Viện trưởng Viện Khổng Tử tại Mỹ thiệt mạng trong quá trình FBI điều tra

Cờ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) (Nguồn: FBI / Public Domain).

Tiêu Nhiên - vietluan.com.au|

Ngày 6/10 vừa qua, ông Viện trưởng Lưu Cường (Liu Qiang, Qiang “David” Liu) thuộc Viện Khổng Tử tại Đại học Webster ở Missouri bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) khám xét nơi ở, nhưng ngày hôm sau (7/10) thì thiệt mạng, đến ngày 9/10 nhà trường thông báo tin này và phía Trung Quốc xác nhận vào ngày 11/10. Những năm gần đây, Mỹ đã liên tục cho đóng cửa nhiều Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học Mỹ.

Theo tờ St. Louis Post-Dispatch, phát ngôn viên của Đại học Webster cho biết, ngày 7/10 phía cảnh sát Mỹ đã thông báo cho trường Webster về việc phát hiện ông Lưu Cường – đại diện của Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh làm việc trong Viện Khổng Tử tại trường, bị chết tại nhà riêng. Nhưng thông tin không đề cập về nguyên nhân cái chết. Hiện cảnh sát chưa đưa ra bình luận về việc này.

Hiện nay nhà trường đã xác nhận về thông tin ông Lưu Cường qua đời vào sáng ngày 7/10 và một đội chuyên án đã được thành lập. Một email từ cảnh sát Quận St. Louis cho biết vào ngày 6/10, cảnh sát và các nhân viên FBI đã tìm kiếm ông Lưu Cường tại nơi ở thuộc khu Webster Groves, vụ việc được cho là liên quan một vụ án xâm hại tình dục trẻ em.  

Ông Lưu Cường là người của Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh, tháng 1/2019 được bổ nhiệm Viện trưởng Viện Khổng Tử trú tại vào Đại học Webster. 

Mỹ liệt kê Viện Khổng Tử vào nhóm “tổ chức ngoại giao”

Theo thống kê từ Hiệp hội Học giả Quốc gia Mỹ (National Association of Scholars) tính đến ngày 30/6 năm nay: đối với các khóa học cấp đại học có 75 cơ sở được cho là thực thể hoạt động cho Viện Khổng Tử, đối với khóa học từ mẫu giáo đến lớp 12 có 500 cơ sở có hoạt động liên quan Viện Khổng Tử. Tại Mỹ kể từ năm 2014 đến nay đã có 41 Viện Khổng Tử bị đóng cửa. Ngoài ra có 4 Viện Khổng Tử ​​ dự kiến đóng cửa trong năm nay.

Ngày 13/8, Chính phủ Mỹ đã thông báo xếp “Trung tâm Viện Khổng Tử Mỹ”, nơi quản lý các Viện Khổng Tử ở Mỹ, vào danh sách “cơ quan ngoại giao”. Giới bình luận có nhận định cho rằng động thái này như một cột mốc đánh dấu thực trạng tồi tệ trong quan hệ giữa Mỹ – Trung tăng thêm một bước, cũng là động thái mới của chính quyền Trump nhằm ngăn chặn nguy cơ từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Động thái này của Mỹ tương đương việc khẳng định hệ thống Viện Khổng Tử “thuộc quyền sở hữu hoặc chịu kiểm soát của chính phủ nước ngoài”, qua đó buộc hệ thống này chịu quản lý hành chính tương tự như hệ thống đại sứ quán và lãnh sự quán. Theo “Luật Tổ chức đại diện nước ngoài”(Foreign Missions Act), các tổ chức được liệt kê là “tổ chức đại diện ngoại giao nước ngoài” phải tuân theo các quy định tương tự như đối với các đại sứ quán và lãnh sự quán tại Mỹ, bao gồm cung cấp danh sách nhân viên và thay đổi nhân sự, đăng ký bất động sản sở hữu, và trước khi thuê hoặc mua bất động sản mới thì cần phải được phê duyệt.

Pompeo: Trung Quốc gây ảnh hưởng trên quy mô lớn ở Mỹ
 

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra rằng Viện Khổng Tử thực sự là một công cụ tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu do ĐCSTQ tài trợ. Mục tiêu của Chính phủ Mỹ chỉ đơn giản nhằm đảm bảo rằng các nhà giáo dục trong nước có đủ thông tin để đưa ra các quyết định sáng suốt trong vấn đề có nên giữ các chương trình do ĐCSTQ tài trợ này hoạt động hay không. ĐCSTQ lợi dụng tính cởi mở của Mỹ để thực hiện các hoạt động tuyên truyền và gây ảnh hưởng trên quy mô lớn với nguồn tài trợ dồi dào.

Theo “Sách Xanh về Xây dựng Văn hóa Trung Quốc năm 2015: Báo cáo Phát triển Văn hóa Trung Quốc”, Viện Khổng Tử là một tổ chức phi lợi nhuận về ngôn ngữ và trao đổi văn hóa ở nước ngoài do “Ban Hán ngữ (Hanban) Quốc gia” của Trung Quốc thành lập, so với các cơ quan xúc tiến quốc tế lớn khác về ngôn ngữ và văn hóa thì tốc độ xây dựng của hệ thống này vừa nhanh chóng lại có được tầm ảnh hưởng rộng hơn nhiều. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tính đến cuối năm 2018, Trung Quốc đã thành lập 548 Viện Khổng Tử với 1193 lớp học Khổng Tử nằm trải khắp 154 nước của 5 châu lục. Số liệu thống kê cho thấy vào cuối năm 2018, Trung Quốc đã thành lập lần lượt 126, 182, 160 và 21 Viện Khổng Tử ở Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương; tương tự là số lớp học Khổng Tử ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Đại Dương vào năm 2018 là 114, 41, 341, 595 và 102. So với năm 2017, tất cả dữ liệu đều có xu hướng tăng nhẹ.

Một báo cáo liên quan được công bố vào năm 2019 cũng cho biết, thông qua các hình thức hoạt động ngày càng phong phú (tổ chức lớp học, giao lưu văn hóa…), hệ thống Viện Khổng tử của Trung Quốc ngày càng đóng vai trò tích cực và đóng góp quan trọng vào việc mở rộng ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc ra nước ngoài. Nhưng chính tầm ảnh hưởng ở nước ngoài này của văn hóa Trung Quốc đã gây ra những lo ngại và nghi ngờ ở nước ngoài.

Cách hoạt động của Viện Khổng Tử

Theo thông tin, năm 2018, Viện Hoover (Hoover Institution) và Hiệp hội Châu Á (Asia Society) tại Mỹ đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của Chính phủ và ĐCSTQ tại Mỹ,  theo đó tổ chức “Ban Hán ngữ” (Hanban) ở Bắc Kinh quản lý hệ thống Viện Khổng tử là tổ chức trực thuộc Bộ Giáo dục của ĐCSTQ và có liên quan chặt chẽ Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Cách thực hiện là Hanban cung cấp cho phía trường đại học Mỹ nguồn vốn hạt động ban đầu là 150.000 USD (đô la Mỹ), sau đó trung bình mỗi năm sẽ chi hỗ trợ 100.000 – 200.000 USD; đối với hệ thống trường trung học phổ thông thì nguồn vốn ban đầu được phía Trung Quốc chi hỗ trợ là 50.000 USD, sau đó là 15.000 USD mỗi năm.

Cũng theo báo cáo này, “Rắc rối nhất là hai điều khoản trong hợp đồng giữa Hanban và tổ chức chủ quản của phía Mỹ: một là cấm các Viện Khổng Tử tham gia vào những hoạt động trái luật pháp Trung Quốc, hai là yêu cầu giữ bí mật hợp đồng ủy quyền, điều này làm cho cộng đồng học thuật khó khăn trong công tác giám sát”. Trong bản tổng kết điều tra, báo cáo cho biết nhận thấy các Viện Khổng Tử có giá trị tích cực trong việc cho sinh viên và cộng đồng tiếp xúc với ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc nên không phản đối họ, nhưng khuyến nghị các trường Đại học giám sát chặt chẽ hơn các Viện Khổng Tử cũng như áp dụng các tiêu chuẩn cao hơn liên quan đến sự tự do học thuật và vấn đề minh bạch.

Tiêu Nhiên