Bức tường Berlin sụp đổ và một vài kỷ niệm nhỏ

Đỗ Trường| (Nhân 30 năm ngày sụp đổ bức tường Berlin dẫn đến thống nhất nước Đức vào ngày 3-10. Bài này, tôi viết đã lâu, bác nào chưa đọc, đọc cho biết cái không khí ngày ấy) Năm 2009 nước Đức và châu Âu, kỷ niệm hai mươi năm, ngày bức tường Berlin sụp đổ. Ngăn cách đông, tây đã được xoá bỏ. Người Đức đang dựng tượng đài kỷ niệm ngày này với kinh phí nhiều triệu Euro tại thành phố Leipzig, chiếc nôi khởi xướng của các cuộc biểu tình thứ hai hàng tuần, đòi tự do, dân chủ và phá bỏ hàng rào đông, tây. Chúng tôi, những công nhân lao người Việt cư ngụ tại thành phố này, đã may mắn được chứng kiến những giờ phút sục sôi đó. Ngày đó đã bước vào tuổi ba mươi, nhưng quả thật tôi rất thờ ơ, mù mờ về chính trị, xã hội. Nói môt cách dân dã và bỗ bã hơn, về khoản này tôi vào dạng “chậm hiểu, ngu lâu khó đào tạo “. Tôi làm ở nhà máy giết mổ gia súc, một bộ phận nặng nề nhất dây chuyền xẻ, lọc thịt heo, bò. Ngày thứ hai hàng tuần, là ngày làm nặng nhọc nhất, tôi rất sợ làm việc vào ngày này, bởi thịt để ở nhà lạnh qua hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Dao chọc vào đùi heo, để lấy xương, lọc thịt, giời đất ạ, cứ như là chọc vào đá vậy. Nhiều khi trượt dao đâm vào tay mình máu chảy đầm đìa, sẹo đầy tay mà cứ cho là chuyện vặt. Bình thường những ngày này, nhà máy phải điều thêm người về phân xưởng giúp chúng tôi. Nhưng không hiểu sao mấy thứ hai đầu tuần gần đây, người đã không được thêm, những gã thợ chính người Đức lại đi đâu mất tiêu, chỉ còn trơ lại mấy ông làm thuê người Cuba, Việt Nam ngơ ngác nhìn nhau. Không có người làm, mấy ông thợ cả, quản đốc phân xưởng cũng phải xắn tay vào làm việc. Không kịp, dây chuyền vẫn chạy thịt tồn đống, tiếng quát tháo inh ỏi. Mệt quá tôi chửi bậy: – Mấy thằng Đức chết đâu hết rồi! Người bạn da đen Cuba cạnh bàn nghe thấy tôi chửi, dừng dao, lôi chai Vodka giấu ở trong ủng ra, tu ừng ực, đưa tay quẹt miệng, bảo: –  Mày không biết gì à! Chúng nó đi biểu tình hết rồi. Tôi ngẩn ngơ hỏi lại: – Hôm nay là ngày gì, mà chúng nó đi mít tinh,với biểu tình vậy? (vì ở quê hương tôi,từ bé đến lớn tôi chỉ thấy có mit tinh để chào mừng đảng, chào mừng quốc khánh, chứ có thấy ai đi biểu tình đâu). Ông bạn da đen đùa chửi, rồi giải thích:   –  Việt Nam, đồ nhà quê. (tiếng lóng đùa nhau của công nhân VN và Cuba ở nhà máy chúng tôi) Chẳng phải ngày gì cả, chúng nó biểu tình đòi tự do dân chủ, thống nhất nước  Đức. Mày chờ đó, thế nào cũng có ngày chúng ta sẽ được sang Tây Berlin chơi. Đồ nhà quê. Ông bạn da đen kéo dài chữ nhà quê bằng tiếng Việt không dấu, không hiểu sao hôm nay tôi cảm thấy hài ước, gần gũi đến lạ lùng. Cũng vào chủ nhật tuần đó, đội lao động người Việt chúng tôi được thông báo có cuộc họp bất thường, có Sứ vùng về nói chuyện. Những người lao động chúng tôi được quản lý rất chặt chẽ. Ngoài sứ quán ra, chúng tôi chịu sự giám sát của Ban quản lý lao động, rồi đến sứ vùng, thấp nhất là ban quản lý đội. Hộ chiếu của chúng tôi, đội trưởng thu ngay khi đặt chân xuống sân bay của Đức, nộp lên sứ quán. Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa ra cảnh sát sở tại, làm thẻ thông hành có giá trị 5 năm, nghĩa là hết hợp đồng lao động. Buổi nói chuyện của Sứ vùng không có gì mới, ngoài sự răn đe, lên gân, uốn nắn đầy sáo rỗng là quán triệt. (Lại quán triệt, nghe sởn hết cả người). Cấm tuyệt đối không môt ai được tham gia biểu tình, kể cả đi xem. Người đội trưởng run cầm cập khi Sứ vùng quát, nghe nói, đội tôi có một số công nhân đi xem biểu tình (sau này đội trưởng than thở với tôi  – Đ.mẹ thằng nào tâng hót với lão An – (tên sứ vùng) Tao biết, sẽ vặt lông nó). Tôi biết, đội trưởng và sứ vùng An không cùng cạ, nên luôn luôn bị Dr. An đì ức lắm. Tôi biết Dr. An qua một người bạn khi còn ở Việt Nam. Dr. An người Quảng nam, hay Quảng ngãi gì đó, ra Bắc tập kết khi còn nhỏ. Nghe nói, sứ vùng An đã nghiên cứu sinh tại Đức.  Mấy ông cựu nghiên cứu sinh lấy vợ người Đức ở lại, buồn buồn thường vào chỗ tôi ăn tiết canh, uống rượu, khật khừ bảo: –  Bằng tiến sĩ, phó tiến sĩ ở Đức này cấp cho người Việt, có rất nhiều bằng hữu nghị đấy, đừng tin tất cả là thật nhé. Chẳng biết Dr.An có nằm trong cái dạng hữu nghị như mấy ông bạn tiến sĩ rượu của tôi nói không? Nhưng khi phát biểu chỗ đông người, ông đốc sứ nói ấp á ấp úng, hết quán triệt, rồi đến quan điểm, đường lối, chẳng biết đâu là đầu đâu là cuối cả. Ấy vậy mà khi dân chúng đục tường Berlin, đốc An chui “lỗ chó“ trốn sang tây Berlin đầu tiên (trước ngày mở cửa biên giới đông, tây khoảng 2 tháng người dân hai bên, mang búa đục tường cho thành những lỗ vừa người chui qua. Người Việt cũng trốn qua bằng con đường này. Mọi người gọi đùa đó là những lỗ chó. Người viết không có dụng ý bôi bác Dr.An hoặc người nào khác, chỉ muốn nói đó là sự thật như vậy). Sáng hôm sau báo Bild, một tờ báo phát hành nhiều nhất nhì Tây Đức, đăng một tít lớn giật gân, ảnh  Dr .An, kèm lời bình, một cán bộ cỡ bự sứ quán VN, từ bỏ cộng sản đặt đơn tị nạn chính trị tại Berlin.(thực ra đốc An, người của Ban quản lý lao động, thuộc Bộ lao động, chứ không phải người của Bộ ngoại giao). Cái tin làm mọi người hốt hoảng, giật mình, riêng tôi, tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhưng của đáng tội, nhìn đốc An trên báo tôi thấy oai phong, tươi tắn lắm, chứ mặt không méo mó như mọi khi. Đầu năm 1989 Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Xô gặp nhau tai cổng Brandenburg Berlin, nơi có bức tường ngăn cách đông và tây. Các kênh truyền hình của Đức có tường thuật tại chỗ. Người ta thấy một đoạn băng, Tổng thống Mỹ chỉ tay vào bức tường cười hỏi Tổng thống Nga Xô: – Ông có dám phá bức tường này không? Tổng thống Nga Xô, cười xã giao, nhưng im lặng. Sau đó một thời gian; người dân Đông Đức đi du lịch sang Hungari rất nhiều,vì biên giới Hung-Áo đã được mở vào mùa hè năm này. Từ Hung, người Đông Đức tràn vào Sứ quán Tây Đức ở Áo xin tị nạn. Tại đây, chính phủ Tây Đức tiếp nhận và đưa người anh em về nước. Đến cuối mùa hè năm 1989, phong trào ngày thứ hai cho tự do dân chủ, không chỉ còn đóng khung ở thành phố Leipzig, nó đã lan rộng đến Berlin và các thành phố khác. Mùa thu năm nay, dường như đến sớm hơn với người Đức. Mới đầu tháng mười, lá vàng đã rụng đầy lối vào cư xá. Cái rét sớm cắt da cắt thịt, từng đợt gió như bão táp thổi về, làm cho ngọn cờ Cộng hoà dân chủ Đức trước sân nhà vít xuống như sắp gẫy. Cư xá vắng teo, mọi người hình như đã đổ về trung tâm thành phố, và một số có lẽ đã tụ về Berlin. Tivi trong phòng tôi như muốn vỡ tung, vì tất cả các kênh truyền hình đều tường thuật trực tiếp những cuộc biểu tình trên toàn nước Đức. Dường như, cả thế giới đang hướng về nước Đức. Nóng người quá, tôi đứng dậy tắt lò sưởi, dù ngoài trời nhiệt độ đang dưới âm. Tiếng hò reo của những người biểu tình ở ngoài trung tâm dội về chỗ tôi ngồi, át cả tiếng chuông gọi cửa. Thì ra, bà chủ nhà đưa cho tôi bức thư nhanh, miệng cằn nhằn vì gọi mãi mà tôi không chịu mở cửa. Tôi cảm ơn, giải thích cho bà hiểu vì tiếng biểu tình ở ngoài to quá, và mải xem tường thuật trên Tivi, nên không nghe thấy. Bà cười bảo, chồng và các con bà cũng đi tham gia biểu tình từ sớm. Nếu không phải làm việc bà cũng đi cùng. Ồ! ra thư điện của Tân bạn học cũ của tôi. Bặt tin nhau gần chục năm nay, không hiểu lọ mọ thế nào, ông bạn này lại tìm ra địa chỉ của tôi. Trước khi sang Đức, tôi có nghe tin Tân đã vượt biên sang Hongkong, sau đó định cư ở Tây Đức. Đọc thư, biết tin bạn đang cư ngụ ở Tây Berlin, tôi rất phấn khởi. Hồi đó ở Đông Đức điện thoại không phải ai cũng có, mà phải xếp hàng chờ đến lượt mới được lắp đặt, cũng như ôtô vậy. Một số mặt hàng cao cấp của tư bản phải cỡ cán bộ cấp Tôn Đản hay Nhà Thờ như ở Việt Nam mới được dùn. Hình như tiêu chuẩn phân chia đẳng cấp hưởng thụ này đi ngược đường lối cụ Mác thì phải. Không biết, ở dưới suối vàng cụ có ý kiến gì hay không? Do vậy, ông bạn cho số điện thoại, nhưng tôi đành chịu. Nếu muốn gọi, tôi chỉ còn cách là ra trung tâm bưu điện đăng ký, ngồi chờ đến lượt, phiền hà lắm. Thôi cứ viết thư cho chắc ăn vậy.   Tôi và Tân thân nhau từ khi cùng học trung học. Nhưng ông bạn này có tính hơi lập dị. Ấy là mọi người nghĩ như vậy. Tôi và hắn cùng thi Đại học y khoa. Tôi học yếu kém các môn tự nhiên nên rớt chỏng ngọng, chuyển sang sư phạm. Tân đỗ với điểm khá cao. Nếu ông bố không mắc tội xỏ nhầm giầy Tây, chắc hắn sẽ được du học ở các nước xã hội chủ nghiã anh em là cái chắc. Đang học ykhoa ngon lành, chẳng hiểu thế quái nào, hắn đùng đùng xin chuyển sang học khoa trồng trọt, của trường Đại học nông lâm. Ngày đi thực tập ở Tây nguyên, tý toáy tý mẻ thế nào, hắn lại ẵm luôn một cô công nhân lâm trường, rinh nàng về Sàigòn trong thời kỳ bao cấp, ngăn sông cấm chợ, muốn có hộ khẩu ở thành phố khó như chọc sao trên trời. Ông bố mắt tròn mắt dẹt nhìn ông con cứ như là người trên trời rơi xuống, chưa kịp có ý kiến gì, ông con đã rinh ngược nàng về Tây nguyên, quyết xây tổ ấm cùng nàng. Đùm đúm, dắt díu nhau sang Tây Đức, được một thời gian, nàng lặn một hơi không sủi tăm với một gã đàn ông giầu có khác, để lại cậu con trai làm kỷ niệm. Buồn chán hắn dẫn con dạt về Tây Berlin theo học lớp thợ cả.. Gió mùa thu đã quật đổ bức tường Berlin. Tân hẹn đón tôi ở cạnh cổng Brandenburg. Hôm đó không phải ngày cuối tuần, trời mưa , nhưng dòng người qua lại đông như chảy hội. Bức tường đã bị phá nham nhở. Cảnh sát hai bên đông và tây vẫn đứng gác. Khuôn mặt họ không còn hằn sâu những ngăn cách, đằm đằm soi mói như trước đây. Những nụ cười đôi khi đã hiện về trên khuôn mặt họ. Thực sự, họ đang chứng kiến những ngày đoàn tụ, có cả những nụ hôn và những giọt nước mắt. Tôi hoà mình vào dòng người ấy. Sợ tôi không nhìn thấy, Tân trèo hẳn lên tường cao vẫy. Đến gần chục năm không gặp nhau, nhìn Tân, tôi thấy, thay đổi không nhiều. Chúng tôi ôm nhau, mừng mừng tủi tủi, một cảm giác thật lạ lùng chạy dọc cơ thể. Tôi và Tân, mỗi người nhặt một cục gạch nhỏ dưới chân tường cho vào túi. Tân đập đập vào túi bảo: – Biết đâu sau này bán ra tiền đấy. Mày sang muộn. Tháng trước, ai sang cũng được nhận một trăm DM đấy. Qủa thật cảm giác lần đầu tiên đặt chân đến Tây Berlin, dù đã trên hai mươi năm qua, nhưng đến hôm nay vẫn còn tươi rói trong tôi. Nó cứ như là trong chuyện cổ tích khi còn bé thường hay đọc vậy. Hai bức tranh sống động thật sự tương phản, ngăn đôi là một bức tường vô tri vô giác. Dù  Đông Đức là một nước có thu nhập, đời sống cao đứng đầu trong khối xã hội chủ nghiã. Mải nhìn, tôi đập đầu vào cửa kính trong suốt trước mặt. Ngước mắt lên, thấy đó là cửa hàng bạt ngàn quần bò, áo da. Mắt tôi hoa lên, bất chợt tôi nhìn vào bàn tay còn dính đầy hoá chất (thuốc tím) của mình, bởi mài quần bò mốc giả, bán cho dân Đông Đức. Không hiểu ông bạn đồng nghiệp Cuba của tôi lúc này đang ở đâu? Bây giờ tôi thèm đưọc nghe câu nói cửa miệng của ông, mỗi khi gặp nhau: Việt Nam, đồ nhà quê. Anh tên Dũng có biệt danh Dũng gù. Anh lớn hơn tôi và Tân chừng sáu, bảy tuổi. Sau này quen thân, anh  kể về quê Phan Thiết của anh. Anh nguyên là phi công lái trực thăng của Quân đội Việt Nam cộng hoà. Một lần máy bay trúng đạn, anh bị thương ở cột sống, nên bây giờ lưng hơi bị gù. Cái danh Dũng gù có từ thuở ấy. Hàn huyên với nhau được một đêm, hôm sau phải đi học và làm việc, nên Tân bàn giao tôi cho Dũng gù. Anh vui vẻ nhận lời đưa tôi đi chơi, vì anh cũng còn độc thân và đang thất nghiệp. Anh bảo, thời gian này đang giúp đỡ anh em tị nạn từ Đông Đức và Đông Âu sang. Anh hỏi tôi có muốn đặt đơn tị nạn không, anh giúp. Tôi bảo từ từ cho em chơi ít ngày, vì em còn hai tuần phép nữa. Anh gật đầu: Thế cũng được. Trưa hôm đó, tôi theo xe anh chở thực phẩm của Hội người Việt vào cho anh chị em trong trại tị nạn gần Spandau. Xe chạy vòng qua cửa sau của nhà ăn. Thấy mấy anh em người Việt đang quây lại, túm áo một người đồng hương, trực đánh. Anh Dũng gù dừng xe lại, chạy đến can ngăn: –  Cùng anh em với nhau, định làm gì thế này. Tôi nhận ra mấy gã thuộc đội dệt, người Sài gòn ở Grünau- Leipzig. Chúng tôi quen nhau, vì các gã thường đến chỗ tôi xin tiết canh heo và đồ nhậu. Một gã phân bua: – Thằng cha này nguyên là Sứ vùng Dresden-Leipzig. Sang đến đây nó vẫn còn tính khệnh khạng làm cha, làm ông người khác. Đến giờ ăn, mọi người đều xếp hàng chờ. Đến muộn nó cứ trèo tuốt lên trên, lần nào cũng vậy. Hôm nay phải cho nó một bài học. Nhấc chiếc mũ đang sụp xuống hết cả mặt ra, đúng đốc An rồi.  Ối! sao hôm nay ông lại nhếch nhác, xộc xệch thế này. Oai phong mọi khi của ông biến đâu hết cả rồi. Tôi và Dũng gù nói mãi các anh mới chịu buông tay. Chia hàng cho mọi người xong, Dũng gù bảo: – về nhà cu Tân nấu cơm ăn, tối nay đến nghe cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói chuyện. Qủa thật, hôm đó chúng tôi đến, nhưng không nghe được gì. Bởi, tiếng ồn, tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng chửi phản đối át cả tiếng người diễn thuyết trước Mikro. Một lúc sau ào ào,cà chua, trứng gà, trứng vịt ném tới tấp lên bục diễn đàn. Chịu không nổi, cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu được ban tổ chức đưa chạy ra cửa sau, với những vết loang lổ trên áo. Theo Dũng gù, phần đông những người phản đối Tổng Thống Thiệu là các anh em Cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Đó là vào dịp Noel năm 1989. Bức tường Berlin tuy đã bị đập phá, dân chúng hai miền đã thông thương. Nhưng đồn bót canh gác của hai bên vẫn còn. Những người nước ngoài, hoặc người Việt sống ở phía Đông muốn sang Tây Berlin chơi, hoặc xin tị nạn vẫn phải trốn. Đi cổng chính, hoặc chui tường, nếu như cảnh sát Đông Đức nhìn thấy vẫn có thể bị giữ lại, không cho qua. Tôi có người bạn gái, hẹn đón bao lần ở cổng Brandenburg, nhưng không qua được. Cứ chiều xuống, tôi lại đứng dưới mưa nhìn dòng người qua lại, mong có bạn tôi trong đó. Nhưng chờ mãi, chờ mãi không thấy bạn đâu, để rồi: “……ngoài trời mưa tầm tã Lòng anh lạnh như mưa chỉ một bức tường kia hai trái tim ly biệt…. ……Hỡi bức tường kia ơi ! Ngươi vô tri vô giác Sao mà ngươi độc ác ước mơ em nho nhỏ ngươi nỡ bóp tan tành… ….    Em vẫn ở đằng đông Anh thì ở bên tây Hai khoảng trời cách biệt…. Đó là những đoạn thơ ngắn, nói thật tâm trạng của tôi trong những ngày này. Không hiểu tại sao năm ấy, gió và rét đến như vậy. . Leipzig- mùa thu 2009 Đỗ Trường  
......

Hiệp hội luật sư Hồng Kông thề sẽ ‘đứng lên không sợ hãi’ để giành độc lập tư pháp

Lê Ngọc Lan Hương Những thẩm phán Hồng Kông, được dẫn dắt bởi “đại bàng pháp lý” Philip Dykes tham gia các cuộc thăm dò của Hiệp hội luật sư Hồng Kông, thề sẽ ‘đứng lên không sợ hãi’ để giành độc lập tư pháp cho quốc đảo này. Trong bản thỏa thuận giữa Vương quốc Anh và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, khi được chuyển giao là chỉ có quyền Tư pháp độc lập, nên các thẩm phán Hồng Kông phải quyết giữ được điều này. Khi hành pháp vẫn còn bị Chinazi- được mệnh danh là Quốc xã Trung Quốc thao túng thì tư pháp độc lập đã là một lợi thế cực kỳ to lớn của người dân Hồng Kông. Cách riêng là cho những người đấu tranh cho nhân phẩm con người tại xứ này. Tại Trung Quốc, báo chí không phản ánh đúng bản chất của sự việc, bẻ cong ngòi bút theo định hướng, các ký giả không biết làm cách nào cho người đọc báo có chút niềm tin vào cuộc sống này, chung quanh ta giả dối đã ngự trị nhiều quá rồi…May mắn là ở Hồng Kông còn có tự do báo chí, thành trì cuối cùng của nền tự do báo chí ở những xứ thuộc Tàu hoặc ảnh hưởng bởi Tàu. Các thẩm phán Hồng Kông, và đại đa số người dân sẽ lợi dụng triệt để những lợi thế này cho cuộc đấu tranh. Trong văn minh Á Đông, lời nói đọi máu nên người ta kiệm lời. Nói là nhẹ nhất, hứa đã nặng rồi, lời thề lại càng nặng nữa. Giới thẩm phán Hồng Kông đã thề đấu tranh đến cùng, vậy gần như mọi “giai cấp” của Hồng Kông không còn sót một ai đều đi theo thủ lĩnh phong trào sinh viên Hoàng Chi Phong.    
......

“ If we burn, you burn with us!”

Manh Kim| Chừng ba tiếng sau khi Carrie Lam rời lễ đài kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc, những phát đạn thật đã nổ ra ở Hong Kong. Đó không chỉ là phát đạn bắn gục một thanh niên 18 tuổi mà là phát đạn bắn thủng vào mô hình quyển Hiến pháp khổng lồ mà Trung Cộng trưng ra diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn trước đó chỉ vài giờ. Cảnh sát Hongkong đã nã súng vào một thiếu niên tham biểu tình tên là Tsang Chi-kin, viên đạn nã vào ngực em  thủng phổi trái. 1-10-2019 là một trong những ngày kinh khủng nhất ở Hong Kong kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra. Các cuộc trấn áp cảnh sát là cực kỳ bạo lực và phe biểu tình cũng đáp trả bằng tất cả những gì họ có thể. Hơn 180 người bị bắt, 25 cảnh sát bị thương và 74 người phải nhập viện cấp cứu – theo tin từ cảnh sát. Cũng theo cảnh sát, 6 phát đạn thật đã bắn ra vào ngày 1-10. Một ở Tai Ho Road (bắn vào nạn nhân 18 tuổi, khoảng 4g15 chiều); hai phát bắn chỉ thiên tại Mong Kok; hai bắn ở Sha Tsui Road và một bắn ở Sha Tin Pass Road. Ít nhất 6.000 cảnh sát đã được huy động khắp Hong Kong. Đụng độ dữ dội đã xảy ra tại 13 địa điểm khác nhau. Lửa và máu là hai thứ in đậm nhất trên những hình ảnh và video vào ngày mà Hong Kong chìm trong hỏa ngục. Điều gì xảy ra tiếp theo? Chắc chắn bạo lực leo thang và đổ máu nhiều hơn, thậm chí chết người. Đã qua rồi thời của phong trào Dù Vàng 2014 khi tinh thần phản kháng còn giới hạn ở khái niệm “hòa-lý-phi” (“woh-leih-fei” – ôn hòa, phi bạo động và có lý lẽ). Từ khi cuộc biểu tình lần này nổ ra vào ngày 16-6-2019, tinh thần của nó đã là “If we burn, you burn with us!” – một thông điệp mà người biểu tình rút ra từ phim The Hunger Games. Nếu muốn chơi thì chơi đến cùng. Nếu muốn leo thang bạo lực thì đáp trả bằng bạo lực. Nếu muốn chết thì cùng chết! Cho đến thời điểm này, trừ việc xua lực lượng “ái quốc” từ Đại lục sang Hong Kong để phá rối người biểu tình, Bắc Kinh vẫn “tôn trọng” chính sách “nhất quốc, lưỡng chế” bằng việc để cho chính quyền Hong Kong trực tiếp ra mặt xử lý. Carrie Lam hoàn toàn là con rối được giật dây từ phía sau. Bắc Kinh tin rằng, bằng việc kéo dài thời gian, người biểu tình sẽ cạn sức và bỏ cuộc. Chính quyền thừa tiền và nguồn nhân lực lẫn vật lực để “vật lộn” với người biểu tình. Trung Cộng cũng tin rằng, giới giàu có Hong Kong sẽ dùng ảnh hưởng để kêu gọi người biểu tình hạ màn. Trong diễn văn tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh đầu tháng 9-2019, Tập Cận Bình đã khước từ đề xuất tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đưa quân đội vào Hong Kong để “dẹp loạn” (Foreign Affairs 30-9-2019). “Cuộc biểu tình sẽ đi đến một con đường chính trị không lối thoát” - Tập nói - “Chính phủ trung ương sẽ cố gắng hết sức kiên nhẫn cũng như kiềm chế và để chính quyền (đặc khu) lẫn lực lượng cảnh sát địa phương giải quyết cuộc khủng hoảng”. Tập nói thêm: “Yếu tố phát triển kinh tế là chiếc chìa khóa vàng để xử lý tất cả vấn đề mà Hong Kong đối mặt hôm nay” – hàm ý rằng một khi người Hong Kong nói chung nhận thức được rằng sẽ chẳng đến đâu, ngoài thiệt hại kinh tế ngày càng nghiêm trọng, thì họ buộc phải tự “giải giáp”. Giữa tháng 9-2019, tờ Nhân Dân nhật báo đăng một bài bình luận dài nhấn mạnh đề xuất tịch thu đất tư ở Hong Kong để xây nhà giá rẻ cho người Hong Kong. Chính phủ Hoa lục đến nay vẫn nghĩ và tin rằng nguồn gốc cuộc biểu tình nằm ở yếu tố bất công xã hội trong đó vấn đề khủng hoảng nhà ở vốn là câu chuyện muôn thuở đối với đa số người Hong Kong. Tuy nhiên, “tư duy chính trị” của Bắc Kinh, lấy thước đo vật chất cũng như “thước đo” lòng người Hoa lục, để làm “đấu pháp” đối với người Hong Kong, xem ra là sai lầm. Người Hong Kong, dù chen chúc trong những căn hộ chung cư nhỏ bằng cái “lỗ mũi”, vẫn không cần nhà. Họ chẳng cần ngôi nhà nào khác trừ ngôi nhà mà họ đã có – ngôi nhà của tự do và độc lập. “Quang phục Hương Cảng-Thời đại cách mạng” là điều họ cần. “Ngũ đại tố cầu, khuyết nhất bất khả” (tất cả 5 yêu cầu phải được thỏa mãn, thiếu một cũng không được) là điều họ đòi. Cho đến thời điểm này, những chiếc dù vẫn giương lên. Cuộc biểu tình không hề mang chút dáng dấp cái gọi là “phong trào” nhất thời từ những “bức xúc” đòi hỏi vật chất. Nó đã trở thành một cuộc chiến. Một cuộc đọ sức đến cùng để giành độc lập và tự do. Bất luận thế nào, viễn cảnh một chiến dịch trấn áp tàn bạo và khốc liệt không thể loại trừ. Đã “nhịn” để cho qua ngày quốc khánh, giờ thì Bắc Kinh sẽ thẳng tay đàn áp bằng những phiên bản Thiên An Môn nhỏ hơn? Giữa tháng 9-2019, một cách âm thầm, Bắc Kinh đã chỉ định Bộ trưởng Công an Triệu Khắc Chí kiêm nhiệm chức phó chủ tịch Ủy ban liên lạc Macau-Hong Kong (cơ quan quyền lực nhất chịu trách nhiệm hoạch định chính sách về các vấn đề liên quan Hong Kong và Macau). Cuối tháng 8-2019, trong chuyến kinh lý Quảng Đông, Triệu Khắc Chí đã yêu cầu cảnh sát Hong Kong dập tắt “những hoạt động khủng bố và bạo lực” để bảo vệ an ninh chính trị trước ngày quốc khánh. Từ tháng 1-2019, Triệu cũng đã nói rằng Trung Quốc phải bằng mọi giá ngăn chặn và tiêu diệt các “cuộc cách mạng màu” đe dọa chế độ. Người Hong Kong luôn đi trước Bắc Kinh một bước với nhiều động thái thông minh, đặc biệt trong việc “quốc tế hóa” vấn đề. Họ không hề bày ra trước mắt thế giới mình là nạn nhân. Họ cho thế giới thấy họ là những chiến binh đang giành lấy những giá trị và nhân phẩm đáng có. Họ không thể kêu gọi thế giới cứu họ trong khi họ chẳng làm gì để cứu bản thân. Tháng 6-2019, họ đã thành công trong việc kêu gọi đóng góp hàng trăm ngàn đôla để mở chiến dịch quảng cáo trên hơn 10 tờ báo quốc tế, thúc giục lãnh đạo thế giới dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka quan tâm đến Hong Kong. Các chiến dịch vận động quốc tế của họ đã không vô ích. Cả hai ủy ban đối ngoại của Thượng lẫn Hạ viện Hoa Kỳ đều vừa chuẩn thuận Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019. Trên trang Facebook của Nathan Law (La Quán Thông) ngày 30-9-2019, có một video clip ngắn chỉ người nước ngoài cách phát âm những khẩu hiệu khi tham gia biểu tình ủng hộ Hong Kong. “Heung Gong yan, gaa yau” (Hương Cảng nhân, cố lên); “Mm dai sou kau, kuet yut bud hor” (5 yêu cầu, không thiếu một); “Gwong fuk Heung Gong, si doi gaap ming” (Quang phục Hương Cảng, Thời đại cách mạng). Đây cũng là một cách thông minh để lôi kéo sự kề vai của cộng đồng giới trẻ thế giới để cùng tạo ra làn sóng ủng hộ chính nghĩa của người Hong Kong trong cuộc chiến đương đầu tên khổng lồ Trung Cộng. Thật khó có thể bẻ gãy tinh thần người Hong Kong vào lúc này. Đến giờ họ vẫn duy trì tinh thần đoàn kết không thể nào có thể bị khuất phục. Càng trấn áp bằng bạo lực càng sẽ được đáp trả bằng bạo lực. “If we burn, you burn with us!”.
......

Mỹ sắp có thêm dự luật về Đài Loan.

Trần Đình Thu MỸ SẮP CÓ THÊM MỘT DỰ LUẬT VỀ ĐÀI LOAN, CÓ VẺ LÀ TÍN HIỆU DỌN ĐƯỜNG CHO VIỆC CÔNG NHẬN CHÍNH THỨC ĐÀI LOAN Đó là Dự luật Bảo vệ và Tăng cường Đồng minh Quốc tế với Đài Loan, vừa được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ nhất trí thông qua. Có 3 nội dung quan trọng nhất trong dự luật này. Thứ nhất là dự luật yêu cầu Mỹ cần ủng hộ tư cách thành viên hoặc quan sát viên của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế, hai là yêu cầu tổng thống Mỹ thường xuyên thực hiện sự chuyển giao sản phẩm quốc phòng cho Đài Loan và ba là dự luật cho phép ngoại trưởng điều chỉnh sự hiện diện ngoại giao của Mỹ, mở rộng, chấm dứt hoặc giảm viện trợ với các quốc gia đang xem xét hạ cấp quan hệ - chính thức hoặc không chính thức - với Đài Loan. Như vậy dự luật này có ý nghĩa giúp nâng cao vị thế của Đài Loan đối với quốc tế, răn đe các nước cắt đứt ngoại giao với Đài Loan và có vẻ như muốn tạo tiền đề cho việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Việc ra các đạo luật dồn dập liên quan đến các vùng lãnh thổ khác nhau của Trung quốc là một chiến lược nhằm chia tách Trung quốc, nằm trong chiến lược chung làm suy yếu Trung quốc của tổng thống Trump và lưỡng đảng Mỹ. Với cách làm này thì Trung quốc khó lòng đấu lại Mỹ.  
......

Cuộc “đại thẩm phán” tại LHQ hay điếu văn cho chủ nghĩa cộng sản?

Tân Phong – Web Việt Tân Hôm 24 tháng Chín, 2019, bài diễn văn tấn công mạnh mẽ vào Trung Quốc của Tổng Thống Donald Trump tại diễn đàn Liên Hợp Quốc hẳn đã làm nức lòng nhiều người trên hành tinh. Với lời lẽ đanh thép, hùng hồn, phong thái điềm tĩnh đầy uy lực, Tổng Thống Donald Trump đã lên tiếng vạch trần những tội ác đàn áp tôn giáo, bức hại những người dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay việc đàn áp các phong trào biểu tình ở Hong Kong của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Không những thế, Tổng Thống Trump còn liệt kê bản chất con buôn của Trung Quốc qua việc lợi dụng các tổ chức quốc tế như WTO, UN nhằm trục lợi thương mại trong khi tiến hành các hoạt động gian lận, ăn cắp bản quyền trí tuệ, bí mật kinh tế; ép buộc chuyển giao công nghệ; trợ giá cho các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh không lành mạnh, ngăn cản tự do thương mại theo các thỏa thuận quốc tế… được chính quyền Bắc Kinh thực hiện một cách qui mô và gây thiệt hại cho các quốc gia khác đặc biệt là Mỹ (thâm hụt ngân sách hơn 550 tỷ USD và mất 60.000 doanh nghiệp, tập đoàn). Đây cũng là lần đầu tiên một tổng thống Hoa Kỳ đã nêu các vấn đề nhạy cảm nhất là vấn đề Tự Do Tôn Giáo ra diễn đàn LHQ và kêu gọi các quốc gia khác tôn trọng quyền Tự Do Tín Ngưỡng và bảo vệ các giá trị phổ quát về Nhân Quyền. Có lẽ đây là lần đầu tiên, Trung Quốc – một quốc gia thường trực Hội Đồng Bảo An LHQ, nền kinh tế và quân sự thứ 2 thế giới, đầy tham vọng và kiêu hãnh lại phải cúi đầu chịu đựng một sự công khai chỉ trích trước diễn đàn lớn nhất thế giới như vậy. Đây dường như là một cuộc “đại thẩm phán” và kẻ đứng trước vành móng ngựa là chính quyền Bắc Kinh đang bị cáo buộc những tội danh nặng nề nhất về vi phạm các chuẩn mực Đạo đức và Công lý. Vì thế mà qua phát biểu của ông Donald Trump, hàng loạt các quốc gia đồng minh với Mỹ và cả những quốc gia nhỏ bé khác cũng lên tiếng phản đối những việc làm xấu xí của Trung Quốc. Đó là một việc chưa từng xảy ra từ khi thành lập tổ chức LHQ. Việc làm này của Tổng Thống Donald Trump đã chính thức tuyên bố cuộc “thập tự chinh” nhân danh các giá trị về Tôn giáo, Nhân quyền và Pháp luật quốc tế và kẻ đối đầu phía bên kia chiến tuyến là nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Cũng chính tại đây, trước toàn thế giới, ông Donald Trump trực diện cáo buộc chế độ cộng sản, chủ nghĩa xã hội với những lời lẽ có sức công phá như những trái bom nguyên tử trút xuống đầu những chế độ vẫn duy trì thứ chủ nghĩa độc ác, phi nhân, lừa dối và tham tàn này: “Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội không phải vì công lý, bình đẳng, không phải vì nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những gì tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chỉ vì một điều duy nhất: Quyền lực của giai cấp cai trị! Nếu các bạn muốn tự do, vậy thì hãy tự hào về quốc gia mình, nếu các bạn muốn dân chủ, hãy bảo vệ chủ quyền của mình. Và nếu các bạn muốn hòa bình, hãy yêu quý dân tộc mình. Những nhà lãnh đạo sáng suốt luôn đặt lợi ích của dân tộc mình, của quốc gia mình lên trên hết. Tương lai không thuộc về những người theo chủ nghĩa toàn cầu. Tương lai thuộc về những người yêu nước! Tương lai thuộc về các quốc gia độc lập và có chủ quyền, những người biết bảo vệ công dân của mình, biết tôn trọng biên giới và vinh danh sự khác biệt vốn khiến mỗi quốc gia trở nên đặc biệt và duy nhất.” Những tuyên ngôn rõ ràng như chân lý này của Tổng Thống Donald Trump đã sổ toẹt những thứ ngụy biện, sáo rỗng, đạo đức giả, những trò hề và thói lưu manh chính trị bấy lâu nay. Chủ nghĩa xã hội hay cộng sản với những thể chế độc ác và lố bịch vẫn còn đang che phủ bóng đen ma quái, lừa mị trên trái đất và quốc gia tiêu biểu nhất mà nó đang ngự trị là Trung Quốc, bị “chỉ mặt đặt tên” là nguồn cơn gây ra đau khổ và tàn lụi, tham nhũng và đói nghèo. Dân tộc Mỹ, tự nhận trách nhiệm thiêng liêng là kiến tạo và bảo vệ thế giới tốt đẹp hơn, vinh danh Đấng Thiên Chúa. Với tất cả lý lẽ hùng hồn này, với tất cả quyết tâm và đức tin, với sức mạnh của siêu cường số 1 thế giới, người ta hy vọng là Tổng Thống Donald Trump cùng với những cố vấn ưu tú trong nội các hiện nay, sẽ làm được những điều xứng đáng với sứ mệnh của THIÊN CHÚA đã lựa chọn: Là quốc gia, dân tộc “dưới Thiên Chúa”. Đây có thể được coi như mốc dấu đáng ghi nhớ cho những kẻ độc tài còn theo đuổi, lợi dụng thứ học thuyết đã giết chết hơn 100 triệu người, đã nô dịch hơn một nửa nhân loại và vẫn đang tàn phá hành tinh này để tiếp tục phục vụ cho những mưu cầu lợi ích, quyền lực của chúng. Lời cáo buộc đanh thép của Tổng Thống Donald Trump ngày 24 tháng Chín, 2019 cũng chính là điếu văn cho chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta hãy ghi nhớ ngày hôm nay và chứng kiến sự sụp đổ được báo trước, không thể tránh né của đế chế tội ác vĩ đại nhất loài người – Trung Quốc Cộng Sản đảng và những tập đoàn tội ác chư hầu của nó vẫn đang nhân danh “do dân và vì dân”, “không có lợi ích nào ngoài lợi ích nhân dân”. Hãy chung tay để đưa tiễn chúng về nơi dành cho chúng, để ánh sáng Tự Do được thắp lên, và để quốc gia này được sinh đẻ lại một lần nữa và được hưởng hạnh phúc tròn đầy. 25/9/2019 Tân Phong  
......

Cô bé Greta: Gáo nước lạnh tạt vào mặt các lãnh đạo thế giới

Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân| Ai là người không khỏi bàng hoàng và xúc động khi nghe những lời tâm huyết thoát ra từ miệng cô bé Greta Thunberg trước một cử tọa hơn 60 vị lãnh đạo tối cao các quốc gia trên thế giới tại Buổi Họp Thượng Đỉnh “Hành Động Vì Khí Hậu Năm 2019” của Liên Hiệp Quốc tại New York. Chỉ mới 16 tuổi đầu, với những phát biểu cực kỳ sâu sắc và táo bạo về nguy cơ của việc thay đổi khí hậu đang tàn phá trái đất mà viễn ảnh đen tối rất gần là sự hủy diệt, Greta, chỉ trong vòng 1 năm qua, đã tạo nên một phong trào đang phát triển ngày càng nhanh chóng và, như một cơn bão lớn, lan rộng khắp nơi phản đối thái độ thờ ơ của những người lãnh đạo thế giới. Greta Thunberg phát biểu. Trong một phát biểu ngắn gọn chỉ khoảng 4 phút, Greta đã có những lời đanh thép như sau: “Thông điệp của tôi gửi đến Quý Vị là ‘Chúng tôi sẽ canh chừng Quý Vị đấy.’ Mọi chuyện thật là sai trái. Lý ra tôi không phải có mặt ở đây. Lý ra tôi phải ở trường, ở phía bên kia đại dương… Quý Vị đã cướp đi giấc mơ và tuổi thơ của chúng tôi với những lời sáo rỗng. Tôi là một người may mắn. Nhưng người ta đang đau khổ. Người ta đang chết. Toàn thể hệ thống môi sinh đang sụp đổ. Cả một tiến trình hủy diệt vĩ đại đang bắt đầu, vậy mà điều duy nhất mà Quý Vị chỉ nói đến là tiền và những câu chuyện viển vông về phát triển kinh tế. Sao Quý Vị cả gan làm như vậy! Đã hơn 30 năm qua, khoa học đã rõ ràng. Tại sao Quý Vị dám tiếp tục ngoảnh mặt làm ngơ và tới đây nói rằng Quý Vị đã làm đủ bổn phận trong khi chẳng thấy đưa ra chính sách và giải pháp nào cả. Quý Vị nói Quý Vị đã lắng nghe chúng tôi và hiểu được sự khẩn cấp. Vậy mà, dù tôi có buồn giận cách mấy tôi cũng không thể tin được điều đó. Bởi vì, nếu Quý Vị thật sự hiểu được tình hình và mà vẫn tiếp tục không hành động thì Quý Vị quả thật là xấu xa tội lỗi. Và đó là điều tôi từ chối không muốn tin … Tại sao Quý Vị dám nói rằng có thể giải quyết tình trạng này khi chỉ ‘tiếp tục làm việc như bình thường’ và với vài giải pháp kỹ thuật … Quý Vị đang tắc trách đối với chúng tôi. Tuy nhiên, những người trẻ đã bắt nhìn ra sự phản bội của Quý Vị. Những cặp mắt của các thế hệ tương lai đang nhìn Quý Vị. Và nếu Quý Vị chọn bỏ rơi chúng tôi thì tôi xin thưa là ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho Quý Vị. Chúng tôi sẽ không để cho Quý Vị trốn tránh. Ngay tại đây, ngay lúc này, chúng tôi khẳng định như vậy. Thế giới đã thức tỉnh. Và sự thay đổi đang tới, dù Quý Vị muốn hay không. Xin cảm ơn.” Tất cả hội trường đã nhiều lần vỗ tay đồng tình với những phát biểu của Greta. Điều mà ai cũng có thể tin chắc sẽ xảy ra là phát biểu của Greta sẽ tiếp tục làm cho phong trào phản đối sự thờ ơ tắc trách của những người lãnh đạo thế giới đối với nguy cơ hủy diệt trái đất đang diễn ra, tuy âm thầm (có thể vì người ta cố ý né tránh không nói tới) nhưng vô cùng mạnh mẽ, sẽ trở nên mãnh liệt như sóng thần. Có sai không khi nói rằng trái đất đang nổi cơn thịnh nộ vì sự vô tình, vô ơn và vô trách nhiệm của con người, và đã sản sinh ra cô bé Greta để dạy cho con người một bài học xứng đáng. Mong rằng nhân loại có đủ sáng suốt để lãnh hội bài học trước khi quá muộn. Đỗ Đăng Liêu https://viettan.org/co-be-greta-gao-nuoc-lanh-tat-vao-mat-cach-lanh-dao-the-gioi/ https://youtu.be/haewHZ8ubKA    
......

Cuộc khủng hoảng sắp tới của chế độ độc đảng Trung Quốc

Minxin Pei - Biên dịch: Phan Nguyên| Vào ngày 1 tháng Mười năm nay, để đánh dấu 70 năm ngày quốc khánh nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Chủ Tịch Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu nhằm ca ngợi thành tích của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kể từ năm 1949. Nhưng bất chấp sự tự tin và lạc quan rõ ràng của ông Tập, các thành viên trên dưới của  Đảng ngày càng lo lắng cho triển vọng tương lai của chế độ – với những lý do chính đáng. Vào năm 2012, khi Tập lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ, ông đã hứa rằng Đảng sẽ cố gắng mang lại những thành công vĩ đại trước thềm hai lễ kỷ niệm một trăm năm sắp tới, đó là ngày thành lập ĐCSTQ vào năm 1921 và ngày quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Nhưng một sự suy giảm kinh tế dai dẳng và căng thẳng gia tăng với Hoa Kỳ có thể sẽ làm xáo trộn tâm trạng của ĐCSTQ trong lễ kỷ niệm năm 2021. Và chế độ độc đảng thậm chí có thể không tồn tại được cho đến năm 2049. Mặc dù về mặt kỹ thuật không có giới hạn thời gian đối với một chế độ độc tài, nhưng ĐCSTQ đang đến gần với giới hạn tuổi thọ dành cho chế độ độc đảng. Đảng Cách Mạng Thể Chế Mexico từng nắm giữ quyền lực trong 71 năm (1929-2000); Đảng Cộng Sản Liên Xô cầm quyền trong 74 năm (1917-1991); và Quốc Dân Đảng ở Đài Loan nắm quyền trong 73 năm (từ 1927 đến 1949 ở đại lục và từ 1949 đến 2000 tại Đài Loan). Chế độ Bắc Triều Tiên, một triều đại gia đình trị kiểu Stalinist đã cai trị 71 năm, hiện là đối thủ cạnh tranh đương thời của ĐCSTQ. Nhưng các mẫu hình lịch sử không phải là lý do duy nhất khiến ĐCSTQ phải lo lắng. Các điều kiện cho phép chế độ phục hồi sau các thảm họa tự gây ra của chủ nghĩa Mao và trở nên thịnh vượng trong bốn thập niên qua phần lớn đã được thay thế bởi một môi trường ít thuận lợi hơn – và một số khía cạnh đã trở nên nhiều thù địch hơn. Mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại lâu dài của Đảng nằm ở cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra với Mỹ. Trong phần lớn thời kỳ hậu Mao, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã giấu mình trên trường quốc tế, cố gắng tránh xung đột trong khi xây dựng sức mạnh trong nước. Nhưng đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế, theo đuổi chính sách đối ngoại ngày càng phô trương cơ bắp. Điều này đã làm bất an Hoa Kỳ, nước đã bắt đầu dần dần chuyển từ chính sách can dự sang chính sách đối đầu vốn đã rõ ràng hiện nay. Với khả năng quân sự, công nghệ, hiệu quả kinh tế vượt trội cùng mạng lưới liên minh (vẫn mạnh mẽ bất chấp sự lãnh đạo mang tính phá hoại của Tổng Thống Donald Trump), Mỹ có nhiều khả năng thắng thế trong cuộc chiến tranh lạnh Trung-Mỹ hơn so với Trung Quốc. Mặc dù chiến thắng của Mỹ có thể sẽ rất tốn kém, nhưng nhiều khả năng Mỹ sẽ định đoạt được số phận của ĐCSTQ. ĐCSTQ cũng phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn. Cái gọi là phép màu của Trung Quốc được thúc đẩy bởi một lực lượng lao động lớn và trẻ, đô thị hóa nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tự do hóa thị trường và toàn cầu hóa – tất cả các yếu tố này đã suy giảm hoặc biến mất. Những cải cách rốt ráo – đặc biệt là trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả và chấm dứt các chính sách thương mại tân trọng thương – có thể duy trì đà tăng trưởng. Nhưng, dù hô hào cải cách thị trường hơn nữa, nhưng ĐCSTQ miễn cưỡng thực hiện chúng, thay vào đó lại bám vào các chính sách có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước và gây hại cho các doanh nghiệp tư nhân. Do khu vực nhà nước đóng vai trò nền tảng kinh tế cho chế độ độc đảng, nên triển vọng các lãnh đạo ĐCSTQ sẽ đột nhiên ủng hộ cải cách kinh tế triệt để là mờ mịt. Xu hướng chính trị trong nước cũng đáng lo ngại tương tự. Dưới thời ông Tập, ĐCSTQ đã từ bỏ chủ nghĩa thực dụng, sự linh hoạt về ý thức hệ và lãnh đạo tập thể vốn đã rất hiệu quả trong quá khứ. Với sự áp dụng chủ nghĩa tân Mao của Đảng – bao gồm tuân thủ nghiêm ngặt ý thức hệ, kỷ luật tổ chức cứng nhắc và chế độ cai trị một người dựa trên việc gieo rắc nỗi sợ hãi – rủi ro của những sai lầm chính sách thảm khốc đang gia tăng. Chắc chắn là ĐCSTQ sẽ không chịu sụp đổ mà không nỗ lực đấu tranh chống lại điều đó. Khi sự kiểm soát quyền lực suy yếu dần, có lẽ Đảng sẽ cố gắng khơi dậy chủ nghĩa dân tộc trong số những người ủng hộ, đồng thời tăng cường đàn áp những người chống đối. Nhưng chiến lược này không thể cứu vãn nổi chế độ độc đảng của Trung Quốc. Mặc dù chủ nghĩa dân tộc có thể tăng cường sự ủng hộ dành cho ĐCSTQ trong ngắn hạn, năng lượng của nó cuối cùng sẽ tiêu tan, đặc biệt là nếu Đảng không thể tiếp tục cải thiện mức sống cho người dân. Và một chế độ phụ thuộc vào cưỡng ép và bạo lực sẽ phải trả giá đắt vì hoạt động kinh tế sẽ bị kìm nén, sự kháng cự của người dân gia tăng, chi phí an ninh leo thang, đi kèm với sự cô lập quốc tế. Đây không phải là bức tranh đáng phấn khởi mà ông Tập sẽ trình bày cho người dân Trung Quốc vào ngày 1 tháng Mười tới. Nhưng không có liều lượng dân tộc chủ nghĩa nào có thể thay đổi được thực tế rằng sự tan rã của chế độ ĐCSTQ hiện đang đến gần hơn bao giờ hết kể từ khi kết thúc thời đại của Mao. Minxin Pei là giáo sư ngành quản trị chính quyền của Đại học Claremont McKenna và là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism. Nguyên bản Anh ngữ: “The Coming Crisis of China’s One-Party Regime”, Minxin Pei, Project Syndicate, 20/09/2019. Biên dịch: Phan Nguyên Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế  
......

Các nước Châu Âu quyết tâm hiện diện thường xuyên tại Biển Đông

Thụy My - RFI| “Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp mang lại cho các chính phủ Châu Âu thêm nhiều ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc trên các vấn đề địa chính trị thiết thân.” Nhật báo South China Morning Post xuất bản tại Hong Kong dẫn lời các nhà phân tích nhận định, trong lúc căng thẳng đang tăng lên trong khu vực, các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức rất muốn chứng tỏ họ không phải là các đối tác thương mại thụ động. Châu Âu nay phải chọn phe Các nước lớn Châu Âu tìm cách nâng cao vị thế tại Châu Á-Thái Bình Dương. Theo các nhà phân tích, những cuộc tuần tra vì tự do hàng hải và các tuyên bố quan ngại về sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông cho thấy ý muốn duy trì sự hiện diện thường xuyên trong khu vực của các quốc gia này. Ông Frans-Paul Van Der Putten, nhà nghiên cứu thuộc Viện Clingendael, một think tank độc lập ở Hà Lan nhận xét: “Cho đến cách đây vài năm, các nước Châu Âu thường chỉ thích đóng vai trò thứ yếu trong an ninh khu vực vùng Đông Á. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, họ thấy rằng cần phải khẩn trương tham gia.” Vẫn theo ông Putten: “Việc gởi chiến hạm đến các vùng biển tranh chấp giúp cho các chính phủ Châu Âu gia tăng ảnh hưởng trong quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc, trên các vấn đề địa chính trị thiết thân. Châu Âu từ lâu đã quen với việc đứng giữa hai đại cường là Hoa Kỳ và Nga, tuy nhiên chính quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đang ngày càng làm Châu Âu phải xác định lại quan điểm địa chính trị. Điều này đặt các chính phủ Châu Âu vào thế lưỡng nan, họ chịu đựng áp lực ngày càng tăng là phải chọn phe.” Đánh giá của ông Van Der Putten được đưa ra sau khi ba nước Anh, Pháp, Đức trong một thông cáo chung vào cuối tháng trước đã tuyên bố “quan ngại về tình hình Biển Đông, có thể dẫn đến mất an ninh và căng thẳng trong khu vực.” Anh, Pháp, Đức cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ “có những bước đi và biện pháp làm dịu căng thẳng, góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực.” Mỹ, Anh, Pháp tập trận và tuần tra Biển Đông Trung Quốc vốn đòi hỏi chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, liên tục lao vào tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei. Hoa Kỳ tuy không yêu sách chủ quyền, nhưng coi khu vực này là một phần của chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự bành trướng quân sự của Trung Quốc tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong nỗ lực chứng tỏ phô trương sức mạnh và sự đoàn kết, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung trên Biển Đông hồi tháng Hai, trong khi Pháp gởi chiến hạm chở trực thăng Dixmude thuộc lớp Mistral hiện đại, và một khinh hạm đến quần đảo Trường Sa vào năm ngoái. Anh Quốc quyết tâm khẳng định quyền tự do hàng hải tại các vùng biển quốc tế, cùng với các đồng minh Hoa Kỳ và Úc, đã thẳng thừng bảo vệ các hành động tương tự chống lại một Trung Quốc ngày càng thêm hiếu chiến. Năm ngoái, Luân Đôn loan báo đã có kế hoạch đưa hàng không mẫu hạm mới mang tên HMS Queen Elizabeth đến Châu Á-Thái Bình Dương trong lần triển khai hoạt động đầu tiên, dự kiến vào năm 2021. Phát biểu tại Luân Đôn tuần trước, Thiếu Tướng Tô Quảng Huy (Su Guanghui), tùy viên quân sự Trung Quốc ở Anh nói: “Nếu Hoa Kỳ và Anh Quốc liên kết lại để thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là một hành động thù địch.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cuối tuần trước tuyên bố Hà Nội hoan nghênh tất cả các hoạt động nhằm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. EU-Mỹ: Hợp tác quân sự, bất đồng về kinh tế chính trị Mặc dù hợp tác về quân sự, Hoa Kỳ và Châu Âu vẫn có những bất đồng trên lãnh vực kinh tế và chính trị. Tuần trước, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu loan báo một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ và các biện pháp thúc đẩy nền kinh tế trong ba năm, khiến Tổng Thống Mỹ Donald Trump bực tức. Ông viết trên Twitter: “Họ đang thử và thành công trong việc hạ giá đồng Euro để chống lại đồng đô la rất mạnh, làm phương hại đến xuất khẩu của Hoa Kỳ.” Tháng trước, ông Trump cũng chỉ trích chính phủ Pháp về việc đánh thuế vào dịch vụ kỹ thuật số, mà ông cho rằng nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ, đe dọa sẽ trả đũa bằng cách đánh thuế vào rượu vang Pháp. Chủ Tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk tuyên bố, Liên Hiệp Châu Âu (EU) sẽ “đáp trả tương tự” nếu Washington dùng đến biện pháp trừng phạt này. EU-Trung Quốc: Xung đột về nhân quyền và kinh tế EU cũng bị lôi kéo vào một cuộc xung đột gay gắt với Trung Quốc, vì các doanh nghiệp Châu Âu bị phân biệt đối xử khi hoạt động tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Trong một văn bản công bố hồi đầu năm nay, Ủy Ban Châu Âu kêu gọi các nhà lãnh đạo EU thông qua bản kế hoạch 10 điểm, coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh về kinh tế” và “địch thủ mang tính hệ thống, đang xúc tiến một mô hình quản trị thay thế”. Về mặt nhân quyền, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Berlin gia tăng sau khi Ngoại Trưởng Đức Heiko Maas gặp gỡ nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) tuần trước. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói “rất không hài lòng” về cuộc gặp này, còn Đại Sứ Trung Quốc tại Đức cho biết đồng nhiệm Đức ở Bắc Kinh đã được triệu mời vì sự kiện trên. Biển Đông: EU muốn trở thành một trong những nhân tố chính Sarah Raine, nhà tư vấn về địa chính trị của Viện Nghiên Cứu Quốc Tế về Chiến Lược ở Luân Đôn nói rằng bà không ngạc nhiên trước việc Liên Hiệp Châu Âu muốn can dự vào tranh chấp Biển Đông và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Bà nhận xét: “Đó là hệ quả tự nhiên của một thực tế là tại Châu Á, Liên Hiệp Châu Âu đã quá chán ngán khi luôn bị coi là một đối tác thương mại đơn thuần. Nói cách khác, coi như EU không liên quan đến các vấn đề chiến lược lớn của lục địa này, cho dù vai trò của Châu Á là quan trọng đối với Liên Hiệp Châu Âu.” Theo Sarah Raine, “Khi can dự chặt chẽ hơn vào các diễn tiến tại Biển Đông, các quốc gia hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu cùng phối hợp với nhau để ủng hộ các giải pháp đa phương, cho các vấn đề đa phương, thông qua các đối tác đa phương – theo kiểu ASEAN – tất cả nằm trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.” Còn theo Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu chủ chốt của chương trình chuyển giao vũ khí và chi tiêu quân sự, thuộc Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), Thụy Điển, Liên Hiệp Châu Âu cố gắng gia tăng ảnh hưởng lên Trung Quốc và Hoa Kỳ qua việc chứng tỏ EU cũng là một nhân tố chính tại vùng biển tranh chấp. Ông nói: “Liên Hiệp Châu Âu không phải là Trung Quốc, và chắc chắn không phải là Hoa Kỳ của ông Donald Trump. EU muốn chứng tỏ là mình luôn hiện diện và vẫn đóng một vai trò. Ba quốc gia ký vào thông cáo chung về Biển Đông là Anh, Pháp, Đức đều có quyền lợi đặc biệt quan trọng trong khu vực, có lợi ích thương mại… Nếu có sự cố xảy ra trên Biển Đông, các ngành kỹ nghệ liên quan của Châu Âu sẽ bị ảnh hưởng.” Trung Quốc: Phương Tây không nên “đổ dầu vào lửa” tại Biển Đông Tác giả Trần Tướng Miểu (Chen Xiangmao) của Viện Nghiên Cứu Nam Hải, Trung Quốc trên diễn đàn US China Focus tức tối cho rằng: “Phương Tây không nên đổ dầu vào lửa tại Biển Đông” – tựa của bài viết. Tác giả này đặt câu hỏi, các nước Liên Hiệp Châu Âu lâu nay ít quan tâm đến Biển Đông, vì sao lại ra tuyên bố chỉ trích việc quân sự hóa vùng biển và nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng Tài tháng Bảy, 2016 vào lúc này? Trần Tướng Miểu cho rằng có ba lý do. Thứ nhất, Hoa Kỳ luôn mong có sự hỗ trợ của Châu Âu để cùng ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông. Thứ hai, Việt Nam cần có sự trợ giúp khẩn cấp về mặt tinh thần của các quốc gia Châu Âu đối với việc khai thác dầu khí tại Bãi Tư Chính, mà tác giả này gọi là “hành động phi lý và đơn phương”. Thứ ba, Nhật Bản với tư cách thành viên G7 đã đòi ghi vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm này, với cùng mục đích với Việt Nam là tập hợp các lực lượng bên ngoài nhằm ngáng chân Bắc Kinh. Theo nhà nghiên cứu của Viện Nam Hải, cả hai bản thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu và của ba nước Anh, Pháp, Đức “không chỉ gây áp lực lên Trung Quốc mà còn làm xấu đi quan hệ giữa Châu Âu và Bắc Kinh”. Trần Tướng Miểu nhấn mạnh Biển Đông phải là “vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”, cáo buộc “các nước phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang cố gắng phá hoại chủ trương này” của Trung Quốc.    
......

Joshua Wong điều trần trước Quốc Hội Mỹ: ‘Nguyện vinh quang quy Hương Cảng’

Từ trái, ba nhà tranh đấu Joshua Wong, Denise Ho và Sunny Cheung ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ hôm Thứ Ba, 17 Tháng Chín. (Hình: Cát Linh/Người Việt) Cát Linh/Người Việt (tường trình từ Washington, D.C.)| Tự tin, bản lĩnh, thông minh, sử dụng tiếng Anh lưu loát, và nhất là tinh thần Hồng Kông thể hiện rõ trong từng câu chữ, đó là những gì mà Joshua Wong, Denise Ho và Sunny Cheung thể hiện trong buổi điều trần tại Quốc Hội Mỹ sáng Thứ Ba, 17 Tháng Chín. Có mặt với vai trò nhân chứng của thực trạng hiện tại và cả tương lai của Hồng Kông là anh Joshua Wong (Hoàng Chi Phong), lãnh đạo phong trào Dù Vàng, tổng thư ký đảng Demosito; ca sĩ Denise Ho (Hà Vận Thi); anh Sunny Cheung, phát ngôn viên phái đoàn quốc tế vụ giáo dục đại học; bà Sharon Hom, giám đốc điều hành tổ chức Nhân Quyền Trung Quốc, giáo sư Luật City University of New York; và Tiến Sĩ Dan Garrett đã ra điều trần trước Ủy Ban Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ (Congressional-Executive Commission on China, CECC), vốn có sự hậu thuẫn của cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Đại diện Ủy Ban Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ tại buổi điều trần có Dân Biểu Jim McGovern (Dân Chủ, Massachusetts), chủ tịch ủy ban; Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa, Florida), đồng chủ tịch ủy ban về Trung Quốc; Thượng Nghị Sĩ Todd Young (Cộng Hòa, Indiana); Dân Biểu Tom Suozzi (Dân Chủ, New York); Dân Biểu Christopher Smith (Cộng Hòa, New Jersey)… Kể lại sự thật  Suốt 3 giờ đồng hồ, khó có thể đếm được bao nhiêu lần những từ như “ủng hộ Hồng Kông,” “bầu cử tự do,” “nhân quyền,” “khủng hoảng nhân đạo”… được nói to lên bên trong phiên điều trần tại phòng 419, Dirksen Senate Office Building – Quốc Hội Hoa Kỳ, trước Ủy Ban Trung Quốc của Quốc Hội Mỹ. Trong nội dung điều trần, các nhân chứng nhiều lần nhắc lại cuộc biểu tình kéo dài mấy tháng qua của người dân Hồng Kông đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sự tàn bạo của cảnh sát và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xóa đi sự tồn tại của “một quốc gia, hai chế độ” mà lẽ ra, Hồng Kông vốn phải là quốc gia có quyền tự trị cao. Tổng Thư Ký Đảng Demosito Joshua Wong mở đầu bài phát biểu: “Khi tôi nói ‘Một quốc gia, hai thể chế’ thì Hồng Kông đang trở thành ‘Một quốc gia, một thể chế rưỡi.’ Tôi nghĩ các nhà quan sát sự kiện gần đây sẽ không có bất kỳ sự nghi ngờ nào để thấy rằng, chúng ta đang tiếp cận một cách nguy hiểm đến gần với ‘Một quốc gia, một thể chế.’ Tình trạng hiện tại cho thấy Bắc Kinh không thể hiểu được, nói gì đến việc cai trị một xã hội tự do.” Ca sĩ, nhà đấu tranh dân chủ Denise Ho không ngần ngại đề cập đến sự can thiệp của Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào Hồng Kông: “Thật bất hạnh, với sự gia tăng cai trị thép dưới chính quyền Tập Cận Bình, ‘Một quốc gia, hai chế độ’ đang chạy đua với bản án tử.” Anh Joshua Wong. (Hình: Cát Linh/Người Việt) Và người nghệ sĩ tranh đấu cho dân chủ của Hồng Kông mạnh mẽ kêu gọi: “Do đó, tôi kêu gọi Quốc Hội Hoa Kỳ sát cánh cùng Hồng Kông, và hơn hết, thông qua Luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông. Đây không phải là một lời cầu xin cho cái gọi là sự can thiệp của nước ngoài, hay cũng như sự độc lập của Hồng Kông. Đây là một lời đòi hỏi cho nhân quyền phổ quát. Đây là một lời đòi hỏi cho nền dân chủ. Đây là một lời đòi hỏi cho sự tự do lựa chọn.” Anh Joshua Wong không quên nhắc lại sự kiện ngày 5 Tháng Tám, ngày người Hồng Kông thực hiện một cuộc biểu tình lớn nhất lịch sử, cảnh sát ngày đó đã bắn 800 hộp đạn hơi cay để giải tán người dân. Con số này nếu so sánh với phong trào Dù Vàng năm năm trước, chỉ có 87 cảnh sát sử dụng đạn hơi cay. “Họ gia tăng sử dụng bình xịt hơi cay, đạn hạt tiêu (pepper balls), đạn cao su, đạn bọt biển và vòi rồng. Tất cả đều được nhập từ các nền dân chủ phương Tây. Do đó, trước tình trạng này, tôi hoan nghênh Chủ Tịch Jim McGovern đã giới thiệu đạo luật ‘PROTECT Hong Kong’ vào tuần trước tại Hạ Viện. Các công ty Mỹ không thể kiếm lợi nhuận từ cuộc đàn áp bạo lực của những người Hồng Kông yêu tự do,” anh Joshua Wong nói tiếp. Tự do hoặc là chết  Thượng Nghị Sĩ Marco Rubio, đồng chủ tịch ủy ban về Trung Quốc, cho biết những nỗ lực xung quanh dự luật này là “lưỡng tính và lưỡng đảng.” Ông nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, phải tôn trọng quyền tự trị của Hồng Kông hoặc biết rằng hành động leo thang của họ sẽ khiến họ phải đối mặt với những hậu quả thực sự, không chỉ từ Hoa Kỳ mà còn từ thế giới tự do.” Nhà hoạt động, phát ngôn viên phái đoàn quốc tế vụ giáo dục đại học Sunny Cheung nói với các nhà lập pháp tại phiên điều trần, rằng những người biểu tình trẻ tuổi đối mặt với cảnh sát chống bạo động chính là chuyển tải thông điệp về ý chí cuối cùng của họ. “Họ tin rằng giới hạn duy nhất cho sự tự do của họ là cái chết của họ. Chúng tôi đấu tranh cho tự do từ ý thức về bổn phận và phẩm giá,” anh Sunny Cheung nói. Và, tương lai của thế hệ Hồng Kông mấy mươi năm sau, chính là thông điệp mà nhà tranh đấu Joshua Wong cũng như những thanh niên đang đi giải cứu dân tộc của họ muốn gửi đến cho thế giới: “Ngay cả một em bé được sinh ra hôm nay sẽ không thể tổ chức sinh nhật lần thứ 28 của mình vào ngày 1 Tháng Bảy,2047, khi chính sách “Hồng Kông – 50 năm không thay đổi” (50 – year no change) hết hiệu lực. Thời hạn đó đến gần với chúng ta hơn bao giờ hết; không thể quay trở lại. Không có sự trở lại. Những thập kỷ về sau, khi các nhà sử học nhìn lại, tôi chắc chắn rằng năm 2019, có nhiều điều nhìn thấy hơn so với năm 2014.” Ca sĩ Denise Ho và anh Sunny Cheung điều trần trước Quốc Hội Mỹ hôm Thứ Ba, 17 Tháng Chín. (Hình: Cát Linh/Người Việt) Sự thông minh của các thanh niên này còn thể hiện ở chỗ, chưa biết sự kêu gọi của họ có kết quả như thế nào, nhưng họ tôn vinh sự lắng nghe của Quốc Hội Mỹ đã dành cho họ, cho người Hồng Kông ngày hôm nay. “Tôi cũng hy vọng rằng các nhà sử học sẽ kỷ niệm Quốc Hội Mỹ vì đã đứng về phía người Hồng Kông, phe của nhân quyền và dân chủ,” anh Joshua Wong nói. Còn cô ca sĩ khả ái Denise Ho tinh tế nói rằng cô xin trích dẫn câu nói của cựu đệ nhất phu nhân yêu quý nhất của người Mỹ, bà Eleanor Roosevelt, đó là: “Bạn có được sức mạnh, lòng can đảm và sự tự tin bằng mọi trải nghiệm khi bạn thực sự dừng lại để đối diện với nỗi sợ hãi. Bạn có thể nói với chính mình: ‘Tôi đã sống qua nỗi kinh hoàng này. Tôi có thể nhận lấy những thứ tiếp theo nó.’” Và, câu hỏi mà có lẽ những ai theo dõi cuộc đấu tranh đòi dân chủ của người Hồng Kông trong mấy tháng qua đều chờ đợi để nghe câu trả lời từ những thanh niên yêu nước này, đó là “Nếu chính quyền bà Carrie Lam không thực hiện bốn yêu cầu còn lại của người Hồng Kông thì như thế nào?” Câu trả lời ngắn gọn và đanh thép từ anh Joshua Wong và các bạn của anh, đó là: “Chúng tôi tiếp tục chiến đấu.” Hình ảnh tự tin, mạnh mẽ, bản lĩnh của các thanh niên Hồng Kông “đi tìm đường cứu nước” càng đẹp hơn bởi một nhóm bạn trẻ Hồng Kông khác đã tham dự buổi điều trần. Họ đứng lên khi buổi điều trần kết thúc. Họ hát vang bài “Quốc ca mới” của Hồng Kông. Ca khúc “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng” (Glory to Hong Kong) vang khắp khán phòng. Rất nhiều ống kính hướng về họ. Có cả nụ cười và những giọt nước mắt. “Chúng tôi có mặt ở đây ngày hôm nay để cùng với Joshua, Denise, Sunny và các bạn khác nữa, nói với thế giới rằng Hồng Kông xứng đáng với nền dân chủ tự trị. Mỗi người Hồng Kông chúng tôi là một tiếng nói tự do, tranh đấu cho tự do chung của dân tộc và thế hệ mai sau,” các bạn trẻ Hồng Kông cho biết. Cuộc chiến đấu của người dân Hồng Kông chưa biết sẽ kéo dài bao lâu, nhưng ngay lúc này, Hồng Kông đã tự do vì có những thanh niên “Nguyện vinh quang quy Hương Cảng.” (Cát Linh tường trình từ Washington, D.C.) —- Liên lạc tác giả: [email protected] https://www.nguoi-viet.com/
......

Hãng luật quốc tế gửi thư lên UN đòi Việt Nam trả tự do cho Phan Kim Khánh

Nhà hoạt động sinh viên Phan Kim Khánh. RFA| Tổ chức nhân quyền Freedom Now và hãng luật quốc tế Dechert LLP, thay mặt sinh viên Phan Kim Khánh, hôm 16/9 vừa gửi đơn lên Nhóm Làm việc của Liên Hiêp Quốc (UN) về bắt giữ người tùy tiện, cáo buộc chính phủ Việt Nam đã vi phạm luật quốc tế khi bắt giữ Phan Kim Khánh. Phan Kim Khánh (25 tuổi) bị công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ hôm 21/3/2017 và bị kết án tù 6 năm và 4 năm quản chế hôm 25/10 cùng năm, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 bộ Luật Hình sự cũ. Ông Karl Horberg, đại diện của Chương trình Freedom Now, được thông báo của tổ chức này trích lời cho biết: “Những năm qua Việt Nam đã gia tăng việc đàn áp đối lập trên mạng. Việc bỏ tù Phan Kim Khánh là một biểu tượng đáng ngại cho tình trạng tự do internet đang xấu đi. Việc chính quyền tiếp tục giam giữ Khánh đang vi phạm quyền con người căn bản bao gồm quyền tự do bày tỏ ý kiến (của Khánh). Freedom Now kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho Khánh vô điều kiện; chúng tôi tin tưởng là Nhóm làm việc của UN về bắt giữ người tùy tiện sẽ sớm có kết luận tương tự”. Freedom Now và Dechert LLP cho rằng chính phủ Việt Nam đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của mình theo Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền. Theo thông cáo báo chí của Freedom Now và Dechert LLP, trước khi bị bắt, Phan Kim Khánh là sinh viên và là nhân viên một công ty phần mềm. Lúc rảnh rỗi, Khánh quản lý những trang web và tài khoản mạng xã hội với những tin tức về tham nhũng, chính trị, kinh tế, môi trường và các vấn đề khác. Những bài viết của Khánh kêu gọi dân chủ đa nguyên, phi chính trị hóa quân đội, tự do bầu cử và tự do báo chí. Phan Kim Khánh đã bị giam giữ trong nhiều tháng mà không được gặp gia đình và luật sư. Phiên tòa xử Khánh hôm 25/10/2017 bị canh gác nghiêm ngặt và chỉ có cha của Khánh được vào tòa. Sau phiên tòa, Phan Kim Khánh đã tìm cách kháng án nhưng giới chức ở nhà tù đã không gửi đơn kháng án của Khánh theo yêu cầu. Ngoài ra, Khánh còn bị đối xử bất công trong tù, bị đe dọa đưa đi biệt giam và không được nhận đồ tiếp tế nếu Khánh tiếp tục tìm cách kháng án. Theo Freedom Now, sức khỏe của Khánh đang xấu đi do tình trạng giam giữ trong nhà tù. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, tính đến tháng 6 năm 2019, có ít nhất 133 người đang bị giam giữ ở Việt Nam vì thực hành các quyền tự do cơ bản.
......

Bi quan về triển vọng dân chủ? Hãy đọc lại lịch sử.

Một người biểu tình Venezuela chơi vĩ cầm giữa cuộc xuống đường phản đối Tổng thống Nicolas Maduro, tháng 5/2017. Ảnh: Federico Parra/AFP/Getty Images Lịch sử dạy chúng ta rằng dân chủ được xây dựng từ hết những thất bại này đến thất bại khác. Phạm Minh Trung - Luật Khoa tạp chí Thể chế dân chủ tự do dường như đang đứng trước viễn cảnh vô cùng bi quan. Các nền dân chủ “của tương lai” đang có xu hướng ngả sang thể chế độc tài. Trong khi đó, các nền dân chủ lâu đời ở phương Tây đang bị phong trào dân tuý lấn át. Giáo sư Sheri Berman thuộc Đại học Barnard (New York, Mỹ) không nghĩ vậy. Ông cho rằng những người đang bi quan về tương lai của nền dân chủ nên nhìn lại lịch sử châu Âu và thế giới. Sheri Berman là tác giả của cuốn “Nền Dân chủ và Chế độ độc tài ở châu Âu: Từ thời kỳ trước Cách mạng Pháp đến ngày nay” (Democracy and Dictatorship in Europe: From the Ancient Régime to the Present Day). Một phần của cuốn sách được chuyển thể thành bài viết “The Long, Hard Road to Democracy” đăng trên Wall Street Journal, ngày 08/02/2019.  Luật Khoa tạp chí xin giới thiệu cùng bạn đọc. *** Đầu tháng 02/2019, Freedom House, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi tình trạng dân chủ toàn cầu, công bố báo cáo thường niên. Báo cáo này có tên là “Nền dân chủ đang thoái trào” (Democracy in Retreat). Các nhà quan sát có cơ sở tin rằng nền dân chủ đang dần đánh mất tính ưu việt trong quá khứ.  Tuy nhiên, nhân loại đã chứng kiến sự thăng trầm của làn sóng dân chủ trong suốt hơn 200 năm qua, từ các cuộc cách mạng đòi tự do thế kỷ 19 cho đến sự sụp đổ của Liên Xô năm 1989.  Lịch sử chứng minh con đường chinh phục tự do và thịnh vượng không hề dễ dàng.  Các nền dân chủ thành công rực rỡ trong thế kỷ 20 thường phải trải qua quá trình dài, gian khổ, với vô số bước đi sai lầm cũng như thất bại.  Trong lịch sử, việc lật đổ chế độ độc tài luôn dễ hơn xây dựng nền dân chủ lâu bền, đặc biệt là nền dân chủ tự do bảo vệ quyền công dân, đề cao luật pháp, giám sát quyền hành pháp và bảo vệ xã hội dân sự.  Hãy lật lại lịch sử châu Âu, nơi cuộc đấu tranh vì dân chủ bắt đầu với Cách mạng Pháp.  Giống như lúc chủ nghĩa Cộng sản sụp đổ và trong cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập 2011, sự sụp đổ của chế độ quân chủ Pháp năm 1789 mang đến một làn gió phấn khởi khắp châu Âu.  William Wordsworth nhớ lại, đó là khoảng thời gian khi mà cả châu Âu “tràn ngập niềm hạnh phúc”. Nhưng ngay sau khi tuyên bố chế độ cộng hòa năm 1793, nền dân chủ hiện đại đầu tiên của châu Âu đã rơi vào một “Triều đại Kinh hoàng” (Reign of Terror).  Năm 1799, chỉ 10 năm sau, nước Pháp kiệt quệ chứng kiến cuộc đảo chính của tướng Napoleon Bonaparte. Sự bất ổn chính trị sau đó tiếp tục đè bẹp nước Pháp trong suốt thế kỷ 19.  Thi sĩ, nhà ngoại giao Alphonse de Lamartine phát biểu trước Tòa thị chính Paris trong cuộc Cách mạng Pháp 1848. Ông nói với đám đông người dân về “lá cờ đỏ tượng trưng cho sự kinh hoàng, đầy máu” và “nền cộng hòa đảng phái”. Ảnh: Henri Félix Emmanuel Philippoteaux. Năm 1848, một sự chuyển đổi khác sang dân chủ đã xảy ra. Nhưng chỉ trong vòng một năm, nhà độc tài dân túy Louis-Napoleon Bonaparte (cháu trai Napoleon) đã lên nắm quyền lực và phá hủy các thiết chế dân chủ. Chế độ của ông sụp đổ năm 1870, tiếp tục nhường chỗ cho một quá trình chuyển đổi dân chủ đầy hỗn loạn khác.  Nền Đệ tam Cộng hòa Pháp được thành lập sau thất bại của Louis-Napoleon trong chiến tranh Pháp – Phổ năm 1870. Tuy nhiên, nền dân chủ đã dần suy yếu khi Đức xâm lược Pháp năm 1940 và lập nên chế độ Vichy.  Khi Thế chiến II kết thúc với thất bại của phe Phát xít, Pháp lại trở thành một nước dân chủ. Hiến pháp của Đệ tứ Cộng Hòa Pháp được thông qua vào ngày 13/10/1946.  Tuy nhiên, sự bất ổn lại tiếp diễn, dẫn tới một số thay đổi trong chính phủ. Đã có đến 21 chính quyền hiện diện trong 12 năm lịch sử của nền Cộng hòa Thứ tư.  Thêm vào đó, chính phủ không thể đưa ra các giải pháp phù hợp đối với nhiều nước thuộc địa của Pháp.  Sau nhiều cuộc khủng hoảng liên tiếp, đặc biệt là khủng hoảng Algérie năm 1958, nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp chính thức sụp đổ ngày 5/10/1958, mở đường cho sự thành lập Đệ ngũ Cộng hòa Pháp như ngày nay với việc củng cố quyền lực của Tổng thống.  Các nước Tây Âu khác cũng phải trải qua nhiều chông gai để tạo dựng được nền dân chủ. Nước Ý (Italy) là một điển hình như vậy.  Một nước Ý thống nhất xuất hiện vào những năm 1860, nhưng các chính phủ sau đó sa vào nạn tham nhũng và hoạt động không hiệu quả. Đây là mầm mống của sự hình thành chủ nghĩa cực đoan ở cả hai bên cánh tả và cánh hữu Ý.  Đầu thế kỷ 20, dù giành chiến thắng trong Thế chiến I nhưng nước Ý đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Phe Phát xít, đứng đầu bởi Benito Mussolini giành quyền kiểm soát và dựng lên một chế độ độc tài trong giai đoạn 1922-1943.  Ý là đồng minh của Phát xít Đức và Nhật trong Thế chiến II. Đất nước ven biển Địa Trung Hải này trở thành chiến trường khốc liệt giai đoạn 1943-1945. Sau Thế Chiến II, nước Cộng hòa Ý chính thức được thành lập ngày 2/6/1946.  Chỉ đến sau Thế chiến II thì một nền dân chủ hiệu quả mới hình thành ở quốc gia này. Và chỉ đến thập niên 1950 và 1960, nước Ý mới có giai đoạn tăng trưởng kinh tế bùng nổ và được đánh giá là một cường quốc trong khu vực.  Câu chuyện về việc dựng xây nền dân chủ Đức thậm chí còn gian truân hơn.  Nước Đức nổi lên năm 1871 dưới chế độ bán độc tài và chỉ được dân chủ hóa sau Thế chiến I. Từ khi ra đời, nền Cộng hòa Weimar non trẻ đã bị tàn phá bởi chủ nghĩa cực đoan, nổi loạn và bạo lực. Nền dân chủ sụp đổ khi Adolf Hitler trở thành thủ tướng năm 1933 và đảng Quốc xã – chế độ độc tài phát xít lên nắm quyền. Sau Thế chiến II, nước Đức tái lập nền dân chủ tự do ấn tượng nhưng chỉ ở phía tây đất nước; trong khi đó, miền đông suy yếu trong nhiều thập kỷ dưới chế độ cộng sản.  Tây Ban Nha cũng phải bước trên con đường dài để tiến đến nền dân chủ tự do, trải qua nhiều quá trình chuyển đổi chính trị, can thiệp quân sự và nội chiến trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Sau nền dân chủ non trẻ thất bại vào những năm 1930, cuộc nội chiến sau đó đã giết chết hàng trăm ngàn người và xác lập hàng thập kỷ độc tài. Tây Ban Nha thực hiện một quá trình lâu dài chuyển đổi sang dân chủ chỉ mới vào giữa những năm 1970. Tranh vẽ “Tự do dẫn dắt chúng ta” (Liberty Leading the People) của Eugène Delacroix (1798-1863). Ảnh: Christophel Fine Art/UIG/Getty Images. Chúng ta phải điểm lại lịch sử dài của châu Âu như trên là để thấy rằng: một nền dân chủ thành công không phải điều có thể đạt được dễ dàng, nhanh chóng. Ngay cả Vương quốc Anh – hình mẫu của một nền dân chủ suôn sẻ – cũng có một lịch sử không yên ả. Cuộc Cách mạng Vinh quang (Glorious Revolution) chỉ có thể thành công năm 1688 sau rất nhiều cuộc bạo loạn đẫm máu. Cho dù tính từ thời điểm năm 1688 hay 1832 (lần mở rộng quyền bầu cử đầu tiên) thì thời gian để nước Anh đạt được thể chế dân chủ đầy đủ vào đầu thế kỉ 20 vẫn là hàng trăm năm. Nhìn lại lịch sử còn là để thấy những rắc rối ngày nay của nền dân chủ thực ra không quá nghiêm trọng.  Chưa bao giờ trong lịch sử có nhiều nền dân chủ tồn tại hơn bây giờ. Có 11 nền dân chủ năm 1900, 20 năm 1920, 32 năm 1970, 77 năm 2000 và 116 năm 2018, như Freedom House và những tổ chức khác ghi nhận. Những sự đảo chiều gần đây là tương đối khiêm tốn: các nền dân chủ trong những năm gần đây ít bị lung lay hơn so với thời kì sau các làn sóng dân chủ hóa vào năm 1848, 1918 và 1945. Không thể phủ nhận rằng các nền dân chủ mới và cũ hiện phải đối mặt với các vấn đề thực sự. Thế nhưng, một nền dân chủ thành công cần có thời gian để củng cố và cần nỗ lực không ngừng để phát triển. Dân chủ hoá chưa bao giờ là một quá trình giản đơn và tuyến tính. Nền dân chủ tự do trở thành chuẩn mực ở Tây Âu chỉ sau năm 1945, hơn 150 năm sau Cách mạng Pháp. Trong giai đoạn sau thử nghiệm dân chủ đầu tiên ở Châu Âu, nhiều quốc gia khác đã thử, và đã thất bại. Thành công hậu chiến ở Tây Âu đòi hỏi sự hình thành của một trật tự mới trong nước, khu vực và thế giới, từ sự hình thành các nhà nước phúc lợi (social-democratic welfare states) cho đến NATO cho đến EU. Châu Âu đã phải mất hàng trăm năm để có được sự thịnh vượng.  Người Mỹ thường tự hào với nền dân chủ phát triển huy hoàng của mình nhưng thực tế, Hoa Kỳ chỉ xây dựng thành công nền dân chủ tự do từ nửa sau thế kỷ 20.  Trước năm 1861, miền Nam nước Mỹ bị thống trị bởi chế độ chuyên chế, và nền dân chủ non trẻ phải trải qua cuộc xung đột đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ để lật đổ chế độ đó. Phải mất một thế kỷ nữa trước khi chính phủ liên bang đảm bảo rằng tất cả công dân, bao gồm cả người Mỹ gốc Phi, có thể yêu cầu quyền lợi của mình.  Kể từ những năm 1960 với phong trào dân quyền, những di sản cay đắng của hệ thống dân chủ chưa đầy đủ là sự phân biệt chủng tộc, sự phân chia địa lý sâu sắc và nhiều hơn nữa đã làm rối loạn hệ thống chính trị Mỹ.  Đối với các nền dân chủ non trẻ ngày nay, chúng ta không nên ngạc nhiên về sự mong manh của nó.  Người dân tuần hành chống chính quyền sau nhiều tuần liền bị cắt điện và nước tại Caracas, thủ đô của Venezuela, tháng 4/2019. Ảnh: Carlos Garcia Rawlins/REUTERS. Phá vỡ các thể chế và chuẩn mực chính trị xây dựng dưới chế độ độc tài lâu năm là công việc khó khăn. Chúng ta cần một bản kế hoạch đầy đủ, cần các nguồn lực và cả sự kiên trì. Xây dựng nền dân chủ trên đống đổ nát của chế độ chuyên chế chưa bao giờ là điều có thể làm trong một chốc, một lát.  Thừa nhận những cuộc đổi mới dân chủ thực sự thường mất thời gian và đầy khiếm khuyết, chúng ta có thể nhìn những tin tức có vẻ bi quan bằng một lăng kính khác. Nhiều người lập luận rằng làn sóng chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy ngày nay nổi lên ở châu Âu và trên thế giới dường như là đối trọng với nền dân chủ.  Nhưng đáp lại làn sóng ấy là những cuộc phản kháng đông đảo, nhiệt thành từ người dân. Ở các nền dân chủ mới này, đang có ngày càng nhiều công dân tổ chức xuống đường để bảo vệ quyền của mình. Các cuộc bầu cử dù không hoàn hảo vẫn tạo cơ hội cho các nhóm chống đối huy động lực lượng. Hãy nhìn người dân Venezuela đang đứng lên chống lại chế độ chuyên quyền của Nicolás Maduro. Một điểm quan trọng khác là, các chính quyền này, dù dân tuý, cũng sẽ không dám vứt bỏ cuộc bầu cử sang một bên, như chính quyền cộng sản tiền nhiệm đã làm. Lịch sử dạy chúng ta rằng dân chủ được xây dựng từ hết những thất bại này đến thất bại khác. Những sự bi quan lúc này tỏ ra vừa thiếu căn cứ lại vừa bào mòn sự tích cực cần thiết để chống chọi những thử thách phía trước. Những người ủng hộ dân chủ cần có một cái nhìn xa hơn, để hiểu rằng thất bại là không thể tránh khỏi trong công cuộc xây dựng nền tảng cho một nền dân chủ vững bền và khai sáng. Từ khóa: chế độ độc tài, chế độ chuyên chế: authoritarianism (n) chủ nghĩa cộng sản: communism (n) chế độ độc tài: autocratic regime (np) nền dân chủ: democracy (n) quá trình chuyển đổi dân chủ: democratic transition nền dân chủ tự do: liberal democracy  sự bình đẳng: equality (n)    
......

Đại diện Trí tuệ nước Mỹ đang nghĩ gì về Trung Quốc?

Nhầm lẫn tổng thống Mỹ với nước Mỹ. Lưu Trọng Văn|                                 Có quá nhiều người nhầm lẫn tổng thống Mỹ với nước Mỹ. Trí tuệ Mỹ mới là quyền lực của nước Mỹ không phụ thuộc vào cá nhân bất cứ tổng thống nào cả. Trí tuệ Mỹ ở trong lòng dân Mỹ nói tiếng nói đại diện sức mạnh nền dân chủ của nước Mỹ, từ đó các tổng thống Mỹ muốn tồn tại buộc phải điều chỉnh chính sách của mình. Những ngày ở Mỹ, gã càng hiểu thêm quy chế vận hành này. Và ngày 9.9 - ngày Hoà giải Thế giới, gã được lọt vào cuộc Bàn tròn của một nhóm đại diện tinh hoa hàng đầu trong tầng lớp Trí tuệ Mỹ ấy. Nội dung của Bàn tròn: An ninh và Hoà bình của Thế giới. Chủ toạ Bàn Tròn: Cựu ứng cử viên tổng thống Michael Dukakis, Đồng Sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston Các Diễn giả: Giáo sư Stephen Walt, Đại học Harvard Giáo sư Thomas Patterson, Đại học Harvard Giáo sư David Silbersweig, Đại học Harvard Giáo sư Nazli Choucri, Đại học MIT. Giáo sư Christo Wilson, Đại học Northeastern, Học giả Harvard, Học giả Chương trình lãnh đạo Michael Dukakis. Giáo sư Thomas Creely, Học Viện Hải Quân Hoa Kỳ Giáo sư Constantine Arvanitopoulos, Cựu Bộ trưởng Giáo Dục và Văn Hoá Hy Lạp, Đại học Tút. Nguyễn Anh Tuấn, Đồng Sáng lập, Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston. Barry Nolan, Cố vấn Quốc hội Mỹ. Chủ toạ và các diễn giả đã sôi nổi trao đổi rất thẳng thắn về Thách thức và mối đe doạ đến an ninh và hoà bình không còn mang tính xung đột các quốc gia, các khu vực mà mang tính toàn cầu. (Gã xin mở ngoặc trong các trao đổi này nhiều diễn giả lên án Trung Quốc đang đe doạ an ninh Biển Đông của Việt Nam và coi rằng đó cũng chính là sự đe doạ hoà bình toàn cầu). Chủ toạ và các diễn giả đều thống nhất rằng: -Nhân tố lớn nhất đe doạ Hoà bình và an ninh thế giới hiện nay chính là Trung Quốc. - Nguy cơ và sự đe doạ từ Trung Quốc là do: sự toàn trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc và độc đoán chuyên quyền của Tập Cận Bình. Một đất nước với dân số lớn nhất thế giới, với một nền kinh tế đang phát triển nhanh, mọi nguồn lực tập trung vào một nhóm lãnh đạo độc đoán chuyên quyền, toàn trị, với tham vọng bành trướng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan rất nguy hiểm cho hoà bình và an ninh thế giới trong thế kỷ 21. - Sự nhận thức rõ ràng Trung Quốc là vấn đề của nhân loại trong thế kỷ 21. Đồng thời với thời đại công nghệ phát triển vũ bão thì: An ninh mạng, trí tuệ nhân tạo nếu không được quản trị tốt cũng là những nguy cơ lớn cho hoà bình và an ninh của nhân loại trong thế kỷ 21. Chủ toạ và các diễn giả từ nhiều góc độ khác nhau nhưng đều có tầm nhìn chiến lược mang tính toàn cầu trên nền tảng các giá trị chung toàn cầu đã đưa ra các giải pháp trước những thách thức cấp bách của nhân loại về an ninh, hoả bình. Đó là: Mọi quốc gia đều phải tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc của Dân chủ, minh bạch, công khai và trao quyền cho công dân nước mình tham gia vào các quyết sách chính trị xã hội, an ninh. Mọi quốc gia cần luôn lưu ý rằng: Dân chủ là giá trị chung, là văn minh của nhân loại. Trung Quốc không thể lấp liếm bằng luận điểm dân chủ chỉ phù hợp với các nước phương Tây, Mỹ, còn dân tộc Trung Hoa có hoàn cảnh lịch sử riêng, có truyền thống văn hoá riêng, mang tính đặc thù riêng nên chỉ có thể áp dụng dân chủ theo cách của mình. Luận điểm này bị đánh đổ hoàn toàn khi người dân Hồng Kông và Đài Loan cũng chính là người Trung Hoa nhưng vẫn lấy dân chủ với những giá trị chung của nhân loại làm nền tảng của mình. Các diễn giả nhấn mạnh rằng: Để có hoà bình và an ninh thế giới bền vững thì Trung Quốc phải tôn trọng và tuân theo giá trị chung, chuẩn mực chung của nhân loại văn minh. Một Trung Quốc dân chủ sẽ không còn là mối nguy cơ cho chủ nghĩa dân tộc bá quyền dẫn đến không còn nguy cơ cho an ninh, hoà bình toàn cầu nữa. Muốn vậy Trung Quốc phải tôn trọng và tuân theo những chuẩn mực xã hội mới, luật pháp quốc tế dựa trên nền tảng xã hội dân chủ, với việc vận dụng sâu sắc trí tuệ nhân tạo, Internet vào quản lý, vận hành xã hội nhằm bảo đảm quyền công dân, công dân được chủ động tham gia trực tiếp vào các quyết định chính trị xã hội. Muốn vậy Trung Quốc phải tôn trọng và tuân theo Khế Ước Xã Hội 2020 (the Social Contract 2020) và mô hình Xã hội Trí tuệ Nhân tạo. Coi đây là một trong những nhân tố cho Nền tảng Hoà bình và An ninh trong Thế kỷ 21. Kết luận Bàn tròn này các diễn giả đồng tình với Diễn đàn Toàn cầu Boston khi Diễn đàn đã ra lời kêu gọi: xây dựng, liên minh mọi nguồn lực, nhân loại văn minh tiến bộ để tạo sức ép buộc các chính phủ phải tôn trọng và thực thi khế ước xã hội 2020 với chuẩn mực, luật pháp của xã hội mới. Đồng thời cải tổ Liên Hợp Quốc, để vai trò, tiếng nói của những công dân ưu tú trên toàn cầu có ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện những chuẩn mực, luật pháp của xã hội mới, để những công dân ưu tú, những tổ chức xã hội của công dân sẽ là sức mạnh quan trọng gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới trong thế kỷ 21. Gã cảm nhận qua Bàn tròn này giới tinh hoa Mỹ đang thúc đẩy Mỹ làm đầu tàu cho một liên minh toàn cầu chống lại nguy cơ một Trung Quốc đang trên đà chạy theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng giấc mộng Đại Hán làm chủ thiên hạ. Việt Nam sẽ chọn lựa mình đứng ở đâu? http://trannhuong.top/tin-tuc-54372/dai-dien-tri-tue-myn-dang-nghi-gi-ve-trung-quoc.vhtm
......

Ảnh hưởng chuyến đi Berlin của Joshua Wong

Họp báo của Joshua Wong. Nguồn: HANNIBAL HANSCHKE / Reuters Ảnh hưởng chuyến đi Berlin  của Joshua Wong trong mối bang giao Đức – Trung   Đỗ Kim Thêm   Xuất hiện trong cuộc họp báo lần đầu tiên tại Berlin vào sáng thứ Ba ngày 11 tháng 9 năm 2019 như một ngôi sao điện ảnh đang lên, Joshua Wong, Tổng thư ký Đảng Demosisto tại Hồng Kông, làm cho cảnh tượng chen lấn của giới truyền thông quốc tế trở nên hỗn loạn. Bằng giọng Anh ngữ lưu loát của một thanh niên 22 tuổi đầy quả cảm, Joshua Wong bày tỏ lòng cảm ơn đất nước và nhân dân Đức về sự hỗ trợ cho phong trào đấu tranh tại Hồng Kông. Nhân dịp này, Joshua Wong kêu gọi công luận Đức nên quan tâm đến nguy cơ nghiêm trọng mà tự do và dân chủ bị hạn chế tối đa và cảnh sát cai trị tàn bạo. Cụ thể, Hồng Kông là một Berlin mới của cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Joshua Wong lên tiếng yêu cầu các nước Đức, Anh và Mỹ ngừng xuất cảng các trang thiết bị cho bị cảnh sát Hồng Kông đàn áp dân chúng, trong đó có lựu đạn cay và các khí cụ nguy hiểm khác.   “Ở Berlin, tôi hít thở hương vị của tự do; ở Hồng Kông, tôi thở  trong mùi lựu đan cay nồng nặc. Trong thời điểm đối đầu của hai khối Tự do và Cộng sản, Berlin là thành trì của tự do. Giờ đây, chúng tôi xem Hồng Kông cũng tương tự là một chiến tuyến chống lại chế độ độc tài ở Bắc Kinh. Ba thập niên trước, không ai có thể tưởng tượng Liên Xô sẽ sụp đổ. Với niềm đam mê và sự cống hiến, chúng tôi sẽ thành công”. “Bức tường Berlin sụp đổ 30 năm trước. Bây giờ chúng tôi hy vọng là bức tường lửa ở Trung Quốc sẽ sụp đổ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến cho đến ngày chúng tôi được hưởng các quyền dân chủ”. Khi được hỏi, có thất vọng không vì không gặp được Thủ tướng Angela Merkel tại Hồng Kông và Berlin, Joshua Wong nói dè dặt: “Thật là tốt đẹp khi tôi được nói chuyện với Thủ tướng hoặc một giới chức trách nhiệm của Phủ Thủ tướng. Nhưng tôi đã có vinh dự được gặp Ngoại trưởng Đức. Hy vọng khi tới Đức trong lần tới, tôi có cơ hội nói chuyện với Bà Merkel hoặc một người nào đó trong Phủ”. Ngoài ra, Joshua Wong chỉ trích Trung Quốc kiểm duyệt thông tin nghiêm ngặt, nên người dân không nhận thức được cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Hồng Kông. “Chúng tôi chống lại chế độ Trung Quốc, vì Trung Quốc nổi tiếng không tôn trọng luật pháp quốc tế”.   Buổi chiều cùng ngày, Joshua Wong đã có cuộc gặp gỡ chính thức với giới lãnh đạo của Đảng FDP và Grüne. Buổi tối, Joshua Wong thuyết trình về ý nghĩa của công cuộc đấu tranh cho Hồng Kông tại Đại học Humbolt Berlin. Từ thứ Hai cho đến thứ Năm trong tuần này, Joshua Wong đã có nhiều cuộc vận động chính trị quan trọng và đã thu phục thiện cảm của công luận và chính giới tại Berlin. Nhìn chung, đây là một chuyến đi thành công của Joshua Wong. Theo chương trình dự liệu, ngày 12 tháng 9, Joshua Wong sẽ từ Berlin đến New York và Washington để tiếp tục tìm sự ủng hộ của chính giới và công luận Hoa Kỳ. Giải phóng Hoa Lục Phản ứng gay gắt của Bắc Knh đã không làm cho Joshua Wong run sợ. Ngươc lại, trước khi đi New York, trong dịp trả lời phỏng vấn của Nhật báo Die Welt, Joshua Wong tuyên bố, khi tranh đấu cho Hồng Kông xong, sau đó sẽ là cho Hoa Lục. Joshua Wong nói với phóng viên Die Welt rằng: “Là một người lạc quan, tôi muốn nói, đầu tiên, chúng tôi giải phóng Hồng Kông và sau đó là Hoa Lục. Từ hai hoặc ba thập niên trước, chúng tôi nghĩ rằng những tiến bộ công nghệ và thương mại sẽ mang lại thay đổi. Mọi người sẽ đòi hỏi quyền lợi và giáo dục. Điều đó đã không xảy ra. Do đó, người dân Hồng Kông cũng khao khát tự do giao dịch với Trung Quốc và tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Đó vẫn còn là vấn đề cho đến ngày nay. Nhưng tăng trưởng kinh tế không đi cùng với sự cởi mở xã hội và dân chủ hóa. Thách thức lớn nhất của chúng tôi là thiếu hoàn toàn một luồng thông tin tự do. Trung Quốc chỉ lo cho tuyên truyền. Người dân Hồng Kông không chỉ vì tự do cho riêng mình, mà còn chiến đấu cho cho người dân Hoa Lục”. Phản ứng của Trung Quốc Trung Quốc thất vọng về thái độ của chính giới Đức và phản ứng gay gắt và kịp thời. Tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã ra lệnh triệu tập đại sứ Đức Clemens von Goetze để cảnh báo sự bất bình do Đức gây ra. Tại Berlin, để chống trả các cáo buộc của Joshua Wong trong cuộc họp báo buổi sáng, ngay trong buổi chiều thứ Ba cùng ngày, Toà Đại sứ Trung Quốc tổ chức một buổi họp báo. Đáng chú ý nhất là phóng viên báo Bild không được phép tham gia với lý do không còn chỗ trống cho khách mời. Trong buổi họp báo này, Đại sứ Wu Ken đáp trả với lời lẽ nặng nề. Đức tiếp đón Joshua Wong mang lại một hậu quả tiêu cực cho mối quan hệ hai nước. Bắc Kinh luôn tuân thủ nguyên tắc “nhất quốc, lưỡng chế” và sẽ không can thiệp vào nội tình của Hồng Kông. Trung Quốc có đủ bằng chứng cho thấy các lực lượng nước ngoài đã can thiệp vào Hồng Kông. Tuy nhiên, tình hình đã lắng dịu trong vài ngày qua và Hồng Kông sẽ có cách thích hợp để giải quyết tình thế trong thời gian tới. Đối với Joshua Wong, đại sứ Wu Ken cho là một thành phần của phong trào ly khai. Các hành động này là “tội phạm nghiêm trọng tàn bạo và gần như là khủng bố”. Những đòi hỏi này đã vượt xa các quyền dân sự dành cho người Trung Quốc ở Hồng Kông. Phản ứng của chính giới Bà Angela Merkel đã không tiếp Joshua Wong tại Hồng Kông cũng như tại Berlin. Theo Steffen Seibert, Phát ngôn viên chính phủ, cho biết, việc gặp không nằm trong kế hoạch dự trù. Lý do chính cho thái độ dè dặt này là chuyến đi Trung Quốc đem lại một thành công lớn cho các doanh nghiệp Đức đang chuẩn bị mở rộng đầu tư tại Trung Quốc. Cụ thể là Tổ hợp Bảo hiểm Allianz SE đã ký một ý định thư “hợp tác toàn diện” với Ngân hàng Trung Quốc. Siemens AG có kế hoạch “hợp tác với việc phát triển và sử dụng với một nhà sản xuất điện của Trung Quốc“. Deutsche Post sẽ hợp tác với một công ty Trung Quốc về “phát triển và sản xuất một loại xe công cụ bằng điện, đặc biệt sử dụng cho thị trường Trung Quốc”. Về phần Ngoại trưởng Heiko Maas, ông đã lên tiếng phản bác các lập luận của Trung Quốc về cuộc gặp gỡ với Joshua Wong tại Berlin. Maas nhấn mạnh là: “Lập trường cơ bản của chúng tôi đối với chính sách ‘một quốc gia, hai hệ thống’ của Trung Quốc là không thay đổi. Chúng tôi ủng hộ các quyền mà những người Hồng Kông được hưởng theo chính sách này của Trung Quốc. Những người biểu tình ở Hồng Kông có thể bày tỏ ý kiến của họ trên đường phố”. Ngoại trưởng Heiko Maas cũng đề cập đến chuyến Hoa du của Bà Angela Merkel. “Nếu Thủ tướng ở Bắc Kinh, Bà cũng sẽ gặp các luật sư nhân quyền, các nhà hoạt động. Nếu tôi ở Bắc Kinh, tôi sẽ làm vậy. Khi tôi ở Berlin, tôi cũng làm như vậy và sẽ không thay đổi trong tương lai”. Trong khi đó, chính giới đối lập có quan điểm đối nghịch rõ rệt, điển hình là Christian Lindner, Lãnh đạo Đảng FDP. Khởi đầu trong bài phát biểu về Luật Ngân sách tại Quốc hội, ông đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách đối với Hồng Kông của chính phủ. “Đó là một sai lầm khi Bà Merkel không tiếp xúc Joshua Wong tại Phủ Thủ tướng. Đức đã bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ”. Phản ứng của công luận Công luận trong nước Đức cũng có những ý kiến trái chiều, mà nội dung thể hiện qua các chuyên gia nghiên cứu về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Johannes Varwick, Giáo sư tại Đại học Halle, cho là: “Đức không thể làm thay đổi tình hình Trung Quốc. Trung Quốc sẽ không thể chấp nhận các yêu cầu tối đa của Joshua Wong. Buổi chụp ảnh của Joshau Wong với Maas là một sự khiêu khích không cần thiết. Hình ảnh này chỉ dành cho trưng bày trong các cuôc triển lãm về nội chính của nước Đức. Các cuộc thưong thảo với Trung Quốc sẽ trở nên nặng nề. Hồng Kông là một trường hợp đặc biệt và tình hình cần lắng dịu. Tương tự như phong trào ly khai của Catalonia tại Tây Ban Nha hiện nay, Đức không nên đứng về phía phe ly khai, việc này sẽ khiến cho các quốc gia rơi vào hỗn loạn. Về mặt chính trị, thúc đẩy các giải pháp ôn hoà trong bóng hậu trường và duy trì đối thoại là một giải pháp khả thi. Điều này đúng, miễn là Trung Quốc không sử dụng vũ lực ở Hồng Kông“. Volker Standel, Cựu Đại sứ Đức tại Trung Quốc, có lập luận ngược lại: „Cuộc gặp gỡ của Joshua Wong và Heiko Mass sẽ không làm bang giao hai nước đình trệ; phản ứng cực kỳ gay gắt của Bắc Kinh sẽ không vượt ra những lời lẽ ngoại giao. Chính phủ Đức nhận định cẩn thận về vị thế của Joshua Wong và đã thể hiện đúng khi Joshua Wong không có cuộc gặp gỡ chính thức với Thủ tướng, còn gặp với Ngoại trưởng cũng không phải là tại trụ sở của Bộ mà là trong khuôn khổ lễ hội dân sự, có lẽ phía Trung Quốc đã được thông báo trước”. Triển vọng bang giao Tình hình của Hồng Kông còn tắc nghẽn, nhưng sẽ lắng dịu trong những ngày sắp tới, vì Trung Quốc tập trung chuẩn bị cho đại lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày   1 tháng 10. Trước mắt công chúng thế giới, Trung Quốc đang muốn xây dựng uy tín. Tuy nhiên, dẹp tan các cuộc biểu tình của Bắc Kinh bằng bạo lực sẽ có những hậu quả không lường. Trung Quốc lâm vào tình trạng khó xử và đang cố gắng chờ diễn biến sau ngày 1 tháng 10 mới có đối sách phù hợp. Đức cũng gặp khó khăn tương tự. Một mặt, Đức muốn bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Trung Quốc. Mặt khác, Đức không muốn Trung Quốc sử dụng vũ lực và cần hỗ trợ tượng trưng cho Joshua Wong. Mối quan hệ hai nước bắt đầu căng thẳng. Tạo căng thẳng hơn là hậu quả mà cả hai cần tránh, Trong tương lai, Ngoại trưởng Heiko Maas sẽ không thoái mái hơn khi trở lại Bắc Kinh để đàm phán. Bắc Kinh cũng không nên quá cực đoan mà không nhìn thấy điều này.
......

“Hàng xóm bắt nạt”: Hành động của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ phản tác dụng

Rudroneel Ghosh | Phương Hoài dịch - Nghiên Cứu Biển Đông| Mọi hành động đều có phản ứng khác nhau; các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia có lợi ích ở khu vực này chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang “mời gọi” các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng những tháng qua tình hình ở khu vực Biển Đông cực kỳ căng thẳng. Trung Quốc đã và đang tiến hành các cuộc tập trận đơn phương và hành động khiêu khích đe dọa hòa bình và an ninh khu vực. Tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 của Trung Quốc được hộ tống bởi các tàu hải cảnh và máy bay quân sự – bao gồm cả máy bay ném bom H-6K – không chỉ đi qua vùng biển tranh chấp này mà còn xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) – 200 hải lý của Việt Nam. Chiến thuật “bắt nạt” của Trung Quốc Trên thực tế, tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 và tàu hải cảnh Trung Quốc thậm chí đã cố gắng làm gián đoạn hoạt động sản xuất dầu khí hợp pháp tại các lô dầu khí của Việt Nam. Chẳng hạn, lô dầu 06/1 – một liên doanh giữa Ấn Độ, Nga và Việt Nam sản xuất dầu khí trong 17 năm – đã trở thành mục tiêu của Trung Quốc với những lời cảnh báo được phát đi từ loa phóng thanh. Thông điệp của Bắc Kinh dường như là không ai được phép hoạt động thương mại ở Biển Đông mà không có sự tham gia của Trung Quốc, ngay cả khi dự án nói trên nằm trong EEZ hợp pháp của một quốc gia trong khu vực. Đây chẳng khác nào là chiến thuật bắt nạt. Vì Trung Quốc ngày nay là quốc gia lớn nhất và hùng mạnh nhất trong khu vực, nên họ nghĩ rằng họ muốn làm gì cũng được. Hiện giờ, tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 được cho là neo đậu cách bờ biển Việt Nam 155 km mà không có sự cho phép của Hà Nội. Điều này chẳng khác nào là một sự khiêu khích và để thể hiện cho khu vực cũng như thế giới thấy rằng Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc tin rằng Biển Đông rất quan trọng cho sự phát triển của nước này. Rốt cuộc, khu vực này chứng kiến một tỷ lệ lớn thương mại và năng lượng của Trung Quốc đi qua đây. Tuy nhiên, Biển Đông cũng quan trọng không kém đối với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á. Tại sao lợi ích của Trung Quốc lại được ưu tiên hơn lợi ích của các nước khác? Có lẽ cũng có một lời giải thích khác. Khi trục quyền lực chuyển từ Tây sang Đông trong thế kỷ 21 – nhờ các yếu tố nhân khẩu học, quản trị và công nghệ – trọng tâm toàn cầu sẽ tự nhiên chuyển sang Đông Á, trong đó Trung Quốc là một cực lớn. Tuy nhiên, Đông Á – với địa lý của nó – là một khu vực hàng hải rộng lớn với vô số bờ biển. Nếu thế kỷ trước chứng kiến các cuộc tranh giành giữa các quốc gia châu Âu – khi đó là các cường quốc dân tộc đang trỗi dậy – ở những biên giới đất liền, thế kỷ hiện tại sẽ chứng kiến các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cố gắng khẳng định sự thống trị của họ trên các tuyến đường biển. Và Biển Đông là trung tâm của cuộc cạnh tranh quyền lực hàng hải mới này. Trung Quốc, cường quốc hồi sinh mạnh mẽ, rõ ràng muốn thống trị nơi đây. Thế nhưng, có một lỗ hổng trong tư duy của người Trung Quốc. Các cuộc cạnh tranh ở châu Âu trong thế kỷ trước đã dẫn đến hai cuộc chiến tranh thế giới tàn khốc. Nếu một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn nổ ra ở Đông Á ngày hôm nay, nó sẽ trở nên thảm khốc hơn nhiều lần vì các loại vũ khí sẽ được sử dụng tùy tiện. Có thể Trung Quốc nghĩ rằng mối đe dọa của cuộc chiến tranh tàn phá sẽ thực sự ngăn chặn chiến tranh trong khu vực, hoặc cũng có thể họ cảm thấy rằng các quốc gia Đông Nam Á và Đông Á quá liên kết với nhau về kinh tế nên khó có nguy cơ dẫn đến chiến tranh. Và trong kịch bản này, Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể từ từ leo lên và khẳng định mình ở Biển Đông mà không cần phải gây ra một cuộc xung đột. Phản ứng của các quốc gia Đông Nam Á Tuy nhiên, mọi hành động đều có phản ứng khác nhau; các quốc gia ở Đông Nam Á cũng như các quốc gia có lợi ích ở khu vực này chắc chắn sẽ không khoanh tay đứng nhìn. Trên thực tế, Bắc Kinh đang “mời gọi” các nước chống lại họ, và điều này không mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Mỹ và các quốc gia ASEAN đang tiến hành cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Vịnh Thái Lan và Biển Đông với sự tham gia của 8 tàu chiến, 4 máy bay và hơn 1.000 binh sỹ. Sau đó tại Maldives, Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 3-4 tháng Chín với trọng tâm là an ninh và tự do hàng hải, thực thi Công Ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và phát triển các cơ chế thể chế khu vực hiệu quả để hiện thực hóa các quy tắc quốc tế. Hội nghị có sự tham dự của thủ tướng Sri Lanka và các bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ, Singapore và Maldives. Và mới đây, trong chuyến thăm chính thức của Thủ Tướng Malaysia Mahathir Mohamad tới Việt Nam, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về những diễn biến trong khu vực do Trung Quốc gây ra. Họ cũng nhất trí rằng tất cả các tranh chấp nên được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, không dùng đến các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, và tuân theo các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Thêm vào đó, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, phi quân sự hóa và tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế. Trung Quốc vi phạm tất cả những điều này – họ đã xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, quân sự hóa một số thực thể và từ chối phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực năm 2016 vốn phủ nhận yêu sách của Bắc Kinh đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tất cả những động thái này đều nhằm mục đích làm đối trọng với Trung Quốc. Và nếu Bắc Kinh tiếp tục thể hiện sự hung hăng ở Biển Đông, mọi chuyện sớm hay muộn sẽ trở nên nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nếu điều đó xảy ra, một tính toán sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn. Ngay cả trong thời gian sắp diễn ra các cuộc chiến tranh thế giới, những sự cố nhỏ, ban đầu bị bỏ qua đã leo thang thành những vấn đề lớn hơn nhiều. Khả năng những sai lầm tương tự sẽ diễn ra ở Biển Đông. Và xung đột sẽ là thảm họa cho tất cả các bên, bao gồm cả Trung Quốc. Ngay cả khi xung đột không xảy ra, các căng thẳng hiện tại ở Biển Đông hầu như không mang lại lợi ích cho sự phát triển và tăng trưởng của các nước trong khu vực. Cái giá phải trả sẽ là rất lớn và Trung Quốc thực sự sẽ bị thiệt hại nếu họ chọn chủ nghĩa đơn phương thay vì cách tiếp cận đa phương. Rudroneel Ghosh là nhà báo có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ. Hiện tại ông là Editor cho tờ Thời Báo Ấn Độ. Bài báo được đăng trên tờ The Times of India. Rudroneel Ghosh | Phương Hoài dịch Nguyên bản Anh ngữ: Big Brother Bullying: China’s actions in the South China Sea are bound to lead to counter-mobilisation, Rudroneel Ghosh, The Times of India, September 4, 2019. Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông  
......

Đài Loan thúc giục các nước ngăn chặn Trung Cộng bá quyền ở Biển Đông

[ S ] – FB Việt Tân Đài Loan kêu gọi các quốc gia trong khu vực công nhận quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, nếu không muốn thấy Trung Quốc kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Trả lời báo CNA hôm 11 tháng Chín, 2019, Bộ Trưởng Ngoại Giao Đài Loan Joseph Wu, cho biết mặc dù nhiều quốc gia trong khu vực có quan hệ kinh tế thân thiết với Bắc Kinh, họ cũng lo ngại về các yêu sách chủ quyền cũng như hành động quân sự hóa trái phép của Trung Cộng tại các đảo nhân tạo. “Chúng tôi thúc giục tất cả các quốc gia nhìn nhận tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Nếu họ không như vậy, Trung Quốc sẽ kiểm soát toàn bộ Biển Đông, từ đó gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền và an ninh của các nước lân cận cũng như đối với thương mại quốc tế”, ông Joseph Wu nhấn mạnh. Ngoại Trưởng Wu nói mặc dù Đài Loan không tham gia vào việc đàm phán bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng Đài Loan vẫn theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tại Biển Đông. Bộ Trưởng Ngoại Giao Đài Loan cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tiến hành các cuộc thảo luận với Đài Loan về vấn đề Biển Đông. Ông khẳng định Đài Loan sẵn sàng đóng góp vào vấn đề này, đặc biệt trong các lĩnh vực về nghiên cứu khoa học và tìm kiếm cứu hộ. Phát biểu của giới chức ngoại giao Đài Loan được đưa ra trong bối cảnh Trung Cộng đang tăng cường các hoạt động quân sự nhằm thực hiện mưu đồ kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Hiện nay, tại Bãi Tư Chính đang xảy ra cuộc đối đầu kịch liệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, khi Bắc Kinh đưa tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với hàng chục tàu hộ tống có vũ trang xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động hung hăng của Trung Cộng và tình hình căng thẳng leo thang tại Bãi Tư Chính, đã khiến nhiều nhà phân tích quân sự bắt đầu nghĩ về những xung đột quân sự giữa hai nước. Nhiều năm qua Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền trong khu vực đường “lưỡi bò” 9 đoạn chiếm khoảng 90% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, Tòa Trọng Tài quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp pháp của đường đứt khúc này. [ S ] – FB Việt Tân  
......

Vì sao người Hong Kong không muốn, cũng không thể dừng lại?

Trưởng Đặc Khu Carrie Lam trong cuộc gặp gỡ báo giới sau khi tuyên bố rút dự luật. Ảnh: Sam Tsang/SCMP Lựa chọn “ngu” nhất, với người Hong Kong, lại là lựa chọn duy nhất. By  Y Chan Sau gần ba tháng kể từ khi hơn một triệu người đổ ra đường phản đối “Ác luật Dẫn độ” của chính quyền Hong Kong, đặc khu trưởng Carrie Lam cuối cùng cũng đã có vẻ nhượng bộ. Không còn là những ngôn từ mập mờ như “tạm hoãn”, hay vô nghĩa về mặt luật pháp như “dự luật đã chết”, ngày 5/9 vừa rồi bà Lam đã dùng đúng chữ “thu hồi” như yêu cầu của tuyệt đại đa số người dân. Diễn biến này đã làm không ít người dân thở phào. Một tiếng thở phào rất ngắn ngủi. Ngay lập tức họ nhận ra, đối với phong trào đấu tranh dân chủ của Hong Kong, sự kiện này lành ít dữ nhiều. Một khi chính quyền đã tuyên bố dẹp bỏ ác luật, vốn là động cơ đấu tranh đầu tiên của người dân, mọi hoạt động phản kháng tiếp theo sẽ càng dễ dàng bị chụp chiếc mũ “phản động” và bị đàn áp khốc liệt hơn. “Quá ít, quá muộn” (too little, too late) là phản hồi chung của đa số người dân. “Năm đại yêu cầu, một cũng không được thiếu” là lời đồng thanh của người Hong Kong. Chắc chắn sẽ có những người nghĩ rằng người dân Hong Kong hoặc “được voi đòi tiên”, hoặc “không biết tự lượng sức”, hay “ảo tưởng” nghĩ rằng chính quyền độc tài Bắc Kinh sẽ nhượng bộ họ thêm nữa. Người Hong Kong không chịu lùi bước không phải vì họ cứng đầu (dù họ thật sự rất cứng đầu, đặc biệt khi đối mặt với bạo quyền). Họ đơn giản là không có đường lùi. Nếu không tiếp tục đấu tranh, họ sẽ phải sống trong một chế độ khủng bố đủ loại, từ đen tới trắng. Khủng bố trắng “Khủng bố” ban đầu là một từ dùng để chỉ những sự việc/ hành động khiến người ta “sợ hãi”. Khi con người càng ngày càng “thông minh” hơn, nghĩ ra nhiều cách khác nhau để gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác nhằm đạt được ý đồ của mình, từ “khủng bố” theo nghĩa hiện tại bắt đầu được thịnh dùng. Ngày nay, rất tiếc, nó là một trong những từ cửa miệng phổ biến nhất trên thế giới. Vậy còn “khủng bố trắng” là gì? Thuật ngữ “khủng bố trắng” (white terror) được cho là bắt nguồn từ thời Cách mạng Pháp vào cuối thế kỷ 18. Nó được dùng để chỉ những hành động đàn áp của phe Bourbon (dòng họ phong kiến nắm quyền ở Pháp và các nước châu Âu) nhằm trả thù các đối thủ vào cuối giai đoạn Cách mạng Pháp đẫm máu. Màu trắng là màu tượng trưng cho phe Bourbon, từ đó ra đời cách gọi “khủng bố trắng”, chỉ những hoạt động của chính quyền gieo rắc nỗi sợ hãi đến người dân. ‘Khủng bố trắng’ được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử hiện đại có lẽ là vào thời kỳ chính quyền độc tài Quốc Dân Đảng cai trị Đài Loan bằng thiết quân luật. Trong suốt 40 năm, chính quyền nơi đây cầm tù hàng trăm ngàn người và lạm sát những ai không chấp nhận sự cai trị của mình. Đến nay vẫn không ai biết được chính xác có bao nhiêu nạn nhân đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giết hại. Các con số ước tính từ vài ngàn đến vài chục ngàn. Ở Hong Kong, thuật ngữ “khủng bố trắng” không phải chỉ đến mùa hè sóng gió này mới xuất hiện. Nó có trong từ điển của người Hong Kong kể từ khi họ bất mãn với các chính sách can thiệp của Bắc Kinh nhằm bóp nghẹt tự do tại đây, đứng lên đấu tranh, và đương nhiên, bị chính quyền đặc khu lẫn trung ương dùng đủ phương thức đe dọa. Nó được dùng nhiều đến mức chính bà Carrie Lam, trong giai đoạn tranh cử chức đặc khu trưởng vào năm 2017, đã khiến nhiều người trố mắt khi nhận mình là nạn nhân của khủng bố trắng. Bà Lam muốn nói đến việc bản thân và những người ủng hộ mình bị cư dân mạng thường xuyên chế giễu chỉ trích. Ngay lập tức rất nhiều người đã bày tỏ sự “thất vọng” khi một chính trị gia kỳ cựu như bà lại không hiểu thế nào là khủng bố trắng – từ vốn chỉ được dùng khi những kẻ cầm quyền đàn áp người dân bất đồng chính kiến. Lịch sử của những hoạt động khủng bố trắng thường rất đẫm máu, nhưng biểu hiện của nó ngày nay không còn lồ lộ như xưa. Những nhà cầm quyền dùng nó như một con dao kề sẵn vào cổ người khác, buộc họ phải làm theo ý mình. Hàng chục ngàn nhân viên từ trên xuống dưới của hãng hàng không quốc gia Hong Kong Cathay Pacific là những người có trải nghiệm sinh động nhất. Giống như đa số người Hong Kong, những nhân viên của Cathay Pacific cũng ủng hộ hết mình cho phong trào đấu tranh dân chủ nơi đây. Họ hoặc trực tiếp tham gia biểu tình, hoặc bày tỏ sự ủng hộ trên mạng xã hội. Khác với những người Hong Kong khác, họ làm việc cho một doanh nghiệp lớn, vừa có phần hùn của chính quyền Bắc Kinh trong đó, lại vừa phụ thuộc rất lớn, trực tiếp và gián tiếp, vào thị trường đại lục. Trước thái độ ban đầu của Bắc Kinh, những ông chủ của Cathay vẫn giữ nguyên tắc tôn trọng quyền tự do biểu đạt của nhân viên. Chủ tịch Cathay khi đó là John Slosar đã nói, “chúng tôi làm sao mơ đến chuyện đi kiểm soát nhân viên của mình nghĩ gì.” Nhưng khi chính quyền đại lục tăng cường sức ép, buộc hãng phải “nghe lời” nếu không sẽ bị cấm vào đại lục lẫn bay qua không phận – một điều đồng nghĩa với việc tuyệt đại đa số các chuyến bay của Cathay sẽ không tài nào cất cánh – hãng hàng không số một của Hong Kong phải cúi đầu. Các nhân viên tham gia biểu tình bị sa thải. Phi công “lỡ” truyền thông điệp “cố lên” đến hành khách của mình cũng bị thôi việc. Thậm chí chỉ cần bày tỏ thái độ trên mạng xã hội, họ cũng bị buộc nghỉ việc. Không chỉ có nhân viên, quản lý cấp cao nhất cũng trở thành vật tế thần. CEO của Cathay Rupert Hogg và nhân vật số hai Paul Loo phải từ chức để “nhận trách nhiệm”. Và mới đây, vào ngày 4/9 vừa qua, đến chủ tịch John Slosar cũng tuyên bố sẽ từ chức. Trước con dao kề cổ của Bắc Kinh, Cathay tuyên bố “không dung thứ” (zero tolerance) cho bất kỳ nhân viên nào có các hoạt động ủng hộ phong trào biểu tình. Những người ở lại trong Cathay mô tả mình đang phải hít thở một “thứ không khí của sợ hãi”. John Slosar, bìa phải, chủ tịch của Cathay Pacific Airways, và Rupert Hogg, cựu giám đốc của hãng hàng không này, trong một cuộc họp báo vào tháng Ba. Ảnh: Jerome Favre/EPA, via Shutterstock. Họ không dám thảo luận về tình hình chính trị, lo sợ sẽ bị ai đó báo cáo với cấp trên. Họ phải nghĩ đến việc mang điện thoại “chữa cháy” bên người thay cho điện thoại chính, phòng trường hợp bị chính quyền kiểm tra thông tin bên trong. Họ thậm chí phải thay đổi tài khoản mạng xã hội để không bị trừng phạt. Phi công không dám nói chuyện với nhau trong khoang lái. Đồng nghiệp phải canh chừng lẫn nhau. Nhân viên không dám tự do biểu đạt kể cả khi không còn trong giờ làm việc. Đó là đích đến của khủng bố trắng: tạo ra một chủng loài sợ hãi, biết nghe lời, không dám chống lệnh. Cathay Pacific chỉ là một trong vô số những doanh nghiệp, tổ chức ở Hong Kong bị lưỡi dao của Bắc Kinh ve vẩy trước mặt. Hàng chục doanh nghiệp khác, từ những ông lớn bất động sản cho đến các ông trùm tài chính, đến cả những công ty sừng sỏ thế giới như “tứ đại gia kế toán” KPMG, Ernst & Young, Deloitte và PwC cũng phải lên tiếng ủng hộ chính quyền, “phản đối biểu tình bất hợp pháp”. Với các doanh nghiệp và người dân ở Trung Quốc hay Việt Nam, những sự kiện này có lẽ quá bình thường và quen thuộc. Nó đã thành “nếp văn hóa” ăn sâu vào tâm thức “nghe lời chính quyền”. Họ bị đặt trong một thế giới cứ như giả tưởng, luôn phải lựa chọn chỉ một trong hai: hoặc ngoan ngoãn phục tùng, hoặc không chốn dung thân. Những người Hong Kong không muốn chấp nhận sống trong thế giới của những kẻ hoang tưởng này. Khủng bố đen Nếu khủng bố trắng là sản phẩm quen thuộc nhiều năm qua, thì “khủng bố đen” đích thị là siêu phẩm mới cho mùa hè nóng bỏng năm nay của Hong Kong. Nó là thứ khủng bố được cảnh sát tạo ra. Gọi là “khủng bố đen” vì kể từ sau khi ICAC (Ủy ban Độc lập Phòng chống Tham nhũng) được ra đời, chưa bao giờ danh tiếng của lực lượng cảnh sát Hong Kong bị hủy hoại như ngày hôm nay. Thay vì tiếng gọi tôn trọng “Sir” như trước kia, trong vài tháng qua, rất nhiều người Hong Kong đã chỉ thẳng mặt gọi cảnh sát là “hắc cảnh”, lên án họ cấu kết với xã hội đen đàn áp người dân. Các bằng chứng của khủng bố đen dày lên theo mỗi tuần, có thể chia làm ba loại. Thứ nhất là nghi vấn cảnh sát cấu kết, làm ngơ để xã hội đen thỏa sức tấn công già trẻ lớn bé, từ người biểu tình đến người đi đường, thậm chí hạ gục cả phóng viên hiện trường vào ngày 21/7. Thủ phạm những vụ tấn công riêng lẻ sau đó nhắm đến các thành viên của phong trào dân chủ cũng chưa bị cảnh sát sờ gáy, trong khi số người biểu tình bị bắt giữ tính đến nay đã lên đến hơn 1.200 người. Mới nhất, vào tối thứ Sáu ngày 6/9, một phóng viên của Stand News khi đang tường thuật hiện trường đã bị một người ủng hộ lực lượng cảnh sát đấm gục xuống đường. Hàng chục cảnh sát đặc nhiệm cách đó chục mét dửng dưng đứng nhìn, không có bất kỳ động tác can thiệp nào. Kẻ tấn công bình thản bỏ đi ngay sau đó. Thứ hai là việc cảnh sát lạm dụng vũ lực. Họ giơ súng bắn đạn hơi cay nhắm ngang đầu vào người biểu tình, bắn trực tiếp vào đám đông từ tòa nhà trên cao, nhắm bắn đạn cao su trong khoảng cách chỉ vài mét, tung đạn khói ngay cả trong không gian kín (ga tàu điện ngầm). Đỉnh điểm gần nhất là việc cảnh sát truy đuổi vào tận bên trong tàu điện ngầm tại ga Prince Edward vào ngày 31/8, dùng gậy baton quất thẳng vào đầu bất kỳ ai trước mặt, những người vào thời điểm trên không hề có bất kỳ hành động phản kháng chống đối nào, cũng không có dấu hiệu nào cho thấy họ là người biểu tình.   Cảnh sát tại ga tàu điện Prince Edward ngày 31/8/2019. Ảnh: May James/HKFP. Thứ ba là việc cảnh sát che giấu danh tính. Từ việc trà trộn vào nhóm người biểu tình, kích động họ để có cớ bắt giữ, cho đến không chịu xuất trình thẻ cảnh sát khi bị dân chất vấn. Thậm chí lực lượng đặc nhiệm chống bạo động cũng giấu đi số hiệu của mình khiến người dân không biết đâu mà ghi nhận để phản ánh những việc làm sai trái. Điều khiến người dân Hong Kong phẫn nộ nhất là bất chấp những hành vi lạm quyền của lực lượng chấp pháp, chính quyền vẫn hết mực bao che, sẵn sàng bẻ cong sự thật. Quan chức đứng đầu Cục Bảo an (Security) thản nhiên lý giải cảnh sát không đeo số hiệu vì “đồng phục hết chỗ gắn”, dù trước đó người ta chụp lại được hình ảnh cảnh sát với cùng bộ đồng phục vẫn được gắn số hiệu rõ ràng. Vị quan phó của IPCC (Ủy ban giám sát độc lập chuyên xử lý các vấn đề tố cáo cảnh sát) thì biện hộ rằng cảnh sát có thể giấu danh tính khi hoạt động để “tự bảo vệ mình và gia đình”, bất kể việc đó khiến người dân không thể xác minh ai vi phạm để tố cáo với chính IPCC. Đặc khu trưởng Carrie Lam liên tục gạt bỏ yêu cầu thành lập Ủy ban điều tra độc lập, khăng khăng cơ chế hiện tại “hoàn thiện rồi”. Bà Lam muốn chỉ tay người dân về phía CAPO (Văn phòng tiếp nhận tố cáo về cảnh sát), một tổ chức trực thuộc lực lượng cảnh sát, và IPCC, một tổ chức độc lập giám sát hoạt động của CAPO. Trên thực tế, CAPO gần như vô tác dụng, còn IPCC không có quyền lực gì để bảo vệ người dân. Trong suốt 15 năm từ 2004 đến 2018, CAPO tiếp nhận 6.412 tố cáo từ người dân về các hành vi tấn công lạm quyền của cảnh sát. Chỉ có 4 trường hợp được CAPO xác nhận, hơn một nửa các trường hợp còn lại bị gạt đi mà không có kết luận nào. Nghĩa là xác suất giải quyết khiếu nại tố cáo từ người dân của CAPO đạt mức 0.0006 %. Còn IPCC từ năm 2010 đến 2018, trong tất cả những vụ họ giám sát, cảnh sát chỉ đồng ý chuyển duy nhất một trường hợp cho bên công tố. Đa số những vụ còn lại đều được cảnh sát xử lý nội bộ bằng hình thức “khuyên bảo” (advice). Cơ chế “rất hoàn thiện” (very well established) mà chính quyền đặc khu khẳng định này có lẽ chỉ lý tưởng cho lực lượng cảnh sát. Với cơ chế hiện tại, người dân Hong Kong hoàn toàn không có cơ hội nào để chống lại những việc làm sai trái của cảnh sát “theo đúng pháp luật”. Họ lại chỉ có hai lựa chọn: hoặc ngoan ngoãn phục tùng cảnh sát, hoặc trở thành những kẻ vi phạm pháp luật. Một lần nữa, với những người dân sống trong các chế độ độc tài của Trung Quốc và Việt Nam, đây là việc quá đỗi quen thuộc. Nhưng với người Hong Kong, đây là thứ họ không thể chấp nhận. Không có dân chủ, tự do chỉ là của bố thí Về mặt chính trị, Hong Kong có lẽ là mảnh đất đặc biệt nhất trên thế giới ngày nay. Ngưởi biểu tình đặt hoa để tưởng nhớ những nạn nhân bị cảnh sát tấn công tại ga Princess Edward 31/8. Ảnh: Lam Yik Fei/The New York Times   Nhiều người nhận định đây là nơi duy nhất người dân có “các quyền tự do không giới hạn” (unlimited freedoms) nhưng lại không được trực tiếp bầu lãnh đạo. Quả thật không chỉ so với những đồng bào ở Trung Quốc đại lục, người Hong Kong được hưởng các quyền tự do ở mức cao hơn cả nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới. Bất kể các nỗ lực áp đặt của Bắc Kinh, những quyền tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do tụ tập, và đặc biệt là tự do báo chí của người Hong Kong vẫn được bảo đảm – ít nhất là cho tới thời điểm này. Nhưng hơn ai hết, họ hiểu rằng những quyền cơ bản mình đang có giống như một lâu đài xây trên cát. Những người biểu tình trẻ tuổi khẳng định, “tự do mà không có dân chủ là thứ tự do yếu ớt, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị một chính quyền vô pháp vô thiên đập chết.” Không thay đổi thể chế, không giành lấy cho mình quyền quyết định vận mệnh, mọi “thay đổi” đều chỉ là hình thức, các vấn đề sẽ trở lại như cũ, và chỉ có tệ hơn. Lãnh đạo này đi xuống, lãnh đạo mới được “chỉ định” lên cũng chỉ là bù nhìn của những nhóm lợi ích. Không thay đổi thể chế mà vẫn muốn có tương lai tốt đẹp hơn, không khác gì đặt số phận của mình vào tay những nhóm đặc quyền đặc lợi, hy vọng họ “tự giác ngộ”, từ bỏ những quyền lợi chiếm đoạt của mình, hòa chung với lợi ích của đại đa số người dân. Nó giống như việc chờ đợi các quan chức cộng sản đột nhiên thật thà công khai sạch sành sanh tất cả thông tin tài sản của mình và người thân, hay các quan biệt phủ giàu nứt đố đổ vách một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng tự nhiên đổi tánh, chia lại kho chổi đót gia truyền cho dân. Bất kỳ một người có đầu óc bình thường nào cũng hiểu đây là điều hoàn toàn không tồn tại trong thực tế. Nhận thức này không khác mấy với suy nghĩ của những người đứng dậy chống lại ách đô hộ xâm lược của thực dân năm xưa, trong đó bao gồm cả những người cộng sản. Chỉ có độc lập tự chủ mới có tự do đúng nghĩa. Với những người đấu tranh cho dân chủ trên toàn thế giới nói chung, và những người Hong Kong nói riêng, chân lý này không thay đổi. Chỉ có dân chủ mới có tự do đúng nghĩa. Cùng một chân lý, nhưng oái oăm thay ngày nay người dân Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc, Việt Nam … lại bị chính quyền cộng sản, những “chuyên gia đấu tranh” xưa kia, không từ bất kỳ thủ đoạn nào thẳng tay đàn áp. Có người sẽ bảo đây là sự so sánh ngớ ngẩn và khập khiễng. Ngày trước là chống lại ngoại bang xâm lược, ngày nay làm gì có ngoại bang nào mà đòi chống với phá? Họ cố tình không hiểu một chân lý giản dị. Những kẻ áp bức, cho dù mang màu da gì, sắc tộc nào, hình hài ra sao, cũng đều là phường áp bức. Bị ngoại bang áp bức không tệ hơn bị đồng bào của mình đè đầu cưỡi cổ. Bị những người có cùng tiếng nói đàn áp không có gì tốt đẹp dễ chịu hơn là bị những người bất đồng ngôn ngữ chèn ép. Nếu buộc phải phân biệt, nhân loại tiến bộ không thể chia ra theo chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, giới tính … Chỉ có ba loại người: những kẻ muốn áp bức người khác, những người để người khác áp bức, và những ai không chịu bị bức hại. Người Hong Kong có lựa chọn rõ ràng cho mình. Trong mắt nhiều người, đó là lựa chọn “ngu” nhất. Đối với họ, đó là lựa chọn duy nhất.  
......

Trung Quốc giận dữ trước sự kiện Anh Quốc điều hàng không mẫu hạm đi vào quần đảo Trường Sa.

Truyền thông Anh đưa tin về việc Hải quân Anh có thể sẽ cử tân hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth, là tàu lớn nhất và mạnh nhất của Hải quân Hoàng gia Anh, chở theo phi cơ Mỹ tới vùng Quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp. Tờ Telegraph nói rằng dự kiến các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Thủy quân Lục Chiến Hoa Kỳ sẽ có mặt trên chiếc hàng không mẫu hạm Anh trong lần triển khai hoạt động đầu tiên của chiếc tàu 65 ngàn tấn này tới khu vực, theo kế hoạch sẽ thực hiện vào năm 2021. Những dự kiến của chính phủ Anh và Hoa Kỳ đã làm cho Trung Quốc điên tiết. Ông Đại sứ Lưu Hiểu Minh của Trung Quốc tại London nói với chính phủ Anh "chớ nên làm công việc bẩn thỉu này cho kẻ khác". BBC cho biết, tại một sự kiện được tổ chức ở London hồi đầu tháng 9, tùy viên quân sự Trung Quốc tại Anh, Thiếu tướng Tô Quang Huy (Su Guanghui) cũng đã tuyên bố: "Nếu như Mỹ và Anh cùng nhau thách thức hoặc vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, thì đó sẽ là hành động thù nghịch." Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh nói."Anh Quốc duy trì lợi ích trong khu vực và cam kết duy trì an ninh khu vực.Sự hiện diện của các lực lượng hải quân quốc tế tại Biển Đông là bình thường, và Hải quân Hoàng gia Anh không phải là ngoại lệ." Bắc Kinh giận dữ cho rằng, những động thái của Anh là hành động "khiêu khích". Ông Đại sứ Lưu Hiểu Minh còn ngang ngược nói rằng "Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) rất rộng lớn, rộng ba triệu cây số vuông, chúng tôi không phản đối việc mọi người đi lại ở đó, nhưng chớ có vào vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý của Trung Quốc," Một điều rất khôi hài mà thế giới đều nhìn thấy rõ dã tâm muốn chiếm trọn Biển Đông của Trung Quôc. Họ đã tự vẽ đường lưỡi bò 9 khúc tại Biển đông lấn sang lãnh hải và những vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác và cho rằng thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc đã gây bất mãn các nước trong vùng tranh chấp đã dẫn đến Philipines kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Kết quả phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế ngày 12 tháng 7, 2016, đã phủ nhận bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông là một thắng lợi lịch sử không chỉ đối với nguyên đơn là Philippines mà với cả các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Mặc dầu Tòa án trọng tài Quốc tế đã phủ nhận bản đồ 9 đoạn, nhưng Trung Quốc vẫn khăng khăng như đinh đóng cột, kiên quyết giữ quan điểm “bất di, bất dịch” cho rằng, các Lãnh hải nằm trong bản đồ 9 đoạn thuộc chủ quyền của Trung Quốc, bất chấp sự phản đối của quốc tế và các quốc gia trong vùng. Những hành động ngang ngược, ỷ mạnh hiếp yếu của Trung Quốc đối với các Quốc gia nhỏ, đã hiện rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Chính vì thế đã dẫn đến những động thái điều tàu và phi cơ vào những khu vực tranh chấp của một số quốc gia như Mỹ, Ấn độ… và bây giờ đến Anh Quốc đã chính thức vào cuộc. [ LA ] – FB Việt Tân  
......

Cái Sẩy Hồng Kông & Giấc Mộng Siêu Cường

Tưởng Năng Tiến| Cái sẩy nó nẩy cái ung. Thành ngữ VN   Bằng giờ này năm trước, tháng 10 năm 2018, I.F.R.I – Institut Français des Relations Internationales – đã cho phổ biến bài viết (“Chine : Une Puissance Pour Le XXIe Siècle”) với hơi nhiều lời … có cánh. Thử xem chơi vài câu, qua bản dịch (“Trung Hoa: Một Siêu Cường Của Thế Kỷ XXI”) từ trang Nghiên Cứu Biển Đông: Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế, và mong muốn trở thành cường quốc trong mọi lĩnh vực. Trung Quốc đang phát triển một chiến lược gắn kết và tổng thể nhằm khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, là một cường quốc hình mẫu về kinh tế, quân sự, ngoại giao, chính trị và ý thức hệ. Trung Quốc còn dự định đề xuất một mô hình phát triển và quản trị đất nước thực sự, và tiến hành cơ cấu lại quản trị toàn cầu. Việc nổi lên của một cường quốc là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, và chỉ có thể nhận thấy trong cả quãng thời gian dài. Sau sự xuất hiện của các cường quốc Anh và Mỹ trong những thế kỷ trước, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của siêu cường Trung Quốc. Ngoài các thành tựu kinh tế, có lẽ điều phân biệt Trung Quốc với các nước mới nổi khác là quyết tâm không thể lay chuyển của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thúc đẩy “sự đổi mới vĩ đại của nhà nước Trung Quốc”. Một ý chí sức mạnh 360° … Một ý chí mạnh mẽ muốn được thừa nhận là cường quốc … Một Trung Quốc hình mẫu cho các nước khác … ĐCSTQ cho rằng bối cảnh hiện tại thuận lợi cho Trung Quốc, và mong chờ thập kỷ sắp tới với một sự lạc quan nhất định, đồng thời không ngần ngại nhấn mạnh mặt trái của thế giới và người dân phương Tây. Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của giới bóng đá VN, là Trung Quốc sắp đặt cả nhân loại dưới gót chân của họ bằng những kỳ tích để đời. Cùng lúc – khắp nơi – thiên hạ vẫn thường được nghe những lời phát biểu, với khẩu khí cũng tự tín và lạc quan (tương tự) từ ông Chủ Tịch Đảng kiêm Chủ Tịch Nước của xứ sở này: – Trung Quốc đang ở vào một “thời cơ lịch sử”, bước vào một “kỷ nguyên mới” sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một “lực vĩ đại” [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế. – Chúng ta cần củng cố niềm tin về con đường, lý luận, hệ thống và văn hóa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước khác. – Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của ‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa. – Hương Cảng luôn trong trái tim tôi. Tập Cận Bình có “nổ” lớn quá không? Không đâu! Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, ngài chủ tịch còn có thêm một khối óc vỹ đại cùng tầm nhìn bao quát toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là “dự án lớn nhất của thế kỷ” (the largest project of the century) với kỳ vọng sẽ mang lại “một trật tự mới cho thế giới.” Quả đất vốn đã xưa, thế giới vốn đã cũ nên mọi sự mới mẻ đều được vui vẻ đón chào. Niềm vui, tiếc thay, hơi ngắn. Cái được mệnh danh là trật tự Trung Hoa – Sino-centric order – chưa kịp thành hình (mới chỉ có trong óc tưởng tượng thôi) thì đã có “sự cố” vô cùng đáng tiếc xẩy ra, khiến cho chính nước Tầu bỗng trở nên hơi bị lộn xộn và rối rắm. Cái “sẩy” này tuy chỉ do chút “thiếu tế nhị” trong lãnh vực pháp lý nhưng đã nẩy ra một cái ung to đùng, có thể làm tiêu tán giấc mộng (lớn) của Tập Cận Bình. Vấn đề đã được Mary Hui – tường thuật viên của Quartz, tại Hồng Kông – tóm gọn như sau, theo bản lược dịch của Đoan Trang: Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác: 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”. Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời. Thế là sóng gió ba đào: Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam). Có thể ví dự luật dẫn độ như một giọt nước tràn ly, và phản ứng dữ dội của người dân Hương Cảng như những cái tát (nháng lửa) vả liên tiếp vào mặt của Tập Cận Bình: – Hơn 1 triệu người biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ … – Hồng Kông Tê Liệt Vì Biểu Tình Phản Kháng Chính Quyền – Người biểu tình Hồng Kông so sánh cảnh sát với chế độ Hitler – Chính khách Úc ‘so sánh’ Trung Quốc với phát xít Đức  – Phong trào phản đối Luật dẫn độ đã dần công khai nhắm vào ĐCSTQ – Người Hồng Kông đốt cờ Trung Quốc – Vụ tự sát thứ ba của người Hồng Kông chống luật dẫn độ – Mười nghìn người Đài Loan biểu tình ủng hộ Hồng Kông – G7 “quan ngại sâu sắc” về tình hình Hồng Kông – Xuống đường ở Macau ủng hộ biểu tình Hong Kong – Sinh viên Hồng Kông bãi khóa để phản đối Bắc Kinh – Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông – Đức kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho dân Hồng Kông – Biểu tình Hong Kong: Đã có tiếng súng! Sau vô số lời đe doạ, sau khi bạo lực bị chống trả mãnh liệt bởi bạo động, và sau khi súng đã nổ nhưng những cuộc biểu tình vẫn giữ nguyên cường độ nên Trung Hoa Lục Địa “bỗng” trở nên nhũn nhặn và … lễ độ thấy rõ. Mềm nắn, rắn buông. Không buông, ngó bộ, không xong đâu! South China Morning Post, số ra hôm 4 tháng 9 năm 2019, loan tin: “Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thông báo rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Hong Kong leader Carrie Lam announces formal withdrawal of the extradition bill.” Josuhua Vong đáp lại rằng như thế là “quá ít và quá muộn. Too little and too late.”  Theo BBC, ông còn cho biết thêm: “Biểu tình sẽ tiếp tục cho đến ngày có bầu cử tự do.” Cụm từ “bầu cử tự do” – tiếc thay – lại không có trong tự điển của Tập Cận Bình. Nay muốn thêm vào e hơi bị khó. Sợ nó sẽ làm đảo lộn trật tự không chỉ ở đảo Hồng Kông mà còn ngay cả ở Trung Hoa Lục Địa nữa. Giấc mộng “Sino-centric order” – ngó bộ – còn xa. Nó cũng xa xăm và mơ hồ (y) như giấc mộng siêu cường của Tân Hoàng Đế vậy. Tưởng Năng Tiến 9/2019    
......

Bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện chính phủ Việt Nam hay kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Ảnh 'Đại gia mất tích' Đặng Thị Hoàng Yến Trúc Giang - Việt Nam Thời Báo (VNTB) - Dẫn nguồn tin từ Văn phòng Luật sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”, Hãng truyền thông PR Newswire đưa tin khá sốc về việc cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị kiện qua bài báo có tựa “American Economist Launches Over $2.5 Billion Arbitration Against Former Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung” [https://www.prnewswire.com/news-releases/american-economist-launches-over-2-5-billion-arbitration-against-former-vietnamese-prime-minister-nguyen-tan-dung-300913524.html]   PR Newswire có văn phòng đại diện tại Việt Nam, đặt ở lầu 8, Le Meridien Building, số 3 C Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.   Một bài viết có nội dung tương tự trên trang chuyên môn của giới trọng tài quốc tế, rút tít khá mạnh mẽ kèm hình bìa bản tin là khuôn mặt ông Nguyễn Tấn Dũng: “Vietnam’s ex-prime minister hit with claim over power project” – dịch thoáng sang tiếng Việt là “Thủ tướng Việt Nam bị đánh vì dự án điện” [https://globalarbitrationreview.com/article/1197236/vietnam%E2%80%99s-ex-prime-minister-hit-with-claim-over-power-project] Vì sao không kiện chính phủ Việt Nam?   Xét từ góc độ pháp lý, đây là một vụ kiện lý thú vì nó đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới mẻ, mà chỉ đọc được tài liệu vụ kiện mới có thể phân tích thấu đáo các cơ sở khởi kiện mà luật sư nguyên đơn đã sử dụng để khởi động một vụ kiện vô tiền khoáng hậu như vậy liên quan đến Việt Nam.   Theo bản tin Anh ngữ, các luật sư nguyên đơn trong vụ thưa kiện quốc tế này là: Charles H. Camp (Washington, DC), Tiến sĩ Jalal El Ahdab (Paris), Anthony Buzbee (Houston), Chris Leavitt (Houston) và Minh-Tam (Tammy) Tran (Houston).   Việc kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo trình tự tố tụng trọng tài, là yêu cầu của bà Maya Dangelas, quốc tịch Mỹ, được biết với tên Việt Nam là Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC). Cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam Đặng Thị Hoàng Yến và Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh VOA)   Bản tin Anh ngữ của PR Newswire nói rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện vì cho rằng khi còn làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng từng hủy bỏ trái phép hợp đồng với TEC trong dự án Nhiệt điện Kiên Lương tại tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.   Thắc mắc ở đây là tại sao bà Đặng Thị Hoàng Yến không kiện chính phủ Việt Nam, mà lại kiện cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng trong giai đoạn là thủ tướng? Bởi sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có văn bản đồng ý theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.   Phải chăng trong các thỏa thuận ký kết của dự án Nhiệt điện Kiên Lương, có các điều khoản mang tính cách cá nhân giữa ông Nguyễn Tấn Dũng với bà Đặng Thị Hoàng Yến?   Một ngờ vực khác, phải chăng động thái khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng là nằm trong nghi vấn ở bản công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch, có một điểm mà kiểm toán đặc biệt lưu ý, là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương.   Chính phủ Việt Nam hầu tòa quốc tế cũng thường rồi mà!   Đó là nhận định của ông Phạm Mạnh Dũng – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).   Theo ông Phạm Mạnh Dũng, pháp luật quốc tế nói chung, nhà đầu tư không được quyền kiện một quốc gia. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với nước ngoài, trong đó từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc, một khi tranh chấp xảy ra, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế.   Theo lẽ thường, khi hoạt động đầu tư nước ngoài càng phát sinh đa dạng, phong phú, sôi động, thì số lượng, tần suất, giá trị các tranh chấp đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.   “Trong trường hợp dự án Nhiệt điện Kiên Lương là vốn hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước đầu tư, do đó việc chọn một tòa trọng tài quốc tế để xử lý các tranh chấp như bài báo trên PR Newswire đưa tin, cá nhân tôi cảm giác có gì đó không ổn ở chỗ dường như bị đơn ở đây đang nhắm tới cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng.   Nếu tòa tuyên ông Dũng sai, thì khả năng thi hành án như thế nào?”. Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), thắc mắc và lưu ý chuyện Việt Nam đã trúng cử là thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.   Trong lúc đó thì một tài liệu mà báo chí có được, phía Bộ Công thương có đưa ra phương án thu hồi dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Theo đó, nhà nước khẳng định lỗi thuộc về chủ đầu tư, ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và không đàm phán bồi thường.   Thuận lợi của phương án này là không phải bồi thường cho chủ đầu tư nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ khẳng định lỗi hoàn toàn do chủ đầu tư. Khó khăn là khó có đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để đưa ra quyết định thu hồi và dễ xảy ra tranh chấp.   Kết quả là vào cuối năm 2018, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi đến quyết định chọn phương an thu hồi dự án, không đàm phán bồi thường, với lý do tính chất đặc thù của dự án BOT điện, nên khi dự án chưa hoàn thành thủ tục, chưa ký hợp đồng BOT với Bộ Công thương thì về phía Bộ Công thương và Chính phủ không có lý do gì mà bồi thường.   Lùm xùm chuyện gì ở dự án Nhiệt điện than Kiên Lương?   Một số thông tin liên quan về dự án Nhiệt điện Kiên Lương được giải trình tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019, tổ chức hôm 28/6/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Tân Tạo, thì thông qua người nhận ủy quyền là ông Đặng Thành Tâm, thông báo bà Đặng Thị Hoàng Yến có kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư tại nhiều dự án, bao gồm cả dự án Nhiệt điện Kiên Lương.   Một trong những lý do khiến bà Đặng Thị Hoàng Yến muốn thoái vốn là: “This filing aims to hold former Prime Minister Nguyen Tan Dung accountable for his actions in both his official and personal capacities. As a result, my client's loss of investment monies and profits are a direct result of the Prime Minister's actions in both his official and personal capacities” - PR Newswire dẫn lời của Tony Buzbee, Văn phòng Luật sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”, về cáo buộc đích danh cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng (lược dịch): “Hồ sơ này nhằm buộc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm về hành động của mình trong đưa ra các quyết định liên quan dự án đầu tư. Việc nhà đầu tư bị thiệt hại về vốn, về lợi nhuận chính là hệ lụy từ năng lực quản trị của thủ tướng”.   Theo tài liệu mà báo chí có được, trong báo cáo số 1488/UBND-KTTH tháng 9/2017, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng giai đoạn 2009 – 2013, chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và 2 là TEC đã chi tổng số 77,2 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng một phần và san lấp địa điểm xây dựng, khoảng 60 ha diện tích ven biển cho khu vực chính xây nhà máy nhiệt điện.   Trong khi đó, báo cáo của TEC gửi Thủ tướng hồi tháng 5/2017 thì cho biết đã đầu tư trên 270 triệu USD, khoảng hơn 6.300 tỷ đồng. Số liệu giữa báo cáo của tỉnh Kiên Giang và TEC đang chênh nhau tới 81 lần.   Theo TEC, có tới 6.300 tỷ đồng dùng để hoàn thành 146 thủ tục pháp lý từ Trung ương đến địa phương; khảo sát, xây dựng báo cáo khả thi dự án; hoàn thành 98% giải phóng, san lấp mặt bằng; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh,  sẵn sàng thi công nhà máy, thu xếp vốn, nguồn than cho dự án và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC quốc tế...   Báo cáo tháng 9/2017 của tỉnh Kiên Giang còn cho hay tỉnh hiện không thể liên lạc được với chủ đầu tư dự án TEC để trao đổi, bàn hướng xử lý vướng mắc dự án.   Theo hồ sơ, dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương bắt đầu đình trệ từ cuối năm 2011, và có chuyển biến mới khi Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT vào tháng 2/2014.   Tháng 12/2015, Bộ Công Thương và TEC ký kết biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực 48 tháng. Tuy nhiên, sau lễ ký kết này, TEC đã không thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nào. Từ cuối 2011, chủ đầu tư không nộp tiền sử dụng đất và cũng không xin gia hạn nộp theo quy định. Còn dự án Kiên Lương 2 chưa làm công tác chuẩn bị đầu tư do không có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).     Với dự án Cảng nước sâu Nam Du, ngoài việc khảo sát thực địa, đo đạc ngoại nghiệp và lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng lấy ý kiến hoàn chỉnh, đến nay TEC chưa triển khai thêm gì. Do đó, năm 2016 tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy nhiệt điện than Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực 2011-2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 xét triển vọng đến năm 2030. Tỉnh cũng đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư Cảng nước sâu Nam Du.   Ngay tại Việt Nam, TEC đã ‘đổ thừa’ tại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng   Ngày 31/8/2018, TEC đã có công văn gửi Bộ Công thương cho rằng, việc loại bỏ dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến dự án không thể triển khai được.   Về các cáo buộc của chính quyền tỉnh Kiên Giang, TEC khẳng định là không chính xác. Theo đó, dự án nhiệt điện này đã được Chính phủ giao cho TEC nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Đến năm 2014, để tháo gỡ vướng mắc cho dự án về việc cấp bảo lãnh của Chính phủ (GGU), TEC đã chấp nhận chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT để dự án sớm được triển khai.   “Ngay sau đó, TEC đã đàm phán Biên bản ghi nhớ Phát triển Dự án (MOU) với Tổng cục Năng Lượng và đã ký kết MOU vào tháng 12/2015 và thống nhất ngày vận hành thương mại dự án vào năm 2025”, một báo cáo gửi Bộ Công Thương của TEC cho biết.   Đáng lưu ý, theo TEC, ngay sau khi ký MOU, trong lúc TEC đang tích cực triển khai dự án thì ngày 29/1/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ quyết định rà soát loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) theo thông báo số 26/TP-VPVP của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Ngay sau đó, TEC cũng cho biết đã có 9 văn bản báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về dự án này.   Theo TEC, chính quyết định loại bỏ dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án không thể triển khai được.   Bình luận về văn bản phản ứng trên của TEC, một số chuyên gia am hiểu về dự án này cho rằng, những ý kiến của TEC cũng cần xem lại, vì khi rút dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện thì khi đó, dự án mới chỉ nằm trên ý tưởng và mới có văn bản ghi nhớ, chưa chưa có một quyết định đầu tư nào. Và cho đến nay, khu vực dự án vẫn hầu như chưa có gì, nên khó có thể ghi nhận là nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu USD.   Trong một diễn biến khác, giới chuyên gia cũng nhận định trong thời điểm này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long không cần thêm bất cứ nhà máy nhiệt điện than nào nữa, vì đã ‘bội thực’. Trong đó, chỉ riêng khu vực lân cận đã xuất hiện hàng loạt dự án nhiệt điện như: Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Sông Hậu 3; Long Phú 2…   Chưa kể đến địa hình tại Kiên Lương có nhiều yếu tố phức tạp, không phù hợp cho việc đặt các dự án nhiệt điện than; như địa chất không ổn, tàu vận chuyển than khó vào và không dễ dàng để kết nối đường dây 220 KV ở đây.   “Thời điểm cách đây 10 năm, trên thị trường đang sôi động đầu tư cho các dự án nhiệt điện than tại đồng bằng sông Cửu Long. Tập đoàn Tân Tạo đã đăng ký và được sự đồng ý của Bộ Công Thương cho đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1. Tuy nhiên, bây giờ thì không còn phù hợp nữa. Nếu có thưa gửi liên quan chuyện đầu tư này, bị đơn phải là chính phủ Việt Nam.   Việc đổ thừa cho ông Nguyễn Tấn Dũng là không hợp lý, vì sau đó người tích cực cho thu hồi dự án này là phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi ký phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 của Bộ Công thương, là ông đã nghỉ hưu…”. Luật sư Trần Thành biện luận.   Tính đến hiện tại, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa thấy lên tiếng về vụ thưa kiện nói trên.  
......

Người hùng nhỏ bé mà trí tuệ lớn lao đã tới Berlin

Nguyễn Doãn Đôn|   (Nhận lời mời, dự xong rồi về còn lãnh đạo tiếp, chứ không thèm chạy sang tị nạn) Nhờ sự lên tiếng vì Công lý và sức ép của Thế giới văn minh nói chung và của Đức nói riêng về luật bảo vệ quyền con người mà cuối cùng cường quyền bạo lực độc tài Tầu Cộng và Lãnh đạo bù nhìn Hồng Công cũng phải thả người Lãnh tụ - Nhà hoạt động tranh đấu nhân quyền của phong trào Sinh viên tại Hồng Công. Một Thanh niên nhỏ bé mới 22 tuổi đời mà vô cùng kiệt xuất. Ra tù, lên máy bay để bay sang Berlin dự Lể hội mùa Hè dành cho 100 người khách nổi tiếng trong năm do Báo Bild tổ chức, mang tên "Bild100-Fest". Wong kurz nach der Ankunft beim BILD100-Fest (Foto: HANNIBAL HANSCHKE / Reuters) Vừa đặt chân xuống Thủ đô Berlin trong đêm anh đã khẳng khái tuyên bố trước Thế giới tự do rằng : "China wird nicht gewinnen" - Trung quốc không thể thắng được. Tin từ báo Bild, anh đã thông báo trước công chúng ra đón anh rằng: "Die ehemalige britische Kronkolonie sei jetzt ein Bollwerk zwischen der freien Welt und der Diktatur Chinas" - Thuộc địa Anh trước đây, hiện nay đã trở thành một khí cụ để ngăn chận giữa Thế giới tự do với Độc tài Trung Cộng. Báo Đức viết tiếp : "Er zog Parallelen zwischen der friedlichen Wiedervereinigungsbewegung in Deutschland und dem Freiheitskampf in Hongkong" - Anh rút ngay ra một ví dụ song hành giữa phong trào đấu tranh bất bạo động của Đông Đức trước đây để so sánh với cuộc đấu tranh đòi tự do ở Hồng Công hôm nay.   Báo Đức đưa tin, anh nói rằng: Wenn wir in einem neuen Kalten Krieg sind, dann ist Hongkong das neue Berlin. Wong betonte, die Demokratiebewegung werde sich von der Rücknahme des umstrittenen Gesetzes, das Auslieferungen an China ermöglichen sollte, nicht einlullen lassen.- Anh khẳng định: Nếu chúng tôi bị đẩy vào cuộc Chiến tranh lạnh thì Hồng Công sẽ là một Berlin mới mẻ. Trong phong trào đòi quyền Dân chủ thì chúng tôi không thể để luật dẫn độ về Trung Quốc, luật đã gây ra bao tranh cãi cho phép họ thực hiện được để qua đó mà ru ngủ chúng tôi.   Mặc dù trong chuyến đi thăm Trung Cộng bà Thủ tướng Đức Merkel có lên tiếng ủng hộ phong trào nổi dậy của Nhân dân Hồng Công nhưng anh cảm thấy vẫn chưa đủ mạnh mẽ; Anh đòi hỏi bà cần phải đanh thép hơn nữa.   Báo Đức viết: "Der Bürgerrechtler hatte sich zuletzt enttäuscht von Angela Merkels Besuch in China gezeigt. Die Bundeskanzlerin hätte sich noch deutlicher äußern und für freie Wahlen einsetzen müssen, sagte er. Die Kanzlerin hatte in China erklärt, die Volksrepublik müsse sich in Hongkong um eine friedliche Lösung bemühen." Nhà hoạt đông Nhân quyền cuối cùng đã thất vọng qua cuộc thăm viếng của bà Angela Merkel. Lẽ ra bà phải bày tỏ, khẳng định quan điểm của mình rõ ràng hơn nữa tại Trung Quốc là nền Cộng hòa nhân dân ở Hống Công về quyền tự do bầu cử là phải được cố gắng thực thi qua giải pháp hòa bình.   Tôi thật khâm phục một chàng trai nhỏ bé mà vô cùng vĩ đại này. Anh chỉ bằng tuổi con, cháu của tôi và của bao người. Nhưng tôi sẽ gọi anh ta bằng Ông. Anh thật dũng cảm. Vì thế mà ngay trên trang nhất của nhiều tờ báo Đức hôm nay đã đăng: "Joshua Wong - Student gegen Supermacht" - Joahua Wong - Một Sinh viên chống lại cả một cường quyền cực mạnh. Ảnh dưới có nội dung như sau: Trích lời của Joshua Wong: "Hồng Kông là Berlin mới". Anh hùng tự do kêu gọi: "Tôi mong mỏi, yêu cầu sự giúp đỡ của người Dân Đức ". Tổng Giám đốc tờ báo Bild là Julian Reichelt -  "Axel Springer (Tên của Nhà Xuất bản sách báo, tài liệu nổi tiếng và có quyền lực lớn của Đức) tuyên bố: "Steht hinter allen Menschen auf der Welt, die für Freiheit kämpfen." sẽ yểm trợ mọi người đang tranh đấu cho Tự Do"   Dịch và viết : Nguyễn Doãn Đôn  
......

Người Không Sợ "Bể Nồi Cơm"

Nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai) tham dự biểu tình Ảnh: Bloomberg, New York Times Manh Kim| Khoảng 1g sáng 5-9-2019, hai tên bịt mặt đã ném bom xăng vào cổng nhà tỷ phú Lê Trí Anh (Jimmy Lai). Đây không phải lần đầu tiên. Năm 2015, một tên bịt mặt đã thực hiện tương tự; và trước đó, 2013, cũng chính cái cổng ấy, một chiếc xe hơi đã đâm thẳng vào, trước khi một cái rìu và một mã tấu được cắm “dằn mặt” ở lối đi vào cổng. Năm 2008, một cây bên ngoài nhà tỷ phú Lê bị đốt, bằng ba chai xăng… Ai “chơi” những trò bẩn này, nếu không phải là những người thù ghét ông. Mà ai thù ghét ông Lê? Tỷ phú Lê Trí Anh đang bị báo chí Trung Quốc miệt thị hết lời. Cùng Martin Lee (Lý Trụ Minh – người sáng lập đảng Dân chủ Hong Kong); Anson Chan (Trần Phương An Sinh - cựu chánh thư ký đặc khu); và Albert Ho (Hà Tuấn Nhân, cựu nghị viên), Lê Trí Anh là “đối tượng” mà báo chí Trung Quốc đặt vào nhóm “bè lũ bốn tên” (tứ nhân bang) đang “ngày đêm phá hoại” Hong Kong. Tờ Đại Công Báo, vốn thân Bắc Kinh, viết rằng ông là kẻ chẳng ra gì, đến mức “dòng họ xóa tên khỏi gia phả 28 đời”. Trong một quảng cáo giới thiệu tờ Apple Daily (Tần Quả nhật báo) mà ông sáng lập, Lê ngồi trong nhà kho tối om với quả táo trên đầu, đối mặt loạt mũi tên từ một bóng đen đang bắn thẳng về phía mình. Những trò chụp mũ chẳng hạn gọi ông là “người của CIA”, hay màn bôi nhọ của Đại Công Báo, là những mũi tên như vậy. Trong khi nhiều tỷ phú và nhân vật tên tuổi Hong Kong, như Thành Long, hoặc im lặng, hoặc phản đối cuộc biểu tình dân chủ, thì ông tỷ phú Lê 71 tuổi lại xuống đường cùng sinh viên. Nếu “ngồi im” và “biết điều”, Lê sẽ để lại một gia sản kếch sù cho sáu người con. Tuy nhiên, ông muốn để lại một di sản khác. Sinh tại Quảng Đông, năm 1959, Lê bỏ trốn sự cai trị cộng sản ở Hoa lục trên một con thuyền đánh cá. Ông đến Hong Kong năm 12 tuổi, với tình cảnh khố rách áo ôm. Làm đủ thứ việc vặt trong một nhà máy dệt, kiếm 60 đôla HK (7 USD) mỗi tháng và sống chen chúc trong căn hộ nhỏ 10 người ở khu ổ chuột Sham Shui Po, Le kể rằng tự do là cảm giác đầu tiên mà ông có được khi đặt chân đến Hong Kong và “nó chưa bao giờ làm tôi thất vọng; cho đến gần đây”. Nhiều người tỵ nạn cộng sản khác cũng nghĩ như vậy. Cần nhắc lại, sau khi cộng sản giành quyền cai trị Trung Quốc năm 1949, dân số Hong Kong tăng trung bình 1.000 người/ngày, trong suốt thập niên 1950, khi chào đón người từ Hoa lục sang. Hai người chị/em sinh đôi của ông Lê thậm chí suýt chết giữa biển khi bơi sang Hong Kong. Trong hai thập niên, Lê học tiếng Anh rồi từ công nhân nhà máy dệt trở thành người bán hàng và sau đó lập doanh nghiệp riêng. Một lần đến New York, khi mua pizza, ông thấy trên cái khăn giấy chùi miệng có chữ “Giordano”. Từ đó ông nảy ra ý nghĩ lập chuỗi cửa hàng quần áo nam với thương hiệu “Giordano”. Đến năm 1992, chuỗi bán lẻ phát triển lên 191 cửa hàng, thu vào 1,6 tỷ đôla HK (211 triệu USD). Rồi sự kiện Thiên An Môn xảy ra. Nó khiến Lê bắt đầu quan tâm chính trị. Ông sản xuất áo thun “Giordano” in khẩu hiệu ủng hộ sinh viên Trung Quốc. Sau đó, tháng 3-1990, ông thành lập Next Magazine với mục đích chống chính quyền Bắc Kinh. Trung Cộng phản ứng bằng cách ra lệnh đóng các cửa hàng Giordano ở Hoa lục. Năm 1994, Lê trực tiếp đối đầu chính quyền Trung Quốc khi cho đăng bài bình luận trên một tờ báo thuộc tập đoàn Next Digital của mình, gọi Thủ tướng Lý Bằng là “tên đồ tể Bắc Kinh”, là “thằng ngu như rùa”. Đó cũng là năm Lê thành lập Apple Daily. Tờ báo nhanh chóng thành công, thậm chí bán chạy như tôm tươi ở Đài Loan. Năm 2008, tài sản Lê khoảng 1,2 tỷ USD. Với giới thương gia Hong Kong, càng làm ăn lớn thì càng phải thâm nhập sâu vào Hoa lục. Tuy nhiên, Lê đã chấp nhận mất thị trường Hoa lục để chống Trung Cộng. Năm 2009, ông lọt khỏi danh sách Những người giàu nhất Hong Kong của Forbes. Các tập đoàn khổng lồ có “chân” ở thị trường Hoa lục, trong đó có Cathay Pacific hoặc CK Hutchison Holdings của tỷ phú Li Ka-shing (Lý Gia Thành) đều không bao giờ đăng quảng cáo trên Apple Daily. Lê Trí Anh càng chống Trung Cộng thì doanh số Apple Daily càng giảm. Đến thời điểm này, theo CNN 28-8-2019, lượng phát hành Apple Daily chỉ còn 200.000 bản/ngày, bằng 2/3 so với cách đây một thập niên, với 1,5 triệu độc giả online. Doanh số quảng cáo hàng ngày cũng giảm ½ trong ba năm qua, trong khi tập đoàn truyền thông Next Digital báo cáo lỗ trong giai đoạn trên. Một nhóm “người yêu nước” bí ẩn nào đó thường xuyên đến cổng nhà ông trên một chiếc xe buýt nhỏ màu trắng, vẫy băngrôn và lớn tiếng thóa mạ. Chúng gọi ông là “cẩu tặc vẫy đuôi theo Mỹ”, chuyên bỏ tiền để dụ người dân biểu tình. “Thật điên rồ. Có đến hai triệu người xuống đường. Tôi phải chi bao nhiêu cho đủ với hai triệu người ấy?” – ông Lê cười khà khà. Thỉnh thoảng bọn “yêu nước” ấy kéo đến cổng nhà ông hát quốc ca Trung Cộng. Ông mặc kệ. “Nếu anh không chiến đấu, anh sẽ sợ hãi. Tôi thì luôn là một chiến binh” – Lê Trí Anh nói (New York Times 23-8-2019). Trưa 28-9-2014, ông Lê bị trúng mảnh đạn hơi cay, một trong 87 viên đạn cay mà cảnh sát Hong Kong bắn trong hôm đó, trong cuộc biểu tình Dù Vàng 2014. Sau khi ông tham gia cuộc biểu tình kéo dài 79 ngày này, Văn phòng liên lạc Hong Kong của Trung Quốc (“Trung ương nhân dân chánh phủ trú Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu liên lạc biện công thất”) bắt đầu gọi điện cho các nhà quảng cáo, dọa rằng nếu họ tiếp tục quảng cáo trên Apple Daily thì việc làm ăn của họ tại Hoa lục sẽ bị ảnh hưởng. Đích thân đặc khu trưởng CY Leung (Lương Chấn Anh) còn kêu gọi tất cả doanh nghiệp làm ăn ở Hong Kong tẩy chay tờ Apple Daily. Cơ quan chống tham nhũng Hong Kong còn điều tra ông tội hỗ trợ tài chính cho các chính trị gia và đảng phái ủng hộ dân chủ. Vụ điều tra chẳng đi đến đâu. Tháng 8-2019, Thành Long lên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc nói: “Tôi hãnh diện là người Trung Quốc”. Cùng vẫy cờ Trung Cộng với Thành Long còn có một số đồng hương Hong Kong khác, từ ca sĩ Jackson Wang (Vương Gia Nhĩ) đến Charmaine Sheh (Xa Thi Mạn; người hiện nổi tiếng như cồn sau vai diễn trong “Diên Hy công lược”). Họ sợ mất lòng Bắc Kinh. Chính xác hơn là sợ mất thị trường làm ăn ở Hoa lục. Lê Trí Anh thì chẳng sợ gì. Ông chỉ sợ Hong Kong mất những thứ mà ông cảm nhận được ngay khi đặt chân đến mảnh đất này hồi năm 12 tuổi. Bao nhiêu tiền cho đủ để xây dựng nên một xã hội có tự do và dân chủ thật sự? …..    
......

Nhà độc tài Mugabe cựu Tổng Thống Zimbabwe vừa qua đời

Chu Vĩnh Hải| Nhà độc tài khét tiếng, người đi theo đường lối cộng sản Maoism, ông Robert Mugabe, lãnh đạo đầu tiên của Zimbabwe độc lập, vừa qua đời ở tuổi 95 tại Singapore, nơi ông thường xuyên trị bệnh trong những năm qua. Thế giới bớt đi một kẻ độc ác nhưng thế giới cần phải nhớ đến kẻ tàn độc này để tránh vướng vòng độc tài nghiệt ngã, để nói không với cái ác. Robert Mugabe: không biết xây, chỉ giỏi phá Ma đưa quỷ đến thiên đường Năm 1880, những người Anh da trắng tìm đến Zimbabwe- một đất nước Châu Phi tươi đẹp, có thiên nhiên hoang dã và đa dạng, có nhiều tài nguyên khoáng sản để làm ăn. Những người Anh với nhiều phẩm chất như giàu trí tuệ, có công nghệ cao, tư duy thương mại tốt, kỹ năng quản trị tuyệt vời đã nhanh chóng thành đạt, giàu có trên một đất nước hầu như còn hoang dã. Các hầm mỏ được khai quật mang lại lợi nhuận cao, đóng góp lớn nhất cho nhà nước Zimbabwe. Và hàng ngàn trang trại mọc lên, biến Zimbabwe thành cường quốc nông nghiệp hàng đầu ở Châu Phi với những nông sản cao cấp. Do uy tín với cộng đồng người da đen bản địa, dần dần người Anh da trắng được người bản địa tín nhiệm làm người quản trị chính quyền từ trung ương đến địa phương. Thiểu số người Anh da trắng đã xây dựng nên một thể chế dân chủ cho đất nước này, mang đến cho người dân tự do, hạnh phúc và thịnh vượng. Cho đến năm 1979, khi người Anh còn quản trị và điều hành đất nước, khi thiểu số người da trắng còn làm chủ các hầm mỏ, công xưởng và các trang trại, Zimbabwe vẫn là một đất nước thịnh vượng và hạnh phúc bậc nhất Châu Phi với tổng thu nhập bình quân trên đầu người là 3500 USD/người/năm- một khoản thu nhập khủng vào thời điểm đó. Và, Robert Mugabe xuất hiện. Ông ta đã làm đảo lộn tất cả, xóa bỏ tât cả các giá trị và thành tựu trên đất nước Zimbabwe, biến thiên đường trở thành địa ngục. Robert Gabriel Mugabe sinh ngày 21-2-1924,đã trở nên nổi tiếng trong thập niên 1960 khi làm lãnh đạo của Liên minh quốc gia Châu Phi Zimbabwe(ZANU) trong cuộc chiến tranh du kích theo đường lối marxsism bạo lực chống lại cộng đồng thiểu số da trắng điều hành và quản trị Zimbabwe. R. Mugabe được nhiều người dân Châu Phi nói chung và người dân Zimbabwe nói riêng coi là người anh hùng của công cuộc giành độc lập, một nhà cách mạng. Nhưng khoảng cách từ người anh hùng- nhà cách mạng đến một nhà độc tài nhẫn tâm là một khoảng cách rất gần. Vào năm 1980, quá mệt mỏi với khủng bố, súng đạn, chết chóc, tàn phá do Liên minh quốc gia Châu Phi mà đứng đầu là R. Mugabe gây ra, những người da trắng thiểu số ở Zimbabwe đã quyết định rút lui khỏi Zimbabwe, và trao quyền điều hành đất nước Zimbabwe cho ZANU trong hòa bình. Cũng trong năm 1980, R.Mugabe lên nắm quyền, cho đến tận năm 2017 này. Trong 37 năm dài dằng dặc đó, nhà độc tài khét tiếng R. Mugabe đã đày đọa nhân dân và đất nước Zimbabwe ra sao? Tận cùng đày đọa Đầu tiên, Mugabe tiến hành quốc hữu hóa toàn bộ các công ty khai thác mỏ, các công xưởng của người da trắng. Đây thực chất là một cuộc cướp đoạt. R.Mugabe công hữu hóa không chỉ theo luận thuyết sai lầm của Karl Marx mà còn có mục đích nhận hối lộ. Tổng thống Robert Mugabe được cho là có từ 5 đến 10 tỷ USD, nhờ các mỏ kim cương của Zimbabwe. Những khoản hối lộ đến từ các công ty quốc doanh, các nhóm lợi ích, việc cấp phép khai mỏ đã mang đến cho bản thân ông R. Mugabe, gia đình ông và thân tộc của ông một cuộc sống cực kỳ xa hoa và vương giả trong bối cảnh người dân triệt để bần hàn. Noi gương các quốc gia cộng sản khác, nhà độc tài R. Mugabe đã sắt máu tiến hành một cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất trên đất nước Zimbabwe: Ông ra lệnh tịch thu hàng trăm ngàn hec ta đất đai nuôi trồng từ hàng chục ngàn trang trại sầm uất của những người da trắng để chia lại cho người da đen Zimbabwe, tịch thu hàng ngàn trang trại để giao lại cho những người ông quen biết. Người dân Zimbabwe vốn không được trang bị các kiến thức về nông nghiệp, vốn chỉ quen làm công hưởng lương, không có khả năng điều hành và quản trị đã không thể duy trì và phát triển được các cánh đồng, các nông trại từng một thời là niềm tự hào của đất nước. Chỉ trong vòng 4-5 năm, các trang trại, các cánh đồng đã trở nên hoang tàn và xơ xác. Không chỉ không có các nông sản cao cấp xuất khẩu để mang về ngoại tệ, Zimbabwe còn khủng hoảng thiếu trầm trọng lương thực và thực phẩm thiết yếu triền miên. Trước thảm họa nhân đạo khốc liệt ở Zimbabwe, cộng đồng quốc tế đã kêu gọi R. Mugabe trả đất đai và trang trại lại cho người da trắng để họ gầy dựng lại và phát triển, để họ bảo đảm cuộc sống của người dân. Nhưng, người cộng sản trung kiên R. Mugabe đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi sinh ra để chống thực dân. Bọn người da trắng không được phép sở hữu đất đai của đất nước tôi”. Đói là thảm trạng kinh niên trên mảnh đất một thời trù phú và thịnh vượng này. Siêu lạm phát là đặc trưng nổi bật của nền kinh tế Zimbabwe. Vào năm 2008, Zimbabwe có lạm phát lên đến 1.300.000%. Để mua một ổ bánh mì, người dân đã phải mang theo hai bảo tải tiền. Cũng vào năm này, Zimbabwe đã phát hành đồng bạc có mệnh giá cao nhất thế giới: đồng đô la 100 tỉ, qui đổi ra đô la Mỹ được 24 cent. Trên đất nước Zimbabwe, bất cứ người dân nào cũng là tỉ phú, nhưng là tỉ phú thiếu ăn, thiếu áo, thiếu học hành, thiếu thuốc men y tế… Không chỉ tàn phá kinh tế, nhà độc tài R. Mugabe đã quyết liệt tàn phá các giá trị tự do- dân chủ- nhân quyền mà thiểu số người da trắng đã dày công gây dựng cho nhân dân và đất nước Zimbabwe. Hoang tưởng là thuộc tính nổi bật của R. Mugabe. Để chứng minh với thế giới rằng Zimbabwe là một quốc gia tươi đẹp, R. Mugabe đã cho triệt phá hàng trăm ngàn ngôi nhà tương đối tồi tàn trên đất nước, qua đó đẩy hàng triệu người dân vào thảm cảnh màn trời chiếu đất. Trong các hội nghị quốc tế và hội nghị quốc gia, R. Mugabe thường ngủ, và hình ảnh xấu xí, vô văn hóa này được phơi bày tràn lan trên truyền thông thế giới. Và, ông nói với người dân Zimbabwe nghèo đói và hồn hậu: “Không phải tôi ngủ. Tôi đã để cho đôi mắt của tôi nghỉ ngơi”. Một sự gian trá rợn người mà không phải bạo chúa nào cũng có can đảm để thực hiện. Theo thống kê, vào năm 2016, GDP bình quân trên đầu người của Zimbabwe là 370 USD/ người/năm, thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tuổi thọ trung bình của nam giới Zimbabwe là 43 tuổi, tuổi thọ trung bình của nữ giới là 42 tuổi. Dưới sự cai trị sắt máu của R. Mugabe, 4 triệu người dân- tương đương với 25% dân số đã bỏ nước ra đi. Hiện tại, cứ 10 người dân Zimbabwe thì có một người bị nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV mà không được nhà nước trợ giúp bất cứ thuốc men nào. Đất nước đói nghèo và bất hạnh, nhưng R. Mugabe và gia đình lại sống một cuộc đời đế vương. Vào năm 2012, R. Mugabe chi một triệu USD để tổ chức sinh nhật lần thứ 88 của mình. Vợ và con ông R. Mugabe thường xuyên đi du lịch tới những thiên đường du lịch. Không chỉ thế, vợ R.Mugabe còn sở hữu rất nhiều kim cương cực kỳ có giá trị, đến nỗi giới buôn bán kim cương trên thế giới gọi bà là “người đàn bà kim cương”. Báo chí thế giới cho rằng, mỗi lần đi mua sắm người đàn bà kim cương này chi khoảng 1 triệu USD. Đau thương, bất hạnh và ai oán hiện diện đến hang cùng ngõ hẻm của đất nước Zimbabwe. Các tiếng nói phản kháng đã nhanh chóng bị dập tắt bởi những họng súng lạnh lùng và tàn nhẫn của quân đội và cảnh sát- hai lực lượng được R. Mugabe đối xử hậu hĩnh để mua chuộc lòng trung thành. Không ai có thể cầm lòng được trước các thảm cảnh ở Zimbabwe. Vào năm 2008, Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush trong một diễn văn tại Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ trích chính phủ Zimbabwe “bạo ngược và đàn áp dân chúng”. Cũng vào năm 2008, trước chuyến công du đến 5 nước Châu Phi, Tổng thống Bush đã bỏ qua lối nói ngoại giao để thẳng thừng tuyên bố: “Tại Zimbabwe , một nhà độc tài mất uy tín cai trị với việc khan hiếm thực phẩm, lạm phát gia tăng và đàn áp khốc liệt. Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ủng hộ tự do ở Zimbabwe và tôi kêu gọi các quốc gia lân cận, trong khu vực, kể cả Nam Phi có hành động tương tự. Chúng tôi mong muốn cơn ác mộng này chấm dứt và dân chúng Zimbabwe được tự do”. Thế giới văn minh căm ghét R. Mugabe nhưng có một thế giới ma quỉ khác vinh danh ông ta. Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã trao tặng giải thưởng Hòa bình Khổng Tử cho R. Mugabe với lí do :”Ông Mugabe đã vượt qua nhiều gian nan và kiên định trong việc xây dựng nền chính trị và trật tự kinh tế quốc gia. Trong khi đó, ông cũng trợ giúp hết mình với chủ nghĩa Liên Phi và sự độc lập của châu Phi”. R. Mugabe có phẩm chất gì để mà vinh danh? Cũng như những người cộng sản khác, người cộng sản- nhà độc tài- tổng thống R. Mugabe không biết xây mà chỉ giỏi phá. Và cũng như số phận của nhiều nhà độc tài khác, R. Mugabe đã không thể mãi mãi ngự trị trên ngai vàng được dát bằng máu và nước mắt của nhân dân.
......

Tập chịu thua Trump?

Chấp nhận chịu đòn ông Donald Trump đánh tới tấp, Bắc Kinh vẫn hoan nghênh các công ty Mỹ vào nước Tàu làm ăn. Trong hình, người dân Thượng Hải, Trung Quốc, đi chợ Costco ngày khai trương hôm 27 Tháng Tám, 2019. (Hình: Hector Retamal/AFP/Getty Images) Ngô Nhân Dụng -  Người Việt| Tháng Ba, 2018, khi bắt đầu xuất quân tấn công Trung Cộng mở màn cuộc chiến tranh thương mại, Tổng Thống Donald Trump “tuýt” cho đội ngũ những cử tri ủng hộ mình: “Chiến tranh thương mại tốt, và thắng dễ dàng” (Trade wars are good, and easy to win). Nếu bây giờ có ai hỏi lại, ông Trump chắc vẫn không thay đổi ý kiến. Bữa trước lúc đang ở Pháp có người hỏi ông Trump có “nghĩ lại” về chiến thuật dùng quan thuế đánh trên hàng Trung Quốc để tạo áp lực trên đối phương hay không, ông Trump mới đầu nói, “có,” tức là ông có nghĩ lại. Nhưng tối hôm đó các tùy viên của ông đã giải thích lại cho rõ. Ông Trump “nghĩ lại” vì tiếc không đánh mạnh tay hơn, ngay từ trận đầu! Chứ không phải ông muốn nghĩ lại, không đánh đòn nào hết. Lối giải thích này hợp lý. Nếu ngay từ năm ngoái ông tổng thống Mỹ áp dụng suất thuế 25%, hay 30% trên “tất cả $550 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc” thì trận chiến trong 16 tháng qua đã diễn ra khác hẳn, không giống như bây giờ! Chúng ta không thể đoán cuộc chiến sẽ biến chuyển thế nào. Cũng như không ai đoán được nếu Nhật không tấn công hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng [Pearl Harbor] năm 1941 thì cục diện thế giới đã thay đổi ra sao. Nhưng có thể đoán được rằng nếu bị đánh vũ bão ngay trong đợt tấn công đầu, đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không có 16 tháng để nghiên cứu chiến lược, chiến thuật cũng như tâm lý của ông Trump. Các xí nghiệp Trung Cộng sẽ không có thời giờ để chuẩn bị di tản một số cơ sở làm ăn sang Việt Nam hay Mã Lai Á để tránh thuế. Dân chúng Trung Quốc cũng không có 16 tháng để nghe những lời tuyên truyền khích động “mối nhục” bị một nước da trắng ép buộc và có thời giờ để tập sống “thắt lưng buộc bụng” nếu kinh tế nước Trung Hoa suy sụp. Ông Trump, ngay từ đầu, đã đánh nhẹ quá! Chi mà chỉ đánh 10% trên $50 tỷ hàng hóa! Nửa năm sau đó mới tăng thêm $200 tỷ, dọa đánh thêm $300 tỷ nhưng lại báo trước cả tháng. Bây giờ, bị bên địch đánh lại $75 tỷ thì mới nổi giận giáng đòn chí tử: Sẽ đánh hết $550 tỷ, và sẽ đánh 30% chứ không phải chỉ có 10% hay 25%. Liệu “đòn chí mạng” này có đánh gục được ông Tập Cận Bình hay không? Có lẽ chính ông Trump cũng không tin hoàn toàn là sẽ thắng. Nếu ông tin 100 phần trăm rằng ông Tập Cận Bình sẽ không chịu nổi những đòn quan thuế mới, chỉ còn đường cởi giáp quy hàng, thì ông Trump chỉ cần ngồi đó tọa hưởng, để tâm lo những chuyện quan trọng khác. Nhưng hôm 3 Tháng Chín, ông tổng thống Mỹ lại lên tiếng đe dọa ông sẽ “ĐÁNH MẠNH HƠN” (Viết hoa MUCH TOUGHER trong nguyên văn) sau khi ông tái đắc cử năm 2020. Từ nay tới đó, trong 16 tháng, ông Trump nói, kinh tế nước Tàu sẽ lụn bại. Không biết ông Tập Cận Bình nghĩ thế nào trước những lời đe dọa mới này? Nhưng căn cứ vào thái độ của họ Tập trong thời gian qua thì có thể đoán rằng “Tập Cận Bình đã chịu thua Trump!” Đây là một cách nói, xin đừng hiểu lầm. Ông chủ tịch nước Tàu đã chịu thua ông Trump. Nghĩa là ông ta chấp nhận các hậu quả của cuộc chiến thương mại, không biết sẽ kéo dài bao lâu, biết rằng không thể làm gì khác để ông Trump thay đổi. Trung Cộng sẽ chấp nhận để nước Mỹ tấn công, cũng giống như phải chịu đựng một cơn bão nhiệt đới, có thể sẽ biến thành cuồng phong bất cứ lúc nào. Trong 14 tháng tới, ông tổng thống Mỹ sẽ còn ra chiêu nhiều lần, nhử một đòn lại đánh một đòn, có lúc ngọt ngào, lúc dọa nạt, và bao giờ cũng ồn ào. Ông Trump còn cất trong túi nhiều đòn có thể tung ra vào Tháng Mười tới, trước khi dân Mỹ đi bỏ phiếu. Nhưng Tập Cận Bình sẽ chỉ tiếp tục những gì ông ta đang làm từ hơn một năm nay. Không phải riêng ông Tập. Bộ máy lãnh đạo Cộng Sản nước Tàu đã chấp nhận một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài. Cuộc chiến đến hết năm 2020 vẫn chưa kết thúc, dù sau đó ai làm tổng thống nước Mỹ cũng vậy! Hiện nay đảng Dân Chủ đã theo ông Trump trong trận thương chiến với Trung Cộng, ủng hộ mạnh hơn đảng Cộng Hòa. Ông Trump dọa sau khi được tái cử ông sẽ đánh mạnh hơn. Nhưng một vị tổng thống đảng Dân Chủ mà lên thì cuộc chiến cũng không kết thúc. Hiện nay, Bắc Kinh đã chấp nhận không có cách nào làm cho ông Trump hài lòng! Có thể nói từ Tháng Năm vừa qua hai bên đã đồng ý trên nguyên tắc với nhau rồi. Họ chỉ có lập trường trái ngược khi muốn thi hành những quy tắc chung đó mà thôi. Nhưng đây là chướng ngại quá lớn khiến cho cuộc chiến không cách nào giải quyết. Chướng ngại là, Trung Cộng vẫn giữ một lập trường, không thay đổi: Yêu cầu chính phủ Mỹ xóa bỏ các thứ quan thuế trước khi ký kết bất cứ cái gì. Nếu không, là bị bắt nạt, mất thể diện quốc gia. Lập trường Mỹ thì ngược lại: Phải tiếp tục đánh thuế quan trên một số hàng, dù ít hay nhiều. Mỹ nói thẳng: Cứ tiếp tục đánh thuế quan cho đến khi nào Trung Cộng làm đúng tất cả những điều họ hứa hẹn! Vì thuế nhập cảng là thứ võ dễ nhất có thể đánh kinh tế Trung Cộng! Một chữ ký là có hiệu lực ngay. Quả thật là “dễ dàng,” như ông Trump đã “tuýt.” Nếu chấm dứt các món thuế thì Mỹ đâu có cách nào để buộc đối phương phải giữ lời? Đó là mâu thuẫn then chốt. Mỹ đã yêu cầu Trung Cộng phải cho các xí nghiệp Mỹ hoạt động bình đẳng và không ép họ phải tiết lộ các bí mật về sáng chế, phát minh. Trung Cộng hứa sẽ làm đúng như vậy. Mỹ bảo là hứa hẹn không đủ, Phải thay đổi các luật lệ để bảo đảm các công ty nước ngoài được cạnh tranh với các công ty nước Tàu. Nhưng đây là điều rất khó hiểu đối với nước Trung Hoa. Chính các công ty tư nhân trong nước Tàu bị chèn ép trong khi các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi, mà có ai than thở gì đâu? Điều khó hiểu thứ hai: Nhà nước Trung Quốc đã hứa sẽ đối đãi tử tế với các công ty Mỹ, một lời hứa là đủ tại sao không tin? Điều khó hiểu thứ ba: Tại sao nước Mỹ muốn đóng vai một cường quốc da trắng tới nước Tàu, yêu cầu chính phủ Tàu thay đổi các luật lệ cho các công ty Mỹ tự do làm ăn, mà không hề quan tâm đến lịch sử đầu thế kỷ 19, khi các nước Âu Châu cũng hành động đúng như vậy? Dân Trung Quốc làm sao có thể chấp nhận “mối nhục bất bình đẳng” đó lần nữa? Những điều trên, ông tổng thống Mỹ không quan tâm, nếu ông biết có những thắc mắc đó. Cho nên ông sẽ không nhượng bộ. Ông Tập Cận Bình cũng không thể “chịu nhục” như các vua quan nhà Thanh gần 200 năm trước. Nhà Thanh đã bị lật đổ, ai cũng còn nhớ. Cho nên ông Tập đã chịu thua. Không thể thảo luận gì với ông tổng thống Mỹ! Chấp nhận chịu đòn ông Donald Trump đánh tới tấp và trả đũa một cách dè dặt. Bắc Kinh vẫn hoan nghênh các công ty Mỹ vào nước Tàu làm ăn. Costco mới đại khai trương một cửa hàng lớn ở Thượng Hải. Tesla đang xây một cơ xưởng khổng lồ làm xe hơi chạy điện cũng ở Thượng Hải. Cả bộ máy tuyên truyền Cộng Sản sẵn sàng kích thích cho dân chúng Trung Hoa hăng hái cùng chịu hy sinh nếu kinh tế suy yếu. Trong khi đó, thì ông Tập Cận Bình tìm cách giảm bớt hậu quả của các miếng đòn quan thuế. Hạ thấp giá đồng tiền so với đô la Mỹ, hàng nước Tàu bán qua Mỹ sẽ rẻ hơn chút đỉnh, bù cho thuế quan làm tăng giá. Thúc đẩy thị trường quốc nội để bù cho những mất mát trong thị trường xuất cảng. Bắc Kinh đưa ra 20 biện pháp kích thích tiêu thụ, nới lỏng cho các địa phương vay nợ dễ dàng hơn để cung cấp việc làm cho những công nhân mất việc vì hàng xuất cảng xuống thấp. Trong khi đó các công ty Tàu tìm cách mở cửa qua làm ăn ở các nước Thái Lan, Nhật, Nam Hàn, lại thúc đẩy những thỏa ước mậu dịch tự do với các nước Đông Nam Á và Âu Châu. Tập Cận Bình đã chịu thua, không đấu với Donald Trump nữa. Bây giờ là một cuộc chạy đua coi bên nào chịu đòn giỏi hơn. Ngay từ đầu, mục Bình Luận này đã đoán trong cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung bên nào chịu đựng được lâu hơn sẽ thắng. Đến giờ điều này vẫn đúng. Ngô Nhân Dụng -  Người Việt  
......

Bắc Kinh – ‘tiến thoái lưỡng nan’ ở Hong Kong

Người Hong Kong khẳng định "Chế độ bạo tàn không bao giờ tồn tại mãi" (Hình: AP Photo/Kin Cheung) Lý Thái Hùng – Web Việt Tân| Không phải nắm quân đội và vũ khí trong tay là có thể dẹp được đám đông phản kháng dễ dàng. Sự kiện Hong Kong hiện nay đang đặt cho ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Bắc Kinh ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Dùng quân đội đàn áp hay là cứ thả nổi với thời gian? Bắc Kinh đã cho tung ra những hình ảnh xe tăng, xe chở binh lính tập trung tại Thẩm Quyến, thành phố sát nách với Hong Kong, như một đe dọa sẵn sàng tràn vào Hong Kong để dẹp người biểu tình, khiến dư luận lo ngại là Bắc Kinh sẽ biến Hong Kong thành một biển máu Thiên An Môn 2, từng xảy ra cách nay đúng 30 năm. Là một chế độ độc tài sắt máu, coi mạng sống của người dân không ra gì, nhưng tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay rất khó để lấy biện pháp man rợ như 30 năm trước đây vì Hong Kong không phải là Thiên An Môn mà là thành phố thương mại quốc tế. Những gì xảy ra ở đây có thể gây chấn động toàn cầu và nhất là có thể tạo ra hiện tượng sụp đổ domino nền thương mại của nhiều thành phố lớn bên trong Hoa Lục. Nhưng điểm then chốt và quan trọng khiến cho quân đội của Trung Quốc chần chừ là vì khó đánh úp vào Hong Kong như Lộ Quân 27 từ Tân Cương đã được điều về Bắc Kinh để đánh úp vào Quảng Trường Thiên An Môn rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989. Họ không biết được bộ chỉ huy của lực lượng biểu tình tại Hong Kong là ai và ở đâu, nếu không muốn nói cách khác, đầu não của lực lượng này chính là mấy triệu triệu cư dân Hong Kong đang tràn ngập mọi nẻo đường đảo quốc. Phải nói là chiến thuật đấu tranh của lực lượng dân chủ tại Hong Kong lần này, đúng như tên gọi “be water” đã khiến cho chính lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng đối phó. Họ dùng vũ lực tấn công người biểu tình là những thanh niên, thanh nữ tay không, chỉ tạo thêm sự phẫn nộ của công luận và khiến thế giới đứng về phía người dân Hong Kong nhiều hơn. Sự lúng túng này càng thấy rõ hơn khi cảnh sát Hong Kong hôm 30 tháng 8 đã bắt cóc hai thủ lãnh trẻ là anh Joshua Wong và cô Agnes Chow, nhưng sau đó vài giờ thì cho cả hai tại ngoại và phải ra hầu tòa vì buộc tội kích động và tổ chức tham gia hội họp trái phép vào ngày 21 tháng 6. Sau vụ bắt cóc nói trên, bỉnh bút Andrew Nagorski, cựu phóng viên và biên tập viên của Tuần Báo Newsweek, đã có một bài viết cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ áp dụng kịch bản Ba Lan vào năm 1981. Đó là ra lệnh thiết quân luật để truy bắt toàn bộ thành phần lãnh đạo và ủng hộ phong trào dân chủ tại Hong Kong như chính quyền Wojciech Jaruzelski của Ba Lan đã làm: thiết quân luật vào ngày 13 tháng 12 năm 1981, nhưng ngay đêm 12 tháng 12, cho công an đặc biệt có tên là ZONO truy lùng và bắt giữ hơn 6.000 thành viên lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết ở cấp trung ương và địa phương. Thiết quân luật mà nhà cầm quyền Cộng sản Ba Lan đã phải tiến hành sau khi yêu cầu lãnh tụ Leonid Brezhnev, Tổng Bí Thư Liên Xô vào lúc đó, đưa Hồng Quân Liên Xô vào Ba Lan để trấn áp sự phát triển quá mạnh mẽ của Công Đoàn Đoàn Kết, nhưng ông Brezhnev đã chần chừ, không đáp ứng ngay. Sự lớn mạnh một cách nhanh chóng của Công Đoàn Đoàn Kết – lên gần 3 triệu thành viên sau hơn 1 năm công khai hoạt động, từ tháng 5-1980 đến tháng 10 năm 1981 – không chỉ làm cho chính quyền Ba Lan e sợ mà còn khiến cho Điện Kremlin hoảng hốt vì nó có nguy cơ khích động làn sóng dân chủ hóa ở những quốc gia khác như Hung Gia Lợi, Tiệp Khắc, Đông Đức. Lý do Liên Xô chần chừ đưa Hồng Quân vào trấn áp là vì Điện Kremlin lúc đó đang điên đầu giải quyết việc Hồng Quân bị sa lầy tại A Phú Hãn, sau khi đưa 200 ngàn quân vượt biên giới chiếm đóng nước này vào năm 1979. Cuối cùng, lãnh đạo Ba Lan đã không thể chờ quyết định của Điện Cẩm Linh, mà đã phải đưa 14 ngàn quân nhân bổ xung vào lực lượng công an sau 3 tháng huấn luyện về nghiệp vụ trấn áp đối lập với một biệt danh là nhóm an ninh đặc nhiệm ZONO. Nhóm này ngoài nhiệm vụ bắt giữ 6.000 thành viên Công Đoàn Đoàn Kết vào tháng 12 năm 1981, còn có nhiệm vụ trấn áp các cuộc đình công khác của công nhân kéo dài đến cuối năm 1985. Liệu Bắc Kinh có dùng kịch bản Ba Lan năm 1981, huấn luyện cấp tốc lực lượng quân đội đang đóng tại Thẩm Quyến để sau đó, tung vào Hong Kong bắt giữ hàng ngàn thành viên lãnh đạo trong thành phần giới chức, lao động, sinh viên, buôn bán, trước khi ra lệnh thiết quân luật hay không? Giải pháp này có thể bớt đổ máu như ở Thiên An Môn và giúp cho Bắc Kinh có thể khống chế ngay những cuộc biểu tình to lớn hiện nay. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm bợ, vì người dân Hong Kong đã có ý thức đấu tranh cao độ, hết đợt này bị bắt giữ thì đợt khác sẽ tự động đứng lên, và Hong Kong sẽ tiếp tục chìm trong biểu tình và hỗn loạn. Rõ ràng là dùng quân đội trấn áp hay dùng thiết quân luật để khống chế dòng người biểu tình tại Hong Kong đều không có kết quả, nếu không nói những biện pháp bạo lực này là giải pháp tồi tệ nhất cho Bắc Kinh. Trong khi đó, người biểu tình tại Hong Kong đưa ra 5 yêu sách: Rút lại dự luật dẫn độ; Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chức Đặc khu trưởng; miễn truy tố những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình; tiến hành điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực đàn áp; bầu cử tự do. Trong 5 yêu sách này, có bốn cái đặt ra cho chính quyến Hong Kong và hôm mồng 4 tháng 9, chính quyền Hong Kong đã đáp ứng yêu sách số 1 khi bà Lâm họp báo tuyên bố rút lại Dự luật dẫn độ. Riêng yêu sách thứ năm – cải cách chính trị và bầu cử tự do – là yêu sách vượt lên trên khả năng của Hong Kong vì nằm trong tay chính quyền Bắc Kinh. Nói cách khác, yêu sách bầu cử tự do chính là mấu chốt quan trọng để buộc chính quyền Bắc Kinh chấm dứt việc khuynh loát hai cuộc bầu cử: lãnh đạo đặc khu và bầu cử nghị viện Hong Kong. Từ năm 2014, Bắc Kinh đã thay đổi cách bầu cử lãnh đạo đặc khu không theo lối bầu phổ thông trực tiếp như chính quyền Anh đã đề nghị trước khi trao trả đặc khu vào năm 1997. Thay vào đó Bắc Kinh cho lập một Ủy ban gồm 1.200 thành viên (Tuyển cử ủy viên hội), với đa số là người của Bắc Kinh kiểm soát, có trách nhiệm chọn ra từ hai đến ba ứng cử viên chính thức, tranh cử chức vụ đứng đầu đặc khu, để sau đó đưa ra cho cử tri bỏ phiếu. Quy định “đảng cử dân bầu” này chặn đứng khả năng thực thi các nguyên tắc hướng đến dân chủ trong Luật cơ bản (Basic Law), hay Hiến pháp của Hong Kong. Theo quyết định từ Bắc Kinh, tất cả các đảng phái chính trị tại Hong Kong, hay cử tri Hong Kong, dù với số lượng bao nhiêu đi chăng nữa, đều không có quyền trực tiếp cử người ra tranh chức lãnh đạo đặc khu. Bắc Kinh cũng đã thao túng quy chế bầu cử Nghị Viện hiện nay bằng cách chia làm hai khối gồm 70 người. Khối thứ nhất gồm 35 nghị viên do cử tri 5 quận của Hong Kong bầu lên trực tiếp. Khối thứ hai cũng gồm 35 nghị viên nhưng có 30 người được đại diện của khoảng 30 nhóm ngành nghề, và 5 người còn lại do 400 thành viên các hội đồng địa phương bầu chọn. Bắc Kinh cài người của họ vào trong hai khối này và nhất là chiếm quá bán trong số nghị viên đại diện các nghành nghề. Chính vì vậy mà các biểu quyết của Nghị Viện đều theo ý muốn của Bắc Kinh hơn là đáp ứng mong muốn của người dân Hong Kong. Để tháo gỡ bế tắc hiện nay, chỉ có một giải pháp duy nhất là Bắc Kinh phải để cho chính quyền Hong Kong đối thoại với lực lượng đấu tranh qua hình thức hội nghị bàn tròn như đảng Cộng sản Ba Lan đã phải ngồi xuống thảo luận với Công Đoàn Đoàn Kết qua 92 phiên đàm phán, kéo dài trong 3 tháng để duyệt xét lại toàn bộ các vấn đề bầu cử, cơ chế nghị viên, sinh hoạt chính trị… trước khi bầu cử tự do vào tháng 6-1989. Đây là giải pháp vừa tránh đổ máu, vừa không gây thêm tổn hại về tiềm lực kinh tế của Hong Kong bởi những cuộc biểu tình đã kéo dài trong hai tháng qua. Đã đến lúc Bắc Kinh phải cân nhắc giữa tham vọng quyền lực chính trị – muốn kiểm soát toàn bộ Hong Kong, và quyền lợi kinh tế đi đôi với sự ổn định mà đặc khu này có thể đem lại cho Trung Quốc. Lý Thái Hùng Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân: Muốn giữ Bãi Tư Chính, phải dựa vào sức mạnh của toàn dân Từ vụ Scarborough, Việt Nam cần khởi kiện ngay Trung Quốc      
......

Agnes Chow trả lời bà Carrrie Lam

......

Rupert Neudeck - Người không chịu hèn

Nguyễn Thọ| Nhân dịp bạn Trần Văn Thái từ Việt Nam sang, tuần qua tôi đã cùng mấy bạn học ở Königs Wusterhausen (Berlin) từ thời trai trẻ tổ chức một cuộc gặp gỡ với các thầy cô giáo ở đó. Tôi luôn áy náy vì cứ mỗi lần quay về trường cũ là lại thiếu vắng thêm một vài thầy cô. Tôi sẽ kể trong bài sau về cuộc gặp gỡ này. Vì vậy nên tôi không thể tham gia lễ kỷ niệm 40 năm „Tổ chức cứu trợ Cap Anamur“ vào hôm thứ bảy 31.8 vừa qua. Tuy không phải là thuyền nhân được tàu Cap Anamur của ông Rupert Neudeck vớt lên từ Biển Đông như hàng chục ngàn đồng bào, nhưng tôi vẫn coi ông Neudeck là ân nhân. Ân nhân vì ông đã giúp tôi hiểu hơn ý nghĩa của cuộc đời. Trước khi đi Berlin, tôi kịp đưa bạn Thái về Troisdorf để viếng ông Neudeck và thăm „Đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam“. Con thuyền gỗ nhỏ bé với 52 người tỵ nạn đang sắp chết khát được tàu Cap-Anamur vớt vào phút chót, ngày nay trở thành đài kỷ niệm. Mỗi lần qua đó, tôi lại nghĩ đến những đồng bào xấu số đã nằm lại trong lòng Biển Đông. Rồi tôi nghĩ đến người ty nạn Neudeck. Ông Neudeck cũng là một người Đức tỵ nạn chạy trốn cuộc tổng tiến công của Hồng quân Liên-Xô. Năm 1945, cậu bé 6 tuổi Rupert đã phải theo cha mẹ, cùng 12 triệu người Đức đi bộ hơn 1000 km từ vùng Danzig (nay là Gdansk, Ba-Lan) để về Tây Đức. Gia đình Neudeck sống sót về đến đây vì họ bị nhỡ chuyến tàu thủy Wilhelm Gustloff. Con tàu chở người Đức tỵ nạn này đã bị tàu ngầm S13 của Hồng quân Liên Xô bắn chìm ngày 30.1.1945 trên biến Baltic, đem theo 9.000 người Đức xấu số xuống đáy biển. Cậu bé Rupert đứng trên bờ kinh hoàng nhìn những mảnh tàu vỡ cùng xác người trôi dạt vào bờ. Hình ảnh đó đã không bao giờ ra khỏi đầu ông già Neudeck sau này. Vì vậy khi nhìn thấy những hình ảnh thuyền đắm, người chết trên Biển Đông, nghe về những vụ cướp biển, về các vụ hãm hiếp, về những vụ ăn thịt người để sống, ông không thể ngồi im. Ông thậm chí vượt cả rào cản ý thức hệ. Rupert Neudeck vốn là một báo cánh tả, ảnh hưởng bởi các thần tượng như Jean Paul Sartre, Yve Montant hay Heinrich Böll. Cánh tả phương tây đã đứng về phía những kẻ yếu trong chiến tranh Việt Nam và có cảm tình với Việt Cộng. Nay phải ra tay cứu những người trốn đang chạy chế độ mình từng ủng hộ không phải là quyết định dễ dàng. Khó khăn nữa là phá bỏ được nỗi lo ngại của dư luận Đức trước dòng người tỵ nạn Việt Nam. Chỉ riêng việc một dân tộc tự đàn áp nhau đến mức hàng triệu người phải chấp nhận cái chết, bỏ quê hương ra đi, đã khiến người ta lo sợ bản chất bạo lực tiềm tàng trong dân tộc đó. Không nước nào thích đón nhận người Việt tỵ nạn, kể cả các nước láng giềng như Thái Lan, Mã Lai, Indonexia. Liên hiệp quốc phải tổ chức hội nghị quốc tế Geneve 1979 để phân bổ hạn ngạch, buộc mỗi nước giàu phải nhận một cơ số người Việt tỵ nạn. (Viết đến đây, tôi chợt nghĩ đến một số người Việt tỵ nan đang có cái nhìn hẹp hòi đối với những người tỵ nạn hôm nay và coi chỉ có họ mới xứng đáng được cứu vớt) Rupert Neudeck bị chỉ trích từ cả hai phía, tả và hữu. Người thì coi con tàu Cap-Anamur là cái nam châm thu hút và kích động người vượt biên, người thì chửi ông “Chống lại một nhà nước XHCN đang hồi sinh“ (Peter Weiss)[1]. Nhiều bạn bè coi ông là kẻ điên rồ, tự nhiên từ bỏ cuộc sống no ấm của một nhà báo để lao vào cuộc phiêu lưu cứu người giữa biển cả. Hai vợ chồng Christel và Rupert Neudeck không hề phủ nhận là mình điên khùng. Những kẻ điên khùng sẽ chuyển động thế giới. Đại văn hào Heinrich Böll[2] đã đồng cảm với sự hy sinh của vợ chồng Neudeck và chính sự ra tay của ông Böll đã tạo nên chuyển biến kỳ diệu trong dư luận. Sau buổi phát sóng đầu tiên cùng Heinrich Böll, ông Neudeck thu được hơn 1,3 triệu DM tiền quyên góp. Số tiền đó đủ để tổ chức „Con tàu cho Việt nam“ của ông thuê chiếc tàu buôn với cái tên Cap Anamur [1]. Rất nhiều thiện nguyện viên đã góp sức, góp của sửa chiếc tàu đó thành tàu y tế cứu nạn. Nhiều chuyên gia y tế, hàng hải đã đầu quân làm nhân viên không lương cho tàu Cap-Anamur. Ngày 13.8.1979, con tàu rời cảng Hamburg đi biển Đông để cứu người Việt tỵ nạn. Trong 10 năm liên tục, con tàu đã vớt được 11.300 người tỵ nạn Đông Dương đưa về Đức. Cứu người đã khó, đưa được họ về Đức cũng không dễ. Chính quyền Đức không muốn đón nhận tất cả những người được cứu trên tàu. Nước Đức được phân công phải nhận 20.000 thuyền nhân. Chính quyền chỉ muốn đến các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á phỏng vấn từng người, lựa chọn và nhận những người đã thẩm tra. Trong khi con tàu lênh đênh trên biển để về Hamburg, một cuộc chiến truyền thông và vận động hành lang đã nổ ra tại Đức. Kết cục là tất cả những người trong danh sách gửi về từ Biển Đông đều được chấp nhận tỵ nạn tại Đức. Trong chiến tranh thế giới 2, „Bản danh sách Schindler“ là một ngọn nến nhỏ của tình người chìm trong bóng tối của tư tưởng phát xít. Trong thời bình những „Bản danh sách Neudeck“ gửi đi từ tàu Cap Anamur đã thức tỉnh lương tâm dân tộc này, đã đưa hình ảnh nước Đức từ những lò thiêu xác, trại tập trung, trở thành bến bờ của lòng nhân đạo. Bà Neudeck nói, họ làm được điều đó vì họ dám đứng lên, đi ngược lại những luồng tư tưởng ngự trị (mean stream). Xin dẫn một câu nói của Rupert Neudeck: Tôi muốn không bao giờ hèn nữa. Cap-Anamur là ấn tượng đẹp nhất của ý nguyện Đức: Không bao giờ trở lại với sự hèn hạ, phải luôn luôn dũng cảm. (Ich möchte nie mehr feige sein. Cap Anamur ist das schönste Ergebnis des deutschen Verlangens, niemals wieder feige, sondern immer mutig zu sein) Sự hèn hạ mà ông Neudeck muốn nói ở đây chính là sự quay mặt đi trước những điều ác đang xảy ra trước mắt mình. Chủ nghĩa phát xít tàn phá thế giới từ 1933 đến 1945 không phải vì Hitler tài giỏi, mà vì đã có 90 triệu người Đức hèn, ngậm miệng. Köln 04.09.2019 ------------- [1] Cap Anamur là tên một cảng biển phía nam Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đầu ông Neudeck thuê tàu Cap Anamur, sau khi có đủ tiền, ông mua lại. Năm 1982, ông lấy tên Cap Anamur đăt tên cho tổ chức của mình. [2]https://www.spiegel.de/spiegel/print/d-14339003.html [3] Heinrich Böll: 1917-1985, quê ở Köln, được coi là nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất nước Đức, giải thưởng Nobel văn học 1972.
......

Quang Phục Hương Cảng

Manh Kim| Tinh thần “Quang Phục Hương Cảng” – ý niệm được chủ xướng bởi Edward Leung (Lương Thiên Kỳ, 28 tuổi, người đang thụ án tù 8 năm sau phiên xử vào tháng 6-2018 tội "kích động biểu tình") – đang trỗi dậy dữ dội. Leung - Lương Thiên Kỳ giữa Thứ hai 2-9-2019, ngày khai trường, hàng chục ngàn học sinh-sinh viên đã nhất loạt xuống đường, bắt đầu chiến dịch tẩy chay học đường dự kiến kéo dài hai tuần khắp 11 đại học. South China Morning Post cho biết, khoảng 4.000 học sinh từ ít nhất 230 trung học đã không vào trường để tuần hành và tọa kháng cùng anh chị sinh viên. “Cứ vãi đạn, cứ khủng bố trắng, cứ là chế độ toàn trị nhưng bất kỳ trở ngại nào ngáng đường cũng sẽ không bao giờ đủ để bẻ gãy quyết tâm của chúng tôi” – tuyên bố của Đại học Trung Văn Hong Kong (Hương Cảng Trung Văn Đại học). Cuộc biểu tình ngày 2-9-2019 của lực lượng sinh viên-học sinh vang vọng với khẩu hiệu sấm sét: “Giải phóng Hong Kong! Thời đại cách mạng!”. Một học sinh 13 tuổi thuộc trường St Francis’ Canossian College, nơi đặc khu trưởng Carrie Lam từng học, nói dõng dạc: “Vì còn nhỏ nên những gì chúng em có thể làm đều rất hạn chế và việc tẩy chay học đường là cách tốt nhất để biểu thị ý kiến”. “Nếu tôi không xuống đường lần này, tôi có thể không có cơ hội trong tương lai” – phát biểu của sinh viên Krystal Hung (New York Times)… Nền tảng giáo dục khai phóng có thể được xem là yếu tố lớn nhất giúp học sinh-sinh viên Hong Kong chiến thắng mọi sợ hãi trước bạo lực trấn áp để quyết liệt đòi và giành tự do. Từ nhiều năm nay, học đường đã trở thành diễn đàn tranh luận dân chủ và quyền công dân. Cả giáo viên và học sinh đều tin rằng, để trở thành công dân tốt hơn thì phải tham gia hoạt động xã hội tích cực hơn. Bất luận thời gian gần đây bị yêu cầu thực hiện chủ trương phi chính trị môi trường học đường từ chính quyền trung ương Bắc Kinh, giáo viên Hong Kong vẫn thảo luận với học sinh những chủ đề tuyệt đối cấm kỵ ở Hoa lục, chẳng hạn về sự kiện thảm sát Thiên An Môn hoặc Lưu Hiểu Ba. Giáo dục khai phóng được người Anh đưa vào Hong Kong năm 1992 như là chương trình tự chọn nhằm giảm bớt những lo ngại về tương lai trong những năm trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Cộng. Năm 2009, chương trình khai phóng trở thành bắt buộc. Nó dạy học sinh kỹ năng tư duy độc lập và đề cập mọi chủ đề, từ bản thể Hong Kong đến tình trạng thay đổi khí hậu toàn cầu. Nó chỉ học sinh cách biết phân tích với tinh thần khách quan. Điều thành công và quan trọng nhất của chương trình khai phóng là không chỉ làm học sinh biết biến suy nghĩ thành hành động mà còn giúp đánh tan được nỗi khiếp sợ trước bạo quyền. Chính quyền được sinh ra để phục vụ người dân. Chính quyền phải nghe dân. Chính quyền tuyệt đối không phải là công cụ của một nhóm người muốn đè đầu dân để cai trị theo ý mình - họ được dạy như vậy. Một ngày mưa năm 2012, một nhóm học sinh đi chân trần bước lên sân khấu ở công viên Tamar, trước trụ sở chính quyền. Vận trang phục đen, họ chéo tay để biểu thị sự phản đối kế hoạch đưa vào học đường chương trình “Giáo dục đạo đức quốc dân” (“Đức dục cập quốc dân giáo dục”) – một phiên bản giáo dục nhồi sọ được soạn từ Bắc Kinh. Những học sinh rất nhỏ này là thành viên nhóm Scholarism (Học dân tư triều), thành lập ngày 29-5-2011. Từ ban đầu với chỉ vài thành viên, Scholarism huy động được sự ủng hộ của hàng chục ngàn người. Họ tổ chức tuyệt thực và tọa kháng trước trụ sở chính quyền nhiều ngày liền. Ở một thời điểm, cuộc biểu tình có đến hơn 120.000 người! Scholarism sau đó cũng tổ chức cuộc biểu tình Dù Vàng 2014. Có thể nói, chính Scholarism mới là nơi đem lại những tia sáng đầu tiên cho phong trào “Quang Phục”. Chính Chu Đình, cùng Hoàng Chi Phong – đều là thành viên Scholarism – có thể được xem là những người rất trẻ đầu tiên (lúc đó đều 16 tuổi) đạp vỡ cái mô hình “một quốc gia, hai thể chế”. Và họ đã phá ít nhiều thành công. “Đức dục cập quốc dân giáo dục” buộc phải bị xếp xó. Nếu không bị cấm bằng những lý do và thủ đoạn bẩn, Chu Đình đã có thể trở thành nghị viên trẻ nhất lịch sử Hội đồng lập pháp Hong Kong trong cuộc bầu cử ngày 11-3-2018, khi cô mới 21 tuổi (Chu Đình phải bỏ quốc tịch Anh để thỏa mãn điều kiện tranh cử). Kể với South China Morning Post, Chu Đình thuật: “Ngày nọ, khi đang họp với các thành viên Scholarism, tôi nhận được cú điện từ bố mẹ. Họ khóc, tinh thần suy sụp. “Đi ra phi trường ngay, rời khỏi quảng trường (tọa kháng) ngay, rời Hong Kong lập tức!”. Tôi trả lời họ: “Bố mẹ bình tĩnh đi”. Tôi biết họ lo lắng về tôi…”. Tuy nhiên, Bắc Kinh mới là những kẻ thật sự lo lắng và lo sợ trước những “đối tượng” như Chu Đình – những người luôn có khả năng tự tạo ra không gian cho các hoạt động chính trị-xã hội, tạo ra được khoảng cách giữa Hong Kong và Hoa lục, tạo được sự phân biệt rõ ràng giữa người Hoa lục và người Hong Kong; và đặc biệt tạo ra được cái tinh thần kiên định cho phong trào “Quang Phục Hương Cảng” mà cho đến thời điểm này thì nó đã trở thành một nhận thức sống còn khi người Hong Kong nhìn thấy bóng đen cộng sản dọa dẫm che lấp tương lai mình. Sứ mạng lớn nhất của Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) khi nhận nhiệm vụ đặc khu trưởng năm 2017 là nhấn mạnh thông điệp “Tôi là người Trung Quốc” đối với dân Hong Kong, bằng cách gieo cấy “nhận thức mới” đó vào hệ thống trường mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, “định tính dân tộc” không phải là lớp áo đủ dày để có thể che được những âm mưu lộ liễu trong việc “cộng sản hóa” Hong Kong; và khái niệm dân tộc hiểu theo nghĩa cúi đầu tuân phục trước “nước mẹ” cộng sản Trung Quốc càng không phải là khái niệm đủ mạnh để lấn át ý chí người dân trong việc tỉnh táo chọn lựa giữa tự do và áp bức chính trị. Một cuộc thăm dò được Chương trình ý kiến công chúng của Đại học Hong Kong thực hiện vào tháng 6-2019 cho thấy, có đến 75% người từ 18-29 tuổi nhận mình là “Hương Cảng nhân” hơn là “Trung Quốc nhân”; và với những người từ 30 tuổi trở lên thì có 49% vẫn gọi mình là “Hong Konger”. Với những gì đang diễn ra, mô hình “một quốc gia, hai thể chế” đang phơi bày thất bại. Bắc Kinh điên tiết trong khi người Hong Kong rất tỉnh. Bắc Kinh hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng người Hong Kong cũng dễ dàng “ngồi lên đầu” để cai trị như dân Hoa lục. Đang ngồi trong bóng đêm nhà tù, Lương Thiên Kỳ – cha đẻ của khẩu hiệu “Quang Phục Hương Cảng, Thời đại Cách mạng” (Retake Hong Kong, Revolution of our times) – hẳn có thể nhìn thấy được ánh sáng của tinh thần “Quang Phục” mà mình đưa ra vào năm 2016. Người Hong Kong, trong đó có những thiếu niên nhỏ tuổi, dù chứng kiến cảnh trấn áp đổ máu hàng ngày, vẫn kiên định và lì lợm xông ra đường thắp lên những ngọn đuốc sáng rực không chỉ để rọi cho tương lai mà còn để thiêu đốt những âm mưu đen tối. Họ cũng chiếu ánh sáng ấy ra cái thế giới hỗn loạn khi mà “hệ thống chính trị dân chủ” tại nhiều nơi đang nháo nhào với những giá trị lộn ngược đến mức không còn ranh giới giữa đúng và sai. ..... 1- Lương Thiên Kỳ (giữa) - cha đẻ của khẩu hiệu “Quang Phục Hương Cảng” - South China Morning Post 2- Những hạt giống của phong trào giành độc lập và tự do cho Hong Kong: Nathan Law (La Quan Thông), Agnes Chow (Chu Đình) và Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) - Reuters 3- Các em học sinh trung học tham gia biểu tình ngày khai trường 2-9-2019 - New York Times 4- Học sinh trung học thắp lên ánh sáng “Quang Phục” (22-8-2019) - New York Times 5- Sinh viên Hương Cảng Trung Văn Đại học bãi khóa ngày 2-9-2019 - New York Times 6- Sinh viên Hương Cảng Trung Văn Đại học chuẩn bị tọa kháng ngày 2-9-2019 - South China Morning Post  
......

Bãi Tư Chính: Phép thử của Trung Quốc đối với Mỹ?

Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng vào Tháng Ba, 2018. (Hình: Getty Images) Phạm Chí Dũng -  Người Việt| Vụ Bãi Tư Chính, xảy ra trong ba năm liên tiếp từ 2017 đến 2019, phải chăng là phép thử của một Trung Quốc tham lam và hiếu chiến không chỉ với Việt Nam mà cả với Mỹ? Và nếu đúng thế, phải chăng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung? Tuy chưa có thực tế thật rõ ràng để giải đáp cho những câu hỏi trên, nhưng trong quá khứ gần vẫn có một mối dây liên hệ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh: Vụ mỏ khí đốt Cá Voi Xanh. Vì sao ExxonMobil ‘thoát nạn’? Cá Voi Xanh là dự án khí đốt lớn nhất của Việt Nam, nằm ngoài khơi Quảng Nam-Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối – mà dự kiến khai thác ở mỏ này sẽ đóng góp gần $60 tỷ vào ngân sách Việt Nam, lớn hơn rất nhiều so với con số dự kiến ban đầu là là khoảng $20 tỷ. Mỏ khí này quan trọng đến mức rất có thể sẽ trở thành một mục, thậm chí tiêu điểm trên bàn nghị sự Donald Trump – Nguyễn Phú Trọng tại Washington trong thời gian tới, nếu chuyến đi Mỹ của ông Trọng không gặp trục trặc gì. Vào tháng Giêng năm 2017, Tập Đoàn Dầu Khí ExxonMobil của Mỹ đã trở thành nhà khai thác khí đốt lớn nhất của Việt Nam sau khi ký kết một hợp đồng trị giá $10 tỷ để khai thác dầu khí trên Biển Đông với PetroVietnam. Vài tháng trước Hội Nghị APEC Đà Nẵng 2017, ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể “sống lại” sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy, 2017 – khi Repsol, công ty liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính Trị lẫn Bộ Quốc Phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì “có tiền trong túi mà không lấy được.” Nhưng tất cả những hoạt động chuẩn bị khai thác đó đã không thoát khỏi cặp mắt soi mói và thèm khát của ‘con sói’ Trung Quốc. Một biến cố đã xảy ra vào ngày 7 tháng Mười Một, 2017, trùng với thời gian Tổng Thống Trump dự Hội Nghị APEC Đà Nẵng. Khi đó, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam: Chủ Tịch Liam Mallon của công ty Phát Triển ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng: “Chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể trước khi triển khai đầu tư chính thức.” Cũng khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Đến tháng Ba, 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ do Bắc Kinh chèn ép, giả thiết trên đã biến thành thực tế và được xác nghiệm một cách sống sượng: vẫn là “đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam” là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí. “Lời đề nghị khiếm nhã” này được nêu ra bởi Ngoại Trưởng Trung Quốc là Vương Nghị ngay tại Hà Nội. Về thực chất, đó là một loại tối hậu thư của Bắc Kinh gửi cho Hà Nội – hành động mang tính bức tử mà đã khiến giới chóp bu Việt Nam, cho dù chẳng chứng tỏ được gì về việc đã thoát khỏi cái mớ bùng nhùng đu dây và còn chẳng dám hé răng phản đối “đảng anh,” cuối cùng cũng đã phải quyết định than thở ngoài hành lang “Trung Quốc dồn Việt Nam vào chân tường rồi!” – như tán thán của một viên tướng quân đội Việt Nam. Tình hình trên nằm trong bối cảnh Bắc Kinh vừa cho vẽ lại “đường lưỡi bò 9 đoạn” mà đã “liếm” đến 67 lô dầu khí – một phần rất lớn trong tổng số các địa chỉ dầu mỏ của Việt Nam ở Biển Đông, trong đó đặc biệt là khu vực Bãi Tư Chính với mỏ Cá Rồng Đỏ tiềm năng, và cả mỏ Lan Đỏ không kém tiềm năng – nơi được liên doanh giữa Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam với Tập Đoàn Dầu Khí Rosneft của Nga. Ba tháng đầu năm 2018 cũng là khoảng thời gian bắt đầu manh nha chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, để một thời gian ngắn sau đó cuộc chiến này bùng nổ và gây chao đảo nền kinh tế Trung Quốc, khiến đảo lộn chiến lược phát triển kinh tế của chế độ này và càng làm Tập Cận Bình cay cú trước hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông. Nhưng trái với sức ép của Bắc Kinh, hiệu ứng phản ứng ngược chiều đã xảy ra: Bộ Chính Trị Việt Nam – dù vẫn bị xem là “văn dốt võ dát,” từ đầu năm 2018 đã vội vã nhích sang phía Tây, thay cho thế bị cột chặt vào phương Bắc. Cơ chế “giao lưu quốc phòng” Việt-Mỹ được đẩy mạnh hơn hẳn – công khai và không công khai. Lần đầu tiên từ năm 1975, một hàng không mẫu hạm có tên USS Carl Vinson được giới tướng lĩnh Mỹ-Việt đồng ý cho hiện diện tại cảng Đà Nẵng vào tháng Ba, 2018 – như một thông điệp bảo vệ cho ExxonMobil và tương lai khai thác mỏ Cá Voi Xanh. Cùng lúc, cố vấn an ninh của Tổng Thống Trump là John Bolton lên tiếng cứng rắn “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không.” Những hành động công khai trên, cùng với những hoạt động mang tính thống nhất giữa Mỹ và Việt Nam nhưng không công khai, đã dẫn tới kết quả là ExxonMobil có một số phận tươi hồng hơn hẳn thân phận hẩm hiu của đối tác Repsol, Tây Ban Nha. Cho tới nay, ExxonMobil vẫn tiếp tục xúc tiến kế hoạch vừa thăm dò dầu khí vừa chuẩn bị khai thác tại mỏ Cá Voi Xanh dưới sự bảo trợ của lực lượng hải quân Mỹ. Những dĩ nhiên, thái độ thản nhiên và thách thức đó càng khiến Trung Quốc cay cú và muốn trả đũa. Phép thử Bãi Tư Chính Hành động trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ là điều chắc chắn, đã được nhiều chuyên gia phân tích quốc tế dự đoán, đã trở thành hiện thực không chỉ trong cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ mà còn ở khu vực xung quanh cuộc chiến này, trong đó Bãi Tư Chính là một tiêu điểm và cũng là một phép thử mà Trung Quốc muốn tung ra để xem phản ứng của Washington đến mức nào. Bởi thế, có thể cho rằng mức độ căng thẳng Việt-Trung ở Biển Đông đang và sẽ tỷ lệ thuận với mức độ xung đột trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Cần chú ý về sự trùng hợp của các thời điểm: cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã thất bại vào tháng Năm, 2019, và ngay sau đó Tổng Thống Trump lần đầu tiên ra đòn choáng váng khi quyết định tăng thuế lên $300 tỷ hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Vài tuần lễ sau đó – đầu tháng Sáu , 2019, Trung Quốc bắt đầu chiến dịch gây hấn tại mỏ Lan Đỏ, và đến đầu tháng Bảy thì chiến dịch này lan mạnh sang Bãi Tư Chính, đồng thời trả đũa Mỹ bằng cách tăng thuế lên hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, và lần đầu tiên trong một thập niên đánh tuột giá trị của đồng Nhân dân tệ xuống dưới 7 NDT đổi được $1. Đến lúc này, đã có thể xác định rằng với chiến dịch gây sức ép lên Bãi Tư Chính, Trung Quốc bộc lộ ý đồ không chỉ buộc Việt Nam phải chia đôi tài sản dầu khí khai thác được, không chỉ gây áp lực buộc “Tổng Tịch” Nguyễn Phú Trọng phải nhượng bộ những yêu sách về chính trị và dầu khí trước hoặc trong chuyến đi Washington – có thể diễn ra vào tháng Mười, 2019, mà còn muốn gián tiếp trả đũa Mỹ về cuộc chiến thương mại và “nắn gân” Mỹ về thái độ và hành động hỗ trợ Việt Nam tại Bãi Tư Chính, cùng đe dọa cả dự án Cá Voi Xanh mà Bắc Kinh còn lâu mới lãng quên.    
......

Hoa Kỳ có thể tấn Công Bắc Kinh ở ngã khác

Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cân Bình tham dự cuộc họp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka vào ngày 28 Tháng Sáu đã tạo cơ hội đình chiến nhưng chỉ được có 33 ngày Hôm Thứ Sáu 23, Tổng thống Donald Trump “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Mỹ ra khỏi Trung Quốc. Sau đó, ông giải thích cơ sở của quyết định này là Đạo luật Ban bố Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế đã có từ năm 1977. Đạo luật ấy là gì, có thể ảnh hưởng thế nào đển trận thương chiến với Bắc Kinh và đến luồng giao dịch kinh tế của các nước khác? Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu sau đây. Đạo luật IEEP Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Chiều Thứ Sáu 23, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump quyết định tăng thuế nhập nội trên hàng hóa Trung Quốc và còn báo trên Twitter rằng ông “ra lệnh” cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc. Thưa ông, Tổng thống Hoa Kỳ có cái quyền đó hay không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin được nói về bối cảnh trước, may ra chúng ta thấu hiểu vấn đề. Trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã xảy ra từ 18 tháng qua mà chỉ là một mặt của nhiều mâu thuẫn đa diện giữa hai nước, kể cả an ninh chiến lược. Về mặt thương chiến, tình hình gay go do hai bên quyết định áp thuế nhập nội trên hàng hóa của nhau để trả đòn. Việc lãnh tụ hai nước gặp nhau trong Thượng đỉnh của Nhóm G-20 tại Osaka vào ngày 28 Tháng Sáu đã tạo cơ hội đình chiến nhưng chỉ được có 33 ngày. Sau đó, ngày một Tháng Tám, Hoa Kỳ quyết định tăng thuế nhập nội thêm 10% trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 300 tỷ đô la. Qua ngày 13 thì Mỹ hòa hoãn điều chỉnh lại quyết định này trong khi đôi bên cố đàm phán. Hôm Thứ Năm 22, Cố vấn Kinh tế của ông Trump còn cho báo chí biết việc thương thảo qua điện đàm đã có tinh thần tích cực xây dựng và phái bộ đôi bên có thể gặp nhau vào Tháng Chín. Điều bất ngờ là trước khi các thị trường tài chính của Mỹ mở cửa vào sáng hôm sau, Bắc Kinh lại công bố quyết định tăng thuế trên 75 tỷ hàng của Mỹ. Quyết định ấy mới khiến ông Trump nổi đóa sau khi ông đã tỏ thiện chí trước đó ba tuần. Vì vậy, chiều Thứ Sáu, ông Trump mới ra quyết định áp thuế và đòi doanh nghiệp Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc. Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, căn cứ vào đâu mà Tổng thống Mỹ đòi ra lệnh cho doanh nghiệp Hoa Kỳ rút khỏi thị trường Trung Quốc, là điều thiệt ra cũng khó và có lẽ đòi hỏi thời gian chuẩn bị? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Sau đó ông Trump giải thích thêm là Hành pháp có quyền áp dụng một Đạo luật năm 1977 là Ban bố Tình trạng Khẩn cấp Kinh tế Quốc tế, hay International Emergency Economic Powers Act, viết tắt là IEEPA. Đạo luật cho phép Tổng thống tuyên bố là có một mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng cho nền an ninh quốc gia, ngoại giao và kinh tế của Hoa Kỳ và sau khi tuyên bố, Tổng thống Mỹ được quyền ngăn cấm việc giao dịch và phong tỏa tài sản để đối phó với mối nguy đó. Trong trường hợp Hoa Kỳ bị tấn công, Tổng thống cũng có thể tịch thu tài sản liên hệ với một quốc gia, một nhóm người hay một cá nhân đã giúp đỡ việc tấn công đó. Từ khi đạo luật ra đời. Hoa Kỳ áp dụng 30 lần tất cả. Bây giờ ông Trump hăm dọa sẽ áp dụng đạo luật này với Bắc Kinh. Nguyên Lam: Theo như ông nghĩ thì đây chỉ là một lời hăm dọa để gây sức ép hay ông Trump sẽ làm thật? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta chưa biết được rằng đó chỉ là lời dọa hay sẽ thành sự thật. Thiển ý của tôi là trận thương chiến bằng thuế nhập nội đã đi gần tới tối đa và mất dần sự công hiệu nên ông Trump có thể mở ra một trận tuyến khác với Trung Quốc đễ lãnh đạo Bắc Kinh phải thay đổi. Khi ra tranh cử vào năm 2016, ông Trump đã than về Trung Quốc và dọa tăng thuế nhập nội tới 45%. Bây giờ, mức thuế dọa nạt ấy đã lên tới 30%, nếu có tăng hơn chưa chắc là đã có tác dụng mong muốn, mà Bắc Kinh lại có thái độ cứng rắn hơn. Ông Trump và ban tham mưu có thể nghĩ ra một ngón võ khác là đòi doanh nghiệp Mỹ giải tư, tức ra rút đầu tư ra khỏi thị trường của Tầu, để gây thêm thiệt hại cho Bắc Kinh. Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, liệu rằng việc ấy có khả thi hay không? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta cần ước đoán tính chất khả thi từ nhiều giác độ. Về pháp chế thì Tổng thống có quyền đó. Về chính trị thì Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ tại Hạ viện và đảng Cộng Hòa tại Thượng viện đều có lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Đảng Dân Chủ còn mong ông Trump gây chiến để sẽ lãnh hậu quả chính trị bất lợi trong cuộc bầu cử năm tới khi các doanh nghiệp và giới tiêu thụ Mỹ bị thiệt hại do trận thương chiến mở rộng. Vả lại cả hai đảng lại chưa đủ túc số hai phần ba để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống nếu họ không cho ông Trump sử dụng ngón võ ấy. - Có một khía cạnh cần chú ý là Đạo luật Khẩn cấp Kinh tế cho phép Tổng thống can thiệp vào việc giao dịch với một số quốc gia, đấy là cơ sở của lệnh cấm vận hay ngăn cản việc mua hàng của Trung Quốc hay của các nước bán hàng có nhập liệu của Trung Quốc ở trong. Việt Nam có thể bị bất lợi khi xuất khẩu vào Mỹ loại hàng hóa bên trong có những sản phẩm của Trung Quốc nếu Mỹ ban hành tình trạng khẩn cấp kinh tế rắc rối ấy. Nguyên Lam: Thưa ông, còn lập trường của các doanh nghiệp Mỹ thì sao? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thật ra, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc từ lâu vì không còn có lời như xưa. Nhưng chưa chắc họ đã muốn Tổng thống nóng nẩy ra lệnh như vậy vì thứ nhất, việc giải tư là tiến trình lâu công và tốn kém chứ không thể giải quyết vài tuần là xong; thứ hai, nhiều doanh nghiệp đã hội nhập quá sâu vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc nên bị thiệt hại nặng và họ sẽ chống; thứ ba, nếu phải đi thì họ đi đâu? Chúng ta trở lại chuyện Việt Nam khi xứ này chưa có hạ tầng tiếp vận khả dĩ thay thế trị trường Trung Quốc, như báo chí quốc tế đã tường thuật. - Thành thử mình có thể đoán nếu ông Trump áp dụng đạo luật này thì cũng chả dại gì mà khai triển tối đa và lập tức. Cụ thể thì sẽ cho các doanh nghiệp một thời gian ân hạn là nhiều năm và tùy theo từng loại xí nghiệp. Lý luận của ông là Mỹ phải cố tách rời khỏi kinh tế Trung Quốc và đấy là điều đúng hầu tránh được nạn “nuôi ong tay áo” khi Bắc Kinh trục lợi của Mỹ để đòi vượt mặt Hoa Kỳ trong một trật tự mới do Trung Quốc lãnh đạo. Ta cũng đừng quên rằng hai quốc gia bạn hàng mua bán nhiều nhất với Mỹ chính là Mexico rồi Canada, chứ Trung Quốc chỉ đứng hạng ba mà thôi. Chiến lược hay chiến thuật? Nguyên Lam: Nếu như vậy, sự hăm dọa của ông Trump là một quyết định chiến lược hay chỉ là một chiến thuật thương thuyết với Bắc Kinh? Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi cho là cả hai! Về chiến thuật, ông dọa để Bắc Kinh phải nhượng bộ. Về chiến lược, ông muốn các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ rà soát lại kế hoạch làm ăn trong lâu dài chứ không để bị Trung Quốc lợi dụng. - Nhược điểm của ông Trump là cứ trực tiếp nhảy vào cuộc qua những lời đốp chát mà chẳng trình bày cho quốc dân một chiến lược trường kỳ và toàn diện chống lại mối nguy của Trung Quốc, trong khi lãnh đạo Bắc Kinh thường xuyên nói về các mục tiêu và chiến lược lâu dài của họ để huy động quần chúng. - Sau cùng, chúng ta nên chú ý tới một chuyện khác là Hoa Kỳ có lệnh cấm vận với nhiều xứ khác, như Iran hay Venezuela, và sẽ trừng phạt các doanh nghiệp vi phạm lệnh cấm vận này. Thí dụ điển hình là hãng Hoa Vi của Trung Quốc vì làm ăn với Iran. Nói chung, các tập đoàn lớn của Trung Quốc đang giao dịch với Mỹ đều tôn trọng lệnh cấm vận đó. Tức là sự hăm dọa của Hoa Kỳ cũng hiệu quả. - Nếu nhìn vào chiến lược lâu dài thì Hoa Kỳ không nên chỉ tập trung vào trận thương chiến rồi ban hành tình trạng khẩn cấp với Trung Quốc mà còn gia tăng yểm trợ các nước bị Bắc Kinh uy hiếp, như Đài Loan hay các quốc gia Đông Nam Á. Và nếu lệnh khẩn cấp được ban hành, Hoa Kỳ cũng có thể trừng phạt viên chức nào của Hong Kong đã đàn áp dân biểu tình. Chúng ta không quên rằng ông Trump cũng đã gài chuyện Hong Kong vào trận thương chiến với Trung Quốc. Nguyên Lam: Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho đề tài ly kỳ này cho thính giả của chúng ta. Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, người ta thấy Hoa Kỳ có vẻ muốn gây chiến tranh thương mại với mọi quốc gia từ Âu sang Á. Sự thật thì đấy chỉ là đòn dứ, chứ sau cùng Mỹ vẫn thỏa hiệp với các nước đồng minh, như Canada hay Mexico và gần đây nhất là Nhật Bản, sau này có thể là Liên Âu. - Ngược lại, Hoa Kỳ mở cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc và Liên bang Nga. Lời hăm dọa ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế chống Bắc Kinh nằm trong hướng đó. Và đấy là quyết định sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Hoa Kỳ mau ra khỏi bóng rợp Trung Quốc nhưng cũng gây rủi ro chính trị lớn cho ông Trump. Chúng ta nên chờ xem ông khai triển và áp dụng chuyện này ra sao thì mới có thể kết luận. . Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.   Nguyễn Xuân Nghĩa https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/EconomicForum/a-protential-new-front-from-america-08282019115551.html  
......

Tin nóng: Hoàn cầu thời báo đe dọa Việt Nam vì đã "Theo phe Mỹ"

Trần Đình Thu|   Hôm qua, 29/8, tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung quốc đăng bài viết nhằm đe dọa Việt Nam sẽ lãnh đủ nếu theo phe Mỹ. Bài báo nói việc Việt Nam loại Huawei ra khỏi danh sách tham gia xây dựng mạng 5G là “hành động chọn phe” giữa Trung Quốc và Mỹ và ám chỉ rằng hành động này chứng tỏ Việt Nam đã theo phe Mỹ. Vì vậy Hoàn Cầu đe dọa: “If Vietnam bans Huawei because of geopolitical considerations, the Vietnamese economy will be hit harder by such action than the Chinese one”. (Nếu Việt Nam cấm Huawei vì những cân nhắc về địa chính trị, nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với Trung Quốc bởi hành động như vậy). Vì sao Hoàn Cầu nói rằng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong khi Việt Nam chỉ mới không sử dụng Huawei mà chưa có các động thái gì khác? Tôi cho rằng đây là một lời đe dọa, ngụ ý rằng Trung quốc có thể tiến tới cắt đứt giao thương, thậm chí cấm vận Việt Nam để trả đũa. Bài báo ngắn nhưng có đến 2 lần đe dọa. Ở phần cuối bài báo viết: “If Vietnam excluded Huawei from its 5G rollout because of geopolitical considerations, it will be seen as a signal that Vietnam is choosing sides between China and the US. Such actions will hit its industrial cooperation with China. Frankly speaking, Vietnam can't afford that. The country will lose the opportunity offered by the China-US trade war”. (Nếu Việt Nam loại Huawei khỏi danh sách tham gia 5G vì những cân nhắc về địa chính trị, đây sẽ được coi là một tín hiệu cho thấy Việt Nam đang chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ. Những hành động như vậy sẽ đánh vào hợp tác công nghiệp với Trung Quốc. Thẳng thắn mà nói, Việt Nam không đủ khả năng. Đất nước này sẽ mất cơ hội do cuộc chiến thương mại Trung Quốc-Hoa Kỳ đưa ra). Để tăng hiệu quả lời đe dọa này, Hoàn Cầu phân tích rằng kinh tế Việt Nam giờ đây đã quá phụ thuộc vào Trung quốc, mặt khác Việt Nam chỉ có 95 triệu người, quá nhỏ để có thể tự thành lập một chuỗi cung ứng như đã thành lập ở Trung quốc. Vì vậy Việt Nam khó lòng tách khỏi Trung quốc. Như vậy, tờ báo chính thức của Đảng cộng sản Trung quốc đã bày tỏ quan điểm trước hành động được coi như là đã chọn phe của Việt Nam.  
......

Không cứu nhanh rừng Amazon, ‘quả bom carbon ngày tận thế’ sẽ hủy diệt Trái đất

Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là dập lửa cháy rừng Amazon vì rừng này được gọi là "lá phổi của Trái đất" khi 20% oxy của thế giới được sinh ra từ đây. Nhưng "lá phổi của Trái đất" đang cháy, tạo ra "một quả bom carbon ngày tận thế", đe dọa toàn bộ hành tinh Xanh. cháy rừng Amazon đang là tâm điểm chú ý của cả thế giới, bao gồm các lãnh đạo thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây đã mô tả thảm họa cháy rừng Amazon là một cuộc khủng hoảng quốc tế. "Ngôi nhà của chúng ta đang bốc cháy. Rừng mưa Amazon - lá phổi của trái đất sản sinh 20% lượng ôxy toàn cầu - đang bốc cháy. Đây là một cuộc khủng hoảng quốc tế", ông Macron viết trên Twitter hôm 22/8. Rừng nhiệt đới Amazon bao phủ hơn 5,5 triệu km2, được gọi là "lá phổi của Trái đất" vì hơn 20% oxy của thế giới được sinh ra từ đây. Do đó, hậu quả từ vụ cháy rừng Amazon được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí huỷ diệt hàng loạt, theo The Atlantic. Theo The Atlantic, hậu quả thảm khốc của thảm họa cháy rừng vẫn đang diễn ra sẽ khiến nhiều loài động thực vật bị diệt chủng và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài đến muôn đời. Ước tính, có khoảng 16.000 loài cây và 390 tỷ cây riêng biệt ở Amazon. Khu rừng là nhà của không chỉ hàng triệu loài động vật mà còn 400-500 bộ lạc bản địa. Chỉ cần mất 1/5 rừng Amazon sẽ kích hoạt một quá trình gọi là “dieback”, tạo ra những gì mà tờ The Intercept gọi là “quả bom carbon ngày tận thế". Trong ảnh là cháy rừng Amazon nhìn từ không gian. Theo CNN, Amazon là một bể chứa carbon khổng lồ. Ước tính khu rừng chứa 90 đến 140 tỷ tấn carbon. Khi rừng cháy, carbon sẽ đi vào bầu khí quyển, đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu. "Hãy tưởng tượng nếu tất cả lượng carbon trong rừng Amazon bị giải phóng vào khí quyển. Hãy tưởng tượng thậm chỉ chỉ một phần thôi. Hậu quả có thể rất bi thảm", CNN viết. Ngày biến thành đêm ở thành phố Sao Paulo do khói từ vụ cháy rừng Amazon trôi dạt 2.700 km bao phủ phía trên thành phố. Nếu ở siêu đô thị São Paulo, người dân kinh hoàng khi nhìn thấy bầu trời chìm trong những đám mây bụi mù, ngày biến thành đêm do khói từ cháy rừng thì sâu trong các khu rừng Amazon đang cháy, nhiều thổ dân bộ lạc đã mất hết tất cả tài sản, hơn nữa trường hợp mắc bệnh hô hấp cũng ngày càng leo thang. 6 bang trong khu vực Amazon của Brazil đã yêu cầu sự giúp đỡ của quân đội vào ngày 24.8 để chống lại các vụ hỏa hoạn đang hoành hành khắp khu rừng nhiệt đới này, vốn đã khơi lên sự phẫn nộ quốc tế vì vai trò trung tâm của Amazon trong việc chống lại sự nóng lên toàn cầu. Các bang Para, Rondonia, Roraima, Tocantins, Acre và Mato Grosso - trong số 9 bang nằm trong khu vực này - đã yêu cầu trợ giúp từ quân đội, theo một phát ngôn viên của văn phòng tổng thống, một ngày sau khi Tổng thống Jair Bolsonaro cho phép quân đội tham gia giúp sức. Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và việc bảo vệ nó được coi là thiết yếu trong cuộc chiến chống tình trạng biến đổi khí hậu vì lượng carbon dioxide khổng lồ mà nó hấp thụ. Các vụ cháy rừng Amazon bắt đầu từ cuối tháng 7 và sau 3 tuần đã trở nên mất kiểm soát đến nỗi khó có thể cứu vãn. Các nhà vận động vì môi trường đã nói rằng nông dân khai hoang đất rừng làm đồng cỏ là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng gia tăng. Các nông dân có thể được nhận được sự khuyến khích nào đó từ chính phủ cánh hữu của Tổng thống Brazil Bolsonaro. Từ khi lên nắm quyền vào tháng 1 năm nay, ông Bolsonaro nhiều lần nói rằng Brazil nên mở cửa rừng Amazon cho các lợi ích kinh tế, cho phép các công ty khai khoáng, nông nghiệp và khai thác gỗ khai thác tài nguyên của khu rừng. Bản thân Tổng thống Bolsonaro cũng bị lên án dữ dội và bị cho là phải chịu trách nhiệm về thảm họa cháy rừng vì từ khi ông nhậm chức, với các chính sách muốn khai thác triệt để tiềm năng kinh tế của rừng Amazon, tốc độ chặt phá rừng ở Brazil tăng lên tới 278%. Sau khi bị nhiều lãnh đạo thế giới lên án vì không có các hành động cứng rắn để dập tắt các đám cháy rừng đang diễn ra, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cuối cùng cũng điều quân đội tham gia cứu rừng. Trước đó, nhà lãnh đạo này nói rằng Brazil thiếu nguồn lực để kiểm soát đám cháy. “Rừng Amazon rộng hơn cả châu Âu, làm sao bạn có thể chiến đấu với giặc lửa trên khu vực rộng như vậy. Chúng tôi không có nguồn lực để làm điều đó”, ông Bolsonaro nói với các phóng viên. Số vụ cháy ở Amazon cho đến nay đã tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của chính phủ Brazil. Số vụ cháy ở Amazon cho đến nay đã tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu thống kê của chính phủ Brazil. VietBF © sưu tầm  
......

Trung cộng đã qua thời kỳ huy hoàng

Đỗ Ngà| Có thể nói, Anh Quốc buộc Bắc Kinh cam kết giữ nguyên mô hình chính trị kiểu Anh cho Hồng Kông trong 50 năm sau ngày trao trả là một món quà lớn mà chính quyền Anh Quốc dành cho dân thuộc địa cũ. Điều khoản này đã giữ cho Hồng Kông tư cách là thuộc địa Trung Quốc chứ không phải là một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền trung ương ở Bắc Kinh kiểu như Thượng Hải hay Thẩm Quyến. 100 năm thuộc địa Anh và 50 năm thuộc địa của Bắc Kinh sẽ cho dân Hồng Kông một sự so sánh. Khi họ cảm nhận sự khác nhau rõ rệt, thì tất dân Hồng Kông sẽ có sự chon lựa cho họ. Chính quyền Bắc Kinh quả là rất thâm khi họ hiểu rằng, nếu để cho Hồng Kông hưởng trọn nền dân chủ kiểu Anh thì đến năm 2047 đổi sang thành độc tài CS kiểu Bắc Kinh một cách đột ngột thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng, nếu thả ếch vào nồi nước sôi chắc chắn ếch sẽ chống đối tới cùng, chính vì thế mà ngay từ hôm nay chính quyền Bắc Kinh đã quyết định đổi từ từ như kiểu như quẳng ếch vào nồi nước mát rồi mới mồi lửa vậy. ĐCS Trung Quốc tính rằng, họ cứ từng bước thay đổi chính quyền Hồng Kông bằng cách là hàng năm họ đưa những đạo luật của họ vào để hất văng những đạo luật đã có từ thời Anh Thuộc. Song song với việc thay áo cho luật, thì chính quyền Bắc Kinh cũng cho thay lõi bộ máy nhà nước một cách từ từ. Bằng cách nào? Bằng cách họ đưa người của Bắc Kinh vào chiếm giữ các vị trí chủ chốt trong hành pháp, lập pháp và tư pháp. Đó là một sự thay máu bên trong bộ máy nhà nước Hồng Kông. Và cứ như thế thì đến năm 2047, mô hình nhà nước kiểu Anh chỉ còn lại là cái vỏ, ruột của nó bị Bắc Kinh nhuộm đỏ toàn bộ. Lúc đó chỉ cần xé bỏ cái vỏ Anh là thành một nhà nước CS thực thụ trực thuộc Bắc Kinh. Thế là xong. Tuy rất thâm và tính nước cờ rất cao, nhưng chính quyền Bắc Kinh đã không tiên liệu được một yếu tố, đó là dân Hồng Kông không phải là những con ếch ngây ngô như những con người bị CS nhồi sọ mà họ là những con người văn minh tiến bộ. Con ếch(những kẻ bị nhồi sọ) không thể đọc được ý đồ của kẻ luộc ếch, đằng này dân Hồng Kông lại đọc được và đọc rất rõ nên họ đã quyết định đấu trí với chính quyền Bắc Kinh ngay từ hôm nay. Còn 28 năm nữa để người dân Hồng Kông buộc chính quyền Bắc Kinh phải tôn trọng những giá trị dân chủ của Hồng Kông vĩnh viễn. Đây là giai đoạn sẽ làm cho chính quyền Bắc Kinh đau đầu và vất vả bàn mưu tính kế để khớp cương “con ngựa bất kham” Hồng Kông. Ban đầu chính quyền Bắc Kinh tính rằng, họ sẽ buộc dân Hồng Kông cúi đầu chấp nhận mô hình chính trị của họ, nhưng đến hôm nay dường như đang có một xu thế ngược lại. Sự kiên quyết đấu tranh đòi dân chủ như hiện nay mà dân Hồng Kông cứ lặp đi lặp lại trong 28 năm tới, thì rất có thể dân Trung Hoa Đại lục sẽ bị ảnh hưởng bởi phong trào này trước khi dân Hồng Kông bị áp đặt mô hình nhà nước độc tài CS của chính quyền Bắc Kinh. Nội có Hồng Kông quậy liên tục, ngoại thì có Mỹ đang đánh mạnh vào kinh tế, Trung Cộng đang bị “thù trong giặc ngoài” bủa vây. Mới đây tổng thống Trump đang cho leo thang chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Tổng giá trị hàng hóa mà tổng thống mỹ đánh vào Trung quốc đến hết năm nay sẽ là 550 tỷ đô. Đây có thể nói là một cú đánh trời giáng vào nền kinh tế Trung Quốc. Tất nhiên Bắc Kinh cũng trả đũa, nhưng tổng giá trị hàng hóa mà Tập đánh vào hàng Mỹ nhập vào Trung quốc chỉ có 75 tỷ đô. Cú ra đòn trả đũa của Tập có thể nói chỉ là một cái đánh vào vạt áo của nền kinh tế Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ Trung kéo dài, Trung Quốc sẽ thiệt hại nặng hơn. Với con mãnh thú Trung Cộng, nếu để nó mạnh, thế giới sẽ khốn khổ vì nó sẽ áp luật chơi của nó, cho nên rất có thể nhân cơ hội này, Mỹ sẽ không để con mãnh thú này rảnh tay, không nên vỗ béo nó nữa mà phải ra đòn cho nó đỡ. Nội loạn đang nảy mầm bên trong Trung Hoa Đại lục, đây là lúc thuận lợi  để Mỹ gia tăng áp lực từ bên ngoài để buộc ĐCS Trung Quốc chia 2 tay ra đỡ 2 hướng, điều này hứa hẹn sẽ dẫn tới một sự khủng hoảng toàn diện cho Trung Cộng. Có thể nói, thời kỳ cực thịnh của Trung Cộng đã bước qua khỏi sườn dốc, và dưới chân con dốc ấy sẽ có cột móc, cột móc này là một tấm bia ghi ngày tử của ĐCS Trung Quốc. Rồi cũng sẽ có một thời kỳ sụp đổ thứ 2 sau thời kì tan rã của Liên Xô và Đông Âu vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Tôi tin như vậy./.  
......

Đòi cải tổ chính trị: Sinh viên, học sinh Hong Kong tuyên bố bãi khóa 2 tuần

FB Ngô Nhật Đăng| Đáp lại phát biểu của ông bộ trưởng giáo dục Hong Kong rằng không nên đưa chính trị vào trường học và tẩy chay không đến trường là tước bỏ cơ hội học tập của trẻ em. Hongkongers trả lời: Sinh viên từ 10 trường đại học cùng với hơn 100 trường trung học của Hong Kong vừa tổ chức một buổi họp công bố về kế hoạch chi tiết cho bãi khóa kỳ này. Họ ra tối hậu thư cho chính quyền Hong Kong mà đại diện là bà Carrie Lam phải tuyên bố luật dẫn độ bị hủy bỏ vĩnh viễn, điều tra độc lập về bạo lực của cảnh sát đối với người biểu tình và phản hồi 5 yêu cầu của người biểu tình đối với chính phủ. Chiến dịch sẽ được khởi động vào ngày 2 tháng Chín, 2019, là ngày khai giảng của Hong Kong và sẽ kéo dài đến 13 tháng Chín, nếu chính phủ không phản hồi trước ngày đó thì sẽ là khởi đầu cho một cuộc bãi khóa vô thời hạn. Các đại diện của 10 trường đại học nói rằng khi bà Carrie Lam phát biểu chính phủ sẽ xây dựng một nền tảng cho việc đối thoại hòa bình thì hãy chứng minh lòng chân thành của mình bằng cách thực hiện 5 yêu cầu. Đối với học sinh cấp 2, mỗi tuần sẽ bãi khóa một lần để tham gia biểu tình, còn lại sẽ mang đến lớp những khẩu hiệu, mặt nạ, biểu tượng ủng hộ cho biểu tình. Hàng chục ngàn tờ rơi kêu gọi tẩy chay đã được phát khắp thành phố. Hua Hua, một học sinh 17 tuổi nói: “Chúng tôi chỉ muốn tẩy chay lớp học chứ không phải tẩy chay trường học” – Thật tuyệt vời với 1 người 17 tuổi, em nói thêm: “Chúng tôi muốn có bức tường Lennon trong trường của mình”. Một học sinh 16 tuổi khác, có tên Raut – Hin cho biết, các em có thảo luận với giáo viên chủ nhiệm về việc nghỉ học đi biểu tình, các em được trả lời rằng đó là sự tự lựa chọn nhưng cần có thêm sự đồng ý của cha mẹ. Mới đây, có một cuộc biểu tình do các học sinh cấp 2 tổ chức có khoảng 500 người tham gia gồm cả phụ huynh và giáo viên, một cô bé 15 tuổi thành viên của ban tổ chức biểu tình cho biết cô muốn cung cấp một nền tảng để học sinh cấp 2 có thể yên tâm thảo luận về phong trào phản kháng. “Ở đây có cả giáo viên và nhân viên xã hội vì vậy học sinh có cơ hội biết thêm về quan điểm của người lớn” – cô nói. Chan, một giáo viên trung học 30 tuổi nói, nếu người lớn có quyền đình công thì cũng nên tôn trọng quyền bãi khóa của học sinh. Tuổi trẻ Hong Kong thật tuyệt vời, tất nhiên. Nhưng tôi thấy kính nể các bậc phụ huynh Hong Kong, không phải cha mẹ nào cũng đồng ý để con cái mình bỏ học tham gia vào chính trị.    
......

Tổng Thống Trump tiêu diệt tàu cộng bằng "ba mũi giáp công"

Nguyễn Vĩnh Long Hồ - quanvan.net|   Ngày 31/5/2019, Lưỡng viện Hoa Kỳ tuyên chiến với Bắc Kinh. Trong đó có 13 nghị sỹ trình dự luật dài 27 trang đòi trừng phạt Tàu Cộng quân sự hóa Biển Đông & Hoa Đông và bao trùm sang các lĩnh vưc khác như an ninh, kinh tế, quân sự. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nhấn mạnh rằng: “Hoa Kỳ có mặt ở Á Châu là để hành động,” ông nói. “Chúng tôi chủ động, giới quân sự của chúng tôi. Chính quyền của TT Donald Trump hoàn toàn khác với thời Obama trước đây”.   Trước đó vào tháng 2/2019, Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh BCH Ấn Độ – Thái Bình Dương (INDOPACOM), trong phiên họp điều trần trước Ủy ban Quân sự Thượng viện Hoa Kỳ, tố cáo Bắc Kinh thất hứa không quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nói: “Tập Cận Bình đã phát lờ các cam kết, chúng ta thấy họ đã hoàn tất các phi đạo dài 3.000m, kho chứa đạn dược, các hỏa tiển phòng thủ cùng các thiết bị quân sự cho không lực của họ…”.   Biển Đông là tuyến đường hàng hải chiến lược mà mỗi năm có trên 5.000 tỷ USD hàng hóa được vận chuyển thông qua khu vực Biển Đông, trong đó có trên 1,2 ngàn tỷ USD hàng hóa của Mỹ. Chính vì vậy, Hải quân Mỹ tiếp tục gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không (FONOPS). Chẳng những Hoa Kỳ mà bà Ursula von der Leyen,  Bộ trưởng BQP Đức, người vừa được đề cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã lên tiếng báo động về mối hiểm họa Tàu Cộng đối vớí châu Âu trong thế kỷ này.   Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel, Giám đốc chương trình châu Á thuộc viện Montaign, Paris, nhận định: “Đó là tầm quan trọng của việc ủng hộ tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông là một chiến lược không chỉ liên quan đến sức mạnh hải quân và an ninh hàng hải theo đúng nghĩa quân sự. Phía Quốc hội Mỹ khởi xướng nhiều dự án liên quan đến Tàu Cộng và vấn đề Tân Cương. Mỹ hiện có một chính sách rất cứng rắn đối với Bắc Kinh mà người ta vẫn nhắc đến sự “cạnh tranh chiến lược”. Trong đó, yếu tố dễ nhận thấy nhất là “thuế quan”, sau đó là những gì liên quan đến cạnh tranh công nghệ….”     TT TRUMP TIÊU DIỆT TÀU CỘNG BẰNG 3 MŨI GIÁP CÔNG:     Theo các nhà phân tích chính trị nhận định: Nếu từ đây tới năm 2020 là năm bầu cử tổng thống Hoa Kỳ mà Tàu cộng vẫn duy trì được đà phát triển kinh tế như những năm trước đây thì GDP của Tàu Cộng sẽ vượt mặt Mỹ và trở thành đệ nhất siêu cường trên thế giới và Hoa Kỳ sẽ trở thành quốc gia hạng nhì sau Tàu Cộng. Tiếng nói của cường quốc hạng nhì sẽ không còn trọng lượng, sẽ trở thành lạc lỏng giữa các cộng đồng quốc tế, chẳng còn ai muốn lắng nghe. Trong tương lai, nếu Mỹ từ bỏ vai trò “lãnh đạo thế giới” thì nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ nữa. Vì vậy, TT D.Trump phải đánh tan Tàu Cộng bằng 3 mũi giáp công trước năm 2020 hoặc trễ lắm là trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai trước khi quá muộn. Tập Cận Bình không bao giờ từ bỏ tham vọng thống tri ịthế giới.   “Giấc mộng Chệt” tham vọng của Tập Cận Bình được xây dựng trên nền tảng vết xe đổ của Nhật Bản vào thế kỷ XX trước đây. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào những năm 1980, Nhật Bản được coi là mối đe dọa kinh tế lớn nhất của Hoa Kỳ, những cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, thao túng tiên tệ, chính sách công nghiệp do nhà nước bảo trợ của Nhật. Sự suy giảm của ngành chế tạo Hoa Kỳ và sự thâm thụt thương mại lớn của Mỹ với Nhật. Trong cuộc xung đột giữa Mỹ và Nhật, cuối cùng Nhật đã nhượng bộ, nhưng họ phải trả giá đắt khi phải nhượng bộ Mỹ. Trải qua 3 thập niên mất mát với nền kinh tế trì trệ và giảm phát.   Ngày nay, lịch sử đã được tái diễn, nhưng nạn nhân đã được Tập Cận Bình lập lại chính là Tàu Cộng. Giống như việc trừng phạt Nhật vào những năm 1980. Việc trừng phạt Tàu Cộng ngày nay xuất phát từ sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô và sự thâm hụt thương mại lớn tạo bối cảnh cho các cuộc chiến cách nhau trên 30 năm. TT Donald Trump mở rộng nhiều mặt trận sẽ tiêu diệt Tàu Cộng bằng 3 mũi giáp công: Kinh tế, quân sự và chính trị .     1.     KINH TẾ :   CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI:   Bắc Kinh công bố số liệu vào ngày 15/7/2019, cho thấy nền kinh tế chỉ đạt được mức tăng trưởng 6,2% trong quý II/2019, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ những năm đầu 1990. Đây là chỉ dấu cho thấy cuộc chiến thương mại với Mỹ đã gây tổn thất không nhỏ cho kinh tế Tàu Cộng. Cục thống kê TC cho biết nền kinh tế nước này đã phải đối mặt với một tình huống kinh tế phức tạp và sự bất ổn địa chính trị ảnh hưởng từ bên ngoài ngày càng tăng. Reuter đưa tin, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng phải đối mặt với áp lực giảm giá rất lớn do những lệnh cấm vận từ Hoa Kỳ, gây ra những tổn thất khổng lồ không thể tính bằng những con số.   Trong nhiều thập niên, con đường phát triển đất nước thần kỳ, nhưng điều đó đã chấm dút. Tàu Cộng sẽ phải chấp nhận một trật tự thế giới do Mỹ thống trị. Sẽ không có thế kỷ Thái Bình Dương và tất cả những ngụy tạo sai trái lịch sử về Biển Đông và “đường lưởi bò 9 đoạn” sẽ được họ sửa chữa, chắc chắn là như vậy nhưng không phải là lúc này.  Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ vẫn thật khó chấp nhận thực tế rằng, con đường dẫn đến vinh quang phục hưng dân tộc Trung Hoa thống trị thế giới sắp kết thúc.   Chính cuộc chiến thương mại đã phơi bày những yếu huyệt của nền kinh tế Tàu Cộng. Giờ thì rõ ràng Huawei, hy vọng lớn của TC về công nghệ cao, cùng với ZTE và một số công nghệ thông tin khác, không phải là thực lực bất khả xâm phạm, không có phần cứng, giấy phép hoạt động và phần mềm của Hoa Kỳ, các công ty này sẽ rơi vào khó khăn. Họ sẽ chậm hơn ít nhất 10 năm về mặt công nghệ và không thể phát triển các kỹ năng cần thiết để tồn tại trong tình thế hiện nay.   Tình trạng khó khăn hiện tại cũng diễn ra trong ngành kỷ nghệ nặng quốc phòng như chiến đấu cơ, tàu chiến, vũ khí chiến lược… TC thiếu chiều sâu về kỹ thuật bằng sáng chế và công nghệ cần thiết để sản xuất các sản phẩm cao cấp có thể cạnh tranh với các nước trên thế giới. Ngày nay, việc ăn cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ qua hệ thống gián điệp tinh vi dàn trải khắp nước Mỹ đã chấm dứt và họ sẽ bị trục xuất về Tàu, các mặt hàng nhái rẻ tiền không thể giành chiến thắng trên thương trường… Tập Cận Bình phải nhớ rằng chống lại Hoa Kỳ là từ bị thương cho tới chết…   Phát biểu tại một cuộc họp nội các ở Tòa Bạch Ốc vào ngày 16/7/2019, TT Trump nói: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi nếu muốn đánh thuế nhập cảng lên hàng hóa TC. Vẫn còn 325 tỷ USD hàng hóa TC mà chúng ta có thể đánh thuế nếu muốn,” ông nói. “Chúng ta đang đàm phán một thỏa thuận thương mại với TC, nhưng tôi ước họ đã không phá vỡ thỏa thuận từng có”. Cuối cùng, TT Trump muốn Tập Cận Bình phải tuân theo hệ thống thị trường tự do của phương Tây cùng với sự chấm dứt chế độ độc đảng. “Hãy làm theo cách của chúng tôi” chính là thông điệp ở đây và hãy nhớ rằng nước Mỹ là siêu cường toàn cầu không đối thủ. Ngày 01/8 vừa qua, TT Trump bất ngờ công bố về áp thuế 300 tỷ USD lên hàng hóa TC đã đưa thương chiến Mỹ – Trung lên một cấp độ mới. Hành động trên của TT Trump hầu như toàn bộ hàng hóa của TC nhập cảng vào Mỹ đều bị áp thuế quan bổ sung.   Theo Ruchir Sharma, tác giả bài viết “How China fell off the miracle path” (phép màu kinh tế China đang chấm dứt như thế nào) được The New York Times đăng số ra ngày 03/5/2016 đã trở thành hiện thực. Tăng trưởng ở mức 6%là một điều rất khó khăn với bất kỳ một quốc gia nào. Trong nổ lực vượt qua mục tiêu đó, Bắc Kinh đã bơm những khoảng nợ, những dự án lãng phí và họ đang tự đào một cái hố sâu tự chôn mình.   Theo GS Xiang Songzuo, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Tiền tệ Quốc tế thuộc ĐHND TQ, là một nhà kinh tế nổi tiếng, ông đưa ra một số nhận định trong bài viết với chủ đề: “The pitiful state of the Chinese economy” (Tình hình bi đát của nền kinh tế TQ). Những biến đổi lớn chưa từng thấy trong 40 năm qua. Xin tóm lược những điểm chính:   §  Năm 2018, kinh tế TQ liên tục đi xuống, chủ yếu là kinh tế chậm lại.   §  Tăng trưởng GDP năm 2018 theo công bố của Cục Thống Kê TQ là 6,5%, nhưng theo báo cáo công bố nội bộ hôm 15/12/2018 thì chỉ tiêu này thấp hơn nhiều.   §  Thị trường tài chánh trực tiếp dù là trái phiếu hay chứng khoán đã bị giảm một nửa trong năm 2018 và nhiều công ty đã vỡ nợ. Trong 3 quý/2018, tổng vỡ nợ đã vượt 120 tỷ NDT. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phá sản.   §  Nợ địa phương là một rắc rối lớn trong thị trường tài chánh TC.   §  Thị trường chứng khoán TC yếu kém cho thấy nền kinh tế đang ở trong tình trạng rối loạn.     NHIỀU DOANH NGHIỆP THÁO CHẠY KHỎI TQ:     Việc TT Trump tiếp tục tăng mức thuế quan lên các mặt  hàng xuất cảng của TC khiến nhiều doanh nghiệp đua nhau tháo chạy khỏi Tàu Cộng để tránh thuế. Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường TC không chỉ mang theo nguồn vốn lớn. Ngày 10/5/2019 vừa qua, các mặt hàng TC nằm trong danh sách 200 tỷ USD nhập cảng vào Mỹ bị tăng mức thuế lên 25% . Ngoài ra TT Trump còn đưa danh sách 300 tỷ USD hàng TC có thể bị áp thuế 25%.   Tại 4 thành phố lớn của TC gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu  và Thẩm Quyến, có hơn 20.000 doanh nghiệp nước ngoài: QUẢNG CHÂU: chiếm 62% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, THƯỢNG HẢI: Doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 2/3 tổng giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp 70% cho nền kinh tế Thẩm Quyến. Có thể nói, các doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Đại Lục sẽ gây ra ảnh hưởng lớn ngoài sức tưởng tượng với nền kinh tế nước này. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, cuộc chiến tranh thương mại lần này đã ảnh hưởng to lớn đến nền kinh tế TC và gây áp lực nặng nề với chánh phủ Bắc Kinh.   Do đo khiến nhiều doanh nghiệp tháo chạy khỏi Đại Lục. Trước đó, đã có báo cáo có khoảng 400 công ty vốn đầu tư Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường Đại Lục. Liệt kê những công ty điển hình:   §  Hãng Apple sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ.   §  Foxconn đã mở 3 nhà máy tại Ấn Độ và kế hoạch trước năm 2020 sẽ xây dựng từ 10 tới 12 nhà máy nữa và sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 1 triệu người dân Ấn Độ.   §  Hãng điện tử Olympus của Nhật Bản đã đóng cửa nhà máy sản xuất ở Thẩm Quyến và chuyển sang VN.   §  Một vài nhà máy sản xuát dây chuyền công nghiệp nặng của Tập đoàn Sumitomo tại TC cũng chuyển dần về Nhật Bản.   §  Kobe Steel, công ty thép của Nhật cũng cho biết, họ đã chuyển nhà máy sản xuất linh kiện máy đào thủy lực sang Thái Lan và Mỹ.   §  Các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Electric, Komatsu và Toshiba cũng đã chuyển một số dây chuyền sản xuất ở TC sang các nước khác.   §  Trong khi đó, Microsoft, Google, Amazon, Sony và Nintendo cũng muốn chuyển các dây chuyền đang sản xuất ra khỏi công xưởng thế giới.   §  Tới lượt Samsung đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Chiết Giang   §  Theo USA Today, 41% công ty Mỹ đang xem xét chuyển sản xuất khỏi TC sang các nước ĐNÁ và Mexico ít hơn 6% số này tính chuyện chuyển về Mỹ.     TÌNH TRẠNG THẤT NGHIỆP TẠI ĐẠI LỤC:     Tờ New York Times đưa tin, ngày 4 và 5/6/2019, chánh phủ Bắc Kinh uy hiếp các công ty nước ngoài không được rút vốn. Các hãng kỹ nghệ lớn như Microsoft, Dell, ARM, Nokia, Cisco, Samsung và SK đều có đại diện tham dự cuộc họp này. Cuộc chiến thương mại đã khiến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đại Lục, đẩy nhanh tốc độ thoái vốn, từ đó dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ thất nghiệp tại Đại Lục. Các học giả cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp khảo sát các khu vực đô thị toàn quốc là 4,9 %, trên thực tế phải lớn hơn gấp 3 lần so với con số chính thức mà chính quyền Bắc Kinh công bố.   Hồi đầu năm 2019, giới truyền thông Nhật Bản cũng đưa tin, cuộc chiến thương mại khiến cho khoảng 5 triệu công ty Đại Lục phải đóng cửa và số lượng người thất nghiệp cũng không ngừng tăng lên, tổng số người chịu ảnh hưởng có thể lên đến 400 triệu người. Các nhà máy đang phải cắt giảm việc làm, một xu hướng đáng báo động đối với TC, vì họ lo ngại rằng bất ổn xã hội sẽ bùng lên nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Các chủ nhà máy tại Đại Lục ngày càng bi quan về tình hình đơn đặt hàng xuất cảng trong năm 2019 và tâm lý bi quan này đã được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng xuất cảng chậm lại.   Theo ông Colin Graham, Giám đốc đầu tư (CIO) của Eastspring Investments nhận xét: “Các nhà máy ở Đại Lục có đang sa thải công nhân do lượng đơn đặt hàng giảm sút? Nếu điều này xảy ra, mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người dân của chính phủ Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưỏng…Đây là vấn đề quan trọng đối với chính phủ Bắc Kinh. Số liệu công bố cho thấy xuất cảng trong tháng 6/2019 của TC giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân được cho là thuế quan mà Mỹ áp lên hang hóa TC. Nhập cảng vào Đại Lục trong tháng 6/2019 cũng giảm do nhu cầu trong nước giảm”.   Theo bà Hà Thanh Liên, một nhà kinh tế nổi tiếng của TC, hiện đang sống ở Mỹ đã cho biết: “Tính đến giữa năm 2015, Đại Lục đã có tới 500 triệu người thất nghiệp và gây sự phẫn nộ của quần chúng”. Theo báo cáo 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB), có khoảng 300 triệu người dân nghèo Hoa Lục chi tiêu ở mức 01 USD/ngày. Nhiều công nhân làm việc trong khu vực công nghiệp nặng đã bị mất việc. Có một áp lực rất lớn về nạn thất nghiệp nhất là các nghành chế tạo, hầm mỏ và các công nghiệp cũ như thép & nhôm.   ĐCSTQ thường tự hào đã tạo hơn 2.130 đại gia có tổng số tài sản bằng cả nền kinh tế nước Anh. Bên cạnh những người giàu có này thì số người bị “bần cùng hóa” gia tăng với tốc độ chóng mặt, có khoảng 55% số hộ gia đình hầu như vô sản. Sự phân hóa giàu nghèo đang diễn quá nhanh và sâu sắc đủ để nhấn chìm nước trong vũng lầy kinh tế. Trong những năm gần đây, xã hội Đại Lục xuất hiện một thuật ngữ mới là “cừu phú” (căm thù người giàu) và “cừu quan” (câm thù tham quan).   Trả lời Epoch Times, nhà văn Kinh Sở nổi tiếng Đại Lục nhận định: “Những sự kiện kháng nghị trong xã hội Đại Lục ngày càng nhiều, cho thấy tình trạng bất công xã hội gia tăng mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Vì thế tình cảnh mọi người bất mãn, đấu tranh đòi quyền lợi ngày càng nhiều là hệ quả khó tránh khỏi”. Tân Hoa Xã ghi nhận, con số các cuộc biểu tình với đông đảo quần chúng ngày càng gia tăng, có trên 200.000 vụ mỗi năm. Chính quyền Bắc Kinh đã phải chi trên hàng trăm tỷ USD để duy trì ổn định xã hội.     NGUY CƠ VỠ NỢ:     Sự thiếu hụt USD, loại tiền tệ rất quan trọng đối với hoạt động tài trợ cả trong và ngoài nước. Các khoản nợ USD kết hợp tại 4 ngân hàng thương mại lớn nhất của TC đã vượt quá tài sản bằng USD của họ vào cuối năm 2018. Vào năm 2013, 4 ngân hàng có tài sản USD cao hơn 125 tỷ so với số nợ phải trả, nhưng hiện nay họ nợ các chủ nợ và khách hàng nhiều hơn so với nợ họ có. Sự đảo ngược là hậu quả từ một ngân hàng: “BANK OF CHINA”. Từ nhiều năm qua, ngân hàng nầy nắm giữ nhiều tài sản bằng USD hơn bất kỳ nhà cho vay nào khác. Nhưng điều đó đã kết thúc vào năm 2018 khi nợ phải trả của nó cao hơn 72 tỷ USD.   Tàu Cộng có khoảng 3,1 ngàn tỷ USD dự trử ngoại hối, vẫn là kho dự trử ngoại tệ an toàn trong những trường hợp khủng hoảng tài chánh. Trong những dự án to lớn của Tập Cận Bình chi tiêu bằng USD là các dự án “Vành đai & Con đường”, vốn được tài trợ rất nhiều bằng đồng bạc xanh và đang gởi USD ra nước ngoài dưới hình thức các khoản vay của TC. Bắc Kinh đã tập trung sức mạnh tài chánh nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng quốc tế trong những năm gần đây.   Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo số dư tài khoản vãng lai của TC sẽ xuống mức âm vào năm 2020 do chịu ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Khoản tiền dự trữ ngoại tệ khổng lồ của TC đang âm thầm chảy khỏi Đại Lục. Tổng cộng 1.200 tỷ USD đã bốc hơi khỏi số liệu thống kê của Bắc Kinh.   Nợ tín dụng tại Đại Lục đã tăng gấp 6 lần kể từ 2012. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết các khoản vay khác hạng không bảo đảm tại Đại Lục có khả năng tăng với tốc độ 20% mỗi năm trong vòng 2 năm tới. Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của TC đã tăng từ 20,9% năm 2012 lên 53,2% năm 2018, theo số liệu từ CEIC cơ quan cung cấp số liệu tài chánh. Nợ hộ gia đình tại TC đạt 7.400 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2019, theo CEIC.   Đại Lục đang chìm ngập trong khoản nợ công 30.000 tỷ USD (tương đương 259% GDP) và con số này được các chuyên gia dự báo sẽ tăng lên 327% GDP vào năm 2022 nếu Bắc Kinh không có biện pháp đối phó hiệu quả. Tờ Nikkei Asian Review kết luận: “Sau một thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, chính phủ Bắc Kinh đang tiến hành một cuôc chiến toàn diên về quả “bom nợ”.   Viện Tài chánh Quốc Tế có trụ sở tại Washington D.C vừa công bố số liệu thống kê cho thấy nợ công của Tàu Cộng đã tăng lên gần 304% so với GDP trong 3 tháng đầu năm 2019 tức hơn 40.000 tỷ USD (tương đương 15% tổng số nợ trên toàn cầu) theo Reuter hôm 17/7/2019.     TTCK BỐC HƠI 2.300 TỶ USD NĂM 2018:     Tính đến thứ sáu 26/12/2018, chỉ số Shanghai Composite Index giảm gần 25% so với mức khởi điểm năm 2018, khiến nó trở TTCK lớn hoạt động kém nhất thế giới. Sự bùng nổ của cuộc thương chiến giữ Mỹ – Trung khiến TTCK sụt giảm 2,300 tỷ USD so với thị trường của TC trong năm 2018 tính tới ngày 26/12. TC nhường lại vị trí là TTCK lớn thứ hai thế giới cho Nhật Bản vào đần năm nay. Giá giao dịch trung bình hàng ngày trên cả 2 sàn giao dịch Thượng Hải và Thẩm Quyến đã giảm xuống còn khoảng 369 tỷ NDT (54 tỷ USD) trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 2014, dữ liệu của Bloomberg cho thấy, chỉ có 263,8 tỷ NDT được giao dịch vào ngày 27/12/2018, bằng khoảng 1/10 mức cao nhất của năm 2015.     KẾT LUẬN:     Chiến tranh thương mại là một vấn đề quan trọng chi phối sự quan tâm của người dân Hoa Lục. Bắc Kinh hiện đối mặt những bong bong kinh tế đang càng ngày càng phình to ra trên nhiều lĩnh vực với nguy cơ sẽ phát nổ, nó có thể làm rung chuyển chế độ. Thương chiến với Mỹ khiến các công ty công nghệ lớn của TC đánh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế khi bị hàng loạt các công ty Mỹ và châu Âu tẩy chay. Bắc Kinh đang phải đối mặt với nhiều lĩnh vực vô cùng nghiêm trọng tưong lai.   §  Bong bóng bất động sản khiến giá nhà trên toàn quốc tăng cao ngất ngưỡng, cấp số nhân tài sản cho các tham quan và các đại gia đầu cơ, nó chôn vùi giấc mơ bắt đầu cuộc sống gia đình tự lập của thế hệ thanh niên nước này.   §  Quỹ lương hưu có nguy cơ phá sản mang tính cách lâu dài và khó tìm ra cách giải quyết ổn thỏa.   §  Tỷ lệ hôn nhân thấp dẫn tỷ lệ sinh giảm dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, khi dân Tàu ngày càng già đi, số người nghĩ hưu tăng lên mà quỹ luơng hưu thì cạn dần.   Ngay khi Bắc Kinh công bố tăng trưởng GDP quý II/2019 là 6,2%, mức thấp nhất kể từ năm 1992. Nhưng các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại kéo dài  không phải là lực cản chính lớn nhất đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tăng trưởng giảm tốc liên quan đến nhiều nợ nần và sức mua giảm và vì nền kinh tế Tàu Cộng quá lệ thuộc vào xuất cảng.   Nếu xét về triển vọng phát triển kinh tế thì Hoa Kỳ vẫn chiếm thế thượng phong trên TC về nhiều mặt và có nền tảng vững chắc hơn. Một số ý kiến cho rằng, sức mạnh nền kinh tế của Tàu Cộng hoàn toàn có khả năng vượt Mỹ trong 10 năm tới, nếu xét theo GDP. Nhưng, nhiều kinh tế học đã phản biện rằng điều đó là “viễn tưởng”. Thậm chí có chuyên gia còn khẳng định rằng, TC chỉ tăng trưởng ở mức 1%. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn đang phải đối mặt với một “núi nợ công” khổng lồ 40.000 tỷ USD. Nợ là tổ mối khổng lồ đã và đang đụt rỗng ruột bên trong thân cây đại thụ  mang tên Trung Quốc và không biết lúc nào nó sẽ đổ xuống…     1.       QUÂN SỰ     Cho tới nay, ngoài những lời đấu khẩu giữa Tàu Cộng và khối liên minh quân sự Mỹ, Nhật, Ấn, Australia, Anh, Pháp, Đài Loan…xuất hiện ở Biến Đông trên chính danh: “Thực hiện chiến dịch tự do hàng không, hàng hải (FONOPS) và tổ chức các cuộc tham gia tập trận chung. Những hoạt động này chưa đủ sức răn đe Bắc Kinh?”   Theo nhận định của ông James Holmes, chuyên gia quân sự Mỹ, được đăng trên National Interest, thì Washington đã chọn “thượng sách” đối phó với TC là thành lập và củng cố một khối “liên minh kim cương” Mỹ, Nhật, Ấn, Australia và liên minh châu Âu với quyền lợi và nghĩa vụ để tiêu diệt chủ nghĩa bành trướng, bá quyền của Tàu Cộng trên Biển Đông và Hoa Đông.     HOA KỲ:     Bên cạnh những tuyên bố trấn an, khẳng định cam kết bảo vệ an ninh cho đồng minh và các nước bạn là dự án triển khai vũ khí tối tân tại Thái Bình Dương trong bối cảnh Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông ngày càng mạnh. Cụ thể Ngũ Giác Đài đã đưa hỏa tiển tầm trung có tầm bắn từ 500 km đến 5.000 km đến châu Á.   Theo Francois Godement, giám đốc Chương trình châu Á của Viện Nghiên cứu Chiến lược Montaigne, một chuyên gia am tường tình hình TC, những động thái này của Mỹ chỉ là bước đầu trong chiến lược đáp trả có phối hợp của Washington. Trong lúc đó, Bắc Kinh có mưu tính từ lâu đã bố trí hàng ngàn tên lửa trên lãnh thổ Hoa Lục sau khi đánh lừa và cam kết với Washington là sẽ không “quân sự hóa” Biển Đông.   Mặc dù các cường quốc trên thế giới đều ý thức rằng, những nguy cơ đến từ sức mạnh của TC trên Biển Đông và đều có những lợi ích chiến lược đối với vùng biển này, sự can thiệp của họ phối hợp với Hải quân Hoa Kỳ để thách thức Bắc Kinh. Trong khuôn khổ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” Mở và Tự Do (FOIP) mà Bộ Quốc Phòng nhấn mạnh đến sự hợp tác của “liên minh kim cương” của 4 cường quốc Mỹ – Nhật – Ấn – Australia và kêu gọi sự can dự mạnh mẽ hơn từ các nước châu Âu là Anh và Pháp để bảo đảm cấu trúc an ninh trong khu vực trước mối đe dọa từ Tàu Cộng.     NHẬT BẢN:     Theo Toshihiro Nakayama là giáo sư Quản lý chính sách ĐH Keio, khẳng định rằng: “Nhật Bản phụ thuộc hoàn toàn vào giao thương…Hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông,” ông giải thích. “Do đó, vùng Biển Đông đặc biệt là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Nhật Bản.” Do đó, ông cho biết ý đồ của Bắc Kinh muốn biến Biển Đông thành ao nhà của họ là quan ngại lớn nhất của Nhật. Ông nói: “Chúng tôi nhìn thấy tham vọng của Bắc Kinh để thay thế Mỹ hay gạt Mỹ ra khỏi vai trò lãnh đạo ở châu Á – TBD.”     ẤN ĐỘ:     Theo Pankaj Jha, giáo sư Khoa Quốc tế ĐH OP Jindal Global, bang Haryana, nhận định: Chiến lược Hành động hướng Đông của Ấn Độ SVIMM (Singapore, Việt Nam, Idonesia, Myanmar, Malaysia). Theo quan điểm New Delhi: Singapore, Malaysia và Indonesia là những bên tham gia liên quan đến Eo biển Malacca. Còn VN và Myanmar liên quan về mặt hợp tác quốc phòng và các hoạt động thăm dò dầu, khí đốt của Ấn Độ ở Biển Đông.   Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã công du nhiều quốc gia tham gia khuôn khổ này trong nhiệm kỳ của mình và ông đã phê chuẩn việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, Singapore và Malaysia và cũng như can dự với Indonesia và Thái Lan để bảo vệ dọc sườn phía Tây khu vực Đông Nam Á một cách chủ động hơn để chống lại sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Tập Cận Bình.   Ấn Độ đã nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự tại quần đảo Andaman và Nicobar và bổ nhiệm cựu Tham mưu Trưởng Hải quân là Đô đốc DK Joshi làm Phó Thống đốc vùng lãnh thổ này. Rõ ràng, những động thái này là nhằm phát huy đặc tính phòng thủ tối đa của Andaman và Nicobar bằng cách nối dài 2 phi đạo và xây thêm 2 cầu tàu để cho các chiến hạm cỡ lớn neo đậu. New Delhi cũng đặc biệt hỗ trợ các ngư dân địa phương làm tình báo vốn là tai mắt của lực lượng hải quân và cung cấp nhiều phương tiện đánh bắt cá tân tiến cho ngư dân để gia tăng sản lượng hải sản đánh bắt ở vùng biển giàu tài nguyên thiên nhiên này.   Cuối tuần này 18/8/2019, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ thăm vương quốc Bhutan, Thủ tướng Narendra sẽ gặp vua và Thủ tướng Bhutan, chính thức công bố mở một dự án thủy điện và cùng trồng một số cây, phù hợp với chánh sách “ưu tiên láng giềng” của Ấn Độ. Ông Modi sẽ cố gắng dựa trên lợi thế của Ấn Độ tại đây để chống lại Tàu Cộng.     AUSTRALIA:     Theo Reuters, Australia sẽ thành lập một đơn vị quân sự mới, nhằm huấn luyện và hỗ trợ các đồng minh ở Thái Bình Dương trong bối cảnh TC không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực đang dần bị biến thành sân nhà của TC. Theo Bộ trưởng BQP Australia là Linda Reynolds, Canberra sẽ còn tăng cường quan hệ với các nước Thái Bình Dương để thiết lập những mối quan hệ quân sự mạnh mẽ hơn.   “Lực lượng Hỗ trợ Thái Bình Dương sẽ triển khai một nhóm huấn luyện di động nhằm tăng cường năng lực, tính bền vững và khả năng tương tác trong vùng, đặc biệt là hoạt động bảo đảm an ninh, cứu trợ nhân đạo, cứu nạn thiên tai và duy trì hòa bình. Hành vi này sẽ giúp thắt chặt các mối quan hệ bằng những cuộc tập trận và huấn luyện chung”.   VAI TRÒ CỦA EU Ở BIỂN ĐÔNG: EU luôn có lý do rất quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ hành lang vận chuyển hàng hóa bằng các thương thuyền tự do hàng hải, an toàn. Với Tàu Cộng là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối và chỉ riêng thương mại với Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU sau TC và Nhật.     PHÁP DẤN THÂN VÀO ẤN ĐỘ – TBD:     Ngày 11/6/2019, Bộ Quân Lực Pháp cũng quảng bá một báo cáo mang tựa đề “Pháp và an ninh Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Tờ chuyên san Nhật Bản The Diplomat nêu bật trong 2 bài phân tích:   §  “Pháp quảng bá quyết tâm mới vì ổn định Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (France Trumpets Renewed Commitment to Stability in Indo – Pacific) đăng ngày 06/6/2019.   §  “Chiến lược Ấn Độ Duơng – Thái Bình Dương của Anh đang ở đâu?” (Where is Britan’s Indo – Pacific Strategy?”   Ông Steven Stashwick, nhà nghiên cứu về Đông Á, nhận định: Quyết tâm của Pháp muốn dấn thân trở lại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương phản ảnh quan điểm theo đó, Paris cảm thấy có trách nhiệm trước hiện tượng trong vùng đang thành hình những quốc gia có thể gây nên xung đột toàn cầu (ám chỉ Tàu Cộng). Theo tác giả phân tích, Pháp cho thấy rõ cam kết duy trì sự hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương để bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời đóng góp vào việc duy trì ổn định trong vùng, bảo vệ những quyền hạn và quy tắc quốc tế then chốt.   Còn nhớ, phát biểu tại Đối Thoại Shangri-La vào đầu tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly đã nhận định rất thẳng thắn về tình hình an ninh căng thẳng đang tác hại đến khu vực Đông Á. Theo Bà Parly, trước những diễn biến về an ninh và những thách thức “Hợp tác cần thiết hơn bao giờ hết…làm nền tảng cho một cuộc đối đầu toàn diện ở châu Á”.   Về quyết tâm bảo vệ quyền tự do hàng không, hàng hải, Bộ trưởng Quân lực Pháp cam kết cho tàu chiến đến Biển Đông ít ra 2 lần trong một năm. Bà Parly cũng cảnh cáo rằng Pháp sẽ không bị những thủ đoạn đáng ngờ hù dọa, hay chấp nhận những sự “đã rồi” đi ngược với luật quốc tế, dù không nêu đích danh, nhưng Pháp rõ ràng là nhắm vào Tàu Cộng, tác nhân của những mối lo ngại.     ANH SẼ DẤN THÂN VÀO ẤN ĐỘ – TBD:     Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng BQP Anh Bà Penny Mordaunt cũng có những đánh giá tương tự như các đồng nhiệm Mỹ & Pháp về tình hình khu vực.Tuy nhiên, The Diplomat đã ghi nhận là trong thực tế, không phải là Anh Quốc không hiện diện ở Ấn Độ – TBD. Như bà Mordaunt đã nêu lên tại Đối thoại Shangri-La 4 chiến hạm của Hải quân Anh: 1/ HMS Sutherland 2/ HMS Albion 3/ HMS Argyll 4/ HMS Montrose đã từng được khai triển trong vùng trong các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải năm 2018 và tập trận với nhiều nước trong vùng như Singapore, Malaysia và New Zealand. Mới đây, Bộ trưởng BQP Anh Gavin Williamson tuyên bố, London đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ ở khu vực ĐNÁ.   “Đây là thời điểm để chúng tôi trở thành quốc gia có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu một lần nữa sau Thế chiến II kết thúc và tôi cho rằng lực lượng vũ trang là một phần đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này”, ông Williamson nhấn mạnh. Theo giới quan sát hành động này của Anh có thể coi như một tuyên bố thách thức sự bành truớng của Bắc Kinh.     ĐÀI LOAN:     Bản tin Reuters tường thuật nội các của TT Thái Anh Văn đã ký phê chuẩn mức tăng 8,3% đối với các chi tiêu quân sự 411,3 tỷ Đài tệ (13,11 tỷ USD). Bộ trưởng BQP Đài Loan tuyên bố: “Trước mối đe dọa từ kẻ thù và để bảo đảm an ninh quốc gia, ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn,” ông còn cho biết. “BQP sẽ chi tiêu nhiều hơn để mua vũ khí tiên tiến từ nước ngoài và xây dựng một lực lượng quân sự gồm toàn “tình nguyện viên” sau nhiều thập niên áp dụng chế độ quân dịch cưỡng bức.’   Mới đây ngày 17/8/2019, Tòa Bạch Ốc thông báo với Quốc hội sẽ bán chiến đấu cơ tiêm kích F-16V của Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin cho Đài Loan trị giá 8 tỷ USD là một trong những thương vụ mua bán vũ khí lớn nhất của Washington với Đài Loan. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch bày tỏ sự ủng hộ với kế hoạch bán chiến đấu cơ F-16V cho Đài Loan, sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Đài Bắc bảo vệ không phận của thành phố này trước áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh. Xem ra, Đài Loan trở thành món gân gà khó nuốt cho Tập Cận Bình.     TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG QUÂN SỰ MỸ – TRUNG:   HOA KỲ:     Hải quân Hoa Kỳ tích lủy những học thuyết chiến lược quân sự của những chiến lược gia lừng danh như: Alfred Thayer Mahan (Mỹ), Isoroku Yamamoto (Nhật) và Kark Doemitz (Đức) để xây dựng Hải quân Hoa Kỳ hùng mạnh vào thế kỷ XX để thống trị các đại dương. Hải quân Hoa Kỳ bước vào thế kỷ XXI vẫn là siêu quyền lực duy nhất trên toàn thế giới:   ĐÔ ĐỐC ALFRED THAYER MAHAN, MỸ (1840 – 1914): Ông được mệnh danh là “Chiến lược gia Clausewitz” của biển cả. Các chiến lược của ông đã trực tiếp đóng góp vào sự bành trướng Hải quân Hoa Kỳ của TT Roosevelt. Quan điểm học thuyết chiến lược căn bản ông Mahan vào một điều không có gì khác hơn là phải “chế ngự biển cả”. Ông quan niệm rằng: “Không một quốc gia nào có thể tự xem mình là một sức mạnh toàn cầu, nếu không có khả năng thiết lập kế hoạch sức mạnh Hải quân trên toàn thế giới. Ngoài khả năng có một lực lượng Hải quân có khả năng hiện diện ở bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và đánh bại bất cứ kẻ thù nào,” ông cũng nhấn mạnh: “Tầm quan trọng công tác giữ gìn các tuyến đường hàng hải huyết mạch để bảo đảm an ninh cho các tàu chiến và tàu buôn.”   Đô đốc Mahan nhấn mạnh nhu cầu cần duy trì hệ thống các “căn cứ hải quân” của các Hạm đội Hoa Kỳ. Ngày nay, theo số liệu của Ngũ Giác Đài, Hoa Kỳ đã duy trì một hệ thống căn cứ quân sự trên toàn thế giới lên đến 865 căn cứ, hiện tại 90 quốc gia. Điểm mặt 6 nhóm căn cứ quân sự bao vây và cô lập Tàu Cộng gồm:   §  Nhóm căn cứ quân sự Đông Bắc Á.   §  Nhóm căn cứ quân sự Đảo Guam.   §  Nhóm căn cứ quân sự Đông Nam Á.   §  Nhóm căn cứ quân sự ở Trung Á.   §  Nhóm căn cứ quân sự ở Ấn Độ Dương.   §  Nhóm căn cứ quân sự ở Australia   ĐÔ ĐỐC ISOROKU YAMAMOTO, NHẬT (1884-1943): Từ sau trận Trân Châu Cảng, ông nói: “Không một quốc gia nào đã duy trì bất cứ một mức độ chế ngự thế giới mà không có lực lượng Hàng Không Mẫu Hạm để đại diện quyền lực thống trị của nó quanh địa cầu.” Hiện nay, Hải quân Hoa Kỳ có 12 HKMH và chiếc HKMH Gerald R. Ford thuộc nhóm siêu HKMH tối tân nhất thế giới. Ngày 24/8/2017, tại hãng đóng tàu Newport News Shipbuilding tại tiểu bang Virginia diễn ra khởi công đóng chiếc HKMH USS Enterprise (mới) là CVN 80. Đồng thời đến cuối tháng 8/2017, quá trình đóng chiếc HKMH Kennedy đã hoàn thành hơn 30%.   Chiến đấu cơ chủ lực của HKMH là tiềm kích F/A-18 E/F Super Hornet. Ở nhiệm vụ chiến đấu tấn công F/A-18 sẽ không kích các căn cứ địch sâu trong đất liền. Nó cũng đảm nhận vai trò phòng vệ và ngăn chận tầm xa bảo đảm an toàn cho HKMH và toàn bộ nhóm tàu tác chiến.   Bắc Kinh đang đầu tư nhiều vào các loại vũ khí tấn công HKMH Mỹ, họ cho rằng tên lửa DF-21D có thể đánh trúng HKMH Mỹ trên biển. Tuy nhiên, theo Loren Thompson, chuyên gia phân tích quốc phòng, đăng bài trên Forbes số ra ngày 09/8/2019: “Why China Can’t Target U.S. Aircraft Carriers” (Tại sao TC không thể đánh đực HKMH Mỹ). Lý do chính là vì Ngũ Giác Đài đầu tư rất mạnh vào những công nghệ tối tân nhằm củng cố hệ thống phòng thủ của các nhóm tàu sân bay.     ĐÔ ĐỐC KARL DOENITZ, ĐỨC (1891 – 1980): Ông là cha đẻ về học thuyết chiến tranh tàu ngầm của Đức. Tầm nhìn chiến lược của ông đã góp quan trọng của tàu ngầm đối với hải chiến trên biển. Mục tiêu chiến lược của ông là cách mạng hóa chiến tranh tàu ngầm là các tàu ngầm U của Đức phải được điều động và chiến đấu từng đoàn hay từng toán mà ông gọi là “Woft packs” (nhóm sói). Trong 4 tháng đầu năm 1940, các chiếc tàu ngầm U đã đánh chìm 285  tàu Mỹ và đồng minh. Tính đến 6 tháng đầu năm 1942, các tàu ngầm U đã đánh chìm 585 tàu chiến Mỹ xuống tận đáy Đại Tây Dương.   Ngày nay, uy lực khủng khiếp tàu ngầm tấn công hạt nhân tối tân lớp Virginia của Mỹ, có khả năng hủy diệt hủy diệt cả một hạm đội đối phương, nó rất khó phát hiện vì chạy rất êm gần như tàng hình. Tháng 7/2018, nhà máy đóng tàu Newport News của tập đoàn Huntington Ingalls Industries mới vừa bàn giao siêu tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay của Hải quân Mỹ. Nó được thiết kế nhằm thay thế tàu ngầm lớp Los Angeles và Seawolf.   Hiện nay, Hải quân Hoa Kỳ đã có 14 chiếc đã đi vào hoạt động và 4 chiếc đang trong quá trình thi công. Hải quân Hoa Kỳ dự định sẽ chế tạo tổng cộng 48 tàu ngầm loại này. Tàu ngầm lớp Virginia có thể hoạt động liên tục hàng tháng trời dưới lòng đại dương. Vũ khí trang bị của tàu gồm 12 ống phóng thẳng đứng. Bên cạnh đó là 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Kho vũ khí của tàu ngầm mạnh nhất thế giới của Mỹ đủ sức thổi tung cá một lục địa xuống biển, huống hồ gì mấy cái đảo nhân tạo của TC trên Biển Đông?     TÀU CỘNG:     TÀU SÂN BAY: Tàu sân bay thứ hai của Hải quân TC Type 001A đang hoàn chỉnh, với thiết kế kiểu cầu bật không máy phóng, khiến J-15 không có AWACS hổ trợ, tàu sân bay này không thể tác chiến xa bờ biển Đại Lục. Theo giới phân tích, việc vận hành của TSB Type 001A có thể được bàn giao cho Hải quân TC trước lễ kỷ niệm 70 Quốc khánh TC vào ngày 01/10/2019 tới đây.   Sau khi tàu sân bay mới được đưa vào hoạt động, Hải quân TC sẽ điều hành 2 tàu sân bay, sánh ngang với Hải quân Hoàng gia Anh để trở thành nhà điều hành tàu sân bay lớn thứ thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Hải quân Hoa Kỳ với 12 HKMH cỡ lớn.   TSB Type 001A không phải là một thiết kế mới, nó là bản sao của TSB CV-16 Liêu Ninh thuộc Type 001, được TC cải tạo từ chiếc tuần dương hạm chở được chiến đấu cơ của Hải quân LX là Varyag, thuộc lớp Kuznetsov. Bắc Kinh mua lại của Ukraine vào cuối năm 1990. Sau khi tân trang quy mô, Liêu Ninh đã được biên chế vào tháng 9/2012. Liêu Ninh có thể mang theo 16 tiềm kích J-15 Flying Shark, cùng với máy bay trực thăng. Cả 2 TSB của TC cũng chỉ có khả năng hoạt động ven bờ.   Tờ Asia Times đưa tin, TSB Type 001A tiêu thụ gần 1.100 tấn nhiên liệu mỗi ngày khi di chuyển với vận tốc 37 km/giờ và sử dụng tới 1.500 tấn nhiên liệu trong các sứ mạng chiến đấu. TSB Type 001A đòi hỏi phải được tiếp nhiên liệu bất kỳ khi nào tiêu thụ hết 1/3 bể chứa, vì vậy TSB sẽ chỉ có 6 ngày hoạt động trên biển trước khi cần phải được tiếp nhiên liệu lần nữa. Trong khi đó, HKMH lớp Nimitz của Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân không cần tiếp nhiên liệu cho động cơ.     TÀU NGẦM HẠT NHÂN: Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân TC được đưa vào hoạt động từ năm 2006, thực hiện các nhiệm vụ ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. 2 trong số các tàu ngầm loại 093A được tạo ra vào những năm 2000 và ít nhất 2 chiếc nữa, loại 093A nâng cấp được đưa vào biên chế năm 2016. Phiên bản này được cho là có hệ thống ống phóng thẳng đứng dùng cho tên lửa hành trình chống hạm YJ-18 và có thể sánh ngang tầm với tàu ngầm lớp Los Angeles của Mỹ.   Các chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân của TC quá dễ bị phát hiện sau vụ Hải quân Nhật Bản phát hiện con tàu này lặn gần quần đảo tranh chấp Senkaku ở biển Hoa Đông. Tàu ngầm lớp Shang dài 110 m của Hải quân TC nổi lên ở vùng biển quốc tế hôm 12/1/2018 sau khi bị Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản theo sát trong 2 ngày. Tàu ngầm TC dễ bị đối phương phát hiện vì chạy quá ồn.     KHÔNG QUÂN: Vào tháng 5/2018, không quân TC thực hiện cuộc diễn tập đối kháng với sự tham gia của những chiếc tiềm kích tàng hình J-20 loại mới nhất, tối tân nhất niềm tự hào của không quân TC. Bắc Kinh lên tiếng ngầm cảnh báo Mỹ và Đài Loan: Nếu cần thiết, J-20 sẵn sàng tham chiến, nó có thể là đối thủ xứng tẩm với F-22 hoặc F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, 3 chiếc J-20 niềm tự hào dân tộc Đại Hán, bay trình diễn kéo dài 6 phút, vẫn phải sử dụng động cơ AL-31F của Nga sản xuất, khiến tiêm kích J-20 chưa đủ tuổi để hù dọa F-22 và F-35 của không quân Mỹ.   Vào giữa năm 2018, Yang Wei, Phó giám đốc Khoa học & Công nghệ hàng không AVIC cho biết, họ đã chế tạo khoảng 20 chiếc J-20, nhưng số lượng còn quá nhỏ so với số lượng 200 chiếc F-22 của không quân Mỹ. Theo Michael Raska, giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, cho biết: “Các nhà sản xuất động cơ TC phải đối mặt với vô số vấn đề, chiến đấu cơ J-20 & J-31 của TC không thể bay với tốc độ siêu âm như đối thủ là F-22 và F-35 của Lockheed Martin.” Còn công ty Galleon tại Thượng Hải, ước tính TQ sẽ đầu tư khoảng 300 tỷ USD trong 2 thập kỷ tới để phát triển các động cơ máy bay dân dụng và chiến đấu cơ.     KẾT LUẬN:     Hải quân quân Hoa Kỳ có trách nhiệm toàn cầu, thống trị các đại dương, vì thế lực lượng Hải quân Mỹ không tập trung toàn bộ vào một khu vực. Chiến lược của Ngũ Giác Đài và Tòa Bạch Ốc thành lập khối “liên minh quân sự” để kềm chế sự trỗi dậy hiếu chiến của Tàu Cộng. TT Trump thông qua sự ủng hộ to lớn của các nước dân chủ hoặc thân phương Tây ở khu vực “Ấn Độ – Thái Bình Dương” để xây dựng một mạng lưới bủa vây, phong tỏa và cô lập TC. Báo cáo Mỹ cho biết: “Các đồng minh của Mỹ trong khối “liên minh kim cương” được sự ủng hộ triệt để của các nước Anh, Pháp và các nước ĐNÁ chận đứng chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Tàu Cộng ở Á Châu.”   Song, so với tiềm lực hiện nay, Hải quân TC mới chỉ đáp ứng được nhiệm vụ phòng thủ tích cực vùng biển gần, chỉ đủ sức gây áp lực, hù dọa và bắt nạt các nước láng giềng nhược tiểu như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei…Hải quân TC hoàn toàn không có cơ hội sống còn trước một lực lượng Hải quân hùng mạnh như Hải quân Hoa Kỳ. Chỉ cần Hải quân TC khai hỏa, nổ phát súng đầu tiên tấn công một chiến hạm hay bắn rơi một chiến đấu cơ của Mỹ thì Tập Cận Bình sẽ biết hậu quả như thế nào? Đại Lục sẽ biến thành “thời đại đồ đá”. Hải quân Mỹ chỉ chờ có thế…   Tổng hợp & Nhận định        
......

Hồng Kông : Trưởng đặc khu mở kênh đối thoại, phe phản kháng bác bỏ

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trong cuộc họp báo ngày 20/08/2019REUTERS/Ann Wang Thụy My| Trưởng đặc khu Hồng Kông, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) hôm nay 20/08/2019 bày tỏ hy vọng cuộc biểu tình hôm Chủ nhật là khởi đầu cho khuynh hướng ôn hòa, đồng thời tuyên bố sẽ mở ra một kênh đối thoại nhằm ra khỏi khủng hoảng. Nhưng những người tổ chức cuộc biểu tình tập hợp 1,7 triệu người vừa qua cho rằng tuyên bố của bà Lâm chỉ là một cái bẫy nhằm câu giờ. Với giọng điệu hòa dịu hơn, bà Lâm cho biết đã có 174 đơn kiện cảnh sát vì sử dụng bạo lực, cam kết sẽ điều tra nghiêm túc. Bà cũng tái khẳng định dự luật dẫn độ « đã chết ». Ông Hoàng Diệc Vũ (Wong Yik Mo), phó chủ tịch Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền nói rằng bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga « hoàn toàn không đáp ứng bất kỳ một yêu sách nào » của phong trào phản kháng, và bà « biết rõ rằng đây là một phong trào không có lãnh đạo ». Được biết năm yêu sách chính của người biểu tình là hủy bỏ dự luật dẫn độ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức, mở điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, trả tự do cho những người bị bắt, chấm dứt gọi người biểu tình là « nổi dậy », và cải cách chính trị tại đặc khu. Từ Hồng Kông, thông tín viên Aabla Jounaidi cho biết thêm chi tiết về tuyên bố của bà Lâm : « Người đã gây ra sự phẫn nộ của đường phố, rốt cuộc đã lên tiếng sau nhiều ngày im lặng. Không có những tuyên bố ồn ào về dự luật đã thúc đẩy người dân xuống đường, vì cho phép dẫn độ người Hồng Kông sang Hoa lục.  Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga từ chối rút lại dự luật này, nhưng khẳng định chính quyền sẽ nghiên cứu mở ra một không gian đối thoại để chấm dứt sự chống đối. Bà khẳng định : « Cùng với ê-kíp của tôi, chúng tôi cam kết lắng nghe những gì người dân muốn nói », nhấn mạnh rằng sẽ dựa vào những nhóm mở cửa cho đối thoại, nhưng không đi vào chi tiết. Về cuộc biểu tình đông đảo hôm Chủ nhật, bà Lâm hy vọng điều này sẽ có nghĩa là tình hình sẽ ôn hòa trở lại, sau nhiều tuần lễ bạo lực - mà bà quy kết cho những « kẻ nổi dậy », khiến người biểu tình đòi hỏi bà phải từ chức. Không có chuyện đáp ứng một trong những yêu sách chính của người biểu tình, là lập ra một ủy ban   điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát. Trưởng đặc khu cho rằng cơ quan kiểm tra nội bộ của cảnh sát sẽ làm việc này rất tốt. Hàng ngày những người phản kháng đều tố cáo tình trạng bạo lực đang ngự trị tại Hồng Kông. Ngay trong đêm hôm qua, một người đàn ông đã dùng dao tấn công ba thanh niên, làm một người bị thương nặng, tại một trong những địa điểm mang tính biểu tượng của phong trào phản kháng là Lennon Wall, rồi bỏ trốn. Cư dân mạng Hồng Kông cho rằng vụ này có bàn tay của phe thân Bắc Kinh. »
......

Facebook và Twitter xóa các tài khoản Trung Quốc 'bôi bác biểu tình ở Hồng Kông'

Trung Quốc bị cáo buộc đã tích cực khuấy động tình cảm bài phương Tây và cổ súy chủ nghĩa dân tộc bằng cách sử dụng các mạng xã hội như một mặt trận thông tin để đối phó biểu tình ở Hồng Kông. Thứ hai hôm qua (19.8), Facebook và Twitter cho biết họ đã phát hiện và xóa bỏ các tài khoản có nguồn gốc từ Trung Quốc đại lục, nơi người dân vốn ít dùng do cả hai mạng xã hội nói trên đều bị chặn. Các tài khoản bị xóa đã đăng tải hình ảnh những người biểu tình ở Hồng Kông với các hành động quá khích và cáo buộc họ có những động cơ mờ ám. Thậm chí, một bài đăng trên Facebook đã ví những người biểu tình với các chiến binh phong trào khủng bố ISIS. Việc xóa bỏ các tài khoản có nguồn gốc từ Trung Quốc đánh dấu sự leo thang mới trong cuộc chiến thông tin toàn cầu. Trong năm 2015 và 2016, Mỹ cáo buộc Nga đã khởi xướng việc sử dụng Facebook, Twitter, Instagram và các dịch vụ truyền thông xã hội khác để phổ biến các thông điệp thất thiệt chia rẽ người Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Kể từ đó, nhiều quốc gia khác - bao gồm Iran và Venezuela - cũng bị Mỹ cáo buộc việc dùng mạng xã hội để bóp méo thông tin. Trung Quốc trước vốn ít sử dụng Facebook và Twitter để truyền bá thông tin trong quá khứ, các nhà nghiên cứu cho biết. Nhưng trước sức nóng từ cuộc biểu tình ở Hồng Kông thì đã có sự thay đổi từ Trung Quốc. Một số tài khoản đăng tin trước khi bị xóa xổ Facebook cho biết họ đã xóa 7 fanpage, 3 nhóm (group) và 5 tài khoản liên quan đến thông tin sai lệch. Còn Twitter cũng xóa đi 936 tài khoản, đồng thời cho biết họ cũng sẽ từ chối quảng bá cho các tweet dẫn link từ báo chí Trung Quốc sau khi China Daily và các ấn phẩm khác hưởng ngân sách từ Bắc Kinh, đặt quảng cáo trên Twitter những thông tin nói rằng người biểu tình ở Hồng Kông bị phương Tây kích động và trở nên bạo lực. Facebook cho biết họ đang phải liên tục làm việc để phát hiện và ngăn chặn loại hoạt động này vì “chúng tôi không muốn các dịch vụ của mình bị lợi dụng để thao túng mọi người”. Các động thái trên diễn ra ngay sau cuộc tuần hành ở Hồng Kông thu hút 1,7 triệu người xuống đường, tức là gần 1/4 trong tổng số hơn 7 triệu người trên đặc khu. Đó là cuộc tuần hành lớn thứ hai của phong trào, sau cuộc biểu tình với gần 2 triệu người tham gia vào ngày 16.6. Theo The New York Times, Trung Quốc đã tích cực lôi kéo tình cảm bài phương Tây và cổ súy dân tộc chủ nghĩa xung quanh các cuộc biểu tình. Đồng thời, họ bắt đầu đóng nhãn cho các cuộc biểu tình như khúc dạo đầu tiến tới khủng bố. Giới lao động và tài phiệt Hồng Kông cũng bị kéo vào cuộc chiến. Trong trang quảng cáo trên một số tờ báo địa phương cuối tuần trước, tỷ phú giàu nhất Hồng Kông, Lý Gia Thành đã kêu gọi mọi người "dùng tình yêu xóa bỏ căm giận". Ông Lý mong người dân Hồng Kông "yêu Trung Quốc đại lục, yêu Hồng Kông và yêu chính mình" cũng như "chấm dứt hành vi bạo lực". Twitter cho biết họ đã phát hiện ra các tài khoản trong một cuộc điều tra kéo dài vài tuần. Mặc dù hầu hết các thông tin sai lệch được lan truyền bởi 936 tài khoản (vừa bị xóa) đã không còn, nhưng Twitter cho biết họ cũng đã phát hiện ra một nhóm rộng hơn gồm 200.000 tài khoản khả nghi. Những tài khoản này xuất hiện sau khi Twitter bắt đầu "ban" một số tài khoản trước đó; phần lớn trong số này đã bị vô hiệu hóa trước khi chúng có thể truyền bá các thông điệp. Anh Tú - hatgiongtamhon.vn  
......

Tòa Bạch Ốc: Kinh tế không suy trầm, thương chiến không thiệt hại cho Mỹ

Cố Vấn Kinh Tế Tòa Bạch Ốc, ông Larry Kudlow. (Hình: AP Photo/Evan Vucci) Các giới chức Tòa Bạch Ốc hôm Chủ Nhật, 18 Tháng Tám, bác bỏ các lo ngại cho rằng phát triển kinh tế Mỹ sẽ bị khựng lại, nói rằng họ không thấy có chỉ dấu suy trầm, dù là có nhiều giao động trong thị trường trái phiếu thế giới, và cũng khẳng định là cuộc thương chiến với Trung Quốc hiện nay không gây thiệt hại cho Mỹ. Cố Vấn Kinh Tế Tòa Bạch Ốc, ông Larry Kudlow, nói rằng các nhà thương thuyết của Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong vòng 10 ngày tới, và nếu các cuộc họp này có kết quả thì giới chức cao cấp nhất của Trung Quốc đặc trách về thương thảo thương mại “sẽ tới Washington, D.C. để tiếp tục cuộc đàm phán” nhằm giảm thiểu mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho dù là cuộc thương thảo đang bế tắc và có đe dọa tăng thuế quan, ông Kudlow tuyên bố trong chương trình “Fox News Sunday”  là kinh tế Mỹ hiện vẫn rất tốt đẹp. Ông Kudlow nói rằng: “Hiện không thấy có suy trầm. Người tiêu thụ vẫn đang có việc làm. Mức lương của họ tiếp tục tăng. Họ đang chi tiền và cũng để dành được tiền.” Trong khi đó, Cố Vấn Thương Mại Tòa Bạch Ốc, ông Peter Navarro, khi xuất hiện trong chương trình “This Week” của hệ thống truyền hình ABC  hôm Chủ Nhật bác bỏ nhận định nói rằng các giao động trong thị trường chứng khoán tuần qua là các chỉ dấu báo động. Ông Navarro nói các nhà đầu tư quốc tế đang mang tiền vào thị trường chứng khoán Mỹ. “Chúng ta có nền kinh tế mạnh mẽ nhất thế giới và tiền đang đổ vào thị trường chứng khoán của chúng ta. Giới đầu tư cũng đến Mỹ để đầu tư hưởng lợi suất (yield) cao từ thị trường trái phiếu của chúng ta,” theo lời ông Navarro. Ông cũng bày tỏ cùng ý kiến với ông Kudlow rằng việc tăng thuế quan đánh vào hàng hóa Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ “không gây thiệt hại cho ai ở đất nước này.” (V.Giang) https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/toa-bach-oc-kinh-te-khong-suy-tram-thuong-chien-khong-thiet-hai-cho-my/
......

Giáo viên Hong Kong xuống đường dưới mưa

A song on the street - https://www.youtube.com/watch?v=a2QsWv8oOOA&feature=youtu.be&fbclid=IwAR2nQ7zZjcEJKhiBj_ijJ7HR2XIcYb40DUnrp0cdVjo-V4MpDtnR9cGDjAs Mặc dù trời mưa nhưng vẫn không ngăn được bước chân xuống phố của các thầy cô, nhân viên giáo dục ở HongKong. Các giáo viên hô vang các khẩu hiệu: - Bảo vệ thế hệ tương lai, giáo viên phải lên tiếng. - Đứng cùng sinh viên, đứng cùng Hongkong. Các biểu tình cuối tuần này tại Hồng Kông được coi là một phép thử lòng quyết tâm của những người đấu tranh đòi dân chủ cho Hồng Kông, cũng như của chính quyền đặc khu thân Bắc Kinh. Cuộc tuần hành lớn ngày Chủ Nhật 18/08/2019 được dự báo sẽ quy tụ hàng triệu người. Còn trong ngày hôm nay 17/08, hàng ngàn giáo viên tuần hành dưới mưa để ủng hộ cuộc biểu tình của giới sinh viên ngày mai. Cuộc tuần hành của các nhà giáo diễn ra ôn hòa, với sự cho phép của cảnh sát. Tập hợp tại khu thương mại Central, đoàn tuần hành tiến về hướng khu phố tập trung các cơ quan hành chính thiết yếu của Hồng Kông, bắt đầu từ Government House, nơi đặt văn phòng của trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam). Vào buổi chiều, số người tham gia tuần hành ngày càng đông. Người biểu tình giương cao biểu ngữ : « Cảnh sát Hồng Kông biết luật, cảnh sát Hồng Kông vi phạm pháp luật ». Một nhà giáo về hưu tên là Lee phát biểu với hãng tin Anh Reuters : « Nếu bà Carrie Lam dũng cảm đáp ứng các nguyện vọng của chúng tôi ngay từ đầu, thì đã không có ai bị thương ». Tối hôm qua, hàng ngàn người Hồng Kông tập trung tại một công viên kêu gọi chính quyền các nước thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào nhà chức trách Hồng Kông.  
......

Hong Kong, nếu ngày mai có “tắm máu”…

Xe quân sự PLA giáp biên giới Hong Kong ngày 15-8-2019 (Reuters) Fb Manh Kim Với hàng ngàn binh lính và hàng trăm xe quân sự tập trung tại Thâm Quyến như một đe dọa trực tiếp sẵn sàng tràn qua Hong Kong, “chế độ lưu manh” Bắc Kinh* sẽ cho Hong Kong tắm máu? Điều 14 trong Luật Cơ Bản Hong Kong (“Hương Cảng cơ bản pháp”) ghi rằng 6.000 binh lính PLA (Giải phóng quân Trung Quốc) đồn trú ở Hong Kong có nhiệm vụ “quốc phòng” và “sẽ không can thiệp các vấn đề nội bộ lãnh thổ”. Luật cho phép chính quyền Hong Kong “yêu cầu trại lính (PLA) trợ giúp nhằm duy trì trật tự xã hội và hỗ trợ sự cố thảm họa” nhưng cũng nói rõ rằng trong những trường hợp như vậy thì PLA phải tuân thủ luật Hong Kong. Điều 18 “Hương Cảng cơ bản pháp” nói rằng luật Trung Quốc nói chung không áp dụng cho Hong Kong, ngoại trừ những điều được ghi trong Phụ lục III trong “Hương Cảng cơ bản pháp”, chủ yếu liên quan các biểu tượng quốc gia và ngoại giao. Tuy nhiên, Điều 18 cũng nêu ra một ngoại lệ quan trọng: nếu Thường vụ Quốc Hội Trung Quốc “quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh vì lý do biến loạn trong Đặc Khu Hong Kong khiến nguy hại sự thống nhất quốc gia hoặc an ninh quốc gia và điều đó nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính quyền Đặc Khu; (nếu Thường vụ Quốc hội Trung Quốc) quyết định rằng Đặc Khu đang trong tình trạng khẩn cấp, thì Chính phủ Trung ương (Bắc Kinh) có thể ban hành một mệnh lệnh áp dụng luật quốc gia tương đương tại Đặc Khu”. Nói cách khác, trong “tình trạng khẩn cấp”, Bắc Kinh có thể dùng luật Trung Quốc áp dụng cho Hong Kong. Hơn nữa, dù việc triển khai PLA trong “tình trạng khẩn cấp quốc gia” chỉ có thể được dùng khi Chính quyền Đặc Khu yêu cầu; nhưng với việc kiểm soát gần như tuyệt đối bộ máy hành chánh bù nhìn Hong Kong, Bắc Kinh hoàn toàn có thể gây sức ép buộc Chính quyền Đặc Khu phải “yêu cầu” PLA “hỗ trợ”. Bắc Kinh đến nay vẫn giới hạn chiến thuật đối phó trong khuôn khổ sử dụng lực lượng cảnh sát địa phương. Lựu đạn cay chưa đủ. Họ còn “vận dụng luật”, khi biến người biểu tình thành những kẻ bất tuân luật pháp. Theo luật Hong Kong, biểu tình sẽ trở nên “bất hợp pháp” nếu cảnh sát không ban hành thông báo “bất phản đối” (no-objection notice). Cảnh sát Hong Kong đã áp dụng trò này khi từ chối ban hành một thông báo như vậy đối với cuộc biểu tình ở Yuen Long (Nguyên Lãng) ngày 26 tháng Bảy cũng như các cuộc tuần hành ở Hong Kong Island (hòn đảo ở phía Nam lãnh thổ Hong Kong) ngày 27 tháng Bảy và 4 tháng Tám, 2019. Và bởi yếu tố “bất hợp pháp” nên cảnh sát có quyền trấn áp tàn bạo, bắt giam người biểu tình, và đặc biệt không can thiệp khi xảy ra đụng độ dữ dội giữa “các nhóm giang hồ” với người biểu tình (như sự cố ngày 21 tháng Bảy, khi hàng trăm tên “Tam Hoàng” mặc áo trắng cầm roi đánh túi bụi người biểu tình tại nhà ga Nguyên Lãng). Cái gọi là Phòng Liên Lạc Bắc Kinh (“Trung liên biện”) tại Hong Kong thực chất là cơ quan uy quyền nhất Hong Kong. Nó không chỉ khống chế những vị trí chóp bu trong Chính quyền Hong Kong mà còn thò tay sâu xuống tất cả 18 cơ quan quản trị hành chính cấp khu vực (“Hương Cảng địa khu”) để can thiệp cũng như cài cắm thành phần thân Bắc Kinh. Điển hình: Junius Ho (Hà Quân Nghiêu) giành được ghế nghị viên năm 2016 sau khi đối thủ chính rút lui khỏi cuộc tranh cử do hoảng sợ trước loạt đe dọa nặc danh – như được thuật trên Foreign Affairs (5-8-2019). Junius Ho chính là kẻ tổ chức băng nhóm giang hồ đánh dân biểu tình tại Nguyên Lãng! Các bình luận gần đây cho rằng một “Thiên An Môn 2.0” khó có khả năng xảy ra. Trên Project Syndicate (12 tháng Tám, 2019), Giáo Sư Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) nói rằng hậu quả kinh tế của một giải pháp quân sự đối với Hong Kong là cực kỳ nghiêm trọng. Dù kinh tế Hong Kong chỉ chiếm 3% GDP Trung Quốc nhưng với vai trò là trung tâm dịch vụ pháp lý, tài chính và vận chuyển hàng hóa đẳng cấp thế giới giúp đưa vốn nước ngoài vào Hoa lục, Hong Kong giữ một vị trí chiến lược mà Thâm Quyến hoặc thậm chí Thượng Hải cũng không có được. Nếu binh lính Trung Quốc tràn vào Hong Kong – Giáo Sư Bùi viết – một làn sóng di cư đối với thành phần tinh hoa và giàu có Hong Kong sẽ xảy ra, giới doanh nghiệp phương Tây sẽ tìm đến những trung tâm thương mại khác ở Châu Á, và kinh tế Hong Kong, một cầu nối quan trọng giữa Trung Quốc với phần còn lại của thế giới, sẽ sụp đổ. Giáo Sư Shi Yinhong (Thời Ân Hoàng), gương mặt quen thuộc vốn nổi tiếng diều hâu, chuyên gia quan hệ quốc tế thuộc Đại Học Nhân Dân, cố vấn chính trị của Bắc Kinh, cũng thận trọng khuyên rằng Trung Quốc sẽ làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ với Mỹ và các cường quốc phương Tây nếu xả súng vào người biểu tình (South China Morning Post, 15 tháng Tám, 2019). Nếu cuộc biểu tình Hong Kong bị nghiền nát bằng bánh xích xe tăng PLA, Mỹ có thể rút lại quy chế ưu đãi đối với Hong Kong. Khả năng này không phải là một lập luận tưởng tượng. Nó là một đe dọa “rất thật”. Tháng Sáu 2019, giới lập pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật với ủng hộ lưỡng đảng, yêu cầu Chính phủ Mỹ xét lại định kỳ mỗi năm quy chế ưu đãi được cam kết từ năm 1992 này (theo quy chế, Hong Kong được ưu đãi đặc biệt hơn so với Trung Quốc, trong những vấn đề liên quan thương mại, kinh tế; thậm chí cả việc xét visa và dự án đầu tư…). Hong Kong đã cho thấy họ không phải là Tây Tạng. Chưa có cuộc biểu tình nào, kể cả các cuộc “cách mạng màu” tại nhiều nước thế giới, huống hồ những cuộc biểu tình đình công bên trong Hoa Lục, được tổ chức như Hong Kong. Người ta không thấy thủ lĩnh. Hàng chục cuộc biểu tình và tuần hành tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn được tổ chức đều đặn mỗi năm đã mang lại những kinh nghiệm “xây dựng quần chúng” mà có lẽ không quyển sách đấu tranh bất bạo động nào trước nay đề cập đầy đủ. Làm thế nào mà cùng một lúc có đến hai triệu người mặc áo đen để xuống đường? Làm thế nào có thể tổ chức liên tục các cuộc biểu tình với những địa điểm tập trung khác nhau? Đó là những “bí mật” mà không tổ chức xã hội dân sự hoặc tổ chức đấu tranh dân chủ nào không thắc mắc, kèm theo sự ngưỡng phục. Không chỉ là vấn đề mô hình và cách thức tổ chức. Chưa có cuộc biểu tình nào mà “ý thức phải lên tiếng” lại được nhiều tầng lớp và thành phần ủng hộ dữ dội như vậy, từ người già, luật sư đoàn, hiệp hội giáo chức, đến thậm chí gần đây còn có sự biểu thị của những gia đình dắt con trẻ đi cùng. Họ đã tìm được một điểm chung và xây dựng điểm chung đó thành nhận thức căn bản: sự giàu có vật chất mà họ có không thể mang lại những giá trị sống đúng nghĩa, một khi dân chủ và tự do không tồn tại. “Các người có thể xiềng xích tôi, các người có thể tra tấn tôi, các người thậm chí có thể tàn phá cơ thể này nhưng các người không bao giờ có thể cầm tù được tâm hồn tôi” – không ít người chắc còn chưa quên câu nói đó của Nathan Law Kwun-chung khi cậu thanh niên trẻ này (lúc đó 23 tuổi) phát biểu, thay vì đọc lời tuyên thệ, tại kỳ họp Hội Đồng Lập Pháp Hong Kong (Legco) ngày 12 tháng Mười, 2016, lúc cậu vừa đắc cử ghế nghị viên. Cũng trong ngày đó, nghị viên trẻ Sixtus “Baggio” Leung Chung-hang, 30 tuổi, thành viên đảng Youngspiration, đã quấn băng-rôn xanh ghi hàng chữ “Hong Kong không phải Trung Quốc”. Trong khi đó, tân nghị viên Yau Wai-ching, 25 tuổi, cũng thuộc đảng Youngspiration, nói rằng cô ủng hộ Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc và từ chối tuyên bố trung thành với Bắc Kinh. “Tôi, Yau Wai-ching, trang trọng thề rằng tôi sẽ trung thực và trung thành với tổ quốc Hong Kong và sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ và che chở cho những giá trị Hong Kong”. “Hong Kong vĩnh viễn không phải Trung Quốc.” Ảnh: Hong Kong Free Press Nathan Law bị tước ghế nghị viên ngày 14 tháng Bảy, 2017; trong khi Sixtus “Baggio” và Yau Wai-ching bị “tống khỏi” Legco ngày 15 tháng Mười Một, 2016. Tuy nhiên, họ – cùng cả triệu “Hongkonger” khác – đã không để bị tước mất ý chí. Ngày 15 tháng Tám, 2019, Hoàng Chi Phong [Joshua Wong, BBT] thậm chí thách thức Tập Cận Bình đối thoại trực tiếp với người biểu tình. Họ không còn là những người biểu tình. Họ đã là những người chiến đấu trên chiến tuyến “bảo vệ và che chở cho những giá trị” mà họ đặt niềm tin vào. Họ không thể không biết những tín hiệu đe dọa về một cuộc tắm máu. Họ không đánh giá thấp sức mạnh của súng đạn. Chỉ súng đạn mới không có lý trí để đánh giá như thế nào là đáng để sống vĩnh viễn khi ngã xuống trên vũng máu “Tự Do”. “Hong Kong vĩnh viễn không phải Trung Quốc!” (New York Times và HKFP) Mạnh Kim -  FB Manh Kim Ghi chú: * Từ của phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus trong buổi họp báo ngày 8 tháng Tám, 2019 Hong Kong: Sự kỳ diệu của con số hai triệu Hong Kong: “The Bill is dead” Hong Kong tuyên bố không lùi bước
......

Thatcher đã mất Hong Kong như thế nào?

Manh Kim| Chuyến công du Bắc Kinh tháng 9-1982 của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher là một trong những cột mốc quan trọng đưa đến việc Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc. Trong chuyến đi này, khi hai bên còn thương thảo, Đặng Tiểu Bình đã dọa rằng nếu Anh không chấp nhận điều kiện Bắc Kinh, Trung Quốc có thể chiếm Hong Kong bằng vũ lực… Tại sao phải trả Hong Kong cho Trung Quốc? Vương quốc Anh sở hữu Hong Kong bằng ba hiệp ước, liên quan ba vùng đất trên lãnh thổ Hong Kong: Hiệp ước Nam Kinh 1842; Hiệp ước Bắc Kinh 1860 và Hiệp định mở rộng lãnh thổ Hong Kong 1898. “Nam Kinh Điều Ước” nói đến việc nhà Thanh chấp nhận nhượng vĩnh viễn (“thường viễn”) đảo Hong Kong (hòn đảo phía Nam Đặc khu Hong Kong hiện tại) – như một “chiến lợi phẩm” đối với Anh sau Cuộc Chiến Nha phiến lần thứ nhất; “Bắc Kinh Điều Ước” liên quan việc nhà Thanh chấp nhận nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long (sau Cuộc Chiến Nha phiến lần hai); và Hiệp định 1898 liên quan việc cho thuê khu Tân Giới trong 99 năm (hết hạn ngày 30-6-1997). Hiệp định 1898 trở thành nguồn gốc của mọi rắc rối. Đầu thập niên 1980, khi lãnh thổ Hong Kong phát triển thành khu kinh tế nổi trội, giới doanh nghiệp Hong Kong bắt đầu lo lắng về tương lai Hong Kong sau cột mốc 1997. Chiếu theo nội dung ba hiệp ước, chỉ khu Tân Giới là được trả cho Trung Quốc sau thời hạn 99 năm; trong khi đảo Hong Kong lẫn Cửu Long vẫn thuộc về Anh. Tuy nhiên, sau nhiều năm phát triển, cả ba khu đã hợp nhất thành một, xét về mặt kinh tế. Vấn đề gây lo ngại là, ba khu - đảo Hong Kong, Cửu Long và Tân Giới - sẽ thuộc về Anh hay Trung Quốc? Nếu thuộc về Trung Quốc, các hợp đồng thuê đất của giới doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào? Và còn các dự án đầu tư đan xen giữa ba khu vực vốn không hề được tách biệt bằng ranh giới địa lý cụ thể…? Tháng 9-1982, Thủ tướng Thatcher sang Bắc Kinh trong bối cảnh như vậy. Viết trên The Independent, tác giả Robert Cottrell đã thuật nhiều chi tiết hậu trường về chuyến đi trên… Chuyến công du của bà Thatcher, lần đầu tiên với một Thủ tướng Anh đương nhiệm, đã được báo chí Trung Quốc cố tình dìm thấp, như một sự kiện chính trị không đáng quan tâm. Trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc, sự kiện Thatcher đến Bắc Kinh được “xếp” ở bản tin thứ tư, sau bản tin về chương trình làm việc Quốc hội, sau bản tin về công nhân mỏ Hà Nam; sau bản tin Kim Nhật Thành đến Tây An. Tháp tùng Thatcher là thư ký riêng Robin Butler; tùy viên báo chí Bernard Ingham; tân Toàn quyền Hong Kong Sir Edward Youde; và trợ lý thứ trưởng ngoại giao đặc trách châu Á-Thái Bình Dương Alan Donald (do bất đồng với Ngoại trưởng Francis Pym trong vấn đề Falklands nên bà Thatcher để ông ở nhà). Thatcher được tư vấn trước đó là nên đề cập tách bạch giữa vấn đề “chủ quyền” với “quản lý hành chính”, cụ thể: Vương quốc Anh có thể giao lại chủ quyền toàn bộ Hong Kong nếu Bắc Kinh đồng ý để Anh quản lý hành chính sau thời điểm 1997. Gặp Đặng Tiểu Bình Từ phi trường, Thatcher được đưa đến Nhà khách Điếu Ngư Đài rồi dự lễ đón tiếp tại Đại lễ đường Nhân Dân, nơi bà có cuộc hội đàm ngắn với đồng cấp Triệu Tử Dương. Trong tiệc tối, Triệu bắt đầu làm nóng vấn đề Hong Kong, dù cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ chưa chính thức diễn ra: “Trong quan hệ song phương của chúng ta, có những vấn đề để lại từ lịch sử cần phải được giải quyết thông qua con đường thương nghị”. Thatcher trả lời: “Chúng ta chưa bắt đầu bàn đến vấn đề Hong Kong. Tôi sẽ theo đuổi vấn đề quan trọng này với ông vào ngày mai”. Tuy nhiên, “vào ngày mai”, Bắc Kinh đã gây sức ép tâm lý trước. Sáng hôm đó, tại hành lang Đại lễ đường Nhân Dân, ngay trước căn phòng mà Thatcher chờ bên trong, họ Triệu đứng với một nhóm phóng viên Hong Kong và bất ngờ tuyên bố: “Trung Quốc chắc chắn sẽ lấy lại chủ quyền Hong Kong”! Bắc Kinh muốn đánh tiếng rằng chuyến đi của bà Thatcher sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Thatcher đến Bắc Kinh trong tình trạng không được khỏe. Bà đã tỏ ra mệt trong chuyến công du bốn ngày tại Nhật trước đó. Vào thứ năm 23-9, sau cuộc gặp với họ Triệu, bà gần như không thể tỉnh trong suốt chương trình hòa nhạc Beethoven do sinh viên Học viện âm nhạc Bắc Kinh biểu diễn. Bà còn phải đến Học viện nghệ thuật trung ương; dự chương trình ra mắt sách của Hội đồng Anh; và có mặt trong tiệc tối với giới doanh nghiệp Anh tại khách sạn Kiến Quốc (“Bắc Kinh Kiến Quốc phạn điếm”) trước khi trở về phòng nghỉ lúc tối mịt. Sáng hôm sau, thứ sáu 24-9, Thatcher bắt đầu gặp Đặng Tiểu Bình. Tại Đại lễ đường Nhân Dân, Đặng ngồi cùng Ngoại trưởng Hoàng Hoa, Phó Thủ tướng Chương Văn Tấn và đại sứ Trung Quốc tại Anh, Kha Hoa. Gặp Thatcher, Đặng đốp: Trung Quốc không thể làm gì khác hơn là lấy lại chủ quyền toàn bộ Hong Kong vào năm 1997; và Bắc Kinh sẽ làm điều đó, bất luận Anh muốn hay không. Hong Kong - bà Thatcher trả lời – phải hiểu là thuộc về Anh, với sự ràng buộc của ba hiệp ước có giá trị pháp lý quốc tế, trong đó có hai hiệp ước liên quan vấn đề nhượng vĩnh viễn. Trung Quốc không thể bác bỏ thực tế này. Nếu muốn lấy lại toàn bộ Hong Kong, cách duy nhất là phải làm theo luật, thông qua việc thay đổi các điều khoản của ba hiệp ước, với sự đồng ý của Anh… Thatcher nói thêm, bà hiểu “sự quan trọng” của “vấn đề chủ quyền” đối với Trung Quốc, nhưng điều mà Chính phủ Anh quan tâm chủ yếu là phải có một bộ máy quản trị hành chính Anh duy trì tại Hong Kong sau năm 1997, để bảo đảm “sự ổn định và thịnh vượng” của lãnh thổ. Thatcher hàm ý, một Hong Kong mà Anh đã giúp xây dựng thành trung tâm thương mại mậu dịch quốc tế không thể phút chốc bị tuột mất về tay Trung Quốc. Đây là điều mà Đặng không muốn nghe. Chưa lần nào kể từ khi quan hệ hai nước được bình thường hóa năm 1972 mà một thủ tướng Anh dám trực tiếp lên tiếng phản đối việc trao trả Hong Kong. Thế mà bây giờ, một thủ tướng Anh muốn quay ngược đồng hồ và nói với Trung Quốc bằng thứ ngôn ngữ của thực dân thế kỷ 19, biện bạch những sự sai trái trong hai Cuộc chiến Nha phiến, buộc Trung Quốc phải một lần nữa mất mặt thừa nhận sự yếu đuối và nỗi nhục năm nào. Nếu đồng ý để Anh ở lại Hong Kong sau năm 1997, Đặng nói, ông chẳng khác bọn bán nước nhà Thanh đã trao đất Trung Quốc cho Anh bằng các hiệp ước phi pháp và vô giá trị. Bắc Kinh không thể chấp nhận điều đó. Cờ Anh phải biến mất. Toàn quyền Anh phải biến mất. Và chỉ Trung Quốc mới có thể quyết định chính sách nào thích hợp cho tương lai Hong Kong. Vương quốc Anh chỉ có thể “hợp tác” trong tiến trình chuyển giao. Mà nếu không cùng Trung Quốc thỏa thuận chuyển giao trong vòng hai năm, Bắc Kinh sẽ đơn phương tuyên bố chính sách riêng về số phận Hong Kong… Cuối cùng, để thêm phần nặng cân, Đặng dọa sẽ dùng vũ lực nếu cần: “Tôi có thể bước vào (Hong Kong) và lấy lại tất, ngay trong chiều nay”! Cuộc gặp kết thúc. Không có kết quả cụ thể. Bản tuyên bố chung sau đó ghi: “Lãnh đạo hai nước đã tiến hành các buổi nói chuyện sâu rộng trong một bầu không khí hữu nghị về tương lai Hong Kong. Cả hai nguyên thủ đã thể hiện quan điểm rõ ràng về vấn đề. Hai nguyên thủ đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán thông qua các kênh ngoại giao sau chuyến công du này nhằm đạt được mục đích chung là duy trì sự ổn định và thịnh vượng cho Hong Kong”. 3g chiều cùng ngày, Tân Hoa Xã đã xỏ lá khi thuật: bản tuyên bố chung nêu rõ “quan điểm Chính phủ Trung Quốc về việc lấy lại toàn bộ Hong Kong là trước sau như một”! Bản tin này xuất hiện ngay thời điểm Thatcher tổ chức cuộc họp báo riêng. Khi được phóng viên hỏi về nội dung bản tin Tân Hoa Xã, bà Thatcher vẫn duy trì quan điểm riêng: “Có ba hiệp ước đang tồn tại. Chúng tôi sẽ bám chặt vào các hiệp ước trừ khi chúng tôi quyết định khác đi. Ở thời điểm này, chúng tôi bám chặt vào các hiệp ước”. Trước thái độ của Thatcher, Bắc Kinh tức giận. Chỉ một mình Triệu Tử Dương đến dự tiệc chia tay bà Thủ tướng tổ chức tại Đại lễ đường Nhân Dân. Tháng 10-1983, khi các cuộc đàm phán bế tắc và thậm chí có thể đổ vỡ, thị trường Hong Kong bắt đầu hỗn loạn. Đồng đôla HK tụt dốc không phanh. Cuối cùng, London nhân nhượng và Bắc Kinh cũng lùi một bước. Công thức “nhất quốc, lưỡng chế” kéo dài 50 năm đã giúp cả hai cùng đỡ mất mặt. Ngày 19-12-1984, hai bên ký tuyên bố chung về việc Anh trao trả Hong Kong… Một số ý kiến nói rằng Anh đã trong tình thế rất yếu khi đàm phán. Cách trở địa lý khiến Anh không thể bảo vệ Hong Kong bằng quân sự là một vấn đề. Còn có nhiều yếu tố khách quan, chẳng hạn Hong Kong lệ thuộc gần như hoàn toàn nguồn nước từ Quảng Đông. Bất luận thế nào, người ta vẫn chỉ trích và cho rằng bà Thatcher thất bại khiến Hong Kong bị tuột mất khỏi Anh. 10 năm sau sự kiện chuyển giao 1997, trả lời báo chí, cá nhân Thatcher cũng thừa nhận bà cảm thấy tiếc về “tình huống bất khả kháng” mà bà đối mặt khi đàm phán; bà thấy “thất vọng” và “buồn” khi không thể thuyết phục Bắc Kinh để Anh tiếp tục hiện diện ở Hong Kong, dù với tư cách người thuê đất. (Bài này tôi đã đăng trên Facebook cá nhân ngày 16-10-2014. Xin post lại để có cái nhìn lần nữa trong bối cảnh thời sự nóng hổi liên quan Hong Kong)  
......

Tàu Hải Dương 8 của Trung cộng quay trở lại Bãi Tư Chính

Theo hãng tin Reuters, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Ba, 13/08/2019, chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi khu vực. Chiếc Hải Dương Địa Chất 8, mà theo Việt Nam đã rời khu vực bãi Tư Chính, Biển Đông, ngày 07/08, đã quay trở lại đây với sự hộ tống của ít nhất hai tàu hải cảnh Trung Quốc, theo các dữ liệu của Marine Traffic, một trang web chuyên theo dõi sự di chuyển của các tàu trên biển. Cũng với sự hộ tống của nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc, Hải Dương Địa Chất 8 vào tháng trước đã xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và thềm lục địa của Việt Nam, để gọi là « khảo sát địa chất » trên Biển Đông, vùng biển tranh chấp ngày càng trở thành một điểm nóng trên thế giới. Các tàu hải cảnh Trung Quốc cũng đã xâm nhập khu vực mỏ dầu của Việt Nam, nơi mà một giàn khoan của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft đang hoạt động. Hà Nội đã mạnh mẽ lên án hành động nói trên của các tàu Trung Quốc và đã yêu cầu các tàu này rời khỏi vùng biển Việt Nam. Sau khi rời bãi Tư Chính ngày 07/08, chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã đến neo đậu tại Đá Chữ Thập, đảo mà Việt Nam và Philippines đòi chủ quyền, nhưng Trung Quốc đang kiểm soát và đã bồi đắp thành một đảo nhân tạo. Hiện giờ bộ Ngoại Giao Việt Nam chưa có phản ứng gì về thông tin nói trên của Reuters./. Theo RFI
......

Hong Kong, khi tự do được viết bằng máu!

Manh Kim| Vấn đề của giới đấu tranh Hong Kong bây giờ không phải là “dự luật (dẫn độ) đã chết” mà là dân chủ Hong Kong đang chết. Dưới ảnh hưởng Bắc Kinh, dân chủ Hong Kong đang bị bóp nghẹt. Trên The Guardian ngày 27-6-2019, Hoàng Chi Phong và Dương Chánh Hiền (Johnson Yeung) viết: “Bắc Kinh đã bí mật toan tính một chính sách mới có tính thâm nhập sâu hơn. Giới nghiên cứu pháp lý được Bắc Kinh tin cậy đã được tung ra để nghiên cứu các cuộc bầu cử cũng như hệ thống chính quyền và Hiến pháp Hong Kong. Năm 2008, Cao Erbao (Tào Nhị Bảo), giám đốc Phòng liên lạc hành chánh đặc khu Hong Kong, đã đưa nhóm viên chức từ Hoa lục sang để thực hiện điều này. Mối quan hệ mới giữa Hong Kong và Bắc Kinh đã định hình. Bắc Kinh đã kiểm soát tuyệt đối nội bộ chính trị Hong Kong, làm suy yếu nền tảng tự do; tước mất tính trung lập chính trị của bộ máy chính quyền, tính độc lập của bộ máy tư pháp và tính giám sát của bộ máy lập pháp. Bắc Kinh đã thâm nhập hiệu quả vào guồng máy quản lý Hong Kong: ngày càng có nhiều đồng minh Bắc Kinh hơn được bổ nhiệm ở các vị trí cao, trong khi giới công chức được khuyến khích tham dự các “tour trao đổi” được các cơ quan chính quyền Trung Quốc tổ chức. Năm 2017, lần đầu tiên kể từ khi Hong Kong được trao trả, một viên chức cấp cao từ Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đến Hong Kong và thuyết giảng về “Kỷ nguyên mới chủ nghĩa xã hội Trung Quốc của Tập Cận Bình” cho hơn 240 viên chức Hong Kong”. “Điều này đã tạo tiền đề cho các vụ lạm dụng quyền lực hành pháp nghiêm trọng hơn: viên chức bầu cử có quyền tước quyền tranh cử và cấm ứng cử viên tham gia tranh cử; những nghị sĩ ủng hộ dân chủ bị tước mất ghế… Hôm nay, giới trẻ Hong Kong đang xuống đường, đặt sinh mạng mình ở lằn ranh, vì những quyền căn bản của họ đang bị đe dọa… Chúng tôi có thể đã ngăn chặn được Trung Quốc không dẫn độ người dân ở thời điểm hiện tại, nhưng âm mưu lớn hơn của Bắc Kinh trong việc làm xói mòn và thâm nhập vào luật pháp và tự do của chúng tôi thì vẫn còn sờ sờ. Chúng tôi đã học được những bài học trong quá khứ: đẩy lùi một điều luật không được đồng tình chỉ là bước đầu tiên - tiếp theo, chúng tôi cần thể chế hóa các biện pháp bảo vệ quyền lợi lớn hơn. Đây là lý do tại sao những người biểu tình đang yêu cầu các quan chức phải chịu trách nhiệm về sự lạm quyền. Một khi chúng tôi mở ra cuộc thảo luận về trách nhiệm thì cuộc thảo luận về cách ngăn chặn cuộc đàn áp tiếp theo đối với xã hội dân sự sẽ diễn ra. Cách phòng thủ tốt nhất là tấn công tốt”. Khoảng 40 người đã nhập viện, trong đó có 1 phụ nữ bị bắn đạn cao su và có thể bị mù mắt. Ảnh: VOA Trung Quốc đã cài cắm ngày càng sâu vào bộ máy chính quyền Hong Kong. Thành phần thân Bắc Kinh hiện chiếm đa số trong Hội đồng lập pháp Hong Kong (“Hương Cảng đặc biệt hành chánh khu lập pháp hội”), với 43 trong 70 ghế. Họ là dân chính trị chuyên nghiệp chứ không phải trùm doanh nghiệp như trước đây. Giới nghị sĩ thân Bắc Kinh cũng thường xuyên triệu tập các chính trị gia địa phương lẫn chủ doanh nghiệp để hội họp tại trụ sở đảng bộ Đảng Cộng sản đóng ở Hong Kong. Bằng chứng rõ nhất của sự kiểm soát và thao túng Bắc Kinh đối với Hong Kong là các động thái bóp nghẹt tự do báo chí. The Guardian cho biết, 8 trong 26 cơ quan truyền thông lớn của Hong Kong hiện thuộc sở hữu Trung Quốc hay được kiểm soát phần lớn cổ phần bởi người Trung Quốc. Phần còn lại thuộc các tập đoàn Hong Kong có lợi ích kinh tế ở Hoa lục. Sau cuộc biểu tình Dù Vàng 2014, nhiều phóng viên Hong Kong bị tòa soạn can thiệp dữ dội nội dung bài viết. Năm 2019, tổ chức Phóng viên không biên giới xếp Hong Kong hạng 73 trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về tự do báo chí – một sự tụt hạng thê thảm so với 15 năm trước, khi Hong Kong nằm trong top 20 toàn cầu. Cuộc điều tra của RTHK (Radio Television Hong Kong – “Hương Cảng Điện Đài”) năm 2018 cho biết, một văn phòng đại diện Trung Quốc tại Hong Kong hiện sở hữu toàn bộ (một cách gián tiếp) một tập đoàn ấn loát địa phương nơi kiểm soát hơn ½ cửa hàng sách cũng như hơn 30 nhà in ở Hong Kong. Năm 2015, năm chủ nhà in và chủ cửa hàng sách đã đột nhiên bị mất tích ở cửa hàng sách Causeway Bay Books rồi sau đó bất ngờ xuất hiện trên truyền hình nhà nước Trung Quốc, “thừa nhận” “có tội” trong việc bán “sách cấm”. Ở một nơi từng tự do in ấn mà mới đây (năm 2019), người ta phải in quyển "The Last Secret: The Final Documents from the June Fourth Crackdown and Deng Xiaoping in 1989" ở nước ngoài! Dù kế hoạch đưa chương trình “giáo dục quốc gia” (thực chất là “Trung Cộng hóa” chính sách giáo dục) vào học đường Hong Kong năm 2012 trở nên bất thành bởi làn sóng chống đối dữ dội nhưng Bắc Kinh vẫn “gieo cấy” “tinh thần Đất Mẹ” vào hệ thống giáo dục. Hầu hết trường học bây giờ phải làm lễ chào cờ và hát quốc ca Trung Cộng. Sách giáo khoa đầy các “bài học lịch sử” về Trung Quốc trong khi những sự kiện như cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989 thì bị “đục bỏ”. Việc dùng tiếng Quan thoại thay vì tiếng Quảng Đông (ngôn ngữ của 90% cư dân Hong Kong) cũng bắt đầu phổ biến. Tại các trường đại học, tinh thần học thuật tự do ngày càng bị kiềm hãm. Những trường nào tỏ ra thân Bắc Kinh luôn được tài trợ hào phóng. Giữa năm 2018, chính quyền Hong Kong đã chuẩn y việc cho phép viên chức Trung Quốc vận hành một trạm xe lửa mới ở Hong Kong. Với nhiều người Hong Kong, đây là một tiền lệ nữa khiến Hong Kong mất quyền kiểm soát nhiều hơn trong tương lai. “Thay vì bắn đạn chì qua Hong Kong, họ (Bắc Kinh) gửi qua một tàu cao tốc” – nhận xét của Victoria Hui, giáo sư chính trị Đại học Notre Dame. “Nhà ga xe lửa này sẽ trở thành tiền lệ nguy hiểm về khả năng đưa ra những luật mới từ Trung Quốc, bất chấp bất kỳ cơ sở pháp lý nào” – nhận định thêm của Chris Ng, đại diện của Nhóm luật sư cấp tiến Hong Kong. Với việc kiểm soát nhà ga, Trung Quốc sẽ kiểm soát hải quan và di trú. Đó mới là điều cần lưu ý. biểu tình tại sân bay Hong Kong trên đảo Lantau, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. Người Hong Kong nói chung chưa bao giờ lo lắng cho tự do và dân chủ Hong Kong bằng lúc này. 22 năm sau ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, đa số người Hong Kong vẫn chưa bao giờ nghĩ rằng họ là “người Trung Quốc” (Chinese). Chỉ vỏn vẹn 3,1% giới trẻ Hong Kong từ 18-29 tuổi nói rằng họ là “Chinese” – theo cuộc thăm dò của Đại học Hong Kong (Los Angeles Times 5-7-2019). Khoảng 71% “người Hong Kong” (Hongkonger - 香港人, Hương Cảng nhân) trả lời khảo sát Đại học Hong Kong rằng họ chẳng tự hào về việc trở thành một phần của Trung Quốc. Với dân Hong Kong nói riêng và giới trẻ Hong Kong nói chung, những người đủ kiến thức để biết bộ mặt gớm ghiếc cộng sản, cái gọi là “chính sách một quốc gia, hai thể chế” chẳng gì hơn là một lớp áo khoác dối trá. Chẳng phải tự nhiên mà trong các cuộc xuống đường, nhiều người Hong Kong đã phất cờ thuộc địa Anh. Một số chính trị gia ủng hộ dân chủ thậm chí còn thành lập đảng phái với chủ trương độc lập khỏi Trung Quốc. Biểu ngữ kêu gọi độc lập giăng ở nhiều đại học từ năm ngoái đến năm nay. Tháng 10-2018, sau khi ban giám hiệu Đại học Bách Khoa Hong Kong yêu cầu tháo gỡ các bích chương kêu gọi độc lập, ba sinh viên đã tuyệt thực và hơn 2.000 sinh viên ký tuyên bố phản đối nhà trường. Hai ngày sau, nhà trường phải nhượng bộ cho phép sinh viên “tái chiếm” khu vực treo bích chương, nơi bây giờ nổi tiếng với tên gọi “Bức tường Dân chủ”. “Tự do biểu đạt là một trong những điều luôn tạo ra khác biệt giữa Hong Kong và Trung Quốc” – phát biểu của Lam Wing-hang, 21 tuổi, chủ tịch liên đoàn sinh viên và là một trong những sinh viên tuyệt thực – “Tôi không muốn chứng kiến Hong Kong trở thành một thành phố của Trung Quốc”. Nói như Hoàng Chi Phong, cách phòng thủ tốt nhất bây giờ là tấn công. Tấn công để xây nên những “bức tường dân chủ”. Từ việc đối đầu với chính quyền bù nhìn Hong Kong, người Hong Kong giờ đây đối đầu trực diện với Bắc Kinh. Trong cuộc đọ sức không khoan nhượng, máu đã đổ. Tự do và khao khát tự do đang được viết bằng máu. Hơn hai tháng qua, người Hong Kong ngày càng quyết liệt và đoàn kết hơn. Họ liên tục thay đổi cách thức đối phó sau mỗi cuộc xuống đường. Một viên đạn bắn hỏng mắt người biểu tình chỉ làm cho hàng triệu người Hong Kong khác nhìn rõ hơn bộ mặt gớm ghiếc của chế độ cộng sản Bắc Kinh. Nó càng làm thức dậy mạnh mẽ hơn ý thức độc lập của họ - một ý thức bắt đầu trở thành vấn đề sống còn./.  
......

Kinh Tế Các Nước Đối Nghịch Lao Đao Với TT Trump

Trần Đình Thu| KINH TẾ CÁC NƯỚC ĐỐI ĐỊCH VỚI MỸ ĐỀU BỊ LAO ĐAO DO TRỪNG PHẠT CỦA TRUMP Cho đến nay hầu hết các nước đối địch với Mỹ đều bị lao đao về kinh tế. Đó là các nước Trung quốc, Venezuela, Cuba, Iran và Bắc Hàn. Vào hồi đầu năm nay, lãnh đạo Iran thừa nhận kinh tế nước này tệ hại nhất trong vòng 40 năm qua và hiện nay các thông tin cho biết tình hình ngày càng tệ hơn nữa do các lệnh trừng phạt của ông Trump. Venezuela, nước vốn bị lao đao nhiều do các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng vừa hứng chịu đợt trừng phạt nặng nề nhất mà theo đó các công ty làm ăn với nước này có thể không dám tiếp tục bán lương thực thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho chính quyền Maduro. Mức độ nặng nề của lần trừng phạt này khiến Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet phải lên tiếng. Bà Bachelet cho biết bà lo ngại "các doanh nghiệp và tổ chức tài chính sẽ trở nên thận trọng và chấm dứt hoàn toàn mọi giao dịch liên quan đến chính phủ Venezuela do sợ vướng phải các hình phạt do vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ". Với Bắc Hàn, mặc dầu ông Trump vừa tuyên bố Mỹ có thể tiến hành các bước quan hệ với nước này nhưng vẫn không nới lỏng các lệnh cấm vận kinh tế, nên khó khăn vẫn bủa vây. Cuba thì vẫn chìm đắm trong khó khăn kể từ ngày ông Trump vào Nhà Trắng và ngày càng khó khăn hơn. Nhất là sau khi Mỹ kích hoạt Điều 3 Luật Helms-Burton. Riêng với Trung quốc thì khỏi phải nói. Từ ngày ông Trump phát động chiến tranh thương mại đến nay, Trung quốc chỉ có đi lùi chứ không có tiến. Nay thì tình hình càng tệ hơn. Như vậy là 5 nước chống Mỹ quyết liệt đều bị ông Trump làm cho lên bờ xuống ruộng. Từ nước khổng lồ như Trung quốc cho đến nước nhỏ như Cuba, tất cả đều lãnh đủ. Việc làm cho lao đao 5 nước này có ý nghĩa gì? Thứ nhất là 5 nước này đều là những nước độc tài và có thể chế chính trị “không giống ai”. Hai là 5 nước này đều có sự liên kết để chống lại Mỹ một cách quyết liệt. Vì thế việc trừng phạt 5 nước này vừa có ý nghĩa chống độc tài vừa phá vỡ liên minh của nhóm nước này gây hại cho Mỹ nói riêng và thế giới văn minh nói chung. Một điều thú vị là trong khi trừng phạt kinh tế nhóm 5 nước nói trên, kinh tế Mỹ chẳng những không ảnh hưởng mà ngày càng tốt hơn lên. Đó chính là thiên tài của Trump.
......

Mong Các Bạn Nhật Không Nản Chí

Tiến sĩ Kubo Jun đã ngụp lặn trong bể nước sông Tô Lịch Nguyen Ngoc Chu 1. Sau hai lần bị xả nước làm ảnh hưởng đến thí nghiệm xử lý nước sông Tô Lịch của các chuyên gia Nhật Bản, vào lúc 16 h ngày 08/8/2019 tiến sĩ Kubo Jun đã ngụp lặn trong bể nước sông Tô Lịch. Ông đã chứng minh công nghệ Nano – Bioreactor xử lý nước sông Tô Lịch thành công. 2. Nhưng thắng lợi chưa phải đã nằm bên phần các chuyên gia Nhật bản và tiến sĩ Kobu Jun. Dẫu ông và phía Nhật Bản muốn cho không công nghệ xử lý nước sông Tô Lịch thì nhóm lợi ích ở UBND TP Hà Nội cũng sẽ tìm cách kháng cự. Họ sẽ làm cho quá trình xử lý kéo dài, từ khó khăn này đến khó khăn khác buộc người Nhật cũng phải chán nản. Nếu không đủ kiên trì thì phải chịu chào thua. 3. Nhưng chính thí dụ sông Tô Lịch đã cho người Nhật đối mặt với một sự thật chua chát, rằng muốn làm điều tốt ở Việt Nam rất khó, muốn làm điều thiện ở Việt Nam không chỉ khó mà còn nguy hiểm, muốn cho không ở Việt Nam cũng không phải là chuyện dễ. tiến sĩ Kubo Jun 4. Nhưng tiến sĩ Kubo Jun và các đồng nghiệp Nhật Bản của ông có thể chưa lường được điều may mắn nhất. Rằng may mắn nhất ông là người Nhật. Nếu không, có thể xảy ra trường hợp ai đó bị quy kết dẫn đến cả bị bỏ tù. 5. Ở Việt Nam nhiều người có trí tuệ, làm điều tốt, làm điều thiện mà lại bị tù. Chẳng hạn như người đàn ông Hà Văn Nam làm điều thiện là kiên trì chống BOT cướp đoạt phi lý tiền của dân, nhưng anh đã bị tuyên 30 tháng tù giam với tội danh “Gây rối trật tự công cộng” theo Điều 318, Bộ Luật Hình sự Việt Nam. Tài xế Hà Văn Nam bị công an hành hung. Các chuyên gia Nhật Bản đã từng bị “phàn nàn” là “ Không xin phép” khi xử lý nước sông Tô Lịch. Nếu không phải là người Nhật, mà đó là một nhóm chuyên gia Việt Nam thì có thể đã xuất hiện các tội không chỉ là “ Không phép” mà là “Cản trở dòng chảy sông Tô Lịch”, thậm chí “ Thả chất độc xuống sông Tô Lịch”, hay các tội tương tự, mà nhóm lợi ích có thể bất chấp bịa đặt ra. Không phải trí tuệ, không phải sự hào phóng cho không, không phải sự lương thiện, mà chính quốc tịch Nhật mới là lá chắn cho tiến sĩ Kobu Jun và các đông nghiệp của ông. Không phải nói quá. Các bạn hãy thử điểm lại xung quanh mình bằng những thí dụ sống. Có bao nhiêu người muốn làm điều tốt mà bị cản trở? Có bao nhiêu người làm điều thiện mà bị vùi dập? Có bao nhiêu người đấu tranh cho lẽ phải lại bị tù đày? 6. Làm điều tốt, điều thiện ở Việt Nam bị cản trở không còn là hiện tượng số ít mà là hiện tượng số đông; không phải là ngẫu nhiên mà có nguồn cơn. Khi mà làm việc thiện bị từ chối, bị vùi dập, bị tù tội, thậm chí là mất mạng, thì đó là tới hạn mục rữa. 7. Dẫu vậy, không nhóm lợi ích nào có thể xiềng xích mãi được điều thiện. Những người như Hà Văn Nam nối đuôi nhau lớp lớp xuất hiện. Còn về công nghệ Nano – Bioreactor, mong các bạn Nhật Bản không nản chí, đi đến cùng, để giúp cho Hà Nội có một Dòng sông Tô Lịch bớt ô nhiễm.  
......

Lần đầu tiên được biết về Trung Quốc.

PETER PHO - Chú Tễu| CẢM ƠN NGÀI D.TRUMP, LẦN ĐẦU TIÊN, TÔI MỚI BIẾT ĐƯỢC RẰNG ...VIỆC Ở TRUNG QUỐC NÓ NHƯ VẦY Lời dẫn: Trong cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ xẩy ra, trang blog có tên là “Mộ Lương” Trương Kiến Hoa đã đăng một bài viết nói lên nhiều điều mà một thanh niên Trung Quốc đã nhìn nhận hiểu biết được qua cuộc chiến này. Bài viết này được truyền điên cuồng trên các diễn đàn mạng và WeChat. Chính phủ Trung Quốc ra sức ngăn chặn cũng chặn không kịp. Sau đây là bài viết của Trương Kiến Hoa được lão PP dịch và rút ngắn để các bạn tham khảo: ____________________ Tôi đã làm việc cả đời và chưa hề hiểu thế nào là kinh tế, thương mại, tài chính và tôi cũng không có hứng thú lớn với những vấn đề này. Do vậy, tôi không thể hiểu được ý nghĩa của GDP, WTO và CEO. Tôi không biết cách giao dịch cổ phiếu, đầu tư cho tương lai và quản lý tài sản. Lợi ích lớn nhất của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ là sự giác ngộ. Trong hai hoặc ba tháng, tôi đã học được rất nhiều kiến thức và thực tế mà tôi chưa bao giờ biết đến trong suốt cuộc đời mình. Lần đầu tiên tôi biết rằng mỗi tuần làm 5 ngày, được nghỉ 2 ngày cuối tuần của chúng tôi là do Hoa Kỳ bắt buộc chính phủ Trung Quốc phải thực hiện cho người dân. Lần đầu tiên, tôi biết rằng khi Trung Quốc gia nhập WTO đã có nhiều hứa hẹn. Nhưng sau một thập kỷ, hầu hết các cam kết này đã không được thực hiện. Lần đầu tiên tôi biết về thuế nhập khẩu ô tô, thuế quan của Mỹ là 2,5 và thuế quan của Trung Quốc là 25, tương đương với người dân Trung Quốc mua một chiếc xe Mỹ giá 240.000 nhân dân tệ cho mình. Họ còn phải mua một chiếc cho đảng và một chiếc cho chính phủ. Cộng với gánh nặng giá dầu của Trung Quốc đứng thứ tư trên thế giới (một gallon giá xăng chiếm thu nhập trung bình hàng ngày của các quốc gia, Hoa Kỳ là 3,1, Na Uy 3,6, Hồng Kông 8,8, Trung Quốc đại lục là 34), có nghĩa là khi mọi người thêm nhiên liệu vào ô tô của họ, ít nhất phải đổ thêm cho đảng một nửa thùng và đổ thêm một nửa thùng cho chính phủ. Lần đầu tiên, tôi biết giá dầu thô quốc tế là 147 đô la Mỹ / thùng cách đây 10 năm, giá dầu trong nước là 6,3 nhân dân tệ / lít, và bây giờ dầu thô quốc tế là 75,56 đô la Mỹ / thùng. Giá dầu trong nước đã đạt mức 7,4 nhân dân tệ / lít. (1thùng=100 lít?) Lần đầu tiên, tôi biết Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận vào năm 2013. Trung Quốc phải mua dầu từ Nga trong 25 năm với giá một thùng 145 đô la, hiện tại mua của Hoa Kỳ là một thùng 43 đô la, chênh lệch 102 đô la mỗi thùng. Lần đầu tiên tôi biết đậu nành của Trung Quốc chủ yếu được nhập khẩu từ Hoa Kỳ. Giá đậu nành của Mỹ chỉ bằng 60% so với Trung Quốc. Và tôi cũng đã biết dân số nông nghiệp của Hoa Kỳ chỉ chiếm chưa đến 2% tổng dân số cả nước. Lần đầu tiên, tôi biết rằng Google đã vào Trung Quốc và sau đó bị cấm và ra khỏi Trung Quốc. Lần đầu tiên tôi biết rằng mạng viễn thông được gọi là Internet, phát minh và máy chủ gốc là ở Hoa Kỳ. Ở một phạm trù nào đó, Trung Quốc và Châu Á-Châu Phi (trừ Nhật Bản) đa phần là ăn cắp mạng chứ không thông qua đường dẫn chính quy. Lần đầu tiên tôi biết rằng con chip không phải là màng nhựa, mà là công nghệ cao chứa hàng trăm triệu tỷ mạch tích hợp. Đầu tư sản xuất chip rất lớn và chu kỳ dài, không phải do một nhóm người nghèo có thể phát minh ra. (?) Lần đầu tiên, tôi biết rằng thiết bị chính để sản xuất con chip “Mask Alignment System” Trung Quốc không làm được. Lần đầu tiên tôi biết điện thoại di động trong nước khiến người Trung Quốc tự hào chỉ là một cái vỏ. (Tất cả nội dung bên trong và con chip đều có bản quyền của Mỹ hoặc do cty Mỹ cung cấp) Lần đầu tiên tôi biết công nghệ nguyên bản và cốt lõi của “Bốn phát minh vĩ đại mới” (đường sắt cao tốc, thanh toán điện tử, dịch vụ dùng chung xe đạp và mua sắm trực tuyến), không phải do Trung Quốc phát minh ra như họ đã tuyên truyền. Lần đầu tiên, tôi biết rằng R&D là nghiên cứu và phát triển. Tôi biết mười chi phí R & D hàng đầu của các nhà sản xuất chất bán dẫn toàn cầu là Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan, không có Trung Quốc đại lục. Lần đầu tiên, tôi biết sự chênh lệch giữa chi tiêu R&D của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ví dụ, Qualcomm chiếm 33,1% doanh thu trong năm 2016 và China ZTE chiếm 1,2% doanh thu trong năm 2017, đó là tỷ lệ đối kháng 28/1. Lần đầu tiên, tôi biết rằng trong thập kỷ qua, khối lượng tiền tệ của Mỹ đã tăng lên gấp hai lần, trong khi Trung Quốc đã tăng thêm 20 lần. Nếu không có quỹ bất động sản, lạm phát của Trung Quốc sẽ không thể tưởng tượng được. Lần đầu tiên tôi biết rằng định hướng cuối cùng của chính sách bất động sản của Trung Quốc là “sử dụng thời gian để thay đổi không gian”. Nói trắng ra là cứ kéo cho chậm lại. Lần đầu tiên tôi biết rằng nếu không có sự trao đổi và trợ giúp về quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ cao của Hoa Kỳ, việc nâng cấp công nghiệp và kế hoạch năm 2025 của Trung Quốc rất khó đạt được. Lần đầu tiên tôi biết rằng vòng vượt kinh tế (Corner overtaking) là một khái niệm giả. Cho dù tôi không hiểu về kinh tế đi nữa. Tôi cũng biết rằng những tòa nhà tốt nhất ở các thành phố Trung Quốc là của chính phủ. Những tòa nhà tốt nhất ở châu Âu và Mỹ là những trường đại học trong đó có nghĩa ý gì. Lần đầu tiên, tôi biết rằng có nhiều yếu tố cho sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua, nhưng yếu tố đầu tiên là gia nhập WTO. Lần đầu tiên, tôi biết rằng Trung Quốc đã sử dụng trong thương mại quốc tế những thủ đoạn thường dùng trong nước như không điểm dừng, không tuân thủ hợp đồng, đầu cơ lừa đảo, dối trá… Lần đầu tiên, tôi biết Trung Quốc có 37 vụ kiện tụng với các quan chức thương mại nước ngoài trong hơn một thập kỷ qua. Trong đó chỉ có 2 vụ Trung Quốc thắng kiện, 3 vụ hoà và phần còn lại là thua. Lần đầu tiên, tôi biết “lợi thế của Trung Quốc” xuất phát từ các thủ đoạn thương mại không công bằng, đó là trợ cấp xuất khẩu thương mại bất hợp pháp, thao túng tỷ giá Nhân dân tệ, làm giả và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ, ô nhiễm môi trường quy mô lớn, bỏ bê các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe của người lao động. Thuế quan và hạn ngạch không hợp lý. Ra giá mang tính cướp giật để đè bật đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường tài nguyên quan trọng, sau đó lừa gạt người tiêu dùng bằng giá cả độc quyền, xây dựng các rào cản bảo vệ thương mại ngăn chặn các đối thủ nước ngoài xâm nhập thị trường một cách hợp pháp. Lần đầu tiên, tôi biết rằng trong các cuộc đàm phán thương mại, các yêu cầu của Hoa Kỳ hoàn toàn bình đẳng về thuế quan, tiếp cận thị trường và quyền sở hữu trí tuệ. Hoa Kỳ nói tính tương hỗ là “bằng nhau”, nhưng Trung Quốc đã dịch nó thành “có đi có lại”. Lần đầu tiên, tôi biết Hoa Kỳ đề xuất tiếp cận mở cửa thị trường cho ngành dịch vụ tài chính và việc mở hoàn toàn mạng Internet đã chạm đến vạch cấm kỵ cuối cùng của chính phủ Trung Quốc (không phải người dân Trung Quốc). Lần đầu tiên tôi nghe thấy nhiều nhà kinh tế trên thế giới đánh giá nền kinh tế Trung Quốc như “một người béo mắc bệnh ung thư”. Tôi đã không biết điều này trong quá khứ. Ngoài sự thiếu hiểu biết của tôi, còn có một lý do quan trọng khác – Một số người đang cố gắng không cho tôi biết. Giúp tôi mở ra một cánh cửa cho tầm nhìn của tôi, có được kiến thức và nâng cao kiến thức. Vì vậy, tôi cảm ơn cuộc chiến thương mại và cảm ơn Mr. Trump. Các quan chức có quyền không có nghĩa vụ và người dân có nghĩa vụ không có quyền. Trò chơi bẩn này lộng hành ở Trung Quốc và nay lại muốn đem ra chơi trên thế giới. Cắt một củ cải ở cả hai đầu, bạn có thể cắt nó một, hai lần không sao, cắt nó mười lần tám lần, cắt nó năm mươi lần, tám mươi lần, và cuối cùng cắt mẹ nó vào ngón tay mình bằng chính con dao của mình. “Tả truyện” có nói rằng “Đa hành bất nghĩa tất tự tễ“ tức làm nhiều chuyện xấu, bất nghĩa cuối cùng sẽ tự giết mình. Còn một câu cuối là “Tử Cô Đãi Chi” (Hãy chờ đó), tôi cũng tin. PETER PHO  
......

Các ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam đâu mất rồi?

Phạm Chí Dũng -VOA| Hơn một tháng kể từ khi đàn tàu của ‘đảng anh’ Trung Quốc xâm nhập Bãi Tư Chính như vào chốn vô chủ quyền kèm một cái tát nổ đom đóm, Bộ Chính trị ‘đảng em’ ở Việt Nam vẫn nằm nguyên trong cơn ác mộng giữa ban ngày mang tên ‘Cô đơn chiến lược’. ‘Cô đơn chiến lược’ Bất chấp giới chóp bu Việt Nam luôn ‘tự sướng’ về việc thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, cho tới giờ này vẫn không một quốc gia nào có quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam chịu lên tiếng hỗ trợ chính thể này phản đối Trung Quốc. Hy vọng ban đầu về phản ứng của Tây Ban Nha – một trong số các đối tác chiến lược của Việt Nam và là nạn nhân gián tiếp của Trung Quốc khi Repsol, công ty Tây Ban Nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, bị tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép đến hai lần tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc tập đoàn phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như tan vỡ. Không những Repsol phải cuốn cờ tháo lui khỏi những lô dầu khí màu mỡ chưa kịp khai thác và còn muốn bắt đền phía Việt Nam gần 300 triệu USD mà tập đoàn này đã ứng ra để thăm dò dầu khí, mà cả triều đình Madrid cũng lặng tăm trước Bắc Kinh. Còn nước Nga – kênh quan hệ được xem là ‘truyền thống’ từ thời Xô viết với Việt Nam – thì sao? Cho tới lúc này, Nhà nước Cộng hòa liên bang Nga vẫn chưa có bất kỳ một phản ứng công khai nào – dù thể hiện qua kênh ngoại giao hay kênh báo chí – đối với vụ Trung Quốc gia tăng áp lực ‘tống tiền’ tại mỏ dầu khí Lan Đỏ ở vùng biển đông nam Việt Nam, cho dù Lan Đỏ là dự án liên doanh giữa VietsoPetro của Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga, mà Rosneft là tập đoàn có cổ đông chính là chính phủ Nga. Nếu Putin và Tập Cận Bình đã hoặc sẽ thỏa thuận được với nhau một lợi ích hoặc một điểm chung chính trị nào đó lớn hơn hẳn lợi nhuận từ mỏ Lan Đỏ, mà điều này thì rất dễ xảy ra, tương lai sẽ sập cửa trước Rosneft để tập đoàn này cũng sẽ phải cuốn cờ tháo chạy khỏi vùng chủ quyền Việt Nam như Repsol đã từng như thế. Trong khi đó, điều trớ trêu đến tận cùng bi hài là Trung Quốc – vốn được giới chóp bu Việt Nam tụng ca như ‘đối tác chiến lược toàn diện quan trọng nhất’ – lại là con sói duy nhất luôn hăm he phanh xác con cừu Hà Nội. Con cừu ấy đã phải chịu nhục tại Bãi Tư Chính đến lần thứ ba. Trong vòng 3 năm liên tiếp. Trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở. Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”. Nhớ lại 2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng mang tên “Hải Dương 981” kéo dài từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, hầu hết các “đối tác chiến lược” của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất “bạn vàng” là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách “đu dây chính trị” cho tới khi “té lộn đầu” trong ba lần khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017, 2018 và 2019. Từ đó đến nay, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc. Cũng từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá “đối tác chiến lược” trong túi, kể cả một “đối tác chiến lược” khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này “tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam” ngay sau việc Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017. Ngay cả khi Việt Nam được đặt vào ghế ‘thành viên không thường trực của Hội đống bảo an Liên hiệp quốc’ vào năm 2019… Không còn cách nào khác, tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, dù có muộn màng. Ươn hèn mãn tính Tháng 7 năm 2019, Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia đầu tiên lên tiếng gián tiếp ủng hộ Việt Nam trong vụ Bãi Tư Chính, dù quốc gia này vẫn chưa phải là ‘đối tác chiến lược’ của Việt Nam. Nhưng từ đó đến nay, người Mỹ vẫn không có động thái quân sự thực chất nào để ‘dằn mặt’ Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính. Hành động mới nhất của Washington là điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan – chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, với sức chứa lên đến hơn 70 máy bay phản lực siêu thanh F18, trực thăng và máy bay trinh sát – tới Biển Đông vào ngày 6/8/2019. Tuy nhiên chưa có gì chắc chắn là hàng không mẫu hạm này sẽ trực tiếp can thiệp hay có một tác động nào đó tới Bãi Tư Chính nếu đối chiếu với yêu cầu can thiệp sâu hơn nhiều của chế độ bị xem là ‘hèn với giặc, ác với dân’. Hiện tượng trên là khá trái ngược với những năm gần đây khi, Mỹ không chỉ phản ứng bằng hành động ngoại giao mà còn cho máy bay chiến đấu và tàu chiến tuần tiễu, tàu khu trục vào vùng biển và không gian Biển Đông để răn đe hoạt động cường bá của Trung Quốc. Vì sao vào lần này Mỹ có vẻ thay đổi thái độ mà không hoặc chưa có những hành đông cụ thể hỗ trợ Việt Nam? Chung quy cũng tại thói du dây trả treo của Hà Nội. Cho đến tận lúc này, não trạng ngả ngớn đu lắc và õng ẹo đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc của giới chóp bu Việt Nam. Não trạng luôn duy trì hy vọng đầy ảo tưởng vào tình cảm ‘bốn tốt’ và ‘mười sáu chữ vàng’ với Bắc Kinh đã dẫn đến hậu quả là cho đến nay, dù đã xảy đến ba lần bị Trung Quốc ‘tát tai’ ở Bãi Tư Chính, vẫn chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Mỹ, trong khi sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một. Và lẽ ra tại Cam Ranh giờ đây đã phải có hình ảnh thường trú của một hàng không mẫu hạm Mỹ. Giờ đây, người Mỹ còn phải chờ Hà Nội có dám tự đi trên đôi chân của mình hay vẫn theo thói đu dây chính trị kiểu ‘vừa lắc vừa quỳ’. Thói ươn hèn mãn tính là tác nhân của căn bệnh nhũn não dài hạn và mất đứt lãnh thổ. Ngay cả lúc bị kẻ cướp xông vào nhà mà còn không dám la làng thì làm sao còn tinh thần chống giặc! Nếu không chịu từ bỏ phần lớn chủ trương đu dây chính trị, biểu thị thái độ phản ứng dứt khoát đối với sự gây hấn của Bắc Kinh và xoay trục về phía Hoa Kỳ một cách thực chất, chính thể Việt Nam thậm chí sẽ không còn nhận được sự hỗ trợ ngoại giao và quân sự từ Washington, trong lúc cả tá đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam chắc chắn sẽ bất động và khiến Hà Nội lâm vào cảnh bị Bắc Kinh bắt nạt thậm tệ – không khác gì cái cách chính quyền Việt Nam thẳng tay đàn áp dân chúng tại quốc gia này./. Nguồn ảnh: CTM Media - Âu Châu    
......

Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc vào Tư Chính là để thách đố Mỹ và Việt Nam?

Phạm Trần - huynhngocchenh.blogspot   ”...quyền lơi ích kỷ, áp lực và chính sách chia để trị của Trung Quốc cùng với sự nghi ngờ về khả năng và quyêt tâm của Hoa Kỳ khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN không dám bênh nhau để cùng đương đầu vơi Trung Quốc...” *Nga và ASEAN có thể làm gì cho hòa bình Biển Đông? Lời giới thiệu : Trung Quốc đã bất chấp luật pháp Quốc tế để đem tầu Hải Dương 8 vào thăm dò dầu khí bên trong vùng Đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở khu vực bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông nam, từ ngày 03/07/2019 Việt Nam đã khẳng định chủ quyền vùng biển này và đòi Trung Quốc rút lui, nhưng Trung Quốc vẫn ở lại và còn quả quyết đây là lãnh thổ của họ. Vậy Hoa Kỳ, cường quốc số một Thế giới, đang đứng ở đâu trong cuộc tranh chấp này, và liệu chính quyền Donal Trump có sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông ? Để trả lời cho câu hỏi này và vì sao đã không có biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam, xin mời bạn đọc theo dõi toàn văn bài Phỏng vấn độc quyền của tôi với Giáo sư ngoại hạng (Professor Emeritus), Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, người từng giảng dậy nhiều năm về Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Mason, gần Thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Giáo sư Hùng là Học giả cao cấp bất thường trú của Trung tâm nghiên cứu Chiến lươc và quan hệ Quôc tê ở Washington, D.C. (Center for Strategic and International Studies, CSIS). Ngoài ra ông còn là Học giả vãng lai hai niên khóa 2015-2016 tại viện nghiên cứu nổi tiếng ISEAS-Yusof Ishak Institute, Tân Gia Ba. Các bài nghiên cứu của ông, phần lớn về Á Châu và Đông Nam Á đươc đăng trên các Tạp chí chuyên môn (professional journals) như World Affairs, Asian Survey, Pacific Affairs, Global Asia, The Diplomat, Asia Pacific Bulletin và CogitAsia.   Sau đây là toàn văn Bài Phỏng vấn: Tại sao Tư Chính? H: Thưa Giáo sư, tại sao Trung Quốc chọn vùng biển bãi Tư Chính mà không phải nơi khác để tìm kiếm dầu khí vào thời điểm này? Đ: Trung Quôc đưa tầu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào vùng biển bãi Tư Chính với mục đích áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển nằm trong đường lưỡi Bò của Trung Quốc, một đòi hỏi căn cứ trên lịch sử sai lầm (theo Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House) và trái với luât quốc tế (Luật Biển 1982 và phán quyết của Tòa án Trọng tài Thuờng trực Quốc tế năm 2016). (Chú thích: Hình lưỡi Bò, còn được gọi là Đường 9 đoạn, chiếm ¾ của diện tích 3.447.000 cây số vuông Biển Đông). Trong liền hai năm, 2017 và 2018, Trung Quốc đã thành công trong áp lực không cho Việt Nam khai thác dầu khí ở hai lô (lô 136/03 và 07/03) thuộc vùng biển bãi Tư Chính. Lần này, Việt Nam khởi động khoan dầu ở môt lô khác, lô 06/01, cũng trong vùng biển bãi Tư Chính nên Trung Quốc lại tìm cách ngặn chặn. H: Việc Trung Quốc đem tầu thăm dò dầu khí Hải Dương 8 vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 Hải lý của Việt Nam có ý nghĩa chính trị và địa lý như thế nào đối với tham vọng chủ quyền Biển Đông của Bắc Kinh? Đ: Trung Quốc muốn áp đặt chủ quyên của mình và khai thác tài nguyên trên vùng biển trong đường lưỡi Bò bằng chính sách “tầm ăn dâu.” Sau khi đã đặt đươc chân đứng trong quần đảo Trường Sa, Trung Quôc bắt đầu xây 7 đảo nhân tạo của họ từ năm 2014. Sau đó, với việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa đá Chữ Thập, bãi Vành Khăn và bãi Xu Bi năm 2017 Trung Quốc đã đạt được thế thượng phong để áp dụng chiến thuật mà giáo sư Carl Thayer gọi là “chiến thuật vùng xám” (grey zone tactics) phối hơp các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự, đặc biệt là dùng các tầu đánh cá dân sự đươc hỗ trợ bởi các tầu Hải giám và lực lương Dân quân biển để biến vùng biển thuộc chủ quyền các nước khác thành vùng tranh chấp. Trung Quôc đã làm viêc ấy đối với Philippines ở vùng biển đảo Thị Tứ hồi tháng 3, với Malaysia ở vùng biển đảo bãi Luconia hồi tháng 5, và với Việt Nam bây giờ. H: Ông lý giải ra sao về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam phải đợi cho đến ngày 19/07 (2019), tức sau 16 ngày sau khi Trung Quốc đem tầu tìm dầu và các tầu có võ trang hộ tống vào vùng Tư Chính hoạt động (từ ngày 03/07/019), mới chính thức lên án Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông” và “yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam” ? Đ: Việt Nam bắt đầu khoan dầu tử tháng 5. Đầu tháng 7 Trung Quóc mới đưa tầu Hải Dương 8 đến khảo sát địa chất. Hai bên vờn nhau cả tuần nhưng không bên nào công bố vì không muốn làm lớn chuyện. Cho đến khi Việt Nam thấy cần công khai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam”, và đòi Trung Quôc rút toàn bộ tầu ra khỏi vùng này. Đó là tiến trình tự nhiên, theo thứ tự thời gian. Từ Hải Dương 981 đến Hải Dương 8 H: Nếu so với vụ Trung Quốc đem tầu Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 (từ ngày 01 tháng 5, 2014 - 16 tháng 7, 2014) thì Giáo sư đánh giá vụ Hải Dương 8 vào vùng Tư Chính năm 2019 có mức độ nghiêm trọng như thế nào ? Đ: Sự kiện năm 2014 nghiêm trọng hơn. Năm ấy, tầu HYSY 981 được khoảng 100 tầu lớn nhỏ của Trung Quốc bảo vệ trong số đó có 7 tầu quân sự; tầu hai bên xô xát và bắn nước vào nhau dữ dội, công thêm với các cuộc biểu tình và bạo động ở trên đất liền. Lần này, tầu Hải Dương 8 lúc đầu chỉ được hai tầu hải giám hộ tống, Ngoài ra, lần này viêc khoan dầu đươc Việt Nam trao phó cho công ty Rosneft, môt công ty mà chính phủ Nga là một cổ đông. Và thế của Rosneft mạnh hơn thế của công ty tư nhân Repsol của Tây Ban Nha. H: Khi xẩy ra vụ Hải Dương 981, người Việt Nam cả trong và ngoài nước, kể cả giới trí thức, không phân biệt chế độ chính trị, đã lên tiếng phản đối Trung Quốc. Nhiều cuộc biểu tình chống các Công ty của Trung Quốc cũng đã xẩy ra ở Việt Nam. Ngược lại, năm nay (2019) người dân đã không có phản ứng như thế sau vụ Tư Chính. Giáo sư nghĩ sao về sự kiện này? Chẳng lẽ tinh thần “bài Trung”, trước hiểm họa chủ quyền lãnh thổ và biển đảo bị mất vảo tay Bắc Kinh đã mờ nhạt trong tâm trí người Việt? Hay là vì bị Chính quyền đàn áp trong các vụ biểu tình chống Tầu trong qúa khứ mà người dân đã làm ngơ, mặc cho nhà nước lo? Đ: Không phải không có chỉ trích chính quyền, nhưng biểu tình lớn thì không có. Mệt mỏi và chán nản như ông nghĩ cũng có lý. Ngoài ra, có thể có nhiều lý do khác: Thứ nhất, cuôc khủng hoảng lần này không nghiêm trọng bằng lần trước. Thư hai, chính quyền Việt Nam đã học được bài học và kinh nghiệm đối phó với Trung Quôc cũng như đối với ngươi dân. Lần này, họ công khai chống đôi Trung Quôc. Họ nêu đích danh Trung Quôc để chỉ trich trươc thế giới và trên diễn đàn khu vực ASEAN chứ không còn phải nấp sau từ “tầu lạ” hay “hữu nghị viển vông.” Thư ba, nội bô đảng Công sản không chia rẽ trầm trọng như 5 năm trước để người ngoài có thể dễ khai thác. Thứ tư, môt số nhân vật có quá khứ cách mạng và uy tín có thể gây cảm hứng và làm lá chắn cho các cuộc biểu tình hoặc đã qua đời hoăc quá già. Thư năm, trong thởi điểm này không có các công ty Trung Quốc ở Việt Nam có hành động gây căm phẫn biến họ thành cái đích rõ rệt để chông đối và bạo động. Mỹ và Biển Đông H: Vào ngày 20/7 (2019) vừa qua, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ (MORGAN ORTAGUS) đã đưa ra lời tuyên bố lên án hành động của Trung Quốc trong vụ Tư Chính, có lợi cho lập trường ở Biển Đông của Việt Nam. Giáo sư có nghĩ rằng khi Chính quyền Mỹ lên tiếng như thế là họ muốn kéo Việt Nam ra khỏi qũy đạo của Trung Quốc, hay vì lý do nào khác? Đ: Với tuyên bố ấy, họ vửa chỉ trích và răn đe Trung Quốc vừa hỗ trợ lập trường của Việt Nam đồng thời khuyến khích Việt Nam và các quôc gia Đông Nam Á mạnh dạn chống sự bắt nạt và cưỡng chế của Trung Quốc. Trươc đó, tháng 10 năm ngoái trong một cuộc phỏng vân với Hugh Hewitt, cô vấn an ninh quốc gia của Hoa Kỳ John Bolton coi viêc Trung Quốc quấy nhiễu tầu tuân tra của Mỹ ở Biển Đông là hành động “nguy hiểm,” và khẳng định Hoa Kỳ không chấp nhận để Trung Quốc biến vùng này thành “một tỉnh của Trung Quốc.” Ông còn tuyên bố “chúng tôi sẽ tim cách khai thác thêm các tài nguyên khoáng sản ở Biển Đông dủ có hay không có sự họp tác của Trung Quốc.” Đôi với Việt Nam, dự án khai thác dầu khí Cá Voi Xanh ở lô 118, cách Việt Nam 88 cây số và nằm ngoài đường lưỡi bò, sẽ là thử nghiêm xem lời nói của Hoa Kỳ có đi đôi vơi việc làm hay không. Từ tháng 3 năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ đã ký kết thỏa thuận hơp tác trong dư án mỏ khí Cá Voi Xanh. Năm tháng sau, Thủ Tương Viêt Nam Nguyễn Xuân Phúc thúc dục ExxonMobil “chính thức khởi động” dự án này để đánh dấu thời điểm lịch sử khi Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thương Đỉnh Họp tác Kinh tế Á châu Thài Binh Dương (APEC) vào tháng 11 năm 2017 (tại Đà Nẵng). Lúc ấy cựu Chủ Tịch ExxonMobil ( Rex W. Tillerson) đang là Ngoại trưởng Hoa Kỳ nhưng tập đoàn này không nhúc nhích. Phải đợi một ngày sau khi hội nghị bắt đầu, đương kim chủ tịch của tập đoàn Exxon Mobil mới thông báo dư án sẽ hoàn thành “thủ tục ban đầu vào cuối năm nay (2017), và năm 2018 sẽ chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật cần thiết. Đến 2019, dư án sẽ đưa vào khai thác mỏ này.” Chỉ còn 4 tháng là hết năm 2019. Thử xem Hoa Kỳ sẽ làm gì để hỗ trợ cam kết của ExxonMobil. H: Xin Giáo sư đánh giá chính sách ở Biển Đông của Chính quyền Trump trước sự bành trướng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Á Châu-Thái Bình Dương dưới thời Tập Cận Bình? Đ: Mỹ muốn đóng vai trò trội yếu và không muốn Trung Quôc độc chiếm Biển Đông. Để thưc hiện mục tiêu này, chính quyên Obama (năm 2008) đưa ra chính sách “xoay trục” về Á châu Thái Bình Dương đươc hỗ trợ bằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership), tái phối trí lực lượng quân sự từ Trung Đông sang Á châu, tăng cường hơp tác chiến lược vơi các đối tác Á châu, và các cuộc tuần tra bảo vệ tư do hàng hải. Chính quyền Trump đưa ra chiến lược Ân Đô-Thái Bình Dương nhằm lôi kéo Ấn Độ vào chính sách ngăn chặn sự bành trương của Trung Quốc và muôn có cái tên khác với tên do chính quyền Obama đặt ra. Ngay từ đầu, chính sách này vấp phải hai điều bất lợi. Việc đơn phương rút khỏi hiêp đinh TPP khiến Hoa Kỳ mất một đòn bẩy kinh tế của chiến lươc quân sự đồng thời làm xói mòn lòng tin của các đồng minh và đối tác của mình về quyêt tâm và khả năng giúp họ chống lại sức ép của Trung Quốc. Hành động này tạo khoảng trống giúp Trung Quôc cơ hội khai thác vai trò lãnh đạo kinh tế khu vực của mình với chủ trương thương mại tư do và kế hoạch “môt vòng đai, môt con đường” nối liền Á châu với Âu Châu và Phi Châu mà trung tâm là Trung Quốc. Ngoài ra, việc Trung Quốc thành công trong việc cải tạo bồi đắp và quân sự hóa tam giác đá Chữ Thập-bãi Vành Khăn-bãi Xu Bi đã tạo đươc thế thương phong chiến lược của Trung Quốc trong vùng biển này khiến Tư Lệnh Lưc Lương Thái Binh Dương cũa Mỹ, Đô đôc Philip Davidson phải kết luận rằng “Ngày nay, Trung Quôc có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống trừ khi có chiến tranh với Hoa Kỳ.” Chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương là môt chiến lươc mà nội hàm đang đươc khai triển nên phải theo dõi kỹ. Có những điểm cần để ý sau đây: Thư nhất, vì kinh nghiêm và khả năng cá nhân, Tổng Thống Donald Trump quan tâm đến quyên lợi kinh tế, đến việc buôn bán và đổi chác (making deals) hơn là quan tâm chiến lược. Thứ hai, hầu hết các tuyên bố cứng rắn đôi với Trung Quôc từ phia Hoa Kỳ đều do giới quân sự phát biểu, nhưng vị Tổng tư lệnh tối cao của họ lại tập trung vào viêc chỉ trích Trung Quôc về chính sách kinh tế trong khi vẫn ve vuốt, khen ngợi Chủ tich Trung Quốc Tập Cận Bình, ngay cả cách ông này đối phó với cuộc biểu tình chông Trung Quôc ở Hong Kong. Gân đây, nhất là sau vụ bãi Tư Chính, có một số thay đổi trong các tuyên bố của Mỹ. Bên ngoài thì, cùng với bộ Quốc phòng, cả bộ Ngoại Giao và Quốc Hội Mỹ đều nhập cuộc, lên án hành động “bắt nạt” của Trung Quôc ở Biển Đông. Bên trong Nhà Trắng, một số cố vấn Tổng Thống, như đại diên thuơng mại Robert Lighthizer và cố vân thương mại PeterNavarro đều có thái độ cưng rắn với Trung Quôc. Thư Ba, hành đông đơn phương, và đôi khi dường như bất nhất của Tổng Thông Trump làm xói mòn lòng tin và, do đó, sư hơp tác chân thành của các đông minh và đối tác của Mỹ trong viêc đối phó với Trung Quốc. Thư tư, quan hệ đặc biêt của Tổng Thống Trump với lãnh đạo Do Thái và Á Rập cuốn Mỹ vào tranh chấp với Iran. Nếu Mỹ bị sa lầy ở Trung Đông thì chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương khó có thể thực hiện đến nơi đến chốn. Thư năm, trươc áp lực của giơi tư bản và nông dân Mỹ bị thiêt hại vì cuôc “chiên tranh thương mại” Mỹ-Trung và vì nhu cầu tranh cử năm 2020, chính quyên Trump cần môt nhân nhượng của Trung Quôc đê có môt cái gọi là thắng lơi ngoai giao, Tổng Thông Trump có thể đổi chác để bám lấy thị trương Trung Quốc. Đổi chác ấy, nếu có, sẽ thiệt hại cho ai? Nga- ASEAN- Biển Đông H: Nước Nga trong thời đại của Vladimir Putin có tạo được ảnh hưởng gì với Mỹ, Trung Quốc và ASEAN trong nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông? Đ: Sưc mạnh quân sư và kinh tê của Nga thua xa Mỹ. Putin chỉ có khả năng làm kẻ phá bĩnh (a spoiler), gây khó khăn cho Mỹ ở cả Á châu và Âu châu. Đối với Biển Đông, vì mối quan hệ đặc biệt với cả Trung Quốc và Việt Nam, Putin, có thể giúp Việt Nam tăng cường khả năng quân sự, và nếu Trung Quốc đồng ý, có thể đóng vai trò con thoi, can gián, và làm trung gian hòa giải giũa Việt Nam và Trung Quôc H: Thưa Giáo sư, tôi không thấy có nước nào trong khối ASEAN 10 quốc gia lên tiếng về vụ Tư Chính của Việt Nam. Tại sao? Đ: Chỉ trích Trung Quốc thì có, nhưng họ chỉ nói đến sự xâm phạm của Trung Quốc tới vùng biển của họ, như Phi luật Tân đôi với vùng biển đảo Thị Tứ (tháng 3) và bãi Scarborough (tháng 7), Malaysia với vùng biển bãi Luconia (tháng 5), chứ không lên án Trung Quốc về vụ bãi Tư Chính. Ngay cả thông cáo chung ngày 31 tháng 7 của ASEAN cũng chẳng đả động đến vụ bãi Tư Chính, chẳng chỉ đích danh Trung Quốc mà chỉ nói mù mờ về “những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông”. Đó là thái độ “cháy nhà hàng xóm bình chân như vại,” nghi ngờ quyêt tâm bảo vệ của Mỹ, không muốn làm mếch lòng Trung Quốc với hy vọng đươc nươc này ban riêng cho môt nhượng bộ nào đó. Riêng Phi luật Tân, Tổng Thông Rodrigo Duterte đã nói rõ ông không tin vào cam kêt của Mỹ dù họ đã ký hiệp ươc phòng thủ chung với Phi, vì thê Phi phải hòa hoãn với Trung Quôc. Ông tuyên bố một mình Phi không đánh nổi Trung Quốc, và thách thức nếu Hoa Kỳ thực sự muôn đẩy Trung Quốc ra khỏi Biển Đông thi hãy “đưa toàn thể Hạm đội 7 vào Biển Đông.” Lúc ấy Phi” sẽ theo ngay sau lưng Hoa Kỳ” và còn hô hào đánh bom tan nát hạm đôi Trung Quôc. Nói tóm lại, quyền lơi ích kỷ, áp lực và chính sách chia để trị của Trung Quốc cùng với sự nghi ngờ về khả năng và quyêt tâm của Hoa Kỳ khiến cho các quốc gia trong khối ASEAN không dám bênh nhau để cùng đương đầu vơi Trung Quốc. (08/019) Phạm Trần  
......

Hong Kong, nhìn từ Trung Nam Hải

Cuộc kháng cự của người dân Hong Kong trước con rồng Đại lục đã đến thời khắc quyết định. Ảnh: FT Tầm quan trọng kinh tế của Hong Kong trong mối tương quan với Trung Quốc đã giảm đáng kể, nhưng Trung Quốc không thể tránh khỏi áp lực từ các sự kiện gần đây. *** Hường Quyền Lược dịch từ bài viết How Beijing sees Hong Kong, của Giáo sư Kerry Brown, giảng dạy bộ môn Trung Quốc học tại King’s College, London; đăng ngày 04 tháng 8 năm 2019 trên Inside Story. *** Nhìn lại lịch sử, Hong Kong đã trải qua nhiều thử thách. Bạo loạn lan rộng xảy ra trong thời điểm Cách mạng Văn hóa là bằng chứng chống lại quan điểm cũ rích rằng cư dân thành phố này không quan tâm đến chính trị. Từ thời điểm năm 1997, người dân đã phản đối một loạt các động thái lập pháp, bao gồm cả những thay đổi đối với Điều 23 của Luật Cơ bản (Hong Kong Basic Law – được coi như Hiến pháp lâm thời của Hong Kong) liên quan tới việc thay đổi chế độ. Nhưng kể từ khi cuộc biểu tình Chiếm Trung tâm [Dù vàng – ND] bắt đầu năm 2014, thành phố dường như đã bước sang một kỷ nguyên mới mà tranh chấp và khủng hoảng xảy ra thường xuyên. Một điều gì đó quan trọng đang diễn ra, nhưng dường như không ai biết rõ nó là cái gì. Nhà kinh tế Leo Goodstadt cùng đồng sự đã chỉ ra rằng vẻ bề ngoài gây ấn tượng với du khách của Hong Kong đơn giản chỉ là vẻ bề ngoài. Cuộc sống thường nhật khá là vất vả đối với hầu hết người dân, và ngày càng vất vả hơn. Giá bất động sản đắt đỏ tới mức không thể tin được, mà theo các chuyên gia tư vấn bất động sản CBRE là đắt nhất thế giới. Chi phí sinh hoạt tại Hong Kong cũng sánh ngang với Paris và Singapore trong bảng xếp hạng toàn cầu. Những áp lực như thế này sẽ là nguồn cơn gây bất mãn ở bất cứ nơi đâu. Nhưng điều thực sự khiến dân chúng phản kháng chính quyền là cảm giác bất lực về chính trị. Các cuộc biểu tình trước đó cuối cùng cũng bị giải tán, nhưng cơn tức giận thì không. Ngược lại, mọi dấu hiệu cho thấy nó ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Hong Kong, một trung tâm tài chính thế giới, đang bị bao phủ bởi không khí bất an do cơn giận dữ luôn bị đè nén. Người dân Hong Kong đang tỏ thái độ khinh bỉ một cách bất thường đối với các nhà lãnh đạo của họ. Kể từ thời điểm Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc năm 1997, không có Trưởng đặc khu nào tại vị đủ hai nhiệm kỳ. Người đầu tiên, ông Tung Chee-hwa, đã từ chức sau các cuộc biểu tình liên quan tới Điều 23 của Hiến pháp. Người thứ hai, Ông Donald Tsang, không tái tranh cử. Người thứ ba, ông C.Y. Leung, cũng chỉ giữ ghế trong một nhiệm kỳ sau khi phải đối mặt với cơn bất mãn ghê gớm của công chúng liên quan tới cách ông thực hiện cải cách bầu cử.  Người kế vị của Leung, bà Carrie Lam, cũng phải đối mặt với tình huống tương tự, nhưng sớm hơn rất nhiều. Điều này có thể không liên quan gì đến khả năng lãnh đạo của bà. Nó có thể là một dấu hiệu cho thấy việc quản trị thành phố đã khó đến mức trở nên gần như không thể quản trị nổi do công chúng mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo của mình. Công chúng không tin rằng những người như bà Carrie Lam có thực quyền. Thực quyền nằm cách Hong Kong vài ngàn cây số, ở Bắc Kinh. Ý định của Bắc Kinh đối với Hong Kong sau các cuộc biểu tình lớn và kéo dài gần đây vẫn là đề tài được bàn tán rộng rãi. Mặc dù bà Carrie Lam tuyên bố dự luật dẫn độ (nguyên nhân của tình trạng bất ổn hiện tại) đã chết, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, ngày càng nhuốm màu bạo lực hơn và gây gián đoạn sinh hoạt bình thường. Khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc được phát hiện ở vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Đông vào cuối tháng 7, nỗi lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ thẳng tay đàn áp càng gia tăng. Trong bối cảnh này, chúng ta phải ghi nhớ hai điều trong quan điểm của Bắc Kinh về Hong Kong dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình. Trước tiên là về mặt kinh tế, Hong Kong đã trở nên kém quan trọng với Trung Quốc so với trước đây. Tại thời điểm bàn giao năm 1997, nền kinh tế Hong Kong chiếm 1/5 kinh tế Trung Quốc. Ngày nay, nó ít hơn 3%. Thâm Quyến, trước đây là một làng chài, hiện đã có dân số lớn hơn và nền kinh tế có quy mô tương tự Hong Kong, và đang phát triển nhanh hơn.  Thế giới bên ngoài có thể có một cái nhìn lệch lạc về sự ưu tiên của các lãnh đạo Bắc Kinh dành cho Hong Kong. Thực tế là Trung Quốc đã học hỏi nhiều từ Hong Kong trong các lĩnh vực tài chính và kinh doanh. Việc bàn giao năm 1997 cũng quan trọng đối với thể diện quốc tế của Trung Quốc. Trong thập kỷ đầu tiên sau khi tiếp nhận Hong Kong, Bắc Kinh đã cẩn trọng tuân thủ tinh thần của thỏa thuận chuyển giao và Luật Cơ bản của Hong Kong.  Tuy nhiên, dưới thời Tập Cận Bình, cam kết của Bắc Kinh đối với thoả thuận lịch sử này dường như ngày càng yếu đi. Hong Kong đã hoàn thành sứ mệnh phục vụ mục đích của Trung Quốc; giờ là lúc Bắc Kinh hướng đến những mục tiêu và tham vọng lớn hơn. Mối bận tâm chính của Tập Cận Bình là làm sao tránh né những đòn chỉ trích và tấn công trực diện trên trường quốc tế, điều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tương lai lớn hơn của ông. Còn Hong Kong? Không quan trọng như nhiều người nghĩ.  Vấn đề thứ hai thường bị lãng quên là Tập Cận Bình và các đồng sự của ông tin tưởng tuyệt đối vào khả năng tồn tại của chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Trung Quốc. Niềm tin này giúp họ chèo lái đất nước hướng tới một vị thế kinh tế toàn cầu trong khi vẫn phải đối phó với sự tấn công hàng ngày của Mỹ. Sự sụp đổ của Liên Xô, từng được coi là một điềm báo cho sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc, thực sự củng cố niềm tin đó của Bắc Kinh. Đối với họ, sự suy giảm quyền lực của nước Nga sau thời Xô viết cho thấy rằng việc vứt bỏ ý thức hệ cốt lõi là sai lầm tai hại. Ông Tập trong một cuộc họp của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi 2017 tại Thụy Sĩ. Nền kinh tế Trung Quốc đã đạt mức độ tăng trưởng và quy mô khiến Trung Nam Hải đủ tự tin phủ nhận tất cả các giá trị tự do – dân chủ phương Tây. Ảnh: AP Photo/Michel Euler) Gần đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, việc Donald Trump thắng cử, Brexit và các sự kiện khó lường khác đã khẳng định niềm tin của Tập Cận Bình và đồng nghiệp rằng những người tiền nhiệm của họ hoàn toàn có lý khi từ chối cải cách chính trị theo hướng tự do – điều mà phương Tây muốn áp đặt cho họ. Như Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố: thực hành là tiêu chí duy nhất đánh giá sự thật (practice is the sole criterion for truth). Từ thế giới quan này, mô hình Hong Kong thể hiện tính không thực tế của chủ nghĩa tư bản phương Tây đối với tương lai dài hạn của Trung Quốc. Theo một góc độ phức tạp hơn, Hong Kong cũng chứng tỏ rằng dân chủ và văn hoá Trung Hoa không ăn nhập gì với nhau. Các từ như “sự hỗn loạn” (chaos) và “vô pháp” (lawless) – thường dùng để mô tả về thực trạng không thể tránh khỏi nếu đảng Cộng sản Trung Quốc mất quyền kiểm soát đất nước – đã bị cấm sử dụng trên báo chí chính thống. Theo một cách kỳ cục khác, tình trạng của Hong Kong dường như không được Bắc Kinh coi là một sự phản kháng với những việc mà Bắc Kinh làm. Ngược lại, nó là bằng chứng cho thấy di sản chính trị và hành chính của mô hình Anh Quốc luôn không bền vững. Số phận Hong Kong phải như vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng tất cả những gì họ phải làm chỉ là chứng kiến Hong Kong tan vỡ một cách có kiểm soát. Thượng Hải và những nơi khác ở Trung Quốc rồi sẽ đảm nhận vai trò kinh tế của Hong Kong trước đây. Hong Kong sẽ lùi xuống vị trí 2% và sau đó là 1% nền kinh tế của một đế chế vĩ đại, họ tin là như vậy. Với hai yếu tố kể trên – sự suy giảm vị thế kinh tế của Hong Kong và thế giới quan của Bắc Kinh – liệu Hong Kong có được Tập Cận Bình và các đồng nghiệp nói đến trong kỳ nghỉ hè thường niên tại thị trấn Bắc Đới Hàn hay không? Tất nhiên, vấn đề Hong Kong sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. Nhưng có khả năng nó sẽ không được ưu tiên như các thảo luận về củng cố lòng trung thành của người dân với chế độ trong cuộc cạnh tranh kinh tế với Mỹ, và cố gắng đồng thuận quốc gia để đạt mục tiêu thiên niên kỷ đầu tiên của Trung Quốc (tập hợp các mục tiêu như tỷ lệ đô thị hóa 60%, chuyển đổi sang năng lượng sạch, và xã hội phồn thịnh).  Bắc Kinh đang tự mãn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ đúng. Việc người dân Hong Kong tham gia biểu tình không đơn giản bó hẹp trong sự bất mãn của họ với một điều luật hoặc sự yếu kém của các lãnh đạo chính trị. Những gì chúng ta đang thấy là sự xuất hiện của một thái độ chính trị mới trong lòng một trung tâm thương mại lớn. Điều đó không nên và không thể bỏ qua. Người dân Hong Kong tức giận về những điều mà nhiều người dân Trung Quốc đại lục cũng đang cảm thấy: sự bất bình đẳng, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, các vấn đề môi trường, nhà ở, dịch vụ công cộng, việc làm cho thanh niên và tình trạng già hóa dân số. Những vấn đề này có thể không được nhìn thấy rõ ràng ở đại lục, nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại. Đơn giản vì Hong Kong là nơi duy nhất ở Trung Quốc mà chúng ta có thể thấy người dân công khai bày tỏ sự lo lắng của họ.  Điều đáng làm cho Tập Cận Bình và Bắc Kinh lo lắng có lẽ không phải là các cuộc biểu tình ở Hong Kong mà là các yếu tố tiềm ẩn khủng hoảng. Biểu tình ở Hong Kong, sự thất vọng bị dồn nén ở Trung Quốc có thể dẫn đến thảm họa. Vì những lý do khác nhau, và theo những cách khác nhau, những gì đang xảy ra ở Hong Kong dạy tất cả chúng ta, kể cả giới lãnh đạo Trung Quốc, nhìn sự việc theo những góc khác nhau, nếu biết nhìn đúng cách. https://www.luatkhoa.org/2019/08/hong-kong-nhin-tu-trung-nam-hai/
......

Pages