Bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện chính phủ Việt Nam hay kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

Ảnh 'Đại gia mất tích' Đặng Thị Hoàng Yến

Trúc Giang - Việt Nam Thời Báo

(VNTB) - Dẫn nguồn tin từ Văn phòng Luật sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”, Hãng truyền thông PR Newswire đưa tin khá sốc về việc cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị kiện qua bài báo có tựa “American Economist Launches Over $2.5 Billion Arbitration Against Former Vietnamese Prime Minister Nguyen Tan Dung” [https://www.prnewswire.com/news-releases/american-economist-launches-over-2-5-billion-arbitration-against-former-vietnamese-prime-minister-nguyen-tan-dung-300913524.html]

 
PR Newswire có văn phòng đại diện tại Việt Nam, đặt ở lầu 8, Le Meridien Building, số 3 C Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM.
 
Một bài viết có nội dung tương tự trên trang chuyên môn của giới trọng tài quốc tế, rút tít khá mạnh mẽ kèm hình bìa bản tin là khuôn mặt ông Nguyễn Tấn Dũng: “Vietnam’s ex-prime minister hit with claim over power project” – dịch thoáng sang tiếng Việt là “Thủ tướng Việt Nam bị đánh vì dự án điện” [https://globalarbitrationreview.com/article/1197236/vietnam%E2%80%99s-ex-prime-minister-hit-with-claim-over-power-project]
Vì sao không kiện chính phủ Việt Nam?
 
Xét từ góc độ pháp lý, đây là một vụ kiện lý thú vì nó đặt ra nhiều vấn đề pháp lý mới mẻ, mà chỉ đọc được tài liệu vụ kiện mới có thể phân tích thấu đáo các cơ sở khởi kiện mà luật sư nguyên đơn đã sử dụng để khởi động một vụ kiện vô tiền khoáng hậu như vậy liên quan đến Việt Nam.
 
Theo bản tin Anh ngữ, các luật sư nguyên đơn trong vụ thưa kiện quốc tế này là: Charles H. Camp (Washington, DC), Tiến sĩ Jalal El Ahdab (Paris), Anthony Buzbee (Houston), Chris Leavitt (Houston) và Minh-Tam (Tammy) Tran (Houston).
 
Việc kiện cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo trình tự tố tụng trọng tài, là yêu cầu của bà Maya Dangelas, quốc tịch Mỹ, được biết với tên Việt Nam là Đặng Thị Hoàng Yến, chủ tịch Công ty cổ phần Năng lượng Tân Tạo (TEC).

Cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam Đặng Thị Hoàng Yến và Cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh VOA)

 
Bản tin Anh ngữ của PR Newswire nói rằng bà Đặng Thị Hoàng Yến kiện vì cho rằng khi còn làm Thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng từng hủy bỏ trái phép hợp đồng với TEC trong dự án Nhiệt điện Kiên Lương tại tỉnh Kiên Giang, Việt Nam.
 
Thắc mắc ở đây là tại sao bà Đặng Thị Hoàng Yến không kiện chính phủ Việt Nam, mà lại kiện cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng trong giai đoạn là thủ tướng? Bởi sau đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có văn bản đồng ý theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
 
Phải chăng trong các thỏa thuận ký kết của dự án Nhiệt điện Kiên Lương, có các điều khoản mang tính cách cá nhân giữa ông Nguyễn Tấn Dũng với bà Đặng Thị Hoàng Yến?
 
Một ngờ vực khác, phải chăng động thái khởi kiện ông Nguyễn Tấn Dũng là nằm trong nghi vấn ở bản công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo - Itaco (ITA) do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch, có một điểm mà kiểm toán đặc biệt lưu ý, là về khả năng thu hồi khoản đầu tư và phải thu từ 2 công ty có liên quan với tổng trị giá hơn 3,5 ngàn tỷ đồng. Kiểm toán nghi ngờ khả năng thu hồi khoản tiền khổng lồ liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
 
Chính phủ Việt Nam hầu tòa quốc tế cũng thường rồi mà!
 
Đó là nhận định của ông Phạm Mạnh Dũng – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cựu Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
 
Theo ông Phạm Mạnh Dũng, pháp luật quốc tế nói chung, nhà đầu tư không được quyền kiện một quốc gia. Tuy nhiên, để khuyến khích đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương với nước ngoài, trong đó từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến việc, một khi tranh chấp xảy ra, Nhà đầu tư nước ngoài có quyền kiện chính phủ Việt Nam ra trọng tài quốc tế.
 
Theo lẽ thường, khi hoạt động đầu tư nước ngoài càng phát sinh đa dạng, phong phú, sôi động, thì số lượng, tần suất, giá trị các tranh chấp đầu tư nước ngoài cũng tăng lên. Và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
 
“Trong trường hợp dự án Nhiệt điện Kiên Lương là vốn hoàn toàn do doanh nghiệp trong nước đầu tư, do đó việc chọn một tòa trọng tài quốc tế để xử lý các tranh chấp như bài báo trên PR Newswire đưa tin, cá nhân tôi cảm giác có gì đó không ổn ở chỗ dường như bị đơn ở đây đang nhắm tới cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng.
 
Nếu tòa tuyên ông Dũng sai, thì khả năng thi hành án như thế nào?”. Luật sư Trần Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM), thắc mắc và lưu ý chuyện Việt Nam đã trúng cử là thành viên của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019-2025.
 
Trong lúc đó thì một tài liệu mà báo chí có được, phía Bộ Công thương có đưa ra phương án thu hồi dự án Nhiệt điện Kiên Lương. Theo đó, nhà nước khẳng định lỗi thuộc về chủ đầu tư, ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư và không đàm phán bồi thường.
 
Thuận lợi của phương án này là không phải bồi thường cho chủ đầu tư nếu có đầy đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ khẳng định lỗi hoàn toàn do chủ đầu tư. Khó khăn là khó có đủ cơ sở pháp lý chặt chẽ để đưa ra quyết định thu hồi và dễ xảy ra tranh chấp.
 
Kết quả là vào cuối năm 2018, phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi đến quyết định chọn phương an thu hồi dự án, không đàm phán bồi thường, với lý do tính chất đặc thù của dự án BOT điện, nên khi dự án chưa hoàn thành thủ tục, chưa ký hợp đồng BOT với Bộ Công thương thì về phía Bộ Công thương và Chính phủ không có lý do gì mà bồi thường.
 
Lùm xùm chuyện gì ở dự án Nhiệt điện than Kiên Lương?
 
Một số thông tin liên quan về dự án Nhiệt điện Kiên Lương được giải trình tại phiên họp đại hội cổ đông thường niên năm 2019, tổ chức hôm 28/6/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp Tân Tạo, thì thông qua người nhận ủy quyền là ông Đặng Thành Tâm, thông báo bà Đặng Thị Hoàng Yến có kế hoạch thoái toàn bộ vốn đầu tư tại nhiều dự án, bao gồm cả dự án Nhiệt điện Kiên Lương.
 
Một trong những lý do khiến bà Đặng Thị Hoàng Yến muốn thoái vốn là: “This filing aims to hold former Prime Minister Nguyen Tan Dung accountable for his actions in both his official and personal capacities. As a result, my client's loss of investment monies and profits are a direct result of the Prime Minister's actions in both his official and personal capacities” - PR Newswire dẫn lời của Tony Buzbee, Văn phòng Luật sư “Law Offices of Charles H. Camp, P.C.”, về cáo buộc đích danh cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng (lược dịch): “Hồ sơ này nhằm buộc cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chịu trách nhiệm về hành động của mình trong đưa ra các quyết định liên quan dự án đầu tư. Việc nhà đầu tư bị thiệt hại về vốn, về lợi nhuận chính là hệ lụy từ năng lực quản trị của thủ tướng”.
 
Theo tài liệu mà báo chí có được, trong báo cáo số 1488/UBND-KTTH tháng 9/2017, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng giai đoạn 2009 – 2013, chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 và 2 là TEC đã chi tổng số 77,2 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng một phần và san lấp địa điểm xây dựng, khoảng 60 ha diện tích ven biển cho khu vực chính xây nhà máy nhiệt điện.
 
Trong khi đó, báo cáo của TEC gửi Thủ tướng hồi tháng 5/2017 thì cho biết đã đầu tư trên 270 triệu USD, khoảng hơn 6.300 tỷ đồng. Số liệu giữa báo cáo của tỉnh Kiên Giang và TEC đang chênh nhau tới 81 lần.
 
Theo TEC, có tới 6.300 tỷ đồng dùng để hoàn thành 146 thủ tục pháp lý từ Trung ương đến địa phương; khảo sát, xây dựng báo cáo khả thi dự án; hoàn thành 98% giải phóng, san lấp mặt bằng; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh,  sẵn sàng thi công nhà máy, thu xếp vốn, nguồn than cho dự án và tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu EPC quốc tế...
 
Báo cáo tháng 9/2017 của tỉnh Kiên Giang còn cho hay tỉnh hiện không thể liên lạc được với chủ đầu tư dự án TEC để trao đổi, bàn hướng xử lý vướng mắc dự án.
 
Theo hồ sơ, dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương bắt đầu đình trệ từ cuối năm 2011, và có chuyển biến mới khi Thủ tướng cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư sang BOT vào tháng 2/2014.
 
Tháng 12/2015, Bộ Công Thương và TEC ký kết biên bản ghi nhớ về việc phát triển dự án Kiên Lương 1 theo hình thức BOT với thời hạn hiệu lực 48 tháng. Tuy nhiên, sau lễ ký kết này, TEC đã không thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư nào. Từ cuối 2011, chủ đầu tư không nộp tiền sử dụng đất và cũng không xin gia hạn nộp theo quy định. Còn dự án Kiên Lương 2 chưa làm công tác chuẩn bị đầu tư do không có trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).
 
 
Với dự án Cảng nước sâu Nam Du, ngoài việc khảo sát thực địa, đo đạc ngoại nghiệp và lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng lấy ý kiến hoàn chỉnh, đến nay TEC chưa triển khai thêm gì. Do đó, năm 2016 tỉnh Kiên Giang kiến nghị Thủ tướng không đưa Nhà máy nhiệt điện than Kiên Lương vào quy hoạch phát triển điện lực 2011-2020 có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020 xét triển vọng đến năm 2030. Tỉnh cũng đề nghị thu hồi chủ trương đầu tư Cảng nước sâu Nam Du.
 
Ngay tại Việt Nam, TEC đã ‘đổ thừa’ tại Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
 
Ngày 31/8/2018, TEC đã có công văn gửi Bộ Công thương cho rằng, việc loại bỏ dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII điều chỉnh là nguyên nhân chính dẫn đến dự án không thể triển khai được.
 
Về các cáo buộc của chính quyền tỉnh Kiên Giang, TEC khẳng định là không chính xác. Theo đó, dự án nhiệt điện này đã được Chính phủ giao cho TEC nghiên cứu, đầu tư và phát triển. Đến năm 2014, để tháo gỡ vướng mắc cho dự án về việc cấp bảo lãnh của Chính phủ (GGU), TEC đã chấp nhận chuyển sang đầu tư theo hình thức BOT để dự án sớm được triển khai.
 
“Ngay sau đó, TEC đã đàm phán Biên bản ghi nhớ Phát triển Dự án (MOU) với Tổng cục Năng Lượng và đã ký kết MOU vào tháng 12/2015 và thống nhất ngày vận hành thương mại dự án vào năm 2025”, một báo cáo gửi Bộ Công Thương của TEC cho biết.
 
Đáng lưu ý, theo TEC, ngay sau khi ký MOU, trong lúc TEC đang tích cực triển khai dự án thì ngày 29/1/2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bất ngờ quyết định rà soát loại bỏ dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 khỏi Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) theo thông báo số 26/TP-VPVP của Văn phòng Chính phủ và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016. Ngay sau đó, TEC cũng cho biết đã có 9 văn bản báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các bộ ngành liên quan về dự án này.
 
Theo TEC, chính quyết định loại bỏ dự án Kiên Lương 1 ra khỏi Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) là nguyên nhân chính dẫn đến việc dự án không thể triển khai được.
 
Bình luận về văn bản phản ứng trên của TEC, một số chuyên gia am hiểu về dự án này cho rằng, những ý kiến của TEC cũng cần xem lại, vì khi rút dự án Kiên Lương 1 ra khỏi quy hoạch điện thì khi đó, dự án mới chỉ nằm trên ý tưởng và mới có văn bản ghi nhớ, chưa chưa có một quyết định đầu tư nào. Và cho đến nay, khu vực dự án vẫn hầu như chưa có gì, nên khó có thể ghi nhận là nhà đầu tư đã bỏ ra hàng trăm triệu USD.
 
Trong một diễn biến khác, giới chuyên gia cũng nhận định trong thời điểm này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long không cần thêm bất cứ nhà máy nhiệt điện than nào nữa, vì đã ‘bội thực’. Trong đó, chỉ riêng khu vực lân cận đã xuất hiện hàng loạt dự án nhiệt điện như: Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Sông Hậu 3; Long Phú 2…
 
Chưa kể đến địa hình tại Kiên Lương có nhiều yếu tố phức tạp, không phù hợp cho việc đặt các dự án nhiệt điện than; như địa chất không ổn, tàu vận chuyển than khó vào và không dễ dàng để kết nối đường dây 220 KV ở đây.
 
“Thời điểm cách đây 10 năm, trên thị trường đang sôi động đầu tư cho các dự án nhiệt điện than tại đồng bằng sông Cửu Long. Tập đoàn Tân Tạo đã đăng ký và được sự đồng ý của Bộ Công Thương cho đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1. Tuy nhiên, bây giờ thì không còn phù hợp nữa. Nếu có thưa gửi liên quan chuyện đầu tư này, bị đơn phải là chính phủ Việt Nam.
 
Việc đổ thừa cho ông Nguyễn Tấn Dũng là không hợp lý, vì sau đó người tích cực cho thu hồi dự án này là phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ông Nguyễn Tấn Dũng ngay sau khi ký phê duyệt Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 của Bộ Công thương, là ông đã nghỉ hưu…”. Luật sư Trần Thành biện luận.
 
Tính đến hiện tại, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa thấy lên tiếng về vụ thưa kiện nói trên.