Ngày 31.3, tôi đăng bài viết ngắn nói về nỗi khổ và những bất công mà công nhân đang phải trải qua trong các nhà máy xí nghiệp, đặc biệt là việc bị xúc phạm và rẻ rúng về nhân phẩm. Hiện tại, bài viết đã có 523 bình luận, đa phần thể hiện sự đồng cảm với công nhân và cả những bức xúc trước hiện trạng ấy. Đáng chú ý, có một tỉ lệ lớn các bình luận là nhắc đến và phê phán tổ chức công đoàn trong các cơ sở sản xuất. Dưới đây, tôi chỉ điểm qua một bình luận của cử nhân luật T.M.T và các phản hồi của đông đảo độc giả đối với bình luận ấy (dù đều là bình luận công khai, nhưng xin phép viết tắt tên tác giả để tránh những bất tiện).
Trong comment gốc, anh T.M.T chỉ viết một câu ngắn gọn: “Vai trò của Công đoàn được Hiến định ở Điều 10 Hiến pháp 2013”; và ngay sau đó, đã có tới 23 phản hồi của nhiều bạn đọc, “đáp lại” comment này. Tôi tạm thời chia những phản hồi đó thành 3 nhóm:
Nhóm 1, thất vọng hoàn toàn về công đoàn. Bạn đọc gọi công đoàn bằng nhiều hình ảnh ví von khác nhau, như: “cái bướu”, “cái bướu bị ung thư”, “u ác tính”, “ổ ung thư ác tính”, “cái vú đàn ông”, “con bù nhìn”, “cái vú thừa của đàn ông”, “cánh tay nối dài của ban giám đốc”…
Nhóm thứ 2, thừa nhận những hạn chế của công đoàn nhưng không hoàn toàn tuyệt vong. Nhóm này chỉ có 2 người, là anh T.M.T và chị Huong Pham – người tự giới thiệu là đã “tham gia vào dự án nghiên cứu tư vấn góp ý xây dựng cho nghị định Nghị định 35/2022 của Thủ tướng về Quản lý các khu công nghiệp”.
Trước thái độ mất niềm tin của đa số, anh T.M.T nêu quan điểm, rằng [dù còn hạn chế nhưng vẫn phải] “biết luật để “đấu tranh” hợp pháp”, “phải vận dụng luật nội dung và luật thủ tục hiện có để bảo vệ quyền lợi của các bên”. Còn chị Huong Pham sau khi thể hiện sự đồng tình với comment của T.M.T thì cho rằng, “từ mong muốn đến thực tế là cả một quãng đường dài. Cần phải có những văn bản pháp lý quy định cụ thể chi tiết. Cần có rất nhiều bên tham gia đồng hành”. Và “Để cải thiện tình hình thì những bên trực tiếp liên quan đến sẽ đóng vai trò chủ chốt. Đó là doanh nghiệp, công đoàn, giới truyền thông, và chính người công nhân. Nhưng trong hoàn cảnh kinh tế suy thoái thì việc cải thiện sẽ khó khăn hơn nhiều”.
Nhóm thứ 3, chia sẻ những trải nghiệm của bản thân liên quan đến công đoàn nơi họ đang hoặc từng làm việc. Tất nhiên, nhóm này có liên quan với nhóm 1, nhưng ở đây không nhắc lại nữa mà chỉ nêu những “nếm trải” cụ thể.
Bạn Biển Xanh đề nghị [với T.M.T] “Bác đi làm cty đi xem công đoàn là cái gì”! Bạn Lặt Chai thì cho biết, “Ở công ty Đài Loan ,TQ chính Công đoàn là bọn ăn nhiều nhất. Tụi TQ nó khoán cho người Việt: mày làm gì kệ mày miễn ổn định sản xuất là được. Ở dưới công nhân ăn cả món gọi là “thịt tái chế”…, nhiều không kể xiết”. Bạn Nguyễn Trúc nói “công đoàn được hiểu là bảo vệ người lao động nhưng hoàn toàn ngược lại anh ạ, thu kính thưa các loại phí tự nguyện nhưng em không biết phí đó đi đâu, không bảo vệ người lao động, ngược lại còn trù dập”.
Bạn Louis Forest bình luận về quan điểm của T.M.T là “Nói cứ như sách và chẳng có chút thực tế nào”, là mơ mộng, lãng mạn”, và cho biết thêm: “Công đoàn ở Cty, xí nghiệp chịu sự quản lý của công đoàn cấp trên, mà công đoàn cấp trên thì a dua với chủ, biến công đoàn cơ sở thành tay sai của chủ. Công nhân hó hé bất mãn hay phản đối là biết tay với chúng”. Bạn LE Quang Hanh cũng có cùng một nhận định, rằng “Trong một công ty dù là của nhà nước hay của tư nhân thì chủ tịch công đoàn luôn là những người cán bộ cấp cao của cty đó anh ạ”. Bạn Binh Thuong Thoi thì kêu lên với anh T.M.T: “Bác ơi! Các anh chị công đoàn trong cty đó (nếu có) họ lãnh lương của ai và hàng ngày làm việc theo lệnh sếp nào? Bác biết không?”. Bạn Đặng Hùng cũng nêu ý tương tự: “Công đoàn nhưng lại lĩnh lương của giới chủ, thì bạn biết nó bảo vệ cho ai”.
Đặc biệt, trong nhóm 2 này có anh Truong Truong, một người từng làm việc tại Nhà xuất bản Giáo dục mà tôi có quen biết, nói với anh T.M.T rằng: “Ôi, công đoàn!? Chính bản thân mình bị công đoàn nơi mình công tác vu tội, rồi bị giám đốc công ty sa thải đây”.
Nhóm 3 là những người đề xuất giải pháp. Bên cạnh cử nhân luật T.M.T và chị Huong Pham nêu quan điểm xây dựng và vận dụng luật để “đấu tranh” như đã nói ở phần trên, thì đáng chú ý là ngay cả bản thân họ cũng thừa nhận rằng phải có công đoàn độc lập. “Nạn nhân” Truong Truong khẳng định “để có một xã hội tốt hơn cần có công đoàn độc lập”. Anh T.M.T cũng đồng ý rằng “đẩy nhanh tiến trình có công đoàn độc lập sẽ là một bước tiến”.
Trên đây là tôi chỉ thuật lại 1 bình luận gốc và các phản hồi đối với bình luận ấy. Trong 523 bình luận dưới bài viết, ngoài những người đã hoàn toàn mất niềm tin vào tổ chức công đoàn (chiếm đa số, áp đảo), thì đa số cũng đều xoay quanh việc thể hiện các quan điểm nhấn mạnh sự tất yếu phải có công đoàn độc lập. Cũng cần lưu ý một thực tế đáng buồn là những người có sự thể hiện quan điểm về công đoàn, dù theo hướng nào thì ít nhất cũng cho thấy rằng họ quan tâm và biết được nhiệm vụ của tổ chức này (dù chỉ mới là trên giấy tờ); nhưng đa số người lao động hiện nay gần như không có ý niệm gì về nó, và không quan tâm. Họ chỉ biết đi làm và vô tư đóng phí công đoàn, dù không biết và không thấy gì về vai trò của công đoàn!
Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao trước một thực tế nhãn tiền mà từ người lao động, dân thường đến những người đang làm việc liên quan đến pháp luật đều nhìn thấy, đó là sự mất vai trò và biến tướng của tổ chức công đoàn, nhưng các cơ quan lập pháp và quản lý nhà nước lại dường không hay biết đến để mà tiến hành thay đổi?
Công đoàn có một vai trò quyết định trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, ấy thế mà nó lại chưa bao giờ độc lập để thật sự thực hiện được sứ mạng của mình. Tình trạng này là một bất công hiển nhiên đối với người lao động, Gia cấp công nhân như đã được thừa nhận và “ghi công”, là “giai cấp tiên phong” và “lực lượng nòng cốt của cách mạng Việt Nam”, vậy tại sao đến nay, việc xây dựng công đoàn độc lập để đảm bảo quyền lợi cơ bản và tối thiểu cho họ vẫn không được nhà nước thực hiện? Trước tình hình đời sống bấp bênh và sự hứng chịu bất công của người lao động ngày càng sâu sắc đến mức đã phơi trần ra, thì câu hỏi này không thể tiếp tục lảng tránh nữa.
Chính thức thừa nhận sự mất vai trò của hình thức “công đoàn bù nhìn” hiện tại (không phải chỉ là trong các nhà máy xí nghiệp) là bước đầu tiên; tiếp theo là xây dựng các văn bản pháp quy để gấp rút độc lập hóa công đoàn. Đây là trách nhiệm của Quốc hội đối với toàn dân nói chung và người lao động nói riêng, không thể tiếp tục làm lơ nữa.