Hôm 13/10, trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vì đã chấp chứa các chế độ độc tài. (Ảnh Brendan Smialowski/AFP)
Nga, Cuba, Trung Quốc vào Hội Đồng Nhân Quyền: LHQ chọn những kẻ chuyên đốt nhà đi chữa cháy!
Chuyện ngược đời trong quan hệ quốc tế. Dù không có một chính sách nào nhân đạo với người dân trong nước, một số chế độ phản dân chủ lại được chiếc ghế thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện Nga và nhất là Trung Quốc được tái đắc cử trong cuộc bầu phiếu hôm 13/10/2020 được hiểu là cho những kẻ chuyên đốt nhà đi chữa cháy.
*****
Ngọc Trân|
Hôm 13/10, Trung Quốc, Nga và Cuba được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UN HRC). Cùng ngày trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên án UN HRC vì đã chấp chứa các chế độ độc tài.
Hôm 13/10, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu lại 15 trong số 47 ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ cho nhiệm kỳ 3 năm tới. Nhiệm kỳ này sẽ bắt đầu từ ngày 1/1/2021.
Sau khi 3 quốc gia trên được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã chỉ trích rằng, Mỹ đã nhiều lần thúc giục các nước thành viên trong LHQ tiến hành cải tổ Hội đồng Nhân quyền LHQ trước khi nó trở nên không thể vãn hồi, bởi vì các quy tắc lựa chọn thành viên của họ cho phép những quốc vi phạm nhân quyền trúng cử. Nhưng lời cảnh báo này không nhận được sự chú ý, vì vậy Hoa Kỳ phải rút lui và sẽ thúc đẩy nhân quyền toàn cầu theo cách riêng của mình. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ là một lực lượng chính nghĩa trên toàn thế giới, và điều này sẽ không bao giờ thay đổi.
Dưới đây là toàn văn bài tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo:
Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Hoa Kỳ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Lý do là vì cách mà Hội đồng này phân biệt đối xử với Israel và các quy tắc thành viên mà nó đặt ra lại cho phép những người [đại diện của các quốc gia] vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trên thế giới được bầu làm thành viên của Hội đồng.
Trước khi đưa ra quyết định này và sau khi chúng tôi rút khỏi (Hội đồng), Hoa Kỳ đã thúc giục các quốc gia thành viên trong LHQ đưa ra các hành động ngay lập tức để tiến hành cải tổ Hội đồng này trước khi nó không thể vãn hồi. Thật không may, những lời kêu gọi này đã không được chú ý tới. Hôm nay, Đại hội đồng LHQ một lần nữa lại bầu ra các quốc gia có hồ sơ nhân quyền khiến người ta căm ghét nhất, bao gồm Trung Quốc, Nga và Cuba, còn Venezuela đã được bầu vào năm 2019.
Cuộc bầu cử này một lần nữa chứng minh quyết định rút khỏi (Hội đồng Nhân quyền) của Hoa Kỳ và tận dụng các địa điểm, cơ hội khác để bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn thế giới là đúng.
Ví dụ, vào tháng Chín năm nay, Hoa Kỳ đã tổ chức một hoạt động bên lề mang tính bước ngoặt trong thời gian diễn ra Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trung tâm của hoạt động này là nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì ‘Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền’. Năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã tổ chức một sự kiện đáng nhớ về quyền tự do tôn giáo.
Cam kết của Hoa Kỳ đối với nhân quyền không chỉ là lời nói suông. Thông qua các hành động của Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Myanmar, Iran và những nơi khác. Cam kết của chúng tôi được nêu rất rõ trong “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” của Liên Hợp quốc, đồng thời nó cũng đã được kiểm chứng trong những hồ sơ hành động của chúng tôi. Hoa Kỳ là một lực lượng chính nghĩa trên thế giới và điều này sẽ không bao giờ thay đổi.
Ngọc Trân