. Trong buồng giam chỉ có võ sư Lê Sáng là coi như bị nhẹ nhất chỉ ở kẽ ngón chân và ngón tay. Có lẽ thấy ông còn mạnh và quắc thước nên ghẻ có vẻ kiêng nể ? Vì phòng chật và nóng như lò than nên ban đêm Lưu Nhật Thăng thường dựa vào tường ngủ đứng, còn võ sư Lê Sáng thì ngồi tập và điều tức rất kín đáo tại chiếu nằm của mình. Ông tránh để giám thị canh gác phòng giam nhìn thấy ông tập, bởi vì vào thời đó, nếu bọn coi trại giam biết ai có võ chúng sẽ gây phiền hà vô cùng. Ông ít nói chuyện, hay ngồi trầm ngâm với chiếc điều cầy. Nhưng với đám tù chính trị còn thanh niên như chúng tôi thì ông không ngại gì khi giảng giải về phái võ mà ông là Chưởng môn. Võ sư Lê Sáng không bao giờ đề cập đến quyền cước của môn phái mà ông chỉ nhấn mạnh đến tinh thần của nó. Ông nói nhiều đến điều gọi là “cách mạng tâm thân” để giữ vững tinh thần anh em chúng tôi và để hướng về tương lai. Võ sư thường nhấn mạnh : “Ở trong tù, đói khát như thế này thì làm sao gia đình thỏa mãn nhu cầu cho chúng ta được. Phải biết sống về tinh thần. Thực phẩm chỉ là phụ đệm”. Võ sư Lê Sáng và võ sư Sáng tổ Nguyễn Lộc (phải). Ảnh tư liệu Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nhưng nhìn dáng dấp ông lúc nào cũng vững chãi, đường bệ, với hàm râu dài, nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng quắc, ăn nói không thừa, không thiếu, giọng nói mạnh, sang sảng nhưng ôn tồn, lịch sự ngay cả khi trả lời những câu hỏi rất thiếu giáo dục của bọn cán bộ trại giam, chúng tôi vững tin ở cách rèn luyện tinh thần mà ông thường chỉ dạy cho anh em trẻ chúng tôi. Võ sư Lê Sáng là người rất uyên bác về thơ đường. Có nhiều buổi tối ông ngâm thơ Đường cho chúng tôi nghe, nhưng anh em thích nhất là khi ông ngâm bài “Hồ Trường”. Nhiều anh em đã không tránh được ngậm ngùi mỗi lần nghe ông ngâm bài thơ này. Ông cũng ít kể chuyện, nhưng khi nghe ông kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung hay kể về bộ Tam Quốc Chí, anh em trong buồng giam theo dõi một cách hào hứng, có thể quên đói và quên hẳn cảnh tù đầy. Sống trong môi trường bị giam hãm như vậy, mỗi hành động của những tù nhân nổi tiếng trong buồng giam 14 khu ED đều bị chú ý. Chẳng hạn như cứ vào mỗi buổi sáng, vị phó đại sứ Nam Hàn sửa lại bộ quần áo tù cho chỉnh tề rồi ông bước lại chiếu nằm của ông Phan Huy Quát bắt tay vị cựu thủ tướng này, cúi gập đầu xuống để chào và sau đó hai người mới thăm hỏi sức khỏe của nhau. Võ sư Lê Sáng nói với chúng tôi : “May ra mà trong cảnh nhiễu nhương hỗn tạp, giậu đổ bìm leo này, trong buồng giam còn có được những hình ảnh đẹp đẽ của nền văn minh”. Khi chúng tôi bị chuyển lên trại Hàm Tân Z-30C vào những tháng đầu của năm 1977, đám lính giải giao thường dùng dây xích cứ 5 người một rồi khóa vào chân ghế ngồi trên những chiếc xe đò. “Xâu” đầu tiên được đưa lên xe gồm những người mà tôi còn nhớ rõ, đó là Võ sư Lê Sáng, ông Phan Bá Cầm, nhà báo Lâm Tường Dũ, Đoàn Bá Phụ (cựu trung úy Nhảy Dù) và tôi. Lên đến trại Hàm Tân, chúng tôi và Võ sư Lê Sáng vẫn được phân phối vào một trại lao động. Sau khi ở Hàm Tân Z-30C được vài tháng thì võ sư Lê Sáng bị dẫn vào nhà kỷ luật và bị cùm lần thứ nhất trong đời tù chỉ vì ông có bộ râu dài. Viên cán bộ an ninh trại cho gọi thợ hớt tóc (cũng là mấy anh em tù cải tạo) đến. Võ sư Lê Sáng ôn tồn : “Cán bộ muốn cạo thì xin cứ thi hành, nhưng tôi không vi phạm nội qui của trại, cán bộ nên nhớ như thế nhé”. Ông đứng im lặng như một gốc cây, mắt sáng quắc nhìn thẳng vào mặt Tý. Nhưng khi thợ hớt tóc vừa đến gần ông thì Tý gọi giật lại : “Thôi. Cứ để cho anh ấy để râu nhưng đem cùm xem có chịu cạo râu không”. Võ sư Lê Sáng bị cùm hai tuần lễ nhưng kể từ sau đó không ai trong trại giam còn để ý gì đến râu tóc của võ sư Lê Sáng nữa. Khó khăn thứ hai của Chưởng môn Việt võ đạo là do chính tiếng tăm của ông. Không hiểu nhóm công an vũ trang chuyên canh gác tù ở các bãi lao động bàn tán với nhau như thế nào mà không một tên nào dám đi gần ông. Tại bãi lao động, một tù cải tạo phải đứng cách xa lính canh 5 thước, khi phải báo cáo xin đi tiểu tiện, nhưng riêng võ sư Lê Sáng phải đứng cách vệ binh 10 thước. Biết được điều đó nên võ sư Lê Sáng rất thận trọng trong đi đứng tại bãi lao động để tránh hiểu lầm. Một lần buổi sáng tập họp trước cộng trại giam để xuất trại đi lao động, võ sư Lê Sáng bị kêu ở lại trại để “làm việc”. Buổi trưa khi lao động về, chúng tôi túm lại hỏi ông xem có chuyện gì, nhưng ông chỉ cười và nói : “Chẳng có chuyện gì cả. Vài học trò cũ của tôi từ Bắc vào thăm”. Sau này, trong những lúc ngồi nói chuyện riêng tư vào những ngày nghỉ lao động, võ sư Lê Sáng cho biết là Hà Nội nghe tiếng ông, muốn vào thăm ông và cho người thử thách, nhưng ông từ chối vì, theo lời ông, “tôi học võ để rèn luyện tinh thần, không phải là để thi đấu, tôi là chưởng môn mà còn đi dương danh là một lỗi lầm với môn phái, tôi không làm điều ấy”. Chúng tôi ở với nhau ở Hàm Tân Z-30C đến năm 1979 thì bị chuyển trại theo phương án 4 tức được lọc lựa ra và đưa vào danh sách “chết” tức là danh sách không thể cải tạo được, và không bao giờ được xét tha theo quan điểm của trại giam. Thế là đang đêm chúng tôi lại bị gọi tên, bị xiềng đưa lên xe đò và đưa lên A-20 Xuân Phước, tức trại trừng giới. Tôi đã viết khá nhiều điều về trại này, nên ở đây tôi chỉ nói đến hoàn cảnh của Chưởng môn Việt võ đạo khi bị đưa đến cái trại nổi tiếng khủng khiếp này trong suốt giai đoạn I, từ 1980 cho đến cuối 1988. Đến A-20 được 3 tháng thì Chưởng môn Vovinam Lê Sáng vào cùm ngay. Lần vào cùm này không do bất cứ một lỗi lầm về nội qui của võ sư Lê Sáng mà chỉ vì ông được sự kính nể và quí mến của anh em trong trại từ tập trung cải tạo, tù chính trị có án hay tù hình sự, ở cách ông cư xử và chia sẻ đói khổ với anh em, ở tinh thần vững chãi để đối phó với mọi hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn trong tù, ông cũng không hé ra một lời nào có thể xâm hại đến người khác. Trong bối cảnh này, bọn trại giam nhắm vào việc triệt hạ những thần tượng của tù cải tạo. Cũng chỉ vì thế mà Chưởng môn Việt võ đạo Lê Sáng vào cùm hết một năm. Khi ra khỏi nhà kỷ luật, sức khỏe của cụ có sa sút, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ra khỏi nhà kỷ luật hôm trước thì hôm sau ông đi lao động ngay. Võ sư Lê Sáng nói : “Ra ngoài cho khỏe”. Quả thật sức khỏe của võ sư Chưởng môn Vovinam phục hồi rất nhanh. Ông nói : “Vì khí trời”. Khi võ sư Lê Sáng về tiếp tục sinh hoạt ở đội lao động được vài tuần lễ thì tôi cùng một số bạn khác vào nằm cùm mãi cho đến năm 1985 mới gặp lại võ sư Lê Sáng tại phân trại B của A-20 để chuẩn bị chuyển trại. Trước Noel 1985, chúng tôi chuyển trại về Z-30A nằm trong phương án đặc biệt mà Hà Nội đã thỏa thuận với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đó là thỏa thuận về chương trình HO. Võ sư chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng được thả tại Z-30A, trước thời gian tôi cũng như một số anh em khác từng làm tờ Hợp Đoàn, tờ báo chui ở A-20 bị “điệu” về trại Phan Đăng Lưu để chờ ngày ra tòa. Nhưng cuối cùng, vụ án được hủy bỏ và chúng tôi được đưa trở lại Z-30A tiếp tục nằm trong nhà kỷ luật. Năm 1988, tôi được thả về và ít lâu sau có đến tổ đường của Vovinam trên đường Sư Vạn Hạnh để thăm võ sư Chưởng môn. Lúc này tổ đường Vovinam đã được củng cố. Các môn sinh người ngoại quốc từ Âu châu và các môn sinh Vovinam từ khắp Việt Nam đã lục tục kéo về để ra bái lậy Chưởng môn. Trong câu chuyện thăm hỏi tôi, ông cứ nhắc mãi đến “cách mạng tâm thân” và tính nhân bản của Việt võ đạo. Bây giờ, cụ Lê Sáng đã ra người thiên cổ (mất ngày 27.09.2010). Cụ thọ 91 tuổi. Trong bức hình chụp Võ sư Lê Sáng mà các bạn ở Việt Nam gởi cho, tôi thấy đôi mắt võ sư Chưởng môn Việt võ đạo vẫn sáng quắc như ngày nào. Tôi viết những kỷ niệm trên với Võ sư Chưởng môn Việt võ đạo trong thời tù để gọi là đại diện cho một số anh em cựu tù của trại Hàm Tân Z-30C, A-20 và Z-30A bái vọng cố quốc để tiễn đưa cố võ sư Chưởng môn. Bởi trong những đêm tối ấy, ông vẫn như ngọn đèn sáng dẫn dắt tinh thần anh em chúng tôi. Cố võ sư Chưởng môn là một người cả đời hy sinh cho Việt võ đạo và đây cũng là lý do ông cụ không bao giờ lập gia đình. Tuy nhiên, cụ có rất nhiều đứa con tinh thần vì trong tù chúng tôi đều gọi Võ sư Chưởng môn Vovinam là bố, “Bố Lê Sáng”. Vả lại ngày nay, trên khắp thế giới, hàng chục ngàn môn sinh Vovinam cũng đang thổn thức vì những mất mát không có gì bù đắp được cho môn phái vì sự khuất bóng của Võ sư Chưởng môn./.  
......

Thương tráng sĩ Trương Dũng

  - Luật sư Nguyễn Văn Đài -   Hôm nay 21/5/2022, Tô Lâm và an ninh độc tài CSVN lại gây ra tội ác khi bắt giam người yêu nước Trương Văn Dũng.   Khi tôi chưa bị bắt ở Việt Nam, tôi và tráng sỹ Trương Dũng rất thân với nhau. Việc gì tôi cần là anh sẵn sàng giúp đỡ ngay mà không quản ngại gian khó.   Buổi chiều hàng ngày, tôi cùng anh Trương Dũng cùng đi bộ ở công viên Thống Nhất. Nhiều lần tôi bị an ninh đi theo, tôi và anh Trương Dũng chơi tốc độ làm cho mấy em, mấy cháu an ninh mệt nhoài phải ôm cột điện. Kỷ niệm này chắc an ninh độc tài CSVN không thể nào quên.   Tráng sỹ Trương Dũng cũng rất nhiệt tình giúp đỡ tất cả những anh chị em khác, những gia đình tù nhân lương tâm, dân oan,…   Lần cuối cùng tôi gặp anh Trương Dũng cũng là ngày tôi bị bắt.   Hôm đó, ngày 16 tháng 12 năm 2015, tôi có cuộc gặp với Phái đoàn của EU tới Hà Nội để đối thoại nhân quyền với độc tài CSVN. An ninh độc tài CSVN theo tôi từ hôm trước, khiến tôi không thể 1 mình rời khỏi nhà. Sáng sớm, tôi nhờ anh Trương Dũng đúng 8 giờ đi xe máy tới đón tôi. Đúng giờ anh tới cũng là lúc đã chuẩn bị sẵn lên xe máy của anh và chạy đi.   Nhưng gần trăm an ninh, cảnh sát các loại và dân phòng đã bao vây kín phường Bách Khoa. Khi xe máy của chúng tôi vừa ra tới ngoài cổng thì một số cảnh sát chặn xe, 2 an ninh lao tới ôm tôi kéo khỏi xe máy và ép tôi lên 1 chiếc ô tô. Anh Trương Dũng thì bị chúng đánh và khiêng cả người và xe máy ném lên 1 chiếc xe tải cạnh đó và mang đi.   Sau đó tôi bị bắt và bị tạm giam ở B14, tôi lo lắng cho anh Trương Dũng không biết có bị bắt không. Và mãi sau này khi đọc báo biết anh không bị bắt thì mới yên tâm.   Giờ đây, tôi đã có cuộc sống an toàn và tuyệt vời ở nước Đức. Tôi có thể tự do đấu tranh như những gì mình muốn. Còn anh thì lại bị giam ở B14, nơi tôi đã ở đó 2,5 năm.   Cầu xin Thiên Chúa hãy thương xót và giữ gìn anh.  
......

Tầm của chính khách

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp J. Biden – Asean. Phạm Đình Trọng   1. Chủ nhà mời khách đến thăm thì chủ nhà phải đợi đón khách là thông lệ đã trở thành qui tắc ứng xử xã hội. Chỉ thăm viếng xã giao, không cầu cạnh, xin xỏ gì, phép xã giao sơ đẳng, từ giao tiếp cá nhân đến giao tiếp nhà nước, không khi nào khách lại thiếu tự trọng, hạ mình đến mức đến trước chủ nhà, chầu chực khá lâu, thừa thời gian buôn chuyện, tán gẫu, chửi thề, thoải mái xả rác ngôn từ rồi chủ nhà mới xuất hiện. Nhân chuyến đến Mỹ dự cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Joseph Biden với người đứng đầu Chính phủ các nước Asean, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, được Bộ trưởng bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tiếp xã giao. Chỉ gặp Bộ trưởng nước chủ nhà mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng cả đoàn quan chức tai to mặt lớn cấp Chính phủ Việt Nam phải chầu chực, đứng túm tụm một đám, vật vờ chờ đợi thì cám cảnh cho tư thế Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam quá. Nước Mỹ là đất nước của luật pháp. Mọi hành vi, ứng xử xã hội, từ người đứng đầu nhà nước đến người dân đều được luật pháp hoá. Camera cố định và di động có ở khắp nơi để giám sát thực thi luật pháp trong xã hội. Hình ảnh ông Thủ tướng và quan chức Chính phủ Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa chầu chực, chờ gặp ông Bộ trưởng Mỹ được camera ghi lại cũng là điều bình thường. Nhưng đoàn quan chức nhà nước cấp cao, cấp Thủ tướng, cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng mà nhốn nháo túm tụm, râm ran buôn chuyện tầm phào, sử dụng ngôn ngữ mách qué, vỉa hè “Mẹ nó! Sợ gì!” thì rất không bình thường. Cái không bình thường đó trở thành điều kinh ngạc, kì lạ với văn minh công nghiệp Mỹ. Hình ảnh kì lạ không bình thường liền được tung lên mạng xã hội Mỹ. Nhìn những quan chức đứng đầu Chính phủ Việt Nam mang tư thế địa chính trị Việt Nam, mang tầm vóc của dân tộc Việt Nam văn hiến đến cuộc giao tiếp quốc tế mà như xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ, đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc, ngồi lê đôi mách, người dân Việt Nam phải ngao ngán lắc đầu, rồi cúi gằm mặt giấu đi nỗi thất vọng với đám quan chức mang danh Chính phủ Việt Nam và giấu đi nỗi xấu hổ với thế giới. Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng thực sự đúng tầm phải là những chính khách. Thế giới đang đầy biến động dữ dội, quyết định sự còn mất của trái đất, quyết định sự an nguy của loài người. Đất nước đang ngập những thử thách ngặt nghèo. Người dân dù gian nan kiếm sống, vẫn đau đáu với vận mệnh nước mình và khắc khoải lo lắng cho số phận người dân Ukraina trước đạn pháo, tên lửa của độc tài Putin sầm sập trút xuống Mariupol, trút xuống Kharkiv. Nghĩ suy, lo toan của chính khách không thể đứng ngoài thời cuộc, đứng ngoài những vấn đề của người dân, không thể thấp hơn mặt bằng xã hội. Những lo toan đó phải thường trực, đầy ắp trong nghĩ suy của chính khách, không có chỗ cho những chuyện vụn vặt, mách qué chen vào. Những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hoá, gặp gỡ, giao tiếp với những chính khách đại diện cho một Chính phủ, một đất nước, một nền văn hoá khác, trước khi giao tiếp phải vừa tự tìm hiểu, vừa được chuyên gia ngoại giao và chuyên gia nghiên cứu về văn hoá nước sở tại bồi dưỡng, nhắc nhở về thân thế những yếu nhân, những nét đặc sắc, riêng tư của chính khách nước sở tại và cả những chính khách có mối liên hệ đặc biệt với Việt Nam. Nhắc nhở cả hành vi, tư thế, ngôn ngữ ngoại giao. Không có được những kiến thức chính trị, cả những điều tối thiểu của văn hoá ngoại giao cũng không có được, ở ngay nhiệm sở Bộ Ngoại giao Mỹ, những quan chức Chính phủ Việt Nam vẫn bô bô, gọi những chính khách Mỹ là thằng nọ, thằng kia như ngôn ngữ mấy ông xe ôm chờ khách, nói chuyện với nhau ở vỉa hè, như ngôn ngữ ở chốn tứ chiếng, bến xe, bến tàu. Đi ra thế giới đầy biến động dữ dội, đến gặp những chính khách thế giới đang lo toan tổ chức thế trận hoà bình, dân chủ, ngăn chặn độc tài gây chiến tranh xâm lược, lo toan bảo vệ sự công bằng, bình đẳng và độc lập của các dân tộc, lo toan cho vận mệnh loài người nhưng những quan chức Chính phủ Việt Nam ở vị trí chính khách chỉ như tốp xã viên hợp tác xã nông nghiệp túm tụm đầu bờ, đợi nghe tiếng kẻng xuống đồng, như mấy bà nội trợ rỗi việc, đầu óc trống rỗng, thời gian trống rỗng, ngồi lê đôi mách. “Rõ ràng, sòng phẳng”, vâng, xin lập lại từ ông Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã văng ra khi chờ được gặp ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ: “Rõ ràng! Sòng phẳng! Mẹ nó! Có sợ gì đâu!” Rõ ràng, sòng phẳng, những quan chức Chính phủ đó không xứng tầm chính khách. 2. Xuất thân từ công an, tướng công an Phạm Minh Chính được đảng cộng sản của công an và quân đội giành cho chiếc ghế Thủ tướng Chính phủ từ tháng 4-2021. Hơn một năm ở cương vị đứng đầu Chính phủ nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hai lần dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam ra thế giới, góp tiếng nói Việt Nam vào những vấn đề đang đặt ra với thế giới. Cả hai lần ông Thủ tướng xuất thân từ công an dẫn đầu đoàn Chính phủ Việt Nam đi công cán nước ngoài đều có ông Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là nhân vật thứ hai của đoàn công cán. Tên Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong danh sách đoàn công cán nước ngoài chỉ đứng sau tên Thủ tướng Phạm Minh Chính, vốn cũng là tướng công an. Bộ Công an và Bộ Quốc phòng là hai bộ sức mạnh của đất nước. Một sức mạnh đối nội và một sức mạnh đối ngoại. Bộ Quốc phòng chống giặc ngoại xâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, là nơi thiết kế, tạo dựng mối liên kết với sức mạnh thời đại dân chủ, sức mạnh thời đại độc lập dân tộc trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của quốc gia, nơi phải có tầm nhìn ra thế giới, phải hướng ngoại. Bộ Công an giữ gìn trật tự trị an, an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên của đời sống đất nước, bộ hoàn toàn hướng nội. Hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều để góp tiếng nói với thế giới về những việc chung của loài người và của thế giới. Đầu tháng 10-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Anh tham dự Hội nghị về Biến đổi khí hậu, ngăn chặn ô nhiễm bầu khí quyển, bảo vệ sự sống của trái đất. Giữa tháng 5- 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ cùng Thủ tướng các nước Asean theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự hội nghị hình thành và củng cố vành đai dân chủ Thái Bình Dương. Vành đai dân chủ Tây bán cầu là hiệp ước liên minh phòng thủ Đại Tây Dương NATO ngăn chặn hiểm hoạ chiến tranh độc tài Nga. Vành đai dân chủ Đông bán cầu đang được Tổng thống Mỹ Joe Biden thiết kế ngăn chặn nguy cơ Chinazi Tàu cộng bành trướng ra thế giới, thống trị thế giới. Vì vậy mới có cuộc gặp Biden – Asean. Cả hai chuyến công cán nước ngoài của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều không liên quan đến nội trị. Cả hai lần Thủ tướng xuất thân từ công an Phạm Minh Chính dẫn dắt đoàn Chính phủ Việt Nam xuất ngoại cho thế giới biết mặt, biết tên đều có Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm, người đứng đầu bộ máy nhà nước hoàn toàn chỉ lo nội trị. Ngày nay, sức mạnh quốc phòng của mỗi quốc gia ngoài sức mạnh nội lực còn có nguồn sức mạnh to lớn là sức mạnh của thời đại dân chủ, thời đại độc lập dân tộc. Bộ Quốc phòng không phải chỉ lo tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang trong nước mà còn phải kiến tạo được thế trận liên kết với ý chí độc lập và thế trận dân chủ thế giới. Nhưng cả hai lần Thủ tướng Phạm Minh Chính tổ chức đoàn Chính phủ đi ra thế giới dân chủ, Bộ Công an nội trị đều có Bộ trưởng Tô Lâm tham gia trong khi Bộ Quốc phòng phải hướng ngoại thì chỉ có hai Thứ trưởng mờ nhạt, gần như vô danh, đến người dân trong nước cũng ít người biết đến tên tuổi. Đoàn đi châu Âu của Thủ tướng Chính năm 2021 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Hoàng Xuân Chiến. Đoàn đi Mỹ của Thủ tướng Chính năm 2022 có Thứ trưởng Quốc phòng, tướng Phạm Hoài Nam. Người dân trong nước từ cụ già đến đứa trẻ đều biết tên, biết mặt ông Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm. Biết vì tên ông Bộ trưởng Tô Lâm gắn liền với những vụ việc tai tiếng động trời nhưng lại chôn vùi tầm chính khách xuống dưới mặt đất. Tầm chính khách cao nhất trong nội trị là an dân. Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho công an nửa đêm về sáng ngày 9-1-2020 phá cửa xông vào tận giường ngủ, xả súng giết một đảng viên cộng sản có 59 tuổi đảng đang còn tham gia sinh hoạt đảng, giết một cụ già 85 tuổi đời đang là công dân lương thiện Lê Đình Kình ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Pháp luật là để an dân. Vụ công an giết dân lương thiện Đồng Tâm là sự chà đạp khủng khiếp lên luật pháp. Với vụ việc giết dân lương thiện ở thôn Hoành, Đồng Tâm, phá an dân từ luật pháp, từ trái tim người dân, ông Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm chỉ là con người công cụ của đảng cộng sản, không hề có con người chính khách. Chính khách của đất nước thời thế giới hội nhập là đưa đất nước hội nhập với thế giới dân chủ văn minh, là mang tài, mang sức nâng cao vị thế Việt Nam trong thế giới văn minh. Nhưng vụ Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm đích thân chỉ huy đội đặc nhiệm đột nhập nước Đức, bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, rồi thuê máy bay Slovakia đưa Thanh về nước, đã để lại một tiếng xấu thậm tệ, một vết nhơ to lớn trong mối quan hệ Việt Nam với thế giới và Bộ trưởng Tô Lâm đã trở thành tội phạm với luật pháp nước Đức và luật pháp Slovakia. Tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến nước Anh năm ngoái, Bộ trưởng Tô Lâm lại tạo ra tai tiếng động trời trên hệ thống truyền thông tiếng Việt và tiếng Anh khắp thế giới khi Bộ trưởng Tô Lâm sung sướng ngửa mặt, há mồm cho đầu bếp Thổ Nhĩ Ký đút miếng thịt bò dát vàng vào miệng. Đất nước đang nghèo khó, đại dịch Covid-19 lại đẩy kinh tế cả nước vào đình đốn, đẩy hàng triệu gia đình người Việt vào thiếu, đói, mà Bộ trưởng Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng 2000 đô la một suất, thì ông Bộ trưởng đó làm sao có thể là chính khách! Bộ trưởng Công an chỉ lo nội trị lại đầy tai tiếng như vậy nhưng tuần chay nào cũng có nước mắt, chuyến xuất ngoại nào của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng có mặt, thì suất xuất ngoại của Bộ trưởng Tô Lâm chỉ do tình cảm thân thiết, do mối quan hệ sâu xa giữa Thủ tướng Chính với Bộ trưởng Lâm, chứ hoàn toàn không phải do công việc, không phải do nhiệm vụ. Với thành viên như Bộ trưởng Tô Lâm, những chuyến đi ra thế giới của đoàn quan chức Chính phủ Chính càng không thể nâng cao vị trí, tư thế Việt Nam trong thế giới dân chủ văn minh. 3. Những quyền con người cơ bản, tối thiểu của người dân Việt Nam Xã hội chủ nghĩa đều bị hình sự hoá bởi những điều 109, 117, 331 Bộ Luật hình sự 2015. Hơn hai trăm người dân Việt Nam chỉ thực hiện quyền con người chính đáng đã bị các điều luật hình sự 109, 117, 331 buộc tội, phải nhận án tù mút mùa. Vậy mà ông Thủ tướng Chính khi đến Anh tháng 11-2021 dám hùng hồn tuyên bố: Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc, khi khó khăn không bỏ ai lại phía sau. Tháng 5-2022, khi đến Mỹ ông Thủ tướng Chính lại dương dương tự tin: Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam! Dương dương như vậy là ông Thủ tướng Chính chẳng hiểu gì về nhân quyền. Không hiểu về Nhân quyền thì không thể là chính khách của thời đại dân chủ văn minh. Dịp khác tôi sẽ trở lại thưa chuyện về nhân quyền với ông Thủ tướng Chính. Ở đây tôi chỉ nói nỗi đau buồn về con người chính khách trống rỗng thiếu hụt trong những chính khách Việt Nam. Chính khách là người có lí tưởng sống cao cả, có khát vọng được thể hiện, được đóng góp hết mình cho đời, cho nhân dân, đất nước và có vị trí, có quyền lực để thực hiện lí tưởng, khát vọng. Tâm thế, nghĩ suy và hành xử của chính khách đều vì đất nước, vì người dân, vì tiến bộ xã hội, không mảy may vì cá nhân riêng tư. Ông tướng công an Phạm Minh Chính dành ưu ái cho ông tướng công an Tô Lâm có mặt trong tất cả những chuyến xuất ngoại của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho thấy, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính hành xử theo tình cảm riêng tư chứ không hành xử vì dân, vì nước. Thoáng qua vài vụ việc trong đời sống xã hội và đời sống chính trị Việt Nam, thoáng qua vài gương mặt chính khách hàng đầu trên chính trường Việt Nam, người dân Việt Nam phải đau buồn và hổ thẹn nhận ra rằng, quan chức ở tầm chính khách trong chính trường Việt Nam quá thiếu vắng những chính khách đích thực xứng tầm với dân tộc Việt Nam văn hiến, xứng tầm với thời đại dân chủ, văn minh.  
......

Đã có nhiều người dùng thuốc của Trương Quốc Cường mà chết oan uổng…

Ảnh  Trương Quốc Cường  trước tòa Thanh Hằng Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị mức án 7-8 năm. Lại nhớ hồi công bố thanh tra vụ này ở Bộ Y, anh chưởi bọn báo chí kiểu là nhiều chuyện và “rồi chờ mà xem, anh chả sai gì!” Chiều qua, 17/5, nói lời sau cùng tại phiên toà xử, anh Trương Quốc Cường bày tỏ: “Anh em Cục Quản lý Dược trong đó có các bị cáo ở đây, phải làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị nghèo nàn. Kính đề nghị quý tòa xem xét để có thể giảm nhẹ nhất cho anh em. Trong điều kiện như vậy, họ đã là những con người rất tuyệt vời, làm việc rất mẫn cán, rất trách nhiệm, bị cáo là người hiểu họ rất kỹ, mong quý tòa xem xét để họ có mức án thấp nhất. Đặc biệt là sau khi vụ án bị khởi tố, ngành Dược chững lại, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng với Cục Quản lý Dược dẫn đến không có thuốc điều trị. Khi thiếu, thậm chí khi gia hạn số đăng ký, ngành Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế không dám gia hạn… đấy là một nỗi buồn. Tất cả đều sợ, từ nhân viên y tế đến lãnh đạo Bộ. Với lý do đó, mong quý tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ, cho anh em được hưởng mức án phù hợp, tạo điều kiện cho ngành Dược sớm hồi phục, mặc dù phải hàng chục năm sau mới có thể hồi phục lại. Đối với bị cáo, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành Dược, là ngành cấp phép rất nhạy cảm, rất tự rèn mình, rất ý thức mình nhưng rất không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý, đấy là nỗi mất mát lớn nhất, to lớn nhất không có gì so được. Vì vậy đề nghị, xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo”. Quả là anh Cường tôi vẫn giữ vững bản lĩnh, tính cách như bao năm qua. Tôi thành thật khen anh Cường khi anh đề nghị mức án thấp cho cấp dưới – những người có phần vì anh mà vướng vòng lao lý. Nhưng tôi thật ngạc nhiên khi qua báo chí tường thuật, không hề thấy hai từ XIN LỖI trong lời nói cuối cùng của anh. Mà theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh ký duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả – một con số không hề nhỏ. Ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội VN cũng nên có một khảo sát ở những BV đã dùng số thuốc giả, để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả. Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường tôi nói là KHÔNG MAY. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng số thuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là KHÔNG MAY thôi ư anh? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không? Liệu có nên nói là KHÔNG MAY khi anh Cường tôi đã nhận hàng loạt email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả nhưng anh tôi đã không cho thu hồi. Trong khi theo quy định, chỉ cần có nghi thuốc là giả, thì nếu không vì quyền lợi nào đó, là anh Cường cần phải đình chỉ lưu hành. Tôi thấy câu đối đáp của Kiểm soát viên  là quá chuẩn: “Các loại thuốc giả đã lưu hành ở Việt Nam, bán hết sạch mà bảo là không vi phạm?” Từ lâu, tôi đã nghe hóng, thường các doanh nghiêp xin một visa thuốc phải mất nhiều năm và cả nhiều xèng, nhưng số thuốc giả của VN Pharma đã được cấp rất nhanh, chứng tỏ điều gì thì chắc ai cũng hiểu. Còn nữa, anh Cường tôi nói “sai sót xảy ra do làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn”. Rất nhiều người có chuyên môn luôn đang sẵn sàng thay thế các nhân viên Cục Dược để gánh hộ nỗi vất vả ấy, liệu có được không anh? Buồn là đến lúc này, anh Cường tôi vẫn quên rằng, đã có nhiều người dùng thuốc của anh mà chết oan uổng, để xin lỗi những linh hồn đến lúc cuối đời bệnh tật vẫn bị lừa đảo ấy! Con số 838.100 hộp thuốc ung thư giả thực sự là một con số ám ảnh, anh Cường ạ!  
......

Chiến lược cho Mỹ và cơ hội nào cho Việt Nam?

  -Đỗ Ngà- -Thế Giới Kpop   Ở hướng Tây, Nga không muốn họ bị NATO và EU áp sát. Putin muốn giữa Nga và EU phải có một vùng đệm trung lập. Tuy nhiên, sau cuộc chiến Ucraina, vùng đệm ấy khả năng bị EU và NATO nuốt chửng. Tình thế này xem ra không thể đảo ngược được. Mỹ và Phương Tây đang là đồng minh. Họ hợp sức đánh sụm sức mạnh quân sự Nga là mục đích chung.   Nếu nói phía Tây là đầu con gấu Nga thì phía Đông là đuôi con gấu. Phía đông của nước Nga có 2 cường quốc thân Mỹ án ngữ ở đấy, đấy chính là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đông – Tây đồng lòng trong chiến lược trừng phạt kinh tế đối với nước Nga thì xem ra gấu Nga bị hóa đầu khóa đuôi hết không gian để vùng vẫy.   Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ mục đích là kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì Mỹ cần Nhật – Hàn tham gia vào kế hoạch cô lập kinh tế Nga. Nhật là thành viên G7 còn Hàn là thành viên G20. Tiềm lực kinh tế 2 quốc gia này rất mạnh, nếu họ đồng lòng với Mỹ siết kinh tế Nga thì kinh tế Nga sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Trong trục ác gồm Nga – Trung – Triều, Mỹ đang muốn đánh mạnh vào Nga và hạn chế đà lớn mạnh Tàu.   Hồi tháng 4, Trung Quốc thông báo rằng, họ đã ký hiệp ước an ninh với đảo quốc Solomon thuộc Thái Bình Dương. Hành động này làm cho Úc và Mỹ cảm thấy không yên tâm. Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng, đây là điều mà Mỹ và đồng minh không muốn. Quần đảo Solomon cách Úc 2000km, là mối đe dọa không nhỏ cho sự an ninh quốc gia này. Trung Quốc ra đòn thì Mỹ phải trả đòn, đó là điều tất yếu.   Ngày 20/5 tới đây, Tổng thống Biden sẽ có chuyến thăm 6 ngày đến 2 đất nước này. Đây là sự đáp trả lại những động thái mà Trung Quốc đã thực hiện. Chuyến đi của ông Biden có 2 mục đích, mục đích trước mắt là cô lập kinh tế Nga, mục đích lâu dài là kết nối đồng minh bao vây Trung Quốc. Đáng chú ý là, ông Biden sẽ có cuộc họp với Bộ tứ Kim Cương gồm ông Biden và lãnh 3 nước còn lại gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ. Những năm qua, sự kết dính của Bộ tứ Kim Cương còn rất lỏng lẻo, việc gặp gỡ lần này có mục đích thắt chặt hơn nữa mối quan hệ để cả khối có những hành động đáp trả mạnh mẽ hơn với thái động thái gây ảnh hưởng của Trung Quốc.   Nhật Bản và Hàn Quốc đều là 2 cường quốc có quân đội Mỹ đồn trú. Đáng nói là Mỹ đóng quân tại quần đảo Okinawa. Quần đảo này kéo dài hàng ngàn km ngoài khơi biển Hoa Đông, nó là cửa ngỏ giám sát cả khu vực duyên hải của Trung Quốc – khu vực phát triển nhất đất nước này. Quần đảo Okinawa kết hợp với Đài Loan nó tựa như tấm lưới chắn án ngữ cửa đông của Trung Quốc đại lục. Nếu những quốc gia Đông Nam Á quanh vùng Biển Đông mà nâng tầm quan hệ quân sự với Mỹ như Hàn - Nhật thì khi đó Mỹ có thể vao vây Trung Quốc từ hướng đông xuống hướng nam. Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á không có tầm như Hàn – Nhật, họ chỉ nhìn thấy miếng ăn trước mắt chứ không phóng tầm mắt ra xa để nhìn thấy tầm quan trọng của an ninh quốc gia. Hội nghị Mỹ - ASEAN vừa qua, các nước ASEAN chủ yếu là thỏa mãn cái miệng ăn (tức chủ yếu là tìm kiếm cơ hội về kinh tế) chứ họ không đi sâu vào vấn đề phòng thủ Biển Đông để hạn chế sức mạnh Trung Quốc. Các quốc gia Đông Nam Á không đủ tầm như hai cường quốc Đông Á kia.   Hình ảnh nước Nga là phiên bản của Trung Quốc nếu Trung Quốc có cơ hội tương tự như Nga. Nếu có cơ hội, Trung Quốc không ngần ngại thôn tính Việt Nam như Nga đã làm với Ucraina. Mỹ đang có chiến lược bao vây hạn chế sức mạnh của trục Nga – Trung – Triều, họ cần mảnh ghép ASEAN (đặc biệt là các quốc gia vùng Biển Đông như Việt Nam, Phillipines, Indonesia và Malaysia) vào để tạo thành chuỗi liên hoàn trên biển kéo dài từ Biển Nhật Bản – Biển Hoa Đông – Biển Đông – Vịnh Bengal. Đây là cơ hội để từng nước tách ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Cộng. Trong các quốc gia ASEAN thuộc vùng Biển Đông, Việt Nam đang có vị trí chiến lược lớn đối với kế hoạch của Mỹ và đương nhiên Mỹ luôn ve vãn Việt Nam, tuy nhiên ĐCS không nhìn ra.   Chính sách quốc phòng 4 không: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là thái độ của ĐCS trước nhiều lần “ve vãn” của Mỹ về vấn đề hợp tác quân sự. Dù có ra chính sách tỏ rõ thái độ rồi, nhưng lời đề nghị từ phía bên kia đại dương không hề tắt mà vẫn tiếp tục.   Tầm của ĐCS chỉ nhìn ra cơ hội đớp lấy miếng ăn chứ họ không nhìn ra cơ hội để đất nước tách khỏi tầm ảnh hưởng của Tàu Cộng. Thật ra Mỹ không có ý đồ lật CS mà Mỹ muốn CS đứng cùng họ trong mảnh ghép chiến dịch cô lập trục ác Nga – Trung – Triều nói chung hay cô lập Trung Quốc nói riêng. Mỹ không hề nuôi một tổ chức chính trị nào để lật đổ CS, thời đó qua rồi. Vì cái sợ, cái thiếu tự tin mà CS đã đánh mất nhiều cơ hội lớn để đưa Việt Nam ra ngoài tầm ảnh hưởng của Tàu Cộng.   Mỹ xoay trục sang Châu Á là chiến lược đúng. Xoay sang Châu Á không có nghĩa Mỹ bỏ Phương Tây mà xoay sang Châu Á là để tạo thêm một gọng kìm nữa kẹp lấy “trục ác quỷ” Nga – Trung - Triều (gọng kìm kia là Phương Tây mà đại diện là EU và NATO). Trong chiến lược xoay trục sang Châu Á, nếu Việt Nam biết tận dụng lợi thế thì cơ hội thoát Trung không phải là không có, quan trọng là ĐCS có nhìn ra hay không mà thôi. Vấn đề quan hệ với Mỹ không nên gói gọn ở kinh tế mà nên mở rộng sang vấn đề quân sự. Điều này thực sự rất cần thiết./.   -Đỗ Ngà-   Tham khảo: https://www.scmp.com/.../joe-biden-plug-indo-pacific... https://edition.cnn.com/.../solomon-islands.../index.html https://vnexpress.net/tong-thong-my-sap-tham-nhat-han...  
......

Cái tội chửi thề

Loc Duong Trong một khách sạn sang trọng do Bộ Ngoại giao Mỹ mướn cho ở, Phạm Minh Chính đang định đi cầu thì chuông điện thoại reo. Đầu giây bên kia là Trọng Lú, giọng gắt gỏng:   - Các chú làm sao mà bây giờ dư luận đang um xùm cả lên. Thiên hạ đang chửi bố chúng ta, chửi bố đảng, đầy trên mạng trong nước lẫn ngoài nước ...   - Ơ, chúng em có làm gì đâu ?    - Không làm gì à ? Không làm gì mà tụi bộ ngoại giao Mỹ nó quay được cảnh các chú túm tụm lại chửi thề, cười hô hố với nhau và còn nói xấu chúng nó đấy. Nó quăng trực tiếp lên youtube kia kìa. Nhục nhã quá. Nói thật chính tôi coi cái clip đó mà cũng thấy xấu hổ cho đảng ta. Bà vợ tôi còn bảo : Sao các chú ấy nói chuyện như thể xã hội đen đang ngồi nhậu chứ không phải phái đoàn cấp cao của chính phủ đi dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và Mỹ. -Đâu đâu, để tí đi cầu xong em vào xem thế nào.   - Xem gì nữa ? Văn phòng Lễ Tân bộ ngoại giao ta đã năn nỉ phía Mỹ gỡ bỏ cái clip ấy rồi. Chúng nó cười. Trước khi gỡ, có ông Mỹ còn bảo : Đại diện cho một đất nước, một dân tộc mà các anh làm cứ như trò trẻ con.Trước giờ chúng tôi chưa từng gặp một phái đoàn ngoại giao nào kém văn minh như vậy.   - Đâu mà quan trọng thế. Thật ra chỉ có đồng chí Tô Lâm gọi một quan chức cao cấp của Mỹ là thằng...Với lại em cũng quen miệng chửi thề vài câu để nhấn mạnh câu văn thôi, chứ chẳng có gì đâu anh. Từ nay em hứa sẽ kiểm soát chặt chẻ cái mồm quen ăn nói tục tĩu của em, anh yên tâm.   - Yên tâm gì? Năm ngoái chú cũng dẫn thằng Tô Lâm qua bên Anh xin viện trợ, xin chưa được đồng nào nó đã phải vội đi ăn thịt bò dát vàng, tai tiếng biết bao nhiêu. Năm nay lại xảy ra chuyện các chú là khách, đứng ngay trong văn phòng bộ ngoại giao của người ta chửi thề vung vít lên. Tôi thật không hiểu được đầu óc và trình độ của các chú có phải là giống bò hay không ? Đồng chí Phúc Niễng làm thủ tướng hoá ra lại hay. Đồng chí ấy chỉ có cái đầu nghẹo nghẹo với lại đọc diễn văn như thằng mù chữ, nhưng chỉ làm trò cười cho thiên hạ thôi, còn các chú mang hết cái nhục này đến cái nhục khác về cho đảng và cho đất nước ta...   - Nhưng em cũng ghi được thành công lớn trong chuyến đi này anh ạ.   -Thành công gì?   -Lúc em khoe là VN đã viện trợ cho Ukraine nửa triệu đô la, ông Biden cứ nhìn em chăm chú, hai bàn tay bấu vào nhau, như thể uống từng lời nói của em. .. - Chú ngu như cứ.t ấy. Nước người ta văn minh. Người ta cư xử tôn trọng mình, ra vẻ lắng nghe mình nói. Chứ nửa triệu đô la là cái chó gì. Không bằng một miếng đớp tham nhũng 3 triệu đô la của thằng bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Trước đây thằng Nguyễn Minh Triết cũng thế, nói chuyện với Obama thấy Obama ngồi lắng nghe, về cũng khoe nhặng xị lên là đã phân hoá được tổng thống Obama. Phân hoá con mẹ gì? Một thằng ất ơ, học lực lớp 3 trường làng mà đòi phân hoá tổng thống của một đại cường quốc. Nói chuyện với chú chán bỏ mẹ đi, không muốn chửi thề cũng buộc phải chửi thề. Thôi tôi không nói nữa. Các chú về đây biết tay tôi.   Điện thoại cắt. Phạm Minh Chính tụt quần, chạy vội vào nhà cầu. Sau khi thải ra một bãi quá trời quá đất thúi inh lên, vừa đưa tay bịt mũi Chính vừa lẩm bẩm: Thức ăn Mỹ ngon thiệt nhưng không biết nó bỏ gia vị gì mà ỉa cứ.t thối quá....Lát sau, chắc vừa hửi cứ.t. vừa nhớ lại cú điện thoại hồi nãy, Chính lại lẩm bẩm: Lão ấy rõ ràng cũng chửi thề không thua gì mình. Mẹ nó chứ, sợ gì lão.   Loc Duong
......

Tội ác của Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang, Nguyễn Thị Kim Tiến trong vụ án nhập thuốc giả!

Mai Bá Kiếm   Hổm rày, thấy hình Trương Quốc Cường lấy áo che mặt và che còng khi bị giải ra tòa thấy mà ứa gan, tràn mật! Che đậy tội ác là bản chất cố hữu của ba con “tắc kè”: Trương Quốc Cường, Cao Minh Quang và Nguyễn Thị Kim Tiến! Năm 2014, khi Nguyễn Minh Hùng (chủ tịch HĐQT & TGĐ VN Pharma) và 10 đồng bọn bị bắt trong vụ “buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 Canada”, thì hai tên “chủ mưu” là Cao Minh Quang trong vai thứ trưởng Bộ Y tế và Trương Quốc Cường đóng vai Cục trưởng Cục Quản lý Dược. Cơ quan điều tra yêu cầu Bộ Y giải trình về quy trình, nghiệp vụ nhập thuốc đều phải qua tay hai thằng đầu xỏ này! Xin nhắc lại quy trình để quý vị dễ hiểu. Nhằm mục đích “nắm kẻ có tóc” khi xin cấp số đăng ký thuốc lưu hành (ĐKTLH) tại VN, Điều 5 của Quyết định 151/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định: “Thương nhân nước ngoài cung cấp thuốc chưa có số đăng ký nhập khẩu vào VN phải là các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động tại VN do Bộ Y tế cấp”. Nhưng, Cao Minh Quang ký Thông tư 47/2010/TT-BYT, tuy căn cứ Quyết định 151, nhưng đã gạt bỏ điều 5 ra khỏi Thông tư 47! Nhờ “khe hở voi chui lọt” này, Nguyễn Minh Hùng lập hồ sơ thuốc mang nhãn mác “Health 2000 Canada” (của Helix Pharmaceuticals Inc. Canada) xin cấp số đăng ký! Helix Pharmaceuticals Inc. không có giấy phép hoạt động tại VN (như QĐ 151), vẫn được hai tập đoàn dược T.Ư (Codupha và Vimedimex) làm “cò” xin cấp số ĐKLH (không sai với TT 47). Vì Helix Pharmaceuticals Inc. không có thật, nên Hùng phải cạo sửa hồ sơ búa xua, nhưng Cường và Quang vẫn cấp số ĐKTLH. Biết cơ quan điều tra xác minh không có Helix Pharmaceuticals Inc. tại Canada, Bộ trưởng Kim Tiêm cứu bồ cho 2 “đệ” Quang và Cường, bằng cách cử đoàn sang Ấn Độ xác minh, rồi ra văn bản xác định “lô thuốc H-Capita có nguồn gốc từ Ấn Độ chứ không phải thuốc giả”. Bộ trưởng Kim Tiêm vốn “già mồm, lão khẩu” thuốc cấp số đăng ký xuất xứ Canada mà dám xác nhận “Ma De In Cà Ri Nị”? Lẽ ra, HĐXX phiên tòa Nguyễn Minh Hùng phải đề nghị Cơ quan điều tra khởi tố Kim Tiêm tội “làm giả giấy tờ”. Đàng này, Tòa không chấp nhận do không phải là văn bản xác nhận theo yêu cầu của cơ quan tố tụng! Nếu Cao Minh Quang ký Thông tư 47 chừa khe hở để nhập thuốc giả, không rõ nguồn gốc, thì thứ trưởng Trương Quốc Cường cũng ký Thông tư 01/2018/TT-BYT để nhập thuốc gần hết date! Điều 30 của TT.01, quy định: “Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định việc thay đổi hạn dùng của thuốc đã ghi trên nhãn thuốc”. Căn cứ điều của mình ban hành, Trương Quốc Cường dùng ngân sách cho nhập hai lô vaccine Pfizer ngày hết hạn 18/12/2021. Khi về VN, chỉ còn 2 tuần là hết date, và được Bộ Y tế gia hạn dùng 2 lô Pflizer thêm 3 tháng! HĐXX phiên tòa xử Nguyễn Minh Hùng đã hai lần mời Trương Quốc Cường với tư cách người có “nghĩa vụ và quyền lợi liên quan”, song nhân danh thứ trưởng tại nhiệm, Cường đếch hầu tòa! Rượu thưởng không uống muốn uống rượu phạt! Cường ơi, mày có che mặt bằng cái quần què, tao cũng lột ra cho toàn dân thấy cái bản mặt chó!  
......

Ngoại giao Việt Nam: Một sự hổ thẹn không thể bào chữa

Phạm Minh Chính và phái đoàn trong phòng chờ gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken Lâm Bình Duy Nhiên Dẫn cả một phái đoàn chính phủ đi công du tại quốc gia được cho là cường quốc số một thế giới mà lại không hề ý tứ, cẩn thận trong phát ngôn. Tại thủ đô của Hoa Kỳ, trong phòng họp của họ, mà lại ăn nói một cách vô giáo dục, lịch sử tối thiểu cũng cốc cần. Ông Phạm Minh Chính và thuộc cấp bình luận vô tư vể các quan chức Mỹ, gọi phái đoàn người ta là “nó” mà quên hẳn việc có thể bị ghi âm và ghi hình, một cách công khai hay bí mật (Hoa Kỳ cũng thuộc loại chúa ghi âm, nghe lén, thậm chí cả đồng minh châu Âu). Một sự điên rồ, ấu trĩ về ngoại giao của Hà Nội. Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken - TT Phạm Minh Chính “Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó, có sợ gì đâu!”, câu nói mang tính thân mật với thuộc cấp trong phòng họp khi ông Chính đang chờ hội kiến với ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, chứng tỏ phong cách xem thường đối tác, dẫu mình chẳng là cái thá gì, từ tư cách, lẫn chuyên môn đến tri thức khi so với người ta. Ông Chính cũng ra vẻ tự tin khi cười bảo: “Nó đang trong phòng nó nghe đấy … Sợ gì đâu …” Ông Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, Nguyễn Quốc Dũng, cũng “vô tư” bốc phét: “Mình nói nó, nó cũng phải ngại … Ngay cái đoạn mà cuối cùng cậu cũng bí cậu cũng phải nói … là cuối cùng cũng phải tin Nga”, trong tiếng cười to của cả phái đoàn… Cả ông tướng Tô Lâm của bò dát vàng cũng “thằng” này, “thằng” nọ khi nhắc về ông Matt Pottinger! Ngôn ngữ thân mật của họ, của những đồng chí trong phái đoàn cao cấp, đại diện cho cả một đất nước là thế này nữa, khi ông Thủ tướng Chính kết luận, trong sự lắng nghe của đoàn tuỳ tùng: “Ông này (Matt Pottinger) đáng nhẽ phải nhắc tổng thống … lúc ngồi ấy … nó nhiều quá … thế là bỏ mẹ nó tất cả … lúc đợi khách …”. Suy cho cùng, cũng chẳng có gì ngạc nhiên về bản chất vô học, ỷ quyền cậy thế, ăn cháo đá bát và hèn hạ của cộng sản Việt Nam. Trước mặt đối phương thì nhỏ nhẹ, xin xỏ. Sau lưng thì sử dụng cả một hệ thống truyền thông để tuyên truyền, lên án, chê bai, chỉ trích đối phương. Đi xin xỏ viện trợ nhưng vẫn dùng những mỹ từ như thể thế giới đang xếp hàng chờ đợi được tiếp kiến lãnh đạo Việt Nam. Chợt nhớ đến lời tâm sự của ông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh (cựu phó thủ tướng kiêm thống đốc ngân hàng Việt Nam cộng hòa) với người viết: “Tôi dẫn họ đi để cho họ biết thế giới bên ngoài, chứ họ cứ như là con ếch ngồi đáy giếng!” Ông Oánh, khi đó là cố vấn kinh tế cho nguyên thủ tướng cộng sản Võ Văn Kiệt. Vào giữa những năm 1990, ông Oánh đã dẫn một phái đoàn của chính phủ cộng sản, do ông thủ tướng Võ Văn Kiệt cầm đầu để đi thăm các nước Châu Âu. Mang tiếng đi thăm nhưng thực chất là đi xin tiền viện trợ. Thế thôi. Trung cộng, Pháp hay Mỹ cũng là nạn nhân của cái phong cách ngoại giao rừng rú, lợi dụng và vô ơn của cộng sản Việt Nam. Tiếc rằng, phương Tây chắc thừa biết bản chất tồi tệ của Hà Nội nhưng họ vẫn “làm ngơ”! Tất cả chỉ vì bài toán quyền lợi của nhau mà thôi, nên cộng sản Việt Nam vẫn cứ tiếp tục hành xử một cách “đầu đường, xó chợ” mỗi khi đi công du, ngoại giao tại phương Tây! Chỉ có người dân Việt Nam mới cảm thấy ngượng và hổ thẹn khi thấy quan chức cao cấp của họ hành xử một cách vô ý tứ và vô ý thức như thế. Ếch ngồi đáy giếng là vậy! Chẳng có đối lập chính trị, tự do ngôn luận và tự do báo chí nên cả một chế độ cứ mặc nhiên hành xử một cách tuỳ tiện, bất chấp thể diện quốc gia. Đó chẳng khác nào một sự hổ thẹn cho đất nước và con người Việt Nam.  
......

Ông Phạm Minh Chính hãy tổ chức đối thoại đi, đừng nói suông

Ngô Đồng - - Việt Tân   Ít ai có thể tin tưởng vào lời hứa của một quan chức, đặc biệt lại là vấn đề liên quan đến sự độc quyền thống trị của Đảng cộng sản. Đơn cử như vấn đề liên quan sát sườn đến quyền của công dân đó là Luật lập hội, Luật biểu tình, nhà cầm quyền hứa hẹn hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa có.   Phát biểu tại buổi làm việc do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức hôm 12 Tháng Năm, 2022, Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính tuyên bố: “Chúng tôi mong các đối tác, doanh nghiệp Mỹ tiếp tục đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội. Tôi sẵn sàng đối thoại bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam.”   Đây không phải lần đầu tiên ông Phạm Minh Chính đề cập đến việc “sẵn sàng đối thoại về nhân quyền". Trước đó, hôm 31 tháng Mười, 2021, trong chuyến đi Anh Quốc tham dự Hội nghị COP26 tại thành phố Glasgow, Scotland, ông Phạm Minh Chính đề cập đến vấn đề nhân quyền và khẳng định: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới này về vấn đề nhân quyền. Nhân quyền lớn nhất là lo cơm ăn áo mặc cho một trăm triệu dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc”.   Mặc dù ông Phạm Minh Chính cao ngạo “sẵn sàng đối thoại về nhân quyền", tuy nhiên thực tế tuyên bố này vẫn chỉ là lời nói đầu môi chót lưỡi. Suốt 7 tháng qua, chưa có bất cứ chỉ dấu nào cho thấy vị Thủ tướng của đất nước bị quốc tế xếp loại độc tài dám ngồi xuống đàm phán, đối thoại thực sự với giới bất đồng chính kiến.   Đối với các nhà đấu tranh dân chủ lâu năm tại Việt Nam, ít ai có thể tin tưởng vào lời hứa của một quan chức, đặc biệt lại là vấn đề liên quan đến sự độc quyền thống trị của Đảng cộng sản. Đơn cử như vấn đề liên quan sát sườn đến quyền của công dân đó là Luật lập hội, Luật biểu tình, nhà cầm quyền hứa hẹn hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa có. Nếu như ông Phạm Minh Chính không sợ như lời ông nói, thế thì ông hãy làm một vài cuộc đối thoại đi, có như vậy thì người dân mới tin ông.   Không chỉ ngờ vực về thành ý “sẵn sàng đối thoại" của ông Phạm Minh Chính, dư luận còn không khỏi rùng mình, lạnh gáy trước những hiểu biết của Thủ tướng CSVN hết sức thô thiển, nông cạn khi cho rằng nhân quyền chỉ là “cái ăn, cái mặc". Thực tế, ăn mặc chỉ là nhu cầu cơ bản của con người, nếu như nhân quyền chỉ đơn giản như vậy là đủ, thì quyền con người cũng chẳng khác gì con vật nuôi được trong nhà. Một người đứng đầu nhà nước của quốc gia hơn 100 triệu dân nhưng lại hiểu biết quá hạn hẹp về nhân quyền phổ quát.   Một người không chỉ cần đảm bảo đầy đủ ăn, mặc, họ còn cần sở hữu các quyền khác như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để công khai bày tỏ chính kiến, quyền tự do bầu cử để chọn người lãnh đạo, quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do lập hội, … đây là những quyền tự nhiên và căn bản của con người và không bị tước bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ chính thể nào.   Mặc dù vậy, nếu chỉ soi xét riêng cái quyền “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc" mà ông Phạm Minh Chính tự nhận, thì với tình hình Việt Nam cũng đã cho thấy sự kiêu ngạo và lời nói không đi đôi với việc làm của chính thể CSVN. Chắc hẳn dư luận vẫn nhớ đợt dịch COVID-19 bùng phát ở Sài Gòn hồi 2021, hàng triệu người dân mất việc rơi vào cảnh đói khát trong sự thờ ơ của chính quyền. Dòng người bị bỏ rơi, bỏ đói, nháo nhào hốt hoảng ôm con thơ, cõng mẹ già đội nắng mưa chạy trốn hàng ngàn cây số về quê. Ai có xe máy chạy xe máy, ai có xe đạp đi xe đạp, không có phương tiện thì cuốc bộ bất kể nắng mưa, cơ cực và đầy hiểm nguy để chạy trốn vì không còn miếng ăn.   Ông Phạm Minh Chính không phải là quan chức đầu tiên tuyên bố “sẵn sàng đối thoại". Trước đó, ngày 18 Tháng Năm, 2017, ông Võ Văn Thưởng trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo phát ngôn một cách quá tự tin: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý.”   Thế rồi, từ chỗ “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”, chỉ hai năm sau Võ Văn Thưởng đã có một pha “quay xe" khiến dư luận không khỏi bàng hoàng khi ông ta tuyên bố bằng giọng điệu đầy rẫy sự cay cú: “Internet là một xa lộ thông tin, chúng ta cho 4 làn, 6 làn hay 20 làn xe chạy, xe 4, 6, 8 bánh chạy là quyền của chúng ta...”   Ban đầu tuyên bố “không sợ đối thoại, không sợ tranh luận”, chỉ thời gian ngắn Võ Văn Thưởng đã ra tay bóp chặt hơn nữa tự do ngôn luận khi đòi hạn chế, cấm đoán Internet, để rồi Luật an ninh mạng ra đời. Nhịp nhàng với xu hướng đàn áp của chính quyền, số nhà báo, nhà đấu tranh dân chủ bị bắt giam vào nhà tù “đối thoại" với công an gia tăng đến mức báo động.   Cho dù các quan chức cộng sản có tô vẽ tinh thần đối thoại, thì với những người bất đồng chính kiến lâu năm đều hiểu rằng Đảng cộng sản sợ đối thoại hơn tất cả những thách thức cộng lại. Minh chứng là trong lịch sử cầm quyền, Đảng Cộng sản chưa bao giờ tồn tại thứ gọi là “đối thoại”, chỉ có bạo lực chuyên chính và đàn áp dữ dội. Trong những ngày đầu nắm chính quyền, các nhân sĩ trí thức “Nhân Văn Giai Phẩm” đã phải nhận lãnh kết cục thảm khốc khi phản đối và đòi tranh luận lại quan điểm của đảng. Từ đó đến nay, vị trí duy nhất dành cho những người đấu tranh ôn hoà, lên tiếng phản đối bất công chỉ có thể là nhà tù.   Thế nhưng, bất chấp bạo lực đàn áp và những bản án tù nghiệt ngã, nguy cơ sụp đổ chế độ đang ngày càng lớn hơn bao giờ hết bởi sự mục ruỗng chế độ từ bên trong. Đã đến lúc Đảng Cộng sản phải đối thoại với nhân dân một cách thực tâm và tranh luận với những tiếng nói phản biện để thay đổi chính sách. Chỉ có như vậy mới là con đường đúng đắn nhất để tránh sự đổ vỡ khi mà sự bất mãn của lòng dân đang ngày càng dâng cao bởi những sai lầm của giới cầm quyền đã đến mức trầm trọng. - Ngô Đồng -    
......

Ông Trịnh Bá Khiêm liên tục bị công an dọa, vì đấu tranh cho vợ và hai con trai trong tù

Diễm Quỳnh|   Vợ và hai con trai đang bị bỏ tù, riêng ông Trịnh Bá Khiêm cũng đang phải đối diện với việc bị bắt giam vì dám lên tiếng trên mạng xã hội.   Trong hai ngày 11 và 12 Tháng Năm, 2022, ông Trịnh Bá Khiêm, chồng của tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, và là bố của hai tù nhân lương tâm Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư, liên tiếp bị công an tỉnh Hoà Bình triệu tập tới làm việc.   Kể từ khi vợ và hai con trai bị bắt đây đã là lần thứ ba ông bị mời lên làm việc với cơ quan an ninh vì các nội dung mà ông đăng tải trên trang Facebook cá nhân của mình.   Cả ba người nhà của ông Trịnh Bá Khiêm đều bị bắt trước đó với cáo buộc “phát tán tài liệu chống nhà nước”, cụ thể là vì các phát ngôn của họ trên mạng xã hội.   Bản thân ông Khiêm hôm 7 Tháng Năm, đã đăng tải một video lên trang Facebook cá nhân để kêu gọi mọi người chú ý đến trường hợp gia đình ông, trong đó ông cáo buộc chính quyền đánh đập và tra tấn hai con trai của ông ở trong tù.   Vợ và con trai út của ông Khiêm, là bà Cấn Thị Thêu và anh Trịnh Bá Tư đã bị xét xử và kết án mỗi người tám năm tù, con trai cả là Trịnh Bá Phương đã bị toà tuyên án 10 năm tù.   Người đàn ông 64 tuổi này cho biết ông đã từ chối yêu cầu ngừng lên tiếng trên mạng xã hội của phía công an, và khẳng định là sẽ tiếp tục đ.ấu tranh cho người thân của mình, chính vì vậy ông đã bị chính quyền đe doạ bắt bớ và kết án nặng nề, ông nói:   “Họ yêu cầu tôi dừng và nếu không thì sẽ bắt giam và kết án nặng nề”.   Trong buổi làm việc chiều ngày 11 Tháng Năm, phía cơ quan an ninh tiếp tục đề nghị ông từ bỏ việc chỉ trích nhà nước trên mạng xã hội và đưa ra lời đe doạ sẽ bắt giam nếu ông không hợp tác.   Hôm 9 Tháng Năm, tổ chức Dự án 88 công bố báo cáo nhân quyền Việt Nam năm 2021, qua đó đã bày tỏ quan điểm rằng quốc gia độc đảng này là "một trong những nước ngược đãi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận tồi tệ nhất trên thế giới".Theo thống kê thì có 12 người làm truyền thông độc lập bị b ắt bớ hồi năm 2021.   Diễm Quỳnh  
......

Đà Nẵng: ""Miếng đất đáng sống" của Nguyễn Bá Thanh là như thế nầy ư?

  Thao Ngoc Ngày 11/5 vừa qua, các báo đồng loạt đưa tin về việc Lê Minh Trung, phó chủ tịch thường trực HĐND TP Đà Nẵng bị kỷ luật. Mặc dù báo chí không nói cụ thể Lê Minh Trung bị kỷ luật vì tội gì. Nhưng cứ xem cách viết thì mọi người thừa biết đó là tội có bồ nhí. Được biết, khi còn giữ chức bí thư quận Thanh Khê, Lê Minh Trung từng dan díu với một cô giáo tên Chi và có con với cô này. Ông bí thư Trần Thọ khi đó đứng ra dàn xếp, bao che, ém nhẹm không kỷ luật Lê Minh Trung. Nay “Ngựa quen đường cũ”, cho nên mới có cảnh Lê Minh Trung "ngã ngựa" hôm nay. (https://tuoitre.vn/de-nghi-xem-xet-ky-luat-ong-le-minh...) Kể từ khi ông vua miền Trung Nguyễn Bá Thanh “đứt gánh giữa đường”, “Thành Phố đáng sống”(theo cách nói của Bá Thanh) liên tục có biến. Đầu tiên là cuộc chiến giữa đệ Bá Thanh là đương kim bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và đệ Bảy niếng là Huỳnh Đức Thơ. Đương nhiên là kẻ đương chức mạnh thế hơn người “khuất núi”, do đó Nguyễn Xuân Anh bị rớt đài. Hai tháng sau khi Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, Singapor đã “bắt sống” Vũ nhôm nộp cho Bộ CA. Vũ "nhôm" chính là người đứng tên doanh nghiệp tặng xe và nhà cho Nguyễn Xuân Anh. Mở rộng điều tra vụ án này,13 cán bộ về hưu hoặc đương nhiệm ở Đà Nẵng tiếp tục bị khởi tố, trong đó có hai cựu Chủ tịch thành phố là Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh. Nhưng “Bên thắng cuộc”Huỳnh Đức Thơ cũng …sứt đầu mẻ trán, với án kỷ luật là cảnh cáo nhưng không bị mất chức. Sau đó những bê bối của Huỳnh Đức Thơ cũng bị phanh phui. Bồ nhí của chủ tịch Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ là Lê Thị Mỹ Hạnh bị tố đã cấu kết với Công ty Tiên Sa hủy hoại xẻ thịt băm nát bán đảo Sơn Trà, và sở hữu nhiều tài sản khủng. Đến nỗi nhiều vị lão thành cách mạng tại Đà Nẵng đã đề nghị UBKTTW vào cuộc làm rõ nhiều vấn đề nghiêm trọng về lý lịch, sự thăng tiến quá nhanh về chức vụ, việc vi phạm Luật hôn nhân gia đình, sở hữu nhiều tài sản lớn và có nhiều doanh nghiệp “sân sau” đối với Huỳnh Đức Thơ. Trong đơn kiến nghị ghĩ rõ rằng: “Huỳnh Đức Thơ không xứng đáng làm Chủ tịch Đà Nẵng!" Khi ông Trương Quang Nghĩa được trên điều về “dẹp loạn”, đã khôi phục một số người bị Xuân Anh “đì”. Điển hình và buồn cười nhất là: Tháng 2/2017, HĐND Đà Nẵng khóa IX(của Xuân Anh) đã biểu quyết 100% miễn nhiệm chức Phó chủ tịch TP với ông Đặng Việt Dũng . Một năm sau, tháng 7/2018 cũng tại HĐND Đà Nẵng(của ông Nghĩa), 44/48 đại biểu có mặt đồng ý bầu ông Dũng trở lại làm Phó chủ tịch UBND thành phố. Ngoài ra Đà Nẵng còn làm một việc động trời mà có lẽ chưa địa phương nào làm được. Đó là dưới thời chủ tịch Trần Văn Minh, đã bán cả sân vận động Chi Lăng, vốn là công trình gắn liền với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng. Một thời, đây là "chảo lửa" tạo khí thế cho đội bóng sông Hàn giành thứ hạng cao trong làng bóng đá nước nhà. Sân Chi Lăng được bán cho tập đoàn Thiên Thanh với hàng loạt sai phạm, mà đến nay Đà Nẵng muốn lấy lại mà không thể được. Ngoài ra Đà Nẵng còn lập kỷ lục khi ngôi biệt thự hạng sang bậc nhất Đà Nẵng của vị GĐ CA: đại tá Trần Văn Tam, có diện tích hơn 1.000 m2, ước lượng giá thị trường là hơn 100 tỉ đồng, một tài sản vô cùng lớn so với lương và phụ cấp của một giám đốc công an. Có người đặt câu hỏi: “Lương cán bộ như ông Tam phải đến 277 năm mới có 100 tỷ, biệt phủ của GĐ Công an Đà Nẵng ở đâu ra”? Ở phần trên đã nhắc đến Nguyễn Bá Thanh, mà không nói đến người con duy nhất của Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh là một thiếu sót. Năm 2019, Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, là Thành uỷ viên, Phó Trưởng ban dân vận thành uỷ, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, cũng dính bê bối tình ái. Cảnh lập “hotgirl” Dương Thể Ny, sinh năm 1994, làm vợ bé, sinh con. Nguyễn Bá Cảnh đã bị kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong đảng. Sau đó Cảnh xin nghỉ việc, tổ chức lễ cưới hoành tráng với Dương Thể Ny tại Singapore và mời các quan chức Đà Nẵng sang đó dự hôn lễ. Nguyễn Bá Cảnh và “hotgirl” Dương Thể Ny. Photo Courtesy Với số tiền hàng tỷ Mỹ kim từ người cha để lại, Nguyễn Bá Cảnh đang đầu tư và sống vương giả tại đảo quốc sư tử này. Câu chuyện về Đà Nẵng còn rất nhiều. Có thể nói quan chức Đà Nẵng đã biến cơ quan thành uỷ trở thành một nơi bê bối và ô hợp. Để thu tóm quyền lực, các phe dàn xếp cài cắm người của mình vào đó, hòng đứng đầu các ban ngành dễ kiếm ăn, kiếm chác. Những kẻ vô học, bất tài nhưng trang bị không thiếu thứ gì: Cử nhân, cao cấp chính trị, thậm chí học vị thạc sĩ, tiến sĩ… để trèo cao, leo sâu vào bộ máy. Vậy “Thành phố đáng sống”giờ nát bét như thế này sao?Phải chăng là quả báo nhãn tiền từ thời Nguyễn Bá Thanh gây ra bao nhiêu tội ác với người dân Đà Nẵng, đặc biệt là với giáo dân giáo xứ Cồn Dầu? Đến bao giờ Nguyễn Bá Thanh và các thế hệ kế tiếp mới trả hết món nợ máu với nhân dân? Thao Ngoc 12/5
......

Bộ mặt thật của Nga Tàu và sự ngu muội của ĐCS

Đỗ Ngà - Thế Giới Kpop Sức mạnh của một cường quốc nó thể hiện khả năng ảnh hưởng của nó trên trường quốc tế. Về kinh tế hay về quốc phòng cũng thế. Nước Mỹ là cường quốc số một thế giới, tầm ảnh hưởng của nó lan rộng đến nửa vòng trái đất. Tại Biển Đông hay Biển Hoa Đông xa xôi, Mỹ vẫn cứ dọc ngang đi lại mà không ngại đối thủ nào. Tuy nhiên, vùng biển quanh nước Mỹ không hề có chút ảnh hưởng nào của Tàu. Kinh tế Tàu có ảnh hưởng khá mạnh trên tòan thế giới, tuy nhiên về quân sự, Tàu vẫn chỉ mới ảnh hưởng vùng lân cận của nó chứ chưa ảnh hưởng xa như Mỹ. Tuy nhiên, Tàu không bao giờ hài lòng với những gì đang có. Tập Cận Bình đang xây dựng chiến lược để giúp nước Tàu ảnh hưởng trên toàn thế giới. Trước mắt là mở rộng ảnh hưởng từ Á sang Âu rồi sang Phi. Dự án “vành đai con đường” là xương sống để tiến tới xây dựng các căn cứ quân sự từ Á sang Âu. Tuy không thành công mĩ mãn nhưng Tàu sẽ vẫn đạt một số thành tựu nhất định khi dụ các nước nghèo tham nhũng cao dính bẫy nợ rồi sau đó chiếm dụng cảng. Tàu là cường quốc đang lên, mọi tính toán của nó đều rất có tầm nhìn. Trước mắt nó phải nắm chắc khu vực lân cận mới mở rộng ra phạm vi xa hơn. Vì thế những nước như Việt Nam, Đài Loan hay các quốc gia láng giềng của nó rất khó thoát ra khỏi nanh vuốt Tàu nếu lãnh đạo quốc gia đó không có cái nhìn chiến lược. Đấy là trên đất liền, còn ngoài biển thì Trung Quốc đang muốn giành lấy sự kiểm soát hoàn toàn trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Tàu đang xung đột lợi ích của Mỹ. Với vị thế siêu cường số một, Mỹ không bao giờ lùi bước trước Tàu ở khu vực 2 biển chiến lược này. Đây là lợi thế rất lớn cho Việt Nam nếu đảng cộng sản "ĐCS" biết tận dụng. Vấn đề lớn nhất Việt Nam hiện nay là dàn lãnh đạo rất thiếu sáng suốt. Vì thiếu tầm nhìn nên trở thành con rối cho Nga Tàu trên trường quốc tế. Nước Nga hiện nay là cường quốc đang lụn bại, tầm ảnh hưởng của Nga đang bị thu hẹp dần. Ngay với những quốc gia láng giềng thuộc Liên Xô và khối XHCN cũ cũng đã nhờn mặt Nga. Ucraina đang ở thế thắng, sớm muộn gì quốc gia này cũng rời khỏi tầm ảnh hưởng của Nga để ngã về EU. Các nước nhỏ như Phần Lan và Thụy Điển vốn rất e ngại Nga giờ cũng khinh thường ra mặt, họ công khai xin gia nhập NATO mà không màng tới lời đe dọa của Putin nữa. Đấy là trên bộ, còn trên biển thì Hải Quân Nga đang cho thế giới thấy họ không còn đủ khả năng đe dọa các nước lân bang được nữa. Tới nay phía Ucraina thông báo họ đã đánh chìm 5 chiến hạm của Nga tại Biển Đen, trong đó có soái hạm Mokva và tàu khu trục Admiral Makarov. Thực tế này cho thấy, hải quân Nga không còn đủ sức mạnh để gây ảnh hưởng lên các vùng biển chồng lấn chủ quyền quanh nó. Cường quốc Nga đang lụi tàn vì thế tầm hảnh hưởng của nó trên biển đang thu hẹp dần. Từ nước Nga đến Việt Nam là xa vời vợi, Nga không còn đủ khả năng gây ảnh hưởng lên quốc gia láng giềng của có và những vùng biển chiến lược quanh nó thì với Việt Nam, tầm ảnh hưởng của Nga như là con số không tròn trĩnh. Ấy vậy mà không hiểu sao, ĐCS Việt Nam lại chấp nhận tập trận chung với Nga? Đây là sự u mê không thể nào giải thích nổi. Tập trận chung với Nga trong khi đó chính Nga không đem lại khả năng phòng thủ cho Việt Nam mà ngược lại, còn gây nguy hiểm cho Việt Nam, bởi vì thế giới đang cô lập cấm vận Nga. Việt Nam dây vào thì có nguy cơ bị các cường quốc khác trừng phạt. Điều ngu xuẩn nhất của lãnh đạo ĐCS Việt Nam là biết Nga và Trung Quốc cấu kết trong vấn đề kiểm soát sức mạnh quân sự Việt Nam. Nước Nga chiều lòng Bắc Kinh không bán những vũ khí mà Bắc Kinh cho rằng có thể gây bất lợi cho Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh. Chính vì sự bắt tay dìm hàng Việt Nam như thế mà khi Trung Quốc mới tự do quậy phá Biển Đông mà vẫn an tâm rằng, Việt Nam không dám làm gì ngoài chịu đựng. Sự thâm độc của Tàu và sự khốn nạn của Putin đã dìm khả năng trỗi dậy của sức mạnh quân sự Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho Trung Cộng tự tung tự tác tại Biển Đông nhằm giúp Bắc Kinh chiếm ưu thế trước Mỹ ở khu vực này. Đấy là bài toán của 2 nước lớn đang tính trên đầu đất nước Việt Nam. Nếu có tầm nhìn, ĐCS đã thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Nga để xích lại gần Mỹ hơn. Chỉ có mua vũ khí Mỹ thì Trung Quốc mới không thể kiểm soát được sức mạnh quân đội Việt Nam. Từ nhiều đời tổng thống, Mỹ luôn muốn tiến gần nữa hơn với Việt Nam để đè bẹp sự ngông cuồng của Bắc Kinh tại Biển Đông. Bằng chứng là năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Đây là hành động mở đường, tuy nhiên, phía Việt Nam vẫn trung thành với vũ khí Nga mà từ chối vũ khí Mỹ. Những cái đầu nhiễm quá nặng ý thức hệ CS nên ĐCS thành một tên ngu trung tai hại đến như thế. Hôm nay, ngày 10/5, báo chí CS Việt Nam thông báo, tàu cá Quảng Ngãi đã bị “tàu nước ngoài uy hiếp cướp tài sản trên vùng biển Trường Sa”. Nỗi oan mà ngư dân Việt Nam phải gánh nó bắt nguồn từ tầm nhìn thiển cận của lãnh đạo ĐCS. Họ là những người cầm quyền nhưng chấp nhận để có Tàu và Nga dìm đất nước xuống tận đáy mà không làm gì được. Chính họ không giải thoát cho đất nước khỏi toan tính thâm hiểm của Nga – Tàu thì muôn đời ngư dân Việt Nam làm mồi cho cướp như thế. Để chống lại những ngang ngược của Trung Cộng, chính quyền CS phát cờ đỏ sao vàng để đẩy ngư dân ra khơi mà không hề có động thái nào bảo vệ họ, trong khi đó thì lực lượng Cảnh sát Biển thì chỉ có việc bám bờ, không có việc gì làm họ lại sinh ra bất thiện. Hồi Tháng Tư, 5 tướng cánh sat biển bị bắt vì dính đến tham ô. Thay vì đối phó với sự nguy hiểm của Nga Tàu thì ĐCS lại đối phó với dân Việt bằng cách phát cờ dụ họ đi vào chỗ chết. Thực ra Mỹ không cần Việt Nam dân chủ gì ráo, họ chỉ cần Việt Nam sát cánh cùng với họ kìm hãm sự lớn mạnh của tàu Cộng trên Biển Đông. Với Mỹ, đó là giúp họ duy trị tầm ảnh hưởng khu vực quanh đối thủ của họ, nhưng với Việt Nam thì đó là cơ hội thoát Trung. Vì ý thức hệ nhiễm vào đầu quá nặng, ĐCS vẫn rất dè chừng Mỹ, họ chỉ hợp tác với Mỹ trong vấn dề kinh tế, vì nó mang lại đô la, còn vấn đề quân sự thì họ vẫn từ chối. Họ cho rằng, gần Mỹ quá thì mất đảng, mất chế độ. Tuy nhiên, Mỹ chẳng thèm lật CS làm gì nữa khi mà CS vẫn có thể giúp họ khắc chế được Tàu Cộng./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.cnbc.com/.../who-wins-when-the-us-sells... https://laodong.vn/.../viet-nam-len-tieng-ve-thong-tin... https://tienphong.vn/ngu-dan-quang-ngai-bi-tau-nuoc-ngoai... https://nld.com.vn/.../chung-tay-giu-bien... https://vnexpress.net/nam-tuong-canh-sat-bien-bi-bat...
......

Các vấn đề nổi cộm trước Thượng Đỉnh Mỹ – ASEAN

Tổng Thống Joe Biden họp thượng đỉnh trực tuyến với lãnh đạo ASEAN hồi 2021. Ảnh: Reuters Trần Đông A - VOA | Các bên cần nỗ lực ở mức cao nhất để thiện thực hóa cam kết ghi trong Tuyên Bố của Chủ Tịch ASEAN nhân dịp họp cấp cao năm ngoái: Trong giai đoạn tới đây, ASEAN và Hoa Kỳ tay trong tay… Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hoa Kỳ diễn ra giữa hàng loạt các cú sốc về nguồn cung, chuyển đổi lãnh đạo và cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga ở Ukraine. Sau những trục trặc ban đầu do Trung Quốc và Campuchia “cản mũi kỳ đà”, cuối cùng Thượng đỉnh đã được “chốt lại” và sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13/5/2022 tại Washington DC. Cam kết lâu dài của Mỹ Cuối cùng thì, tuần này, Nhà Trắng sẽ làm chủ nhà cho Thượng đỉnh đặc biệt (TĐĐB) Hoa Kỳ – ASEAN. Với cuộc chiến Nga – Ukraine đang chiếm ưu thế trong sự chú ý của quốc tế, chính quyền Biden cho biết Hội nghị thượng đỉnh thể hiện “cam kết lâu dài” của Mỹ với ASEAN và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, là ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ là một trong những chủ đề trong Thượng đỉnh đặc biệt. Cuộc họp kéo dài hai ngày cũng mang đến cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế của Mỹ với ASEAN, một khối gồm 10 quốc gia hợp thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Ngoài ra, một loạt các vấn đề quan trọng khác – từ COVID đến biến đổi khí hậu, từ cuộc chiến ở Ukraine đến cuộc khủng hoảng ở Myanmar – cũng sẽ được thảo luận. Không phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều sẽ tham dự hội nghị. Không ai ngạc nhiên khi Myanmar bị loại khỏi Cấp cao, trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định không tham dự Thượng đỉnh đặc biệt để tránh đưa ra những cam kết có thể ràng buộc người kế nhiệm. Cảm giác chung là do sơ suất của các bên nên Hội nghị đã bị chậm trễ. Về phía ASEAN, vai trò của Campuchia và Indonessia có sự chồng chéo và mâu thuẫn: Campuchia hiện là chủ tịch [luân phiên] ASEAN, trong khi Indonesia là điều phối viên quan hệ ASEAN – Mỹ. Tuy nhiên, không ít nước thành viên ASEAN thấy rằng, sự thiếu rõ ràng trong kế hoạch ban đầu của Washington cũng khiến vấn đề trở nên phức tạp không đáng có. Quan hệ ASEAN – Mỹ là mối quan hệ quan trọng. Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Mối quan hệ này hiện nay được xác định là quan hệ “Đối tác chiến lược.” Sau một thời gian dài chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “lơ là” ASEAN, dường như chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy và tập trung vào việc tiếp cận Đông Nam Á. Việc thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, giúp Washington thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) một cách thuận lợi. Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Đối với ASEAN, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực này đạt 338 tỷ USD trong những năm gần đây, chiếm hơn 1/3 tổng đầu tư của Mỹ vào toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Các vấn đề nổi cộm Bốn vấn đề nổi cộm cần được cân nhắc trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt là: Thứ nhất, Mỹ cần lưu ý rằng việc can dự với ASEAN không nên chỉ căn cứ vào sự kình địch mang tính chiến lược của khối này với các cường quốc khác, cụ thể là Trung Quốc và hiện giờ là Nga. Sẽ không thực tế nếu nói rằng đừng nên hy vọng Mỹ không đưa ra những tuyên bố “đao to búa lớn.” Tuy nhiên, đó không phải là mấu chốt của các cuộc thảo luận. Đối với hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN, lập trường của khối về cả Trung Quốc và Nga khó có thể thay đổi, dù là có những tranh luận hoặc bảo lưu. Dù sao chăng nữa, việc nhấn mạnh lợi ích quốc gia vẫn sẽ có hiệu quả. Thực tế là việc lặp đi lặp lại một chủ đề là điều nguy hiểm, nếu không muốn nói là đáng thất vọng. Dù Washington luôn nói về việc duy trì “cam kết lâu dài” với Đông Nam Á, song các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có lúc vẫn chưa hiểu hết hoặc không đánh giá đầy đủ những mối quan tâm và thực tế địa-chiến lược của khu vực đa dạng này. Thứ hai, điểm nêu trên là lăng kính quan trọng mà Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của Chính quyền Biden sẽ được các nước thành viên ASEAN nhìn nhận. Trong khi đó, trọng tâm rõ ràng của IPEF đã được công bố, gồm 4 trụ cột tập trung vào (i) thương mại công bằng, (ii) khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, (iii) cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử carbon, (iv) quản trị tốt . Hy vọng, tại Thượng đỉnh đặc biệt, Tổng thống Biden sẽ tiết lộ thêm các thông tin chi tiết và cập nhật hơn về những tiêu chí đặc biệt này. ASEAN sẽ dễ dàng chấp nhận IPEF nếu khuôn khổ này thực sự cởi mở và bao trùm, nơi mà tất cả các quốc gia thành viên đều tham gia và không loại trừ hẳn sự tham gia của Trung Quốc. Điều quan trọng nữa là cần có các tín hiệu nhấn mạnh tính liên tục và lâu dài của IPEF như một phần trong cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực. Thứ ba, điều quan trọng là phải nâng quan hệ ASEAN – Mỹ lên tầm quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Biểu tượng này vô cùng quan trọng, và ASEAN đã có quan hệ đối tác ở cấp độ này với cả Trung Quốc lẫn Australia. Mỹ có vị thế thuận lợi để nằm trong bộ ba này, và sẽ được hầu hết các quốc gia thành viên hoan nghênh khi họ tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc lớn. Kế hoạch hành động của “Quan hệ đối tác chiến lược” ASEAN – Mỹ (2021 – 2025) đưa ra các sáng kiến kinh tế, chính trị – an ninh và văn hóa – xã hội có thể được tận dụng để nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược toàn diện.” Các sáng kiến từ Mỹ đã được công bố vào tháng 10/2021 tập trung vào chăm sóc sức khỏe, hành động trong vấn đề khí hậu và các sáng kiến phát triển bền vững là những nền tảng quan trọng. Các nhà hoạch định chính sách từ các quốc gia thành viên ASEAN và Mỹ nên hướng tới cam kết thực thi trên thực tế việc nâng cấp càng sớm càng tốt. Cuối cùng, mối quan tâm thực sự ở đây không phải là sự suy giảm của bang giao ASEAN – Mỹ, mà là nguy cơ trì trệ hoặc thiếu tiến bộ. Đang có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không được suôn sẻ như mong muốn. Cả Đông Nam Á lẫn Mỹ cần hiểu rằng “nhiều thứ giống nhau hơn” không phải là thước đo mà hai bên mong muốn. Có thể cuộc chơi hiện giờ hơi muộn, nhưng khi các nhà hoạch định chính sách và các cố vấn của Mỹ bước vào Thượng đỉnh đặc biệt lần này, sẽ rất đáng để họ suy ngẫm về những tổn thất lâu dài có khả năng gây ảnh hướng đến mối quan hệ đa phương này. Đây là lý do tại sao sự tiến bộ hữu hình và rõ ràng là điều rất cần thiết đối với cả ASEAN lẫn Mỹ vào giai đoạn tới đây. Vai trò trung tâm của ASEAN Các nước ASEAN luôn có ý thức thực tế rằng, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với chính họ. Bất chấp sự đa dạng của khối, các nước ASEAN đều muốn có một Hoa Kỳ hiện diện và gắn bó ở Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng có khả năng áp đảo của Trung Quốc. ASEAN cũng tìm cách để Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các cường quốc bên ngoài khác tham gia càng nhiều càng tốt để tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực, hay như cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã gọi nó một cách tích cực hơn, đó là một “trạng thái cân bằng động.” Điều họ không muốn là buộc phải lựa chọn bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của Washington đối với các thể chế đa phương dựa trên ASEAN, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN, mà khối này tìm cách trở thành trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tại Thượng đỉnh đặc biệt lần này, các chiều kích cấu thành vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được bàn thảo một cách kỹ lưỡng hơn so với các Hội nghị Cấp cao hàng năm. Tuần tới, Mỹ và ASEAN sẽ trao cho nhau quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Như thế Mỹ là cường quốc thứ ba, sau Trung Quốc và Australia, sẽ có quy chế đặc biệt này. Tuy đều là CSP cả nhưng các thành viên ASEAN ý thức rất rõ rằng, ba quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” này không đồng đẳng. CSP giữa Trung Quốc và Australia khác nhau đã đành, CSP giữa Mỹ và ASEAN cần hội tụ những năng lượng mới, đặc biệt hơn, nhất là trong thời kỳ “hậu Ukraine”. Các bên cần nỗ lực ở mức cao nhất để thiện thực hóa cam kết ghi trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN nhân dịp họp Cấp cao năm ngoái: Trong giai đoạn tới đây, ASEAN và Hoa Kỳ tay trong tay, hãy cùng nhau xây dựng quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” trên cam kết bền vững, các lợi ích và giá trị chung cũng như thiện chí lâu dài của tất cả các bên. Đặc biệt là cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm, bản sắc và sự thống nhất của ASEAN. Trần Đông A Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nguồn: VOA XEM THÊM: Trước hội nghị Mỹ-ASEAN, thử nhìn quan hệ Mỹ và Đông Nam Á  
......

Nước Nga suy vong, xu thế khó cưỡng

-Đỗ Ngà-- Thế Giới Kpop Xuất khẩu năng lượng của Nga chiếm đến 47,29% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, xuất dầu thô là 22,5%, xuất dầu thành phẩm 14,5%, và xuất than 4,4%, còn lại giá trị khí đốt chỉ là 5,98% mà thôi. Hiện nay các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga hầu như đều bị chặn đứng, phần còn lại là năng lượng. Các mặt hàng năng lượng như dầu thô, dầu thành phẩm và than, chậm nhất là cuối năm 2022 là bị chặn hoàn toàn. Khí đốt thì phải đến 2024 nước Đức mới tìm nguồn thay thế cho nguồn khí đốt đến từ Nga. Như vậy, dù cho EU có để kẽ hở cho Nga xuất khí đốt thì khoản tiền mà nước Nga thu về là không đáng kể. Tình hình kinh tế Nga vào cuối năm nay hứa hẹn sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hiện tại. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà hoạch định chính sách Nga. Khi Mỹ cắt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống SWIFT thì nền kinh tế Nga bị khó khăn ngay lập tức, đồng ruble giảm giá ngay sau đó. Tuy nhiên,sau đó Nga lấy lại sức mạnh cho đồng Ruble nhờ áp dụng những biện pháp kịp thời. Ngoài những giải pháp hợp lý của chính quyền Nga thì còn bởi việc Mỹ và EU chừa lại kẽ hở để Ngân hàng Trung ương và Chính phủ Nga có dư địa để xử lý khủng hoảng. EU vẫn đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng Nga nên không thể cấm vận hoàn toàn mà chỉ cấm vận được một phần. Muốn cấm vận hoàn toàn phải có lộ trình. Từ nay đến cuối năm 2022 thì nguồn thu nhờ xuất khẩu năng lượng Nga giảm nhiều vì bị chặn gần hết, chỉ còn lại nguồn khí đốt. Được biết, nguồn khí đốt Nga chỉ chiếm 12,5% tổng thu xuất khẩu năng lượng nên đến cuối năm khe hở mà lệnh cấm vận tạo ra không còn rộng như hiện tại. Khi đó Nga thực hiện chính sách tiền tệ để ổn định đồng ruble lại càng khó khăn hơn nữa. Trong các thị trường mà Nga xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với 14,9% tổng kim ngạch. Như vậy đến cuối năm, Nga sẽ chỉ cậy vào thị trường Trung Quốc mà thôi. Chính quyền Bắc Kinh vẫn dang tay chào đón, tuy nhiên, những ông lớn công nghệ Trung Quốc đang dần tháo chạy khỏi thị trường Nga. Nguyên nhân là họ lo sợ Mỹ sẽ trừng phạt giống như Trump đã trừng phạt Huawei trước đây. Lúc đó Huawei mới vừa vượt Samsung về doanh số điện thoại lập tức bị tụt lại phía sau đối thủ Hàn Quốc sau lệnh trừng phạt. Thị trường Nga rất nhỏ bé so với thị trường Mỹ, vậy nên các ông lớn công nghệ Trung Quốc không dại gì chọn Nga bỏ Mỹ. Tương tự như vậy, những nhà nhập khẩu hàng Nga nào mà có làm ăn với Mỹ cũng sẽ giảm dần việc làm ăn với Nga. Như vậy, dù cho chính quyền Trung Quốc không cấm các doanh nghiệp của họ làm ăn với Nga, nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng tự co vòi để đảm bảo an toàn. Khi lệnh cấm vận xiếc chặt thì có muốn dựa Trung Quốc để tồn tại thì khả năng của Trung Quốc cũng chỉ có giới hạn. Lệnh cấm vận ảnh hưởng đến nước Nga từ mọi hướng. Nước Nga giờ đang vùng vẫy trong khuôn khổ rất hẹp, mà cái khuôn đó là ngày càng teo lại, nền kinh tế Nga chẳng có gì sáng sủa. Lộ trình cấm vận Nga được EU lên kế hoạch thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Cụ thể là Đức, phải cần đến 2 năm sau mới cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt Nga. Điều này có nghĩa là, khi Nga rút quân khỏi Ucraina chưa chắc gì Mỹ và EU dỡ bỏ lệnh cấm vận. Nguyên nhân? Nguyên nhân là, dù Nga rút quân thì tính hung hăng vẫn còn. Nên nhân cơ hội này tròng vào cổ nước Nga cái thòng lọng kinh tế để hạn chế sự điên cuồng của nó. Hiện nay Phần Lan và Thụy Điển đang có kế hoạch gia nhập NATO, nếu không dùng chính sách cấm vận làm cho Nga thấm đòn thì các nước thành viên mới của NATO chưa chắc gì yên thân. Putin tưởng rằng sẽ lấn tới đe dọa NATO nhưng ngược lại, NATO tương kế tựu kế chớp thời cơ lấn sang hướng Đông, và tròng cái thòng lọng kinh tế vào cổ Nga Ngố của Putin. Nước Nga đang suy vong. Từ cường quốc lớn, Nga đang lùn dần và khi kết thúc triều đại Putin, Nga sẽ không còn tư cách để  đứng thành một cực ở Âu Châu nữa. Không có một điểm sáng nào cho thấy nước Nga có thể duy trì vị thế cường quốc của nó nữa./. -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://oec.world/en/profile/country/rus/ https://thesaigontimes.vn/cac-cong-ty-cong-nghe-trung.../
......

30/4 - Suy ngẫm về một câu chuyện của một người chiến thắng khi vào nam

  Trương Minh|   Chỉ những người trí thức mới biết mình bị LỪA, và họ bắt đầu sống trong ân hận hối tiếc cho đến cuối đời.   Tôi đã có dịp ngồi nói chuyện với một anh Giáo sư dạy Toán người Hà Nội. Sau khi anh vào Nam để tiếp quản trường học. Gặp nhóm sinh viên chúng tôi anh cười buồn " Tôi thật ngỡ ngàng không biết phải dạy các em điều gì nữa? " ... Sau này anh không dạy học mà cùng vợ bán tại một cửa hàng vải nhỏ. Gặp tôi anh chỉ nói "Một lầm lẫn tai hại cả một thế hệ " ... Mấy mươi năm rồi họ vẫn không chiếm được trái tim của người miền Nam và họ ngược lại mất đi khá nhiều trái tim của người miền Bắc.   .......................   Xe vừa vào địa giới miền Nam, chúng tôi đã bấm tay nhau nhìn khung cảnh mới.   Nhà cửa người dân cùng các công trình đô thị như cầu, đường gần các trục lộ giao thông trông đẹp và văn minh hơn hẳn miền Bắc. Đi rồi nghỉ ngơi rồi đi tiếp cho đến khi đoàn xe đến được khu công nghiệp Biên Hoà.   Có quá nhiều nhà máy tại đây. Đoàn 18 người chúng tôi nhìn ngang nhìn dọc từng dãy nhà máy trong khu vực này và tuy không ai nói với ai nhưng đều trầm trồ trước công nghiệp miền Nam. Rồi chúng tôi được phân công vào công tác trong một nhà máy có cái tên VICACO. Một nhà máy sản xuất chất Sút (NaOH) từ muối biển và cả Acid Chlohidric (HCL) nữa. Một nhà máy bề ngoài trông rất nhỏ mà không ngờ bên trong lại lắp đặt các máy móc tối tân, sản xuất được các hóa chất với sản lượng, hàm lượng rất cao gấp nhiều lần so với công nghệ tại miền Bắc.   Chúng tôi ngạc nhiên và ngầm thán phục trong bụng. Nhìn những công nhân miền Nam đang làm việc tại đây rồi sau đó làm việc chung với họ, tôi mới thấy người dân miền Nam khác xa người dân miền Bắc.   Kiến thức chuyên môn và xã hội của họ hơn hẳn chúng tôi. Kỹ sư hơn hẳn kỹ sư ở miền Bắc và công nhân cũng vậy.   Một sự rụt rè, cẩn thận tự nhiên nẩy sinh trong đoàn tiếp quản chúng tôi. Ai cũng sợ người trong nhà máy tại miền Nam này biết trình độ thực sự của cả đám chúng tôi. Sợ họ cười, nỗi lo chính trong lòng vì dầu gì mình cũng thuộc phía chiến thắng.   Về nằm nghỉ trong căn phòng mà được biết trước đây là các phòng dành cho công nhân ngủ qua đêm nếu phải ở lại tăng ca, tôi suy nghĩ xã hội miền Nam không hề lạc hậu về công nghệ về con người… như lời nói trước giờ vẫn được nghe. Ngay cả trong buổi họp khi chọn người xung phong vào tiếp quản, cán bộ ngành từ trung ương cũng đã nói như vậy khi động viên cán bộ công nhân viên.   Những dãy nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi từ các trang bị như bàn ghế, giường ngủ, quạt trần, phòng vệ sinh, đèn chiếu… Ở đây, trong khu vực khép kín của khu công nghệ còn được như vậy thì trong thành phố Sài gòn chắc chắn phải rất đẹp.   Tôi cũng chưa nghĩ sẽ ra sao khi tìm gặp được hai cô em gái tôi.   Rồi một ngày tôi theo đoàn vào làm các thủ tục công tác trong một toà nhà Tổng Cục Hoá Chất vừa tiếp quản nay trở thành trụ sở của Công Ty Hóa Chất Cơ Bản miền Nam nằm gần chợ Bến Thành.   Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến thang máy khi lên một phòng tuốt trên tầng thượng.   Sau khi làm xong các giấy tờ và thụ tục, chúng tôi được thoải mái đi thăm phố xá.   Ngay từ lúc còn ngồi trên xe buýt nhìn cảnh vật dọc theo đường và khu phố dẫn vào Sài gòn tôi đã thấy vượt trội nhiều lần so với thủ đô Hà Nội. Một vẻ bề ngoài sáng sủa, văn minh lộ ra từ cách phục sức, sinh hoạt của người dân miền Nam. Giờ đây đi bộ trên các con đường trong khu trung tâm thành phố mới thấy bản thân tôi, một người dân miền Bắc quá sức lạc hậu, nghèo nàn… từ bộ cánh (quần áo) trên người.   Tôi rõ ràng xa lạ với các tiện nghi đang được người dân trong thành phố này sử dụng. Bên vệ đường và trong các cửa hiệu sang trọng đầy ắp hàng hoá thật đẹp và mới lạ lần đầu chúng tôi được thấy. Có tiền cứ việc vào mua thoải mái khác hẳn với cảnh chen chúc để chờ được tới lượt mua số hàng ít ỏi như cảnh thường thấy ở các khu phố ngoài miền Bắc. Phố xá thì thôi, những tòa nhà to đẹp thấp thoáng sau dòng xe gắn máy chạy hối hả trên đường. Khung cảnh y như ở nước ngoài, một người trong đoàn chúng tôi nói nhỏ cho nhau cùng nghe.   Tôi bối rối ngắm nhìn các cô gái miền Nam nói chính xác là cô gái Sài gòn đang dạo bước trên đường. Họ đẹp quá sức, như tiên… từ dáng điệu, mái tóc, y phục mặc trên người và nhất là khuôn mặt của họ lộ rõ vẻ sung túc đài các so với những nữ cán bộ trẻ trong đoàn chúng tôi.   Tôi mỉm cười, nghĩ thầm hai cô em gái tôi trong này cũng vậy. Tôi âm thầm tách ra khỏi đoàn để tự mình đi theo ý muốn.   Tôi đi rảo qua nhiều con phố Sài Gòn rồi thấy mỏi chân, tôi lấy can đảm bước vào một hàng nước thật đẹp gần một giao lộ lớn, có tên là Cafe Minirex.   Chọn một bàn sát khung cửa kính trong suốt có thể nhìn rõ người đi bên ngoài, tôi quan sát chung quanh. Bàn ghế, các bình hoa, quầy thu ngân, khách cùng vách tường trang trí cảnh một rừng cây thật đẹp… thật không khác một tiệm ở nước ngoài trong phim ảnh. Chợt một người hầu bàn bước đến, gật đầu chào tôi rồi hỏi :   - Thưa ông, ông dùng chi ? Trời ơi ! Người hầu bàn này quá lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng thật khác hẳn với cung cách của Mậu dịch viên trong các tiệm ăn ngoài miền Bắc. Tôi lại nghĩ, hay ông ta biết tôi là cán bộ chế độ mới qua quần áo mặc trên người nên xưng hô như vậy? Tôi gọi nước uống và ngầm để ý xem sao. Nhưng không, bất cứ có khách nào vào quán, người hầu bàn này cũng một cách tiếp đón như vậy. Rất tự nhiên, lịch sự mà không khúm núm hoặc hách dịch.   Một thay đổi đã đến trong lòng tôi mà tôi biết điều này cũng sẽ đến với bất kỳ người nào từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đặt chân vào miền Nam ở thời kỳ đó.   Sài Gòn hay nói rộng ra cả miền Nam không phải là một xã hội lạc hậu, nghèo nàn, đói khổ, đầy rẫy cảnh người bóc lột người như bao lâu nay người dân miền Bắc được (hay bị) báo chí, đài phát thanh Hà Nội… mô tả về con người và xã hội của chế độ Ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ.   Đây là mô hình của một xã hội văn minh và người nào được sống trong xã hội này quả thật may mắn hơn sống ở xã hội xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc.   Tiếc thay ! Một xã hội như vậy lại vừa bị cướp mất đi.   Trương Minh Nguồn: Facebook của Thầy Sam Nguyen)
......

Bắt đầu có những than vãn trong giới tài phiệt Nga về cuộc chiến xâm lược Ukraine

Ảnh; Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Giám đốc ngân hàng trung ương Elvira Nabiullina tại Điện Kremlin vào năm 2017. https://www.youtube.com/watch?v=2PyRVC2jaI4 Cù Tuấn dịch từ The Washington Post.   Tóm tắt: Các nhà tài phiệt và quan chức tài chính Nga lo lắng về thiệt hại kinh tế mà nước này đang gánh chịu và cảm thấy bất lực trong việc tác động đến Putin.   Trong hai tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, sự im lặng - và thậm chí cả sự đồng tình - của giới tinh hoa Nga đã bắt đầu trở nên căng thẳng. Ngay cả khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ của công chúng Nga đối với chiến dịch quân sự, trong bối cảnh các tuyên truyền của nhà nước lan rộng và các luật mới cấm chỉ trích cuộc chiến, các rạn nứt đang bắt đầu hé lộ. Ranh giới phân chia giữa các phe phái trong giới tinh hoa kinh tế Nga ngày càng rõ ràng hơn, và một số tài phiệt - đặc biệt là những người đã trở nên giàu có trước khi Tổng thống Vladimir Putin lên nắm quyền - đã bắt đầu lên tiếng một cách dè dặt. Đối với nhiều tài phiệt này, trọng tâm là những thiệt hại của chính họ. Các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt đã tạo ra một bức màn sắt mới đối với nền kinh tế Nga, đóng băng hàng chục tỷ đô la trong các tài sản của nhiều tài phiệt. “Trong một ngày, họ đã phá hủy những gì được xây dựng trong nhiều năm. Đó là một thảm họa,” một doanh nhân đã được triệu tập cùng với nhiều người giàu có nhất của Nga để gặp Putin vào ngày bắt đầu cuộc xâm lược cho biết.   Nhà Trắng tiếp tục quay lưng lại với các nhà tài phiệt Nga hôm 28/4, thông báo đề xuất thanh lý tài sản của họ và quyên góp số tiền thu được tặng cho Ukraina.   Ít nhất 4 nhà tài phiệt có công lớn trong kỷ nguyên tự do hơn của người tiền nhiệm Putin, Tổng thống Boris Yeltsin, đã rời Nga. Ít nhất bốn quan chức cấp cao đã từ chức và rời khỏi đất nước, người xếp hạng cao nhất trong số đó là Anatoly Chubais, đặc phái viên của Điện Kremlin về phát triển bền vững và ông hoàng tư nhân hóa thời Yeltsin.   Nhưng những người ở những vị trí hàng đầu quan trọng đối với việc tiếp tục điều hành đất nước vẫn còn ở lại Nga - một số bị mắc kẹt, không thể rời đi ngay cả khi họ muốn. Đáng chú ý nhất, giám đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina có thái độ ôn hòa và được đánh giá cao, đã xin được từ chức sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, nhưng Putin đã từ chối để bà từ chức, theo 5 người quen thuộc với tình hình.   Trong các cuộc phỏng vấn, một số tỷ phú Nga, chủ ngân hàng cấp cao, một quan chức cấp cao và cựu quan chức, nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù, đã mô tả việc họ và những người khác đã bị vị tổng thống ngày càng bị cô lập của họ che mắt và phần lớn trong số họ đã cảm thấy bất lực vì không thể ảnh hưởng đến Putin vì đội ngũ thân cận của Putin chỉ là một số ít các quan chức an ninh có quan điểm cứng rắn.   Những lời phàn nàn được công bố trước công chúng cho đến nay hầu hết đều bị tắt tiếng và chủ yếu tập trung vào phản ứng kinh tế được đề xuất của chính phủ đối với các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga. Không có ai chỉ trích trực tiếp Putin.   Vladimir Lisin, một ông trùm ngành thép, người đã tạo ra tài sản của mình trong những năm Yeltsin, đã phản đối đề xuất tại Quốc hội Nga về việc chống lại các lệnh trừng phạt bằng cách buộc người mua nước ngoài trả bằng đồng rúp cho một danh sách các mặt hàng ngoài khí đốt. Trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo ở Matxcơva, ông cho biết biện pháp này có nguy cơ làm suy yếu các thị trường xuất khẩu mà Nga đã "chiến đấu để có được trong nhiều thập kỷ", đồng thời cảnh báo rằng "việc chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp sẽ chỉ dẫn đến việc chúng ta bị loại khỏi thị trường quốc tế."   Vladimir Potanin, chủ sở hữu của nhà máy kim loại Norilsk Nickel, người từng là kiến ​​trúc sư của quá trình tư nhân hóa Nga vào những năm 1990, cảnh báo rằng các đề xuất tịch thu tài sản của các công ty nước ngoài đã rời khỏi Nga sau chiến tranh sẽ hủy hoại lòng tin của các nhà đầu tư và đẩy đất nước trở lại thời điểm cách mạng năm 1917.   Oleg Deripaska, một tài phiệt về nhôm, người cũng đã kiếm được tài sản ban đầu của mình trong thời đại Yeltsin, đã đi xa nhất, gọi cuộc chiến ở Ukraina là "điên rồ", mặc dù ông ta cũng chỉ tập trung vào thiệt hại kinh tế của cuộc xâm lược. Ông đã dự đoán rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do các lệnh trừng phạt sẽ tồi tệ hơn ba lần so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998 mà đã làm rung chuyển nền kinh tế Nga, và ông đã đổ lỗi cho chính quyền Putin, nói rằng các chính sách chủ nghĩa tư bản nhà nước trong 14 năm qua đã "không dẫn đến tăng trưởng kinh tế cũng không dẫn đến tăng thu nhập của người dân."   Trong một bài đăng tiếp theo trên kênh Telegram của mình, Deripaska đã viết rằng “xung đột vũ trang” hiện tại là “một sự điên rồ mà chúng ta sẽ phải xấu hổ trong thời gian rất lâu”. Tuy nhiên, trong câu tiếp theo, ông chỉ ra rằng phương Tây cũng phải chịu trách nhiệm tương tự vì việc “ huy động ý thức hệ địa ngục từ mọi phía”.   1. "Chúng tôi đã mất tất cả"   Khi 37 giám đốc điều hành doanh nghiệp giàu có nhất của Nga được gọi đến Điện Kremlin để dự cuộc gặp với Putin vài giờ sau khi ông phát động cuộc chiến vào ngày 24 tháng 2, nhiều người trong số họ đã rất thất vọng và bị sốc. “Mọi người đều có tâm trạng thật khủng khiếp,” một người tham gia nói. "Mọi người đã ngồi đó với cảm giác bị dẫm nát." “Tôi chưa bao giờ thấy họ choáng váng như vậy từ trước đến giờ,” một người tham gia khác nói. "Một số người trong số họ thậm chí không thể nói được câu gì."   Như thường lệ, họ vẫn phải chờ đợi hơn hai giờ trước khi Tổng thống xuất hiện trong Hội trường Ekaterininsky được trang trí công phu của Điện Kremlin - thời gian đủ để cân nhắc số phận của họ. Đối với một số giám đốc điều hành, khi họ lặng lẽ thảo luận về hậu quả cuộc chiến của Putin, đó là thời điểm họ nhận ra rằng mọi thứ đã kết thúc đối với đế chế kinh doanh mà họ đã xây dựng kể từ khi quá trình chuyển đổi thị trường của Nga bắt đầu hơn 30 năm trước. "Một số người trong số họ nói," Chúng tôi đã mất tất cả ", một trong những người tham gia cho biết.   Khi tổng thống đến, không ai dám nói một câu phản đối. Với vẻ mặt đờ đẫn, họ lắng nghe khi Putin đảm bảo với mọi người rằng Nga sẽ vẫn là một phần của thị trường toàn cầu - một lời hứa sớm bị biến thành vô hiệu do hàng loạt các biện pháp trừng phạt của phương Tây - và nói với họ rằng ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình.   Kể từ đó, Putin đã đưa ra nhiều lời đe dọa sẽ xử lý bất kỳ ai chỉ trích cuộc chiến, vội vàng ban hành luật mới bao gồm bản án 15 năm tù cho bất kỳ ai nói bất cứ điều gì mà Điện Kremlin cho là sai trái về quân đội Nga. Chính quyền của Putin đã đề xuất thành lập một hệ thống cấp phó mới trong các bộ của Nga để báo cáo lại với Điện Kremlin về “tình hình và tâm trạng cảm xúc”. Một nhà tài phiệt cho biết ông ta kỳ vọng cuộc đàn áp sắp tới sẽ mang tính “ăn thịt đồng loại” so với “thời kỳ ăn chay” của những năm trước.   Quyết định phát động một cuộc xâm lược quy mô toàn diện của Putin dường như đã gây sửng sốt không chỉ với các tỷ phú mà còn cả giới thượng lưu Nga, bao gồm các quan chức kỹ trị cấp cao và một số thành viên của cơ quan an ninh, theo hai tỷ phú Nga và một người cựu quan chức nhà nước có nhiều mối quan hệ với Matxcơva.   “Ngoài những người trực tiếp tham gia chuẩn bị cho cuộc chiến, [Bộ trưởng Quốc phòng Sergei] Shoigu, [tổng tham mưu trưởng quân đội Valery] Gerasimov và một số người ở FSB, không ai được biết gì,” một trong những tỷ phú nói. Bất chấp những cảnh báo ngày càng leo thang của tình báo Mỹ, nhiều người trong giới tinh hoa ở Matxcơva tin rằng Putin đang hạn chế các mục tiêu của mình đối với các khu vực ly khai ở miền đông Ukraina. Các quan chức kinh tế và tài chính "nghĩ rằng chiến dịch sẽ bị giới hạn ở Donetsk và Luhansk và đó là những gì họ đã chuẩn bị sẵn", quan chức cấp cao cho biết. Ông nói, họ đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả việc bị loại khỏi SWIFT, hệ thống chuyển tiền tài chính quốc tế, “nhưng họ chưa chuẩn bị cho điều này”.   Với thương vong ngày càng tăng và quân đội Nga buộc phải rút lui khỏi Kyiv, không chỉ các tỷ phú bị phương Tây trừng phạt mà ngay cả một số thành viên của lực lượng an ninh cũng thấy cuộc chiến ngày càng trở nên kinh hoàng, theo hai người am hiểu tình hình.   Một người đặc biệt đề cập đến Shoigu, người đã tham gia vào quá trình chuẩn bị chiến tranh. “Tất cả họ đều muốn có một cuộc sống bình thường. Họ có nhà, có con, có cháu. Họ không cần chiến tranh,” người này nói. “Tất cả các tài phiệt đều không thích tự sát. Họ đều muốn có một cuộc sống tốt đẹp. Họ muốn con mình có mọi thứ và có thể đi du lịch đến những nơi đẹp nhất”.   Áp lực gia tăng đối với các tài khoản ngân hàng nước ngoài của họ là nguồn gốc gây ra sự thất vọng đặc biệt cho giới thượng lưu. Ngay cả các quan chức đã cố gắng bảo vệ mình bằng cách chuyển tiền của họ vào các tài khoản của các đối tác kinh doanh giờ đây phát hiện ra rằng các tài khoản của đối tác cũng đã bị phong tỏa, một trong những giám đốc điều hành ở Matxcơva cho biết.   2. Bị mắc kẹt ở Matxcơva   Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đóng băng 300 tỷ USD - gần một nửa - dự trữ ngoại tệ cứng của Ngân hàng Trung ương Nga khiến Matxcơva lao đao, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương Nabiullina, người xin từ chức nhưng đã bị Putin từ chối, theo 5 người quen thuộc với tình hình. (Hãng tin Bloomberg là hãng tin đầu tiên đưa tin về nỗ lực từ chức của bà.) Nabiullina “hiểu rất rõ rằng bà không thể ra đi. Nếu không, bà sẽ có một kết thúc rất tồi tệ”, một trong những người này nói.   Vadim Belyaev, người đã từng là chủ sở hữu chính của Otkritie, ngân hàng tư nhân lớn nhất nước Nga cho đến khi nó bị quốc hữu hóa vào năm 2017, hiện đang lưu vong, cho biết: “Không ai có thể nói 'Hết chuyện' và sau đó đóng cửa cái rầm vào năm 2017. Mọi người đều sẽ phải làm việc cho đến khi có phiên tòa xử tội phạm chiến tranh mới." Ngân hàng trung ương Nga sau đó đã phủ nhận rằng Nabiullina đã đệ đơn xin từ chức.   Các nhà kinh tế cho biết chỉ những quan chức không cần thiết trong việc điều hành nhà nước - và là những người ngoài cuộc - mới được phép ra đi. Maxim Mironov, phó giáo sư tại Đại học IE ở Tây Ban Nha, cho biết: “Không có bộ trưởng nào được phép từ chức. Chính phủ Nga giống như một tổ chức mafia."   Nếu Nabiullina là hình ảnh thu nhỏ của các quan chức kỹ trị cấp cao của Matxcơva, thì Alexei Kudrin là người thân cận nhất với Putin. Kudrin là một cựu thành viên trong nhóm nội bộ của Putin từ St. Petersburg, từng giữ chức bộ trưởng tài chính trong hai nhiệm kỳ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống - dường như cũng nằm trong số những người không thể từ chức.   Một người thân cận với Kudrin cho biết ông đã gặp Putin một tháng trước cuộc xâm lược. Mặc dù rõ ràng rằng công tác chuẩn bị cho chiến tranh đang được tiến hành, nhưng Kudrin tin rằng kế hoạch này sẽ không được thực hiện, một người quen thuộc với suy nghĩ của ông cho biết. Người này cho biết: “Anh ấy đã tính toán, nhưng không ngờ sự việc bùng ra mạnh như vậy."   Kudrin - người hiện đang đứng đầu Phòng Kiểm toán, cơ quan giám sát tài chính của Nga - đã nói với các đồng minh rằng việc ông rời đi sẽ là một sự phản bội. Kudrin đã xuất hiện ở Tel Aviv vào cuối tuần ngày 9 tháng 4 nhưng đã lên các phương tiện truyền thông xã hội để thông báo tất cả những gì ông dự định sẽ làm sau khi trở lại Matxcơva: phát biểu tại thượng viện của Nga vào tuần sau đó. Kudrin đã đưa ra bài phát biểu theo đúng kế hoạch đó, cảnh báo rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đang khiến Nga phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong 30 năm.   Một cựu quan chức cấp cao khác của nhà nước Nga cho biết ông cảm thấy có trách nhiệm phải ở lại Matxcơva, mặc dù ông đã rất ngạc nhiên và kinh hoàng trước cuộc chiến. "Nếu tất cả mọi người rời đi, thì ai sẽ ở đây để nhặt nhạnh các mảnh vỡ," ông nói. “Nó giống như làm việc tại một nhà máy điện hạt nhân. Ai sẽ điều hành nó nếu bạn rời đi? Nếu ai cũng bỏ đi, thì có khả năng nó sẽ phát nổ ”.   3. Các ông trùm của Yeltsin và các ông trùm của Putin   Trong số các tỷ phú đã rời bỏ nước Nga ngay sau cuộc xâm lược có một số người đã trở nên giàu có trong thời đại Yeltsin, bao gồm Alexander Mamut và Alexander Nesis, những người sở hữu công ty vàng Nga Polymetal, và Mikhail Fridman và Petr Aven của Tập đoàn Alfa.   Nhưng nhiều nhà tài phiệt khác đã ủng hộ Matxcơva ngay sau khi họ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, mà đã cấm họ di chuyển tới các nước phương Tây. Các giám đốc điều hành doanh nghiệp khác lo sợ rằng nếu họ rời khỏi Nga, các công ty của họ sẽ bị chính phủ tiếp quản, một trong những giám đốc điều hành kinh doanh ở Matxcơva cho biết.   Một số tỷ phú hiện đang mắc kẹt ở Matxcơva chỉ tìm cách làm sao không bị tổn hại. “Bạn có thể không ủng hộ chiến tranh nhưng bạn phải giữ im lặng và ở bên những người đồng hương của bạn vì một số binh sĩ của bạn đang chết”, một người thân cận với một trong những tỷ phú có mặt tại cuộc họp ở Điện Kremlin ngày 24/2 cho biết. "Nếu bạn đang sống trong nước Nga, bạn có thể không vui - không ai hài lòng về những gì đang diễn ra cả - nhưng đừng nói lên ý kiến ​​của bạn."   Những tỷ phú sẵn sàng lên tiếng công khai là những người nhớ về một thời đại khác; họ đã có được vận may kiếm nhiều tiền vào những năm Yeltsin, trước khi Putin trở thành tổng thống.   Sergei Pugachev, một người trong cuộc của Điện Kremlin cho đến khi ông rời Nga vào năm 2011, chỉ ra rằng những ông trùm này vẫn cẩn thận trong các bình luận công khai của họ, không chỉ trích trực tiếp Putin về việc tham chiến. “Họ nói rất tế nhị: Bối cảnh là phương Tây, NATO phải chịu trách nhiệm… Họ nói cứ như thể đó là một âm mưu chống lại Nga, ”ông nói.   Ngược lại, những người thân cận nhất với Putin - đến từ St.Petersburg và trở nên giàu có sau khi ông lên làm tổng thống - như Gennady Timchenko, Yury Kovalchuk và Arkady Rotenburg, lại kiên quyết giữ im lặng. Họ “sẽ không bao giờ chống lại Putin. Họ khởi đầu với Putin, và ông ấy đã khiến họ trở thành những tỷ phú đô la. Tại sao bạn lại ăn cháo đá bát?" một cựu nhân viên ngân hàng phương Tây cấp cao từng làm việc với các nhà tài phiệt Nga này cho biết.   Pugachev nói, ngoài những tài phiệt này, còn có một đội quân gồm các quan chức và giám đốc điều hành doanh nghiệp ở Matxcơva, những người không gặp rắc rối gì với sự cô lập kinh tế ngày càng tăng của Nga do hậu quả của cuộc xâm lược, và nhiều mối liên hệ mà ông duy trì ở Matxcơva đã không quy lỗi cho Putin vì đã gây chiến. Thay vào đó, họ phàn nàn rằng quân đội Nga đáng lẽ ra phải được chuẩn bị tốt hơn.   Ông cho biết nhiều thành viên của giới thượng lưu hiện nay là các bộ trưởng cấp trung của chính phủ, những người đã tích trữ hàng triệu đô la trong các tài khoản cá nhân và có nhà ở những quốc gia khác ở châu Âu. Nếu các lệnh trừng phạt ngăn họ đến các quốc gia này, họ vẫn sẽ ổn. “Ông ấy vẫn là một bộ trưởng ở Nga, và thay vì đến Áo, ông ấy sẽ đến Sochi - [khu nghỉ mát của Nga] để nghỉ mát. Họ không phải chịu nhiều đau khổ,” Pugachev nói.   Hơn nữa, nhìn trên bề ngoài, nền kinh tế Nga dường như đã ổn định kể từ khi áp dụng lệnh trừng phạt ban đầu, phục hồi nhờ doanh thu ước tính hơn 800 triệu USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt cho châu Âu. Chính sách của ngân hàng trung ương Nga buộc các nhà xuất khẩu bán 80% thu nhập bằng đồng nội tệ rúp của họ đã ngăn chặn sự mất giá của đồng rúp, và Putin tuyên bố rằng "cuộc chiến kinh tế" chống lại Nga đã thất bại.   Nhưng vào đầu tháng 4/2022, Nabiullina cảnh báo tác động của các lệnh trừng phạt vẫn chưa được cảm nhận hết và cho biết điều tồi tệ nhất vẫn đang xảy ra. Các nhà máy sản xuất, nơi “thực tế mọi sản phẩm” đều phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu, bắt đầu cạn kiệt nguồn cung, trong khi dự trữ hàng tiêu dùng nhập khẩu cũng đang dần cạn kiệt. Bà nói với các đại biểu quốc hội Nga: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn khó khăn về thay đổi cơ cấu. Khoảng thời gian mà nền kinh tế có thể sống bằng kho dự trữ là hữu hạn."   Trong những điều kiện này, vị trí của Putin rất bấp bênh, Pugachev nói. Người dân cho đến nay vẫn bị bộ máy tuyên truyền của nhà nước Nga ru ngủ, bằng việc che đậy mức độ tử vong trong quân đội Nga, cũng như vì các lệnh trừng phạt không gây ra hậu quả ngay lập tức. Ông nói: “Nhưng trong vòng ba tháng nữa, các cửa hàng và nhà máy sẽ hết hàng hóa, và quy mô số người chết trong quân đội Nga sẽ trở nên rõ ràng hơn."   Mặc dù đã bị giáng một đòn chí mạng vào lợi ích của họ, nhưng hiện tại, giới kinh doanh Nga dường như vẫn đang tê liệt vì sợ hãi. Một trong những giám đốc điều hành doanh nghiệp cho biết: “Tôi không biết ai có đủ dũng khí để chống lại." “Nhưng nếu cuộc chiến kéo dài, và họ bắt đầu mất tiền, thì cơ hội phản kháng sẽ lớn hơn,” ông nói. “Sẽ có một trận chiến nghiêm túc tại Donbas và, nếu Nga không thắng, thì sẽ có một trận chiến lớn bên trong nước Nga” giữa giới tinh hoa.   Fb Chu Vĩnh Hải  
......

Quân đội Nga, sự mục rã từ bên trong

Một quân nhân Ukraina bên cạnh một xe tăng được lính Nga bỏ lại ở làng Vablya, ngoại ô Kiev ngày 05/04/2022. REUTERS - GLEB GARANICH   -Đỗ Ngà-   Trong chiến tranh hiện đại, hễ ai phát hiện kẻ địch trước thì người đó thắng. Trong chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất năm 1992, Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã đánh tan quân Saddam Hussen trong thời gian ngắn là bởi vì vũ khí Mỹ luôn phát hiện kẻ địch trước. Khi đó xe tăng M1 Abrams của Mỹ có thiết bị quan sát hiện đại hơn, tầm bắn xa hơn và chính xác hơn. Chính vì thế xe tăng Mỹ luôn phát hiện xe tăng T72 của phía Iraq trước và biến những cỗ tăng do Nga sản xuất thành những đống lửa cháy rực trời. Trong chiến tranh mà để bị lộ trước thì ắt sẽ thua mà thôi.   Hiện nay nước Mỹ đi đầu về công nghệ tàng hình cho chiến đấu cơ, chiến hạm vv... cũng là dựa trên quan điểm, không để kẻ thù phát hiện ra ta hoặc kẻ thù phát hiện ra ta chậm hơn ta phát hiện ra chúng. Chính người Pháp khi sản xuất chiến đấu cơ lừng danh Rafale cũng thừa nhận tuy chiến đấu cơ của họ có nhiều điểm ưu việt hơn F-35 của Mỹ nhưng họ lại đi sau Mỹ về công nghệ tàng hình. Và hiện nay, Pháp đang đi khắp thế giới rao bán chiến đấu cơ Rafale nổi tiếng của mình nhưng với F-35 thì hàng loạt khách xếp hàng chờ mua. Thực tế đã chứng minh, máy bay ném bom tàng hình B2 Spirit của Mỹ chưa hề bị đối phương bắn hạ dù nó đã ra đời từ rất lâu và được tham chiến nhiều điểm nóng trên thế giới từ nhiều thập kỷ qua.   Tác chiến điện tử trong quân sự là dùng công nghệ tiên tiến và trình độ có chuyên môn cao của lực lượng vũ trang để làm chủ thế trận, khống chế làn sóng điện từ đối phương, gây nhiễu loạn hệ thống chỉ huy đối phương, phá hủy thông tin liên lạc của địch, đánh lừa hoặc che mất tầm quan sát của địch. Nói chung, mục đích của tác chiến điện tử là biến đối phương thành kẻ mù trước quân ta và từ đó giành chiến thắng. Tác chiến điện tử nó phụ thuộc vào 2 yếu tố: công nghệ và khả năng làm chủ công nghệ. Lý thuyết là vậy, tuy nhiên xem ra khoa học quân sự của Nga đã đuối sức trong cuộc chạy đua này. Nga không thể huấn luyện cho binh lính Nga những gì mà nước Nga không có, vậy nên, khi khoa học quân sự đã lạc hậu thì trình độ tác chiến của quân đội Nga trong lĩnh vực tác chiến điện tử cũng thấp hơn quân độ Mỹ một bậc. Theo Rfi thì chính vì quân đội Nga tại Ucraina không có điện thoại mã hóa nên liên lạc bằng bộ đàm thông dụng, thậm chí bằng mạng di động của Ukraina nên đã dẫn đến cái chết của 10 tướng lãnh. Thời đại tác chiến điện tử quyết định thế trận mà quân Nga để xảy ra trường hợp như thế thì quá tệ rồi. Chống sao nổi trước vũ khí Mỹ và Phương Tây đây?   Khi công nghệ kém thì thì không những khí tài quân sự bị tiêu hao nhiều mà nhân mạng cũng chất thành núi. Chỉ qua 2 tháng chiến tranh mà đã có khoảng 15.000 người lính Nga ngã xuống (theo số liệu của Anh), ít nhất 1.600 xe bọc thép bị phá hủy, cùng với vài chục máy bay, soái hạm Moskva và tàu tuần tra cao tốc Raptor nổ tung vì bị quân Ucraina bắn trúng.   Chạy đua về công nghệ là chạy đua về chất xám và tài chính. Cả hai mặt này, Nga không thể cạnh tranh nổi với Mỹ. Với sự điều hành kém cỏi của độc tài Putin, nước Nga trở thành quốc gia tham nhũng cao như các quốc gia độc tài khác. Chính vì thế nguồn tiền rót vào nghiên cứu và đầu tư chế tạo bị bóp lại mặc dù Nga đầu tư cho quốc phòng rất lớn. Đến lốp bánh xe mà còn dùng hàng Tàu và thông tin liên lạc ngoài chiến trường còn dùng máy bộ đàm phổ thông do Trung Quốc sản xuất thì làm sao quân Nga có thể đối đầu vũ khí Mỹ trên chiến trường?   Giai đoạn đầu của chiến tranh Ucraina, phía Ucraina đã dùng vũ khí Nga chống lại vũ khí Nga, ấy vậy mà Putin còn không thắng nổi. Với gói viện trợ 33 tỷ đô la của Mỹ thì có thể nói quân đội Ucraina sẽ thay máu kho vũ khí cũ kỹ của họ. Lúc đó, quân Nga sẽ đối đầu với vũ khí Mỹ trên chiến trường thì cục diện sẽ khác chứ không như hiện nay. Từ hơn 2 tháng qua, quân đội Ucraina được các nước phương tây hỗ trợ vũ khí với số lượng khiêm tốn nhưng phía Ucraina đã từ thế phòng thủ chuyển dần sang tấn công. Quân Ucraina đã đánh cháy nhiều cơ sở hậu cần của quân Nga trên lãnh thổ Nga. Đây là lời cảnh báo cho Putin. Không khéo, Nga lại mất luôn Crimea.   Cuộc chiến Ucraina là bài test hiệu quả cho vũ khí Nga. Vũ khí Nga đang thua trước vũ khí Mỹ và thực tế cho thấy, sức mạnh quân sự Nga không như thế giới đang suy nghĩ về họ. Ucraina chưa đuổi quân Nga ra khỏi lãnh thổ mà Phần Lan và Thụy Điển có đáp số cho riêng họ. Sau bao nhiêu năm không dám gia nhập NATO vì sợ Nga, nay họ đã mạnh dạn nộp đơn xin gia nhập tổ chức quân sự này. Khả năng đe dọa của Nga bị giảm đi rất nhiều. Như vậy là Nga đã thất bại rồi, sự thất bại này có công rất lớn của Putin.   Biết rằng vũ khí Nga bán rẻ và thủ tục đơn giản, Nga không đòi hỏi điều kiện khắt khe với bên mua như Mỹ. Tuy nhiên, thời buổi chiến tranh công nghệ mà ham rẻ ham nhiều thì chẳng được gì cả. Việc này sẽ gây nên thiệt hại rất lớn về người và khí tài nhưng lại mất lợi thế trên chiến trường. Việt Nam đã được Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương từ năm 2015, tuy nhiên cho đến nay ĐCS vẫn bám vũ khí Nga. Họ bám vũ khí Nga bởi vì mua loại vũ khí này họ được lại quả đậm. Đây là bước đi rất sai lầm của ĐCS Việt Nam. Sở hữu vũ khí đồng nát, và tham nhũng tràn lan trong quân đội đã làm quân đội Nga suy yếu rõ rệt. Quân đội Nga thế thì quân đội Việt Nam thì cũng chẳng khác gì, chả lẽ Trung Quốc không nhìn ra? Đấy là mối nguy./.   -Đỗ Ngà- Tham khảo: https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20220430-ukraina-cuộc-xâm-lược-bất-thành-bộc-lộ-sự-thối-nát-của-quân-đội-nga  
......

Danh dự, chỉ có một loại danh dự

Ảnh: Trung tá Đặng Đình Đoàn (áo trắng), phó trưởng công an phường Sông Bằng, tát vào đầu chị T.M.K. Ảnh chụp từ video clip Tuấn Khanh Phó Trưởng Công an phường Sông Bằng, trung tá Đặng Đình Đoàn, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng trong báo cáo gửi Công an tỉnh, giải thích hành động tát hai lần cô gái và vỗ đầu nam thanh niên trong video được công khai trên mạng là “do bị xúc phạm nên bức xúc”. Trong video, người ta thấy ông Phó Công an phường Cao Bằng tát thẳng tay. Cái tát có thể thấy lực được dồn hết sức. Theo lẽ thường “mắt đền mắt, răng đền răng”, thì mức xúc phạm danh dự của vị công an này rất lớn – chắc chắn là lớn – nên ông đã dùng lực tương ứng để đánh trả. Có nghĩa là mọi thứ được vay trả theo luật giang hồ – luật giang hồ có màu áo công quyền. Thế nhưng, ông Đoàn không tìm hiểu vì sao bạn của ông, tay bác sĩ phụ khoa vô danh nào đó, đột nhiên nửa đêm gọi cho người phụ nữ trong video, yêu cầu đến ngay để “khám phụ khoa”. Từ đó dẫn đến cãi vả. Cũng có thể ông bác sĩ phụ khoa vì quen biết công an địa phương – cụ thể là với ông trung tá Đặng Đình Đoàn – nên mắc chứng ảo giác thân phận, cho mình cũng là quan ký sinh, nên nửa đêm lại nằng nặc đòi “khám” dân. Trong video, công an rất chuẩn mực hành sự. Ập đến là họ quay video làm chứng ngay – dù mọi lý do xông vào hoàn hoàn bất hợp pháp. Và khi cô gái chất vấn ông Đoàn bắt người vì lệnh gì, giấy tờ đâu, ông Đoàn gầm lên “”chửi, chửi, con này láo chửi, vả chết mẹ nó”. Tay mặc áo xanh công an bên cạnh, điếu đóm cầm điện thoại đưa cho ông Đoàn, nói lớn “có bằng chứng là nó chửi anh, bắt ngay và luôn”. Bức tranh tồi tệ và nực cười như trong “Ngao Sò Ốc Hến”, loại quyền lực của bọn quan lại thối nát ghê tởm mà chính quyền hôm nay luôn nguyền rủa. Bức tranh của thế kỷ 21 nực cười đến ứa nước mắt. Quả là bị xúc phạm danh dự thì phải hành động ngay. Trong 6 điều mà ông Hồ Chí Minh để lại cho ngành công an, có điều 2 và điều 5 luôn được nề nếp tuân thủ: Đối với đồng sự phải: Thân ái Giúp Đỡ (Điều 2) và Đối với công việc phải: Tận Tụy (Điều 5). Giúp nhau vì thân ái và tận tụy tạo chứng cứ, thì thật không thể trách được. Trên các trang mạng, người dân không quên. Họ nhắc lại vụ án được xử ngày 23 Tháng 8, 2011, khi cô gái đang học lớp 12 Phạm Thị Mỹ Linh tát một viên công an giao thông, do tức giận, cho rằng mẹ cô đã bị bắt dừng xe vô cớ để kiểm tra, đã bị tuyên 9 tháng tù. Cú tát được mô tả là không đủ lực với một viên công an, nhưng cô bị xử vì tội chống người thi hành công vụ vì thái độ. Tại phiên tòa xử lưu động công khai ở Tân Thới Hiệp (P.Tân Thới Hiệp, Q.12) viên thẩm phán tuyên bố thái độ, hành động như vậy là xúc phạm danh dự chiến sĩ công an nhân dân. Nữ sinh cùng mẹ ngất xỉu khi nghe 9 tháng tù được tuyên   Điều nhận ra là trong video, ông công an Đoàn dẫn theo một nhóm người ập vào, không có quy cách, quy trình gì về xét xử, cũng như không có giấy tờ chứng minh, hành động như một loại giang hồ bảo kê khu vực, nhưng sau đó, đổ tât cả cho “danh dự”. Chưa thấy ông Đoàn nói rõ, đó là danh dự của một con người có học hay của một chiến sĩ công an. Danh dự nào? Danh dự của ai? Chúng ta rõ là đang sống trong một thời đại bị đánh tráo hình ảnh, suy nghĩ, khái niệm. Thậm chí có những kẻ cứ cố vơ vào mình loại “danh dự” ảo tưởng bên cạnh thứ quyền lực đã tha hóa, coi nhân dân là một thứ hạng để cai trị. Một thứ hạng chắc sẽ không có quyền được viện dẫn về danh dự như ông Đoàn – một công an. Danh dự của một người dân Việt Nam, như các nhân vật trong video, vẫn bị sống trong tình trạng bất an, bởi không biết khi nào sẽ bị cướp đoạt, kể cả sự thật. Mọi thứ có thể bị mất đi ở đường phố lẫn ở trong nhà. Cũng may sự nhẫn nhịn của những người bị cướp danh dự đủ lớn, để không có ai phản ứng đánh lại bọn sai nha điên cuồng và thâm hiểm đó. Nếu không, giờ họ đang mang án “chống người thi hành công vụ”, chứ không phải là nghe ông công an hát bài ca đau thương về danh dự. Hãy nghĩ thử xem. Để sống còn, thì tương tự như những nạn nhân trong video, có phải những người dân thấp cổ bé miệng khác vẫn phải tự thủ tiêu danh dự và quyền được chống trả bất công bằng sự thật của mình để được an toàn? Quả là danh dự, chỉ có một loại danh dự.  
......

Pages