Chân rết ở Canada của Mặt trận Thống nhất giúp Bắc Kinh thu gom thiết bị bảo hộ chống coronavirus

(Ảnh: GFX)

Sam Cooper, Global News - Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Vào giữa tháng 1/2020, các lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada và khắp thế giới đã thực hiện một cuộc gọi khẩn cấp. Trung Quốc lo ngại rằng coronavirus chủng mới đang hoành hành ở Vũ Hán nguy hiểm và lây nhiễm nhanh tới nỗi y tá và bác sĩ ở đó sẽ cạn kiệt thiết bị an toàn.

Trung Quốc cần thiết bị bảo hộ cá nhân.

Chỉ trong sáu tuần, Trung Quốc nhập khẩu 2.5 tỷ thiết bị bảo hộ chống dịch bệnh, trong đó có hơn hai tỷ khẩu trang an toàn, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc.

Và điều này làm dấy lên nhiều quan ngại lớn về nhiều khía cạnh, theo giới chỉ trích, trong đó có dân biểu Erin O’Toole [ứng cử viên thủ lãnh Đảng Bảo thủ, đảng đối lập chính thức tại Hạ viện Canada]. 

Trung Quốc rõ ràng che giấu mức độ của một đại dịch gây nguy hiểm cho thế giới trong khi bí mật thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân với giá thấp. Chiến dịch “lén lút” này khiến “thế giới hết sạch thiết bị bảo hộ cá nhân”, theo phát biểu của Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico tại Bắc Kinh, với đài Global News. 

Kết quả: bắt đầu từ tháng 3, sau khi COVID-19 đã lan khắp toàn cầu, các quốc gia từng cung cấp khẩu trang cho Trung Quốc hồi tháng 1 và tháng 2 đã buộc phải cạnh tranh để mua hàng của Trung Quốc. 

Vào cuối tháng 1, các nguồn tin trong giới sản xuất chế tạo và và quân sự đã cảnh báo các chính phủ phương Tây rằng Trung Quốc dường như đang bí mật chiếm giữ nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân toàn cầu, theo dân biểu O’Toole và cựu đại sứ Guajardo.

Nhưng giới lãnh đạo ở Canada đã không hành động, theo dân biểu O’Toole.

“Một nguồn tin nói với tôi hồi tháng 1 rằng các cơ quan quân sự và cơ quan ứng cứu khẩn cấp biết rõ là Trung Quốc đang tích trữ khẩu trang và nhìn chung thu gom tất tần tật những gì họ có thể mua,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với đài Global News. “Và chúng tôi biết … rằng giới chức cấp cao tại Bộ Công chánh Canada, vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2, cũng đã biết chuyện [Trung Quốc] thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân.”

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Đài Global News đã điều tra về những phương pháp rối rắm và những tay chân bí mật được Bắc Kinh dùng để âm thầm gom hết thiết bị bảo hộ cá nhân khắp thế giới trong một chiến dịch cấp nhà nước.

Trung Quốc đã sử dụng các kênh ngoại giao, các công ty quốc doanh và các hiệp hội cộng đồng Hoa kiều được cho là ngày càng chịu ảnh hưởng của Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất, thường gọi tắt là Mặt trận Thống nhất, đầy uy quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Và thông qua các mạng lưới Mặt trận Thống nhất đóng tại các lãnh sự quán Trung Quốc tại các thành phố từ Vancouver, Toronto, tới New York, Melbourne và Tokyo, Trung Cộng đã kêu gọi hàng triệu “Hoa kiều” mua khẩu trang N95 với số lượng lớn để “gởi về tổ quốc những lô hàng khan hiếm”.

Dẫu các phương pháp của Trung Quốc rất đáng lo ngại, chiến dịch này thậm chí còn trông kinh khủng hơn khi được soi rọi kỹ lưỡng vì một số tổ chức dường như có dính líu trong các nỗ lực của Mặt trận Thống nhất ở Canada bao gồm các thành viên trước đây từng bị Cảnh sát hoàng gia liên bang Canada (RCMP) và Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) theo dõi hoặc điều tra, theo các nguồn tin RCMP và CSIS.

Ngấm ngầm

Một số thành viên Mặt trận Thống nhất ở Vancouver đã bị các cơ quan thực thi pháp luật Canada để ý. (Ảnh: GFX)

Chiến dịch nhập khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân của Trung Quốc đã được báo chí nhà nước Trung Cộng mô tả như một nỗ lực thời chiến. Và chiến dịch đó thành công mỹ mãn.

Theo một báo cáo của Quốc hội Mỹ được công bố hồi tháng 4, từ ngày 24 tháng 1 tới ngày 29 tháng 2, Trung Quốc đã đẩy mạnh sản xuất khẩu trang và áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đối với các công ty nước ngoài đóng tại Trung Quốc như hãng sản xuất khẩu trang Medicom của Canada và hãng sản xuất khẩu trang 3M của Mỹ.

Đồng thời, Trung Quốc đã nhập khẩu 2.02 tỷ khẩu trang an toàn, theo hồ sơ hải quan tháng 3 năm 2020 của Bắc Kinh.

Trung Quốc nhập khẩu 2.02 tỷ khẩu trang trong sáu tuần, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc. (http://www.gov.cn)

“Để bảo đảm đủ nguồn cung nội địa để chống COVID-19, (Bắc Kinh chỉ đạo) các văn phòng khu vực ở Trung Quốc và ở nước ngoài làm việc với các hiệp hội ngành nghề ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc để ưu tiên thu gom vật tư từ các nguồn toàn cầu,” báo cáo này viết.

Lời hiệu triệu toàn cầu về khẩu trang đã được đăng lên các trang mạng của Mặt trận Thống nhất và được gởi tới các lãnh sự quán Trung Quốc nơi các cán bộ của Mặt trận Thống nhất được cài vào.

Những lời kêu gọi được đưa ra vào khoảng ngày 14 và 15 tháng 1, khi giới chức Trung Quốc nhận được chỉ thị bí mật từ Tập Cận Bình, và tất cả các vùng đã được khuyến cáo “chuẩn bị và ứng phó với đại dịch”, theo các tài liệu bị rò rỉ được trích dẫn trong một phóng sự điều tra của Associated Press. Nhân viên bệnh viện được lệnh mặc đồ bảo hộ. 

Guajardo, cựu đại sứ của Mexico tại Bắc Kinh, nói với đài Global News rằng vào ngày 23 tháng 1, khi Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, ông đã nhận ra Bắc Kinh nhập khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân với số lượng lớn. 

Guajardo, hiện đang làm việc tại một công ty tư vấn ở Washington, DC, cho biết vào giữa tháng 1, ông được một nguồn tin trong ngành logistics chuỗi cung ứng của Mexico liên lạc. 

“Họ nói, ông biết không, buồn cười là tôi đang ngập đầu với các đơn đặt hàng yêu cầu tôi tìm được bao nhiêu khẩu trang N95 thì gởi hết sang Trung Quốc.”

Ông nói rằng ông đã thử kiểm tra một số nơi tại Mỹ và ước đoán rằng lượng thiết bị bảo hộ cá nhân đang biến mất dần từ ​​những nơi bán lẻ thông qua các phương pháp “ngấm ngầm”.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

“Tôi nghĩ, ‘Trời đất ơi, họ đang thu gom hết nguồn cung N95 trên thế giới,’” Guajardo nói với đài Global News.

Ông tin tới nỗi ông đã viết trên Twitter vào ngày 27 tháng 1 dự báo điềm gở sắp khan hiếm thiết bị bảo hộ cá nhân ở Bắc Mỹ.

Vào tháng 3, những khẩu trang từng bán cho Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 2 đã được bán lại cho Mexico với giá gấp 20 tới 30 lần, theo Guajardo.

Và báo Washington Post và đài CNN tường thuật hồi tháng 4 rằng thiết bị bảo hộ cá nhân đôi khi có giá hơn 1000% so với giá vào đầu tháng 1. 

“Đại dịch này đã trở nên phức tạp vì Trung Quốc giấu giếm lúc ban đầu,” Guajardo nói. “Và nay nó càng phức tạp hơn nữa do Trung Quốc khiến thế giới hết sạch thiết bị bảo hộ cá nhân.”

“Họ khởi xướng đại dịch và nay họ đang trục lợi từ nó.”

Guajardo cũng nói rằng theo kinh nghiệm của ông về Trung Quốc, khẩu trang nay được bán ngược lại sẽ không những có giá cắt cổ và có thể kém chất lượng mà còn có yêu sách chính trị về dài hạn.

Trung Quốc tăng cường sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân trong khi cấm xuất khẩu và tăng nhập khẩu, theo báo cáo quốc hội Mỹ. (Congressional Research Service)

Báo cáo quốc hội Mỹ được công bố hồi tháng 4 cũng có kết luận tương tự: “Chính phủ Trung Quốc có thể cung cấp một cách có chọn lọc một số vật tư y tế ra nước ngoài, với những quốc gia được chỉ định, theo các tính toán chính trị.”

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Trong một cuộc phỏng vấn, dân biểu Đảng Bảo thủ O’Toole, nói rằng ở Canada, ông đã nghe những cảnh báo tương tự về thiết bị bảo hộ cá nhân từ các nguồn tin của ông vào tháng 1 rằng Guajardo đang nhận được từ các nguồn tin ở Mexico và Mỹ.

Dân biểu O’Toole nói ông biết “chắc chắn” rằng một số quan chức cấp cao của Canada hồi tháng 1 đã được cảnh báo rằng Trung Quốc đang tích trữ thiết bị bảo hộ cá nhân. Nhưng thay vì ứng phó với nguy cơ đó, chính phủ Canada đã gởi 16 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân sang Trung Quốc.

Dân biểu O’Toole nói rằng ông tin rằng các phương pháp mà Bắc Kinh sử dụng để thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân và phản ứng của Canada cần phải được điều tra trong một cuộc điều tra tổng quát quốc gia khi các nguy cơ về y tế của coronavirus cuối cùng đã lắng xuống.

“Trung Cộng cố tình giấu kín thông tin về một ổ dịch trong ít nhất vài tuần, nếu không nói là vài tháng,” O’Toole nói. “Điều đó không chỉ khiến thế giới có ít thời gian hơn để ứng phó, mà còn giảm nhẹ mức độ trầm trọng tiềm ẩn của nguy cơ này. Các quốc gia đã không ra các quyết định về cấm chuyến bay và (bảo vệ) các cửa hàng bán thiết bị bảo hộ cá nhân.”

Khi được đài Global News yêu cầu phản hồi phát biểu khẳng định của O’Toole, phát ngôn viên của Bộ Y tế Canada cho biết vào tháng 1, giới chức trách bắt đầu theo dõi coronavirus ở Trung Quốc và “bắt đầu làm việc với Bộ Dịch vụ Công cộng và Mua sắm Canada để mua vật tư cần thiết để ứng phó với dịch bệnh có thể xảy ra ở Canada.”

Các email nội bộ của Bộ Y tế Canada cho thấy vào ngày 31/1, Bộ trưởng Patty Hajdu đã phê duyệt tặng thiết bị bảo hộ cá nhân cho Trung Quốc từ kho dự trữ khẩn cấp của Canada, bao gồm “những thứ mà (sẽ) hết hạn vào tháng Hai và tháng Ba.” Bộ Y tế tin rằng đợt quyên tặng này sẽ không ảnh hưởng tới nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân của Canada, theo các email đó.

Tuần trước, Thủ tướng Justin Trudeau thừa nhận rằng hai máy bay từ Canada được gửi để mua thiết bị bảo hộ cá nhân ở Trung Quốc nay đã quay về trống rỗng.

Trudeau nêu các lý do tình trạng tắc nghẽn tại các phi trường Trung Quốc và các lệnh hạn chế chỉ cho phép máy bay chờ hàng hóa trong thời gian ngắn. Nhưng Trung Quốc nói các phát biểu của Trudeau là “không chính xác”.

Sau khi bài này được đăng, đài Global News đã hỏi Trudeau rằng hồi tháng 1 ông có biết là Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch toàn cầu để thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân hay không, và nếu chính phủ của ông biết, tại sao không thực hiện hành động nào để bảo vệ nguồn cung của Canada.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

“Vào ngày 2 tháng 1, giám đốc y tế công cộng của chúng tôi đã triệu tập một nhóm giám đốc y tế công cộng tỉnh bang để thông báo rằng có những tường thuật về một loại virus mới hiện diện ở Trung Quốc,” thủ tướng Treau nói hôm 30/4. “Các cơ quan tình báo của chúng tôi đã theo dõi và biết được các vấn đề và chúng tôi đã nhận được các cập nhật thường xuyên hồi tháng 1. Ngoài chuyện đó ra, tôi không có gì để nói thêm.”

Các lãnh sự quán Trung Quốc và các hiệp hội cộng đồng được nêu tên trong bài này vẫn chưa phúc đáp các câu hỏi từ đài Global News.

‘Mỗi Hoa kiều là một chiến sĩ’

Mặt trận Thống nhất lợi dụng các tổ chức Hoa kiều để phục vụ cho các chính sách chiến lược của Bắc Kinh, theo CSIS. (Ảnh: GFX)

Qua các tường thuật chính thức từ báo chí nhà nước Trung Cộng như Tân Hoa Xã cũng như các trang mạng của Mặt trận Thống nhất ở Trung Quốc và báo cáo từ các tổ chức cộng đồng người Canada gốc Hoa có liên quan, có thể thấy rằng số lượng thiết bị bảo hộ cá nhân khổng lồ ít nhất 100 tấn đã được gởi từ Canada tới Trung Quốc vào tháng 1 và tháng 2.

Những nỗ lực đó được tổ chức thông qua các lãnh sự quán ở Vancouver, Toronto và Montreal. Ở Vancouver và Toronto, các hiệp hội kinh doanh có liên hệ chính thức với Mặt trận Thống nhất dường như đã đi đầu trong chiến dịch toàn cầu thu gom khẩu trang N95, đồng thời thu gom và gởi thiết bị bảo hộ cá nhân từ các quốc gia khác tới Trung Quốc. 

Một bản tin ngày 2 tháng 3 của Tân Hoa Xã ghi lại một khía cạnh của chiến dịch toàn cầu bao gồm đến hàng triệu di dân từ tỉnh Phúc Kiến ở miền nam Trung Quốc. Bản tin này — với tít phụ ‘Mỗi Hoa kiều là một chiến sĩ’ — đầy những từ ngữ quân sự đao to búa lớn sặc mùi tuyên truyền.

“Đại dịch đáng sợ này xuất hiện bất ngờ. Nhưng sức mạnh vô biên xuất phát từ các nhân viên y tế tuyến đầu, đảng viên và cán bộ, từ nhân dân, và từ người Hoa ở Phúc Kiến và Hoa kiều,” bản tin của Tân Hoa Xã viết. “Người Phúc kiến từ hàng chục quốc gia trên năm châu lục đã tham gia trận chiến vô hình này … họ hành quân cả ngày lẫn đêm và chạy đua với thời gian để gởi về những lô hàng khan hiếm cho quê hương.”

Bản tin này tập trung vào Phòng Thương mại Toronto Phúc Thanh. Đây là một trong những tổ chức tham dự một cuộc tuần hành có liên hệ với Mặt trận Thống nhất để chống các biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong, tại Markham, Ontario, vào mùa hè năm 2019. 

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã, chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh đã bay tới Trung Quốc vào tháng 1 trước Tết Nguyên đán của Trung Quốc.

Nhưng sau khi “thấy rằng vật tư đang trở nên khan hiếm, ông đã bay về Toronto để giúp mua (khẩu trang),” theo bản tin đó.

Bản tin đó không đề cập tới các nguy cơ COVID-19 tiềm tàng đi theo khi chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh bay từ Trung Quốc tới Toronto vào dịp Tết Nguyên đán, khi chính phủ Trung Quốc đưa ra các cảnh báo nội bộ rằng nguy cơ lây lan đại dịch là rất cao. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh biết về các nguy cơ đại dịch do đi nước ngoài vào thời điểm đó, bởi vì Canada và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không khuyến cáo không nên đi từ Trung Quốc sang Canada.

Theo bản tin của Tân Hoa Xã — điều mà đài Global News không thể xác minh một cách độc lập — sau khi chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh hạ cánh ở Toronto trong thời tiết -25 độ C, ông ta lập tức lên xe và lái tới trụ sở chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh và ra lệnh: “Mua (thiết bị bảo hộ cá nhân) theo từng phần nhỏ. Hành động ngay bây giờ!”

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

“Ngay lập tức, gần một trăm Hoa kiều lái xe đến phòng thương mại,” bản tin của Tân Hoa Xã viết.

Các hội viên Phòng Thương mại Toronto Phúc Thanh gởi thiết bị bảo hộ cá nhân về Trung Quốc thông qua Mặt trận Thống nhất, theo Tân Hoa Xã. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Trong những ngày tiếp theo, 200 thành viên phòng thương mại Phúc Thanh đi khắp Ontario gom mua vật tư y tế, theo bản tin đó, trong khi ở Trung Quốc, một quan chức “làm việc với Sở Công tác Mặt trận Thống nhất của Phúc Kiến và hải quan ở Phúc Kiến” và nhiều hãng hàng không Trung Quốc khác để nhận “vật tư y tế từ Canada”.

Chúng tôi đã không thể liên lạc được với chủ tịch phòng thương mại Phúc Thanh để xin bình luận. 

Các bản tin tường thuật về những chuyến hàng lớn thiết bị bảo hộ cá nhân từ Toronto được chứng thực bằng các báo cáo từ văn phòng Toronto của hãng Hàng không Hải Nam (HNA).

Các báo cáo đó cho biết vào ngày 25 tháng 1, HNA “đã đáp ứng lời hiệu triệu của nhà nước” và chuyển tới Trung Quốc các lô hàng thiết bị bảo hộ cá nhân “do các cơ quan chính phủ, tổ chức từ thiện, tổ chức xã hội  nước ngoài và Hoa kiều quyên tặng”. Đến giữa tháng 2, HNA đã giao 56 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân từ Toronto sang Trung Quốc, theo các báo cáo đó.

Trong khi đó, vào ngày 26 tháng 1, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Montreal đã thành lập một đội ứng cứu khẩn cấp dịch bệnh để thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân cho Trung Quốc và “đã liên lạc với hơn 10 quan chức nhà nước Canada ở ba cấp chính quyền”.

Thông qua các doanh nghiệp và “các tổ chức Hoa kiều và sinh viên Trung Quốc ở nước ngoài”, lãnh sự quán ở Montreal đã giúp hàng chục tổ chức chuyển bằng máy bay hơn 30 tấn khẩu trang và quần áo bảo hộ tới các thành phố khác nhau ở Trung Quốc.

Và vào ngày 23 tháng 1 tại Vancouver, Yongtao Chen, một nhà kinh doanh bất động sản và là chủ tịch Liên minh các Hiệp hội Người Hoa ở Canada (CACA), đã được lãnh sự quán Trung Quốc thông báo về nhu cầu cấp thiết cần thiết bị bảo hộ cá nhân tại Vũ Hán, theo các bản tin của báo chí nhà nước Trung Cộng. 

CACA là một tổ chức Mặt trận Thống nhất “ở cấp độ có quyền chỉ đạo” ở Canada, theo Chen Yonglin, một cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc đã trốn sang Úc.

Và nó là một thành viên của Ban Hoa kiều Vụ của Mặt trận Thống nhất, một cơ quan được Bắc Kinh dùng để gây ảnh hưởng với cộng đồng Hoa kiều, theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung năm 2018.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Ban lãnh đạo CACA đã làm việc với lãnh sự quán Vancouver thông qua một nhóm WeChat ứng phó dịch bệnh để gây quỹ và tổ chức mua thiết bị bảo hộ cá nhân ở Canada và những nơi khác, theo một bản tin ngày 31 tháng 1 của một trang mạng có liên hệ với CACA.

“Thông qua các kênh khác nhau, cuộc họp chung đã gom được quần áo bảo hộ, chất khử trùng, khẩu trang và các vật liệu bảo hộ khác, và đang đẩy mạnh sắp xếp để chuyển tới Vũ Hán,” bản tin đó cho biết.

Các cuộc điều tra của CSIS và RCMP

Ít nhất một trong những tổ chức do Vancouver đứng đầu dường như có liên quan với CACA trong chiến dịch thu gom thiết bị bảo hộ cá nhân của Bắc Kinh – Liên đoàn Hoa Kiều Quảng Đông – bao gồm các thành viên bị các cuộc điều tra về an ninh và thực thi pháp luật của Canada chú ý, theo các nguồn tin hiểu rõ về các vụ việc này của RCMP và CSIS.

Chúng tôi đã không thể liên lạc được với ban lãnh đạo của liên đoàn này để xin bình luận. 

Một báo cáo ngày 23 tháng 3 từ Liên đoàn Hoa Kiều Hồi hương Toàn Trung Quốc đã trình bày các nỗ lực vận chuyển thiết bị bảo hộ cá nhân của liên đoàn Quảng Đông, tổ chức có hội viên ở 131 quốc gia. Báo cáo đó dẫn lời lãnh đạo liên đoàn Quảng Đông Ruji Feng, chủ tịch Hiệp hội Chao Shan Canada tại Vancouver, nói rằng “các cộng đồng địa phương tích cực hợp tác với các đại sứ quán và lãnh sự quán để khuyến khích và liên lạc với tất cả các nhóm cộng đồng Hoa kiều để chuẩn bị các vật tư y tế khác nhau.”

Liên đoàn của Feng cũng hỗ trợ CACA trong việc vận chuyển bằng máy bay 60 thùng thiết bị bảo hộ cá nhân từ Manila, Philippines tới Trung Quốc, theo báo cáo đó. 

Một người đàn ông trả lời điện thoại theo số được niêm yết của Hiệp hội Canada Chao Shan tại Vancouver nói với đài Global News rằng ông không có liên hệ với hiệp hội và không thể tìm được ban quản trị để bình luận về bài viết này.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Qua xem xét các hồ sơ ngân hàng hải ngoại và hồ sơ tòa án hình sự và dân sự ở British Columbia, đài Global News phát hiện rằng một số hội viên Canada Chao Shan — hầu hết ở Vancouver nhưng cũng ở miền nam Trung Quốc — có liên quan đến các hoạt động tài chính được cho là bí mật. 

Năm 2003, một trong những hội viên ở Vancouver, Xun Chuang, đã bị kết án tù 18 tháng có điều kiện do các tội sản xuất ma túy và bị cấm sử dụng vũ khí trong 10 năm, theo hồ sơ hình sự của BC. Và theo các hồ sơ án dân sự của Tối cao Pháp viện British Columbia và các nguồn tin, Xun Chuang và địa chỉ viên chức Chao Shan Canada của ông ta có liên hệ với các nghi phạm trong cuộc điều tra E-Pirate của RCMP, cuộc điều tra về rửa tiền sòng bạc và hoạt động ngân hàng ngầm lớn nhất từ ​​trước đến nay của Canada.

Chúng tôi đã không thể liên lạc được với Xun Chuang, thông qua hãng luật đại diện trong một trong những vụ cho vay bất động sản của ông ta, để xin bình luận. Ông ta không được nêu tên như một nghi phạm hoặc bị buộc tội trong cuộc điều tra E-Pirate.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Các nghi phạm có liên hệ với Xun Chuang bị cáo buộc dính líu đến hoạt động cho vay bất động sản và hoạt động cho vay nặng lãi để đánh bạc có liên tới buôn bán ma túy và hoạt động ngân hàng ngầm ở Richmond, BC và Trung Quốc đại lục. 

Tuy nhiên, tội rửa tiền và trốn thuế trong cuộc điều tra E-Pirate đã được hủy trước khi các nghi phạm được đưa ra xét xử do các sai sót của các công tố viên liên bang về công bố bằng chứng. Những cáo buộc chưa được chứng minh tại tòa.

Hiệp hội Canada Chao Shan và một số người có liên hệ với tổ chức này đã được các đặc vụ CSIS biết đến, theo xác nhận của một nguồn tin giấu tên. 

Các mối liên kết của Mặt trận Thống nhất giữa Úc, Canada và miền nam Trung Quốc

(Ảnh: GFX)

Các mạng lưới mờ ám tương tự của Mặt trận Thống nhất đã được điều tra tại Úc, nơi chính phủ Úc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân vào ngày 29 tháng 3 sau khi một số nhà kinh doanh bất động sản người Hoa gởi hơn 82 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân sang Trung Quốc, theo một báo cáo của quốc hội Mỹ.

Một trong những tổ chức Mặt trận Thống nhất ở miền Nam Trung Quốc có liên quan đã được phát hiện có dính líu tới các cáo buộc về tội phạm có tổ chức và hoạt động “tổ chức đánh bạc lớn ở sòng bạc” khả nghi, theo tường thuật của báo Sydney Morning Herald. 

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Và các tổ chức Mặt trận Thống nhất Quảng Đông và Chao Shan hoạt động tại Úc cũng được phát hiện có liên hệ với ban lãnh đạo tổ chức ở Canada, theo hồ sơ họp hành của Mặt trận Thống nhất ở Trung Quốc. Một lãnh đạo có tiếng của Mặt trận Thống nhất Quảng Đông tên là Xiangmo Huang, một tỷ phú kinh doanh bất động sản và người đánh bạc cao cấp, đã bị cấm nhập cảnh Úc vào năm 2018 vì lý do an ninh quốc gia. 

Alex Joske, một chuyên gia và nhà nghiên cứu về Mặt trận Thống nhất ở Viện Chính sách Chiến lược Úc, nói rằng Liên đoàn Hoa Kiều Hồi hương Toàn Trung Quốc — mà các liên đoàn Quảng Đông ở Canada và Úc là thành viên — là một phần ngày càng quan trọng trong chiến lược kiểm soát Hoa kiều thuộc Mặt trận Thống nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Manthorpe nói rằng tuy tay chân của Mặt trận Thống nhất đã được CSIS theo dõi từ năm 1998, các mạng lưới đang phát triển nhanh chóng ở Canada dưới thời Tập Cận Bình.

© Bản tiếng Việt của Canada Info. Mời quý độc giả kết nối để cập nhật tin tức: canadainfo.net, facebook.com/thongtincanada, twitter.com/thongtincanada.

Và mức độ nguy cơ hiện tại đã được thể hiện trong một báo cáo của CSIS năm 2018, viết rằng: “Các hoạt động của Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng bao gồm chiêu dụ giới chóp bu, quản lý thông tin, thuyết phục, cũng như truy cập thông tin và tài nguyên chiến lược. Nó cũng thường xuyên là một phương tiện để tạo điều kiện cho hoạt động gián điệp.”

Trung Quốc không thừa nhận rằng Mặt trận Thống nhất của họ được sử dụng cho hoạt động gián điệp và các lãnh sự quán Trung Quốc tại Canada đã phúc đáp các câu hỏi cho bài viết này.

John Townsend, trưởng ban quan hệ truyền thông của CSIS, không chịu trả lời trực tiếp về câu hỏi cơ quan an ninh quốc gia có đang điều tra các hoạt động xuất khẩu thiết bị bảo hộ cá nhân liên quan tới các tổ chức Mặt trận Thống nhất ở Canada, như Canada Chao Shan, hay không.

“Theo luật của chúng tôi, CSIS rõ ràng có nhiệm vụ điều tra gián điệp và phá hoại, khủng bố, sự can thiệp của nước ngoài, và lật đổ chính quyền và chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các quyền hạn pháp lý của mình để bảo đảm nhà nước Canada có được thông tin tình báo về những vấn đề hệ trọng này,” ông nói.

Sam Cooper

Nguồn: Global News, 30/4/2020. https://globalnews.ca/news/6858818/coronavirus-china-united-front-canada-protective-equipment-shortage/

Phạm Vũ Lửa Hạ dịch

Nguồn: https://canadainfo.net/16596/