Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Ai sẽ “chết” trong cuộc chiến tranh tiền tệ Mỹ Trung?

Tân Phong – viettan.org|   10% thuế áp dụng cho phần còn lại của giỏ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Chín, 2019, cùng với tuyên bố “Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ” của Bộ Trưởng Tài Chính Steven Mnuchin ngay sau quyết định giảm giá đồng Nhân dân tệ của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC xuống dưới mức 7 CNY/1 USD hôm 5 tháng Tám, 2019 – mức thấp nhất trong mười một năm trở lại đây – cho thấy loạt phản ứng gần như tức thì, quyết liệt nhưng đó là những toan tính thực dụng được trù liệu từ trước. Tổng Thống Donald Trump đang áp dụng đúng chiêu thức của “cụ tổ” Trung Quốc Cộng Sản Đảng: “Vừa đánh, vừa đàm”.  Ảnh hưởng của việc định giá thấp đồng CNY của PBOC cũng như đòn trả đũa của Mỹ có thể biến thành một cuộc chiến tiền tệ hay không cần phải được xem xét nhiều phương diện, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Việc một đồng tiền bị định giá thấp hơn giá trị thực của nó sẽ có lợi nhiều mặt cho nền kinh tế. Nó giúp hạ thấp cấu trúc chi phí, tăng xuất khẩu, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh bằng phí tổn của các đối tác thương mại. Trong lịch sử chiến tranh tiền tệ đều liên quan đến việc định giá thấp đồng tiền, đó là cách rõ ràng nhất, liên quan trực tiếp nhất. Mặc dù, theo sự “tiến hóa” của thị trường tài chính toàn cầu, để phá hoại nền kinh tế đối phương có nhiều phương thức tinh vi hơn. Nhưng việc định giá thấp đồng tiền là một vũ khí có “mức sát thương lớn”, ảnh hưởng ở qui mô rộng lớn tới toàn bộ nền kinh tế. Một cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ sẽ không giống như đổ vỡ về thị trường chứng khoán hay trái phiếu chính phủ, mà nó có thể làm sụp đổ một nền kinh tế hoặc tiêu hủy mọi nỗ lực tăng trưởng trong nhiều thập kỷ. Chiến tranh tiền tệ là một cuộc chiến mà kẻ yếu thế hơn nhưng quỉ quyệt hơn sẽ dành nhiều lợi thế và đó là sự lựa chọn của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Thương chiến Mỹ – Trung chỉ làm lộ rõ bộ mặt nham nhở của Bắc Kinh được che dấu dưới hình hài con gấu trúc dễ thương Po mà thôi. Trung Quốc đã sử dụng “vũ khí” lợi hại này để hình thành một chiến lược “thảm sát” các đối thủ thương mại và sản xuất toàn cầu. Nó được biết đến với cái tên “China Price and Mass Production” – một nền sản xuất ở qui mô khổng lồ, có khả năng tạo ra bất kể thứ hàng hóa, dịch vụ nào với mức giá thấp đến không tưởng. Đi cùng với thứ “vũ khí hủy diệt” này là chính sách đồng tiền yếu và những “bộ công cụ giết chóc” khác. Doanh nghiệp có hàng hóa dịch vụ xuất khẩu được nhà nước trợ giá, tiếp cận dễ dàng những nguồn vay vốn ưu đãi, chính quyền ngó lơ thậm chí thông đồng để cùng hưởng lợi việc doanh nghiệp bóc lột tàn tệ lao động, làm hàng giả, ăn cắp bản quyền, xả thải mà không bị trừng phạt… Hàng hóa Trung Quốc dễ dàng đánh bại bất kể đối thủ nào ở sản phẩm cùng loại không chỉ về mặt giá cả mà bằng cả sức mạnh hậu thuẫn to lớn đầy hắc ám của Bắc Kinh. Chiến lược này đã mang lại 4 thập kỷ tăng trưởng phi thường cho Trung Quốc, nhưng là thảm họa cho các nền kinh tế khác. Ở nhiều phương diện, doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước hoặc các doanh nghiệp chiến lược được hậu thuẫn đặc biệt từ chính phủ, quân đội như Huawei đều là những cấu trúc quan trọng của Chủ nghĩa tư bản nhà nước – một “biến dị” của chủ nghĩa trọng thương mà theo đó doanh nghiệp là cánh tay nối dài của quyền lực Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Những con khủng long như Sinopec, Petrochina, CNOOC, SGCC, Huawei, ZTE… đều mang dáng dấp và đặc điểm giống như mô hình công ty thương mại Đông Ấn của Anh thế kỷ 17 – thứ vũ khí đã tạo ra sức mạnh cốt lõi xây dựng một đế quốc “mặt trời không bao giờ lặn”. Giờ đây, những “đồ tể Thiên An Môn” đang sở hữu hàng trăm “công ty thương mại Đông Ấn” như vậy. Trung Quốc vừa là công xưởng thế giới vừa là quốc gia có lượng hàng hóa xuất khẩu lớn nhất thế giới và họ có một câu cách ngôn “người Trung Quốc ở đâu, hàng hóa Trung Quốc ở đâu, biên giới Trung Hoa ở đấy”. “Kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm – Kinh Thánh Tân Ước” Tuy vậy, “chiến tranh tiền tệ” không phải thứ vũ khí vạn năng và cũng không phải thời điểm nào cũng phù hợp. Việc sử dụng nó giống như chơi dao hai lưỡi trong thời điểm suy thoái ngày một nghiêm trọng bởi rất nhiều nguyên nhân khách quan nằm ngoài lý do xung đột lợi ích thương mại đơn thuần với người Mỹ. Hiệu quả tích cực cho thị trường sẽ rất thấp, trong khi mặt trái của chính sách này sẽ tạo ra rủi ro lớn cho một cuộc khủng hoảng lòng tin đang chín muồi – đó là một cuộc tự sát kinh tế. Việc trì hoãn thực hiện các cam kết thương mại với hy vọng rằng Tổng Thống Donald Trump có thể “trượt chân” nhiệm kỳ tiếp theo và quyết định tỷ giá mới của PBOC thể hiện Bắc Kinh thực sự túng quẫn phương sách để đối phó với Mỹ trong bối cảnh thương chiến leo thang những bước nguy hiểm mới. Ngoài mức thuế mới sẽ áp dụng kể từ ngày 1 tháng Chín, 2019 cho 300 tỷ USD giá trị hàng hóa còn lại, một tin xấu khác cho hoàng đế Tập là Tổng Thống Donald Trump chuẩn bị các bước để tước “sổ hộ nghèo” của Trung Quốc tại WTO. Tuy là nền kinh tế có qui mô thứ 2 thế giới, với bình quân GDP/ đầu người ở mức 9.608,42 USD năm 2018 (theo con số thống kê của statista.com), song Bắc Kinh vẫn cố mọi cách “được” công nhận là quốc gia thuộc “thế giới thứ 3” – một thuật ngữ địa kinh tế dành cho các nước nghèo kém phát triển cần được quốc tế giúp đỡ – để hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều khoản vay ưu đãi, được viện trợ không hoàn lại nhiều dự án y tế, giáo dục, môi trường… và chính sách thuế ưu đãi cho hàng hóa có xuất cảng từ Trung Quốc. Việc bị “mất sổ hộ nghèo” sẽ làm trầm trọng thêm gánh nặng an sinh xã hội mà Bắc Kinh đang phải đối mặt với làn sóng “di cư” của những tập đoàn đa quốc vốn đã làm ăn tại Trung Quốc nhiều thập kỷ qua bởi sức ép của cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Trung Quốc thừa nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong thập kỷ vừa qua bởi sự thay đổi chóng mặt trong chính sách thương mại của Hoa kỳ. Người khổng lồ Trung Quốc “mong manh dễ vỡ” hơn người ta tưởng rất nhiều. Dù mục tiêu tái cơ cấu lại nền kinh tế khổng lồ sang hướng “bền vững”, “sạch” và “sáng tạo” hơn đã được nghiên cứu từ sau 1978 tới nay song những nỗ lực cải cách thực sự của hệ thống chính trị cũng như đà quán tính quá lớn của nền kinh tế tỏ ra khó có được sự thay đổi cần thiết. Tại đại hội nhân dân toàn quốc tháng Ba, 2015, chính phủ Trung Quốc đã hạ tỷ lệ tăng trưởng GDP dự kiến từ 8% xuống 7%. Ông Lý Khắc Cường cũng nói rằng ngay cả hạ mục tiêu tăng trưởng cũng khó lòng đạt được. Một chuyên gia của Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Hội Đồng Nhà Nước Trung Quốc – trao đổi với David Shambaugh – tác giả của quyển sách nhan đề China’s Future – rằng họ thậm chí dự đoán mức tăng trưởng sẽ xuống mức 3% vào giai đoạn 2020 -2025. Nhưng ở đây, có một mâu thuẫn cố hữu giữa mong muốn duy trì con số tăng trưởng GDP đẹp của các lãnh đạo tối cao nhằm mục đích thu hút đầu tư, ve vuốt lòng tự tôn của đảng và khả năng thực tế của nền kinh tế. Trong khi đó, “siêu cấu trúc” của chủ nghĩa tư bản nhà nước khổng lồ này có những điểm yếu chết người đang ở mức chịu đựng tới hạn. Nền kinh tế Trung Quốc lao dốc quá nhanh kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Việc cải tổ không hề đơn giản kể cả khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải chấp nhận giảm tốc tăng trưởng xuống 3% GDP/năm. Điều này, giống như việc phanh gấp một đoàn tàu gồm 30 toa tàu, mỗi toa nặng 50 tấn, đang chạy với tốc độ 250km/h khi vào khúc cua. Sẽ không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra với qui mô và mức độ của cuộc đổ vỡ này. Người ta có thể cảm thấy áp lực xã hội gia tăng nhanh chóng từ con số nợ công ngất ngưởng ở mức 300% GDP, những tòa cao ốc chọc trời trống trơn không có người thuê và những dòng người lao động đang cuồn cuộn đổ về các nước Đông Nam Á, Trung Á hay Phi Châu. Ở một quốc gia mà cái gì cũng có thể làm giả, những con số thống kê dù đẹp đẽ tới đâu thì cũng chẳng có giá trị gì và chỉ khi nào “con voi” Trung Quốc đổ sụp xuống với tất cả sức nặng của nó thì người ta mới có thể biết được phần nào của thảm kịch diễn ra. Sẽ không vui vẻ gì cho tất cả khi nền kinh tế lớn nhất Châu Á có một kết cục xấu và cũng quá sớm khi nhận định rằng một số quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc đón được dòng đầu tư FDI của các tập đoàn đa quốc gia đang rời bỏ Trung Quốc. Vấn nạn của cuộc sụp đổ này đáng lo ngại hơn là cơ hội nó mang lại, đặc biệt là những quốc gia vốn đã phụ thuộc nhiều vào bàn tay bú mớm của Bắc Kinh. Cái bẫy nợ xập xuống và miếng phomat ăn dở cũng bị lấy đi. Những quốc gia như Việt Nam, Cambodia, Laos… sẽ phải đối mặt với vực thẳm nợ nần trong khi mọi tài nguyên, hải cảng giá trị nhất đã bị bán hết. “Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm” nhưng đám “theo voi ăn bã mía” thì còn kết cục thê thảm hơn nhiều./.  
......

Bắc Kinh sẽ lên đài so găng ở Biển Đông?

Phương Thảo (VNTB)|  Việc Bắc Kinh ký kết một thoả thuận bí mật với Campuchia để thuê một căn cứ hải quân đã làm dấy lên nỗi lo ngại về tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông và Ấn Độ Dương.  Cả Trung Quốc lẫn Campuchia đã bác bỏ tin này, nhưng tin này đã làm cho Mỹ và các quốc gia khác đánh giá lại mối quan hệ của họ trong khu vực. Trung Quốc đã có một thỏa thuận với Campuchia về việc sử dụng một phần căn cứ hải quân đang gây lo ngại rằng Bắc Kinh có thể mở rộng tầm với ra Biển Đông và qua eo biển Malacca, nối liền các đại dương Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Thỏa thuận này được ký vào mùa xuân năm nay và Bắc Kinh sẽ có quyền độc quyền ở một khu vực rộng 62 mẫu nằm trong căn cứ hải quân Ream rộng 190 mẫu, gần Sihanoukville, Campuchia, và cách không xa sân bay lớn mà một công ty Trung Quốc đang thi công. Thỏa thuận sẽ cho phép Trung Quốc đóng quân, tàng trữ vũ khí và cập tàu chiến tại căn cứ này cũng như quyền sử dụng căn cứ quân sự này trong 30 năm và gia hạn tự động sau mỗi 10 năm. Trung Quốc sẽ cho xây dựng hai cầu tàu mới, một cho họ và một cho Campuchia, có thể họ sẽ cần phải nạo vét cảnh biển để tàu chiến lớn hơn của Trung Quốc sử dụng cầu tàu này. Các quan chức Trung Quốc và Campuchia đã bác bỏ tin này, và các quan chức quốc phòng Campuchia đã đưa các nhà báo đến “tham quan” căn cứ để chứng tỏ không có sự hiện diện của Trung Quốc ở đó. Hoa Kỳ và các nước khác đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những gì họ nhìn nhận là sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, khi đề cập đến một loạt các thỏa thuận dọc theo bờ biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi các thỏa thuận này dường như tập trung vào cơ sở hạ tầng và các hoạt động kinh tế, các nhà quan sát nghi ngờ Trung Quốc có ý đồ quân sự – mối quan tâm lớn là Djibouti, nơi Trung Quốc mở căn cứ đầu tiên ở nước ngoài vào năm 2017, mặc dù Bắc Kinh gọi đó là cơ sở hỗ trợ hậu cần. Phó cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Obama, Ben Rhodes, cho biết người Mỹ nhận thấy là Trung Quốc đang cố gắng tạo ra một vành đai từ Biển Đông, xuyên qua Ấn Độ Dương và đi tới tận Đông Phi. Ban đầu họ chỉ cho xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng, hải cảng, nhưng sau đó được sử dụng cho mục đích quân sự hoàn toàn như Djibouti của Sri Lanka. Thỏa thuận với Ream cho xây một sân bay có thể xử lý các máy bay ném bom tầm xa và vận chuyển quân sự tại Dara Sakor, khu đầu tư cách phía tây bắc của cảng khoảng 40 dặm (60 km), đã làm nảy sinh mối lo về việc Bắc Kinh mở rộng phạm vi quân sự. Trung Quốc tuyên bố họ chỉ vì mục đích kinh tế nhưng theo biên tập viên cao cấp của tờ The Diplomat, Prashanth Parameswaran ước tính thì căn cứ này hoàn toàn không đủ để tạo cơ hội vì mục đích dân sự và kinh tế nên việc xây dựng sân bay và cảng biến kinh tế là điều bất thường. Còn quan chức Mỹ tin rằng cái điều bất thường đó là mục đích quân sự. Ông Charles Charles Edel, cựu cố vấn của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố “ Nếu kết hợp căn cứ ở Campuchia với các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông về cơ bản sẽ tạo ra võ đài bao lại tất cả các nước Đông Nam Á trên đất liền. Ngoài ra cũng có nhận định rằng sự hiện diện của quân đội Trung Quốc tại đây sẽ làm phức tạp hóa rất nhiều khả năng hỗ trợ Đài Loan của Hoa Kỳ trong trường hợp có xung đột. Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết một căn cứ của Trung Quốc ở Campuchia chắc chắn có thể cho phép Bắc Kinh tăng cường tiềm lực, đặc biệt là không quân, trong vùng Vịnh Thái Lan, eo biển Malacca và biển Andaman. (Theo Businessinsider)  
......

Vì sao dân Việt ‘ngóng’ hàng không mẫu hạm Mỹ giữa xung đột Biển Đông?

Khánh An -: VOA Động thái mới nhất của Washington, điều hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan tới Biển Đông, đang được công luận Việt Nam hưởng ứng và chào đón nhiệt tình giữa bối cảnh căng thẳng trong vùng biển tranh chấp vẫn chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”. Nhiều ý kiến bày tỏ hy vọng Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam và các nước trong khu vực kiềm chế những hành động hung hăng của Bắc Kinh và “sớm lập lại trật tự ở Biển Đông”. Tin tức về sự hiện diện của USS Ronald Reagan, chiếc hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hạm đội 7 Hoa Kỳ, với sức chứa lên đến hơn 70 máy bay phản lực siêu thanh F18, trực thăng và máy bay trinh sát, trong khu vực Biển Đông hôm 6 tháng Tám đã được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. “Mừng và hy vọng”, Facebooker Thùy Đan bày tỏ, trong lúc Facebooker Đoàn Kiên Giang nói “Chào 500 anh em USS Ronald Reagan ghé Biển Đông chơi” và “chúc team thuận buồm xuôi gió”. Facebooker Mai Nuong To viết “Hy vọng Mỹ đánh cho nó (Trung Quốc) sập luôn chế độ cs (Cộng sản) để dân ko khổ nữa”. Còn Facebook Thu Tran thì “Cầu mong sao cho sớm lập lại trật tự ở biển đông”. Lý giải cho sự “ủng hộ nhiệt tình” của công luận Việt Nam đối với sự hiện diện quân sự của Mỹ, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho rằng có nhiều nguyên nhân khiến người dân Việt Nam ngả về phía Mỹ trước nguy cơ xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông. “Những năm gần đây, khi Trung Quốc tăng cường lấn hiếp ở Biển Đông, Hoa Kỳ đã tỏ thái độ rất rõ, ngay cả từ sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014. Lúc đó, Quốc Hội Mỹ đã có nghị quyết phản đối chuyện đó rồi, trong khi Quốc Hội Việt Nam thì chưa dám ra nghị quyết”, nhà báo cư ngụ tại Nha Trang đưa ra nhận định với VOA. Một lý do nữa, theo nhà báo Võ Văn Tạo, là động thái mới nhất của Washington rất có lợi cho Việt Nam và khu vực, giữa bối cảnh đang diễn ra “đối đầu” giữa Việt Nam và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đưa tàu thăm dò Hải Dương Địa Chất 8 đến hoạt động gần Bãi Tư Chính, khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, kể từ ngày 3 tháng Bảy. Ông nói: “Tôi cho rằng nhất cử nhất động của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, đặc biệt là các hạm đội, mà Hoa Kỳ là một cường quốc đại dương, là rất quan trọng. Họ đưa (tàu) xuống như thế thì dù mình không biết thực chất tàu đó đến Biển Đông nhằm mục đích gì, nhưng dù sao trong bức tranh tổng thể nó vẫn có lợi cho Việt Nam và hòa bình, an ninh khu vực, và cũng làm cho Trung Quốc phải lo lắng, giật mình theo dõi.” Nhà báo độc lập này cho rằng tình hình Biển Đông và mối quan hệ Việt-Trung hiện nay đang khiến cho những người dân am hiểu thời cuộc ở Việt Nam “rất lo lắng”. Ông nói: “Chính sách ‘lấy thịt đè người’ của Trung Quốc, ăn hiếp láng giềng, tìm cách lấn lướt và ăn cướp quyền lợi chính đáng của các nước láng giềng thì đã rõ rồi, nhưng khổ cái là Việt Nam từ những năm trước đây, đặc biệt tính từ Hội nghị Thành Đô vào tháng Chín, 1990 đến nay, thì rõ ràng quan điểm của Đảng Cộng Sản, chóp bu của Nhà nước Việt Nam nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Họ nêu lên quan tâm lớn nhất của họ là giữ chế độ, nghĩa là thực ra là giữ quyền lợi cho chóp bu của Đảng Cộng Sản Việt Nam thôi, còn quyền lợi của quốc gia, dân tộc bị xem nhẹ, nên người dân rất lo lắng trước tình hình đó.” Mặc dù thừa nhận Hà Nội đã “thay đổi quan điểm” và có “bước ngoặt tương đối quan trọng” trong mối quan hệ Việt-Trung sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông năm 2014, nhưng theo nhà báo Võ Văn Tạo, quá trình “thoát Trung” và mở rộng quan hệ với các cường quốc, đặc biệt là với Mỹ, của Việt Nam hiện nay đang diễn ra “quá chậm”, khiến cho ông và nhiều người dân “vô cùng sốt ruột”. Sự kiện hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan đến Biển Đông diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper lên tiếng chỉ trích Trung Quốc “gây bất ổn” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước đó, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Hội nghị Bộ Trưởng Ngoại Giao ASEAN cũng chỉ trích Bắc Kinh đã có hành động “cưỡng ép” trên Biển Đông. Trả lời báo chí về thông điệp của sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan ở Biển Đông trong bối cảnh đang có nhiều căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng, trong đó có Việt Nam, Chuẩn Đô Đốc Mỹ Karl Thomas được AP dẫn lời nói sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ là nhằm “giúp mang lại an ninh và ổn định, thúc đẩy các cuộc đàm phán ngoại giao”. Khánh An -: VOA
......

Hồng Kông Dậy Sóng.

HỒNG KÔNG - CUỘC CHIẾN KHÔNG MỎI MỆT Amy Truc Tran Sáng thứ 2, 05/08/2019, Hồng Kông tê liệt vì cuộc tổng đình công của người dân toàn thành phố. Các cơ sở thương mại đều đóng cửa, các hệ giao thông như bus, metro, sân bay đều bị xáo trộn và ảnh hưởng nặng nề. Đài phát thanh, truyền hình chính thức RTHK nhìn nhận ít nhất 1/3 nhân viên điều khiển lưu thông hàng không đã đình công, khiến 200 chuyến bay bị huỷ. Bất chấp lời đe dọa của Bắc Kinh và đặc khu trưởng Carrie Lam, nhiều cuộc đụng độ với cảnh sát cũng như sự đàn áp khốc liệt của nhà cầm quyền đã diễn ra, nhưng người dân vẫn cương quyết xuống đường. Người Hồng Kông ý thức rõ đó là cái giá phải trả cho tự do. PRAY FOR HONG KONG!!   GIAO THÔNG HỒNG KÔNG GẦN NHƯ TÊ LIỆT TRƯỚC THỀM CUỘC ĐẠI ĐÌNH CÔNG Trần Đình Thu Tình hình Hồng Kông không còn đơn giản là biểu tình chống luật dẫn độ nữa mà dường như đã manh nha chuyển qua một cấp độ mới. Bà Carrie Lam đặc khu trưởng nói sáng nay trong cuộc họp báo là những người biểu tình đang thách thức chế độ, thách thức mô hình chính trị hiện tại. Hôm nay trên 100 chuyến bay đến Hồng Kông đã bị hủy sau lời kêu gọi tổng đình công của giới công chức vào hôm qua. Các chuyến tàu tốc hành tại Hồng Kông cũng bị ngưng. Nếu xảy ra đại đình công, tình hình Hồng Kông sẽ rất khó dự đoán. Có vẻ như chính quyền trung ương Bắc Kinh và chính quyền Hồng Kông đang lúng túng trong việc giải quyết. Một giải pháp “phản biểu tình” có vẻ được nhà cầm quyền tổ chức, đó là dùng những người thân chính quyền hoặc những người trong lực lượng tuyên truyền viên tập trung trước sứ quán Mỹ để phản đối Mỹ can thiệp vào Hồng Kông, nhưng giải pháp này chắc chắn không có ý nghĩa gì nhiều. Trong những ngày tới tình hình Hồng Kông nói riêng và Trung quốc nói chung sẽ không còn yên tĩnh.
......

Putin làm chư hầu Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng - Người Việt| Tạp chí Economist tuần này kể chuyện Bộ Trưởng Quốc Phòng Nga Sergei Shoigu qua thăm Tajikistan, xứ nghèo nhất trong các nước Trung Á đã tách khỏi Liên Bang Xô Viết sau năm 1991. Ông Shoigu đi thanh tra Sư Đoàn 201, với 7.000 quân, đạo quân Nga đông nhất đóng ở nước ngoài. Khi ông Shoigu tới ăn tại “Lâu Đài Sĩ Quan,” một khách sạn lớn của quân đội ở Dushanbe, thủ đô Tajikistan, thì thấy trên tường phòng ăn treo một bức chân dung lớn của Tập Cận Bình. Khách sạn này do Trung Quốc viện trợ, tiệm ăn trong đó là quán cơm Tàu. Không phải chỉ có khách sạn. Trung Cộng cũng viện trợ xây cất dinh tổng thống và trụ sở quốc hội nước Tajikistan. Hệ thống điện thoại của Bộ Ngoại Giao được người Tàu đem biếu, bộ phận “trả lời tự động” lúc đầu chỉ nói tiếng Trung Hoa. Trung Cộng cũng làm đường, xây trường học, và cho chính phủ Tajikistan vay $1,3 tỷ, bằng một nửa toàn thể số nợ của nước này. Trung Cộng khai thác mỏ vàng, bạc trong xứ, cung cấp nhà máy điện và các máy chụp hình kiểm soát giao thông ở ngã tư. Quân Trung Cộng đóng trong vùng biên giới giữa Afghanistan, Tajikistan và Pakistan. Sĩ quan Tajikistan được huấn luyện ở Thượng Hải. Chính phủ Nga vẫn coi vùng Trung Á, trước đây thuộc Liên Xô, là “sân sau” của mình, về kinh tế cũng như quốc phòng. Nhưng Vladimir Putin không còn kiểm soát được các nước chư hầu nữa. Quân Trung Cộng thao dượt ở Tajikistan, không cần báo cho chính phủ Nga biết. Ngược lại, Putin đang biến nước Nga thành một chư hầu của Trung Cộng. Quan hệ Nga-Trung đã thay đổi. Stalin coi Cộng Sản Trung Hoa là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế. Gorbachev coi Giang Trạch Dân là ngang hàng. Nhưng bây giờ ngôi vị đảo ngược. Nga chiếm Crimea năm 2014, rồi xâm lăng Ukraine, bị các nước Tây phương phong tỏa kinh tế. Vì thế Putin đã quay về phía Đông. Tập Cận Bình mở vòng tay Panda ôm con gấu Nga, ký một thỏa ước 30 năm, mua 400 tỷ $ dầu khí của Nga. Nga xóa bỏ các hạn chế đầu tư ngoại quốc riêng cho các xí nghiệp Tàu. Sẵn sàng bán các loại vũ khí không phải hạt nhân. Nga lệ thuộc Tàu về kinh tế. Năm 1989 Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) của Nga lớn gấp đôi của Trung Quốc, dù dân số ít hơn. Năm nay, GDP của nước Tàu bằng sáu lần nước Nga. Trung Quốc đứng hàng thứ nhì mua hàng hóa của Nga, sau Liên Hiệp Âu Châu; và mua nhiều dầu, khí của Nga nhất. Trong số dự trữ ngoại tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nga, có 14% là đồng Nguyên, tiền Trung Quốc. Khác với đô la Mỹ hay đồng Euro, đồng Nguyên không thể đem bán nhanh chóng trong thị trường thế giới khi cần. Trung Cộng càng phát triển thì càng cần nhập cảng năng lượng; đã được Putin mở cửa bán rẻ. Một nửa số dụng cụ khai mỏ dầu ở Nga do Trung Cộng cung cấp. Trung Cộng cho Rosneft, doanh nghiệp nhà nước của Nga vay tiền mua các công ty nhỏ, đổi lại sẽ bảo đảm được bán dầu. Một công ty quốc doanh của Bắc Kinh làm chủ 20% dự án khai thác dầu vùng bắc cực của Novatek, công ty dầu khí của Timchenko, một trong các tỷ phú thân cận với Putin. Hệ thống ống dẫn dầu từ Nga sang Trung cộng Trước đây Nga nắm độc quyền đặt ống dẫn dầu trong vùng Trung Á, nay đang bị Trung Cộng lấn đất. Trước đây, một công ty Nga kiểm soát hết các ống dẫn dầu ở Kazakhstan, một nước trước đây thuộc Liên Xô. Nay, dầu lửa từ Kazakhstan chảy thẳng qua Trung Quốc bằng một hệ thống dẫn dầu mới. Nhiều người Nga lo sợ nhất, là nước Nga dựa vào Trung Cộng khi thiết lập hệ thống viễn thông mới, gọi là 5-G. Trong tương lai, một nửa mạng Internet ở Nga sẽ do Trung Cộng đặt nền móng. Trung Cộng có kinh nghiệm nhất trong việc kiểm soát và đàn áp dân. Họ cung cấp cả hệ thống lẫn các dụng cụ giúp Putin kiểm soát dân Nga. Putin nhờ công ty Huawei thiết lập các điện thoại 5-G, bất chấp những báo động của giới tình báo. Tổng Thống Donald Trump đã cấm các xí nghiệp Mỹ không được mua đồ của Huawei vì mối lo này. Hệ thống viễn thông 5-G có một nhược điểm là rất dễ bị “xâm nhập phá hoại” (hacking). Hệ thống 5-G chạy nhanh gấp 20 lần các máy móc cũ. Không chỉ dùng để thông tin như máy móc bây giờ, nay mai các “điện thoại” có thể điều khiển nhà máy, sai bảo các “robot” làm việc trong nhà, mở cửa đóng cửa, mở tủ lạnh, nấu ăn, trông coi trẻ em, điều khiển xe chạy điện hay máy bay nhỏ… Hệ thống viễn thông mới có thể trở thành vũ khí. Cựu Trung Tướng Robert Spalding đã viết một bài báo động các nước mua hàng của Huawei hoặc ZTE vì họ bán giá rẻ về nguy cơ nếu Trung Cộng bán và đặt các dụng cụ viễn thông. Spalding mô tả các thành phố có thể biến thành bãi chiến trường: Thử tưởng tượng có lúc những chiếc xe điện bỗng dưng chạy bừa bãi, đâm nhau và cán người đi bộ. Những máy bay nhỏ không người lái (drone) lao vào động cơ các phi cơ chở khách! Ông lên tiếng: Phải gạt Huawei và ZTE ra khỏi các nước tự do dân chủ. Hệ thống 5-G sẽ được áp dụng trong kỹ thuật chiến tranh. Thử tưởng tượng một toán đang hành quân trong rừng, mỗi người lính đi cách đồng đội hàng trăm mét. Họ biết ai đang ở chỗ nào, nhờ cái máy “đồng hồ điện thoại” đeo trên tay. Hệ thống này không cần đến vệ tinh nhân tạo như GPS, mà trực tiếp truyền từ máy này tới máy khác. Một binh sĩ bị trúng mìn hay đạn của quân địch, ngã bất tỉnh. Cái “đồng hồ” có “sensor” thấy ngay tình trạng khẩn cấp, báo động cho các bạn. Cái đai anh lính đeo ở chân hay tay tự động thắt lại để cầm máu; mũi kim tự động chích thuốc và toán cấp cứu ở xa được báo động ngay. Lập tức, cái “đồng hồ” cũng đưa ra ngay một đội hình tác chiến dựa trên tin tức mới biết về vị trí quân địch. Chiến xa không người lái chạy đến tăng cường. Cùng lúc dó, trực thăng cấp cứu bay ngay tới chỗ anh lính bị thương vì biết anh ta đang ở đâu. Thử tưởng tượng, nếu bên địch có thể làm nhiễu loạn cả hệ thống thông tin của đạo quân này, liệu còn đánh nhau được nữa hay không? Ông Alexei Navalny, một thủ lãnh đối lập còn sống sót ở Nga, cảnh cáo Tổng Thống Putin đang làm cho nước Nga lệ thuộc vào Trung Quốc, trong chính trị và cả trong các kỹ thuật tân tiến; khi Putin để cho Trung Cộng chiếm gần như độc quyền cung cấp các khí cụ từ bên ngoài nước Nga. Bất cứ nhà lãnh đạo nào, sau Putin, cũng không thể gỡ nước Nga thoát khỏi vòng lệ thuộc đó. Navalny nói: “Ông Putin đang biến người lãnh đạo Nga sắp tới trở thành ‘con tin’ của Trung Quốc. Họ sẽ khó mà buộc được chính quyền Trung Quốc phải thiết lập một quan hệ bình đẳng, được dân Nga chấp nhận. Leonid Kovachich, một nhà báo Nga chuyên về công nghiệp tân tiến, tiết lộ rằng các khoa học gia Nga đều biết mối nguy nếu để cho Trung Cộng xâm nhập vào lãnh vực kỹ thuật mới, và họ đang cố gắng kiến tạo các chương trình, các ký mã trong nhu liệu, phần mềm, hoàn toàn độc lập với các dụng cụ của Trung Quốc. Nhưng các máy móc, thuộc phần cứng thì vẫn mua của nước Tàu. Tại sao Vladimir Putin để nước Nga lâm vào tình trạng lệ thuộc này? Vì Putin không có cách nào khác, sau khi bị các nước Âu, Mỹ cấm vận. Hai cái đầu con diều hâu trong huy hiệu nước Nga bây giờ quay cùng một phía, phía Đông. Nhưng còn một lý do thực tế hơn, là các tay đầu nậu (oligarch) chung quanh ông Putin đang hưởng lợi nhờ khai thác quan hệ kinh tế với Trung Quốc để hốt bạc. Họ tích cực vận động cho chính sách “ngả sang Tàu” của Vladimir Putin. Gennady Timchenko, trước đây bán dầu cho Châu Âu kiếm hàng tỷ Mỹ kim, nay làm ăn với người Tàu; đang làm chủ tịch Hội Đồng Thương Mại Nga-Trung. Nhưng các xí nghiệp Trung Quốc không thích đầu tư vào nước Nga, ngoài lãnh vực dầu khí. Họ đem tiền kinh doanh ở Mỹ hoặc Âu châu vì những xứ đó có hệ thống pháp luật đáng tin cậy! Khi làm ăn, ai cũng muốn được luật pháp bảo vệ, mà tinh thần trọng pháp thì ông Putin đã xóa ở nước Nga mất rồi! Không phải chỉ có nước Nga đang bị dẫn đi sai đường. Tất cả những nước quá tin tưởng vào Trung Cộng cũng vậy. Liệu Việt Nam có thể thoát khỏi cái bẫy này không?
......

Tân Chủ tịch Ủy ban Châu Âu bà Ursula Von der Leyen sẽ khiến cho TQ phải phiền não !?

Chính sách bành trướng của TQ đang vấp phải sự phản đối mãnh liệt từ ông Trump. Nhưng sắp tới sẽ còn có thêm 1 nhân vật nữa khiến cho TQ phải đau đầu hơn nữa. Dưới đây là những thông tin cụ thể.Tháng 10 năm ngoái, khi bà Ursula Von der Leyen đến thăm Trung Quốc với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng Đức, bà đã có những phát biểu phê phán nhưng vẫn theo phong cách ngoại giao. Thay vì phê phán trực tiếp đường lối ngoại giao cứng rắn của Chính quyền Bắc Kinh, bà dẫn lại lịch sử nước Đức: "Đức trong quá khứ đã từng nhiều lần quá hùng mạnh và quá lấn át. Tham vọng sức mạnh đã dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột." Phản ứng của các quan khách có mặt tại Bắc Kinh hôm đó khá lạnh nhạt, họ chỉ vỗ tay một cách dè dặt. Lạnh nhạt cũng là phản ứng của Chính quyền Trung Quốc đối với việc bầu bà Von der Leyen giữ chức Chủ tịch Ủy ban Châu Âu. Bắt đầu từ tháng 11 năm nay, bà sẽ trở thành nhà lãnh đạo của hơn 30.000 nhân viên của Ủy ban này và là gương mặt đại diện cho Liên minh Châu Âu. Bên cạnh các lãnh đạo, nguyên thủ của 28 quốc gia trong Liên minh, bà Ursula Von der Leyen sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các mâu thuẫn xung đột trong tương lai.Và trong quá trình đó, Liên minh Châu Âu sẽ thường xuyên phải đàm phán trao đổi với 3 cường quốc mạnh nhất thế giới là Mỹ, Nga và Trung Quốc. Thế lực ngày càng trỗi dậy của Trung Quốc trên thế giới đã được bà Ursula Von der Leyen đặc biệt nhắc đến một cách trực diện hơn nhiều trong một cuộc phỏng vấn với tờ Thời báo Đức "Zeit" tháng 1 năm nay, tức là chỉ vài tháng sau chuyến thăm Bắc Kinh: "Chúng ta đã quá thiếu sót khi không để tâm đến vấn đề Trung Quốc". Trung Quốc không thể hiện sức mạnh quân sự nhiều như Nga, nhưng: "Trung Quốc thể hiện quan hệ với chúng ta một cách hữu nghị, và chính vì vậy chúng ta thường không nhìn thấy họ đã theo đuổi các mục tiêu đằng sau đó của họ như thế nào. Họ thật là khôn ngoan." Bà Von der Leyen phê phán chính sách bành trướng Những lời phát biểu rõ ràng của bà Von der Leyen chắc hẳn sẽ không được lòng chính quyền Trung Quốc. "Đối với Trung Quốc, rõ ràng là bà Von der Leyen không phải là ứng viên mong muốn cho chức vụ Chủ tịch Ủy ban Châu Âu" - đó là phát biểu của ông Bernhart Bartsch, chuyên gia về Trung Quốc của Viện Bertelsmann. Bà Von der Leyen trong những năm gần đây đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, bà nhìn nhận mối quan hệ với Trung Quốc sẽ là thách thức trọng tâm trong việc ổn định trật tự toàn cầu. Bà Ursula Von der Leyen đến thăm Trung Quốc với vai trò là Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Theo ông Bartsch: "Cùng với một số ít chính trị gia Châu Âu khác, bà Von der Leyen đã công khai kêu gọi nhìn nhận một cách nghiêm túc thế lực đang trỗi dậy của Trung Quốc, trao đổi thẳng thắn về các vấn đề phát sinh và đối diện với Trung Quốc với tinh thần thống nhất của Châu Âu". Bà Von der Leyen giờ đã có thể hướng sự quan tâm của Ủy ban Châu Âu tới vấn đề tỷ giá đáng quan ngại của đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Người tiền nhiệm của bà, ông Jean-Claude Juncker trước kia đã quá quan tâm cân nhắc đến việc giữ cho quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu không bị ảnh hưởng. Nhưng chính quyền Trung Quốc đặt Liên minh Châu Âu trước ngày càng nhiều vấn đề: yêu cầu về việc mở cửa thị trường một cách công bằng đã không được phía Bắc Kinh thực hiện, sự kiểm soát của Nhà nước đối với các tập đoàn lớn ngày càng tăng lên cũng như việc trấn áp những nhóm đối lập và những tộc người thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Việc phê phán những vấn đề đó của Trung Quốc không phải là sự kiện mới. Bà Von der Leyen đang đi theo xu hướng ở Châu Âu, đó là nhận xét của ông Thomas Eder, một nhà nghiên cứu trong Chương trình quan hệ quốc tế của Viện Mercator chuyên nghiên cứu về Trung quốc (Merics). Ông Eder nói: "Nhìn nhận vấn đề Trung Quốc một cách nghiêm túc hơn không phải là do bà Von der Leyen mới khởi xướng mà là một xu hướng ở Châu Âu được bà tiếp nối". Chỉ có điều bà Von der Leyen sẽ làm điều đó theo cách riêng của mình: bà nổi tiếng là người diễn đạt một cách rất ngoại giao - nhưng đồng thời được đánh giá là người rất có khả năng thực hiện những điều mình đã nói.Trong bài phát biểu tranh cử của mình trước Nghị viện Châu Âu, bà Von der Leyen cũng đã thể hiện rõ ràng việc bà đánh giá đường lối chính sách của Bắc Kinh đang đi ngược lại với con đường của Châu Âu. Tuy bà Von der Leyen không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng bà muốn nhắm đến nước nào thì đã rõ. Theo như ông Bartsch thì: "Nhà nữ chính khách của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo CDU (tức bà Von der Leyen) đã đề cập đến các nước đang trở nên độc tài hơn, dùng tiền để mua ảnh hưởng trên toàn cầu, tạo ra sự phụ thuộc thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng và theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch". Ngay trong bài phỏng vấn với tờ Thời báo Đức "Zeit", bà Von der Leyen đã phê phán chính sách bành trướng của Trung Quốc: "Người Trung Quốc đang bành trướng một cách âm thầm và từng bước một". Sau Thế Chiến thứ 2, nước Mỹ chú trọng đến việc xây dựng các liên minh và lòng tin, trái lại Trung Quốc quan tâm tới việc tạo ra những sự phụ thuộc về kinh tế. Rõ ràng thông qua Dự án cơ sở hạ tầng "Con đường tơ lụa mới" mà trong đó Bắc Kinh cung cấp các khoản tín dụng với quy mô lớn, các nước như Srilanka đã bị đẩy vào thế phụ thuộc về kinh tế. "Cái giá phải trả là nguồn nguyên liệu thô, mở cửa thị trường và ủng hộ Trung Quốc trên các diễn đàn quốc tế", bà Von der Leyen nói. Tổng thống Pháp Macron mong muốn chấm dứt "thời kỳ ngây thơ" Trước hết, bà Von der Leyen có đồng quan điểm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông Macron mong muốn chống lại "sự ngây thơ" trong mối quan hệ với Trung Quốc. Mới cách đây vài tuần, bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka (Nhật Bản ), Tổng thổng Pháp đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm xây dựng một liên minh đối trọng với Trung Quốc.Đối với phía Châu Âu, việc đắc cử của bà Von der Leyen là một tin tốt lành. Trong mấy tháng gần đây, Ủy ban Châu Âu đã đưa ra bàn thảo một Kế hoạch gồm 10 điểm nhằm xây dựng một Chính sách tự chủ hơn của Châu Âu đối với Trung Quốc. "Bà Von der Leyen chắc chắn sẽ ủng hộ Kế hoạch" - ông Bartsch, chuyên gia về Trung Quốc, nói. Ngay cả với Nghị viện Châu Âu, bà cũng có thể hợp tác tốt về vấn đề Trung Quốc: "Tại Nghị viện, chính sách đối với Trung Quốc cũng do một chính khách Đức của Đảng Xanh, ông Reinhard Buetikofer, phụ trách. Ông này là một trong những người có năng lực nhất về xây dựng Chính sách của Châu Âu đối với Trung Quốc, và ông cũng có cùng quan điểm với bà Von der Leyen trong vấn đề này". Điều này không nhất thiết phải dẫn tới việc đe dọa ảnh hưởng đến quan hệ thương mại giữa hai bên, theo như ông Eder, nhà nghiên cứu của Viện Mercator, chừng nào những "lằn ranh đỏ" mang tính biểu tượng không bị vượt qua, ví dụ như việc gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng. Những tháng hè này sẽ được bà Von der Leyen tận dụng để soạn thảo chiến lược riêng của mình./. Theo vietbf.com
......

Từ vụ Scarborough, Việt Nam cần khởi kiện ngay Trung Quốc

Lý Thái Hùng / Web Việt Tân| Sự kiện nhà cầm quyền CSVN đã đưa ra tuyên bố đến ba lần, từ ngày 16 đến 27 tháng Bảy vừa qua, để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trong đó có Bãi Tư Chính, là một hành động tích cực. Hành động này cho thấy lãnh đạo CSVN đã nhìn ra bài học của Philippines, khi Bắc Kinh dùng chiến thuật đưa nhiều tàu: hải giám, kiểm ngư và đánh cá trá hình đến bao vây bãi cạn Scarborough, đánh bật Philippines ra khỏi khu vực này. Việc nhà cầm quyền Trung Cộng cố tình phớt lờ yêu cầu của Hà Nội, tiếp tục duy trì tàu hải giám và cho giàn khoan HD 8 di chuyển quanh khu vực Bãi Tư Chính như hiện nay, cho thấy là Bắc Kinh vẫn nuôi ý đồ chiếm khu vực này. Nếu Việt Nam không nhanh chóng lên phương án kiện Trung Quốc để lôi kéo Tòa Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc (PCA) thì khó ngăn chặn tham vọng của Bắc Kinh. Khủng hoảng Scarborough nổ ra khi máy bay tuần tra của hải quân Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough vào ngày 8 tháng TƯ, 2012. Lập tức, Manila đã cử soái hạm BRP Gregorio del Pilar tiếp cận và bắt các ngư dân Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách vừa cáo buộc Philippines đã đem tàu hải quân để quân sự hóa tranh chấp, vừa điều tàu hải giám đến ngăn chặn Philippines bắt ngư dân. Kể từ đó, hai bên bị lôi vào cuộc tranh chấp chủ quyền quyết liệt ở bãi cạn Scarborough. Chiến thuật của Bắc Kinh dùng trong vụ chiếm bãi cạn Scarborough là huy động một số lượng tàu đông gấp nhiều lần so với số tàu mà Philippines đưa tới để giải cứu soái hạm BRP Gregorio del Pilar. Sau đó, tàu hải giám Trung Quốc đã phối hợp với các ngư dân của họ, bất ngờ dựng lên một hàng rào dây thừng quanh bãi cạn Scarborough để cô lập ngư dân Philippines. Song song, Bắc Kinh gây áp lực kinh tế bằng cách làm khó vụ nhập khẩu chuối từ Philippines và nhất là cắt giảm các phi vụ của hãng hàng không Trung Quốc đến Manila, khiến cho số lượng du khách Trung Quốc đến Philippines sụt giảm đột ngột. Trong bối cảnh căng thẳng đó, Philippines đã phải nhờ Hoa Kỳ đứng làm trung gian đàm phán. Sau nhiều tuần lễ nhóm họp, Bắc Kinh và Manila đã đồng ý một thỏa thuận là sẽ cùng rút lui khỏi khu vực tranh chấp. Thật ra, trong trận đấu liên tục từ đầu tháng Tư đến giữa tháng Sáu, 2012, Philippines kiệt sức vì bị lấn át về số lượng tàu để canh giữ, nên đã lấy lý cớ tránh bão để rút các tàu ra khỏi bãi cạn Scarborough sau khi có thỏa thuận; trong khi đó Trung Quốc vẫn giữ lại 6 tàu (gồm 3 tàu hải giám, 3 tàu ngư chính) tại bãi cạn và 26 tàu các loại khác hiện diện chung quanh khu vực bãi cạn. Sau khi tàu của Philippines rút đi, Trung Quốc cho xây dựng một rào chắn tại lối vào nhỏ của bãi cạn. Bắc Kinh cho một số tàu chấp pháp canh gác ngay lối vào này để ngăn chặn những tàu đánh cá của ngư dân Philippines tiếp cận khu vực. Kể từ cuối tháng Sáu, 2012 trở đi, Philippines coi như mất quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough mà Manila đã tuyên bố chủ quyền từ năm 1946. Chính vì hành động xâm lược trắng trợn này mà Philippines đã nộp đơn lên Tòa Trọng Tài Thường Trực Liên Hiệp Quốc (Permanent Court of Arbitration – PCA) để khởi kiện Bắc Kinh theo Công Ứớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) vào ngày 22 tháng Giêng, 2013. Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện và đến ngày 12 tháng Bảy, 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực đã công bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tòa phán quyết rằng: Trung Quốc không có “các quyền lịch sử” dựa trên cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” như đã rêu rao, và việc xây dựng các đảo nhân tạo là trái phép. Với kinh nghiệm của Philippines, đây là lúc Việt Nam phải sử dụng biện pháp pháp lý hơn là dùng công hàm ngoại giao hoặc hô hào chống đối theo kiểu xoa dịu sự phẫn nộ của người dân. Nếu thật sự nhà cầm quyền CSVN nhận thức rằng đoàn kết dân tộc là vũ khí sắt bén nhất để bảo vệ sự tồn vong của đất nước và lãnh hải, thì đây là cơ hội tốt nhất để Bộ Chính Trị CSVN can đảm khởi kiện Bắc Kinh trước tòa án PCA. Lý do là những phản ứng yếu ớt hiện nay chỉ càng khiến Trung Quốc nhún vai, cười khẩy và lì lợm hơn trong quyết sách cướp biển trắng trợn của họ từ bấy lâu nay mà thôi. Lý Thái Hùng https://viettan.org/tu-vu-scarborough-viet-nam-can-khoi-kien-ngay-trung-quoc/  
......

Trận Waterloo của hoàng đế Tập? – Bước leo thang nguy hiểm ở Tư Chính

Tân Phong| Phần 1: Bước leo thang nguy hiểm ở Tư Chính Hành động xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Bắc Kinh ở bãi Tư Chính thuộc vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế Việt Nam cùng với việc triển khai lực lượng viễn chinh ở quân cảng Sihanoukville của Cambodia cho thấy Trung Quốc đang ngày một dấn sâu hơn những nước cờ nguy hiểm cho an ninh và tự do hàng hải trong khu vực nhằm nỗ lực thay đổi cục diện địa chính trị, quân sự tại Biển Đông bằng các hoạt động khai thác dầu khí kết hợp với sức mạnh áp chế về quân sự. Xung đột ở bãi Tư Chính thuộc Việt Nam sẽ không dừng lại. Địa chiến lược của khu vực này có vai trò then chốt trong tham vọng “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Thời điểm vàng cho một cuộc xung đột hạn chế với Việt Nam tiến tới ép Hà Nội phải chấp thuận một thỏa thuận “hợp tác chung” tại địa điểm này chính là thời gian chính quyền Donald Trump bận rộn cho mùa bầu cử tiếp theo, khi chảo lửa Iran đang chực sôi trào, cũng như vấn đề Triều Tiên chưa ngã ngũ với nhiều toan tính. Nếu khả năng này xảy ra, thì tương lai Biển Đông trở thành vùng “nội thủy” của Trung Quốc sẽ diễn ra trong vài năm tới. Điều này là một thảm họa cho không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước đang chia sẻ lợi ích chung tại Biển Đông sẽ đều chịu rủi ro. Tháng Bảy, 2016, phán quyết của tòa quốc tế PCA phủ nhận những yêu sách không thể chấp nhận và vô căn cứ của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”. Nhưng trên thực tế, kể từ sau phán quyết PCA, Trung Quốc đã liên tục đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông, gia tăng các hoạt động “xói mòn chủ quyền” của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á một cách hệ thống và liên tục. Sự nhu nhược và toan tính thiển cận của Hà Nội và Manila trong thời gian dài, cũng như lòng tham vô hạn của Hunsen đã trao cho Trung Quốc rất nhiều cơ hội để dễ dàng chia rẽ một cộng đồng các nước ASEAN thiếu đoàn kết, ngày một củng cố sức mạnh quân sự tại vùng biển chiến lược, bận rộn nhất thế giới. Trên bàn cờ Biển Đông, Trung Quốc đang nắm thế chủ động và lợi thế “đi trước” so với “tứ giác kim cương” Mỹ – Nhật – Úc – Ấn. 8 năm cầm quyền của Tổng Thống Obama, với sự “rụt rè” đáng ngạc nhiên của người Mỹ ở Biển Đông, thời gian đã đủ cho Trung Quốc hiện đại hóa hạm đội, xây dựng chuỗi đảo nhân tạo – là những vùng đảo chiếm được của Việt Nam vào năm 1974, 1988 ở Hoàng Sa, Trường Sa, xâm chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines 2012, hình thành một hiện trạng cực kỳ bất lợi cho chủ quyền các quốc gia có vùng lãnh hải chồng lấp với yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa những gì đang xảy ra ở Tư Chính, Việt Nam với cuộc xâm lược Ba Lan của Hitler 80 năm trước. Vào 1 tháng Chín, 1939 quân đội Đức Quốc Xã nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Ba Lan. Các cấu trúc phòng thủ của Ba Lan đã nhanh chóng tan vỡ vì tương quan lực lượng, trình độ kỹ thuật quân sự, vũ khí, chiến thuật quá chênh lệch, bị tấn công cùng lúc bởi cả hai lực lượng hùng mạnh là Đức Quốc Xã và hồng quân Liên Xô – thời gian đầu của Thế Chiến Thứ Hai, Liên Xô và Đức Quốc Xã còn là đồng minh của nhau. Một lý do khác nữa khiến lực lượng hơn 1 triệu quân Ba Lan sụp đổ nhanh chóng trong vòng 3 tuần lễ là phản ứng chậm chạp của quân đồng minh đã không kịp thời tiếp viện cho Ba Lan vì những toan tính chính trị thiển cận. Sự sụp đổ nhanh chóng của “đại bàng trắng Châu Âu” khiến cho vùng đất chiến lược Trung Âu lọt vào tay Hitler để làm bàn đạp thuận lợi cho các cuộc xâm lược toàn Châu Âu sau đó dễ dàng. Dường như lịch sử đang lặp lại. Nếu coi Biển Đông là một vùng đồng bằng rộng lớn thì địa chiến lược khu vực này có vai trò quan yếu hơn nhiều so với Ba Lan đối với Châu Âu. Trong tương lai không xa, khi con kênh đào Kra xuyên qua miền Nam Thái Lan được các tập đoàn Trung Quốc hoàn thành, Bắc Kinh sẽ vẽ lại bản đồ địa kinh tế chính trị toàn bộ Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Khi đó, các lực lượng hải không quân của Trung Quốc đồn trú tại Cambodia, Tư Chính, Trường Sa, Hoàng Sa sẽ kiểm soát những hải trình giá trị nhất thế giới. Đó là một viễn tượng đen tối mà không ai muốn chứng kiến. Hoạt động khảo sát dầu khí tại khu vực bãi Tư Chính, Việt Nam của nhóm tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng với đội tàu hùng hậu bảo vệ gồm các tàu hải cảnh 12.000 tấn mã hiệu 3901, tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014, Haijing 37111, Haijing và Zhonguo Haijing 46303, tàu hải giám 3402…, ngay trong thời gian chuyến đi thăm Trung Quốc kéo dài 4 ngày của bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân là một toan tính “nhất tiễn hạ song điêu” thâm hiểm của Bắc Kinh. Cần nhắc lại chuyến đi của bà Nguyễn Thị Kim Ngân từ ngày 8 đến 12 tháng Bảy, 2019 là thay mặt cho ông Nguyễn Phú Trọng vì lý do sức khỏe đã không đi “chầu thiên triều” để báo cáo về kế hoạch đại hội đảng và nhân sự chủ chốt nhiệm kỳ tiếp tới. Việc tái lập lại tình trạng xung đột căng thẳng ở bãi Tư Chính sau khi đã ép Việt Nam hủy bỏ liên doanh với Repsol ở dự án khai thác dầu khí Cá Rồng Đỏ năm 2017 tại thời điểm này có một chủ ý rõ ràng. Thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến người Mỹ từ “phép thử” Tư Chính lần này là Việt Nam đã hoàn toàn chấp thuận “bàn giao” hay đồng ý “hợp tác” với Trung Cộng tại các vùng biển trọng yếu, giàu tài nguyên của mình. Tuy nhiên, diễn biến ở Tư Chính đã không diễn ra đúng như “kế hoạch”. Phản ứng khá mạnh mẽ của cảnh sát biển và hải quân vùng 2, Việt Nam có lẽ làm cho Trung Quốc bất ngờ. Mặc dù vậy, điều khó hiểu ở đây là “dàn hợp xướng” hơn 800 tờ báo chí trong nước dưới cái đũa chỉ huy của Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Võ Văn Thưởng và Bộ Trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng đã “câm như hến” suốt 18 ngày kể từ động thái quân sự đầu tiên của Trung Quốc bắn thử nghiệm 6 tên lửa ASMB đối hạm loại mới vào hai khu vực riêng rẽ ở vùng biển Trường Sa và 11 ngày sau khi tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 cùng đội tàu bảo vệ tiến vào bãi Tư Chính. Tất cả lãnh đạo cao cấp CSVN đều không hề đả động đến hai chữ húy kỵ “Tư Chính”, ngay cả khi tin tức trên các tờ báo nước ngoài và mạng xã hội đã phổ biến rộng rãi. Sự xuất hiện “đôi tháng một lần” của ông Tổng Tịch Nguyễn Phú Trọng trong thời điểm này lại là cuộc gặp mặt các cán bộ công đoàn cơ sở với lo ngại trước “thông tin xuyên tạc” của những “thế lực thù địch”. Có vẻ như, điều ông ta lo ngại là những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc năm 2014 có thể lặp lại chứ không phải là chủ quyền quốc gia bị xâm phạm. Một nguồn tin nội bộ cho biết, lần này, một bộ phận từ phía quân đội và giới chức lãnh đạo phía Nam đã không đồng quan điểm với những chóp bu CSVN và sự việc không diễn ra như Hà Nội mong muốn. Ngày 17 tháng Bảy, 2019, báo “lề phải” của Việt Nam mới lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc là kẻ xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là lần hiếm hoi, báo chí trong nước đã được “tháo rọ mõm” khi có loạt bài phản đối hành động “yêu cho roi cho vọt” của người bạn “16 chữ vàng” của Đảng CSVN. Mặc dù, việc quốc tế hóa những xâm phạm chủ quyền trắng trợn của Trung Quốc tại lãnh hải Việt Nam là biện pháp tự vệ tốt nhất, nhưng xem ra Hà Nội không muốn làm điều này. Trong các cuộc xung đột về lãnh thổ từ sau 1988, Việt Nam luôn là kẻ thua cuộc và chấp nhận thiệt thòi. Một cụm từ luôn được Bắc Kinh nhắc nhở những “đứa con hoang đàng” là phải “hướng tới tương lai”, “giữ gìn đại cục”. “Đại cục” ở đây không chỉ hàm nghĩa là hòa bình và lợi lộc cho những chóp bu và Đảng CSVN. Đó còn là “tính chính danh” của thể chế – những thỏa thuận bí mật mà lãnh đạo hai đảng cộng sản thỏa thuận với nhau trong quá khứ để đánh đổi lấy lợi quyền cho đảng phái nhưng phương hại quyền lợi và chủ quyền quốc gia nếu bị Bắc Kinh công bố thì sẽ là dấu chấm hết cho Đảng CSVN. Xem ra, những động thái truyền thông và đấu tranh ngoại giao yếu ớt, muộn màng của Hà Nội chẳng có tác dụng gì đáng kể để ngăn cản một cuộc xâm lược đã được chuẩn bị chu đáo. Tư Chính sẽ là một Gạc Ma thứ 2 nhưng “êm ái” hơn và cái giá phải trả sẽ đau đớn hơn rất nhiều. 25/7/2019 Tân Phong (còn tiếp) https://viettan.org/tran-waterloo-cua-hoang-de-tap-buoc-leo-thang-nguy-hiem-o-tu-chinh/  
......

Dân Biểu Chris Hayes phát biểu trước Quốc Hội Úc: Chính phủ Úc có bổn phận bảo vệ ông Châu Văn Khảm

Dân Biểu Chris Hayes| DÂN BIỂU ÚC CHRIS HAYES: VIỆT NAM LÀ QUỐC GIA GIAM GIỮ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NHIỀU NHẤT TRONG KHU VỰC. CHÍNH PHỦ ÚC CÓ BỔN PHẬN BẢO VỆ ÔNG CHÂU VĂN KHẢM Trước Quốc Hội Liên Bang Úc, hôm 23 tháng Bảy, 2019, Dân Biểu Úc ông Chris Hayes đã mạnh mẽ lên án nhà cầm quyền CSVN gia tăng các hoạt động trấn áp các nhà bất đồng chính kiến, trong đó có ông Châu Văn Khảm, đảng viên Đảng Việt Tân. Ông yêu cầu chính phủ Úc phải có bổn phận bảo vệ và đòi hỏi nhà nước Việt Nam phải trả tự do ngay tức khắc cho ông Châu Văn Khảm. Sau đây là toàn văn bài phát biểu trước Quốc Hội của ông: DÂN BIỂU LIÊN BANG CHRIS HAYES: Tôi xin lưu ý Quốc Hội về trường hợp ông Châu Văn Khảm, một người Úc tranh đấu cho dân chủ hiện đang bị giam giữ tại Việt Nam. Kể từ khi bị bắt vào ngày 15 tháng Giêng, ông Khảm đã bị nhà cầm quyền Việt Nam giam giữ đến nay mà không qua xét xử. Ông Khảm hiện đang bị điều tra về cáo buộc có hành vi chống đối Đảng Cộng Sản Việt Nam, bao gồm âm mưu lật đổ chính quyền. Việt Nam là quốc gia giam giữ những người hoạt động ôn hoà nhiều nhất trong vùng. Những quyền công dân căn bản như quyền tự do phát biểu, lập hội và tụ họp ôn hoà bị giới hạn trầm trọng. Đảng Cộng Sản kiểm soát hệ thống tòa án, đưa ra những bản án tù nặng nề cho những nhà hoạt động bị kết những bản án vi phạm an ninh quốc gia mơ hồ. Nước Úc cần làm tất cả những gì trong khả năng để bảo đảm công dân mình không trở thành nạn nhân của một nhà nước nổi tiếng về việc trừng phạt nặng nề cho những ai dám chỉ trích chế độ. Trường hợp của ông Khảm cần được giải quyết nhanh chóng và nước Úc phải đòi hỏi Việt Nam phải miễn xét xử và trả tự do vĩnh viễn cho ông Khảm. Ông Khảm là một gương mặt nổi bật trong cộng đồng người Việt hải ngoại qua việc ông quảng bá và bênh vực nhân quyền, dân chủ và công bằng xã hội. Trong nhiều năm qua ông Khảm đã nỗ lực phơi bày các hành động trấn áp quyền tự do phát biểu và những hoạt động ôn hoà bởi chính phủ Việt Nam. Cách đây 6 tháng, ông Khảm đi Việt Nam để tìm hiểu thực tế và đã không trở về. Kể từ khi bị bắt, ông Khảm chỉ được sự thăm viếng hàng tháng của lãnh sự quán Úc qua sự canh chừng của nhà nước, giới hạn quyền phát biểu tự do của ông. Trong suốt tiến trình điều tra ông đã bị từ chối quyền được có luật sư biện hộ. Cuộc điều tra đã bị triển hạn tới tháng Chín và có thể bị triển hạn thêm nữa. Nhiều phần là buổi xử án sẽ không công khai ,sẽ không công bằng vì các toà án ở Việt Nam hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước Cộng Sản. Tôi đã gặp bà Khảm và hai người con trai của ông bà, họ rất lo lắng về số phận của ông Khảm. Càng ngày họ càng quan ngại về sức khoẻ thể chất và tinh thần của ông. Gia đình ông Khảm và Cộng Đồng Người Việt tại Úc kêu gọi Chính Phủ Úc hãy đem người công dân Úc đã 70 tuổi này trở về nhà. Đây là một người đã đóng góp tốt đẹp cho xã hội chúng ta. Ông ta đã đến nước Úc này cách đây 30 năm. Chính phủ Úc có bổn phận bảo vệ công dân mình. Vì vậy, tôi yêu cầu chính phủ áp lực nhà cầm quyền Việt Nam nhanh chóng giải quyết trường hợp ông Khảm và đòi trả tự do không điều kiện cho ông Khảm. https://viettan.org/dan-bieu-chris-hayes-phat-bieu-truoc-quoc-hoi-uc-chinh-phu-uc-co-bon-phan-bao-ve-ong-chau-van-kham/
......

Báo The Guardian: Ông Châu Văn Khảm bị nhà cầm quyền CSVN không cho gặp luật sư biện hộ

Van Kham Chau was arrested in Ho Chi Minh City in January for allegedly trying to overthrow the state and for entering the country on false documents. Photograph Hannah Ellis-Petersen - The Guardian - The Guardian Ông Châu Văn Khảm đã bị giam giữ 6 tháng qua và bị từ chối không cho gặp luật sư để biện hộ. Phát ngôn nhân của Hội Ân Xá Quốc Tế cho biết “Trường hợp của ông Khảm cho thấy sự vô lý của hệ thống pháp luật của Việt Nam, khi bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia thì ngay cả việc được luật sự biện hộ cũng không được có. Bất cứ ai cũng có quyền được xét xử công bằng và được quyền biện hộ thoả đáng.” Sau đây là bản dịch Việt ngữ của bài báo từ The Guardian *** QUAN NGẠI CHO SỐ PHẬN CỦA CÔNG DÂN ÚC BỊ GIAM CẦM KHÔNG XÉT XỬ Ở VIỆT NAM Ông Châu Văn Khảm, 70 tuổi, bị cáo buộc tội làm phản, đã bị giam giữ 6 tháng và không được phép có luật sư biện hộ. Bài viết của Hannah Ellis-Petersen, The Guardian Các tổ chức nhân quyền và thân nhân ông Khảm đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng của ông, một công dân Úc tuổi 70, đã bị giam giữ 6 tháng nay tại Việt Nam dù chưa bị buộc tội danh nào. Ông Khảm, vượt biên từ Việt Nam đến Sydney vào thập niên 1980, bị bắt giữ tại TP.HCM vào tháng Giêng, bị cáo buộc dùng giấy tờ giả để vào Việt Nam để “âm mưu lật đổ chính quyền.” Gia đình ông Khảm và Hội Ân Xá Quốc Tế xác nhận là ông đã bị từ chối không được có luật sư biện hộ trong tiến trình điều tra, vì vậy thông tin về hoàn cảnh của ông rất giới hạn. Tuy nhiên, cáo buộc tội làm phản mà ông đang bị điều tra có thể dẫn đến án tù 20 năm, thậm chí tử hình. Ông Khảm là một đảng viên đảng Việt Tân, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ bị nhà nước Việt Nam gán cho nhãn hiệu khủng bố, và các thành viên thường bị bắt giữ khi đặt chân đến Việt Nam (nếu bị phát hiện). “Trường hợp của ông Khảm cho thấy sự vô lý của hệ thống pháp luật của Việt Nam, khi bị cáo buộc vi phạm an ninh quốc gia thì ngay cả việc được luật sự biện hộ cũng không được có,” một phát ngôn viên của Hội Ân Xá Quốc Tế cho biết. “Bất cứ ai cũng có quyền được xét xử công bằng và được quyền biện hộ thoả đáng.” Theo vợ ông là bà Trang, và con trai Daniel, ông Khảm đã bị bắt khi đang tiếp xúc với một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ khác, tại TP Hồ Chí Minh và bị tống giam. Họ chưa được phép thăm viếng ông Khảm trong tù, thay vào đó chỉ được chuyển thư từ qua ngả lãnh sự quán Úc tại Việt Nam. Theo đài ABC cho hay, trong một lá thư từ nhà tù vào tháng Năm vừa qua, ông Khảm cho biết “sức khoẻ tốt, nhưng tinh thần tôi có sa sút.” Con trai ông Khảm nói những lời buộc tội ông Khảm là “lố bịch.” “Ông là người yêu nước nồng nàn, chỉ mong ước những điều tốt đẹp nhất cho đồng bào trong nước,” anh Daniel nói với ABC. Ông Khảm bị bắt giữ trong bối cảnh một cuộc trấn áp rộng lớn bởi nhà nước Việt Nam đối với những người chỉ trích chế độ. Theo Hội Ân Xá Quốc Tế, số tù nhân lương tâm bị giam giữ sai trái trên khắp Việt Nam đã tăng lên 1 phần 3 tới con số 129 người. Tháng Sáu vừa qua, Nguyễn Ngọc Anh, một nhà hoạt động môi trường, đã bị kết án 6 năm tù vì đã viết bài chỉ trích nhà nước trên Facebook. Công dân nước ngoài cũng là mục tiêu. Cũng trong Tháng Sáu, ông Michael Nguyễn Minh Phương, một công dân Hoa Kỳ, đã bị kết án 12 năm tù vì bị kết tội âm mưu lật đổ chính quyền. Tháng Tám năm ngoái, 2 người Mỹ đã bị án tù 14 năm với cáo buộc tội âm mưu lật đổ. Cả hai là thành viên của tổ chức Chính Phủ Lâm Thời Quốc Gia Việt Nam, một tổ chức tranh đấu cho dân chủ đặt cơ sở tại California. Nguồn: The Guardian  
......

Bài phát biểu của Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Mỹ

Toàn văn bài phát biểu của Bà Thái Anh Văn - Tổng thống Đài Loan - tại Đại học Columbia ở New York ngày 12/7/2019. Kim Chi Được lời mời tới phát biểu ở đây, nơi tiền phong về tự do ngôn luận và sự đa dạng quả là vinh hạnh lớn lao. Tôi tốt nghiệp trường Luật Cornell năm 1980, hôm nay trở lại môi trường đại học ở New York làm sống lại bao kỷ niệm. Đời sống ở New York những năm 1980 quả là đã mở mắt cho người sinh viên trẻ đến từ Đài Loan hồi đó chẳng thể nào dám coi là cái nôi của dân chủ. New York lúc đó với chuẩn mực về sự đa dạng cùng với các quan điểm khác nhau cùng tồn tại và hôm nay đứng đây tôi vui sướng thấy rằng điều này ở New York vẫn trường tồn và không hề thay đổi. Câu chuyện về ‘sự thay đổi’ chính là điều tôi muốn nói hôm nay. Đó là câu chuyện Đài Loan. Đó là câu chuyện về một hành trình của hòn đảo không xa Trung Hoa lục địa đã tìm ra cho mình con đường dân chủ hoá và đã nêu tấm gương cho thế giới về bước đi lên tới nền dân chủ. Trong thời kỳ đầu của sự quá độ về mặt chính trị, người ta bảo có dân chủ nào tồn tại được dưới cái bóng của Trung Quốc? Vậy mà Đài Loan hôm nay là biểu hiện của một xã hội dân chủ rộng rãi và hệ thống chính trị vững mạnh. Người ta còn bảo hòn đảo tài nguyên hạn hẹp với số dân có 23 triệu người thì làm được trò trống gì trong nền kinh tế toàn cầu. Vậy mà nay chúng tôi đã trở thành đối tác kinh tế đứng thứ 11 trong số các đối tác lớn nhất của Hoa Kỳ. Người ta còn nói các giá trị tiến bộ là sao mà bén rễ được ở xã hội Đông Á. Nhưng hôm nay tôi đứng đây là người phụ nữ đầu tiên làm Tổng thống Đài Loan, và chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở châu Á thực hiện hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính. Câu chuyện Đài Loan có vẻ như là không thể nào thành công. Người ta còn bảo chúng tôi là thể hiện sự kỳ diệu của dân chủ, nhưng bản thân tôi không bao giờ tin rằng trên đời này có ‘sự kỳ diệu’ nào cả. Mà tôi tin vào ý chí của người dân, tôi đặt niềm tin vào tầm nhìn của nhân dân về một thế giới tốt đẹp hơn. Cũng như nước Mỹ, con đường tiến lên dân chủ của chúng tôi cũng thật gian nan, cũng có máu đổ, cũng thật khó nhọc với bao mồ hôi và nước mắt của tiền nhân. Giờ đây thế hệ chúng tôi phải gánh vác trọng trách và tiếp tục gương cao bó đuốc soi sáng con đường cho các quốc gia vẫn đang trên hành trình hướng tới dân chủ. Trọng trách trên vai chúng tôi thật nặng nề, và con đường đang đi đâu phải dễ dàng. Bởi những thử thách ở trước Đài Loan hôm nay lại hoàn toàn khác với những thử thách mà chúng tôi đã vượt qua trong những thập kỷ trước. Những thử thách ấy cũng là điều mà tất cả quốc gia dân chủ của thế giới trong thế kỷ 21 phải đương đầu. Vì sao như vậy? Bởi vì nền tự do trên thế giới hiện đang đứng trước sự đe doạ chưa từng có trong lịch sử. Chúng ta thấy sự đe doạ đó đang diễn ra tại Hồng Kông. Vì không có phương tiện nào khác để lên tiếng, giới trẻ đã xuống đường để đấu tranh đòi tự do trong một xã hội dân chủ. Nhân dân Đài Loan chúng tôi sát cánh với những thanh niên dũng cảm ấy. Kinh nghiệm của Hồng Kông với cái gọi là “một quốc gia, hai thể chế” là bài học cho thế giới thấy rõ hơn bao giờ hết rằng độc tài không thể nào cùng tồn tại với dân chủ. Khi có dịp là thể chế độc tài sẽ bóp chết dân chủ, chỉ cần một tia sáng yếu ớt hé lên ánh dân chủ thôi thì cũng đã bị dập cho phải tắt. Hành trình dân chủ có thể từ từ như giọt nước thấm vào đất, chỉ nhẹ như làn gió và dường như người ta không cảm thấy điều đó đang diễn ra. Thử tưởng tượng: Bộ máy độc tài càng ngày càng làm cho đời sống con người bị bó chặt. Bỗng nhiên một ngày quán sách bị đóng cửa vì bán sách cấm. Bỗng nhiên người ta bị đưa đi thẩm vấn vì đã đăng bài trên mạng xã hội phê phán chính sách gì đó của nhà nước. Quý vị đang yên đang lành, bỗng dưng lại cảm thấy như bị một thế lực vô hình kiểm soát từng bước đi. Vậy là quý vị bắt đầu phải ngẫm lại để tự kiểm duyệt lời nói và cách tư duy của mình. Quý vị không dám bàn thế sự với bạn bè như trước vì sợ lời nói của mình sẽ bị ai đó nghe. Quý vị phải dành bao thời gian cảnh giác trước sau để được an toàn thì còn đâu thời gian để suy nghĩ về tương lai chi nữa. Từ giảng đường Đại học Columbia đây, điều tôi đang nói có vẻ như lạ lùng lắm, như xa xôi lắm. Nhưng trên thực tế, tình cảnh ấy đang diễn ra ngay trước mắt. Bởi vậy chính lúc này đây, câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện Đài Loan cần phải được thế giới nghe thấy. Đó là câu chuyện về sự kiên trì hướng tới dân chủ, là câu chuyện về lòng quyết tâm với mục tiêu dân chủ sẵn sàng vượt qua mọi trở lực. Câu chuyện của chúng tôi là câu chuyện tại sao các giá trị vẫn phải là nền tảng bền vững. Vực sâu ngăn cách sự khác biệt về chính trị và văn hoá nơi eo biển Đài Loan mỗi ngày mỗi sâu hơn. Mỗi ngày Đài Loan chọn cho mình tự do ngôn luận, quyền cho con người và nền pháp trị là mỗi ngày chúng tôi trôi ra xa hơn khỏi cái vòng ảnh hưởng của độc tài toàn trị. Câu chuyện của chúng tôi, sự tồn tại của chúng tôi chính là điều đánh thức thế giới rằng dân chủ là tài sản quý báu nhất của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ dân chủ bằng mọi giá. Từng ngày từng ngày, Đài Loan đứng vững trên tiền tuyến của dân chủ, đương đầu với các thử thách mới đầy cam go, đầy khác biệt chỉ có ở kỷ nguyên công nghệ thông tin. Nhưng chúng tôi không đơn độc. Thực tế là các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, trên thế giới đều đang phải trong trận chiến chống lại sự xâm nhập trong cuộc chiến tranh kiểu mới về nhận thức từng ngày. Các chính phủ độc tài toàn trị muốn khai thác sự tự do ngôn luận đặc thù của xã hội dân chủ để gieo mầm chia rẽ chúng ta, những mong sẽ làm cho chúng ta phải nghĩ lại về hệ thống chính trị của mình và chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào dân chủ. Đài Loan đã ở nơi tiền tuyến của cuộc chiến ấy ròng rã bao nhiêu năm rồi, nhờ đó mà chúng tôi cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với thế giới. Ở kỷ nguyên kỹ thuật số, thông tin sai sự thật có thể được biến hoá thành sự thật chỉ trong vài giờ đồng hồ. Nhưng thử thách lớn nhất để chống lại sự đe doạ này là chúng ta phải tìm được sự cân bằng giữa một bên là an ninh quốc gia và một bên là tự do ngôn luận. Ở Đài Loan, chúng tôi đã thực hiện các bước đầu tiên coi vấn đề này là chính sách ưu tiên. Chúng tôi đã củng cố sức mạnh của hệ thống pháp lý nhằm xác định và ngăn cản sự lan toả của thông tin sai sự thật. Chúng tôi đang đi sâu vào vấn đề chống rò rỉ tin tình báo bởi các thế lực bên ngoài. Cùng với hệ thống chia sẻ tin tình báo mạnh mẽ hơn với các quốc gia khác, chúng tôi sẽ nâng cao được năng lực làm việc tốt hơn nhằm ngăn chặn các đe doạ loại này. Nhưng dân chủ cũng phải đương đầu với các thử thách khác nữa, nhất là trong vấn đề lấy đòn bẩy kinh tế treo theo các điều kiện ngầm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang bị người ta đặt vào vị thế phải chọn một bên là dân chủ, một bên là phát triển kinh tế và vấn đề lựa chọn thế nào là đúng lại càng ngày càng trở nên mù mờ hơn. Nhưng khi nào tôi còn ở cương vị Tổng thống, thì Đài Loan sẽ còn tiếp tục chứng minh cho thế giới thấy rằng dân chủ và tăng trưởng kinh tế không chỉ có lợi cả hai mặt và là hai vấn đề thực sự gắn chặt với nhau. Nền kinh tế của chúng tôi đã từng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc làm cho sự chủ động của chúng tôi bị giới hạn trong các vấn đề song phương. Trung Quốc đã triệt để khai thác sự lệ thuộc này, lấy đó làm phương tiện xâm nhập xã hội chúng tôi, nhằm tạo cơ sở làm con bài để mặc cả đòi chúng tôi phải lấy nền dân chủ của mình ra để đánh đổi. Nhưng Đài Loan đã quyết tâm theo đuổi con đường khác để phát triển kinh tế. Nền dân chủ sẽ ý nghĩa gì nếu để mất đi mảnh đất gieo mầm cho sự sáng tạo và nuôi dưỡng ý tưởng mới được trở thành hiện thực? Chúng tôi đã dấn bước cải cách nền kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư dễ dàng nhờ đó đã đạt được con số kỷ lục các công ty Đài Loan trở về. Cũng nhờ thế mà các công ty nước ngoài, nhất là các công ty lớn cũng mở rộng đầu tư và hoạt động tại Đài Loan. Chỉ trong năm nay, các công ty này đã đầu tư hàng tỷ đô la Mỹ vào nền kinh tế của chúng tôi và tạo ra hàng vạn việc làm. Dòng chảy đầu tư sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những năm trước mắt. Chúng tôi đã làm việc không mệt mỏi để đóng vai trò tích cực xây dựng trât tự thương mại khu vực dựa trên các quy định pháp luật và xây dựng mối quan hệ thương mại vững mạnh hơn với các thị trường ở vùng Nam Á và Đông Nam Á. Chính sách mới của chúng tôi hướng về phía Nam đã mang lại mức tăng trưởng vượt bậc ở khu vực trong ba năm qua và điều quan trọng hơn nữa đó là sự tăng trưởng thực sự bền vững. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới bị rơi vào hoàn cảnh là nạn nhân của cái bẫy vốn vay, chúng tôi trụ vững với chính sách nhấn mạnh sự hợp tác phải là sự phát triển bền vững cho cả đôi bên, và các quốc gia đối tác của chúng tôi ở Nam Á và Đông Nam Á là minh chứng cho sự có lợi của cả hai bên trên cơ sở đó. Trong khi Trung Quốc tập trung vào thủ đoạn cướp giật đồng minh của chúng tôi nhằm cô lập chúng tôi, chúng tôi vẫn kiên quyết thực hiện các dự án với mục tiêu làm sao cho cả hai bên đối tác đều phải trở thành các quốc gia tốt hơn cho đời sống con người. Chúng tôi cũng đang giúp cho các quốc gia trên thế giới xây dựng năng lực kinh tế và năng lực dân chủ nhằm tạo dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho thế kỷ 21 với hệ thống hạ tầng rõ ràng về cấu trúc cơ bản và công nghệ số. Một lần nữa, Đài Loan mang tới cho thế giới một hình mẫu về sự phát triển tích cực và phát triển tiến bộ. Chúng tôi từ chối bị thao túng bởi các hành vi đe doạ nhằm nuốt sống chúng tôi, và chúng tôi vẫn từng bước chứng minh rằng sự hợp tác thành thực và công khai sẽ mang lại kết quả thật sự và lâu dài. Chúng tôi đã thành công trong lĩnh vực điều chỉnh để thích ứng với các thử thách đặt ra bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, không phải vì chúng tôi bất chấp dân chủ mà chính vì chúng tôi có dân chủ nên mới thành công. Hệ thống dân chủ của chúng tôi đã làm cho chúng tôi trở thành quốc gia thân thiện với các các ý tưởng đa dạng và các phát kiến có đất dụng võ, tạo cho quốc gia có sự linh hoạt để phá đi những khuôn mẫu mòn mỏi nay đã lỗi thời. Nhân câu hỏi quý vị đặt ra rằng làm thế nào để lựa chọn giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế, tôi xin đáp rằng sự lựa chọn đã rõ ràng: dân chủ và tăng trưởng kinh tế là hai mặt không thể tách rời. Lịch sử đã cho chúng ta bài học rằng các quốc gia dân chủ có sức mạnh nhất khi thống nhất hành động và yếu nhất khi bị chia rẽ. Nếu không có Đài Loan, liên minh quốc tế giữa các quốc gia đồng chí hướng sẽ mất đi sự nối kết mấu chốt trong nỗ lực đảm bảo các giá trị của chúng ta sẽ được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Đài Loan hiên ngang là một minh chứng hiếm có về một quốc gia vừa đã từng nếm mùi độc tài chuyên chế nay lại là quốc gia tiên phong cho dân chủ trong thời hiện đại. Chính vì lẽ đó điều càng quan trọng hơn bao giờ hết là cộng đồng quốc tế hãy ủng hộ một Đài Loan tự do và dân chủ. Sự sống còn của Đài Loan không phải chỉ là trong mối quan hệ xuyên eo biển. Đài Loan là ngọn hải đăng của nền dân chủ ở vùng Ấn Độ -Thái bình dương, và cả thế giới đang theo dõi chặt chẽ những tiền lệ chúng tôi đặt ra cho tương lai của nền dân chủ. Là một thành viên của cộng đồng thế giới các quốc gia đồng chí hướng, chúng tôi biết rằng chúng tôi không đứng một mình. Xin nhắc lại lời của Herbert Hoover "Tự do là cánh cửa mở ra đón ánh sáng của tinh thần nhân văn và nhân phẩm của con người”. Thử thách ở phía trước quả là không dễ dàng, nhưng cộng đồng quốc tế sát cánh với chúng tôi. Đài Loan luôn đứng vững với quyết tâm của mình. Cùng nhau, chúng ta sẽ làm cho ánh sáng của tinh thần ấy chiếu lên mọi nơi trên thế gian, chỉ cần rằng chúng ta chọn cách mở cánh cửa và trực diện với tương lai đang chờ phía trước. Nguyên văn tiếng Anh President Tsai attends discussion session at Columbia University https://english.president.gov.tw/News/5776   Bình luận của ông Tô Văn Trường: Bài phát biểu của bà Tổng thống Đài Loan ngày 12/7/ 2019, thực sự gây ấn tượng trên toàn thế giới vì chưa có tiền lệ. Bà Thái Anh Văn đã đề cập đến một trong những vấn đề cốt lõi nhất của lịch sử thế giới hiện đại là vai trò của tư duy chính trị và bản lĩnh người lãnh đạo một quốc gia nhỏ bé muốn tồn tại và vươn lên khi phải đối mặt với những thách thức sống còn. Với chủ đề quan trọng và mang tính khái quát cao như vậy, bằng ngôn từ xúc tích và lập luận chặt chẽ, phát biểu của bà thực sự gây ấn tượng mạnh không chỉ với các chính trị gia mà còn đối với tất cả những ai đọc bài phát biểu của bà. Bài nói của bà xuất hiện đúng vào lúc giới lãnh đạo Trung Quốc đang thực hiện chiến thuật quen thuộc "đẩy lửa ra bên ngoài". Họ đang gây hấn với nhiều nước trên nhiều bình diện để kích động tâm lý dân tộc Đại Hán, đánh lạc hướng và xoa dịu những căng thẳng trong nước do suy giảm kinh tế, do những bất ổn bùng phát ở Tân Cương và Tây Tạng. Bà đã phân tích Đài Loan văn minh, kinh tế phát triển, được thế giới tôn trọng là do có song hành dân chủ về kinh tế và chính trị. Đài Loan cũng từng phải trải qua giai đoạn ban đầu tập trung quyền lực, nhưng sau đó họ đã dân chủ về chính trị. Câu chuyện dân chủ ở Đài Loan có thể đánh đổ luận điểm cho rằng: các nước Á Đông phải chuyên quyền, tập trung vì chưa có văn hoá dân chủ, nên nếu dân chủ sẽ loạn. Kinh tế Đài Loan có thời gian dài đã từng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc lấy kinh tế đe doạ thì Đài Loan đã có chiến lược phát triển để giữ độc lập và không bị đe doạ bởi Trung Quốc. Và kinh tế Đài Loan vẫn phát triển rất tốt. Đây là bài học vô cùng quan trọng về phát triển kinh tế cho những nước bên cạnh Trung Quốc. Và cũng là bài học cho các nước khác, trong đó có cả một số nước Châu Âu đang bị Trung Quốc gây sức ép. Về chính trị, Đài Loan bị coi là một phần của Trung Quốc, lại bị cô lập về ngoại giao, và cũng ở sát với Trung Quốc nhưng họ vẫn tồn tại độc lập. Họ không thể chấp nhận ý thức hệ và miếng mồi “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc vì thực tế diễn ra ở Hồng Kông hơn 20 năm nay cho thấy chế độ độc tài và dân chủ không thể cùng tồn tại. Nước ta chuẩn bị Đại hội khóa 13 của đảng cầm quyền, đang bàn về cải cách, đổi mới chính trị. Cốt lõi vẫn là vấn đề dân chủ. Dân chủ là tài sản quý giá nhất của nhân loại. Hiến pháp nước ta đã quy định rõ các quyền cơ bản của dân, Đảng khẳng định lấy dân làm gốc, mọi việc đều do dân, vì dân, dân biết dân bàn dân làm dân kiểm tra. Thế nhưng các quyền cơ bản của dân bị xâm phạm, quan chức vô cảm, tham nhũng hoành hành, lò của Tổng bí thư đốt được củi này thì củi khác sinh ra, đốt không xuế, chỉ vì thể chế đã bị lợi ích nhóm thao túng, không có cơ chế để thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đổi mới kinh tế mà hệ thống chính trị vẫn y nguyên 30 năm, trong khi thế giới thay đổi mạnh mẽ nhanh chóng, người dân không được tự do, các ý tưởng đổi mới sáng tạo bị thui chột, thì làm sao theo kịp thế giới? Tổng kết 150 thành lập các đảng xã hội dân chủ cho thấy có hai con đường đi đến chủ nghĩa xã hội: bằng con đường dân chủ dựa vào sức mạnh của quần chúng thì thành công, bằng chuyên chính thì chưa thấy nước nào thành công. Mọi người dân ai cũng muốn có tự do dân chủ, trong lựa chọn cách sống, cách làm việc của mình hòa hợp với cộng đồng mình đang sống, và góp sức cho cộng đồng ngày một tốt hơn, trong đó có mình. Không thể áp đặt một cách sống mà người dân không muốn. Không thể cưỡng chế buộc người dân làm cái việc mà dân không chấp nhận. Không thể độc quyền chân lý và áp đặt lên dân cái mà người dân không muốn. Đài Loan không viện dẫn lý do là sống bên cạnh ông láng giềng lớn hung hăng như Trung Quốc thì phải nhẫn nhịn, chịu thiệt để đổi lấy hoà bình và yên ổn. Đó cũng là điểm rất đặc biệt rút ra từ bài diễn văn của Tổng thống Đài Loan. Dân Đài Loan hoàn toàn Á Đông. Vậy mà họ phát triển kinh tế mạnh mẽ cùng với văn minh, dân chủ phương Tây. Xã hội Đài Loan văn minh, được người dân hài lòng, khác hẳn với xã hội Trung Quốc lục địa hôm nay. Những gì có thể suy ngẫm rút ra từ bài phát biểu của bà Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, hẳn mỗi người Việt Nam bình thường cũng có thể thấy rõ, nhất là trong tình hình nước sôi lửa bỏng hiện nay của mối quan hệ Trung-Việt. Xin kết luận bằng lời của Winston Churchill: "Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”. Tô Văn Trường      
......

Vai trò ngày càng tăng của EU ở Biển Đông

Yêu cầu của EU đòi phải được thừa nhận là một bên tham gia về chính trị và an ninh ở châu Á không phải là mới. Tham vọng của họ có một ghế tại EAS và gần đây hơn là địa vị quan sát viên tại Nhóm chuyên gia ADMM+ là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, xoay quanh đòi hỏi chính là thừa nhận giá trị thực tế của EU đối với an ninh khu vực. Bởi vậy, việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách và hành động của EU ở Biển Đông là điều hợp lôgích. Tóm tắt - Liên minh châu Âu (EU), khối thương mại lớn nhất thế giới, có lợi ích sống còn trong việc duy trì một khu vực Biển Đông tự do, an toàn và ổn định. Trong quá khứ, EU thường bị cáo buộc “ngồi không hưởng lợi” trước các nỗ lực của Mỹ, gần đây họ đã trở nên chủ động hơn – kết quả của chính sách đối ngoại thực dụng hơn của tổ chức này, sự cảnh báo lớn hơn đối với khả năng gây gián đoạn của Trung Quốc và tham vọng gia tăng ảnh hưởng an ninh của nước này ở châu Á. - Trong khi lập trường của Brussel đối với vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ cam kết theo nguyên tắc đối với pháp quyền, những chia rẽ giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU đưa ra một chính sách thống nhất và gắn kết đối với những điểm nóng an ninh đang bùng cháy của khu vực. - Do nhiều hạn chế về cơ cấu và hoạt động của mình, đóng góp của châu Âu trong việc giảm bớt căng thẳng khu vực diễn ra dưới hình thức các biện pháp an ninh đa dạng hóa, có giới hạn ở cấp hai khu vực (EU-ASEAN) và đa phương (trong nội bộ ARF). - Sự hiện diện và các hoạt động quân sự của hải quân Pháp và Anh trong các vùng biển khu vực phục vụ những lợi ích của EU và chứng minh cho những lo ngại ngày càng tăng ở châu Âu đối với việc tôn trọng quyền tự do hàng hải (FON) và việc áp dụng chung luật pháp quốc tế. - Khi EU nỗ lực có được địa vị quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), việc xây dựng khả năng, chia sẻ kinh nghiệm và cách làm tốt nhất trong các lĩnh vực an ninh hàng hải phi truyền thống thiết thực vẫn là những nền tảng cho việc tăng cường sự hợp tác an ninh chính trị với Đông Nam Á. Giới thiệu EU luôn có lý do để quan tâm đến các diễn biến ở Biển Đông. Khối thương mại lớn nhất thế giới này có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định, đặc biệt là các hành lang nối khu vực này với các “nhà máy điện” kinh tế ở Đông Á. Các nước Đông Bắc Á tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU, với Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối, và chỉ riêng thương mại với Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu. EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN, và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của EU. Ngoài lợi ích kinh tế, Brussels cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Cuối cùng và quan trọng nhất là lý do căn bản đằng sau các tranh chấp Biển Đông: Chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này gây ra cho trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc đã khiến châu Âu, tự đặt mình vào vị trí là một siêu cường quy chuẩn, phải cảnh giác. Trong khi có rất nhiều lý do giải thích cho lợi ích của EU ở Biển Đông, những hành động của họ lại ít rõ ràng hơn. Thiếu các nguồn lực quân sự phù hợp, EU chủ yếu được coi là “một đối tác về giá trị”, chỉ có thể có những đóng góp hạn chế cho “câu đố” an ninh khu vực. Hơn nữa, tiềm năng của khối này lại bị xói mòn do khó khăn của các nước châu Âu trong việc duy trì một lập trường thống nhất mạnh mẽ đối với Trung Quốc, như có thể được thấy trong phản ứng yếu ớt của EU đối với phán quyết của Tòa Trọng tài (PCA) hồi tháng 7/2016. Nhưng rất nhiều điều đã thay đổi kể từ năm 2016. Brussels đã trở nên cảnh giác hơn trước tiềm năng gây gián đoạn của Trung Quốc và thực hiện một chính sách đối ngoại thận trọng hơn. Một số diễn biến bên trong cũng như bên ngoài đã thúc đẩy sự hợp nhất về an ninh và phòng thủ của EU, tăng cường uy tín của tổ chức này với tư cách là bên tham gia an ninh toàn cầu. Khi EU mong muốn có được địa vị quan sát viên tại diễn đàn ADMM+ và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), điều quan trọng đối với họ là đánh giá lại đóng góp của mình đối với an ninh khu vực – và trường hợp Biển Đông là một nghiên cứu tình huống hữu ích. Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống mang chức năng khác nhau. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay. Giữa nguyên tắc và thực tiễn Như với hầu hết các bên tham gia quốc tế không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với các vấn đề chủ quyền. Là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn và là bên tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Brussels luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Năm 2012, Đường lối chỉ đạo chính sách Đông Á khuyến khích các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, hối thúc Trung Quốc và ASEAN nhất trí về Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý. Chiến lược an ninh hàng hải EU 2014 xây dựng dựa trên sự tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ UNCLOS cũng như quyền tự do hàng hải, coi đó là cơ sở cho môi trường toàn cầu ổn định. Cuối cùng, Chiến lược toàn cầu EU (EUGS) hiện nay, được công bố hồi tháng 6/2016, cam kết một cách cụ thể “ủng hộ tự do hàng hải, kiên trì tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Luật biển và các thủ tục tố tụng của nó, khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp biển”. Chiến lược này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xây dựng năng lực biển và hỗ trợ một cơ cấu an ninh khu vực do ASEAN dẫn đầu”. Những nguyên tắc này được phản ánh bao nhiêu trong chính sách đối ngoại của EU? Việc EU không ủng hộ mạnh mẽ phán quyết của PCA đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc hồi tháng 7/2016 – chỉ vài tuần sau khi EUGS được công bố - là điều gây thất vọng. Sau một loạt tuyên bố ủng hộ luật pháp quốc tế của Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Mogherini trước khi phán quyết được đưa ra (cả mang tính cá nhân lẫn trong nội bộ G7), tuyên bố chính thức cuối cùng của Brussels đã bị suy yếu bởi những khác biệt giữa các nước thành viên vốn lo ngại về việc gây phương hại cho mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Phải chăng Brussels đã thất bại trong bài kiểm tra về khả năng của họ trong việc đóng vai trò lớn hơn về an ninh ở châu Á? Mặc dù quả thật nó phần nào đã làm xói mòn uy tín của EU là một bên tham gia có sức nặng quy chuẩn, nhưng nó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh hữu ích, đưa đến một cuộc tranh cãi công khai hết sức cần thiết trên toàn khu vực. Chính sách đối ngoại và các hoạt động theo chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã phá hoại sự thống nhất và cố kết chính trị của châu Âu. Nhưng dù sao, nó cũng góp phần mở đường cho một chính sách đối ngoại thận trọng và chủ động hơn. Các mối quan hệ song phương với Bắc Kinh và những lợi ích của cá nhân các nước thành viên tiếp tục chi phối mạnh mẽ việc ra quyết định của EU. Vấn đề châu Âu bán vũ khí cho các nước có tuyên bố chủ quyền của Đông Nam Á và chuyển giao công nghệ lưỡng dụng cho Trung Quốc – có thể được cho là góp phần tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông, làm rõ hơn nữa sự mơ hồ trong chính sách của Brussels đối với các điểm nóng khu vực. Tuy nhiên, một sự thay đổi đang diễn ra tiến tới cách tiếp cận có cơ sở, thực tế hơn đối với các vấn đề toàn cầu, như được thể hiện trong EUGS và các nguyên tắc chỉ đạo của nó. Chẳng hạn như, cái mà một số người gọi là “chính sách chính trị thực dụng mang đặc điểm châu Âu”, khái niệm “chủ nghĩa thực dụng theo nguyên tắc” đã hạ thấp mức độ tham vọng liên quan đến việc thúc đẩy dân chủ hóa, và thừa nhận tầm quan trọng của sức mạnh cứng, hối thúc cần có quyền tự trị chiến lược lớn hơn đối với EU. Trong bối cảnh Biển Đông, điều này về cơ bản có nghĩa là để EU tiếp tục can dự với Trung Quốc đồng thời duy trì sự đàm luận theo quy chuẩn và ngầm ủng hộ các hành động quân sự của các nước thành viên Liên minh. Những nguyên tắc khác của Chiến lược toàn cầu cũng được phản ánh trong cách tiếp cận đa dạng hóa của EU đối với vấn đề Biển Đông, chẳng hạn như cần xây dựng “tính kiên cường” ở các đối tác nước ngoài (việc xây dựng năng lực của các nước Đông Nam Á), ủng hộ “trật tự khu vực mang tính hợp tác” (sự hội nhập chính trị và an ninh của ASEAN) và “có đóng góp thực tế lớn hơn” cho an ninh hàng hải khu vực. Mọi người vì một người, một người vì mọi người Bất chấp sự hội nhập gia tăng về an ninh và phòng thủ kể từ năm 2016, EU vẫn còn lâu mới đạt được ước mơ lịch sử của mình là có một “quân đội châu Âu”. Với trường hợp ngoại lệ là các phái đoàn quân sự ngẫu hứng (hiện là EUNAVFOR SOPHIA ở Địa Trung Hải và EUNAVFOR ATALANTA ngoài khơi bờ biển Somali), EU không phải là một nhà nước độc lập và không có bất kỳ lực lượng hải quân thường trực nào. Nhận thức được những hạn chế trong hoạt động, Chiến lược an ninh hàng hải EU công khai khuyến khích các nước thành viên “đóng vai trò chiến lược trong việc đem lại tầm với toàn cầu, tính linh hoạt và khả năng tiếp cận”cho Liên minh, và sử dụng các lực lượng vũ trang của mình để “hỗ trợ quyền tự do hàng hải và đóng góp cho sự quản trị toàn cầu bằng cách răn đe, ngăn chặn và chống lại các hoạt động bất hợp pháp”. Hai trong ba nước thành viên có năng lực hải quân viễn dương hiện can dự tích cực vào việc bảo vệ FON ở Biển Đông. Pháp, với các vùng lãnh thổ trải khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 9 triệu km2, sự hiện diện quân sự thường trực ở New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp, tự coi mình là một bên tham gia an ninh hàng hải khu vực hợp pháp, “đủ lông đủ cánh”. Thường xuyên quá cảnh tại các vùng biển khu vực, kể từ năm 2016 Paris đã và đang lớn tiếng ủng hộ việc bảo vệ FON, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Jean-Yves Le Drian chỉ rõ tác động nguy hiểm của hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và xa hơn nữa, trong đó có Bắc cực và Địa Trung Hải. Ngoài việc bảo vệ các lợi ích chiến lược của riêng nước Pháp, Le Drian hối thúc châu Âu đóng vai trò chủ động hơn nữa trong khu vực, khuyến khích các lực lượng hải quân “phối hợp nỗ lực nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên và rõ ràng trong lĩnh vực hàng hải của châu Á”. Trong một động thái mang tính tượng trưng, sứ mệnh Jeanne d’Arc, được thực hiện hồi tháng 4/2017, bao gồm 52 nhân viên Hải quân Hoàng gia, 12 sĩ quan của các nước châu Âu khác nhau và một quan chức EU (Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương), tiến hành hoạt động đi qua Biển Đông. Năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cam kết tiếp tục các cuộc diễn tập, gia nhập lực lượng với Anh, chia sẻ “tầm nhìn, giá trị và sự sẵn sàng đạt được các mục tiêu đó”. Cả hai nước cũng chia sẻ các mối quan hệ đối tác phòng thủ chặt chẽ với Ấn Độ, Nhật Bản, Úc và Mỹ. Bất chấp khả năng Anh rời khỏi EU, những lợi ích an ninh của nước này vẫn gắn chặt với các lợi ích của châu Âu. Anh cũng ràng buộc về hợp tác phòng thủ với Pháp bởi các hiệp định Lancaster House 2010. Anh, cũng là “ngôi nhà” của các vùng biển khu vực và là thành viên tích cực trong FPDA (Hiệp định phòng thủ 5 nước gồm Anh, úc, New Zealand, Malaysia và Singapore), gần đây hơn đã có sự hiện diện nước ngoài ở Biển Đông, với việc hồi tháng 8/2018 triển khai 3 tàu nhằm phát đi “những tín hiệu mạnh mẽ nhất” về tầm quan trọng của tự do hàng hải. Việc duy trì một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại của nước Anh trong thế giới hậu Brexit. Chiến lược “nước Anh toàn cầu” cần tăng cường hợp tác quốc phòng thủ với các đối tác châu Á-Thái Bình Dương nếu Anh muốn làm yên lòng họ về cam kết lâu dài của mình đối với an ninh khu vực và các giá trị chung. Trong khi động lực thúc đẩy và hình thức các hoạt động FON của Pháp và Anh khác nhau, họ gửi đi cùng một thông điệp, đáp ứng những lợi ích của tất cả các nước thành viên EU. Do những căng thẳng gia tăng ở Biển Đông kể từ đầu năm 2019, việc các nước có cùng tư tưởng hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ FON và tuân thủ luật pháp quốc tế chung được coi là điều quan trọng. Mặc dù Brussels và Washington có thể khác nhau về lập trường và cách đối xử hiện nay của họ với Trung Quốc, nhưng họ đều có chung lợi ích trong việc duy trì một môi trường hàng hải toàn cầu tự do, dựa trên nguyên tắc. Hơn bao giờ hết, quyết tâm này có thể được cảm nhận ở Đối thoại Shangri-La mới đây. Trong bối cảnh đối địch công khai giữa Mỹ và Trung Quốc, các đại diện từ Paris, London và Brussels đều phát tín hiệu thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ và vai trò của châu Âu trong sự ổn định khu vực. Trong một bài phát biểu hùng hồn, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Parly đã tái đảm bảo sự kiên trì của Pháp trong việc bảo vệ quyền tự do của các vùng biển khu vực và cam kết sẽ gia tăng nhiều lần các hành động của Pháp tại Biển Đông. Bằng việc đến Singapore với tàu sân bay Charles de Gaulle và một đội tàu tấn công đầy đủ, Pháp đang tìm cách nhấn mạnh uy tín và ý định của mình là “nói đi đôi với làm”. Không chỉ là vẻ bề ngoài Mặc dù tàu chiến trở thành tin tức hàng đầu và các cuộc tập trận hải quân có tầm quan trọng then chốt mang tính biểu tượng, nhưng FON không phải là vấn đề duy nhất ở Biển Đông. Tình trạng bế tắc về ngoại giao do những tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết, việc khai thác cá quá mức, đánh bắt cá bất hợp pháp, không thông báo và vô nguyên tắc (IUU), tận diệt môi trường tự nhiên biển và nhìn chung thiếu sự quản lý chỉ là một vài ví dụ về những thách thức không thể giải quyết được thông qua biện pháp quân sự. Nếu châu Âu trên thực tế đóng góp vào sự ổn định khu vực, thì họ sẽ phải tận dụng tốt nhất kinh nghiệm mở rộng của mình trong việc ngăn chặn khủng hoảng, giải quyết hòa bình các tranh chấp, cùng tham gia phát triển các nguồn lực, đưa ra ý kiến chuyên môn về luật pháp quốc tế và quản trị tốt trên biển. Tăng cường năng lực và chia sẻ cách làm tốt nhất trong tất cả các lĩnh vực trên chính là thứ mà châu Âu phải làm và cố gắng làm: cả ở cấp độ đa phương, với ASEAN và trong nội bộ ARF, cũng như với mỗi nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, ASEAN vẫn là bên đối thoại chính. An ninh hàng hải là ưu tiên then chốt trong việc tăng cường hợp tác chính trị và an ninh trong Kế hoạch hành động ASEAN-EU 2018-2022, nhấn mạnh tầm quan trọng của pháp quyền, FON và việc giải quyết hòa bình các tranh chấp cùng với những vấn đề khác. Kể từ năm 2013, EU đã tổ chức 5 vòng Đối thoại cấp cao EU-ASEAN về hợp tác an ninh hàng hải, giải quyết vấn đề an ninh cảng biển, thực thi pháp luật trên biển, quản lý tài nguyên biển và ngăn chặn xung đột. An ninh hàng hải, ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải là tâm điểm của các cuộc hội thảo EU-ASEAN về vấn đề an ninh và phòng thủ được trường Đại học An ninh và Phòng thủ châu Âu (ESDC) tổ chức hàng năm kể từ năm 2014. Cuối cùng, Công cụ đối thoại EU-ASEAN khu vực tăng cường (E-READI) là một nền tảng khác nhằm thúc đẩy sự hội nhập chính trị-an ninh của ASEAN, tập trung cụ thể hơn vào chính sách ngư nghiệp, đánh bắt cá IUU và môi trường tự nhiên biển. Trong năng lực hiện nay với tư cách là đồng chủ tịch Nhóm giữa kỳ ARF về an ninh hàng hải (cùng với Việt Nam và Úc), EU đã và đang tổ chức một loạt hội thảo về thực thi pháp luật trên biển, thúc đẩy chia sẻ cách thức hành động tốt nhất và các biện pháp cụ thể để giảm bớt căng thẳng khu vực, tăng cường nhận thức về biển (MDA), mối liên hệ giữa đất liền và biển, dân sự và quân sự (cách tiếp cận toàn diện của EU đối với việc giải quyết khủng hoảng trên biển) và đánh bắt cá IUU. An ninh hàng hải và ngăn chặn xung đột nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của EU khi làm việc với từng nước đối tác Đông Nam Á. Hợp tác với Việt Nam đặc biệt “cất cánh” kể từ năm 2012. Là một phần của việc làm sâu sắc các mối quan hệ song phương, “Bộ phận đối thoại chiến lược EU-Việt Nam” đã tổ chức các cuộc hội thảo cấp cao quốc tế hàng năm về vấn đề an ninh hàng hải, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ cụ thể và chia sẻ kỹ năng và cách làm tốt nhất. Cuối cùng, giá trị quy chuẩn của châu Âu không nên bị đánh giá thấp. Nếu việc bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc toàn cầu là lợi ích chiến lược rõ ràng, thì sự can dự của nó vào việc thúc đẩy quản trị đại dương quốc tế lại ít được biết đến. Năm 2016, EU đã đi đầu trong việc thực hiện Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 14 (“chương đại dương”) trên toàn cầu. Mặc dù các vấn đề như chính trị yếu kém, quản lý mang tính cộng tác, dựa trên hệ sinh thái đối với các nguồn tài nguyên biển sống, cùng nghiên cứu và thu thập dữ liệu, cũng như hợp tác để bảo vệ môi trường biển giàu có của Biển Đông, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với việc duy trì Biển Đông, chúng còn ngày càng được thừa nhận về khả năng làm giảm bớt căng thẳng khu vực. Kết luận Yêu cầu của EU đòi phải được thừa nhận là một bên tham gia về chính trị và an ninh ở châu Á không phải là mới. Tham vọng của họ có một ghế tại EAS và gần đây hơn là địa vị quan sát viên tại Nhóm chuyên gia ADMM+ là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, xoay quanh đòi hỏi chính là thừa nhận giá trị thực tế của EU đối với an ninh khu vực. Bởi vậy, việc xem xét kỹ lưỡng các chính sách và hành động của EU ở Biển Đông – điểm nóng an ninh nghiêm trọng nhất của khu vực – là điều hợp lôgích. Trong thời gian dài, lập trường của ASEAN đối với tư cách thành viên của EU tại các diễn đàn này là nghi ngờ về sự gắn kết của Liên minh, do thành tích không may mắn của nó là hứa quá nhiều mà không làm được bao nhiêu. Hơn nữa, bị lôi kéo bởi các bên tham gia bên ngoài quan trọng khác (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc), ASEAN không coi châu Âu, vốn vẫn là một bên tham gia không đáng kể đối với an ninh toàn cầu, là bên tham gia chủ chốt để can dự. Nhưng thời gian đã thay đổi và môi trường an ninh khu vực đã trở nên đa dạng và phức tạp hơn. Trong khi những căng thẳng địa chính trị vẫn là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của bức tranh chiến lược Đông Nam Á, các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống đang nổi lên ngày càng ám ảnh ban lãnh đạo ASEAN, và những nỗ lực nhằm gạt vấn đề chủ quyền sang một bên và tập trung vào ngăn chặn xung đột, hợp tác và đối thoại chức năng ở Biển Đông đã và đang giành được chỗ đứng. Quan trọng hơn, thái độ của châu Âu đối với ASEAN và các nước thành viên của tổ chức này đã có tiến triển. Một khi tự đặt mình vào vị trí là một “đối tác tự nhiên” tự phong, Brussels đã nhận thấy rằng nếu họ muốn được nhìn nhận một cách nghiêm túc, họ phải vượt ra khỏi những cử chỉ chính trị sáo rỗng, và thay vào đó có những hành động cụ thể, thực tế để chứng minh khả năng của mình đem đến sự thay đổi tích cực. Bất chấp sự bàn luận về vấn đề an ninh được khôi phục ở Brussels, EU vẫn không phải là một bên tham gia truyền thống về an ninh và chắc chắn không phải là người làm thay đổi cuộc chơi chiến lược ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tư duy sáng tạo của nó về các vấn đề phi truyền thống, chẳng hạn như đường hướng toàn diện đối với việc xử lý khủng hoảng (rõ nhất là trong sứ mệnh chống cướp biển ATALANTA), sự tinh thông về một trật tự tốt đẹp ngoài biển, giúp đỡ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, cùng phát triển các nguồn tài nguyên và quản lý ngư nghiệp có thể là một sự đóng góp có giá trị và lâu dài cho an ninh biển khu vực - ở Biển Đông và xa hơn nữa. ADMM + là một nền tảng lý tưởng để các bên tham gia bên ngoài can dự với ASEAN trong các vấn đề an ninh phi truyền thống, và chắc chắn là EU có những kỹ năng tác chiến đầy đủ, sự tinh thông và nguồn lực để cung cấp đầu vào có giá trị. Giờ đây khi ASEAN nhận ra những lợi ích tiềm tàng của các nước không thuộc ADMM+ đang quan sát các hành động của Nhóm chuyên gia, sự can dự của Brussels đáng được cân nhắc trong bối cảnh an ninh mới và với một tư duy cởi mở. Eva Pejsova, Viện Nghiên cứu An ninh, Liên minh châu Âu. Bài viết đăng trên Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Trần Quang (gt) http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/7224-vai-tro-ngay-cang-tang-cua-eu-o-bien-dong  
......

Tập thua Trump trên mặt trận tuyên truyền

Ngô Nhân Dụng -  Người Việt Đầu Tháng Năm, 2019, Tổng Thống Donald Trump “tuýt” một thông điệp dọa tăng thêm thuế quan trên $200 tỷ hàng nhập cảng từ Trung Quốc, sau cú đánh $50 tỷ từ trước. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán từ Thượng Hải đến Thẩm Quyến tụt xuống, tổng cộng mất $487 tỷ; nhưng báo đài loan tin không nói nguyên nhân mất giá phát xuất từ Tòa Bạch Ốc. Những trao đổi trên mạng xã hội nhắc đến lời đe dọa của ông Trump đều bị cắt bỏ. Chỉ có một mạng thông tin ở Bắc Kinh có phản ứng. Đó là mạng Taoran Notes, trên diễn đàn WeChat, cũng giống như Twitter ở Mã. WeChat tên tiếng Trung Hoa là “Vi Tín” (tin thức nhỏ), do công ty Tencent (Đằng Tấn) lập ra năm 2011. Trên nguyên tắc, Taoran là mạng WeChat thuộc nhật báo kinh tế ở Bắc Kinh.   Theo mạng WeChatScope do Đại Học Hồng Kông lập ra, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất trên diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ.” Trong hình, người dân Hồng Kông cầm biểu ngữ phản đối Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, 2019. Cả tháng qua, người dân Hồng Kông liên tục xuống đường phản kháng Trung Quốc đại lục mà không thấy có dấu hiệu giảm. (Hình: AP Photo/Kin Cheung) Mạng Taoran kịch liệt đả kích ông Trump trong một bài dài 1.500 chữ, với tựa đề “Nếu không thành khẩn thì không cần đến thương thuyết, không có điều gì cần thương thuyết cả!” Taoran cảnh cáo ông tổng thống Mỹ đừng mong Trung Quốc sẽ nhượng bộ mà sẽ gánh lấy hậu quả đau đớn. Bài báo lên giọng: “Trong chiến tranh mậu dịch không có kẻ thắng! Người nào không nhìn thấy sự thật này sau một năm đấu đá, hắn được dạy một bài học, dạy đi dạy lại, cho đến khi hắn nhận ra!” Ngày hôm sau, lời đe dọa của ông Trump được loan tải vắn tắt trên một số ít báo, đài, nhưng đều dùng lời lẽ ôn hòa. Chỉ có nhật báo Nhân Dân (Bắc Kinh) đăng lại bài bình luận của Taoran trên mục WeChat của họ. Tờ báo tiếng nói chính thức của đảng Cộng Sản hiếm làm như vậy. Mạng Taoran Notes là cái gì hay là ai, ở đâu ra? Taoran ra đời năm 2015, lúc đầu bàn về đủ mọi chuyện, nhưng từ Tháng Mười, 2018, trang mạng này chuyên nói đến cuộc “chiến tranh mậu dịch” Trung-Mỹ, sau khi ông Trump tuyên chiến. Nhiều người đoán rằng Taoran do giới lãnh đạo cao cấp trong đảng Cộng Sản tạo ra để nói những điều mà họ chưa muốn nói trên các diễn chính thức. Vì không ai được phép nói những quan điểm chính sách một cách mạnh mẽ như thế. Mạng này chắc chắn có “tay trong” nên viết những điều “báo trước” các quyết định từ chóp bu trong đảng. Có lúc dư luận đều nghĩ tình hình thương thuyết Mỹ-Trung rất dễ thỏa thuận, Taoran lại đoán sắp bế tắc; quả nhiên hai ngày sau cuộc nói chuyện bị đứt đoạn. Taoran kể ra các chi tiết mà người ngoài không ai biết. Tháng Ba năm nay, Taoran tiết lộ rằng trong cuộc họp bàn giữa phái đoàn thương thuyết Mỹ-Trung, hai bên đã cãi nhau hơn hai tiếng đồng hồ chỉ vì một chữ trong một bản thảo; ngày hôm sau các báo đài của đảng đăng lại câu chuyện này. Taoran là một khí cụ thông tin tuyên truyền của Cộng Sản Trung Quốc; nhưng chỉ được dùng để chuẩn bị dư luận trong nước Tàu. Những ý kiến do Taoran nêu ra sau đó được các báo đài toàn quốc lập lại, thay đổi cách nói nhưng không thêm không bớt. Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng cung cấp tin tức và nhào nặn tình tự cho hơn một tỷ người Trung Hoa. Nhưng không gây được chút ảnh hưởng nào trong dư luận thế giới. Giới lãnh đạo Trung Cộng hầu như không quan tâm đến dư luận thế giới. Trong khi Tổng Thống Trump “tuýt” hơn 100 lần công kích các lạm dụng kinh tế và thương mại của Trung Cộng, được báo, đài Mỹ và các nước khác loan tải, thì ông Tập Cận Bình không mấy khi nói một lời. Mà khi mở miệng bàn đến chuyện này thì ông ta lại nói rất nhẹ nhàng, nhiều khi bóng bẩy. Vì vậy, trong cuộc chiến tuyên truyền, Trump đang lấn áp Tập. Trong hai năm qua dân chúng Mỹ càng ngày càng thêm ác cảm với Trung Cộng. Trong Quốc Hội, phe Dân Chủ xưa nay vẫn chống tự do thương mại còn thúc đẩy Tổng Thống Trump mạnh tay hơn, trong khi đảng Cộng Hòa vốn cổ động mậu dịch tự do cũng phải rụt rè ủng hộ ông tổng thống cùng đảng. Ngoài nước Mỹ, người ta cũng chỉ được nghe những bằng cớ và lý luận của nước Mỹ, không ai nghe tiếng nói nào của nước Tàu. Một giáo sư kinh tế học nổi tiếng, ông Dư Vĩnh Định (余永定, Yu Yongding) mới nói trong một bài thuyết trình ở Đại Học Nhân Dân, Bắc Kinh, đã kết luận: “Trung Quốc đang thua trên mặt trận tuyên truyền!” Ông hỏi: “Tại sao các công ty Trung Quốc bị tố cáo là cưỡng đoạt hoặc ăn cắp kỹ thuật của Mỹ không đứng ra cải chính, trưng ra các bằng cớ, để tự bênh vực?” Cứ im lặng như vậy, người từng làm cố vấn Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thấy rằng có những việc người Trung Quốc làm có lý nhưng cả thế giới lại thấy là phi lý, mà không người Tàu nào tự đứng ra cãi lại! Các công ty Trung Quốc không biết tự bênh vực lấy mình, vì đảng Cộng Sản không bảo họ làm thì họ không làm! Đó là sự thật. Vì guồng máy tuyên truyền của đảng bao thầu hết, như thói quen của họ từ 70 năm qua. Cho nên dư luận quốc tế chỉ được nghe nước Mỹ kể chuyện và đưa ra các lý lẽ của Mỹ. Sở trường của các Cộng Sản là bạo lực và tuyên truyền. Cộng Sản Trung Quốc nắm trong tay một guồng máy tuyên truyền mạnh nhất thế giới, trong số lượng người cũng như trong khả năng kỹ thuật tính bằng số mega-bites. Trung Cộng làm chủ dư luận trong nước Tàu, dân chúng khóc, cười theo nhịp và cường độ của Ban Tuyên Giáo. Nhưng từ khi trận đấu mậu dịch bắt đầu, họ thua Mỹ hoàn toàn trong dư luận thế giới. Một lý do là những người phụ trách tuyên truyền của họ không hiểu tâm lý các cử tọa bên ngoài nước Tàu, nhất là người Tây phương. Vì lối huấn luyện người vẫn nặng mặt nhồi sọ, các cán bộ tuyên truyền không có tập quán và khả năng tìm hiểu người khác với các quan điểm khác mình. Bộ não của họ đã bị bịt kín. Hơn nữa, họ lại không có sáng kiến để đáp ứng với các trạng huống mới lạ, nằm ngoài cách nhìn thiển cận, một chiều mà đảng dạy cho. Thiếu sáng kiến là hậu quả của lề lối làm việc hằng ngày của họ, vì lúc nào cũng bị kiểm soát, lo lắng không biết mình có “sai đường lối” hay không. Mỗi ngày phải tự kiểm điểm, cố tránh những đề tài bị cấm đoán, soi kỹ từng sự kiện cho đến từng chữ đem dùng. Ngay trên Internet, theo mạng WeChatScope do Đại Học Hong Kong lập ra để theo dõi, liệt kê và đếm các ý kiến, các bài cho đến các chữ hay bị kiểm duyệt trong lục địa, những chữ hay bị kiểm duyệt xóa bỏ nhất trên diễn đàn WeChat là “chiến tranh mậu dịch” và “Hoa Kỳ”. Ngoài các nguyên nhân chủ quan trên, một yếu tố mà guồng máy tuyên truyền của Trung Cộng không thể làm gì để thay đổi được là lòng tin. Người ngoại quốc, từ giới trí thức, ngành truyền thông, cho đến các nhà kinh doanh rồi lan ra đến người dân bình thường, thường không tin tưởng vào giới lãnh đạo Trung Cộng. Người ta đã có kinh nghiệm, cái gì từ Bắc Kinh phát ra thường không đúng sự thật. Ông Tổng Thống Trump có thể đã bị nhiều người nghi ngờ không quan tâm đến sự thật, nhưng đối với những điều giới lãnh đạo Trung Cộng nói ra thì người ta không nghi ngờ gì cả: Toàn là lời nói dối! Những thí dụ cụ thể ai cũng biết: Các sự kiện và lập luận được Bắc Kinh đưa ra liên quan đến Tây Tạng, đến người Uyghurs ở Tân Cương và nhất là những điều gian dối về Đường Lưỡi Bò trong Biển Đông nước ta. Báo đài Trung Cộng lại quen thói nói nhiều giọng điệu khác nhau, tùy theo họ nhắm vào thính chúng nào. Cho dân trong lục địa nghe, cho người Trung Hoa ở bên ngoài, hay cho công chúng các nước khác, mỗi mục tiêu được cung cấp các lời lẽ khác nhau. Tờ Nhân Dân Nhật Báo viết về cùng một tin hay cùng một quan điểm nhưng bản chữ Anh khác với bản chữ Hán. Đối với dân trong nước, họ kích thích tự ái dân tộc một cách lộ liễu, nhiều khi thô bạo. Còn với bên ngoài thì phô bày bộ mặt hòa hoãn mặc dù rất kiên quyết. Người ta không biết nên tin vào đâu. Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng khác hẳn với lối làm việc của mạng lưới truyền thông trong thế giới tự do. Ở Mỹ, người ta được dọc đủ mọi thứ ý kiến, từ các bản tuýt của Tổng Thống Trump cho tới những lời can ngăn ông hay thúc đẩy ông mạnh tay hơn. Đặc tính minh bạch, công khai và đa dạng này không có trong nước Tàu. Trước khi một nhà báo Trung Quốc “mở miệng” người ta đã biết họ không có ý kiến nào cả, họ chỉ nhắc lại theo chỉ thị từ trên ban xuống. Vì vậy, không ai có thể tin vào những điều từ Bắc Kinh nói ra, nhất là họ hay nói lấy được, không đưa ra các bằng cớ đáng tin cậy. Vì vậy, từ Tháng Năm vừa rồi, sau khi báo Nhân Dân (Bắc Kinh) đăng lại cả bài bình luận của mạng Taoran, và viết thêm bao nhiêu bài theo cùng giọng điệu đó, cả thế giới không ai để ý tới quan điểm của Cộng Sản Trung Quốc về cuộc chiến mậu dịch đang làm điên đảo các thị trường chứng khoán. Người ta chỉ theo dõi Taoran để “đọc giữa các hàng chữ” coi ông Tập Cận Bình đang tính toán gì. Nhưng đoán được hậu ý của người phương Đông, nhất là người Trung Hoa rất khó. Đó là cả một nghệ thuật. Phóng viên Bloomberg viết đến tên Taoran đã đoán rằng cái tên này chắc liên hệ tới một công viên ở Bắc Kinh, tên là Taoranting. Nhưng người Trung Hoa có họ thì biết người đặt tên mạng xã hội này đã dùng tới thơ Bạch Cư Dị (772-846), một thi sĩ cuối đời Đường. Hai chữ Taoran (Đào Nhiên, 陶然) rất văn chương, mô tả một thái độ ung dung thư thái. Câu thơ Bạch Cư Dị viết: Cánh đãi cúc hoàng gia nhưỡng thục – Dữ quân nhất túy nhất đào nhiên (更待菊黄家酿熟-与君一醉一陶然). Nghĩa là “Hãy đợi đến mùa hoa cúc vàng và rượu ấp đủ nồng – Cùng anh sẽ uống một cơn say sỉn và một cuộc sống thong dong.” Người nước ngoài thấy những lời khiêu khích trong mạng Taoran có vẻ “say xỉn, nhất túy” chứ chẳng thấy thong dong chút nào. Người ta chỉ thấy một thái độ hằn học, cay cú, thêm chút ngạo mạn khi Taoran dọa có ngày Donald Trump sẽ được dạy cho một bài học và lãnh hậu quả đau đớn! Đối với thế giới bên ngoài, Trung Cộng vẫn là hình ảnh một chế độ gian dối, lợi dụng tất cả mọi người, và hung hăng hiếu chiến. Donald Trump thắng Tập Cận Bình trên mặt trận tuyên truyền quốc tế. Ngô Nhân Dụng -  Người Việt  
......

Chính sách “thay đũa“ của Bắc Kinh, mối họa khôn lường

Đỗ Văn Ngà| Năm 1898, nước Anh ký Điều ước Bắc Kinh lần thứ hai với triều đình nhà Thanh là, Trung Quốc sẽ nhượng địa lãnh thổ Hồng Kông cho Anh Quốc 99 năm. Từ đó, dân Hồng Kông mang tiếng là thuộc địa của Anh Quốc nhưng họ đã hưởng những thứ mà người dân Trung Hoa Đại Lục không thể có được – đó là một thể chế dân chủ, một xã hội phồn vinh, và con người văn minh. Khi Hồng Kông chính thức trở về với Trung Quốc ngày 01/01/1997 thì có 10% dân Hồng Kông xin nhập Quốc Tịch Anh, họ muốn trốn chạy khỏi bàn tay lông lá của chính quyền Trung Cộng. Khi nhận lại Hồng Kông, chính quyền Trung Cộng đã cam kết với phía Anh Quốc rằng, họ sẽ giữ thể chế chính trị Kiểu Anh trong vòng 50 năm cho dân Hồng Kông. Chính điều khoản này mà phía Bắc Kinh đã giữ chân người Hồng Kông ở lại sống với tư cách là công dân của nước CHND Trung Hoa. Nếu không có điều khoản này, thì con số dân Hồng Kông xin gia nhập quốc tịch Anh không dừng lại con số 10% mà là cao hơn. Năm 1997, dân Hồng Kông đã đang rất giàu có, mà nếu dân Hồng Kông tháo chạy nhiều thì đồng nghĩa rằng, tài sản họ cũng mang theo và xem như Trung Quốc sẽ bị chảy máu ngoại tệ một lượng đáng kể. Quy chế 50 Năm thể chế chính trị kiểu Anh được phép tại Hồng Kông nay đã qua 22 năm rồi, tức gần nửa đoạn đường. Dân Hồng Kông giờ chỉ còn lại 28 năm được hưởng một thể chế chính trị văn minh tiến bộ thôi, rồi sau đó sẽ chìm trong ác mộng độc tài CS. Điều này người dân Hồng Kông hiểu hơn rõ ai hết, cho nên hiện nay một số trong họ đang tìm cách từ bỏ quốc tịch Hoa Lục. Chính sách của Trung Cộng không phải đợi đến năm 2047 mới giật sập thể chế chính trị kiểu Anh tại Hồng Kông, vì nếu làm vậy, Hồng Kông sẽ loạn. Dân Hồng Kông lúc đó sẽ đổ hết ra đường chống đối thì sao? Chả lẽ làm một phiên bản Thiên An Môn thứ 2 với hàng triệu người tại Hông Kông? Không đâu! Chính quyền Bắc Kinh đã có cách. Cách nào? Đó là bề ngoài họ vẫn giữ mô hình chính trị kiểu Anh, nhưng bên trong họ đưa những đạo luật đã được Bắc Kinh soạn sẵn vào luật pháp Hồng Kông, và đưa lãnh đạo thân Bắc Kinh nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy. Như một bó đũa Anh trăm chiếc mang nhãn hiệu “made in UK”, mỗi ngày Bắc Kinh thay một một chiếc “made in UK” bằng chiếc đũa “made in China”. Vậy là sau 100 ngày từ bó đũa “made in UK” ban đầu sẽ biến thành bó đũa “made in China” thôi. Tương tự như vậy, ngay từ hôm nay Bắc Kinh cũng từ từ thay thế những luật Bắc Kinh bằng những luật cũ của Anh Quốc trước đây, thì đến năm 2047 những giá trị Anh Quốc trong bộ máy nhà nước Hồng Kông chỉ còn lại cái vỏ, vì khi đó ruột của nó là của Trung Cộng hết rồi. Đến năm 2047, khi đó, chính quyền Bắc Kinh chỉ cần dỡ bỏ lớp vỏ chính trị mô hình Anh Quốc là xong – giống rắn lột vỏ. Câu hỏi đặt ra là, với chính sách của Bắc Kinh như vậy, dân Hồng Kông đối phó bằng cách nào? Phải nói dân Hồng Kông rất tuyệt vời, họ nhận ra ngay những chính sách đổi ruột này và họ đã xuống đường. Năm 2014, Phong trào Dù Vàng biểu tình suốt nhiều tháng để chống lại trò “đảng cử dân bầu” quái đản được áp đặt từ phía Bắc Kinh mà dân Hồng Kông không thể chấp nhận được. Và suốt gần 1 tháng nay, dân Hồng Kông biểu tình chưa dứt nhằm chống lại Luật Dẫn Độ do Bắc Kinh áp đặt lên luật pháp Hồng Kông. Sự đòi hỏi của dân Hồng Kông có thể không đạt được ước nguyện, nhưng ít nhất họ làm cho chính quyền Bắc Kinh phải chùn tay khi đưa ra một quyết sách độc tài nào đó để thay thế cho những giá trị dân chủ Anh Quốc. Đứng trước những phản ứng dữ dội của dân Hồng Kông, như vậy thì kế hoạch “thay đũa” của Bắc Kinh chắc chắn không dễ. Và đó là cách dân Hồng Kông hạn chế quá trình Cộng Sản Hóa cho vùng đất này. Chuyện Hồng Kông và chuyện Việt Nam cũng có cái giống và cái khác. Cái giống là chính sách “thay đũa” của Trung Cộng cũng đang triển khai trên đất nước Việt Nam, nhưng chính sách này của Trung Cộng gặp thuận lợi hơn nhiều. Vì sao? Bởi bì dân Việt Nam không có ý thức chính trị như dân Hồng Kông, vì thế nên hầu như chính sách nào cũng áp dụng một cách trơn tru. Như luật đặc khu cũng bị phản đối, nhưng đặc khu vẫn xây bình thường, chính điều này tạo ra nguy cơ mất nước ngày một tăng. Trong khi đó tại Hồng Kông, dân nước này đòi hỏi phải hủy vĩnh viễn Luật Dẫn Độ chứ không phải hoãn. Tốc độ “Bắc Kinh Hóa” tại Việt Nam nhanh hơn tại Hồng Kông. Đó là mối nguy thật sự. Đứng trước một ý chí mãnh liệt của dân Hồng Kông như thế, mà năm 2047 Hồng Kông còn khó thoát chuyện xóa sổ giá trị dân chủ và hòa tan vào Trung Hoa đại lục thì nói gì đến Việt Nam? Ý thức chính trị kém, điều này mới là nguy cơ mất nước rất lớn. Khi sói Trung Cộng đặt từng chân lông lá vào nhà mà nằm im không phản ứng mạnh để tự giải thoát thì cái kết thảm khó tránh khỏi. Thức tỉnh hay không, nó là bài toán tồn tại, tồn tại cho một dân tộc./. Tham Khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93ng_K%C3%B4ng https://thanhnien.vn/…/lo-bi-trung-quoc-kem-toa-nhieu-nguoi…  
......

EVFTA sẽ gặp khó tại Nghị viện Âu châu vì chuyện nhân quyền?

Nguyễn Văn Đài| Sau gần 10 năm đàm phán và nỗ lực vận động, ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, EU và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký chính thức EVFTA (Hiệp định thương mại tự do EU Việt Nam). Để được EU đồng ý ký EVFTA, Quốc hội cộng sản Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 của ILO, và hứa sẽ tiếp tục phê chuẩn Công ước 105 vào năm 2020, và Công ước 87 vào năm 2023. Đây là 3 Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế ILO kiên quyết yêu cầu cộng sản Việt Nam phải phê chuẩn. Đồng thời Việt Nam sẽ phải cho phép công nhân được phép thành lập tổ chức Công đoàn cơ sở độc lập trong các doanh nghiệp theo luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm 2019. Cùng nghị sĩ Miapetra Kumpula Natri. (Hình: Nguyễn Văn Đài cung cấp) Nhưng với các tổ chức chính trị, xã hội dân sự và toàn thể những người Việt Nam yêu chuộng tự do, dân chủ và công lý, như thế vẫn là chưa đủ bởi nhà cầm quyền cộng sản đang vi phạm nhân quyền một cách trầm trọng. Họ tiếp tục sách nhiễu, bắt giữ, xét xử những người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến từ đầu năm 2019 tới nay. Đặc biệt trong một tháng qua, dưới sự chỉ đạo của Bộ công an, các trại giam ra sức áp bức các tù nhân lương tâm, khiến họ phải tuyệt thực đã hơn 30 ngày. Đảng Việt Tân và Hội Anh Em Dân Chủ đã tới Brussel, Vương quốc Bỉ trong trong hai ngày 9 và 10 tháng 7 để vận động các Nghị sĩ trong Nghị viện Âu châu quan tâm đến tình trạng nhân quyền rất xấu tại Việt Nam trước khi xem xét thông qua EVFTA. Trong lần vận động này, chúng tôi lựa chọn các Nghị sĩ đang làm việc trong lĩnh vực nhân quyền và thương mại. Đặc biệt là họ có sự hiểu biết và quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam và họ cũng có ảnh hưởng tới các Nghị sĩ khác trong Nghị viện Âu châu. Người đầu tiên chúng tôi gặp là Nghị sĩ Pascal Durand đại diện của CH Pháp, Nghị sĩ Ismael Ertug và Nghị sĩ Anna Cavazzini đại diện của CHLB Đức, Nghị sĩ Miapetra Kumpula Natri đại diện của Phần Lan, Nghị sĩ và là Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Maria Arena đại diện của Vương quốc Bỉ, cô Miriam Lena Horn cố vấn chính sách thương mại cho Nghị sĩ Joachim Schuster. Khi nghe chúng tôi trình bày về những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, sự hủ bại, tham nhũng của chế độ cộng sản, đặc biệt là việc đàn áp các tù nhân lương tâm trong các nhà tù. Các Nghị sĩ đều rất bất bình, thậm chí phẫn nộ. Các Nghị sĩ đều hứa sẽ quan tâm đặc biệt tới tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và cũng sẽ chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp của họ. Các Nghị sĩ sẽ chuyển các câu hỏi và các yêu cầu để phái đoàn của Ủy ban Thương mại EU chất vấn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam dự kiến vào tháng 10 tới đây. Cùng nghị sĩ Pascal Durand. (Hình: Nguyễn Văn Đài cung cấp) Đặc biệt Tân Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Maria Arena (vừa được bầu vào sáng ngày 9 tháng 7 năm 2019), bà Nghị sĩ yêu cầu chúng tôi tức tốc chuẩn bị hồ sơ để Nghị viện Âu châu ra một nghị quyết về vi phạm nhân của cộng sản Việt Nam ngay trong tháng 7. Nhưng đáng tiếc là không kịp thời gian để đưa vào nghị trình, đành để tới tháng 9. Nghị sĩ Maria Arena đã bày quan điểm cứng rắn là chống thông qua EVFTA cho Việt Nam, bà nói: “Một mình tôi là chưa đủ, nhưng tôi sẽ vận động các đồng nghiệp của tôi.” Nghị sĩ Maria Arena cũng hứa tổ chức buổi điều trần về nhân quyền Việt Nam giúp các Nghị sĩ trong Nghị viện Âu châu hiểu rõ hơn về tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam để họ có quyết định đúng đắn về EVFTA. Các Nghị sĩ cho chúng tôi biết rằng có tới gần 60% số Nghị sĩ được bầu mới trong cuộc bầu cử vừa qua. Phần đông các Nghị sĩ này không thích các chế độ cộng sản, đặc biệt họ rất phẫn nộ khi nghe tới các vi phạm nhân quyền. Đảng Việt Tân và Hội Anh Em Dân Chủ chỉ là nhóm đầu tiên tham gia vận động Nghị viện mới được bầu của EU, chúng tôi biết còn có rất nhiều các tổ chức NGO quốc tế, các tổ chức nhân quyền, xã hội dân sự của người Việt trên thế giới cũng đang nỗ lực chuẩn bị đến Brussel để vận động. Bởi vậy, đây là cơ hội tốt để chúng ta vận động các Nghị sĩ trong Nghị viện châu Âu quan tâm mạnh mẽ về các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam, góp phần bảo vệ các quyền con người và thúc đẩy tiến trình dân chủ cho Việt Nam đúng như tham vọng của EU khi đàm phán EVFTA, PCA,… với cộng sản Việt Nam./.  
......

Các tu sĩ Việt Nam đến Mỹ vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam

Buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam tại Quốc hội Hoa Kỳ hôm 11/7/2019. Diễm Thi, RFA| Ngày 11/7/2019, tại hội trường Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại VN lần thứ 9 do BPSOS tổ chức. Hiện tình tự do tôn giáo trong nước Buổi họp có sự tham gia của nhiều vị dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang, đại diện nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, đại diện các phái đoàn đến từ các tiểu bang Hoa Kỳ và từ Canada. Đặc biệt có mặt một số đại diện các tổ chức tôn giáo đang bị bách hại tại Việt Nam. Họ đến đây để nói lên điều gì cũng như hy vọng có sự thay đổi gì? Mở đầu phiên khoáng đại, Linh Mục Lê Quốc Thăng, Tổng thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình, Hội đồng Giám mục Việt Nam trình bày quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo đã được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/11/2016 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất cũng như hiện tình về tự do tôn giáo ở Việt Nam hiện nay. Ông nói: “Một cách tổng quát, khi luật này được thông qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như chúng tôi rất giật mình, vì xem ra có một bước thụt lùi so với những dự thảo trước đó. Ví dụ Dự thảo 5 mà chính quyền đưa ra để các tôn giáo góp ý kiến thì chúng tôi thấy có những sự tiến bộ rất lớn: Tôn trọng quyền tự do tôn giáo; nhưng rất tiếc khi Bộ luật được thông qua thì lại là một bước lùi so với những dự thảo được đưa ra trước đó.” Linh Mục Lê Quốc Thăng Linh Mục Lê Quốc Thăng cũng đưa ra một vài nhận định về thực chất việc bảo vệ, tôn trọng quyền tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam rằng, ẩn sâu bên trong những bất cập là cách nhìn nhận và quan điểm của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo. Chính vì thế mà chính quyền luôn chính trị hóa các tổ chức tôn giáo. Nếu không chính trị hóa được thì sẽ cố gắng thành lập các Giáo hội dưới quyền lãnh đạo của đảng và Nhà nước. Chẳng hạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay Ủy Ban đoàn kết công giáo Việt Nam. Đó là những tổ chức trực thuộc Mặt trận Tổ quốc chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng và Nhà nước Việt Nam chứ không phải là những tổ chức thuần túy thuộc về tôn giáo. Đạo Hữu Dương Xuân Lương, tín đồ Cao Đài, cựu tù nhân lương tâm đến từ tiểu bang Texas cho RFA biết, ông đến tham dự Ngày vận động cho Việt Nam với ba mục tiêu: Thứ nhất là vận động các dân biểu và nghị sĩ của Quốc hội Hoa Kỳ làm việc với chính quyền Việt Nam về những vi phạm của chính quyền Việt Nam đối với quyền tự do tôn giáo đạo Cao Đài cũng như các tôn giáo khác như Phật Giáo, Hòa Hảo, Công Giáo, Tin Lành…; Thứ hai là từ chính sách độc tài, nhà cầm quyền Việt Nam bóp nghẹt tiếng nói những người yêu nước, yêu nhân quyền, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bắt giam họ một cách tùy tiện. Vị này bày tỏ mong muốn nói lên sự thật để các vị thuộc lập pháp, hành pháp Hoa Kỳ tác động lên chính quyền Việt Nam, buộc họ phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm; thứ ba là chế tài những viên chức Việt Nam có liên quan đến tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước. Mong mỏi một sự thay đổi Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Scott Busby, dẫn số liệu tính đến tháng 6/2019 đã có 256 tù nhân lương tâm bị giam giữ và cầm tù tại Việt Nam. RFA Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu, đến từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên tiếng với RFA rằng ông có lòng tự tôn của dân tộc khi từ một nơi xa xôi như Việt Nam đến Hoa Kỳ trình bày về tự do tôn giáo và nhân quyền, nhưng ông phải làm với mong muốn có những tổ chức tôn giáo độc lập không do Nhà nước quản lý: “Vì 44 năm qua Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có nhân quyền cho nên mình phải trình bày để xem họ có thể giúp đỡ gì để thay đổi hiện tình đất nước. Hiện nay tôn giáo nằm dưới sự lãnh đạo của Nhà nước cộng sản Việt Nam. Vì thế tôi mong muốn cần phải có những tổ chức tôn giáo độc lập.” Thượng Tọa diễn giải rằng Giáo hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay do Nhà nước lập nên, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả những lãnh đạo chủ chốt từ cấp trung ương đến địa phương đều là người của đảng. Họ làm theo mệnh lệnh và sự điều khiển của Mặt trận tổ quốc và công an nhiều hơn là của tăng ni và Phật tử. Đạo Hữu Dương Xuân Lương cũng nêu lên mong muốn của mình: “Nhà cầm quyền Việt Nam đã hứa rất nhiều lần nhưng không thực hiện. Nên tôi mong muốn ngành lập pháp Hoa kỳ tác động lên ngành hành pháp để đưa Việt Nam vào lại danh sách CPC. Buộc Việt Nam phải tôn trọng những điều mà chính họ đã cam kết.” Mục sư Tin Lành Vàng Chí Mình, cựu tù nhân tôn giáo với bản án chín năm tù, cho biết lý do ông có mặt trong buổi hôm nay: “Tôi muốn trình bày cho quốc hội Hoa Kỳ biết lý do người Hmong bị đàn áp là vì đức tin theo Đức Chúa Trời. Vì đức tin mà chúng tôi trở thành người Hmông vô tổ quốc ngay trong đất nước mình bới họ bị tịch thu hộ tịch, hộ khẩu. Rất nhiều người Hmông rơi vô tình trạng này. Trẻ con khộng được đi học. Tất cả chỉ vì đức tin.” Bà Gayle Manchin, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn giáo Quốc tế đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC - Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Đề nghị của bà nhận được nhiều tiếng vỗ tay từ các cử tọa. Các quốc gia bị chỉ định như vậy sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế. Theo một chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đây là những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55). Những nước "đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo" có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, bao gồm các vi phạm như: tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay đối xử hạ đẳng hay trừng phạt; kéo dài thời gian bị giam giữ mà không cần khởi tố; gây ra sự mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ những người này một cách bí mật; hoặc phủ nhận trắng trợn quyền sống, tự do, hoặc sự an toàn của người dân. Rất nhiều người lên tiếng cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam bị đàn áp, bắt bớ trong nước. Những người có dịp ra nước ngoài để lên tiếng cũng chấp nhận những rủi ro khi trở về. Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước bày tỏ quan điểm của mình với RFA khi dấn thân lên tiếng cho những người dân trong nước: “Chắc chắn khi tôi bước chân ra đây thì nhà cầm quyền Việt Nam theo dõi từng bước chân của tôi. Trước khi đi tôi cũng đắn đo và chấp nhận tất cả những điều có thể xảy ra như bắt bớ, giam cầm, tù đày… Tôi sẵn sàng cho những điều đó bởi tôi nghĩ quyền lợi của tổ quốc, của nhân dân lên trên quyền lợi nhỏ bé của cá nhân tôi. Đó là ý nguyện và cách sống của chúng tôi”. Thượng Nghị Sĩ John Cornyn, tác giả Dự luật Chế tài vì Đàn áp Nhân quyền ở Việt Nam lên tiếng: “Tôi muốn đưa trở lại luật chế tài các quan chức Việt Nam vi phạm nhân quyền trong  nước. Các biện pháp trừng phạt này sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi chính phủ VN thả tất cả các tù nhân chính trị và ngừng sử dụng bạo lực chống lại các nhà dân chủ đấu tranh ôn hòa. Chúng ta tích cực củng cố mối quan hệ song phương. Nhưng sự thành công của mối quan hệ Việt - Mỹ đòi hỏi hồ sơ nhân quyền của VN phai được cải thiện. Có những bước tiến cũng như thụt lùi về nhân quyền trong những tháng gần đây. Tôi cảm thấy được khuyến khích bởi tổng thống Trump và ngoại trưởng Mike Pompeo đến Việt Nam vào tháng 2 và tôi tiếp tục thúc giục họ đề cao quyền con người ở VN”. Theo thống kê được ông Scott Busby, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ dẫn ra tại buổi họp hôm nay, tính đến tháng 6/2019 đã có 256 tù nhân lương tâm bị giam giữ và cầm tù tại Việt Nam. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-advocating-day-2019-dt-07112019161412.html?fbclid=IwAR2Yijr5bjTN7W0RWxuD5FURtqwXxeM7hizG7WZW87Mx_BOsSKLKXnjwFF8
......

EVFTA & Nhân Quyền – Hội Anh Em Dân Chủ, RSF và Việt Tân vận động các tân Dân Biểu Quốc Hội Âu Châu ở Bruxelles

Trần Đức Tuấn Sơn - Web VietTan| Việt Tân, Hội Anh em Dân Chủ và RSF vận động các Dân Biểu Liên Âu https://www.youtube.com/watch?v=xX5ZXf4QdOw Ngày 30 tháng Sáu, 2019 vừa qua các cơ quan báo chí, truyền hình lề phải ồ ạt đi tin Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết tại Hà Nội. Tất cả các bản tin đều viết theo kiểu “mọi chuyện đã xong”, cố ý lờ đi một điều vô cùng quan trọng: Trước khi được áp dụng, EVFTA cần phải được Quốc Hội Âu Châu (QHAC) phê chuẩn. Và các vị Dân Biểu QHAC không giống các vị Dân Biểu Quốc Hội nhà nước CHXNCNVN. Họ có quyền lên tiếng, hành động và bỏ phiếu theo lương tâm và niềm tin của họ, của cử tri mà họ đại diện chứ không phải bắt buộc theo lệnh của đảng hay của bên hành pháp. Nhiệm kỳ của Quốc Hội Âu Châu khóa 9 (2019-1024) vừa bắt đầu hôm 1 tháng Bảy, 2019. Nhằm cập nhật thông tin cho các dân biểu QHAC về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và vận động các dân biểu trước viễn ảnh QHAC sẽ quyết định phê chuẩn hay không EVFTA trong thời gian tới đây, một phái đoàn gồm Hội Anh Em Dân Chủ, Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) và Việt Tân đã đến trụ sở Quốc Hội Âu Châu tại Bruxelles trong chuyến vận động 2 ngày, 9 và 10 tháng Bảy, 2019. Một số Dân Biểu đã dành cho phái đoàn một khoảng thời gian để lắng nghe và trao đổi tuy rằng, các DB đang còn rất bận rộn với những sinh hoạt nội bộ của Quốc Hội như bầu người chủ tịch quốc hội, thành lập và tuyển chọn các chủ tịch các ủy ban chuyên trách của nhiệm kỳ mới, dự buổi điều trần của tân Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu, v.v. Phái đoàn Việt Tân trình bày về tình hình vi phạm nhân quyền tại Việt Nam ngày càng gia tăng từ năm 2015 đến nay, với những bản án nặng nề đối với các nhà đấu tranh dân chủ như Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, các ông Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức, Lê Đình Lượng… Luật Sư Nguyễn Văn Đài thuộc Hội Anh Em Dân Chủ đã tường thuật với các vị Dân Biểu những hành vi tra tấn tinh thần và vật chất đối với các TNLT tại Việt Nam, nhằm ngăn cản những người này tái sinh hoạt đấu tranh một khi ra tù, cũng như gây sự sợ hãi trong đầu những người đang tranh đấu và chưa bị bắt. Đặc biệt, LS Đài nêu lên sự kiện các TNLT hiện đang bị hành hạ trong Trạm giam số 6, Nghệ An bằng cách tháo gỡ quạt máy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ lên tới 40°C. Dân biểu QHAC Pascal Durand (Pháp – thứ ba từ trái) cùng các thành viên phái đoàn vận động lên án hành vi ngược đãi TNLT tại Trại giam số 6, Nghệ An. Ảnh: Việt Tân DB Pascal Durand, thuộc Đảng Cộng Hòa Tiến Bước của Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, là người đầu tiên tiếp đón phái đoàn. Đây là nhiệm kỳ thứ nhì của DB Pascal Durand, một người từng lên tiếng đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam. Tháng Chín, 2018, cùng với 31 vị Dân Biểu khác, Pascal Durand đã đồng ký tên thư kêu gọi nhà cầm quyền CSVN phải tuân thủ Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, trả tự do cho các TNLT, xem xét lại Luật An Ninh Mạng… db Pascal Durand tuyên bố ông sẽ tiếp tục quan sát tình hình nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt sẽ xem Hà Nội có thật sự giữ các cam kết với cộng đồng quốc tế, đặc biệt các Công Ước 87 và 98 của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế ILO. Từ trái: LS Nguyễn Văn Đài, anh Trần Đức Tuấn Sơn (Việt Tân), Bà Dân Biểu Maria Arena (Bỉ), tân Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Quyền QHAC nhiệm kỳ 2019-2024, cô Julie Mazerczak (RSF). Ảnh: Việt Tân DB Maria Arena, thuộc Đảng Xã Hội Vương Quốc Bỉ, cũng vừa tái đắc cử. Trước đây là thành viên Ủy Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Âu Châu, ở nhiệm kỳ mới (2019-2014), bà DB Maria Arena được chọn vào chức vị chủ tịch của ủy ban nầy. Bà DB Arena đã nhiều lần lên tiếng chống lại EVFTA vì CSVN đã gia tăng đàn áp đối kháng từ năm 2016. Theo DB Arena, dư luận quần chúng Âu Châu đang có xu hướng chống lại các hiệp định thương mại và các tân dân biểu cũng có thể đi theo xu hướng này. Vì vậy, nếu Hiệp Định Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam được mang ra phê chuẩn lúc nầy thì chưa chắc được thông qua. Bà Arena khuyến khích các nhóm Việt Nam tranh đấu cho nhân quyền cũng như các NGO quốc tế tiếp tục đi gặp các tân dân biểu QHAC để trình bày với họ về những gì đang xảy ra tại Việt Nam trên mặt tự do ngôn luận, tự do chính trị. Với tư cách là chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền của QHAC, bà DB Arena đã yêu cầu có sự trao đổi trực tiếp và thường xuyên với 4 đại sứ EU, trong đó có Đại Sứ EU tại Việt Nam. Trong buổi trao đổi, cô Julie Mazerczak cũng bày tỏ sự quan tâm của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters sans frontières – RSF) về Luật An Ninh Mạng. Năm 2019, Việt Nam bị xếp hạng 176 trên 180 quốc gia trong phạm vi tự do báo chí của RSF. Nhiều bloggers và ký giả độc lập đang bị lãnh các án tù nặng nề chỉ vì đã hành xử quyền tự do thông tin của họ. Bà DB Anna Cavazinni (Đức, thứ hai từ trái) cùng lên án Trại giam số 6, Nghệ An ngược đãi tù nhân lương tâm. Ảnh: Việt Tân Dân Biểu Anna Cavazinni, thuộc Đảng Xanh ở Đức, lần đầu tiên đắc cử vào QHAC. Bà Cavazinni cho biết sẽ có một phái đoàn thuộc Ủy Ban Thương Mại của QHAC thăm viếng Việt Nam vào tháng Mười năm nay. Theo DB Cavazinni, đây là cơ hội tốt để phái đoàn QHAC có thể gặp gỡ những người lao động, những nhà hoạt động dân chủ để có được những thông tin trực tiếp về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Phái đoàn Việt Tân gợi ý với DB Cavazinni là phái đoàn đó của QHAC cần phải đòi hỏi mạnh mẽ để được tiếp xúc các nhà đối kháng và các nhà hoạt động cho giới lao động mà không có sự hiện diện của an ninh và quan chức CSVN. DB Miapetra Kumpula-Natri, thuộc Đảng Xã Hội ở Phần Lan và là Phó Chủ Tịch Ủy Ban Mậu Dịch Quốc Tế, đã từng đồng ký tên thư ngỏ đến chủ tịch Hội Đồng Âu Châu vào tháng Sáu, 2019 nói lên quan điểm bất đồng của bà đối với việc ký kết EVFTA trong bối cảnh vi phạm nhân quyền hiện nay tại Việt Nam. Bà DB Kumpula-Natri khuyên phái đoàn tiếp tục công việc vận động các dân biểu, đặc biệt bên cánh hữu của QHAC để thông tin về những vi phạm nhân quyền hiện nay tại Việt Nam. Cô Julie Mazerczak (tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới) và anh Trần Đức Tuấn Sơn (Việt Tân) lên án Trại giam số 6, Nghệ An ngược đãi các tù nhân lương tâm trong trụ sở Quốc Hội Âu Châu. Ảnh: Việt Tân Vì thời gian eo hẹp, DB Đảng Xã Hội Ismael Ertug nhận tài liệu và hẹn gặp phái đoàn vận động tại văn phòng địa phương của ông ở Đức. Cũng vì trùng với buổi điều trần bà Ursula von der Leyen, tân Chủ Tịch Hội Đồng Âu Châu, diễn ra suốt ngày 10 tháng Bảy, các vị DB Joachim Schuster (Đức) và Frédérique Ries (Bỉ) đã cử các phụ tá đại diện họ đứng ra tiếp đón và trao đổi với phái đoàn. Do các tân dân biểu chưa nhận được văn phòng chính thức của mình nên các buổi trao đổi diễn ra ở những nơi công cộng trong trụ sở Quốc Hội Âu Châu tại Bruxelles. Paris, 10 tháng Bảy, 2019 Trần Đức Tuấn Sơn https://viettan.org/evfta-nhan-quyen-hoi-anh-em-dan-chu-va-viet-tan-van-dong-cac-tan-dan-bieu-quoc-hoi-au-chau-o-bruxelles/ Video: https://www.youtube.com/watch?time_continue=6&v=xX5ZXf4QdOw
......

Hong Kong: “The Bill is dead”

Đỗ Đăng Liêu – Web Việt Tân Đó là lời tuyên bố của bà Carrie Lam, Đặc Khu Trưởng Hong Kong, ngày hôm nay về số phận của dự luật dẫn độ công dân Hong Kong về Trung Quốc, một dự luật bị hàng triệu người dân Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối trong suốt mấy tuần qua. Phải chăng lời tuyên bố của bà Lam có nghiã là dự luật dẫn độ đã thực sự chấm dứt và người dân Hong Kong đã hài lòng và các cuộc biểu tình sẽ chấm dứt? Câu trả lời là “không” đối với cả 3 điều kể trên. Trước tiên, từ ngữ “the bill is dead” (“dự luật đã chết”), tuy tạo cảm giác mạnh mẽ, không phải là từ ngữ chính thức trong luật pháp, và theo nhận định của phiá người biểu tình thì bà Lam nói như thế chẳng khác gì điều bà ấy đã nói trước đây là “ngưng vĩnh viễn”, nghiã là vẫn “nói quanh”. Người ta thắc mắc là tại sao bà Lam không thẳng thắn dùng từ “withdraw” (nghiã là “rút lại”) là từ ngữ luật pháp chính thức, với ý nghiã là chính thức bị hủy bỏ, phải chăng là lại là một âm mưu lừa bịp dân chúng để khi có cơ hội lại cho nó “sống lại”. Kế đến, người dân Hong Kong cũng không hài lòng vì điều họ đòi hỏi là bà Lam phải từ chức cũng không được đả động tới. Phiá biểu tình cho rằng bà Lam phải chịu trách nhiệm (như chính bà ta nói) về những bất ổn của Hong Kong, bao gồm cái chết của một số người biểu tình và nhiều người bị thương, hành động theo lệnh của Bắc Kinh, và vì thế không còn được người dân Hong Kong tin tưởng nữa. Thêm nữa, theo phiá người biểu tình thì cần phải có một cuộc điều tra độc lập về những hành vi bạo hành của cảnh sát Hong Kong đối với người biểu tình trong khi bà Lam lại chỉ giao việc điều tra cho chính cảnh sát là điều người biểu tình không chấp nhận. Vì vậy, theo nhận định của các nhà quan sát tình hình thì người dân Hong Kong sẽ còn tiếp tục biểu tình cho đến khi những đòi hỏi của họ được đáp ứng. Khi niềm tin đã không còn thì chẳng gì còn. Các lãnh đạo cộng sản Việt Nam, cũng như bà Carrie Lam, khi đã bị người dân Việt Nam cho rằng họ hành động theo lệnh của Bắc Kinh chứ không vì quyền lợi của người dân, đã không còn niềm tin nữa, thì chỉ còn một giải pháp rốt ráo duy nhất là họ phải ra đi mà thôi, sớm hay muộn.  
......

Tấn công mạng Iran, Israel muốn đền ơn ông Trump và nắn gân Iran

Tran Hung| Sau khi ngưng lệnh tấn công vũ trang nhắm vào Iran thì hệ thống mạng điều khiển các dàn phóng rocket của Iran bị đánh sập ở mức độ không thể nhận được lệnh khởi động từ trung tâm chỉ huy. Một số tờ báo Mỹ đưa tin nguyên do này là xuất phát từ lệnh tấn công hệ thống mạng quốc phòng của Iran do tổng thống Donald Trump phát đi, tuy nhiên đây không phải là lệnh tấn công của ông Trump mà nó là cuộc “đền ơn đáp nghĩa” của Israel dâng tặng cho ông Trump để răn đe Iran rằng “mọi hoạt động của Iran không lọt khỏi tầm kiểm soát của người Do Thái”. Còn nhớ vào ngày 30/4/2018, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo rằng Israel hiện đang có khoảng nửa tấn tài liệu mật, trong đó bao gồm 55.000 trang tài liệu chứng minh Iran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự có tên “Dự án Amad”. Ông Netanyahu nhấn mạnh Israel có thể sẽ công bố “bằng chứng mới và thuyết phục” rằng Iran đang che giấu hoạt động vũ khí hạch tâm sau khi nước này ký thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Việc Iran lén lút phát triển vũ khí hạch tâm là một bí mật cấp độ cao nhứt bởi hệ thống bảo mật nhiều tầng, nhiều lớp của lực lượng bảo mật Iran nhưng vẫn bị Israel nắm thóp thì những thứ bảo mật có cấp độ thấp hơn của Iran đối với Israel chỉ là chuyện muỗi. Hiện nay, nói về “tình báo mạng” thì thế giới hacker phải ngã mũ trước lực lượng tác chiến không gian mạng của Israel. Bằng chứng là vào giữa tháng 5/2017, thế giới đã rung chuyển trước cuộc tấn công mạng ở qui mô chưa từng có đó là vụ hacker đã phát tán mã độc WannaCry tấn công khoảng 130.000 máy tính chạy hệ điều hành Windows tại hơn 100 quốc gia để mã hóa dữ liệu rồi đòi tiền chuộc. Tuy nhiên tại Israel, bộ phận cả cơ quan quốc gia về an ninh mạng phụ trách phòng vệ mạng trong khu vực dân sự đã tuyên bố không có dấu hiệu cho thấy virút WannaCry lan truyền. Là một quốc gia lọt thỏm giữa thế giới Hồi giáo, người Do Thái đã biết khẳng định mình trước quần hồ trên mọi lãnh vực mà cụ thể là tác chiến không gian mạng. Từ thập niên 1990, Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel đã giả lập một kịch bản sẽ xảy ra chiến tranh mạng gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng quốc gia. Đến năm 2002, Ủy ban chánh phủ về an ninh quốc gia đã gửi khuyến cáo mật nhấn mạnh đến vấn đề phòng vệ an ninh mạng ở Israel. Nòng cốt của lực lượng tác chiến mạng của Israel chính là đơn vị 8200. Một tổ chức tinh nhuệ và bí mật đã được thế giới biết đến vào giữa năm 2010 với vai trò phát tán virút tin học Stuxnet để phá hủy chương trình hạch tâm của Iran. Đơn vị 8200 đã hình thành trước chiến tranh lập quốc năm 1948 với hai phiên hiệu là 515 và 848. Đến đầu thập niên 1990 thì 8200 đảm nhiệm công tác tình báo điện tử và giải mã. Đơn vị 8200 nay có tên gọi mới là “Yehida Shmone-Matayim – Lực lượng Tình báo tín hiệu quốc gia Israel” thuộc biên chế của Bộ Quốc phòng, tương tự như “National Security Agency – NSA – Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ”. Hiện nay “Yehida Shmone-Matayim” đặt dưới sự chỉ huy của một chuẩn tướng. Quân số của lực lượng là điều bí mật. Người ta phỏng đoán có từ 6.000-8.000 quân nhưng cũng có nguồn tin khác nói rằng nó có hàng chục ngàn quân và là đơn vị có quân số đông nhứt của quân đội Israel. Một nhánh của nó là Yehida Hatzav chuyên phụ trách thu thập thông tin từ các nguồn công khai như phát thanh, truyền hình, báo chí, Internet,.. Yehida Shmone-Matayim chỉ huy căn cứ Urim trong sa mạc Neguev. Đây là một trong những căn cứ lớn trên thế giới chuyên thu thập thông tin từ điện đàm, thư điện tử và nhiều loại thông tin khác ở Trung Đông, châu Âu, châu Á, châu Phi. Yehida Shmone-Matayim còn bí mật bố trí các trạm thu thập thông tin trong các đại sứ quán Israel ở nước ngoài, giám sát cáp ngầm dưới biển, triển khai nhiều toán thu thập thông tin tại Palestine. Tuy nhiên Israel còn sở hữu một lực lượng tinh nhuệ, bí mật hơn cả Yehida Shmone-Matayim đó là Lực lượng 81 phụ trách tình báo quân sự trực thuộc Mossad – Viện Tình báo và Các chiến dịch đặc biệt. Lực lượng 81 này chuyên cung cấp công nghệ mới gồm thiết bị và phần mềm tích hợp công nghệ cao. Trong đơn vị này có 1.500 binh sĩ của Yehida Shmone-Matayim. Vào ngày 06/9/2007, chính lực Yehida Shmone-Matayim đã từng đánh lừa mạng lưới phòng không Syria trong chiến dịch Orchard do không quân Israel tiến hành ngày 6-9-2007 nhằm phá hủy cơ sở hạch tâm Al-Kibar của Syria. Còn nói tới Mossad, tên đầy đủ là HaMossad leModiʿin uleTafkidim Meyuḥadim – Viện Tình báo và Các chiến dịch đặc biệt thì nói cả tháng không hết bởi suốt 72 năm qua, đối thủ của Israel là các nước Arab luôn phải nơm nớp lo sợ bị Mossad bắt cóc, ám sát. Cuộc tấn công mạng nhắm vào Iran vừa rồi là do Israel thực chất ở cấp độ thấp chỉ để đền ơn cho việc ông Trump đã công nhận Jerusalem và Cao nguyên Golan là của người Do Thái và để nắn gân Iran với thông điệp chớ có hành động ngông cuồng khi năng lực vẫn còn hạn chế./.    
......

Sau 'kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ sẽ là gì?

Nguyễn Phú Trọng sẽ làm thế nào để gỡ khó từ ràng buộc ‘công bằng và đối ứng’ và ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ của Trump? Phạm Chí Dũng – VOA|   Vào những ngày này, giới chóp bu của chính thể độc tài ở Việt Nam hẳn đang khó ngủ. Thật trớ trêu, buổi ban mai cho một hiệp định thương mại giữa chính thể này với Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa hé mở thì lại phải nhận ngay một dự cảm cảm tối sẫm về những đòn trừng phạt thương mại đến từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lại đánh thuế thép Việt Nam! Bởi cái cách mà Trump thốt ra - một cách mỉa mai và có phần nổi đóa - về Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp trên đài Fox Business vào cuối tháng 6 năm 2019 là khá giống với tâm trạng và ngôn ngữ của Trump ngay trước khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra. Biệt danh đầy miệt thị trên, không có vẻ là cách nói bốc đồng của Trump, đã phát ra một chỉ dấu đáng sợ: nền kinh tế Việt Nam - lảo đảo như một kẻ say rượu trong suốt 11 năm suy thoái qua - vào lần này phải đối mặt với một nguy cơ thực sự khi Việt Nam có thể trở thành đối tượng thứ ba, sau Trung Quốc và Mexico, bị Trump áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nói là làm. Chỉ ít ngày sau sự xuất hiện biệt danh “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất” của Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại nước này đã thông báo sẽ đánh thuế lên các sản phẩm thép từ Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan nhằm tránh thuế chống bán phá giá, với thuế suất có thể lên tới 456,23% - một cú bồi tiếp theo việc Mỹ đánh thuế thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc lên đến 531% vào cuối năm 2017. Vì sao giới chức Mỹ trở nên nghiêm khắc với hàng hóa Việt Nam? Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ? Từ cuối năm 2017, những đòn trừng phạt đầu tiên của Trump đã khởi động. Thoạt đầu là những cú tăng vọt thuế lên mặt hàng tôm, rồi sau đó là thép và cả nhôm của Việt Nam xuất sang Mỹ. Nhưng những đòn này vẫn chưa thấm vào đâu nếu nhìn sang tương lai đầy đe dọa bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung. Bắt đầu từ năm 2018, Trump khởi động chiến dịch tấn công vào nền kinh tế Trung Quốc và có thể cả vào hệ thống chính trị độc tài của quốc gia đông dân nhất thế gới này. Chỉ ít lâu sau đó, một làn sóng ngấm ngầm di chuyển vùng đầu tư từ các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra. Còn đến khi Trump áp thuế cao ngất lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc thì làn sóng doanh nghiệp Trung đổ bộ vào Việt Nam đã trở thành một phong trào thực sự. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có đến 2,2 tỷ USD đăng ký vốn đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng nguồn cơn khiến Trump và nhiều quan chức Mỹ giận dữ là chính quyền Việt Nam đã trở thành một nhân tố tiếp tay cho hàng Trung Quốc gắn nhãn ‘made in Vietnam’ tràn ngập thị trường Hoa Kỳ Trong vụ tung ra biện pháp trừng phạt đánh thuế “thép Việt Nam có nguồn gốc Trung Quốc” vào tháng 12/ 2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã xác định rằng có đến 90% sản phẩm thép từ Việt Nam nhập sang Mỹ có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi đó ở Việt Nam, một số chuyên gia độc lập đã cảnh báo về việc nhôm tấm Trung Quốc mượn đường Việt Nam sang Mỹ nhưng chính phủ và Bộ Công thương Việt Nam không có hành động cứng rắn gì. Không những thế, còn có một lỗ hổng pháp lý mà dường như bộ này cố tình để lại cho Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam. Cũng có nghĩa là thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bao gồm cả giá trị hàng hóa thép và nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc, tức Việt Nam đã thông đồng với Trung Quốc để lừa người Mỹ. Bất chấp chính thể Việt Nam đang cố sức ve vãn Mỹ bằng nhiều thủ thuật ngoại giao, bằng bức tranh lợi ích thương mại và đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại thị trường Việt, bằng miếng mồi ‘hợp tác quốc phòng giữa hai nước’ và có thể bằng cả triển vọng lực lượng quân sự Mỹ có thể đặt chân lên quân cảng Cam Ranh, tiền vẫn là tiền - trong não trạng, quan niệm và bản chất của một nhà kinh doanh quá đỗi thực dụng như Donald Trump. Một lần nữa, nhưng vào lần này có vẻ là thật, quy tắc ‘công bằng và đối ứng’ của Trump rất có thể sẽ áp đặt một cách thực chất lên cán cân thương mại Việt - Mỹ. Việt Nam sẽ chỉ được xuất siêu vào Mỹ dưới 8 tỷ USD/năm? Chỉ ít tháng sau khi nhậm chức tổng thống, Donald Trump đã giương cao ngọn cờ ‘công bằng và đối ứng’ - một đòn thương mại liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia ‘gây hại cho kinh tế Mỹ’ và đòi hỏi các Bộ Thương mại và Bộ Tài chính Mỹ phải thực thi những biện pháp quyết liệt về hàng rào thuế quan thương mại đối với hàng Việt Nam. Đến tháng 5 năm 2018, một tin rất xấu xảy đến với chính thể độc đảng ở Việt Nam: Hoa Kỳ lộ hẳn mục tiêu ‘đòi nợ’ qua cán cân thương mại Mỹ - Việt quá chênh lệch trong những năm qua. Khi đó, ông Jeffrey Gerrish - Phó Đại diện Thương mại Mỹ đã tiến hành một chuyến công du đầy ẩn ý đến Hà Nội và gặp một quan chức cao cấp phụ trách kinh tế của Việt Nam là Ủy viên bộ chính trị kiêm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ. Mặc dù báo đảng Việt Nam chỉ tường thuật sơ sài “ông Jeffrey Gerrish, Hoa Kỳ mong muốn đạt được các thoả thuận với Việt Nam liên quan tới các vướng mắc về nhập khẩu ô tô, thanh toán điện tử và quy định về đặt thiết bị quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam trong dự thảo Luật An ninh mạng”, nhưng một số nhà quan sát kinh tế cho rằng nội dung chính mà Jeffrey Gerrish làm việc với Việt Nam sẽ là “san bằng thâm hụt thương mại” theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhằm buộc Việt Nam phải hạ mức thâm hụt thương mại xuống mức dưới 8 tỷ USD/năm. Quả thật, nếu trong những năm tới Việt Nam phải tự cắt giảm mức thâm hụt thương mại vào thị trường Mỹ, bi kịch xuất khẩu sẽ kéo theo bi kịch kinh tế và cũng là bi kịch ngân sách dành cho chế độ một đảng ở Việt Nam. Con số xuất siêu chỉ có 8 tỷ USD/năm trên sẽ khiến giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ hụt đến 75 - 80% so với những năm trước, làm cho cán cân nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường khác, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng mạnh. Trong khi đó, bức tranh quan hệ thương mại tổng thể giữa Việt Nam với các thị trường khác đang mang gam màu tối. Trong tổng số 16 FTA (hiệp định thương mại tự do) của Việt Nam với các nước, chỉ có hai FTA với Mỹ và châu Âu là còn xuất siêu được - lần lượt là hơn 30 tỷ USD và 25 tỷ USD mỗi năm. Còn thặng dư xuất siêu với Nhật bằng 0, trong khi ngay cả Hàn Quốc, tưởng là “dễ ăn”, nhưng Việt Nam lại phải nhập siêu đến 20 tỷ USD vào năm 2016, gần 25 tỷ USD vào năm 2017 và 24 tỷ USD vào năm 2018. Còn với Trung Quốc thì khỏi nói: con số nhập siêu chính ngạch lên đến 20 - 30 tỷ USD/năm, chưa kể phần tiểu ngạch khoảng 20 tỷ USD nữa, tổng cộng đến 40 - 50 tỷ USD nhập siêu mỗi năm dành cho Việt Nam. Trọng sẽ làm gì để đối phó? Sau “công bằng và đối ứng” về thép, nhôm và tôm, và sau phát ngôn độc đáo "Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả mọi người” của Trump, dấu hỏi lớn là Trump sẽ còn có thêm những chế tài thương mại nào đối với Việt Nam? Nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đánh mạnh thuế lên thép Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với những năm trước, và cho dù chưa đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ nhưng vẫn xếp Việt Nam vào danh sách các nước cần theo dõi về vấn đề này, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm. Vậy Nguyễn Phú Trọng sẽ làm thế nào để gỡ khó từ ràng buộc ‘công bằng và đối ứng’ và ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ của Trump? Nhiều khả năng, và trên thực tế tương quan quyền lực nội bộ đảng hiện nay thì cũng chẳng còn khả năng nào khác, chính Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn ‘đoàn cấp cao’ để công du Mỹ trong thời gian tới, trên cơ sở chuyến đi tiền trạm của Phạm Bình Minh vào tháng 5 năm 2019. Để ‘năn nỉ’ Mỹ nhằm trì hoãn đánh thuế lên hàng Việt Nam. Chính vào lúc này, cần nhìn nhận một sự thật mà có lẽ giới tuyên giáo đảng ở Việt Nam chẳng hề muốn đả động: những chuyến công du quốc tế của giới chóp bu Việt Nam không còn vênh vang như thời Việt Nam được tham dự vào bàn tiệc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 và còn ngửi thấy mùi nợ công quốc gia lẫn nợ xấu ngân hàng, mà xảy ra trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào năm suy thoái kinh tế thứ 11 liên tiếp, nợ xấu ngập đầu còn nợ công phi mã đến ít nhất 210% GDP, ngân sách có nguy cơ cạn kiệt, trong lúc các kênh “ngoại viện” gần như đóng lại. Nhưng với Nguyễn Phú Trọng thì vẫn là giấc mơ cám dỗ về ‘kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ và ‘đất nước có bao giờ được như thế này!’. Không chịu cứng rắn ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ dưới nhãn ‘made in Vietnam’, cũng không chịu cải cách bất kỳ cái gì trong một thể chế kinh tế lẫn chính trị song hành lụn bại như nhau, Trọng sẽ quá khó để thuyết phục Trump không biến Việt Nam thành đối tượng chiến tranh thương mại tiếp theo.
......

Biểu tình bạo lực ở Hong Kong: Bước leo thang nguy hiểm?

VOA| Bạo loạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 1 tháng Bảy đánh dấu một bước leo thang mà nhiều nhà quan sát cho là ‘nguy hiểm’ và sẽ tạo cái cớ cho chính quyền Hong Kong với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nội bộ những người biểu tình cũng có sự chia rẽ đối với hành động bạo lực này: nhiều người phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có người bày tỏ cảm thông. Hôm 1 tháng Bảy, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ. Trong khi cuộc tuần hành chính diễn ra ôn hòa thì một số người biểu tình ngay từ buổi sáng hôm đó đã tấn công vào tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp (LegCo). Họ dùng các thanh sắt và xe đẩy tông vào cửa kính tòa nhà. Họ vào được bên trong, chiếm giữ hội trường chính trong một thời gian ngắn sau nhiều giờ đối đầu căng thẳng với cảnh sát bên ngoài LegCo. Những người biểu tình này, phần lớn che mặt, đã phá hoại bên trong tòa nhà. Họ phun sơn vẽ những câu chống chính phủ lên tường và tung ra lá cờ của Hong Kong từ hồi còn là thuộc địa Anh trong hội trường chính. Đến nửa đêm thì họ rời đi khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay giải tán những con đường xung quanh. ‘Chỉ là thiểu số’ Trao đổi với VOA, nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt, người vừa trở về Mỹ sau khi tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1 tháng Bảy ở Hong Kong, nói rằng những người có hành động bạo lực đó ‘chỉ là thiểu số’ trong cuộc biểu tình ‘có nhiều nhóm tham dự’. “Một số người hoàn toàn chống lại hành vi bạo lực đó,” ông Thái nói và cho biết nội bộ người biểu tình còn có giả thiết là những người tấn công LegCo ‘là người do Hoa Lục đưa qua trà trộn vào để làm hoen ố cuộc biểu tình hết sức ôn hòa’. “Tôi chưa từng thấy cuộc biểu tình nào đông đảo mà mọi người lại giữ được kỷ luật như thế,” ông nhận định. Tuy nhiên, ông cho biết có một người quản lý khách sạn mà ông hỏi chuyện nói là ‘đồng ý với hành động bạo lực đó vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay’. “Tôi hỏi ông ấy nếu xảy ra đổ máu thì sao thì ông ấy nói là ‘Cái gì cũng có cái giá của nó’,” ông Thái kể. “Dân chúng Hong Kong mà tôi hỏi chuyện thì họ có vẻ không vui lắm (với hành động bạo lực). Các nhóm luật sư và sinh viên thì nói ‘Dĩ nhiên không nên xảy ra chuyện như thế nhưng nếu tiếp tục thì không còn con đường nào khác hơn cả’,” ông cho biết. Ông nhận định rằng nếu như vào đêm 1 tháng Bảy, bạo loạn ở Hội Đồng Lập Pháp diễn ra càng mạnh hơn thì ‘nhiều khả năng nhà cầm quyền Hong Kong sẽ dùng vũ lực để trấn áp’. Khi được hỏi người biểu tình có mệt mỏi và có dấu hiệu chùn bước hay không khi phong trào đã kéo dài mà nhiều yêu sách của họ vẫn chưa được chính quyền chấp nhận, ông Thái cho biết là nhiều sinh viên Hong Kong mà ông gặp đều nói sẽ ‘chiến đấu đến cùng’. Bị lên án Hành động bạo lực tại LegCo ngay lập tức vấp phải sự lên án từ chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh, các hội đoàn tại Hong Kong và ngay cả từ phía Mỹ. Trong một cuộc họp báo hôm 2 tháng Bảy, Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam cam kết sẽ ‘buộc những người có hành vi bất hợp pháp và vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm’. Chủ Tịch Hội Đồng Lập Pháp Andrew Leung cho biết cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần. “Là một thành phố văn minh, Hong Kong sẽ không dung thứ bạo lực chống lại pháp trị,” ông Leung nói với các báo giới, “Cho dù ý kiến có là gì đi nữa, không ai nên dùng đến bạo lực để mọi người biết đến quan điểm của mình.” Các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền đã hòa giọng lên án hành động tấn công này, đồng thời chỉ trích những người có thiện cảm với những kẻ tấn công. “Việc đột nhập, phá hoại tại LegCo đã được nhiều người chứng kiến rõ ràng. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ nhất và kêu gọi cảnh sát truy trách nhiệm đến cùng,” lãnh đạo nhóm nghị sỹ ủng hộ chính quyền Martin Liao được Reuters dẫn lời nói. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và các học giả nói rằng hành động tấn công bạo lực và phá hoại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong là ‘khó mà biện hộ’. “Chúng tôi có thể hiểu tại sao nó bùng nổ, mặc dù chúng tôi hy vọng rằng có cách làm tốt hơn để chuyển sự phẫn nộ đó thành một chiến lược khác,” ông Lee Cheuk-Yan, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Công Đoàn Hồng Kông, và một người ủng hộ trung thành của phong trào biểu tình, được tờ Wall Street Journal dẫn lời, “Chúng tôi đã hy vọng rằng họ không đi đến mức đó, bởi vì chúng tôi biết có một cái bẫy ở phía trước họ.” Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bác bỏ bạo lực thẳng thừng. Phòng Thương Mại Mỹ tại Hong Kong trong một thông cáo hôm 2 tháng Bảy nói rằnghọ ủng hộ quyền bày tỏ một cách ôn hòa, nhưng không thể dung dưỡng cho hành động bạo lực của người biểu tình. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo có lập trường dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bình luận rằng những người biểu tình đã hành động xuất phát từ ‘sự kiêu ngạo mù quáng’ và ‘cơn thịnh nộ’ và tỏ ra ‘hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự’. Cần thông cảm? Tuy nhiên, một số người cũng nói rằng sự bất mãn đã khiến hàng ngàn người biểu tình trong trang phục đen tiến đến hành động vô luật pháp. “Tôi hy vọng mọi người có thể thông cảm nhiều hơn. Hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền đã phớt lờ họ,” anh Joshua Wong, nhà lãnh đạo Phong Trào Cách Mạng Dù năm năm trước vừa được ra tù, nói với Wall Street Journal. “Các nhà hoạt động Hong Kong cảm thấy không có cách nào để thúc đẩy chính nghĩa của họ mà không có sự hy sinh cá nhân nào,” anh Wong nói với ý nhắc đến án tù dành cho những hành động bạo loạn. “Sự bất mãn như thế không chỉ xuất phát từ sự không khoan nhượng của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình, mà còn là từ sự thất vọng sâu xa hơn hơn đối với sự phân cách giàu nghèo Hong Kong.” Wong cũng nhấn mạnh rằng hành động tấn công vào tòa nhà lập pháp cũng diễn ra đồng thời với 500.000 người biểu tình khác đang tuần hành ôn hòa gần đó. Anh nói điều đó cho thấy ‘sự đa dạng’ của phong trào. “Chúng tôi không tán thành phá hoại, chúng tôi không dung túng cho bạo lực”, nhà lập pháp Claudia Mo thuộc phe ủng hộ dân chủ nói với Reuters. “Nhưng chúng tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở Hong Kong.” Tạo cớ trấn áp? Ông Kenneth Ka-Lok Chan, phó giáo sư Đại Học Baptist Hong Kong và từng là nghị sỹ Đảng Công Dân Ủng Hộ Dân Chủ, cho rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn Hong Kong tăng cường đàn áp hơn nữa. “Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa về mặt quyết liệt trấn áp người biểu tình,” ông Chan được Reuters dẫn lời nói. “Hành động này sẽ khiến Bắc Kinh rất, rất quan ngại,” ông Steve Tsang, Giám Đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại Học London SOAS, nhận định với Washington Post. “Bắc Kinh sẽ bắt đầu một quá trình tại để suy nghĩ họ sẽ phải làm gì nếu chính phủ Hong Kong không thể xử lý [những cuộc biểu tình này]?” “Khi Hong Kong có chuyện, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và có bạo lực trên đường phố, nỗi sợ của chúng tôi là nếu cảnh sát không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở đây, có nguy cơ từ xa rằng [quân đội Trung Quốc] sẽ can dự,” ông Ronny Tong, thành viên của nội các Hong Kong và là cố vấn pháp lý cho bà Lam, nói. “Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của mô hình ‘một nước, hai chế độ”. Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, văn phòng liên lạc của Trung Quốc về Hong Kong và Ma Cau, đã lên án vụ tấn công vào cơ quan lập pháp là ‘hành động của những kẻ cực đoan’ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘trừng trị hình sự đối với những kẻ phạm tội’. “Đây giống như là một chỉ thị,” ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, được Washington Post dẫn lời nhận định về tuyên bố này. Theo đó thì bà Lam được chỉ thị phải có hành động nghiêm khắc. Cường độ chưa từng có của hành động lần này cũng sẽ đem đến cho Bắc Kinh ‘một lý do để mạnh tay hơn và trấn áp nặng nề hơn’ sự phản kháng ở Hong Kong, ông nói thêm. Tuy nhiên, ông Mathew Wong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại Học Giáo Dục Hong Kong, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể để cho cuộc biểu tình tự tan. Nguồn: VOA Hong Kong: Sai lầm chết người!  
......

30 năm sau “bức tường Berlin”, lịch sử có lặp lại ở Triều Tiên?

Tân Phong| Hãy phá đổ bức tường này! Đó là lời thách thức mà Tổng Thống Ronald Reagan gửi tới nhà lãnh đạo tối cao của Liên Bang Xô Viết Mikhail Sergeyevich Gorbachev ngày 12 tháng Sáu, 1987 trong bài phát biểu trước cổng Brandenburg của thành phố Berlin. Hai năm sau, ngày 9 tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin – biểu tượng của sự chia cắt và thù hận, biên giới nhân tạo được xây lên để cầm tù con người, nhân danh vì Tự Do và Hòa Bình thế giới – đã bị phá bỏ bởi những người dân Đức. Kể từ sự kiện lịch sử đó, thế giới đã bước sang một trang mới và “bức màn sắt” – một khái niệm của địa chính trị thời “chiến tranh lạnh” ám chỉ các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát, ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu – đã phân rã nhanh chóng với sự đổ vỡ không thể cưỡng lại của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Liên Xô – đế chế đỏ vĩ đại, quốc gia có lãnh thổ trải dài qua 170 độ kinh độ, bao phủ phần lớn Heartland và một phần Rimland của đại lục Âu – Á, cũng chỉ tồn tại thêm được 2 năm nữa. Tuy vậy, cảm xúc say đắm lòng người và những viễn tượng Tự Do từ bài hát bất hủ “Wind of Change” của nhóm danh ca huyền thoại Scorpions lan tràn qua khắp các lục địa đã không dễ dàng trở thành hiện thực. Ở cuối thế kỷ 20, thế giới còn phải chứng kiến những tội ác diệt chủng không kém phần tàn khốc ở những quốc gia từng là nạn nhân của phát xít Đức trong thế chiến 2 như xung đột sắc tộc Bosnia – Serb – Croatia, cuộc tắm máu khủng khiếp ở Thiên An Môn với một nhà nước Trung Quốc trở nên sắt máu và chuyên chế hơn. Những trật tự cũ sụp đổ, những hệ tư tưởng từng là trụ đỡ và chất kết dính cho những hệ thống xã hội và nhà nước khổng lồ cộng sản chủ nghĩa tan rã như bìa các tong ngấm nước. Trong khi đó, những lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh, các giải pháp chính trị thay thế chưa sẵn sàng… đã khiến cho phần lớn các quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết cũ rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi quay trở lại chế độ độc tài quân sự nhanh chóng. Một nước Nga cố gắng gượng trong tuyệt vọng để tìm lại ánh vinh quang của quá khứ với một thứ chủ nghĩa dân tộc méo mó và chuyên chính còn hơn cả chế độ phong kiến với một Sa Hoàng Putin. Bức tranh thế giới “hậu chiến tranh lạnh”, cũng không Hòa Bình hay Hạnh Phúc hơn. Khi Liên Xô vĩ đại tan vỡ, khoảng trống quyền lực to lớn ở đại lục Âu Á mà nó để lại đã tạo ra cơ hội vàng cho một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình không chỉ là tham vọng khôi phục lại một “đế quốc đại Đường” của thế kỷ 21, mà là một sự trở lại của khát vọng địa chính trị đầy nguy hiểm từ thời Halford Mackinder hay Karl Haushofer – “kiến trúc sư trưởng” của Hitler – nhưng dưới màu sắc khác và tầm vóc mở rộng hơn nhiều. Những học giả quân sự và tướng lãnh Trung Quốc đang say mê Alfred Thayer Mahan và coi những câu châm ngôn hiếu chiến nhất của ông ta như kinh thánh. Thế giới sẽ phải đối đầu với một quốc gia tham vọng hơn, hiểm độc hơn, linh hoạt hơn rất nhiều so với Đức quốc xã trong thế chiến 2. Những ưu thế này không xuất phát từ ý thức hệ đã lỗi thời và chỉ là vỏ bọc cho quyền lực chuyên chế cộng sản chủ nghĩa, nó có nguồn gốc sâu xa từ chủng tộc. Đó là mối nguy hiểm dai dẳng và đáng sợ nhất. Khi “bức tường Berlin” đổ xuống vào ngày 9 tháng Mười Một, 1989, một “bức tường” khác ở Châu Á – ranh giới phân chia hai miền Nam Bắc của bán đảo Triều Tiên – cũng là một biểu tượng và sản phẩm của thời kỳ “chiến tranh lạnh” vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Bất chấp, mong muốn thống nhất và hòa bình của dân tộc Triều Tiên, những độc tài hậu duệ của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành vẫn giữ vững quyền lực và duy trì đường biên giới ngăn cách theo ý chí của riêng mình. Nhưng một định luật không bao giờ thay đổi là kẻ thống trị không bao giờ có thể mãi mãi đủ mạnh mẽ để giữ vững quyền lực. Khi kẻ thống trị suy yếu, đó là lúc thay đổi. Dường như thời điểm đó đang đến rất gần. Hôm 30 tháng Sáu,  2019 vừa qua, người ta chứng kiến một sự kiện “siêu thực” khi Donald Trump bắt tay “cậu nhóc tên lửa” Kim Chính Ân ở “đường biên giới chết chóc” và dắt tay nhau vào “ngôi nhà Hòa Bình”. Nếu điều đó thực sự xảy ra và không chỉ dừng lại như một cuộc gặp mang tính biểu tượng. Ông ta – Donald Trump, sẽ lặp lại một sự kiện lịch sử 30 năm trước khi Ronald Reagan đứng trước cổng Brandenburg nói với người dân Đức và Mikhail Sergeyevich Gorbachev rằng: Hãy phá đổ bức tường này! Tân Phong https://viettan.org/30-nam-sau-buc-tuong-berlin-lich-su-co-lap-lai-o-trieu-tien/  
......

Nghich lý nhờ phát triển vũ khí hạt nhân

Dương Hoài Linh Tổng GDP của Triều Tiên là 40 tỷ USD. GDP bình quân đầu người là 1.800 USD/năm, xếp gần bét bảng thế giới.Tài sản 25 triệu dân chỉ bằng một nửa tài sản người giàu nhất nước Mỹ. Nhưng nhờ cả gan phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã làm tổng thống Mỹ trên máy bay từ Nhật sang Hàn Quốc đã tweets trên twitter hẹn gặp nhà độc tài của đất nước mạt hạng tận đáy thế giới mà đa phần dân sắp chết đói vì cấm vận. Thế rồi cả bộ sậu quan chức Hàn Quốc , lính lác tất bật gần 30 tiếng cho cuộc gặp gỡ này. Sau đó lại còn hồi hộp không biết "chủ tịch Kim" có giữ đúng hẹn không? Nếu chủ tịch không đến thì thật là tẽn tò cho tổng thống Mỹ. Kết quả hơn 80 phút cho kẻ đứng đầu thế giới gặp một tên ăn vạ đứng chót bảng thế giới được báo chí thi nhau gọi là : CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ. Giả sử nếu thằng mạt hạng này không đánh liều làm giàu uranium và liều mình thử tên lửa thì gã nhà giàu Mỹ chỉ nhìn hắn bằng nửa con mắt.   Trong khi đó thủ tướng của một nước có GDP 241 tỷ USD, GDP đầu người 2.555 USD/năm, từng đánh thắng 3 đế quốc to là Pháp, Mỹ , Trung đến xun xoe nịnh bợ nhưng gã nhà giàu chỉ khoanh tay bất cần, không thèm đếm xỉa tới. Gã xem thằng hói này không bằng góc của thằng con nít ranh kia. Xem ra ở đời chỉ cần liều. Cái đứa huyênh hoang thắng đế quốc chỉ là lừa dân. Trên bình diện quốc tế nó không hề được coi trọng bằng cái thằng chưa hề thắng một tên đế quốc nào.
......

Hong Kong: Sai lầm chết người!

Trong những ngày qua, cả thế giới, và đặc biệt là người Việt, cảm thấy choáng ngợp với sự khâm phục, ngưỡng mộ và thèm thuồng người dân Hong Kong qua hình ảnh của những cuộc biểu tình đông tới 2 triệu người xuống đường chống đối dự luật dẫn độ người dân Hong Kong về Trung Quốc. Tràn đầy những hình ảnh những người trẻ, không có người ra mặt lãnh đạo hay hô hào như thường xảy ra, biểu tình tuần hành trong trật tự và kỷ luật. Cần nhắc lại là vào năm 1997 Anh Quốc đã trao trả Hong Kong về lại Trung Quốc với một thoả thuận có tên là “Một quốc gia hai hệ thống” (One country two systems), với ý là Hong Kong sẽ được duy trì một thể chế chính trị riêng, khác với Trung Quốc, trong vòng 50 năm, cho tới năm 2047. Trong gần 20 năm qua, từ 1997 tới gần đây, người dân Hong Kong tương đối ổn định và hài lòng với quy chế nói trên. Nhưng tình hình đã thay đổi quan trọng kể từ năm 2014 khi nổi lên phong trào Dù Vàng, phản đối việc Trung Quốc can thiệp vào nội tình Hong Kong. Cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hong Kong là một bước ngoặt quan trọng đối với tương lai của Hong Kong và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Một sự kiện quan trọng vừa xảy ra trong diễn tiến cuộc biểu tình vào chiều hôm qua, 1 tháng Bảy, là đoàn biểu tình đã phá cửa xông vào chiếm lĩnh toà nhà Quốc Hội. Hẳn nhiên, đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát Hong Kong. Đây là một hình thức bạo động mà chắc chắn những người chủ trương đấu tranh bất bạo động, như diễn ra cho tới giờ tại Hong Kong, không mong muốn. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý là trong đoàn biểu tình (cho dù đó có phải là chủ ý của nhóm chủ trương hay không) đã thấy có những lá cờ Anh Quốc được phất lên. Phải chăng thông điệp của những cá nhân giương cờ Anh Quốc là muốn trở về thời bảo hộ của Anh Quốc và chống đối việc Hong Kong trở về với Trung Quốc? Dù thế nào thì đây cũng không phải là điều có lợi cho phong trào biểu tình vì chắc chắn là sẽ không được sự ủng hộ của khối đông đảo người Hoa ở lục địa cũng như một số người Hoa ngay tại Hong Kong. Có thể đây là những lỗi lầm (nếu cố ý) hay tai nạn (nếu không cố ý) rất bất lợi cho phong trào chống đối. Đây là một bước ngoặt rất cực kỳ quan trọng! Hong Kong rồi sẽ ra sao là điều hiện giờ không ai có thể đoán trước và tất cả đều đang chờ xem, đặc biệt là phản ứng của Bắc Kinh. Đỗ Đăng Liêu https://viettan.org/hong-kong-sai-lam-chet-nguoi/ Cảnh sát Hong Kong giải tán người biểu tình khỏi Hội đồng Lập pháp (VOA) https://www.youtube.com/watch?time_continue=4&v=IT8SpDbU38k  
......

Và cuối cùng tới phiên Việt Nam

 canhco’s blog – RFA Nhiều người nghi ngờ tác động hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc chạy sang núp dưới cái bóng Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ sẽ làm cho kinh tế Việt Nam khó khăn thêm nếu Trump chú ý tới những mánh khóe gian dối mà Trung Quốc sẽ làm như thường thấy xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó đã tới và Trump cũng đã công khai lên tiếng chỉ trích thái độ mà ông gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng”. Hà Nội sống quá lâu trong sự coi thường đế quốc Mỹ, một con hổ giấy, một kẻ thù giấu mặt, thậm chí một đất nước rất dễ lợi dụng nên tâm lý phớt lờ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn xuất hiện trong tư duy của báo chí lẫn cán bộ làm kinh tế. Mỹ đánh Tàu thì chỉ có lợi cho Việt Nam mà thôi, và từ đó sinh ra những kế hoạch “hậu trường” nhằm lợi dụng cuộc chiến này để thủ lợi. Cách thủ lợi nhanh chóng và gọn gàng nhất là âm thầm mời các công ty Trung Quốc vốn đang bị Mỹ bao vây mang nhà máy vào Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ với cái nhãn Made in Vietnam. Nhưng mang vật tư xây dựng một nhà máy tiêu tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc gì cuộc chiến sẽ kéo dài nên khi nghe đối tác đề nghị mang hàng đã xuất kho từ Trung Quốc, ém quân một thời gian, dán lại nhãn giao cho Việt Nam xuất sang Mỹ…con đường nhẹ tênh nhưng lại có lợi nhiều hơn so với suy nghĩ một chiến lược dài hơi nhân cơ hội này chiếm lĩnh thị trường nước Mỹ thay thế một phần nhỏ của hàng hóa Trung Quốc trước đây. Hàng Made in Vietnam hầu hết là hàng Trung Quốc! Tâm lý ‘ăn xổi, ở thì’ vẫn ngự trị trong bất cứ chính sách nào mà Hà Nội đưa ra, nhất là cái lợi khó cưỡng trước mắt. Thế nhưng Tổng thống Trump không phải là Obama hay Clinton, ông Trump có cặp mắt cú vọ nhanh chóng phát hiện những con chuột tuy lén lút nhưng lì lợm, gian dối khi làm kinh tế dù là Trung Quốc hay Việt Nam. Chính sách của chính phủ mà ông đứng đầu không bỏ sót một quốc gia nào dù đồng minh hay đối nghịch. Việt Nam tuy là nước lập lờ giữa hai khái niệm ấy nhưng do vị trí đặc thù của địa chính trị nên được sự chú ý của ông Tổng tư lệnh của cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Việt Nam tỏ ra non tay và quá xem thường nước Mỹ dưới thời của Trump nên sáng hôm nay lãnh hậu quả mà không người dân nào muốn thấy. “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” là câu phát biểu của Tổng thống Trump với chương trình Fox Business vào sáng Thứ Tư ngày 26 tháng 6, và tệ hơn nữa khi ông thêm rằng “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước”. Sự khó chịu lên tới mức giận dữ của Trump có khiến Hà Nội lo ngại hay không là một việc nhưng chắc chắn rằng người lo ngại hơn cả là Chủ tịch nước/Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông đang thu dọn hành trang để lên đường sang Mỹ. Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa đối với ông khi lần đầu tiên ông sang Mỹ với danh phận của một nguyên thủ quốc gia chứ không phải là chủ tịch của một đảng phái, cho dù là Đảng Cộng sản chăng nữa. Ông Trọng thật khó ăn nói khi gặp ông Trump mà bị nhìn dưới đôi mắt là người đang thủ lợi một cách bất minh trong cuộc chiến tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù ông Trump chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhân quyền của Việt Nam nhưng gót chân Achilles về thâm thủng mậu dịch của Mỹ vẫn là trọng tâm mà ông Trump nhắm tới sẽ không làm ông phớt lờ những kết quả gần đây đang đặt trên bàn của ông trong phòng bầu dục. Có lẽ Việt Nam ngủ quên trước lời khen ngợi của ông Trump vào vài tuần trước khi nói với một kênh truyền hình ở Anh rằng “Việt Nam là đối tác thương mại thứ dữ và họ đàm phán, kinh doanh rất tốt”. Việt Nam quên bẵng rằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” vốn chưa bao giờ rời khỏi bàn tay của bất cứ tống thống nào của nước Mỹ. Khen để Việt Nam tự thay đổi cho phù hợp với xu thế mới chứ không phải khen để rồi tưởng rằng cá đã cắn câu. Con cá Mỹ tuy có cắn câu chăng nữa chỉ sợ chiếc cần của Việt Nam quá nhỏ bé để làm chủ con cá ấy. Chính sách mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã tỏ ra có hại cho kinh tế Việt Nam hơn lúc nào hết. Người Việt đã quen thuộc với hàng Trung Quốc đóng nhãn Made in Vietnam nên vấn đề này đối với nhiều người không quan trọng nhưng trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra, việc thay đổi nơi xuất xứ của hàng hóa là hành vi được xem là tiếp tay cho kẻ thù của Mỹ. Có cần thiết đóng vai kẻ thù cho vừa lòng đàn anh phương Bắc hay không là câu hỏi người dân đang chờ lời giải đáp từ chính quyền của mình. Với ông Trump, bất cứ giải thích nào cũng vô giá trị vì con số mà các cơ quan theo dõi xuất xứ hàng hóa của Mỹ đưa ra mới là kết quả đáng tin. Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 không phải là con số không đáng để ý. Nhưng đáng để ý hơn nữa khi con số ấy đem về nguồn lợi cho dân chúng Việt Nam là bao nhiêu mới đáng nói. Có bao nhiêu phần trăm hàng hóa của Trung Quốc dán nhãn Việt Nam nằm trong gần 40 tỉ thâm hụt mậu dịch mới là điều mà Tổng thống Trump cần làm rõ. Việt Nam sẽ phản hồi mạnh mẽ để khỏa lấp những cáo buộc mà Mỹ đưa ra nhưng cái người ta chờ đợi là lời giải thích có chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể chứ không phải là những “quan ngại” như thường thấy. Chỉ lo rằng sau khi ra về từ hội nghị nhóm G20 tại Nhật ông Trump sẽ đánh thuế lên nhiều mặt hàng Made in Vietnam thì lúc ấy những con chuột hữu nghị sẽ trốn vào đâu trong sự giận dữ của người dân cả nước? https://www.voatiengviet.com/a/trump-chi-trich-viet-nam-la-ke-lam-dung-thuong-mai/4974670.html canhco’s blog  
......

Nghị sĩ Âu Châu gửi thư yêu cầu cải thiện nhân quyền Việt Nam

Việt Tân CÁC NGHỊ SĨ CHÂU ÂU GỬI THƯ YÊU CẦU CẢI THIỆN NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM TRƯỚC KHI PHÊ CHUẨN EVFTA Về việc: Ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do/Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam và đàn áp Nhân quyền tại Việt Nam. Kính gửi Chủ tịch Tusk, Chúng tôi, các Thành viên Nghị viện Châu Âu cùng ký dưới đây, viết cho Hội đồng xem xét Hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA/IPA) để nêu lên mối quan ngại của chúng tôi về sự xuống cấp nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống tại Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Hội đồng, Ủy ban, Ban Đối ngoại (EEAS) và các quốc gia thành viên EU hành động kiên quyết và phối hợp để bảo đảm các cải thiện nhân quyền ở Việt Nam một cách cụ thể và liên tục bằng các ký kết và phê chuẩn các thủ tục của các hiệp định. Theo báo cáo của EEAS, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan độc lập, và như được nhấn mạnh trong suốt Kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát gần đây của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cho thấy không có mấy tiến bộ khả quan trong hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình nhiều năm qua. Ngược lại, cuộc đàn áp đã gia tăng kể từ năm 2016, đáng chú ý nhất là sự gia tăng các vụ tấn công, hành hung, câu lưu, giam giữ kéo dài mà không được tiếp cận luật sư, các án tù nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa, cũng như trong việc áp dụng các quy định hà khắc của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự, và việc thông qua Luật An ninh mạng - một luật mơ hồ. Tất cả những điều này đã xảy ra mặc vô số lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt xu hướng đàn áp này, bao gồm cả EEAS và Nghị viện châu Âu. Cũng cần nhấn mạnh rằng sự xuống cấp nghiêm trọng này đã bắt đầu ngay sau các kết luận chính trị của cuộc đàm phán EVFTA/IPA và song song với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA). Việt Nam là một bên tham gia nhiều công ước nhân quyền, bao gồm cả Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Ngoài ra, Việt Nam bị ràng buộc phải tôn trọng hơn nữa các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình theo PCA, cũng như trong khuôn khổ kế hoạch ưu đãi thuế quan GSP. Cũng cần lưu ý rằng PCA và FTA/IPA có liên quan chính thức với nhau khi Việt Nam vi phạm các phần quan trọng của PCA, bao gồm cả quyền con người. Trước những vi phạm có hệ thống và lâu dài đối với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế này, chúng tôi rất tiếc rằng lịch trình ký kết EVFTA/IPA đã thất bại trong việc không xác định được các tiêu chuẩn hoặc mốc thời gian rõ ràng trong việc chấm dứt xu hướng đàn áp hiện tại. Hơn nữa, các điều khoản trong Chương trình phát triển bền vững và Thương mại của FTA, chẳng hạn như các điều khoản liên quan đến các Công ước ILO cơ bản, chỉ ràng buộc Việt Nam phải “thực hiện các nỗ lực liên tục và duy trì đối với [phê chuẩn]”, - một nghĩa vụ có thể bị trì hoãn vô thời hạn do thiếu thời hạn thực hiện và các cơ chế thực thi cứng rắn. Cuối cùng, liên quan đến mối liên kết giữa PCA và EVFTA/IPA, chúng tôi nhận thấy chi phí rất cao khi đình chỉ ưu đãi thương mại, đó cũng là lý do tại sao việc đình chỉ đó chưa bao giờ xảy ra trong khuôn khổ của bất kỳ hiệp định thương mại song phương nào. Tuy nhiên, điều khoản quan trọng mang tính nguyên tắc như vậy chắc chắn phải là một công cụ hữu ích trong suốt quá trình đàm phán và trước khi phê chuẩn để đạt được tiến triển trong các trường hợp quan trọng. Xét cho cùng, quan hệ song phương của chúng ta với Việt Nam đã được điều chỉnh bởi PCA và các cam kết lẫn nguyên tắc của PCA được áp dụng cho tất cả hiệp định song phương khác. Do đó, đó sẽ là một tín hiệu xấu nếu mối quan hệ của chúng ta được thúc đẩy đáng kể, trong khi những vi phạm cơ bản của các nguyên tắc đó vẫn cứ tiếp diễn. Trước tất cả những điều này, chúng tôi tin rằng EU nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo đảm ít nhất một số cải thiện nhân quyền rõ ràng ở Việt Nam trước khi ký và phê chuẩn EVFTA/IPA. Cần có những dấu hiệu mạnh mẽ và cụ thể rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện một cam kết thực sự nhằm chấm dứt chiến dịch đàn áp nhân quyền của người dân. Các bước đó cần phải kèm theo: • Phóng thích và phục hồi danh dự đầy đủ cho tất cả các tù nhân chính trị. Khởi đầu, như một cách tạo dựng lòng tin ngay lập tức, bằng cách phóng thích những tù nhân lương tâm có vấn đề về sức khỏe để họ được chăm sóc y tế đầy đủ, bao gồm Ngô Hào, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Túc, và Nguyễn Trung Tôn. • Cam kết công khai bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự, các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng hình sự, và Luật An ninh mạng, cũng như làm việc với các cơ quan của EU và Liên Hợp Quốc để ban hành bộ luật hình sự phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo ICCPR và đưa ra một mốc thời gian rõ ràng cho việc thực hiện. • Thực hiện các bước cụ thể để công nhận các công đoàn độc lập và công bố bản lộ trình rõ ràng và có thời hạn để phê chuẩn các công ước cốt lõi còn lại của ILO, sửa đổi luật lao động và tuân thủ các công ước cốt lõi của ILO và cam kết hợp tác với EU, ILO và các tổ chức xã hội dân sự độc lập để giám sát việc thực hiện. Những cam kết cụ thể, tích cực như vậy từ chính quyền Việt Nam chắc chắn cũng sẽ là những tiêu chuẩn quan trọng đối với Nghị viện khi xem xét việc phê chuẩn với EVFTA/IPA. Trân trọng, Nghị sĩ Châu Âu (MEP) Maria Arena MEP Margrete Auken MEP Reinhard Bütikofer MEP Karoline Graswander-Hainz MEP Theresa Griffin MEP Heidi Hautala MEP Agnes Jongerius MEP Jude Kirton-Darling MEP Miapetra Kumpula-Natri MEP Aurore Lalucq MEP Ana Miranda MEP Maria Noichl MEP Joachim Schuster MEP Julie Ward ----- Brussels, ngày 21 tháng 6, 2019 Thư cũng được gửi đến: • Chủ tịch Juncker • Đại diện Cấp cao/Phó Chủ tịch Mogherini • Ủy viên Malmström • Đại sứ COREPER II • Ban Công tác về Châu Á và Châu Đại Dương (COASI) Đọc toàn văn lá thư tại: http://www.heidihautala.fi/…/06/Joint-MEP-letter-EVFTA_IPA.… (Bản dịch Việt Ngữ của Voice)
......

Nghị viện châu Âu có bị độc tài Việt Nam qua mặt?

Phạm Chí Dũng - VOA| “Thoả thuận EVFTA: một ngày tồi tệ cho quyền lợi của người lao động” (EU-Vietnam trade deal a bad day for workers' rights) - trang EUobserver cay đắng rút tít ngay sau khi Hội đồng bộ trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã phê chuẩn vào ngày 25/6/2019 cho việc ký kết không chỉ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) mà còn cả EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh châu Âu). Việc phê chuẩn hấp tấp hai hiệp định thương mại trên sẽ “có những hậu quả nghiêm trọng”, và “Trong khi các nhà lãnh đạo tự chúc mừng mình về một thỏa thuận đã được thực hiện, công dân châu Âu và Việt Nam không nên bỏ qua những người chiến thắng thực sự trong thỏa thuận đầu tư này: các doanh nghiệp lớn và các cá nhân giàu có, mà EU cho phép chiếm đoạt công lý và dân chủ vì lợi nhuận của họ” - EUobserver chua chát. Nhưng thực tế còn tối tệ hơn những gì mà EUobserver đánh giá và dự báo. Cú lừa gạt hoàn hảo Chính thể độc tài ở Việt Nam đã giành một thắng lợi lobby đáng giá đến mức làm cho không chỉ Ủy ban châu Âu mà còn cả Hội đồng châu Âu tin rằng nó không chỉ mang lại những giá trị thương mại quyến rũ cho các doanh nghiệp trong khối EU, mà còn đang cố gắng cải thiện nhân quyền, với bằng chứng là đảng đã chỉ đạo quốc hội ‘gật’ rất nhanh với Công ước 98 về thỏa ước lao động, để được EU chấp thuận cho ký EVFTA và EVIPA. Công ước 98 là một trong số 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà chính quyền Việt Nam đã chây ì không chịu ký từ rất nhiều năm qua. Nhưng việc chính quyền này chịu ký và phê chuẩn Công ước 98 thật ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: đây là công ước ‘nhẹ’ nhất, tức ít liên đới nhất về các điều kiện cải thiện nhân quyền. Trong khi đó, chính thể Việt Nam đã gần như phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động là Công ước 87 về việc tự do thành lập công đoàn độc lập, và công ước 105 về chống cưỡng bức lao động. Lý do đơn giản là nếu phải chấp nhận ký hai công ước còn lại này, Việt Nam sẽ phải chính thức công nhận định chế công đoàn độc lập - luôn bị chính quyền quy chụp là ‘diễn biến hòa bình’ và ‘lật đổ chính quyền’, đồng thời phải tìm cách sửa đổi thực trạng có quá nhiều trẻ em ở Việt Nam nằm trong tình trạng phải lao động trước tuổi trưởng thành và bị cưỡng bức lao động. Trong cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, nhiều nghị sĩ như bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể. Còn John Sifton - Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) đã cảnh báo: “Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn”. Vào đầu năm 2018 khi các cuộc đàm phán EVFTA được khởi động trở lại, Việt Nam đã hứa với EU sẽ ký và phê chuẩn Công ước 87 trong năm 2020. Tuy nhiên trong thông cáo báo chí ngày 25/6/2019, phía EU lại tỏ ra quá chểnh mảng về mốc thời gian này khi ghi nhận Việt Nam đã ký Công ước 98, và tỏ ra hài lòng một cách khó hiểu khi Việt Nam chỉ ‘có ý định’ ký và phê chuẩn hai công ước 87 và 105 vào năm…2023. Một cách nào đó và bằng những thủ thuật nào đó, những doanh nghiệp châu Âu có lợi nhuận đáng kể trong EVFTA đã thành công trong việc vận động Ủy ban châu Âu - cơ quan đặt nặng lợi ích thương mại hơn là nhân quyền - trình cho Hội đồng bộ trưởng châu Âu để chấp thuận việc ký EVFTA và EVIPA. Còn chính thể độc tài ở Việt Nam đã đạt được thành công đầu tiên về EVFTA và EVIPA mà gần như chẳng phải trả một cái giá đáng kể nào về nhượng bộ các quyền cơ bản của người dân. Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rất rõ. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa chẳng có giá trị gì. Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa cuối năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA và EVIPA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào. Nếu mọi chuyện xảy ra đúng theo kịch bản trên, Nghị viện châu Âu - cơ quan có thẩm quyền cuối cùng và mang tính quyết định về bỏ phiếu xem xét số phận EVFTA và EVIPA - sẽ bị chính thể Việt Nam qua mặt ngọt ngào và trọn vẹn - có giá trị như một cú lừa gạt hoàn hảo. Nhân quyền vẫn bị bóp nghẹt Hãy nhớ lại, vào ngày 15/11/2018, tức gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động… Sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyển của Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay. Vậy Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ ra sao? Cho tới giờ phút này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất. Trong khi đó, hầu hết các quyền cơ bản của người dân như tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình, tự do báo chí, tự do tôn giáo… vẫn bị nhà cầm quyền bóp nghẹt. Ngoài việc Việt Nam phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động mang số 87 và 105, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm ‘công đoàn độc lập’, trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước. Liệu Nghị viện châu Âu có biết được toàn bộ ‘quy trình’ mà chính thể Việt Nam đã tìm cách qua mặt họ hay không? Không hề dễ ‘ăn’ EVIPA Hy vọng còn lại cho nhân quyền Việt Nam liên quan EVFTA đang tùy thuộc vào thái độ của Nghị viện châu Âu, bởi cơ quan này sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua EVFTA hay không. Thực ra, EVFTA có thể được ký kết và phê chuẩn trước EVIPA vì đây chỉ là hiệp định mang tính ‘khung’. Để EVFTA được thông qua, chỉ cần có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy ban Thương mại châu Âu, Cộng đồng châu Âu và cuối cùng là Nghị viện châu Âu. Song với EVIPA thì lại nghiêm khắc hơn nhiều. Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn ‘ăn sẵn’ và ‘ăn đậm’ như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải môt thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần ‘vận động’ đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ ‘toi’ dù có được EU phê chuẩn. Sẽ hoàn toàn không dễ dàng để một chính thể độc tài mà lươn lẹo đã trở thành bản chất có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu thông qua EVIPA, bởi những quốc gia này đã ngày càng nhận ra bản chất đó, nhất là đã được ‘mở mắt’ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và quá nhiều vi phạm nhân quyền đã trở thành hệ thống của chính thể Việt Nam./.
......

EVFTA: mới nửa chặng đường

nguyenanhtuan's blog|   Mười tháng trước đây, trong bài viết bên dưới [*], tôi có bàn về những trở lực đối với EVFTA, từ quyền lao động (chưa phê chuẩn các Công ước ILO cốt lõi), đến môi trường (chưa có những thay đổi về mặt thể chế bảo vệ môi trường, đơn cử là báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của các dự án chưa được công khai) và xã hội dân sự (phải được tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi các cam kết). Từ đó đến nay, chính quyền đã có một số cải thiện. Tháng 4/2019, trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ, 'công đoàn độc lập' được đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau [1]. Một tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị định 40 thi hành Luật Bảo vệ Môi trường, lần đầu tiên đặt ra yêu cầu phải công khai mọi bản ĐTM trên trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định [2]. Cách đây vài tuần thì đến lượt Quốc Hội chính thức phê chuẩn Công ước ILO 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể của người lao động [3]. Trước những động thái đó, EU đã có phản hồi tích cực khi Hội đồng EU bật đèn xanh cho Ủy ban EU ký EVFTA với Việt Nam vào ngày 30/6 tới đây ở Hà Nội. Tuy nhiên phải chăng mọi việc như thế coi như là xong và chỉ là vấn đề thời gian trước khi EVFTA có hiệu lực? Hoàn toàn không phải vậy. Lập pháp của EU theo cơ chế cùng ra quyết định (co-decision procedure) giữa Hội đồng EU và Quốc Hội EU, chịu ảnh hưởng từ mô hình Quốc Hội hai viện của nhiều nước. EVFTA hiện mới qua được một cửa - Hội đồng EU, đại diện cho 28 chính phủ thành viên. Cửa còn lại là Quốc Hội EU, cơ quan dân cử gồm 751 thành viên đại diện cho cử tri toàn Châu Âu. Mà Quốc Hội EU thì chỉ vừa mới được bầu hồi tháng 5 vừa rồi, hiện vẫn trong giai đoạn định hình khối chính trị và thảo luận nghị trình. Vì lẽ các Dân biểu EU thường bỏ phiếu theo khối chính trị của mình nên để được thông qua, EVFTA cần được sự ủng hộ của các khối chính trị lớn bao gồm EPP, S&D, Renew Europe và Greens. [4] Không phải ngẫu nhiên mà Đại sứ EU Bruno Angelet, trong bài trả lời phỏng vấn gần đây [5], đã cảnh báo sẽ có thêm yêu cầu, đòi hỏi và ‘những câu chuyện được coi là nhạy cảm’ từ phía Quốc Hội EU khi thảo luận, xem xét thông qua EVFTA bởi lẽ kỳ bầu cử vừa rồi chứng kiến sự lên ngôi của khối xanh, khối tự do, khối xã hội vốn không tha thiết mấy với tự do thương mại. Bởi vậy câu hỏi khi nào EVFTA hoàn tất để có hiệu lực vẫn còn để ngỏ ở đó và chính quyền còn phải nỗ lực thêm nữa để hoàn tất nửa chặng đường còn lại. PS: Nói chuyện EVFTA, nghĩ cũng cần liên hệ đôi chút đến EUSFTA - FTA giữa EU và Singapore. Cũng bị trì hoãn vì những trục trặc pháp lý từ phía EU trong năm 2017 (dẫn đến việc tách Hiệp định Bảo hộ Đầu tư IPA ra khỏi FTA) song EUSFTA lại được thông qua nhanh hơn EVFTA, khi mà tháng 10/2018 đã được Hội đồng EU bật đèn xanh và 5 tháng sau đó có được cái gật đầu của Quốc Hội EU, giúp Singapore trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên có FTA với EU [6]. Có lẽ chính vì lo ngại những biến động nghị trường của EU sau mùa bầu cử tháng 5/2019 nên Chính phủ Lý Hiển Long đã nỗ lực hoàn tất EUSFTA ngay trong nhiệm kỳ Quốc Hội EU khóa trước và giờ thì chỉ cần đợi một số thủ tục mang tính hình thức để hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Trong khi đó, Việt Nam thì vẫn phải chờ. --- [*] AI ĐANG CẢN TRỞ EVFTA? https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254 [1] http://laodongxahoi.net/bo-lao-dong-tbxh-trinh-chinh-phu-du-thao-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-1312414.html [2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-40-2019-ND-CP-huong-dan-Luat-bao-ve-moi-truong-413905.aspx [3] http://vneconomy.vn/viet-nam-phe-chuan-cong-uoc-cua-ilo-ve-thuong-luong-tap-the-20190614155526573.htm [4] https://www.ecfr.eu/publications/summary/how_to_govern_a_fragmented_eu_what_europeans_said_at_the_ballot_box [5] https://news.zing.vn/dai-su-eu-evfta-co-the-duoc-ky-vao-cuoi-thang-6-hoac-dau-thang-7-post957125.html [6] https://www.straitstimes.com/singapore/european-parliament-votes-yes-on-free-trade-partnership-agreements-with-singapore  
......

Có phải Trung cộng đang trong thời điểm tan rã?

Môi trường bị phá hoại, ô nhiễm trầm trọng; các cuộc biểu tình diễn ra thường xuyên nhưng bị báo chí trong nước ém nhẹm; ngành công nghiệp nhựa hóa thi thể người chết thương mại triển lãm vô đạo đức…Ảnh Internet Nguyễn Quang Duy| Ước tính 2 triệu người Hồng Kông xuống đường biểu tình chống Dự luật dẫn độ, vào chủ nhật 16/6/2019, và các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục được diễn ra cho thấy sách lược “một quốc gia hai thể chế” đã hoàn toàn thất bại. Đây là dịp để chúng ta xem xét lại toàn cảnh Hồng Kông để thấy hệ quả có thể là một Trung cộng chia năm xẻ bảy.   Vì sao Anh trao trả Hồng Kông cho Bắc Kinh? Theo Điều ước Nam Kinh ký năm 1842 nhà Thanh vĩnh viễn nhượng đảo Hồng Kông cho Anh Quốc. Sau đó năm 1860, theo Điều ước Bắc Kinh lại nhượng vĩnh viễn bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu. Đến năm 1898, Anh Quốc lại thuê đảo Lạn Đầu và một số vùng phía bắc Cửu Long trong vòng 99 năm để lập ra khu Tân Giới. Năm 1982, Anh Quốc ban đầu định giữ đảo Hồng Kông và bán đảo Cửu Long, còn trao trả phần còn lại cho Trung cộng nhưng bị Đặng Tiểu Bình bác bỏ. Ông Đặng hứa sẽ đối xử với Hồng Kông như một lãnh thổ tự trị tiếp tục duy trì thể chế tự do, chỉ ngoại giao và quân sự thuộc quyền kiểm soát Bắc Kinh. Lời ông Đặng hứa được coi là sách lược “một quốc gia, hai thể chế”. Năm 1984, Tuyên bố chung Trung-Anh ra đời, Hồng Kông thành đặc khu hành chính thuộc Trung cộng, nhưng duy trì phương thức sinh hoạt tự trị trong ít nhất 50 năm. Phía Anh Quốc tin vào lời hứa và nghĩ rằng sau cải cách kinh tế Trung cộng sẽ tiến hành cải cách chính trị, như tiến trình dân chủ hóa tại Đài Loan và Nam Hàn, nhưng điều này đã không hề xảy ra. Ngày 4/6/1989, Trung cộng nổ súng tàn sát Phong Trào dân chủ tại Thiên An Môn. Năm 1990, mặc dù bị Bắc Kinh phản đối, Thống đốc Chris Patten đã phê chuẩn Bộ Luật Cơ bản và cải cách phương pháp bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.   Chuyển giao êm thắm Trước đây, Thống đốc Hồng Kông được Nữ Hoàng bổ nhiệm, nhưng cư dân Hồng Kông có cuộc sống hoàn toàn tự do. Luật pháp Hồng Kông được xây dựng dựa trên Luật pháp Anh mọi quyền tự do đều được bảo đảm. Hồng Kông là một thương cảng tự do và mở cửa hấp thu tư tưởng từ khắp nơi trên thế giới. Kết quả chuyển giao tốt hơn mọi dự đoán, tới ngày trao trả 1/7/1997, chỉ hơn 10% cư dân rời bỏ Hồng Kông, và sau đó không xảy ra một làn sóng thuyền nhân chạy trốn cộng sản như trường hợp Việt Nam. Thời gian đầu sinh hoạt chính trị Hồng Kông có phần cởi mở. Nhưng càng ngày mọi sinh hoạt chính trị càng bị kiểm soát và bị lèo lái bởi Bắc Kinh, làm dân Hồng Kông lo ngại các quyền tự do cơ bản của họ sẽ bị Bắc Kinh tước đoạt dần dần. Năm 2003, nửa triệu người tham gia biểu tình tuần hành phản đối Dự luật an ninh “chống lật đổ chính quyền” do Đặc Khu Trưởng Đổng Kiến Hoa (Tung Chee hwa) đề xuất. Người biểu tình lo ngại Dự luật tước đi quyền tự do biểu lộ chính kiến, tự do ngôn luận và cả tự do tôn giáo, buộc Đổng Kiến Hoa phải hủy bỏ và sau đó từ chức. Thời đại Tập Cận Bình. Đầu năm 2014, Quốc hội Trung cộng tuyên bố đặc khu trưởng sẽ do 1,200 đại cử tri bầu và phải được Bắc Kinh bổ nhiệm Một cuộc trưng cầu dân ý trên mạng được mở ra đòi hỏi người Hồng Kông được quyền trực tiếp bầu Đặc khu trưởng. Trong ba ngày đã có gần 600 ngàn người tham dự ký tên. Phong trào mở thêm 15 phòng bỏ phiếu với kết quả 787 ngàn người bỏ phiếu trong số 3.5 triệu người có quyền đi bầu. Sau đó Phong trào dù vàng dấy lên cuộc biểu tình đòi tự do bầu cử, làm tê liệt Hồng Kông trong vòng hai tháng, nhưng Tập Cận Bình dứt khoát không chấp nhận. Năm 2017, bà Carrie Lam được bổ nhiệm làm Đặc khu trưởng, vào tháng 11/2018, bà đã cùng Ban cố vấn bay sang Bắc Kinh để gặp Tập Cận Bình. Theo tin Tân Hoa Xã, ông Tập cho biết Hồng Kông phải ban hành các đạo luật an ninh quốc gia chống lại nổi loạn, lật đổ, ly khai và phản quốc.   Dự luật dẫn độ. Nhân vụ án giết người ở Đài Loan nhưng thủ phạm lại bỏ trốn về Hồng Kông, bà Carrie Lam đề nghị Dự luật dẫn độ cho phép đặc khu trưởng ký chấp nhận yêu cầu dẫn độ sang Đài Loan và Trung cộng, mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp. Có ý kiến nên gia tăng quyền tư pháp để những vụ án xảy ra bên ngoài Hồng Kông có thể được xử bởi tòa án Hồng Kông. Chính phủ Đài Loan công khai biểu lộ lo lắng về quyền tự do của người Hồng Kông bị lạm dụng nên không đòi hỏi và cũng không chấp nhận việc dẫn độ về Đài Loan. Bà Carrie Lam từ chối mọi đề nghị làm dấy lên dư luận Trung cộng lợi dụng vai trò của đặc khu trưởng để giới hạn dần quyền tự do người Hồng Kông, họ lo sợ bị ghép tội, bị bắt bớ và bị xử không công bằng như vẫn thường xảy ra ở Trung cộng.   Mỹ can thiệp? Thủ Tướng Anh Quốc Theresa May đã lên tiếng phản đối dự luật dẫn độ và tuyên bố sẽ xem xét lại Tuyên Bố Chung Anh-Trung năm 1984. Năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ cho Hồng Kông một quy chế đặc biệt tự do và tự trị tách biệt từ Trung cộng. Nhờ thế, Hồng Kông tiếp tục được chuyển giao công nghệ tiên tiến, tự do thương mãi, tự do trao đổi giữa tiền Mỹ và tiền Hồng Kông, công nhận là trung tâm tài chính thế giới… Đạo luật trao cho Tổng thống quyền ban hành sắc lệnh trừng phạt nếu Hồng Kông mất quyền tự trị đầy đủ theo các điều khoản trong Tuyên bố Chung 1984. Trong hoàn cảnh hiện nay một sắc lệnh như thế sẽ ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, công nghệ và tài chính Trung cộng vốn đang trên đà tụt dốc. Mọi hàng hóa từ Hồng Kông xuất cảng sang Mỹ bị cùng một mức thuế như hàng Trung cộng. Trung cộng sẽ mất trung tâm tài chính Hồng Kông, vốn đầu tư sẽ bị rút khỏi Hồng Kông, các công ty Trung cộng sẽ bị phong tỏa tài chính từ nguồn tư bản của Mỹ và giá trị của các tập đoàn nhà nước được niêm yết trên sàn Hồng Kông sẽ sụt giảm thảm hại. Ngày 12/6/2019, Quốc Hội Mỹ cho tu chính đạo luật về Hồng Kông năm 1992, yêu cầu Bộ Ngoại Giao mỗi sáu tháng phải phúc trình Quốc Hội về tình trạng tự trị của Hồng Kông, xem còn đáng hưởng quy chế đặc biệt nữa không.   Biểu tình bài học cần rút tỉa… Ngày 14/6/2019, từ trung tâm giam giữ Lục Chi Giác, Joshua Wong (Hoàng Chí Phong) kêu gọi Mỹ phải đánh giá lại Đạo luật Chính sách Hồng Kông năm 1992, xem xét Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông và điều chỉnh quan hệ giữa hai bên Mỹ-Trung. Dân chúng Hồng Kông đều biết nếu Mỹ phong tỏa kinh tế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, nhưng vì tự do và dân chủ họ chịu hy sinh quyền lợi kêu gọi Chính phủ và Quốc Hội Mỹ hành động. Mọi người tham dự biểu tình có chung mục tiêu là phản đối dự luật dẫn độ, đòi bảo đảm quyền tự do và đòi bà Carrie Lam từ chức. Mọi người quyết giữ những mục tiêu này không cho bất cứ ai đại diện thương lượng hay tìm cách chia rẽ hàng ngũ và tránh việc chưa thành đã tranh giành thành quả. Cuộc tuần hành lên đến 2 triệu người, không có người tổ chức nhưng lại được tổ chức một cách toàn hảo nhờ ý thức trách nhiệm của mọi người. Họ tự động sửa soạn mọi thứ, thay vì dựa vào người khởi xướng, tổ chức hay lãnh đạo và liên kết gắn bó với nhau. Mọi người nhịp nhàng kết hợp giữa đấu tranh ôn hòa và đấu tranh bạo lực, không tranh cãi về phương cách đấu tranh. Khi cảnh sát tấn công đàn áp người ôn hòa rút xuống phía dưới nhường chỗ cho những thanh niên sẵn sàng đối đầu ngăn chặn cảnh sát. Lực lượng cảnh sát ít lại bị chia mỏng so với số người biểu tình, với sự hổ trợ của truyền thông báo chí, của những người không đi biểu tình nên kết quả nhà cầm quyền phải thối lui. Mặc dù bà Carrie Lam đã xin lỗi và tuyên bố hoãn Dự luật dẫn độ nhưng mọi người tiếp tục đòi bà phải từ chức và kêu gọi tiếp tục biểu tình làm áp lực. Nếu bà từ chức sẽ là một thất bại vô cùng to lớn cho Tập Cận Bình trước các đối thủ trong đảng cộng sản và trước thế giới, vì thế ông Tập sẽ không chấp nhận ngay cả khi bà Carrie Lam thực sự muốn từ chức.   Trung cộng đang tan rã ? Tập Cận Bình vừa ngon ngọt “một quốc gia, hai thể chế” với Đài Loan, lại vừa hăm dọa sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước. Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố Đài Loan ủng hộ Hồng Kông, bà cho biết: “Tự do là một giá trị mà người dân Đài Loan trân trọng, Đài Loan đang ngày càng tự do dân chủ hơn, trong khi Hồng Kông đang mất dần tự do…” Chủ nhật vừa qua trước Quốc Hội Đài Loan, khoảng 10 ngàn người biểu tình mang theo biểu ngữ “Đài Loan ủng hộ Hồng Kông”, “Nói không với luật dẫn độ sang Trung cộng” và kêu gọi Quốc hội chính thức ra tuyên bố lên án Dự luật dẫn độ. Gần đây, Mỹ thông qua “Đạo luật Bảo đảm Đài Loan 2019”, ủng hộ Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, thường xuyên bán vũ khí, công cụ quốc phòng cho Đài Loan, ủng hộ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế, nhìn nhận Đài Loan là quốc gia và sử dụng Quốc kỳ Đài Loan. Lời hứa “một quốc gia, hai thể chế” không được thực hiện nên Hoa Kỳ cũng đang từng bước nhìn nhận lại Đài Loan và Hồng Kông như hai thể chế độc lập. Nhà Thanh đã nhường vĩnh viễn đảo Hồng Kông, bán đảo Cửu Long và đảo Ngang Thuyền Châu cho Anh Quốc, nên nhiều người Hồng Kông muốn thành phố của họ quay về với nước Anh và được độc lập từ Trung cộng. Thế giới cũng đang rất quan tâm đến hàng triệu người Tân Cương đang bị giam trong các trại tù ở Trung cộng. Tình hình an ninh và chính trị Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông và nhiều nơi khác cũng không được ổn định, vì thế Bắc Kinh phải thiết lập cả hệ thống an ninh dùng công nghệ tối tân kiểm soát toàn bộ xã hội và kiểm soát ý thức chính trị của người dân. Quốc Hội Mỹ hiện đang xem xét chế tài các công ty cộng tác với Bắc Kinh trong việc đàn áp nhân quyền. Quá trình nhanh chóng sụp đổ của Đông Âu và Liên Xô trước đây dường như đang tái diễn. Các tiền đồn Xã Hội Chủ Nghĩa cuối cùng, bao gồm Trung cộng, Bắc Hàn, Việt Nam,… đang bộc lộ những khủng hoảng khó có thể thoát qua. Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông… sẽ đứng lên giành lại tự do và độc lập. Thế giới và nhất là Việt Nam sẽ thanh bình thoát khỏi tham vọng bá chủ toàn cầu của Tập Cận Bình và nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 24/6/2019
......

Cách mạng thứ ba và tương lai Trung Quốc

”...Chỉ có cái mỏ người là vô tận và tự tái sinh, nếu biết nâng cao dân trí và thay đổi thể chế để giải phóng năng lực sáng tạo. Israel là một bài học về “quốc gia khởi nghiệp” và Hong Kong là một bài học về dân trí cao...” Nguyễn Quang Dy - Viet-Studies| Cách mạng thường có nghĩa là thay đổi để tiến lên. Nhưng trong lịch sử hãn hữu có trường hợp cách mạng giật lùi (regression) như cách mạng Hồi giáo cực đoan tại Iran (1978-1979) do Giáo chủ Avatollah Khomeini cầm đầu. Không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử” (sau Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga). Gần đây, “Cách mạng Lần thứ ba” tại Trung Quốc do Tập Cận Bình cầm đầu (từ 2012) đã làm ngược lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là “Giấu mình Chờ thời” và khôi phục Sùng bái Cá nhân như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã trở thành “Hoàng đế Đỏ” quá sớm như “Cao Biền dậy non”, dẫn đến đối đầu Mỹ-Trung và chiến tranh lạnh về kinh tế. Gần đây, chủ trương kiểm soát cực đoan đã xô đẩy hàng triệu người Hong Kong xuống đường phản đối luật dẫn độ đang đe dọa quy chế tự do dân chủ của Hong Kong. Nếu nhà cầm quyền không nhân nhượng, phái diều hâu ở Mỹ sẽ có thêm lý do để chống Trung Quốc. Hong Kong Policy Act và Taiwan Act có giá trị răn đe Trung Quốc không được vi phạm cam kết. Hong Kong và Đài Loan là hai quả bom nổ chậm làm Bắc Kinh đau đầu. Theo Minxin Pei, khi đối đầu Mỹ-Trung leo thang làm Trung Quốc khó tiếp cận nguồn vốn và công nghệ Mỹ, vai trò Hong Kong càng quan trọng hơn. Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thảm họa, “Bắc Kinh nên rút bỏ dự luật này trước khi quá muộn”. (China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019). Trong đối đầu chiến lược Mỹ-Trung đầy biến số, tương lai Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn và công nghệ cao. Ngày 24/5/2019, chương trình SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên của dự án Starlink, nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn thế giới. Starlink có thể làm hệ thống 5G của Huawei trở nên lạc hậu. Cách mạng lần thứ ba Theo các học giả, kể từ khi lập quốc (1949) Trung Quốc đã trải qua ba cuộc cách mạng hiện đại. Lần thứ nhất là khi Hồng quân của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông cầm đầu đã giải phóng lục địa và thống nhất Trung Quốc. Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mao đã nôn nóng phạm sai lầm nghiêm trọng về “Đại Nhảy vọt” (1958-1961) làm hơn 30 triệu người chết và “Cách mạng Văn hóa” (1966-1976) làm Trung Quốc suy sụp. Lần thứ hai là khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền trong hai thập niên (1970 và 1980), đã triển khai cải cách kinh tế thị trường triệt để với khẩu hiệu thực dụng “Mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột”, nới lỏng kinh tế nhà nước và kiểm soát chính trị. Đó là thời kỳ mở cửa ngoại giao mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh (1972) để rút quân khỏi Việt Nam và chống Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Quan hệ hợp tác Mỹ-Trung đã phát triển sâu rộng trong suốt ba nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ, với chủ trương can dự (constructive engagement) giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp vụ đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn (1989). Bill Clinton đã cho Trung Quốc hưởng quy chế “tối huệ quốc” và gia nhập WTO (năm 2001). Đó là những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc trỗi dậy và “cất cánh”, vượt Nhật Bản (2010), và cạnh tranh với Mỹ. Elizabeth Economy (CFR) đã liệt kê những biến chuyển sâu rộng mà Tập Cận Bình đã tạo ra và coi đó là “cuộc cách mạng lần thứ ba” (third revolution) hay chính xác hơn là “phản cách mạng” (counterrevolution) như Orville Schell đã điểm cuốn sách này. Economy phân tích tại sao thách thức của Trung Quốc đối với trật tự do Mỹ dẫn đầu lại nghiêm trọng như vậy, và các mâu thuẫn trong chính sách của Bắc Kinh lại đe dọa các tham vọng của Tập. Cuối cùng, Economy đã lạnh lùng truy cứu những nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình với câu hỏi cơ bản đặt ra khi ông theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”: Một quốc gia phi dân chủ muốn lãnh đạo một trật tự thế giới dân chủ (an illiberal state seeking leadership in a liberal world order). (The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018). Sự quyết đoán của Trung Quốc đã bùng nổ cùng với sự trỗi dậy củng cố quyền lực của Tập Cận Bình (từ 2012). Năm 2014, Tập bắt đầu kêu gọi Trung Quốc “không chỉ sẵn sàng viết lại luật chơi mà còn xây dựng sân chơi toàn cầu”. Tập không chỉ khôi phục “Sùng bái Cá nhân” như thời Mao Trạch Đông, mà còn xây dựng một hệ thống kiểm soát xã hội và cho điểm công dân (social credit system) như trong một tác phẩm của George Orwell. Trong hệ thống đó, tin tặc được nhà nước bảo trợ và thể chế hóa để ăn cắp công nghệ của Mỹ, vi phạm bản quyền và nhân quyền. Kết cục là người Mỹ buộc phải lên tiếng chống lại (backlash). Cuốn sách của Economy phản ánh sự điều chỉnh trong tư duy chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong 50 qua, cũng như biến động trong quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung. Theo một tài liệu nghiên cứu của nhóm đặc nhiệm gồm 15 chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, (như Elizabeth Economy, David Shambaugh, Winston Lord) do Asia Society và University of California tổ chức, Mỹ-Trung “đang đối đầu” (on a collision course) và “nguy cơ xung đột công khai” (overt conflict) lớn hơn trước. Tuy họ hoan nghênh Trump đã chống lại (pushback) Trung Quốc, nhưng bản thân sự chống lại đó không phải là một chiến lược. Họ cho rằng Trump đã làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và khả năng xung đột với Trung Quốc bằng cách làm giảm giá trị hai lợi thế lớn nhất của Mỹ là “hệ thống đồng minh/đối tác và những cơ chế đa phương toàn cầu”. Việc Trump bỏ rơi TPP là một sai lầm tai hại. Trump làm giảm giá trị của pháp quyền và uy tín của Mỹ, làm đồng minh lo lắng và làm đối tác bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trump khen các nhà độc tài (như Tập và Putin) làm Bắc Kinh càng thêm cứng rắn, và làm khó dễ những người Trung Quốc muốn cải cách chính trị. Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute), Tập Cận Bình ngày càng hung hăng là một phần của chiến lược nhằm “thay thế vị trí bá quyền của Mỹ”. Pillsbury đã lập luận một cách thuyết phục rằng Mỹ đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong khi giới tinh hoa tiếp tục bị phân hóa, thì Pillsbury lên án các chuyên gia Mỹ đã nhất quán coi thường giới diều hâu Trung Quốc, nay mới tỉnh ngộ nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Mỹ và trật tự thế giới dân chủ (the liberal world order). (The Hundred Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower, Michael Pillsbury, St Martin Press, 2015). Cuốn sách của Economy tuy không gây tranh cãi bằng cuốn của Pillsbury, nhưng đã nêu bật được các điểm yếu và nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình, có thể làm hỏng tham vọng của ông. Economy nghi ngờ sức mạnh của Bắc Kinh đã cản trở giáo dục và Internet, nạn trộm cắp bản quyền và hệ thống bất cập đã ngăn cản sự phát triển của một môi trường hậu thuẫn cho nghiên cứu cơ bản với chất lượng cao. Theo David Shambaugh, chỉ có khoảng 2,2 triệu trong số 4 triệu sinh viên Trung Quốc du học từ 1987 đã trở về nước. Trung Quốc không thể bước lên các bậc thang giá trị gia tăng để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”. Tương lai Trung Quốc Theo Ali Wynes (RAND), GNP của Trung Quốc đã tăng 9 lần trong những năm 2001-2016, (từ US$1,34 tỷ lên US$11,2 tỷ) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, và năm 2013 trở thành nước buôn bán lớn nhất. Đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế toàn cầu đã tăng bốn lần (từ 4% lên 16%). Đến năm 2016, Trung Quốc đã chiếm 34% tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, 4 ngân hàng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc: (1) Industrial and Commercial Bank of China (US$4,000 tỷ), (2) China Construction Bank (US$3,400 tỷ), (3) Agriculture Bank of China (US$3,240 tỷ), (4) Bank of China (US$2,990 tỷ), trong khi JP Morgan Chase được xếp thứ 6 hoặc 7 trong danh sách các ngân hàng đứng đầu thế giới. Nhưng China Development Bank (CDB) lớn bằng tất cả các ngân hàng đó cộng lại. Người ta nói “Nếu Đảng Cộng sản là Chúa Trời (God) tại Trung Quốc, thì CDB là Nhà Tiên tri (Prophet). CDB đã thuê những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tham gia “Hội đồng Cố vấn Quốc tế” (International Advisory Council): Hank Greenberg (cựu chủ tịch AIG), Henry Kissinger (cựu Ngoại trưởng), Fred Bergsten (economist), và Frenkel (cựu Thống đốc Bank of Israel). Họ đem lại uy tín cho CDB, và các thương vụ ngầm (behind closed doors). Tạp chí Forbes (năm 2018) đã liệt kê 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới là: USA, China, Japan, Germany, và UK. Nhưng theo các nhà kinh tế, đến năm 2030 thì danh sách này sẽ bị đảo lộn theo một thứ tự khác: China, USA, India, Japan, và Indonesia. Theo tạp chí Fortune (năm 2018), trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 126 công ty, Trung Quốc có 120 công ty, Nhật có 52 công ty, Ấn Độ có 7 công ty. Trong danh sách 100 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 30, Trung Quốc có 18, Nhật có 8, và Ấn Độ có 1 công ty. Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất, gấp hai lần rưỡi Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ hai thế giới. Nếu cộng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và Hồng Kong lại, thì tổng số là US$3,600 tỷ. Ấn Độ xếp thứ 8 (năm 2018) với forex reserves là US$403,7 tỷ, trong khi của Mỹ là US$123,5 tỷ và của Anh là US$187,4 tỷ. Theo Joe Nye, Trung Quốc tuy có tiềm lực kinh tế hùng mạnh như vậy, nhưng vẫn là “người khổng lồ chân đất sét”. Cuộc chiến thương mại đang phơi bày những tử huyệt của Trung Quốc. Nay người ta thấy rõ Huawei, niềm tự hào của Trung Quốc về công nghệ cao, cùng với ZTE, đang bị “bẻ nanh” (defanged). Có thể nói Trung Quốc đã chậm chân về công nghệ ít nhất 10 năm. Tình trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành quốc phòng, công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề của Huawei cho thấy những ảo tưởng của Trung Quốc, vì đến nay chìa khóa công nghệ cao vẫn nằm trong tay Mỹ, Đức, Nhật và Hàn Quốc (The trade war shows China’s economic dream is dying, South China Morning Post, June 11, 2019). Theo Asia Times (23/5/2019), 14 nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, đại diện bởi Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên Quốc hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo quy trình, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ là người chịu trách nhiệm phải báo cáo định kỳ với Quốc hội danh sách những tổ chức và cá nhân Trung Quốc nào sẽ bị cấm vận. Danh sách ban đầu có thể gồm 25 công ty lớn của Trung Quốc, như CCCC Dredging Group (thuôc Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, tham gia xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông), Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), và China Mobile… Theo TNS Rubio, Trung Quốc “là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước này từng đối mặt”, trong các lĩnh vực viễn thông, điện toán lượng tử, AI và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập dữ liệu lớn (big data). Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cứng rắn hơn, với sự đồng thuận và hợp nhất ý tưởng trong bộ máy chính sách đối ngoại, bao gồm các thành viên của 2 đảng trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm góc, Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence… Nếu “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” được thông qua, Mỹ có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên quan tới “các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”. Theo Bonnie Glaser (CSIS) khoảng 73% các sự vụ chính xảy ra ở Biển Đông từ năm 2010 có liên quan tới các tàu chấp pháp của Trung Quốc…“Dự thảo này không nhằm vào những đối tượng xấu khác, mà thực sự nhằm vào Trung Quốc”. Glaser nhấn mạnh Biển Đông chưa bao giờ được chú ý đặc biệt như thế trong chính sách của chính quyền Trump… Lầu Năm góc vừa lập ra một cơ quan mới là “Văn phòng Phân tích Kinh tế và Thương mại” có nhiệm vụ rà soát các hợp đồng quốc phòng có liên quan đến các công ty Trung Quốc thông qua bên cung ứng thứ ba. Theo James Mulvenon (một chuyên gia về an ninh mạng) Lầu Năm góc đã coi chất bán dẫn là “ngọn đồi” mà họ phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ. Đó là ngành công nghiệp mà Mỹ phải dẫn đầu vì mọi thứ khác đều dựa vào đó. Trong khi đó, Kiron Skinner (Bộ Ngoại giao) cho rằng xung đột giữa các nền văn minh và sắc tộc đang diễn ra, và nhấn mạnh rằng Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc như trước đây đối với Liên Xô. Gần đây, Bộ Tư lệnh Tuần duyên Mỹ đã điều hai tàu USCGC Bertholf và USCGC Stratton tham gia các hoạt động cùng Hạm đội 7 đóng tại Okosuka, Nhật Bản, đến hoạt động ở khu vực Biển Đông với mục đích giúp các nước khu vực thực thi pháp luật, và xây dựng năng lực trong hoạt động đánh cá. Đây là một chủ trương mới nhằm đối phó với lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc, lâu nay vẫn áp đảo và bắt nạt các nước trong khu vực. Phát biểu trong một cuộc họp báo (11/6/2019), Phó đô đốc Linda Fagan, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ cho biết họ đang theo dõi các hoạt động xâm lấn của “dân quân biển” Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến tuần tra đầu tiên của tàu Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông đã diễn ra sau 7 năm, và Fagan cho biết sự trở lại của Tuần duyên Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế cho phép các tàu được đi qua các vùng biển quốc tế. Động thái này của Tuần Duyên Mỹ mở ra triển vọng hợp tác về tuần duyên trong khu vực. Triển vọng Việt Nam Theo Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), phái “thu tô” hay “trục lợi” (rent-seeking) được hiểu là một trường phái chính sách (chứ không hẳn là một phe phái chính trị), không vì lợi ích dân tộc, cũng chẳng vì lý tưởng chủ nghĩa nào, mà chỉ lợi dụng quyền lực nhà nước để “thương mại hoá” quyền lực ấy. Họ thường lập luận “giữ ổn định để phát triển” nhưng thực tế họ muốn “giữ ổn định bằng mọi giá, kể cả không phát triển” (Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước Đại Hội 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, June 8, 2019). Khi bước vào thời kỳ “đổi mới” (từ cuối 1986), lúc đầu có hai trường phái chính sách chủ yếu là “bảo thủ” và “đổi mới”, nhưng sau đó đã xuất hiện trường phái thứ ba là phái “thu tô/trục lợi”, được hiểu là “các tổ hợp chính trị-thương mại” (hay các nhóm lợi ích thân hữu) đã thao túng nền kinh tế Việt Nam trong suốt giai đoạn quá độ (chuyển đổi). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu “nhà nước thu tô” đẻ ra tình trạng “không chịu phát triển” như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét. Tinh thần “chấn hưng” của người Việt chưa bao giờ vượt qua được cửa ải “giữ ổn định”, làm “nhà nước thu tô” mạnh hơn hẳn “nhà nước kiến tạo”. Đó là bức tranh đối nội, còn về đối ngoại, Vuving cho rằng quan hệ Việt-Mỹ ngày càng “nồng ấm hơn”, trong khi quan hệ Việt-Trung “có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong”. Tuy thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison) được nhiều người đề cập, nhưng ít có khả năng (unlikely) xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc. “Yếu tố Nga” tuy có thể giúp Việt Nam phần nào để chống lại sức ép từ Trung Quốc nhưng không nhiều, và khả năng Nga chống lưng cho Việt Nam “khá mong manh”. Để chống lại sức ép Trung Quốc, Việt Nam phải tăng cường quan hệ với một loạt cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước khác như Anh, Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như các nước láng giềng có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sinh tồn của khu vực như Lào và Campuchia, cũng như ASEAN... Xu thế chung của Việt Nam hiện nay là dịch chuyển “gần Mỹ hơn và xa Trung Quốc hơn”, nhưng với tốc độ nhỏ giọt để “không gây ra chấn động”. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam vẫn “không muốn quá gần Mỹ hoặc quá xa Trung Quốc”. Nhưng gần đây, lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn (trước đây thường lo ngại về Mỹ nhiều hơn). Xu thế xích lại gần Mỹ “nay nhỉnh hơn” so với xu thế thích gần Trung Quốc. Các yếu tố truyền thống như ý thức hệ và sự níu kéo của Trung Quốc, vốn nuôi dưỡng tham nhũng và cản trở đổi mới, nay sẽ bớt tác dụng hơn. Điều đó khiến người Việt lạc quan hơn về triển vọng cất cánh của Việt Nam trong tương lai. Về lâu dài, xu hướng ‘thoát Trung” (dịch chuyển khỏi quỹ đạo Trung Quốc) sẽ làm giảm môi trường nuôi dưỡng các phái “thu tô/trục lợi”. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam là gì thì chưa rõ. Bản thân chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Trung Quốc vẫn còn đang hình thành. Nói cách khác, sau 2 năm rưỡi cầm quyền, chính quyền Trump vẫn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về chiến lược. Trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh “hiện thực, kiềm chế, và tôn trọng” (realism, restraint, and respect), John Bolton (cố vấn ANQG) vẫn muốn “thay đổi chế độ” (như Maduro ở Venezuela, Assad ở Syria và Khomeni ở Iran). Tuy trước mắt Trump có thể vận dụng sự lộn xộn đó làm thiên hạ khó lường, nhưng về lâu dài đó không phải là chiến lược. Điều duy nhất Trump có thể vận dụng để chống Trung Quốc là “đồng thuận lưỡng đảng”. (American Foreign Policy Adrift”, Foreign Affairs, June 5, 2019). Muốn kiến tạo, Việt Nam phải chuyển sang tâm thế bứt phá để bung ra. Chỉ khi nào chuyển từ vai trò nhà nước quản lý sang nhà nước giải phóng sức sáng tạo của xã hội thì Việt Nam mới có thể cất cánh được. Người Việt phải nuôi dưỡng bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn, đặc biệt là thách thức trong cuộc chạy đua công nghệ lần thứ 4 và trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì “thách thức tuy lớn nhưng cơ hội không nhỏ”. Nếu không bồi dưỡng bản lĩnh để chơi những cuộc chơi mới, thì Việt Nam không bao giờ cất cánh được. Hiện nay, sức ép đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước đến chủ yếu từ hai nguồn. Thứ nhất, sự yếu kém về quản trị, là hang ổ của nạn tham nhũng đã lộ diện ngày càng nhiều, khiến TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng, vốn ủng hộ mạnh mẽ kinh tế nhà nước, nay cũng phải đặt lại vấn đề kinh tế tư nhân tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thứ hai, cả 2 hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) tuy không có Mỹ tham gia, nhưng đã thay đổi phần nào luật chơi và sân chơi, khiến các doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm thêm khá nhiều quyền ưu đãi. Theo Vuving, vai trò các nhóm vận động cho xã hội dân sự và dân chủ ở Việt Nam trong bối cảnh chính trị nội bộ trước mắt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tương tác giữa họ với chính quyền và người dân trong nước, “chứ không phải vào chiến lược của Mỹ”. Tuy nhiên, về lâu dài nếu Việt Nam dịch xa quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ phải xích lại gần hơn các nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để tạo đối trọng. Các nước này có xã hội dân sự phát triển mạnh, nên bản thân Việt Nam với xu hướng hội nhập, sẽ phải coi trọng hơn vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam. Lời cuối Người ta nói Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng nay tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác đến cạn kiệt, và bị lấn chiếm và ngăn cấm bởi người hàng xóm mạnh hơn và tham lam đang muốn kiểm soát Biển Đông. Chỉ có cái mỏ người là vô tận và tự tái sinh, nếu biết nâng cao dân trí và thay đổi thể chế để giải phóng năng lực sáng tạo. Israel là một bài học về “quốc gia khởi nghiệp” và Hong Kong là một bài học về dân trí cao, tuy có 7 triệu dân nhưng là một mỏ vàng. Việt Nam có 97 triệu dân (2019) là một cái mỏ vàng tiềm ẩn khổng lồ, nhưng đáng buồn vì đất nước vẫn nghèo nàn, tụt hậu và năng suất lao động thấp nhất khu vực. N.Q.D.   Nguồn: viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_CachMangBaTrungQuoc.html Tài liệu tham khảo: 1. The Hundred Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower, Michael Pillsbury, St Martin Press, 2015 2. The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018 3. American Foreign Policy Adrift”, Foreign Affairs, June 5, 2019. 4. The trade war shows China’s economic dream is dying. Beijing now has a choice: open up or stagnate, Graeme Maxton, SCMP, June 11, 2019 5. China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019 6. Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước ĐH 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, (phỏng vấn Alexander Vuving), June 8, 2019.  
......

Tổng Thống Trump ghi thêm vào sổ bìa đen một loạt các công ty Trung Quốc

Người Đà Lạt Xưa| Thêm bốn công ty và một học viện nghiên cứu của Trung Quốc sẽ theo gót Huawei bị cho vào sổ bìa đen của Hoa Kỳ chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka. Những công ty nào nằm trong danh sách này sẽ bị ngăn cấm không cho mua các phần mềm và linh kiện điện tử của Hoa Kỳ.   Bị đưa vào sổ bìa đen lần này gồm có công ty Higon của Trung Quốc, một thành viên trong liên doanh THATIC với đại công ty AMD của Hoa Kỳ từ năm 2016. THATIC, viết tắt của Tianjin Haiguang Advanced Technology Investment Co., là một liên doanh mà AMD sử dụng để cấp môn bài sử dụng công nghệ vi xử lý (microprocessor technology) của AMD cho các công ty tại Hoa Lục.   AMD, viết tắt của Advanced Micro Devices, một công ty chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn tích hợp và phát triển bộ xử lý máy tính và các công nghệ liên quan cho thị trường tiêu dùng và kinh doanh. Các sản phẩm chính của AMD bao gồm có bộ vi xử lý, chipset bo mạch chủ, bộ xử lý nhúng và bộ xử lý đồ họa cho máy chủ, máy trạm và máy tính cá nhân và các ứng dụng hệ thống nhúng. Mất đi mọi sự buôn bán trong liên doanh THATIC với AMD, các công ty tại Trung Quốc sẽ bị cắt đứt mọi cung cấp linh kiện và các phần mềm tối cần thiết cho công nghệ kỹ thuật cao tại Hoa Lục (những cái mà Trung Quốc chưa "ăn cắp" được kỹ thuật của Mỹ).   Kế đến là Sugon, công ty mẹ của Higon, chuyên sản xuất các loại máy chủ và máy vi tính đứng hàng đầu tại Hoa Lục. Hôm thứ Sáu 21/06/2019 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố rằng tập đoàn Sugon của Trung Quốc "đang có những hoạt động được xác định ngược lại với an ninh quốc gia và lợi ích trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ."   Sugon hiện đang có tham vọng muốn thiết kế mạng lưới các đám mây dịch vụ lưu trữ dữ liệu (cloud data service network) bao trùm hàng trăm thành phố và khu vực để cung cấp nền tảng cho các ứng dụng và dịch vụ thông minh cho nhà cầm quyền và các ngành công nghiệp tại Trung Quốc.   Nối đuôi Higon và Sugon là hai công ty Chengdu Haiguang Integrated Circuit và Chengdu Haiguang Microelectronics Technology, cả hai đều có cổ phần rất lớn do Higon nắm trong tay.   Và, cơ sở thứ năm bị đưa vào sổ bìa đen là Viện Công nghệ Máy tính Vô Tích Giang Nam (Wuxi Jiangnan Institute of Computing Technology), một học viện nghiên cứu thứ 56 thuộc sở hữu của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Trung Quốc.   Tổng giám đốc điều hành AMD, bà Lisa Su, 49 tuổi, người Mỹ gốc Đài Loan, đã công bố rằng: AMD sẽ không cấp phép các công nghệ mới cho những công ty Trung Quốc   Phát ngôn viên của AMD, ông Drew Prairie, đã viết trong một email vào ngày thứ Sáu hôm qua, cho biết "AMD sẽ tuân theo với các điều lệ qui định bởi danh sách đó, giống như chúng tôi đã tuân theo mọi luật pháp của Hoa Kỳ từ trước đến nay."   Người Đà Lạt Xưa June 22, 2019  
......

Tối Cao Pháp Viện Mỹ theo đảng nào?

Ngô Nhân Dụng - Người Việt Tại sao dân Hong Kong đi biểu tình hàng triệu người, rồi tới hai triệu người, bày tỏ thái độ chống Cộng Sản Trung Quốc? Bắc Kinh không đòi thay đổi chế độ, bắt lãnh thổ này nhập ngay vào Trung Quốc. Không công ty thương mại nào bị đe dọa quốc hữu hóa hay đóng cửa. Không ai bị bắt giam rồi “tự tử” trong đồn công an. Trung Cộng cũng không tính đem quân tới chiếm đóng – họ đã lập đồn quân duy nhất tại chỗ để xác định chủ quyền. Nguyên nhân chính yếu huy động các thanh niên, các thương gia, cho tới các bà nội trợ xuống đường chống dự luật cho phép dẫn độ người Hong Kong qua lục địa là một khái niệm trừu tượng: Pháp Luật Công Minh. Người ta sợ có ngày họ sẽ bị đưa vào xét xử trong một tòa án của chế độ Cộng Sản mà họ biết là không độc lập. Họ lo sẽ bị mất một thứ gọi là An Toàn Pháp Lý; tức là cứ làm đúng pháp luật thì sẽ được yên ổn làm ăn sinh sống. An Toàn Pháp Lý là một nền tảng xây dựng lên nền kinh tế thịnh vượng của xứ này. Sống trong các xã hội tự do dân chủ nhiều khi chúng ta không để ý đến tình trạng an toàn pháp lý mình đang được hưởng. Nó cũng giống như khí trời. Chỉ khi nào thiếu, hay lo mình sắp mất, như dân Hong Kong lo, mình mới kêu lên. An Toàn Pháp Lý chỉ có được khi hệ thống tư pháp độc lập với chính trị, những người nắm quyền không thể ép buộc, thao túng các vị thẩm phán. Hiến Pháp Mỹ bảo đảm tư cách độc lập của các thẩm phán liên bang bằng nhiều cách. Thí dụ, việc bổ nhiệm thẩm phán phải do cả hành pháp và lập pháp đồng ý; ấn định nhiệm kỳ của họ rất dài, suốt đời không lo bị chính quyền cách chức. Nhưng bảo đảm quan trọng nhất để có nền tư pháp độc lập là ý thức của người dân, phản ảnh qua quyền tự do ngôn luận. Báo chí luôn luôn theo dõi và phê phán chính quyền, kể cả các tòa án. Vì vậy, mỗi lần Thượng Viện thảo luận để phê chuẩn một vị thẩm phán, nhất là thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, là cả nước bàn tán. Ai cũng biết đảng Cộng Hòa thích các thẩm phán “bảo thủ” bên Dân Chủ thích người “cấp tiến.” Nhưng câu hỏi chính là các ứng viên này, dù có khuynh hướng bảo thủ hay cấp tiến, họ có phán đoán một cách độc lập hay không? Trong Tòa Tối Cao hiện có năm vị do các tổng thống Cộng Hòa đề cử, bốn người do đảng Dân Chủ. Chánh Án John Roberts cùng với các ông Clarence Thomas, Samuel Alito, Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh được coi là “cánh bảo thủ,” hai người chót mới do ông Trump đưa vào. Phía “cấp tiến” có các bà Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor, Elena Kagan và ông Stephen Breyer. Những phán quyết mà dư luận chú ý nhất thường được quyết định với tỷ số 5-4 sát nút, cho nên nhiều người nghĩ rằng hiện nay Tối Cao Pháp Viện đang nghiêng hẳn về phía bảo thủ, hay Cộng Hòa. Chính Tổng Thống Trump cũng nghĩ như vậy, khi ông nói có những thẩm phán của Obama hay thẩm phán của Bush. Ngay sau khi ông Trump nói lên điều đó, Chánh Án John Roberts đã nói công khai, một cách mạnh mẽ, rằng không một vị thẩm phán nào là của ông tổng thống nào hết. Họ phán đoán và quyết định bỏ phiếu theo pháp luật và công tâm. Nhưng nhiều người vẫn không tin. Một độc giả Người Việt góp ý kiến, đã viết rằng Tổng Thống Trump muốn đưa một vụ tranh chấp lên Tối Cao Pháp Viện vì trên đó ông ta có đủ các thẩm phán thuộc phe mình (nhận xét này không đăng tải vì xúc phạm cả nền tư pháp). Một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện mới đây cho thấy các thẩm phán bỏ phiếu rất độc lập, không những độc lập với các đảng chính trị mà độc lập với cả các khuynh hướng, “nhãn hiệu” người ta thường gán cho họ. Tối Cao Pháp Viện đã phán quyết, với tỷ số 5-4 về một đạo luật phân chia đơn vị bỏ phiếu của tiểu bang Virginia, khi đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Đảng Dân Chủ chiếm lại đa số năm ngoái, đã thay đổi bản đồ phân chia đơn vị đó, và bị phía Cộng Hòa kiện. Một tòa án cấp dưới đã phán cho phía Dân Chủ thắng, vì bản đồ cũ phân chia các vùng cử tri da đen cố ý để họ có mặt rất đông tại một số đơn vị trong khi quá ít trong một số đơn vị khác. Có 11 đơn vị bị ảnh hưởng, lợi cho đảng Cộng Hòa. Phân chia như vậy, gọi là “gerrymandering,” vẽ bản đồ đơn vị bỏ phiếu méo mó không tự nhiên, là một cách các nhà chính trị chiếm lợi thế cho đảng mình. Ông Elbridge Gerry là người đầu tiên dùng thuật này, ở tiểu bang Massachusetts năm 1812. Ngày Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, 2019, Tối Cao Pháp Viện quyết định không xét lại phán quyết của tòa dưới, tức là đồng ý rằng bản đồ cũ thiên lệch vì lý do chủng tộc, không đúng Hiến Pháp. Quyết định này là một thắng lợi lớn cho đảng Dân Chủ ở Virginia. Điều đáng chú ý là trong tỷ số 5-4, người ta thấy mỗi bên có đủ các vị thẩm phán thuộc cả hai khuynh hướng, Cộng Hòa (bảo thủ) và Dân Chủ (cấp tiến). Phe đa số có các bà Ruth Bader Ginsburg, Sonia Sotomayor, Elena Kagan (cấp tiến) và các ông Justices Clarence Thomas, Neil Gorsuch (bảo thủ). Phía bốn người kia có các ông Stephen Breyer (cấp tiến) Samuel Alito, Brett Kavanaugh, và Chánh Án John Roberts (bảo thủ). Hai người do ông Trump bổ, Gorsuch và Kavanaugh bỏ phiếu khác nhau. Cùng một ngày, Tối Cao Pháp Viện còn xử một vụ khác, xác nhận lại một án lệ đã có từ 170 năm, cho phép các tòa án liên bang và tiểu bang xử cùng một vụ phạm pháp. Người kháng cáo là Terance Gamble, đã bị tòa án tiểu bang Alabama xử một năm tù về tội mang cần sa marijuana và súng bất hợp pháp, sau anh ta lại bị xử ở tòa án liên bang về cùng tội đó. Với tỷ số 7-2, Tối Cao Pháp Viện quyết định việc xử Gamble hai lần là hợp hiến, vì luật lệ của liên bang và tiểu bang có thể khác nhau (thí dụ, luật phá thai, đánh bạc, uống rượu, và hút cần sa). Trong phán quyết với tỷ số 7-2 này, hai người phe thiểu số là bà Ruth Bader Ginsburg (cấp tiến lão thành!) và ông Neil Gorsuch (cực kỳ bảo thủ!) Vụ Gamble được dư luận chú ý vì có thể liên hệ đến Tổng Thống Trump! Ông Paul Manafort, cựu chủ tịch ủy ban tranh cử của ông Trump, đang bị ra tòa về một số tội tài chính. Nhưng ông cũng bị tòa án tiểu bang New York xử về cùng một tội. Với phán quyết này của Tối Cao Pháp Viện, các báo đài bàn rằng ông Manafort khó tránh khỏi tù tội dù có được ông tổng thống ân xá. Cũng trong ngày Thứ Hai, Tối Cao Pháp Viện còn xử vụ Virginia Uranium v. Warren, trong đó tiểu bang Virginia bị các công ty khai thác uranium kiện. Sáu vị thẩm phán đồng ý với tiểu bang gồm có ông Gorsuch, Kavanaugh, Thomas, bà Kagan, Sotomayor và Ginsburg, ba bà cấp tiến và ba ông bảo thủ. Phán quyết này sẽ có ảnh hưởng là tăng thêm quyền hạn các tiểu bang khi muốn giới hạn các công ty khai thác dầu lửa, khí đốt, hoặc đặt ống dẫn dầu, khí. Thường những người có khuynh hướng bảo thủ tôn trọng quyền của các xí nghiệp hơn là tin tưởng vào nhà nước. Trong số ủng hộ chính quyền Virginia có hai thẩm phán do Tổng Thống Trump đề cử, Gorsuch và Kavanaugh. Các phán quyết trong ba vụ xét xử trên cho thấy các vị Thẩm Phán Tối Cao không bỏ phiếu theo các nhãn hiệu cấp tiến hoặc bảo thủ mà công chúng gán cho họ! Mỗi người quyết định từng vụ án theo cách họ hiểu bản Hiến Pháp nước Mỹ, theo phán đoán của họ về những bằng chứng cùng luận cứ của bên nguyên và bên bị. Họ không theo quyền lợi chính trị, đảng phái hay tư lợi. Có nhiều yếu tố khiến các vị thẩm phán cố giữ tư cách độc lập, nhưng trong đó một động cơ lớn là bảo vệ thanh danh của chính họ. Thẩm Phán Tối Cao là địa vị cao nhất trong ngành tư pháp (có các vị ra ứng cử tổng thống và cũng có ông tổng thống về hưu muốn vào Tối Cao Pháp Viện). Nhưng khi đã đạt được địa vị “Tối Cao” thì người ta muốn bảo vệ danh dự của chính mình cũng như gia đình, con cháu mình. Với ý thức danh dự này, các thẩm phán không muốn bị nghi ngờ mình chỉ là một công cụ của đảng chính trị hay các nhóm quyền lợi riêng. Ý thức về danh dự này sẽ mạnh hơn khi người thẩm phán sống trong một xã hội có tự do ngôn luận. Sống trong xã hội mà biết rằng các thẩm phán đều phải độc lập trước bất cứ quyền lực nào, người ta thấy yên tâm, không lo bị bắt, bị giam cầm vô cớ. Dân Hong Kong đã sống trong chế độ thuộc địa Anh Quốc hàng thế kỷ. Họ không có độc lập, thiếu dân chủ, nhưng được tự do và sống trong một hệ thống tư pháp đáng tin cậy. Tòa án ở Hong Kong được người dân kính trọng, cũng như ở Mỹ, nhờ các truyền thống lâu đời. Người Hong Kong không tin tưởng các tòa án của chế độ Cộng Sản trong lục địa. Hàng triệu người xuống đường chính là để tự bảo vệ, bảo vệ quyền sống an toàn pháp lý; chính đến lúc thấy nguy cơ có thể mất người ta mới biết tư pháp độc lập là quý.    
......

CSVN trong tầm ngắm của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đang làm thay đổi các trao đổi giữa Hoa Kỳ và Á Châu. Với việc áp thuế lên các sản phẩm của Trung Quốc, một hiện tượng căn bản đã bành trướng: di chuyển qua Việt Nam. Điều này sẽ làm thêm thâm hụt của Mỹ đối với nước này (Việt Nam, BBT VT). Trước mắt, chủ nhân của Tòa Bạch Ốc chưa tức giận. Nhưng tại Hoa Thịnh Đốn, Bộ Tài Chánh theo dõi sát xu hướng này. Trong bốn tháng đầu năm 2019, ngành xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ và từ Hoa Kỳ qua Trung Quốc đã giảm sút. Sự thâm hụt của Hoa Thịnh Đốn đối với Bắc Kinh đã giảm 8% tức là 113 tỷ Mỹ kim, trong lúc đó tổng thâm hụt thì vẫn không thay đổi – tức là giữa 347 tỷ và 349 tỷ Mỹ kim. Nhập cảng và thâm thụt thương mại của Hoa Kỳ năm 2019 Sự giảm sút thâm thủng của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã được bù lại bởi sự đào sâu thâm thủng của Hoa Kỳ với các nước Á Châu khác. Với 16,8 tỷ Mỹ kim từ tháng Giêng đến tháng Tư năm 2019, sự thâm thủng với Việt Nam đứng thứ nhì tại Á Châu sau Trung Quốc, và Việt Nam đứng hàng thứ sáu trên thế giới. Chắc là nước này sẽ vượt quá con số 50 tỷ Mỹ kim trong năm 2019 nếu những đe dọa của Mỹ đối với Trung Quốc được mang ra thi hành. Cuộc tranh chấp Trung Quốc-Hoa Kỳ đã l àm tăng tốc động thái di chuyển từ Trung Quốc, thật ra đã được phát động trước đây vì những gia tăng phí tổn lương bổng. Các xí nghiệp Trung Quốc có nhiều lựa chọn. Hoặc là họ tự động hóa, hoặc là họ phải di chuyển đến các tỉnh phía Tây của nước này, nơi đây các hạ tầng cơ sở đã được cải thiện và lương bổng cũng thấp hơn, hoặc là họ phải di chuyển ra nước ngoài. Theo một cuộc điều tra được tiến hành năm 2017 với 640 xí nghiệp công nghệ nhẹ phía nam Quảng Châu, đa số dự trù tự động hóa, một thiểu số (6% trong ngành may mặc và 12% trong ngành giầy dép) nghĩ rằng sẽ rời vùng duyên hải và, trong những xí nghiệp này, một nửa dự tính di chuyển ra nước ngoài. Động thái di chuyển này chắc chắn đã gia tăng sau khi biện pháp tăng quan thuế 25% được ông Donald Trump báo trước trên 300 tỷ hàng nhập cảng, sẽ bao gồm hầu hết các hàng hóa được phân phối bởi Walmart. Việt Nam là nước thu hút nhiều nhất Việt Nam là nước thu hút nhiều nhất các xí nghiệp di chuyển khỏi Trung Quốc. Sự đổ dồn của các vụ di dời này giải thích tình trạng gia tăng gấp 4 lượng hàng xuất cảng của Việt Nam từ năm 2010 đến năm 2018. Ngày hôm nay, kim ngạch xuất cảng tượng trưng cho hơn 110% tổng sản phẩm nội địa (GDP). Động thái này đã bắt đầu trong những năm 2000, khi các căng thẳng chính trị giữa Bắc Kinh và Tokyo đã thuyết phục các xí nghiệp Nhật Bản chấp nhận một sách lược mà Nomura đã gọi là “China plus one”. Nên biết, đầu tư tại Trung Quốc và trong một nước khác để không bỏ trứng vào chung một rổ, nhiều xí nghiệp đã chọn Việt Nam và họ thường cắm sào tại miền Bắc để dễ xuất cảng vào thị trường Trung Quốc. Người Nhật đã được người Nam Hàn nối gót. Năm 2019, hơn 7.000 xí nghiệp Nam Hàn sử dụng 700.000 công nhân người Việt Nam. Chi phí lương bổng, trung bình 3.800 Mỹ kim một năm, tức là thấp hơn gấp ba lần tại Trung Quốc. Các xí nghiệp này bảo đảm gần 1/3 kim ngạch xuất cảng của Việt Nam. Trong các xí nghiệp này, Samsung là nhà đầu tư lớn nhất. Công ty khổng lồ Nam Hàn lắp ráp tại Việt Nam phân nửa con số 300 triệu máy điện thoại Galaxy được bán ra trên thế giới và đã cuốn hút các hãng gia công. Cũng giống vậy, LG đang đóng cửa nhà máy của họ tại Pyeongtaek và khuếch trương nhà máy tại Hải Phòng, tại đây họ lắp ráp 11 triệu điện thoại thông minh. Từ năm 2014, Nam Hàn là nước đầu tư đứng thứ nhất tại Việt Nam, trước cả Nhật, và bỏ xa Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng Giêng đến tháng Năm, 2019, các đầu tư Trung Quốc đã gia tăng gấp 5 lần và đã vượt kim ngạch nhập nội của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nam Hàn. Phân tích các hàng nhập cảng đến từ Việt Nam cho thấy rằng các sản phẩm có liên quan tới những gia tăng quan thuế được thông báo, đã gia tăng 34%, tức là nhanh gấp ba lần các sản phẩm thuộc các hạng mục khác. Hậu quả là: thặng dư của Việt Nam đối với Hoa Kỳ đã lớn lên và cho thấy, từ nay có một rủi ro cho Hà Nội. Trong tầm ngắm của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ Từ những năm 1990, cứ mỗi 6 tháng, Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ cho công bố một bản phúc trình về chính sách hối đoái của các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Đó là để xác định xem các quốc gia này có thao túng các tỷ lệ hối đoái của họ để tăng cường tính cạnh tranh của hàng xuất cảng của họ trên thị trường Hoa Kỳ. Tài liệu này phân tích các quốc gia đạt được một sự thặng dư thương mại ít nhất là 20 tỷ Mỹ kim đối với Hoa Kỳ. Đặc biệt, bộ này theo dõi các quốc gia mà cán cân chi phó thông thường vượt quá 3% GDP và đồng tiền không tăng giá đối với đồng Mỹ kim. Với các quốc gia này, Bộ Tài Chánh đo lường những sự can thiệp của các ngân hàng trung ương trong việc mua đồng Mỹ kim để tránh sự tăng giá so với đồng Mỹ kim. Nếu số tiền tích lũy trong năm của các can thiệp do các ngân hàng trung ương của những quốc gia liên hệ vượt quá 2% GDP, Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ suy luận rằng có khả năng thao túng. Sau cùng, nếu phúc trình đi đến kết luận đó, hành pháp Hoa Kỳ được phép áp dụng những biện pháp trừng phạt thương mại chống lại quốc gia bị tố cáo là thao túng tiền tệ của mình. Trung Quốc trong thời gian dài, đã là đích ngắm chính của các phúc trình của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong các nhiệm kỳ của Tổng Thống Obama (2009 – 2017, BBT VT), bộ này đã chưa bao giờ kết luận có sự thao túng đồng yuan cả. Mặc cho những lời cáo buộc của ứng cử viên tổng thống Donald Trump, đã không có một bản phúc trình nào được công bố, kể từ khi ông trúng cử, đã kết luận là có sự thao túng, kể cả bản phúc trình hôm tháng Năm vừa qua. Dù vậy, đồng tiền Trung Quốc đã bị tuột giá 10% so với đồng Mỹ kim năm 2018, xóa đi tác động của việc tăng quan thuế. Một xu hướng sẽ tiếp tục trong năm nay, đến mức độ 7 yuan ăn một Mỹ kim có thể sẽ bị vượt qua. Phúc trình mới nhất của Bộ Tài Chánh đã điền thêm tên các quốc gia mới của Á Châu là: Nhận Bản, Nam Hàn, Malaysia và Việt Nam. Ghi nhận sự bành trướng của thặng dư cán cân chi phó của Việt Nam đã vượt quá 5 điểm GDP năm 2018, bản phúc trình nhận xét rằng mặc dù đã áp dụng chế độ tỷ giá linh hoạt năm 2016, sự đối chiếu giữa tiền đồng so với đồng Mỹ kim ít bị thay đổi bởi vì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã gia tăng các can thiệp trên thị trường ngoại hối để kiềm chế sự tăng giá của nó. Nếu Việt Nam nằm trên tầm ngắm của Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ, nước này cũng không chọc giận ông Donald Trump. Trái lại là đàng khác! Một tweet của tổng thống đã nhận xét rằng: “Có nhiều xí nghiệp đã rời bỏ Trung Quốc để qua Việt Nam và các nước khác. Đó là lý do Trung Quốc muốn có một thương lượng.” Tuy nhiên, nếu những chờ đợi của Tổng Thống Hoa Kỳ không được đáp ứng trong Hội Nghị G-20 tại Osaka trong những ngày 28 và 29 tháng Sáu sắp tới đây, chủ nhân Tòa Bạch Ốc có thể thay đổi ý kiến đối với Việt Nam! Jean-Raphaël Chaponnière Trần Đức Tường dịch https://viettan.org/csvn-trong-tam-ngam-cua-bo-tai-chanh-hoa-ky/ Nguyên bản Pháp ngữ: “Guerre commerciale: le Vietnam dans la ligne de mire du Trésor américain“, Asialyst Online  
......

Sinh viên Hong Kong ra tối hậu thư cho Đặc Khu Trường Carrie Lam

Hàng chục ngàn sinh viên tại Hong Kong đã gửi tối hậu thư cho bà Carrie Lam, yêu cầu bà phải đáp ứng kháng nghị bốn điểm, nếu không muốn phải đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô gia tăng. Làn sóng phẫn nộ đang ngày càng tăng tại Hong Kong. Các sinh viên tuyên bố, nếu lãnh đạo đặc khu này không trả lời kháng nghị của công chúng trước 5 giờ chiều ngày 20 tháng Sáu, 2019 thì các bạn trẻ sẽ đến trụ sở chính phủ vào thứ Sáu, ngày 21 tháng Sáu để yêu cầu câu trả lời trực tiếp. Kháng nghị bốn điểm của các sinh viên Hong Kong, bao gồm: 1) Hủy Dự Luật Dẫn Độ hoàn toàn. 2) Rút lại lời nói mô tả về cuộc biểu tình hôm thứ Tư là bạo loạn. 3) Điều tra trách nhiệm của cảnh sát đối với việc dùng vũ lực với người biểu tình. 4) Thả tất cả những người bị bắt vì biểu tình. Tối hậu thư được đưa ra sau khi chính quyền Hong Kong đưa ra Dự Luật Dẫn Độ, cho phép đưa công dân về Trung Cộng xét xử. Điều này khiến người dân Hong Kong lo sợ phải đối mặt với nền pháp luật thiếu công bằng, bưng bít và vi phạm nhân quyền tại Trung Hoa đại lục. Trong tuần qua đã bùng phát hàng loạt các cuộc biểu tình khổng lồ tại Hong Kong, cao điểm có lúc lên đến 2 triệu người. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi Anh Quốc trả đặc khu này về cho Trung Cộng vào năm 1997. Các cuộc biểu tình khiến Dự Luật Dẫn Độ bị hoãn và Đặc Khu Trưởng Carrie Lam phải lên truyền hình xin lỗi người dân. Tuy nhiên, như thế vẫn là chưa đủ, người dân Hong Kong muốn dự luật đó phải được hủy bỏ và bà Carrie Lam cần phải từ chức. [ BA ] – FB Việt Tân
......

Trung cộng xảo trá - loan tin người dân Hong Kong biểu tình chống Mỹ

Le Anh| Theo bản tin của Bloomberg News hôm Thứ Hai, 17 Tháng 6 năm 2019, nói rằng trong lúc hàng triệu người xuống đường ở Hồng Kông để phản đối dự luật dẫn độ, các hình ảnh và tin tức về cuộc biểu tình với sự tham dự hơn 2 triệu người tham dự đều bị bưng bít. Đại đa số trong 1,4 tỷ người không hề biết chuyện này xảy ra. Đây là cuộc biểu tình đông người nhất kể từ khi Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc. Tất cả tin tức liên quan đến cuộc biểu tình đã bị xóa sạch khỏi mạng internet tại Trung Quốc. Trong khi đó, truyền thông Trung cộng đồng loạt đưa tin, bài viết mục đích hướng dẫn dư luận cho rằng đây là do sự thúc đẩy của chính quyền Hoa Kỳ. Bloomberg News cũng cho biết trên trang mạng xã hội Weibo, các post bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình ở Hong Kong đều đã bị gỡ xuống, hơn thế nữa họ còn lồng vào cuộc biểu tình liên quan đến cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là một sự xảo trá, bưng bít mà nhà nước Trung Cộng đã áp dụng trong nhiều năm qua đối với người dân Trung Quốc. Được biết tại Trung Quốc hiện nay, nhà cầm quyền Trung Cộng không cho phép người dân sử dụng bất cứ mạng xã hội nào từ bên ngoài mà chỉ sử dụng các mạng xã hội do nhà cầm quyền Trung Cộng cung cấp. Mục tiêu chính là để bưng bít và kiểm soát thông tin của người dân Trung Quốc. Thời đại tin học của thế kỷ 21, các chế độ độc tài không thể ngăn chặn và bưng bít thông tin như ở thế kỷ 20. GIAN TRÁ SẼ BỊ VẠCH TRẦN! Lê Anh
......

Thủ lĩnh biểu tình Hong Kong muốn truyền cảm hứng cho người Việt

Viễn Đông - : VOA Nhà hoạt động trẻ tuổi Joshua Wong, thủ lĩnh phong trào biểu tình ở Hong Kong, hôm 19 tháng Sáu nói với VOA tiếng Việt rằng anh hy vọng “sự quyết tâm” của nhân dân thành phố nơi anh sinh sống sẽ “truyền cảm hứng” cho người dân Việt Nam. Sau khi ra tù đầu tuần này, anh Wong đã tham gia ngay vào các cuộc biểu tình rầm rộ chống Dự luật Dẫn độ đồng thời kêu gọi Trưởng Đặc Khu Hong Kong, bà Carrie Lam, phải từ chức. “Đây không phải là lúc để người dân sợ hãi mà đã đến lúc chính quyền phải lo sợ người dân. Với sự can đảm và quyết tâm của chúng ta, ngay chính chế độ độc đoán cũng cần phải học cách tôn trọng chúng ta”, thanh niên 22 tuổi nói, khi được hỏi về thông điệp muốn gửi tới người dân Việt Nam. Trong khi chính quyền Hong Kong cho rằng dự luật gây tranh cãi sẽ “bịt lại lỗ hổng” để thành phố này không trở thành bến đỗ an toàn cho các tội phạm. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng người dân tại cựu thuộc địa của Anh sẽ phải đối mặt với hệ thống tư pháp nhiều lỗ hổng của Trung Quốc và dự luật sẽ dẫn tới xói mòn thêm nữa sự độc lập tư pháp của Hong Kong, vốn được trao trả cho chính quyền đông dân nhất thế giới năm 1997. “Dù phải đối mặt với việc Bắc Kinh đàn áp nhân quyền ở Hong Kong, chúng tôi đã cố gắng hết sức để thể hiện tinh thần và tiếng nói khác biệt”, anh Wong cho biết. “Hong Kong được quốc tế coi là trung tâm tài chính, nhưng nay biến thành trung tâm biểu tình. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng đã đến lúc Bắc Kinh phải tôn trọng người dân Hong Kong.” Nhà hoạt động này nói thêm rằng người dân Hong Kong sẽ “tiếp tục đấu tranh” cho tới khi nào giành được các cuộc bầu cử tự do ở Hong Kong, chứ không chỉ xuống đường để đòi hủy bỏ Dự Luật Dẫn Độ và Trưởng Đặc Khu Lam phải từ chức. Anh Wong nói: “Không ai có thể tưởng tượng được là hơn một triệu người Hong Kong tham gia cuộc tuần hành, nhưng chúng tôi đã làm được. Cuộc tuần hành ôn hòa có sự tham gia của cả người già lẫn trẻ em. Nó thể hiện sức mạnh của nhân dân. Thật nực cười khi chính quyền Hong Kong coi người biểu tình là những kẻ gây bạo loạn. Chúng tôi kêu gọi họ không truy tố và bắt người thêm nữa.” Thông tin và hình ảnh các cuộc xuống đường rầm rộ để phản đối dự luật dẫn độ ở Hong Kong mấy ngày qua đã được nhiều người sử dụng Facebook ở Việt Nam chia sẻ và bàn luận. Đăng kèm bức ảnh từng gặp anh Wong trước đây, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn viết rằng việc thủ lĩnh biểu tình ra tù “tiếp thêm sức mạnh cho triệu người Hong Kong đang tranh đấu chống lại không chỉ Dự Luật Dẫn Độ mà còn là cuồng vọng của Bắc Kinh muốn người Hong Kong phải sống theo lối Đại Lục.” “Đã có thêm triệu Joshua Wong, triệu Agnes Chow, triệu Nathan Law khác của một phong trào đầy biến ảo linh hoạt, vừa tập trung vừa phân tán khiến Bắc Kinh không dễ dàng đè bẹp được nếu chỉ bằng phương pháp quen thuộc là tấn công thiểu số lãnh đạo phong trào”, anh Tuấn nhận xét về tác động của các nhà hoạt động nổi bật khởi xướng phong trào biểu tình “Dù vàng” nhiều năm trước. “Cảm ơn vì niềm cảm hứng các bạn mang đến, không chỉ lan tỏa trong lòng Hong Kong mà còn đang truyền đến nhiều nơi khác nữa.” Biển người biểu tình ở Hong Kong hôm 16 tháng Sáu, 2019. Ảnh: AP Trong khi nhiều tờ báo ở trong nước cũng đăng tải tin tức từ Hong Kong với những hàng tít như “Tương lai chính trị mù mịt của trưởng đặc khu Hong Kong” hay “Dự luật dẫn độ đẩy Hong Kong vào thế bế tắc”, phóng viên VOA tiếng Việt không thể tìm thấy thông tin về việc người dân thành phố trực thuộc Trung Quốc xuống đường trên trang web của tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Hơn 2 triệu dân Hong Kong xuống đường chống Dự Luật Dẫn Độ hôm 16 tháng Sáu, 2019. Ảnh: Hector Retamal/AFP Một số trang báo đề cập tới việc người biểu tình “thức trắng đêm” để dọn rác, coi đó là “hành động đẹp khiến thế giới ngưỡng mộ” hay chuyện “biển người biểu tình Hong Kong nhường lối cho xe cứu thương”. Trên Facebook, Luật Sư Lê Nguyễn Duy Hậu viết: “Cần khoảng 10 giây để mỗi người bước sang một bên nhường đường. Nhưng như bạn mình nói, cần 100 năm để có được 10 giây đó. Trong 100 năm, họ học, họ thực hành, họ đánh đổi. Vì họ yêu quê hương, yêu thành phố của họ”. “Rồi sẽ sớm đến ngày Việt Nam có được 10 giây như thế. Mình tin như vậy”, luật sư nghiên cứu về quyền con người, cải cách tư pháp và hiến pháp nói từ TP. HCM. Viễn Đông - : VOA    
......

Tìm hiểu về cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong

Trong những tuần lễ đầu của tháng Sáu vừa qua, cả thế giới rung chuyển trước hình ảnh của hơn một triệu dân Hong Kong xuống đường biểu tình phản lối Dự Luật Dẫn Độ về Trung Quốc. Các cuộc đụng độ đã bùng nổ trên khắp Hong Kong trong hôm 12 tháng Sáu, khi mà lực lượng cảnh sát cố gắng chặn dòng người biểu tình đi vào trong tòa nhà Nghị Viện của thành phố. Hàng chục nghìn người tham gia tuần hành đã làm tê liệt nhiều tuyến phố trong lúc phản đối Dự Luật Dẫn Độ về Trung Quốc của chính quyền đặc khu. Lực lượng cảnh sát đã phải sử dụng đạn cao su, hơi cay, khí ga và gậy để giải tán đám đông những người biểu tình mặc áo đen – phần lớn là sinh viên và những người trẻ tuổi – kêu gọi chính quyền hủy dự luật mà chính quyền Bắc Kinh ủng hộ. Nhiều hàng rào cảnh sát chống bạo động đã được nhanh chóng lập ra, áp đảo số lượng người biểu tình đang tụ tập ở trung tâm thành phố ngay trước khi cuộc tranh luận về dự luật này được tổ chức bên trong tòa nhà Nghị Viện. Trước đó, vào cuối giờ sáng, người biểu tình bắt đầu tụ tập khiến cho nhiều tuyến phố bị tê liệt. Những hình ảnh đầy căng thẳng trên khiến người ta nhớ lại Phong trào biểu tình “chiếm trung tâm” diễn ra tại Hong Kong vào năm 2014 khiến nhiều phần của thành phố này tê liệt suốt nhiều tháng liền. Lần này, hơn 100 doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động trong hôm 12 tháng Sáu, một phần để thể hiện rõ sự đồng lòng với người biểu tình. Trong khi đó, các hội học sinh lớn của thành phố này cũng tuyên bố tẩy chay các lớp học để tham gia vào cuộc tuần hành trên đường phố. Ngoài ra, các hiệp hội giao thông, mạng xã hội và cả một số hiệp hội giáo viên của Hong Kong cũng tham gia hoặc ủng hộ phong trào biểu tình. Hiệp hội các tài xế xe buýt còn điều nhiều thành viên của họ lái xe chậm đi cùng với đoàn người biểu tình để ủng hộ. 3.000 luật sư, công tố viên, sinh viên luật và các học giả đã tuần hành trong im lặng và kêu gọi chính phủ tạm gác đề xuất này. Trên thế giới, nhiều quốc gia bày tỏ lo ngại và ủng hộ phong trào đến nỗi nhà cấm quyền Bắc Kinh một mặt thì nói không can dự vào chuyện nội bộ của Hong Kong, một mặt thì lớn tiếng chỉ trích Mỹ và Châu Âu đã “xía” vào chuyện nội bộ của…Trung Quốc. Bài viết này tóm tắt một vài chi tiết cũng như đưa ra một vài nhận định. Trước tiên, hiệp định dẫn độ là văn bản cho phép một quốc gia trục xuất các tội phạm về phía nước khác. Điều này tránh việc phạm nhân dùng lãnh thổ nước khác để lẩn trốn. Đây là chuyện bình thường trong quan hệ giữa hai quốc gia. Nhưng nếu đây là chuyện bình thường giữa hai quốc gia thì tại sao 1/7 dân Hong Kong xuống đường phản đối. Câu trả lời đó là vì bang giao giữa Trung Quốc và Hong Kong là “không bình thường”. Năm 1997, sau 99 năm sống dưới quyền kiểm soát của Anh, Hong Kong được trả về cho Trung Quốc. Trước đó, trong những nỗ lực vớt vát, vị thống đốc cuối cùng của Hong Kong là Chris Patten đã đẩy nhanh những cải cách dân chủ. Tuy nhiên khi thâu tóm Hong Kong, Trung Quốc đã chôn vùi một số cải cách của Patten. Đặc biệt, Bắc Kinh chỉ cho phép bầu một nửa Quốc Hội theo quyền phổ thông đầu phiếu. Phần còn lại thuộc về những người ngoan ngoãn, dễ dạy. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc chấp thuận nguyên tắc “một quốc gia, hai hệ thống” và Hong Kong được gọi là một “đặc khu” thay vì một lãnh thổ của Trung Quốc − và tình trạng này sẽ kéo dài 50 năm, chấm dứt vào năm 2047. Từ đây đến đó (2047), người dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng cũng như tiếp xúc với các quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách để kiềm chế những cải cách chính trị của Hong Kong trong các cuộc thảo luận ba bên gồm đại diện của hành pháp (được gọi là trưởng đặc khu), Bắc Kinh và phía dân chủ. Vào tháng Sáu, 2014, một “sách trắng” về tương lai đặc khu dấy lên nhiều lo ngại trong cánh dân chủ, theo đó hoàn toàn không có một tiến bộ gì trong việc bầu cử Quốc Hội và những chức vụ quan trọng trong hành pháp đều tiếp tục do Bắc Kinh bổ nhiệm. Người dân Hong Kong cảm thấy bị lừa gạt và họ càng ngày càng muốn xa rời cái gọi là “giá trị châu Á” mà Bắc Kinh hứa hẹn theo đó sự phát triển kinh tế và xã hội là vấn đề ưu tiên trên mọi đòi hỏi dân chủ. Các cuộc thăm dò cho thấy sự gắn bó của 60% người Hong Kong với các quyền tự do cơ bản. Và để chứng tỏ sự độc lập của mình, người dân Hong Kong đã tự vạch ra một lằn ranh và quyét tâm bảo vệ mỗi khi Bắc Kinh đi quá xa. Ngay trong năm 2002, hàng chục ngàn người Hong Kong đã xuống đường biểu tình phản đối dự luật cho phép Bắc Kinh hoàn toàn tự do đàn áp các cuộc biểu tình của phe đối lập. Và những gì vừa xảy ra đầu tháng 6, 2019 là một thí dụ điển hình của việc “lấn qua lằn ranh” với dự luật cho phép dẫn độ. Những lý do có thể được tóm tắt như sau: − Người Hong Kong lo ngại rằng cải cách này sẽ làm hỏng hình ảnh quốc tế và sức hấp dẫn của đặc khu khi nó bị chi phối bởi một nền tư pháp Trung Quốc không minh bạch và bị chính trị hóa. Đã từ lâu, ai cũng biết rằng thành công kinh tế của Hong Kong là nhờ ở một nhà nước pháp quyền và hệ thống pháp luật được thừa hưởng từ thực dân Anh. − Theo các nhà chức trách, Dự Luật Dẫn Độ chỉ có mục địch ngăn Hong Kong trở thành nơi ẩn náu cho một số tội phạm và hoàn toàn không có mục đích chính trị. Nhưng người dân lại không tin vào những lời hứa cuội của luật pháp Trung Quốc và họ e rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến độc lập của nền tư pháp Hong Kong. − Chính phủ đã tìm cách trấn an công chúng bằng một số nhượng bộ, bao gồm việc hứa chỉ trao trả những người chạy trốn vì các tội mang bản án cao nhất từ bảy năm tù trở lên. Nhưng công chúng vốn đã không tin tưởng vào “công lý” Trung Quốc trong đó mọi người sẽ là đối tượng bị giam giữ tùy tiện, xét xử không công bằng và tra tấn. Sophie Richardson của Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) nói trong một tuyên bố rằng “Sẽ không ai được an toàn, bao gồm các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền, nhà báo và nhân viên xã hội.” Nói tóm lại, người dân Hong Kong khước từ mọi “công lý” đến từ đại lục, khước từ những “giá trị truyền thống” cũng như những hình ảnh về một Trung Quốc hùng mạnh. Nói toạc móng heo là họ muốn có một quy chế ngày càng độc lập mọi mặt với Trung Quốc − cho dù không được như Đài Loan. Cuộc biểu tình hàng năm 1 tháng Bảy kỷ niệm ngày trao trả Hong Kong về Trung Quốc, cuộc biểu tình “Chiếm trung tâm” vào năm 2014 và bây giờ tháng Sáu, 2019 chung quy cũng nhằm mục đích này. Khi tôi đặt bút viết những dòng này thì tin sau cùng cho hay vào ngày 15 tháng Sáu, Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam vừa thông báo hoãn vô thời hạn các nỗ lực thông qua dự luật dẫn độ mới, sau một tuần chứng kiến làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ. Bà Carrie Lam thừa nhận “Dự luật đã gây nhiều chia rẽ trong xã hội”, bà cho biết đã nghe thấy những tiếng nói kêu gọi chính quyền của bà “tạm dừng và hãy suy nghĩ” và nói rằng “chúng ta phải luôn nghĩ đến những lợi ích lớn nhất của Hong Kong là khôi phục hòa bình và trật tự.” “Trái banh bây giờ đang nằm trong tay Bắc Kinh”. Một Đài Loan đã làm họ lên máu huống hồ gì có thêm Hong Kong mà lại ngay ở trong đại lục. Chắc chắn lãnh đạo Trung Quốc đang phải đối đầu với môt bài toán cực kỳ nan giải. Ba phương án họ có thể chọn: 1. Thực hiện một cuộc đàn áp phong cách Thiên An Môn ở Hong Kong, và tàn sát một số sinh viên để mang lại trật tự. Kết thúc giấc mơ trở về quê hương của Đài Loan, và Đài Loan có thể quyết định trở nên độc lập. Đây sẽ là một thảm họa kinh tế và ngoại giao chưa từng có và sẽ làm kinh hoàng tất cả các nước châu Á để khiến họ sẽ chạy vào Mỹ, và Mỹ lẫn phương Tây có thể sẽ đóng cửa biên giới với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Lựa chọn này là không khả thi lẫn không mong muốn, ngay cả đối với lãnh đạo thủ cựu. 2. Áp dụng chính sách “câu giờ”, hy vọng các sinh viên sẽ chán − như chiến dịch “dù vàng chiếm trung tâm năm 2014”. Điều này có khả năng, nhưng ngược lại nó sẽ tạo tiền lệ và thói quen cho phong trào sinh viên và dân chủ. Đừng quên rằng vào năm 2014, đòi hỏi của giới trẻ là một cuộc bầu cử thực sự tự do chứ không “nửa mùa” như bây giờ. Cho dù không đạt được mục tiêu nhưng đến năm 2019, họ lại tiếp tục xuống đường với những đòi hỏi khác. Và cứ “đến hẹn lại lên” tập hợp lại để tiếp tục đối đầu với sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc. 3. Chấp nhận một cuộc bầu cử tự do với sự tham dự của các ứng viên độc lập cũng như ứng viên do Bắc Kinh tuyển chọn. Song song, vẫn duy trì chính sách “một quốc gia, hai thể chế”. Vì cho đến ngày hôm nay hầu như chưa có ai nghĩ đến chuyện đòi độc lập như Đài Loan. Điều này có thể làm vừa lòng các bên cũng như đảm bảo cho sự phát triển kinh tế của đặc khu. Về mặt logic, trước tiên, chính quyền Trung Quốc nên chọn phương án số hai và nếu tình hình diễn biến không thuận lợi thì sẽ bước sang phương án ba với hy vọng rằng các nhà lãnh đạo Hong Kong vẫn không vượt qua giới hạn chính trị − có nghĩa là tuyên bố độc lập. Nhưng một vấn đề khác đang là một mối nguy tiềm ẩn khiến Trung Quốc không dễ dàng chọn lựa, đó là ở Trung Quốc không chỉ có Hong Kong mà còn Ma Cao, Tân Cương, Tây Tạng, Quảng Đông, Nội Mông, Ninh Hạ. Cuộc xuống đường chống Dự Luật Dẫn Độ 2019 đánh dấu 30 năm biến cố Thiên An Môn. Phải thành thực mà nói rằng các cuộc tưởng niệm biến cố này thực sự mờ nhạt và sức mạnh kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc đang làm cả thế giới hầu như quên lãng sự hy sinh của 10.000 thanh niên sinh viên dưới xích xe tăng trên Quảng Trường Thiên An Môn. Cả thế giới? – Đúng! Trừ Hong Kong. Phạm Minh Hoàng https://viettan.org/tim-hieu-ve-cuoc-dau-tranh-cua-nguoi-dan-hong-kong/  
......

Nhiệm vụ bất khả thi của Carrie Lam

Lịch sử là một hành trình của ý thức Tự Do  – Hegel Những cuộc biểu tình kéo dài suốt 7 ngày qua với lượng người tham gia chưa từng có kể từ Hong Kong được trao trả về Trung Quốc đại lục vào năm 1997 đã không hề giảm nhiệt ngay cả khi bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) – trưởng đặc khu hành chính Hong Kong đã phải tuyên bố hoãn vô thời hạn việc thông qua Dự Luật Dẫn Độ với Bắc Kinh. Cơn giận dữ của người dân Hong Kong đang biến thành cơn địa chấn chính trị ngay giữa trái tim của Châu Á. Hai triệu người đã xuống đường vào đêm qua, 16 tháng Sáu, 2019, tỏ rõ sức mạnh “đám đông” của “những kẻ không quyền lực” và văn hóa dân chủ thấm đẫm vào xương tủy của người Hong Kong. Thông điệp của người dân đưa ra không khoan nhượng “Carrie Lam – hãy từ chức.” Chính quyền đặc khu Hong Kong đang đứng trước một thảm họa: Bị phế truất bởi Nhân Dân. Nếu điều này xảy ra, đây không chỉ là sự sỉ nhục của chính quyền đặc khu lâm thời mà là nỗi sỉ nhục và thất bại lớn nhất của Trung Quốc. Đây cũng chính là con domino đầu tiên đổ xuống trong hệ thống quyền lực mà Bắc Kinh đã cố công đắp bồi, theo đuổi tham vọng trỗi dậy suốt 4 thập kỷ qua. Sự sụp đổ của Carrie Lam sẽ dẫn thẳng tới sự sụp đổ của người bảo trợ của bà: Tập Cận Bình. Đó là viễn tượng hoàn toàn không hề phóng đại. Những nhà lập pháp thân Bắc Kinh ở Hong Kong đã phạm vào lỗi sơ đẳng của chính trị học và những “định luật” về tâm lý xã hội học mà Gustave Le Bon đã chỉ ra trong những tác phẩm kinh điển của mình. 124 năm sau khi Gustave Le Bon viết “La psychologie des foules – Tâm lý học đám đông, 1895”, “đám đông” đã “tiến hóa” với những quy luật riêng. Điều có thể thấy, những thanh niên Hong Kong quay trở lại nơi đã diễn ra biểu tình vào lúc 2 giờ sáng để dọn rác, nhường đường cho xe cứu thương, tổ chức tuần hành hòa bình, rất có tổ chức và đoàn kết, hợp tác giữa các nhóm ăn khớp dù không có các lãnh đạo biểu tình như hồi năm 2014. Đó là “đám đông” đầy tri thức, mạnh mẽ, kỷ luật, kiên định. “Đám đông” đó mang một sức mạnh hủy diệt những thế lực đang muốn phủ bóng đen xuống mảnh đất Hong Kong nhưng mang tính xây dựng rất cao. Sức mạnh này là sức mạnh bất khả cưỡng và sự tồn tại của chính quyền thân Bắc Kinh ở Hong Kong đang bị đếm ngược. Cuộc biểu tình có qui mô và tính chất sử thi của người dân Hong Kong trong những ngày qua không những trở thành biểu tượng của văn hóa chính trị dân chủ mà sẽ trở thành hình mẫu cho bất cứ cuộc đấu tranh bất bạo động nào trên thế giới. Một khía cạnh quan trọng của cuộc biểu tình này là những giá trị Tự Do hiến định được bảo vệ bằng “vũ khí” và văn hóa Dân Chủ. Xã hội Hong Kong trước khi có Dân Chủ, đã có đầy đủ những giá trị Tự Do hiến định nhiều thập kỷ qua. Điều đó đảm bảo cho Hong Kong có một nền chính trị minh bạch, một chính phủ hiệu năng và sự phồn thịnh, văn minh bậc nhất thế giới trước khi được Anh trao trả về Trung Quốc đại lục. Khi “trở về đất mẹ”, nền chính trị ở hòn đảo này đã dần bị tha hóa. Sự can thiệp của Bắc Kinh vào cuộc bầu cử 2014 ở Hong Kong với rất nhiều khuất tất là nỗ lực tiếm quyền chính thức thông qua những phương thức “dân chủ giả cầy”, “chia rẽ để cai trị”,… nhằm thâu tóm quyền lực. Những phân tích của Fareed Zakaria trong tác phẩm xuất sắc của mình “Future of Freedom – Tương lai của Tự Do, 2007” đã cảnh báo rằng những phương thức và hấp lực “dân chủ” có thể giết chết những giá trị Tự Do hoàn toàn đúng. Điều đó đã và đang diễn ra ngày một phổ biến ở các quốc gia có nền dân chủ non trẻ, những quốc gia đã và vẫn bị ảnh hưởng của thứ chủ nghĩa cộng sản quái đản như ở Nga, Trung Quốc, Việt Nam, các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, các quốc gia Ả Rập, Syria… nơi mà những cuộc bầu cử luôn có số phiếu bầu tối đa 99,99% dành cho các vị “minh quân”. Ở đó, Tự Do đã bị giết chết, bị thủ tiêu và bôi nhọ bởi những thế lực nhà nước độc ác, vị kỷ khoác áo Dân Chủ. Bắc Kinh khi nhận lại một Hong Kong hoa lệ bậc nhất từ “đế quốc Anh” sau “thế kỷ tủi nhục” đã “phát tài” to. Một “big China” gồm cả những phần nhượng địa cũ từ bọn “đế quốc sài lang” đã giúp cho Trung Quốc chỉ hai thập kỷ sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Nhưng có vẻ như nguồn lợi to lớn mà những “con ngỗng đẻ trứng vàng” này không đủ để thỏa mãn những ông chủ Trung Nam Hải. Đơn giản vì mục tiêu tối thượng của lòng khao khát quyền lực là quyền lực to lớn hơn. Cơn đói khát quyền lực của Bắc Kinh đang khiến cho họ cầm dao để mổ phanh bụng “con ngỗng đẻ trứng vàng” Hong Kong bằng cách tước đoạt những giá trị Tự Do của người dân ở đây. Điều đó xem ra là một quyết định chẳng khôn ngoan gì. Sẽ không có thêm quả trứng vàng nào được tìm thấy và sẽ không còn con ngỗng nào cả. Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) đang có “nhiệm vụ bất khả thi” khi phải đối mặt với cơn giận dữ của “đám đông” 2 triệu người. Một cộng đồng đã sống đủ lâu dưới ánh sáng văn minh và có nhận thức đầy đủ về nhân phẩm và quyền làm người của mình, sẽ không bao giờ cúi đầu quay trở lại hang tối. Một xã hội văn minh, có những kết cấu vững chắc của giá trị Tự Do hiến định, được bảo vệ bằng “lớp vỏ” văn hóa Dân Chủ như Hong Kong sẽ không phải là một thứ “tiện nghi chính trị” theo ý muốn của Bắc Kinh. Cái giá cho sự coi thường ý chí, nguyên vọng của người dân ở Hong Kong hay Đài Loan, Macau, Tân Cương sẽ rất đắt cho nhà cầm quyền. Và, những gì đang diễn ra ở Hong Kong cho thấy một sức mạnh thực sự của “đám đông quyền lực” có tên Nhân Dân. 17/6/2019 Tân Phong Hong Kong: Phép thử quyền lực Tìm hiểu về cuộc đấu tranh của người dân Hong Kong  
......

Huawei thừa nhận lệnh cấm của Mỹ gây tổn hại nhiều hơn dự kiến

Ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Huawei. VOA - Châu Á-Thái Bình Dương| Công ty Huawei của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Hoa Kỳ nặng nề hơn dự kiến, Reuters dẫn lời ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Huawei cho biết hôm 17/6. Ông Nhậm nhận định rằng lệnh cấm sẽ khiến Huawei mất doanh thu 30 tỷ đôla. Đây là lần đầu tiên Huawei đưa ra con số định lượng tác động từ lệnh cấm của Hoa Kỳ, theo Reuters. Vì lý do an ninh quốc gia, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa công ty Huawei vào danh sách đen, theo đó cấm các nhà sản xuất Hoa Kỳ cung cấp linh kiện cho Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và nhà sản xuất điện thoại thông minh số 2, nếu không có sự chấp thuận đặc biệt. Công ty Huawei đã bác bỏ cáo buộc của phía Hoa Kỳ rằng các sản phẩm của họ gây ra mối đe dọa an ninh. “Chúng tôi không ngờ rằng họ sẽ tấn công chúng tôi trên nhiều mặt như vậy,” ông Nhậm nói và cho biết ông hy vọng sẽ có sự phục hồi trong kinh doanh vào năm 2021. “Chúng tôi không có được cung cấp linh kiện, không thể tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế, không thể hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học, không thể sử dụng bất cứ thứ gì với các linh kiện của Hoa Kỳ và thậm chí không thể thiết lập kết nối với các mạng sử dụng các linh kiện đó,” ông Nhậm nói thêm.
......

Mấy suy nghĩ về đại cuộc biểu tình ở Hong Kong

Mạc Van Trang| Theo báo chí, cuộc biểu tình (BT) phản đối LUẬT DẪN ĐỘ nghi can từ Hong Kong (HK) về Hoa lục xét xử là cuộc BT lớn chưa từng có với hơn một triệu người dân xuống đường. Cuộc BT kéo dài từ 9/6 đến 15/6, đã đạt thắng lợi lớn là Hội đồng Lập pháp HK phải “tạm hoãn”, rồi sau đó “hoãn vô thời hạn” việc thông qua “Luật dẫn độ”. Ngày 15/6, bà Carrie Lam, trưởng đặc khu hành chính HK phải xuất hiện, hứa hẹn, lắng nghe ý kiến người dân để đem lại điều tốt nhất cho HK... Từ sự kiện này, có đôi điều đáng chú ý. 1.Nhiều tờ báo “lề đảng” đã đưa tin khách quan, trung thực. VNExpress, Tuổi trẻ, VOV... đã cập nhật tin tức hình ảnh, videoclip toàn cảnh cuộc BT; đưa tin Đài Loan và thế giới ủng hộ cuộc BT; đưa tin thắng lợi của cuộc BT, chính quyền phải chấp nhận ý nguyện của nhân dân... Đây là một nét mới, tiến bộ của “báo chí cách mạng”, được người dân hoan nghênh, đón xem, trân trọng. Nhưng VTV vẫn im thin thít, tức là vẫn bưng bít với số đông người dân không đọc báo chí, nhất là thông tin trên mạng. Dù sao cũng ghi nhận “báo chí cách mạng” có tiến bộ dần... theo mạng xã hội. 2. Báo chí “lề đảng” của Trung quốc đưa tin về cuộc BT khiến dân ta ai cũng phì cười: Nào là "Hành động vô thiên vô pháp đó sẽ làm tổn thương HK, chứ không ảnh hưởng gì tới dự luật dẫn độ được đề xuất" (xã luận China Daily); tờ Global Times, tờ báo thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, cho rằng "các lực lượng cực đoan" và "thế lực phương Tây đứng sau" đã thổi phồng và chính trị hóa dự luật dẫn độ để kích động biểu tình; "Việc chơi đùa với chính trị đường phố không kiểm soát sẽ làm xáo trộn và khiến HK thụt lùi"; "Đây không phải là hướng đi khôn ngoan cho HK"; cuộc BT nhằm gây “bạo loạn”, bất ổn cho HK; đây chỉ là “Dân chủ giả hiệu”; báo còn đưa tin, “người BT HK do thế lực ngoại bang xúi giục, thuê tiền”, có cả “hình ảnh mấy người đang đếm tiền”... He he! (Sao giống báo “lề đảng ta” đưa tin các cuộc BT của dân ta quá)! Há há! 3. Tuyệt đại đa số dân HK sống lương thiện, hiền lành sao lại đi BT phản đối cái Luật dành cho “bọn nghi can phạm tội”? Vâng, dưới con mắt nhà cầm quyền Trung cộng thì bất kỳ ai cũng có thể là “nghi phạm”; vậy là có thể muốn bắt ai thì bắt và khi bị dẫn độ về đại lục thì chỉ có xử theo “Luật rừng” với tra tấn và bức cung. Muốn có chứng cứ ư? Dễ thôi, đó là “biện pháp nghiệp vụ” quen dùng của CA Trung cộng mà. Một cái Luật như vậy được thông qua sẽ gây bất an cho toàn xã hội. Rồi được đằng chân, lân đằng đầu, Trung cộng sẽ ngày càng lấn tới bóp nghẹt HK theo thể chế đại lục, còn đâu “một quốc gia, hai chế độ” như cam kết... 4. Tại sao người trẻ HK luôn đi đầu và đông đảo trong các cuộc BT? Có người nhận xét rất đúng, rằng nền giáo dục HK vẫn theo giáo dục Anh quốc. Lớp trẻ được hưởng nền giáo dục Nhân bản, Khai phóng, họ quen được Tự do suy nghĩ, Tự do biểu đạt, Tự do hành động theo các giá trị Tự do, Bình đẳng, tôn trọng Nhân quyền, Công lý... Họ luôn sẵn sàng phản biện các chủ trương, chính sách của chính quyền và chống lại những điều bất công, phi lý, trái với những giá trị phổ quát của nhân loại. Thảo nào các thể chế độc tài chỉ muốn học sinh đồng loạt suy nghĩ, hành động như phản xạ có điều kiện; càng hạn chế khả năng độc lập suy nghĩ, tự do lựa chọn, tự do biểu đạt, tự do hành động càng tốt. 5. Sự đụng độ, xô xát là khó tránh khỏi, nhưng ở mức thấp nhất. Chính quyền huy động 5.000 cảnh sát để khống chế, hơn 1 triệu người BT và khi CS dùng hơi cay, đạn cao su, dùi cui để ngăn chặn đoàn người BT thì xảy ra đụng độ. Bên BT lấy gạch đá ném lại dữ dội. Ngày 13/6, CS trưởng HK thông báo cho biết: Có 22 CS bị thương, 72 người BT bị thương vào bệnh viện, 11 người bị bắt. Trả giá cho một thắng lợi như vậy, là quá thành công! Như ở Việt Nam, mỗi ngày tai nạn giao thông cướp đi hơn 30 mạng sống, hàng 100 người bị thương và hàng chục lái xe vào tù, mà có đem lại “thắng lợi” nào đâu! Ở đây cũng cho thấy nhờ có Luật BT, nên dân HK có văn hóa BT đúng đắn, ít xảy ra bạo lực. 6. Nhiều người nhận xét, “HK biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo”. “Không có lãnh đạo” nghĩa là nhà cầm quyền khó bắt bớ những thủ lĩnh “tổ chức, xúi giục” BT. Đây là mỗi người dân tự giác ngộ quyền và nghĩa vụ đối với cộng đồng, xã hội và tự quyết định hành động của mình. Mỗi người đều thuộc về một nhóm bạn, một tổ chức xã hội, nghề nghiệp nào đó, sống trong một cộng đồng nhất định và tạo lập mối quan hệ/liên hệ với nhau. Khi mỗi sự kiện xảy ra, họ thường xuyên chia sẻ cho nhau và khi cần hành động, họ thông báo cho nhau cùng hành động... Đó là sức mạnh của thời đại Internet, chưa cần đến 4.0, 5G... Mỗi con người nếu chỉ là một cá thể biệt lập, cô đơn sẽ rất nhỏ nhoi, dễ bị bắt nạt, nhưng khi nó biết liên kết với cộng đồng sẽ có sức mạnh ghê gớm. Đây là sức mạnh vô địch của thời đại mới, các nhà độc tài chỉ có ngửa mặt lên trời mà than: “Trời đã sinh ra kẻ độc tài, sao còn sinh ra internet”! Cảm ơn nhân dân HK đã cho ta những bài học bổ ích. 16/6/2019 Mạc Văn Trang  
......

Vẻ đẹp của tinh thần tự do

Người biểu tình tự động dạt sang hai bên để nhường đường cho xe cứu thương. Hoàng Hải Vân| Điều lạ lùng là từ năm 1945, khi nước Anh dưới thời Thủ tướng Atlee đã từ bỏ con đường tự do để chuyển sang chủ nghĩa xã hội (theo khuynh hướng Fabian) với việc quốc hữu hóa các “đỉnh cao chỉ huy” của nền kinh tế, khiến cho Anh quốc bị trì trệ mãi cho đến thời Thủ tướng Thatcher kinh tế thị trường mới hồi sinh lại, thì thuộc địa của Anh là Hong Kong vẫn giữ nguyên vẹn là nền kinh tế tự do xuyên suốt thế kỷ 20, cho đến khi “trả lại” cho Trung Quốc. Ông Đặng Tiểu Bình đã hết sức khôn ngoan đưa ra chủ trương 1 quốc gia 2 chê độ để thu hồi lại lãnh thổ. Trung Quốc được hưởng lợi ích kép từ chủ trương này : Sự thịnh vượng của Hong Kong mang lại nguồn lợi lớn lao cho Trung Quốc, tinh thần tự do kinh doanh từ Hong Kong kich thích và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình cải cách mở cửa cho lục địa. Việc tuân thủ cam kết bảo đảm tự do cho Hong Kong chính là vì lợi ich thiết thực của Trung Quốc. Bởi vậy, sau khi “về” với Trung Quốc, Hong Kong vẫn liên tục được công nhận là nền kinh tế tự do nhât thê giới, theo xếp hạng của Quỹ Di sản. Thế nhưng quán tính của chế độ toàn trị đã khiến cho nhà cấm quyền Bắc Kinh tìm cách can thiệp sâu hơn vào đời sống chính trị của Hong Kong, trái với cam kết “1 nước 2 chế độ”. Người dân Hong Kong, với truyền thống tự do rất lâu đời, không chấp nhận sự can thiệp hồ đồ đó. Họ thể hiện sự không chấp nhận bằng sức mạnh truyền thống của tinh thần tự do. Hàng triệu người xuống đường biểu tình một cách văn minh phản đối dự luật dẫn độ khiến cho nhà cầm quyền Hong Kong phải chấp nhận hoãn vô thời hạn việc thông qua dự luật này là một minh chứng. Sức mạnh của tinh thần tự do của người Hong Kong cũng khiến cho nhà cầm quyền Bắc Kinh phải chùn bước. Cả thế giới xúc động khi nhìn cảnh một biển người biểu tình tự động dạt sang hai bên để nhường đường cho xe cứu thương. Cả triệu người cùng quan tâm đến một số phận, đó chỉ có thể là vẻ đẹp của tinh thần tự do, rất hiếm thấy trong các phong trào tả khuynh ở bất kỳ nơi nào trên thế giới: https://www.facebook.com/watch/?v=327721638153761  
......

Quả bom Hongkong đã nổ

Ngô Nhật Đăng|   Khi trao trả Hongkong về cho Trung cộng, Vương quốc Anh đã có một cam kết với Bắc Kinh không ký bất cứ một Hiệp ước dẫn độ nào với đại lục. 97 năm là thuộc địa Anh, Hongkong không có Dân chủ (chính phủ do người Anh chỉ định) nhưng tràn đầy Tự Do, cái tự do mà cả châu Á khao khát. Chính vì thế Hongkong là một quả bom nổ chậm của Tự do và Dân chủ trong lòng một quốc gia cộng sản. Trung cộng trong 22 năm qua nương nhẹ Hongkong chỉ vì tiền nhưng ngày nay khi mà GDP của Hongkong còn thua cả Thâm Quyến ( tỷ trọng của HK trong nền kinh tế TQ từ 29% đã giảm xuống còn dưới 2%) thì Trung cộng trở mặt muốn đè bẹp Hongkong. Trận đụng độ lớn nhất là phong trào Dù Vàng năm 2014 đã làm Bắc Kinh mất ăn mất ngủ. Các phương pháp đàn áp cũ như “đánh rắn phải đánh dập đầu” đã được áp dụng, các lãnh tụ sinh viên đều bị cầm tù, và, nếu luật dẫn độ được thông qua thì ta dễ dàng đoán được những gì tiếp theo.   Nhìn những cuộc biểu tình “không lãnh đạo” trong những ngày qua ta thấy sự thông minh tuyệt vời của giới trẻ. Quả bom Hongkong đã nổ: “No China- No Xi”- Không Trung cộng, không Tập, đó là thông điệp không chỉ của riêng người dân HK mà còn là mong ước của nhân dân Đại lục. Cùng với trận “thương chiến” đang diễn ra với Hoa Kỳ con quái thú Trung cộng đang bị giáng những đòn chí mạng. Thế giới đang chứng kiến sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 21, chứng kiến tinh thần của những người trẻ tuổi gánh vác trách nhiệm của thế hệ mình.   Người lãnh tụ 17 tuổi của phong trào Dù Vàng cũng vừa hết hạn tù, nghe tin này mà người già như tôi còn rạo rực nói gì đến những bạn trẻ Việt Nam. Đừng chê trách, đừng dè bỉu, chúng ta ai cũng nói “hãy làm viên gạch lót đường” vậy hãy biến nó thành hành động, hãy biến chúng ta thành bệ đỡ, thành viên đá lót đường cho con cháu chúng ta bước lên, thế hệ trẻ VN đâu có kém cỏi gì. Bao giờ chúng ta mới thay đổi nhận thức? Sức mạnh thật ra không nằm ở đám đông mà nằm ở những cá nhân như những viên kim cương nằm trong núi cát, nó mới là sức mạnh nguyên tử khi mà 2 hạt nhân gặp nhau và giải phóng năng lượng. Đừng nhìn những đám đông nhảy nhót ăn chơi, những đứa trẻ khóc rưng rức khi được chạm tay vào một ngôi sao nhạc Pop, nhuộm tóc xanh đỏ, đua xe bất chấp tử thần vv…mà chúng ta tuyệt vọng, chán nản. Đó là lỗi của chúng ta, chúng ta không biết hướng dẫn con cháu mình hướng cái năng lượng dư thừa của chúng vào đâu. Hãy nghĩ lại, khi ta 18, 20, cha mẹ ta đã làm gì với chúng ta? Chúng ta lúc đó làm gì? Và bây giờ chúng ta trở nên thế nào?   Trung cộng nói riêng và cộng sản nói chung đã gây biết bao nhiêu tội ác, cứ nhớ lại khẩu hiệu từng được trương lên trong một cuộc diễu hành tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn năm nào ở Hongkong mà tôi lại rùng mình: “Trời tru đất diệt Trung cộng”. Cộng sản còn tồn tại thì những tội ác trời tru đất diệt vẫn còn./.
......

Joshua Wong ra tù, gửi ngay thông điệp cho ông Tập Cận Bình và bà Carrie Lam

Hồng Kông (NV) – “Người dân Hồng Kông sẽ không giữ im lặng dưới sự đàn áp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Đặc Khu Trưởng Hồng Kông Carrie Lam. Bà Carrie Lam phải từ chức.” Đó là lời nói đầu tiên của Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) – thủ lĩnh phong trào sinh viên Dù Vàng năm 2014 trả lời hàng trăm phóng viên đang đứng chờ anh trước cổng trại giam. 10 giờ sáng ngày Thứ Hai, 17 Tháng Sáu, theo giờ địa phương, thủ lĩnh phong trào sinh viên Dù Vàng năm 2014, Joshua Wong được trả tự do sớm hơn thời hạn. Anh bị bắt trở lại trại giam hồi Tháng Năm, 2019 với bản án hai tháng tù giam. Retuers dẫn lời Joshua Wong nói: “Nếu bà Carrie Lam không từ chức, tôi tin rằng trong vài tuần nữa, trước khi diễn ra lễ kỷ niệm 22 năm chuyển giao chủ quyền Hồng Kông, sẽ không chỉ một triệu hay hai triệu người, mà là thêm nhiều người dân Hồng Kông sẽ đến, ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi. Chúng tôi đấu tranh cho đến một ngày chúng tôi lấy lại quyền tự do và quyền cơ bản của con người cơ bản.” Rất nhanh chóng, chiếc áo trắng thủ lĩnh Joshua Wong mặc trên người khi ra khỏi trại giam đã được thay bằng chiếc áo màu đen, màu chủ đạo của cuộc biểu tình ngày Chủ Nhật 16 Tháng Sáu. Đây là một thông điệp rất rõ ràng cho thấy anh đang hoà vào cuộc biểu tình “áo đen” lớn nhất lịch sử Hồng Kông. Joshua Wong ra tù Và nơi mà Joshua Wong cùng với những người bạn trong Đảng chính trị Demosisto của mình có mặt ngay sau đó, không đâu khác hơn, chính là trụ sở Hội Đồng Lập Pháp. Nhà hoạt động dân chủ Joshua Wong một lần nữa, trở thành người thủ lĩnh, hướng dẫn người dân yêu cầu các nhà lãnh đạo Hồng Kông từ chức và rút lại dự luật dẫn độ. Nhà đấu tranh dân chủ Joshua Wong được trả tự do sớm hơn thời hạn là một trong những thành công lớn của người Hồng Kông. Vì đây cũng chính là một yêu cầu hơn 2 triệu người dân đã đưa ra trong cuộc biểu tình lịch sử hôm Chủ Nhật, 16 Tháng Sáu. Bên cạnh ba yêu cầu người biểu tình đưa ra là: Rút lại luật dẫn độ; Bà Carrie Lam phải xin lỗi người dân Hồng Kông; Bà Lam phải từ chức, họ đòi hỏi chính phủ cầm quyền Hồng Kông phải trả tự do cho những người có tiếng nói đối lập đang bị cầm tù. Đây cũng chính là thông điệp Joshua Wong gửi đến chính phủ Hồng Kông ngay khi ra khỏi nhà tù. Anh nói: “Như chúng ta biết rằng hơn 20 nhà hoạt động vẫn bị nhốt trong tù, tôi may mắn vì hôm nay tôi đã thụ án xong tất cả các án tù. Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ không còn tù nhân chính trị nào tồn tại ở Hồng Kông. Hồng Kông nên là nơi có tự do, dân chủ và nhân quyền.” Hình ảnh tự tin, mạnh mẽ của người thủ lĩnh phong trào Dù Vàng nhanh chóng truyền đi khắp thế giới. Joshua trả lời truyền thông thế giới bằng ba ngôn ngữ: Tiếng Trung Quốc, tiếng Quảng Đông, và tiếng Anh. Cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 16 Tháng Sáu của người dân Hồng Kông lớn hơn cuộc biểu tình trước đó một tuần. Và cuộc biểu tình tuần trước lớn hơn cuộc biểu tình Dù Vàng năm 2014. Một biển người, phần lớn mặc đồ đen và cầm theo các bông hoa trắng để tưởng nhớ một người đàn ông mặc áo vàng đã chết trong cuộc xuống đường, tràn ngập các ngả đường ở trung tâm Hồng Kông. Họ cũng đòi Đặc Khu Trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, phải từ chức, dù rằng bà đã có lời xin lỗi. Ban tổ chức cuộc biểu tình cho biết có khoảng hai triệu người tham dự tuần hành, tức 27% số dân Hồng Kông. Mạng xã hội phấn khích, bày tỏ sự ngưỡng mộ khi nhìn thấy trong biển người “áo đen” có cả những ngôi sao điện ảnh Hồng Kông như Châu Nhuận Phát, Vương Hỷ… Họ kéo đến trung tâm thành phố từ mọi nơi, với con số đông đảo đến nỗi lộ trình chính thức phải kéo dài và sau đó nới rộng ra, chặn mọi giao thông bên ngoài trụ sở cơ quan hành chánh Hồng Kông. Cuộc biểu tình này cho thấy hình ảnh rõ ràng của một phong trào tranh đấu quần chúng với sự tham dự của mọi người ở mọi độ tuổi, với các ngành nghề khác nhau, dù rằng thành phần trẻ vẫn chiếm vai trò chủ lực. (C.Linh)
......

Hoàng Chí Phong "Chàng trai vĩ đại"

Luân Lê 17.06.2019 Chàng trai trẻ, lãnh đạo phong trào Dù Vàng từ lúc 17 tuổi, đã vừa bước chân ra khỏi nhà tù sau khi bị kết án về một tội danh có yếu tố chính trị. Và ngay lập tức, chàng trai này đã lên tiếng yêu cầu bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu phải tức chức ngay lập tức vì dự luật gây tổn hại tới nền dân chủ và tự do của nhân dân Hồng Kông. Chàng trai trẻ, dẫn đầu một phong trào biểu tình lớn từ nhiều năm trước đòi quyền tự quyết đối với các chức vị chính trị tại vùng lãnh thổ này, đã truyền cảm hứng cho không chỉ nhân dân Hồng Kông mà cả thế giới đều phải dõi theo. Tương lai của chúng ta chính là ngay lúc này và không ai khác ngoài chính chúng ta quyết định điều đó. Và thế hệ trẻ của Hòng Kông đã xứng đáng được ngưỡng mộ và cũng xứng đáng được hưởng các giá trị dân chủ và tự do quý bâu của loài người - vì họ đang hành động như một con người chứ không phải cúi đầu chấp nhận sự cưỡng đoạt từ bất kỳ một ai khác. Hãy nhìn một chàng trai, gầy gò, mảnh khảnh và nhỏ bé, nhưng trí tuệ và khí chất lại không hề như vậy. Anh ta đang đấu tranh và làm những việc lớn để thay đổi tình hình đất nước. Và nhân dân họ có tương lai nhờ những người như cậu ấy.
......

Hong Kong biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo

Cuộc biểu tình lớn nhất Hong Kong trong hơn hai thập niên để phản đối Dự Luật Dẫn Độ đã có một thay đổi chiến thuật quan trọng so với Phong Trào Dù Vàng năm năm trước đây: Phi tập trung hóa và không có người lãnh đạo. Chiến thuật này khiến chính quyền gặp lúng túng trong việc đối phó với phong trào vì họ không tìm ra ‘cái đầu’ của phong trào để chặt. Cuộc biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ hôm 2 tháng Sáu, phản đối Dự Luật Dẫn Độ mà người biểu tình cho rằng sẽ dọn đường để chính quyền đại lục có thể xét xử những nhà hoạt động dân chủ của Hong Kong bằng hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết. Các con số thống kê khác nhau cho thấy có từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu người tham gia biểu tình. Người biểu tình đang chuẩn bị cho một đợt biểu dương lực lượng lớn lần thứ hai dự kiến vào Chủ Nhật, 16 tháng Sáu, trong lúc chính quyền Hong Kong không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ lùi bước. Tổ chức thuần thục Từ Hong Kong, thông tín viên Alice Su của tờ Los Angeles Times mô tả quang cảnh cuộc biểu tình như sau: Một đám đông người biểu tình đeo mặt nạ chạy thục mạng trên đường, hơi cay đang bao trùm phía sau họ. Bất thình lình, có tiếng hô phía sau: ‘Ống hít!’ Tất cả mọi người đứng yên. “Ống hít! Ống hít!” họ đồng thanh hô vang. Trong vòng 20 giây, có hai phụ nữ trẻ chạy lên phía trước, thò tay vào túi lấy các ống hít trợ hô hấp và chuyền lên. “Được rồi!” người thanh niên ở phía xa la lớn. Những người biểu tình vừa đứng yên lúc nãy quay người và tiếp tục chạy trong khi các đám khói cay lan ra phía sau lưng họ. Người biểu tình Hong Kong đã xuống đường hôm 12 tháng Sáu như thể là họ đã tập luyện trong nhiều năm. Bất cứ ai cần mũ bảo hiểm, mặt nạ hay dù sẽ ngước lên trời và hô lớn. Những người xung quanh họ sẽ ngừng lại và chuyền thông điệp này ngay lập tức qua đám đông với tiếng hô đồng thanh và động tác tay hài hòa: vỗ tay vào đầu nếu cần nón bảo hiểm, nắm tay lại đưa lên mắt nếu cần kính bảo vệ, xoay vòng hai cánh tay nếu cần tấm màng bọc để bảo vệ da không tiếp xúc với hơi cay và hạt tiêu. Vẫn theo Los Angeles Times, 5 năm kể từ ngày Phong Trào Dù Vàng ủng hộ dân chủ bùng phát ở Hong Kong, mà khi đó những nhân vật nổi bật dẫn dắt đám đông chiếm giữ khu trung tâm thành phố bị bắt giữ và bị buộc phải đi lưu vong, thanh niên Hong Kong đã phi tập trung hóa các cuộc biểu tình của họ. Họ tự tổ chức rất hoàn hảo mặc dù không có ai phụ trách. Kinh nghiệm ‘diễn tập’ “Đây là một mô hình mới của các cuộc biểu tình ở Hong Kong,” anh Baggio Leung, 32 tuổi, người tập hợp của Youngspiration, một nhóm hoạt động chính trị địa phương được thành lập sau Phong Trào Dù Vàng, nói với Los Angeles Times. Phong Trào Dù Vàng, diễn ra vào cuối năm 2014 để đòi được quyền phổ thông đầu phiếu trong việc bầu người lãnh đạo đặc khu, cuối cùng đã thất bại khi không đạt được nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Khi đó những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật là ‘chiếm giữ’ (sit-in). Họ đã chiếm giữ những khu trung tâm Hong Kong như Đồng La Loan, Vượng Giác và Kim Chung trong hơn hai tháng. Lần này, người biểu tình Hong Kong cố tình để cho không có người lãnh đạo, anh Leung nói. “Nhìn nó có vẻ tổ chức tốt và có kỷ luật như thế, nhưng tôi có thể chắc rằng chúng ta không thể tìm thấy có ai quản lý tất cả mọi thứ,” anh Leung nói và cho biết các hoạt động hậu cần của người biểu tình – vận chuyển đồ dùng, dựng trạm cứu thương và liên lạc nhanh trong đám đông – đều là có sẵn sau những năm ‘diễn tập’ vừa qua. “Nó giống như một cỗ máy hay trí tuệ nhân tạo tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm vậy,” anh Leung giải thích. Nhiều nhóm đang tham dự vào làn sóng biểu tình của quần chúng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ như Demosisto đều kêu gọi các thành viên tham gia vào cuộc biểu tình. Vào sáng thứ Sáu ngày 14 tháng Sáu, các thành viên nhóm Demosisto tràn ngập tại một nhà ga metro vào giờ cao điểm. Bảy người trong số họ quỳ trên mặt đất kêu gọi các nhân viên văn phòng đi ngang qua tham dự vào một cuộc tập họp chống lại Dự Luật Dẫn Độ được lên kế hoạch vào Chủ nhật tuần này. Nhưng Demosisto chỉ là một trong nhiều nhóm tham gia biểu tình. Và không có nhóm nào trong số này đứng ra giành quyền lãnh đạo. “Chúng tôi chỉ là những người tham dự. Phong trào hoàn toàn tự trị và không có lãnh đạo,” anh Nathan Law, 25 tuổi, chủ tịch sáng lập của Demosisto, cho biết. Thảo luận trên mạng Theo Los Angeles Times dẫn lời anh Law, đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, nhưng họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội. “Mọi người nhận thông tin từ các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì,” anh Law nói thêm. “Mọi người bỏ phiếu trên mạng Internet.” Một diễn đàn trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia là LIHKG, phiên bản Reddit của người Hong Kong nơi những người dùng ẩn danh đưa lên những ý tưởng sáng tạo về biểu tình: Chặn các trạm xe điện ngầm, tập họp lại thắp nến hay ‘dã ngoại’, thực hiện các trò nhại chống lại Luật Dẫn Độ trong đó đề cao các giá trị bảo thủ để lôi kéo người lớn tuổi tham gia. “Mọi người sẽ bàn bạc họ ủng hộ hay chống đối các ý tưởng đó,” anh Law nói. Nếu có ý tưởng nào đó được ủng hộ nhiều nhất thì mọi người sẽ hành động. “Người A sẽ đưa ra ý tưởng nào đó trên diễn đàn, trong khi người B nói ý khác. Ngày hôm nay nhiều người ủng hộ ý người A, nên chúng tôi làm theo,” anh Philip Leung, một sinh viên tích cực tham gia vào diễn đàn LIHKG và các diễn đàn mạng xã hội khác, cho biết. Việc không biết người A, người B là ai cũng không có hề gì, anh nói thêm. “Chúng tôi bày tỏ những ý tưởng tự do thay vì tôn sùng một người nào đó,” anh Leung nói và cho biết trọng tâm duy nhất kết nối tất cả những người biểu tình với nhau là sự phản đối của họ đối với Dự Luật Dẫn Độ “Chúng tôi không có bất kỳ ai hoặc bất kỳ tổ chức nào bảo chúng tôi phải làm gì.” Sự trấn áp của cảnh sát đã đẩy những nhà hoạt động trẻ tuổi phi tập trung hóa hơn nữa. Họ chia nhỏ những nhóm trao đổi khổng lồ trên Telegram thành những nhóm nhỏ hơn. Giới trẻ Hong Kong đã huy động trên hàng chục trang Instagram, các nhóm trò chuyện và các nhóm bạn theo kiểu cũ nhưng lôi kéo thêm người tham gia. Các bà mẹ xuống đường Có dấu hiệu cho thấy người lớn tuổi cũng bắt đầu tham gia. Hôm 13 tháng Sáu, hơn 44.000 người mẹ Hong Kong đã ký một thư ngỏ gay gắt gửi đến Trưởng Đặc Khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga  (Carrie Lam, BBT) sau khi bà Lâm phát biểu trên truyền hình rằng lắng nghe người biểu tình chẳng khác nào một người mẹ ‘nuông chiều’ đứa con hư đốn. “Chúng tôi là những người mẹ ở Hong Kong, và chúng tôi chắc chắn không sử dụng hơi cay, đạn cao su gây sát thương đối với con cái chúng tôi và chúng tôi không thể nào đứng trơ ra nếu chúng tôi nhìn thấy các cô cậu thanh niên mặt đầy máu sau khi bị đánh bằng dùi cui cảnh sát,” lá thư ngỏ viết. Hàng trăm bà mẹ giận dữ đã tập họp ở một công viên hôm 14 tháng Sáu trong ‘cuộc tập họp của các bà mẹ’ chống lại Dự Luật Dẫn Độ và bạo lực của cảnh sát. Họ giương cao biểu ngữ ghi: “Đừng bắn vào con chúng tôi.” “Bạo lực thật sự đến từ nỗ lực cố ý và kiên quyết của chính quyền Hong Kong muốn trở thành kẻ thù của nhân dân,” Susanne Choi, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói. “Chúng tôi tập họp ở đây để gửi một tín hiệu đến với những bạn trẻ rằng họ không đơn độc. Chúng tôi sẽ đứng phía sau họ.” “Quý vị phụ nữ, hãy xuống đường,” một trong những diễn giả nói. “Hãy xem cảnh sát đánh đập phụ nữ như thế nào. Hãy xuống đường vào Chủ nhật! Hãy xuống đường vào Thứ Hai! Hãy xuống đường vào Thứ Ba! Hãy xuống đường mỗi ngày!” Nguy cơ bạo lực Phong trào phi tập trung hóa sẽ khó để kiểm soát hơn đối với chính quyền. Cảnh sát có thể bắt giữ cá nhân nhưng không có ai chủ chốt để mà bắt. Kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát, cảnh sát đã bắt giữ 34 người, trong đó có bốn người biểu tình được bắt đi từ bệnh viện với cáo buộc gây bạo loạn và một điều hành viên một nhóm “chat” trên Telegram từ nhà riêng của anh này. Tuy nhiên việc thiếu kiểm soát cũng có thể gây nguy hiểm, anh Leung nói. Vào cuối ngày 12 tháng Sáu, với căng thẳng dâng cao và hơn một ngàn thanh niên biểu tình vẫn còn ở trên đường dựng rào cản dã chiến chặn cảnh sát chống bạo động, anh Leung lo lắng không có cách nào để giảm căng thẳng. “Nếu cảnh sát nổ súng, tất cả mọi người sẽ chết. Họ không có vũ khí trong tay,” Leung nói. Nếu có người lãnh đạo, họ có thể bước ra và kêu gọi rút lui trong trường hợp cảnh sát đem súng đạn thật đến, ông nói – một hình ảnh làm người biểu tình nhớ đến Quảng Trường Thiên An Môn. “Nếu tôi có một vị trí nào đó, tôi có thể kêu gọi họ về nhà,” anh Leung nói. “Nhưng tôi không phải là người kêu gọi họ xuống đường nên họ có thể chọn không nghe lời tôi. Tôi là ai mà quyết định được chứ?” Nguồn: VOA   Đảng Việt Tân và đấu tranh bất bạo động Vì sao hơn 1 triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình?  
......

Đêm Hồng Kông

Luân Lê Biểu tình viên trẻ tuổi nhất HongKong https://www.facebook.com/viettan/videos/432219957616101/?t=5 Khoảng hơn 2 triệu nhân dân Hồng Kông đã xuống đường biểu tình vào đêm nay, gần một nửa số dân vùng lãnh thổ này đã đồng lòng cùng nhau bày tỏ sự phẫn nộ khi họ đã bị làm cho tổn thương bởi đạo luật dẫn độ tới Trung Quốc. Cả thành phố rực sáng và tất cả đều đã chật kín những dòng người. Chỉ vì một đạo luật gây tổn thương cho nền dân chủ và đe doạ tới các quyền tự do của nhân dân Hồng Kông, chính quyền đã phải đối mặt với một cơn giận dữ chưa từng có của dân chúng. Phải chăng nhân dân Hồng Kông nghèo đói và ít học, đến mức họ phải bỏ thời gian và sức khoẻ lẫn sinh mệnh của mình để biểu tình phản đối chính quyền? Phải chăng nhân dân Hồng Kông là đám vô công rỗi nghề và không yêu nước, và đang muốn làm loạn xã hội? Không! Họ đang thực hiện quyền làm chủ quyền lực và làm chủ chính quyền - chính quyền phải sợ họ và bị quyết định bởi họ - nhân dân mới là người quyết định đến việc thiết lập, sự tồn tại hay bị phế truất đối với một chính quyền, một nhà nước, trong đó có các chức vị chính trị trong hệ thống. Nếu thực hiện quyền làm chủ quyền lực và làm chủ đất nước mà bị coi là những kẻ ngu dốt và rảnh việc, thì những nước văn minh và phát triển hàng đầu thế giới hẳn đã suy vong từ lâu trong lịch sử chứ không phải đứng đầu nhân loại như hiện tại. Nhân dân Hồng Kông và Đài Loan đều có nguồn gốc là người gốc Hoa (Trung Quốc), nhưng chính họ lại từ chối sự sáp nhập hoặc là một sự liên quan, bị chi phối hay chỉ là gây ảnh hưởng từ nhà nước cộng sản Trung Quốc. Họ đấu tranh đến cùng để được độc lập và sống chung với thế giới văn minh chứ không muốn dính dáng tới một chính quyền tội phạm man rợ bậc nhất trong lịch sử loài người. Gần 100 triệu dân Việt Nam có nên chửi rủa nhân dân Hồng Kông là đám ngu dốt và nghèo đói hay không, khi đã ngày này qua tháng khác tới năm nọ đã không lo tập trung làm ăn mà chỉ đi biểu tình, nhất lại là khi chỉ vì một đạo luật “chẳng có gì nghiêm trọng lắm” bởi nó chẳng gây hại cho ai cả (nếu tư duy theo kiểu phổ biến của người Việt)? Đêm Hồng Kông, như đêm giao thừa trước thềm năm mới. Với họ, mỗi ngày là một bước ngoặt: hoặc là một tương lai mới mở ra, hoặc là đêm tăm tối bao trùm lên cuộc đời họ và con cháu họ sau này. Và họ lựa chọn - bây giờ và ngay tại những đêm nay.
......

Ủng hộ từ Đài Loan

Lanney Tran Theo các nhà tổ chức biểu tình ở Đài Bắc hôm nay, lúc này có hơn 10 ngàn đã tham dự biểu tình ủng hộ Hồng Kông. MỘT MÌNH CHỐNG LẠI THẾ GIỚI Nhân dân Đài Loan cùng biểu tình để ủng hộ và đồng hành với nhân dân Hồng Kông chống lại dự luật dẫn độ tới Trung Quốc. Tổng thống vùng lãnh thổ này, nơi được nhiều nước coi là một quốc gia độc lập, sẵn sàng tuyên chiến với Trung Quốc để bảo vệ đất nước một khi cộng sản Bắc Kinh có hành động gây chiến hoặc xâm lược họ. Một bên là liên minh Nhật - Ấn - Mỹ - Hàn và một bên là Philippines, Indonesia cứng rắn với cộng sản Trung Quốc trong vấn đề bang giao và biển đông. Trung Quốc vô cùng cô độc trong mối quan hệ với tất thảy phần còn lại của thế giới. Chỉ có Nga như là một “người bạn bất đắc dĩ” dựa trên triết lý của Trung Quốc “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Nhưng lịch sử cho thấy hai nước này chưa bao giờ có một sự thực chất về mối quan hệ, thậm chí còn đụng độ quân sự khốc liệt tại biên giới và kéo dài cho tới gần đây mới chấm dứt hoàn toàn. Gần như cả thế giới này đều không đứng về phía cộng sản Trung Quốc, hay có thể nói, Trung Quốc đang một mình gây chiến chống lại cả nhân loại.  
......

Vì sao Cuộc chiến Việt Nam nóng trở lại trên báo Hoa Kỳ?

Nguyễn Hùng – VOA| Những ngày vừa qua Cuộc chiến Việt Nam xuất hiện nhiều trên truyền thông Hoa Kỳ dù không trùng vào dịp kỷ niệm lớn nào. Một trong những lý do là các ứng viên cho cuộc Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ vào năm sau đều bị báo chí soi vì không ai trong số họ từng đi lính ở Việt Nam dù khi đó họ thuộc độ tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự. Tổng thống Trump được hoãn quân dịch vì đang học dở dang và sau đó có giấy của bác sỹ chứng nhận bị gai xương gót chân. Tuy nhiên con gái của bác sỹ viết giấy chứng nhận đó từng nói cha cô viết giấy vì quen thân phụ của ông Trump. Thượng nghị sỹ của Đảng Dân chủ Tammy Duckworth, người mất cả hai chân khi phục vụ trong quân ngũ ở Iraq, thậm chí gọi ông Trump là “kẻ hèn nhát” vì tìm mọi lý do để không sang Việt Nam hồi cuối những năm 60 và đầu thập niên 70. Thượng nghị sỹ Duckworth nói như vậy sau khi ông Trump phát biểu với báo chí Anh rằng ông “không thích cuộc chiến Việt Nam” và cho rằng Hoa Kỳ đáng ra không nên tham chiến ở đó. Trong phỏng vấn với CNN, vốn được hơn nửa triệu người xem và hàng chục ngàn người tán thưởng, bà Duckworth nói: “Tôi không biết bất cứ ai mặc áo lính, nhất là những người ra trận, lại nói họ thích chiến tranh. Thực ra tôi phản đối Cuộc chiến Iraq nhưng tình nguyện tới đó khi đơn vị của tôi được điều động. Còn vị tổng thống hiện nay đã làm mọi chuyện để không đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Nếu ông thực sự là người yêu nước, ông đã đáp lại lời kêu gọi của đất nước. Không chỉ một lần mà ông đã trốn quân dịch năm lần liền.” Bài báo của CNN cũng nói các tổng thống Kennedy, Johnson, Nixon, Ford và George H.W. Bush đều từng tham chiến trong lực lượng hải quân. Tổng thống Reagan và Carter không tham gia chiến đấu nhưng đều tham gia quân ngũ. Trái lại, các Tổng thống Clinton, Obama và Trump không phục vụ trong quân đội ngày nào còn ông George W. Bush cũng tìm cách để khỏi phải đi Việt Nam bằng cách tham gia lực lượng Vệ binh Quốc gia. Trong các ứng viên tổng thống cho kỳ bầu cử vào năm 2020, Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng viên độc lập, nộp đơn phản đối cuộc chiến Việt Nam và từ chối đi lính cách đây hơn 40 năm nhưng ông cũng đã quá tuổi vào thời điểm tuyển nghĩa vụ. Về sau này ông nói ông chỉ phản đối chính sách chứ không phản đối những người tham chiến. Ứng viên của Đảng Dân chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden, từng hoãn nghĩa vụ năm lần vì còn đang đi học và sau đó bị loại vì bị hen suyễn, vẫn theo CNN. Hãng truyền hình này cũng cho rằng có thể sẽ không có ai từng tham chiến ở Việt Nam trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Trong khi nhiều người tìm cách để ở lại Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra cuộc chiến Việt Nam, New York Times đưa tin về một trường hợp khai tăng tuổi để nhập ngũ và tới Việt Nam chiến đấu. Tờ này dẫn tin của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói rằng Dan Bullock có thể là người lính Mỹ trẻ nhất bị thiệt mạng kể từ Thế Chiến I khi ngã xuống ở tỉnh Quảng Nam hôm 6/6/1969 khi mới 15 tuổi. Tin về kỷ niệm 50 năm ngày người lính trẻ hy sinh đã được hơn 16.000 lượt chia sẻ và hơn 1.000 bình luận trên Facebook. Một tin khác cũng được hàng ngàn người chia sẻ là thông báo hôm 10/6 của nhà tang lễ ở bang South Carolina chiêu mộ tình nguyện viên tham dự tang lễ của cựu binh Cuộc chiến Việt Nam James Miske. Ông Miske qua đời ở tuổi 75 và không có ai thân thích. Tháng Sáu này cũng đánh dấu 47 năm ngày ‘Em bé Napalm’ Phan Thị Kim Phúc bị bom Napalm đốt cháy quần áo và gây bỏng nặng hôm 8/6/1972. Video về bà Kim Phúc nhân dịp này cũng thu hút hàng chục ngàn phản ứng trên trang Facebook mang tên Brut, trang chuyên về các video thời sự ngắn. Video nói hồi năm 1996 bà Kim Phúc đã tới dự và phát biểu nhân Ngày Cựu binh Hoa Kỳ tại Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam, vốn là bức tường ghi tên hơn 58.000 lính Hoa Kỳ không trở về sau cuộc chiến. Bản sao của bức tường này hiện vẫn đang trên đường đi vòng quanh Hoa Kỳ. Hồi đầu tháng Sáu bức tường đã tới bang Colorado. Bang Ohio sẽ là một trong những điểm dừng chân sắp tới của bức tường ghi nhớ hàng triệu lính Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và hàng chục ngàn người tử trận. Năm 2020 sẽ đánh dấu 45 năm ngày Cuộc chiến Việt Nam kết thúc nhưng những bàn cãi về cuộc chiến này sẽ vẫn còn kéo dài trong nhiều năm tới đây.  
......

Pages