Đại Kỷ Nguyên, The Epoch Times và Pháp Luân Công: Về một đế chế truyền thông

Hiền Minh

Từ năm 2016, tờ báo được Pháp Luân Công bảo trợ này đã tạo ra một đế chế truyền thông “bài Trung – phò Trump” bằng những thủ thuật Facebook hung hãn và những thông tin hữu khuynh sai lệch.

Dịch từ bài viết How The Epoch Times Created a Giant Influence Machine, đăng trên The New York Times ngày 24/10/2020. Bài viết này quan trọng vì The Epoch Times liên quan trực tiếp đến trang tin Đại Kỷ Nguyên thu hút một số lượng lớn độc giả Việt Nam. Luật Khoa trân trọng giới thiệu bản dịch toàn văn của bài viết này. Tựa đề do Luật Khoa đặt.

The Epoch Times (大紀元, Đại Kỷ Nguyên) trong nhiều năm là một tờ báo nhỏ có thiên hướng chống Trung Quốc được phát không trên những góc phố ở New York. Epoch Times vẫn hoạt động với kinh phí hạn hẹp cho đến năm 2016 và 2017, khi những sự thay đổi biến tờ báo trở thành một trong những đơn vị xuất bản quyền lực nhất nước Mỹ.

Những thay đổi này cũng tạo đà cho tờ báo, vốn có liên quan đến phong trào tín ngưỡng khá bí ẩn Pháp Luân Công, trở thành nguồn phát tán thông tin chính trị sai lệch hữu khuynh hàng đầu.

Đầu tiên, tờ báo này rất thân thiện với Tổng thống Donald Trump, xem ông như một đồng minh trong trận chiến chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Pháp Luân Công bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, và những người tập luyện môn phái này phải chịu đàn áp từ khi đó. Phong cách đưa tin tương đối nghiêm túc về chính trị Mỹ của tờ báo thuở đầu dần trở nên thiên lệch hơn, với nhiều bài viết ủng hộ ông Trump và chỉ trích các đối thủ của ông.

Cùng thời gian này, The Epoch Times đặt cược lớn vào một thiết chế quyền lực khác của nước Mỹ: Facebook. Tờ báo và các trang thành viên của nó áp dụng một chính sách mới bao gồm việc tạo ra hàng loạt trang Facebook, phủ đầy lên đó các video vui tươi và các sản phẩm ăn khách (viral), sau đó sử dụng các trang này như kênh bán tài khoản thành viên, đồng thời làm tăng truy cập ngược về trang báo mẹ.

Trong một lá thư gửi nhân viên Epoch Times vào tháng 4/2017 do The New York Times thu thập, lãnh đạo tờ báo này hình dung chiến lược của Facebook có thể giúp đưa The Epoch Times trở thành “đơn vị truyền thông lớn nhất và quyền lực nhất thế giới. Nó cũng có thể giới thiệu giáo huấn của Pháp Luân Công đến hàng triệu người, hoàn thiện sứ mệnh “cứu rỗi sinh linh”.

Hiện tại, The Epoch Times và các trang thành viên là một thế lực truyền thông cánh hữu, với hàng chục triệu người theo dõi trên mạng xã hội trên hàng chục trang mạng và một lượng khán giả tương đương với The Daily Caller và Breitbait News (hai trang tin hữu khuynh nổi tiếng), và với một sự sẵn sàng cũng tương đương để làm thoả mãn cơn khát của nhóm cực hữu.

Tờ báo cũng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn trong nhóm thân cận với Donald Trump. Cả vị tổng thống và gia đình đều đã từng chia sẻ bài viết của The Epoch Times trên mạng xã hội, và viên chức của chính quyền Trump đã từng trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ báo này. Vào tháng Tám, một phóng viên của The Epoch Times đã đặt câu hỏi tại một buổi họp báo tại Nhà Trắng.

Đó là một thành tựu của môn phái Pháp Luân Công, vốn chật vật để xác lập hình ảnh chân chính của môn phái, nhằm đối trọng lại mô tả của chính quyền Bắc Kinh về họ như một “giáo phái ma quỷ”. Một điểm khó phân định ở đây là những nguồn tin về việc chính quyền Trung Quốc đàn áp họ đôi lúc rất khó để có thể chứng thực, đôi lúc lại có dấu hiệu cường điệu. Năm 2006, một phóng viên của Epoch Times khi tham dự chuyến thăm Nhà Trắng của Chủ tịch Trung Quốc đã hét lên rằng “những kẻ tà ác sẽ chết sớm.”

Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia hàng đầu của Trump và đồng thời là cựu chủ tịch của Breitbart, nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng Bảy rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của Epoch Times khiến ông ấn tượng.

“Họ sẽ trở thành một tờ báo bảo thủ (conservative) hàng đầu trong vòng hai năm tới. Tờ báo này có tham vọng, có độc giả, và sẽ trở thành một thế lực đáng kể”, ông Bannon nói. Ông này đã bị bắt vì tội lừa đảo vào tháng Tám.

The Epoch Times và các thành viên của nó đã lớn mạnh một phần nhờ vào các thủ thuật mạng xã hội khá mờ ám, truyền đi những thuyết âm mưu nguy hiểm và xem thường kết nối của họ với Pháp Luân Công. Đó là kết luận điều tra của The New York Times. Các phóng viên của The Times đã phỏng vấn hơn mười cựu nhân viên Epoch Times, cũng như tiếp cận các tài liệu nội bộ và hồ sơ thuế của tổ chức. Nhiều người trong số này trả lời ẩn danh vì họ e ngại bị trả đũa, hoặc vì vẫn có gia đình trong môn phái.

Việc gắn chặt mình vào ông Trump và Facebook đã khiến cho The Epoch Times trở thành một cỗ máy quyền lực phe phái (partisan powerhouse). Nhưng nó cũng tạo nên một cỗ máy lan truyền thông tin thất thiệt trên phạm vi toàn cầu, liên tục bơm những luận điệu sai lệch vào truyền thông dòng chính.

Tờ báo này trở thành một trong những kênh truyền bá nổi bật nhất của “Spygate”, một thuyết âm mưu vô căn cứ bao gồm những cáo buộc chính quyền Tổng thống Obama theo dõi chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 một cách phi pháp. Các bài viết và chương trình có liên quan đến The Epoch Times đã quảng bá thuyết âm mưu QAnon và truyền đi những cáo buộc sai lệch về sai phạm bầu cử và phong trào Black Lives Matter. Gần đây hơn, họ đã tích cực truyền bá rằng virus corona – được tờ này gọi bằng tên “Virus Đảng Cộng sản Trung Quốc” (CCP Virus) – là do một phòng thí nghiệm quân đội Trung Hoa tạo ra để làm vũ khí sinh học.

Tờ Epoch Times tuyên bố rằng mình độc lập và phi đảng phái, đồng thời phản đối ý kiến cho rằng nó có liên đới chính thức với Pháp Luân Công.

Giống như Pháp Luân Công, tờ báo có mặt ở hơn mười quốc gia này có cấu trúc phân tán và vận hành dưới dạng các cụm đơn vị thành viên theo vùng, mỗi đơn vị giống như một tổ chức phi lợi nhuận riêng biệt. Tổ chức này cực kỳ kín tiếng. Các biên tập viên của The Epoch Times từ chối nhiều lời mời phỏng vấn; một phóng viên đến thăm trụ sở của tờ báo ở Manhattan mà không thông báo trước đã phải nhận cảnh cáo từ luật sư, mới trong năm nay.

Đại diện phát ngôn của Li Hongzhi (Lý Hồng Chí), lãnh đạo của Pháp Luân Công, từ chối đưa ra bình luận khi được hỏi. Các cư dân tại Dragon Springs, tổ hợp ở ngoại ô New York được xem như là trụ sở tinh thần của Pháp Luân Công, cũng không trả lời phóng viên The New York Times.


Dragon Springs, “thủ đô” của Pháp Luân Công ở Otisville, New York. Ảnh: Julie Jaconson/AP.

Nhiều nhân viên và người luyện tập Pháp Luân Công liên lạc với The Times để báo tin rằng họ được định hướng để giữ kín những chi tiết về công việc nội bộ của tờ báo. Theo những nguồn tin này, họ được truyền đạt rằng nói lời tiêu cực về The Epoch Times thì cũng tương đương với việc bất tuân đối với ông Lý, người được gọi là “Sư phụ” trong môn phái.

The Epoch Times chỉ trả lời một vài câu hỏi trong một danh sách dài được gửi đến phòng truyền thông của họ, và từ chối trả lời những câu hỏi về tài chính và chiến lược của toà soạn. Trong một bức email không có chữ ký, tờ báo cáo buộc The New York Times về hành vi “phỉ báng và hạ thấp một đối thủ cạnh tranh”, đồng thời, việc cho rằng tờ báo có liên đới với Pháp Luân Công là một dạng doạ nạt tinh vi đối với tôn giáo, nếu không nói là thiên kiến (subtle form of religious intimidation if not bigotry).

“The Epoch Times không e ngại và sẽ không chịu im lặng”, tờ báo bổ sung, “đồng thời sẽ có những quyết định pháp lý để đáp lại những lời sai trái và thiếu chính xác trong các câu hỏi mà The New York Times gửi đến”.

Làm rõ sự thật về Đảng Cộng sản Trung Quốc

Pháp Luân Công, môn phái mà ông Lý giới thiệu tại Trung Quốc năm 1992, xoay quanh một chuỗi năm bài tập thiền và quá trình hoàn thiện đạo đức bản thân nhắm đến một sự khai sáng về tinh thần. Hiện nay, nhóm này được biết đến qua các cuộc diễu hành khắp thế giới để “làm rõ sự thật” về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ buộc tội Đảng Cộng sản Trung Quốc tra tấn những người thực hành môn phái và lấy nội tạng của họ. (Hàng chục nghìn người khắp Trung Quốc đã bị đẩy đến các trại lao động vào những năm đầu của cuộc đàn áp, Pháp Luân Công không còn hiện diện nhiều ở đại lục.)

Gần đây hơn, Pháp Luân Công đã bị chỉ trích bởi chính các cựu thành viên môn phái. Họ mô tả hệ thống niềm tin của môn phái này là cực đoan khi cấm đoán kết hôn liên chủng tộc, lên án đồng tính, và không khuyến khích sử dụng các loại thuốc hiện đại. Epoch Times chối bỏ tất cả các cáo buộc này.

Khi The Epoch Times bắt đầu hoạt động vào năm 2000, mục tiêu của nó là đối phó với các lời tuyên truyền của Trung Quốc và tường thuật các hành vi đàn áp của chính quyền Bắc Kinh với Pháp Luân Công. Vào thời khai sinh đó, Epoch Times là một tờ báo tiếng Hoa, xuất bản nội dung từ tầng hầm nhà của John Tang, một sinh viên cao học đồng thời là một người tu luyện Pháp Luân Công.

Đến năm 2004, The Epoch Times mở rộng sang tiếng Anh. Một trong những nhân viên được trả lương đầu tiên của tờ báo là Genevieve Belmaker, lúc đó là một môn đồ Pháp Luân Công 27 tuổi với một chút kinh nghiệm báo chí. Bà Belmaker, hiện giờ 43 tuổi, mô tả Epoch Times những ngày đầu là lai tạo giữa một start-up truyền thông lộn xộn và một bản tin của một nhà thờ nhiệt thành. Khi đó, nhân viên của họ phần lớn là những tình nguyện viên không lương từ các nhóm Pháp Luân Công địa phương.

Mệnh lệnh của nhóm làm việc vào lúc đó là hãy cùng tạo ra một đơn vị truyền thông không chỉ nói sự thật về Pháp Luân Công, nhưng là sự thật về mọi thứ”, bà Belmaker nói.


Lãnh tụ của môn phái Pháp Luân Công, Li Hongzhi (Lý Hồng Chí) năm 1999.
Ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin khác là “các kênh truyền thông của chúng tôi”.
Ảnh: Henry Abrams/Agence France-Presse, via Getty Images.

Ông Lý, người sáng lập của Pháp Luân Công, cũng chia sẻ quan điểm này. Trong các bài phát biểu, ông gọi The Epoch Times và các trang thông tin có liên quan đến Pháp Luân Công khác, bao gồm kênh truyền hình New Tang Dynasty TV (Tân Đường Nhân – NTD), là “các kênh truyền thông của chúng tôi”. Ông nói rằng các kênh này có thể giúp quảng bá những câu chuyện và giá trị của Pháp Luân Công ra khắp thế giới.

Hai cựu nhân viên của The Epoch Times kể lại rằng các biên tập viên cấp cao của trang này đã đến Dragon Springs để gặp ông Lý. Một nhân viên đã tham dự một cuộc họp nói rằng ông Lý đã can thiệp vào các quyết định về nội dung cũng như chiến lược hoạt động của toà soạn, hành xử như một nhà sản xuất bí mật. The Epoch Times bác bỏ nguồn tin này, nói rằng “Không có một cuộc họp nào như thế cả.”

Lằn ranh phân định The Epoch Times và Pháp Luân Công đôi lúc mờ nhạt. Hai phóng viên của Epoch Times nói rằng họ từng được yêu cầu để viết những lời giới thiệu có cánh về những nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài được chọn vào Shen Yun (Thần Vận), một chuỗi chương trình biểu diễn múa do Pháp Luân Công bảo trợ. Việc này nhằm tăng khả năng các nghệ sĩ được cấp visa. Một phóng viên Epoch Times khác kể lại việc được giao viết bài chỉ trích các chính trị gia bao gồm John Liu, một người Mỹ gốc Đài Loan từng làm việc ở hội đồng thành phố New York. Ông Liu được tờ báo cho là có lập trường mềm mỏng với Trung Quốc và thù địch với Pháp Luân Công.

Những bài viết này giúp Pháp Luân Công thúc đẩy mục tiêu của mình, nhưng không thu hút được nhiều người đăng ký làm thành viên.

Matthew K. Tullar, cựu giám đốc bán hàng của The Epoch Times (phiên bản Quận Cam) tại New York viết trên trang LinkedIn cá nhân là đội ngũ của ông ban đầu “in 800 bản báo mỗi tuần, số người đăng ký bằng không, và tận dụng một chiến lược marketing ‘cho không biếu không’. Ông Tullar không hồi đáp yêu cầu bình luận.

Bà Belmaker, người đã rời tờ báo vào năm 2017, mô tả nó như một tổ chức chân phương không ngừng tìm kiếm những cách mới để kiếm tiền.

Xoay quanh Trump

Cho đến năm 2014, The Epoch Times đã tiến đến gần với tầm nhìn của ông Lý về một trang thông tin được tôn trọng. Số lượng đăng ký đã tăng lên, các sản phẩm báo chí được trao giải thưởng, và tài chính đã ổn định.

“Có một niềm lạc quan lan đi khắp nơi rằng mọi thứ sắp được nâng cấp,” bà Belmaker nói.

Nhưng tại một cuộc họp nhân viên năm 2015, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng tờ báo đang gặp vấn đề một lần nữa, bà Belmaker nhớ lại. Facebook đã thay đổi thuật toán quyết định các bài viết xuất hiện trên newsfeed của người dùng, và lượng truy cập của The Epoch Times và doanh thu quảng cáo đều bị ảnh hưởng xấu.

Để ứng phó, tờ báo này giao cho phóng viên sản xuất mỗi ngày năm tin bài câu khách, thường là các tin đơn giản giật gân với các tít bài kiểu như “Gấu xám nhảy cái ùm xuống hồ bơi.” (Grizzly Bear Does Belly Flop Into a Swiming Pool.)
“Đó là một cuộc cạnh tranh giành lượng truy cập,” bà Belmaker nói.

Khi cuộc bầu cử năm 2016 đến gần, các phóng viên để ý thấy cách mà tờ báo đưa tin chính trị có giọng điệu thiên lệch hơn.

Steve Klett, người theo dõi chiến dịch bầu cử năm 2016 cho tờ báo này nói rằng các biên tập viên khuyến khích các bài đăng tích cực về Donald Trump sau khi ông này được Đảng Cộng hoà đề cử.

“Họ nhìn Trump với một ánh mắt ngưỡng mộ như nhìn một lãnh tụ chống Cộng, người sẽ đặt dấu chấm hết cho Đảng Cộng sản Trung Quốc,” Ông Klett nói.

Sau chiến thắng của ông Trump, The Epoch Times thuê Brendan Steinhauser, một chiến lược gia có kết nối chặt chẽ với phong trào Tea Party, để giúp kết thân với nhóm bảo thủ. Ông Steinhauser nói rằng mục tiêu của tổ chức này, ngoài việc quảng bá thương hiệu tại Washington, còn là khiến cho chính quyền Trump đưa cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào danh sách các ưu tiên hành động.

“Họ muốn nhiều người ở Washington hiểu cách Đảng Cộng sản Trung Quốc vận hành, và những việc làm của họ đối với các nhóm tín ngưỡng và sắc tộc thiểu số,” ông Steinhauser nói.

Cược cả vào Facebook

Ở hậu trường, The Epoch Times xây dựng một vũ khí bí mật: một chiến lược phát triển Facebook mà sau cùng sẽ giúp đưa thông điệp của tờ báo đến hàng triệu người.

Theo các email mà The Times phân tích, chiến lược sử dụng Facebook là do Trung Vu phát triển. Ông này từng là lãnh đạo của The Epoch Times bản tiếng Việt, được biết đến với tên gọi Đại Kỷ Nguyên, hoặc DKN.

Ở Việt Nam, chiến lược của ông Trung bao gồm tạo dựng một mạng lưới các trang Facebook với video ăn khách và thông tin ủng hộ Trump, trong đó một số là sao chép nguyên văn từ các nguồn khác, và dùng những phần mềm hoặc bot tự động để tạo like và share ảo. Cựu nhân viên của DKN đã tiết lộ thông tin này cho The New York Times cũng cho biết các nhân viên của trang web này dùng tài khoản giả để vận hành trang Facebook. Việc làm này vi phạm quy định của Facebook, nhưng được ông Trung giải thích là để bảo vệ nhân viên khỏi sự theo dõi của Trung Quốc.

Ông Trung không phản hồi đề nghị bình luận.

Theo một email gửi nhân viên Epoch Times ở Mỹ năm 2017, thử nghiệm tại Việt Nam được gọi là một “thành công vang dội” giúp cho DKN trở thành trang thông tin lớn nhất Việt Nam.

Cũng theo email này, đội ngũ nhân viên người Việt được giao nhiệm vụ xây dựng đế chế Facebook dành riêng cho Epoch Media Group – tổ chức mẹ của đơn vị truyền thông của Pháp Luân Công lớn nhất nước Mỹ. Năm đó, hàng chục trang Facebook mới xuất hiện, tất cả đều có liên quan đến The Epoch Times và các trang liên quan. Một số trong đó có quan điểm thiên vị công khai, một số khác thì mô tả mình là những nguồn thông tin thật và không thiên vị, một vài trang khác nữa, như trang nội dung hài hước tên là “Những khoảnh khắc gia đình vui nhộn” (Funniest Family Moments) lại hoàn toàn tách rời khỏi địa hạt tin tức.


Ảnh chụp màn hình trang America Daily, một trang thông tin chính trị cánh hữu. Một biên tập viên của Epoch Times giúp thành lập trang này.

Thử nghiệm táo bạo nhất có lẽ là một trang thông tin chính trị hữu khuynh tên là America Daily (Nước Mỹ hàng ngày).

Trang Facebook có hơn một triệu người theo dõi này đang sản xuất thông tin sai lệch theo hướng cực hữu. Trang này đã đăng các bài viết dài dòng về chống vaccine, một bài trong đó vu cáo rằng Bill Gates và những người quyền thế khác đang “định hướng” đại dịch COVID-19 và cáo buộc về một “đám đông Do Thái” (Jewish mob) thống trị thế giới.

Các email mà The Times thu thập được cho thấy John Nania, một biên tập viên lâu năm của Epoch Times, đã tham gia xây dựng America Daily thời gian đầu, cùng với các chuyên viên của Sound of Hope (Âm thanh của Hy vọng), một mạng lưới phát thanh có liên quan đến Pháp Luân Công. Các dữ liệu trên Facebook chỉ ra là trang này do Sound of Hope Network vận hành, và một bài đăng được ghim trên trang Facebook này có đính kèm một video quảng bá cho Pháp Luân Công.

The Epoch Times phát ngôn chính thức rằng họ không có “quan hệ công việc” gì với America Daily.

Nhiều trang Facebook do Epoch Times vận hành và các trang liên quan cùng đi theo một  lộ trình. Chúng bắt đầu bằng việc đăng các video ăn khách và các bài viết vui tươi từ các trang khác. Các trang này phát triển nhanh chóng, đôi lúc có thêm hàng trăm nghìn người theo dõi trong một tuần. Sau đó, chúng được dùng để dẫn dụ công chúng mua tài khoản thành viên của Epoch Times và để quảng bá cho các nội dung mang tính đảng phái hơn.

Nhiều trang Facebook có được lượt theo dõi đáng kể chỉ “sau một đêm”, Renee DiResta, một nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch hợp tác với Stanford Internet Observatory cho hay. Nhiều bài đăng được chia sẻ hàng nghìn lần nhưng hầu như không có một bình luận nào. Bà DiResta mô tả rằng đây là đặc trưng của những trang do những đội “click farms” tạo nên, từ chỉ các công ty chuyên tạo lượng truy cập giả mạo bằng cách trả tiền cho người dùng click liên tục vào các đường link theo yêu cầu.

The Epoch Times nói rằng họ không dùng click farms hay bất kỳ mưu mẹo nào để mở rộng các trang của họ. “Chiến lược mạng xã hội của The Epoch Times khác với DKN, chúng tôi dùng các công cụ quảng bá của chính Facebook để có được người theo dõi thật  sự”, tổ chức này nói, đồng thời bổ sung rằng The Epoch Times đã chấm dứt liên quan với ông Trung từ năm 2018.

Nhưng vào năm ngoái, The Epoch Times đã bị chặn quảng cáo trên Facebook sau khi mạng xã hội này tuyên bố rằng các trang tin của Epoch Times đã vi phạm yêu cầu minh bạch bằng việc giả mạo các tài khoản quảng cáo. Epoch Times chi cho Facebook hơn 1,5 triệu USD trong vòng bảy tháng.

Năm nay, Facebook đã xóa hơn 500 trang và tài khoản có liên kết với Truth Media, một mạng lưới các trang chống Trung Quốc dùng tài khoản giả mạo để lan truyền thông điệp của họ. The Epoch Times từ chối mọi cáo buộc liên đới, nhưng các điều tra viên của Facebook nói rằng Truth Media “cho thấy một số mối liên quan đến các hoạt động trên nền tảng của Epoch Media Group và NTD.”

“Chúng tôi đã nhiều lần thực hiện các biện pháp chống lại Epoch Media và các nhóm liên quan,” một đại diện phát ngôn của Facebook nói, đồng thời bổ sung là mạng xã hội này sẽ có chế tài đối với các trang tin nếu như họ tiếp tục vi phạm quy định trong tương lai.

Vì bị chặn quảng cáo trên Facebook, The Epoch Times đã chuyển phần lớn hoạt động sang Youtube. Họ đã rót hơn 1,8 triệu đô-la tiền quảng cáo cho Youtube từ tháng 5/2018, theo dữ liệu công khai của Google về quảng cáo có nội dung chính trị.

Nguồn tiền của Epoch Times đến từ đâu là một điều bí ẩn. Các cựu nhân viên nói họ được truyền đạt là tổ chức có nhiều nguồn tài chính, bao gồm tài khoản đăng ký, quảng cáo và đóng góp từ các thành viên giàu có của môn phái Pháp Luân Công. Năm 2018, năm gần nhất mà dữ liệu thuế của họ được công khai, The Epoch Times Association (chủ quản của tờ báo) nhận được hàng loạt nguồn đóng góp đáng kể, nhưng không có khoản nào đủ lớn để chi hàng triệu đô la Mỹ cho quảng cáo như vậy.

Ông Bannon nằm trong số những người lưu ý đến túi tiền dồi dào của The Epoch Times. Năm ngoái, ông sản xuất một bộ phim tài liệu về Trung Quốc cùng với NTD. Khi ông nói chuyện với tờ báo về các dự án khác, ông kể, tiền bạc chưa bao giờ là một vấn đề.

“Tôi sẽ ra giá”, ông Bannon nói. “Rồi họ sẽ trả lời, ‘Mức đó ổn.'”

“Mục tiêu luân lý đã không còn”

Việc The Epoch Times chuyển sang ủng hộ Trump đã khiến nhiều nhân viên cũ của họ thất vọng, trong đó có bà Belmaker.

Bà Belmaker hiện làm biên tập viên và người viết tự do, nói rằng mình vẫn tin tưởng vào nhiều lời dạy của Pháp Luân Công. Nhưng bà đã mất niềm tin vào The Epoch Times, tổ chức mà theo bà, đã làm trái với những giá trị cốt lõi của Pháp Luân Công: sự thật, sự cảm thông và lòng khoan dung.

“Mục tiêu luân lý đã không còn”, bà nói. “Họ đang đi sai đường rồi, và tôi không nghĩ là họ bận tâm đến chuyện đó.”

Mới đây, The Epoch Times đã chuyển tầm ngắm sang virus corona. Trang này tấn công vào sai lầm của Trung Quốc trong thời kỳ đầu của đại dịch, các phóng viên viết về những con số thống kê được báo cáo sai, cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).


Ảnh chụp màn hình video “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau) của Epoch Times trên Youtube.
Phụ đề: Đảng Cộng sản Trung Quốc biết chuyện gì đang diễn ra.

Có những bài viết trong số đó là đúng sự thật. Nhưng những bài khác có xu hướng cường điệu những cáo buộc sai trái, chẳng hạn như các giả thuyết thiếu căn cứ rằng virus do một phòng thí nghiệm chế ra, nằm trong một chiến lược chiến tranh sinh học.
Một vài cáo buộc đã được nhắc lại trong một bộ phim tài liệu mà cả NTD và The Epoch Times đăng trên Youtube, thu hút hơn năm triệu lượt xem. Bộ phim tài liệu giới thiệu nhà nghiên cứu virus tai tiếng Judy Mikovist, người mà cả Facebook, Youtube và các nền tảng mạng xã hội khác đã xoá tài khoản vì truyền bá thông tin sai lệch.

Trang The Epoch Times nói, “trong bộ phim tài liệu, chúng tôi đưa ra một loạt các bằng chứng và quan điểm mà không rút ra kết luận nào”.
Bà Belmaker, người vẫn giữ một bức ảnh của Sư phụ Lý trên kệ sách trong nhà bà, nói rằng bà vẫn giật mình mỗi khi một đoạn quảng cáo của The Epoch Times xuất hiện trên Youtube, quảng bá những luận điểm đầy tính bè phái.

Một video gần đây mang tên “Digging Beneath Narratives” (Câu chuyện đằng sau), là một đoạn thông tin quảng cáo (infomercial) về sai lầm của Trung Quốc khi ứng phó với virus corona. Người dẫn dắt trong clip đó nói rằng The Epoch Times có một mạng lưới nguồn tin ngầm ẩn ở Trung Quốc cung cấp thông tin cho họ về cách chính quyền ứng phó với virus.

Tuyên bố đó có thể đúng, nhưng người này lại không nhắc gì đến mối liên hệ giữa The Epoch Times với Pháp Luân Công, hay chiến dịch dài hai thập kỷ chống lại cộng sản Trung Quốc của họ. Anh ta chỉ nói rằng tờ báo “đang cho bạn một bức tranh chính xác về chuyện đang xảy ra trên thế giới này.”

“Có sao thì chúng tôi nói vậy,” anh ta bảo./.