Trương Minh|
Chỉ những người trí thức mới biết mình bị LỪA, và họ bắt đầu sống trong ân hận hối tiếc cho đến cuối đời.
Tôi đã có dịp ngồi nói chuyện với một anh Giáo sư dạy Toán người Hà Nội. Sau khi anh vào Nam để tiếp quản trường học. Gặp nhóm sinh viên chúng tôi anh cười buồn
" Tôi thật ngỡ ngàng không biết phải dạy các em điều gì nữa? " ...
Sau này anh không dạy học mà cùng vợ bán tại một cửa hàng vải nhỏ.
Gặp tôi anh chỉ nói
"Một lầm lẫn tai hại cả một thế hệ " ...
Mấy mươi năm rồi họ vẫn không chiếm được trái tim của người miền Nam và họ ngược lại mất đi khá nhiều trái tim của người miền Bắc.
.......................
Xe vừa vào địa giới miền Nam,
chúng tôi đã bấm tay nhau nhìn khung cảnh mới.
Nhà cửa người dân cùng các công trình đô thị như cầu, đường gần các trục lộ giao thông trông đẹp và văn minh hơn hẳn miền Bắc.
Đi rồi nghỉ ngơi rồi đi tiếp cho đến khi đoàn xe đến được khu công nghiệp Biên Hoà.
Có quá nhiều nhà máy tại đây.
Đoàn 18 người chúng tôi nhìn ngang nhìn dọc từng dãy nhà máy trong khu vực này và tuy không ai nói với ai nhưng đều trầm trồ trước công nghiệp miền Nam.
Rồi chúng tôi được phân công vào công tác trong một nhà máy có cái tên VICACO.
Một nhà máy sản xuất chất Sút (NaOH) từ muối biển và cả Acid Chlohidric (HCL) nữa.
Một nhà máy bề ngoài trông rất nhỏ mà không ngờ bên trong lại lắp đặt các máy móc tối tân, sản xuất được các hóa chất với sản lượng,
hàm lượng rất cao gấp nhiều lần so với công nghệ tại miền Bắc.
Chúng tôi ngạc nhiên và ngầm thán phục trong bụng.
Nhìn những công nhân miền Nam đang làm việc tại đây rồi sau đó làm việc chung với họ, tôi mới thấy người dân miền Nam khác xa người dân miền Bắc.
Kiến thức chuyên môn và xã hội của họ hơn hẳn chúng tôi.
Kỹ sư hơn hẳn kỹ sư ở miền Bắc và công nhân cũng vậy.
Một sự rụt rè, cẩn thận tự nhiên nẩy sinh trong đoàn tiếp quản chúng tôi. Ai cũng sợ người trong nhà máy tại miền Nam này biết trình độ thực sự của cả đám chúng tôi.
Sợ họ cười, nỗi lo chính trong lòng vì dầu gì mình cũng thuộc phía chiến thắng.
Về nằm nghỉ trong căn phòng mà được biết trước đây là các phòng dành cho công nhân ngủ qua đêm nếu phải ở lại tăng ca, tôi suy nghĩ xã hội miền Nam không hề lạc hậu về công nghệ về con người… như lời nói trước giờ vẫn được nghe.
Ngay cả trong buổi họp khi chọn người xung phong vào tiếp quản,
cán bộ ngành từ trung ương cũng đã nói như vậy khi động viên cán bộ công nhân viên.
Những dãy nhà nghỉ đầy đủ tiện nghi từ các trang bị như bàn ghế,
giường ngủ, quạt trần, phòng vệ sinh, đèn chiếu…
Ở đây, trong khu vực khép kín của khu công nghệ còn được như vậy thì trong thành phố Sài gòn chắc chắn phải rất đẹp.
Tôi cũng chưa nghĩ sẽ ra sao khi tìm gặp được hai cô em gái tôi.
Rồi một ngày tôi theo đoàn vào làm các thủ tục công tác trong một toà nhà Tổng Cục Hoá Chất vừa tiếp quản nay trở thành trụ sở của Công Ty Hóa Chất Cơ Bản miền Nam nằm gần chợ Bến Thành.
Lần đầu tiên trong đời tôi biết đến thang máy khi lên một phòng tuốt trên tầng thượng.
Sau khi làm xong các giấy tờ và thụ tục, chúng tôi được thoải mái đi thăm phố xá.
Ngay từ lúc còn ngồi trên xe buýt nhìn cảnh vật dọc theo đường và khu phố dẫn vào Sài gòn tôi đã thấy vượt trội nhiều lần so với thủ đô Hà Nội. Một vẻ bề ngoài sáng sủa, văn minh lộ ra từ cách phục sức, sinh hoạt của người dân miền Nam.
Giờ đây đi bộ trên các con đường trong khu trung tâm thành phố mới thấy bản thân tôi, một người dân miền Bắc quá sức lạc hậu,
nghèo nàn… từ bộ cánh (quần áo) trên người.
Tôi rõ ràng xa lạ với các tiện nghi đang được người dân trong thành phố này sử dụng.
Bên vệ đường và trong các cửa hiệu sang trọng đầy ắp hàng hoá thật đẹp và mới lạ lần đầu chúng tôi được thấy.
Có tiền cứ việc vào mua thoải mái khác hẳn với cảnh chen chúc để chờ được tới lượt mua số hàng ít ỏi như cảnh thường thấy ở các khu phố ngoài miền Bắc.
Phố xá thì thôi, những tòa nhà to đẹp thấp thoáng sau dòng xe gắn máy chạy hối hả trên đường.
Khung cảnh y như ở nước ngoài,
một người trong đoàn chúng tôi nói nhỏ cho nhau cùng nghe.
Tôi bối rối ngắm nhìn các cô gái miền Nam nói chính xác là cô gái Sài gòn đang dạo bước trên đường.
Họ đẹp quá sức, như tiên… từ dáng điệu, mái tóc, y phục mặc trên người và nhất là khuôn mặt của họ lộ rõ vẻ sung túc đài các so với những nữ cán bộ trẻ trong đoàn chúng tôi.
Tôi mỉm cười, nghĩ thầm hai cô em gái tôi trong này cũng vậy.
Tôi âm thầm tách ra khỏi đoàn để tự mình đi theo ý muốn.
Tôi đi rảo qua nhiều con phố Sài Gòn rồi thấy mỏi chân, tôi lấy can đảm bước vào một hàng nước thật đẹp gần một giao lộ lớn, có tên là Cafe Minirex.
Chọn một bàn sát khung cửa kính trong suốt có thể nhìn rõ người đi bên ngoài, tôi quan sát chung quanh. Bàn ghế, các bình hoa, quầy thu ngân, khách cùng vách tường trang trí cảnh một rừng cây thật đẹp…
thật không khác một tiệm ở nước ngoài trong phim ảnh.
Chợt một người hầu bàn bước đến, gật đầu chào tôi rồi hỏi :
- Thưa ông, ông dùng chi ?
Trời ơi ! Người hầu bàn này quá lịch sự khi tiếp xúc với khách hàng thật khác hẳn với cung cách của Mậu dịch viên trong các tiệm ăn ngoài miền Bắc.
Tôi lại nghĩ, hay ông ta biết tôi là cán bộ chế độ mới qua quần áo mặc trên người nên xưng hô như vậy?
Tôi gọi nước uống và ngầm để ý xem sao.
Nhưng không, bất cứ có khách nào vào quán, người hầu bàn này cũng một cách tiếp đón như vậy.
Rất tự nhiên, lịch sự mà không khúm núm hoặc hách dịch.
Một thay đổi đã đến trong lòng tôi mà tôi biết điều này cũng sẽ đến với bất kỳ người nào từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi đặt chân vào miền Nam ở thời kỳ đó.
Sài Gòn hay nói rộng ra cả miền Nam không phải là một xã hội lạc hậu, nghèo nàn, đói khổ, đầy rẫy cảnh người bóc lột người như bao lâu nay người dân miền Bắc được (hay bị) báo chí, đài phát thanh Hà Nội… mô tả về con người và xã hội của chế độ Ngụy quyền tay sai đế quốc Mỹ.
Đây là mô hình của một xã hội văn minh và người nào được sống trong xã hội này quả thật may mắn hơn sống ở xã hội xã hội chủ nghĩa tại miền Bắc.
Tiếc thay ! Một xã hội như vậy lại vừa bị cướp mất đi.
Trương Minh
Nguồn: Facebook của Thầy Sam Nguyen)
09.05.2022