Michael Pompeo và nước cờ chiến lược trong xung đột Đài Loan

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Michael R. Pompeo Trần Trung Đạo| Hôm nay, 14 tháng 1, 2021, trong hàng bộ trưởng chính phủ Mỹ, phần lớn đang ngồi chờ bàn giao công việc. Nếu không có trách nhiệm điều hành trực tiếp, có lẽ không bộ trưởng nào còn tính chuyện công du nước ngoài hay dúi đầu vào những đề án có thể tốn năm mươi hay ngay cả một trăm năm để hoàn thành. Ngoại trừ một người và người đó là Ngoại Trưởng Mike Pompeo.   Theo tài liệu trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Michael R. Pompeo sinh năm 1963 tại Orange County, California. Ông lớn lên ở vùng Santa Ana và học trung học tại Los Amigos High School. Ông tốt nghiệp Thủ Khoa tại Học Viện Quân Sự West Point khóa 1986 và phục vụ như một sĩ quan cấp bậc Đại Úy có trách nhiệm tuần tra “bức màn sắt” trước khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ.   Rời quân đội, Mike Pompeo về học Luật tại Đại học Harvard và là chủ bút của The Harvard Law Review. Từ tháng 1, 2011 đến tháng 1, 2017, ông là Dân Biểu Liên Bang đơn vị 4 của tiểu bang Kansas trước khi được đề cử vào chức vụ Giám Đốc Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA).   Ngoại trưởng có một gia sản 800,000 dollar. Đây là một gia sản khá khiêm nhượng so với nhiều bộ trưởng khác trong chính phủ Donald Trump, chẳng hạn Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross có tài sản 506.5 triệu dollar hay Bộ trưởng Giáo Dục Betsy DeVos có gia sản lên đến 1.1 tỉ dollar.   Mike Pompeo là một chính trị gia tận tụy với lý tưởng của đảng Cộng Hòa. Ông biện hộ cho chính sách quốc phòng mạnh và chống lại thỏa hiệp nguyên tử được ký kết giữa Iran và sáu cường quốc. Tuy nhiên ông vẫn chủ trương đàm phán là chính.   Năm 2018, Mike Pompeo trở thành Bộ trưởng Ngoại Giao thứ 70 của Hoa Kỳ. Như đã xác định trong một buổi điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, mặc dù là một chính trị gia có quan điểm bảo thủ, ông xem chiến tranh như chọn lựa cuối cùng. Trước ngày ra điều trần ông còn tham khảo về chính sách đối ngoại với tất cả ngoại trưởng Mỹ còn sống kể cả bà Hillary Clinton.   Tuyên bố mới nhất và có lẽ là một trong những tuyên bố quan trọng nhất của Ngoại Trưởng Pompeo là “hủy bỏ các điều khoản tự hạn chế do chính Mỹ đặt ra” đối với Đài Loan.   Bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 1, 2021 khẳng định: “Đài Loan là một nền dân chủ sống động và là đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, tuy nhiên trong vài thập kỷ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo ra những hạn chế nội bộ phức tạp để điều chỉnh các quan hệ ngoại giao, quân nhân và các viên chức khác của Hoa Kỳ với các đối tác Đài Loan. Chính phủ Hoa Kỳ đã đơn phương thực hiện những hành động này, trong một nỗ lực nhằm lấy lòng chế độ Cộng sản ở Bắc Kinh. Các tự chế đó đã chấm dứt.”   Trong quan điểm của Ngoại Trưởng Pompeo, đất nước và người dân Đài Loan phải được kính trọng như nước Mỹ và người dân Mỹ. Do đó không có lý do gì chính phủ Mỹ phải đối xử với Đài Loan một cách khác biệt. Và điều đó có nghĩa từ nay, chính phủ Mỹ sẽ xem chính phủ Đài Loan như mọi chính phủ khác. Các viên chức chính phủ Mỹ sẽ thăm viếng chính thức, tham dự các hội nghị cấp chính phủ hay liên chính phủ nếu tổ chức tại Đài Loan.   Tháng Chín năm ngoái, Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Phát Triển Kinh Tế, Năng Lượng và Môi Trường thăm viếng Đài Loan. Chuyến viếng thăm của ông làm căng thẳng thêm mối quan hệ đang đầy sóng gió giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng (TC) về vấn đề Đài Loan.   TC, một mặt tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực Eo Biển Đài Loan và mặt khác “đánh võ mồm” bằng cách tuyên bố xung đột Đài Loan có thể sẽ không được giải quyết một cách hòa bình mà bằng quân sự. Nhưng Mỹ biết, TC chỉ dừng lại ở những hăm he đe dọa mà thôi.   Như người viết đã viết trước đây, họ Tập giống như họ Mao sau chiến tranh Triều Tiên, không dám trực tiếp đương đầu với Mỹ.   Trong Chiến Tranh Triều Tiên Mỹ thiệt mạng 36,576 người trong khi TC tùy theo nguồn tổng kết, thiệt mạng từ 400,000 ngàn tới 920,000 người. Thời gian thay đổi. Bộ máy quân sự của TC hiện đại hơn thời kỳ 1950 nhưng không có nghĩa từ đó đến nay Mỹ chỉ ngồi bất động để nhìn TC cải tiến.   Cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô đã giúp bộ máy chiến tranh của Mỹ được hiện đại hóa không ngừng. Nếu chiến tranh quy ước xảy ra hôm nay, tỉ lệ tử vong cách biệt giữa hai quân đội chẳng những không thay đổi mà còn xa hơn. Nếu chỉ đọc tin từ các nguồn tin trục lợi nhờ việc khai thác các xung đột đang diễn ra tại Á Châu, chúng ta dễ có cảm tưởng chiến tranh sẽ bùng nổ ngày mai hay thậm chí tối nay chứ không đợi đến cuối tuần.   Nhưng không phải vậy. Với khả năng tài chánh của TC bao bọc khắp thế giới và quan hệ thương mại giữa Nhật, Nam Hàn, Đài Loan với TC hiện nay, nếu không có một biến cố bất ngờ, ngoài chọn lựa của Mỹ và TC, TC sẽ còn tồn tại một thời gian dài có thể đến cuối thế kỷ 21 này.   Những quốc gia có khả năng gây chiến và có xung đột quyền lợi với TC là những quốc gia nhập cảng hàng hóa TC nhiều nhất. Do đó, chuyện chiến tranh trong nhóm này là một viễn ảnh lâu dài.   Nếu miệng chửi TC mà lúc nào cũng nhập hàng TC thì TC còn lâu mới sụp. Nhưng không nhập không được. Trong thời đại toàn cầu hóa, luật cung cầu trong kinh tế học không tác dụng trong mỗi nền kinh tế độc lập mà tác dụng toàn cầu. Có người cho rằng cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và TC vừa qua là một thất bại nặng nề và đơn phương về phía Mỹ và chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương chỉ là thùng rỗng kêu to, rung cây nhát khỉ không làm rụng một lông chân của Tập Cận Bình. Đó là những nhận xét phiến diện và thiên kiến.   Các xung đột thương mại và chính trị trong thời gian qua đã làm họ Tập khó khăn nhiều mặt.   Trong phiên họp trung ương đảng CSTQ cuối tháng 10, 2019 để bàn kế hoạch năm năm, lần đầu tiên Tập Cận Bình nhấn mạnh đến chủ trương “tự lực” của nền kinh tế. Những khẩu hiệu “thù địch nước ngoài” đầy đe dọa từ thời Mao lần nữa được đem ra để khích động nhân dân.   Mặc dù rêu rao “tự lực” nhưng họ Tập biết mục đích đó còn lâu mới thực hiện được.   Muốn tự lực phải nâng trình độ kỹ thuật lên cao đến mức thỏa mãn các nhu cầu đa diện của nền kinh tế TC mà không phải nhập cảng. TC cần kỹ thuật của Mỹ. Duy trì các nhà máy sản xuất hàng hóa cao cấp của Mỹ tại TC là một cách để giúp nâng cao tay nghề của công nhân TC. Yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định. Tập Cận Bình biết không thể chạy đua với Mỹ chỉ bằng ăn cắp hay sản xuất nồi niêu xoong chảo.   Andrew Browne, Giám Đốc của Bloomberg New Economy Forum cho rằng Trung Cộng không dám trả đũa theo kiểu “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại” khi chính quyền TT Donald Trump ngăn chặn TikTok hay đánh què Huawei. Nếu Tập dám làm thì đã đóng cửa nhà máy sản xuất xe Tesla ở Thượng Hải để trả thù Mỹ rồi.   Tại sao Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố “hủy bỏ các điều khoản tự hạn chế do chính Mỹ đặt ra” trong lúc này?   Ngoại trưởng Pompeo biết nếu không tuyên bố, các bộ trưởng ngoại giao sau ông có thể sẽ không làm hay cần nhiều thời gian hơn để làm. Ông muốn đặt ra một tiền lệ cho các chính quyền Mỹ trong tương lai. Thay vì tuyên bố thẳng thừng hủy bỏ chính sách “Một Trung Quốc” (One-China policy), tuyên bố vừa qua sẽ dần dần vô hiệu hóa và làm cho chính sách “Một Trung Quốc” một ngày không xa chỉ còn trên danh nghĩa.   Dean Acheson là một trong mười bộ trưởng ngoại giao xuất sắc nhất của lịch sử Mỹ và cũng là người đặt ra nhiều tiền lệ cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Các chiến lược “ngăn chặn Liên Xô” và “diễn biến hòa bình” có dấu tay ông vẫn còn tác dụng cho tới ngày nay.   Tương tự, nước cờ của ngoại trưởng Pompeo vừa đi sẽ được chính trị gia Mỹ và Đài Loan trong các thế hệ sau biết ơn và đánh giá cao.   Vận dụng chính trị là nắm lấy cơ hội đối phương đang yếu để thực hiện những chính sách mà sau này có thể phải cần nhiều thời gian và công sức để làm.   Mặc dù tại chức trong thời gian khá ngắn, những bước đi chiến lược của Ngoại trưởng Pompeo thay mặt cho chính phủ Donald Trump, sẽ mở ra cánh cửa mới lâu dài không chỉ cho Đài Loan mà cho cả các nước Á Châu trước sự đe dọa của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Cộng.   Chuyện gì ra chuyện nấy.   Trần Trung Đạo
......

Bitcoin, “chiến sĩ“ bảo vệ tự do thời đại mới!

Hoàng Hải Vân Cuối tuần qua, giá Bitcoin đã chạm tới mức kỷ lục 42.000 đô la. Trong vòng 1 tháng qua, giá đồng tiền kỹ thuật số này đã tăng phi mã lên gấp đôi. Ta thấy gì về hiện tượng này ? Trước hết xin nói xa xôi một chút. Bạn có 1000 đô la mang cất vào tủ, nếu lạm phát 5% thì năm sau bạn vẫn còn 1000 đô la nhưng sức mua chỉ tương đương với 950 đô la năm ngoái, nghĩa là bạn đã mất trắng 50 đô la. Tài sản mà mất, nếu không bị cháy nổ hư hỏng thì nhất định phải có đứa ăn trộm. Đứa lấy trộm 50 đô la của bạn không ai khác chính là nhà nước. Nó không cần cạy tủ nhà bạn để chui vào lấy, nó chỉ cần in thêm tiền để tiêu khiến cho tiền mà bạn nắm giữ giảm giá. Cái đó nói nhẹ gọi là đánh thuế trá hình, nói nặng là cướp đoạt trá hình. Bạn bị cướp mà bạn không hề biết, là do có một đám trí thức lừa đảo gọi là các nhà kinh tế học vĩ mô được các nhà nước sử dụng để tung hỏa mù che mắt bạn. Thoạt kỳ thủy nhân loại không có tiền, tôi trồng chuối ăn không hết và bạn nuôi gà cũng ăn không hết, tôi mang buồng chuối sang nhà bạn đổi lấy một con gà. Đó là kinh tế hàng đổi hàng. Nhưng buồng chuối của tôi không mang đi xa được, con gà của bạn cũng vậy. Nên người ta dùng một vật trung gian gọn nhẹ tương đối khó kiếm thay mặt buồng chuối hay con gà để giao dịch, ban đầu là vỏ sò, sau đó là miếng kim loại, nhưng những vật trung gian đó ngày càng dễ kiếm nên giá trị của chúng giảm xuống tương ứng, đó là tình trạng sơ khai của cái gọi là lạm phát. Dần dần, nhân loại đã mày mò tìm ra những thứ khó kiếm nhất, là bạc, cuối cùng là vàng. Số lượng vàng có trong cộng đồng gia tăng hàng năm rất ít do việc đào vàng rất khó khăn vất vả, người ta tạm chấp nhận lượng vàng gia tăng hàng năm không nhiều hơn việc gia tăng tổng sản vật mà cộng đồng làm ra được, nên nhìn chung dùng vàng làm vật trung gian trao đổi không dẫn đến lạm phát. Và để cho giản tiện, thay vì cầm vàng đi trao đổi, người ta làm một tờ giấy chứng nhận, tờ giấy đó chính là tiền, tiền đó dựa trên số vàng mà phát hành, gọi là bản vị vàng (có nơi dùng bạc, gọi là bản vị bạc). Nước Mỹ từ năm 1800 đến năm 1913 trước khi FED ra đời, trong vòng 113 năm lạm phát bằng 0, là do bản vị vàng. Một xã hội tự do, trước hết là một xã hội mà tài sản của cá nhân được cộng đồng bảo vệ. Cho nên vàng được coi là “chiến sĩ” bảo vệ tự do. Dưới chế độ bản vị vàng, nhà nước không thể tùy tiện in thêm tiền nếu không có số lượng vàng tăng thêm bảo đảm. Bởi vậy, ngân sách của nhà nước chỉ có tiền thuế mà thần dân của nhà nước đó nộp. Nhà nước nào cũng thích đi gây sự hoặc tự phong thêm nhiều sứ mệnh để ra oai, mà muốn vậy thì phải tăng thuế, nhưng tăng thuế quá thì dân không chịu, nên người ta đã phải tìm cách khác, cách đó là xóa bỏ bản vị vàng để tự tiện in tiền, gọi là tiền giấy pháp định. Trừ cuộc chiến của Napoleon và nội chiến ở Mỹ, nhìn chung thế kỷ 19 ở phương tây rất hòa bình, không có cuộc chiến tranh nào lớn. Đại chiến thế giới lần thứ nhất nổ ra ngoài những nguyên nhân về địa chính trị, nguyên nhân quan trọng nhất là các chính phủ bắt đầu rời khỏi bản vị vàng để in tiền đi gây chiến. Các cha già lập quốc Mỹ rất cẩn thận trong vấn đề tiền nong nên đã cấm in tiền giấy để ngăn chặn nhà cầm quyền làm loạn, nhưng cuối cùng, phái tả đã lách Hiến pháp xóa bỏ bản vị vàng. Chuyện này tôi đã đề cập trong các tút trước. TT Reagan từng có ý định khôi phục lại bản vị vàng nhưng không thành công. Và nhìn chung, nhân loại không thể nào quay trở lại bản vị vàng được nữa. Sau khi Mỹ thả lỏng việc kiểm soát vàng thì vàng mới được giải phóng, giá cả tăng giảm theo nhu cầu của thị trường. Vài chục năm trở lại đây, mỗi khi có khủng hoảng, các chính phủ in tiền tung ra để kích cầu thì vàng tăng giá. Tài sản được chui vào vàng để trú ẩn. Nhưng do thế giới trở nên quá hỗn loạn, nhân loại phải tìm thêm phương tiện trú ẩn khác. Khoảng 10 năm trở lại đây, người ta đã mày mò ra một thứ khó kiếm tương tự như vàng, đó là Bitcoin và một số loại tiền kỹ thuật số khác. Bitcoin do một hoặc một nhóm người ẩn danh thiên tài đã dựa vào thành tựu của công nghệ thông tin để thiết lập ra. Đó là đồng tiền kỹ thuật số phi tập trung, không phụ thuộc vào các ngân hàng trung ương của bất kỳ nước nào. Công nghệ của nó đạt đến cảnh giới không thể bị phá sập và không ai có thể can thiệp vào được để mọi người có thể giao dịch tự do trên một mạng lưới, nguồn cung của nó dựa vào nỗ lực của các “thợ đào”, đào nó còn khó hơn là đào vàng, bởi vì đào vàng còn có thể gặp may nếu trúng một mỏ vàng lớn làm tăng mạnh nguồn cung, còn bitcoin thì chỉ giới hạn mỗi năm có thể đào ra một lượng nhất định. Từ 10 năm nay, nhân loại đã bắt đầu mang tài sản vào Bitcoin trú ẩn đề phòng lạm phát. Ở đây tôi chỉ nói về triết lý của nó, ai quan tâm đến kỹ thuật có thể tự tìm hiểu trên mạng. Bitcoin từ khi bắt đầu sử dụng, rất ít người quan tâm và rất ít có giá trị. Dần dần có nhiều người quan tâm và tăng đột biến lên 20.000 đô la vào cuối năm 2017, sau đó giảm dần, giảm xuống thấp nhất chỉ còn hơn 3100 đô la. Đến năm 2020, Bitcoin lại tăng đột biến, riêng mức tăng của năm ngoái là 300% và trong vòng 1 tháng qua đã tăng hơn gấp đôi. Mức 42.000 đô la dự đoán chưa phải đỉnh, có người còn dự đoán nó sẽ tăng lên 500.000 đô la, nhưng dự đoán đó đúng sai thế nào chúng ta không biết được. Mức tăng đột biến của Bitcoin xuất phát từ hai yếu tố : Thứ nhứt là việc các chính phủ tung tiền ra chưa từng thấy để cứu trợ dân chúng và các doanh nghiệp vượt qua đại dịch Vũ Hán, khiến cho dân chúng đang nắm giữ tài sản tin rằng sẽ có lạm phát trong tương lai gần. Thứ hai, khả năng Đảng Dân chủ nếu chi phối cả lập pháp và hành pháp Mỹ sẽ dẫn tới việc tiếp tục cung tiền vô tội vạ để phình to chính phủ, điều này khiến cho người nắm giữ tài sản tin rằng cả tương lai xa cũng sẽ lạm phát. Với việc hàng loạt các chính phủ đã “hợp pháp hóa” giao dịch Bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số khác, liệu tiền nhà nước tung ra mà không dựa trên sự bảo đảm nào trong tương lai có biến thành rác hay không, chúng ta ngày hôm nay không dự đoán được. Còn dân chúng thì vẫn đang tìm nơi trú ẩn cho tài sản của mình để phòng ngừa bị các nhà nước tước đoạt, đó là vàng và hôm nay có thêm Bitcoin. Đó là triết lý của cuộc sống. Còn trong thực tế hiện tại, viết cái tút này tôi hoàn toàn không có ý khuyên mọi người đầu tư vào Bitcoin và vàng hay không. Mỗi người hãy tìm cách tốt nhất để giữ tiền của mình, đầu tư vào đâu thì tùy ý nhưng không đầu tư theo phương thức đánh bạc, vì trên đời này các con bạc sạt nghiệp thì nhiều còn làm giàu bằng đánh bạc thì hoàn toàn không có. P/s : Ở Mỹ cũng như ở ta, người nào làm ra tiền bằng sức lực và trí tuệ lương thiện của mình thì hiểu được nền tảng của tự do. Nền tảng đó là quyền tài sản, thường gọi là quyền tư hữu, không bị xâm phạm. Muốn vậy, chính phủ phải nhỏ gọn, thuế má thấp, không phù phép tăng tiền mà không có bảo đảm, không can thiệp vào việc chi tiêu và đời sống riêng tư của người dân. Còn người nào làm ra tiền dựa vào các khoản tài trợ của chính phủ, sống dựa vào đám đông hoặc mánh lới khai thác lợi ích từ các chương trình của chính phủ phình to, người đó không những không hiểu tự do là gì mà còn chống lại những người bảo vệ tự do. HOÀNG HẢI VÂN  
......

Trump đã làm được những gì ông ấy có thể

Timothy Trinh Tổng thống Trump đã làm được những gì ông ấy có thể. Mặc dù bốn năm quá ngắn, nhưng đủ thay đổi cái nhìn của người Mỹ và thế giới về tham vọng của bá quyền cộng sản Trung Quốc. Trước đây, nói đến Trung Quốc là nói đến cơ hội kinh doanh, chủ yếu được coi là một đối tác khó khăn nhưng cần thiết. Đó là cái nhìn của Hoa Kỳ và thế giới trước khi có chính quyền Trump. Các chính trị gia phương Tây từng được đánh giá cao nếu có khả năng thương thuyết dẫn đến ký kết hợp đồng kinh tế với Trung Quốc. Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, thông thạo tiếng Phổ thông và có thêm tên gọi là Lục Khắc Văn (Lu Kewen; 陸克文), từng vận động với tự hào về khả năng hợp tác với Bắc Kinh, đã thắng cử nhiệm kỳ đầu tiên của ông ta và giữ ghế lãnh đạo đến tháng 6 năm 2016. Trong cùng năm 2016, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã lập luận cho rằng "một Trung Quốc yếu kém, không thể góp phần giải quyết các vấn đề toàn cầu còn nguy hiểm hơn một Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn." (tạm dịch từ nguyên văn "a weak China that could not contribute to solving global problems was more dangerous than a strong and potentially aggressive China.") Về mặt trật tự thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, chính sách của Obama thà rằng "Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn" đã bị Tập Cận Bình khai thác để "góp phần giải quyết" bằng cách xây cất các căn cứ quân sự chuẩn bị cho việc xâm chiếm toàn bộ tài nguyên của vùng lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông. Về mặt kinh tế, sự lựa chọn "một Trung Quốc mạnh" của chính quyền Obama đã đưa cán cân thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng thâm thủng, thiệt hại về phía Mỹ từ 296,3 tỷ USD vào năm 2009 cho đến 462,4 tỷ USD vào năm 2016; và hậu quả tiếp tục kéo dài đến khi Tổng thống Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào đầu tháng 7 năm 2018. Bốn năm của chính quyền Trump đã thay đổi những điều nói trên. Ngày nay, Trung Quốc thường được mô tả chủ yếu như một bá quyền bành trướng đang gây bất ổn. Ngày nay, các chính trị gia Mỹ đều lo sợ bị dính líu đến những giao dịch với Trung Quốc. Họ né tránh hoặc giấu kín bất kỳ mối quan hệ làm ăn với các tập đoàn Trung Quốc như che đậy một vết thẹo của mầm ghẻ lở có khả năng làm sụp đổ sự nghiệp chính trị. Obama đã phá vỡ tiền lệ của các tổng thống Hoa Kỳ, liên tiếp tham gia các cuộc tấn công tổng thống đương nhiệm Donald Trump; có lẽ Obama không muốn bị lột trần sự chọn lựa "một Trung Quốc mạnh và có khả năng gây hấn" của ông ta là một quyết định quá sai lầm. Chính sách của Trump đối phó với Trung Quốc có đặc tính toàn diện, trong đó bao gồm việc thực thi quyền tự do hàng hải trên eo biển Đài Loan và Biển Đông; thành lập Bộ Tứ của bốn quốc gia Mỹ Úc Nhật Ấn như một khối NATO mới của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng, Hồng Kông trong các sự kiện đòi hỏi tự do, độc lập và nhân quyền; ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế; ủng hộ Ấn Độ trong vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Về mặt kinh tế, chính quyền Trump nhiều lần nhắc đến những sai lầm của các tổng thống tiền nhiệm về việc mở cửa Tổ chức Thương mại Thế giới, World Trade Organization (WTO), cho Trung Quốc gia nhập vào cuối năm 2001. Khi chính phủ tiền nhiệm của Bill Clinton vận động mở rộng thị trường thương mại tự do, họ ngỡ rằng điều đó có thể giúp thay đổi Trung Quốc từ một nước độc tài cộng sản trở thành một quốc gia dân chủ tự do. Clinton đã nằm mơ. Hoa Kỳ không thể lấy lại chiếc ghế thành viên WTO; điều đó buộc Trump phải sử dụng những phương cách khác, khởi động với quyết định áp thuế trên hầu hết hàng hóa mà Hoa Kỳ nhập khẩu từ Trung Quốc. Kết quả cho thấy, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố vào đầu tháng 2 năm 2020, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong năm 2019, chuyển sang các nước khác và thâm hụt cán cân thương mại đã được cải thiện so với mức tồi tệ nhất từ trước đến nay. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đạt tổng trị giá 451,7 tỷ USD trong năm 2019, giảm 16,2% tức là giảm 87,6 tỷ USD so với năm 2018. Khi đã ra trận, tính chất của Trump không ngừng lại ở một chỗ. Trong bốn năm ngắn, các nỗ lực của chính quyền Trump, đặc biệt ghi nhận công sức của Ngoại trưởng Mike Pompeo, đã liên tục lên án các "bẫy nợ ngoại giao" của sách lược Vành Đai Con Đường; lên án Trung Quốc ăn cắp bản quyền và tài sản trí tuệ; đẩy mạnh sách lược tách rời kinh tế và mang sản xuất ra khỏi Trung Quốc; trừng phạt các công ty Trung Quốc điển hình là Huawei; và gần đây nhất chấm dứt cộng sản Trung Quốc tiếp cận nguồn vốn bằng cách niêm yết công ty trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chính quyền Trump đã thành công trong việc xác định Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài lớn nhất đối với các lợi ích địa chính trị và địa kinh tế của Hoa Kỳ. Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng Mỹ ngày càng nghi ngờ về ý đồ của Bắc Kinh. Dưới thời Obama, đa số người Mỹ coi hoạt động xây dựng quân sự đang diễn ra của Trung Quốc là một mối quan tâm hơi nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Đến giữa nhiệm kỳ của ông Trump, vào cuối năm 2018, số lượng người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa trực tiếp lớn nhất đã tăng gấp ba lần hơn. Chỉ có những kẻ ngụy biện một cách mù quáng mới vẩu miệng cho rằng ông Trump đánh Trung Quốc "nhưng chỉ bằng mồm." Di sản chống Trung Quốc của Trump có được tiếp tục hay không? Giữa sự hỗn loạn vào cuối nhiệm kỳ Tổng thống Trump, rất khó nói những điều gì sẽ được cặp Biden/Harris giữ lại vĩnh viễn và điều gì sẽ được giữ lại tạm thời. Tuy nhiên, những thay đổi trong cái nhìn của người Mỹ về bá quyền cộng sản Trung Quốc sẽ giúp cho sách lược châu Á - Thái Bình Dương của Trump có thể tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông ấy. Trong bài phát biểu đầu tiên của Joe Biden với tư cách là tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, ông tuyên bố rằng một nước Mỹ hồi sinh sẽ "dẫn đầu không phải bằng tấm gương về sức mạnh của chúng ta, mà bằng sức mạnh của tấm gương của chúng ta". Biển Đông là một khu vực đa cực về chính trị, một vùng biển mà rất nhiều quốc gia muốn giữ chủ quyền của mình và tránh rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, đường giao thông hàng hải của tất cả các tàu buôn lớn trên thế giới. Điều đó đòi hỏi một nước Mỹ quan tâm, vì quyền lợi của người Mỹ, để can thiệp như một hậu thuẫn chống lại chủ nghĩa bành trướng quân sự của Trung Quốc. Công bằng mà nói, Biden chưa có cơ hội để chứng minh cho bài phát biểu của ông ta bằng những lời thể hiện sức mạnh của Mỹ. Chiến dịch Biden lập luận cho rằng một chính phủ Biden "sẽ tập hợp thế giới tự do và vận động một nửa nền kinh tế thế giới buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về những lạm dụng thương mại". Charlie Lyons Jones, một nhà nghiên cứu của chương trình quốc phòng, chiến lược và an ninh quốc gia của ASPI, nhận định rằng: "Joe Biden có thể muốn chứng tỏ là một tổng thống có cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc được hỗ trợ bởi một chiến lược cạnh tranh và được thực thi tốt." "Tuy nhiên, những gì nổi lên từ cái nhìn sơ bộ về quá trình chuyển đổi Biden là một chính quyền trông giống với Barack Obama - không thích rủi ro và bận tâm bởi những lo lắng trong nước. Đối với những người Mỹ muốn thấy một quốc gia bị chia rẽ (và bệnh tật) được chữa lành, đó có thể chỉ là những gì bác sĩ yêu cầu. Nhưng đối với các quốc gia ở Ấn Độ - Thái Bình Dương đang sống dưới cái bóng của một Bắc Kinh ngày càng hung hăng, việc phục hồi cách tiếp cận quá thận trọng của chính quyền Obama sẽ là một kết quả tồi tệ," ông Jones nói. "Nước Mỹ không thể chỉ dẫn đầu bằng sức mạnh của tấm gương của mình. Nó cũng cần dẫn đầu bằng tấm gương về sức mạnh của nó." Người Đà Lạt Xưa January 10, 2021.  
......

An Ninh Điện Tử - Bảo Mật Số: Whatsapp thâu thập thông tin

CTMMedia| Trong những ngày vừa qua, người dùng Whatsapp (cùng chủ với FaceBook) có thể nhận được thông báo của Whatsapp cập nhật “Điều khoản dịch vụ” (Terms of service) về chính sách riêng tư (privacy policy). Theo đó thì Whatsapp sẽ thâu thập một số thông tin sau đây: - Số điện thoại của người dùng - Số điện thoại của những người khác trong danh bạ (contact list) của người dùng - Tên & hình profile (avatar) - Thông tin về tình trạng (kể cả lần chót vào mạng) - Dữ liệu chẩn đoán (diagnostic) và nhiều loại thông tin khác (xem danh sách ở cuối email). Và Facebook có toàn quyền chia sẻ các dữ liệu thâu thập từ người dùng với các công ty khác do Facebook làm chủ. Khi nhận được thông báo trên, người dùng có thể chấp nhận hoặc từ chối. Nếu từ chối thì đến ngày 8 tháng Hai, Whatsapp sẽ ngừng hoạt động cho người dùng đó. Nếu bạn đã chấp nhận và muốn đổi ý thì nên xóa tài khoản (Delete account) bằng cách: - Điện thoại Android: vào menu 3 chấm (bên trên, góc phải) > Settings > Account > Delete my account. Điền vào số điện thoại của phone để xác nhận, rồi bấm nút [DELETE MY ACCOUNT] - Điện thoại iPhone: bấm vào biểu tượng Settings ở cuối màn hình > Account > Delete My Account. Điền vào số điện thoại của phone để xác nhận, rồi bấm vào hàng Delete My Account. Các ứng dụng tin nhắn nhanh khác trên thị trường như iMessage, FB Messenger, Viber, Line, Kakao, Telegram, … đều có thu thập thông tin ít hay nhiều từ người dùng. Ứng dụng Signal là ứng dụng duy nhất không thâu thập gì từ người dùng. Nếu bạn quan tâm đến vấn đề riêng tư, bảo mật thì tốt nhất là dùng ứng dụng SIGNAL, có trên cả hai hệ iOS (iPhone) và Android. Signal có đủ các chức năng cho việc trao đổi tin nhắn giữa đôi bên, giữa nhóm như Whatsapp. Signal dùng mã hoá nối đầu (end-to-end encryption) để bảo mật tin nhắn. Signal có chức năng “tin nhắn biến mất” (disappearing messages) để tự động xóa tin nhắn sau thời gian bạn ấn định. Cách cài đặt cũng đơn giản như Whatsapp. Vào App Store (iPhone) hoặc Google Play (Android) tìm Signal Private Messenger để cài đặt. ---------------------- Phụ lục: các loại thông tin được thâu thập từ một số ứng dụng tin nhắn nhanh - WhatsApp: Phone Number, Email Address, Contacts, Coarse Location, Device ID, User ID, Advertising Data, Purchase History, Product Interaction, Payment Info, Crash Data, Performance Data, Other Diagnostic Data, Customer Support, Product Interaction, Other User, Content, Metadata. - Facebook Messenger: Precise Location, Coarse Location, Physical Address, Email Address, Name, Phone Number, Other User Contact Info, Contacts, Photos or Videos, Gameplay Content, Other User Content, Search History, Browsing History, User ID, Device ID, Third-Party Advertising, Purchase History, Financial Info, Product Interaction, Advertising Data, Other Usage Data, Crash Data, Performance Data, Other Diagnostic Data, Other Data Types, Developer’s, Advertising or Marketing, Health, Fitness, Payment Info, Sensitive Info, Product Personalization, Credit Info, Other Financial Info, Emails or Text Messages. - iMessage: Email Address, Phone Number, Search History, Device ID. - Telegram: Name, Phone Number, Contacts, User ID - Signal: None.
......

Quốc hội Hoa Kỳ chứng nhận chiến thắng của ông Biden

Washington DC- Vào sáng ngày 7 tháng Giêng, 2021, vài giờ sau khi hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào Điện Capitol của Hoa Kỳ, chiếm giữ biểu tượng của nền dân chủ Hoa Kỳ, Quốc hội đã chính thức chứng nhận chiến thắng bầu cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden thuộc đảng Dân chủ. Ngay sau đó, Tòa Bạch Ốc đã đưa ra một tuyên bố từ Tổng Thống Donald Trump, trong đó ông cam kết sẽ “chuyển giao quyền lực trong trật tự” khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng. Một ngày trước, Tổng thống Trump đã có những tuyên bố kích động một đám đông tràn vào Điện Capitol để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử. Những hình ảnh phá hoại và gây sốc tại Điện Capitol mà nhiều nhà lập pháp gọi là “cuộc nổi loạn” tràn ngập màn hình truyền hình ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới. Nghi thức kiểm phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang là thủ tục cuối cùng liên quan đến quá trình bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ. Trước phiên họp ngày 6 tháng Giêng của lưỡng viện Quốc Hội, các đồng minh lâu năm của ông Trump như Phó Tổng thống Mike Pence và lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ hành xử theo đúng Hiến Pháp. Sau cuộc hỗn loạn tại Điện Capitol, Quốc hội đã tiếp tục phiên họp vào cuối ngày 6 tháng Giêng, chứng nhận chiến thắng của ông Biden bất chấp nỗ lực của một vài nhà lập pháp Đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn quá trình này. Sau các cuộc tranh luận đôi khi căng thẳng kéo dài vào những giờ đầu của ngày 7 tháng Giêng, Thượng viện và Hạ viện đã bác bỏ hai ý kiến phản đối cuộc kiểm phiếu và chứng nhận cuộc kiểm phiếu cuối cùng của Cử tri đoàn với ông Biden nhận được 306 phiếu Đại Cử Tri và ông Trump 232 Đại Cử Tri. Thượng nghị sĩ Cộng hoà Mitch McConnell đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ nỗ lực các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đã tìm cách ngăn chặn thủ tục chứng nhận kết quả bầu cử và cảnh báo về những thiệt hại lâu dài mà nỗ lực phản đối này có thể gây ra cho nền dân chủ của quốc gia. Ông McConnell nhấn mạnh: "Theo Hiến pháp chúng ta, những nhà lập pháp có một vai trò hạn chế. Chúng ta không thể đơn giản tự tuyên bố chúng ta là ‘hội đồng bầu cử quốc gia’. Các cử tri, các tòa án và các tiểu bang đều đã lên tiếng. Nếu chúng ta bác bỏ quyết định của họ, thì sẽ làm cho nền Cộng hòa của chúng ta bị tổn hại mãi mãi." Phiên họp chứng nhận kết quả bầu cử đã bị gián đoạn bởi những người ủng hộ ông Trump, phá hàng rào an ninh, phá cửa, đập cửa sổ, leo tường xông vào Điện Capitol, đập phá bên trong và lục tung các văn phòng làm việc của các nhà lập pháp. Các nhân viên an ninh đã phải dùng bàn ghế chặn cửa vào Hạ viện và rút súng trước khi sơ tán các nhà lập pháp và những nhân viên. Cảnh sát cho biết những người bạo động đã sử dụng hơi cay để tấn công cảnh sát và một số cảnh sát đã bị thương. Lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được điều động đến để giúp cảnh sát để giải tỏa những người ủng hộ Tổng thống Trump ra khỏi Điện Capitol. Bốn người đã thiệt mạng trong cuộc hỗn loạn - một phụ nữ do bị cảnh sát bắn khi xông vào tòa nhà Quốc Hội và 3 người khác chết trong “tình huống khẩn cấp y tế”. Cảnh sát đã bắt giữ 52 người. Cảnh sát cũng cho biết hai quả bom ống đã được thu giữ, một quả nằm ngoài trụ sở Đảng Dân chủ và một quả nằm ngoài trụ sở Đảng Cộng hòa . Cảnh sát tìm thấy trong một chiếc xe một thùng lạnh chứa một khẩu súng dài và bom xăng trong khuôn viên Điện Capitol. Tổng thống đắc cử Joe Biden hôm thứ Tư nói rằng cuộc bạo động tại Điện Capitol của Hoa Kỳ là một "cuộc tấn công vào nền dân chủ Hoa Kỳ”, điều chưa từng xảy ra trong thời hiện đại. Ông Biden nói: “đây là một cuộc tấn công vào nền Cộng hòa của chúng ta, một cuộc tấn công vào nền pháp trị… những khái niệm thiêng liêng nhất của nước Mỹ”. Ông Biden nói rằng những cảnh hỗn loạn diễn ra tại Điện Capitol của Hoa Kỳ không phản ánh một "nước Mỹ thực sự", và cho rằng đó là hành động của "một số ít những kẻ cực đoan coi thường pháp luật”. Ông Biden kêu gọi Trump phải ngay lập tức thực hiện lời tuyên thệ bảo vệ Hiến pháp bằng cách lên truyền hình quốc gia yêu cầu chấm dứt "cuộc bao vây". Vài giờ sau khi Điện Capitol bị nhấn chìm trong hỗn loạn và sau lời kêu gọi của ông Biden, trong một video Tổng Thống Trump đã kêu gọi những người ủng hộ ông "hãy về nhà" nhưng vẫn tiếp tục lặp lại những lời cáo buộc gian lận bầu cử vô chứng cứ. Twitter sau đó đã hạn chế người dùng đăng lại video của Trump và Facebook đã gỡ bỏ video này với lý do có nguy cơ “gây bạo lực”. Twitter sau đó cho biết đã khóa tài khoản của Trump trong 12 giờ vì "vi phạm nhiều lần và nghiêm trọng" các quy tắc của mạng xã hội này và đe dọa đình chỉ vĩnh viễn. Ông Trump đã bị chỉ trích dữ dội bởi một số nhà lập pháp và đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng hòa, những người này đổ lỗi ông Trump đã kích động bạo động. Khi trở lại Thượng viện vào tối ngày 6 tháng 1, sau khi đám đông bạo loạn bị đẩy lùi, Phó Tổng thống Mike Pence nói rằng: “Tôi nói với những kẻ gây cảnh hỗn loạn trong Điện Capitol ngày hôm nay, các người đã thất bại. Bạo lực không bao giờ chiến thắng. Tự do chiến thắng và nơi này vẫn là ngôi nhà của nhân dân.” Còn ông McConnell tuyên bố: “Hoa Kỳ và Quốc hội Hoa Kỳ đã phải đối mặt với những mối đe dọa lớn hơn nhiều so với đám đông vô dụng mà chúng ta thấy hôm nay. Chúng ta chưa bao giờ bị nhụt chí trước đây và chúng ta sẽ không bị nhụt chí hôm nay. Họ tìm cách phá vỡ nền dân chủ của chúng ta, họ đã thất bại. Cuộc nổi dậy thất bại này chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ trước mắt của chúng ta đối với quốc gia. Chúng ta sẽ không cúi đầu trước sự vô pháp, hoặc đe dọa. Chúng ta sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình đối với quốc gia theo Hiến pháp ngay tối nay”. Cú sốc của cuộc tấn công vào Điện Capitol đã khiến một số thượng nghị sĩ Cộng hòa đổi ý và đã không phản đối việc chứng nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Một trong số đó là thượng nghị sĩ James Lankford, thuộc tiểu bang Oklahoma. Ông Lankford nói “hành động tàn phá và bạo động tại Điện Capitol của quốc gia chúng ta là một cuộc tấn công vào nền dân chủ. Không thể nào biện minh cho những hành vi bạo lực và đại đa số những người ủng hộ ông Trump không ủng hộ những hành vi này. Điều cần thiết hiện nay là toàn bộ Quốc Hội cùng biểu quyết để xác nhận kết quả bầu cử. Chúng ta phải sát cánh cùng nhau với tư cách là công dân Hoa Kỳ. Chúng ta phải bảo vệ Hiến pháp và pháp quyền của quốc gia”. Hai ý kiến phản đối kết quả bầu cử ở Arizona và Pennsylvania đã bị lưỡng viện Quốc hội bỏ phiếu bác bỏ với tỷ lệ áp đảo. Sau khi Quốc hội chứng nhận ông Biden thắng cử, ông Trump đã đưa ra một tuyên bố thông qua trợ lý Tòa Bạch Ốc Dan Scavino, nói rằng: “Mặc dù tôi hoàn toàn không đồng ý với kết quả của cuộc bầu cử và các dữ liệu khẳng định cho tôi điều đó, tuy nhiên sẽ có một sự chuyển giao quyền lực trong trật tự vào ngày 20 tháng 1.” Theo các nguồn tin của Reuters, một số phụ tá tại Tòa Bạch Ốc đã từ chức để phản đối cuộc tấn công ở Điện Capitol, bao gồm ông Matt Pottinger, Phó Cố vấn an ninh quốc gia và bà Stephanie Grisham, Chánh văn phòng của bà Melania Trump và cựu Giám đốc Truyền thông kiêm thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc. Các quan chức bầu cử của cả hai đảng và các nhà quan sát độc lập đều nói rằng không có gian lận đáng kể nào trong cuộc tranh cử ngày 3 tháng 11, mà ông Biden đã nhận được nhiều hơn ông Trump 7 triệu phiếu bầu. Tình trạng bạo động hôm thứ Tư đã gây bàng hoàng cho các nhà lãnh đạo thế giới. Thủ tướng Anh Boris Johnson, trong một tweet, gọi các sự kiện trong Quốc hội là một “sự ô nhục” và nói rằng Hoa Kỳ thúc đẩy nền dân chủ trên toàn thế giới và điều thiết yếu hiện nay là cần có một sự chuyển giao quyền lực ôn hòa và trong trật tự. Nguồn: Reuters, CNN, AP  
......

Tấn tuồng chính trị hotdog cuối năm

Ngô Nhân Dụng Suốt một năm Covid, các nhà hát đóng cửa. Không được ngồi chen nhau coi phim trong rạp. Không được đi xem ca nhạc kịch Broadway. Không được coi xiệc hay ngựa chạy đua. Không được cười bể bụng với các tay hề trên sân khấu hộp đêm. Thật chán đời! Nhưng người Mỹ vẫn may mắn. Họ có quốc hội. Theo dõi các cuộc tranh luận và biểu quyết trong quốc hội cũng có dịp vui cười, giải trí rất lành mạnh. Người Mỹ lại có tới hai viện quốc hội cho dân nghe họ tranh cãi, lối “mua một tặng một.” Cả nước Mỹ đang lo Covid thì quốc hội diễn tuồng Covid. Họ cãi nhau hoài nhưng rồi cũng đồng ý trợ cấp thêm $600 đô la cho mỗi người dân đóng thuế, đủ để ăn 50, 70 tô phở. Chẳng qua vì đến cuối năm, dân Mỹ chạy đôn đáo mua sắm, nhà giàu sắm kiểu giàu, dân nghèo có kiểu dân nghèo. Quốc hội Mỹ cũng phải vừa tranh cãi, vừa mặc cả, vừa chạy đua với nhau để làm sao đẻ ra một dự luật cứu trợ toàn dân vì cơn bệnh Covid. Sau khi chờ đợi tám tháng trời, chạy đua lúc cuối năm gấp gáp thì thế nào cũng vấp váp. Nhân viên Quốc hội không có thời giờ “viết” hay “soan” một dự luật. Người ta đem ghép các đề nghị của mọi người lại, sau khi các đại biểu đã mặc cả với nhau sẽ giữ điều nào, bỏ điều nào, cuối cùng có một cuốn “tự điển bách khoa” dài 5,593 trang giấy, biểu quyết ngay trong ngày. Rồi yêu cầu ông tổng thống ký ngay, càng sớm càng tốt – trước khi tiền bảo hiểm thất nghiệp của hơn chục triệu người hết hạn, trong năm ngày! Các dân biểu Hạ viện nhận được bản dự thảo dài 6,000 trang lúc 2 giờ chiều ngày 22 tháng 12, 2020. Đến 4 giờ chiều phải biểu quyết. Không ai có đủ thời giờ đọc một phần mười bản dự luật, nhưng cuối cùng đại đa số, thuộc cả hai đảng, vẫn đưa tay lên chấp thuận. Trên Thượng viện, các nghị sĩ cũng như vậy. Họ biết rằng các lãnh tụ hai đảng đã mặc cả hết sức rồi. Nếu không ai nhịn ai cù cưa thêm nữa thì sẽ bế tắc. Cả bản dự luật sẽ bị trì hoãn trong khi ngân sách quốc gia sắp hết hạn và các chương trình cứu trợ cũ sắp chấm dứt. Tất nhiên ông tổng thống không thể nào đọc, những lúc ông tạm ngừng giữa hai lỗ sân golf ở Florida, hết bấy nhiêu trang giấy! Ông Tổng thống chê $600 ít quá, bảo phải nâng lên $2,000. Con số đó chính ông bộ trưởng tài chánh đưa ra, chắc không hỏi trước ý ông Trump. Bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mừng quá, bám ngay lấy, cũng biểu quyết $2,000, cố tình gây mâu thuẫn giữa đảng Cộng Hòa với nhau. Ông Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa ở Thượng viện, lúng túng không biết làm gì, bèn đưa kế hoãn binh, hạ hồi phân giải! Chưa có sân khấu tuồng, chèo, cải lương hay nghệ thuật điện ảnh xứ nào, Ấn Độ hoặc Hồng Kông, có thể viết một kịch bản với những màn gay cấn như vậy. Phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến các món tiền $600 hay $2,000 đô la; hoặc khoản $300 mỹ kim thêm mỗi tuần cho các người thất nghiệp. Nhưng nếu đọc vào nội dung cả 2 bản dự luật, $900 tỷ cứu trợ vụ bệnh Covid và $1,400 tỷ cho ngân sách quốc gia,thì dân Mỹ sẽ thấy nhiều chuyện hào hứng hơn nhiều. Trong mỗi dự luật có rất nhiều đề nghị do các đại biểu đưa ra. Có nhiều đề nghị không liên can, dính dáng gì đến bệnh dịch Covid hoặc cần thiết phải ghi ngay vào ngân sách quốc gia năm 2021. Thực ra mỗi điều này thể đứng riêng như một dự luật. Nhiều nghị sĩ, dân biểu đã làm thử mà chưa thành công vì dù họ rất thiết tha làm điều luật đó nhưng không được các bạn đồng viện quan tâm, ủng hộ. Hơn nữa nếu làm nhiều luật lệ lẻ tẻ như vậy, các đại biểu quốc hội sẽ mất công đưa tay lên biểu quyết nhiều lần. Người dân Mỹ bình thường, nhất là người nước ngoài, không mấy ai để ý một hiện tượng này. Người Mỹ vẫn ví việc quốc hội làm luật giống như các công ty sản xuất “xúc xích.” Họ đổ vô lò đủ thứ thịt, hẩu lốn, cuối cùng thòi ra những dây tràng toàn hotdog! Mỗi lần quốc hội sắp biểu quyết một dự luật quan trọng, các đại biểu thường nhân dịp đó xin kèm theo một vài đề nghị của mình, xin “quá giang,” ghé vào, cho nó được thông qua luôn. Các dự luật ngân sách là con tàu phải chở theo nhiều điều luật “quá giang” nhất. Bởi vì ai cũng biết phải biểu quyết cho xong, làm bằng được mới nghỉ, nếu trì hoãn thì chính phủ sẽ đóng cửa vì hết tiền! Cho nên trong dự luật vừa mới được Tổng thống Donald Trump vừa miễn cưỡng ký tên, có những điều khoản cho phép đem hoa thủy tiên và hạt dẻ qua biên giới các tiểu bang, không còn bị tù sáu tháng nữa. Những người làm phim, video, bị người khác tự ý lấy trộm đưa lên mạng kiếm tiền, sẽ được đạo luật mới bảo vệ. Từ nay, thủ phạm có thể bị tù đến 10 năm! Có cả một điều luật cấm Bưu Điện không được chuyển các thứ giả thuốc lá, vaping và e-cigarettes. Rất nhiều “món thịt” lớn nhỏ được đưa vào nấu trong cái lò quốc hội. Đặc biệt, có điều khoản nhằm bảo vệ sức khỏe các con ngựa đua, một dự luật đã bị “ngâm tôm” trong quốc hội nhiều năm, bây giờ nằm ngay trong dự luật cứu trợ Covid và ngân sách mới. Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa đa số ở Thượng viện, đại biểu cho Tiểu bang Kentucky với trường đua ngựa lừng danh thế giới. Trong đạo luật mới ra đời, ông đã cho quá giang một số điều đặt ra một cơ quan thi hành những tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cho các con ngựa đua, nhất là cấm chích thuốc ma túy kích thích ngựa. Dân biểu Cộng Hòa Andy Barr, cũng ở Kentucky, và Dân biểu Paul Tonko, Dân chủ, New York đồng ký tên đưa điều này vào dự luật ở Hạ viện, sau sáu năm tranh đấu ở nghị trường cốt “đặt trọng tâm vào quyền lợi các con ngựa và các chú lài.” New York cũng có những trường đua ngựa nổi tiếng. Trong dự luật mới quốc hội Mỹ cũng ghi một điều khoản nhằm bảo vệ truyền thống của người Tây Tạng. Đạo luật xác định phải tôn trọng tín ngưỡng của người Tây Tạng khi đến ngày phải chọn và tấn phong người thay thế Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có kế hoạch chờ khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 viên tịch sẽ bày trò tìm một hóa thân của ngài trong nước, đưa lên làm nhà lãnh đạo mới. Năm nay ngài đã 85 tuổi. Đạo luật mới của Mỹ nói rõ ràng không chấp nhận cho Trung Cộng can thiệp làm sai lạc truyền thống của dân Tây Tạng. Chính phủ Mỹ sẽ phải có các biện pháp trừng phạt nếu Trung Cộng cố tình vi phạm! Điều khoản trên chắc được tất cả mọi người ủng hộ, mặc dù nó không liên hệ gì đến ngân sách chính phủ Mỹ hoặc cứu trợ Covid. Nhưng còn nhiều điều khác thì thường là không. Các nghị sĩ và dân biểu hai đảng phải thỏa hiệp với nhau để có thể đưa các điều mình muốn cho “quá giang” trong dự luật mới, theo lối anh gãi lưng tôi, tôi gãi lưng anh. Có khi họ mặc cả không phải để thêm một điều, mà đồng ý bỏ bớt. Thí dụ, trước đây các đại biểu đảng Dân chủ đã khăng khăng đòi phải có một ngân khoản trợ (trăm tỷ đâu có bao nhiêu) để giúp chính quyền các tiểu bang và thị xã; vì Covid 19 làm ngân sách của họ cạn kiệt. Nhưng cuối cùng họ đồng ý rút đề nghị đó lại. Để đáp lại, các đại biểu Cộng Hòa chấp nhận bỏ không đòi miễn tội, toàn xá cho các công ty, xí nghiệp, nếu họ bị nhân viên kiện vì lây bệnh Covid-19 trong lúc làm việc. Sau khi thỏa thuận trao đổi; cả hai điều đó không được ghi vào luật! Các tiểu bang và các đại công ty mừng hụt! Một chuyện bất ngờ là những điều khoản nhằm bảo vệ môi trường sống, đầu tư vào việc nghiên cứu, và hỗ trợ công nghiệp điện gió và điện mặt trời. Số tiền lớn hơn tất cả các ngân khoản đã chi trong hàng chục năm qua. Thông thường chỉ một chính phủ của đảng Dân chủ mới đưa ra đề nghị này. Đó cũng là một lý do Tổng thống Donald Trump vừa cầm bút vừa cằn nhằn, khi ông bất đắc dĩ phải ký tên vào đạo luật. Vì nếu không chính phủ sẽ phải đóng cửa và dân thất nghiệp sẽ oán thoán! Chắc chắn ông cũng không hài lòng với số tiền $1.375 tỷ trong dự luật để xây dựng tiếp bức tường ở biên giới Mexico! Trong một tuần lễ, dân Mỹ hồi hộp theo dõi tấn tuồng “Phủ Quyết hay không Phủ Quyết?” Ông Trump đã phủ quyết (veto) dự luật chi phí quốc phòng $740 tỷ mỹ kim. Ai cũng đoán, một tuần sau hai viện quốc hội sẽ bác bỏ, với đa số tuyệt đối. Nhưng trong năm, sáu ngày liền không ai đoán được ông tổng thống có phủ quyết các dự luật ngân sách và Covid hay không, cho đến khi ông đành nhượng bộ. Tuy đặt bút ký tên, nhưng Tổng thống Trump vẫn không chịu thua. Ông ký kèm theo một danh sách các điều “bị vạch đỏ” mà ông chê là chi tiêu phí phạm cần phải xóa bỏ, kèm theo một điều ông muốn thêm vô vào ngân sách quốc phòng nhưng không ai nghe. Dựa vào một điều luật năm 1974, ông Trump có quyền “bắt ngưng” (freeze) không chi các khoản tiền mà ông “gạch bút đỏ.” Phải ngưng lại trong vòng 45 ngày, kể từ lúc quốc hội họp lại. Quốc hội sẽ họp lại ngày 3 tháng Giêng năm 2021! Trong 45 ngày sau đó, ông Joe Biden có thể đã tuyên thệ làm tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, mặc dù ông Trump không đồng ý. Từ ngày 3 đến ngày 20 tháng Giêng sẽ còn nhiều màn kịch ly kỳ, hồi hộp! Dân Mỹ còn tiếp tục được coi tấn tuồng chính trị năm 2020 kéo dài qua năm 2021!  
......

10 sự kiện thế giới đáng chú ý trong năm 2020

Việt Tân Cứ vào đầu tháng Mười Hai hàng năm, các nhân sự biên tập của Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân gặp gỡ nhau để bình chọn những tin tức Việt Nam và Thế Giới được cho là nổi bật nhất trong năm. Mỗi nhân sự được chọn từ 5 đến 10 tin tức mà mình cho là đáng chú ý nhất dựa trên ba tiêu chí: 1) Đặc thù nhất trong năm; 2) Có tác dụng hay ảnh hưởng lên xã hội; 3) Có những tác động lâu dài lên đời sống hay sự tiến bộ của nhân loại.  Các đề nghị đã được tổng hợp lại và tuyển chọn. Sau đây là 10 sự kiện Thế Giới của năm 2020 có tầm ảnh hưởng và tính chất đặc thù nhất theo đánh giá của chúng tôi. Xin được giới thiệu đến quý độc giả.  *** Đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu Cuối tháng Mười Một, 2019, một loại virus Corona chủng mới gây chết người xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Mặc dù giới chức y tế tại địa phương đã cảnh báo nhưng chính quyền trung ương bưng bít thông tin và không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Lúc đó, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng đánh giá thấp tầm nguy hiểm và không xem đó là đại dịch. Cho đến ngày 9 tháng Giêng, 2020, khi đại dịch bùng nổ khắp 80 thành phố lớn ở Hoa Lục và bắt đầu lây lan sang một vài quốc gia Á Châu thì WTO mới vội vã xác nhận đây là một dịch bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn SARS-CoV-2 tác động toàn cầu. Đúng một tháng sau vào ngày 11 tháng Hai, WHO đặt tên đại dịch này là COVID-19. Từ tháng Ba, 2020 đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu. Chính phủ của các quốc gia trên thế giới đã tiến hành đồng loạt các biện pháp đối phó nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân và ngăn chặn sự lây nhiễm như: Hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện tập họp đông người, đóng cửa trường học, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khuyến khích người dân ở nhà, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường; đồng thời thay đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc sang trực tuyến. Việc cấm đi lại đã khiến cho các ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn bị thiệt hại nặng nề, chính phủ của từng nước đã phải ra tay hỗ trợ tài chánh cho người dân cũng như trợ giúp các xí nghiệp cầm cự qua cơn đại dịch. Tính cho đến nay, số người lây nhiễm trên toàn thế giới là trên 80 triệu, con số tử vong lên đến gần 2 triệu người. Có ba quốc gia bị thiệt hại về nhân mạng nặng nề nhất là Hoa Kỳ gần 20 triệu người lây nhiễm và gần 350 ngàn người tử vong), Ấn Độ trên 10 triệu người lây nhiễm và gần 150 ngàn người tử vong, Brazil gần 7,5 triệu người lây nhiễm và gần 200 ngàn người tử vong. Những tác hại to lớn của đại dịch COVID-19 đã khiến cho hầu hết các quốc gia trên thế giới công kích chính quyền Bắc Kinh đã cố tình bưng bít khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và không minh bạch về những triệu chứng nguy hiểm của virus corona, đồng thời tố cáo WHO đã đồng lõa với chính quyền Trung Quốc chậm trễ trong việc đối phó với đại dịch. Trong hội nghị trực tuyến của WHO với sự tham dự của 194 quốc gia thành viên vào ngày 19 tháng Năm, 2020, đa số đã thông qua Nghị Quyết thành lập một nhóm độc lập điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Tuy Nghị Quyết không đề cập đến Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã tìm mọi cách ngăn chặn nhóm điều tra mà WHO thành lập đến thu thập dữ kiện hoặc phỏng vấn những giới chức y tế tại Vũ Hán và một số thành phố.  Mãi cho đến trung tuần tháng Mười Một vừa qua, trước sức ép của quốc tế, Trung Quốc mới chấp nhận một phái đoàn điều tra trong đó không có những nhà khoa học Hoa Kỳ và một nước Âu Châu. Hong Kong đang bị nhuộm đỏ Bắt nguồn từ sự kiện chính quyền Hong Kong muốn thông qua Luật Dẫn Độ do Bắc Kinh dàn dựng, các cuộc biểu tình chống đối của người dân Hong Kong đủ mọi thành phần bùng nổ kéo dài liên tục nhiều tháng. Kế tiếp là thắng lợi vang dội của phe dân chủ Hong Kong trong cuộc bầu cử cấp quận cuối tháng Mười Một, 2019. Những chuyển biến này đã làm cho lãnh đạo Bắc Kinh hoảng sợ vì nhận ra xu hướng đòi độc lập của Hong Kong đã lên cao độ, ảnh hưởng rất lớn lên uy tín và quyền lực lãnh đạo của Tập Cận Bình. Bắc Kinh cũng như lo sợ phe dân chủ tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong vào tháng Chín, 2020, và sẽ trở thành lực đối đầu với chính quyền Bắc Kinh nhằm đòi tách rời khỏi sự kiểm soát của Hoa Lục. Trong nỗi hoảng loạn đó, Tập Cận Bình cho ban hành Đạo Luật An Ninh Quốc Gia phiên bản Hong Kong nhằm đàn áp phe dân chủ trong việc vô hiệu hóa nỗ lực dân chủ của người dân Hong Kong trong nhiều thập niên qua. Không cần một thời hạn chuẩn bị, bộ luật được công bố và có hiệu lực ngay tức khắc từ giữa đêm 30 tháng Sáu 2020. Đạo luật quy kết những đòi hỏi và hoạt động ôn hòa của người dân Hong Kong vào những tội danh như hoạt động lật đổ, khủng bố, cấu kết với thế lực nước ngoài, đòi ly khai, v.v… Người vi phạm những quy định này có thể bị tuyên án tù cao nhất tới chung thân. Việc ban hành Luật An Ninh Quốc Gia của Bắc Kinh cũng cho người ta thấy là nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” tại Hong Kong coi như cáo chung sau 23 năm Anh trao trả cho Trung Cộng từ năm 1997, chứ không chờ đến năm 2047 như đã cam kết. Tất cả các quốc gia trên thế giới như Anh, các nước trong khối Liên Âu, Nhật Bản, Úc Châu đều chống lại Luật An Ninh Quốc Gia của Bắc Kinh. Đặc biệt, chính quyền Hoa Kỳ quyết định ngưng quy chế ưu đãi cho Hong Kong và đưa ra luật chế tài đối với các viên chức Trung Quốc và Hong Kong. Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ cũng thông qua Đạo Luật Bảo Vệ Dân Chủ và Nhân Quyền Hong Kong (Hong Kong Human Rights and Democracy Act). Hàng triệu người dân Hong Kong xuống đường phản đối đạo luật tiêu diệt nền tự do dân chủ của Hong Kong nhưng những cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh được điều từ Hoa Lục đến đàn áp thô bạo. Nhiều nhà hoạt động Hong Kong tuyên bố giải tán nhóm, tổ chức của mình để không trở thành đích nhắm của Luật An Ninh. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chưa từng có tiền lệ Cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020 được ghi nhận là cuộc bầu cử đầy kịch tính trong bối cảnh nước Mỹ bị nhấn chìm trong ba cuộc khủng hoảng đan chéo nhau: Đại dịch COVID-19, biểu tình chống kỳ thị sắc tộc và suy thoái kinh tế. Nhưng cuộc bầu cử đã có số người đi bầu cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hơn 158 triệu 200 ngàn người đã bỏ phiếu. Liên danh cựu Phó Tổng Thống Joe Biden và nữ Thượng Nghị Sĩ Kamala Harris nhận được 81 triệu 283 ngàn phiếu. Liên danh đương kim Tổng Thống Donald Trump và Phó Tổng Thống Mike Pence nhận được 74 triệu 223 ngàn phiếu. Trong cuộc bỏ phiếu của Đại Cử Tri Đoàn thuộc 50 tiểu bang và khu vực Washington D.C vào ngày 14 tháng 12, liên danh Biden – Kamala được 306 phiếu Đại Cử Tri, liên danh Trump – Pence được 232 phiếu Đại Cử Tri.  Theo hiến định, ông Joe Biden là tổng thống đắc cử và bà Kamala Harris là phó tổng thống đắc cử của nhiệm kỳ 2021-2025. Tuy nhiên, phía Tổng Thống Donald Trump ngay từ rạng sáng mồng 4 tháng Mười Một, lúc cuộc kiểm phiếu vẫn còn đang diễn ra tại các tiểu bang, đã tuyên bố rằng cuộc bầu cử có sự gian lận ở diện rộng. Nhóm luật sư phụ trách pháp lý của Tổng Thống Donald Trump đã nộp hơn 60 đơn kiện lên các tòa án tiểu bang, liên bang và cả Tối Cao Pháp Viện để yêu cầu hủy kết quả bầu cử tại một số tiểu bang chiến địa. Tuy nhiên tất cả đã bị Tòa bác bỏ vì không có những bằng cứ gian lận nào được đệ nạp một cách cụ thể, nhưng các diễn biến kiện tụng này đã tạo chia rẽ trầm trọng trong xã hội và làm dao động nền dân chủ Hoa Kỳ. Điều đáng chú ý là sự phức tạp của cuộc bầu cử đã bị tác động nặng nề thêm bởi nạn tin giả và thuyết âm mưu dày đặc trên mạng xã hội, không những gây hoang mang, chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ mà còn tạo ra tình trạng xung đột gay gắt giữa những người ủng hộ Trump hoặc chống Trump tại nhiều nơi trên thế giới. Theo Hiến Pháp Mỹ, ngày mồng 6 tháng Giêng, 2021, tân lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ khóa 117 nhóm họp dưới sự chủ tọa của đương kim Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ chính thức đếm lại phiếu Đại Cử Tri của hai liên danh và bên liên danh nào đạt quá 270 phiếu Đại Cử Tri sẽ chính thức là tổng thống và phó tổng thống thứ 46 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Lễ nhậm chức và chính thức chuyển giao quyền lực diễn ra vào ngày 20 tháng Giêng, 2021. Hiện nay, quá trình chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho Tổng Thống đắc cử Biden vẫn diễn ra theo đúng trình tự và thời hạn, mặc dù phía Tổng Thống Donald Trump vẫn cho đây là cuộc bầu cử gian lận và tuyên bố sẵn sàng thách thức kết quả kiểm phiếu Đại Cử Tri tại Quốc Hội vào ngày 6 tháng Giêng. Trong khi đó, Tổng Thống đắc cử Biden đã công bố danh tánh một số bộ trưởng trong nội các mới. Giới bình luận chính trị Hoa Kỳ đánh giá cao sự đa dạng cũng như khả năng và kinh nghiệm của những người được đề cử. Những người này cần phải được Thượng Viện phê chuẩn trước khi được tân tổng thống chính thức bổ nhiệm và tuyên thệ nhậm chức. Cuộc chạy đua chế tạo vaccine COVID-19 Trận chiến phòng và chống đại dịch COVID-19 không chỉ là ngăn ngừa việc lây nhiễm, cứu cũng như giảm số người tử vong mà còn là cuộc chiến đấu tìm ra những loại vaccine để chấm dứt dịch bệnh trong lâu dài. Cuộc chiến này đã đuợc đội ngũ các nhà khoa học của hơn 45 quốc gia trên toàn thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu bất kể ngày đêm, từ cuối tháng Hai, 2020. Đến tháng Mười, một số viện nghiên cứu từ các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Anh, Đức, Brazil, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã công bố một số kết quả. Lúc đó có khoảng 10 loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng: 1/ Moderna (Hoa Kỳ); 2/ CanSino với Viện Công Nghệ Sinh Học Bắc Kinh (Trung Quốc); 3/ AstraZeneca và Đại Học Oxford (Anh Quốc); 4/ Viện Nghiên Cứu Gamaleya (Nga); 5/ Sinopharm và Viện Sản Phẩm Sinh Học Bắc Kinh (Trung Quốc); 6/ Janssen (Hoa Kỳ); 7/ Sinovac và Viện Butantan (Brazil); 8/ Sinopharm và Viện Sản Phẩm Sinh Học Vũ Hán (Trung Quốc); 9/ Novavax (Hoa Kỳ); 10/ Viện Pfizer (Hoa Kỳ) và BioNtech (Đức). Mục đích của vaccine thường là đưa virus vào hệ thống miễn dịch một cách vô hại để giúp hệ thống miễn dịch nhận ra kẻ xâm lược và “lâm chiến” chống địch bảo vệ cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều cách để làm điều này và các nhà nghiên cứu đang sử dụng cách tiếp cận khác nhau. Hiện nay, hai loại vaccine của Pfizer & BioNtech và Moderna đã được Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) của Hoa Kỳ chứng nhận và bắt đầu cho tiêm chủng ngừa đại chúng tại Hoa Kỳ cũng như tại Anh, Canada và các nước trong khối Liên Âu kể từ đầu tháng Mười Hai, 2020. Có thế nói, trong cuộc chạy đua tìm vaccine COVID-19, Hoa Kỳ là nơi đã đi tiên phong trong việc thí nghiệm, sản xuất và bắt đầu tiêm chủng ngừa ở diện rộng trong khi các quốc gia khác như Trung Quốc, Nga vẫn còn trong giai đoạn “thử nghiệm” tiêm chủng. Vaccine của Pfizer & BioNTech do hai vợ chồng khoa học gia người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ là Tiến Sĩ Ugur Sahin và Ozlem Tureci đã dành ra nhiều năm trước đây nghiên cứu về công nghệ mRNA, chuỗi gien được đưa vào cơ thể giúp tự vệ chống lại virus corona và các mối đe dọa khác. Trong khi đó, vaccine của Moderna đến từ sự đóng góp rất lớn của một nhóm khoa học gia tại Viện Nghiên Cứu về Vaccine thuộc National Institutes of Health (NIH), đứng đầu bởi Bác Sĩ Berney Graham và Tiến Sĩ Kizzmekia Corbett. Moderna cũng dựa trên công nghệ mRNA (messenger Rubonucleic Acid) để nghiên cứu và dùng Trí Tuệ Nhân Tạo với các máy vi tính chạy rất nhanh trước khi được bào chế và thử nghiệm. Cả hai loại vaccine đều sử dụng cùng một cách tiếp cận là tiêm một phần mã di truyền của virus để tạo ra phản ứng miễn dịch. Dữ liệu sơ bộ cho chúng ta thấy rất giống nhau về độ an toàn và hiệu năng phòng bệnh lên tới 95%. Vaccine của Moderna dễ bảo quản và chuyển tải hơn vì cần giữ ở nhiệt độ âm -20°C (-4°F) trong 30 ngày, trong khi vaccine  của Pfizer & BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ cực lạnh -70°C (-94°F) và chỉ giữ được 5 ngày. Vaccine thứ 3 của AstraZeneca/Oxford, chưa được FDA của Mỹ chấp thuận hiện đang được sản xuất tại Ấn Độ và chờ được chính phủ Ấn và Anh chuẩn thuận. Cuộc chiến công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được Tổng Thống Donald Trump phát động vào tháng Ba, 2018 để ngăn chặn những hành vi thương mại không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ từ Bắc Kinh. Kể từ đó hai phía đã tung ra các biện pháp áp thuế lẫn nhau không chỉ tạo ra tình trạng căng thẳng giữa hai nước mà còn có nguy cơ đe dọa sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sau 18 tháng xung đột không đi vào đâu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạm ngưng cuộc chiến qua việc ký kết bản Thỏa Thuận số 1 vào ngày 15 tháng Giêng, 2020 tại Tòa Bạch Ốc. Qua thỏa thuận này, Bắc Kinh chịu mua thêm 200 tỷ Mỹ Kim sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa dịch vụ và những cung ứng về năng lượng trong hai năm 2020-2021. Ngược lại phía Hoa Kỳ sẽ bãi bỏ thuế quan đánh vào điện thoại di động, đồ chơi và máy laptop, cũng như bỏ một nửa thuế quan 7,5% đánh vào 120 tỷ Mỹ Kim những mặt hàng như truyền hình, dụng cụ nghe bluetooth và giày dép nhập vào thị trường Mỹ. Hai phía dự trù sẽ tiếp tục đàm phán trong giai đoạn 2. Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến cho mọi thứ bị đảo lộn. Trung Quốc không những không thực hiện lời hứa mua 50 tỷ Mỹ Kim hàng nông phẩm của Mỹ, mà còn có những hành động bá quyền trên Biển Đông và nhất là công khai cạnh tranh sức mạnh mềm của Hoa Kỳ trên nhiều lãnh vực, đặc biệt là công nghệ cao. Với chiến lược thao túng công nghệ thế giới, Tập Cận Bình đã đưa ra chiến lược Made in China 2025 với chủ trương thu tóm 10 lãnh vực công nghệ cao vào năm 2025 cùng với việc nuôi dưỡng các công ty như Huawei, Alibaba, Tencent, Xiaomi, Baidu, ByteDance, ZTE để cạnh tranh với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù Trung Quốc cố gắng nổi lên mạnh mẽ như một cường quốc công nghệ nhưng không dễ gì có thể soán được ngôi vị của Hoa Kỳ vì Trung Quốc phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong những công nghệ quan trọng nhất như bán dẫn, hệ điều hành, chip… dù đã tự chủ trong các lãnh vực liên quan đến tiêu dùng và mạng xã hội. Tổng Thống Donald Trump coi việc ngăn chặn tham vọng công nghệ cao của Trung Quốc là mối bận tâm chính. Vì vậy ông đã ban hành hàng loạt các lệnh hành pháp nhằm trừng phạt các công ty công nghệ cao của Trung Quốc như ZTE, Huawei, WeChat (Tencent), TikTok (ByteDance). Mục tiêu của Hoa Kỳ là giới hạn một cách nghiêm ngặt hơn việc tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc tiếp cận với các công nghệ Hoa Kỳ và cắt đứt chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghệ cao vào Trung Quốc, đặc biệt từ Đài Loan, nơi mà một số công ty Hoa Kỳ như Intel, NVIDIA, AMD đặt nhà máy sản xuất. Theo Bloomberg, Trung Quốc phụ thuộc vào công nghệ Hoa Kỳ nhiều nhất ở ngành bán dẫn, với các sản phẩm như chip máy tính, điện thoại và chip chuyển mạch cũng như hệ điều hành Windows của Microsoft. Đây đều là những thành phần không thể thiếu trong các thiết bị thông minh, và các hãng Trung Quốc gần như chưa có giải pháp thay thế hợp lý. Giới trẻ Thái Lan thách đố Hoàng Gia Thái Nói đến tình hình chính trị tại Thái Lan trong gần hai thập niên vừa qua, hình ảnh gây ấn tượng nhất là những cuộc biểu tình rầm rộ giữa hai phe áo Vàng (ủng hộ Hoàng Gia và phe quân đội) và phe áo Đỏ (lực lượng quần chúng ủng hộ phe dân sự mà cụ thể là thế lực chính trị của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra). Nhưng từ khi Tướng Prayut Chan-o-cha làm cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền dân sự của nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra và lên nắm quyền từ năm 2014 cho đến nay, tình hình chính trị tại Thái Lan đã thay đổi. Đó là sự xuất hiện một phong trào trẻ tham gia vận động chính trị dân chủ với sự ra đời của đảng Hướng Đến Tương Lai (Future Forward Party) vào năm 2018. Đảng này đã cùng với đảng Pheu Thai thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng Năm, 2019; nhưng phe quân đội và Tướng Prayut đã có những vận động ngầm ở hậu trường để Tướng Prayut tiếp tục được bầu làm thủ tướng. Nhằm ngăn chặn làn sóng đấu tranh của giới trẻ, Thủ Tướng Prayut đã để cho tòa án hôm 21 tháng Hai, 2020 ra phán quyết giải tán đảng Hướng Đến Tương Lai và cấm 15 người trong ban lãnh đạo không được hoạt động chính trị trong 10 năm, với lý cớ là đã vi phạm luật đảng phái khi nhận khoảng 6 triệu Mỹ Kim từ tỷ phủ Thanathorn Juangroongruangkit, người sáng lập ra đảng này. Biến cố này đã khiến cho giới trẻ Thái Lan phẫn nộ và làm bùng nổ các cuộc biểu tình chống chính phủ khắp thủ đô Bangkok. Tuy nhiên đến tháng Ba, do đại dịch COVID-19 bùng nổ với lệnh cách ly xã hội, nên mọi cuộc biểu tình bị khựng lại. Mãi cho đến tối Chủ Nhật, ngày 16 tháng Tám, hơn 10 ngàn sinh viên Thái Lan và quần chúng đã tràn ngập đại lộ Ratchadamnoen và Quảng Trường Dân Chủ, thủ đô Bangkok, khởi động lại những cuộc biểu tình đòi Thủ Tướng Prayut thực thi ba yêu sách: Giải tán quốc hội, sửa đổi hiến pháp, chấm dứt sách nhiễu những ai chống chính phủ. Nhưng đến tháng Mười, các cuộc biểu tình tăng cường yêu sách, đòi Thủ Tướng Prayut từ chức và đặc biệt yêu cầu cải cách Hoàng Gia. Sinh viên Thái Lan đã đưa ra 10 đòi hỏi, trong đó có một số yêu sách quan trọng như: Bãi bỏ Điều 6 của Hiến Pháp năm 2017 không cho phép bất cứ ai kết tội chống lại nhà Vua; Bãi bỏ Điều 112 của Bộ Luật Hình Sự cũng như cho phép người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận về chế độ quân chủ và ân xá cho tất cả những người bị truy tố vì chỉ trích chế độ quân chủ; Chấm dứt việc thực hiện đặc quyền của Hoàng Gia đối với việc bày tỏ chính kiến ​​trước công chúng. Đây là những đòi hỏi được coi là “phạm thượng” vì bị luật pháp Thái nghiêm cấm; nhưng giới trẻ Thái đã vượt qua ngưỡng cửa sợ hãi, đứng lên kêu gọi một cuộc thay đổi căn bản, nhằm xây dựng một nền tảng chính trị dân chủ cho Thái Lan mà cụ thể là “Nhà vua không được phê chuẩn bất kỳ cuộc đảo chính của quân đội nào nữa.” Các cuộc biểu tình của giới trẻ Thái Lan vẫn còn đang tiếp diễn. Cuộc chiến công hàm về Biển Đông Lợi dụng vào lúc Hoa Kỳ và các quốc gia trong khu vực bận tâm giải quyết những tác hại của đại dịch COVID-19, Trung Quốc một mặt gia tăng khống chế Hong Kong qua Luật An Ninh Quốc Gia, uy hiếp Đài Loan và nhất là đưa nhóm tàu Liêu Ninh cùng với hai khu trục hạm trang bị hỏa tiễn lớp 52D, hai khinh hạm trang bị hỏa tiễn lớp 54A, một tàu tiếp liệu lớp 901 đến Biển Đông và mở các cuộc tập trận bắn đạn thật. Để đối phó, Hoa Kỳ đã đưa cùng lúc ba hàng không mẫu hạm sử dụng năng lượng hạt nhân đến Biển Đông. Các tàu USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt hoạt động ở vùng Tây Thái Bình Dương, còn USS Nimitz hoạt động ở vùng Đông Thái Bình Dương kể từ giữa tháng Sáu, 2020 trở đi. Ngoài ra, Hoa Kỳ đã hợp tác với lực lượng hải quân của Nhật Bản, Úc Châu và Ấn Độ liên tục tổ chức các cuộc tập trận trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đặc biệt, lực lượng Hoa Kỳ và Nhật Bản đã tổ chức tập trận chung trên biển Hoa Nam để bảo vệ quần đảo Đài Loan, và đảo Senkaku của Nhật Bản mà Trung Quốc nhiều lần muốn chiếm đóng. Bên cạnh những căng thẳng do các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gây ra, tình hình biển Đông năm 2020 có một dấu ấn mới, đó là cuộc chiến pháp lý liên quan đến hàng loạt các công hàm của một số quốc gia lên tiếng phản đối chủ trương “Quyền Lịch Sử” của Trung Quốc về đường chín đoạn trên Biển Đông. Trong vòng 10 tháng, từ tháng Mười Hai, 2019 đến tháng Chín, 2020 đã có tất cả 16 Công Hàm, 2 Công Thư Ngoại Giao và một Tuyên Bố (thông qua Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc) đã được công bố. Brunei gửi một Tuyên Bố, Malysia gửi 2 Công Hàm, Phi Luật Tân gửi 2 Công Hàm, Việt Nam gửi 3 Công Hàm, Indonesia gửi 2 Công Hàm, Trung Quốc gửi 5 Công Hàm, 1 Công Thư Ngoại Giao, Úc Châu gửi 1 Công Hàm, Anh – Pháp – Đức cùng gửi 1 Công Hàm và Hoa Kỳ gửi 1 Công Thư Ngoại Giao. Đặc biệt là Thông Cáo Báo Chí của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố vào ngày 13 tháng Bảy, 2020 lên án các hảnh vi phi pháp và bắt nạt của Trung Quốc đối với các nước trong vùng, đã mở đầu một loạt những tuyên bố mạnh mẽ sau đó của các quốc gia đồng minh rẳng các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông là “không có căn cứ pháp lý.” Điểm nhấn chính của các công hàm là đòi Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài Liên Hiệp Quốc vào năm 2016 về việc Phi Luật Tân kiện Trung Quốc. Các nước cho rằng phán quyết của Tòa là chung thẩm. Từ những nỗ lực này đã khuyến khích các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân mạnh dạn hơn trong các tuyên bố về chủ quyền cũng như sẵn sàng tham gia và hợp tác với Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ) trong việc giải thích và áp dụng Luật Biển trong toàn khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Ngoài ra, sau khi lên tiếng chung trong một Công Hàm phản đối Trung Quốc, ba quốc gia Đức, Pháp và Anh lần đầu tiên đưa ra chính sách về Biển Đông khẳng định rẳng Trung Quốc không có “cơ sở pháp lý nào” để tuyên bồ chủ quyền trên vùng biển này. Anh Quốc chính thức đưa hàng không mẫu hạm HSM Queen Elizabeth đến Biển Đông và hợp tác với Nhật tuần tra cả biển Hoa Nam. Trong khi đó Pháp dự trù đưa hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle hợp tác với lực lượng Ấn Độ để tuần tra Ần Độ Dương và Biển Đông vào năm 2021. Những diễn biến nói trên đã thúc đẩy Trung Quốc hứa soạn thảo nhanh chóng Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với khối ASEAN mà Bắc Kinh đã cố tình trì hoãn từ năm 2003 cho đến nay. Những tác hại của biến đổi khí hậu Biến đổi khí hậu là một thảm họa toàn cầu được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm qua, nhưng riêng trong năm 2020 thế giới đã hứng chịu thiên tai nhiều hơn bao giờ hết. Trước hết là nạn Khô Hạn – Cháy Rừng ở diện rộng, khiến cho hàng chục triệu hecta ở nhiều nơi bị tàn phá mà mọi cố gắng của con người để ngăn ngừa hầu như vô vọng, chỉ nỗ lực dập lửa và giới hạn tác hại. Độ hâm nóng toàn cầu cũng khiến cho nhiều nơi trên quả đất bị hạn hán trong thời gian dài với những cơn cháy bộc phát rất nhanh. Những cơn gió nóng mang mồi lửa qua những địa phương kế cận tạo nên tình trạng cháy nhiều nơi cùng lúc khiến mọi nỗ lực của con người chỉ như muối bỏ biển. Trong năm 2020, có ba nơi đã xảy ra nạn cháy rừng khủng khiếp nhất hành tinh là rừng Amazon với gần 7000 đám cháy. Tại Úc Châu đã thiêu rụi 12 triệu 600 ngàn hecta đất rừng, khiến môi trường sống của hàng tỷ thú rừng nơi đây bị hủy diệt, chưa kể đến thiệt hại vật chất và nhân mạng con người. Tại Hoa Kỳ, nhiều trận cháy đã liên tục bùng phát ở các tiểu bang California, Oregon và Washington với mức độ gấp trăm lần so với những năm trước. Ước tính các đám cháy đã tiêu hủy gần 2 triệu hecta khu rừng miền Tây nước Mỹ, gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 20 tỷ Mỹ Kim. Kế đến là nạn Mưa Bão – Lũ Lụt cũng đã tàn phá, hủy hoại môi trường, tài sản và mạng sống con người không nhỏ ở nhiều quốc gia. Trung Quốc là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 70 triệu người từ 28 tỉnh và thành phố bị ảnh hưởng bởi những trận mưa và lũ lụt liên tục từ tháng Năm kéo dài đến tháng Chín, 2020, làm 271 người chết, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 29 tỷ Mỹ Kim. Tổng cộng 751 con sông ở Trung Quốc đã vượt qua mức cảnh báo và một số con sông lớn bao gồm sông Dương Tử, Hoàng Hà và Thái Hồ đã phải hứng chịu lũ lụt. Lần đầu tiên ba lưu vực sông lớn này trải qua một trận lũ lụt ở cấp độ khu vực hoặc trên mức trung bình kể từ năm 1998. Riêng đập Tam Hiệp lớn nhất thế giới đã phải gánh đến 5 đợt lũ lớn. Đỉnh điểm là vào ngày 20 tháng Tám, lưu lượng dòng chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp lên đến 75.000 mét khối/giây. Đập Tam Hiệp đã phải mở 11 cửa xả lũ với lưu lượng xả 49.400 mét khối/giây. Tại Viêt Nam, chỉ riêng từ giữa tháng Chín đến giữa tháng Mười Một, 2020, bão, lũ đã xảy ra liên tiếp tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Chỉ trong hai tháng có đến 8 cơn bão liên tục đổ xuống với cường độ dữ dội, gây ngập lụt, sạt lở kinh hoàng, khiến cho 342 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế lên tới 1,31 tỷ Mỹ Kim. Nhưng những thiệt hại phấn lớn là do tác hại của nạn phá rừng để làm thủy điện. Trong các năm qua, đã có hơn 50.000 hecta rừng bị tàn phá để nhường chỗ cho 824 nhà máy thủy điện. Trung bình để xây một thủy điện mất hết 59 hecta rừng. Đặc biệt là vụ sạt lở ngọn núi nằm cạnh Thủy Điện Rào Trăng 3 ở Huế vào ngày 12 tháng Mười đã san phẳng nhà điều hành, khiến 17 công nhân bị vùi lấp mà cho đến nay vẫn chưa tìm ra thi thể các nạn nhân. Ngoài những vấn nạn lũ lụt và cháy rừng, năm 2020 còn là một trong ba năm nóng nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ trung bình toàn cầu chạm mốc tăng 1,2°C. Có khoảng 10 triệu người mất nơi cư trú trong năm nay, phần lớn do các thảm họa khí tượng thủy văn. Căng thẳng Úc – Trung: “Châu chấu đá xe” Quan hệ giữa Úc Châu và Trung Quốc bắt đầu xấu đi vào khoảng tháng Tư, 2020 khi bà Ngoại Trưởng Úc Châu Marise Payne tỏ ý nghi ngờ về sự minh bạch của Bắc Kinh trong đại dịch COVID-19, đồng thời yêu cầu điều tra quốc tế về nguồn gốc và cách lây lan của đại dịch này. Ngay lập tức, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đáp trả bằng cách tấn công bà Ngoại Trưởng Payne rằng “lời kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 là nguy hiểm mang tính thao túng chính trị.” Đồng thời Đại Sứ Trung Quốc tại Canberra Cheng Jingye lên giọng kiểu “ngoại giao chiến lang” hăm dọa rằng người tiêu thụ tại Trung Quốc sẽ tẩy chay các sản phẩm của Úc Châu như rượu vang, thịt bò và các dịch vụ du lịch. Chỉ vài tuần sau, 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Úc gồm Kilcoy Pastoral, JBS’s Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu sang Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch. Căng thẳng Úc – Trung bắt đầu bùng nổ mạnh từ đó. Trong quan hệ giữa Úc Châu và Trung Quốc, phải nói là Úc ở về phía yếu hơn, khi dân số chỉ có 25 triệu trong lúc Trung Quốc là 1,4 tỷ người. Khoảng 32% tổng số hàng xuất cảng của Úc Châu là sang thị trường Trung Quốc, trị giá khoảng 123 tỷ Mỹ Kim (2019) gồm có quặng sắt, quặng kền, gỗ, len, tôm hùm, bông, lúa mạch, dược phẩm,… Ngược lại, Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Úc Châu chỉ chiếm một con số khiêm nhượng là 4% trong tổng số hàng nhập cảng của Úc. Chính vì lệ thuộc vào hàng xuất sang thị trường Trung Quốc nên từ nhiều năm qua, chính quyền Canberra giữ thái độ hòa hoãn và tránh né những lên tiếng hay hành động gây khó chịu đối với Bắc Kinh. Bước ngoặt đánh dấu sự xuống dốc trong quan hệ hai nước bắt đầu vào năm 2017 khi chính phủ Úc ra lệnh cấm việc hiến tặng mang tính chính trị, vì có những chỉ dấu Trung Quốc bỏ tiền mua chuộc và tạo ảnh hưởng lên các chính trị gia Úc. Nhất là Úc vào năm 2018 là nước đầu tiên cấm sử dụng công nghệ 5G của công ty Huawei cũng như ngăn chặn 10 vụ đầu tư của Trung Quốc trong lãnh vực nông nghiệp, chăn nuôi và hạ tầng cơ sở. Nhưng sự kiện nước Úc sát cánh củng với Nhật Bản hình thành Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng Mười Hai, 2018 và tích cực tham gia vào Bộ Tứ (gồm Hoa Kỳ, Úc Châu, Nhật Bản, Ấn Độ) để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương đã làm cho Bắc Kinh cảnh giác. Khi Úc lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh áp đặt Luật An Ninh Quốc Gia lên Hong Kong, cũng như gửi công hàm lên Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc phản đối chủ trương đường 9 đoạn và bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã khiến cho Bắc Kinh giận dữ. Đầu tháng Mười Một, Bắc Kinh đơn phương tăng 200% thuế lên các loại rượu vang nhập từ Úc và hăm dọa sẽ ngăn chặn việc nhập khẩu đường, tôm hùm, than đá và quặng đồng. Hiện nay chính phủ Úc đang khiếu nại lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) về việc Trung Quốc áp thuế lên lúa mạch của nước này. Căng thẳng Úc – Trung tiếp tục kéo dài sang năm 2021. Hiệp Định Thương Mại RCEP lớn nhất thế giới ra đời Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện Khu Vực – Regional Comprehensive Economic Partnership (RCEP) đã được ký kết qua trực tuyến hôm 15 tháng Mười Một giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, New Zealand và Trung Quốc. Đây là một thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới vào đầu Thể Kỷ 21 giữa các nước trong khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, với thị trường 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm tới 30% GDP toàn cầu. Đáng lý ra Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất (chiếm 40% GDP toàn cầu) và có chất lượng nhất tiêu biểu cho nền thương mại của Thế Kỷ 21, nhưng vì Hoa Kỳ đã rút ra vào đầu năm 2017, nên khi RCEP ra đời, theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, thì đây là một thắng lợi quan trọng của Trung Quốc trên mặt trận địa chính trị trong khu vực năng động nhất của thế giới hiện nay. RCEP khởi đầu là ý tưởng của Khối ASEAN, đã được đưa ra thảo luận đầu tiên trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN năm 2011 tại Bali, Indonesia. Sau một năm chuẩn bị và vận động thêm sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu, New Zealand và Ấn Độ, RCEP đã chính thức quyết định trong hội nghị thượng đỉnh họp tại Campuchia vào năm 2012. Tuy do ASEAN khởi xướng nhưng Trung Quốc là quốc gia đứng bên trong sắp xếp và điều hướng các cuộc đàm phán, bởi Bắc Kinh muốn dùng RCEP như  một thế trận đối trọng lại Hiệp Định TPP mà Hoa Kỳ cũng đang xúc tiến đàm phán với 11 quốc gia khác vào lúc đó. Sau khi Hoa Kỳ rút lui khỏi TPP vào tháng Giêng, 2017, Ấn Độ đã tuyên bố rút ra khỏi RCEP vào tháng Mười Một, 2019 vì không muốn nằm trong quỹ đạo khống chế của Bắc Kinh, nhưng lấy lý do là các ngành công nghiệp chế biến chưa sẵn sàng. Trong khi TPP được coi là một hiệp định thương mại thế hệ mới có “chất lượng vượt trội” bao gồm điều khoản bảo vệ quyền của người lao động, bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ, thì RCEP chỉ mang tính chất là một hiệp định thương mại bình thường với mục tiêu xóa bỏ 90% thuế quan nhập khẩu giữa các nước thành viên ký kết trong 20 năm tiếp theo, và thành lập được một quy tắc chung cho thương mại điện tử, trao đổi hàng hóa, và sở hữu trí tuệ. Với RCEP vừa ký kết, Việt Nam tuy có lợi là trên nguyên tắc có thể mua được nguyên vật liệu từ các nước thành viên rẻ hơn, xuất khẩu nông sản và thủy sản nhiều hơn… nhưng chắc chắn không thể cạnh tranh nổi với hàng hóa Trung Quốc khi Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; thêm vào đó, các doanh nghiệp Việt khó trụ nổi với sự cạnh tranh ác liệt từ các nước thành viên khác. Rốt cuộc Trung Quốc là kẻ hưởng lợi nhiều nhất về sự ra đời của RCEP cả trên hai mặt chính trị và thương mại./.  
......

Thấy gì trong gói 2,3 nghìn tỷ đô la vừa được ký bởi tổng thống Trump

Người Đà Lạt Xưa|   NHỮNG CHƯƠNG MỤC CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG NÊN NHÌN THẤY Nếu là người Mỹ, có lẽ họ sẽ quan tâm và vui mừng khi nhận được 2.000 đô la mỗi người lớn thay vì 600 đô la mỗi cá nhân trong gói cứu trợ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối với những nhà hoạt động chống cộng sản và độc tài, họ sẽ quan tâm nhiều hơn đến một số điều khoản quan trọng khác trong đạo luật ngân sách liên bang Hoa Kỳ mà Tổng thống Trump vừa ký vào hôm Chủ Nhật vừa qua. Đạo luật Chi tiêu Hợp nhất, năm 2021 (HR 133) là một gói chi tiêu chính phủ trị giá 2,3 nghìn tỷ đô la Mỹ, kết hợp 900 tỷ đô la cứu trợ kích thích cho đại dịch COVID-19 ở Hoa Kỳ với ngân sách chi tiêu hỗn hợp 1,4 nghìn tỷ đô la cho năm tài chính liên bang kết thúc vào ngày 30 tháng 9 năm 2021. HR 133 là dự luật đầu tiên đề cập đến đại dịch kể từ tháng 4 năm 2020, và còn là một trong những biện pháp chi tiêu lớn nhất từng được ban hành. Nó đã được Tổng thống Trump ký thành luật vào ngày 27 tháng 12 sau khi Thượng viện đã hứa rằng Mục 230, vốn có lợi cho "Big Tech" một cách không công bằng gây thiệt hại cho người dân Mỹ, sẽ được xem xét và chấm dứt hoặc cải tổ đáng kể. Thêm vào đó, Hạ viện chấp thuận bỏ phiếu để tăng khoản tiền trợ cấp từ 600 đô la mỗi cá nhân lên 2.000 đô la mỗi người lớn. Đương nhiên, nó rất quan trọng đối với những gia đình bốn người, điển hình vợ chồng và hai đứa con, vì họ sẽ nhận được 5.200 đô la. Tuy nhiên, đối với những nhà hoạt động chống cộng sản và độc tài, các điều khoản tăng trợ cấp cho người Mỹ có lẽ sẽ kém quan trọng so với một số chương mục khác trong văn bản 5.593 trang của một dự luật dài nhất từng được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Thứ nhất, quan trọng đứng đầu là việc kết hợp "Đạo luật Đảm bảo Đài Loan", chỉ đạo Bộ Ngoại giao xem xét hướng dẫn của mình điều chỉnh quan hệ Hoa Kỳ - Đài Loan. Đạo luật nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ là ủng hộ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào Liên hợp quốc, Đại hội đồng Y tế Thế giới, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế và các cơ quan quốc tế khác, nếu thích hợp. Hoa Kỳ cũng nên vận động để Đài Loan trở thành thành viên của Tổ chức Nông lương, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác mà tư cách nhà nước không phải là yêu cầu thành viên. “Đài Loan là một đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và là hình mẫu cho nền dân chủ ở châu Á. Môi trường chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vai trò của Đài Loan trong khu vực đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Đạo luật Đảm bảo Đài Loan giúp mở đường cho Hoa Kỳ thúc đẩy mối quan hệ với Đài Loan dựa trên tình hình địa chính trị ngày nay - chứ không phải năm 1979”, Thượng nghị sĩ Jim Risch (Cộng Hòa) công bố. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Zhao Lijian, đã đưa ra bình luận sáng nay tại một cuộc họp báo hàng ngày ở Bắc Kinh cho rằng: "Mỹ nên ngừng sử dụng Đài Loan để can thiệp vào các vấn đề đối nội của Trung Quốc," khi được đặt câu hỏi về gói chi tiêu mà ông Trump đã ký hôm Chủ nhật. Thứ nhì là việc kết hợp "Đạo luật Hỗ trợ và Chính sách Tây Tạng", chỉ đạo việc thành lập lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tây Tạng và tái khẳng định chính sách của Hoa Kỳ về việc kế vị hoặc tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma, nêu rõ rằng "Sự can thiệp của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hoặc bất kỳ chính phủ khác trong quá trình công nhận người kế vị hoặc tái sinh của Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 và bất kỳ Đạt Lai Lạt Ma nào trong tương lai sẽ thể hiện sự đàn áp trắng trợn quyền tự do tôn giáo của Phật tử Tây Tạng và người dân Tây Tạng." Đạo luật nêu rõ cách thức đảng cộng sản Trung Quốc can thiệp vào quá trình kế vị, đang giam giữ một cậu bé 6 tuổi được một số người xác định là Đạt Lai Lạt Ma tái sinh vào năm 1995, sẽ được coi là một thách thức đối với Trung Quốc. Đạo luật cho phép chính phủ Hoa Kỳ có quyền thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc can thiệp vào quá trình kế vị. Thứ ba là việc kết hợp Đạo luật Dân chủ, Nhân quyền và Chủ quyền Belarus, để tái ủy quyền lại Đạo luật Dân chủ Belarus năm 2004. “Cuộc đàn áp bạo lực và đang diễn ra nhắm vào những công dân ôn hòa phản đối sự cai trị độc tài của ông Lukashenka ở Belarus là vô lương tâm. Đạo luật được thông qua hôm nay tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với người dân Belarus và mong muốn của họ về một tương lai tự do và dân chủ hơn,” ông Risch nhấn mạnh. Và cuối cùng là ngân sách 33 triệu đô la dành cho các chương trình dân chủ của Venezuela. Đứng ở vị trí của các nhà hoạt động, đấu tranh cho tự do và dân chủ, họ tìm hiểu và phân tích gói chi tiêu nghìn tỷ của chính phủ Hoa Kỳ ở một góc cạnh khác. December 28, 2020    
......

Dự án “giám sát đập Mekong” qua vệ tinh

Nguyễn Thanh Văn -Việt Tân| Vào ngày 14 tháng Mười Hai, 2020, Hoa Kỳ chính thức bắt đầu đưa dự án Giám Sát Đập Mekong (MDM) đi vào hoạt động. Dự án này do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hợp tác cùng Viện nghiên cứu Stimson và Công ty tư vấn Eyes on Earth thực hiện và tài trợ.   Theo phía Hoa Kỳ thì MDM nhằm hợp tác và giúp chính phủ các nước trong Ủy Ban Sông Mekong (MRC - Cơ quan liên chính phủ với các thành viên là các ủy ban sông Mekong của Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan) và chính quyền địa phương nâng cao khả năng tiếp cận và sử dụng dữ liệu để theo dõi mực nước hồ chứa của 13 đập thủy điện trên dòng chính của sông Mekong và 15 đập ở phụ lưu, đồng thời hỗ trợ việc ra quyết định dựa trên khoa học hiện đại.   Sông Mekong dài 4.350 cây số phát nguyên từ Tây Tạng là một trong những con sông dài nhất trên thế giới, chảy qua Trung quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam. Là sinh kế của hơn 65 triệu người dân đang sống dọc hai bên bờ sông. Trong đó bao gồm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam với hơn 17 triệu người. Dòng chảy xuống hạ lưu mang theo cá và phù sa. Trong đó, phù sa sẽ giúp các khu vực ở hạ lưu trở nên “chắc” hơn, giảm đi sự sụt lún được dự đoán do biến đổi khí hậu. Khi dòng chảy bị giảm mạnh thì sẽ gây ra thiệt hại lớn cho môi trường, làm tổn hại đến cuộc sống của cư dân hạ lưu và gây ra hạn hán và lũ lụt. Vùng hạ lưu sông Mekong trong những năm gần đây thường gặp hạn trong mùa khô và thiếu nước trong mùa mưa. Theo các chuyên gia, có hai nguyên nhân chính gây ra: Thứ nhất là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino dẫn đến nắng hạn gay gắt và lượng mưa thấp. Thứ hai là lượng nước đổ về từ sông Mekong bị giảm mạnh do hệ thống các đập thủy điện được nhiều quốc gia xây dựng trên dòng chính của con sông. Đặc biệt với 11 nhà máy thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long vì nằm ở vị trí cuối nguồn và sông Mekong là con sông cung cấp nguồn nước chính nên dễ bị tổn thương một khi khu vực này rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và trải qua mùa khô hạn, dẫn đến hiện tượng nước mặn xâm nhập ngược dòng. Có năm nước mặn vào sâu trong nội địa khoảng 80 cây số. Trước năm 2012, mực nước lên xuống của sông Mekong còn dao động lớn theo mùa mưa và  mùa khô. Nhưng từ năm 2012 trở đi mực nước thực tế lên xuống bất thường hơn, nhiều giai đoạn lên xuống không theo mùa mưa - mùa khô, và cũng không dao động lớn và đều thấp hơn đáng kể so với mực nước “tự nhiên”. Theo giới chuyên gia môi trường thì hiện tượng này chỉ xảy ra sau khi Trung Quốc cho vận hành con đập Tiểu Loan (Xiaowan), là con đập lớn nhất trong loạt các con đập trên sông Lan Thương với chiều cao lên đến 292m, cao nhất thế giới, tạo nên một hồ chứa nước có dung tích 15 tỉ mét khối và rộng hơn 190 km2. Các con đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại một lượng nước lớn ở thượng nguồn sông Mekong ngay cả trong mùa mưa, gây thiệt hại cho khu vực hạ lưu dù Trung Quốc có mực nước cao hơn mức trung bình. Lượng nước này theo ước tính đóng góp tới 40% dòng chảy ở hạ lưu vào mùa khô. Nói cách khác, trong 8 năm qua, vào mỗi mùa mưa, hạ lưu sông Mekong nhìn chung đã khô hạn hơn so với nếu không có các đập Trung Quốc. Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ mới đây cho biết, vào năm 2019 đã xảy ra một đợt khô hạn bất thường tại vùng hạ lưu sông Mekong mặc dù thời gian này là mùa mưa (từ khoảng tháng 5), khiến mực nước xuống thấp kỷ lục vào tháng Bảy, 2019. Tuy nhiên trong thời gian đó, ngay cả khi ở hạ lưu khô hạn, thì thượng nguồn sông Mekong vẫn có dòng chảy lớn. Nhưng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại lượng nước cao kỷ lục, đến mức mực nước tại Thái Lan không hề tăng trong cả 6 tháng mùa mưa 2019. Theo nghiên cứu của Mekong Freedom Network (một nhóm xã hội dân sự nghiên cứu tác động của các đập được xây dựng dọc sông Mekong) và Tổ chức Eyes on Earth, có trụ sở tại Mỹ, thì các đập thủy điện chắn ngang sông Mekong (Lan Thương) trên đất Trung Quốc đã giữ lại gần 47 tỷ mét khối nước cho các mục đích phát điện, tưới tiêu... Theo New York Times, một báo cáo hồi tháng Tư, 2020 của cơ quan giám sát tài nguyên nước Hoa Kỳ có tên “Eyes on Earth” đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc kiểm soát lượng nước ở thượng nguồn từ năm ngoái đã dẫn đến hạn hán nghiêm trọng ở các nước hạ lưu, một số con sông đã hoàn toàn khô cạn, lòng sông nứt nẻ vào đúng mùa đánh bắt cá; trong đó một trạm quan trắc ở Chiang Saen, miền bắc Thái Lan đã ghi nhận mực nước thấp kỷ lục mới. Đồng tác giả của báo cáo, ông Alan Basist, nói thẳng: "Dữ liệu vệ tinh không biết nói dối. Có rất nhiều nước ở cao nguyên Tây Tạng, nhưng các quốc gia như Campuchia và Thái Lan đang phải đối mặt với các mối đe dọa cực độ."   Mới đây, ông Brian Eyler, người đứng đầu Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn Hệ thống giám sát mực nước, có trụ sở tại Washington, cho biết: "Chứng cứ do hệ thống giám sát cung cấp cho thấy, sau khi thiết kế và vận hành, 11 đập thủy điện lớn của Trung Quốc chỉ biết tối đa hóa sản lượng thủy điện để bán cho các tỉnh miền Đông Trung Quốc sử dụng, mà không hề xem xét ảnh hưởng đối với hạ nguồn."   Trung Quốc phản ứng gay gắt và bác bỏ nghiên cứu của Hoa Kỳ cho rằng các con đập của Trung Quốc đã giữ lại nước, gây bất lợi cho các quốc gia ở hạ nguồn sông Mekong. Viện Quy hoạch và Thiết kế Thủy điện và Thủy lợi Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đưa ra kết luận sai trái và không trưng được bằng chứng xác đáng. Theo viện này, thì "Thông qua chức năng điều tiết và tích trữ của hồ chứa nhà máy điện thượng lưu, lượng nước trong mùa lũ có thể được tích trữ trong hồ, làm giảm đỉnh lũ; đồng thời tăng lưu lượng chảy trong mùa khô, làm cho dòng chảy hạ lưu nhiều hơn dòng chảy tự nhiên, đóng vai trò kiểm soát lũ lụt và chống hạn hiệu quả tích cực cho vùng hạ du." Cho tới nay các nước hạ nguồn sông Mekong đã nhiều lần kêu gọi phía Trung Quốc xả nước giúp cứu hạn và đồng thời yêu cầu minh bạch về dữ liệu giữ nước, xả nước ở các đập thượng nguồn. Nhưng ngoài những lời biện minh rằng Trung quốc dù cũng gặp khó khăn vì hạn hán như các nước hạ nguồn, tuy nhiên vẫn “hào phóng“ xả nước để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn, mà như Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Đại học Cần Thơ Lê Anh Tuấn cho biết lượng nước nếu có được xả ra thì cũng ít ỏi "chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa", cùng những hứa hẹn cho có như Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị từng hứa sẽ cân nhắc việc chia sẻ thông tin về thủy văn để hỗ trợ thêm các nước láng giềng trong tương lai…thì các dữ liệu giữ nước, xả nước vẫn bị "giữ kín như bưng." Thảng hoặc nếu có thì những thông tin mà phía Trung Quốc đưa ra đều không đáng tin cậy bởi vì Bắc Kinh chưa bao giờ muốn minh bạch. Rõ ràng loạt đập thủy điện trên sông Lan Thương của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đến các quá trình sinh thái của cả hệ thống sông Mekong - những quá trình đặc biệt quan trọng cho sự ổn định kinh tế của hạ lưu, mà nếu bị gián đoạn sẽ là thách thức lớn cho các nước hạ nguồn. Dự án MDM theo mô tả của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì đây là "một bước quan trọng nâng cao hiểu biết về điều kiện nước ở lưu vực sông Mekong". Và rằng "Các nước không thể quản lý hiệu quả những gì họ không thể đo lường, và trong một thời gian dài, người dân sông Mekong thiếu tính toán minh bạch về nguồn nước của lưu vực.“   Một khi các nước hạ lưu có được dữ liệu thủy văn sông Mekong từ nguồn khác đáng tin cậy hơn nguồn do Trung Quốc cung cấp để làm cơ sở bằng chứng kịp thời thì mới có thể đấu tranh cho những quyền lợi chính đáng của mình về dòng chảy con sông.    Xây 11 con đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong với mục đích cho lợi ích riêng của mình, Trung Quốc còn dùng chúng như một loại vũ khí để khống chế các nước hạ nguồn trong tham vọng bành trướng bá quyền về phía Nam châu Á.   Ngoài ra Trung Quốc còn thành lập một Diễn Đàn Hợp Tác Lan Thương-Mekong bao gồm 6 nước VN, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc để dễ bề thao túng.   Mới đây, cựu Bộ trưởng Năng lượng Campuchia Pou Sothirak cho biết “LMC là một hình thức ngoại giao mới của Trung Quốc. Bạn sẽ phải chấp nhận hoặc phải đối mặt vì nó sẽ không bao giờ bị trì hoãn.”   LMC cho phép Trung Quốc chơi theo luật riêng của mình giống như ở Biển Đông, qua đó tạo ra “sự đã rồi” nhằm kiểm soát sông Mekong. Bắc Kinh thông qua diễn đàn này để áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực, coi họ như những phiên thuộc, chư hầu.   Một báo cáo của Fitch Solutions Macro Research vào ngày 20 tháng Hai, 2020 cho thấy việc xây đập thủy điện trên sông Mekong sẽ làm thay đổi các hoạt động kinh tế của 5 quốc gia thuộc lưu vực sông. Báo cáo này dẫn nguồn từ nhiều bài nghiên cứu của Ủy Ban Sông Mekong (MRC)  cho rằng việc xây đập sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho hoạt động khai thác thủy sản và trồng trọt, từ đó khiến các quốc gia phải nhập khẩu lương thực.   Tình trạng trên khiến các chuyên gia lo lắng sẽ xảy ra lạm phát kéo dài và các quốc gia chịu thiệt hại sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Báo cáo còn cho biết, các nền kinh tế này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc nhập khẩu thực phẩm thiết yếu để bù đắp sự thiếu hụt trong đường dài.   Tại vùng Đông Nam Á, chiến lược đường dài của Trung quốc là vừa củng cố “Con đường tơ lụa“ trên biển của mình, vừa kiểm soát hải lộ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và loại ảnh hưởng của Hoa Kỳ ra khỏi nơi đây. Vì vậy với 2 mũi giáp công, một mặt Trung Quốc xử dụng quyền lực cứng qua những hành động khiêu khích, răn đe các nước chung quanh thuộc khối ASEAN, đòi chủ quyền 80% diện tích biển Đông; Mặt khác vừa muốn khống chế sông Mekong, là con sông huyết mạch của các nước VN, Thái Lan, Lào và Campuchia để ép các nước này phải hợp tác hay lệ thuộc vào tham vọng bành trướng của họ. Biển Đông là nơi con đường huyết mạch của thế giới ngang qua vì vậy các cường quốc phải can dự vào, khiến Trung Quốc phải e dè. Trong khi vấn đề Mekong khác với biển Đông, vì chỉ có 4 quốc gia ASEAN liên quan trực tiếp mà trong đó Lào và Campuchia là 2 quốc gia đã bị Bắc Kinh khống chế gần như hoàn toàn như một “chư hầu”, thì hành vi khuynh loát, bắt nạt của Bắc Kinh đối với toàn vùng sẽ là điều dễ dàng và sẽ khiến người dân của các quốc gia khu vực Mekong sống dựa vào tài nguyên từ con sông này thực sự khốn đốn. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến việc ủng hộ các nước trong Ủy Hội Sông Mekong “cách tiếp cận dựa trên các quy tắc và minh bạch đối với sông Mekong” qua dự án MDM. Dự án MDM này đi cùng với việc Hoa Kỳ và đồng minh ngăn chận TQ ở biển Đông cho thấy là các nước đang quyết liệt ngăn chận tham vọng bá quyền của Bắc Kinh tại khu vực Châu Á. Nếu muốn hàng triệu người dân của mình không phải sống nhờ vào “ân sủng“ của Trung quốc; nếu muốn chống lại hành vi bắt nạt của Bắc Kinh thì các quốc gia này phải tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao từ các nước lớn khác có quyền lợi tương đồng. Liệu VN có muốn trở thành một thành viên tích cực trong toàn cảnh khu vực này hay không?   Tham khảo:   https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-tung-du-an-giam-sat-dap-tren-song-mekong-trung-quoc-phan-ung-gay-gat-698430.html https://www.thailandnews.co/2019/07/eight-chinese-dams-block-40-billion-cubic-meters-of-water-from-mekong-river/ https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/my-tung-du-an-giam-sat-dap-tren-song-mekong-trung-quoc-phan-ung-gay-gat-698430.html   https://baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-xa-nuoc-dap-thuy-dien-cuu-song-mekong-khoi-han-han-299372.html   https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-we-save-mekong-river-06302020193240.html  
......

Gián điệp Trung quốc - nỗi lo không chỉ của riêng Hoa Kỳ

Nguyen Ngoc Chu Mối đe doạ Trung Quốc nguy hiểm đến mức độ “sừng sững” ngay cho cả cường quốc số 1 thế giới là Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã công khai rằng Trung Quốc là mối đe doạ số 1. Với Hoa Kỳ và với Châu Âu - khi phát hiện ra Trung Quốc là mối đe doạ số 1 thì đó cũng là lúc ung thư ở giai đoạn “trưởng thành”. Trong muôn ngàn đe doạ từ Trung Quốc thì đe doạ của gián điệp Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm. Nguy hiểm đến mức nhiều năm sau vẫn chưa nhận biết hết được.   Hoạt động gián điệp của Trung Quốc đã “tăng trưởng” đến mức “đại dịch toàn cầu”, trở thành mối đe doạ kinh sợ cho bất cứ quốc gia nào. Ngay đến cường quốc số 1 thế giới là Hoa Kỳ, không phải nhìn thấy, mà đã “lãnh đủ” nhiều đòn “choáng mặt” từ gián điệp Trung Quốc.   SỰ KHÁC BIỆT VỀ THÀNH PHẦN GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC   Nói gián điệp Trung Quốc trở thành “đại dịch” không phải tùy tiện. Vì số lượng gián điệp của Trung Quốc hoạt động ở nước ngoài nhiều hơn tất cả gián điệp của tất cả các nước khác cộng lại và mỗi ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Điều này không chứng minh bằng số lượng thống kê, vì không ai công bố, mà bị khuất phục bởi các điểm sau đây.   1. Trung Quốc có số lượng ngoại kiều đông nhất thế giới. 2. Trung Quốc có số lượng du học sinh đi học nước ngoài đông nhất thế giới. 3. Các công ty Trung Quốc và người Hoa sở hữu đất đai nhà cửa và cơ sở ở nước ngoài nhiều nhất thế giới.   Ai trong số 3 thành phần nêu trên cũng có thể trở thành gián điệp của Trung Quốc. Trong số đó, đông đảo lực lượng sinh viên làm gián điệp - chính là sự khác biệt của gián điệp Trung Quốc. Điều này đã được khẳng định chính thức từ Bộ ngoại giao Mỹ rằng “ngày càng có nhiều sinh viên tiếp xúc với các cơ quan ngoại giao” và Hoa Kỳ đã nhận những biện pháp tương ứng, trong đó là siết chặt visa du học sinh từ Trung Quốc.   Một đặc điểm khác của sự “tăng trưởng” gián điệp Trung Quốc, là ngoài các thành phần gốc Trung Quốc, thì ngày càng có nhiều người nước ngoài trở thành gián điệp cho Trung Quốc. Đặc biệt là có cả rất nhiều công dân Hoa Kỳ. Tăng trưởng số lượng người Mỹ làm gián điệp cho Trung Quốc thể hiện đội ngũ gián điệp Trung Quốc mỗi ngày một thêm nguy hiểm. Nhất là khi đội ngũ gián điệp có cả các nhà khoa học và các doanh nhân giàu có.   PHẢN ĐÒN CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP   Chưa bao giờ như lúc này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đang ra những phản đòn liên tiếp chống lại đại dịch gián điệp của Trung Quốc.   Ngày 18/12/2020, Nhà Trắng thông báo: “Tổng thống đã ký duyệt thành luật 'Đạo luật về trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài', yêu cầu các tổ chức phát hành chứng khoán nhất định xác nhận rằng họ không thuộc sở hữu hoặc chịu sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài, đặc biệt nếu Ủy ban Giám sát kiểm toán các công ty đại chúng (PCAOB) không thể thẩm tra các báo cáo cụ thể vì tổ chức phát hành đã thuê một công ty kiểm toán đại chúng ngoại quốc không chịu sự kiểm tra của ủy ban".   Ngày 21/12/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các công ty được xếp vào nhóm "người dùng quân sự cuối" (MEU) gồm 58 doanh nghiệp Trung Quốc và 45 công ty Nga. Danh sách MEU sẽ được công khai trưng cầu dân ý vào ngày 22/12 trước khi có hiệu lực. Việc lập danh sách MEU là "nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu sàng lọc khách hàng của họ để phát hiện người dùng cuối quân sự",   Trước đó, cũng trong ngày 21/12/2020 thì Ngoại trưởng Mike Pompeo đã ra một tuyên bố riêng rẽ về các hạn chế thị thực mới, mở rộng phạm vi trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc (https://vietnamnet.vn/.../ong-trump-giang-them-don-trung...).   Từ nay cho đến ngày 19/1/2021, sẽ còn chứng kiến các hành động khác của TT Donald Trump chống lại mối đe doạ Trung Quốc.   NỖI LO CỦA VIỆT NAM   Hoa Kỳ hùng mạnh ở mãi tây bán cầu, cách xa mấy đại dương, mà còn gánh chịu đại dịch gián điệp của Trung Quốc, thì biết được hiểm hoạ gián điệp của Trung Quốc sẽ không loại trừ Việt Nam. Nhìn không né tránh, thì hiểm hoạ gián điệp Trung Quốc đối với Việt Nam ở phương diện nào cũng kinh khủng hơn so với Hoa Kỳ.   Chỉ nhắc đến một phần về ‘đất’ của người Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê chưa đầy đủ thì đến cuối năm 2018 có “149 doanh nghiệp Trung Quốc 'sở hữu' đất biên giới của 22 tỉnh, TP. Trong đó có 92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh. Người Trung Quốc đang sử dụng hơn 162.000 ha đất biên giới, ven biển thông qua hai hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh và đầu tư tiền cho người Việt gốc Hoa mua đất”.   “Thời hạn thuê đất của người Trung Quốc từ 5 - 50 năm, lĩnh vực hoạt động chủ yếu của người Trung Quốc tại khu vực biên giới đất liền và ven biển là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử”.   “Các tỉnh, thành người Trung Quốc tập trung "sở hữu" đất đai thời gian qua là Đà Nẵng 22 trường hợp, Quảng Ninh 17 trường hợp, Hải Phòng 16 trường hợp, Bình Định 9 trường hợp, Hà Tĩnh và Bình Thuận mỗi tỉnh có 5 trường hợp”.   “Báo cáo của Bộ Quốc phòng cũng cho thấy từ năm 2011 - 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô đất, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc sở hữu, "núp bóng" sở hữu và thuê đất tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển, ven tường rào sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, khu đô thị phường Phước Mỹ…Hầu hết các lô đất thuộc "sở hữu" của người Trung Quốc đều ở vị trí các đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ”(https://tuoitre.vn/nguoi-trung-quoc-so-huu-cac-lo-dat...).   Rất may là Bộ Quốc phòng đã nhìn thấy để có những biện pháp đề phòng. Nhưng còn bao nhiêu trường hợp đang bị che đậy?   Hoạt động gián điệp mà có đất đai riêng, trụ sở riêng, được che đậy bởi những hoạt động hợp pháp thì mức độ nguy hiểm không thể tiên lượng. Phải có những biện pháp quyết liệt khác.   QUÁI VẬT FRANKENSTEIN VÀ SỰ KHÔNG TRÁNH KHỎI CỦA NƯỚC NGA   Trong sự ăn cắp công nghệ, nhất là công nghệ quân sự, thì Liên Xô trước đây và nước Nga bây giờ là nơi Trung Quốc “thu hoạch” được nhiều nhất. Từ chế tạo bom nguyên tử, bom nhiệt hạch, phóng tàu vũ trụ, chế tạo tên lửa đạn đạo, sản xuất máy bay, tên lửa, xe tăng, tuần dương chiến hạm…không sản phẩm nào của Trung Quốc mà không có bóng dáng Liên Xô và Nga. Không có Liên Xô và Nga, Trung Quốc không bao giờ có được tiềm năng quân sự ở mức đua tranh với Nga và Mỹ như bây giờ.   Người Nga không thích Trung Quốc. Người Nga cũng nhìn thấy Trung Quốc là mối đe doạ số 1. Nhưng trong đối xử với Trung Quốc thì chính quyền của TT Donald Trump và chính quyền của TT Putin hành động khác nhau.   Chính vào lúc vừa lên nắm quyền, TT Donald Trump đã nhận biết sự nguy hiểm số 1 của Trung Quốc đối với Mỹ và đã hành động quyết liệt tức thì. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã khéo léo nói tránh - khi mượn lời cố TT Nixon là đã ‘biến Trung Quốc thành con quái vật frankenstein’.   Đúng, trong quan hệ tam giác Hoa Kỳ - Liên Xô – Trung Quốc, thì chính quyền Nixon đã không chỉ thả hổ về rừng mà còn nuôi dưỡng hổ. Đó là một nước cờ sai lầm bản lề làm Hoa kỳ đang phải gánh chịu những tổn thất vô cùng to lớn từ quái vật frankenstein Trung Quốc. Sự ảnh hưởng của Trung Quốc không phải chỉ ở người gốc Trung Quốc, du học sinh Trung Quốc, các công ty Trung Quốc - mà đã tấn công vào sào huyệt trụ cột của nước Mỹ là những người giàu có bậc nhất cùng các nhà khoa học. Điều đó mới thật đáng ghê sợ. Sau bức tranh bàu cử năm 2020 của Mỹ là hiển hiện những vòi độc của quái vật frankenstein Trung Quốc.   Điện Kremlin hiện nay chưa quan tâm đúng mức đến con quái vật frankenstein Trung Quốc. Và vì thế hành động khác với Nhà Trắng. Tất nhiên là vì những lý do và mục tiêu khác nhau. Khi bán S 400 cho Trung Quốc, Điện Kremlin biết Trung Quốc sẽ sao chép. Nhưng vẫn tự tin vì nghĩ là Nga đã có S 500, S 600 và S 700…. Và tự cho là an toàn vì nghĩ Trung Quốc không bao giờ đuổi kịp.   Cũng vậy, khi bán cho Trung Quốc Su 30, Mig 29 người Nga biết Trung Quốc sẽ sao chép như từng đã sao chép Mig 15, 17, Su 22, 27. Và cũng cho rằng Trung Quốc không theo kịp. Thế nhưng máy bay tàng hình J 20 của Trung Quốc còn ra đời trước cả máy bay tàng hình SU 57 của Nga, và trở thành đối thủ nhóm 1 của F 22, F 35, SU 57.   Tàu sân bay Vagra của Liên Xô trở thành tàu sân bay Liêu Ninh đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc đang sắp có 2 tàu sân bay nữa, trong khi Nga chỉ có 1 tàu sân bay Kuznetsov. Trung Quốc rồi sẽ có cả chục tàu sân bay.   Trung Quốc mua tàu ngầm lớp kilo của Nga. Giờ thì Trung Quốc có dàn tàu ngầm đông nhất thế giới với 76 chiếc, trong khi Mỹ có 69 và Nga chỉ 59 chiếc. Tất nhiên là chất lượng khác nhau. Nhưng tới một ngày chất lượng gần như nhau thì số lượng vượt trội là vô cùng quan trọng.   Nga hiện có khoảng 5.500 đầu đạn hạt nhân. Trung Quốc đang gần tới con số 1.000. Ngày Trung Quốc có con số đầu đạn hạt nhân bằng Nga và Mỹ tất sẽ đến.   Biên giới Nga – Trung dài 4.209 km toàn rừng núi và vùng Xiberi băng giá nơi cư dân Nga thưa thớt, còn người Trung Quốc thì ngập tràn cả vùng Xiberi. Trung Quốc có thể huy động 1 lực lượng bộ binh đông gấp 5-7 lần bộ binh của Nga.   Nếu bây giờ Nhà Trắng thức tỉnh và đau đớn vì nọc độc của quái vật frankenstein thì Điện Kremlin đang tiếp tục nuôi dưỡng quái vật frankenstein. Ba mươi năm nữa, một chính quyền mới của Nga sẽ phải chịu đau đớn từ những vòi độc của quái vật frankenstein Trung Quốc – nhiều lần tàn độc hơn.   Nhà Trắng mất 50 năm để nhận biết sai lầm. Còn Điện Kremlin? Nhưng cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là nỗi lo của Việt Nam./.   #giánđiệptrungcộng  
......

Luật MAGNITSKY toàn cầu của thế giới dân chủ bắt đầu áp dụng cho Việt Nam

Đan Tâm (VNTB)  Luật MAGNITSKY toàn cầu của thế giới dân chủ bắt đầu áp dụng cho Việt Nam qua vụ nêu đích danh 8 thủ phạm là Sĩ quan Công an Hà Tĩnh nói trên để trừng phạt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và là phần nổi của tảng băng chìm. Cuối năm 2016, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) hay S284. Ngay sau đó, 2017, Canada đã thông qua đạo luật Magnitsky có tên là “Công lý cho các nạn nhân của các quan chức tham nhũng ở nước ngoài”. Tiếp theo đó Lithuania và Úc châu cũng đã thông qua đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) của họ trong năm 2017. Mãi đến năm 2020, quốc hội Liên Âu (EU) mới thông qua một đạo luật Magnitsky toàn cầu và đạo luật này trở thành một đạo luật chính thức của 27 quốc gia Âu Châu, trừ Anh Quốc. Vào ngày 21 tháng 2 năm 2017, Hạ viện VQ Anh đã sửa đổi Dự luật tài chính hình sự của nước này lấy cảm hứng từ Đạo luật Magnitsky cho phép chính phủ đóng băng tài sản tại UK của những người vi phạm nhân quyền và tham nhũng tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vào ngày 1 tháng 5 năm 2018, Hạ viện Anh đã thêm “sửa đổi Magnitsky” vào Dự luật trừng phạt và chống rửa tiền cho phép chính phủ Anh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những người vi phạm nhân quyền thô bạo. Đến năm 2020, quốc hội VQ Anh đã thông qua luật Magnitsky toàn cầu của Anh quốc. Như vậy, tính đến 2020, nếu kể thêm các nước nhỏ như Estonia, Lithuania và Latvia thì thế giới dân chủ đã có gần 40 quốc gia có Luật Magnitsky toàn cầu. Luật Magnitsky toàn cầu này cho phép gần 40 nước dân chủ, đặc biệt là Anh, Hoa Kỳ, Úc, Canada và 27 quốc gia EU mở rộng chế tài các cá nhân vi phạm nhân quyền và thu vén “tài sản phi pháp” tại bất cứ nơi nào trên toàn thế giới. Các đối tượng bị Luật Magnitsky trừng phạt bao gồm: – Thứ nhất là những giới chức chính quyền và những thuộc hạ của họ hoặc những người ngoài chính phủ hợp tác với giới chức chính quyền vi phạm nghiêm trọng quyền con người. – Thứ hai là những giới chức cầm quyền cướp đoạt tài sản của người dân. – Và thứ ba là những giới chức cầm quyền can dự vào những vụ tham nhũng lớn và đàn áp những người đi phanh phui những vụ ấy. Từ năm 2015, trước khi đạo luật Magnitsky xuất hiện, các tổ chức NGOs quốc tế của người Việt cũng như người nước ngoài tại Âu Châu & Hoa Kỳ đã phối hợp với đảng Việt Tân hợp soạn báo cáo chính xác về vấn nạn tra tấn tại VN, dựa theo các Công Ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mà nhà cầm quyền CSVN đã ký kết và cam kết tuân thủ. Báo cáo (report) có tên là “SHADOW REPORT ON POLICE TORTURE IN VIETNAM. Prepared for the UN Committee Against Torture in connection to its review of Vietnam Party’s 1st Report under the Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment. Submission to the United Nations Committee Against Torture regarding the recent deaths in police custody in VIETNAM. Report in April 2016”. Tiếp theo đó 9 NGOs Việt Nam và ngoại quốc bao gồm Comité Suisse-Vietnam COSUNAM; Budesverband Der Vietnamesischen Flüchtlinge In Der Bundesrepublik Deutschland e.V.; Associatie Van Vietnamese Vluchtelingen in Nederland (AVVN); Vietnamese American Women’s Association (VAWA); Hoi Den Hung Foundation; Radio Tieng Nuoc Toi (TNT Radio Houston); Civil Rights Movement; Catholic Brotherhood Youth Association và Viet Tan Friendship Association đã hợp tác với đảng Việt Tân hợp soạn các báo cáo nhân quyền chiếu theo Istanbul Protocol của LHQ và dựa trên Luật Magnitsky toàn cầu cũng như quốc tế công pháp về Nhân Quyền, như sau: – Police Brutality Against Formosa Pollution Victims from Song Ngoc Parish Seeking Compensation And Against Human Rights Activists From 2010 To 2018 In VIETNAM. With reference to The International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR), the Universal Declaration on  Human Rights and the International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR) and The Global Magnitsky Act. Report on May 20, 2018. – Police Brutality In Murders, Tortures & Kidnaps Against Common Civilians From 2007 To 2019 In VIETNAM. Report on March 31, 2019. – The Cross-country Kidnap Against Journalist TRUONG DUY NHAT By Corrupt Officials In VIETNAM. Submission to The US Department Of State & The US Department Of The Treasury. With Reference To the US Global Magnitsky Act 2016. Report on JUNE 30, 2019. – SPECIAL PETITION REPORT 2019 On Police Brutality Against Formosa Pollution Victims from Song Ngoc Parish Seeking Compensation And Against Human Rights Activists In Dioceses VINH & HA TINH – VIETNAM. With Reference To the US Global Magnitsky Act 2016. Report on AUGUST 31, 2019. Tất cả các bản phúc trình (report) nói trên đã được các đại diện NGOs tại Mỹ đệ nộp cho Bộ Ngoại Giao, Bộ Ngân Khố & Quốc Hội Mỹ, và đã được COSUNAM & các Cộng Đồng VN tại EU đệ nạp cho các Bộ ngoại giao Đức, Hòa Lan và các cơ quan Nhân Quyền LHQ tại Geneva từ năm 2016 đến đầu năm 2020. Đặc biệt là tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã sao gởi  các bản phúc trình kể trên cho bộ Ngoại Giao của 27 quốc gia EU vào đầu năm 2019. Nhờ vậy, ngày hôm nay các tổ chức đấu tranh cho Nhân Quyền VN đã bắt đầu nhìn thấy kết quả sơ khởi hôm 18/12/2020. Đó là việc “Tám Dân biểu Mỹ hôm 18/12/2020 yêu cầu Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ thực hiện các chế tài cấm vận của Đạo luật Magnitsky toàn cầu đối với công an Hà Tĩnh, những người đã tra tấn nhà báo Nguyễn Văn Hoá, người bị kết án tù 7 năm với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước trong phiên toà năm 2017; https://lowenthal.house.gov/media/press-releases/congressman-lowenthal-house-colleagues-urge-magnitsky-sanctions-against;  https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/us-congressmen-urges-magnistsky-sanctions-against-vn-police-who-tortured-journalist-12192020100742.html“. Tám dân biểu Mỹ nói trên là Dân biểu Alan Lowenthal, người nhận bảo trợ cho tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hoá, Dân biểu Lou Correa , Dân biểu Deb Haaland, Dân biểu Ro Khanna, Dân biểu Barbara Lee, Dân biểu James P. McGovern, Dân biểu Katie Porter, và Dân biểu Harley Rouda. Trong bức thư gửi Bộ Ngoại giao và Tài chính Mỹ, các Dân biểu Mỹ đã nêu tên 8 sĩ quan công an CSVN ở Hà Tĩnh, những người đã tra tấn, trói tay treo TNLT Nguyễn Văn Hoá lên trần nhà để ép cung. Đó là những Sĩ quan Công an sau đây: – đại tá Nguyễn Anh Tuấn,  – đại uý Nguyễn Văn Sáng,  – trung uý Lê Anh Đức,  – đại uý Trần Anh Đức,  – đại tá Nguyễn Huy Chương,  – thiếu tá Trương Quang Quốc,  – thiếu uý Bùi Xuân Đạt, và  – đại uý Nguyễn Đình Đức. Nhưng vì sao 8 Sĩ quan Công an CSVN nói trên bị chính giới Mỹ nêu tên yêu cầu trừng phạt bằng đạo luật US Magnitsky toàn cầu 2016 ? Bởi vì tất cả các đạo luật Magnitsky toàn cầu của gần 40 quốc gia DC nói trên nhắm đến việc trừng phạt các cá nhân vi phạm nhân quyền và thụ đắc tài sản phi pháp (TSPP) tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vì vậy thủ phạm bị Luật Magnitsky trừng phạt gồm 2 loại: thủ phạm đàn áp nhân quyền và thủ phạm thụ đắc tài sản phi pháp (TSPP). Khảo sát đầy đủ hơn cho thấy: – Luật Magnitsky của Mỹ dành 50% tập chú vào các thủ phạm đàn áp nhân quyền và 50% tập chú vào các thủ phạm thụ đắc TSPP. – Luật Magnitsky của VQ Anh, Canada và Úc châu dành 70% tập chú vào các thủ phạm thụ đắc TSPP còn 30% tập chú vào các thủ phạm đàn áp nhân quyền. – Luật Luật Magnitsky của 27 quốc gia EU cũng dành 70% tập chú vào các thủ phạm thụ đắc TSPP còn 30% tập chú vào các thủ phạm đàn áp nhân quyền. Tóm lại, Luật MAGNITSKY toàn cầu của thế giới dân chủ bắt đầu áp dụng cho Việt Nam qua vụ nêu đích danh 8 thủ phạm là Sĩ quan Công an Hà Tĩnh nói trên để trừng phạt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và là phần nổi của tảng băng chìm bởi vì danh sách các thủ phạm CSVN đàn áp nhân quyền và thụ đắc TSPP từ T.Ư cho đến cấp tỉnh-Thành phố đã, đang và sẽ được Xã Hội Dân Sự VN trong và ngoài nước báo cáo từng quý một cho các quốc gia dân chủ và giàu mạnh trên khắp thế giới. Cho nên “lưới trời lồng lộng thưa mà không lọt” (Thiên võng khơi khơi, sơ nhi bất lậu) ./.  
......

Mỹ và Trung Quốc có thể đụng độ ở Biển Đông

Khánh An dịch (VNTB) – Có lẽ không nơi nào quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc tiến lại gần nhau hơn ở Biển Đông . Và khả năng chiến tranh trên biển có thể gia tăng lên dưới thời Tổng thống đắc cử Joe Biden. Karen Leigh, Peter Martin và Andrian Leung Khi các nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung vào mọi thứ, từ thương mại đến covid-19, lo ngại đã tăng lên rằng một tính toán sai lầm giữa các tàu chiến có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự lớn hơn. Mặc dù các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì liên lạc ngay cả khi các mối quan hệ rộng lớn hơn đã xấu đi, nhưng chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành hơn ở cả hai nước sẽ làm tăng lợi thế chính trị của bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gia tăng “hoạt động tự do hàng hải” – được gọi là FONOP – ở Biển Đông để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Vòng diễn tập hiện tại, bao gồm các tàu hải quân đi trong giới hạn lãnh thổ của các đối tượng địa lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã đạt mức cao mới là 10 lượt vào năm ngoái khi chỉ có tổng cộng 5 lần diễn tập trong hai năm cuối của dưới thời Obama hành chính. Biden có vẻ sẽ duy trì hoặc thậm chí mở rộng số lượng FONOP. Jake Sullivan người được Biden được chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, than thở về việc Mỹ không thể ngăn Trung Quốc quân sự hóa các vùng đất nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Mỹ tập trung hơn vào tự do hàng hải. “Chúng ta nên dành nhiều tài lực và nguồn lực hơn nữa để đảm bảo và củng cố, đồng thời giữ vững quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với các đối tác của chúng ta, ”Sullivan nói trên ChinaTalk, một podcast Jordan Schneider, một thành viên hỗ trợ tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ có trụ sở tại Washington tổ chức. “Điều đó đảo ngược tình thế. Trung Quốc sau đó phải ngăn chặn chúng ta, điều mà họ sẽ không làm ”. Mỹ đã đóng vai trò then chốt trong việc duy trì an ninh ở các vùng biển châu Á kể từ Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, việc tăng cường quân sự của Bắc Kinh, kết hợp với các động thái nhằm củng cố việc nắm giữ lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, đã làm dấy lên lo ngại rằng họ có thể tìm cách từ chối quyền tiếp cận của quân đội Mỹ đối với các vùng biển ngoài khơi bờ biển của Trung Quốc. Đổi lại, Mỹ ngày càng tìm cách chứng tỏ quyền đi lại qua những vùng mà họ coi là hải phận và không phận quốc tế. Điều đó dẫn đến một số các cuộc chạm trán căng thẳng. Năm 2001, một vụ va chạm trên không giữa một máy bay trinh sát của Hải quân Mỹ và một máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã dẫn đến một sự cố quốc tế, với phi hành đoàn Mỹ bị giữ 10 ngày trên đảo Hải Nam. Trong một lần suýt đụng độ vào năm 2018 giữa tàu khu trục Luyang của Trung Quốc và tàu USS Decatur, tàu chiến Trung Quốc cảnh báo tàu Mỹ sẽ “gánh chịu hậu quả” nếu không thay đổi hướng đi, theo South China Morning Post. “Chúng tôi chắc chắn không muốn xảy ra chiến tranh vì mấy đảo đá san hô, nhưng sau đó một lần nữa chúng tôi không muốn để Trung Quốc thay đổi các quy tắc với sự hiện diện của họ ”, Joe Felter, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Nam Á, Đông Nam Á và Châu Đại Dương trong chính quyền Trump tuyên bố. “Họ sẽ đẩy đi xa quá mức.” Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hơn 80% Biển Đông, một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, dựa trên bản đồ năm 1947 thể hiện những dấu hiệu mơ hồ mà từ đó được gọi là “đường chín đoạn. ” Hoa Kỳ ước tính rằng hơn 30% của thương mại dầu thô hàng hải toàn cầu đi qua vùng biển này. Ngoài Trung Quốc, 5 chính phủ khác cũng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan. Các nỗ lực giải quyết tranh chấp đã đạt được rất ít tiến bộ: Các cuộc đàm phán với các quốc gia Đông Nam Á về quy tắc ứng xử trên các vùng biển đã kéo dài khoảng hai thập kỷ. Bắc Kinh cũng đã bác bỏ một cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, được gọi là Unclos. Trong một vụ kiện do Philippines đơn phương đưa ra, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay xét xử vào năm 2016 rằng không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc yêu cầu các quyền lịch sử đối với tài nguyên ở các vùng biển nằm trong đường chín đoạn và các cấu trúc nhân tạo không tạo ra các vùng chủ quyền. Trong một cuộc chiến quân sự, Trung Quốc có thể dễ dàng chiếm lấy các đảo từ tay các bên tranh chấp. Mỹ và Nhật Bản là những quốc gia duy nhất “có cơ hội” chống lại Trung Quốc trong khi các quốc gia Đông Nam Á chỉ có thể hy vọng “đánh bại”, Bill Hayton, cộng sự của Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương tại Chatham House và là tác giả của sách “ Biển Đông: Cuộc đấu tranh giành quyền lực ở châu Á. ” “Giờ đây, chúng tôi đang tiến đến một giai đoạn hoàn thiện, ”ông nói. “Mỹ có lợi thế về công nghệ, nhưng Trung Quốc càng tiến gần đến việc nghĩ rằng họ có thể sánh ngang với Mỹ thì chúng ta càng tiến gần đến cuộc đối đầu”. Dưới biển, rất nhiều nguồn năng lượng và nguồn đánh bắt cá đang bị đe dọa. Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ ước tính Biển Đông chứa khoảng 190 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (khoảng 30% tổng lượng dự trữ được chứng minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương) và 11 tỷ thùng dầu (khoảng 25% tổng trữ lượng đã được chứng minh của khu vực), còn nhiều khả năng đang chờ được khám phá. Hoa Kỳ nói rằng những khí chưa được khai thác đó có thể là có trị giá 2,5 nghìn tỷ đô la. Trong vài thập kỷ qua, tàu Trung Quốc đã xung đột với tàu của các bên tranh chấp khác – đặc biệt là Việt Nam và Philippines – để ngăn họ khai thác các nguồn tài nguyên đó. Năm 2012, China National Offshore Oil Corp., nhà thám hiểm nước sâu chính của Trung Quốc, đã mời các công ty khoan dầu nước ngoài khám phá các lô ngoài khơi Việt Nam mà lãnh đạo Hà Nội đã trao cho các công ty Exxon Mobil Corp và OAO Gazprom thăm dò . Trung Quốc đã được hưởng lợi từ sự thiếu gắn kết giữa các nước Đông Nam Á, làm chochiến lược của họ chỉ tìm kiếm các cuộc đàm phán song phương với mỗi bên tranh chấp để được đền đáp. Trong khi Việt Nam từ chối các cuộc đàm phán với Trung Quốc, Philippines đã đạt được một thỏa thuận khung với Bắc Kinh để thăm dò chung và dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động ở các vùng biển tranh chấp được đưa ra trước khi đệ đơn ra tòa trọng tài. Trong khi đó, Mỹ đã đưa CNOOC vào danh sách các công ty Trung Quốc do quân đội Trung Quốc sở hữu hoặc kiểm soát, có khả năng khiến CNOOC phải tuân theo các lệnh trừng phạt có thể làm gián đoạn hoạt động của họ. Vào tháng 7, chính quyền Trump đã chính thức thông qua phán quyết của trọng tài năm 2016 và tuyên bố sẽ chống lại “sự bắt nạt” của Trung Quốc. “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình ”, Ngoại trưởng Michael Pompeo nói vào thời điểm đó. “Mỹ sát cánh với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á của chúng tôi trong việc bảo vệ quyền chủ quyền của họ đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”. Trung Quốc khẳng định lập trường pháp lý của họ là đúng đắn và bác bỏ các động thái trừng phạt của chính quyền Trump đối với các hoạt động ở Biển Đông. Vào tháng 9, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Mỹ đang “trở thành lực lượng quân sự hóa lớn nhất” ở vùng biển này. “Trung Quốc hy vọng rằng các quốc gia bên ngoài khu vực, bao gồm cả Hoa Kỳ, sẽ hoàn toàn tôn trọng mong muốn và kỳ vọng của các quốc gia trong khu vực, thay vì tạo ra căng thẳng và tìm kiếm lợi nhuận từ đó ”, Vương Nghị nói với những người đồng cấp xung quanh khu vực tại một cuộc họp thường niên. Tuy nhiên, những lập luận đó không có ý nghĩa gì với chính quyền Biden. Nhiều thành viên trong đội an ninh quốc gia của Biden nhớ lại rõ ràng việc Tập Cận Bình nói với Barack Obama rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các công trình trên đất liền ở Biển Đông khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Nhà Trắng năm 2015. Kể từ đó, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa lãnh thổ tranh chấp, khi cho rằng các động thái là cần thiết do “áp lực quân sự gia tăng từ các nước ngoài khu vực.” Trên bảy bãi đá ngầm hoặc bãi đá ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã xây dựng các cảng, hải đăng và đường băng đồng thời lắp đặt các thiết bị quân sự như khẩu đội tên lửa trên khoảng 3.200 mẫu Anh (1.290 ha) đất khai hoang. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 9 đã đánh dấu kỷ niệm 5 năm lời cam kết của Tập với Obama bằng một tuyên bố có tiêu đề “Những lời hứa suông của Trung Quốc ở Biển Đông”. Tuyên bố cho biết Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm, mở rộng radar quân sự và tín hiệu tình báo, đồng thời xây dựng đường băng và nhà chứa máy bay chiến đấu. Theo James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế tại Trung tâm Luật Quốc tế Stockton thuộc Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, các đặc điểm đất liền mà Bắc Kinh xây dựng có thể giúp họ phát triển sức mạnh trên Biển Đông. “Các đảo cung cấp các vòng tròn đồng tâm để che chắn không phận cho toàn bộ Biển Đông, ”ông nói. “Chúng được chọn để xây dựng các căn cứ thu nhỏ.” Trung Quốc càng gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng 8, khi họ điều một loạt tên lửa vào Biển Đông. Các tên lửa đạn đạo tầm trung, bao gồm một tên lửa có khả năng trang bị đầu đạn hạt nhân, là chìa khóa cho chiến lược ngăn chặn hành động quân sự của Bắc Kinh ở ngoài khơi bờ biển phía đông bằng cách đe dọa phá hủy tàu sân bay và căn cứ – hai nguồn lực chủ chốt của Mỹ. Liệu Trung Quốc có hành động để ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải của Mỹ hay không vẫn chưa rõ ràng. Đáp lại một chuyến đi vào tháng 4 của tàu USS Barry gần quần đảo Hoàng Sa, một phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Nhà hát phía Nam của PLA nói tàu chiến đã đi vào vùng biển trái phép. Bộ chỉ huy PLA đã triển khai lực lượng không quân và hải quân để giám sát và cảnh báo tàu rời đi, theo báo nhà nước China Daily. Biden cũng có thể cố gắng kêu gọi các đồng minh tham gia. Một tàu chiến của Vương quốc Anh được cho là đã đến gần quần đảo Hoàng Sa vào năm 2018, và các tàu hải quân của Pháp đã tuần tra ở Biển Đông. Vào tháng 7, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ “luôn muốn thấy nhiều quốc gia cùng chí hướng tham gia” vào chương trình FONOP để xây dựng sự đồng thuận và áp lực quốc tế lên Bắc Kinh, Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc đưa tin. Andrew Chubb, một chuyên gia về chủ nghĩa dân tộc và yêu sách lãnh thổ tại Đại học Lancaster, cho biết: Mặc dù sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc gây bất lợi cho một trong hai bên leo thang bất kỳ sự cố nào, nhưng tính toán đó càng thay đổi khi họ càng xa nhau. “Ông nói, xác suất xảy ra đụng độ Mỹ-Trung có lẽ đã tăng lên. “Và đồng thời, mức độ nguy hiểm của bất kỳ cuộc đụng độ nào cũng tăng lên — và có khả năng sẽ tăng thêm khi quá trình tách bạch của hai nền kinh tế tiếp tục diễn ra”. Nguồn: https://www.bloomberg.com/.../2020-south-china-sea.../  
......

Tuyên bố của Đại Diện Cấp Cao thay mặt cho EU nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 2020

Đại Diện Cấp Cao, Phó Chủ Tịch European Commission (EC) Josep Borrell. Ảnh chụp từ EEAS.europa.eu  Tuyên bố của Đại Điện Cấp Cao thay mặt cho EU nhân Ngày Nhân Quyền, 10 tháng 12 năm 2020 Vào ngày 10 tháng 12, chúng ta kỷ niệm Ngày Nhân Quyền. Ngày này xứng đáng được chúng ta quan tâm vì nó đánh dấu sự ký kết của Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền năm 1948. Ngày nay, điều quan trọng hơn bao giờ hết đó là phải nhắc lại rằng các quyền con người là phổ quát và không thể bị chia tách, và rằng những nỗ lực của chúng ta nhằm bảo vệ các quyền này không bao giờ dừng lại. Đại dịch virus corona đã làm gia tăng mức độ và làm trầm trọng thêm một số thách thức lớn nhất của thế giới, bao gồm cả các thách thức liên quan đến nhân quyền, dân chủ và pháp quyền. Ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta đã thấy những xu hướng đáng lo ngại: Kiểm duyệt và hạn chế quyền tự do biểu đạt, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, sự gia tăng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cũng như việc giam giữ tùy tiện mà không hề có tác dụng gì trong sự ứng phó với virus corona. Nhưng có một điều rõ ràng đó là Liên Minh Châu Âu vẫn duy trì cam kết tôn trọng, bảo vệ và thực thi các quyền con người đối với tất cả mọi người; giá trị mang tính nền tảng này sẽ tiếp tục định hướng cho mọi hành động của chúng tôi. Không ai bị bỏ lại phía sau, không có quyền con người nào bị bỏ qua. Đại dịch virus corona cũng đã mở ra cơ hội cho hành động tập thể mạnh mẽ hơn. Trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ngày nay, Liên Minh Châu Âu vẫn là nhà ủng hộ mạnh mẽ nhất cho chủ nghĩa đa phương với nhân quyền ở vị trí cốt lõi. Hôm nay là cơ hội để ghi dấu những gì Liên Minh Châu Âu đã làm nhằm thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới. Năm nay đã chứng kiến một số thành công đáng chú ý. Giữa đại dịch toàn cầu, EU đã thông qua Kế Hoạch Hành Động mới của mình về Nhân Quyền và Dân Chủ, trong đó EU đã đề ra một lộ trình đầy tham vọng cho các hành động đối ngoại trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch hành động này là một cơ hội nhằm phục hồi hoạt động nhân quyền và dân chủ của chúng ta. Việc thành lập Chế Độ Trừng Phạt Nhân Quyền Toàn Cầu của Liên Minh Châu Âu, cho phép chúng tôi áp dụng các biện pháp trừng phạt, với việc đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với những người có liên quan đến sự vi phạm và lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng, là một bước tiến hữu hình khác sẽ giúp tăng cường hơn nữa hành động tập thể về nhân quyền. Trong suốt năm nay, EU đã là một tiếng nói hàng đầu trong các thể chế đa phương đang có hoạt động nhằm bảo vệ nhân quyền. Việc xây dựng các liên minh xuyên khu vực để hỗ trợ cho hành động của Liên Hợp Quốc là một ưu tiên hàng đầu. Hoạt động của chúng tôi trong việc hỗ trợ hành động của Liên Hợp Quốc đối với vấn đề Belarus là một ví dụ điển hình. Xuyên suốt phạm vi vấn đề nhân quyền, Liên Minh Châu Âu đã có nỗ lực đưa ra sự chú trọng mới và xây dựng các liên minh. Trên thực tế, các Phái Đoàn EU và Sứ quán các nước thành viên đã hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự và những nhà bảo vệ nhân quyền, đôi khi giúp họ thoát khỏi hiểm nguy, quan sát các phiên xét xử ở nhiều nơi trên thế giới, từ Nga đến Colombia và Hong Kong, hoạt động trong các dự án thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em gái, những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương, quyền tự do báo chí và hỗ trợ xã hội dân sự. EU và các quốc gia thành viên của mình sẽ thúc đẩy để phụ nữ và trẻ em gái được hưởng đầy đủ quyền con người, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái như một ưu tiên của chúng tôi. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Từ năm 2021 trở đi, Liên Minh Châu Âu cam kết hợp tác cùng các đối tác của mình nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo trong các vấn đề nhân quyền và nỗ lực tăng cường bảo vệ nhân quyền trong một thế giới hậu COVID-19. Nguồn: Phái Đoàn Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam Bản Anh ngữ: Declaration by the High Representative on behalf of the EU on Human Rights Day, 10 December 2020 On 10 December, we celebrate Human Rights Day. This day deserves our attention as it marks the signing of the Universal Declaration of Human Rights in 1948. Today it is more important than ever to recall that human rights are universal and indivisible, and that our efforts to defend them can never stop. The coronavirus pandemic has magnified and exacerbated some of the world’s greatest challenges, including in relation to human rights, democracy and the rule of law. In many parts of the world, we have seen worrying trends: censorship and restrictions to freedom of expression discrimination, deepening inequalities, an increase in violence against women and girls as well as arbitrary detentions that should have no place in the response to coronavirus. But one thing is clear: the European Union remains committed to respect, protect and fulfil human rights for all; this founding value will continue to guide all our actions. No one should be left behind, no human right ignored. The coronavirus pandemic has also created an opening for stronger collective action. In today’s changing geopolitical landscape, the European Union remains the strongest supporter of multilateralism with human rights at its core. Today is an opportunity to mark what the European Union has done to advance human rights worldwide. This year saw some notable successes. In the middle of a global pandemic, the EU adopted the new EU Action Plan on Human Rights and Democracy, which sets out an ambitious roadmap for external action for the next five years. This Action Plan is an opportunity to reinvigorate our human rights and democracy work. The establishment of an EU Global Human Rights Sanctions Regime, giving us the power to impose sanctions, with asset freezes and travel bans, on those involved in serious human rights violations and abuses is another tangible step that will further strengthen collective action on human rights. Throughout this year, the EU has been a leading voice in the multilateral institutions that work to uphold human rights. Building cross-regional coalitions in support of UN action has been a top priority. Our work in support of UN action on Belarus is a key example. Across the spectrum of human rights, the European Union has sought to bring renewed focus and build alliances. On the ground, EU Delegations and Member States Embassies supported civil society organisations and human rights defenders, sometimes taking them out of danger, observing trials in many parts of the world from Russia to Colombia and Hong Kong, working on projects that advance the rights of women and girls, persons in vulnerable situations, media freedom and support civil society. The EU and its Member States will promote women’s and girls’ full enjoyment of human rights, gender equality and the empowerment of women and girls as a priority. However much remains to be done. Looking to 2021 and beyond, the European Union commits to working alongside its partners to show leadership on human rights issues and to work to strengthen the protection of human rights in a post-COVID-19 world. Nguồn: Council of the European Union https://www.consilium.europa.eu/en/press/press-releases/2020/12/09/declaration-by-the-high-representative-on-behalf-of-the-eu-on-human-rights-day-10-december-2020/  
......

Những nỗ lực từ Đức quốc cho TNLT Trần Huỳnh Duy Thức lên Liên minh Châu Âu

Hình minh hoạ. TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tại phiên toà ở TP Hồ Chí Minh hôm 20/1/2010  - AFP Tường An - RFA| Ngày Nhân quyền Quốc Tế năm nay diễn ra trong bối cảnh nạn dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, trong khi tại Việt Nam, chính phủ đã gia tăng đàn áp, bắt bớ các nhà hoạt động, blogger, những tiếng nói chỉ trích chính quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá năm 2020 là năm nhân quyền tại Việt Nam xuống cấp trầm trọng, theo trang The Project 88 - một trang chuyên theo dõi tình hình nhân quyền ở Việt Nam, năm 2020 đã có 20 người hoạt động bị bắt và 14 người H’Mong bị khởi tố. Với 50 năm hoạt động trong lãnh vực Nhân quyền, Tiến sĩ Franz Alt, một nhà báo Đức, nhà văn, nhà xã hội học và chuyên gia về môi trường, nhận định về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam: “Đây là một vấn đề tai tiếng. Ở Việt Nam, nhân quyền bị coi thường một cách trầm trọng. Hà Nội không chấp nhận những cuộc biểu tình phản đối vi phạm nhân quyền ở hải ngoại, nhưng đó là nghĩa vụ của mỗi người trên trái đất này.Trang web của Chính phủ Việt Nam nói họ tôn trọng Nhân quyền nhưng hoàn toàn không hề có, như trường hợp tù nhân chính trị Trần Huynh Duy Thức. Không ai có thể bỏ tù vì họ phản đối ôn hoà. Đây là sự vi phạm nhân quyền trầm trọng của nhà nước Việt Nam” Ông Hanno Shedler, cố vấn của Hiệp Hội Những Người Bị Đàn Áp (Gesellschaft für bedrohte Völker (GfbV)  có trụ sở chính tại Gottingen, Đức quốc, cho rằng những cáo buộc của nhà cầm quyền Việt Nam cho những Tù Nhân Lương Tâm là không có căn cứ và nhất là bản án 16 năm tù của người TNLT nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức là vô lý. TNLT Trần Huỳnh Duy Thức hiện đã thụ án tù được hơn 10 năm. “Chúng tôi cũng đã viết thư đến Bộ Ngoại giao, vẫn chưa có phản hồi, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ hỏi lại và đem vấn đề tình trạng tù nhân chính trị ở VN trình bày tại kỳ họp tới tại Liên Hiệp quốc và về việc ông Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn bị giam giữ, mặc dù lẽ ra ông ta đã phải được thả ra từ lâu. Năm nay phản ứng của nhà cầm quyền VN được coi là chậm trễ do COVID-19. Nhiều số phận, nhiều con người đã bị bỏ tù một cách sai trái và họ phải được thả ra. Điều này chỉ có sự quan tâm của thế giới mới tác động được”. Vừa qua, Tổ chức Front Line Defenders đã báo động về việc TNLT Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực từ ngày 24/11 để yêu cầu Tòa án cấp cao tuân theo điều khoản bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 về việc “chuẩn bị phạm tội” chỉ chịu mức án 1-5 năm, và xét lại bản án mười sáu năm được tuyên án vào năm 2010, theo đó ông phải được trả tự do ngay tức khắc. Ông Franz Alt nhận định: “Ông Trần Huỳnh Duy Thức không phải là tội phạm mà là một nhà bảo vệ nhân quyền. Do đó, việc các chính trị gia và doanh nhân Đức thúc giục chính phủ Việt Nam tuân thủ nhân quyền trong các cuộc đàm phán và giao dịch kinh doanh với Việt Nam là rất thích hợp”. Những nhà đấu tranh cho Nhân quyền tại Á Châu đã gọi ông Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Manlela của Á Châu và tôi đã gọi theo như vậy. Tôi biết đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nelson Mandela là một tấm gương. Trần Huỳnh Duy Thức đấu tranh bất bạo động như Mandela, ông Trần Huỳnh Duy Thức chưa bao giờ nói đến việc trả thù, do vậy tôi gọi ông ta là Mandela của Á Châu - Franz Alt Câu chuyện về Trần Huỳnh Duy Thức cũng được ông đưa lên trang web sonnenseite.com của ông với hơn 15.000 lượt truy cập mỗi ngày. Ông cũng gọi Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela Á Châu, ông giải thích : “Những nhà đấu tranh cho Nhân quyền tại Á Châu đã gọi ông Trần Huỳnh Duy Thức là Nelson Mandela của Á Châu và tôi đã gọi theo như vậy. Tôi biết đối với ông Trần Huỳnh Duy Thức, Nelson Mandela là một tấm gương. Trần Huỳnh Duy Thức đấu tranh bất bạo động như Mandela, ông Trần Huỳnh Duy Thức chưa bao giờ nói đến việc trả thù, do vậy tôi gọi ông ta là Mandela của Á Châu” Những người quan tâm đến Nhân quyền Việt Nam, bạn bè của ông Trần Huỳnh Duy Thức tỏ ý lo ngại cho sức khoẻ của ông. Ông Ngô Hoàng Phong, một người hoạt động tại Đức, đại diện cho Tổ Chức Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Âu Châu và cũng là người liên hệ trực tiếp với gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết gia đình cũng rất đau lòng khi nghe tình trạng sức khoẻ ông Thức bị kiệt quệ. Tuy nhiên, ông Ngô Hoàng Phong tin tưởng : “Một mặt tôi thấy nó hiệu quả vì nó đánh động lương tâm thế giới, nhất là những nước Tấy phương, họ yêu chuộng tự do, nhân quyền, họ sẽ đau lòng và can thiệp để thả. Riêng tôi, tôi luôn tôn trọng quyết định của những người trong tù, đặc biệt là anh THDT, anh ta biết anh ta làm gì, dĩ nhiên tôi rất đau lòng và chắc chắn sức khoẻ anh ta bị ảnh hưởng, một mặt tôi rất kính phục cho hành động kiên cường của anh, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến chính giới cho việc thả anh.” TNLT Trần Huỳnh Duy Thức. Hình RFA Ngoài những vận động Quốc tế, trang mạng « Mặt Trời » (sonnseite.com) của ông Franz Alt cũng kêu gọi người đọc viết thư cho Chủ tịch nước và đại sứ Việt Nam tại Đức. Riêng ông Hanno Schedler cũng cho biết ông sẽ viết thư cho chính quyền Việt Nam : “Chúng tôi cũng sẽ viết thư đến chính quyền Việt nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh điều này rằng đối với Liên minh Châu Âu Việt nam là một đối tác quan trọng, cũng là một đối tác quan trọng để kiềm chế chính sách bành trướng của Trung Cộng” Ông Ngô Hoàng Phong cũng đã vận động để đại diện chính phủ Đức đến thăm ông Trần Huỳnh Duy Thức trong tù năm 2018. Gần đây ông cũng đã viết thư cho Bộ Ngoại Giao Âu Châu và được cho biết trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã được nêu ra trong kỳ đối thoại Nhân quyền Đức-Việt hồi tháng 2 vừa qua. Họ cho biết các cuộc thăm viếng ông Thức sẽ được nối lại sau đại dịch COVID-19 : “Riêng về Tiểu ban lo về Nhân quyền tại Châu Âu của EVFTA rất quan tâm, họ hứa là họ sẽ can thiệp về vấn đề vi phạm trầm trọng của Việt Nam, cũng như Uỷ ban Tư Pháp về Thượng tôn Pháp luật mà Việt Nam và Đức đã ký năm 2009 cho 3 năm, trong đó đòi hỏi quyền con người phải được bảo đảm, tuy nhiên Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm, Việt Nam không tôn trọng những hiệp định mà họ đã ký với Đức, Các cơ quan của Đức rất là quan tâm, họ hứa là họ sẽ can thiệp để Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do.” Trang mạng The Project 88 cho biết hiện Việt Nam đang giam giữ 250 Tù Nhân Lương Tâm, trong đó có 81 nữ và 58 dân tộc thiểu số, Việt Nam vẫn còn ở bậc thang 175/180 về tự do báo chí theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới. Về trường hợp TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, ông Franz Alt nói: “Sự giúp đỡ từ bên ngoài này là hy vọng duy nhất cho một người có bị buộc tội là đứng lên đấu tranh cho nhân quyền” Tường An  https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/efforts-of-vn-community-in-eu-to-free-tran-huynh-duy-thu-12112020111631.html  
......

47 công nhân TQ ở Uganda vẫn còn bị dương tính Covid-19 mặc dù đã tiêm vaccine 'made in China'

Le Anh| Hôm 8 Tháng Mười Hai, 2020, theo thông tin Taiwan News cho biết, 47 công nhân Trung Quốc ở Uganda đã được tiêm Vắc-xin do Trung Quốc sản xuất vẫn bị dương tính Covid-19 sau khi xét nghiệm. Vấn đề được đặt ra về hiệu quả của các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.   Được biết 2 công ty con của Sinopharm là Công ty TNHH Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG) và một của Sinovac Biotech SVA.O đã được bật đèn xanh để được đưa vào thử nghiệm "như một phần của chương trình sử dụng khẩn cấp.   Theo phía nhà cầm quyền CSTQ cho biết, những đối tượng tiêm vắc-xin bao gồm các công dân Trung Quốc chuẩn bị ra nước ngoài, bao gồm các nhà ngoại giao, sinh viên và ít nhất 56.000 công nhân xây dựng từ các doanh nghiệp nhà nước.   Vào tháng 11, Reuters dẫn nguồn Sinopharm khoe rằng không ai trong số những người nhận vắc xin của họ ra nước ngoài bị nhiễm bệnh.   Tuy nhiên, Đại sứ quán Trung Quốc tại Uganda hôm 5 Tháng Mười Hai, 2020 thông báo rằng một công ty Ấn Độ ở Uganda cho biết 47 công dân Trung Quốc làm việc cho công ty này đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Nó cho biết phần lớn các trường hợp không có triệu chứng, nhưng "một số ít" có các triệu chứng của virus, bao gồm sốt, ho, mệt mỏi và tiêu chảy.   Một lần nữa dư luận đặt câu hỏi. Liệu Vắc-xin của Trung Quốc có hiệu quả hoặc hiệu quả sẽ kéo dài bao lâu?   Theo thông tin trước đó từ Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các đơn vị thực hiện nghiên cứu sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Nga và chủ động liên hệ với Trung Quốc để tiếp cận Vắc-xin.   https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4072441  
......

Cảnh sát Đài Loan công bố danh sách 19/90 lao động Việt nhiễm HIV từ du học sinh Trân Thị Hải

nữ du học sinh Việt Trần Thị Hải Nguyễn Văn Đề| Cảnh sát Đài Loan chính thức công bố danh tính 19 lao động trong tổng số 90 người nhiễm HIV từ nữ du học sinh Việt Trần Thị Hải sinh năm 2001 sang du học tại trường tiếng Đài Bắc- Đài Loan. Phía lực lượng cảnh sát cũng liên hệ với Đại diện Trường tiếng nơi du học sinh (DHS) Việt đang theo học để có quyết định buộc thôi học. Cảnh sát cũng đang tiếp tục truy tìm 71 lao động Việt khác để nhanh chóng đưa ra biện pháp điều trị tại các bệnh viện ngăn chặn nguồn lây nhiễm rộng. Theo lời khai của nữ du học sinh "DHS" Việt Trần Thị Hải quê quán Thanh Miện- Hải Dương và quá trình xác nhận danh tính của cơ quan cảnh sát đã bắt giữ công bố 19 lao động Việt trên sóng truyền hình Đài Loan. Danh sách danh tính 19 công dân đã có quan hệ trực tiếp và gián tiếp với Trần Thị Hải trong đó có hàng loạt lao động Việt và lao động ngoại quốc như sau: Những lao động trực tiếp quan hệ với nữ du học sinh Việt (từ trái qua phải) 1. Trần Định Nghị sinh năm 1980 quê quán Thanh Hóa sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 2-Nguyễn Văn Hoàng sinh năm 1984 quê quán Hải Dương sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 3-Mai Văn Tới sinh năm 1990 quê quán Bắc Ninh sang Đài Loan làm việc theo diện du học sinh. 4-Đỗ Huy Hùng sinh năm 1988 quê quán Hải Phòng sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 5- Ông Lexing sinh năm 1980 quốc tịch Trung Quốc sang Đài Loan làm việc theo diện lao động . 6- Trần Văn Anh sinh năm 1993 quê quán Nam Định sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 7-Hứa Văn Cường sinh năm 1991 quê quán Phú Thọ sang Đài Loan làm việc theo diện du học sinh. 8-Trần Đại Nghĩa sinh năm 1988 quê quán Hà Nam sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 9-Chun Yuan sinh năm 1990 quốc tịch Đài Loan. 10-Anh Philip Sarh sinh năm 1984 quốc tịch Indonesia sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 11-Trần Mạnh Tấn sinh năm 1995 quê quán Nghệ An sang Đài Loan theo diện du học sinh. 12-Những nữ công dân khác cũng gián tiếp nhiễm HIV theo giám định của các bác sĩ (từ trái qua phải) 13-Cô Xing Yiang 35 tuổi là vợ của anh Lexing quốc tịch Trung Quốc sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 14-Cô Đào Thị Yến sinh năm 1986 quê quán Thanh Hóa đã có quan hệ với đồng nghiệp Trần Định Nghị sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 15-Cô Lèng Thị Xuân sinh năm 1984 quê quán Cao Bằng có quan hệ với anh Philip Sarh sang Đài Loan làm việc theo diện lao động. 16- Cô Đặng Thị Hòa sinh năm 1993 quê quán Vĩnh Phúc có quan hệ với Trần Mạnh Tấn sang Đài Loan theo diện lao động. 17- Cô Maria Lew sinh năm 1984 quốc tịch Philipin có quan hệ với anh Philip Sarh sang Đài Loan theo diện lao động. 18- Cô Nguyễn Linh Nhi sinh năm 1999 quê quán Quảng Ninh có quan hệ với Hứa Văn Cường sang Đài Loan theo diện DHS. 19-Cô Trương Quỳnh Anh sinh năm 1995 quê quán Lạng Sơn có quan hệ với Mai Văn Tới sang Đài Loan theo diện DHS. Hiện tại cảnh sát đã bắt giữ thành công 19 đối tượng trên có quan hệ trực tiếp và gián tiếp, các bác sĩ cũng đã chính thức công bố 19 lao động trên dương tính với HIV và đưa ra phác đồ điều trị hợp lí cho các lao động nhằm kéo dài thời gian sống cao nhất có thể. Bên cạnh đó cảnh sát Đài Loan đang nổ lực tuyên truyền các lao động khác có quan hệ với nữ du học sinh Trần Thị Hải nhanh chóng kiểm tra sức khỏe để không gây lây nhiễm cho người khác. Các công ty nơi các lao động làm việc cũng chính thức được thông báo để có quyết định loại bỏ các lao động này. Phía cảnh sát đang cố gắng kết hợp với Cục lưu trú, các chuyến bay nhân đạo của các nước có lao động nhiễm HIV trên để sớm trục xuất.
......

Tối Cao Pháp Viện Đài Loan: Tòa án Cấp cao Đài Loan phải đưa ra phán quyết mới

jffv02 Tối cao Pháp Viện Đài Loan Phán quyết về Vấn đề Dân sự Tai-Appeal No. 1084 Ruling of 2020 Bên Kháng Án                         7874 Người kháng cáo với thông tin như sau Đại diện cho các nguyên đơn Luật sư San-Jia LIN Luật sư Yu-Yin CHANG Luật sư Xin-Wen HUANG Luật sư Hong-Yi KUO Liên quan đến các yêu cầu về thiệt hại được đưa ra giữa bên kháng án và Công ty Nhựa Formosa Plastics Ltd. cùng các công ty khác, bên kháng án đã nộp một bản tái kháng án trung gian (interlocutory re-appeal) đối với Phán quyết của Tòa án Cấp cao Đài Loan vào ngày 16/03/2020 (Kháng án số 1466 Phán quyết năm 2020), Tòa án đã đưa ra phán quyết như sau: Phán quyết: Phán quyết nói trên của Tòa án Cấp cao Đài Loan bị hủy bỏ và Tòa án Cấp cao Đài Loan phải đưa ra phán quyết mới. Lập luận: 1-Bên kháng án trong vụ việc này (tất cả đều mang quốc tịch Việt Nam) đã đệ đơn yêu cầu lên Tòa án Quận Đài Bắc Đài Loan, theo đó cáo buộc rằng, theo như báo cáo được công bố bởi chính phủ Việt Nam vào năm 2016, nước xả thải có chứa các chất độc hại như phenol và cyanide bắt nguồn từ hành vi xả thải trái phép của bị đơn Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh đã vi phạm quyền được làm việc và quyền được bảo vệ sức khỏe của bên kháng án cũng như là xâm phạm quyền được sống của vợ/chồng của bên kháng án. Vào thời điểm năm 2013, các cổ đông của Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh bao gồm Công ty Nhựa Formosa Ltd., Công ty Nhựa Nan Ya Ltd., Công ty Hóa chất & Sợi Formosa Ltd., Công ty Hóa dầu Formosa Ltd., Công ty Công nghiệp nặng Formosa Ltd., Công ty Vải Taffeta Formosa Ltd., Công ty Năng lượng Mai-Liao Ltd., Công ty Thép China Ltd., và Công ty Nhựa Formosa Plastics USA Ltd.. Vào thời điểm năm 2016, các cổ đông của Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh bao gồm Công ty Năng lượng Mai-Liao Ltd., các bị đơn Công ty Nhựa Formosa USA Ltd., Tập đoàn JFE Holdings Ltd., Công ty Nhựa Quốc tế Formosa (Cayman) Ltd., Công ty Hóa chất & Sợi Quốc tế Formosa (Cayman) Ltd., Công ty Hóa dầu Quốc tế Formosa (Cayman) Ltd., Công ty Vải Taffeta Formosa (Cayman) Ltd., Công ty Holdings Thép China Châu Á Thái Bình Dương Ltd., trong khi đó bị đơn Formosa Hà Tĩnh (Cayman) Ltd. đã từng là công ty sở hữu của Công ty Năng lượng Mai-Liao Ltd., và các công ty khác. Tất cả những công ty kể trên phải chịu trách nhiệm liên đới và trách nhiệm riêng lẻ cho các vi phạm cùng với Nhà máy Thép Formosa Hà Tĩnh. Hơn nữa, bên kháng án cho rằng, theo Điều 172, 584 và 601 của Bộ Luật Dân Sự của Việt Nam, Điều 13 của Luật Thủy Sản của Việt Nam, Điều 112 và 160 của Luật Bảo Vệ Môi Trường của Việt Nam, Điều 34 và 38 của Luật Tài Nguyên Nước của Việt Nam, Điều 61 của Luật Tài Nguyên, Môi Trường Biển và Hải Đảo của Việt Nam, và các luật khác, Bị Đơn phải chịu trách nhiệm liên đới và trách nhiệm riêng lẻ để bồi thường cho Bên Kháng Án một khoản tiền trị giá 140.273.562 Tân Đài Tệ (New Taiwan Dollars), Bị Đơn phải ngay lập tức ngừng các hoạt động gây ô nhiễm, thực hiện những biện pháp cần thiết để loại bỏ chất thải gây ô nhiễm, và thực hiện những biện pháp khắc phục nhằm khôi phục và cải thiện môi trường. Trước việc Tòa án Quận Đài Bắc Đài Loan bác bỏ yêu cầu của bên kháng án trên cơ sở các tòa án tại Đài Loan không có thẩm quyền để đưa ra quyết định trong vụ việc nói trên, bên kháng án đã đệ trình một đơn kháng án trung gian đối với phán quyết của Tòa án Quận Đài Bắc Đài Loan, đơn này được thụ lý bởi Tòa án Cấp cao Đài Loan. Tòa án Cấp cao Đài Loan cho rằng, theo như dữ kiện trình bày bởi bên kháng án, nơi đăng ký, văn phòng chính hay nơi hoạt động chính của Bị Đơn là Đài Loan, Việt Nam, Quần Đảo Cayman, Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Singapore, và cả hành vi dẫn đến vi phạm cũng như hậu quả của việc gây ô nhiễm đều xảy ra tại Việt Nam. Theo Điều 15, Đoạn 1 và điều kiện của Điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan, áp dụng mutatis mutandis đối với vụ việc này, chỉ có các tòa án Việt Nam nơi mà các hành vi liên đới gây ra vi phạm diễn ra mới có thẩm quyền quyết định vụ việc này. Do đó, khi đưa ra phán quyết nhằm giữ nguyên phán quyết của Tòa án Quận Đài Bắc Đài Loan khi bác bỏ yêu cầu của bên kháng án, Tòa án Cấp cao Đài Loan cho rằng các tòa án Đài Loan không có thẩm quyền để đưa ra quyết định trong vụ việc này, và vụ việc này không thể được chuyển đến một tòa án ở Việt Nam theo quy định của Điều 28 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan. Vì vậy, Tòa án Cấp cao Đài Loan bác bỏ đơn kháng án của bên kháng án. 2- Tuy nhiên, luật điều chỉnh của Đài Loan, Đạo luật Điều chỉnh việc Lựa chọn Pháp luật trong Vấn đề Dân sự có Yếu tố Nước ngoài, không có quy định rõ ràng thẩm quyền đưa ra quyết định trong một vụ việc có yếu tố nước ngoài sẽ được phân bổ như thế nào. Trong quá trình xem xét việc một tòa án Đài Loan có thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài hay không, toàn án cần cân nhắc các quyền lợi dân sự có liên quan trong vụ việc đang giải quyết và sự liên kết của chúng với nhiều diễn đàn khác có liên quan, cân nhắc các quy tắc luật định về thẩm quyền giải quyết một vụ việc dân sự và những quy định có liên quan cũng như thông lệ trong việc phân bổ thẩm quyền giải quyết một vụ việc có yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, tòa án phải đưa ra quyết định sau khi đã cân nhắc các yếu tố như công bằng thực chất giữa các bên, cũng như vai trò giải quyết vấn đề và tính hiệu quả của các thủ kiện khởi kiện. Thêm vào đó, khi xét đến các ranh giới về chủ quyền tư pháp giữa các quốc gia, một tòa án trong nước, trên nguyên tắc, chỉ có thể trực tiếp giải quyết vụ việc trong pham vi thẩm quyền hợp lý của các tòa án thuộc nước đó, trong việc đưa ra giới hạn về phạm vi thẩm quyền của các tòa án của quốc gia đó trong việc giải quyết một vụ án có yếu tố nước ngoài, và phải tránh việc đưa ra phán quyền về việc áp dụng thẩm quyền của một tòa án nước ngoài. Đối với vấn đề này, xuất hiện một khác biệt cơ bản trong việc quyết định việc phân bổ thẩm quyền giữa các tòa án trong một quốc gia, điều mà một tòa án Đài Loan được quyền làm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, và quyết định việc phân bổ thẩm quyền giữa một tòa án trong nước và một tòa án nước ngoài, việc yêu cầu phải cân nhắc các nguyên tắc điều chỉnh khu vực pháp lý này. Trong bối cảnh đó, quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự của Đài Loan chỉ có thể được viện dẫn khi đưa ra phán quyết, như một chi tiết tham khảo, trong phạm vi không đi trái lại với các nguyên tắc điều chỉnh việc phân bổ thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự giữa các tòa án thuộc các quốc gia khác nhau, và miễn sao việc áp dụng này cho vụ việc đang được nhắc đến là công bằng và chuẩn mực. Trước những vấn đề đó, điều kiện của Điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự của Đài Loan, quy định rằng một tòa án khác không đặt tại nơi cư trú của một đồng bị đơn có thể phát sinh thẩm quyền giải quyết vụ việc theo các quy định từ Điều 4 đến Điều 19 thay cho tòa án đặt tại nơi cư trú của đồng bị đơn, là một quy định nhằm điều chỉnh sự phân bổ thẩm quyền giữa các tòa án trong một quốc gia. Bằng việc mở rộng phạm vi áp dụng của điều kiện tại Điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự của Đài Loan cho trường hợp phân bổ thẩm quyền giữa một tòa án trong nước và một tòa án nước ngoài, Phán quyết của Tòa án Cấp Cao Đài Loan đã đưa ra một kết luận phủ nhận khả năng áp dụng thẩm quyền của các tòa Đài Loan để giải quyết một vụ việc dựa trên một liên kết về thẩm quyền xuất phát từ vị trí địa lý cư trú của các bị đơn. Điều này đã đi trái lại với nguyên tắc nói trên, rằng một quy định của luật nội địa chỉ có thể trực tiếp giải quyết vụ việc trong pham vi thẩm quyền hợp lý của các tòa án thuộc nước đó, trong việc đưa ra giới hạn về phạm vi thẩm quyền của các tòa án của quốc gia đó trong việc giải quyết một vụ án có yếu tố nước ngoài, và do đó hậu quả pháp lý từ phán quyết không thể xem là công bằng và chuẩn mực. Trong bất kỳ trường hợp nào, điều kiện của Điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan không thể được sử dụng để quyết định việc phân bổ thẩm quyền giữa một tòa nội địa và một tòa nước ngoài. Khi xét đến việc Tòa án Cấp cao Đài Loan đã không cân nhắc đầy đủ nguyên tắc nêu trên khi đã sử dụng điều kiện tại Điều 20 của Bộ luật Tố tụng Dân sự Đài Loan trong quyết định của mình về việc phân bổ thẩm quyền giữa một tòa án nội địa và một tòa án nước ngoài, Phán quyền này có thể bị xem là không phù hợp với quy định của luật. Tóm lại, bên kháng án cho rằng Phán quyết nói trên của Tòa án Cấp cao Đài Loan là chưa chuẩn mực trong quá trình áp dụng pháp luật. 3- Vì các lẽ đó, Tòa án nhận thấy yêu cầu đưa ra là có cơ sở. Theo quy định của Điều 499-1, Đoạn 2, Điều 477, Đoạn 1 và Điều 478, Đoạn 2 của Bộ luật Tố tụng Dân sự của Đài Loan, Tòa án đưa ra phán quyết như đã nêu trong đoạn trên. (Đóng dấu của Tòa án) Vào ngày 11/11/2020 Quyết định bởi Second Chamber, Tối cáo Pháp viện Đài Loan bao gồm Chủ tọa Thẩm phán Chong-Yu CHEN Thẩm phán Yu-Fen LIANG Thẩm phán Shu-Yan CHOU Thẩm phán Shu-Yuan HUANG Thẩm phán Li-Ling CHEN Được chứng nhận là bản sao y đúng với bản chính. Thư ký Jin-Sheng Kuo (Đóng dấu) Ngày 18/11/2020  
......

Giải Thích Về Cử Tri Đoàn Trong Bầu Cử Tổng Thống Hoa Kỳ

Tim Pham| Trước khi nói về Cử Tri Đoàn và cách thức cùng thể lệ bầu cử, chúng ta cần phải nhớ rằng nước Mỹ không phải là một quốc gia có 50 tỉnh mà nước Mỹ là một hiệp chủng quốc gồm 50 tiểu bang tự trị. Khi các tiểu bang gia nhập vào Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, họ chỉ phải đồng ý là sẽ tuân thủ theo một số điều luật của liên bang mà bang nào cũng phải theo. Ngoài các điều luật đó ra, các tiểu bang hoàn toàn tự trị và tự vận hành. Nói một cách nôm na, nước Mỹ như là tập thể của 50 vườn hoa. Tuy nằm trong công viên lớn có tên là Hoa Kỳ, nhưng các chủ vườn có thể trồng các loại cây và hoa mà mình muốn với điều kiện là cây của bang này không được lấn sang đất của bang khác. Chính phủ liên bang không giới hạn số lượng và chiều cao của cây. Nói một cách khác, sự phát triển kinh tế của bang này không được gây hại đến sự phát triển kinh tế của các bang khác. Tại các tiểu bang của Hoa Kỳ, hiến pháp và luật lệ của mỗi tiểu bang có giá trị và hiệu lực cao hơn hiến pháp và luật lệ của chính phủ liên bang. Các cuộc bầu cử ở cấp tiểu bang đều theo thể thức phổ thông bầu phiếu, nghĩa là ai được nhiều phiếu thì người đó thắng. Chỉ có chiếc ghế tổng thống Hoa Kỳ mới được bầu theo thể thức Cử Tri Đoàn (Electoral College). Vì Sao Cần Có Cử Tri Đoàn? Vì sao chiếc ghế Tổng Thống không được quyết định bằng thể thức phổ thông bầu phiếu, nghĩa là đa số thắng thiểu số? Câu trả lời rất đơn giản là, ngay từ đầu, các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã hoàn toàn không có ý định tạo ra một nền dân chủ dựa trên nền tảng thuần tuý của nguyên tắc đa số thắng thiểu số. Sau khi nghiên cứu lịch sử thế giới một cách cẩn thận và tỉ mỉ, họ đã học được điều mà, ngày nay, hầu hết mọi người đã quên hoặc chưa bao giờ được học. Đó là, một nền dân chủ chỉ thuần túy dựa trên nguyên tắc đa số thắng thiểu số, lấy thịt đè người là một nền dân chủ bất công và không bao giờ là nền dân chủ thực sự. Trong một nền dân chủ thuần túy dựa trên sức mạnh của đại đa số thì các nhóm thuộc đại đa số sẽ có thể dễ dàng áp đặt sự chuyên chế của mình lên phần còn lại của đất nước. Nó sẽ tạo ra một xã hội trong đó các nhóm đa số sẽ lấn lướt, áp đặt, và hiếp đáp các nhóm thiểu số; các bang lớn, đông dân sẽ lấn áp và chà đạp quyền lợi của các bang nhỏ. Nền dân chủ dựa trên sức mạnh của đại đa số được ví như khi hai con sói và một con cừu ngồi lại với nhau để đưa ra quyết định “dân chủ” về món ăn cho bữa tối. Dĩ nhiên con cừu sẽ luôn là món ăn cho bữa tối và cả bữa trưa ngày hôm sau. Con cừu, với thân phận thế cô, sức yếu sẽ không bao giờ ngóc đầu lên được trong một xã hội mà đại đa số là sói. Tượng tự, trong một xã hội mà đại đa số là phụ nữ, thì khi “bầu phiếu dân chủ”, đàn ông luôn luôn sẽ là người rửa chén sau bữa ăn. Trong một xã hội mà bần cố nông nhiều hơn thành phần trí thức, tiểu tư sản, thì khi “bầu phiếu dân chủ”, bần cố nông sẽ luôn cai trị những người trí thức. Dân chủ theo kiểu đa số thắng thiểu số này sẽ rất nguy hiểm cho đất nước, là phản dân chủ, và là án tù chung thân cho số ít. Đây là nền “dân chủ” mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ muốn tránh bằng mọi giá. Thấy được sự nguy hiểm của nguyên tắc “lấy thịt đè người”, dùng sức mạnh của số đông để đàn áp, thống trị số ít này, các nhà lập quốc của Hoa Kỳ đã phải ngồi lại với nhau ròng rã nhiều tháng để tìm ra một phương pháp nhằm giảm thiểu sức mạnh toàn trị của số đông trên mảnh đất Hoa Kỳ. Và cuối cùng, họ đã nghĩ ra một hệ thống bầu cử Tổng Thống có tên là Electoral College, tức Cử Tri Đoàn. Cử Tri Đoàn được sáng lập để ngăn ngừa và giảm thiểu sự lấn áp của số đông đối với số ít, để đảm bảo quyền lợi cho các bang có số dân nhỏ, để đảm bảo tiếng nói và nguyện vọng của họ cũng được xem trọng như các tiểu bang lớn. Đó là lý do vì sao, các tiểu bang dù nhỏ hay lớn đều chỉ được có hai đại diện trong Thượng Viện. Điều này đảm bảo rằng trong các cuộc bầu phiếu tại Thượng Viện tất cả các bang đều có sức mạnh như nhau vì mỗi bang đều có hai phiếu bầu. Để bù lại việc các bang lớn bị “xử ép” khi chỉ có hai đại diện tại Thượng Viện, số ghế đại diện của mỗi bang tại Hạ Viện được dựa trên dân số của mỗi bang. Như vậy, các tiểu bang lớn sẽ được nhiều ghế đại diện trong Hạ Viện hơn các tiểu bang nhỏ. Tuy có vẻ “bất công” đối với các tiểu bang nhỏ, nhưng thực sự thì lại rất công bằng bởi vì con ngựa to lớn hơn và làm việc có hiệu quả cao hơn nên dĩ nhiên phần ăn sẽ được nhiều hơn con lừa. Công bằng tuyệt đối không bao giờ tồn tại. Theo thể thức bầu cử của Cử Tri Đoàn ngày nay, một ứng cử viên cần ít nhất 270 phiếu bầu để giành chiến thắng. Tại sao điều này lại quan trọng như vậy? Bởi vì thể thức Cử Tri Đoàn khuyến khích xây dựng liên minh và vận động bầu cử trên bình diện toàn quốc để giành được sự ủng hộ của nhiều loại cử tri khác nhau, từ nhiều vùng khác nhau của nước Mỹ. Nếu một cử tri chỉ có được sự ủng hộ của miền Nam hoặc miền Tây thì không đủ để đắc cử. Họ không thể giành được con số tối thiểu 270 phiếu đại cử tri nếu chỉ có một phần của đất nước ủng hộ họ. Do đó, đối với một ứng cử viên, mọi tiểu bang và mọi cử tri đều trở nên quan trọng như nhau. Ngược lại, nếu chiến thắng nghĩa là chỉ cần làm sao để có đủ số phiếu phổ thông, thì một ứng cử viên chỉ cần tập trung toàn bộ nỗ lực của mình để vận động tại các thành phố lớn nhất hoặc các bang lớn nhất mà không cần phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, và khó khăn của các tiểu bang nhỏ. Thể thức Cử Tri Đoàn còn có tác dụng ngăn ngừa sự gian lận và hối lộ. Thí dụ như nếu Châu Á cần bầu ra một tổng thống. Châu Á có 4,6 tỉ dân, Trung Quốc có 1,5 tỉ dân và Ấn Độ có 1,4 tỉ dân. Nếu theo thể thức Cử Tri Đoàn thì thắng được Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa đủ điểm để đắc cử. Vì vậy, các ứng cử viên phải coi trọng và quan tâm đến các nước khác. Nếu theo thể thức bầu phiếu phổ thông, thì các ứng cử viên chỉ cần tập trung vận động để dân Trung Quốc và Ấn Độ bầu cho mình vì hai nước này hợp lại đã có 3 tỉ dân. Trung Quốc và Ấn Độ có thể liên minh mua chuộc một ứng cử viên nào đó và vị ứng cử viên đó chỉ cần đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ sau khi đắc cử. Vì phiếu bầu của Việt, Miên, Lào không quan trọng và không cần thiết nên quyền lợi của các nước này cũng sẽ không được đảm bảo. Như vậy, Trung Quốc và Ấn Độ có thể thao túng toàn bộ Châu Á. Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng sông Mekong và sông Hồng theo ý của mình. Họ có thể đào kênh thuỷ lợi dẫn hết nước vào ruộng của họ, tuỳ tiện xây đập thuỷ điện và kết quả là gây hại cho các nước thấp cổ, bé miệng ở hạ nguồn như Việt, Miên, Lào. Đây chính là hệ thống dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số thắng thiểu số, lấy thịt đè người, bang lớn chèn ép bang nhỏ mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ muốn ngăn ngừa bằng mọi giá. Cử Tri Đoàn còn có rất nhiều cái lợi khác, một trong số đó là đếm phiếu. Theo thể thức bầu phiếu phổ thông, nếu hai ứng cử viên có số phiếu xấp xỉ bằng nhau thì việc đếm lại phiếu bằng tay (recount) trên phạm vi toàn quốc sẽ được dùng để quyết định người thắng cuộc vì computer có thể bị trục trặc. Việc đếm phiếu bằng tay trên phạm vị toàn quốc sẽ gây tốn kém rất nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc. Đó là chưa kể đến việc sau khi đếm phiếu mà vẫn xấp xỉ thì lại phải đếm lại. Thể thức Cử Tri Đoàn sẽ giải quyết vấn đề này nhanh gọn và đỡ tốn kém hơn nhiều. Tôi xin được lấy tiểu bang Minnesota làm ví dụ. Minnesota được 10 Electoral Votes (gọi là 10 phiếu đại cử tri). Ai thắng được số phiếu phổ thông tại Minnesota thì sẽ được cộng 10 phiếu đại cử tri vào tổng số phiếu đại cử tri của mình. Nếu như số phiếu phổ thông của hai cử viên tại bang này xấp xỉ bằng nhau thì chỉ cần đếm lại phiếu tại Minnesota để quyết định thắng thua chứ không cần phải đếm lại phiếu trên toàn nước Mỹ. Và đây cũng là một trong những lý do mà các chuyên gia thời nay gọi các nhà lập quốc là “thiên tài” khi họ đã sáng lập ra Cử Tri Đoàn. Thể Thức Của Cử Tri Đoàn Quốc hội Hoa Kỳ được chia làm hai viện: thượng viện (Senate) gồm có 100 Thượng Nghị Sĩ (TNS) và Hạ Viện (House of Representatives) gồm có 435 Hạ Nghị Sĩ (HNS). Lúc đầu, Hạ Viện chỉ có 59 ghế. Số ghế này được tăng theo sự phát triển dân số. Đến khi số ghế lên đến 435 thì Hạ Viện quyết định không tăng nữa. Mỗi tiểu bang có 2 TNS và con số này không đổi. Số HNS của mỗi bang được phân bố dựa trên dân số. Tiểu bang California có 53 ghế HNS vì dân số đông, trong khi bang Alaska chỉ có 1 ghế HNS vì dân số ít. 435 ghế trong Hạ viện được chia cho các bang theo chỉ số ưu tiên dựa trên một công thức toán học thuần tuý chứ không dựa trên một ưu tiên chính trị nào cả. Đầu tiên, tất cả 50 tiểu bang đều được phân bố một ghế. 435 - 50 = 385. Chiếc ghế số 51 sẽ trở thành chiếc ghế thứ hai cho California vì lúc này chỉ số ưu tiên của bang này cao nhất nhờ vào số dân đông nhất. Sau đó, chỉ số ưu tiên của bang này được giảm xuống theo công thức toán học vừa nêu ở trên. Nếu chỉ số ưu tiên vẫn còn cao nhất thì sẽ được ghế thứ 52 sẽ trở thành chiếc ghế thứ ba cho California. Cứ như vậy cho đến khi chỉ số ưu tiên của California thấp hơn Texas (Texas có số dân cao thứ nhì) thì Texas sẽ nhận được chiếc thứ hai của mình. Tiếp tục như vậy cho đến khi không còn ghế nào để phân bố. Dân số của các tiểu bang được thống kê 10 năm một lần. Vì số ghế giới hạn ở mức tối đa là 435, nên bang nào giảm dân số thì phải mất ghế và bang nào tăng dân số sẽ được tăng ghế. Mỗi tiểu bang sẽ nhận được số phiếu đại cử tri bằng với tổng số ghế của mình trong cả hai viện. Ví dụ: California có 53 ghế trong Hạ Viện cộng với 2 ghế trong Thượng Viện nên sẽ có 55 phiếu đại cử tri. Cộng số ghế trong Thượng Viện (100) và Hạ Viện (435) thì sẽ được 535 ghế. Do đó, 50 tiểu bang sẽ có tổng cộng 535 phiếu đại cử tri. Trường hợp cá biệt duy nhất là Washington D.C. Vì không phải là một tiểu bang của Hoa Kỳ nên Washington D.C. không có TNS và HNS mà chỉ có một đại diện trong quốc hội. Tuy vậy, địa hạt này vẫn được phân bố 3 phiếu đại cử tri. Như vậy, toàn nước Mỹ hiện nay có 538 phiếu đại cử tri (100 + 435 + 3 = 538). Một cử tri nếu muốn đắc cử Tổng Thống phải đạt được tối thiểu là 270 phiếu đại cử tri. Trong trường hợp không ai đạt được số 270 phiếu, hoặc các ứng cử viên có số phiếu bằng nhau thì Hạ Viện sẽ bầu Tổng Thống và Thượng Viện sẽ bầu Phó Tổng Thống. Vai Trò của Đại Cử Tri Bầu cử Tổng Thống Mỹ được tiến hành qua hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được tiến hành theo thể thức phổ thông bầu phiếu. Giai đoạn hai được bầu bởi các Đại Cử Tri. Lấy Minnesota làm ví dụ. Minnesota có 10 phiếu đại cử tri. Cử tri của đảng nào thắng ở Minnesota bằng phiếu phổ thông thì đảng đó sẽ cử 10 đại diện của đảng mình vào đoàn Đại Cử Tri. Đoàn này, trước khi đến Washington D.C. để bầu Tổng Thống, sẽ phải hứa là sẽ trung thành với cử tri của đảng mình. Điều đặc biệt là họ không bắt buộc phải làm theo những gì đã hứa. Luật pháp cũng không bắt buộc họ phải trung thành. Họ chỉ phản bội lời hứa khi có lý do chính đáng. Thường thì họ phản bội lời hứa vì lương tâm của họ cho rằng ứng cử viên của đảng mình không xứng đáng làm Tổng Thống. Lý do thứ hai, vì họ là người sinh hoạt trong đảng nên họ có thể nhìn thấy những sai trái trong nội bộ mà những người đi bầu bình thường không thấy được. Trong trường hợp này, họ có thể bầu cho bất kỳ ai mà họ muốn hoặc bỏ phiếu trắng. Những người này được gọi là Faithless Electors (Đại Cử Tri Vô Tín). Trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ, những người Vô Tín này không nhiều và sự vô tín của họ chưa bao giờ làm đảo ngược kết quả bầu cử. Trong các cuộc bầu cử năm 1948, 1956, 1960, 1968, 1972, 1976, và 1988 mỗi cuộc đều chỉ có một người Vô Tín. Năm 2000, có một người bỏ phiếu trắng. Nhưng cuộc bầu cử mới nhất vào năm 2016 có đến 5 người phản Hillary Clinton và 2 người phản Donald Trump. Như vậy, Hillary Clinton là người đang giữ kỷ lục bị phản nhiều nhất trong một cuộc bầu cử. Hiệu Quả Của Cử Tri Đoàn Mục đích chính của thể thức Cử Tri Đoàn là để ngăn chặn sự nguy hiểm của sự thống trị của số đông, lấy thịt đè người, lấy mạnh hiếp yếu. Kể từ khi được chính thức đưa vào sử dụng trong các cuộc bầu cử vào năm 1788, thể thức Cử Tri Đoàn với cách phân bố số phiếu đại cử tri bằng với số đại diện trong Quốc Hội đã luôn chứng tỏ sự hữu hiệu của nó trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các tiểu bang. Một ví dụ điển hình là việc tranh chấp quyền lợi nguồn nước từ sông Colorado giữa California và sáu tiểu bang khác (Wyoming, New Mexico, Colorado, Utah, Nevada, Arizona). Miền Nam California vốn dĩ rất khô hạn vì thiếu nước trầm trọng và hầu như không bao giờ có mưa. Từ xưa đến nay, nguồn nước chính của Nam California là từ sông Colorado. Để bảo đảm lượng nước đủ dùng từ sông này, California đã nhiều lần sử dụng lợi thế 53 ghế tại Hạ Viện so với 28 ghế của sáu bang kia để đưa ra những dự luật có lợi cho mình qua việc hạn chế việc sử dụng nước của các bang ở thượng nguồn. Tuy 53 ghế là lợi thế rất lớn, nhưng nó cũng chỉ chiếm 12% của các ghế tại Hạ Viện. Các bang không liên quan sẽ không muốn đứng về phía ai mà chỉ bầu cho những gì họ cho là hợp lý và có lợi cho nước Mỹ. Kết quả là hầu hết các dự luật đó đều thất bại. Nếu có dự luật nào được thông qua tại Hạ Viện thì khi đưa lên Thượng Viện cũng sẽ không được thông qua. Ở Thượng Viện mỗi bang chỉ có hai ghế đại diện nên sáu bang kia (12 đại diện) sẽ lật ngược thế cờ. Đến năm 1950s, California mới bắt đầu dẫn nước từ miền Bắc xuống miền Nam, nhưng để phát triển kinh tế, nông nghiệp, và để đáp ứng cho sự tăng dân số tại miền Nam, California không thể chỉ dựa vào nguồn nước SWP từ phía Bắc mà cần luôn cả nguồn nước từ sông Colorado. Biết không thể đảm bảo nguồn nước bằng việc lấy thịt đè người, California phải xuống nước và hứa cho sáu bang kia nhiều ưu đãi về kinh tế như bán cam rẻ hơn, bán các sản phẩm nông nghiệp khác với giá rẻ hơn. Như vậy, tuy có mâu thuẫn quyền lợi, nhưng các bang có liên quan vẫn phải đối xử ôn hoà và tôn trọng lẫn nhau. Kể từ năm 1788, có 5 ứng cử viên thắng cuộc bầu phiếu phổ thông nhưng lại không thắng được chức Tổng Thống mà 4 người trong số đó là của đảng Dân Chủ. Mỗi lần thất bại, đảng Dân Chủ đều đổ thừa cho thể thức Cử Tri Đoàn và bảo rằng “Electoral doesn’t work” vì nó không phản ánh ý kiến của số đông. Họ còn cho rằng Electoral College được lập ra để làm lợi cho đảng Cộng Hoà. Thật ra, họ đã sai khi nói như vậy. Cử Tri Đoàn được đưa vào sử dụng (năm 1788) trước khi có đảng Dân Chủ (năm 1828) và đảng Cộng Hoà (năm1854), cho nên không thể nói là nó được lập ra để thiên vị và bênh vực bất kỳ đảng nào. Cử Tri Đoàn được lập ra để phá vỡ sự độc quyền thống trị lâu dài của số đông, cho số ít có khả năng cạnh tranh và cơ hội để thắng số đông và nó đã làm được những gì mà các nhà lập quốc muốn nó làm. Phiếu phổ thông đại diện cho sức mạnh của số đông và năm lần thất bại của số đông đã chứng minh điều đó. Như nhiều chuyên gia chính trị đã nói: “Electoral College works perfectly. It works as designed. That’s how it’s supposed to work.” Để thấy thêm hiệu quả tuyệt vời của thể thức Cử Tri Đoàn trong việc phá vỡ sự độc quyền thống trị của số đông hay của một đảng nào đó, chúng ta không cần phải nhìn đâu xa mà hãy nhìn lại những cuộc bầu cử gần đây nhất. Năm 2000, Al Gore của đảng Dân Chủ thắng phiếu phổ thông nhưng Goerge Bush lại làm tổng thống vì thắng phiếu đại cử tri. Năm 2016, Hillary Clinton của đảng Dân Chủ cũng thắng phiếu phổ thông nhưng Donald Trump lại làm tổng thống vì thắng phiếu đại cử tri. Nếu không có thể thức Cử Tri Đoàn thì Al Gore và Hillary Clinton của đảng Dân Chủ đã làm tổng thống. Như vậy có nghĩa là suốt 28 năm (từ 1993 đến 2021), nước Mỹ liên tục bị độc quyền thống trị bởi 5 Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ. Với sự độc quyền cai trị trong suốt 28 năm đó, đảng Dân Chủ hoàn toàn có đủ sức và đủ thời gian để đưa nước Mỹ theo bất kỳ mô hình xã hội nào họ muốn. Thể thức Cư Tri Đoàn đã phá vỡ sự độc quyền thống trị dài hạn và nguy hiểm này. Ngược lại, 28 năm của 5 đời Tổng Thống Cộng Hoà cũng không phải là một điều tốt cho đảng Dân Chủ. Như vậy ai có thể nói Electoral College doesn’t work? Ngoài ra, thể thức Cử Tri Đoàn còn làm cho các cuộc bầu cử trở nên vô cùng khó đoán. Trong khi thể thức phổ thông bầu phiếu là một lá bài chỉ có hai mặt sấp ngửa dễ đoán thì thể thức Cử Tri Đoàn như một bộ bài có 50 lá mà lá nào cũng có hai mặt, lá nào cũng quan trọng như nhau và không ai dám chắc lá nào sẽ thuộc về ai. Tính khó đoán này giúp ngăn ngừa âm mưu thao túng cuộc bầu cử, tạo ra rất nhiều tình huống bất ngờ, làm tăng thêm sự náo nức, háo hức, và hồi hộp chờ đợi. Nó biến ngày bầu cử thành ngày hội thật sự của nước Mỹ.   Rất nhiều nước muốn áp dụng mô hình này tại nước họ, nhưng dĩ nhiên là số đông ở nước họ đã không đồng ý và như vậy, sau mỗi cuộc bầu cử, số đông lại tiếp tục thống trị số ít. Đối với số ít, đó là một bản án chung thân. Có ai muốn làm số ít trong một đất nước mà đa số thắng thiểu số không?
......

Chỉ trích về nghiên cứu vắc xin của AstraZeneca ngày càng tăng

Phan Ba   Các chuyên gia chỉ trích quy trình nghiên cứu của AstraZeneca về một loại vắc xin chống cúm tàu.   Tin tức từ công ty dược phẩm AstraZeneca hôm thứ Hai tuần rồi có vẻ tốt: Vắc xin chống cúm tàu do công ty này cùng với Đại học Oxford phát triển đã ngăn ngừa nhiễm Covid-19 trung bình là 70%. Theo công ty, đánh giá tạm thời của nghiên cứu giai đoạn III cho thấy hoạt chất AZD1222 tạo khả năng bảo vệ 90% nếu những người tham gia nghiên cứu lần đầu tiên nhận được một nửa liều và một tháng sau đó là một liều đầy đủ. Khoảng 2.700 người thử nghiệm ở Anh đã được tiêm chủng như vậy.   Ngược lại, nhóm thứ hai gồm khoảng 8.900 đối tượng thử nghiệm đã được tiêm hai liều vắc-xin đầy đủ. Tuy nhiên, các thử nghiệm này chỉ mang lại hiệu quả là 62%. Nếu cộng hai kết quả lại với nhau thành một kết quả tổng thể thì sẽ cho ra con số 70% hiệu quả.   Lúc đầu, người ta không rõ tại sao các nhà khoa học làm việc cho công ty dược phẩm trong nghiên cứu này lại hoạt động với một nửa liều lượng. Công ty sau đó thừa nhận đây là một lỗi lầm. Các tác dụng phụ như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau cánh tay xuất hiện ít hơn ở các đối tượng thử nghiệm. Sau đó, hóa ra liều lượng chỉ cao bằng một nửa so với dự định ban đầu. Đây rõ ràng là do lỗi đóng gói, theo một tường thuật của truyền thông.   Nhưng ít ra thì là một sai lầm dẫn đến một kết quả tích cực. Mene Pangalos, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển phi ung thư tại AstraZeneca, nói với Reuters: "Lý do chúng tôi sử dụng một nửa liều là một sự ngẫu nhiên may mắn". Ông không thấy có vấn đề gì. Lỗi đã được sửa chữa và nghiên cứu được tiếp tục mà không có thay đổi. Điều này đã được thống nhất với cơ quan giám sát.   Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của AstraZeneca, Pascal Soriot, cho biết rằng công ty dược phẩm đang xem xét tiến hành một nghiên cứu toàn cầu hoàn toàn mới về hiệu quả của thuốc. Soriot cho biết phải xác nhận rằng liều lượng thấp hơn sẽ dẫn đến kết quả tốt hơn. Một phát ngôn viên của công ty không bình luận về khả năng thực hiện một nghiên cứu mới, theo Reuters. Ông cho biết công ty đang đánh giá dữ liệu và làm việc với các cơ quan quản lý trong lúc đó. Vấn đề là thêm dữ liệu mới vào dữ liệu thu được cho đến nay.   Một điểm thứ hai mà các chuyên gia đánh giá là quan trọng: Trong nhóm này, không có người thử nghiệm nào trên 55 tuổi. Moncef Slaoui đã chỉ ra điều này. Nhà miễn dịch học này dẫn đầu chương trình phát triển vắc xin của chính phủ Hoa Kỳ. Pangalos đã xác nhận điều này hôm thứ Tư, theo New York Times. Trong khi đó thì người ta càng dễ có diễn tiến bệnh nặng khi càng cao tuổi.   Có thể những trường hợp này có khả năng làm giảm cơ hội thuốc được phê duyệt khẩn cấp. Nhưng đó là suy đoán vào thời điểm này. Vẫn còn thiếu dữ liệu để đi đến một tuyên bố chính xác. Vào thứ Hai rồi, chỉ có kết quả tạm thời của một nghiên cứu kết hợp giai đoạn II và giai đoạn III được thông báo.   Cũng có những lời chỉ trích rằng AstraZeneca đã kết hợp các kết quả của hai nghiên cứu lâm sàng được thiết kế khác nhau để đạt được hiệu quả tổng thể là 70%. "Họ tiến hành hai nghiên cứu sử dụng các liều lượng khác nhau. Cuối cùng, họ đi đến một kết quả không đại diện cho cả hai liều lượng ấy," David Salisbury thuộc tổ chức tư vấn Chatham House của hãng thông tấn AP cho biết. Phan Ba, theo Spiegel  
......

"Trao duyên lầm tướng cướp"

Phong Huy Doan|   Từ ngày 13 đến ngày 23 tháng 11 , ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến thăm các quốc gia sau : Pháp , Thổ Nhĩ Kỳ , Georgia , Do Thái , UAE , Qatar và Ả Rập Saudi .   Tại Ả Rập , ông Pompeo được thái tử Mohammed Bin Salman (MBS) đón tiếp tại thành phố Neom ( đây là một smart city sẽ hoàn tất vào năm 2025 ) . Ngoài ra còn có sự hiện diện của thủ tướng Do Thái Netanyahu và giám đốc tình báo Mossad Yossi Cohen .   Thủ tướng Do Thái di chuyển trên chuyên cơ Gulfstream IV , khởi hành từ phi trường Ben Gurion sang Alexandria / Ai Cập trước rồi sau đó mới qua Ả Rập . Quý vị lãnh đạo nêu trên để nhóm báo chí "ngồi chơi xơi nước" sang một bên để cùng nhau hội kiến kéo dài 3 giờ đồng hồ . Dĩ nhiên làm sao biết được họ bàn với nhau những điều gì về bối cảnh khu vực đang thay đổi !   Ông Yossi Cohen lên nắm tình báo Do Thái được 5 năm nay , nghe kể ông là người tổ chức đánh cắp tài liệu nguyên tử tại thủ đô của Iran vào tháng Giêng /2018 . Công tác đột kích kéo dài 6 tiếng 29 phút ! Chúng ta biết vào thời điểm đó , ông Mike Pompeo đang nắm giám đốc tình báo CIA , vậy là hai người trong ngành tình báo lần này lại gặp nhau tại một nơi khác , nhưng lại đồng ca câu ..."kể nghe nhau chuyện cũ bao ngày qua" của Phạm Thế Mỹ .   Ngoại trưởng Mỹ sau đó rời Ả Rập , điểm dừng chân kế tiếp là Do Thái , cái quan trọng nhất là ông đã ghé đến khu định cư tại West Bank . Chính vì điều này , báo chí quốc tế bình luận là giải pháp 2 quốc gia sống cạnh bên nhau đã thất bại ( Palestine , Do Thái ) Sự hận thù giữa hai giáo phái Shia (do Iran lãnh đạo) và Sunni (do Ả Rập lãnh đạo) là điều ai cũng rõ . Nếu xét về số lượng tín đồ trên thế giới thì Sunni đông hơn và vì tại Ả Rập có hai thánh địa (Mecca và Medina) nên Riyadh muốn lãnh đạo . Xét về khu vực Trung Đông thì Shia lại chiếm đa số , cho nên Tehran muốn giành vai trò này . Một trong nhiều điểm "lấn cấn" giữa hai giáo phái là quan điểm của họ về vấn đề Palestine . Sự thay đổi ngoại giao của UAE , Bahrain và Sudan vừa qua đều do nguyên nhân đe dọa nguyên tử của Iran , cho nên vấn đề Palestine trở thành thứ yếu . Sau chuyến công du kể trên , báo Do Thái kể là Pakistan bị áp lực phải bình thường hóa ngoại giao với Jerusalem . Báo chí muốn "moi" ông Imran Khan là quốc gia bạn nào đã làm áp lực với mình ? Là quốc gia Hồi Giáo (Saudi Arabia) hay không Hồi Giáo (Mỹ) ? Thủ tướng Pakistan trả lời lòng vòng . Pakistan là một quốc gia Hồi Giáo đông dân và quan trọng , nhưng nghèo ! Nếu chỉ tính Ả Rập và UAE thì họ đang thâu nhận 3 triệu công nhân của Pakistan , tức là một nguồn tài chánh rất lớn cho Islamabad . Pakistan từng là đồng minh của Mỹ nhưng nay lại chọn chơi với Bắc Kinh và thêm một nước khác nữa là Thổ Nhĩ Kỳ . Ông thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ kể rằng là Saudi Arabia dọa Imran Khan rằng , nếu Pakistan dự đại hội Hồi Giáo tại Kuala Lumpur vào tháng 12/2019 là Riyadh sẽ đuổi hết công nhân Pakistan về nước , thế là ông Khan đã từ chối đi Malaysia vào giờ phút chót !   Nhưng quan hệ ngoại giao giữa Do Thái và Ankara làm ăn rất tốt , bằng chứng mới nhất là Nagorno-Karabakh . Không biết Pakistan sẽ xử trí vấn đề này ra sao , thì còn phải chờ xem ! Có vẻ như tổng thống Trump , thủ tướng Netanyahu và thái tử Mohammed Bin Salman đang nóng ruột về một chuyện gì đó , thì vấn đề ám sát Fakhrizadeh xảy ra . Iran đang liên tiếp chịu thất bại , ngay cả khi chọn Moscow làm đồng minh , hình như Tehran đang mang mặc cảm "trao duyên lầm tướng cướp" , thứ nhất vấn đề Syria , thứ hai vấn đề Armenia . Một ngày sau vụ ám sát chuyên viên nguyên tử tại Tehran , ông Jared Kushner lên đường đi Saudi Arabia và Qatar (29/11/2020) ... Chuyện thời sự mà cứ làm lòng hồi hộp như đọc truyện Z.28 khi xưa , không biết từ đây đến cuối năm mọi việc sẽ xảy ra theo chiều hướng nào ?
......

Hoa Kỳ hối thúc – Liên Minh Châu Âu chuẩn bị nhắm vào những đối tượng vi phạm nhân quyền

Laurence Norman -  Anh Khoa dịch - VNTB  Tháng 11 năm ngoái, một phụ tá của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Mississippi, Roger Wicker, đã gọi điện đến đại sứ quán Hungary để đưa ra một thông điệp cứng rắn. Thủ tướng Viktor Orban đã ngăn chặn việc thông qua luật của Liên minh Châu Âu, một đạo luật tương tự như Đạo luật Magnitsky về nhân quyền của Hoa Kỳ. Viên phụ tá cảnh báo nếu sự phản đối vẫn tiếp diễn, Thượng nghị sĩ Wicker sẽ bắt đầu một chiến dịch nhằm vào nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa của Hungary, điều này gây mâu thuẫn giữa ông Orban và các nghị sĩ Cộng hòa mà ông Orban đã từ lâu cố gắng thiết lập quan hệ. Trong vòng vài ngày, các quan chức Hungary cho biết ông Orban sẽ ủng hộ Đạo luật Magnitsky của EU. Ngay sau đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu thông báo họ sẽ bắt đầu soạn một đạo luật nhân quyền toàn cầu giống như luật của Hoa Kỳ, được thông qua lần đầu tiên vào năm 2012. Các quan chức Hungary đã không trả lời yêu cầu bình luận hôm thứ Năm. Một năm sau, EU đã thông qua chính sách trừng phạt, dự kiến ​​sẽ chính thức được đưa ra vào đầu tháng 12, chấm dứt một thập kỷ tranh đấu gây chia rẽ giữa các chính phủ, quốc hội và các đảng phái chính trị trong khu vực này. Luật này cũng sẽ cung cấp cho các chính phủ EU một công cụ mới để phối hợp các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, ngay khi chính quyền Biden chuẩn bị nắm giữ quyền lực. Vẫn còn nghi ngờ việc 27 quốc gia EU sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt đến mức nào, EU vốn đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại dựa trên sự nhất trí và thận trọng khi liên quan đến việc xúc phạm các cường quốc lớn mặc dù họ tự cho mình là khối đấu tranh cho nhân quyền. “Mối quan tâm chính của tôi là yêu cầu nhất trí sẽ khiến bất kỳ biện pháp trừng phạt nặng nào gần như không thể thực hiện được,” Bill Browder, nhà tài chính người Mỹ, người phụ trách chính luật Magnitsky ở Washington và châu Âu, cho biết. Trong nhiều năm, quan chức EU đã bác bỏ sự cần thiết của một chính sách trừng phạt nhân quyền độc lập nhằm vào chính phủ, vì cho rằng họ có thể tiếp tục thêm tên của những người vi phạm vào danh sách trừng phạt của các quốc gia cụ thể. Các quan chức lo ngại áp lực nhằm vào các cá nhân ở các quốc gia mà EU có quan hệ kinh tế hoặc chính trị quan trọng như Trung Quốc hoặc Iran. EU đã không nhắm vào bất kỳ quan chức Iran nào vi phạm nhân quyền kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được thực hiện vào năm 2016. Khối này cũng không có lệnh trừng phạt nhân quyền nào đối với Nga, mặc dù họ đã trừng phạt các quan chức Điện Kremlin vì vấn đề vũ khí hóa học và do can thiệp vào Ukraina. Ông Browder quản lý quỹ đầu tư, nơi luật sư và kiểm toán viên Sergei Magnitsky làm việc, vẫn không hề nao núng. Năm 2009, ông Magnitsky đã chết trong một trại giam ở Moscow sau khi cáo buộc các quan chức chính phủ tham nhũng. Nhà chức trách Nga phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ Magnitsky và đã đệ đơn cáo buộc ông Browder tội  gian lận kinh doanh; ông Browder đã phủ nhận mọi cáo buộc này. Ông Browder đã mất nhiều năm thăm các thủ đô của châu Âu, gây dựng sự ủng hộ từ các chính trị gia đang lên như Dominic Raab, người trở thành Ngoại trưởng Anh đầu năm nay, và là người soạn phiên bản Đạo luật Magnitsky của Vương quốc Anh. Các quốc gia vùng Baltic đã thông qua các đạo luật Magnitsky và một số quốc hội khác kêu gọi các chính phủ làm theo. Tại Brussels, ông Browder vấp phải sự phản đối cứng rắn. Theo ông, các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU trong quá khứ đã nhiều lần từ chối yêu cầu gặp gỡ. Các nhà ngoại giao Nga đã vận động hành lang chống lại các lệnh trừng phạt  này. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà lập pháp EU cho rằng khối này cần phải thể hiện bằng hành động những gì họ đã nói về nhân quyền. Marietje Schaake, một nhà lập pháp cấp cao của EU cho đến năm 2019 người Hà Lan cho biết: “Thực tế là đã 10 năm rồi họ mới bắt đầu làm việc này cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu miễn cưỡng hành động như thế nào khi nhân quyền bị đe dọa.” Bước ngoặt xảy ra vào năm 2018, khi Quốc hội Hà Lan nói với Ngoại trưởng Stef Blok rằng ông có 5 tháng để thuyết phục các quốc gia thành viên khác ủng hộ chính sách trừng phạt trong toàn khối, hoặc họ sẽ áp dụng một chế độ riêng. Sjoerd Sjoerdsma, một nhà lập pháp người Hà Lan dẫn đầu chiến dịch này cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách gây sức ép hay.” Đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng về vi phạm nhân quyền – từ vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny cho đến việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số  Duy Ngô Nhĩ – các chính phủ EU đã cam kết ủng hộ các chính sách trừng phạt. Việc Mỹ, Canada và Anh thiết lập các lệnh trừng phạt Magnitsky cũng có nguy cơ khiến EU bị cô lập. Chế độ trừng phạt mới sẽ nhắm vào các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cho phép EU áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của các quan chức và các tổ chức phi quốc gia trên toàn cầu. Không giống như các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, sẽ không có căn cứ để nhắm vào những người chỉ phạm tội tham nhũng, một điều mà các quan chức châu Âu cho biết họ có các công cụ khác để xử lý. “Chúng ta cần một chính sách toàn cầu để có được sự linh hoạt hơn trong việc truy lùng thủ phạm bất kể họ ở đâu,” Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết vào tháng 10. Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Magnitsky đã giành được sự ủng hộ nhiều nhà cựu phê bình. Chính phủ Hoa Kỳ đã xử phạt 268 người, bao gồm cả các quan chức Trung Quốc mà Washington cho rằng phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp ở Tân Cương, những người bị cáo buộc liên quan đến cái chết của nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi và nhiều quan chức Nga. Richard Nephew, cựu quan chức trừng phạt cấp cao của Bộ Ngoại giao, cho biết Đạo luật Magnitsky đã nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở những nơi không  được chú ý đến. Ông cho biết phổ biến công cụ này sang các quốc gia khác là mở rộng tiềm năng của nó. Ông nói: “Khi có các lệnh trừng phạt kiểu Magnitsky của Hoa Kỳ, Canada, EU và Vương quốc Anh… bạn đang bắt đầu nói về một hệ thống tài chính quốc tế đáng kể nhằm hạn chế các đối tượng vi phạm nhân quyền tiếp cận,” ông nói. Một khi chính sách nhân quyền của châu Âu được thiết lập, các nhà ngoại giao cho biết Brussels sẽ muốn giữ cân bằng địa lý và chính trị đối với những chính phủ bị trừng phạt. Các mục tiêu có thể là những kẻ liên quan việc đàn áp bạo lực người thiểu số Rohingya ở Myanmar và các quan chức trong chính quyền Maduro của Venezuela. Một thách thức lớn đối với chính sách mới này sẽ là liệu EU có theo sát Washington trong việc trừng phạt các quan chức bị cáo buộc liên quan đến việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương hay không, điều này hiện đang được một số nhà lập pháp châu Âu yêu cầu. Các nhà ngoại giao cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu tất cả các chính phủ EU có mạo hiểm mối quan hệ với Bắc Kinh về điều đó hay không. Ngay cả với sự phấn khích mong muốn làm việc với các đồng minh châu Âu từ chính quyền mới của Biden, các nhà ngoại giao cho biết họ không mong đợi một loạt các hành động nhanh chóng. Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs nói “Tôi nghĩ rằng đạo luật này sẽ được sử dụng, nhưng không chắc rằng [luật] sẽ được sử dụng rộng rãi.” Nguyên bản Anh ngữ: “After U.S. Push, EU Set to Target Human-Rights Violators,”  Laurence Norman, The Wall Street Journal, 27/11/2020 Anh Khoa dịch - Việt Nam Thời Báo  
......

Đại sứ EU: Không bao giờ tuân theo quy tắc ‘lẽ phải thuộc về kẻ mạnh’ về Biển Đông

Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti. Photo Zing News VOA Tiếng Việt| Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti vừa phát biểu tại một hội thảo về Biển Đông rằng EU sẽ không bao giờ tuân theo nguyên tắc “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh,” đồng thời tái khẳng định sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 ở Hà Nội hôm 17/11, Đại sứ Aliberti nói rằng EU đang phát triển một hoạt động mới được gọi là Sự hiện diện Hàng hải Phối hợp (CMP), theo đó các lực lượng hải quân sẽ luân phiên tuần tra một khu vực, có thể bao gồm cả Biển Đông “trong một tương lai không xa.” Ngoài ra, đại sứ EU cũng tiết lộ rằng EU hiện đang triển khai các cố vấn quân sự cho các Phái đoàn của mình tại nhiều nước châu Á, và “điều này sẽ cho phép EU đóng một vai trò lớn hơn” trong các vấn đề an ninh “cứng rắn” trong khu vực. Trang thông tin của Liên minh châu Âu tại Việt Nam hôm 18/11 cho biết trong bài phát biểu của mình, Đại sứ Aliberti đã nhắc lại quan điểm của EU về “sự cần thiết bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và thúc đẩy giải quyết tranh chấp một cách hòa bình” tuân thủ theo Luật pháp Quốc tế và quan trọng hơn là Công ước Quốc tế và Luật Biển (UNCLOS). Tại buổi hội thảo với chủ đề Duy trì Hòa bình và Hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động, nhà ngoại giao châu Âu nhắc lại phát biểu của Đại diện Ngoại giao cấp cao – Phó Chủ tịch Ủy ban EU Josep Borrell tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN – EU vào tháng 9 năm ngoái: “Liên minh châu Âu không cho phép các quốc gia đơn phương phá hoại luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải ở Biển Đông, theo đó tạo ra một mối nguy hại tới sự phát triển hòa bình trong khu vực.” Trong bài phát biểu được đăng trên trang web của Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) – một trong các đơn vị đồng tổ chức cuộc hội thảo kéo dài hai ngày, Đại sứ Aliberti nói: “Chủ đề này không mới, nhưng tình hình căng thẳng lại gia tăng mỗi ngày, trong bối cảnh các sự cố trên biển lặp đi lặp lại, quân sự hóa ngày càng tăng và vi phạm luật pháp quốc tế ở mức thường xuyên, nơi có vẻ như quy tắc phổ biến là “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” đang tồn tại. Nhưng với tư cách là Đại sứ của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, tôi chỉ có thể nhắc lại với các bạn Việt Nam và các đối tác trong khu vực rằng EU sẽ không bao giờ tuân thủ quy tắc này.” Trả lời phỏng vấn trang Zing News hôm 19/11, Đại sứ Aliberti cho biết “các hành động cụ thể hơn về vấn đề Biển Đông cũng phụ thuộc nhiều vào từng nước thành viên EU.” Đại sứ EU cho biết “nếu Anh, Pháp điều tàu thuyền tới tuần tra ở Biển Đông, có thể các nước khác cũng làm tương tự.” “Chúng tôi không có hải quân chung của châu Âu, nên không thể đưa tàu ‘EU’ tới đây… Nhưng quy tắc quốc tế thì chúng tôi tiếp tục tôn trọng và giữ vững,” ông Aliberti khẳng định. Phát biểu khai mạc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nói: “Việt Nam hy vọng các bên sẽ tích cực, sáng tạo tìm các biện pháp thu hẹp bất đồng, kiểm soát và giải quyết hoà bình các tranh chấp hiện nay thông qua đàm phán và các cơ chế khác phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.”    
......

Kỷ lục được lòng dân của thủ tướng Đức Merkel sau 15 năm cầm quyền

Thủ Tướng Angela Merkel tuyên thệ nhậm chức  năm 2005. (picture-alliance / Sven Simon)   Nguyen Tien Trung Cách nay đúng 15 năm, vào ngày 22/11/2005, sau cuộc tổng tuyển cử, bà Angela Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của nước Đức. Khi đó, không một ai có thể ngờ rằng bà sẽ bền bỉ điều hành đất nước và vị chính khách xuất thân từ Đông Đức thực sự chinh phục cử tri. Hào quang của bà sáng chói đến nỗi gây trở ngại cho đảng CDU – Dân Chủ Thiên Chúa Giáo tìm người kế nhiệm. « Khi Angela Merkel đắc cử ngày 22/11/2005, không ai có thể nghĩ rằng 15 năm sau, bà thủ tướng mới đắc cử khi đó vẫn tiếp tục điều hành đất nước. Vào năm tới, khi từ giã chính trường, Merkel sẽ có một kỷ lục lãnh đạo nước Đức lâu bền tương tự như thành tích của ông Helmut Kohl, vị cha đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của bà. Tạp chí Mỹ Forbes đã nhiều lần mệnh danh bà là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Angela Merkel là một trong những chính khách hàng đầu trên trường quốc tế và của châu Âu. Điểm tín nhiệm của bà hiện còn rất cao. 15 năm sau khi bà Merkel bắt đầu lên cầm quyền, vẫn có tới 74 % dân Đức có thiện cảm với vị nữ thủ tướng này. Đại dịch Covid-19 lần này giải thích được tỷ lệ được lòng dân rất cao đó. Đức đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng trong 15 năm qua, và với công luận Đức thì Angela Merkel là người đã luôn luôn bảo vệ người dân nước này trước những mối đe dọa. RFI Bà Angela Merkel đã tuyên bố năm sau không tiếp tục tranh cử nữa, kết thúc hơn 15 năm cầm quyền rất được lòng dân Đức. Sau 15 năm mà 74% dân Đức vẫn yêu thích bà. Bà Merkel đã lãnh đạo nước Đức vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng hạt nhân Iran, khủng hoảng người tị nạn,... Bà đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo điềm tĩnh và dựa trên cơ sở khoa học. Thành công của bà Merkel cũng gợi cảm hứng cho phụ nữ rằng họ có thể lãnh đạo, có thể làm được tất cả những việc dường như chỉ dành cho đàn ông. Một đảng chính trị, một cá nhân lãnh đạo tài giỏi, vẫn có thể lãnh đạo đất nước trong một thời gian dài qua lá phiếu của người dân. Đảng cộng sản Việt Nam nên mạnh dạn học theo Đức, ra tranh cử đàng hoàng và thắng cử đàng hoàng. Khi không còn đủ sức khỏe thì bà không ra tranh cử nữa chứ không phải tham quyền cố vị như Putin hay Tập Cận Bình. À quên, còn một người nữa đi lẫm chẫm nhưng vẫn thích làm lãnh đạo để cho dân "lãnh đạn". *** Kỷ lục được lòng dân của thủ tướng Đức Merkel sau 15 năm cầm quyền https://www.rfi.fr/…/20201122-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c-%C4%91…
......

Bệnh thích được người khác hành hạ thân xác rồi ăn thịch mình và bệnh muốn ăn thịt đồng loại – Kannibalismus und Masochismus

Nguyễn Doãn Đôn   Công an Đức vừa bắt một kẻ tình nghi là giết người và sau đó hành hạ xác để lấy thịt ăn. Vào đầu tháng 11.2020 này nhờ người dân dắt chó đi dạo trong rừng thấy vật nghi vấn về sự chết chóc gọi điện báo mà Công an Berlin đã tìm thấy tại một cánh rừng ở Pankow bộ xương người. Qua điều tra và kết hợp với Pháp y thì họ cho đây là xác của Stefan T. ở Lichtenberg 44 tuổi, làm nghề lắp ráp cơ khí, báo mất tích từ ngày 05.09.2020. Bộ xương lại không còn thịt bám vào, mặc dù mới bị giết. Bằng biện pháp chuyên môn và nghiệp vụ họ đã tìm ra được kẻ tình nghi là thủ phạm. Tòa án đã ra lệnh cho Công an bắt khẩn cấp đối tượng 41 tuổi, là Giáo viên dạy toán và hóa, hiện đang cư trú tại Pankow. Chưa rõ kết quả sẽ ra sao. Có đúng là kẻ tội phạm này đã giết để ăn thịt không. Mặt khác cũng cần điều tra là người bị giết kia có tình nguyện để "được" giết rồi hiến thân xác của mình cho người giết ăn nhậu không. Nói đến kẻ thích xài thịt người thì cách đây 20 năm ở Đức này cũng có vụ một anh Kỹ sư làm việc ở Hãng Siemens, Berlin tên là Bernd Jürgen Brandes đã tình nguyện cho một tay thợ máy tính ở Bang Hessen là Armin Meiweis giết mình để ăn thịt. Trước khi "được" Meiweis giết Brandes đã uống 20 viên thuốc ngủ loại nặng và một chai thuốc ho dạng nước để tránh đau. Sau đó nằm lăn quay ra bị Meiweis chọc tiết và xả thịt chia ra từng túi ninon cho vào tủ đá ăn dần. Toàn bộ sự kiện hành quyết từng bước xảy ra đều được Meiweis thu âm và ghi hình. nên khi hắn bị bắt Tòa án xử tội lúc đầu rất nặng nhưng sau đó do có bằng chứng từ băng hình dài 3,5 tiếng đồng hồ, nên đã phải giảm án. Vì người giết đã hỏi ý kiến người bị giết và được sự đồng ý. Nghĩa là anh Kỹ sư Bernd muốn "đòi được chết" ( Tötung auf Verlangen). Và dĩ nhiên Meiweis không phải là kẻ giết người có chủ đích theo ý thích riêng của mình (nicht wegen Mordes sondern wegen Totschlags). Nhưng tội mà Meiweis mắc thêm lại là hành hạ xác chết và ăn thịt người đã chết. Trong những ngày gần đây "Chủ nghĩa" ăn thịt người (Kannibalismus) càng rộ lên. Chẳng hạn như ở Spanien vừa bắt một gã con trai 26 tuổi giết mẹ đẻ 66 tuổi rồi nấu thịt mẹ lên ăn chung với chó. Hay ở bên Anh tên Anthony Morley giết bạn thân rồi xả thịt đùi của bạn cho vào chảo rán ăn... Thật là rùng rợn. Không thể tin được. Nhưng đó là sự thật mà tôi đã được đọc trên báo Đức . Có kẻ ăn thịt người và cũng có kẻ thích để kẻ khác hành hạ mình, ăn thịt mình. Kẻ thích chết kiểu này là kẻ mắc bệnh mà khoa học đặt tên cho là Masochismus -Thứ chủ nghĩa sẵn sàng cam phận, nếm trải sinh dục điên cuồng đến đê mê và chấp nhận tất cả những đau đớn cùng cực, muốn được tự tiêu diệt chính thân xác mình. Như trường hợp giữa Meiweis ở Hessen và Bernd ở Berlin là hai người họ đã tìm tới nhau và thỏa thuận, giao kèo trên mạng. Có cầu ắt sẽ có cung. Trên trần gian này loài người mắc phải nhiều loại bệnh đến kinh khủng, mà ta không thể tưởng tượng và ngờ hết được. Chúc bạn đọc ngủ ngon và đừng mê man sợ hãi vì chuyện có thật mà tôi dịch tóm tắt trên đây từ báo Đức./.  
......

Liên Hiệp Quốc chất vấn Việt Nam về thành viên Hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam bị giam giữ và Phạm Đoan Trang

Việt Nam Thời Báo  Liên Hiệp Quốc ngày 17/11/2020 đã cho đăng công khai bản chất vấn VNM 3/2020 đối với chính phủ Việt Nam đề ngày 17/9/2020 Năm cơ quan độc lập của Liên Hiệp Quốc đã chất vấn chính phủ Việt Nam về các vụ bắt giữ, sách nhiễu liên quan đến Hội Nhà báo Độc lập, Nhà xuất bản Tự Do, các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Hồ Sỹ Quyết, và bà Phạm Đoan Trang (trước khi bà Trang  bị bắt). Do không có được phản hồi từ phía chính phủ Việt Nam sau 60 ngày, bản chất vấn đã được đăng công khai trên trang web của LHQ. Sau đây là bản dịch bản chất vấn: *** Kính thưa ngài, Ngày 17 tháng 9 năm 2020 Liên Hiệp Quốc • 1211 GENEVA 10, THỤY SỸ Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ý kiến ​​và biểu đạt; Nhóm Công tác về Bắt giữ Tùy tiện; Báo cáo viên Đặc biệt trong lĩnh vực quyền văn hóa; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hoà và lập hội; và Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền *** Chúng tôi vinh dự được tiếp xúc với quý ngài với tư cách là Báo cáo viên Đặc biệt về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt; Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện; Báo cáo viên Đặc biệt trong lĩnh vực quyền văn hóa; Báo cáo viên Đặc biệt về quyền tự do hội họp ôn hòa và lập hội; và Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, theo các nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền 43/4, 42/22, 37/12, 41/12 và 43/16. Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi muốn kêu gọi sự lưu tâm từ Chính phủ của Quý vị về thông tin mà chúng tôi nhận được liên quan đến cáo buộc bắt giữ tùy tiện bốn nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) và các hành vi quấy rối, bao gồm cả tấn công mạng, chống lại Nhà xuất bản Tự do (NXBTTD), và giám sát, đe dọa, tịch thu tài sản và cáo buộc giam giữ tùy tiện các thành viên và độc giả của NXBTD, cũng như đe dọa các thành viên gia đình của họ. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) được thành lập vào ngày 4 tháng 7 năm 2014 với 70 nhà báo độc lập và các nhà bảo vệ nhân quyền trên khắp cả nước. HNBĐLVN là một mạng lưới phân tích và tin tức độc lập hàng đầu, ủng hộ quyền tự do báo chí và các quyền tự do quan điểm và biểu đạt khác, bảo vệ các nhà báo, cũng như quyền tự do lập hội và hội họp ôn hòa. Các thành viên cũng đã tiến hành nghiên cứu và vận động chính sách về cải cách pháp luật ở Việt Nam, bao gồm cả việc cung cấp thông tin cho các cơ chế và cơ quan nhân quyền của Liên hợp quốc. Nhà xuất bản Tự do (NXBTD) được thành lập vào tháng 2 năm 2019, với mục tiêu “thúc đẩy tự do thông tin và giáo dục khai phóng ở Việt Nam.” Về mặt chức năng, NXBTD là một nhà xuất bản độc lập chuyên xuất bản và phổ biến sách, kể cả những sách đã bị hạn chế do có nội dung chính trị. Trong 18 tháng đầu thành lập, NXBTD đã xuất bản và phân phối 25.000 bản sách của 18 đầu sách cho độc giả khắp trong và ngoài nước thông qua trang web của mình. Ông Phạm Chí Dũng là nhà báo, người bảo vệ nhân quyền, nhà văn, nhà phân tích độc lập làm việc với nhiều hãng thông tấn quốc tế. Ông Phạm Chí Dũng là thành viên của Diễn đàn Xã hội Dân sự và Hội Cựu Tù nhân Lương tâm Việt Nam (FVPOC). Ông cũng là người sáng lập Hiệp hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN). Ông Nguyễn Tường Thụy là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) và là một nhà bảo vệ nhân quyền. Anh Lê Hữu Minh Tuấn, còn được gọi là Lê Tuấn, là một nhà báo độc lập, một nhà bảo vệ nhân quyền và là thành viên của HNBĐLVN. Nhiều Phái viên Đặc biệt trước đây đã nêu lên quan ngại về các biện pháp của Chính phủ của Quý vị liên quan đến việc bắt giữ ông Phạm Chí Dũng được cho là tùy tiện và việc gỡ trang web và trang Facebook của HNBĐLVN trong bản báo cáo VNM 5/2019 ngày 22 tháng 1 năm 2020. Ông Phạm Chí Dũng cũng là đối tượng được các Báo cáo viên Đặc biệt quan tâm trong năm 2014 (VNM 5/2014) sau khi bị cản trở đến Geneva để tham gia một sự kiện bên lề liên quan đến chu kỳ thứ hai của Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát của Việt Nam. Trường hợp của ông đã được đưa vào báo cáo năm 2014 của Tổng thư ký về hợp tác với Liên hợp quốc, các đại diện và cơ chế của Liên hợp quốc trong lĩnh vực nhân quyền (A / HRC / 27/38, đoạn 40). Các Phái viên Đặc biệt trước đó cũng bày tỏ quan ngại về việc ông Lê Anh Hùng bị cưỡng ép tâm thần và bị giam giữ trong một tháng vào năm 2013 (VNM 2/2013), sau khi ông bị bắt vào ngày 4 tháng 1 năm 2013 và bị cưỡng bức không theo quy trình xét xử tại viện tâm thần. Chúng tôi cảm ơn Chính phủ của quý vị về những phản hồi lần lượt vào ngày 18 tháng 3 năm 2020, ngày 11 tháng 7 năm 2014 và ngày 3 tháng 4 năm 2013. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thực sự lo ngại về thông tin mới nhận được. Theo thông tin nhận được: Trường hợp ông Phạm Chí Dũng  Như đã nêu trong thông báo chung VNM tháng 5/2019, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vào ngày 21 tháng 11 năm 2019, 11 ngày sau khi gửi thư kiến nghị công khai tới Chủ tịch và các thành viên chủ chốt của Nghị viện châu Âu, trong đó ông đã đề cập một số quan ngại về quyền trong nước và kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EUVFTA) cho đến khi Chính phủ Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về nhân quyền. Các báo cáo viên đặc biệt bày tỏ lo ngại rằng ông Phạm Chí Dũng có thể đã bị giam giữ để trả đũa cho lời kêu gọi công khai này và hoạt động nhân quyền khác của ông, đồng thời khiến họ lo ngại rằng anh ta bị cho là bị từ chối tiếp cận đại diện pháp lý và liên hệ với gia đình sau khi bị bắt. Theo thông tin mới nhận được, đến nay cả gia đình và luật sư của anh đều không được phép gặp gỡ hay liên lạc với anh. Theo thông tin chúng tôi nhận được, nhà chức trách đưa ra quyết định này dựa trên điều 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong đó quy định rằng việc thăm gặp có thể bị cấm trong giai đoạn điều tra, có thể kéo dài đến hai năm. Kể từ khi ông bị bắt vào tháng 11 năm 2019, nhà chức trách Việt Nam đã từ chối chấp nhận luật sư do gia đình ông Phạm Chí Dũng lựa chọn, mặc dù Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam (Điều 73-78) yêu cầu rằng trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được đăng ký của luật sư, nhà chức trách phải nhanh chóng chấp thuận hoặc từ chối đề nghị đó. Ông Lê Anh Hùng là thành viên HNBĐLVN và là người bảo vệ nhân quyền. Ông là người đóng góp nhiều cho Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tiếng Việt cho đến khi bị bắt vào ngày 5 tháng 7 năm 2018. Bà Phạm Đoan Trang là một trong những người sáng lập và biên tập viên của Nhà xuất bản Tự do, cùng với các tổ chức tập trung vào quyền tự do ngôn luận khác, và là một nhà văn, blogger và một phụ nữ bảo vệ nhân quyền. Ông Hồ Sỹ Quyết là người ủng hộ NXBTD. Trường hợp ông Nguyễn Tường Thụy Vào ngày 11 và 16 tháng 3 năm 2020, cảnh sát đã triệu tập ông Nguyễn Tường Thụy, và vào ngày 18 tháng 3 năm 2020, cảnh sát đến nhà ông lúc 6:10 sáng, họ thẩm vấn ông tại nhà trong 30 phút trước khi rời đi. Hai tháng sau, ngày 23/5/2020, ông Nguyễn Tường Thụy bị bắt tại nhà riêng ở Hà Nội vì tình nghi “làm, tàng trữ, phổ biến tài liệu, tư liệu chống nhà nước” theo Điều 117 BLHS, sau khi ông viết các bài bình luận trên mạng về dân chủ và ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Cơ quan chức năng đã tịch thu tất cả điện thoại di động của ông Nguyễn Tường Thụy và các thành viên trong gia đình, mặc dù người nhà của ông không bị buộc tội. Công an cũng tịch thu máy tính và thẻ nhớ USB của ông Thụy. Nếu bị kết tội, anh ta sẽ phải đối mặt với án tù 20 năm. Vào ngày 1 tháng 6 năm 2020, vợ của ông Thụy đã làm đơn yêu cầu chính quyền cho phép bà được thăm nuôi chồng. Cho đến nay, cả luật sư và vợ của ông Thuỵ đều không được phép đến thăm ông. Anh ta được cho là có nguy cơ bị giam giữ mà không được thăm gặp kéo dài. Ông Nguyễn Tường Thuỵ được cho là đang bị giam tại trại tạm giam Chí Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng cả luật sư và vợ ông đều không được phép đến thăm để xác minh độc lập nơi giam giữ ông. Ông Thuỵ bị hiện đang bị tạm giữ, theo điều 117 BLHS, được liệt vào Tội xâm phạm an ninh quốc gia. Cũng như ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thuỵ cũng phải chịu theo điều 74 Bộ luật Tố tụng Hình sự về việc không được tiếp cận với luật sư tư vấn pháp luật cho đến khi kết thúc điều tra, có thể kéo dài đến hai năm. Trước đó, vào ngày 7 tháng 3 năm 2018, Nguyễn Tường Thụy được cho là đã bị khoảng 20 cảnh sát tạm giữ ngay tại nơi cư trú để ngăn cản ông gặp phái đoàn OHCHR tại Văn phòng Đại diện LHQ ở Hà Nội. Trường hợp ông Lê Hữu Minh Tuấn Ngày 8/6/2020, Cơ quan điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị khởi tố bị can đối với ông Lê Hữu Minh Tuấn về hành vi vi phạm Điều 117 BLHS, liên quan đến tội “làm, tàng trữ, tán phát tài liệu, tài liệu chống nhà nước. mục đích. ” Ngày 12 tháng 6 năm 2020, ông Lê Hữu Minh Tuấn bị bắt. Cảnh sát đã tịch thu đồ đạc của ông tại nhà riêng, bao gồm cả sách và giấy tờ. Cán bộ phụ trách vụ án là ông Hồ Sỹ Hải, là cùng một cán bộ phụ trách vụ án của ông Phạm Chí Dũng và ông Nguyễn Tường Thụy. Trước đó, ông đã bị công an triệu tập ít nhất ba lần để trả lời các câu hỏi liên quan đến ông Phạm Chí Dũng. Ông Lê Hữu Minh Tuấn được cho là đang bị giam giữ tại trại giam Chí Hòa cùng với các thành viên HNBĐLVN khác là ông Thuỵ và ông Dũng. Trường hợp ông Lê Anh Hùng Vào ngày 5 tháng 7 năm 2018, ông Lê Anh Hùng bị bắt vì tình nghi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, mức án có thể từ 2-7 năm tù. Bài báo cuối cùng của ông trước khi bị bắt là một cộng tác cho đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) tiếng Việt, được xuất bản vào ngày 30 tháng 6 năm 2018. Những ngày trước khi bị bắt, Hùng cũng đã có viết bài chỉ trích Luật An ninh mạng của Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi nhận được, ông Hùng vẫn bị tạm giam trước khi xét xử, bị cưỡng bức đưa vào viện tâm thần. Sau khi bị bắt vào tháng 7 năm 2018, vào tháng 9 năm 2018, ông Lê Anh Hùng được phép gặp mẹ và sau đó vào tháng 10 năm 2018 với luật sư của ông, nhưng sau đó ông không được gặp gia đình cho đến năm 2019. Vào ngày 1 tháng 4 năm 2019, Lê Anh Hùng bị cưỡng bức nhập Bệnh viện Tâm thần Trung ương, huyện Thường Tín, và ngày 4/4/2019, mẹ anh ta bị từ chối quyền thăm nom. Ngày 24 tháng 4 năm 2019, ông Lê Anh Hùng được đưa trở lại trại giam nhưng ngày 10 tháng 5 năm 2019 lại bị cưỡng bức đến một cơ sở tâm thần được cho là không có thông qua thủ tục xét xử, lần này là tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Hà Nội. Tại đây, ông Lê Anh Hùng đã tuyệt thực để phản đối việc bị giam giữ và nhập viện. Các nhà chức trách cho biết ông đã bị bức thực qua miệng và mũi cho đến khi anh ta bắt đầu chảy máu. Vào tháng 6 năm 2019, mẹ của Lê Anh Hùng đã yêu cầu chính quyền đưa ông ra khỏi trại tâm thần. Ông Lê Anh Hùng cũng bị cho là bị ép uống thuốc, với các báo cáo nhận được cho thấy liều lượng thuốc có thể cao đến mức chỉ khiến anh ta bị ốm và ảo giác. Lê Anh Hùng vẫn bị cưỡng bức tại trại tâm thần, được cho là không có thủ tục xét xử, đã bị giam giữ hơn một năm. Nhà xuất bản Tự do (NXBTD)  Do sự gắn bó của NXBTD với các vấn đề về quyền tự do phát biểu và ý kiến, tổ chức và các thành viên của tổ chức này đã bị quản thúc và nhiều người đã phải lẩn trốn. Người ta ước tính rằng vào tháng 1 năm 2020, công an đã thẩm vấn gần 100 người trên khắp cả nước vì quan tâm hoặc liên quan đến NXBTD. Vào tháng 2 năm 2019, vài ngày sau khi ra mắt, NXBTD được cho là đối tượng của các cuộc tấn công kỹ thuật số tìm cách kiểm duyệt các ấn phẩm trực tuyến của họ. Vào mùa hè năm 2019, ba tài khoản ngân hàng liên kết của NXBTD đã bị đóng băng. Trong suốt năm 2019, cảnh sát đã thẩm vấn một số cá nhân liên quan đến việc phân phối các ấn phẩm NXBTD bao gồm cả các tình nguyện viên và những dịch vụ giao hàng không chính thức của các tài xế taxi. Từ tháng 10 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020, hơn chục thành viên NXBTD được cho là đã bị theo dõi, quấy rối và đe dọa cùng với các tình nguyện viên và người đọc sách ở nhiều địa điểm khác nhau trên toàn quốc. Vào ngày 3 tháng 6 năm 2020, NXBTD đã giành được giải thưởng Prix Voltaire của Hiệp hội Nhà xuất bản Quốc tế (IPA) 2020, giải thưởng này được cho là đã dẫn đến sự leo thang hơn nữa trong hành vi quấy rối các thành viên NXBTD. Trường hợp Phạm Đoan Trang Do bà Phạm Đoan Trang viết về một loạt các vấn đề nhân quyền, bao gồm quyền tự do ngôn luận, bạo lực của cảnh sát, quyền môi trường và những vấn đề khác, bà Phạm Đoan Trang nghi đã bị quấy rối và đe dọa. Vào năm 2017, bà đã bị bắt giữ một cách tùy tiện vì cuộc họp với một phái đoàn của Liên minh châu Âu. Kết quả của việc nhắm mục tiêu này, Phạm Đoan Trang được cho là đã bị buộc phải lẩn trốn trong hơn một năm, vì sợ rằng bà có thể bị bắt tùy tiện, có thể dẫn đến việc phải chịu án tù nặng. Những lời đe dọa và đe dọa đối với Phạm Đoan Trang được cho là đã gia tăng sau khi công bố giải thưởng IPA nói trên. Vào ngày 3 tháng 6 năm 2020, các điều tra viên và Công an Bộ Công an tại Hà Nội đã đến nhà người mẹ 80 tuổi của bà Phạm Đoan Trang, họ cho rằng đã đe dọa và lừa bà ký vào một văn bản với cáo buộc “Xác nhận bà Phạm Thị Doan Trang đã tạo, lưu trữ và phát tán các tài liệu chống phá nhà nước. ” (điều 117 BLHS). Tội danh này có thể bị phạt 20 năm tù. Có vẻ công an đang sử dụng áp lực hoặc đe dọa mẹ của Phạm Đoan Trang nhằm lôi kéo bà Trang ra khỏi nơi ẩn náu. Trường hợp ông Hồ Sỹ Quyết  Vào ngày 3 tháng 1 năm 2020, khoảng 10 cảnh sát đã tiến hành khám xét nhà của ông Hồ Sỹ Quyết mà không xin phép hoặc xuất trình lệnh khám xét. Trong quá trình khám xét, cảnh sát đã tịch thu các thiết bị điện tử, giấy tờ tuỳ thân và sách. Sau khi khám xét, ông Hồ Sỹ Quyết và vợ được đưa đến đồn công an địa phương trên các phương tiện giao thông riêng biệt và sau đó được đưa vào những phòng khác nhau khi đến đồn cảnh sát. Họ không được phép giao tiếp với nhau. Họ bị thẩm vấn về Nhà xuất bản Tự do và các vấn đề xã hội dân sự ở Việt Nam. Công an được cho là đã cố gắng buộc họ mở khoá điện thoại di động. Công an đã đe dọa rằng nếu họ không thú nhận, họ sẽ không được phép đi về nhà đón con trai 3 tuổi tan học. Sau gần 12 giờ bị công an tạm giữ, lúc 23 giờ 30 ngày 3 tháng 1 năm 2020, ông Hồ Sỹ Quyết đã được trả tự do. Vợ ông đã được đưa về vào lúc 18h cùng ngày. Trong số những vật dụng bị tịch thu khi cảnh sát khám xét nhà của họ có giấy khai sinh của cậu con trai ba tuổi, là những giấy tờ cần thiết để đăng ký đi học và chăm sóc sức khỏe. Các đồ vật bị tịch thu, bao gồm máy tính của ông Quyết và các đồ điện tử có giá trị cao khác, cho đến nay vẫn chưa được trả lại. Vào tháng 6 năm 2020, công an đến nhà cha mẹ của ông Quyết để tìm kiếm thông tin về con của họ. Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc liên quan đến việc báo cáo tội phạm hóa, sách nhiễu và đe dọa các nhà báo, công nhân hoặc những người ủng hộ Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (HNBĐLVN) và Nhà xuất bản Tự do (NXBTD), cũng như việc các thành viên trong gia đình họ bị đe dọa . Những cá nhân này dường như bị nhắm đến vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận và lập hội, cũng như bảo vệ quyền con người. Chúng tôi bày tỏ sự báo động về việc tiếp tục sử dụng biện pháp giam giữ kéo dài trước khi xét xử, và thường là giam giữ không phép hoặc giam giữ cưỡng bức về tâm thần, dựa trên các điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự, chẳng hạn như điều 117 (“tuyên truyền chống Nhà nước”), dường như được sử dụng chống lại những cá nhân chỉ đơn thuần thực hiện quyền tự do biểu lộ ​​và truyền đạt thông tin. Liên quan đến các sự kiện và quan ngại về cáo buộc ở trên, vui lòng tham khảo Phụ lục về Tham chiếu luật nhân quyền quốc tế đính kèm thư này, trong đó trích dẫn các công cụ và tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế liên quan đến những cáo buộc này. Vì trách nhiệm của chúng tôi, theo nhiệm vụ mà Hội đồng Nhân quyền cung cấp cho chúng tôi, tìm cách làm rõ tất cả các trường hợp mà chúng tôi lưu ý, chúng tôi rất biết mong phúc đáp của ngài về những vấn đề sau: 1. Vui lòng cung cấp bất kỳ thông tin bổ sung và / hoặc (các) nhận xét nào có thể có về các cáo buộc nêu trên. 2. Vui lòng cung cấp thông tin chi tiết về cơ sở pháp lý và thực tế cho việc giam giữ các cá nhân nói trên. Vui lòng cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở pháp lý cho việc bắt buộc giam giữ tâm thần được nêu trong bức thư này trong hơn một năm được cho là không có bất kỳ quy trình xét xử nào. Vui lòng cung cấp thông tin chi tiết về các điều kiện giam giữ của các cá nhân và các biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo tính toàn vẹn về thể chất và tâm lý của họ. 3. Vui lòng xác nhận (các) vị trí chính xác mà ông Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn hiện đang bị giam giữ, và cung cấp thông tin chi tiết về việc tiếp cận luật sư và gia đình của họ. 4. Vui lòng giải thích lý do tại sao người đại diện theo pháp lý mà gia đình ông Phạm Chí Dũng đã chọn vào tháng 11 năm 2019 vẫn chưa được đăng ký. 5. Vui lòng giải thích những biện pháp đã được thực hiện để sửa đổi và đảm bảo tính tương thích của Luật hình sự Việt Nam, bao gồm Điều 117 Bộ luật Hình sự và Điều 74 Bộ luật Tố tụng Hình sự, với luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt Điều 19 của ICCPR. Nếu không có biện pháp nào được thực hiện, vui lòng giải thích lý do. 6. Vui lòng cho biết những biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo rằng các nhà bảo vệ nhân quyền và nhà báo ở Việt Nam có thể thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn và thuận lợi mà không sợ bị đe dọa hoặc các hành vi đe dọa và quấy rối dưới bất kỳ hình thức nào. Chúng tôi đánh giá cao việc nhận được phản hồi trong vòng 60 ngày. Quá ngày này, thông báo này và bất kỳ phản hồi nào nhận được từ Chính phủ của quý vị sẽ được công khai qua trang web báo cáo liên lạc. Sau đó, chúng cũng sẽ được cung cấp trong báo cáo thông thường để trình lên Hội đồng Nhân quyền. Trong khi chờ trả lời, chúng tôi kêu gọi rằng tất cả các biện pháp tạm thời cần thiết được thực hiện để ngăn chặn các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn tái diễn và trong trường hợp các cuộc điều tra hỗ trợ hoặc cho thấy các cáo buộc là đúng, để đảm bảo trách nhiệm giải trình của bất kỳ người nào ) chịu trách nhiệm về các vi phạm bị cáo buộc. Chúng tôi muốn thông báo cho Chính phủ của quý vị rằng đã chuyển một lá thư cáo buộc đến Chính phủ, Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện có thể chuyển vụ việc theo thủ tục thông thường để đưa ra ý kiến ​​về việc tước quyền tự do có phải là tùy tiện hay không. Những thông tin liên lạc như vậy không làm phương hại đến bất kỳ ý kiến ​​nào mà Nhóm công tác có thể đưa ra. Chính phủ được yêu cầu trả lời riêng đối với thư cáo buộc và thủ tục thông thường. Trân trọng, Irene Khan – Báo cáo viên Đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt Sètondji Roland Adjovi – Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện Karima Bennoune – Báo cáo viên đặc biệt trong lĩnh vực quyền văn hóa Clement Nyaletsossi – Voule Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp hòa bình và hiệp hội Mary Lawlor – Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền *** Các ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ và Lê Hữu Minh Tuấn đã lần lượt được gặp luật sư bào chữa vào trung tuần tháng 11; tuy nhiên gia đình vẫn chưa được quyền thăm gặp. Nguồn: https://spcommreports.ohchr.org/TMResultsBase/DownLoadPublicCommunicationFile?gId=25542  
......

Mark Zuckerberg bị Thượng nghị sĩ Mỹ chất vấn vì ‘cúi mình’ trước chính phủ Việt Nam

Mark Zuckerberg, CEO của mạng xã hội Facebook, ra điều trần trực tuyến với Uỷ ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày VOA Tiếng Việt Ông chủ mạng xã hội nổi tiếng Facebook, Mark Zuckerberg, vừa bị chất vấn tại Uỷ ban Tư pháp của Thượng viện Hoa Kỳ về hành vi tiếp tay cho chính quyền Việt Nam kiểm soát và đóng tài khoản của người sử dụng có tiếng nói bất đồng với chính phủ. Tại buổi điều trần hôm 17/11 cùng với người đứng đầu trang Twitter, Mark Zuckerberg nhận được câu hỏi chất vấn từ Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà Marsha Blackburn rằng liệu Facebook có thường xuyên kiểm duyệt tài khoản của người sử dụng theo lệnh của các chính phủ nước ngoài hay không. “Tôi không chắc liệu có điều gì cụ thể mà ngài đang đề cập đến hay không, nhưng nói chung chúng tôi không kiểm duyệt”, người sáng lập Facebook trả lời. Đề cập trực tiếp đến “chế độ Cộng sản” và số lượng 60 triệu người sử dụng Facebook tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục đặt câu hỏi cho Zuckerberg rằng liệu Facebook có “theo lệnh của chính phủ Việt Nam”, đóng cửa và cấm tài khoản của một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam chỉ vì người này chỉ trích chính sách đất đai của chính phủ hay không. “Thưa Thượng nghị sĩ, tôi không rõ tất cả chi tiết của việc đó, nhưng tôi tin rằng chúng tôi có thể đã làm điều đó. Và nói chung, chúng tôi cố gắng tuân thủ theo luật pháp địa phương của các quốc gia khác nhau mà chúng tôi đang hoạt động”, Mark Zuckerberg trả lời. Thượng nghị sĩ Blackburn cũng cáo buộc người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg đã ưu tiên “lợi nhuận hơn nguyên tắc” khi bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng chính kiến theo lệnh của các chính phủ nước ngoài. Bà Blackburn chỉ ra hàng loạt các dẫn chứng cho thấy Facebook “cúi mình” trước các chính phủ Cộng sản và độc tài. Chẳng hạn, Facebook đã gỡ bỏ các bức ảnh của Nhà tiên tri Mohammed theo lệnh của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ để tránh nguy cơ mất 40 triệu người dùng ở nước này. Tại Nga, mạng xã hội Facebook cũng đồng ý gỡ bài đăng ủng hộ nhà bất đồng chính kiến người Nga Alexei Navalny, một đối thủ nổi tiếng chuyên phê bình Tổng thống Vladimir Putin và vừa bị đầu độc ở Nga vài tháng trước. “Ông có nghĩ rằng nhiệm vụ của Facebook là tuân thủ sự kiểm duyệt do nhà nước tài trợ để có thể tiếp tục hoạt động, kinh doanh và bán quảng cáo ở quốc gia đó không?”, Thượng nghị sĩ Blackburn tiếp tục chất vấn Mark Zuckerberg. “Nhìn chung, chúng tôi cố gắng tuân theo luật pháp ở mọi quốc gia mà chúng tôi hoạt động và kinh doanh”, CEO của Facebook lặp lại. Đáp lại, Thượng nghị sĩ của bang Tennessee hứa rằng những cải cách pháp lý của Điều mục 230 sẽ “tước bỏ lá chắn trách nhiệm mà ông đã biến thành một bức tường mờ ảo”. Điều mục 230 của luật pháp Hoa Kỳ có vai trò then chốt trong sự phát triển của mạng xã hội ngày nay khi cho phép các nhà cung cấp dịch vụ Internet và Twitter, Facebook, YouTube… được miễn trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do bên thứ ba đăng trên nền tảng của họ trong hầu hết các trường hợp. Thượng nghị sĩ Blackburn cho biết Đạo luật Đa dạng Quan điểm và Tự do Trực tuyến hiện đã sẵn sàng để bổ sung và kiềm chế một số biện pháp bảo vệ trên. Mark Zuckerberg cùng với Giám đốc điều hành Twitter, Jack Dorsey, phải ra điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 17/11 vì những cáo buộc kiểm duyệt, trong đó có cả nội dung liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua.  
......

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chưa chấm dứt

Nguyễn Quang Duy Cuộc bầu cử 2020 thật ra chưa chấm dứt vì ngày 5/1/2021 sắp tới tiểu bang Georgia sẽ bầu cử lại 2 ghế Thượng Nghị Sĩ và từ rạng sáng ngày 4/11/2020 đã xảy ra quá nhiều bất thường ở mức độ Thượng Viện Mỹ, Bộ Tư Pháp và một số Quốc Hội tiểu bang phải vào cuộc điều tra để làm rõ vấn đề. Đảng Cộng Hòa đã tiến hành việc kiện tụng nên mặc dù ông Biden tuyên bố đắc cử Tổng thống nhưng đó chỉ là kết quả tạm thời dựa trên giả thuyết cuộc bầu cử vừa qua thực sự công bằng và minh bạch, không có gì gian dối hay lường gạt.  Kết quả sơ khởi tại Thượng Viện Mặc dù đảng Dân Chủ đã chi hằng trăm triệu Mỹ kim chỉ để giành thêm vài ghế tại Thượng viện nhưng “làn sóng xanh” không hề xảy ra. Riêng tại tiểu bang South Carolina ứng viên đảng Dân Chủ đã nhận đóng góp lên đến 109 triệu Mỹ kim nhưng vẫn không thể thắng được Thượng Nghị Sĩ Lindsay Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện chỉ có 70 triệu Mỹ kim để chi cho bầu cử. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng Khối Đa Số Thượng viện và Thượng nghị sĩ Susan Collins tiểu bang Maine là hai nhân vật khác mà đảng Dân Chủ đã công khai tuyên bố sẽ loại trừ, nhưng cuối cùng cả hai vẫn thắng cử một cách khá dễ dàng. Trong khi Đảng Dân chủ giành được hai ghế ở tiểu bang Colorado và tiểu bang Arizona, thì họ đã mất một ghế ở tiểu bang Alabama. Đảng Cộng Hòa chính thức giữ được 50 ghế và sẽ là phía đa số Thượng Viện, còn đảng Dân Chủ đang giữ 48 ghế. Nếu ông Trump tái đắc cử đảng Cộng Hòa vẫn đủ phiếu để thông qua các đạo luật hay quyết định bổ nhiệm thẩm phán, các vị tướng và các viên chức chính phủ. Còn nếu ông Biden thắng cử thì đảng Dân Chủ cần thêm ít nhất 2 ghế nữa tại Thượng Viện, nếu không Cộng Hòa sẽ ngăn chặn mọi thay đổi hay mọi quyết định mà đảng Cộng Hòa không đồng ý. Vì thế 2 ghế thượng viện đang tranh cử nước rút tại tiểu bang Georgia vô cùng quan trọng, đảng Dân Chủ phải thắng cả 2 ghế này thì mới có thể “thay đổi nước Mỹ” như ý họ muốn.  Tranh cử nước rút (runoff election) Theo luật bầu cử tại tiểu bang Georgia, các ứng cử viên Thượng Viện phải nhận được ít nhất 50% phiếu để tuyên bố thắng cử. Nếu không ai nhận được hơn mức 50% số cử tri đi bầu thì 2 người có số phiếu cao nhất sẽ tranh cử nước rút vào ngày 5/1/2021 sắp tới. Ghế thứ nhất do Thượng nghị sĩ David Perdue đảng Cộng hoà bầu cử lại. Ông Perdue chỉ thiếu chừng vài ngàn phiếu để có trên 50% số phiếu, nên vẫn phải tái tranh cử với ông Jon Ossoff, thuộc đảng Dân Chủ. Chiếc ghế thứ 2 do Thượng nghị sĩ Kelly Loeffler, đảng Cộng hoà, được bổ nhiệm vào năm ngoái khi Thượng nghị sĩ Johnny Isakson về hưu nay phải bầu lại. Trong cuộc tranh cử 3/11/2020, bà Loeffler thua phiếu mục sư Raphael Warnock đảng Dân chủ, nhưng vì có tới 20 ứng cử viên ra tranh cử nên thật khó đoán kết quả cuộc bầu cử. Trong một cuộc biểu tình do cánh tả cấp tiến tổ chức tại tiểu bang New York gần đây Thượng nghị sĩ Lãnh đạo phe thiểu số thuộc đảng Dân chủ ông Chuck Schumer đã công khai tuyên bố đảng Dân Chủ phải thắng cả 2 ghế này để có thể “thay đổi nước Mỹ”.  Nước Mỹ không dễ thay đổi… Một ngày sau khi ông Biden tuyên bố thắng cử tổng thống, ngày 8/11/2020 Thượng Nghị Sĩ Joe Manchin thuộc đảng Dân Chủ tại West Virginia cho báo chí biết cử tri đã từ bỏ đảng Dân chủ bởi chủ trương cấp tiến xã hội chủ nghĩa của một số thành viên và ông khuyên các thành viên này nên chủ trương ôn hòa hơn. Ông hứa với cử tri nếu đảng Dân Chủ chiếm được cả hai ghế ở tiểu bang George nghĩa là Thượng Viện mỗi bên 50 ghế ông sẽ đứng về phía đảng Cộng Hòa để ngăn chận mọi “thay đổi cấp tiến”. Ông không ủng hộ việc mang thêm người vào Tối Cao Pháp Viện chính trị hóa tư pháp, không ủng hộ cắt giảm cảnh sát, không ủng hộ tăng thuế, không ủng hộ thông qua y tế miễn phí hay đại học miễn phí, ông xin cử tri tin ông sẽ không nhượng bộ với cánh tả xã hội chủ nghĩa.  Cánh tả gây thảm hại ? Về phía Hạ Viện, các dân biểu đảng Dân chủ Abigail Spanberger tiểu bang Virginia, Tim Ryan tiểu bang Ohio cũng cho rằng tỷ lệ tái đắc cử rất thấp của bà là do các chính trị gia cánh tả Xã Hội Chủ Nghĩa gây ra. Cử tri của bà không đồng ý với phong trào thiên tả Black Lives Matter về việc cắt ngân sách cho cảnh sát. Một số dân biểu đảng Dân Chủ thất cử đã công khai chỉ trích cánh tả xã hội chủ nghĩa đã khiến họ bị thất cử, ngược lại cánh tả cho rằng những dân biểu này đã không theo đường lối cấp tiến nên bị cử tri cấp tiến trừng phạt. Đảng Dân Chủ ít nhất đã mất 6 ghế dân biểu Hạ Viện, có thể họ sẽ vẫn giữ được Hạ Viện với một chênh lệch rất nhỏ chỉ vài ghế. Trong số có bà Young Kim và bà Michelle Steel là 2 tân dân biểu đảng Cộng Hòa gốc Đại Hàn đã thắng cử tại khu vực có đông người Mỹ gốc Việt và Đại Hàn sinh sống, Quận Cam tiểu bang California. Tân Dân biểu đảng Cộng Hòa Nicole Malliotakis, một phụ nữ gốc Cuba, vừa thắng cử tại thành phố New York một khu vực xưa nay thuộc đảng Dân chủ. Tại thành phố Miami tiểu bang Florida, đảng Cộng Hòa còn thắng được hai ghế Dân biểu là các bà Maria Elvira Salazar và bà Carlos Gimenez họ đều là người Mỹ gốc Cuba công khai chống lại cánh tả của đảng Dân chủ. Để trở thành Chủ tịch Hạ Viện bà Nancy Pelosi cần có 218 phiếu ủng hộ, nhưng thất bại trong cuộc tranh cử lần này không chắc bà sẽ được bầu lại. Tất cả các ghế của đảng Cộng Hòa đều đã giữ được và họ thắng thêm từ 6 đến 12 ghế, vì thế vị chủ tịch Hạ Viện kế nhiệm có thể sẽ cần phiếu từ đảng Cộng Hòa ủng hộ.  Điểm bất thường bắt đầu… Bình thường người thua cuộc tổ chức họp báo trước để chúc mừng người thắng cuộc, nhưng lần này chừng 1 giờ sáng ngày 4/11/2020 khi kết quả sơ khởi cho thấy ông Trump dẫn trước khá xa, nhất là ở các tiểu bang chiến trường Wisconsin, Michigan và Pennsylvania, ông Biden lại mở họp báo tuyên bố đảng Dân Chủ đang trên đà thắng cử. Ngay sau đó bà Nancy Pelosi cũng họp báo ngầm tuyên bố đảng Dân Chủ đang trên đà chiến thắng ở Hạ Viện, như đã phân tích bên trên đến nay vẫn chưa có kết quả và đảng Cộng Hòa mặc dù tin họ đã giữ được Thượng Viện nhưng vẫn chưa chính thức tuyên bố. Đến gần 3 giờ sáng 4/11/2020, dựa trên các kết quả bầu cử sơ khởi tại các tiểu bang do đảng Cộng Hòa cầm quyền và kết quả cử tri bỏ phiếu trong ngày tại các tiểu bang do đảng Dân Chủ cầm quyền, ông Trump mở họp báo và tuyên bố thắng cử. Nhưng đến gần 5 giờ sáng kết quả tại hai tiểu bang Michigan và Wisconsin đã đảo ngược. Mạng xã hội nhanh chóng phát hiện tại đơn vị bầu cử Shiawassee, Michigan, con số bầu cho ông Biden đột nhiên tăng thêm 153,710 phiếu hơn số cư dân trong vùng cả chục lần. Tờ New York Times liên lạc ngay với giới chức bầu cử tại Michigan mới rõ con số đúng là 15,371 phiếu, lỗi do đánh máy sai thêm vào một số 0 ở số cuối, thêm cho ông Biden 138,339 phiếu. Tổng thống Trump ngay sau đó mở cuộc họp báo tuyên bố là có gian lận bầu cử tại các tiểu bang Michigan, Wisconsin, Georgia và Pennsylvania, đảng Cộng Hòa bắt đầu khởi kiện và cho biết có thể dẫn đến tranh tụng lên đến Tối Cao Pháp Viện. Ban vận động tranh cử của ông Trump đã đưa ra một tuyên bố cho biết tất cả các lá phiếu hợp pháp phải được đếm và tất cả các lá phiếu bất hợp pháp không được tính vào, ông Trump sẽ đeo đuổi quá trình này thông qua mọi khía cạnh của luật pháp.  Việc kiện tụng… Nhiều Thượng Nghị sĩ đảng Cộng Hòa công khai tuyên bố họ đã thắng ở Thượng Viện, Hạ Viện, một số tiểu bang như Florida, Texas và ông Trump đã nhận được trên 73 triệu phiếu hợp pháp nên họ tin rằng đã có lừa đảo trong cuộc bầu cử vừa qua. Ngày 9/11/2020, đảng Cộng Hòa đã nộp đơn kiện gian lận bầu cử tại một số tiểu bang, trong đó có Pennsylvania, Michigan và Nevada. Ngay sau đó, Thượng Nghị sĩ Ted Cruz đảng Cộng Hòa Texas cho biết Thượng Viện sẽ mở cuộc điều trần lắng nghe các nhân chứng và xem xét các chứng cớ có liên quan đến gian lận bầu cử. Cùng ngày Bộ trưởng Tư Pháp William Barr đưa ra một bản ghi nhớ ủy quyền cho các công tố viên liên bang trên toàn quốc điều tra những cáo buộc đáng kể về các dấu hiệu bất thường trong cuộc bầu cử vừa qua. Cũng trong ngày 9/11/2020, 10 Bộ trưởng Tư Pháp của 10 tiểu bang, gồm: Missouri, Louisiana, Alabama, Arkansas, Florida, Kentucky, Mississippi, Nam Carolina, Nam Dakota, và Texas, đã đệ trình bản tóm tắt thân hữu (amicus) lên Tối cao Pháp viện bày tỏ ủng hộ vụ kiện gian lận bầu cử do đảng Cộng hòa tại bang Pennsylvania khởi xướng. Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Missouri, ông Eric Schmitt là người khởi xướng bản tóm tắt cho báo chí biết Tòa án Tối cao Pennsylvania đã viết lại luật và đã xâm phạm quyền hạn của cơ quan lập pháp khi phán quyết rằng các lá phiếu gửi qua thư nhận được vài ngày sau ngày bầu cử vẫn có thể được tính. Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Louisiana ông Jeff Landry cho báo chí biết Tòa án Tối cao Pennsylvania giống như “trọng tài thay đổi luật chơi ngay giữa một trận bóng đang diễn ra” và “các thẩm phán không phải là người viết luật, trách nhiệm đó thuộc về cơ quan lập pháp”. Tại tiểu bang Pennsylvania phía hành chánh thuộc đảng Dân Chủ đã vượt quyền sửa luật khi chưa được Quốc Hội thuộc đảng Cộng Hòa đồng ý thông qua. Trước bầu cử vụ kiện có đưa lên Tối Cao Pháp Viện nhưng đã được gởi trả lại tiểu bang. Quốc Hội tiểu bang Michigan thuộc đảng Cộng Hòa cũng đã tiến hành mở cuộc điều tra về những dấu hiệu khác thường trong cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 tại tiểu bang này. Tại tiểu bang Wisconsin và Georgia sẽ tiến hành đếm lại phiếu, và có thể tiểu bang Nevada và Arizona cũng đếm lại phiếu vì kết quả khá khít khao. Việc kiện tụng tòa án chỉ mới bắt đầu, cả hai bên cần có bằng chứng cụ thể, có nhân chứng xác thực và cần thông qua tranh cãi của hai bên nên cần một thời gian mới có được kết quả. Các tranh tụng không phải giữa ông Trump và đảng Dân Chủ, mà là tranh tụng của đảng Cộng Hòa vì kết quả bầu cử công bằng và minh bạch là vô cùng cần thiết, có rõ ràng thì cử tri mới tiếp tục tin tưởng mà trao phó trách nhiệm lãnh đạo đất nước cho đảng Cộng Hòa tiếp tục gánh vác.  Liên danh Biden – Harris công bố đắc cử Tổng thống. Dựa trên kết quả sơ khởi, ngày 7/11/2020, ông Biden đã tuyên bố đắc cử Tổng thống, nhưng ông Trump không chấp nhận cho rằng phải đợi kết quả tại tòa. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, Trưởng Khối Đa Số Thượng viện trả lời báo chí ông không chúc mừng chiến thắng của Liên danh Biden – Harris vì kết quả bầu cử thuộc Cử tri đoàn, hiện còn quá nhiều tranh chấp về tư pháp và về chính trị nên không có gì phải vội vã chúc mừng. Theo Luật Định ngày 14/12/2020, các tiểu bang sẽ chuyển lên liên bang phiếu bầu Cử tri đoàn và ngày 5/1/2021, Quốc Hội Liên Bang sẽ mở phiếu bầu.  Bạo loạn xảy ra ? Dân chủ ở Mỹ là dân chủ gián tiếp, cử tri bầu cho Cử tri đoàn, kết quả bầu cử là từ các chính trị gia thông qua Cử tri đoàn, cuộc bầu cử lần này lại đầy tranh cãi nên có thể có rất nhiều chuyện bất ngờ xảy ra. Cả năm nay tại nhiều thành phố lớn do đảng Dân Chủ cầm quyền và ngay cả ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington D.C.) liên tục xảy ra những cuộc biểu tình gây bạo loạn, cướp của, đốt phá, bắn giết lẫn nhau, vì thế quyết định từ tòa án hay từ các chính trị gia nếu không được cánh tả đồng ý rất dễ dẫn đến bạo loạn. Ngược lại, cánh cực hữu cũng không chịu thua khi quyết định từ tòa án hay từ các chính trị gia không được thuyết phục được họ. Cho đến ngày 20/1/2021, Tổng thống Trump mới hết nhiệm kỳ 2017-21, vẫn còn trách nhiệm phải bảo vệ trị an cho nước Mỹ và dân Mỹ. Ngày 9/11/2020, ông Trump loan báo sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, trả lời phỏng vấn của tờ Military Times ông Esper cho biết: “… Ông Trump là tổng tư lệnh được bầu bán một cách hợp lệ và ông đang tận dụng tối đa điều đó…" Ông Christopher Miller, Giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ (National Counterterrorism Center) được ông Trump bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay ông Mark Esper. Nếu có bạo loạn xảy ra ông Trump có thể sử dụng Đạo luật Chống Nổi loạn 1807, sử dụng Lực lượng Vệ binh Quốc Gia, một số lực lượng nội an và cảnh sát để bảo vệ trị an. Rõ ràng ông Trump đã sửa soạn tất cả những gì ông ấy có thể làm được một cách hợp pháp, để hoàn thành trách nhiệm mà cử tri Mỹ đã giao phó cho ông năm 2016.  Cuộc bầu cử chỉ chấm dứt khi… Rõ ràng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 chưa chấm dứt, điều mà đa số mong đợi một kết quả bầu cử thực sự công bằng, minh bạch và chuyển tiếp sang nhiệm kỳ 2021-25 một cách ôn hòa bất bạo động. Bầu cử tự do, công bằng và minh bạch là điều kiện cần và đủ để bên thắng cử dù là liên danh Trump – Pence hay liên danh Biden – Harris có được thế chính danh lãnh đạo nước Mỹ và lãnh đạo thế giới. Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 17/11/2020
......

Tìm hiểu về tính hiệu nghiệm của vaccine chống Covid

(Reuters) -  VOA| Tuần này có một loạt tin vui từ những công ty dược bào chế vaccine chống COVID. Công ty Pfizer và BioNTech loan báo những dữ liệu sớm cho thấy vaccine của họ hữu hiệu hơn 90%. Một ngày sau, một dự án của Nga quảng bá vaccine Sputnik V hiệu nghiệm 92%. Tỷ lệ hiệu nghiệm được tính ra sao? Trong trường hợp của Pfizer, họ chờ cho đến khi 94 tình nguyện viên trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối gồm hơn 43.500 người (phân nửa nhận vaccine, phân nửa nhận giả dược) thử nghiệm dương tính sau khi phát triển các triệu chứng. Để gọi là trên 90% hiệu nghiệm, chưa tới 8 người trong số những ai xét nghiệm dương tính đã được tiêm vaccine, những người còn lại được tiêm giả dược. Tại Nga, Viện Gamaleya bào chế vaccine Sputnik V đạt được con số hiệu nghiệm 92% căn cứ trên 20 ca bệnh trong 16.000 tình nguyện viên trong khi quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối đang tiến triển. Viện này nhắm mục tiêu đạt đến 40.000 người thử nghiệm. Trong số 16.000 người đang tham gia có khoảng một phần tư nhận giả dược. Cần bao nhiêu ca bệnh? Theo một số chuyên gia, trong những cuộc thử nghiệm với hàng chục ngàn người tham dự, lý tưởng là có từ 150 đến 160 người ngã bệnh trước khi có thể đánh giá độ tin cậy về hiệu quả của vaccine. “Không có quy chuẩn đòi hỏi một con số X nào để có quyết định đáng tin cậy,” Tổ chức Thử nghiệm Lâm sàng Thụy Sĩ cho biết. “Con số các ca nhiễm phải được xem trong mối tương quan tới dịch bệnh và nguy cơ. Đây nên là sự đánh giá từng ca một thì hơn.” Thông thường, các nhà ban hành quy định tìm cách đạt mức chắc chắn ít nhất 95% rằng kết quả đọc được không phải là do những thay đổi ngẫu nhiên không liên hệ đến cuộc thử nghiệm. Đối với những người tài trợ thử nghiệm, số càng lớn càng an toàn vì một cuộc thử nghiệm đủ lớn có thể đảm bảo không có vấn đề về mức tin cậy 95% đó. Trong thử nghiệm của Pfizer và BioNTech, họ dự trù làm một cuộc phân tích cuối cùng khi có 164 người ngã bệnh, với nhiều cuộc phân tích tạm thời được tiến hành trong quá trình diễn tiến. Chi tiết về thử nghiệm của Nga không rõ ràng. So sánh với thuốc và vaccine của các loại bệnh khác Trong một cuộc thử nghiệm thuốc bình thường, đối với những chứng bệnh như ung thư giai đoạn cuối, lợi ích của thuốc mới có thể không rõ ràng bằng. Tuy nhiên đối với vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới [WHO] muốn thấy tính hiệu quả lên tới ít nhất là 70% trong các cuộc thử nghiệm, trong khi Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ [FDA] muốn thấy tỷ lệ này ít nhất là 50%. Hiệu nghiệm 90% được báo cáo trong những cuộc thử nghiệm của Pfizer và Nga đã vượt quá những con số kỳ vọng đó, và dường như cũng vượt quá vaccine cúm thông thường. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính vaccine cúm thông thường giảm bớt nguy cơ ngã bệnh là 40% đến 60%. Đối với những vaccine khác, CDC ước tính sự hiệu nghiệm của hai liều vaccine ngăn bệnh sởi là 97%, sự hiệu nghiệm của hai liều vaccine ngừa bệnh thủy đậu là 90% và tăng lên gần 100% đối với liều thứ ba. Liệu có thể kỳ vọng tỷ lệ hiệu nghiệm sẽ tăng? Ngày 9 tháng Mười Một, Pfizer thừa nhận là tỷ lệ hiệu nghiệm của vaccine cuối cùng có thể thay đổi. Tính hiệu nghiệm thực tế, nếu vaccine được chấp thuận Dữ liệu lâm thời rất hứa hẹn vì dường như chứng tỏ rằng vaccine có thể hữu hiệu trong việc ngăn ngừa COVID-19. Tuy nhiên, tiến đến việc tiêm chủng hàng loạt vẫn còn những trở ngại, đặc biệt là đối với vaccine như của Pfizer và BioNTech phải được bảo quản và chuyển vận ở âm 70 độ C. Hơn nữa, vaccine của Pfizer-BioNTech đòi hỏi chích hai liều cách nhau 21 ngày. Nếu không tuân thủ đúng thời biểu này thì có thể ảnh hưởng tới tính hiệu nghiệm của vaccine. Một ví dụ, vaccine bảo vệ chống lại bệnh quai bị giảm hiệu nghiệm từ 90% xuống còn 78% nếu mọi người không nhận được liều tiếp theo. (Reuters) -  VOA  
......

Quyền lợi và quyền miễn trừ của các cựu Tổng Thống Hoa Kỳ

Các cựu Tổng Thống và cựu đệ nhất phu nhân: George H. W. Bush, Laura Bush, George W. Bush, Bill Clinton, Hillary Clinton, Barack Obama, Michelle Obama, và Đệ nhất Phu nhân Melania Trump trong đám tang của cựu Đệ nhất Phu nhân Barbara Bush ở Houston, Texas, ngày 21/4/2018. Ảnh: Reuters.   Nguyễn Quốc Tấn Trung - Luật Khoa tạp chí Nếu không có gì quá bất thường xảy ra, Joe Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng kể từ ngày 20/1 tới. Nhiều tờ báo đang gợi ý, và các nhóm dân sự đang kêu gọi cho một cuộc chiến pháp lý dài hơi với công dân Donald Trump ngay sau khi người đàn ông này rời khỏi tòa Bạch Ốc. Trong bốn năm cầm quyền không ngắn cũng không dài của mình, ông Trump đã sống sót qua được một cuộc luận tội trước Quốc hội (impeachment) và 26 cáo buộc dân sự, hình sự lớn nhỏ. Nhưng đó là thời điểm ông này còn là nguyên thủ quốc gia và những cáo buộc liên quan đến ông thường bị xem là mang bản chất phân cực chính trị. Nay, một khi Trump rời nhiệm sở, những người mà ông gây thù chuốc oán trước đây, dù là cùng đảng phái hay khác đảng phái, chắc chắn sẽ có “vài lời muốn nói” với vị cựu tổng thống gây tranh cãi này.  Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta tìm hiểu xem liệu quyền lợi pháp lý – chính trị của cựu tổng thống Hoa Kỳ bao gồm những gì.  1. Được mật vụ bảo vệ trọn đời Được hệ thống mật vụ Hoa Kỳ (U.S Secret Service) bảo vệ có thể nói là một trong những quyền lợi đầu tiên của các cựu tổng thống Hoa Kỳ chúng ta cần nhắc đến.  Trước năm 1958, chính phủ liên bang Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ lợi ích chính trị hay dịch vụ bảo vệ nào dành cho các cựu tổng thống của mình. Tuy nhiên, với vai trò ngày càng tăng cao của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, việc nắm giữ ghế tổng thống trở thành một trong những nghề nguy hiểm nhất bởi họ buộc phải đưa ra những quyết định gây thù chuốc oán khắp thế giới. Để bảo vệ phẩm giá và sự tôn nghiêm của tổng thống chế, cũng như giúp các tổng thống Hoa Kỳ không còn phải lo lắng về an nguy của bản thân và gia đình, Đạo luật Cựu Tổng thống Hoa Kỳ (Former President Act) hình thành với quyền lợi quan trọng nhất là cơ chế bảo vệ 24/7 của mật vụ liên bang cho đến trọn đời.  Vào năm 1994, trong thời kỳ của Tổng thống Bill Clinton, đạo luật này bị sửa đổi khá lớn khi giới hạn thời gian một cựu tổng thống được bảo vệ chỉ còn 10 năm. Cựu tổng thống G. W. Bush (Bush cha) và phu nhân là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng của sự thay đổi này. Tuy nhiên, vào năm 2013, với sự ủng hộ của cả hai viện, Tổng thống Barack Obama ký thông qua Đạo luật Bảo vệ Cựu Tổng thống Hoa Kỳ (Former President Protection Act), theo đó, quy chế bảo vệ trọn đời cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ được phục hồi. Mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ. Ảnh: Medium/Homeland Security. Phạm vi bảo vệ được quy định trong đạo luật cũng khá rộng. Mật vụ liên bang sẽ có trách nhiệm bảo vệ cựu tổng thống, vợ/chồng của cựu tổng thống và tất cả các con dưới 16 tuổi. Vợ/chồng của cựu tổng thống có khả năng được bảo vệ trọn đời trừ khi một trong hai sự kiện diễn ra: hai vợ chồng của gia đình cựu tổng thống ly dị; hoặc cựu tổng thống mất, và người còn lại tái hôn.  Mặt khác, phó tổng thống, vợ/chồng và các con dưới 16 tuổi của người này sẽ được bảo vệ tối đa sáu tháng sau khi rời nhiệm sở. Như vậy, nếu không còn bất ngờ gì khác, Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 01 năm 2021 và nhận được sự bảo hộ ngay lập tức của mật vụ liên bang Hoa Kỳ. Vợ ông – Melania Trump – cũng sẽ nhận được sự bảo hộ này trọn đời. Riêng các con của Trump đều đã thành niên nên không còn trong diện nói trên, trừ Barron Trump – năm nay mới 14 tuổi. Tính luôn cả Trump và gia đình ông, mật vụ Hoa Kỳ đang bảo vệ tổng cộng bốn gia đình cựu Tổng Thống bao gồm Jimmy Carter và Rosalynn Carter, William J. Clinton và Hillary Clinton, Barack Obama và Michelle Obama.  2. Lương hưu, văn phòng và các phí tổn khác Lương thưởng, chính sách y tế và các chi phí hỗ trợ cựu Tổng Thống cũng là một trong số các biện pháp mà chính quyền liên bang Hoa Kỳ dùng để bảo đảm đời sống của các cựu tổng thống và hình ảnh chung của tổng thống chế. Chúng cũng nhằm hỗ trợ các cựu Tổng Thống trong công tác quan hệ công chúng, những lời mời phát biểu và diễn văn công cộng, đi theo đó là những nhiệm vụ chính trị – vận động khác.  Khoản chi này được tính vào ngân sách của Cơ quan Dịch vụ công Hoa Kỳ (General Services Administration – GSA), bao gồm cả lương cho trợ lý riêng, chi phí hoạt động của văn phòng cựu tổng thống, chi phí di chuyển và cả đặc quyền thư tín. Đối với lương hưu, mức chi hiện nay là vào tầm 200.000 Mỹ kim (khoảng 4,7 tỷ đồng VND) mỗi năm đối với mỗi cựu Tổng Thống. Đây là một con số đáng kể. Ví dụ, trong năm 2017, cựu Tổng thống Jimmy Carter và George H. W. Bush (lúc này ông còn sống) nhận được 210.000 Mỹ kim, trong khi William Clinton và George W. Bush nhận gần 220.000 Mỹ kim. Trong năm 2018, tiền lương hưu của ông Obama ở mức 208.000 Mỹ kim.  Tổng chi phí tham khảo mà chính phủ liên bang dành cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ trong năm 2017. Nguồn: National Taxpayers Union Foundation. Một trong những khoản chi đáng kể khác dành cho các cựu Tổng Thống là chi phí thành lập và duy trì văn phòng cựu Tổng Thống (The Office of former President). Đây có thể được xem là cơ quan giúp việc chủ yếu cho các cựu Tổng Thống sau khi về hưu, và cũng sẽ được duy trì trọn đời. Theo đó, GSA sẽ phân bổ tiền mặt để giúp cho mỗi cựu Tổng Thống có một “không gian văn phòng hợp lý, được xây dựng, bày trí và có những trang thiết bị phù hợp cho công việc”, tại một địa điểm do vị cựu tổng thống tự chọn. Trong các đời cựu tổng thống còn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ liên bang, chi phí vận hành văn phòng cựu tổng thống là khoản chi chiếm tỷ lệ lớn nhất.  Ngoại trừ cựu Tổng thống Harry Truman, cho đến hiện nay, chưa đời cựu tổng thống nào công khai việc họ gặp khó khăn về tài chính. Ngược lại, hầu hết các đời Tổng Thống Hoa Kỳ đều có thể kiếm hàng triệu Mỹ kim mỗi năm nhờ vào việc viết sách, nhận các lời mời diễn thuyết, giao lưu hay giảng dạy.  Đơn cử trường hợp của cựu Tổng Thống Clinton, ông kiếm được 89 triệu Mỹ kim chỉ từ những bài diễn thuyết và phát biểu cá nhân trong 10 năm sau khi mãn nhiệm năm 2001. Và điều tương tự cũng có thể nói về George W. Bush, dù ông này kín tiếng hơn.  Barack Obama là một người cực kỳ nổi tiếng và giành được nhiều thiện cảm trong giới trẻ và giới doanh nghiệp, nhưng hiện nay ông dường như hạn chế tham gia các hoạt động có trả phí, chủ yếu vì những chỉ trích nhắm tới gia đình Clinton, cho rằng họ đang “vắt sữa” danh nghĩa cựu Tổng Thống của mình. Tuy nhiên, Obama cũng đã chính thức chấp thuận việc xây dựng thư viện của mình tại Chicago, và chuẩn bị xuất bản quyển hồi ký riêng của mình trong nay mai. Trong trường hợp của ông Trump, một văn phòng cựu tổng thống, một thư viện và một vài quyển hồi ký tổng thống… là có thể dự đoán trước. Quyền miễn trừ và các vấn đề tư pháp liên quan Hoa Kỳ là một quốc gia được xây dựng dựa trên nền tảng pháp quyền. Điều này có nghĩa là pháp luật có hiệu lực áp dụng đối với mọi cá nhân, và không ai có thể vượt trên nó. Việc không xét xử theo pháp luật bất kỳ ai – kể cả đương kiêmTổng Thống Hoa Kỳ – cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của người dân vào các định chế nhà nước và gây hại nghiêm trọng đến tính chính trực của toàn bộ hệ thống tư pháp. Về mặt lý thuyết, do đó, mộtTổng Thống đương nhiệm (và đương nhiên là cựu Tổng Thống) sẽ không được hưởng bất kỳ quyền miễn trừ hình sự nào theo pháp luật Hoa Kỳ.  Tuy nhiên, Tổng Thống Hoa Kỳ được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối đối với các trách nhiệm dân sự liên quan đến trách nhiệm, chính sách và quyết định của mình đưa ra trong khoản thời gian người này còn nắm giữ nhiệm sở. Nguyên tắc pháp lý được ghi nhận gần đây nhất trong án lệ Nixon v. Fitzgerald (1982).  Lý giải cho việc này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho rằng vì tầm quan trọng đặc biệt của vai trò Tổng Thống cùng với hàng trăm quyết định mà một Tổng Thống phải đưa ra hằng ngày, việc chuyển hướng năng lượng và năng lực của văn phòng Tổng Thống vào những khiếu kiện dân sự có thể diễn ra hiện tại hay trong tương lai sẽ làm vô hiệu hóa hiệu quả hoạt động của chính quyền. Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng sẽ có sự khác biệt giữa hành vi mang danh nghĩa Tổng Thống (official conduct) và những hành vi không mang danh nghĩa Tổng Thống (unofficial conduct). Pháp viện có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này. Trong án lệ lớn khác là Clinton v. Jones, Paula Corbin Jones là một nhân viên công quyền của Arkansas và bà cáo buộc rằng bà nhận được những gợi ý tình dục khiếm nhã từ Clinton trong suốt thời gian ông này còn là Thống đốc Arkansas. Khi liên tục bị từ chối, Clinton được cho là đã tác động lên thủ trưởng của bà và dẫn đến các hệ lụy không mong muốn trong công việc của bà. Trong vụ việc này, Tối cao Pháp viện cho rằng toàn bộ hành vi diễn ra trong quá trình ông Clinton chưa trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, và vì vậy, không thể được xem là các hoạt động nằm trong phạm vi mang danh nghĩa Tổng Thống (official conduct).  Quan trọng hơn, Pháp viện nhắc thêm rằng, nguyên tắc tam quyền phân lập không bắt buộc các tòa án tiểu bang phải chờ cho đến sau khi ông, bà này rời nhiệm sở rồi mới được xét xử các vụ kiện dân sự. Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vụ án hình sự lẫn dân sự sau khi rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters. Hệ thống nguyên tắc pháp lý này cho đến nay, vừa là tin tốt, vừa là tin xấu đối với ông Donald Trump.  Một là, không phải ai cũng lôi ông ra khởi kiện được. Ông vẫn còn quyền miễn trừ tuyệt đối đối với trách nhiệm dân sự liên quan đến các quyết định của ông trong thời gian còn nắm giữ Bạch Ốc.  Nhưng tin xấu, là bởi vì các án lệ của Tối cao Pháp viện không mở rộng quyền miễn trừ tuyệt đối này đối với những hành vi trước khi ông nhận nhiệm sở. Và lại càng không có khái niệm miễn trừ đối với các tội danh hình sự, nếu hệ thống tư pháp New York tiếp tục đẩy mạnh việc khởi tố các tội danh hình sự liên quan đến cáo buộc trốn thuế hay lừa đảo của Donald Trump. *** Nhưng tấn công tư pháp một Tổng Thống sau khi họ rời nhiệm sở có phải là một bước đi đúng đắn? Cây bút Paul Rosenzweig của The Atlantic cho rằng không.  Nguy hại đáng gờm nhất của việc tấn công các cựu Tổng Thống cũng là thứ dễ nhận thấy nhất: Một vòng xoáy leo thang không có hồi dứt của trừng phạt và trả đũa.  Chúng ta có thể tưởng tượng ra một vị Tổng Thống đương nhiệm khi thất cử sẽ chống đối thế nào khi bị yêu cầu rời nhiệm sở trong hòa bình, đặc biệt khi ông này biết rằng mình có thể sẽ phải đối mặt với búa rìu và những cuộc chiến tư pháp không bao giờ có hồi kết.  Hay chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra một vị Tổng Thống đắc cử sẽ dùng quyền lực tư pháp của cơ quan công tố để đánh phá, chứ chưa đến nói trừng phạt, những người mà họ có bất đồng quan điểm.  Đây là lý do cựu Tổng Chưởng lý dưới thời Obama, Eric Holder, rất quan ngại khi những lời kêu gọi tấn công và khởi tố Donald Trump hậu nhiệm kỳ ngày càng có sức nặng. “Nếu bạn cho rằng những diễn ngôn bỏ tù Hillary – ‘Lock her up’ – là không phù hợp; bạn cần nhìn nhận tương tự như vậy khi nói về Donald Trump”.  Đó cũng là lý do, trong khủng hoảng và các tranh cãi chính trị thập niên 1970, Ford đã dùng quyền lực Tổng Thống của mình để đặc xá mọi cáo buộc có thể nhắm đến Tổng thống Nixon. Theo nhiều sử gia, việc Ford hy sinh danh tiếng của mình để kéo Nixon khỏi vũng bùn chính trị là việc làm đúng cho cả nước Mỹ. Đó là cách duy nhất có thể giúp Hoa Kỳ bỏ qua mọi khác biệt, về chiến tranh Việt Nam, về kinh tế trì trệ, và các vấn nạn xã hội của thập niên 1970… để có thể cùng nhau tiến bước.  Song thế hệ ngày nay có chọn phương án này hay không lại là một vấn đề rất khác.   
......

Cơ hội thành công trên con đường kiện tụng bầu cử của ông Trump

Quan sát viên bầu cử hai đảng đang đứng nhìn các nhân viên kiểm phiếu hạt Lehigh, tiểu bang Pennsylvania làm việc hôm 6/11 VOA Tiếng Việt Nếu muốn làm thay đổi kết quả bầu cử ở các bang thông qua tòa án, ban vận động của ông Donald Trump phải đưa ra lập luận rất vững chắc và bằng chứng xác thực vì tòa án ‘đòi hỏi rất cao’, một luật sư gốc Việt ở California nhận định với VOA. Trong lúc đang bị ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ có những hành động pháp lý để lấy lại cuộc bầu cử mà ông cáo buộc là ‘đã bị đánh cắp’. Hôm 5/11, các thẩm phán đã bác bỏ cả hai vụ kiện của ông Trump ở các bang Georgia và Michigan trong khi ban vận động bầu cử của ông Trump cũng đã khởi sự một vụ kiện về điều mà họ gọi là những bất thường về bỏ phiếu ở Nevada. Ở Georgia, phía ông Trump cáo buộc rằng 53 lá phiếu đến muộn đã bị trộn lẫn với các lá phiếu đúng hạn. Còn ởMichigan, họ tìm cách ngăn chặn kiểm phiếu và đòi quyền tiếp cận nhiều hơn với kết quả thống kê. James Bass, thẩm phán Tòa Thượng thẩm Georgia, nói ‘không có bằng chứng’ cho thấy các lá phiếu bị nêu ra là không hợp lệ. Còn ở Michigan, thẩm phán Cynthia Stephens nói: “Tôi không có cơ sở để cho rằng có khả năng đáng kể để yêu cầu đó dựa vào các bằng chứng và lập luận được đưa ra.” Các đồng minh của Trump cũng cáo buộc rằng đã có những bất thường về bỏ phiếu ở Hạt Clark đông dân của Nevada, vốn bao gồm cả Las Vegas. Lập luận và bằng chứng Trao đổi với VOA, Luật sư Nguyễn Quốc Lân, người có trên 30 năm kinh nghiệm về luật tổng quát thường vận động cho các ửng cử viên gốc Việt trong các vị trí dân cử ở quận Cam, bang California, nhận định rằng cơ hội đảo ngược thế cờ của phe ông Trump ‘là rất thấp’. Thứ nhất, ông giải thích rằng các cơ quan bầu cử địa phương đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thận trọng phương hướng tiến hành bầu cử và kiểm phiếu. Thứ hai, khi xem xét các sai sót mà bên nguyên đơn cáo buộc, tòa án phải xác định ba vấn đề: có phải cố ý nhằm đổi kết quả bầu cử hay không; có thay đổi được kết quả tại địa phương đó hay không; có nằm trong một âm mưu chung của một thành phần nào đó hay không. “Họ phải chứng minh rằng các biện pháp đưa ra trong thời gian bầu cử, ghi danh bầu cử và đếm phiếu là những phương thức phạm luật để chèn ép hay ém phiếu dành cho ứng cử viên nào đó,” luật sư Lân, người từng tranh cử vào các chức vụ dân cử ở địa phương và tham gia tranh tụng nhiều về bầu cử, nói. Thứ ba, bên nguyên phải đưa ra bằng chứng xác thực và chấp nhận được (admissable). Chẳng hạn như một tấm hình chụp cảnh mà họ cho là gian lận thì phải tìm được người chụp tấm ảnh đó để xác thực là chụp vào lúc nào, ở đâu, đứng ở vị trí nào và xác nhận là có các chi tiết như trong ảnh, ông Lân đưa ra ví dụ. Còn đối với cáo buộc là ‘có thêm 100.000 phiếu không rõ nguồn gốc bầu cho ông Joe Biden’ chẳng hạn, thì tòa sẽ xem là xảy ra ở phòng phiếu nào và xem lại tiến trình đếm phiếu từ hồ sơ kiểm phiếu cho đến từng lá phiếu được kiểm trong khoảng thời điểm bị cáo buộc. “Họ rà soát rõ ràng như vậy chứ không thể căn cứ vào tin tức người này nói có gian lận hay video, hình ảnh lan truyền trên mạng,” ông nói. “Những cái đó tòa xem là nhảm nhí chứ không phải là bằng chứng trình bày trước tòa.” “Tiêu chuẩn rất là cao, rất là khó chứ không phải như người thường chúng ta nghĩ là có hay không có, nghi ngờ hay không nghi ngờ,” ông giải thích về yêu cầu khắt khe của tòa án. Tối cao Pháp viện có giúp cho Trump? Về khả năng Tối cao Pháp viện, trong đó có ba thẩm phán do ông Trump đề cử, sẽ ra phán quyết có lợi cho ông Trump, vị luật sư này không cho rằng các thẩm phán sẽ ra phán quyết theo tình cảm đảng phái. “Mặc dù trong lòng họ có thể có tình cảm đảng phái nhưng các vị thẩm phán của Tòa án Tối cao không thể quyết định một cách bâng quơ, không có bằng chứng, không có lập luận,” ông giải thích. Nếu họ quyết định mà không có căn cứ luật pháp thì uy tín và danh dự của vị thẩm phán, cũng như danh dự của Tối cao Pháp viện sẽ ‘tan theo mây khói’, luật sư Lân nói và khẳng định hệ thống tư pháp Mỹ làm việc một cách độc lập chứ không phải tuân theo bất cứ chính quyền nào. Ông nhận định rằng mặc dù ông Trump có một hệ thống luật sư đồ sộ cùng bao nhiêu tiền của ông đổ vào cho việc kiện tụng đi nữa thì vẫn có những luật lệ căn bản, lý lẽ và bằng chứng mà ông phải vượt qua. Tòa án sẽ phán quyết dựa trên diễn giải về luật lệ và diễn giải ý muốn của cử tri. Chẳng hạn khi xem xét lá phiếu có hợp lệ hay không, đã có tiền lệ tòa tuyên những lá phiếu viết vẽ thêm bên ngoài những ô đánh dấu là vẫn có hiệu lực mặc dù luật tiểu bang những lá phiếu này phạm quy và không được tính.  
......

Liên Âu đặt vấn đề với Bộ Công an Việt Nam về vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang

Đại sứ EU nêu vấn đề Phạm Đoan Trang bị bắt với Bộ Công an Việt Nam (VOA) https://www.youtube.com/watch?v=x9lP6zddVDQ RFA - ảnh Việt Tân Hôm 6 Tháng Mười Một 2020, Đại sứ phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam - ông Giorgio Aliberti cùng Đại sứ các nước khác có cuộc gặp với đại diện Bộ Công an để làm việc về vụ bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang đúng 1 tháng trước. "Đặt vấn đề về việc giam giữ Phạm Đoan Trang với các đồng nghiệp là Đại sứ các nước thành viên Liên minh Châu Âu và các nước cùng chí hướng tại Bộ Công an. Quyền tự do ngôn luận và ngôn luận được ghi trong Hiến pháp Việt Nam và cần được tôn trọng!" - Ông Đại sứ Giorgio Aliberti viết trên Twitter cá nhân. Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Thụy Điển, Đức và Pháp sau đó cùng chia sẻ lại dòng tweet này của ông Giorgio Aliberti. Phó Đại sứ Hà Lan tại Hà Nội - ông Christoph Prommersberger cũng chia sẻ thông tin từ Đại sứ Liên Âu và tấm ảnh hai bên đang làm việc về vụ bắt giữ cô Phạm Đoan Trang tại Bộ Công an Việt Nam. Báo chí nhà nước Việt Nam hoàn toàn không có thông tin gì về buổi gặp gỡ này. Như chúng tôi đã thông tin, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang - một nhà hoạt động nhân quyền và một người viết sách nổi tiếng ở Việt Nam bị cơ quan an ninh Bộ Công an bắt giữ vào khuya ngày 6 tháng 10 năm 2020 tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 24 mới kết thúc cách đó vài giờ. Hàng loạt các tổ chức nhân quyền, nhà xuất bản, báo chí quốc tế lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do cho cô Trang. Ngoại trưởng Séc, Đặc ủy Nhân quyền Đức và Hoa Kỳ cũng lên tiếng mạnh mẽ về vụ bắt giữ này. Nguồn: RFA - ảnh Việt Tân            
......

Bầu cử Mỹ 2020: Hai nữ dân biểu gốc Việt tái đắc cử

Dân biểu Hạ viện Massachusetts Trâm Nguyễn (trái) và Dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ Stephanie Murphy đại diện Florida đều chiến thắng trước các đối thủ đảng Cộng hoà trong cuộc đua giành thêm nhiệm kỳ nữa. Bầu cử Hoa Kỳ 2020  - VOA Tiếng Việt| Hai nữ dân biểu gốc Việt, Trâm Nguyễn và Stephanie Murphy, vừa giành chiến thắng trong cuộc đua giành thêm nhiệm kỳ nữa, lần lượt tại tiểu bang Massachusetts và Florida. Nữ luật sư Trâm, người từng là di dân tị nạn Chiến tranh Việt Nam, đánh bại đối thủ đảng Cộng hoà Jeff Dufour trong cuộc đua giành ghế dân biểu Hạ viện tiểu bang Massachusetts địa hạt 18 Essex County hôm 3/11 để tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2. Bà Trâm, dân biểu gốc Việt đầu tiên của Massachusetts, đắc cử lần đầu vào hạ viện tiểu bang trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018. Trước đó trong ngày 3/11, ngày chính thức bầu cử tổng thống Mỹ 2020, bà Stephanie, một cựu thuyền nhân Việt Nam, tái đắc cử chức dân biểu Hạ viện Hoa Kỳ tại Địa hạt bầu cử số 7 của bang Florida. Bà Stephanie, có tên tiếng Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, đã làm nên lịch sử hồi năm 2016 khi trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ sau khi đánh bại một dân biểu Đảng Cộng Hòa kỳ cựu sau 20 năm tại chức. Cả bà Trâm và Stephanie đều đại diện cho Đảng Dân chủ tại tiểu bang của mình. Dân biểu Trâm, người được Tổng thống Barack Obama ủng hộ trong cuộc tranh cử Dân biểu tiểu bang năm 2018, được Patch trích lời nói sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ hai hôm 3/11 rằng bà cảm thấy “nhún nhường và vinh dự khi những cử tri của địa hạt 18 Essex District đã quyết định rằng họ muốn tôi phục vụ thêm một nhiệm kỳ nữa.” Nói với VOA trước ngày bầu cử giữa kỳ năm 2018, bà Trâm, người cùng gia đình tới Mỹ khi mới 5 tuổi, cho biết bà muốn trở thành một dân biểu “dễ dàng tiếp cận và sẵn sàng gặp mặt tất cả các cử tri”, cũng như sẽ nỗ lực thúc đẩy để cờ vàng 3 sọc đỏ được công nhận là lá cờ chính thức của cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts. Trong khi đó tại Floria, bà Murphy, người được gia đình đưa đến Mỹ bằng con đường vượt biển lúc mới vài tháng tuổi, hôm 3/11 đánh bại hai đối thủ là Leo Valentin của đảng Cộng hoà và ứng cử viên độc lập William Garlington để giành nhiệm kỳ dân biểu Mỹ lần thứ 3. Nói với VOA trong một cuộc phỏng vấn khi tái tranh cử nhiệm kỳ 2 năm 2018, bà Murphy, người từng phục vụ trong Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết bà ủng hộ việc bảo vệ quyền tự do hàng hải vì “nó cho phép thương mại quốc tế được tiếp tục” và cho rằng đó là một vai trò quan trọng mà Mỹ cần tiếp tục hỗ trợ” trong bối cảnh Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông trước những thách thức từ Trung Quốc. Bầu cử Mỹ 2020: Hai nữ dân biểu gốc Việt tái đắc cử (VOA)   https://www.youtube.com/watch?v=0KOvp4Y4rz4&feature=emb_logo  
......

Tại sao Đài Loan mua máy bay không người lái của Mỹ?

MQ-9 drone đang "taxi" ra phi đạo. Phi công ngồi ở phòng lái ở tiểu bang Florida nhìn qua màn hình rồi điều khiển mấy chiếc Drones cất cánh ở Phi Châu, Trung Đông, Afghanistan v.v. Bong Lau| Ngày 03 tháng 01 năm 2020 một chiếc máy bay không người lái MQ-9 drone của Hoa Kỳ bay lai vãng chờ đợi gần không phận của phi trường quốc tế Baghdad. Tình báo của CIA là những nhân viên làm việc ở phi trường Lebanon, Syria và Iraq báo cáo có một yếu nhân lên một chuyến máy bay riêng bay từ Syria đến Baghdad – Iraq. Khoảng 1 giờ sáng yếu nhân đó đến và được các xe hộ tống đưa về chỗ tạm trú. Chiếc MQ-9 drone theo dõi đoàn xe và đến một khoảng đường vắng người thì khai hỏa nhiều trái hỏa tiễn. Đoàn công voa chở yếu nhân tan nát và bốc cháy. Người ta tìm được bàn tay đeo chiếc nhẫn màu đỏ của ông và DNA xác nhận đó là vị Tướng Chỉ Huy Trưởng cố vấn các đơn vị du kích do Iran giựt dây và huấn luyện ở Iraq có thành tích giết chết khoảng 600 lính Mỹ. Yếu nhân ấy được coi là nhà quân sự tài giỏi nhất của Iran. Ông tên là Qasem Soleimani. Sự kiện Đài Loan được phép mua máy bay không người lái MQ-9 drones của Hoa Kỳ không đơn giản như nhiều người tưởng. MQ-9 drones là loại máy bay không người lái tối tân có kích thước lớn mà Hoa Kỳ chỉ bán cho vài nước đồng minh tin cậy như Anh Quốc, ý, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Bỉ, Nhật và Nam Hàn v.v. Đài Loan chưa được hưởng quy chế đồng minh với Hoa Kỳ nhưng đã được phép mua MQ-9 drones vì nằm trong kế hoạch xây dựng vòng đai chiến lược của Hoa Kỳ để chống lại sự bành trướng quân sự của Trung Cộng. Tuần qua phái đoàn cấp cao của chính quyền Donald Trump gồm có Bộ Trưởng Ngoại Giao Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã có mặt ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ để đàm phán vấn đề hợp tác an ninh trong đó có hợp đồng Hoa Kỳ sẽ bán cho binh chủng Hải Quân, Không Quân và Lục Quân Ấn Độ 10 chiếc máy bay không người lái MQ-9 drones trị giá 3 tỷ đô la. Đó là kế hoạch liên minh Mỹ - Ấn, giống liên minh Mỹ - Đài. Đài Loan mua của Hoa Kỳ 4 chiếc MQ-9 drones với giá 600 triệu mỹ kim gồm có các chương trình huấn luyện, đồ phụ tùng, bảo trì, tư vấn v.v. Giá mỗi chiếc MQ-9 riêng biệt không có các chương trình đính kèm là khoảng 16 triệu đô la.   Máy bay không người lái Albatross do chính Đài Loan phát minh và sản xuất. Sự kiện Đài Loan mua 4 chiếc MQ-9 drones của Hoa Kỳ đã làm Trung Cộng tức giận bởi vì chiến thuật đổ bộ xâm chiếm quốc gia hải đảo này phải bị thay đổi. Đài Loan có một “phi đoàn” máy bay không người lái gồm có 26 chiếc tên là Albatross do chính họ phát minh và sản xuất. Tuy nhiên chức năng của Albatross quá thô sơ và yếu. Tầm hoạt động của Albatross chỉ được 160 hải lý hay 300 km, tức là chỉ bay xa 80 hải lý rồi phải quay về vì... hết xăng. Dĩ nhiên chiếc Albatross không thể mang được bom đạn. MQ-9 drones của Hoa Kỳ có tầm hoạt động xa đến 6000 hải lý hay 11 ngàn km. Nếu mang tối đa bom đạn đủ loại là 3000 cân anh kể cả bom tinh khôn nặng 1000 cân anh mỗi trái như GBU-38 (JDAM) thì MQ-9 drones có thể bay lâu 36 tiếng đồng hồ. Nếu mang bình xăng phụ thì bay được 42 tiếng. Máy bay MQ-9 có thể bay ở độ cao 60 ngàn bộ hay 18 km. Các hệ thống trinh sát bằng ra đa, thu hình và hồng ngoại tuyến FLIR (Forward Looking InfraRed) có công suất lớn nên nhìn thấy rất xa sẽ giúp quân đội Đài Loan khám phá sớm những toan tính xâm lăng của Hồng Quân Hoa Lục. Cái dĩa ngửa lên trời không phải ra đa mà là ăng ten để nhận và gởi tín hiệu đến vệ tinh ở ngoài không gian. Chuyên gia quân sự Trung Cộng hằn học đe dọa sẽ bắn rớt dễ dàng máy bay không người lái MQ-9 drones vì chiếc này không có khả năng tàng hình và bay chậm rì tối đa 300 mph hay 480 km/giờ. Để tự vệ, MQ-9 drones có thể lắp thêm ống “pod” chứa hệ thống phòng không dùng tia laser và máy phá sóng ra đa để làm lạc hướng hỏa tiễn địch. MQ-9 drones còn có thể gắn hỏa tiễn không đối không AIM-9 Sidewinder và hỏa tiễn địa không của Bộ Binh AIM-92 Stinger để tử chiến với máy bay địch. Rất tiếc, phi công Đài Loan lái mấy chiếc MQ-9 drones lại ngồi trong phòng có máy lạnh ở căn cứ, vừa uống trà gừng vừa bấm nút khai hỏa như chơi game. Nếu chẳng may MQ-9 drones bị Trung Cộng bắn tan xác pháo thì phi công Đài Loan vẫn sống nhăn răng. Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk của hãng Northrop Grumman chế tạo. Chiếc này có nhiệm vụ thám thính như chiếc máy bay gián điệp U-2. Nhật và Nam Hàn có đặt mua mấy chiếc để dọ thám Bắc Hàn và Trung Cộng. Máy bay có khả năng bay một lèo xuyên qua Thái Bình Dương mà không cần tiếp tế nhiên liệu. Đài Loan còn chơi sang hơn nhiều nước Âu Châu quý phái và thời thượng. Quốc gia hải đảo này bỏ ra 2.2 tỷ đô la để mua 108 chiếc xe tăng Abrams M1A2T do Hoa Kỳ chế tạo. Xe tăng Abrams M1A2 được coi là tốt nhứt thế giới. Nó chạy rất nhanh, xoay xở gọn lẹ. Nòng pháo 120 ly. Vách bằng hợp chất dày 18 inches hay 45 cm. Tăng Abrams M1A2 có một quá trình tác chiến lẫy lừng đã đánh tan tác các đơn vị thiết giáp thiện chiến của nhà độc tài Saddam Hussein chỉ trong vòng vài ngày. Con số thiệt hại của xe tăng Abrams M1 rất khó tin nhưng có thiệt. Chỉ có 9 chiếc bị “rang muối” khi tác chiến. 7 chiếc bị phe ta bắn lầm, do máy bay diệt tăng A-10 của Không Quân Hoa Kỳ dùng đại bác 6 nòng 30 mm có đầu đạn pha depleted uranium bắn cháy và hỏa tiễn diệt tăng AGM-114 Hellfire cũng của máy bay trực thăng Mỹ do phi công mắt quáng gà bắn lầm. Hai chiếc khác bị hư phải phá hủy. Xe tăng Abrams M1A2T Lính thiết giáp ngồi bên trong Abrams M1 rất an toàn. Có lần đại bác 130 ly của lính Saddam Hussein bắn trực xạ trúng nhưng người bên trong vô sự. Theo tài liệu thì phải bắn khoảng 8 trái đạn đại bác vào cùng một điểm mới khoan thủng được vách xe. Song song với hơn 100 con cua sắt xịn. Đài Loan còn mua của Hoa Kỳ 1240 hỏa tiễn chống chiến xa TOW và 409 hỏa tiễn FGM-148 Javelin vừa bắn hạ được chiến xa và máy bay trực thăng địch bay thấp. Hỏa tiễn FGM-148 Javelin cũng là loại mà chính quyền Donald Trump cung cấp cho Ukraine để làm thịt xe tăng Nga. Khi phóng nó bay song song với mặt đất nhưng khi tới gần chiếc tăng thì nó vút lên cao độ rồi mổ xuống nóc xe thiết giáp vốn có vỏ thép mỏng để chui vào bên trong nổ tung. Nhìn nỗ lực sắm đồ chơi nóng để quyết tâm để bảo vệ biển đảo của Đài Loan mà không khỏi khâm phục ngưỡng mộ. Với lượng khí giới hiện đại nhứt thế giới được trang bị tậng răng như vậy, nên không khỏi rùng minh khi tưởng tượng Hồng Quân Hoa Lục tìm cách đổ bộ lên Đài Loan. Nước biển xanh sẽ biến thành màu đỏ của máu. Mục tiêu không còn qua lỗ chiếu môn và đỉnh đầu ruồi nữa mà là trên màn ảnh computer. Nhưng dân tộc Đài Loan rất khiêm tốn lịch sự và không khoe khoang sự hùng mạnh của mình, không hách dịch nạt nộ đồng bào của họ “không có bác Tưởng Giới Thạch thì làm sao có chúng mày ngày hôm nay”. Tham khảo: https://www.aljazeera.com/…/us-negotiating-sale-of-sophisti… https://www.upi.com/…/Taiwan-ready-to-buy-A1…/3421572459961/  
......

Chính trị gia Đức kêu gọi EU và Mỹ lập mặt trận thống nhất chống Trung Quốc

VOA| Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Đức vừa kêu gọi các đồng minh châu Âu phải cải thiện quan hệ đối tác với Mỹ để chống lại các mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và Trung Quốc, trang Washington Examiner và South China Morning Post vừa loan tin vào đầu tuần này. Trả lời phỏng vấn VOA, đại diện cộng đồng người Việt tại EU hoan nghênh lời kêu gọi này. Lời kêu gọi một mặt trận thống nhất về Trung Quốc của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đức diễn ra sau khi ra mắt một diễn đàn mới giữa Mỹ và châu Âu để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, với cuộc hội đàm đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng tới. Lời kêu gọi này được công bố sau cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp EU hôm 23/10. Theo thông cáo của EU hôm 23/10, ông Josep Borrell, Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An ninh của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, đã có cuộc điện đàm thảo luận về một loạt các vấn đề cùng quan tâm trong bối cảnh Đối tác xuyên Đại Tây Dương, trong đó có vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer phát biểu tại một diễn đàn hữu nghị Đức-Mỹ hôm 24/10, nói: “Hiện nay, phương Tây với tư cách là một hệ thống các giá trị đang đứng trước nguy cơ toàn diện.” “Chỉ có Mỹ và châu Âu cùng nhau mới có thể giữ cho phương Tây vững mạnh, bảo vệ nhau trước cơn khát quyền lực không thể nhầm lẫn của Nga và tham vọng thống lĩnh toàn cầu của Trung Quốc,” trang Washington Examiner dẫn lời bà Kramp-Karrenbauer nói. Trang South China Morning Post dẫn lời bà Kramp-Karrenbauer cho biết bà đề nghị xây dựng một “liên minh thương mại phương Tây mới” để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc. Ngoài ra, bà cũng bày tỏ lo ngại về hành vi thao túng tiền tệ từ lâu nay của Trung Quốc, về sự vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, về các điều kiện đầu tư bất bình đẳng và cạnh tranh bất bình đẳng, do các doanh nghiệp Trung Quốc được Nhà nước tài trợ. Một ngày sau phát biểu của bà Kramp-Karrenbauer, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết tương lai của các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ được “quyết định bởi cách thức đối phó đúng đắn với Trung Quốc.” Đồng hành cùng Bộ trưởng Quốc phòng Đức, ngày 25/10, Ngoại trưởng Maas viết cho báo Welt am Sonntag với tựa đề “Đã đến lúc cho một khởi đầu mới trong Đối tác Xuyên Đại Tây Dương” trong đó ông kêu gọi nên thắt chặt liên minh EU-Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc. Trong bài viết, ông Maas bày tỏ lòng cảm ơn của Berlin đối với viện trợ của Washington trong và sau Chiến tranh Lạnh, đồng thời báo hiệu nhận thức ngày càng cao về mối đe dọa do Bắc Kinh gây ra, ngay cả ở Berlin - nơi mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc đã làm chậm sự đồng thuận của Mỹ-Đức về các vấn đề như Huawei. Từ trước đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo thường xuyên lên án Trung Quốc gây bất ổn cho an ninh quốc gia, gây rối trật tự khu vực, vi phạm nhân quyền, lạm dụng thương mại, khai thác đại dịch corona để đẩy mạnh các lợi ích riêng… vì vậy ông kêu gọi “toàn thế giới” chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc. Các quan chức châu Âu từ lâu đã phàn nàn về sự thiếu tiến bộ của Bắc Kinh trong việc mở cửa nền kinh tế Trung Quốc cho các nhà đầu tư nước ngoài, và gần đây hơn là về tình hình nhân quyền ở Tân Cương và Hong Kong. Nhưng Đức đã miễn cưỡng xích lại gần Mỹ, đặc biệt là kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào đầu năm 2017. Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích Berlin vì không chi đủ tiền cho ngân quỹ khối NATO và chỉ trích cả EU nói chung vì EU cạnh tranh với Mỹ, theo SCMP. Ngoại trưởng Maas cho biết sự chia rẽ giữa Hoa Kỳ và EU trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump chỉ mang lại lợi ích cho các cường quốc bên ngoài. “Sau bốn năm khó khăn, đã đến lúc bắt đầu mới trong quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, bởi vì những người hưởng lợi từ sự khác biệt của chúng ta là ở Bắc Kinh và Moscow, ở Tehran và Bình Nhưỡng.” Ngoại trưởng Maas viết trên báo Welt am Sonntag: “Washington nhận thấy thách thức chiến lược lớn của thế kỷ này trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trên tất cả các đường lối của các đảng, và Chính quyền tiếp theo của Mỹ do đó cũng sẽ chuyển hướng về mặt chính trị và quân sự theo xu hướng này."
......

Đại Kỷ Nguyên, The Epoch Times và Pháp Luân Công: Về một đế chế truyền thông

Hiền Minh Từ năm 2016, tờ báo được Pháp Luân Công bảo trợ này đã tạo ra một đế chế truyền thông “bài Trung – phò Trump” bằng những thủ thuật Facebook hung hãn và những thông tin hữu khuynh sai lệch. Dịch từ bài viết How The Epoch Times Created a Giant Influence Machine, đăng trên The New York Times ngày 24/10/2020. Bài viết này quan trọng vì The Epoch Times liên quan trực tiếp đến trang tin Đại Kỷ Nguyên thu hút một số lượng lớn độc giả Việt Nam. Luật Khoa trân trọng giới thiệu bản dịch toàn văn của bài viết này. Tựa đề do Luật Khoa đặt. The Epoch Times (大紀元, Đại Kỷ Nguyên) trong nhiều năm là một tờ báo nhỏ có thiên hướng chống Trung Quốc được phát không trên những góc phố ở New York. Epoch Times vẫn hoạt động với kinh phí hạn hẹp cho đến năm 2016 và 2017, khi những sự thay đổi biến tờ báo trở thành một trong những đơn vị xuất bản quyền lực nhất nước Mỹ. Những thay đổi này cũng tạo đà cho tờ báo, vốn có liên quan đến phong trào tín ngưỡng khá bí ẩn Pháp Luân Công, trở thành nguồn phát tán thông tin chính trị sai lệch hữu khuynh hàng đầu. Đầu tiên, tờ báo này rất thân thiện với Tổng thống Donald Trump, xem ông như một đồng minh trong trận chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Pháp Luân Công bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, và những người tập luyện môn phái này phải chịu đàn áp từ khi đó. Phong cách đưa tin tương đối nghiêm túc về chính trị Mỹ của tờ báo thuở đầu dần trở nên thiên lệch hơn, với nhiều bài viết ủng hộ ông Trump và chỉ trích các đối thủ của ông. Cùng thời gian này, The Epoch Times đặt cược lớn vào một thiết chế quyền lực khác của nước Mỹ: Facebook. Tờ báo và các trang thành viên của nó áp dụng một chính sách mới bao gồm việc tạo ra hàng loạt trang Facebook, phủ đầy lên đó các video vui tươi và các sản phẩm ăn khách (viral), sau đó sử dụng các trang này như kênh bán tài khoản thành viên, đồng thời làm tăng truy cập ngược về trang báo mẹ. Trong một lá thư gửi nhân viên Epoch Times vào tháng 4/2017 do The New York Times thu thập, lãnh đạo tờ báo này hình dung chiến lược của Facebook có thể giúp đưa The Epoch Times trở thành “đơn vị truyền thông lớn nhất và quyền lực nhất thế giới. Nó cũng có thể giới thiệu giáo huấn của Pháp Luân Công đến hàng triệu người, hoàn thiện sứ mệnh “cứu rỗi sinh linh”. Hiện tại, The Epoch Times và các trang thành viên là một thế lực truyền thông cánh hữu, với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội trên hàng chục trang mạng và một lượng khán giả tương đương với The Daily Caller và Breitbait News (hai trang tin hữu khuynh nổi tiếng), và với một sự sẵn sàng cũng tương đương để làm thoả mãn cơn khát của nhóm cực hữu. Tờ báo cũng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong nhóm thân cận với Donald Trump. Cả vị tổng thống và gia đình đều đã từng chia sẻ bài viết của The Epoch Times trên mạng xã hội, và viên chức của chính quyền Trump đã từng trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo này. Vào tháng Tám, một phóng viên của The Epoch Times đã đặt câu hỏi tại một buổi họp báo tại Nhà Trắng. Đó là một thành tựu của môn phái Pháp Luân Công, vốn chật vật để xác lập hình ảnh chân chính của môn phái, nhằm đối trọng lại mô tả của chính quyền Bắc Kinh về họ như một “giáo phái ma quỷ”. Một điểm khó phân định ở đây là những nguồn tin về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp họ đôi lúc rất khó để có thể chứng thực, đôi lúc lại có dấu hiệu cường điệu. Năm 2006, một phóng viên của Epoch Times khi tham dự chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Trung Quốc đã hét lên rằng “những kẻ tà ác sẽ chết sớm.” Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia hàng đầu của Trump và đồng thời là cựu chủ tịch của Breitbart, nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Bảy rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của Epoch Times khiến ông ấn tượng. “Họ sẽ trở thành một tờ báo bảo thủ (conservative) hàng đầu trong vòng hai năm tới. Tờ báo này có tham vọng, có độc giả, và sẽ trở thành một thế lực đáng kể”, ông Bannon nói. Ông này đã bị bắt vì tội lừa đảo vào tháng Tám. The Epoch Times và các thành viên của nó đã lớn mạnh một phần nhờ vào các thủ thuật mạng xã hội khá mờ ám, truyền đi những thuyết âm mưu nguy hiểm và xem thường kết nối của họ với Pháp Luân Công. Đó là kết luận điều tra của The New York Times. Các phóng viên của The Times đã phỏng vấn hơn mười cựu nhân viên Epoch Times, cũng như tiếp cận các tài liệu nội bộ và hồ sơ thuế của tổ chức. Nhiều người trong số này trả lời ẩn danh vì họ e ngại bị trả đũa, hoặc vì vẫn có gia đình trong môn phái. Việc gắn chặt mình vào ông Trump và Facebook đã khiến cho The Epoch Times trở thành một cỗ máy quyền lực phe phái (partisan powerhouse). Nhưng nó cũng tạo nên một cỗ máy lan truyền thông tin thất thiệt trên phạm vi toàn cầu, liên tục bơm những luận điệu sai lệch vào truyền thông dòng chính. Tờ báo này trở thành một trong những kênh truyền bá nổi bật nhất của “Spygate”, một thuyết âm mưu vô căn cứ bao gồm những cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 một cách phi pháp. Các bài viết và chương trình có liên quan đến The Epoch Times đã quảng bá thuyết âm mưu QAnon và truyền đi những cáo buộc sai lệch về sai phạm bầu cử và phong trào Black Lives Matter. Gần đây hơn, họ đã tích cực truyền bá rằng virus corona – được tờ này gọi bằng tên “Virus Đảng Cộng sản Trung Quốc” (CCP Virus) – là do một phòng thí nghiệm quân đội Trung Hoa tạo ra để làm vũ khí sinh học. Tờ Epoch Times tuyên bố rằng mình độc lập và phi đảng phái, đồng thời phản đối ý kiến cho rằng nó có liên đới chính thức với Pháp Luân Công. Giống như Pháp Luân Công, tờ báo có mặt ở hơn mười quốc gia này có cấu trúc phân tán và vận hành dưới dạng các cụm đơn vị thành viên theo vùng, mỗi đơn vị giống như một tổ chức phi lợi nhuận riêng biệt. Tổ chức này cực kỳ kín tiếng. Các biên tập viên của The Epoch Times từ chối nhiều lời mời phỏng vấn; một phóng viên đến thăm trụ sở của tờ báo ở Manhattan mà không thông báo trước đã phải nhận cảnh cáo từ luật sư, mới trong năm nay. Đại diện phát ngôn của Li Hongzhi (Lý Hồng Chí), lãnh đạo của Pháp Luân Công, từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi. Các cư dân tại Dragon Springs, tổ hợp ở ngoại ô New York được xem như là trụ sở tinh thần của Pháp Luân Công, cũng không trả lời phóng viên The New York Times. Dragon Springs, “thủ đô” của Pháp Luân Công ở Otisville, New York. Ảnh: Julie Jaconson/AP. Nhiều nhân viên và người luyện tập Pháp Luân Công liên lạc với The Times để báo tin rằng họ được định hướng để giữ kín những chi tiết về công việc nội bộ của tờ báo. Theo những nguồn tin này, họ được truyền đạt rằng nói lời tiêu cực về The Epoch Times thì cũng tương đương với việc bất tuân đối với ông Lý, người được gọi là “Sư phụ” trong môn phái. The Epoch Times chỉ trả lời một vài câu hỏi trong một danh sách dài được gửi đến phòng truyền thông của họ, và từ chối trả lời những câu hỏi về tài chính và chiến lược của toà soạn. Trong một bức email không có chữ ký, tờ báo cáo buộc The New York Times về hành vi “phỉ báng và hạ thấp một đối thủ cạnh tranh”, đồng thời, việc cho rằng tờ báo có liên đới với Pháp Luân Công là một dạng doạ nạt tinh vi đối với tôn giáo, nếu không nói là thiên kiến (subtle form of religious intimidation if not bigotry). “The Epoch Times không e ngại và sẽ không chịu im lặng”, tờ báo bổ sung, “đồng thời sẽ có những quyết định pháp lý để đáp lại những lời sai trái và thiếu chính xác trong các câu hỏi mà The New York Times gửi đến”. Làm rõ sự thật về Đảng Cộng sản Trung Quốc Pháp Luân Công, môn phái mà ông Lý giới thiệu tại Trung Quốc năm 1992, xoay quanh một chuỗi năm bài tập thiền và quá trình hoàn thiện đạo đức bản thân nhắm đến một sự khai sáng về tinh thần. Hiện nay, nhóm này được biết đến qua các cuộc diễu hành khắp thế giới để “làm rõ sự thật” về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc tra tấn những người thực hành môn phái và lấy nội tạng của họ. (Hàng chục nghìn người khắp Trung Quốc đã bị đẩy đến các trại lao động vào những năm đầu của cuộc đàn áp, Pháp Luân Công không còn hiện diện nhiều ở đại lục.) Gần đây hơn, Pháp Luân Công đã bị chỉ trích bởi chính các cựu thành viên môn phái. Họ mô tả hệ thống niềm tin của môn phái này là cực đoan khi cấm đoán kết hôn liên chủng tộc, lên án đồng tính, và không khuyến khích sử dụng các loại thuốc hiện đại. Epoch Times chối bỏ tất cả các cáo buộc này. Khi The Epoch Times bắt đầu hoạt động vào năm 2000, mục tiêu của nó là đối phó với các lời tuyên truyền của Trung Quốc và tường thuật các hành vi đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với Pháp Luân Công. Vào thời khai sinh đó, Epoch Times là một tờ báo tiếng Hoa, xuất bản nội dung từ tầng hầm nhà của John Tang, một sinh viên cao học đồng thời là một người tu luyện Pháp Luân Công. Đến năm 2004, The Epoch Times mở rộng sang tiếng Anh. Một trong những nhân viên được trả lương đầu tiên của tờ báo là Genevieve Belmaker, lúc đó là một môn đồ Pháp Luân Công 27 tuổi với một chút kinh nghiệm báo chí. Bà Belmaker, hiện giờ 43 tuổi, mô tả Epoch Times những ngày đầu là lai tạo giữa một start-up truyền thông lộn xộn và một bản tin của một nhà thờ nhiệt thành. Khi đó, nhân viên của họ phần lớn là những tình nguyện viên không lương từ các nhóm Pháp Luân Công địa phương. Mệnh lệnh của nhóm làm việc vào lúc đó là hãy cùng tạo ra một đơn vị truyền thông không chỉ nói sự thật về Pháp Luân Công, nhưng là sự thật về mọi thứ”, bà Belmaker nói. Lãnh tụ của môn phái Pháp Luân Công, Li Hongzhi (Lý Hồng Chí) năm 1999. Ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin khác là “các kênh truyền thông của chúng tôi”. Ảnh: Henry Abrams/Agence France-Presse, via Getty Images. Ông Lý, người sáng lập của Pháp Luân Công, cũng chia sẻ quan điểm này. Trong các bài phát biểu, ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin có liên quan đến Pháp Luân Công khác, bao gồm kênh truyền hình New Tang Dynasty TV (Tân Đường Nhân – NTD), là “các kênh truyền thông của chúng tôi”. Ông nói rằng các kênh này có thể giúp quảng bá những câu chuyện và giá trị của Pháp Luân Công ra khắp thế giới. Hai cựu nhân viên của The Epoch Times kể lại rằng các biên tập viên cấp cao của trang này đã đến Dragon Springs để gặp ông Lý. Một nhân viên đã tham dự một cuộc họp nói rằng ông Lý đã can thiệp vào các quyết định về nội dung cũng như chiến lược hoạt động của toà soạn, hành xử như một nhà sản xuất bí mật. The Epoch Times bác bỏ nguồn tin này, nói rằng “Không có một cuộc họp nào như thế cả.” Lằn ranh phân định The Epoch Times và Pháp Luân Công đôi lúc mờ nhạt. Hai phóng viên của Epoch Times nói rằng họ từng được yêu cầu để viết những lời giới thiệu có cánh về những nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài được chọn vào Shen Yun (Thần Vận), một chuỗi chương trình biểu diễn múa do Pháp Luân Công bảo trợ. Việc này nhằm tăng khả năng các nghệ sĩ được cấp visa. Một phóng viên Epoch Times khác kể lại việc được giao viết bài chỉ trích các chính trị gia bao gồm John Liu, một người Mỹ gốc Đài Loan từng làm việc ở hội đồng thành phố New York. Ông Liu được tờ báo cho là có lập trường mềm mỏng với Trung Quốc và thù địch với Pháp Luân Công. Những bài viết này giúp Pháp Luân Công thúc đẩy mục tiêu của mình, nhưng không thu hút được nhiều người đăng ký làm thành viên. Matthew K. Tullar, cựu giám đốc bán hàng của The Epoch Times (phiên bản Quận Cam) tại New York viết trên trang LinkedIn cá nhân là đội ngũ của ông ban đầu “in 800 bản báo mỗi tuần, số người đăng ký bằng không, và tận dụng một chiến lược marketing ‘cho không biếu không’. Ông Tullar không hồi đáp yêu cầu bình luận. Bà Belmaker, người đã rời tờ báo vào năm 2017, mô tả nó như một tổ chức chân phương không ngừng tìm kiếm những cách mới để kiếm tiền. Xoay quanh Trump Cho đến năm 2014, The Epoch Times đã tiến đến gần với tầm nhìn của ông Lý về một trang thông tin được tôn trọng. Số lượng đăng ký đã tăng lên, các sản phẩm báo chí được trao giải thưởng, và tài chính đã ổn định. “Có một niềm lạc quan lan đi khắp nơi rằng mọi thứ sắp được nâng cấp,” bà Belmaker nói. Nhưng tại một cuộc họp nhân viên năm 2015, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng tờ báo đang gặp vấn đề một lần nữa, bà Belmaker nhớ lại. Facebook đã thay đổi thuật toán quyết định các bài viết xuất hiện trên newsfeed của người dùng, và lượng truy cập của The Epoch Times và doanh thu quảng cáo đều bị ảnh hưởng xấu. Để ứng phó, tờ báo này giao cho phóng viên sản xuất mỗi ngày năm tin bài câu khách, thường là các tin đơn giản giật gân với các tít bài kiểu như “Gấu xám nhảy cái ùm xuống hồ bơi.” (Grizzly Bear Does Belly Flop Into a Swiming Pool.) “Đó là một cuộc cạnh tranh giành lượng truy cập,” bà Belmaker nói. Khi cuộc bầu cử năm 2016 đến gần, các phóng viên để ý thấy cách mà tờ báo đưa tin chính trị có giọng điệu thiên lệch hơn. Steve Klett, người theo dõi chiến dịch bầu cử năm 2016 cho tờ báo này nói rằng các biên tập viên khuyến khích các bài đăng tích cực về Donald Trump sau khi ông này được Đảng Cộng hoà đề cử. “Họ nhìn Trump với một ánh mắt ngưỡng mộ như nhìn một lãnh tụ chống Cộng, người sẽ đặt dấu chấm hết cho Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Ông Klett nói. Sau chiến thắng của ông Trump, The Epoch Times thuê Brendan Steinhauser, một chiến lược gia có kết nối chặt chẽ với phong trào Tea Party, để giúp kết thân với nhóm bảo thủ. Ông Steinhauser nói rằng mục tiêu của tổ chức này, ngoài việc quảng bá thương hiệu tại Washington, còn là khiến cho chính quyền Trump đưa cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào danh sách các ưu tiên hành động. “Họ muốn nhiều người ở Washington hiểu cách Đảng Cộng sản Trung Quốc vận hành, và những việc làm của họ đối với các nhóm tín ngưỡng và sắc tộc thiểu số,” ông Steinhauser nói. Cược cả vào Facebook Ở hậu trường, The Epoch Times xây dựng một vũ khí bí mật: một chiến lược phát triển Facebook mà sau cùng sẽ giúp đưa thông điệp của tờ báo đến hàng triệu người. Theo các email mà The Times phân tích, chiến lược sử dụng Facebook là do Trung Vu phát triển. Ông này từng là lãnh đạo của The Epoch Times bản tiếng Việt, được biết đến với tên gọi Đại Kỷ Nguyên, hoặc DKN. Ở Việt Nam, chiến lược của ông Trung bao gồm tạo dựng một mạng lưới các trang Facebook với video ăn khách và thông tin ủng hộ Trump, trong đó một số là sao chép nguyên văn từ các nguồn khác, và dùng những phần mềm hoặc bot tự động để tạo like và share ảo. Cựu nhân viên của DKN đã tiết lộ thông tin này cho The New York Times cũng cho biết các nhân viên của trang web này dùng tài khoản giả để vận hành trang Facebook. Việc làm này vi phạm quy định của Facebook, nhưng được ông Trung giải thích là để bảo vệ nhân viên khỏi sự theo dõi của Trung Quốc. Ông Trung không phản hồi đề nghị bình luận. Theo một email gửi nhân viên Epoch Times ở Mỹ năm 2017, thử nghiệm tại Việt Nam được gọi là một “thành công vang dội” giúp cho DKN trở thành trang thông tin lớn nhất Việt Nam. Cũng theo email này, đội ngũ nhân viên người Việt được giao nhiệm vụ xây dựng đế chế Facebook dành riêng cho Epoch Media Group – tổ chức mẹ của đơn vị truyền thông của Pháp Luân Công lớn nhất nước Mỹ. Năm đó, hàng chục trang Facebook mới xuất hiện, tất cả đều có liên quan đến The Epoch Times và các trang liên quan. Một số trong đó có quan điểm thiên vị công khai, một số khác thì mô tả mình là những nguồn thông tin thật và không thiên vị, một vài trang khác nữa, như trang nội dung hài hước tên là “Những khoảnh khắc gia đình vui nhộn” (Funniest Family Moments) lại hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt tin tức. Ảnh chụp màn hình trang America Daily, một trang thông tin chính trị cánh hữu. Một biên tập viên của Epoch Times giúp thành lập trang này. Thử nghiệm táo bạo nhất có lẽ là một trang thông tin chính trị hữu khuynh tên là America Daily (Nước Mỹ hàng ngày). Trang Facebook có hơn một triệu người theo dõi này đang sản xuất thông tin sai lệch theo hướng cực hữu. Trang này đã đăng các bài viết dài dòng về chống vaccine, một bài trong đó vu cáo rằng Bill Gates và những người quyền thế khác đang “định hướng” đại dịch COVID-19 và cáo buộc về một “đám đông Do Thái” (Jewish mob) thống trị thế giới. Các email mà The Times thu thập được cho thấy John Nania, một biên tập viên lâu năm của Epoch Times, đã tham gia xây dựng America Daily thời gian đầu, cùng với các chuyên viên của Sound of Hope (Âm thanh của Hy vọng), một mạng lưới phát thanh có liên quan đến Pháp Luân Công. Các dữ liệu trên Facebook chỉ ra là trang này do Sound of Hope Network vận hành, và một bài đăng được ghim trên trang Facebook này có đính kèm một video quảng bá cho Pháp Luân Công. The Epoch Times phát ngôn chính thức rằng họ không có “quan hệ công việc” gì với America Daily. Nhiều trang Facebook do Epoch Times vận hành và các trang liên quan cùng đi theo một  lộ trình. Chúng bắt đầu bằng việc đăng các video ăn khách và các bài viết vui tươi từ các trang khác. Các trang này phát triển nhanh chóng, đôi lúc có thêm hàng trăm nghìn người theo dõi trong một tuần. Sau đó, chúng được dùng để dẫn dụ công chúng mua tài khoản thành viên của Epoch Times và để quảng bá cho các nội dung mang tính đảng phái hơn. Nhiều trang Facebook có được lượt theo dõi đáng kể chỉ “sau một đêm”, Renee DiResta, một nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch hợp tác với Stanford Internet Observatory cho hay. Nhiều bài đăng được chia sẻ hàng nghìn lần nhưng hầu như không có một bình luận nào. Bà DiResta mô tả rằng đây là đặc trưng của những trang do những đội “click farms” tạo nên, từ chỉ các công ty chuyên tạo lượng truy cập giả mạo bằng cách trả tiền cho người dùng click liên tục vào các đường link theo yêu cầu. The Epoch Times nói rằng họ không dùng click farms hay bất kỳ mưu mẹo nào để mở rộng các trang của họ. “Chiến lược mạng xã hội của The Epoch Times khác với DKN, chúng tôi dùng các công cụ quảng bá của chính Facebook để có được người theo dõi thật  sự”, tổ chức này nói, đồng thời bổ sung rằng The Epoch Times đã chấm dứt liên quan với ông Trung từ năm 2018. Nhưng vào năm ngoái, The Epoch Times đã bị chặn quảng cáo trên Facebook sau khi mạng xã hội này tuyên bố rằng các trang tin của Epoch Times đã vi phạm yêu cầu minh bạch bằng việc giả mạo các tài khoản quảng cáo. Epoch Times chi cho Facebook hơn 1,5 triệu USD trong vòng bảy tháng. Năm nay, Facebook đã xóa hơn 500 trang và tài khoản có liên kết với Truth Media, một mạng lưới các trang chống Trung Quốc dùng tài khoản giả mạo để lan truyền thông điệp của họ. The Epoch Times từ chối mọi cáo buộc liên đới, nhưng các điều tra viên của Facebook nói rằng Truth Media “cho thấy một số mối liên quan đến các hoạt động trên nền tảng của Epoch Media Group và NTD.” “Chúng tôi đã nhiều lần thực hiện các biện pháp chống lại Epoch Media và các nhóm liên quan,” một đại diện phát ngôn của Facebook nói, đồng thời bổ sung là mạng xã hội này sẽ có chế tài đối với các trang tin nếu như họ tiếp tục vi phạm quy định trong tương lai. Vì bị chặn quảng cáo trên Facebook, The Epoch Times đã chuyển phần lớn hoạt động sang Youtube. Họ đã rót hơn 1,8 triệu đô-la tiền quảng cáo cho Youtube từ tháng 5/2018, theo dữ liệu công khai của Google về quảng cáo có nội dung chính trị. Nguồn tiền của Epoch Times đến từ đâu là một điều bí ẩn. Các cựu nhân viên nói họ được truyền đạt là tổ chức có nhiều nguồn tài chính, bao gồm tài khoản đăng ký, quảng cáo và đóng góp từ các thành viên giàu có của môn phái Pháp Luân Công. Năm 2018, năm gần nhất mà dữ liệu thuế của họ được công khai, The Epoch Times Association (chủ quản của tờ báo) nhận được hàng loạt nguồn đóng góp đáng kể, nhưng không có khoản nào đủ lớn để chi hàng triệu đô la Mỹ cho quảng cáo như vậy. Ông Bannon nằm trong số những người lưu ý đến túi tiền dồi dào của The Epoch Times. Năm ngoái, ông sản xuất một bộ phim tài liệu về Trung Quốc cùng với NTD. Khi ông nói chuyện với tờ báo về các dự án khác, ông kể, tiền bạc chưa bao giờ là một vấn đề. “Tôi sẽ ra giá”, ông Bannon nói. “Rồi họ sẽ trả lời, ‘Mức đó ổn.'” “Mục tiêu luân lý đã không còn” Việc The Epoch Times chuyển sang ủng hộ Trump đã khiến nhiều nhân viên cũ của họ thất vọng, trong đó có bà Belmaker. Bà Belmaker hiện làm biên tập viên và người viết tự do, nói rằng mình vẫn tin tưởng vào nhiều lời dạy của Pháp Luân Công. Nhưng bà đã mất niềm tin vào The Epoch Times, tổ chức mà theo bà, đã làm trái với những giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công: sự thật, sự cảm thông và lòng khoan dung. “Mục tiêu luân lý đã không còn”, bà nói. “Họ đang đi sai đường rồi, và tôi không nghĩ là họ bận tâm đến chuyện đó.” Mới đây, The Epoch Times đã chuyển tầm ngắm sang virus corona. Trang này tấn công vào sai lầm của Trung Quốc trong thời kỳ đầu của đại dịch, các phóng viên viết về những con số thống kê được báo cáo sai, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh chụp màn hình video “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau) của Epoch Times trên Youtube. Phụ đề: Đảng Cộng sản Trung Quốc biết chuyện gì đang diễn ra. Có những bài viết trong số đó là đúng sự thật. Nhưng những bài khác có xu hướng cường điệu những cáo buộc sai trái, chẳng hạn như các giả thuyết thiếu căn cứ rằng virus do một phòng thí nghiệm chế ra, nằm trong một chiến lược chiến tranh sinh học. Một vài cáo buộc đã được nhắc lại trong một bộ phim tài liệu mà cả NTD và The Epoch Times đăng trên Youtube, thu hút hơn năm triệu lượt xem. Bộ phim tài liệu giới thiệu nhà nghiên cứu virus tai tiếng Judy Mikovist, người mà cả Facebook, Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác đã xoá tài khoản vì truyền bá thông tin sai lệch. Trang The Epoch Times nói, “trong bộ phim tài liệu, chúng tôi đưa ra một loạt các bằng chứng và quan điểm mà không rút ra kết luận nào”. Bà Belmaker, người vẫn giữ một bức ảnh của Sư phụ Lý trên kệ sách trong nhà bà, nói rằng bà vẫn giật mình mỗi khi một đoạn quảng cáo của The Epoch Times xuất hiện trên Youtube, quảng bá những luận điểm đầy tính bè phái. Một video gần đây mang tên “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau), là một đoạn thông tin quảng cáo (infomercial) về sai lầm của Trung Quốc khi ứng phó với virus corona. Người dẫn dắt trong clip đó nói rằng The Epoch Times có một mạng lưới nguồn tin ngầm ẩn ở Trung Quốc cung cấp thông tin cho họ về cách chính quyền ứng phó với virus. Tuyên bố đó có thể đúng, nhưng người này lại không nhắc gì đến mối liên hệ giữa The Epoch Times với Pháp Luân Công, hay chiến dịch dài hai thập kỷ chống lại cộng sản Trung Quốc của họ. Anh ta chỉ nói rằng tờ báo “đang cho bạn một bức tranh chính xác về chuyện đang xảy ra trên thế giới này.” “Có sao thì chúng tôi nói vậy,” anh ta bảo./.  
......

Biển Đông : Nhiều nước không tranh chấp chủ quyền bác bỏ yêu sách của Trung Quốc

Châu Á - RFI Hãng thông tấn Antara của Indonesia, ngày 24/10/2020 dẫn lời một quan chức bộ Ngoại Giao xác nhận rằng một số nước thành viên khối ASEAN không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc. Hãng thông tấn Antara cho biết các quốc gia thành viên ASEAN và một số nước lớn đã gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong năm nay, Jakarta đã hai lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc là vào các ngày 26/5 và 12/6. Ông Damos Dumoli Agusman, tổng cục trưởng Luật Quốc tế và Thỏa thuận, trực thuộc bộ Ngoại Giao Indonesia, trong buổi họp báo trực tuyến hôm thứ Sáu 22/10 tuyên bố : « Điều này có nghĩa là những quốc gia nói với Liên Hiệp Quốc rằng chúng tôi không muốn có bất kỳ một sự vi phạm nào đối với UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển) và không muốn UNCLOS bị thu hẹp hay trở nên mập mờ ». Vẫn theo vị quan chức ngoại giao Indonesia này, với các công hàm trên, yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ có tranh chấp ở Biển Đông « vẫn sẽ bị xem là bất hợp pháp cho dù Bắc Kinh tiếp tục lên tiếng bác bỏ. Hơn nữa, các công hàm này không phải là một lập luận chính trị nhưng có một lập luận pháp lý được chứng minh bằng luật pháp quốc tế. » Theo nhận định của hãng tin Indonesia, cuộc chiến công hàm mà ông Agusman nhắc đến cho thấy rõ một cuộc xung đột về lập luận pháp lý giữa các nước có và không có đòi hỏi chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông cũng như là các bên có tham gia UNCLOS. Trong năm 2020, Trung Quốc đã 6 lần gởi công hàm đến Liên Hiệp Quốc xác quyết yêu sách lãnh hải ở Biển Đông. Những công hàm còn nhằm đáp trả văn kiện của Malaysia đệ trình lên Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Giới hạn Thềm lục địa ngày 12/12/20219. Nhiều nước lớn cũng tham gia vào làn sóng bác bỏ yêu sách này của Trung Quốc. Ngày 16/09/2020, phái đoàn thường trực của Vương Quốc Anh bên cạnh Liên Hiệp Quốc, đại diện cho chính phủ Anh, Pháp và Đức đã gởi một công hàm ngoại giao ghi rõ : « Pháp, Đức và Anh, với tư cách là các bên có tham gia UNCLOS 1992, muốn nhấn mạnh đến lập trường pháp lý của mình, đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các hoạt động không bị cản trở ở những vùng biển, nhất là các quyền tự do lưu thông hàng hải và hàng không, cũng như là quyền quá cảnh vô hại,  theo như quy định của UNCLOS, đặc biệt là ở vùng Biển Đông ».
......

Chủ tịch quốc hội Síp từ chức, chinh phủ hủy bỏ chương trình “Hộ Chiếu Vàng”

Người Đà Lạt Xưa| Chủ tịch Quốc hội Síp, ông Demetris Syllouris, đã từ chức vào thứ Năm (15/10) sau khi ông bị cáo buộc liên can đến hộ chiếu vàng cho một nhà đầu tư tội phạm đang bỏ trốn. Ông Syllouris cho rằng ông vô tội về bất kỳ hành vi sai trái nào nhưng cho biết ông đã quyết định từ chức vì lợi ích của nhà nước, sau khi các cáo buộc tham nhũng do Al Jazeera phát đi làm hoen ố hình ảnh của Síp với tư cách là một thành viên Liên minh châu Âu. Hôm thứ Ba, chính phủ Síp tuyên bố sẽ hủy bỏ kế hoạch "hộ chiếu vàng" kể từ tháng tới vì những cáo buộc lạm dụng do Al Jazeera phanh phui. Kế hoạch này đã thu vào 7 tỷ euro (8,25 tỷ USD), cuối cùng sẽ kết thúc vào ngày 1 tháng 11 năm 2020. Al Jazeera, cơ quan truyền thông trụ sở tại Qatar, đã phát sóng một chương trình dài một giờ cho thấy các phóng viên của họ giả vờ đại diện cho một doanh nhân Trung Quốc muốn có hộ chiếu Síp mặc dù đang có tiền án ở đại lục. Nhà lập pháp Christakis Giovanis, người bị quay lén trong báo cáo của Al Jazeera, đã từ chức quốc hội và các vị trí mà ông nắm giữ trong đảng AKEL (đảng đối lập hiện nay ở Síp). Hôm nay, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Demetris Syllouris từ chức. Hàng trăm người đã biểu tình ở thủ đô Nicosia hôm thứ Tư (14/10), phản đối hành vi tham nhũng của các quan chức Sip liên quan đến "hộ chiếu vàng". Tuần trước, chính phủ Síp cho biết họ đã thu hồi bảy hộ chiếu vì "đại diện sai" của các nhà đầu tư trong đơn đăng ký của họ, và hiện đang kiểm tra lại trường hợp của tất cả khoảng 4.000 người đã đăng ký thành công hộ chiếu theo chương trình này. Các quan chức Việt Nam có vợ con tuồn tiền sang Síp. Phim tập nhiều bộ, chưa hết đâu. Chính phủ SÍP ra lệnh cấm quảng cáo “hộ chiếu vàng“, phạt nặng kẻ vi phạm  Tất cả các hình thức quảng cáo chương trình mua Quốc tịch Síp (Cyprus) theo diện Đầu tư, còn được gọi là chương trình "Hộ chiếu vàng", đã bị cấm bởi chính phủ Síp. Người vi phạm có thể bị phạt đến 350.000€ (khoảng 410.000 USD tùy theo hối xuất trong ngày) và các công ty dịch vụ vi phạm sẽ bị rút giấy phép cung cấp dịch vụ của họ. Trong một văn bản tuyên bố hôm thứ Sáu (16/10), Bộ Nội vụ Síp cho biết luật mới sẽ cấm các nhà cung cấp dịch vụ và cộng sự của họ quảng bá và quảng cáo quyền công dân hoặc hộ chiếu Síp dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm trên internet, mạng xã hội hoặc các sự kiện. Cảnh báo đưa ra sau khi một số công ty dịch vụ đăng quảng cáo kêu gọi "khách hàng" chạy đua để nộp hồ sơ trước ngày hết hạn, tức là 12 giờ trưa thứ Sáu, ngày 30 tháng 10. Các đơn đăng ký sẽ chỉ được nhận nếu chứa tất cả các thông tin cần thiết và các tài liệu hỗ trợ cần thiết. Chương trình "Hộ chiếu vàng" của Síp cung cấp con đường nhanh nhất để có được hộ chiếu Châu Âu thông qua đầu tư vào bất động sản. Nó nhanh chóng và có sẵn cho các nhà đầu tư có đủ vốn để đầu tư. Không có chương trình thị thực châu Âu nào khác đảm bảo kết quả như vậy khi cung cấp hộ chiếu thứ hai của EU chỉ trong vòng hai đến ba tháng. Mặc dù chương trình quy định người nộp đơn cần có một lý lịch tư pháp trong sạch, tuy nhiên nó đã bị lạm dụng để giúp các tội phạm rửa tiền, hối lộ và tham nhũng trên thế giới, kể cả Việt Nam và Campuchia, có thể mua quốc tịch Síp. Người phát ngôn của chính phủ Síp, ông Kyriakos Koushos, cho biết Nội các đã chấp nhận đề nghị của các cơ quan nội vụ và tài chính về việc hủy bỏ hoàn toàn chương trình “Hộ chiếu vàng” kể từ ngày 1 tháng 11, mặc dù nó đã thu vào hơn 7 tỷ € (8,25 tỷ USD). Chính sách đầu tư quốc tịch và thị thực lao động của Síp đã thu hút nhiều người Việt Nam trong thập kỷ vừa qua. Thống kê cho thấy con số người nói tiếng Việt ở Síp đã gia tăng từ 6.979 người vào năm 2011, đến hơn 12.000 người vào năm 2018. Họ sinh hoạt trải rộng trên các thành phố lớn, đông nhất là ở Limassol nơi hội chợ Tết đã được treo cờ đỏ và có sự tham gia của các quan chức Việt Nam. Muốn mua quốc tịch Síp theo diện VIP của đại biểu Phạm Phú Quốc, gia đình 4 người, vợ chồng và hai con đến 28 tuổi, sẽ đòi hỏi 2,0 triệu € đầu tư vào bất động sản, cộng với hai khoản tiền đóng góp không hoàn trả, gồm có 75.000€ cho quỹ Nghiên cứu và Phát triển của Chính phủ và 75.000€ cho Tổ chức Phát triển Đất đai. Tổng cộng, kể cả phí dịch vụ và luật sư, có thể lên đến tương đương 2,6 triệu USD, tức là khoảng 61 tỷ đồng Việt. Tuy nhiên, không phải người Việt ở Síp đều giàu có như hai ông Phạm Phú Quốc và Phạm Nhật Vũ - một kẻ đã bị xử 3 năm tù vì tội đưa hối lộ. Người có ít tiền có thể chọn lựa đi Síp theo diện "thường trú" (permanent residency), được phép sống và sinh hoạt ở Síp nhưng không có quốc tịch, chỉ cần số tiền đầu tư 300.000€ (khoảng 350.000 USD) cho gia đình gồm có vợ chồng và con cái đến 25 tuổi. Giữa thiên tai lũ lụt miền Trung, ước gì những tổ chức cứu hộ có được số ngoại tệ của vợ con các quan đã tuồn sang đảo Síp./.    
......

Đặc ủy Nhân quyền Đức “quan ngại sâu sắc” việc Phạm Đoan Trang bị bắt

RFA Bà Bärbel Kofler - Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức hôm 16-10-2020 bày tỏ trên tài khoản Twitter rằng, bà quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang. "Tôi vô cùng lo ngại về việc giam giữ bà Phạm Đoan Trang - - tác giả, nhà hoạt động nhân quyền và là cựu học giả của Villa Aurora LA. Tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam bảo vệ quyền tự do bày tỏ chính kiến, được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế", bà Bärbel Kofler viết. Tài khoản Twitter của Tòa đại sứ Đức tại Việt Nam sau đó cũng dẫn lại nguyên văn phát biểu này của Đặc ủy nhân quyền Đức. Liên quan đến cô Phạm Đoan Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 17-10 cũng cho hay, một hôm trước luật sư nhận được thông báo "Để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc giai đoạn điều tra”. Theo luật sư Mạnh, việc cơ quan điều tra tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa rồi hồi âm cho luật sư đã bảo đảm đúng thời hạn là điều hết sức cần ghi nhận. "Tuy tiếc rằng cơ quan điều tra vẫn tiếp tục duy trì quan điểm hạn chế luật sư tham gia các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia ở giai đoạn điều tra," luật sư Mạnh bày tỏ trên FB cá nhân. Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, thì trong thời gian tới, các luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn cũng sẽ sớm làm thủ tục đăng ký bào chữa với cơ quan điều tra. Như chúng tôi đã thông tin, khuya 6-10, cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Hà Nội phối hợp với một số cơ quan công an bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang ở một nhà trọ ở Quận 3, TPHCM, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Cộng hoà Séc, Mỹ và hàng chục tổ chức nhân quyền, nhà xuất bản quốc tế sau đó đã lên tiếng chỉ trích việc làm này của phía Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho cô Trang lập tức và vô điều kiện./.
......

Liên Minh Âu Châu quan tâm về Biển Đông và nhân quyền VN

Cơ Quan Phụ Trách  Đối Ngoại Liên Minh Âu Châu   Trưởng nhóm                         ASIAPAC – Á Châu và Thái Bình Dương                                                ASIAPAC.3 – Đơn vị Đông Nam Á        Brüssel , ngày 12 tháng 10 năm 2020  ASIAPAC.3/ARES(2020) 5548105      Kính thưa bà Bác Sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm,     Chúng tôi cảm ơn bà về lá thư ngày 12 tháng 7 năm 2020 thay mặt 68 tổ chức của cộng đồng người Việt hải ngoại mà trong đó bà đã nêu lên hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Chủ Tịch Ủy Ban Liên Âu (Ursula von der Leyen) yêu cầu tôi nhân danh bà ấy trả lời bà.    Liên minh châu Âu đã nhiều lần tuyên bố rằng hành động đơn phương ở Biển Đông đang làm leo thang căng thẳng và làm xấu đi an ninh hàng hải khu vực, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển hòa bình của khu vực. Trong tình hình hiện tại được đánh dấu bởi đại dịch COVID-19 khiến điều này càng có ý nghĩa nhiều hơn nữa.    Liên minh châu Âu luôn dấn thân vì hòa bình và an ninh ở châu Á, bao gồm cả Biển Đông, cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và khẩn thiết kêu gọi tất cả các bên trong khu vực thực hiện kiềm chế và giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).    Chúng tôi lưu ý đến cuộc trưng cầu dân ý và những lo ngại của bà về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Về vấn đề này, Liên minh Châu Âu cam kết bảo đảm rằng các quyền con người, bao gồm quyền tự do ngôn luận, phải được tôn trọng trên toàn thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam. Điều này được thực hiện chẳng những thông qua sự hỗ trợ cụ thể các cá nhân đang tranh đấu bảo vệ nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, mà còn thông qua việc thiết lập một cuộc đối thoại cởi mở và trực tiếp với các giới hữu trách tại Việt Nam.    Hiệp định thương mại tự do có thể sẽ là công cụ bổ sung cho chúng tôi để theo dõi sự hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và nhắm vào sự tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực nhân quyền, đặt nặng trọng tâm vào quyền lao động, minh bạch hơn và mang tính cách pháp quyền, vào sự tương tác chặt chẽ hơn với xã hội dân sự thông qua việc thành lập các nhóm tư vấn nội bộ và việc tạo ra nhiều kênh hợp tác hơn nữa với các cơ quan hữu trách của Việt Nam .      EU sẽ tiếp tục chú tâm quan sát tình trạng của những người tranh đấu bảo vệ nhân quyền và sẽ quyết liệt lên tiếng trong khuôn khổ giao tiếp với Việt Nam về các trường hợp cá nhân cũng như những lo ngại về quyền tự do ngôn luận.    Trân trọng   David Daly  ------------------  
......

Viện trưởng Viện Khổng Tử tại Mỹ thiệt mạng trong quá trình FBI điều tra

Cờ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) (Nguồn: FBI / Public Domain). Tiêu Nhiên - vietluan.com.au| Ngày 6/10 vừa qua, ông Viện trưởng Lưu Cường (Liu Qiang, Qiang “David” Liu) thuộc Viện Khổng Tử tại Đại học Webster ở Missouri bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét nơi ở, nhưng ngày hôm sau (7/10) thì thiệt mạng, đến ngày 9/10 nhà trường thông báo tin này và phía Trung Quốc xác nhận vào ngày 11/10. Những năm gần đây, Mỹ đã liên tục cho đóng cửa nhiều Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học Mỹ. Theo tờ St. Louis Post-Dispatch, phát ngôn viên của Đại học Webster cho biết, ngày 7/10 phía cảnh sát Mỹ đã thông báo cho trường Webster về việc phát hiện ông Lưu Cường – đại diện của Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh làm việc trong Viện Khổng Tử tại trường, bị chết tại nhà riêng. Nhưng thông tin không đề cập về nguyên nhân cái chết. Hiện cảnh sát chưa đưa ra bình luận về việc này. Hiện nay nhà trường đã xác nhận về thông tin ông Lưu Cường qua đời vào sáng ngày 7/10 và một đội chuyên án đã được thành lập. Một email từ cảnh sát Quận St. Louis cho biết vào ngày 6/10, cảnh sát và các nhân viên FBI đã tìm kiếm ông Lưu Cường tại nơi ở thuộc khu Webster Groves, vụ việc được cho là liên quan một vụ án xâm hại tình dục trẻ em.   Ông Lưu Cường là người của Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, tháng 1/2019 được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khổng Tử trú tại vào Đại học Webster.  Mỹ liệt kê Viện Khổng Tử vào nhóm “tổ chức ngoại giao” Theo thống kê từ Hiệp hội Học giả Quốc gia Mỹ (National Association of Scholars) tính đến ngày 30/6 năm nay: đối với các khóa học cấp đại học có 75 cơ sở được cho là thực thể hoạt động cho Viện Khổng Tử, đối với khóa học từ mẫu giáo đến lớp 12 có 500 cơ sở có hoạt động liên quan Viện Khổng Tử. Tại Mỹ kể từ năm 2014 đến nay đã có 41 Viện Khổng Tử bị đóng cửa. Ngoài ra có 4 Viện Khổng Tử ​​ dự kiến đóng cửa trong năm nay. Ngày 13/8, Chính phủ Mỹ đã thông báo xếp “Trung tâm Viện Khổng Tử Mỹ”, nơi quản lý các Viện Khổng Tử ở Mỹ, vào danh sách “cơ quan ngoại giao”. Giới bình luận có nhận định cho rằng động thái này như một cột mốc đánh dấu thực trạng tồi tệ trong quan hệ giữa Mỹ – Trung tăng thêm một bước, cũng là động thái mới của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn nguy cơ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Động thái này của Mỹ tương đương việc khẳng định hệ thống Viện Khổng Tử “thuộc quyền sở hữu hoặc chịu kiểm soát của chính phủ nước ngoài”, qua đó buộc hệ thống này chịu quản lý hành chính tương tự như hệ thống đại sứ quán và lãnh sự quán. Theo “Luật Tổ chức đại diện nước ngoài”(Foreign Missions Act), các tổ chức được liệt kê là “tổ chức đại diện ngoại giao nước ngoài” phải tuân theo các quy định tương tự như đối với các đại sứ quán và lãnh sự quán tại Mỹ, bao gồm cung cấp danh sách nhân viên và thay đổi nhân sự, đăng ký bất động sản sở hữu, và trước khi thuê hoặc mua bất động sản mới thì cần phải được phê duyệt. Pompeo: Trung Quốc gây ảnh hưởng trên quy mô lớn ở Mỹ   Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử thực sự là một công cụ tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu do ĐCSTQ tài trợ. Mục tiêu của Chính phủ Mỹ chỉ đơn giản nhằm đảm bảo rằng các nhà giáo dục trong nước có đủ thông tin để đưa ra các quyết định sáng suốt trong vấn đề có nên giữ các chương trình do ĐCSTQ tài trợ này hoạt động hay không. ĐCSTQ lợi dụng tính cởi mở của Mỹ để thực hiện các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng trên quy mô lớn với nguồn tài trợ dồi dào. Theo “Sách Xanh về Xây dựng Văn hóa Trung Quốc năm 2015: Báo cáo Phát triển Văn hóa Trung Quốc”, Viện Khổng Tử là một tổ chức phi lợi nhuận về ngôn ngữ và trao đổi văn hóa ở nước ngoài do “Ban Hán ngữ (Hanban) Quốc gia” của Trung Quốc thành lập, so với các cơ quan xúc tiến quốc tế lớn khác về ngôn ngữ và văn hóa thì tốc độ xây dựng của hệ thống này vừa nhanh chóng lại có được tầm ảnh hưởng rộng hơn nhiều. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 Viện Khổng Tử với 1193 lớp học Khổng Tử nằm trải khắp 154 nước của 5 châu lục. Số liệu thống kê cho thấy vào cuối năm 2018, Trung Quốc đã thành lập lần lượt 126, 182, 160 và 21 Viện Khổng Tử ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương; tương tự là số lớp học Khổng Tử ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương vào năm 2018 là 114, 41, 341, 595 và 102. So với năm 2017, tất cả dữ liệu đều có xu hướng tăng nhẹ. Một báo cáo liên quan được công bố vào năm 2019 cũng cho biết, thông qua các hình thức hoạt động ngày càng phong phú (tổ chức lớp học, giao lưu văn hóa…), hệ thống Viện Khổng tử của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò tích cực và đóng góp quan trọng vào việc mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Nhưng chính tầm ảnh hưởng ở nước ngoài này của văn hóa Trung Quốc đã gây ra những lo ngại và nghi ngờ ở nước ngoài. Cách hoạt động của Viện Khổng Tử Theo thông tin, năm 2018, Viện Hoover (Hoover Institution) và Hiệp hội Châu Á (Asia Society) tại Mỹ đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của Chính phủ và ĐCSTQ tại Mỹ,  theo đó tổ chức “Ban Hán ngữ” (Hanban) ở Bắc Kinh quản lý hệ thống Viện Khổng tử là tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục của ĐCSTQ và có liên quan chặt chẽ Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Cách thực hiện là Hanban cung cấp cho phía trường đại học Mỹ nguồn vốn hạt động ban đầu là 150.000 USD (đô la Mỹ), sau đó trung bình mỗi năm sẽ chi hỗ trợ 100.000 – 200.000 USD; đối với hệ thống trường trung học phổ thông thì nguồn vốn ban đầu được phía Trung Quốc chi hỗ trợ là 50.000 USD, sau đó là 15.000 USD mỗi năm. Cũng theo báo cáo này, “Rắc rối nhất là hai điều khoản trong hợp đồng giữa Hanban và tổ chức chủ quản của phía Mỹ: một là cấm các Viện Khổng Tử tham gia vào những hoạt động trái luật pháp Trung Quốc, hai là yêu cầu giữ bí mật hợp đồng ủy quyền, điều này làm cho cộng đồng học thuật khó khăn trong công tác giám sát”. Trong bản tổng kết điều tra, báo cáo cho biết nhận thấy các Viện Khổng Tử có giá trị tích cực trong việc cho sinh viên và cộng đồng tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc nên không phản đối họ, nhưng khuyến nghị các trường Đại học giám sát chặt chẽ hơn các Viện Khổng Tử cũng như áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn liên quan đến sự tự do học thuật và vấn đề minh bạch. Tiêu Nhiên    
......

Ngoại trưởng Mỹ lên án việc Trung Quốc, Nga, Cuba được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ

Hôm 13/10, trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì đã chấp chứa các chế độ độc tài. (Ảnh Brendan Smialowski/AFP) Nguyễn Văn Đài Nga, Cuba, Trung Quốc vào Hội Đồng Nhân Quyền: LHQ chọn những kẻ chuyên đốt nhà đi chữa cháy! Chuyện ngược đời trong quan hệ quốc tế. Dù không có một chính sách nào nhân đạo với người dân trong nước, một số chế độ phản dân chủ lại được chiếc ghế thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện Nga và nhất là Trung Quốc được tái đắc cử trong cuộc bầu phiếu hôm 13/10/2020 được hiểu là cho những kẻ chuyên đốt nhà đi chữa cháy. ***** Ngọc Trân|  Hôm 13/10, Trung Quốc, Nga và Cuba được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN HRC). Cùng ngày trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án UN HRC vì đã chấp chứa các chế độ độc tài. Hôm 13/10, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu lại 15 trong số 47 ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ cho nhiệm kỳ 3 năm tới. Nhiệm kỳ này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021. Sau khi 3 quốc gia trên được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ trích rằng, Mỹ đã nhiều lần thúc giục các nước thành viên trong LHQ tiến hành cải tổ Hội đồng Nhân quyền LHQ trước khi nó trở nên không thể vãn hồi, bởi vì các quy tắc lựa chọn thành viên của họ cho phép những quốc vi phạm nhân quyền trúng cử. Nhưng lời cảnh báo này không nhận được sự chú ý, vì vậy Hoa Kỳ phải rút lui và sẽ thúc đẩy nhân quyền toàn cầu theo cách riêng của mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ là một lực lượng chính nghĩa trên toàn thế giới, và điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Dưới đây là toàn văn bài tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Lý do là vì cách mà Hội đồng này phân biệt đối xử với Israel và các quy tắc thành viên mà nó đặt ra lại cho phép những người [đại diện của các quốc gia] vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới được bầu làm thành viên của Hội đồng.  Trước khi đưa ra quyết định này và sau khi chúng tôi rút khỏi (Hội đồng), Hoa Kỳ đã thúc giục các quốc gia thành viên trong LHQ đưa ra các hành động ngay lập tức để tiến hành cải tổ Hội đồng này trước khi nó không thể vãn hồi. Thật không may, những lời kêu gọi này đã không được chú ý tới. Hôm nay, Đại hội đồng LHQ một lần nữa lại bầu ra các quốc gia có hồ sơ nhân quyền khiến người ta căm ghét nhất, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba, còn Venezuela đã được bầu vào năm 2019. Cuộc bầu cử này một lần nữa chứng minh quyết định rút khỏi (Hội đồng Nhân quyền) của Hoa Kỳ và tận dụng các địa điểm, cơ hội khác để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới là đúng.  Ví dụ, vào tháng Chín năm nay, Hoa Kỳ đã tổ chức một hoạt động bên lề mang tính bước ngoặt trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trung tâm của hoạt động này là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ‘Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền’. Năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã tổ chức một sự kiện đáng nhớ về quyền tự do tôn giáo. Cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân quyền không chỉ là lời nói suông. Thông qua các hành động của Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Myanmar, Iran và những nơi khác. Cam kết của chúng tôi được nêu rất rõ trong “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” của Liên Hợp quốc, đồng thời nó cũng đã được kiểm chứng trong những hồ sơ hành động của chúng tôi. Hoa Kỳ là một lực lượng chính nghĩa trên thế giới và điều này sẽ không bao giờ thay đổi. Ngọc Trân  Theo Epoch Times tiếng Trung  
......

ACAT Đức Quốc cầu nguyện cho Đồng Tâm và lên tiếng cho nhà báo Phạm Đoan Trang

......

Hội Thảo “Căng Thẳng Trên Biển Đông: Nguy Cơ Trong Vùng và Hiểm Họa Toàn Cầu”

Hoàng Trường ghi “Tôi kêu gọi dân tộc Trung Quốc hãy lên tiếng, sát cánh với chúng tôi cho nền hoà bình thế giới bởi vì chúng ta có cùng chung một vận mệnh”. Đó là trích lời phát biểu đúc kết Buổi Hội Thảo “Căng Thẳng Trên Biển Đông” do Đảng Việt Tân tổ chức online vào ngày 5/10/2020 vừa qua. Trước tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng vì một đằng Trung Cộng tiếp tục phô trương sức mạnh quân sự song song với những tuyên bố có tính cách bất tuân luật lệ quốc tế, lấn át bắt nạt các quốc gia trong vùng, và đằng khác là thái độ rõ ràng và quyết liệt, không nhượng bộ của Hoa Kỳ cùng với sự hỗ trợ đồng tình của các quốc gia Tây Phương, buổi Hội Thảo được tổ chức nhằm soi sáng thêm về những nguyên nhân đưa đến tình trạng căng thẳng tại Biển Đông, sự căng thẳng này sẽ mang đến hiểm họa gì cho các quốc gia trong vùng và thế giới, và Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Việt Nam và thế giới cần có những biện pháp gì để ngăn chặn sự bành trướng, hung hãn của Trung Quốc trong thời gian tới. Buổi hội thảo có sự tham dự trực tiếp online của: – Dân biểu Chris Hayes, một thành viên của Quốc hội Úc, Trưởng ban đối lập và Phó Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền – Giáo sư Tường Vũ, Trưởng Khoa Khoa học Chính trị tại Đại học Oregon – Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ Tịch Đảng Việt Tân và qua băng video thu trước của Giáo sư Nakano Ari về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Daito Bunka. Buổi hội thảo đã diễn ra qua sự điều hợp của cô Bùi Duyên. GsTường Vũ nhận định là nguyên nhân của sự căng thẳng ở Biển Đông không phải là vì năng lượng hay thương mại và hàng hải mà là vì tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh và lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cũng phải nói đến sự xung đột giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku trên Biển Hoa Nam, cũng như việc Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan, coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc. Quan trọng nhất là tham vọng thách thức sự thống trị của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Vì vậy Trung Quốc có nhu cầu xây dựng một lực lượng hải quân và chiếm ưu thế hải quân hùng mạnh ở Biển Đông và Biển Hoa Nam. Gs Tường Vũ Trong khi đó, đối với Mỹ thì vấn đề là tự do hàng hải chứ không phải vì Biển Đông là tuyến đường thương mại trọng yếu, nhất là vì Mỹ đã có những cam kết với các nước đồng minh trong vùng như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Úc và Tân Tây Lan vì vậy cần phải duy trì sự hiện diện ở Biển Đông để có thể bảo vệ các đồng minh và lợi ích của họ. Gs Tường Vũ nhắc đến việc “xoay trục về Châu Á” của Tổng Thống Obama và củng cố liên minh với Úc, Ấn Độ, Nam Hàn, Nhật Bản, … và gần đây là việc gia tăng hỗ trợ cho Đài Loan và đang xây dựng một liên minh để chống lại “Mối đe dọa Trung Quốc”. Trả lời câu hỏi của người điều hợp là nước Úc không là một quốc gia trong vùng Biển Đông thì lý do gì đã có những tuyên bố cứng rắn đối với hành động của Trung Quốc, Dân biểu Chris Hayes cho biết nước Úc từ lâu đã có những tuyên bố như vậy. Nước Úc luôn muốn mở rộng giao dịch với tất cả các quốc gia trong vùng Biển Đông và đó cũng là mong muốn của các quốc gia này. Biển Đông chiếm 1/3 vận chuyển thương mại của thế giới và Úc luôn muốn là mọi người có thể đi lại tự do trong khu vực này. Nhắc lại phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực vào năm 2016 bác bỏ các quyền lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực, Ông không muốn thấy phán quyết quan trọng đó bị đi vào lãng quên và trở nên vô dụng. Ông Hayes cho rằng mọi việc cần phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế, và lo ngại về việc quân sự hoá nhanh chóng của Trung Quốc qua việc xây dựng các đường bay quân sự trên các đảo nhân tạo, cùng với tên lửa và các cơ sở phòng thủ, là một nguy cơ cho các nước trong vùng. Dân biểu Chris Hayes DB Hayes cho rằng chỉ có một lý do duy nhất để giải thích việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự với vận tốc cực kỳ nhanh chóng là chủ tâm vây chiếm Biển Đông, và khi mà các quốc gia vì bận tâm lo lắng về vấn đề quân sự mà sao nhãng việc không tuân thủ luật pháp quốc tế của Trung Quốc thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra mà hậu quả và nạn nhân sẽ là nhân quyền. Qua video, Gs Nakano Ari đưa ra 3 lý do về sự căng thẳng ở Biển Đông: Trước tiên là vị trí địa chính trị chiến lược của Biển Đông vì các tài nguyên khoáng sản thiết yếu đều được vận chuyển qua đường này. Đây cũng là vùng giàu tài nguyên khoáng sản và dầu khí cũng như hải sản. Việc hợp tác đa phương là điều tất yếu để bảo đảm cho việc qua lại an toàn cho các tàu bè, và không thể chấp nhận được việc bất kỳ một quốc gia nào dùng sức mạnh quân sự để đơn phương khống chế vùng biển này. Gs Nakano Ari Lý do thứ hai là Tập Cận Bình muốn dùng Biển Đông để củng cố quyền lực lãnh đạo của ông ta và để duy trì sự cân bằng quyền lực với Hoa Kỳ Trung Quốc chủ trương phải chiếm ưu thế quân sự tại Biển Đông. Lý do thứ ba là Trung Quốc muốn độc chiếm các nguồn tài nguyên trên Biển Đông để có nguồn lương thực giàu chất đạm cung cấp cho khối dân khổng lồ nên coi việc độc chiếm các nguồn đánh bắt hải sản là vô cùng quan trọng. Với tham vọng bá quyền Trung Quốc mở rộng các hoạt động quân sự tại Biển Hoa Đông chung quanh quần đảo Senkaku của Nhật Bản cũng như xây dựng các căn cứ quân sự để khống chế Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố những hoạt động nói trên là “vấn đề nội bộ” của Trung Quốc nhưng dư luận nói chung không ai chấp nhận lời giải thích này. Với tư cách là cường quốc thứ nhì trên thế giới Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng quan hệ với các quốc gia khác. Ông Đỗ Hoàng Điềm cho rằng cần xem xét sự căng thẳng trên Biển Đông trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là tham vọng thách thức Hoa Kỳ để trở thành siêu cường toàn cầu của Trung Quốc, và việc sử dụng Biển Đông làm bàn đạp là một cách. Điều đó có nghiã là phải đẩy Hoa Kỳ ra xa khỏi bờ biển Trung Quốc, và Bắc Kinh phải nắm quyền kiểm soát đối với an ninh và phúc lợi của các nước láng giềng. Phải kể đến việc Trung Quốc gia tăng ồ ạt sức mạnh quân sự như tàu chiến, tàu ngầm, tên lửa, …, Ngoài ra, thông qua Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường và Con Đường Tơ Lụa Kỹ Thuật Số Bắc Kinh muốn trở thành siêu cường không gian mạng. Và những điều này đã trở thành mối nguy cho sự ổn định của cả thế giới. Ông Đỗ Hoàng Điềm Ông Điềm cho rằng đã rõ ràng là Trung Quốc đang xem Biển Đông và Biển Hoa Đông là ao nhà của họ. Ông đồng ý với DB Hayes là không thể để cho Trung Quốc xem Biển Đông và Biển Hoa Đông là ao nhà. Theo Ông thì thực tế Trung Quốc không thể trở thành một siêu cường nếu bị bao vây bởi các đồng minh và căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng đã phần nào thành công trong việc xúi giục và ép buộc để làm suy yếu mối quan hệ giữa các đối tác an ninh và đồng minh của Hoa Kỳ. Mối nguy này cần phải được ASEAN và Bộ Tứ An Ninh (QSD) giải quyết. Trả lời câu hỏi là trước tình hình và mối đe dọa như đã thấy thì thế giới cần phải làm gì, các diễn giả đã nhận định như sau: Gs Nakano Ari cho tuy còn quá sớm để biết đường hướng của Tân Thủ Tướng Nhật Hiroshide Suga, tuy nhiên, nhiều phần là sẽ theo đường hướng trước giờ của cựu Thủ Tướng Shinzo Abe. Bà cho biết vào năm 2017 TT Abe đã đánh giá cao sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc và và mở rộng quan hệ nhờ vậy mà quan hệ giữa hai nước đã cải thiện vì có sự cộng sinh giữa nền kinh tế hai nước. Gần đây, vì vấn đề Hong Kong mà quan hệ hai nước bị khựng lại nhưng TT Suga đang tìm cách đối thoại lại với Trung Quốc. Về an ninh thì Nhật vẫn lấy trục liên minh Nhật – Mỹ làm căn bản, nhưng đồng thời cũng hành động linh hoạt để duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Về chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự Do và Mở Rộng thì Nhật hợp tác với Hoa Kỳ, Úc, ASEAN và Ấn Độ, trong đó Hoa Kỳ lo về an ninh và quân sự và Nhật Bản thì nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc tham gia vào sáng kiến phát triển toàn khu vực. Gs Tường Vũ cho rằng tìm ra giải pháp không phải là dễ dàng. Ông hy vọng là Trung Quốc hiểu ra các rủi ra và thay đổi cách hành xử. Tuy nhiên, cũng không nên quên là Trung Quốc cũng có những khó khăn nội tại mà họ cần phải giải quyết như tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, như đại dịch Covid-19, như chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, vấn đề Hong Kong, Tân Cương, …và có thể những vấn nạn này sẽ buộc Trung Quốc phải chậm lại, bớt hung hăng đối với bên ngoài. Phần Hoa Kỳ thì đã thành lập được nhiều liên minh nhưng nên để cho các đồng minh khác như Nhật, Úc và ASEAN đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy hoà bình trong khu vực, và thuyết phục Trung Quốc về nguy cơ chiến tranh với Hoa Kỳ. DB Hayes cho biết hiện nay quan hệ giữa Úc với Trung Quốc đang rất tệ, nhất là từ khi Úc đề nghị Trung Quốc cho tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 mà đã gặp phải phản ứng dữ dội từ Trung Quốc. Có 2 điều Úc đã làm rất tốt liên quan đến Biển Đông là mạnh mẽ tố cáo chính sách đối ngoại hung hăng của Trung Quốc, gọi đó là hành động phi pháp dựa vào phán quyết của Toà Trọng Tài Thường Trực năm 2016, coi quyền lịch sử của Trung Quốc là vô giá trị. Điều thứ hai là Úc đã xem lại các quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia trong vùng và xây dựng mối quan hệ lớn hơn với Hoa Kỳ. Vì Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Úc nên Úc đang ra soát lại vấn đề an ninh của các nguồn cung cấp để bảo đảm là chúng an toàn, không đe dọa chủ quyền của nước Úc, và cũng khuyến khích các nước bạn trong vùng làm như vậy. Ông Đỗ Hoàng Điềm cho rằng điều không may là chế độ cộng sản Viêt Nam vẫn tiếp tục giữ quan hệ gần gũi và thân thiết với Trung Quốc mặc dầu Bắc Kinh đã có một quá trình ức hiếp và xen vào nội tình Việt Nam trong một thời gian dài. Việt Nam là quốc gia phải chịu thiệt thòi nhiều nhất vì lối hành xử côn đồ và tuyên nhận chủ quyền trái phép trên Biển Đông của Bắc Kinh. Vì vậy mà người dân Việt Nam đã giận dữ và đòi chính quyền phải có hành động dứt khoát để đối phó với tình trạng này. Tuy thế, những ai biểu tình phản đối Bắc Kinh thì bị đàn áp và bỏ tù. Ông Điềm nói “Tôi kêu gọi đồng bào tôi, và đặc biệt là các đảng viên cộng sản quan tâm đến tiền đồ đất nước hãy đòi hỏi chính quyền thực hiện ít nhất 2 điều là 1/ Thách thức tuyên nhận trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông bằng cách đưa sự việc ra Toà Trọng Tài Thường Trực như Philippines đã làm năm 2016; và 2/ Hợp tác với các quốc gia dân chủ và các liên minh khác để đối phó với tham vọng thống trị toàn cầu của Bắc Kinh. Đây là lúc mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải chọn đúng bên để hợp tác vì sự an ninh và ổn định toàn cầu. Đừng ngây thơ để nghĩ rằng quý vị cũng có lợi nếu Bắc Kinh đạt được tham vọng. Ý muốn của người dân Việt Nam phải được diễn đạt rõ ràng bằng mọi phương tiện ôn hoà có thể được, trên mạng, qua văn bản, hay trên đường phố. Chúng ta không thể ngừng lên tiếng, ngừng đòi hỏi vì lợi ích và tương lai của đất nước, dân tộc đang bị đe dọa. Tổ chức Việt Tân của chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với người dân Việt Nam để gióng lên đòi hỏi và thúc đẩy hợp tác với nỗ lực quốc tế đối phó với Bắc Kinh. Cuối cùng, trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam dân tộc chúng tôi luôn muốn sống chung hoà bình với dân tộc Trung Quốc để cộng tác phát triển hỗ tương  và cho lợi ích chung. Tôi cho rằng chính tham vọng của chế độ cộng sản Trung Quốc là mối đe dọa hoà bình và ổn định thế giới và điều này có nghiã là đời sống hoà bình và thịnh vượng của người dân Trung Quốc cũng bị đe dọa. Do đó, tôi kêu gọi dân tộc Trung Quốc lên tiếng sát cánh với chúng tôi cho nền hoà bình thế giới bởi vì chúng ta cùng chung một vận mệnh trên trái đất này.” *** Đường dẫn để xem video buổi hội thảo: https://chantroimoimedia.com/2020/10/06/hoi-thao-cang-thang-tren-bien-dong-nguy-co-trong-vung-va-hiem-hoa-toan-cau/
......

Hơn 90 chính trị gia, tổ chức quốc tế và nhà hoạt động dân sự đòi công lý cho Đồng Tâm

Việt Tân Một lá thư chung lên tiếng đòi công lý cho Đồng Tâm đã được nhiều chính trị gia, tổ quốc quốc tế và giới hoạt động dân sự ký tên gởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. ------------ Ngày 8 tháng Mười, 2020 Nguyễn Xuân Phúc Thủ Tướng Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam 16 Lê Hồng Phong Ba Đình Hà Nội VIỆT NAM V/v: Phiên xử Đồng Tâm Kính gửi Thủ tướng, Chúng tôi viết thư này để bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng về phiên xử người dân Đồng Tâm từ ngày 7 đến ngày 14 tháng Chín năm 2020. Trước khi phiên xử bắt đầu, vào ngày 3 tháng Chín, 13 luật sư bào chữa có gửi thư yêu cầu chánh án hoãn phiên tòa và mở lại cuộc điều tra sự vụ. Lá thư dài 7 trang đã đưa ra những điểm không rõ ràng và mâu thuẫn trong hồ sơ điều tra. Trong suốt phiên xử, quyền hạn của các bị cáo, bao gồm luôn cả quyền hạn và đặc quyền của luật sư bào chữa, đã không được tôn trọng, theo Điều 14 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982. Sau đây là một số việc điển hình: • Luật sư bào chữa không được gặp thân chủ cho tới khi có bản cáo trạng, và sau đó chỉ được gặp với sự có mặt của quản giáo, vi phạm nguyên tắc riêng tư của luật sư và thân chủ. • Hồ sơ vụ án không được cung cấp cho luật sư bào chữa cho đến khi vài ngày trước phiên tòa, và chỉ được đưa khi Hiệp Hội Luật Sư Hà Nội can thiệp. • Luật sư bào chữa không được hội ý với thân chủ trong phiên tòa, chỉ trừ trong ngày thứ nhì của phiên xử. • Gia đình của các bị cáo không được cho vào dự phiên tòa • Phim gọi là “tài liệu” do Bộ Công An thực hiện được trình chiếu khi phiên tòa bắt đầu, nghiêng về việc chứng minh các bị cáo là có tội • 19 trong số 29 bị cáo bị tra tấn để buộc phải nhận tội. • Người của Công An hăm dọa và xách nhiễu một số luật sư bên trong và bên ngoài tòa án Hà Nội. • Tòa từ chối không cho một số nhân chứng vào tòa theo yêu cầu của các luật sư bào chữa. • Không có sự kiện tái dựng để soi sáng tình huống xoay quanh cái chết của cụ Lê Đình Kình và 3 nhân viên cảnh sát. • Ký giả độc lập người Việt và ký giả ngoại quốc không được tham dự phiên xử, vi phạm nguyên tắc cơ bản của tranh luận mở. Quyền tiếp cận luật sư và các biện pháp bảo vệ tư pháp hình sự đã được trân trọng ghi vào Nguyên Tắc Cơ Bản của Liên Hiệp Quốc về Vai Trò của Luật Sư. Các bị cáo với bản án nặng nề nhất (tử hình, tù chung thân, án tù dài hạn) đã quyết định kháng án. Với tất cả những điều sai trái quy tắc xảy ra, chúng tôi kêu gọi ông hãy tôn trọng quyền hạn của các bị cáo trước khi, trong khi, và sau khi việc kháng án diễn ra, tuân thủ theo Điều 14 của Công Ước và Nguyên Tắc Cơ Bản. Kết án con người tội tử hình trong những điều kiện thế này là điều không chấp nhận được, nhất là từ lần “rà soát định kỳ phổ quát” vừa rồi, nhiều quốc gia đã kêu gọi Việt Nam bãi bỏ án tử hình. Việc phát triển bền vững của một quốc gia không thể diễn ra khi thiếu một nền tư pháp công bằng, độc lập. Đồng ký tên, Danh sách cập nhật ngày 14.09.2020 Giới Chính Trị Gia: Bà Maria Arena, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Chủ Tịch Tiểu Ban Nhân Quyền, Bỉ Bà Frédérique Ries, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Bỉ Bà Saskia Bricmont, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Bỉ Hon. Judy A. Sgro, Dân biểu Quốc Hội, Chủ tịch Ủy ban Giao Thương Quốc Tế, Cựu Bộ Trưởng về Quốc Tịch & Di Trú, Canada Bà Anna Cavazzini, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Đức Quốc Ông Michael Gahler, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Đức Quốc Bà Jutta Paulus, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Đức Quốc Ông Ingo Röthlingshöfer, Thị trưởng Tp. Neustadt, Đức Quốc Bà Alviina Alametsä, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Phần Lan Bà Heidi Hautala, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Phần Lan Ông Ernest Urtasun, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Tây Ban Nha Ông Jean-Luc von Arx, Nghị viên Tp. Geneva, Thụy Sĩ Bà Delphine Bachmann, Dân biểu Nghị viện Geneva, Chủ tịch Đảng Christian-Democrat, Thụy Sĩ Bà Patricia Bidaux-Rodriguez, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Bà Claude Bocquet-Thonney, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Bà Natacha Buffet-Desfayes, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Bà Alia Chaker Mangeat, Luật sư, Nghị viên Tp. Geneva, Thụy Sĩ Ông Sébastien Desfayes, Dân biểu Nghị Viện Geneva, Thụy Sĩ Ông Jean-Marc Guinchard, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Ông Vincent Maître, Lut sư, Dân biểu Nghị viện Geneva, Nghị viên Bern, Thụy Sĩ Bà Christina Meissner, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Ông Souheil Sayegh, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Ông Alexandre de Senarclens, Dân biểu Nghị viện Geneva, Thụy Sĩ Ông Philippe Schwarm, Thị Trưởng thành phố Prégny-Chambésy, Thụy Sĩ Hon. Chris Hayes, Dân Biểu Quốc Hội Liên Bang, Phó Chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền, Úc Châu Hon. Julian Hill, Dân Biểu Quốc Hội Liên Bang, Phó chủ tịch Ủy Ban liên tịch Tài Khoản Công và Kiểm Toán, Úc Châu Hon. Luke Donnellan, Dân Biểu Tiểu Bang Victoria, Bộ Trưởng Bộ Bảo Vệ Trẻ Em, Người Già và Người Tàn Tật, Úc Châu TS Kiều Tiến Dũng, Dân Biểu Tiểu Bang Victoria, Úc Châu Ông Brando Benifei, Dân biểu Nghị Viện Châu Âu, Ý   Tổ Chức Quốc Tế: Bà Cécile Auriol, Thành viên Hội Đoàn Quản Trị ACAT Bỉ Quốc Bà Nathalie Seff, Giám đốc Điều hành, ACAT Pháp Ông Christoph Schürhaus, ACAT Đức Ông Dominique Joris, ACAT Thụy Sĩ Ông Matthew Bugher, Giám Đốc các Chương Trình Á Châu, ARTICLE 19 Ông Nguyễn Lê Hùng, Hội Bầu Bí Tương Thân Ông Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch, Hội Anh Em Dân Chủ Ông Jean-Marc Comte, Phó Chủ Tịch, Ủy Ban Thụy Si-Việt Nam (Cosunam) Bà Doreen Chen, Destination Justice Ông Nguyễn Văn Hải, Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do Bác sĩ Uta Kölle, German Doctors, Bieberach, Đức Quốc Bà Sara Brandt, Cố vấn Chính trị, Globalt Fokus Bà Sophie de Graaf, Giám đốc, Lawyers for Lawyers Bà Catherine Morris, Giám Đốc Điều Hành, Quan Sát Quyền Luật Sư Canada Ông Christophe Deloire, Tổng Thư Ký, Ký Giả Không Biên Giới Ông Peter Dahlin, Giám đốc, Safeguard Defenders Ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch, Đảng Việt Tân Ông Benjamin Ismaïl, Watchdogs Unleashed   Giới Hoạt Động Dân Sự: Đức Giáo Mục phó Otto Georgens, Giáo phận Speyer, Đức Quốc Đức Ông Peter Schappert, giáo phận Speyer, Germany Tiến sĩ Markus Leniger, Katholische Akademie Schwerte, Đức Quốc Linh mục Peter Bernd, Linh mục Chánh xứ, Baselland, Đức Quốc Quản hạt Alban Meißner, Ludwigshafen, Đức Quốc Giáo sư, Tiến sĩ Mathias Seifert, Hochschule Fresenius, Idstein, Đức Quốc Quản hạt Johannes Pioth, Giáo phận Speyer, Đức Quốc Ông Markus Herr, Phát ngôn nhân Giáo phận Speyer, Đức Quốc Tiến sĩ Thomas Fandel, Giáo phận Speyer, Đức Quốc Tiến sĩ Thomas Kiefer, Giáo phận Speyer, Đức Quốc Tiến Sĩ Stefan Breiter, Hội Đồng Giáo xứ Peter và Paul,  Witten/Wetter/Sprockhövel, Đức Quốc Tiến sĩ Christoph Götz, Tu viện Neustadt, Đức Quốc Giáo sư, Tiến sĩ Joachim Schmiedl, Vallendar, Đức Quốc Giáo sư, Bác sĩ Stefan Grüne, Bác sĩ trưởng, Neustadt, Đức Quốc Giáo sư, Tiến sĩ Gerd Morgenschweis, Essen, Đức Quốc Bác sĩ Helene Kamb, Đức Quốc Linh mục Jürgen Streuer, Münster, Đức Quốc Tiến sĩ Ingo Grabowsky, Đức Quốc Luật sư Hans Kamb, Đức Quốc Tiến sĩ Ansgar Hohmann, Đức Quốc Đức Ông, Tiến sĩ Christoph Kohl, Giáo Phận Speyer, Đức Quốc Bác sĩ Anke Schauer, Đức Quốc Bác sĩ Wolfgang Ortner, Đức Quốc Bác sĩ Christian Kämmerer, Đức Quốc Bác sĩ Alexander Hammer, Đức Quốc Tiến sĩ Walter Zwick, Speyer, Đức Quốc Tiến sĩ Wilhelm Dreyer, Speyer, Đức Quốc Tiến sĩ Joachim Sommer, Ludwigshafen, Đức Quốc Tiến sĩ Damian Bieger, Đức Quốc Bác sĩ Joachim Gehrmann, Dortmund, Đức Quốc Bác sĩ Dankwart Kölle, Biberach, Đức Quốc Ông Helmut Hofrichter, Luật Sư, Neustadt, Đức Quốc Bác sĩ tâm lý Katharina Hofrichter, Neustadt, Đức Quốc Bác sĩ Jörg Breitmaier, Ludwigshafen, Đức Quốc Ông Hartwig Witthöft, cựu hiệu trưởng, Neustadt, Đức Quốc Ông Ali Benouari, cựu Bộ trưởng Tài Chính tại Algeria, Thụy Sĩ Ông Michel Rossetti, cựu Thị trưởng Tp. Geneva, Thụy Sĩ Ông Marcel Monney, cựu Thị trưởng Tp. Grand-Saconnex, Thụy Sĩ Bà Elizabeth Boehler-Goodship, cựu Thị Trưởng Tp Grand-Saconnex, Thụy Sĩ Ông Bernard Favre, Thành viên Cosunam, Thụy Sĩ Bà Pascale Berry-Wavre, Thành viên Cosunam, Thụy Sĩ Ông Michel Goenczy, Viên chức cao cấp, Thụy Sĩ Ông Philippe Souaille, Ký giả, nhà làm phim, Thụy Sĩ Ông Bertrand Staempli, cựu Phát ngôn nhân phi trường Geneva, Thụy Sĩ Ông Pierre Martin-Achard, luật sư, Thụy Sĩ [1] Nguyên Tắc Cơ Bản của Liên Hiệp Quốc về Vai Trò của Luật Sư mô tả ngắn gọn các chuẩn mực quốc tế liên hệ đến các khía cạnh then chốt của quyền được có luật sư độc lập. Các Nguyên Tắc Cơ Bản đã được đồng thuận và chấp nhận bởi Hội Nghị LHQ lần thứ Tám về Ngăn Ngừa Tội Phạm và Đối Xử với Can Phạm tại Havana, Cuba vào ngày 7 tháng Chín, 1990. Theo sau đó, Đại Hội Đồng LHQ đã “hoan nghênh” các Nguyên Tắc Cơ Bản trong nghị quyết “Nhân quyền trong việc quản trị tư pháp”, được chấp nhận không phải bỏ phiếu vào ngày 18 tháng Mười Hai, 1990 ở cả hai phiên họp Ủy Ban lần thứ Ba và phiên họp khoáng đại của Đại Hội Đồng. Xin bấm vào đây để xem dạng PDF.
......

Các tổ chức quốc tế kêu gọi trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang

VNTB| Ngày 7/10/2020, truyền thông Nhà nước Việt Nam đưa tin Viện KSND TP.Hà Nội đã ra quyết định phê chuẩn quyết định của Cơ quan An ninh điều tra Công an TP.Hà Nội đối với bị can Phạm Thị Đoan Trang. Cơ quan An ninh Điều Tra thuộc Công an Hà Nội quyết định khởi tố bà Phạm Đoan Trang với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước Việt Nam’ theo điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999; và cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam’ theo điều 117 Bộ luật Hình sự VN năm 2015.   Ngay sau khi bà Phạm Đoan Trang bị bắt, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã ngay lập tức lên tiếng yêu cầu trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) sáng 7/10/2020 ra thông cáo lên án vụ bắt giữ mới nhất của chính quyền Việt Nam đối với nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang.  Ông Phil Robertson – Phó Giám đốc phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng chính phủ Việt Nam nên tôn trọng và lắng nghe những thông điệp về cải cách và yêu cầu sự tham gia của người dân vào việc quản trị đất nước. Ông Phil Robertson cho biết “Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên án mạnh mẽ việc Việt Nam bắt giữ Phạm Đoan Trang…”  và cho đây là việc “gây ô nhục cho chính phủ” cũng như  thể hiện “chính sách triệt tiêu đối với giới bất đồng chính kiến của Việt Nam.” Ông kêu gọi “các chính phủ trên khắp thế giới và Liên Hiệp Quốc phải ưu tiên trường hợp” này  …  đồng thời “yêu cầu trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện “ cho bà Phạm Đoan Trang. Cùng trong ngày 7-10-2020, Tổ chức Ân Xá Quốc tế (Amnesty International)  cũng ra thông cáo lên án việc bắt giữ bà Phạm Đoan Trang và kêu gọi trả tự do ngay và vô điều kiện trước nguy cơ sẽ bị “cơ quan chức năng tra tấn và đối xử bất công.” Tổ chức Ân Xá Quốc tế nhận định Phạm Đoan  Trang “là một khuôn mặt hàng đầu trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam” và rằng  “bà Trang đã truyền cảm hứng cho nhiều nhà hoạt động trẻ khác để lên tiếng cho một đất nước Việt Nam công bằng, trọn vẹn và tự do hơn.” Tổ chức Phóng viên không biên giới (Reporters Without Borders) kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho bà Phạm Đoan Trang người  đã được trao Giải thưởng RSF về hoạt động báo chí đặc biệt hiệu quả năm 2019. Ông Daniel Bastard, trưởng bộ phận Châu Á – Thái Bình Dương của RSF, cho biết: “Việc bà Phạm Đoan Trang bị bắt là giai đoạn mới nhất trong cuộc truy đuổi kéo dài sự đàn áp lớn nhất của  lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”. Ông Daniel Bastard cho rằng “Tội duy nhất của bà Trang  là đã cung cấp cho người dân Việt Nam  những thông tin độc lập và giúp họ thực hiện đầy đủ các quyền theo hiến pháp Việt Nam.” Người đứng đầu RSF ông Christian Mihr cũng đã tuyên bố  “Vụ bắt giữ Phạm Đoan Trang là ví dụ mới nhất về việc đàn áp những tiếng nói chỉ trích ở Việt Nam… Bà ấy phải được thả ngay lập tức“. Vụ bắt giữ bà Phạm Đoan Trang diễn ra chỉ vài giờ sau khi Việt Nam kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 24 với Mỹ. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc họp trực tuyến kéo dài ba giờ và thảo luận về  một loạt các vấn đề liên quan các  quyền như “tiến bộ tiếp tục và hợp tác song phương về pháp quyền, tự do ngôn luận và lập hội, tự do tôn giáo và quyền lao động”. Thông cáo này còn cho biết thêm rằng việc thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là một “trụ cột quan trọng” trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chính quyền Việt Nam đã thắt chặt an ninh và tăng cường đàn áp các nhà bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội, và các nhà bảo vệ nhân quyền trong bối cảnh Đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam  đang chuẩn bị cho Đại hội đảng  13, dự kiến ​​sẽ diễn ra vào đầu tháng Giêng  năm 2021. https://vietnamthoibao.org/vntb-cac-to-chuc-quoc-te-keu-goi-tra-tu-do-cho-ba-pham-doan-trang/ Tổ chức Phóng viên Không Biên giới yêu cầu trả tự do cho Phạm Đoan Trang - https://www.reporter-ohne-grenzen.de/pressemitteilungen/meldung/journalistin-und-rsf-preistraegerin-festgenommen?fbclid=IwAR0mV_BlsJ4szaf_0HU7FqNPjp71cR4_q1Ao-TmQ3m4Zr_cxk-rA3qVLLp4
......

Dân biểu Đức Renate Künast nhận bảo trợ cho TS Phạm Chí Dũng

VNTB| Dân biểu, nguyên bộ trưởng liên bang và chủ tịch Đảng Xanh, Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN nhận bảo trợ cho nhà báo Ts. Phạm Chí Dũng Ngày 07/10/2020, bà Renate Künast, dân biểu Quốc hội Liên Bang Đức, đã chính thức loan báo việc nhận bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do và Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), trong chương trình “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội. Luật sư Künast, sinh năm 1955, là dân biểu trong Quốc hội Liên Bang Đức từ nhiệm khóa 2002 đến nay. Bà từng là Bộ trưởng Liên bang về Bảo vệ Người tiêu thụ, Dinh dưỡng và Nông nghiệp (2001-2005), Chủ tịch  Uỷ Ban Tư pháp và Bảo vệ Người tiêu thụ (2014-2017), Dân biểu tiểu bang Berlin (1985-1987, 1989-2000), Chủ tịch  Khối dân biểu đảng Xanh tại Quốc hội tiểu bang Berlin (1990-1993, 1998-2000), Chủ tịch đảng Xanh Liên bang (2000-2001) và Chủ tịch  Khối dân biểu đảng Xanh tại Quốc hội Liên bang Đức (2005-2013). ——————————————————————————————- Bản dịch tiếng Việt của tổ chức VETO! Human Rights Defenders‘ Network (VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền)  Email: [email protected], Web: www.veto-network.org  ——————————————————————————————– Thông cáo báo chí của dân biểu Renate Künast Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN  v/v: Bảo trợ cho Tiến sĩ Phạm Chí Dũng trong Chương trình Dân biểu Bảo vệ cho Dân biểu của Đức (PsP) https://de-de.facebook.com/renate.kuenast/photos/a.452421454050/10158129903364051/?type=3&theater https://www.renate-kuenast.de/bundestag/internationales-1/dung-1/ (Link có thể bị lỗi chưa khắc phục được)  Ngày 07 tháng 10 năm 2020, lúc 12g09 Tiến sĩ Phạm Chí Dũng là Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN) và ông đã viết bài cho nhiều tổ chức truyền thông ở trong và ngoài Việt Nam. Mặc dù từng bị bắt giam và hăm dọa nhiều lần, ông vẫn kiên định dấn thân bảo vệ nhân quyền.  Trong những hoạt động cuối, Tiến sĩ Dũng nhiều lần và mạnh mẽ kêu gọi Nghị Viện Âu Châu không bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) nếu Việt Nam không trả tự do cho các tù nhân chính trị và không cải thiện tình trạng nhân quyền một cách cụ thể. Ngay sau đó, vào tháng 11 năm 2019, ông đã bị bắt với cáo buộc „Tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa“. Ông sẽ có thể phải chịu mức án đến 20 năm tù. Từ khi bị bắt đến nay ông đã không được tiếp xúc với gia đình và luật sư. Kể từ đó cũng đã có thêm ba thành viên lãnh đạo IJAVN khác bị bắt. Tôi rất vui khi Chương trình Dân biểu Bảo vệ cho Dân biểu (PsP) của Quốc hội Liên Bang Đức nhận đề nghị của tôi để bảo trợ cho ông. Tôi chân thành cám ơn tổ chức nhân quyền veto! đã nhiệt tình hỗ trợ tôi trong việc này. Tôi rất lo âu về tình trạng tự do quan điểm và tự do báo chí tại Việt Nam. Trường hợp của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng sẽ đại diện cho các cộng sự viên nam và nữ đang bị giam giữ của ông và cho nhiều nhà hoạt động nam và nữ khác hiện đang bị cầm tù. Là Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN tôi sẽ luôn tiếp cận với chính phủ Việt Nam để kêu gọi ngưng truy tố Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và ba thành viên IJAVN khác, và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện. *** Pressemitteilung zur Übernahme der Patenschaft für Dr. Phạm Chí Dũng im Rahmen des PsP-Programms durch Renate Künast Dr. Phạm Chí Dũng ist Vorsitzender der Vereinigung der Unabhängigen Journalisten in Vietnam (IJAVN) und schreibt als freier Journalist für Medien in Vietnam und außerhalb. Trotz zahlreicher Verhaftungs- und Einschüchterungsversuche hat er sich unerschütterlich für die Menschenrechte eingesetzt.   Zuletzt hatte Dr. Dũng das Europäische Parlament mehrmals und nachdrücklich dazu aufgerufen, das EU-Vietnam Freihandelsabkommen nicht ohne Freilassung von politischen Gefangenen und konkrete Verbesserung der Menschenrechtslage in Vietnam zuzustimmen. Kurz darauf wurde er im November 2019 aufgrund des Vorwurfes „Propaganda gegen den Sozialistischen Staat“ in Vietnam verhaftet. Ihm droht eine Freiheitsstrafe von bis zu 20 Jahren Haft. Seit seiner Verhaftung hatte er keinen Kontakt zu seiner Familie oder seinem Rechtsanwalt. Seither wurden auch drei weitere führende Mitglieder der IJAVN verhaftet. Ich freue mich, dass Dr. Phạm Chí Dũng auf meine Initiative in das Programm „Parlamentarier schützen Parlamentarier“ des Deutschen Bundestags aufgenommen wurde und ich diese Patenschaft für ihn übernehmen darf. Ich möchte ich mich herzlich für die rege Unterstützung durch die Menschenrechtsorganisation Veto! in diesem Fall bedanken. Der Zustand der Meinungs- und Pressefreiheit in Vietnam besorgt mich zutiefst. Der Fall von Dr. Phạm Chí Dũng  steht stellvertretend für seine inhaftierten Mitreiter*innen und weitere Aktivist*innen in Haft.  Als Vorsitzende der Parlamentariergruppe ASEAN werde ich mich immer wieder an die vietnamesische Regierung wenden und sie auffordern, das Verfahren gegen Dr. Phạm Chí Dũng und seine drei IJAVN Mitglieder einzustellen und sie unverzüglich und bedingungslos freizulassen. https://vietnamthoibao.org/vntb-dan-bieu-duc-renate-kunast-nhan-bao-tro-cho-ts-pham-chi-dung/
......

Berlin chuẩn bị loại Hoa Vi ra khỏi hệ thống 5G của Đức

Mai Vân - RFI Cho đến nay, Đức vẫn chưa công bố chính thức quyết định của nước này liên quan đến việc thiết lập mạng 5G. Quyết định của Berlin đang đặc biệt được Trung Quốc chờ đợi vì Đức từng là thị trường hải ngoại chủ chốt của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi. Theo nhật báo Anh Financial Times ngày 30/09/2020, trong những tuần lễ sắp tới đây, chính phủ Đức sẽ thông qua một đạo luật về an ninh tin học, quy định một loạt rào cản khó thể vượt qua đối với Hoa Vi. Theo các nghị sĩ Đức có biết về dự thảo luật, dự luật về an ninh trong lãnh vực công nghệ thông tin mà nội các của thủ tướng Angela Merkel dự định sẽ không hoàn toàn cấm cửa Hoa Vi nhưng sẽ tạo ra những trở ngại hành chính không thể vượt qua đối với công ty Trung Quốc. Động thái này của chính phủ Đức sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng quốc tế của tập đoàn Trung Quốc. Giống như Vương Quốc Anh, Đức là một trong những thị trường quan trọng của Hoa Vi để mở rộng ra bên ngoài lãnh thổ Hoa lục, và các hợp đồng với các đại công ty Đức như Vodafone và Deutsche Telekom đã giúp Hoa Vi trở thành nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Quy định chặt chẽ về “độ tin cậy” của nhà cung cấp Dự luật mới về công nghệ thông tin của Đức dự trù một quy trình phê duyệt hai giai đoạn đối với thiết bị viễn thông, bao gồm việc kiểm tra kỹ thuật các thành phần riêng lẻ kết hợp với đánh giá chính trị về "độ tin cậy" của nhà sản xuất. Ông Nils Schmid, phát ngôn viên về đối ngoại của đảng Dân Chủ Xã Hội Đức SPD, một đối tác trong chính phủ liên hiệp của bà Merkel, cho biết: “Nghị Viện Đức đòi hỏi các phương tiện pháp lý để có thể loại trừ các nhà cung cấp không đáng tin cậy như Hoa Vi ra khỏi quá trình xây dựng hệ thống 5G và luật mới này có thể cho phép điều đó”. SPD là đảng đã chủ trương một cách tiếp cận cứng rắn với Hoa Vi. Dự luật vẫn chưa được hoàn thiện và vẫn có thể có những thay đổi kỹ thuật, nhưng rõ ràng sẽ khiến Hoa Vi gần như không thể tham gia vào chương trình 5G của Đức. Một nghị sĩ đã tham gia các cuộc thảo luận về dự luật mới, không ngần ngại nêu câu hỏi "Làm thế nào Hoa Vi, một công ty có liên hệ khả nghi với nhà nước Trung Quốc, có thể vượt qua bài kiểm tra về độ tin cậy chính trị?". Theo nhân vật này: "Điều đó là không thể." Vai trò quan trọng của tình báo Đức Dự luật cũng dự kiến ​​một vai trò quan trọng đối với tình báo của Đức, vốn từ lâu đã rất hoài nghi về Hoa Vi. Thorsten Frei, một nghị sĩ thuộc CDU/CSU của bà Angela Merkel cho biết: “Theo hình thức hiện tại [dự luật] dự kiến ​​rằng khi có nghi ngờ về độ tin cậy của một công ty thì chính phủ có thể điều tra bằng cách sử dụng thông tin do các cơ quan tình báo cung cấp”. Đức tham gia vào nhóm ngày càng đông của các quốc gia đã áp đặt các hạn chế đối với Hoa Vi, mà các nhà quan sát cho rằng có thể bị Bắc Kinh sử dụng để hoạt động gián điệp hoặc phá hoại mạng. Washington đã nhiều lần viện dẫn luật buộc các công ty và công dân Trung Quốc phải hỗ trợ Nhà nước trong việc thu thập thông tin tình báo. Hoa Vi đã phủ nhận việc họ là công cụ của chính phủ Trung Quốc. Vào tháng 7, chính phủ Vương Quốc Anh đã cấm các nhà giao dịch mạng mua thiết bị 5G mới của Hoa Vi từ cuối năm nay, trong khi Pháp đã tạo ra các rào cản pháp lý được thiết kế để “gợi ý” cho các nhà khai thác viễn thông tránh sử dụng thiết bị của Hoa Vi. Trong thời gian gần đây, chính phủ Mỹ đã thúc ép các đồng minh ở châu Âu tẩy chay Hoa Vi. Năm ngoái, Mỹ cảnh báo họ sẽ giảm mức độ chia sẻ thông tin tình báo với Đức trừ phi Berlin chặn Hoa Vi. Một quan chức cấp cao của Đức cho biết: “Áp lực của Mỹ thật sự rất thô bạo”. Gần đây, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tranh thủ chuyến ghé Roma để cảnh báo chính phủ Ý rằng các công ty công nghệ Trung Quốc “có quan hệ với Đảng Cộng Sản Trung Quốc” là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ý và quyền riêng tư của công dân nước này. Thủ tướng Đức bị sức ép phải cứng rắn đối với Trung Quốc Bà Merkel đã chống lại áp lực của Hoa Kỳ trong việc áp đặt một lệnh cấm rõ ràng đối với công ty Trung Quốc. Vào đầu năm nay, bà đã khẳng định với nhật báo Anh Financial Times rằng việc “đơn thuần loại trừ ai đó” là sai. Thay vào đó, bà đã tìm cách thắt chặt các yêu cầu an ninh của đất nước đối với tất cả các nhà cung cấp thiết bị viễn thông và đa dạng hóa các nhà cung cấp. Nhưng bà đã phải đối mặt với sự phản đối từ trong chính đảng của mình, vốn đã yêu cầu một đường lối cứng rắn hơn đối với Hoa Vi - cũng như Đảng Dân Chủ Xã hội và Đảng Xanh trong phe đối lập. Hoa Vi từ chối bình luận về dự luật mới của Đức, nhấn mạnh rằng dự luật vẫn chưa được hoàn thiện, và nhắc lời biện minh cố hữu rang họ là một “công ty tư nhân thuần túy”, đang hợp tác với các cơ quan an ninh Đức, vì thế “không có lý do chính đáng nào để hạn chế quyền tiếp cận thị trường [Đức] của họ”. Deutsche Telekom và Telefónica, hai trong số các nhà khai thác di động lớn nhất của Đức, từ chối bình luận. Vodafone cho biết họ sẽ “tiếp tục theo dõi tình hình và sẽ luôn tuân thủ các quy định”. Cả ba công ty đều đã sử dụng thiết bị Hoa Vi cho mạng di động và mạng cố định của họ và điều đó đã tiếp tục với 5G. Tuy nhiên, ngay cả trước khi dự luật mới được hoàn thiện, các công ty trên đã bắt đầu rời bỏ việc sử dụng thiết bị Hoa Vi trong phần "cốt lõi" của mạng 5G trên đất Đức./.  
......

Quy trình cấp phép cho vắc-xin của công ty Biontech ở Mainz (Đức) bắt đầu.

Phan Ba|   Ứng cử viên vắc-xin ngừa cúm Tàu do công ty Biontech có trụ sở tại Mainz phát triển đang bước vào quy trình phê duyệt. Cơ quan Dược phẩm Châu Âu EMA sẽ kiểm tra hoạt chất BNT162b2 trong một quy trình được gọi là xem xét cuốn chiếu (Rolling Review), Biontech và công ty dược phẩm Pfizer hỗ trợ phát triển, cho hay. Trong quy trình này, dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng liên tục được gửi về và đánh giá. Biontech là công ty Đức đầu tiên và cùng với AstraZeneca, là công ty thứ hai ở châu Âu được EMA chấp thuận cho quy trình này.   Hồi tháng 4, Biontech là công ty Đức đầu tiên nhận được sự chấp thuận của Viện Paul Ehrlich cho một nghiên cứu lâm sàng giai đoạn I / II. Trong giai đoạn này, tính an toàn và khả năng dung nạp của vắc-xin được đánh giá. Dữ liệu sơ bộ cho thấy hoạt chất này được dung nạp tốt và chỉ có tác dụng phụ nhẹ đến trung bình. Các đối tượng thử nghiệm đã tạo ra kháng thể và có các phản ứng miễn dịch theo đúng sự mong muốn. Ủy ban có thẩm quyền của EMA hiện đã bắt đầu kiểm tra những dữ liệu này.   Vắc xin hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn II / III. Trong giai đoạn này, hiệu quả được xét nghiệm thêm và liều lượng thích hợp được xác định. Cho đến nay, 37.000 người tham gia đã được đưa vào nghiên cứu, 28.000 người đã được tiêm liều vắc xin thứ hai, theo thông báo. Có hơn 120 trung tâm nghiên cứu trên toàn thế giới tham gia, bao gồm cả ở Mỹ, Brazil, Nam Phi và Argentina. "Quy trình nộp hồ sơ cuốn chiếu" nhằm đẩy nhanh quá trình phê duyệt vắc-xin. Nếu đủ dữ liệu đã được gửi và được đánh giá bởi ủy ban EMA có trách nhiệm, có thể nộp đơn xin chấp thuận cho mang ra thị trường. Ủy ban Châu Âu sẽ đưa ra sự chấp thuận cho điều này.   Hoạt chất do Biontech phát triển thuộc nhóm vắc-xin dựa trên gen - nó được gọi là vắc-xin RNA. Nó chứa thông tin di truyền về mầm bệnh. Trong cơ thể, một loại protein của virus được tạo ra từ đó, chính xác hơn là protein bề mặt mà virus nhờ nó để xâm nhập vào tế bào. Mục đích của việc tiêm phòng là để kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại loại protein này. Nếu có kháng thể, chúng sẽ ngăn chặn virus trước khi chúng xâm nhập vào tế bào và nhân lên. Ngoài ra, thành phần hoạt tính sẽ kích hoạt các vũ khí phòng thủ khác của hệ thống miễn dịch.   *****   Nghiên cứu của hãng bảo hiểm Allianz: Đại dịch cúm Tàu mang lại rủi ro mới cho các công ty bảo hiểm   Theo Allianz, đại dịch cúm Tàu có ảnh hưởng lâu dài đến các công ty bảo hiểm. Trong sáu tháng đầu tiên của cuộc khủng hoảng cúm Tàu, các thiệt hại về tài sản và trách nhiệm đền bù đã giảm trong một số lĩnh vực kinh doanh của khách hàng doanh nghiệp vì có ít tai nạn hơn. Mặt khác, nguy cơ bị hacker tấn công tăng lên khi nhiều nhân viên truy cập vào mạng công ty từ nơi làm việc ở tại nhà được bảo mật tương đối kém. Ngược lại, bảo hiểm hàng không đã giảm mạnh hơn một nửa thiệt hại: Do giao thông hàng không phần lớn bị đình trệ vào mùa xuân, nên không chỉ có ít thiệt hại hơn đối với máy bay và sân bay mà cũng có ít tai nạn liên quan đến hành khách tại sân bay và trên máy bay hơn.   Làm việc di động có thể đồng nghĩa với việc rủi ro sẽ khác đi đối với người sử dụng lao động và các công ty bảo hiểm, ngay cả khi không có sự tấn công của hacker, ví dụ như khi nhân viên gặp tai nạn trong khi làm việc tại gia. Các chuyên gia của Allianz không tin rằng các công ty trên toàn cầu sẽ đưa lực lượng lao động trở lại văn phòng của họ với tốc độ sớm hơn.   Bang Baden-Württemberg tăng mức cảnh báo   Trước tình hình gia tăng số ca nhiễm, bang Baden-Württemberg tuyên bố mức thứ hai trong cuộc chiến chống đại dịch lần đầu tiên sẽ bắt đầu có hiệu lực. Mức thứ hai trong ba mức bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ hơn các biện pháp chống dịch, kêu gọi người dân tuân thủ và khởi động các phòng khám cúm Tàu ngoại trú và các trung tâm xét nghiệm. Người phát ngôn cho biết nguyên nhân là do tỷ lệ lây nhiễm hiện nay trong nước.   Theo thông tin từ các cơ quan y tế và xã hội ở Hamburg, trung bình có 15 người tiếp xúc gần được xác định cho mỗi người mới nhiễm bệnh. Viện Robert Koch phân chia việc tiếp xúc với người mắc bệnh ra thành nhiều mức khác nhau. Theo đó, nguy cơ lây nhiễm sẽ cao hơn nếu cá nhân có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh trong ít nhất 15 phút.   Hiện nay, có khoảng 29.600 người ở Đức đang bị nhiễm virus Vũ Hán. Tính đến trưa ngày thứ Hai hôm qua, có 447 bệnh nhân trong số này hiện đang được chăm sóc đặc biệt, tăng 23 người so với ngày hôm trước. 210 người hiện đang được thở máy.   Số ca nhiễm mới được ghi nhận ở Đức đã vượt ngưỡng 2.600 lần thứ hai trong vòng vài ngày. Các cơ quan y tế đã báo cáo 2.639 ca nhiễm mới trong vòng một ngày, theo như Viện Robert Koch (RKI) công bố. Con số này chỉ thấp hơn một chút so với sáng thứ Sáu, khi giá trị cao nhất kể từ nửa cuối tháng 4 được báo cáo với 2.673 ca nhiễm mới trong vòng một ngày.      
......

Giải Nobel Y Khoa 2020, "Phát hiện ra virus viêm gan C"

India Education Diary Bureau Admin|   Giải Nobel Y Khoa năm nay được trao cho 3 nhà khoa học có đóng góp quyết định trong cuộc chiến chống lại bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây xơ gan và ung thư gan ở người dân trên thế giới. Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M. Rice đã có những khám phá tinh tế dẫn đến việc xác định một loại virus mới, virus viêm gan C. Trước công trình nghiên cứu của họ, việc phát hiện ra virus Viêm gan A và B đã là những bước tiến quan trọng, nhưng phần lớn các trường hợp viêm gan lây truyền qua đường máu vẫn không giải thích được. Việc phát hiện ra virus viêm gan C đã tiết lộ nguyên nhân của những trường hợp viêm gan mãn tính còn lại và có thể làm các xét nghiệm máu và các loại thuốc mới đã cứu sống hàng triệu người. Năm 1976, Harvey J. Alter làm việc tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ đang nghiên cứu về sự xuất hiện của bệnh viêm gan ở những bệnh nhân được truyền máu. Mặc dù các xét nghiệm máu tìm virus viêm gan B mới được phát hiện đã làm giảm số trường hợp mắc bệnh viêm gan do truyền máu, nhưng Alter và các đồng nghiệp đã chứng minh một cách đáng lo ngại rằng một số lượng lớn các trường hợp vẫn còn. Các xét nghiệm về nhiễm virus Viêm gan A cũng được phát triển vào khoảng thời gian này, và rõ ràng là Viêm gan A không phải là nguyên nhân của những trường hợp không rõ nguyên nhân này. Một nguồn đáng lo ngại là một số lượng đáng kể những người được truyền máu đã phát triển bệnh viêm gan mãn tính do một tác nhân truyền nhiễm không xác định. Alter và các đồng nghiệp của ông đã chỉ ra máu từ những bệnh nhân viêm gan này có thể truyền bệnh cho tinh tinh, vật chủ nhạy cảm duy nhất ngoài con người. Các nghiên cứu sau đó cũng chứng minh tác nhân lây nhiễm chưa được biết đến có các đặc điểm của virus. Theo cách này, các cuộc điều tra có phương pháp của Alter đã xác định được một dạng viêm gan virus mãn tính mới, khác biệt. Căn bệnh bí ẩn được gọi là viêm gan “không phải A, không phải B”. Việc xác định loại virus mới hiện là một ưu tiên hàng đầu. Tất cả các kỹ thuật truyền thống để săn virus đều được đưa vào sử dụng nhưng bất thành, virus đã lẩn tránh sự cô lập trong hơn một thập kỷ. Michael Houghton, làm việc cho hãng dược phẩm Chiron, đã đảm nhận công việc gian khổ và cần thiết để phân lập trình tự di truyền của virus. Houghton và các đồng nghiệp của ông đã tạo ra một bộ sưu tập các đoạn DNA từ các acid nucleic có trong máu của một con tinh tinh bị nhiễm bệnh. Phần lớn những mảnh vỡ này đến từ bộ gen của chính tinh tinh, nhưng các nhà nghiên cứu dự đoán rằng một số có thể có nguồn gốc từ loại virus chưa được biết đến. Với giả định rằng các kháng thể chống lại virus sẽ có trong máu được lấy từ bệnh nhân viêm gan, các nhà điều tra đã sử dụng huyết thanh của bệnh nhân để xác định các đoạn DNA virus được nhân bản mã hóa protein virus. Sau khi tìm kiếm toàn diện, một bản sao tích cực đã được tìm thấy. Các nghiên cứu sâu hơn cho thấy bản sao này có nguồn gốc từ một loại virus RNA mới thuộc Họ Flavivirus và nó được đặt tên là virus Viêm gan C. Sự hiện diện của các kháng thể ở bệnh nhân viêm gan mãn tính liên quan mạnh mẽ đến virus này là tác nhân bị thiếu. Các nghiên cứu phương pháp về bệnh viêm gan do truyền máu của Harvey J. Alter đã chứng minh rằng một loại virus không xác định là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm gan mãn tính. Michael Houghton đã sử dụng một chiến lược chưa được thử nghiệm để phân lập bộ gen của loại virus mới được đặt tên là virus viêm gan C. Charles M. Rice đã cung cấp bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus Viêm gan C có thể gây ra bệnh viêm gan. Việc phát hiện ra virus viêm gan C có ý nghĩa quyết định. Nhưng một phần cơ bản của hỏi là liệu virus có thể gây ra bệnh viêm gan? Để trả lời câu hỏi này, các nhà khoa học đã phải điều tra xem liệu virus nhân bản có thể nhân bản và gây bệnh hay không. Charles M. Rice, một nhà nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis, cùng với các nhóm khác làm việc với virus RNA, đã ghi nhận một vùng chưa được xác định trước đây ở cuối bộ gen virus viêm gan C mà họ nghi ngờ có thể quan trọng đối với sự nhân lên của virus. Rice cũng quan sát các biến thể di truyền trong các mẫu virus cô lập và đưa ra giả thuyết rằng một số trong số chúng có thể cản trở sự nhân lên của virus. Thông qua kỹ thuật di truyền, Rice đã tạo ra một biến thể RNA của virus viêm gan C bao gồm vùng mới được xác định của bộ gen virus và không có các biến thể di truyền bất hoạt. Khi RNA này được tiêm vào gan của tinh tinh, virus đã được phát hiện trong máu và những thay đổi bệnh lý giống như những gì đã thấy ở người mắc bệnh mãn tính. Đây là bằng chứng cuối cùng cho thấy chỉ riêng virus viêm gan C có thể gây ra các trường hợp viêm gan qua trung gian truyền máu không giải thích được. Khám phá của họ cho phép phát triển nhanh chóng của các loại thuốc kháng virus nhắm vào bệnh viêm gan C. Lần đầu tiên trong lịch sử, căn bệnh này hiện có thể được chữa khỏi, làm dấy lên hy vọng loại bỏ virus viêm gan C khỏi dân số thế giới. Để đạt được mục tiêu này, cần có những nỗ lực quốc tế tạo điều kiện thuận lợi cho việc xét nghiệm máu và sản xuất thuốc kháng virus trên toàn cầu. Nguồn: https://indiaeducationdiary.in/nobelprize-in-medicine-awar…/  
......

Pages