Một nhà máy điện hạt nhân ở Wattenbacherau, Đức, năm ngoái. Hai lò phản ứng cuối cùng của đất nước sẽ ngừng hoạt động vào tháng tới. Ảnh: Laetitia Vancon/NYT
Cù Tuấn, dịch
Tóm tắt: Các nguồn năng lượng mới để thay thế dầu mỏ và khí đốt tự nhiên dễ dàng có thể tìm thấy hơn là loại bỏ sự phụ thuộc vào Rosatom, siêu công ty hạt nhân thuộc sở hữu nhà nước Nga.
Các trụ của các nhà máy điện hạt nhân do Nga xây dựng rải rác khắp châu Âu là những lời nhắc nhở hữu hình về vai trò quan trọng mà Nga vẫn giữ trong việc cung cấp năng lượng cho lục địa này.
Châu Âu đã hành động với tốc độ đáng kinh ngạc để hết lệ thuộc dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga sau cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng để phá vỡ sự phụ thuộc lâu dài vào ngành công nghiệp hạt nhân to lớn của Nga là một công việc phức tạp hơn nhiều.
Nga, thông qua công ty điện hạt nhân khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, Rosatom, thống trị chuỗi cung ứng công nghệ hạt nhân toàn cầu. Nga là nhà cung cấp urani lớn thứ ba của Châu Âu vào năm 2021, chiếm 20% thị trường. Với rất ít lựa chọn thay thế sẵn có, các chính phủ châu Âu khó ủng hộ đối với các biện pháp trừng phạt chống lại Rosatom — bất chấp sự thúc giục từ chính phủ Ukraine ở Kyiv.
Đối với các quốc gia có lò phản ứng do Nga sản xuất, sự phụ thuộc ngày càng sâu sắc. Tại 5 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, mọi lò phản ứng – tổng cộng 18 lò phản ứng – đều do Nga xây dựng. Ngoài ra, hai dự án nữa dự kiến sẽ sớm bắt đầu hoạt động ở Slovakia và hai dự án đang được xây dựng ở Hungary. Chúng củng cố mối quan hệ đối tác của các quốc gia này với Rosatom trong tương lai.
Nhà máy điện hạt nhân Leningrad gần St. Petersburg, Nga. Rosatom, một công ty của Nga, thống trị chuỗi cung ứng hạt nhân toàn cầu. Ảnh: Sezgin Pancar/Anadolu Agency
Trong nhiều năm, những người điều hành các nhà máy điện hạt nhân này có rất ít sự lựa chọn. Rosatom, thông qua công ty con TVEL, gần như là nhà sản xuất duy nhất của các tổ hợp nhiên liệu chế tạo – bước cuối cùng trong quá trình biến urani thành các thanh nhiên liệu hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng.
Mặc dù vậy, kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022, một số nước châu Âu đã bắt đầu tách rời khỏi siêu thị năng lượng hạt nhân của Nga.
Công ty năng lượng của Cộng hòa Séc, CEZ, đã ký hợp đồng với Công ty Điện lực Westinghouse có trụ sở tại Pennsylvania và công ty Framatome của Pháp để cung cấp các tổ hợp nhiên liệu cho nhà máy của họ ở Temelin.
Phần Lan đã hủy bỏ một dự án rắc rối với Rosatom để xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, và đã thuê Westinghouse thiết kế, cấp phép và cung cấp một loại nhiên liệu mới cho nhà máy của họ ở Loviisa sau khi các hợp đồng hiện tại hết hạn.
Simon-Erik Ollus, phó chủ tịch điều hành của Fortum, một công ty năng lượng Phần Lan, cho biết: “Mục đích là để đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.
Bulgaria đã ký một thỏa thuận 10 năm mới với Westinghouse để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hiện có của nước này. Và tuần trước, quốc gia này đã xúc tiến kế hoạch cho công ty Mỹ xây dựng các đơn vị lò phản ứng hạt nhân mới. Ba Lan sắp xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với ba lò phản ứng Westinghouse.