Sri Lanka, quốc gia đã nhận tài trợ từ Trung Quốc để xây dựng ở Colombo vào năm 2018, là một trong những quốc gia ngập trong nợ nhận các khoản vay khẩn cấp từ Bắc Kinh. Ảnh: NYT
New York Times - Cù Tuấn, dịch
Tóm tắt: Bắc Kinh đang nổi lên như một đối thủ nặng ký mới trong việc cho các quốc gia mắc nợ vay các khoản tiền khẩn cấp, bắt kịp IMF với tư cách là tổ chức cho vay cuối cùng.
Kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Mỹ là người cho vay cuối cùng của thế giới, mỗi bên đều có ảnh hưởng rộng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Giờ đây, một đối thủ nặng ký mới đã xuất hiện trong việc cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho các quốc gia đang ngập trong nợ nần: Trung Quốc.
Dữ liệu mới cho thấy Trung Quốc đang cung cấp nhiều khoản vay khẩn cấp hơn bao giờ hết cho các quốc gia, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Sri Lanka. Trung Quốc đã và đang giúp đỡ các quốc gia có ý nghĩa địa chính trị, như vị trí chiến lược hoặc nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhiều quốc gia trong số này đã vay nặng lãi từ Bắc Kinh trong nhiều năm để chi trả cho cơ sở hạ tầng hoặc các dự án khác.
Mặc dù Trung Quốc chưa bằng IMF, nhưng họ đang bắt kịp nhanh chóng, với việc cung cấp 240 tỷ đô la tài trợ khẩn cấp trong những năm gần đây. Theo một nghiên cứu mới của các chuyên gia Mỹ và châu Âu dựa trên số liệu thống kê từ AidData, một viện nghiên cứu tại Đại học William và Mary, Trung Quốc đã cho các nước đang gặp khó khăn vay 40,5 tỷ đô la vào năm 2021. Trung Quốc đã cho vay 10 tỷ đô la vào năm 2014 và không có khoản nào vào năm 2010.
Để so sánh, IMF đã cho các quốc gia gặp khó khăn về tài chính vay 68,6 tỷ đô la vào năm 2021 – một tốc độ duy trì khá ổn định trong những năm gần đây ngoại trừ một bước nhảy vọt vào năm 2020, khi đại dịch bắt đầu.
Theo nhiều cách, Trung Quốc đã thay thế Mỹ trong việc giải cứu các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mắc nợ. Khoản vay giải cứu lớn gần đây nhất của Bộ Tài chính Mỹ dành cho một quốc gia có thu nhập trung bình là khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ đô la cho Uruguay vào năm 2002. Cục Dự trữ Liên bang vẫn cung cấp khoản tài trợ rất ngắn hạn cho các nước công nghiệp hóa khác khi họ cần thêm đô la trong vài ngày hoặc vài tuần.
Vị thế mới nổi của Trung Quốc với tư cách là người cho vay cuối cùng phản ánh vị thế đang phát triển của nước này với tư cách là một siêu cường kinh tế vào thời điểm toàn cầu suy yếu. Hàng chục quốc gia đang phải vật lộn để trả nợ khi nền kinh tế chậm lại và lãi suất tăng đẩy nhiều quốc gia đến bờ vực thẳm.
IMF cũng đã tăng cường các gói cứu trợ của riêng mình trong những tuần gần đây, để đối phó với cuộc chiến của Nga ở Ukraine và hậu quả của đại dịch. IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ vào thứ Ba tuần trước để cho Ukraine vay 15,6 tỷ USD, một ngày sau khi hội đồng quản trị của tổ chức này phê duyệt khoản vay 3 tỷ USD cho Sri Lanka.
Vai trò mới của Bắc Kinh cũng là kết quả tự nhiên của Sáng kiến Vành đai và Con đường kéo dài hàng thập kỷ. Đây là dự án tiêu biểu của Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc, nhằm phát triển quan hệ địa chính trị và ngoại giao thông qua các nỗ lực tài chính và thương mại. Trung Quốc đã cho 151 quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới vay 900 tỷ USD, chủ yếu để xây dựng đường cao tốc, cầu, đập thủy điện và các cơ sở hạ tầng khác.
Các quan chức Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc áp dụng “ngoại giao bẫy nợ”, và việc này đang gây khó khăn cho các quốc gia mắc nợ quá nhiều cho các dự án xây dựng do các công ty Trung Quốc thực hiện, vốn thường sử dụng kỹ sư Trung Quốc, công nhân Trung Quốc và thiết bị Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cho rằng họ đã xây dựng các cơ sở hạ tầng rất cần thiết mà phương Tây nói đến trong nhiều thập kỷ nhưng chưa bao giờ làm.
Không giống như nhiều tổ chức cho các nước đang phát triển vay, các tổ chức tài chính do nhà nước kiểm soát ở Trung Quốc chủ yếu cho vay với lãi suất có thể điều chỉnh. Các khoản thanh toán đến hạn của nhiều khoản vay này đã tăng gấp đôi trong năm qua, khiến nhiều quốc gia rơi vào tình thế khó khăn về tài chính. Về phần mình, Trung Quốc đổ lỗi cho ngân hàng trung ương Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang, đã gây áp lực lên các quốc gia khác bằng cách đẩy lãi suất lên cao.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang mở rộng các khoản vay khẩn cấp, riêng biệt với lãi suất khá cao cho Lào, Pakistan, Nigeria, Suriname và các quốc gia gặp khó khăn về tài chính khác. Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đối mặt với thua lỗ nếu Bắc Kinh không bảo lãnh cho những quốc gia đi vay của họ nhưng có thể thu được lợi nhuận nếu các quốc gia khác đủ khả năng quản lý để duy trì các khoản thanh toán nợ Trung Quốc.
Trung Quốc tính lãi suất hơi cao đối với tín dụng khẩn cấp đối với các nước thu nhập trung bình đang gặp khó khăn, thường là 5%, khi so sánh với lãi suất 2% cho các khoản vay từ IMF, theo nghiên cứu mới.
Bộ Tài chính Mỹ đã tính lãi suất gần như bằng với Trung Quốc – 4,8% – khi họ đưa ra các khoản vay cứu trợ cho các nước có thu nhập trung bình trong những năm 1990 đến năm 2002. Fed gần đây đã tính lãi suất khoảng 1% đối với các khoản vay rất ngắn hạn của mình đối với các nước công nghiệp hóa khác.
Khoản cho vay khẩn cấp của Trung Quốc gần như hoàn toàn dành cho các quốc gia có thu nhập trung bình, và họ đang nợ rất nhiều tiền của các ngân hàng Trung Quốc do nhà nước kiểm soát. Hơn 90% các khoản vay khẩn cấp của Trung Quốc vào năm 2021 là bằng đồng tiền riêng của nước này, đồng nhân dân tệ.
Không có gì lạ khi một quốc gia sử dụng đồng tiền riêng của mình trong các cuộc giải cứu quốc tế. Đồng đô la đã thay thế các đồng tiền châu Âu trong việc vay mượn của nhiều nước đang phát triển sau khi Mỹ đóng vai trò trung tâm trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ Mỹ Latinh vào những năm 1980.
Khi cho vay bằng nhân dân tệ, Bắc Kinh đang tăng cường nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ như một loại tiền tệ toàn cầu. Khi vay đồng nhân dân tệ từ ngân hàng trung ương Trung Quốc bằng cách sử dụng cái gọi là thỏa thuận hoán đổi, các quốc gia mắc nợ sau đó giữ đồng nhân dân tệ trong dự trữ trung ương của họ trong khi chi tiền đô la của họ để trả nợ nước ngoài.
Brad Parks, giám đốc điều hành của AidData và là tác giả của nghiên cứu cho biết, một số quốc gia, như Mông Cổ, hiện nắm giữ phần lớn dự trữ tiền tệ của họ bằng đồng nhân dân tệ, dù trước đó chủ yếu nắm giữ đồng đô la Mỹ.
Những động thái tài chính như vậy buộc các quốc gia xích lại gần Trung Quốc hơn, vì đồng nhân dân tệ khó chi tiêu hơn, ngoại trừ mua hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc. Trong cuộc gặp vào tuần trước, ông Tập và Tổng thống Nga Vladimir V. Putin đã đồng ý rằng nhiều quan hệ thương mại và các mối quan hệ thương mại khác của hai nước sẽ thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.
Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương của Trung Quốc đã bảo vệ mạnh mẽ hồ sơ cho nợ của đất nước mình, lưu ý rằng Trung Quốc đã cho phép hàng chục quốc gia nghèo nhất thế giới trì hoãn việc trả nợ vào năm 2020 và 2021.
“Trung Quốc đã đình chỉ nhiều khoản thanh toán nợ hơn bất kỳ thành viên nào khác trong Nhóm G20”, ông nói trong bài phát biểu ngày 2 tháng 3 tại một cuộc họp mặt của các bộ trưởng ngoại giao của Nhóm 20 quốc gia lớn.
Khi Trung Quốc ngày càng đóng vai trò là người cho vay khẩn cấp và nền kinh tế của chính họ tăng trưởng chậm lại, họ cũng đang đánh giá lại chương trình cho vay rộng lớn của mình. Gần đây hơn, Trung Quốc đã bắt đầu rút lại các khoản vay cơ sở hạ tầng. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, giá trị hàng năm của các hợp đồng đã hoàn thành ở các quốc gia thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường đã giảm xuống còn 85 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức cao nhất là 98 tỷ USD vào năm 2019.
Christoph Trebesch, giám đốc nghiên cứu về tài chính quốc tế và kinh tế vĩ mô tại Viện Thế giới Kiel tại Đức cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một tay chơi giải cứu tài chính lớn khác trong hệ thống tài chính quốc tế, khi chi phí của các khoản vay Sáng kiến Vành đai và Con đường trở nên rõ ràng”.