Liên Minh Âu Châu quan tâm về Biển Đông và nhân quyền VN

Cơ Quan Phụ Trách  Đối Ngoại Liên Minh Âu Châu
 
Trưởng nhóm                         ASIAPAC – Á Châu và Thái Bình Dương
                                               ASIAPAC.3 – Đơn vị Đông Nam Á 
 
 
 
Brüssel , ngày 12 tháng 10 năm 2020 
ASIAPAC.3/ARES(2020) 5548105 
 
 
Kính thưa bà Bác Sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm,  
 
Chúng tôi cảm ơn bà về lá thư ngày 12 tháng 7 năm 2020 thay mặt 68 tổ chức của cộng đồng người Việt hải ngoại mà trong đó bà đã nêu lên hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà Chủ Tịch Ủy Ban Liên Âu (Ursula von der Leyen) yêu cầu tôi nhân danh bà ấy trả lời bà. 
 
Liên minh châu Âu đã nhiều lần tuyên bố rằng hành động đơn phương ở Biển Đông đang làm leo thang căng thẳng và làm xấu đi an ninh hàng hải khu vực, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển hòa bình của khu vực. Trong tình hình hiện tại được đánh dấu bởi đại dịch COVID-19 khiến điều này càng có ý nghĩa nhiều hơn nữa. 
 
Liên minh châu Âu luôn dấn thân vì hòa bình và an ninh ở châu Á, bao gồm cả Biển Đông, cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và khẩn thiết kêu gọi tất cả các bên trong khu vực thực hiện kiềm chế và giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 
 
Chúng tôi lưu ý đến cuộc trưng cầu dân ý và những lo ngại của bà về quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Về vấn đề này, Liên minh Châu Âu cam kết bảo đảm rằng các quyền con người, bao gồm quyền tự do ngôn luận, phải được tôn trọng trên toàn thế giới và đặc biệt là ở Việt Nam. Điều này được thực hiện chẳng những thông qua sự hỗ trợ cụ thể các cá nhân đang tranh đấu bảo vệ nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ, mà còn thông qua việc thiết lập một cuộc đối thoại cởi mở và trực tiếp với các giới hữu trách tại Việt Nam. 
 
Hiệp định thương mại tự do có thể sẽ là công cụ bổ sung cho chúng tôi để theo dõi sự hợp tác chặt chẽ hơn với Việt Nam và nhắm vào sự tiến bộ hơn nữa trong lĩnh vực nhân quyền, đặt nặng trọng tâm vào quyền lao động, minh bạch hơn và mang tính cách pháp quyền, vào sự tương tác chặt chẽ hơn với xã hội dân sự thông qua việc thành lập các nhóm tư vấn nội bộ và việc tạo ra nhiều kênh hợp tác hơn nữa với các cơ quan hữu trách của Việt Nam . 
 
 
EU sẽ tiếp tục chú tâm quan sát tình trạng của những người tranh đấu bảo vệ nhân quyền và sẽ quyết liệt lên tiếng trong khuôn khổ giao tiếp với Việt Nam về các trường hợp cá nhân cũng như những lo ngại về quyền tự do ngôn luận. 
 
Trân trọng  
David Daly 
------------------