Tháng 11 năm ngoái, một phụ tá của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ tiểu bang Mississippi, Roger Wicker, đã gọi điện đến đại sứ quán Hungary để đưa ra một thông điệp cứng rắn. Thủ tướng Viktor Orban đã ngăn chặn việc thông qua luật của Liên minh Châu Âu, một đạo luật tương tự như Đạo luật Magnitsky về nhân quyền của Hoa Kỳ.
Viên phụ tá cảnh báo nếu sự phản đối vẫn tiếp diễn, Thượng nghị sĩ Wicker sẽ bắt đầu một chiến dịch nhằm vào nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa của Hungary, điều này gây mâu thuẫn giữa ông Orban và các nghị sĩ Cộng hòa mà ông Orban đã từ lâu cố gắng thiết lập quan hệ.
Trong vòng vài ngày, các quan chức Hungary cho biết ông Orban sẽ ủng hộ Đạo luật Magnitsky của EU. Ngay sau đó, các nhà hoạch định chính sách châu Âu thông báo họ sẽ bắt đầu soạn một đạo luật nhân quyền toàn cầu giống như luật của Hoa Kỳ, được thông qua lần đầu tiên vào năm 2012.
Các quan chức Hungary đã không trả lời yêu cầu bình luận hôm thứ Năm.
Một năm sau, EU đã thông qua chính sách trừng phạt, dự kiến sẽ chính thức được đưa ra vào đầu tháng 12, chấm dứt một thập kỷ tranh đấu gây chia rẽ giữa các chính phủ, quốc hội và các đảng phái chính trị trong khu vực này. Luật này cũng sẽ cung cấp cho các chính phủ EU một công cụ mới để phối hợp các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, ngay khi chính quyền Biden chuẩn bị nắm giữ quyền lực.
Vẫn còn nghi ngờ việc 27 quốc gia EU sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt đến mức nào, EU vốn đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại dựa trên sự nhất trí và thận trọng khi liên quan đến việc xúc phạm các cường quốc lớn mặc dù họ tự cho mình là khối đấu tranh cho nhân quyền.
“Mối quan tâm chính của tôi là yêu cầu nhất trí sẽ khiến bất kỳ biện pháp trừng phạt nặng nào gần như không thể thực hiện được,” Bill Browder, nhà tài chính người Mỹ, người phụ trách chính luật Magnitsky ở Washington và châu Âu, cho biết.
Trong nhiều năm, quan chức EU đã bác bỏ sự cần thiết của một chính sách trừng phạt nhân quyền độc lập nhằm vào chính phủ, vì cho rằng họ có thể tiếp tục thêm tên của những người vi phạm vào danh sách trừng phạt của các quốc gia cụ thể. Các quan chức lo ngại áp lực nhằm vào các cá nhân ở các quốc gia mà EU có quan hệ kinh tế hoặc chính trị quan trọng như Trung Quốc hoặc Iran.
EU đã không nhắm vào bất kỳ quan chức Iran nào vi phạm nhân quyền kể từ khi thỏa thuận hạt nhân được thực hiện vào năm 2016. Khối này cũng không có lệnh trừng phạt nhân quyền nào đối với Nga, mặc dù họ đã trừng phạt các quan chức Điện Kremlin vì vấn đề vũ khí hóa học và do can thiệp vào Ukraina.
Ông Browder quản lý quỹ đầu tư, nơi luật sư và kiểm toán viên Sergei Magnitsky làm việc, vẫn không hề nao núng. Năm 2009, ông Magnitsky đã chết trong một trại giam ở Moscow sau khi cáo buộc các quan chức chính phủ tham nhũng. Nhà chức trách Nga phủ nhận mọi hành vi sai trái trong vụ Magnitsky và đã đệ đơn cáo buộc ông Browder tội gian lận kinh doanh; ông Browder đã phủ nhận mọi cáo buộc này.
Ông Browder đã mất nhiều năm thăm các thủ đô của châu Âu, gây dựng sự ủng hộ từ các chính trị gia đang lên như Dominic Raab, người trở thành Ngoại trưởng Anh đầu năm nay, và là người soạn phiên bản Đạo luật Magnitsky của Vương quốc Anh. Các quốc gia vùng Baltic đã thông qua các đạo luật Magnitsky và một số quốc hội khác kêu gọi các chính phủ làm theo.
Tại Brussels, ông Browder vấp phải sự phản đối cứng rắn. Theo ông, các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của EU trong quá khứ đã nhiều lần từ chối yêu cầu gặp gỡ. Các nhà ngoại giao Nga đã vận động hành lang chống lại các lệnh trừng phạt này. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nhà lập pháp EU cho rằng khối này cần phải thể hiện bằng hành động những gì họ đã nói về nhân quyền.
Marietje Schaake, một nhà lập pháp cấp cao của EU cho đến năm 2019 người Hà Lan cho biết: “Thực tế là đã 10 năm rồi họ mới bắt đầu làm việc này cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu miễn cưỡng hành động như thế nào khi nhân quyền bị đe dọa.”
Bước ngoặt xảy ra vào năm 2018, khi Quốc hội Hà Lan nói với Ngoại trưởng Stef Blok rằng ông có 5 tháng để thuyết phục các quốc gia thành viên khác ủng hộ chính sách trừng phạt trong toàn khối, hoặc họ sẽ áp dụng một chế độ riêng.
Sjoerd Sjoerdsma, một nhà lập pháp người Hà Lan dẫn đầu chiến dịch này cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một cách gây sức ép hay.”
Đối mặt với tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng về vi phạm nhân quyền – từ vụ đầu độc nhà lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny cho đến việc Trung Quốc đối xử với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ – các chính phủ EU đã cam kết ủng hộ các chính sách trừng phạt. Việc Mỹ, Canada và Anh thiết lập các lệnh trừng phạt Magnitsky cũng có nguy cơ khiến EU bị cô lập.
Chế độ trừng phạt mới sẽ nhắm vào các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cho phép EU áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản của các quan chức và các tổ chức phi quốc gia trên toàn cầu. Không giống như các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, sẽ không có căn cứ để nhắm vào những người chỉ phạm tội tham nhũng, một điều mà các quan chức châu Âu cho biết họ có các công cụ khác để xử lý.
“Chúng ta cần một chính sách toàn cầu để có được sự linh hoạt hơn trong việc truy lùng thủ phạm bất kể họ ở đâu,” Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết vào tháng 10.
Tại Hoa Kỳ, Đạo luật Magnitsky đã giành được sự ủng hộ nhiều nhà cựu phê bình. Chính phủ Hoa Kỳ đã xử phạt 268 người, bao gồm cả các quan chức Trung Quốc mà Washington cho rằng phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp ở Tân Cương, những người bị cáo buộc liên quan đến cái chết của nhà báo Ả Rập Xê Út Jamal Khashoggi và nhiều quan chức Nga.
Richard Nephew, cựu quan chức trừng phạt cấp cao của Bộ Ngoại giao, cho biết Đạo luật Magnitsky đã nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở những nơi không được chú ý đến. Ông cho biết phổ biến công cụ này sang các quốc gia khác là mở rộng tiềm năng của nó.
Ông nói: “Khi có các lệnh trừng phạt kiểu Magnitsky của Hoa Kỳ, Canada, EU và Vương quốc Anh… bạn đang bắt đầu nói về một hệ thống tài chính quốc tế đáng kể nhằm hạn chế các đối tượng vi phạm nhân quyền tiếp cận,” ông nói.
Một khi chính sách nhân quyền của châu Âu được thiết lập, các nhà ngoại giao cho biết Brussels sẽ muốn giữ cân bằng địa lý và chính trị đối với những chính phủ bị trừng phạt. Các mục tiêu có thể là những kẻ liên quan việc đàn áp bạo lực người thiểu số Rohingya ở Myanmar và các quan chức trong chính quyền Maduro của Venezuela.
Một thách thức lớn đối với chính sách mới này sẽ là liệu EU có theo sát Washington trong việc trừng phạt các quan chức bị cáo buộc liên quan đến việc Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương hay không, điều này hiện đang được một số nhà lập pháp châu Âu yêu cầu. Các nhà ngoại giao cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu tất cả các chính phủ EU có mạo hiểm mối quan hệ với Bắc Kinh về điều đó hay không.
Ngay cả với sự phấn khích mong muốn làm việc với các đồng minh châu Âu từ chính quyền mới của Biden, các nhà ngoại giao cho biết họ không mong đợi một loạt các hành động nhanh chóng.
Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkēvičs nói “Tôi nghĩ rằng đạo luật này sẽ được sử dụng, nhưng không chắc rằng [luật] sẽ được sử dụng rộng rãi.”
Nguyên bản Anh ngữ: “After U.S. Push, EU Set to Target Human-Rights Violators,” Laurence Norman, The Wall Street Journal, 27/11/2020
Anh Khoa dịch - Việt Nam Thời Báo