Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Michael R. Pompeo
Hôm nay, 14 tháng 1, 2021, trong hàng bộ trưởng chính phủ Mỹ, phần lớn đang ngồi chờ bàn giao công việc. Nếu không có trách nhiệm điều hành trực tiếp, có lẽ không bộ trưởng nào còn tính chuyện công du nước ngoài hay dúi đầu vào những đề án có thể tốn năm mươi hay ngay cả một trăm năm để hoàn thành.
Ngoại trừ một người và người đó là Ngoại Trưởng Mike Pompeo.
Ngoại trừ một người và người đó là Ngoại Trưởng Mike Pompeo.
Theo tài liệu trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, Michael R. Pompeo sinh năm 1963 tại Orange County, California. Ông lớn lên ở vùng Santa Ana và học trung học tại Los Amigos High School. Ông tốt nghiệp Thủ Khoa tại Học Viện Quân Sự West Point khóa 1986 và phục vụ như một sĩ quan cấp bậc Đại Úy có trách nhiệm tuần tra “bức màn sắt” trước khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ.
Rời quân đội, Mike Pompeo về học Luật tại Đại học Harvard và là chủ bút của The Harvard Law Review. Từ tháng 1, 2011 đến tháng 1, 2017, ông là Dân Biểu Liên Bang đơn vị 4 của tiểu bang Kansas trước khi được đề cử vào chức vụ Giám Đốc Cơ Quan Trung Ương Tình Báo Hoa Kỳ (CIA).
Ngoại trưởng có một gia sản 800,000 dollar. Đây là một gia sản khá khiêm nhượng so với nhiều bộ trưởng khác trong chính phủ Donald Trump, chẳng hạn Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross có tài sản 506.5 triệu dollar hay Bộ trưởng Giáo Dục Betsy DeVos có gia sản lên đến 1.1 tỉ dollar.
Mike Pompeo là một chính trị gia tận tụy với lý tưởng của đảng Cộng Hòa. Ông biện hộ cho chính sách quốc phòng mạnh và chống lại thỏa hiệp nguyên tử được ký kết giữa Iran và sáu cường quốc. Tuy nhiên ông vẫn chủ trương đàm phán là chính.
Năm 2018, Mike Pompeo trở thành Bộ trưởng Ngoại Giao thứ 70 của Hoa Kỳ. Như đã xác định trong một buổi điều trần trước Thượng Viện Hoa Kỳ, mặc dù là một chính trị gia có quan điểm bảo thủ, ông xem chiến tranh như chọn lựa cuối cùng. Trước ngày ra điều trần ông còn tham khảo về chính sách đối ngoại với tất cả ngoại trưởng Mỹ còn sống kể cả bà Hillary Clinton.
Tuyên bố mới nhất và có lẽ là một trong những tuyên bố quan trọng nhất của Ngoại Trưởng Pompeo là “hủy bỏ các điều khoản tự hạn chế do chính Mỹ đặt ra” đối với Đài Loan.
Bản tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 1, 2021 khẳng định: “Đài Loan là một nền dân chủ sống động và là đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, tuy nhiên trong vài thập kỷ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo ra những hạn chế nội bộ phức tạp để điều chỉnh các quan hệ ngoại giao, quân nhân và các viên chức khác của Hoa Kỳ với các đối tác Đài Loan. Chính phủ Hoa Kỳ đã đơn phương thực hiện những hành động này, trong một nỗ lực nhằm lấy lòng chế độ Cộng sản ở Bắc Kinh. Các tự chế đó đã chấm dứt.”
Trong quan điểm của Ngoại Trưởng Pompeo, đất nước và người dân Đài Loan phải được kính trọng như nước Mỹ và người dân Mỹ. Do đó không có lý do gì chính phủ Mỹ phải đối xử với Đài Loan một cách khác biệt. Và điều đó có nghĩa từ nay, chính phủ Mỹ sẽ xem chính phủ Đài Loan như mọi chính phủ khác. Các viên chức chính phủ Mỹ sẽ thăm viếng chính thức, tham dự các hội nghị cấp chính phủ hay liên chính phủ nếu tổ chức tại Đài Loan.
Tháng Chín năm ngoái, Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Phát Triển Kinh Tế, Năng Lượng và Môi Trường thăm viếng Đài Loan. Chuyến viếng thăm của ông làm căng thẳng thêm mối quan hệ đang đầy sóng gió giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng (TC) về vấn đề Đài Loan.
TC, một mặt tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực Eo Biển Đài Loan và mặt khác “đánh võ mồm” bằng cách tuyên bố xung đột Đài Loan có thể sẽ không được giải quyết một cách hòa bình mà bằng quân sự.
Nhưng Mỹ biết, TC chỉ dừng lại ở những hăm he đe dọa mà thôi.
Như người viết đã viết trước đây, họ Tập giống như họ Mao sau chiến tranh Triều Tiên, không dám trực tiếp đương đầu với Mỹ.
Trong Chiến Tranh Triều Tiên Mỹ thiệt mạng 36,576 người trong khi TC tùy theo nguồn tổng kết, thiệt mạng từ 400,000 ngàn tới 920,000 người. Thời gian thay đổi. Bộ máy quân sự của TC hiện đại hơn thời kỳ 1950 nhưng không có nghĩa từ đó đến nay Mỹ chỉ ngồi bất động để nhìn TC cải tiến.
Cuộc chạy đua vũ trang với Liên Xô đã giúp bộ máy chiến tranh của Mỹ được hiện đại hóa không ngừng. Nếu chiến tranh quy ước xảy ra hôm nay, tỉ lệ tử vong cách biệt giữa hai quân đội chẳng những không thay đổi mà còn xa hơn.
Nếu chỉ đọc tin từ các nguồn tin trục lợi nhờ việc khai thác các xung đột đang diễn ra tại Á Châu, chúng ta dễ có cảm tưởng chiến tranh sẽ bùng nổ ngày mai hay thậm chí tối nay chứ không đợi đến cuối tuần.
Nhưng không phải vậy. Với khả năng tài chánh của TC bao bọc khắp thế giới và quan hệ thương mại giữa Nhật, Nam Hàn, Đài Loan với TC hiện nay, nếu không có một biến cố bất ngờ, ngoài chọn lựa của Mỹ và TC, TC sẽ còn tồn tại một thời gian dài có thể đến cuối thế kỷ 21 này.
Những quốc gia có khả năng gây chiến và có xung đột quyền lợi với TC là những quốc gia nhập cảng hàng hóa TC nhiều nhất. Do đó, chuyện chiến tranh trong nhóm này là một viễn ảnh lâu dài.
Nếu miệng chửi TC mà lúc nào cũng nhập hàng TC thì TC còn lâu mới sụp. Nhưng không nhập không được. Trong thời đại toàn cầu hóa, luật cung cầu trong kinh tế học không tác dụng trong mỗi nền kinh tế độc lập mà tác dụng toàn cầu.
Có người cho rằng cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Mỹ và TC vừa qua là một thất bại nặng nề và đơn phương về phía Mỹ và chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương chỉ là thùng rỗng kêu to, rung cây nhát khỉ không làm rụng một lông chân của Tập Cận Bình. Đó là những nhận xét phiến diện và thiên kiến.
Các xung đột thương mại và chính trị trong thời gian qua đã làm họ Tập khó khăn nhiều mặt.
Trong phiên họp trung ương đảng CSTQ cuối tháng 10, 2019 để bàn kế hoạch năm năm, lần đầu tiên Tập Cận Bình nhấn mạnh đến chủ trương “tự lực” của nền kinh tế. Những khẩu hiệu “thù địch nước ngoài” đầy đe dọa từ thời Mao lần nữa được đem ra để khích động nhân dân.
Mặc dù rêu rao “tự lực” nhưng họ Tập biết mục đích đó còn lâu mới thực hiện được.
Muốn tự lực phải nâng trình độ kỹ thuật lên cao đến mức thỏa mãn các nhu cầu đa diện của nền kinh tế TC mà không phải nhập cảng. TC cần kỹ thuật của Mỹ. Duy trì các nhà máy sản xuất hàng hóa cao cấp của Mỹ tại TC là một cách để giúp nâng cao tay nghề của công nhân TC. Yếu tố con người luôn là yếu tố quyết định. Tập Cận Bình biết không thể chạy đua với Mỹ chỉ bằng ăn cắp hay sản xuất nồi niêu xoong chảo.
Andrew Browne, Giám Đốc của Bloomberg New Economy Forum cho rằng Trung Cộng không dám trả đũa theo kiểu “hòn đá ném đi, hòn chì ném lại” khi chính quyền TT Donald Trump ngăn chặn TikTok hay đánh què Huawei. Nếu Tập dám làm thì đã đóng cửa nhà máy sản xuất xe Tesla ở Thượng Hải để trả thù Mỹ rồi.
Tại sao Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố “hủy bỏ các điều khoản tự hạn chế do chính Mỹ đặt ra” trong lúc này?
Ngoại trưởng Pompeo biết nếu không tuyên bố, các bộ trưởng ngoại giao sau ông có thể sẽ không làm hay cần nhiều thời gian hơn để làm. Ông muốn đặt ra một tiền lệ cho các chính quyền Mỹ trong tương lai. Thay vì tuyên bố thẳng thừng hủy bỏ chính sách “Một Trung Quốc” (One-China policy), tuyên bố vừa qua sẽ dần dần vô hiệu hóa và làm cho chính sách “Một Trung Quốc” một ngày không xa chỉ còn trên danh nghĩa.
Dean Acheson là một trong mười bộ trưởng ngoại giao xuất sắc nhất của lịch sử Mỹ và cũng là người đặt ra nhiều tiền lệ cho chính sách đối ngoại của Mỹ. Các chiến lược “ngăn chặn Liên Xô” và “diễn biến hòa bình” có dấu tay ông vẫn còn tác dụng cho tới ngày nay.
Tương tự, nước cờ của ngoại trưởng Pompeo vừa đi sẽ được chính trị gia Mỹ và Đài Loan trong các thế hệ sau biết ơn và đánh giá cao.
Vận dụng chính trị là nắm lấy cơ hội đối phương đang yếu để thực hiện những chính sách mà sau này có thể phải cần nhiều thời gian và công sức để làm.
Mặc dù tại chức trong thời gian khá ngắn, những bước đi chiến lược của Ngoại trưởng Pompeo thay mặt cho chính phủ Donald Trump, sẽ mở ra cánh cửa mới lâu dài không chỉ cho Đài Loan mà cho cả các nước Á Châu trước sự đe dọa của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Cộng.
Chuyện gì ra chuyện nấy.
Trần Trung Đạo
14.01.2021
Trần Trung Đạo