Ảnh Trương Quốc Cường trước tòa
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị đề nghị mức án 7-8 năm. Lại nhớ hồi công bố thanh tra vụ này ở Bộ Y, anh chưởi bọn báo chí kiểu là nhiều chuyện và “rồi chờ mà xem, anh chả sai gì!”
Chiều qua, 17/5, nói lời sau cùng tại phiên toà xử, anh Trương Quốc Cường bày tỏ: “Anh em Cục Quản lý Dược trong đó có các bị cáo ở đây, phải làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị nghèo nàn. Kính đề nghị quý tòa xem xét để có thể giảm nhẹ nhất cho anh em. Trong điều kiện như vậy, họ đã là những con người rất tuyệt vời, làm việc rất mẫn cán, rất trách nhiệm, bị cáo là người hiểu họ rất kỹ, mong quý tòa xem xét để họ có mức án thấp nhất.
Đặc biệt là sau khi vụ án bị khởi tố, ngành Dược chững lại, các chuyên gia từ chối thẩm định, từ chối ký hợp đồng với Cục Quản lý Dược dẫn đến không có thuốc điều trị. Khi thiếu, thậm chí khi gia hạn số đăng ký, ngành Y tế, lãnh đạo Bộ Y tế không dám gia hạn… đấy là một nỗi buồn. Tất cả đều sợ, từ nhân viên y tế đến lãnh đạo Bộ.
Với lý do đó, mong quý tòa xem xét điều kiện khách quan, chủ quan, mức độ, cho anh em được hưởng mức án phù hợp, tạo điều kiện cho ngành Dược sớm hồi phục, mặc dù phải hàng chục năm sau mới có thể hồi phục lại.
Đối với bị cáo, cả đời phấn đấu, rất ý thức về ngành Dược, là ngành cấp phép rất nhạy cảm, rất tự rèn mình, rất ý thức mình nhưng rất không may có chuyện này xảy ra, dẫn đến hôm nay đứng ở vòng lao lý, đấy là nỗi mất mát lớn nhất, to lớn nhất không có gì so được. Vì vậy đề nghị, xin quý tòa xem xét mọi khía cạnh, điều kiện sao cho bị cáo có mức án không mang thêm đau khổ cho bị cáo, gia đình bị cáo”.
Quả là anh Cường tôi vẫn giữ vững bản lĩnh, tính cách như bao năm qua. Tôi thành thật khen anh Cường khi anh đề nghị mức án thấp cho cấp dưới – những người có phần vì anh mà vướng vòng lao lý. Nhưng tôi thật ngạc nhiên khi qua báo chí tường thuật, không hề thấy hai từ XIN LỖI trong lời nói cuối cùng của anh. Mà theo tôi, lẽ ra anh cần phải xin lỗi nhân dân, xin lỗi đồng nghiệp đã vì anh mà vướng vòng lao lý, đặc biệt là xin lỗi những người bệnh ung thư đã dùng phải thuốc giả mà anh ký duyệt cho nhập, những 838.100 hộp thuốc giả – một con số không hề nhỏ.
Ngành y tế và Bảo hiểm Xã hội VN cũng nên có một khảo sát ở những BV đã dùng số thuốc giả, để biết có bao nhiêu bệnh nhân phải dùng thuốc này, số người bệnh đã dùng thuốc giả còn hay đã mất… Từ đó mới đánh giá được hậu quả của việc buôn bán thuốc giả.
Một vi phạm liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hàng ngàn, thậm chí, hàng chục ngàn người bệnh, nhưng anh Cường tôi nói là KHÔNG MAY. Ôi, thế thì những bệnh nhân ung thư chết vì điều trị bằng số thuốc giả do anh cho nhập, rồi biết giả mà không thu hồi, cũng chỉ là KHÔNG MAY thôi ư anh? Gia đình những bệnh nhân này, khi biết người nhà chết vì liên quan đến thuốc giả, có đồng ý với anh không?
Liệu có nên nói là KHÔNG MAY khi anh Cường tôi đã nhận hàng loạt email cảnh báo dấu hiệu thuốc giả nhưng anh tôi đã không cho thu hồi. Trong khi theo quy định, chỉ cần có nghi thuốc là giả, thì nếu không vì quyền lợi nào đó, là anh Cường cần phải đình chỉ lưu hành.
Tôi thấy câu đối đáp của Kiểm soát viên là quá chuẩn: “Các loại thuốc giả đã lưu hành ở Việt Nam, bán hết sạch mà bảo là không vi phạm?”
Từ lâu, tôi đã nghe hóng, thường các doanh nghiêp xin một visa thuốc phải mất nhiều năm và cả nhiều xèng, nhưng số thuốc giả của VN Pharma đã được cấp rất nhanh, chứng tỏ điều gì thì chắc ai cũng hiểu.
Còn nữa, anh Cường tôi nói “sai sót xảy ra do làm việc quá tải, cơ sở vật chất thiếu thốn”. Rất nhiều người có chuyên môn luôn đang sẵn sàng thay thế các nhân viên Cục Dược để gánh hộ nỗi vất vả ấy, liệu có được không anh?
Buồn là đến lúc này, anh Cường tôi vẫn quên rằng, đã có nhiều người dùng thuốc của anh mà chết oan uổng, để xin lỗi những linh hồn đến lúc cuối đời bệnh tật vẫn bị lừa đảo ấy!
Con số 838.100 hộp thuốc ung thư giả thực sự là một con số ám ảnh, anh Cường ạ!