Phân biệt giữa "Nghệ sĩ nhân dân" và tiến sĩ. Ảnh: FB Nguyễn Tuấn
Thỉnh thoảng, giới nghệ sĩ có ý tưởng ngồ ngộ: đề xuất rằng những ‘Nghệ sĩ nhân dân’ (NSND) nên được xem là tương đương tiến sĩ [1]. Nhưng ý tưởng này thể hiện sự hiểu sai về danh hiệu và bằng cấp (học vị).
NSND là một danh hiệu hay tước hiệu (title) có nguồn gốc từ Liên Xô cũ. Theo như qui chế hiện hành thì danh hiệu này được trao tặng hay ‘phong’ cho những nghệ sĩ có những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật và xã hội. Một tiêu chí quan trọng trong qui định này là “Trung thành với Tổ quốc, với chủ nghĩa xã hội, có tài năng xuất sắc, có cống hiến nhiều cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam”. Tức là danh hiệu này mang tính chánh trị. Những nghệ sĩ lừng danh như Hùng Cường chắc chắn không đáp ứng tiêu chí này.
Tiến sĩ là một bằng cấp do một đại học cấp sau khi đương sự đã đạt những tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học và học thuật. Thường, người được cấp bằng tiến sĩ phải trải qua ít nhứt là 3 năm học hành và nghiên cứu, và nghiên cứu phải thể hiện một đóng góp có ý nghĩa trong chuyên ngành. Người tốt nghiệp tiến sĩ (Doctor of Philosophy hay PhD) được phép dùng danh hiệu ‘Doctor’ mà Việt Nam dịch là ‘Tiến sĩ’. Tiêu chí cấp bằng tiến sĩ không có liên quan gì đến quan điểm chánh trị của đương sự.
Ngoài ra, còn có nhiều khác biệt giữa NSND và tiến sĩ. NSND không phải học trong môi trường khoa bảng; còn tiến sĩ phải qua đào tạo trong môi trường khoa bảng. NSND không cần viết luận án và bảo vệ luận án; tiến sĩ phải thực hiện hai việc đó. NSND có đóng góp rộng lớn trong xã hội; tuyệt đại đa số tiến sĩ chẳng có đóng góp gì ở cấp xã hội mà chỉ có những đóng góp rất nhỏ trong chuyên ngành. NSND — nếu đúng định nghĩa — thể hiện một cái mà phương Tây gọi là ‘accomplishment’; còn tuyệt đại đa số tiến sĩ không bao giờ đạt được cấp độ đó, mà chỉ ở mức ‘attainment’ thôi. Xét về mức độ ảnh hưởng tôi nghĩ NSND có ảnh hưởng hơn nhiều so với đa số tiến sĩ.
Nói chung, ở Việt Nam có nhiều hiểu lầm về văn bằng tiến sĩ. Mấy năm trước có qui định rằng trong ngành y các giảng viên đại học có bằng bác sĩ ‘chuyên khoa II’ được xem là tương đương tiến sĩ, và đây cũng là một sự hiểu sai. Nay đến các vị bên ngành nghệ thuật cũng hiểu sai và đòi ‘tương đương hoá’ như thế. Người ta phải hỏi nếu NSND là tương đương với tiến sĩ thì NSƯT [Nghệ sĩ ưu tú] tương đương với bằng cấp gì? Một nghệ sĩ có bằng tiến sĩ nhưng có thể suốt đời không bao giờ đạt được danh hiệu NSND; ngược lại, một NSND không có bằng cấp thì không thể là tiến sĩ.
Chẳng hiểu sao ở Việt Nam người ta (kể cả mấy vị trong Nhà nước) thích lấy cái bằng tiến sĩ làm ‘benchmark’. Bệnh viện, đại học lấy cái bằng đó làm tiêu chuẩn bổ nhiệm và đề bạt. Trước đây, có ý kiến cho rằng phải có bằng tiến sĩ mới ‘đột phá tư duy’. Thế rồi, như là một hệ quả, người ta ‘thần thánh hoá’ cái văn bằng tiến sĩ và ‘thần tượng hoá’ những người có bằng tiến sĩ, xem họ như những người xuất chúng. Nhưng đó là một nhận thức sai. Chúng ta đã thấy nhiều vị tiến sĩ, nhứt là trong bộ máy Nhà nước, phát biểu những câu hay có những cách nhìn không xứng tầm của người được trao học vị đó. Cái danh nó không nói lên mức độ đóng góp, càng không nói lên trình độ.
Tôi nghĩ một phần của vấn đề là do người Việt chúng ta xem sự học là để ‘an thân’. Tôi xin nói thêm rằng ‘học để an thân’ ở đây là học để có cái danh, để làm nhiều tiền, và từ đó được người đời ngưỡng mộ. Nói cách khác, người Việt có xu hướng nghĩ rằng sự học là để ‘vinh thân phì gia’. Tôi nghĩ đó là một quan điểm sai. Học không phải để vinh thân phì gia, mà là để tự mình khai sáng (tức xoá bỏ cái vô minh), để phụng sự xã hội, và để lãnh đạo. Ở thế kỷ 21 mà vẫn xem sự học là để vinh thân phì gia thì thật là… lạc hậu vậy.
Quay lại ý tưởng tương đương hoá nghệ sĩ nhân dân và tiến sĩ, tôi nghĩ người đề ra ý tưởng này hiểu sai về bản chất của hai thực thể. Không nên và không thể xem nghệ sĩ nhân dân tương đương với tiến sĩ. Nếu cần thì nên ban hành qui chế về bằng ‘Tiến sĩ danh dự’, chứ không thể đánh đồng NSND là tiến sĩ được.
GS Nguyễn Văn Tuấn
—
[1] https://quochoitv.vn/de-xuat-nghe-si-nhan-dan-duoc-tinh-la-tien-si