Hồ idol
20.05.2020
Nhật Phong – Web Việt Tân|
Tân Phong – Web Việt Tân|
Ông Hồ chết đã ngót 50 năm. Thế mà ở Việt Nam, những người cộng sản vẫn tổ chức sinh nhật cho ông to tát, đình đám lắm. Cứ thể như ông còn sống vậy. Năm nay, có lẽ ông Hồ có cái sinh nhật to nhất tất cả.
Ngày 18 tháng Năm vừa qua ở Hà Nội, toàn bộ hệ thống chính trị, từ đảng tới chính phủ và tất cả ban bệ, hội đoàn đã trịnh trọng tổ chức một lễ kỷ niệm hoàng tráng nhân cái “ngày sinh” của ông Hồ 19/05/1890 – 19/05/2020. Ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đọc một bài phát biểu dài lê thê, tôn vinh ông Hồ với tất cả những danh xưng cao quí nhất, tuyệt vời nhất mà bằng vốn ngôn ngữ của một cử nhân văn chương có thể nghĩ ra, liệt kê không thiếu một cái tên gọi nào: “Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Vị cha già của dân tộc, Lãnh tụ thiên tài, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Người bạn thân thiết của các dân tộc yêu chuộng hòa bình và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.”
Chẳng chỉ có thế, suốt một tuần lễ, truyền thông Việt Nam công chiếu không biết bao nhiêu phim ảnh về cuộc đời của ông Hồ. Còn ở Nam Đàn, Nghệ An đã khánh thành một cái đền khổng lồ, hoành tráng, khang trang, rộng tới 83 hecta trên núi Chung Sơn để thờ gia tiên nhà ông Hồ. Cái đền to lắm, lớn hơn cả đền Vua Hùng (vốn được coi là đền thờ Tổ của tộc người Việt) và vượt xa mọi lăng tẩm của các đời vua chúa suốt gần 1000 năm phong kiến Việt Nam.
Ông Hồ Chí Minh ở Việt Nam, ông Mao Trạch Đông ở Trung Quốc và Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật ở Bắc Hàn có lẽ là những lãnh tụ cộng sản may mắn hơn nhiều so với những đồng chí của mình ở Liên Xô và Đông Âu. Không giống như Le Nin, Marx hay Stalin… những lãnh tụ cộng sản ở các quốc gia được coi là khởi nguồn của chủ nghĩa cộng sản, sau khi chết không lâu đã bị những người dân của đất nước đó nguyền rủa và lôi cổ những bức tượng to lớn của họ xuống đập phá để hả cơn uất hận.
Tượng lãnh tụ Xô Viết Lênin bị phá dỡ ở Ukraine. Ảnh: Internet
Các chế độ nhà nước kế tục sau sự sụp đổ của các thể chế cộng sản, khi bạch hóa các bí mật của chế độ trước, cũng đã cố gắng giảm thiểu rất nhiều những hệ quả tiêu cực mà nó có thể gây ra. Dù sao, với ảnh hưởng của văn hóa phương Tây và tín ngưỡng Công Giáo, những xã hội từng trước kia đã bị cộng sản cai trị cũng đã được cứu rỗi bởi đức tin và lòng bao dung rất nhiều để có thể khắc phục được những vết thương khủng khiếp mà “búa liềm” đã gây ra.
Thực ra thì ông Hồ, ông Mao, ông Kim cho tới giờ vẫn được tổ chức sinh nhật và ngày chết chẳng qua là vì cái chế độ cộng sản ở những xứ này vẫn còn tồn tại. Như một cái luật ngầm định ở văn hóa phương Đông “trông chùa thì được ăn oản,” chế độ toàn trị đã tới hồi cuối cùng của chu kỳ sinh trưởng và lụi tàn, chẳng còn những triết thuyết và việc làm nào thu phục được nhân tâm. Thế là, một biểu tượng đại diện cho tất cả những điều hay ho, tốt đẹp nhất, phi thường nhất để làm phấn sáp cho bộ mặt gớm ghiếc của băng đảng cầm quyền phải được dựng lên.
Những Tần Thủy Hoàng thời hiện đại tin rằng ở bên kia thế giới chúng có thể tiếp tục tận hưởng những vinh hoa phú quí và sự chiêm bái của dân chúng. “Văn hóa” thần tượng idol, sự sùng bái lãnh tụ luôn là một công thức, một thứ bùa chú của ý thức hệ của chủ nghĩa cộng sản. Những lãnh tụ cộng sản khi sống thì phá hoại, hủy diệt tôn giáo, khi chết thì lại muốn mình thay thế Phật Tổ hay Thiên Chúa ở chốn thiên đường.
Ông Hồ chắc chắn là một idol “vĩ đại” nhất ở Việt Nam cho tới giờ. CSVN tôn vinh ông Hồ hơn cả bậc thánh nhân với rất nhiều huyền thoại như “giỏi 29 ngoại ngữ, làm thơ Đường luật bằng chữ Tàu giỏi hơn cả người Tàu, có thể ôm một viên gạch nung đỏ để ngủ, là nguyên thủ quốc gia mà không có vợ, không có bồ, không có con suốt đời vì nước vì dân…”
Tất nhiên, đấy là những gì mà tuyên giáo và lịch sử đảng viết. Thậm chí hiện nay, ông Hồ còn được giáo hội Phật Giáo Việt Nam – một tổ chức tôn giáo trá hình của Cục bảo vệ an ninh nội bộ và văn hóa tư tưởng tôn giáo A25, Bộ Công An, đưa lên ngang tầm với đức Phật Tổ Như Lai của Phật Giáo đại thừa. Tượng ông Hồ được đặt ở trong tất cả các chùa chiền, đền thờ trong những năm gần đây. Cũng giống như Mao Trạch Đông ở Trung Quốc hay cha con Kim Nhật Thành ở xứ Bắc Hàn vậy.
Tuy vậy, thì đã có rất nhiều tư liệu và những nghiên cứu lịch sử đặt ra vấn đề nghiêm túc rằng ông Hồ có phải là Nguyễn Ái Quốc – Nguyễn Sinh Cung hay không? Tất cả những gì liên quan tới ông Hồ cũng đều rất mờ ảo giống như huyền thoại. Kể cả ngày sinh, tháng đẻ và ngày chết của ông Hồ.
Câu chuyện ngày chết của ông Hồ thì hơn chục năm trước những người cộng sản Việt Nam mới đính chính lại rằng ông Hồ chết ngày 2 tháng Chín, 1969 tức là ngày chết của ông trùng với ngày ông Hồ đọc bản khai sinh ra thể chế Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chứ trước đó, thì họ công bố ông Hồ chết ngày 3 tháng Chín, vì e ngại rằng ngày quốc khánh trùng ngày quốc tang thì xui xẻo cho chế độ nên mới nói dối ngày chết của ông Hồ.
Ngày sinh của ông thì vẫn còn là một bí ẩn. Theo thẻ căn cước của ông được cấp tại Pháp ngày 4 tháng Chín, 1919, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành thì ông khai là sinh ngày 15 tháng Giêng, 1894, ở Vinh.
Chín năm trước đó, trong đơn xin học vào trường thuộc địa ngày 15 tháng Chín, 1911, ông Hồ khai là sinh ngày 25 tháng Giêng, 1892. Ngày sinh này được lưu lại trong hồ sơ của mật thám Pháp.
Còn làm sao lại có cái ngày 19 tháng Năm thì theo lời kể của ông Vũ Thư Hiên – con trai của ông Vũ Đình Huỳnh là thư ký của ông Hồ một thời gian dài, sau là vụ trưởng vụ Lễ Tân và ban kiểm tra đảng, kể lại rằng ngày 19 tháng Năm là ngày Đô Đốc d’Argenlieu đến thăm viếng Hà Nội sau thỏa hiệp ước 6 tháng Ba mà ông Hồ ký với Pháp. Tiếp rước vị quan lớn mà không có cờ quạt chào mừng thì không phải phép nhưng ông Hồ e ngại rằng nếu treo cờ quạt đón d’Argenlieu thì sợ bị dân chửi nên nói với cụ Vũ Đình Huỳnh ra lệnh “tổ chức sinh nhật Bác.” Từ đó, ngày 19 tháng Năm trở thành ngày sinh của ông Hồ. Chẳng hiểu làm sao, cái ngày này lại trùng luôn với ngày sinh của một tên đồ tể vĩ đại nhất của đất nước chùa tháp Cambodia – Saloth Sar được cả thế giới biết đến với biệt danh Pol Pot (sinh ngày 19 tháng năm, 1925).
Phải công nhận là ông Hồ quả là mưu mô, quyền biến. Cái gì cũng thật thật, giả giả không thể biết đâu mà lần. Bảo làm sao mà các hậu nhân sau này của ông, khi đã thấm nhuần “đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh,” việc tốt thì không thấy học được gì mà việc khai gian, khai man, làm giả lý lịch, khai sinh để có thêm tuổi giữ ghế, giữ bàn, kiếm thêm nhiệm kỳ nữa thì cơ man nào mà kể.
130 năm đã hơn một thế kỷ, hôm nay sinh nhật ông (cứ cho là thế), bất giác mở bài văn được cho là ông tự tay viết và đọc vào cái ngày khai sinh ra thể chế hôm nay – cũng chính là ngày mà ông chết – bài Tuyên ngôn độc lập. Cho tới giờ tôi vẫn nhìn nhận là một tuyên ngôn đẹp về ngôn từ và ý nghĩa. Ít nhất là trên giấy bút còn lưu lại rõ ràng. Ông viện dẫn những tư tưởng tiến bộ và tốt đẹp nhất của hai bản Hiến pháp Mỹ và Pháp về lý do mà ông cùng các đồng chí của ông đấu tranh và lên án cái chế độ thực dân độc ác, tàn hại dân chúng. Lời lẽ ông lên án cái xã hội đó mới thật ghê gớm làm sao.
…Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào.
Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.
Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.
Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.
Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.
Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn.
…”
Đọc đến đây, tôi không còn đọc thêm được nữa. Có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Chẳng phải cái xã hội mà ông căm ghét, dành cả cuộc đời để đấu tranh không những không hề sụp đổ mà lại càng bành trướng, nảy nở nhung nhúc như một thứ quái vật muôn vàn xúc tu đang bám chặt lấy cổ triệu triệu sinh linh, dân chúng ở xứ này để hút máu mủ đó sao? Thôi thì tôi cứ tin rằng ông là cha già dân tộc suốt đời vì dân vì nước. Nhưng cái thể chế mà ông khai sinh ra nó thực sự là một thứ gông ách gấp trăm lần thực dân phong kiến năm xưa.
Cái lăng của ông ở Hà Nội nghe nói mỗi năm tiêu tốn tới cả ngàn tỷ để trông nom. Còn cái đền thờ gia tiên nhà ông, dễ xây tới vài ngàn tỷ đồng. Một tỉnh nghèo như Nghệ An lấy đâu tiền mà xây? Chắc lại móc tiền thuế của dân ra xây. Chứ con cháu nhà ông thì bảo là tuyệt tự rồi cơ mà? Thôi, dù sao hôm nay cũng là ngày sinh của ông (cứ tin là như thế), vẫn chúc ông trường trường, cửu cửu. Những tượng đài, lăng tẩm của ông sẽ “trơ gan cùng tuế nguyệt” chứ không giống như ông Lê Nin ở nước Nga. Chỉ có điều, mười năm nữa, hai mươi năm nữa, liệu rằng nó sẽ trở thành biểu tượng của một thời đại, một thể chế đáng phỉ nhổ nhất trong lịch sử của dân tộc này hay không thì tôi không dám chắc.
Bất giác, chợt nghĩ rằng, giá mà 130 năm trước ông đừng sinh ra, hẳn tốt cho cái dân tộc này, đất nước này biết mấy.
Tân Phong
https://viettan.org/ho-idol/
......
⤑