Nếu không có gì quá bất thường xảy ra, Joe Biden sẽ tiếp quản Nhà Trắng kể từ ngày 20/1 tới.
Nhiều tờ báo đang gợi ý, và các nhóm dân sự đang kêu gọi cho một cuộc chiến pháp lý dài hơi với công dân Donald Trump ngay sau khi người đàn ông này rời khỏi tòa Bạch Ốc.
Trong bốn năm cầm quyền không ngắn cũng không dài của mình, ông Trump đã sống sót qua được một cuộc luận tội trước Quốc hội (impeachment) và 26 cáo buộc dân sự, hình sự lớn nhỏ. Nhưng đó là thời điểm ông này còn là nguyên thủ quốc gia và những cáo buộc liên quan đến ông thường bị xem là mang bản chất phân cực chính trị. Nay, một khi Trump rời nhiệm sở, những người mà ông gây thù chuốc oán trước đây, dù là cùng đảng phái hay khác đảng phái, chắc chắn sẽ có “vài lời muốn nói” với vị cựu tổng thống gây tranh cãi này.
Đây có lẽ là thời điểm thích hợp nhất để chúng ta tìm hiểu xem liệu quyền lợi pháp lý – chính trị của cựu tổng thống Hoa Kỳ bao gồm những gì.
1. Được mật vụ bảo vệ trọn đời
Được hệ thống mật vụ Hoa Kỳ (U.S Secret Service) bảo vệ có thể nói là một trong những quyền lợi đầu tiên của các cựu tổng thống Hoa Kỳ chúng ta cần nhắc đến.
Trước năm 1958, chính phủ liên bang Hoa Kỳ không cung cấp bất kỳ lợi ích chính trị hay dịch vụ bảo vệ nào dành cho các cựu tổng thống của mình. Tuy nhiên, với vai trò ngày càng tăng cao của Hoa Kỳ trên khắp thế giới, việc nắm giữ ghế tổng thống trở thành một trong những nghề nguy hiểm nhất bởi họ buộc phải đưa ra những quyết định gây thù chuốc oán khắp thế giới. Để bảo vệ phẩm giá và sự tôn nghiêm của tổng thống chế, cũng như giúp các tổng thống Hoa Kỳ không còn phải lo lắng về an nguy của bản thân và gia đình, Đạo luật Cựu Tổng thống Hoa Kỳ (Former President Act) hình thành với quyền lợi quan trọng nhất là cơ chế bảo vệ 24/7 của mật vụ liên bang cho đến trọn đời.
Vào năm 1994, trong thời kỳ của Tổng thống Bill Clinton, đạo luật này bị sửa đổi khá lớn khi giới hạn thời gian một cựu tổng thống được bảo vệ chỉ còn 10 năm. Cựu tổng thống G. W. Bush (Bush cha) và phu nhân là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng của sự thay đổi này. Tuy nhiên, vào năm 2013, với sự ủng hộ của cả hai viện, Tổng thống Barack Obama ký thông qua Đạo luật Bảo vệ Cựu Tổng thống Hoa Kỳ (Former President Protection Act), theo đó, quy chế bảo vệ trọn đời cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ được phục hồi.
Mật vụ bảo vệ tổng thống Mỹ. Ảnh: Medium/Homeland Security.
Phạm vi bảo vệ được quy định trong đạo luật cũng khá rộng. Mật vụ liên bang sẽ có trách nhiệm bảo vệ cựu tổng thống, vợ/chồng của cựu tổng thống và tất cả các con dưới 16 tuổi. Vợ/chồng của cựu tổng thống có khả năng được bảo vệ trọn đời trừ khi một trong hai sự kiện diễn ra: hai vợ chồng của gia đình cựu tổng thống ly dị; hoặc cựu tổng thống mất, và người còn lại tái hôn.
Mặt khác, phó tổng thống, vợ/chồng và các con dưới 16 tuổi của người này sẽ được bảo vệ tối đa sáu tháng sau khi rời nhiệm sở.
Như vậy, nếu không còn bất ngờ gì khác, Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng vào tháng 01 năm 2021 và nhận được sự bảo hộ ngay lập tức của mật vụ liên bang Hoa Kỳ. Vợ ông – Melania Trump – cũng sẽ nhận được sự bảo hộ này trọn đời. Riêng các con của Trump đều đã thành niên nên không còn trong diện nói trên, trừ Barron Trump – năm nay mới 14 tuổi.
Tính luôn cả Trump và gia đình ông, mật vụ Hoa Kỳ đang bảo vệ tổng cộng bốn gia đình cựu Tổng Thống bao gồm Jimmy Carter và Rosalynn Carter, William J. Clinton và Hillary Clinton, Barack Obama và Michelle Obama.
2. Lương hưu, văn phòng và các phí tổn khác
Lương thưởng, chính sách y tế và các chi phí hỗ trợ cựu Tổng Thống cũng là một trong số các biện pháp mà chính quyền liên bang Hoa Kỳ dùng để bảo đảm đời sống của các cựu tổng thống và hình ảnh chung của tổng thống chế. Chúng cũng nhằm hỗ trợ các cựu Tổng Thống trong công tác quan hệ công chúng, những lời mời phát biểu và diễn văn công cộng, đi theo đó là những nhiệm vụ chính trị – vận động khác.
Khoản chi này được tính vào ngân sách của Cơ quan Dịch vụ công Hoa Kỳ (General Services Administration – GSA), bao gồm cả lương cho trợ lý riêng, chi phí hoạt động của văn phòng cựu tổng thống, chi phí di chuyển và cả đặc quyền thư tín.
Đối với lương hưu, mức chi hiện nay là vào tầm 200.000 Mỹ kim (khoảng 4,7 tỷ đồng VND) mỗi năm đối với mỗi cựu Tổng Thống. Đây là một con số đáng kể.
Ví dụ, trong năm 2017, cựu Tổng thống Jimmy Carter và George H. W. Bush (lúc này ông còn sống) nhận được 210.000 Mỹ kim, trong khi William Clinton và George W. Bush nhận gần 220.000 Mỹ kim. Trong năm 2018, tiền lương hưu của ông Obama ở mức 208.000 Mỹ kim.
Tổng chi phí tham khảo mà chính phủ liên bang dành cho các cựu tổng thống Hoa Kỳ trong năm 2017. Nguồn: National Taxpayers Union Foundation.
Một trong những khoản chi đáng kể khác dành cho các cựu Tổng Thống là chi phí thành lập và duy trì văn phòng cựu Tổng Thống (The Office of former President). Đây có thể được xem là cơ quan giúp việc chủ yếu cho các cựu Tổng Thống sau khi về hưu, và cũng sẽ được duy trì trọn đời. Theo đó, GSA sẽ phân bổ tiền mặt để giúp cho mỗi cựu Tổng Thống có một “không gian văn phòng hợp lý, được xây dựng, bày trí và có những trang thiết bị phù hợp cho công việc”, tại một địa điểm do vị cựu tổng thống tự chọn. Trong các đời cựu tổng thống còn tiếp tục nhận được hỗ trợ từ liên bang, chi phí vận hành văn phòng cựu tổng thống là khoản chi chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Ngoại trừ cựu Tổng thống Harry Truman, cho đến hiện nay, chưa đời cựu tổng thống nào công khai việc họ gặp khó khăn về tài chính. Ngược lại, hầu hết các đời Tổng Thống Hoa Kỳ đều có thể kiếm hàng triệu Mỹ kim mỗi năm nhờ vào việc viết sách, nhận các lời mời diễn thuyết, giao lưu hay giảng dạy.
Đơn cử trường hợp của cựu Tổng Thống Clinton, ông kiếm được 89 triệu Mỹ kim chỉ từ những bài diễn thuyết và phát biểu cá nhân trong 10 năm sau khi mãn nhiệm năm 2001. Và điều tương tự cũng có thể nói về George W. Bush, dù ông này kín tiếng hơn.
Barack Obama là một người cực kỳ nổi tiếng và giành được nhiều thiện cảm trong giới trẻ và giới doanh nghiệp, nhưng hiện nay ông dường như hạn chế tham gia các hoạt động có trả phí, chủ yếu vì những chỉ trích nhắm tới gia đình Clinton, cho rằng họ đang “vắt sữa” danh nghĩa cựu Tổng Thống của mình. Tuy nhiên, Obama cũng đã chính thức chấp thuận việc xây dựng thư viện của mình tại Chicago, và chuẩn bị xuất bản quyển hồi ký riêng của mình trong nay mai.
Trong trường hợp của ông Trump, một văn phòng cựu tổng thống, một thư viện và một vài quyển hồi ký tổng thống… là có thể dự đoán trước.
Quyền miễn trừ và các vấn đề tư pháp liên quan
Hoa Kỳ là một quốc gia được xây dựng dựa trên nền tảng pháp quyền. Điều này có nghĩa là pháp luật có hiệu lực áp dụng đối với mọi cá nhân, và không ai có thể vượt trên nó. Việc không xét xử theo pháp luật bất kỳ ai – kể cả đương kiêmTổng Thống Hoa Kỳ – cũng sẽ làm xói mòn niềm tin của người dân vào các định chế nhà nước và gây hại nghiêm trọng đến tính chính trực của toàn bộ hệ thống tư pháp. Về mặt lý thuyết, do đó, mộtTổng Thống đương nhiệm (và đương nhiên là cựu Tổng Thống) sẽ không được hưởng bất kỳ quyền miễn trừ hình sự nào theo pháp luật Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Tổng Thống Hoa Kỳ được hưởng quyền miễn trừ tuyệt đối đối với các trách nhiệm dân sự liên quan đến trách nhiệm, chính sách và quyết định của mình đưa ra trong khoản thời gian người này còn nắm giữ nhiệm sở. Nguyên tắc pháp lý được ghi nhận gần đây nhất trong án lệ Nixon v. Fitzgerald (1982).
Lý giải cho việc này, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cho rằng vì tầm quan trọng đặc biệt của vai trò Tổng Thống cùng với hàng trăm quyết định mà một Tổng Thống phải đưa ra hằng ngày, việc chuyển hướng năng lượng và năng lực của văn phòng Tổng Thống vào những khiếu kiện dân sự có thể diễn ra hiện tại hay trong tương lai sẽ làm vô hiệu hóa hiệu quả hoạt động của chính quyền.
Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng sẽ có sự khác biệt giữa hành vi mang danh nghĩa Tổng Thống (official conduct) và những hành vi không mang danh nghĩa Tổng Thống (unofficial conduct). Pháp viện có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề này.
Trong án lệ lớn khác là Clinton v. Jones, Paula Corbin Jones là một nhân viên công quyền của Arkansas và bà cáo buộc rằng bà nhận được những gợi ý tình dục khiếm nhã từ Clinton trong suốt thời gian ông này còn là Thống đốc Arkansas. Khi liên tục bị từ chối, Clinton được cho là đã tác động lên thủ trưởng của bà và dẫn đến các hệ lụy không mong muốn trong công việc của bà.
Trong vụ việc này, Tối cao Pháp viện cho rằng toàn bộ hành vi diễn ra trong quá trình ông Clinton chưa trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ, và vì vậy, không thể được xem là các hoạt động nằm trong phạm vi mang danh nghĩa Tổng Thống (official conduct).
Quan trọng hơn, Pháp viện nhắc thêm rằng, nguyên tắc tam quyền phân lập không bắt buộc các tòa án tiểu bang phải chờ cho đến sau khi ông, bà này rời nhiệm sở rồi mới được xét xử các vụ kiện dân sự.
Tổng thống Donald Trump có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vụ án hình sự lẫn dân sự sau khi rời nhiệm sở. Ảnh: Reuters.
Hệ thống nguyên tắc pháp lý này cho đến nay, vừa là tin tốt, vừa là tin xấu đối với ông Donald Trump.
Một là, không phải ai cũng lôi ông ra khởi kiện được. Ông vẫn còn quyền miễn trừ tuyệt đối đối với trách nhiệm dân sự liên quan đến các quyết định của ông trong thời gian còn nắm giữ Bạch Ốc.
Nhưng tin xấu, là bởi vì các án lệ của Tối cao Pháp viện không mở rộng quyền miễn trừ tuyệt đối này đối với những hành vi trước khi ông nhận nhiệm sở. Và lại càng không có khái niệm miễn trừ đối với các tội danh hình sự, nếu hệ thống tư pháp New York tiếp tục đẩy mạnh việc khởi tố các tội danh hình sự liên quan đến cáo buộc trốn thuế hay lừa đảo của Donald Trump.
***
Nhưng tấn công tư pháp một Tổng Thống sau khi họ rời nhiệm sở có phải là một bước đi đúng đắn? Cây bút Paul Rosenzweig của The Atlantic cho rằng không.
Nguy hại đáng gờm nhất của việc tấn công các cựu Tổng Thống cũng là thứ dễ nhận thấy nhất: Một vòng xoáy leo thang không có hồi dứt của trừng phạt và trả đũa.
Chúng ta có thể tưởng tượng ra một vị Tổng Thống đương nhiệm khi thất cử sẽ chống đối thế nào khi bị yêu cầu rời nhiệm sở trong hòa bình, đặc biệt khi ông này biết rằng mình có thể sẽ phải đối mặt với búa rìu và những cuộc chiến tư pháp không bao giờ có hồi kết.
Hay chúng ta cũng có thể tưởng tượng ra một vị Tổng Thống đắc cử sẽ dùng quyền lực tư pháp của cơ quan công tố để đánh phá, chứ chưa đến nói trừng phạt, những người mà họ có bất đồng quan điểm.
Đây là lý do cựu Tổng Chưởng lý dưới thời Obama, Eric Holder, rất quan ngại khi những lời kêu gọi tấn công và khởi tố Donald Trump hậu nhiệm kỳ ngày càng có sức nặng. “Nếu bạn cho rằng những diễn ngôn bỏ tù Hillary – ‘Lock her up’ – là không phù hợp; bạn cần nhìn nhận tương tự như vậy khi nói về Donald Trump”.
Đó cũng là lý do, trong khủng hoảng và các tranh cãi chính trị thập niên 1970, Ford đã dùng quyền lực Tổng Thống của mình để đặc xá mọi cáo buộc có thể nhắm đến Tổng thống Nixon. Theo nhiều sử gia, việc Ford hy sinh danh tiếng của mình để kéo Nixon khỏi vũng bùn chính trị là việc làm đúng cho cả nước Mỹ. Đó là cách duy nhất có thể giúp Hoa Kỳ bỏ qua mọi khác biệt, về chiến tranh Việt Nam, về kinh tế trì trệ, và các vấn nạn xã hội của thập niên 1970… để có thể cùng nhau tiến bước.
Song thế hệ ngày nay có chọn phương án này hay không lại là một vấn đề rất khác.