Quần đảo Gulag và tội ác của Putin

Lâm Bình Duy Nhiên Chiều nay, tôi vào nhà sách quen thuộc trên phố để tìm sách. Thật là một sự ngẫu nhiên, hay một sự tình cờ khi tôi thấy cuốn L’Archipel du Goulag, cinquante ans après, 1973-2023 (Quần đảo Gulag, 50 năm sau, 1973-2023) của nhà văn Nga nổi tiếng Alexandre Issaïévitch Soljénitsyne. Để đánh dấu 50 năm sinh nhật khi cuốn sách này được phát hành đầu tiên tại châu Âu, nhà xuất bản Fayard (Pháp) đã tái bản tác phẩm lừng danh của Soljénitsyne. Tôi đã đọc và đã từng hình dung sự tàn bạo của hệ thống trại giam Gulag thời Liên Xô. Soljénitsyne đã gây chấn động cho dư luận toàn cầu khi đưa ra một “quả bom” tố cáo tội ác của độc tài toàn trị. Một sự thật chính xác đến từng chi tiết qua lời kể của hàng trăm nhân chứng của hệ thống trại giam và lao động cải tạo tại Liên Xô. Quần đảo Gulag là một tác phẩm văn học lừng danh gắn liền với tên tuổi của nhà văn lưu vong Soljénitsyne. Tôi vẫn còn nhớ, cha tôi có lần tâm sự với tôi về quãng thời gian ông bị đưa đi học tập cải tạo sau biến cố 30/4/1975. Những cực hình mà ông phải thốt lên rằng: Mình không ngờ phải sống và chịu đựng những gì mình đã đọc qua tác phẩm của Soljénitsyne! Nó kinh hoàng, tàn bạo và khủng khiếp quá! Cầm cuốn sách trên tay, tôi gọi đó là sự ngẫu nhiên vì vào thời điểm ấy, tôi không biết rằng tại nước Nga của Soljénitsyne, một nhân vật khác, rất nổi tiếng, một nhà bất đồng chính kiến, mới qua đời! Alexeï Navalny, tù nhân nổi tiếng nhất tại Nga dưới thời Putin, vừa chết trong một nhà tù tại Siberia, gần Bắc cực lạnh giá và hẻo lánh. Một cái chết mang nhiều nghi vấn nhưng tuyệt nhiên, dư luận quốc tế, tại thế giới tự do, đều lên án và cho rằng Putin là thủ phạm duy nhất, phải chịu trách nhiệm trước cái chết của Navalny. Ai có thể tin vào bộ máy tuyên truyền của Putin khi chế độ này đưa ra thông cáo rằng Navalny đã “cảm thấy bị đau sau một cuộc đi dạo”, và dẫu được cứu chữa nhưng ông ta đã chết… Alexeï Navalny đã dũng cảm bỏ tất cả để đối đầu với Putin. Bị giam cầm, uy hiếp, khủng bố và đầu độc nhưng ông vẫn cương quyết không lùi bước trước Putin. Bản án 19 năm tù mà Putin dành cho Navalny chính là cái tát, là sự phỉ nhục vào cái gọi là dân chủ tại Nga theo kiểu Putin. Navalny bị giam cầm, vẫn không tỏ vẻ sợ sệt hay thuần phục, ngược lại vẫn tiếp tục vui vẻ và châm biếm Putin và hệ thống pháp luật tồi tệ của nước Nga. Navalny không có một cơ hội nào nữa để ra ứng cử đối đầu với Putin. Ông là một người hùng, một lý tưởng cao đẹp vì dám dấn thân nhưng tuyệt nhiên, Navalny không còn là một mối nguy hiểm cho Putin. Thế nhưng, Putin vẫn ra tay… Đối với những tên độc tài hay bạo chúa, luôn luôn tồn tại những mối đe doạ hay hiểm nguy từ phía đối lập. Dẫu chúng cố tình triệt tiêu hay đàn áp, bỏ tù thì mối đe doạ ấy luôn hiện hữu. Và đối với Putin, Navalny chính là mối đe doạ vô hình ấy dẫu ông ta đã bỏ tù, đã đầu độc nhà bất đồng chính kiến đối lập. Putin chính là hiện thân của mọi cái ác, cái xấu, cái tàn bạo của thế kỷ 21. Ông ta thông minh hơn hẳn những tên độc tài, đồ tể của nhân loại trong thế kỷ 20 như Hitler, Stalin hay Mao. Chính vì thông minh hơn nên Putin cũng tàn bạo không kém và không chừa một thủ đoạn đê hèn hay độc ác nào để ra tay thủ tiêu những ai dám lên án hay đối đầu với ông ta. Từ ám sát, thủ tiêu tới đầu độc, mọi tội ác dưới tay Putin đều trở nên những “tai nạn” tình cờ. Thậm chí chà đạp lên mọi giá trị của luật pháp quốc tế, Putin vẫn xua quân xâm lược và tàn sát người dân lành Ukraina. Không có một thủ đoạn nào mà Putin chùn bước hay tự chất vấn lương tâm! Stalin ra tay thủ tiêu Trotski khi ông này đang ẩn trốn tại Mexico. Trotski đang tự do! Ngược lại, Navalny đã bị án tù 19 năm nhưng Putin vẫn ra tay cho bằng được. Cái tội ác của Putin còn tàn bạo hơn cả Stalin trên phương diện thủ tiêu các mối đe doạ. Trực tiếp giết chết Navalny hôm nay hay không, theo như lời Tổng thống Mỹ, Joe Biden, “chúng ta không biết chính xác những gì đã xảy ra, nhưng không có một chút nghi ngờ nào để thấy rằng đó là kết quả của những gì mà Putin và bọn du côn của hắn đã gây ra”. Uy hiếp, khủng bố, đàn áp và giam cầm, cứ một chiêu trò lặp đi lặp lại nhằm làm hao mòn và mệt mỏi tinh thần của bất cứ ai dám công khai đối đầu chính trị với Putin. Đó là cách hành xử của nước Nga dưới thời Putin. Nước Nga ấy, nó cũng không khác mấy với Liên Xô mà Soljénitsyne đã miêu tả qua Quần đảo Gulag. Cũng tàn bạo và phi nhân tính tuy khôn khéo mang nhãn dân chủ và tự do. Dân chủ kiểu bạo chúa Putin! Tự do kiểu KGB thời Liên Xô khủng khiếp! Yulia Navalnaya, vợ của Alexei Navalny, cho biết Putin phải bị “trừng phạt” vì những hành động tàn bạo mà y đã gây ra. “Tôi muốn Putin, toàn bộ tay chân, toàn bộ đám tùy tùng, toàn bộ chính phủ, bạn bè của ông ấy, biết rằng họ sẽ bị trừng phạt vì những gì họ đã làm với đất nước chúng ta, với gia đình tôi và chồng tôi. Họ sẽ bị đưa ra công lý và ngày đó sẽ sớm đến thôi”. Dư luận quốc tế không ngần ngại lên án Putin. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Nga đã “kết án tử hình những tinh thần tự do”. Trong khi Justin Trudeau, Thủ tướng Canada, gọi Putin là “quái vật”. “Cho dù bạn có ý kiến ​​gì về Alexei Navalny với tư cách là một chính trị gia, ông ấy vừa bị Điện Kremlin sát hại dã man”. Tổng thống Latvia, Edgars Rinkevics viết trên mạng xã hội X: “Đó là sự thật và là điều chúng ta cần biết về bản chất thực sự của chế độ hiện tại ở Nga”. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói, Putin “phải chịu trách nhiệm về tội ác của mình”. Thủ tướng Ba Lan cam kết: “Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho họ” về cái chết của Navalny. Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris nói cái chết của Navalny là “dấu hiệu cho thấy sự tàn bạo của Putin”. “Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin Alexeï Navalny qua đời. Ông ấy là nạn nhân của bạo lực đàn áp của nhà nước Nga”, bà cựu Thủ tướng Đức, Angela Merkel tuyên bố. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý, bà Giorgia Meloni cho rằng, cái chết của Navalny là một “cảnh báo” mới cho thế giới. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas đã thẳng thừng tố cáo “chế độ bất hảo” của Nga và Putin! Nếu cái chết của Navalny thật sự là một cuộc ám sát thì đó quả là một thảm kịch khủng khiếp cho dân tộc Nga, cho lịch sử nước Nga, từ hơn một thế kỷ qua vẫn ngụp lặn trong tội ác đẫm máu của độc tài toàn trị. Tổng thống Pháp cho rằng, Navalny là một Soljénitsyne thứ hai. Tôi không biết nhưng có một điều chân lý là cả hai đều cực kỳ can đảm để tố cáo hệ thống tội ác tại quê hương của họ. Và chính sự can đảm và lòng dũng cảm đã cướp đi chính mạng sống của Navalny. 50 năm sau khi Soljénitsyne phơi bày ra ánh sáng tội ác của Liên Xô, Putin lại lần nữa đang tự giam hãm nước Nga trong cái trại tù lộ thiên khổng lồ. Và dẫu đã 50 năm trôi qua, cái thành trì của chủ nghĩa cộng sản không còn nữa, nhưng không có nghĩa là mọi tội ác không còn xảy ra, ngược lại nó vẫn hiện hữu một cách đớn đau ngay tại quê hương của Soljénitsyne. Bài học về Quần đảo Gulag xem chừng vẫn mang tính thời sự đớn đau sau cái chết đầy bí ẩn và nghi vấn của Navalny!    
......

Anton Hofreiter: "Nếu Mỹ không viện trợ, chúng tôi sẽ vào cuộc với 100 tỷ EURO cho Ukraine"

Chính trị gia đảng Xanh, ông Anton Hofreiter cho rằng Đức phải chịu trách nhiệm nếu Mỹ ngừng viện trợ cho Ukraine. Để đảm bảo an ninh cho Đức và châu Âu, cần nhiều tiền hơn cho mục đích trang bị vũ khí. Chính trị gia Đảng Xanh cho biết: "Cuối cùng, chúng tôi cần một gói 100 tỷ USD mới." Viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị đình trệ trong nhiều tháng - sự hỗ trợ tài chính từ nhà tài trợ quan trọng nhất cho quốc phòng trong cuộc chiến tranh Ukraine. Việc Mỹ đóng băng thanh toán không chỉ ảnh hưởng đến Ukraine, quốc gia vốn đã cạn kiệt đạn dược, mà còn tác động gián tiếp đến Đức, nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine ở châu Âu. 56 tỷ euro: Viện trợ của Mỹ cho Ukraine có thể thất bại tại Hạ viện Hôm thứ Ba (13/2), Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ hàng tỷ USD cho quốc phòng Ukraine. Tuy nhiên, sự ủng hộ vẫn chưa chắc chắn vì dự thảo sẽ được chuyển đến Hạ viện, nơi Đảng Cộng hòa nắm đa số sít sao. Gói viện trợ trị giá tương đương 56 tỷ euro có thể thất bại. Nếu các khoản thanh toán bị từ chối, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Bundestag, Anton Hofreiter (Đảng Xanh), sẽ coi Đức phải chịu trách nhiệm. Ukraine hỗ trợ an ninh châu Âu: "Nếu Mỹ thất bại, chúng tôi sẽ vào cuộc" Trên tờ ARD "Morgenmagazin" hôm thứ Hai (12/2), ông giải thích rằng việc hỗ trợ tài chính cho Ukraine là vì lợi ích của Đức. Hofreiter nói: "Phải rõ ràng rằng chúng tôi đang cung cấp viện trợ quân sự này cho Ukraine không chỉ để Ukraine có thể tự vệ mà còn - điều này cần được nhấn mạnh nhiều lần - bởi vì Ukraine bảo vệ an ninh của toàn bộ châu Âu, của toàn bộ châu Âu dân chủ." Hofreiter tiếp tục: "Nếu Mỹ thất bại, chúng tôi sẽ can thiệp". "Bạn phải đặt các khoản thanh toán viện trợ vào quan điểm. Ukraine cần tương đối ít từ chúng tôi vào lúc này. Họ chỉ cần 'vũ khí' và tiền. Những người lính Ukraine đang chiến đấu. Nếu NATO bị tấn công trực tiếp, binh lính NATO sẽ tham gia. Điều đó có nghĩa Ukraine cũng đảm bảo an ninh cho chúng tôi." "Chúng tôi cần gói 100 tỷ: Hofreiter kêu gọi thêm tiền cho Bundeswehr và Ukraine Để đảm bảo an ninh cho Đức và châu Âu, cần nhiều tiền hơn cho mục đích trang bị vũ khí. Chính trị gia Đảng Xanh cho biết: "Cuối cùng, chúng tôi cần một gói 100 tỷ USD mới." "Chúng tôi cũng cần thêm tiền cho Bundeswehr. Ví dụ, với pháo binh, chúng ta chỉ có đạn trong vài giờ, vài giờ chứ không phải vài ngày. Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn đang gặp phải một vấn đề lớn." Năm 2022, chính phủ liên bang quyết định cấp một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỷ USD cho Bundeswehr - một khoản nợ với các lựa chọn tín dụng cho máy bay chiến đấu, xe tăng và các dự án quân sự lớn khác. Tuy nhiên, tiền chảy chậm. Sau khi đóng băng ngân sách, liên minh cầm quyền đã đồng ý tài trợ ngắn hạn cho Bundeswehr: Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius (SPD) nói với "Tagesschau": "Với sự trợ giúp của quỹ đặc biệt này, chúng tôi sẽ có hơn 73 tỷ euro trong năm nay, tổng chi tiêu cho vũ khí." "Đây là số tiền cao nhất từ ​​trước đến nay. Và nó sẽ phải tiếp tục tăng, mọi người đều biết điều đó." Theo Hofreiter, cần có một quỹ đặc biệt khác. Thu Phương - Báo TIN TỨC VIỆT ĐỨC Theo: Tagesschau
......

Thế giới bị sốc trước cái chết bất ngờ của Navalny

Alexey Navalny là lãnh đạo đối lập với Putin bị giam cầm, ông là thủ lĩnh của Đảng đối lập Nga, người lên án mạnh mẽ nhất với Putin về vấn đề độc tài, tham nhũng. Ông Navalny đã từng bị tay chân của Putin ám sát bằng thuốc độc hai lần, đã qua đời chưa rõ nguyên nhân. Theo thông tin được công bố của Nga từ trại giam, ông đột ngột qua đời sau khi đi bộ ??? Aleksey Anatolyevich Navalnyy là một chính trị gia và nhà hoạt động chống tham nhũng người Nga. Ông nổi tiếng quốc tế bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình và tranh cử, ủng hộ các cải cách chống lại tham nhũng ở Nga, Tổng thống Nga Putin cũng như chính phủ của Putin. Navalny từng là thành viên Hội đồng điều phối đối lập của Nga và là lãnh đạo của Đảng Tiến bộ chính trị đối lập. Navalny, người được biết đến là một người phản đối cực đoan chống lại Putin, đang ở tù dài hạn với những cáo buộc bôi xấu vu khống sai sự thật về chỉ thị của tổng thống và tham nhũng của chính quyền Putin. Phó TT Mỹ Harris nói Nga phải chịu trách nhiệm về cái chết của ông Navalny MUNICH 16/02/2024 - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đổ lỗi cho Điện Kremlin về cái chết được báo cáo của nhà bất đồng chính kiến ​​​​Nga Alexei Navalny hôm thứ Sáu, ám chỉ phản ứng mạnh mẽ của Mỹ trong những ngày tới. Dù họ kể câu chuyện gì, chúng ta hãy nói rõ, Nga phải chịu trách nhiệm”, Harris nói trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, đồng thời cho biết thêm chính quyền Biden sẽ sớm có nhiều điều để nói về phản ứng của mình. vẫn chưa xác nhận thông tin này, nhưng nếu nó là sự thật thì "đây sẽ là dấu hiệu nữa cho thấy sự tàn bạo của độc ác Putin". Bà Harris không nói cụ thể về những gì Hoa Kỳ sẽ làm: "Chúng tôi sẽ nói nhiều hơn về vấn đề này sau."   Ông Navalny, đối thủ chính trị lâu năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đã chết trong tù hôm thứ Sáu, theo cơ quan nhà tù liên bang Nga. Trong khi ban quản lý nhà tù nói rằng anh rằng anh ta bị ngã trong khi đi dạo, ngay lập tức suy đoán rằng Putin đã nhúng tay vào cái chết của ông. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy nói "rõ ràng" Putin đã giết ông ta. Tại Munich, tin tức về cái chết của Navalny lan truyền khắp khách sạn Bayerischer Hof, khiến mọi người phải há hốc mồm và im lặng. Các hành lang chật chội tràn ngập những cuộc thảo luận về sự ra đi của nhà phê bình trung thành Vladimir Putin, với một số người tham dự cho rằng Điện Kremlin đã tính thời gian cho hội nghị. Chính quyền Biden đang chú ý một phần vì tổng thống Mỹ trước đó đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về cách đối xử của Nga với ông. Sau khi Tổng thống Joe Biden gặp Putin vào năm 2021, ông được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Navalny chết trong sự giam giữ của Nga. Biden nói rằng trong cuộc thảo luận với Putin, “Tôi đã nói rõ với ông ấy rằng tôi tin rằng hậu quả của việc đó sẽ rất tàn khốc đối với nước Nga”. Ngoại trưởng Antony Blinken lặp lại phần lớn nhận xét của Bà Harris nhưng cho biết Hoa Kỳ sẽ không phản ứng một mình. “Chúng tôi sẽ nói chuyện với nhiều quốc gia khác có quan ngại về Aleksei Navalny, và đặc biệt nếu những báo cáo này là sự thật”, ông nói khi xuất hiện bên lề hội nghị. 44 nhà lập pháp Mỹ ở thủ đô Bavaria cũng chỉ trích tương tự đối với chính quyền Nga. “Nó xác nhận những gì chúng ta đã biết về Vladimir Putin rằng ông ta là một kẻ sát nhân tàn bạo ”, ông nói. “Putin đã tạo ra cái chết cho đối thủ nổi tiếng nhất của mình". Thượng nghị sĩ Chris Murphy (D-Conn.), cũng là thành viên SFRC, nói rằng “những anh hùng vĩ đại của tự do và tự do không bao giờ thực sự chết. Họ trở thành những vị tử đạo và những biểu tượng thường trở nên mạnh mẽ hơn khi chết hơn là khi sống." Murphy nói thêm: “Có khả năng Putin và những người cộng sự của ông ấy sẽ hối hận vào ngày họ nhốt Navalny đi cho đến chết”. Theo Tin Tức Việt Đức    
......

Tổng thư ký NATO phản bác tuyên bố của Donald Trump về chi tiêu quân sự

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo trước hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng NATO tại trụ sở của khối ở Bruxelles, Bỉ, ngày 14/02/2024. REUTERS - YVES HERMAN Trong cuộc họp hôm qua, 14/02/2024, 54 quốc gia thuộc nhóm Ramstein (nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraina) để thảo luận về “nhu cầu vũ khí” nhằm đối phó với Nga, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo hơn một nửa số thành viên liên minh đã đạt mục tiêu về chi tiêu quân sự, phản bác tuyên bố của Donald Trump. Phan Minh - FRI Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình : "Một số nước thành viên NATO phàn nàn : “Chúng ta đã nghe Trump nói Hoa Kỳ không nên bảo vệ những quốc gia không chi tiêu đủ cho quân sự, nhưng lần này ông ấy còn khuyến khích Nga tấn công chúng ta.” Tổng thư ký NATO công bố những số liệu mới hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Donald Trump. Các số liệu đó cho thấy gần hai phần ba các nước thành viên đã đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2014, tức là chi 2% GDP cho quốc phòng. Hoa Kỳ cần NATO hơn bao giờ hết, theo tổng thư ký Jens Stoltenberg, “Hoa Kỳ chưa bao giờ chiến đấu một mình. Họ luôn chiến đấu cùng với các đồng minh. Từ chiến tranh Triều Tiên cho đến Afghanistan, các đồng minh NATO đã sát cánh với binh lính Mỹ. Lần duy nhất chúng ta sử dụng Điều 5 là sau khi Hoa Kỳ bị tấn công khủng bố ngày 11/09/2001. Hàng trăm ngàn binh sĩ Canada và châu Âu đã chiến đấu tại Afghanistan để bảo vệ Hoa Kỳ. Khi nào mà chúng ta vẫn đoàn kết và bảo vệ lẫn nhau thì chúng ta sẽ vẫn an toàn và vẫn bảo vệ được các giá trị của khối thông qua mối liên kết xuyên Đại Tây Dương bền chặt.” Mối đe dọa từ Nga đối với NATO cũng còn hiện hữu thông qua Hungary, quốc gia vẫn chưa chấp thuận cho Thụy Điển gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương''.     Trước cuộc họp các bộ trưởng Quốc Phòng NATO hôm nay tại Bruxelles, tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết việc Mỹ ngăn chặn viện trợ quân sự cho Kiev đã có “tác động” đến cuộc chiến của quân đội Ukraina chống Nga. https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240215-t%E1%BB%95ng-th%C6%B0-k%C3%BD-nato-ph%E1%BA%A3n-b%C3%A1c-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-c%E1%BB%A7a-donald-trump-v%E1%BB%81-chi-ti%C3%AAu-qu%C3%A2n-s%E1%BB%B1
......

Tập Cận Bình thanh trừng các tướng lãnh

Ngô Nhân Dụng Các đài truyền hình Trung Quốc đã chiếu một loạt bốn bài về chiến dịch chống tham nhũng. Họ đưa ra các dữ liệu chính thức của Ủy ban Thanh tra, cho biết trong năm 2023 đã có 610.000 cán bộ bị trừng phạt, khiển trách. Nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh đã viết 5 bài tán tụng bài thuyết trình của Tập Cận Bình trước Ủy ban Thanh tra Kỷ luật, nói rằng đảng Cộng sản Trung Quốc đã “mở một mặt trận lớn chưa từng thấy trong lịch sử,” và thành công. Theo Hoa Nam Tảo Báo, South China Morning Post, ngày 26 tháng 1 năm 2024 tường thuật, báo Nhân Dân nêu ra “bốn nguy hiểm lớn (Tứ Đại Nguy Hiểm) đang đe dọa quyền hành của đảng Cộng sản. Đó là các quan chức “thiếu khả năng, vô kỷ luật, xa lìa dân chúng và tham nhũng.” Theo tờ Nhân Dân, tiếng nói chính thức của đảng Cộng sản, những vấn nạn này sẽ còn tiếp tục lâu, cần một “quá trình gian khổ kéo dài” mới có thể chấm dứt. Các đài truyền hình Trung Quốc đã chiếu một loạt bốn bài về chiến dịch chống tham nhũng. Họ đưa ra các dữ liệu chính thức của Ủy ban Thanh tra, cho biết trong năm 2023 đã có 610,000 cán bộ bị trừng phạt, khiển trách, tăng thêm 3% so với năm 2022. Sau khi hai bộ trưởng Tần Cương, ngoại giao, và Lý Thượng Phúc, quốc phòng, biến mất rồi bị kết tội và cách chức, 32 cuộc điều tra cán bộ cao cấp khiến 45 người bị kỷ luật, tăng 40%, 27 người trong số này đã nghỉ hưu trước khi bị điều tra. Ủy ban Thanh tra đã ghi thêm các “tội mới” như đọc “sách xấu,” ma túy, và tình dục. Chỉ có 49 cán bộ hàng bộ trưởng, thứ trưởng bị bắt, thấp hơn con số 53 người trong năm trước. Trong 11 năm qua, kể từ khi Tập Cận Bình phát động chiến dịch thanh trừng, đã có 294 cán bộ cấp cao bị cách chức, theo Hoa Nam Tảo Báo, SCMP. Trước đây, số viên chức bị điều tra về kỷ luật còn thấp; năm 2014 chỉ có 38 người; năm 2020 có 18 người; tăng lên 25 người năm 2021 và 32 người năm 2022, theo SCMP. Tờ báo ở Hồng Kông chỉ đếm các vụ thanh trừng dân sự, chưa kể tới các tướng, tá bị điều tra. Quân đội Trung Quốc có Ủy ban Thanh tra Kỷ luật riêng. Sau khi Tập Cận Bình tấn công nạn tham nhũng, hai vị tướng cao nhất đã bị thanh trừng là Từ Tài Hậu (Xu Caihou, 徐才厚), vào năm 2014; và Quách Bá Hùng (Guo Boxiong, 郭伯雄), hai năm sau. Cả hai đều là phó chủ tịch Quân ủy Trung ương trước khi bị bắt. Tuần trước, Quốc hội Trung Cộng công bố quyết định cất chức 9 đại biểu gốc quân đội nhưng không giải thích lý do tại sao. Trong số này có một cựu tư lệnh Không quân, một tướng Hải quân từng chỉ huy vùng biển Nam Hải. Năm trong số 9 đại biểu mất chức có năm vị tướng thuộc lực lượng hỏa tiễn của Trung Quốc. Lý Ngọc Siêu, (Li Yuchao, 李玉超) từng là chỉ huy trưởng Hỏa Tiễn Quân, mới bị cho nghỉ hưu, cùng với người phụ tá từ tháng 7 năm ngoái. Một cựu tư lệnh “Hỏa Tiễn Quân,” tướng Ngụy Phong Hòa (Wei Fenghe, 魏凤和), có thời làm bộ trưởng quốc phòng, không làm đại biểu quốc hội, cũng biến mất mà không ai biết lý do. Tướng Ngụy Phong Hòa từng phụ trách “tiếp liệu” cho lực lượng Hỏa Tiễn Quân. Đó là một địa vị dễ tạo cơ hội tham nhũng nhất trong quân đội. Trong 9 đại biểu quốc hội bị bãi nhiệm có đến bốn ông tướng từng giữ các chức vụ về tiếp liệu. Cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc, đã bị cho nghỉ, cũng từng phụ trách về tiếp liệu trước khi lên chức. Trong các vụ điều tra tham nhũng, việc cách chức các tướng lãnh thuộc lực lượng hỏa tiễn gây chấn động nhất. Vì họ cũng phụ trách các kho vũ khí nguyên tử, theo hãng tin Reuters. Những người chỉ huy “Hỏa Tiễn Quân” thường bị điều tra rất kỹ trước khi được bổ nhiệm. Sau đó, người ta có thể tin tưởng vào tinh thần phục vụ, “lập trường” và lòng trung thành với lãnh tu Tập Cận Bình của họ. Việc theo dõi, kiểm tra chắc không đặt nặng và không diễn ra thường xuyên. Các người tới kiểm tra tra họ có thể cũng biết các hành vi tham nhũng; nhưng đó là một hiện tượng bình thường trong quân đội cộng sản, tướng tá nào nắm quyền hành đều tìm cách kiếm chác. Chính những người đi kiểm soát, thanh tra, cũng nhân dịp vòi tiền hối lộ. Một câu ca dao thời Cộng sản ở Việt Nam cũng có thể áp dụng bên Trung Quốc: Thanh “cha,” thanh mẹ, thanh dì Hễ có phong bì thị lại “thanh kiu” Tập Cận Bình đã đầu tư rất nhiều để hiện đại hóa Hỏa Tiễn Quân, với ba kho chứa hỏa tiễn trong các vùng sa mạc thuộc các tỉnh Tân Cương, Cam Túc và Nội Mông Cổ, theo Aadil Brar, báo Newsweek. Tờ Newsweek cũng loan một tin “động trời” do Tình báo Mỹ tiết lộ, là trong quân đội Trung Cộng có lúc họ không đổ xăng mà “đổ nước” vào hỏa tiễn! Ngoài ra, nhiều mái đậy trên các hầm chứa hỏa tiễn hư mà không được sửa, không điều khiển được, theo hãng tin Bloomberg. Cuộc thanh trừng các tướng lãnh chỉ huy Hỏa Tiễn Quân là một việc phải làm, vì Tập Cận Bình đang cố xây dựng một quân đội tân tiến, hy vọng sẽ đứng “hàng đầu thế giới” vào năm 2050, ngang sức hoặc vượt qua quân đội Mỹ. Hỏa Tiễn Quân thu nhận các nhà khoa học và kỹ thuật giỏi nhất để hướng về tương lai, không ngờ cũng là nơi tham nhũng nặng nề như các ngành khác. Khi kiểm điểm chiến dịch bài tham nhũng trong quân đội Trung Cộng, Hoa Nam Tảo Báo (SCMP) cho biết một cựu chủ bút của Học Tập Thời Báo (Study Times) nhận thấy phần lớn các tướng lãnh bị truy cứu đã về hưu, những người này được bổ nhiệm trước khi Tập Cận Bình nhậm chức: “Trong số những người bị bắt vì tham nhũng gần đây rất ít người đang tại chức. Phần lớn các hành động nhũng lạm đã diễn ra trước đây 10 năm, 20 năm. Ủy ban Thanh tra không áp dụng một quy tắc bất thành văn, là không đụng tới những quan chức đã về hưu. Trong mươi năm tới, chắc Tập Cận Bình sẽ không nhắm vào các tướng lãnh nữa.” Bài báo trên tờ Nhân Dân, Bắc Kinh, cũng nhấn mạnh đảng Cộng sản Trung Quốc phải rút lấy những bài học từ “các đảng cộng sản lớn và các đảng tồn tại rất nhiều năm” nhưng đã thất bại. Ai cũng hiểu họ nhắc đến kinh nghiệm của Liên bang Xô Viết và các nước Đông Âu. Nói chuyện với các cán bộ lãnh đạo trong Ủy ban Thanh tra ngày 8 tháng 1 gần đây, Tập Cận Bình nhấn mạnh chống tham nhũng là một “vấn đề chiến lược” của Cộng sản Trung Quốc: “Chúng ta là Đảng cầm quyền theo chủ nghĩa Marx lớn nhất (hiện có 98 triệu đảng viên). Phải làm sao để Đảng ta thoát khỏi cảnh lúc lên lúc xuống và bảo đảm Đảng sẽ không bao giờ thay đổi bản chất, quyết tâm, và các đặc tính của mình.” Tập Cận Bình không nhìn thấy “quyết tâm bảo vệ bản chất độc tài” của đảng hoàn toàn mâu thuẫn với ý muốn bài trừ tham nhũng! Ông không thấy một bài học, là: Chính chế độ độc quyền, độc đảng đã đẻ ra nạn tham nhũng và dựa trên tham nhũng để tồn tại. Trong đời sống xã hội cũng như trong quân đội. Không riêng gì trong các nước cộng sản mà các chế độ độc tài bất cứ ở đâu cũng tạo ra tham nhũng. Ai cũng biết nạn tham nhũng tràn lan trong quân đội Xô Viết, di sản còn dây dưa tới bây giờ. Khi quân Nga tấn công Ukraine và bị thảm bại trong những ngày đầu tiên, người ta mới biết các tướng lãnh tham nhũng làm cho quân đội Nga yếu hơn, vũ khí, xe cộ không được bảo trì, lương thực không đủ. Vladimir Putin đã phải thay đổi các tướng chỉ huy nhiều lần. Bao giờ Trung Quốc còn chế độ cộng sản thì cả guồng máy quân sự còn đầy tham nhũng. Có thể đặt ra hai câu hỏi: (1) Một quân đội với ung nhọt tham nhũng như vậy có sẵn sàng để đánh Đài Loan hay không? (2) Đến bao giờ thì quân đội Trung Cộng có thể đọ sức ngang với quân đội Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ?
......

Kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro trong năm 2024?

Nguyen Khan   Nhớ lại, ngày 15/9/2008, ngân hàng địa ốc Mỹ Lehman Brothers chính thức nộp đơn xin phá sản, kéo theo nền kinh tế Mỹ và Thế giới chìm vào khủng hoảng. Thời điểm đó một số ngân hàng VN cũng bị khối nợ xấu khổng lồ từ các khoản vay bất động sản do tệ nạn sở hữu chéo gây ra, lạm phát có lúc vượt 20% khiến ngân hàng nhà nước phải thắt chặt tiền tệ để ngăn chặn lạm phát làm nền kinh tế VN chìm vào suy trầm. Ngân hàng Nhà nước phải thành lập công ty mua bán nợ xấu WAMC để đối phó, và mua lại một số ngân hàng yếu kém với giá zero đồng để bình ổn kinh tế vĩ mô. Nay có tin Toà án Hồng Kông vừa có phán quyết thanh lý Tập đoàn địa ốc khổng lồ Evergrande của TC với khoản nợ hơn 300 tỷ USD mất khả năng thanh toán. Vụ phá sản Evergrande trùng lúc với nền kinh tế TC đang chao đảo vì thị trường địa ốc đang sụp đổ, những thành phố ma nhan nhản, thị trường chứng khoán đang lao dốc, vốn đầu tư nước ngoài đang rời TC… Khiến kinh tế TC có thể chìm sâu vào khủng hoảng. Vụ phá sản Evergrande trùng với lúc nền kinh tế thế giới chưa bình thường trở lại sau khi bóng ma phá sản Lehman Brothers ám ảnh một số ngân hàng Mỹ và Châu Âu, và bóng ma lạm phát chưa được loại bỏ hoàn toàn… Có nguy cơ kích hoạt thêm một đợt khủng hoảng nặng nề kinh tế thế giới ?
......

Ngoại trưởng Đức Baerbock cảnh báo tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Mathias Peer (Handelblatt) Ngay trước cuộc bầu cử có ý nghĩa địa chính trị quan trọng ở Đài Loan, Ngoại trưởng Baerbock đến thăm một điểm nóng khác ở châu Á - và thể hiện tình đoàn kết với Philippines trong tranh chấp với Trung Quốc. Đối với những người đã tiếp đón Ngoại trưởng Annalena Baerbock trên tàu tuần tra “BRP Gabriela Silang”, một cuộc đối đầu với Trung Quốc không còn là một kịch bản - mà từ lâu đã trở thành hiện thực. Các sĩ quan của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã phải đối mặt với những hành động ngày càng hung hãn trong nhiều tháng: họ bị tấn công bằng vòi rồng và bị đe dọa bằng tia laser từ tàu Trung Quốc trên biển khơi. Gần đây thậm chí còn xảy ra những vụ va chạm nguy hiểm. Đằng sau cuộc tranh chấp ở Biển Đông là nỗ lực của chính phủ Bắc Kinh nhằm bảo đảm  quyền kiểm soát một trong những tuyến đường thương mại hàng hải quan trọng nhất thế giới - bất chấp luật pháp quốc tế. Một số quốc gia láng giềng đã phàn nàn về điều này trong nhiều năm, nhưng hiện tại chưa có quốc gia nào đưa ra phản kháng rõ ràng như Philippines. Chuyến thăm của Baerbock tới tàu bảo vệ bờ biển - được đặt theo tên của một chiến binh kháng chiến Philippines - là một tín hiệu của sự đoàn kết: Hành động của Trung Quốc chống lại các tàu Philippines cũng đang gây lo ngại ở châu Âu cách đó hàng nghìn km, Bộ trưởng cho biết hôm thứ Năm tại thủ đô Manila của Philippines sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Enrique Manalo. Tranh chấp ở Biển Đông cũng ảnh hưởng đến lợi ích của Đức Chính trị gia Đảng Xanh chỉ trích “các hành động mạo hiểm” của Trung Quốc sẽ đặt ra câu hỏi về quyền tự do đi lại trên các tuyến đường biển được bảo đảm theo luật pháp quốc tế. Bà nói thêm: “Gió thực sự đang thổi dữ dội hơn trên Biển Đông”.  Bộ trưởng Ngoại giao Baerbock nhấn mạnh, tranh chấp của Philippines với Trung Quốc về vùng biển và một số quần đảo, đảo san hô nằm trong đó không chỉ ảnh hưởng đến hai nước mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Đức. Baerbock cho biết đây là khu vực mà 1/3 thương mại hàng hải toàn cầu lưu chuyển qua đó. Bà ấy đến với tư cách là đại diện của một quốc gia mà thương mại quốc tế và tự do hàng hải là trọng tâm, và nói, “về chính sách kinh tế, cũng như về chính sách an ninh”. Philippines đã không nằm ở vị trí đặc biệt cao trong danh sách ưu tiên của các nhà ngoại giao Đức trong một thời gian dài: Ngoại trưởng Đức cuối cùng đến thăm quốc gia mới nổi ở Đông Nam Á này là Guido Westerwelle hơn mười năm trước. Vào thời điểm đó, ông là thành viên chính phủ cấp cao đầu tiên kể từ đầu thiên niên kỷ đến thăm đất nước có dân số hơn 100 triệu người. Chuyến thăm của Baerbock tới quốc đảo này, hiện đã trở thành một điểm nóng địa chính trị, diễn ra ngay trước cuộc bầu cử quốc hội mang tính bước ngoặt dự kiến ​​diễn ra vào thứ Bảy tại Đài Loan, nơi chỉ cách bờ biển phía bắc Philippines khoảng 300 km. Kết quả của cuộc bầu cử được coi là rất quan trọng đối với mối quan hệ trong tương lai với Trung Quốc. Chính phủ Bắc Kinh coi hòn đảo này là lãnh thổ của Trung Quốc và muốn kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực nếu cần thiết. Ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như hoàn toàn, chính phủ Bắc Kinh không chỉ xung đột với Philippines mà còn với các nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia, những nước cũng tuyên bố chủ quyền một phần khu vực biển này. Baerbock nhắc lại ở Manila rằng Tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague đã “thẳng thắn” bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc vào năm 2016 và do đó những yêu sách này không được luật pháp quốc tế điều chỉnh. Tuy nhiên, chính phủ Bắc Kinh không cảm thấy bị ràng buộc bởi phán quyết mà thay vào đó đang cố gắng tạo ra sự thật: Gần đây nhất, họ đã lắp đặt một hàng rào nổi làm từ các hàng phao được cho là nhằm phân định lãnh thổ Trung Quốc. Philippines đã dỡ bỏ cơ sở này. Đức đang hỗ trợ Philippines bằng máy bay không người lái trinh sát Sự leo thang hơn nữa trong tranh chấp giữa hai nước có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một hiệp ước kéo dài hàng thập kỷ giữa Philippines và Mỹ sẽ buộc người Mỹ phải hỗ trợ quốc gia đối tác Đông Nam Á này trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự. Chính phủ Washington gần đây đã nhắc lại rằng cam kết cung cấp hỗ trợ bao gồm cả các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang Philippines cũng như các tàu và máy bay công cộng “ở bất cứ đâu trên Biển Đông”. Vào tháng 12, Pháp cũng tuyên bố sẽ xem xét một hiệp ước quốc phòng với Philippines. Nguồn: https://www.handelsblatt.com/politik/international/philippinen-baerbock-warnt-vor-chinas-machtstreben-im-suedchinesischen-meer/100005982.html
......

EU ra quyết định lịch sử!

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vừa có một quyết định lịch sử khi nhất trí mở các cuộc đàm phán kết nạp Ukraine, bất chấp sự phản đối từ Hungary và trong bối cảnh xung đột với Nga vẫn tiếp diễn. Theo Reuters, EU hôm 14/12 đã đưa ra quyết định theo một cách rất không chính thống, trong đó Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người có mối quan hệ chặt chẽ với Moscow, đã đồng ý rời khỏi phòng họp khi các nhà lãnh đạo của 26 nước thành viên khác thuộc liên minh bỏ phiếu phê chuẩn quyết định. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau đó tuyên bố: "Đây là một chiến thắng cho Ukraine, chiến thắng cho toàn châu Âu. Một chiến thắng thúc đẩy, truyền cảm hứng và tiếp thêm sức mạnh". Các nhà ngoại giao và quan chức cho biết, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đóng vai trò quan trọng trong việc buộc ông Orban rời đi để dọn đường cho quyết định. Ông Scholz mô tả động thái là "dấu hiệu ủng hộ mạnh mẽ" dành cho Kiev. Giới quan sát cho biết, mặc dù phải mất nhiều năm nữa Ukraine mới đạt được tư cách thành viên EU, nhưng quyết định tại hội nghị thượng đỉnh của khối ở Brussels ngày 14/12 sẽ đưa quốc gia Đông Âu này tiến một bước gần hơn tới mục tiêu chiến lược dài hạn là hướng theo phương Tây và tự rút khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Nga. Động thái diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine, sau khi chiến dịch phản công quân Nga của nước này từ tháng 6 đã không đạt kết quả đáng kể và Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay vẫn chưa thể khiến Quốc hội Mỹ thông qua gói viện trợ mới, trị giá 60 tỷ USD cho Kiev. Cũng trong cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tiến hành các cuộc đàm phán kết nạp Moldova và trao cho Gruzia tư cách ứng viên gia nhập khối./.  
......

EU lên án Hamas dùng thường dân tại các bệnh viện ở Gaza làm lá chắn sống

VOA News Liên hiệp châu Âu đồng thanh lên án Hamas vì sử dụng bệnh viện và thường dân làm “lá chắn sống” trong cuộc chiến Israel-Hamas trong khi người đứng đầu đối ngoại EU Josep Borrell kêu gọi Israel “kiềm chế tối đa trong việc nhắm mục tiêu để tránh thương vong nhân mạng.” Để thể hiện sự đoàn kết, tất cả 27 thành viên của khối EU đã đưa ra tuyên bố rằng “EU lên án việc Hamas sử dụng bệnh viện và thường dân làm lá chắn sống”. Tại một cuộc họp của các ngoại trưởng trong khối, ông Borrell nói: “Bạn biết đấy, thời gian qua đã khó khăn như thế nào, sau cuộc bỏ phiếu tại Liên hiệp quốc, nơi các quốc gia đã bỏ phiếu theo những cách khác nhau, để đưa ra một cách tiếp cận hoàn toàn thống nhất”. Chỉ vài giờ sau khi các nhà lãnh đạo EU tuyên bố đoàn kết trong cuộc chiến Israel-Hamas hôm 28/10, các quốc gia thành viên đã chia rẽ trong một cuộc bỏ phiếu về nghị quyết của Đại hội đồng kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ở Gaza dẫn đến chấm dứt thù địch giữa Israel và Hamas. Giờ đây, các quốc gia EU đã tham gia “kêu gọi tạm dừng ngay lập tức các hành động thù địch và thiết lập các hành lang nhân đạo, bao gồm cả việc tăng cường năng lực tại các cửa khẩu biên giới và thông qua tuyến đường hàng hải chuyên dụng để viện trợ nhân đạo có thể đến tay người dân Gaza một cách an toàn.” Khối EU nhắc lại “lời kêu gọi Hamas thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các con tin. Điều quan trọng là Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế được phép tiếp cận các con tin”, EU nói. Ngoại trưởng Latvia Krisjanis Karins nói rằng “Đáng tiếc là Hamas đang sử dụng cơ sở hạ tầng dân sự và thường dân làm lá chắn chống lại Lực lượng Phòng vệ Israel. Vì vậy, tình hình (hoàn toàn) không phải là trắng và đen.” EU coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Đáp lại tuyên bố này, Hamas kêu gọi ông Borrell đảo ngược “những bình luận thái quá và vô nhân đạo” của mình và cáo buộc ông đã bóp méo sự thật. Hamas nói rằng những bình luận của ông Borrell là một sự “che đậy” để Israel “phạm nhiều tội ác hơn đối với trẻ em và thường dân không có khả năng tự vệ”. Israel nói rằng các phần tử hiếu chiến Hamas sử dụng thường dân Gaza làm lá chắn sống bằng cách thiết lập các trung tâm chỉ huy dưới các bệnh viện, giống như trường hợp của Bệnh viện Shifa lớn nhất Thành phố Gaza. Các quốc gia EU không kêu gọi một cuộc đình chiến. Bình luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói bà hiểu “động lực của lệnh đình chiến”, nhưng những người đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn phải trả lời một số câu hỏi như “làm thế nào để có thể yêu cầu ngừng bắn một cách sâu sắc và chính xác”, và bây giờ trong tình huống khủng khiếp này, làm sao đảm bảo rằng an ninh của Israel được đảm bảo? Điều gì xảy ra với 200 con tin và ai sẽ đàm phán điều đó trong tình huống mà các cuộc đàm phán dường như khó có thể thực hiện được?"
......

Lập nước Palestine cách nào?

Ngô Nhân Dụng Nhưng giải pháp “Hai Quốc gia” sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc. Trước các cuộc biểu tình chống cả Israel và Mỹ khắp thế giới; nhất là tại thế giới Hồi Giáo, kể cả các nước Á Rập vốn là đồng minh, chính phủ Mỹ đã đáp ứng. Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Israel hãy ngưng bắn tạm một thời gian để cho thường dân Palestine di tản. Các nhà ngoại giao trong Nhóm G-7 họp ở Tokyo nhắc lại đề nghị này. Quân đội Israel đồng ý ngưng bắn 4 giờ mỗi ngày ở chiến trường phía Bắc giải Gaza. Nhưng làn sóng chống Mỹ chỉ nguội bớt khi nào một quốc gia Palestine ra đời, song song với Israel. Ngày Thứ Tư, ông Blinken nhắc lại ý kiến bác bỏ chủ trương của Israel muốn trở lại chiếm đóng dài hạn dải Gaza như trước năm 2005, và ý định thúc đẩy dân Palestine trong giải Gaza chạy về phía Nam để, sau cùng, xua đuổi họ qua tị nạn bên Egypt. Ông Blinken nói ở Tokyo, sau khi cuộc chiến Gaza chấm dứt phải có “một chính quyền của người Palestine. “Sau đó họ sẽ “kết hợp Chính quyền Palestine” đang cai trị vùng Tây Ngạn. “Chúng tôi nói rất rõ ràng, không chấp nhận Israel tái chiếm đóng (Gaza); cũng nói rõ ràng, không được bắt dân Palestine phải di tản (vĩnh viễn).” Chính phủ Israel không tỏ ra một dấu hiệu nào là họ ủng hộ “Giải pháp Hai quốc gia” đang được Mỹ nhắc lại. Ngày Thứ Hai, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng, sau khi tiêu diệt được lực lượng Hamas, quân Israel sẽ kiểm soát vùng Gaza trong một thời gian vô giới hạn. Nhưng chiếm đóng vô thời hạn bằng cách nào? Nước Israel sẽ tốn người, tốn của không biết bao giờ ngừng! Theo báo Times of Israel dùng tài liệu của Sở Thống Kê chính thức, dân số Israel năm 2021 có 9,5 triệu, kể cả gần một triệu người chiếm đất lập trại định cư trong vùng Tây Ngạn. Chỉ có gần 7 triệu (74%) là người gốc Do Thái; gần 2 triệu (21%) gốc Á Rập, và gần nửa triệu thuộc các sắc dân khác. Thống kê của Chính quyền Palestine cho biết có hơn ba triệu dân sống ở Tây Ngạn, hơn hai triệu ở giải Gaza. Netanyahu nghĩ rằng bảy triệu người gốc Do Thái có thể kiểm soát cuộc sống của hơn năm triệu người Palestine trong “thời gian vô hạn!” Năm triệu dân bị trị sẽ phải theo luật lệ do chính phủ Israel đặt ra, các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu bị kiềm chế gắt gao để ngăn ngừa những vụ “intafada” (nổi dậy), không được tự do đi ra nước ngoài, mà vẫn phải đóng thuế cho chính phủ Israel, trong lúc những người Israel gốc Do Thái được quyền tự do lập các làng định cư mới, lấn chiếm đất đai của tổ tiên người Palestine. Các chính phủ Israel đã thi hành chủ trương này từ năm 1967, trong giải Gaza và vùng Tây Ngạn, sau khi khởi chiến và đánh bại quân đội các nước Á Rập, Syria, Jordan và Egypt trong “Cuộc chiến 6 Ngày” (5 đến 10 tháng 6). Từ năm đó, dân Palestine không ngừng nổi dậy, tổ chức những những vụ khủng bố, ám sát. Đó là những chiến thuật của các dân tộc bị thống trị, kể cả dân Do Thái trước khi lập quốc. Trong những năm 1945–46, Menachem Begin, sau này làm thủ tướng Israel, đã chỉ huy đội quân Irgun của ông tấn công vào các cơ sở của chính quyền Anh đang quản trị vùng Palestine. Họ đặt bom phá Khách sạn King David, giết chết 91 người, có người Anh, người Á Rập và người Do Thái. Sau khi Liên Hiệp Quốc quyết nghị lập hai nước cho người Do Thái và người Á Rập ở Palestine, ngày 9 tháng 4 năm 1948 quân Irgun và nhóm Lehi đã tấn công làng Deir Yassin giết chết hàng trăm dân Á Rập. Chính phủ Mỹ không thể nào can thiệp vào nội tình chính trị Israel để tiến hành “Giải pháp Hai Quốc gia” mà họ vẫn cổ động. Khi nào còn làm thủ tướng thì ông Netanyahu sẽ không chấp nhận. Ông Biden đã dùng một “tín hiệu” nhẹ nhàng. Trong chuyến đi Israel vừa qua, ông đã đề nghị Netanyahu cho biết ông sẽ làm gì khi chuyển giao quyền hành cho người kế nhiệm – mà không nói việc đó sẽ diễn ra trong thời gian chiến tranh còn tiếp diễn hay đã chấm dứt. Ông Biden dám nói điều này vì biết địa vị của ông Netanyahu đang yếu. Các chính sách của ông phần lớn đã thất bại. Dân Israel bất mãn vì lực lượng quân sự và tình báo không đoán trước được cuộc đột kích của quân Hamas. Ngày 29 tháng 10, ông Netanyahu đã viết trên mạng xã hội, phê phán các cấp chỉ huy các cơ quan tình báo và quân đội, đổ cho họ tội sơ suất này, trong lúc quân Israel bắt đầu tiến vào giải Gaza. Không có người lãnh đạo một quốc gia đang lâm chiến nào lại công khai hạ thấp giá trị của lực lượng bảo vệ nước mình như vậy! Netanyahu đã phải xóa bỏ lời kết án và xin lỗi; nhưng dân Israel sẽ không quên. Và họ cũng nhìn thấy các chủ trương sai lầm của ông thủ tướng nhiều lần trước đó. Đầu năm nay, Netanyahu đưa ra một dự luật nhằm cắt bớt quyền hành của ngành tư pháp. Ông muốn cho quốc hội quyền truất phế các thẩm phán Tối cao Pháp viện – để phe đa số thuộc chính phủ của ông tăng thêm quyền lực. Hầu hết giới lãnh đạo quân đội và các cơ quan tình báo phản đối dự luật này. Hàng trăm ngàn quân nhân trừ bị đã xuống đường, cảnh cáo nếu dự luật đó được thông qua họ sẽ từ chối không trình diện khi đến hạn được gọi nhập ngũ. Netanyahu phải rút bỏ ý định trên, nhưng đã tạo mối hiềm nghi, xung khắc giữa chính phủ và quân đội. Nhiều tướng lãnh đã kết tội Netanyahu chia rẽ quốc gia trong khi đang bị các lực lượng thù nghịch đe dọa. Không đủ số ghế trong cuộc bầu cử năm ngoái, Netanyahu phải thoả hiệp với thủ lãnh các đảng chính trị bảo thủ, cực đoan với chủ trương đề cao chủng tộc, để tiếp tục làm thủ tướng với một chính phủ liên hiệp. Ông chấp thuận các chính sách trợ cấp cho các “trường đạo” của các giáo sĩ, những trường này chỉ lo dạy giáo lý, kinh kệ, không cần dạy toán và khoa học. Ông cũng trợ cấp cho người gốc Do Thái đi lập các làng định cư trong vùng đất chiếm đóng ở Tây Ngạn. Đám dân định cư này cũng thuộc phành phần cực đoan, quá khích nhất; họ đã tấn công, giết nhiều người Palestine ở các làng chung quanh. Netanyahu muốn chứng minh cho thế giới, nhất là chính phủ Mỹ, thấy rằng không thể đối thoại với thủ lãnh Mahmoud Abbas của dân Palestine vì ông ta quá yếu kém. Ông nâng đỡ nhóm Hamas ở giải Gaza để giảm bớt uy tín của Chính quyền Palestine ở vùng Tây Ngạn. Abbas theo chủ trương ôn hòa nên cũng không được dân Palestine trong vùng Tây Ngạn ủng hộ; và bị dân trong giải Gaza còn coi thường hơn nữa. Đây là một thủ đoạn của ông Netanyahu để bác bỏ chủ trương “Hai Quốc gia” vẫn được chính phủ Mỹ cổ động và các người lãnh đạo Israel trước đây đồng ý. Các ông Joe Biden và Antony Blinken sẽ phải vượt qua các chướng ngại do ông Netanyahu bày. Ông Blinken đã đi một vòng các nước Á Rập đồng minh để cam kết ủng hộ việc thành lập một nước Palestine. Các nước này trước đây coi đó là một điều kiện để họ công nhận nước Israel, nhưng lâu nay đã quên lãng. Nhưng bây giờ, sau khi dân chúng biểu tình khắp nơi, họ sẽ lập lại đòi hỏi này một cách mạnh mẽ hơn. Nhưng giải pháp “Hai Quốc gia” sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc. Chính phủ Mỹ và các nước trong nhóm G-7, đa số vẫn hỗ trợ Israel, có thể ủng hộ giải pháp lập một đạo quân quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đến giải Gaza giữ an ninh, trật tự thay thế quân Israel. Đạo quân này sẽ lập ra một guồng máy hành chánh lâm thời. Ông Mahmoud Abbas sẽ được mời cử người tham dự vào guồng máy nhà nước này. Hiện nay chính quyền Abbas vẫn “trả lương” cho khoảng 40.000 công chức ở Gaza dù không phải làm việc. Sau khi đắc cử năm 2005, đảng Hamas đã sa thải họ, tuyển mộ các viên chức hành chánh mới. Sau một thời gian, chính quyền lâm thời có thể tổ chức bầu cử cho dân Palestine ở cả dải Gaza và vùng Tây Ngạn chọn người đại diện cho họ, thành lập một chính phủ mới, làm nền móng cho một nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cai quản 5 triệu dân Palestine. Từ nay đến đó phải mất nhiều năm, ông Abbas, năm nay 87 tuổi, có thể không còn sống nữa./.    
......

Benjamin Netanyahu đã “nuôi” Hamas như thế nào?

Mỹ Anh (SGN)   Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tự bắn vào chân mình. Trong một dòng tweet vào khuya Thứ Bảy 28 Tháng Mười 2023, Benjamin Netanyahu lặp lại những tuyên bố trước đó rằng ông không được các giám đốc an ninh cảnh báo về bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc tấn công của Hamas (ngày 7 Tháng Mười), nhấn mạnh rằng tất cả giám đốc an ninh liên tục khẳng định với ông rằng Hamas không dám làm bậy. Nói cách khác, Benjamin Netanyahu không nhận trách nhiệm về cuộc tấn công của Hamas. Trước sự bùng nổ chỉ trích, Netanyahu phải xóa tweet trên và đưa ra lời xin lỗi. Sự việc cho thấy vị thế ngày càng khó khăn của Netanyahu. Hơn 35 năm hoạt động chính trị, Netanyahu đã xây dựng hình ảnh như một lãnh đạo diều hâu sẵn sàng đương đầu với khủng bố Hamas và thậm chí với Iran. Hình ảnh cứng rắn của ông đã tan nát vào ngày 7 Tháng Mười khi hơn một nghìn chiến binh Hamas tiến vào Israel theo cách mà nhiều người Israel gọi là bằng chứng thất bại về an ninh và tình báo tồi tệ nhất trong lịch sử 75 năm của Israel. Cách tiếp cận kéo dài nhiều thập niên của Netanyahu đối với Hamas đang được xem xét tận chân tơ kẽ tóc. Chính trị gia Itamar Ben-Gvir viết trên X (Twitter) rằng thất bại của Israel trong sự kiện 7 Tháng Mười không phải là do thông tin sai lệch mà là bởi “quan niệm hoàn toàn sai lầm” về việc ngăn chặn Hamas. Netanyahu hẳn nhiên là người yêu nước; anh trai của ông tử trận vào năm 1976, và cha ông từng là lý thuyết gia theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Benjamin Netanyahu lần đầu tiên trở thành thủ tướng vào năm 1996, ngồi được một nhiệm kỳ, trước khi tái đắc cử vào năm 2009. Hai năm trước đó, Hamas đã giành quyền kiểm soát Gaza từ tay Chính quyền Palestine và Netanyahu phải đối mặt với thách thức trong việc ứng phó với mối nguy tiềm ẩn của đám khủng bố Hamas cực đoan cát cứ ngay tại sân sau Israel. Netanyahu từng cảnh báo rằng Gaza sẽ trở thành “Hamastan” (vùng đất của Hamas) dưới sự chỉ đạo từ Iran. Tuy nhiên, khi trở thành thủ tướng, Netanyahu đã chọn giải pháp không đưa quân vào Gaza để giải giáp Hamas. Theo Uzi Arad, cố vấn an ninh quốc gia của Israel dưới thời Netanyahu từ năm 2009 đến năm 2011, trong khi một số thành viên lãnh đạo an ninh Israel thúc đẩy phi quân sự hóa Hamas thì Netanyahu lại chọn chiến lược cho phép Hamas duy trì vũ trang cai trị Gaza và cố ngăn lực lượng hiếu chiến này không động chân động tay (dẫn lại từ Wall Street Journal). Chính sách này vẫn tiếp tục ngay cả khi Israel tiến hành các cuộc xung đột ăn miếng trả miếng với Hamas ở Gaza. Trong vụ xung đột lớn nhất giữa hai bên vào năm 2014, Israel đã đưa quân tới Gaza để phá hủy mạng địa đạo chằng chịt mà Hamas dùng để thực hiện các cuộc tấn công du kích vào Israel nhưng Israel lại không thực hiện một cuộc tấn công trên bộ rộng hơn để truy quét và tiêu diệt tận gốc Hamas. Phần lớn giới lãnh đạo cấp cao an ninh và tình báo Israel ủng hộ chính sách kiềm tỏa Hamas của Netanyahu. Tuy nhiên, việc Benjamin Netanyahu ngầm cho phép Hamas trang bị vũ khí khi cai trị Gaza là một sai lầm tai hại. Với Netanyahu, sở dĩ ông để cho Hamas tiếp tục cầm súng bởi vì sự hung hãn của Hamas giúp gây chia rẽ giới lãnh đạo Palestine giữa Gaza và Bờ Tây – nơi thuộc quyền kiểm soát của Nhà nước Palestine (Palestinian Authority – PA). Một số nhà phân tích chính trị cho biết điều đó khiến một thỏa thuận hòa bình trong đó Israel buộc phải từ bỏ một phần Bờ Tây sẽ khó có thể xảy ra; và chính sách này còn giúp xoa dịu các đối tác liên minh cánh hữu của Netanyahu vốn luôn phản đối viễn cảnh như vậy. Trong các tuyên bố công khai, Netanyahu nói rằng PA, do Mahmoud Abbas lãnh đạo, không thể được coi là đối tác để đàm phán hòa bình vì mặc dù công nhận (Nhà nước) Israel nhưng PA lại không công nhận Israel là quê hương của người Do Thái. Viết trên Rolling Stone, Jay Michaelson cho biết thêm, Netanyahu trong thực tế thậm chí cố tình ngầm hỗ trợ Hamas và dùng lực lượng vũ trang này làm đối trọng với PA. Năm 2019, Netanyahu cho biết ông đã cho phép Qatar tài trợ Hamas như một chiến thuật nhằm khiến người Palestine bị chia rẽ. Netanyahu nói thẳng: “Bất kỳ ai chống lại nhà nước Palestine đều nên ủng hộ”, bởi chính sách này giúp cắt đứt quan hệ Hamas với PA, khiến mô hình một nhà nước Palestine trở nên bất khả. Như Tal Schneider viết trên tờ The Times of Israel, “Chính sách của Israel là coi Chính quyền Palestine như một gánh nặng và Hamas như một tài sản”. Từ năm 2019, Netanyahu dồn sức vào nội chính, với những cuộc đấu đá chính trị nội bộ để củng cố ghế thủ tướng, hơn là giải quyết vấn đề Hamas. Lúc đó, không đảng chính trị nào của Israel có đủ số phiếu để kiểm soát Quốc hội, dẫn đến bế tắc kéo dài nhiều năm. Có lúc giới quan sát nghĩ rằng sự nghiệp chính trị Netanyahu coi như hạ màn. Ông phải đối mặt với phiên tòa xử tội tham nhũng, và bị đẩy ra khỏi chính phủ vào năm 2021. Cuối năm 2022, chính trường Israel bát nháo với cuộc bầu cử lần thứ năm chỉ trong vòng bốn năm. Netanyahu một lần nữa chiến thắng, nhưng điều đó chỉ đạt được sau khi ông tập hợp một liên minh các đảng tôn giáo và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, với kết quả giành được thế đa số (64 ghế) trong Quốc hội 120 ghế. Không khí đặc quánh phủ lên dinh Thủ tướng của Netanyahu. Liên minh chính trị của Netanyahu tập trung nguồn lực chính phủ và quân đội vào việc bảo vệ người Do Thái định cư ở Bờ Tây và thúc đẩy cải cách hệ thống tư pháp, dẫn đến cuộc phản đối dữ dội của nhiều tầng lớp Israel trong suốt thời gian dài. Hamas không là mối quan tâm lớn của họ vào thời điểm đó. Về đối ngoại, Netanyahu tương đối thành công, khi tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia Ả Rập, một phần là để loại Palestine ra rìa và gây áp lực buộc PA phải chấp nhận một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với Israel. Trước bài phát biểu của Netanyahu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 22 Tháng Chín, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman cho biết Saudi Arabia đang tiến tới thiết lập quan hệ với Israel. “Hãy nhìn xem điều gì sẽ xảy ra khi hòa bình được thiết lập giữa Saudi Arabia và Israel. Toàn bộ Trung Đông sẽ thay đổi. Chúng tôi mang lại khả năng thịnh vượng và hòa bình cho toàn bộ khu vực này” – Netanyahu cầm một bản đồ, nói tại Liên Hiệp Quốc. Một số thủ tướng Israel đã từ chức khi nhận lãnh trách nhiệm và thừa nhận sai sót, trong đó có Golda Meir sau cuộc tấn công bất ngờ của Ả Rập năm 1973 và Menachem Begin năm 1983 sau cuộc xung đột kéo dài ở Lebanon. Nhưng Netanyahu thì không. Mãi đến 25 Tháng Mười, sau nhiều ngày bị dư luận chỉ trích nặng nề, Netanyahu mới nói rằng mọi người phải chịu trách nhiệm về những thất bại dẫn đến cuộc đột kích của Hamas, “kể cả tôi”. Những gì Netanyahu đối mặt trước mắt là phải giải thích sao cho lọt tai những thất bại về an ninh quốc gia; phản công trả đũa Hamas; tìm cách giải cứu các con tin; và giữ vững liên minh chính trị của mình. Ngay cả khi Israel thắng cuộc chiến, điều đó cũng có thể không cứu được sự nghiệp chính trị của Netanyahu. Một quan chức cấp cao của Đảng Likud cho biết số phận của Netanyahu phụ thuộc vào cuộc chiến với Hamas nhưng ông cũng khó có thể tồn tại trên cương vị lãnh đạo đảng cũng như giữ được ghế thủ tướng. Với nhiều nhà quan sát, vị thế chính trị của Netanyahu hiện tại là “sống được ngày nào hay ngày đó” (“survival mode” – từ của Gadi Wolfsfeld, chuyên gia truyền thông chính trị thuộc Đại học Reichman ở Herzliya, Bắc Tel Aviv; dẫn lại từ The New York Times).  
......

Bầu cử Quốc Hội Ba Lan: Liên minh đối lập về đầu và có cơ hội thành lập chính phủ

Thanh Hà  –  RFI   Một vố đau đối với đảng bảo thủ cầm quyền Ba Lan, Pháp Luật và Công Lý (PiS). Theo các cuộc thăm dò ngay sau khi các phòng phiếu đóng cửa tối qua 15/10/2023, KO, liên minh 5 đảng cánh trung do ông Donald Tusk lãnh đạo, đã giành được đa số 248 trên tổng số 460 ghế dân biểu Quốc Hội. Đảng cầm quyền PiS dù có liên kết với đảng cực hữu cũng chỉ đạt được vỏn vẹn 212 ghế.   Trên nguyên tắc liên minh KO, chủ trương thân châu Âu và có quan điểm cởi mở về xã hội, sẽ thành lập chính phủ liên minh. Liên Hiệp Châu Âu và nhất là Ukraina thở phào nhẹ nhõm. Ông Donald Tusk, một chính trị gia nhiều kinh nghiệm, nguyên là chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (2014-2019) và từng là thủ tướng Ba Lan trong giai đoạn 2007-2014.   Kiev cũng an tâm trước viễn cảnh liên minh cầm quyền tại Vacxava trong tương lai trên nguyên tắc sẽ không bao gồm đảng Confederation cực hữu. Đảng này chống đối chính sách viện trợ hào phóng cho Ukraina chống Nga xâm lược.   Tuy nhiên kết quả bầu cử chính thức tại Ba Lan chưa được công bố và theo giải thích của đặc phái viên RFI Agnieszka Kumor từ Vacxava, sau 8 năm liên tục cầm quyền, đảng bảo thủ PiS vẫn có ảnh hưởng rất lớn và khả năng gây rối trên chính trường Ba Lan:   « Tất cả đều cho thấy Ba Lan đang hướng tới một chính phủ liên minh. Cánh trung của ông Donald Tusk đã huy động được đủ số phiếu để cùng với các đồng minh thành lập nội các. Đó sẽ là cánh dân chủ Thiên Chúa giáo của đảng mang tên là Con Đường Thứ Ba và đảng Cánh Tả Mới. Cả ba đảng đã giành được 248 ghế ở Quốc Hội trên tổng số 460. Đảng PiS và cực hữu cộng lại chỉ có được 212 dân biểu.   Thế nhưng chuyện dài nhiều tập trên chính trường Ba Lan chưa chắc đã kết thúc. Giờ đây mọi chú ý hướng về phía tổng thống Andrzeij Duda. Thật vậy, trước hết tổng thống Ba Lan sẽ chỉ định lãnh đạo của đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất để lập nội các. Là một thành viên của đảng Pháp Luật và Công Lý-PiS, cách nay vài hôm ông đã tuyên bố sẽ chỉ định đảng nào về đầu trong cuộc bầu cử thành lập chính phủ, trong trường hợp này là đảng bảo thủ PiS. Nếu tổng thống thất bại, thì mới đến lượt Quốc Hội chỉ định thủ tướng và hội đồng bộ trưởng. Nhưng ngay từ tối qua đã dấy lên lo ngại về khả năng tổng thống Ba Lan viện cớ không thể thông qua dự luật về ngân sách cho năm tới để giải tán Quốc Hội và cho tổ chức bầu cử lại vào mùa xuân năm tới ».  
......

Phanh phui thêm những tình tiết man rợ về cuộc tấn công 7 Tháng Mười

Lê Tây Sơn (SGN) Cuộc tấn công bất ngờ vào Israel được Hamas lên kế hoạch cẩn thận nhưng các tay súng khủng bố Hamas không ngờ cục diện dẫn đến hỗn loạn và họ không biết phải ứng biến thế nào trước thực tế mới khi những chỉ thị trong kịch bản nhanh chóng không còn thích hợp. Sáng ngày 7 Tháng Mười, trước thế trận gần như chiếm lĩnh hoàn toàn bước đầu, hàng trăm tay súng Hamas hồ hởi bật GoPro và điện thoại di động lên để đua nhau phát trực tiếp cuộc tấn công táo bạo và chết chóc nhất trong lịch sử Israel, tàn sát ít nhất 1.400 người và bắt đi gần 200 con tin. Cuộc đột kích mở đầu giống kiểu đánh lén có tổ chức cao, sử dụng máy bay không người lái khống chế các điểm quan sát trang bị súng máy tự động của quân đội Israel trước khi nhanh chóng biến thành một cuộc tàn sát đẫm máu và hỗn loạn! Ali Barakeh, đại diện Hamas có trụ sở tại Beirut, trả lời cuộc phỏng vấn với The Washington Post vào ngày 16 Tháng Mười: “Chúng tôi chỉ mong có được số con tin nhỏ hơn khi các tay súng trở về, nhưng khi quân đội Israel không phản ứng, câu hỏi được đặt ra trong tình huống mới là, bạn phải làm gì bây giờ? Rõ ràng, quân đội Israel chỉ là con hổ giấy! Đó là lý do tại sao số con tin quá lớn và số người Israel thương vong cũng rất lớn”. Miri Eisin, cựu sĩ quan tình báo cấp cao của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), cho biết cuộc đột kích của Hamas là kết quả của ít nhất hai năm chuẩn bị, từ lúc xảy ra hai cuộc xung đột giữa IDF và Thánh chiến Hồi giáo Palestine (Palestinian Islamic Jihad-PIJ), một nhóm khủng bố nhỏ hơn ở Gaza. “Lúc đó Hamas bị chỉ trích là đứng bên lề khi các thủ lĩnh PIJ bị Israel giết – Eisin nói – Nhưng đây là màn đánh lừa của Hamas để đưa Israel vào trạng thái tự mãn trong khi âm thầm thu thập thông tin tình báo, vẽ bản đồ và hoàn thiện năng lực đột kích”. Eisin phân tích thêm: “Hamas dễ dàng thu thập thông tin chi tiết về các thị trấn biên giới Israel từ hàng ngàn người Gaza đi làm hàng ngày qua biên giới tại ngay các cộng đồng Do Thái bị tàn phá trong cuộc tấn công vừa qua”. Meir Ben Shabbat, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, nhận định: “Những kẻ đột nhập Israel không phải một nhóm khủng bố đơn thuần mà là một lữ đoàn đặc công chuyên nghiệp thuộc một đội quân lớn lên tới hàng chục ngàn người được hình thành từ những khoản tiền viện trợ nhân đạo và tái thiết. Một số tay súng mang theo các tập tin dữ liệu về các vùng lãnh thổ và khu định cư chúng được giao nhiệm vụ”. Trong một bản ghi nhớ hiếm hoi được công bố ngày 16 Tháng Mười, Ronen Bar, giám đốc cơ quan tình báo Shin Bet của Israel đã nhận trách nhiệm là “không lường trước được quy mô cuộc tấn công”. Ông viết: “Trách nhiệm thuộc về tôi. Thật không may, bất chấp một loạt công việc đã được thực hiện, chúng tôi lại không thể thiết lập đủ khả năng răn đe để ngăn chặn một cuộc tấn công như thế”. Khi tung các đoạn phim về cuộc đột kích vô tiền khoáng hậu lên trang Telegram của mình, Hamas đã phát động cuộc chiến tâm lý chống lại người Israel với sự ca ngợi điên cuồng của những kẻ ủng hộ họ. Trên một clip, một tay súng nói và chỉ điện thoại vào một thi thể máu chảy dọc vỉa hè: “Hãy chụp ảnh thôi!”. Một người đàn ông khác mặc áo khoác bắn súng trường lên không trung. Hàng trăm gia đình bị bắt làm con tin ngay trong nhà của họ, buộc phải dọn thức ăn cho các tay súng ăn và chứng kiến chúng giết hại người thân trước mắt. Theo vài video do quân đội Israel thu được và chia sẻ với các nhà báo vào ngày 16 Tháng Mười, bọn khủng bố Hamas đã đốt xác, chặt đầu một người đàn ông bị thương bằng cuốc làm vườn và bắn chết nhiều người Israel đang lái xe khi chúng tiến vào các cộng đồng dân cư. Theo các quan chức Israel, quân đội Israel đang giữ một số tay súng Hamas tham gia đột kích cùng với các tài liệu và thông tin mật. Theo người phát ngôn Daniel Hagari của IDF, các tay súng Hamas chuẩn bị cho một cuộc tấn công kéo dài nên mang theo rất nhiều thực phẩm, đạn dược, thuốc men chứ không phải đột nhập trong vài giờ. Nhưng những đoạn phim tràn ngập mạng xã hội cho thấy các tay súng Hamas rất lúng túng và không biết nên làm những gì tiếp theo. Khi cuộc tàn sát mở rộng tới hơn 20 thị trấn và cộng đồng kibbutz của Israel, một đoạn video cho thấy các tay súng cố nhét một nhóm lớn con tin bị thương và hai thi thể trong thùng xe bán tải. Những tay súng đi xe máy cấp tập tìm phương tiện để đưa con tin sang Dải Gaza. Ở Kfar Azza, chúng đến một hàng xe hơi đang đậu, phá cửa sổ và lái đi. Năm 2011, Israel từng phải đổi hơn 1.000 tù nhân Palestine để lấy một binh sĩ Israel. Shimrit Meir, cựu cố vấn cấp cao của chính phủ Israel trước đây, nhận định: “Cuộc đột kích của Hamas là sự kết hợp giữa kế hoạch hiện đại, kỷ luật và sự man rợ, tàn bạo”. Eisin nhận định: “Khi Hamas vượt qua làn ranh đỏ để giết dân thường, Israel cũng sẽ làm như thế”. Bà dự đoán “sẽ sớm xảy ra một cuộc chiến chưa có từ ngữ nào diễn tả nổi”. Một số chuyên gia xem cuộc tấn công của Hamas chỉ mang tính cơ hội khi Israel đang xảy ra rối loạn chính trị chưa có lối thoát. Ở Bờ Tây, Chính quyền Palestine – đối thủ lâu năm của Hamas – cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ và bị nhiều người dân xem là “đồng lõa với kẻ thù”./.  
......

Liên minh Châu ÂU: Không chấp nhận việc Việt Nam cài phần mềm gián điệp theo dõi

RFA Liên minh Châu Âu (EU) lên tiếng quan ngại về thông tin cáo buộc Chính phủ Việt Nam đứng sau việc cài phầm mềm gián điệp để lấy thông tin từ điện thoại các giới chức và chuyên gia của EU, gọi đây là hành động “không thể chấp nhận”. Trang tin Nikkei Asia hôm 16/10 dẫn lời một người phát ngôn của EU cho biết như vậy. Hôm 9/10, báo chí Mỹ bao gồm Washington Post và Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố các thông tin cáo buộc Hà Nội dùng phần mềm Predator mua của một công ty Pháp để hack vào điện thoại di động của các dân biểu, nhà phân tích chính sách, nhà báo Mỹ, cùng các chuyên gia và giới chức EU làm trong lĩnh vực biển. Theo điều tra, phía Việt Nam đã sử dụng mạng xã hội X (trước là Twitter) để dụ các nhà chính trị và những người quan tâm vào các trang mạng có phần mềm Predator. Vụ tấn công xảy ra vào khi Việt Nam đang cố gắng để thuyết phục EU rút “thẻ vàng” cảnh cáo đối với hải sản Việt Nam khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Vào ngày 10/10 vừa qua, một đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) đã đến Việt Nam để kiểm tra công tác chống IUU của Việt Nam trong thời gian một tuần. Nikkei cho biết EU đang đề nghị Hà Nội làm rõ cáo buộc này, trong khi Pháp nói việc sử dụng phần mềm theo dõi là không thể chấp nhận. Người phát ngôn của EC nói với Nikkei Asia: “Chúng tôi sẽ nâng mức quan ngại từ thông tin liên quan đến Chính phủ Việt Nam… Bất cứ nỗ lực nào nhằm truy cập dữ liệu các công dân một cách bất hợp pháp, bao gồm cả nhà báo hay chính trị gia đối lập đều không thể chấp nhận.” Một người phát ngôn của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội được Nikkei dẫn lời nói rằng việc theo dõi như vậy có thể giúp công tác chống tội phạm nhưng phải trong phạm vi khuôn khổ pháp luật và “bất cứ hành động nào đi ra ngoài khuôn khổ này đều không thể được chấp nhận và phải bị trừng phạt”. Theo thông tin điều tra được công bố, Bộ Công an Việt Nam bị cáo buộc đã mua phần mềm Predator từ Tập đoàn Nexa và AMES của Pháp với giá 5,9 triệu đô la từ năm 2020 trong khoảng thời hai năm. Theo bài báo điều tra của báo Đức là Der Spiegel, chính phủ Pháp nằm trong số các chính phủ không quản lý được một cách hiệu quả việc xuất khẩu các phầm mềm gián điệp. Hiện Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận cụ thể về cáo buộc đối với Hà Nội. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội nói với Nikkei rằng phía Mỹ coi trọng các cáo buộc liên quan đến việc sử dụng phần mềm gián điệp thương mại. “Với kết quả của việc nâng cấp quan hệ song phương, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cso một diễn đàn để đề cập các vấn đề then chốt – bao gồm cả cơ hội và thách thức – trực tiếp với Chính phủ Việt Nam.” – người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ cho biết. Theo Washington Post, vụ hack điện thoại lần này xảy ra vào khi Mỹ và Việt Nam đang đàm phán nâng cấp quan hệ hai nước từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược toàn diện. Hai nước đã ký thỏa thuận này vào ngày 10/9 vừa quan nhân chuyến thăn của Tổng thống Joe Biden đến Hà Nội. Hiện Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bình luận gì về những cáo buộc này./.  
......

Bí mật hệ thống địa đạo Gaza

Phải nói là gần như không có nơi nào trên thế giới có hệ thống đường hầm qui mô và phức tạp như ở Gaza…   Mỹ Anh (SGN)   Mê cung dưới lòng đất Hoạt động chính của hệ thống đường hầm Gaza là buôn lậu, từ súng ống, đạn dược đến thực phẩm và thậm chí động vật! “Thị trường” buôn lậu trong các đường hầm Gaza “náo nhiệt” đến mức nó đang giúp nhiều người làm giàu. Mỹ và Israel lâu nay đã yêu cầu Ai Cập tăng cường tìm kiếm và bịt hệ thống đường hầm. Tháng Sáu 2014, cảnh sát Ai Cập phát hiện một hệ thống gồm 20 đường hầm dẫn từ lòng Gaza và đâm thẳng vào biên giới họ. Bốn người đang hì hục đào một đường hầm và lắp đặt một ống dẫn nhiên liệu dài 800m đã bị bắt. Tuy nhiên, kỹ thuật đào đường hầm của Palestine đã đến “trình độ” thượng thừa và hoạt động buôn lậu vẫn nhộn nhịp ngày đêm. Trong phóng sự trên Der Spiegel, tác giả Juliane von Mittelstaedt đã cho thấy vài nét trong bức tranh mê cung trong lòng Gaza… Ông vua đào đường hầm Gaza, Abu Ibrahim, đang tổ chức một bữa tiệc linh đình, với hoa hồng mua từ Ai Cập và cuộc vui nhảy múa kéo dài đến tận sáng. Không phải vài trăm mà có đến hàng ngàn người đã đến nâng cốc mừng cho đám cưới cậu ấm nhà Abu, lập gia thất với một cô gái nhí 15 tuổi. Đích thân Abu đã chọn cô dâu và bên nhà gái mừng như bắt được vàng. Chẳng ai có thể khước từ điều gì từ Abu cả. Là người giàu nhất Rafah, Abu Ibrahim vừa xây xong một tòa nhà thương mại cao tầng.   Có một vợ và 10 con, ông cũng vừa “tậu” được cô vợ hai. 38 tuổi, Abu Ibrahim thậm chí được Hamas nể nang ít nhiều. Những gì Hamas có được hôm nay một phần nhờ đóng góp Abu Ibrahim, đặc biệt hệ thống đường hầm mà đương sự xây dựng. Cách đây ¼ thế kỷ, Abu Ibrahim đào đường hầm đầu tiên ngay dưới biên giới Ai Cập. Lúc đó, Abu chỉ 13 tuổi. Đầu tiên, Abu buôn lậu vàng, phó mát và thuốc lá. Sau vụ intifada (nổi dậy) năm 2000, Abu bắt đầu “chơi” vũ khí. Chính Abu chứ không ai khác đã cung cấp súng ống và nhờ đó Hamas chiếm được quyền lực vào Tháng Sáu 2007. Theo tình báo Israel, hàng trăm tấn thuốc nổ đã được vận chuyển từ các nước láng giềng vào địa phận Gaza kể từ Tháng Sáu 2007, cùng hàng chục triệu băng đạn, hàng chục ngàn súng máy, lựu đạn, mìn, hỏa tiễn vác vai… Từ khi Israel khóa biên giới với Gaza, 95% hoạt động kinh doanh ở Gaza đã bị đóng cửa và 70.000 công nhân cùng khoảng 40.000 nông dân bắt đầu thất nghiệp. Điều này càng khiến hệ thống đường hầm Gaza trở thành “mạch sống” cho 1,5 triệu cư dân Gaza. Từ quần áo, Coca-Cola, xi măng, đến cả tân dược Viagra… đều có mặt tại Gaza thông qua hệ thống đường hầm. Theo Der Spiegel, có khoảng 5.000 người làm việc trong thành phố ngầm với ít nhất  khoảng 150 đường hầm, so với vỏn vẹn 15 cách đây một năm. Một bài viết khác của Diaa Hadid trên AP cho biết thêm, thậm chí khỉ, sư tử cũng được đánh thuốc mê để được vận chuyển từ biên giới Ai Cập vào Gaza nhằm cung cấp cho một vườn thú (sư tử con được mua với giá $3.000/con)… Bí mật hệ thống đường hầm Theo The Times of London, hệ thống đường ngầm Gaza tỏa ra như nan quạt từ Rafah. Nhiều nhánh xuyên thẳng vào địa phận Ai Cập. Theo những gì chứng kiến tận mắt một đường hầm bị lộ, phóng viên The Times cho biết nó được trang bị cả điện thoại, ván đỡ chống sụp, môtơ tời và đường ray để vận chuyển hàng hóa, vũ khí hoặc người qua cái lỗ cửa khoảng 70 x 70 cm. Đường hầm sâu 20-30 m và có hệ thống thông gió mỗi 200 m. Mỗi ngày, thợ đào có thể khoét được 15 m đất, chia thành ba ca, dùng la bàn để định hướng. Theo một viên chức Bộ quốc phòng Israel, độ dài đường ngầm tùy thuộc tính chất đất. Càng ra gần biển, đất càng xốp xộp và đường ngầm dễ sụp; càng đi về phía Đông, nơi toàn đất bùn nhão nhoẹt, độ an toàn cho đường ngầm càng thấp. Việc đào đường ngầm liều lĩnh chẳng kém ôm bom cảm tử bởi có thể bị sụp đất chết ngạt bất cứ lúc nào. Theo DEBKAfile, khoảng 400 đường hầm nối liền bán đảo Sinai tại Ai Cập với Gaza đã bị phát hiện và phá hủy. Tuy nhiên, bịt đường ngầm này, người ta lại đào ngả khác. Hệ thống đường ngầm không chỉ dùng tấn công đối phương, vận chuyển súng ống và thuốc men mà còn sử dụng như đường thoát hiểm cho các thủ lĩnh khủng bố Palestine. Nhiều thủ lĩnh khi bị bắn trọng thương và bị rượt đuổi nhưng vẫn thoát chết khi mò được vào đường hầm. Hệ thống đường hầm bên dưới Gaza có nơi sâu tới 30 m (100 ft) và có lối vào nằm ở tầng dưới cùng của các ngôi nhà, nhà thờ Hồi giáo, trường học và các tòa nhà công cộng. Nhiều lối ra vào đường ngầm được đặt tại ngay trong nhà dân, bên dưới tủ quần áo, gầm giường hoặc thậm chí trong nhà tắm. Israel chi trung bình 44 tỉ shekel (khoảng $9.8 tỉ) cho ngân sách quốc phòng hàng năm để phát triển vệ tinh do thám và đủ thứ vũ khí siêu hạng nhưng vẫn chưa thể tiêu diệt được hoàn toàn hệ thống đường ngầm Gaza. Dò tìm đường hầm Gaza, với Israel, chẳng khác gì trò mèo dí chuột. Ít người hình dung rằng kỹ thuật đào đường hầm tại Gaza có thể hiện đại như vậy. Dùng ảnh vệ tinh từ Google Earth, người ta lắp hệ thống cáp điện, ống oxy và kết nối bộ đàm khi chuẩn bị đào một đường hầm. Cần khoảng sáu tháng với chi phí $40.000 để đào một đường hầm như vậy… “Con mắt” đường hầm là một cái lỗ vuông nhỏ được giấu dưới viên gạch nhà bếp trong một tòa nhà bỏ hoang tại Gaza. Để xuống dưới, chỉ có cách dùng dây thừng. Cách mặt đất khoảng 7,5 m là một lối đi hẹp với bề ngang chưa đến 1 m; kéo dài hơn 500 m đến biên giới Ai Cập. Luôn trong tâm trạng sợ đường hầm có thể bị phát hiện và bị bắn tỉa chết, Abu Mutassem cùng bốn đồng bọn gần như bò liên tục trong đường hầm, với đèn pin trong tay. Đất cát bê bết cả mặt mũi họ. Cuối cùng, họ cũng trồi lên được từ một lỗ thoát, nằm sát biên giới Ai Cập. Chuyến mua hàng kết thúc cực nhanh và họ bắt đầu quẳng từng bao tải xuống lỗ hầm rồi khuân trở về Gaza. Chỉ khi leo ngược lên “mắt hầm”, Abu Mutassem mới kiểm hàng: 70 khẩu AK quấn kín trong bao nylon để không bị cát hầm làm hỏng. Mỗi khẩu có thể bán được $1.200 tại Gaza trong khi vốn mua chưa đến $200… Theo Abu Mohammed, một trong những ông vua buôn lậu nổi tiếng nhất Gaza (từng làm ăn từ thập niên 1980), Ai Cập chẳng dại gì bít cửa hoàn toàn hệ thống đường hầm. Lý do: “Một nửa dân số Rafah (thị trấn lớn nhất nằm ở biên giới Gaza-Ai Cập) hiện kiếm sống nhờ buôn lậu” – Abu Mohammed nói – “Nếu đột nhiên bị tước mất nguồn thu nhập này, hàng ngàn người trong số họ sẽ tràn qua lãnh thổ Ai Cập”. Abu Mohammed cho biết thêm, hoạt động buôn lậu còn “nuôi” được không ít cảnh sát Ai Cập tham nhũng… Còn nữa, hoạt động buôn lậu còn được ủng hộ công khai từ Hamas. Các đường dây buôn lậu, ngoài việc cung cấp vũ khí, còn có thể đem lại nguồn thu từ thuế. Lâu nay, Hamas vẫn đánh thuế thuốc lá buôn lậu tại Gaza (một thùng 500 gói thuốc lá mua ở Ai Cập với giá $700 được bán tại Gaza đến $2.000). Hamas thu được khoảng $10.000/ngày từ dân buôn lậu. Hamas cũng kiểm soát nguồn phân phối nhiên liệu. Bất kỳ ai muốn mua khí đốt, đầu tiên, phải mua “chính sách bảo hiểm” từ Hamas với giá $264 để có một coupon cho phép mua 20 lít nhiên liệu hai tuần một lần. Với dân buôn lậu, cuộc chiến giành quyền lực giữa Fatah và Hamas càng kéo dài càng tốt. Giai đoạn đỉnh điểm của cuộc phong tỏa Gaza, giá sinh hoạt đã tăng gấp bốn. Có lúc, xi măng tại Gaza đắt gấp 10 lần tại Ai Cập. Tháng Mười 2013, theo Al-Monitor, một trong những đường hầm qui mô nhất đã được phát hiện tại phía Đông Abasan thuộc Nam Gaza, dẫn đến khu Ein Hashlosha ở Israel. Đường hầm sâu 20 m, dài 2,5 km, được xây kiên cố bằng 800 tấn bê tông với chi phí ước tính $10 triệu! Khoảng 100 công nhân đã xây hệ thống đường hầm này trong hơn hai năm. Điều đáng chú ý là nó được trang bị đầy đủ thiết bị liên lạc, điện và kho lưu trữ thực phẩm. Cũng năm 2013, IDF phát hiện một đường hầm dài 1,6km, sâu 18m với mái bê tông và tường kiên cố, chạy dài từ Gaza sang gần một kibbutz của Israel. Nó chỉ bị phát hiện khi người dân nghe thấy những âm thanh lạ. Đường hầm được sử dụng để bắt cóc lính Israel cũng như thực hiện các cuộc tấn công chớp nhoáng bằng phi pháo. Năm 2006, Hamas đã dùng đường hầm để lẻn qua đất Israel và giết hai binh sĩ Israel đồng thời bắt cóc người lính Gilad Shalit. Năm năm sau, Gilad Shalit được thả, trong cuộc trao đổi tù binh với hơn 1.000 tay súng Palestine. Một trong những tù binh Palestine được trao trả lần đó là Yahya Sinwar, hiện là thủ lĩnh Hamas ở Gaza. Tướng Israel Shlomo “Sami” Turgeman, tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Israel, khẳng định rằng chỉ Hamas mới đủ khả năng tài chính xây hệ thống đường hầm này. Trong cuộc oanh kích ngày 6 Tháng Bảy 2014, bom Israel đã phá được một đường hầm tại sân bay quốc tế Palestine, làm chết sáu tay súng Lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam (cánh quân sự của Hamas). BBC ngày 13 Tháng Mười 2023 cho biết thêm, sau cuộc xung đột vào năm 2021, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã phá hủy hơn 100 km đường hầm trong các cuộc không kích. Trong khi đó, Hamas tuyên bố hệ thống đường hầm của họ trải dài 500km và chỉ 5% bị trúng đạn. Để dễ hình dung, hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn dài 400 km và hệ thống metro của Washington DC chỉ vỏn vẹn 128 dặm (khoảng 205 km). Vào thời kỳ nhộn nhịp nhất của hệ thống địa đạo Gaza, có đến gần 2.500 đường hầm chạy bên dưới biên giới Ai Cập được Hamas và các nhóm chiến binh khác sử dụng để buôn lậu hàng hóa thương mại, nhiên liệu và vũ khí. Có thể một đường hầm xuyên biên giới đã được Hamas sử dụng trong chiến dịch tấn công Israel ngày 7 Tháng Mười 2023. Có báo cáo về một lối ra đường hầm được phát hiện gần kibbutz Kfar Aza, nơi hàng chục thường dân bị thảm sát ngày 7 Tháng Mười. Nếu điều đó chính xác, đường hầm hẳn đã được xây bên dưới hàng rào bê tông trang bị cảm biến tinh vi được thiết kế để phát hiện hoạt động đường hầm mà Israel đã lắp đặt vào cuối năm 2021 với chi phí lên đến $1,1 tỉ!  
......

Israel sẽ bắt đầu cuộc tấn công trên bộ vào Gaz

Timothy Trinh   Một số dấu hiệu cho thấy Israel sắp tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Gaza. Bộ Quốc phòng và Tổng hành dinh Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã thông báo cho các quan chức Liên Hợp Quốc tại Gaza vào đêm thứ Năm về việc sơ tán nhân viên của họ đến miền nam Gaza trong vòng 24 giờ tới. Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết trong một tuyên bố tại New York rằng lệnh của quân đội Israel áp dụng cho tất cả nhân viên Liên hợp quốc và những người được trú ẩn trong các cơ sở của Liên hợp quốc, bao gồm trường học, trung tâm y tế và phòng khám. Quân đội Israel cũng đã cảnh báo khoảng 600.000 cư dân Gaza đang sống ở phía Bắc Wadi nên di tản đến phía nam của vùng đất này. "Hãy di chuyển về phía nam vì sự an toàn cá nhân và gia đình bạn. Hãy tránh xa những kẻ khủng bố Hamas, những kẻ đang sử dụng bạn làm lá chắn sống," theo thông báo của IDF. Các nguồn tin đã nói với tờ Jerusalem Post nhiều lần trong tuần này rằng cuộc tấn công trên bộ sẽ bắt đầu vào hoặc sau ngày thứ Bảy, ngày 14 tháng 10. Mục tiêu cuộc tấn công trên bộ nhằm làm suy giảm đáng kể khả năng của Hamas, loại bỏ càng nhiều kẻ khủng bố càng tốt để ngăn chặn nhóm này gây ra mối đe dọa cho Israel trong tương lai. Tuy nhiên, chính phủ Israel sẽ cần phải mạnh mẽ trong những tuần tới. Cuộc tấn công trên bộ ở Gaza sẽ gây thiệt hại nặng nề và khi thương vong về phía Palestine ngày càng gia tăng, sự ủng hộ của toàn cầu dành cho Israel có thể suy giảm.  --- Hãng hàng không El Al của Israel hôm thứ Năm công bố: lần đầu tiên kể từ năm 1982, hãng sẽ hoạt động vào thứ Bảy, ngày Sabbath của người Do Thái, để tăng thêm các chuyến bay nhằm đưa khoảng 400.000 quân dự bị Israel từ khắp nơi trên thế giới trở về nước.  
......

Những thủ phạm phá hoại hành tinh

Tác giả: Tôn Thất Thông (Phỏng theo phóng sự truyền hình Die Erdzerstörer của đài Pháp-Đức ARTE.TV) Phần 1: Than đá, dầu lửa và hóa chất Sự sụp đổ của dịch vụ đường sắt đô thị ở Mỹ, vốn dĩ là phương tiện giao thông công cộng rất thân thiện với môi trường, không phải là sự tiến hóa tự nhiên của thị trường, mà là kết quả của một âm mưu thâm độc của giới công nghiệp liên quan đến dầu lửa. Trong lúc loài người hít thở ngày càng nhiều khí thải CO₂, thì giới vận động hành lang tuyên truyền rằng, đó là tiến bộ, là hiện đại, là xu hướng tất yếu để phát triển phồn vinh. *** Từ không trung nhìn xuống, chúng ta thấy quả đất với hai màu sắc tinh khiết: trắng và xanh. Đó là màu của mây, của các lục địa và đại dương mênh mông. Ở bên dưới tầng mây có vẻ như một thiên đường với không khí tỏa hương thơm ngát, thêm mùi muối biển đậm đà và những khối nước trong xanh. Nhưng trong khoảng không gian từ 0 đến 15 Km trên mặt nước biển, ở mọi nơi trên quả đất, đó là một kho bãi khổng lồ chứa 1.400 tỉ tấn khí thải CO₂, thứ khí độc mà loài người, hay nói đúng hơn, những nước công nghiệp sớm phát triển đã thải ra kể từ lúc cuộc cách mạng công nghiệp được bắt đầu cách đây hơn 200 năm. Hàng vạn tấn khí CO₂ thải ra không ngừng, năm này qua năm khác, cô đọng lại và tích tụ ở vùng thấp của tầng khí quyển mà chúng ta phải hít thở hàng ngày. Đó là sản phẩm phụ của công cuộc xây dựng thành quả tiến bộ mà loài người đạt được từ 200 năm nay. Những tiến bộ khoa học và kỹ thuật đã cải thiện đáng kể chất lượng sống của chúng ta, đồng thời chúng cũng sản sinh ra Napalm, thuốc trừ sâu, chất độc hóa học, rác thải hạt nhân và những thứ khác vốn dĩ đã nâng cao nhiệt độ khí hậu. Chúng ta đã tạo ra tiến bộ, đồng thời cũng mang tai họa cho hành tinh này, mà các thế hệ về sau sẽ phải hứng chịu. Điều đó chúng ta có thể thấy rõ ở không khí, ở các lớp cặn, trên đất liền, ở hiệu ứng nhà kính khắp nơi. *** Các nhà khoa học đã không ngừng lên tiếng báo động. Tác động của con người lên thiên nhiên đã đạt đến mức độ cao để chúng ta có thể kết luận rằng, hiện nay chúng ta đang sống trong kỷ nguyên mới của lịch sử loài người, một kỷ nguyên mới về địa chất. Trong thực tế, kỷ nguyên địa chất thay đổi không nhiều. Cho đến nay chúng ta vẫn sống trong kỷ nguyên địa chất Holocene vốn đã bắt đầu từ lúc chấm dứt kỷ nguyên băng hà cách đây 12 thiên niên kỷ. Và bây giờ mới đến kỷ nguyên địa chất tiếp theo. Những gì loài người chưa đạt được trong 11.700 năm đã qua, thì con người cận và hiện đại đã đạt đến đích chỉ trong vòng 200 năm, tạo nên bước ngoặt để loài người chứng kiến một kỷ nguyên địa chất mới. Kỷ nguyên mới này đã được hàng ngàn báo cáo khoa học vừa làm nhân chứng vừa thúc đẩy sự biến hóa, kỷ nguyên mà Hiệp hội Quốc tế về Khoa học Địa chất (International Union of Geological Sciences) đặt tên là kỷ nguyên của loài người (Anthropocene), kỷ nguyên của những tội đồ phá hoại hành tinh. Nói rõ là, không phải chúng ta đang sống trong một một cuộc khủng hoảng môi trường, mà chúng ta sắp hoàn tất cuộc cách mạng địa chất do chính con người tạo ra, cuộc cách mạng đã mang lại một số điều tốt đẹp, đi kèm với nhiều điều phiền toái làm con người khó sống hơn trong tương lai. Biến cố lịch sử nào, thành quả khoa học kỹ thuật nào, quyết định chính trị và công nghiệp nào đã dẫn chúng ta đến bước ngoặt này? Tiến bộ nào trong lịch sử đã mang chúng ta đi xa như thế? Than đá: năng lượng hóa thạch đầu tiên Mọi chuyện bắt đầu cách đây hơn 200 năm, khi kỹ nghệ khai thác than đá phát triển vào đầu thế kỷ 19. Nó đánh dấu bước đầu của quá trình khai thác năng lượng hóa thạch, loại nguyên liệu thải khí độc CO₂ nhiều nhất, nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu ngày nay. Cuộc phiêu lưu này không bắt đầu ở Nga, ở Đức, ở Pháp hay ở Mỹ, mà nó bắt đầu từ Vương quốc Anh. Vào cuối thế kỷ 18, giá gỗ tăng vọt trên khắp lục địa châu Âu. Rừng rậm vốn cung cấp gỗ để nấu ăn, sưởi ấm, để phục vụ nhu cầu sản xuất của xí nghiệp, nhất là xí nghiệp chế biến kim loại. Giờ đây, nguồn gỗ đó không còn nhiều, rừng chết ngày càng phổ biến. Các nhà khoa học bồn chồn lo lắng cho tương lai. Làm thế nào để đối phó với nạn thiếu gỗ ngày càng nguy cấp? Làm thế nào để chấm dứt nạn phá rừng, vốn đã là nguyên nhân sinh ra thảm họa cho con người: lỡ núi, mưa rào, lụt lội và một hiện tượng đã được định danh từ thuở đó: biến đổi khí hậu. Trong thời kỳ đó, tư duy con người vẫn còn nặng về tâm linh và cho rằng hành tinh này là sản phẩm hoàn hảo của Đấng sáng tạo. Sự phá hủy rừng rú cũng có nghĩa là mang lại tai họa cho sản phẩm hoàn hảo đó, là xúc phạm Thượng Đế. Vì thế, việc khai thác than đá xuất hiện như một loại bằng sáng chế mới và nếu nhìn vào cảnh rừng chết ngày càng nhiều, thì bằng sáng chế ấy chính là giải pháp cải thiện hệ sinh thái. Có khó khăn gì đâu, tai hại gì đâu? Đất đai đã có sẵn, chỉ cần đào lên, chế biến tinh lọc thành than đá để làm chất đốt cho loài người mà không cần phá rừng. Điều đó chẳng phải là tuyệt vời hay sao? Xí nghiệp sẽ được vận hành tốt, lò sưởi trong nhà vẫn cho hơi ấm và rừng rú sẽ dần dần được phục hồi. Giới tinh hoa nước Anh đã nghĩ như thế cách đây 200 năm, vào những năm tháng đầu tiên của cuộc cách mạng công nghiệp. Thuở đó, họ chưa có thắc mắc gì về khí thải CO₂. Người Anh đã đầu tư nhiều khoản tiền khổng lồ cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp. Máy hơi nước, máy luyện thép, máy đúc, xe lửa, kỹ thuật khai thác khoáng sản, nhà máy điện chạy bằng khí đốt v.v… Vì thế giới rộng mênh mông và đầy rẫy nguyên liệu thô, họ thám hiểm, chiếm đất để khai thác vật liệu hữu cơ ở các vùng đất xa xôi. Cây tinh dầu ở châu Phi, cao su ở Amazon, Mã Lai, cây nhiệt đới, phân chim ở Chi Lê, Peru, than đá ở Việt Nam. Đặc biệt quan trọng nhất cho người Anh là cây bông gòn để phục vụ kỹ nghệ dệt, vốn là động lực mạnh mẽ nhất của cuộc cách mạng công nghiệp Anh. Cây bông gòn, rất nhiều cây bông gòn phải được mang về Anh, loại cây vốn dễ ươm trồng và phát triển ở cả Bắc và Nam Mỹ. Ở đó, người ta trồng loại cây sinh nhiều lợi nhuận với máu và nước mắt của cư dân bản địa và người nô lệ da đen. Trồng trọt bông gòn ở Nam Mỹ để chuyển về Anh Ở bản lề giữa thế kỷ 19 và 20, toàn bộ đất đai trên hành tinh là đấu trường giành giật của các đại cường châu Âu. Một nhúm nhỏ các cường quốc người Âu như Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và cả Mỹ, họ đã dễ dàng chiếm ngự 85% tổng diện tích sinh sống được trên trái đất. Khổ thay, hầu hết giới tinh hoa thông thái nhất của họ, luật gia, triết gia, kinh tế gia, chính trị gia, và cả giáo sĩ cao cấp, họ đều cung cấp lý luận để biện minh cho chính sách thuộc địa trên khắp năm châu lục. Họ lý luận rằng, dân bản địa không có năng lực khai thác một cách hiệu quả và lâu dài các nguyên liệu đang chiếm hữu, cho nên các học giả da trắng dương cao ngọn cờ khai hóa, “giúp” người bản địa chế ngự thiên nhiên trên quả đất để cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, cung cấp nguồn sống cho loài người.   Lịch sử của thời đại tiến bộ là lịch sử của loài người, và tất nhiên có một bên được hưởng lợi và bên kia thua thiệt. Việc khai thác đất đai, tiến bộ công nghiệp, thực dân hóa các lục địa, nói cách khác là lịch sử thời đại tân tiến của chúng ta chỉ là phút giây rất ngắn ngủi so với đời sống địa chất của hành tinh. Nếu xem lịch sử của hành tinh chúng ta chỉ trải dài 24 giờ, thì loài người từ thời thượng cổ đến nay chỉ thực sự hiện hữu trong 5 giây cuối cùng, và thời đại cách mạng công nghiệp, tức thời đại hành tinh bị con người phá hoại chỉ kéo dài 2 phần ngàn của một giây đồng hồ. Chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, loài người đã gây tai họa cho hành tinh chúng ta nhiều hơn gấp bội tất cả những gì từ trước cộng lại. Bước tiếp theo: dầu lửa Cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỷ 19 đã phóng ra vô vàn khí độc làm ô nhiễm không gian sống của cư dân thành thị Tây Âu. Đến đầu thế kỷ 20, Anh đã làm chủ thế giới nhờ khai thác trữ lượng lớn than đá. Nhưng nước Mỹ cũng không chịu thua trong cuộc đua công nghiệp. Bên cạnh than đá, Mỹ dần dần khai thác một loại nguyên liệu mới chưa ai có: dầu lửa. Ngày hôm nay, khi nói về dầu lửa, chúng ta liên tưởng đến các nước Trung Đông. Nhưng trên thực tế, kể từ năm 1859, những giếng dầu đầu tiên đã xuất hiện ở Pennsylvania, và Mỹ nhanh chóng trở thành nước đầu tiên có nhiều giếng dầu nhất thế giới. Vào cuối thế kỷ 19, người ta chứng kiến cơn sốt dầu lửa ở Mỹ với cường độ không kém cơn sốt vàng trước đó một thế kỷ. Loại vàng đen mới khám phá này đã kích thích các nhà nghiên cứu, các nhà thám hiểm và lôi cuốn các nhà kinh doanh. Hôm nay, hẳn ai cũng biết tên tuổi của đại gia vàng đen và gia tộc ông ấy, một gia tộc bao gồm chủ nhân các nhà máy lọc dầu, chủ ngân hàng, luật gia, chính trị gia. Đó là John Davison Rockefeller. Khi về hưu năm 1896, ông ta là người giàu nhất nước Mỹ và chắc chắn cũng giàu nhất hành tinh. Công ty Standard Oil do Rockefeller thành lập 30 năm trước, giờ đây kiểm soát phần lớn thị trường dầu lửa của Mỹ.   Từ lúc các giếng dầu được khai thác, loại nguyên liệu này đã thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp tiến nhanh hơn bao giờ hết. Càng ngày nó thay thế càng nhiều nguyên liệu truyền thống là than đá trong quy trình sản xuất xi măng, bê-tông, làm hắc ín, tức là những vật liệu xây dựng cần thiết để phát triển đô thị, xây dựng nhà ở, mở rộng mạng lưới giao thông. Dầu lửa còn được dùng để bào chế sơn, bột nhuộm, thuốc men và các chất xúc tác khác. Một thị trường được mở ra cho số lượng lớn các sản phẩm mới mẻ như hắc ín, nhựa làm đường, chất dẻo, mỹ phẩm, thạch lạp, pô-mát, nến v.v… Tất cả những thứ đó tạo ra một sự bùng nổ của lòng ham muốn tiêu thụ, ngay cả trước khi xe hơi được khám phá. Tâm lý tiêu thụ ngày càng dâng cao và được cổ vũ bởi hệ thống tuyên truyền của giới công nghiệp. Ích lợi của dầu lửa đối với đời sống con người đã được Rockefeller đẩy lên một tầng cao, nhìn theo góc độ tiến bộ, cũng như góc độ kinh doanh. Dầu lửa tạo điều kiện cho giới thống trị mở rộng kinh doanh mà không cần phải lo lắng về sự phản kháng của công đoàn và các phong trào xã hội. Nó giúp cho giới doanh nghiệp qua mặt công đoàn vốn dĩ đã được thành hình trong thế kỷ 19 trên khắp lục địa châu Âu và cả Mỹ. Thuở đó, các cuộc đình công của công nhân mỏ than có thể làm tê liệt cả nền kinh tế một quốc gia. Với dầu lửa, doanh nghiệp có một loại nguyên liệu mới bằng chất lỏng được đào lên từ lòng đất. Chất lỏng này không cần phải chuyên chở bằng các phương tiện truyền thống, vốn dĩ có thể bị ngăn chặn vì một cuộc đình công của tài xế xe tải. Giờ đây, người ta có thể dùng đường ống để chuyên chở nguyên liệu chất lỏng từ nơi này đến nơi khác. Mà các đường ống thì không hề biết đình công. Phương tiện chuyên chở bằng đường ống trở nên thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn, ít tốn kém hơn, mang tính quốc tế hóa cao hơn. Số lao động để thực hiện các dịch vụ này cũng ít hơn. Dầu lửa còn tạo cơ hội cho các tập đoàn lớn từ đầu thế kỷ 20 tiến sâu vào thám hiểm, nghiên cứu các vùng đất mới. Từ Nga đến Ba Tư, những người tiền phong trong công cuộc khai thác dầu lửa đối mặt với lượng dầu được khám phá ngày càng nhiều và càng trở nên giá trị chiến lược cho các quốc gia. Dầu lửa đã đóng vai trò quan trọng nhất trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên địa chất của loài người, kỷ nguyên hành tinh bị phá hoại một cách có hệ thống. Vào năm 1910, hải quân Anh, một thế lực mạnh nhất và hiện đại nhất lúc đó, quyết định sử dụng dầu lửa để thay cho than đá trong các hạm đội của mình. Đồng thời, nhu cầu ngày càng cao của hải quân hoàng gia khiến họ đưa ra những đòi hỏi mới cho các đối tác trong công nghiệp, buộc họ phải tái cấu trúc xí nghiệp và tìm một phương thức sản xuất mới để cung cấp sản lượng ngày càng cao. Công việc tay chân được thay thế bởi máy móc chính xác hơn, tốc độ sản xuất nhanh hơn. Từ đó, một ý niệm mới về sản xuất dần dần định hình: sản xuất hàng loạt. Với năng suất cao do đòi hỏi của hải quân hoàng gia, các ngành khác cũng hưởng lợi: sản xuất máy bay, đại pháo, đạn dược. Và châu Âu đã có nơi lý tưởng để thử nghiệm phương pháp sản xuất hàng loạt vừa được khám phá: Thế chiến thứ nhất. Từ năm 1914 đến 1918, hàng chục triệu người đã bỏ mạng trên các tuyến phòng thủ cố định, không tiến không lùi để chứng kiến đồng đội gục ngã, hàng ngàn máy bay rơi, đạn pháo gầm rú, đạn dược trút xuống như mưa, và cả vũ khí hóa học. Nghịch lý thay, cuộc tàn sát tập thể này đã giúp cho nhiều doanh nghiệp ngày càng giàu có và quyền lực. Nhờ nhu cầu khổng lồ của các quốc gia tham chiến, doanh nghiệp khắp nơi, khắp mọi ngành đã phát triển mạnh mẽ. Ford ở Mỹ, Vauxhall ở Anh, Daimler ở Đức…Hoặc biểu tượng mới của tinh thần khám phá là xưởng sản xuất của một nhà phát minh người Pháp ở phía tây thành phố Paris, Louis Renault. Ông là người chế tạo chiếc xe hơi đầu tiên lúc tuổi đời vừa mới 21. Năm 1898, ông cùng hai người anh trai Fernand và Marcel thành lập công ty Société Renault Frères, một trong số rất ít công ty xe hơi đầu tiên trên thế giới. 16 năm sau, khi Pháp ra lệnh tổng động viên để tham gia Thế chiến I, Renault đã sở hữu một đế chế công nghiệp. Và cuộc Thế chiến I đã giúp cho Renault phát triển càng lớn hơn và nhanh hơn.   Trong lúc hàng triệu thanh niên trẻ tuổi bỏ mạng trên chiến trường, thì tập đoàn Renault và nhân viên của nó làm việc không ngừng nghỉ để tiếp tế phương tiện chiến tranh, cung cấp hàng ngàn xe tải, lựu đạn, động cơ máy bay và cả máy bay trinh sát. Louis Renault sản xuất chiếc xe tăng đầu tiên năm 1917, chiếc FT17 vào thời điểm đó là một vũ khí mới mẻ mang tính chất cách mạng kỹ thuật. Sau bốn năm phục vụ chiến tranh, doanh thu của Renault tăng lên gấp bốn lần, với tỉ lệ lợi nhuận còn cao hơn gấp bội. Và Renault chỉ là một trong nhiều tập đoàn phục vụ chiến tranh khác. Tất cả đều có một mẫu số chung: chiến tranh càng khốc liệt và càng kéo dài, lợi nhuận của những công ty như thế càng được nâng cao. Thế chiến I đã tạo thêm xung lực cho các tập đoàn sản xuất xe hơi và phát triển nền sản xuất công nghiệp hiện đại. Các phương tiện sản xuất hoạt động không ngừng nghỉ. Điều khiển tự động và sản xuất hàng loạt với băng chuyền trở thành thông dụng trong thế giới phương Tây và họ tiến về tương lai bằng những bước đi bảy dặm. Dù chiến trường chỉ ở châu Âu, nhưng ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các tập đoàn Mỹ cũng hưởng lợi từ nhu cầu chiến tranh của các nước tham chiến. Thặng dư ngoại thương của Mỹ tăng trưởng bùng nổ, chỉ sau bốn năm chiến tranh, thặng dư đó tăng từ 400 triệu lên đến 3,8 tỉ đô la. Chiến tranh đã thúc đẩy vốn đầu tư trong mọi ngành, kỹ nghệ đóng tàu, sản xuất máy bay, các máy móc sử dụng động cơ nổ. Để phục vụ cho nhu cầu đó, việc khai thác than đá và dầu lửa cũng được tăng tốc và đi kèm với nó là lượng khí thải CO₂ càng nhân lên gấp bội, một thứ khí độc hại còn để lại trong tầng khí quyển của chúng ta hôm nay. Chiến tranh và công nghiệp hóa học Thế chiến I là một thảm họa cho nhiều số phận con người, nhưng đồng thời cũng mang thêm nhiều lợi nhuận cho công nghiệp. Trong cuộc chiến này không chỉ có xe hơi, máy bay, tàu thủy, than đá, dầu lửa mà còn có hóa chất, rất nhiều hóa chất với tai họa tiềm tàng. Thuốc súng, đạn dược, bom đạn đã tạo nên ở châu Âu và Bắc Mỹ một lượng lớn các xí nghiệp sản xuất và lớn mạnh chưa từng có trong lịch sử. Thí dụ, công ty DuPont sản xuất gần một nửa nhu cầu chất nổ cho các quốc gia đồng minh, nhờ thế chỉ sau 4 năm, DuPont đã bành trướng từ 5.000 nhân viên lên  đến 50.000 người, chưa kể đến sự bùng nổ lợi nhuận.   Người tiền phong ngành hóa học Đức, Fritz Haber chịu trách nhiệm phối hợp hoạt động của các phòng nghiên cứu thuộc BASF, Höchst và Bayer để phục vụ chiến tranh. Haber là nhà hóa học vĩ đại đương thời, đã khám phá phương pháp tổng hợp Amoniac, một hợp chất mà sau này đã trở thành nguyên liệu chủ đạo để sản xuất phân bón, thuốc trừ sâu trong suốt thế kỷ 20. Trong thời gian chiến tranh, Haber có quan tâm đặc biệt đến Chlorine với tính năng cực độc của nó. Ông hết lòng phục vụ quân đội và muốn trở thành người đầu tiên phát minh vũ khí hóa học với nguyên liệu chủ yếu là Chlorine. Song song, Anh và Pháp cũng đua nhau nghiên cứu vũ khí hóa học bằng kiến thức riêng để mang ra chiến trường. Chiến tranh từ bản chất đã là bẩn thỉu, nó ngày càng bẩn thỉu hơn với sự tham gia của nhiều khoa học gia tiếng tăm nhất của thời đại. Tất nhiên, chính phủ các nước cũng không bỏ qua mọi cơ hội để sử dụng chất xám của họ.  Mặt nạ bảo vệ chống vũ khí hóa học Cách xa chiến tuyến, nước Mỹ cũng tiến hành một cuộc chiến khác không kém phần khốc liệt và bẩn thỉu. Chính phủ Mỹ rất quan tâm đến kiến thức và óc sáng tạo của các khoa học gia Đức. Ngoài ra, năng lực chế ngự các phân tử hóa học sẽ mang lại tiềm năng kinh tế không lường trước. Khi chính phủ Mỹ quyết định tham chiến vào năm 1917, Tổng thống Wilson thành lập cơ quan quản lý tài sản các xí nghiệp ngoại quốc. Trước hết, cơ quan này có nhiệm vụ tịch thu toàn bộ tài sản những công ty thuộc các quốc gia thù địch. Và điều này mang lại mối lợi không thể tưởng tượng. Tất cả bằng sáng chế của công ty Đức trên đất Mỹ bị tịch thu, trong đó có bằng sáng chế của Bayer liên quan đến một sản phẩm đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho đến tận thế kỷ 21: Aspirine. Đạo luật của Tổng thống Wilson đã giúp cho các công ty Mỹ vươn lên nhanh chóng, thí dụ Mosanto từ một công ty tầm thường đã trở thành tập đoàn hóa chất hàng đầu trên thế giới trong suốt thế kỷ 20. Về mặt chính thức, các tài sản bị tịch thu chỉ mang tính chất tạm thời. Các bằng sáng chế có thể được trả lại cho nguyên chủ khi chiến tranh và xung đột chấm dứt. Nhưng các công ty Mỹ xem đây là cơ hội ngàn năm để sở hữu công nghệ mới. Họ hợp nhau lại để thành lập The Chemical Foundation để hội đủ tư cách pháp lý mua lại hàng ngàn bằng sáng chế của Đức đã bị tịch thu, tất nhiên với giá rẻ mạt, không khác gì một sự cướp giựt hàng loạt bằng sáng chế của Đức. Bằng cách đó, công nghiệp hóa học của Mỹ có cơ hội vươn lên và trở thành các công ty cạnh tranh với châu Âu sau khi chiến tranh chấm dứt. Ở bên này Đại Tây Dương, các tập đoàn hóa học của Đức phải có biện pháp để bù trừ thua thiệt vì những bằng sáng chế đã mất. Năm 1925, họ hợp nhất lại với nhau để thành lập tập đoàn IG Farben, nơi sẽ biến tri thức khoa học của hóa học gia thành sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Năng lực thực sự của giới khoa học gia và kỹ sư hóa học Đức đã có đất dụng võ. IG Farben nhanh chóng trở thành tập đoàn hóa học lớn nhất thế giới, có thể cung cấp cho mọi quốc gia nhiều món hàng cao cấp chưa từng có trước đó, nylon, chất dẻo, dược phẩm, cao su nhân tạo, sơn, thuốc nhuộm, thuốc trừ sâu, phân bón… Trong suốt thế kỷ 20, các tập đoàn hóa học luôn luôn giữ mối quan hệ âm thầm với nhà nước để phục vụ nhu cầu chiến tranh và phá hoại “kẻ thù”. IG Farben sau sày sản xuất ra Cyclone B, một nguyên liệu cực độc sát thương dùng trong các vũ khí hóa học, có thể làm nạn nhân tắt thở trong vài giây đồng hồ. Cyclone B cũng được Quốc xã Đức sử dụng cho các phòng hơi ngạt trong các trại tập trung người Do Thái. Tập đoàn DuPont sản xuất Plutonium phục vụ cho dự án Manhattan, một dự án nghiên cứu vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ, mà kết quả thực tế đầu tiên là hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trở thành bình địa. Mosanto phối hợp với Dow Chemical để bào chế hàng loạt thuốc mà chúng ta đã quen tên: Agent Orange được dùng để khai quang rừng rậm và nhiễm độc làng mạc trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi huy động được ý chí của khoa học gia, những tên tuổi hàng đầu của thế giới để đánh thắng kẻ địch, giờ đây họ học thêm được bài học, làm thế nào để giết người hàng loạt bằng phí tổn thấp nhất.  Âm mưu bóp nghẹt dịch vụ đường sắt đô thị Sau 1918, Mỹ trở thành thế lực quốc tế hàng đầu, song song với sự bùng phát nhạc Jazz ào ạt xâm chiếm các câu lạc bộ giải trí ở Chicago, New York. Ở chân các tòa nhà chọc trời, người dân vốn từ lâu đã quen sử dụng phương tiện giao thông truyền thống là xe lửa đô thị. Giờ đây những chiếc xe Ford được sản xuất ở Detroit dần dần xuất hiện và thay đổi bộ mặt giao thông đường phố. Gắn liền với việc đó là hoạt động với nhịp độ ngày càng cao của các giếng dầu và những tập đoàn lọc dầu. Vàng đen phun lên từ các giếng dầu ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tư nhân, công nghiệp và giờ đây thêm một tác nhân mới: xe hơi chạy xăng, với sức tiêu thụ năng lượng hóa thạch ở mức độ cao chưa từng có. Ngoài ra, truyền thông được trả tiền để cấy vào ý thức con người rằng, xe hơi là biểu tượng của giàu có, quyền lực xã hội và lối sống hiện đại. Cũng cần trở lại phía trước để thấy rằng trong thời gian đầu, xe hơi mới chỉ tiếp cận đến một lớp người không nhiều trong xã hội, và đối với đám đông, xe hơi trở thành hình ảnh của sự phá hoại đời sống. Với xe hơi, giao thông công cộng trở thành một thực thể nguy hiểm cho đời sống con người. Khắp nơi ở Luân Đôn, New York, Paris hay Bá Linh, báo chí giật tít ở trang nhất về những đòi hỏi phải cấm sử dụng xe hơi trong thành phố, hoặc giới hạn tốc độ xuống còn vài cây số giờ. Người ta còn xem xe hơi là vũ khí giết người mới mẻ, một loại máy giết người gián tiếp. Sự xuất hiện của xe hơi cũng làm cho các thành phố phải ban hành những đạo luật giao thông mới, và trẻ con không còn được chơi đùa ở những nơi công cộng. Năm 1921, 5.000 người ở Pittsburgh tổ chức tuần hành im lặng để tưởng niệm 221 trẻ em đã chết trong năm vì tai nạn xe hơi gây ra. Một năm sau, Baltimore khánh thành đài tưởng niệm trẻ em đã chết vì tai nạn do xe hơi gây ra. Sự vươn dậy của công nghiệp xe hơi được đi kèm với nước mắt và phẫn nộ. Giới vận động hành lang cho công nghiệp thì tìm cách thuyết phục người bộ hành rằng, đường công cộng không còn là vùng đất riêng của mọi công dân, mà họ phải tuân thủ luật đèn xanh đèn đỏ, luật đường ngựa vằn, đường một chiều. Các bùng binh ở ngã tư, các chỗ đậu xe bên lề đường đã thay đổi hẳn bộ mặt giao thông thành phố để tương thích với nhu cầu sử dụng xe hơi ngày càng cao. Năm 1922, trong lúc 10.000 trẻ em tuần hành xuyên thành phố New York để cảnh báo sự nguy hiểm của xe hơi trong thành phố, thì một trong những nhân vật quyền lực nhất của giới doanh nghiệp, tổng giám đốc General Motors Alfred Pritchard Sloan thành lập một ủy ban hành động với mục tiêu là phác họa chiến lược từng bước thay thế xe lửa đô thị bằng xe buýt công cộng và xe tư nhân, vốn là những mảng kinh doanh chủ đạo của General Motors. Trong thời gian đó, nước Mỹ có 1.200 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao thông thành phố với hơn 40.000 Km đường rầy xe lửa đô thị. Họ có 300.000 nhân viên và mỗi ngày phục vụ cho hàng triệu hành khách. Trong lúc đó, Alfred P. Sloan công khai vạch một kế hoạch lớn để từng bước kiểm soát hệ thống giao thông đô thị hòng chiếm lĩnh thị trường giao thông công cộng. Và thời cơ đã đến với Sloan. Năm 1929, nước Mỹ rơi vào tình trạng đại khủng hoảng, đại suy thoái. Thị trường chứng khoán sụp đổ, nhân công thất nghiệp, người dân rơi vào nạn đói. Chủ doanh nghiệp và chủ ngân hàng đã quen với sự tăng trưởng lợi nhuận không ngừng, giờ đây nhận lãnh tác động trực tiếp. Những tên tuổi lớn như Merrill Lynch, GP Morgan, Goldmann Sachs nhận thức rằng, tài sản của họ đang rơi xuống vùng không đáy. Gia tộc Rockefeller chứng kiến khối tài sản bốc hơi nhanh chóng như tuyết tan dưới ánh mặt trời. Winston Churchill mất trắng nửa triệu đô la. John Maynard Keynes, kinh tế gia đại tài của thế kỷ 20, một siêu sao chứng khoán đã mất trắng toàn bộ tiền đầu tư sau khi đã lãi gấp 10 lần trong vòng một thập niên.   Sản lượng khai thác dầu lửa, than đá và xe hơi giảm xuống một cách thảm hại. Trong vòng 3 năm, vốn hóa thị trường của General Motors chỉ còn lại 1/4 trị giá trước đây. Chủ tập đoàn và thương gia tìm cách cứu vãn những thua thiệt qua cuộc đại khủng hoảng, và Alfred P. Sloan vẫn chưa quên con mồi chiến lược: những công ty đường sắt đô thị. Quả thật, các công ty đường sắt đô thị cũng bị tác động mạnh vì cuộc đại suy thoái, đến độ có nhiều công ty giao thông đô thị sẽ phá sản. Đến giữa thập niên 1930, Alfred P. Sloan thấy thời cơ đã chín mùi để hành động. Lịch sử phát triển công nghiệp trong những thập kỷ tiếp theo được xác định trong một bản kế hoạch dài 100 trang do Thượng viện chủ trì. Tác giả của kế hoạch đó là Bradford Snell, chuyên gia về luật chống liên minh. Và kế hoạch đó được gọi ví von là “âm mưu xe hơi đường phố” (General Motors streetcar conspiracy). Sau khi kế hoạch nói trên ra đời, Alfred P. Sloan triệu tập vòng quen biết chung quanh General Motors, thêm hai tập đoàn khai thác và lọc dầu Standard Oil cũng như Phillips Petroleum của gia tộc Rockefeller, thêm tập đoàn sản xuất bánh xe cao su Firestones. Tất cả đều liên quan trực tiếp hoặc gián đến việc tiêu thụ xăng dầu, những tội đồ nhả khói CO₂ cho nhân loại. Với vốn liếng nhiều không ai bằng, bốn tập đoàn nói trên đổ tiền để thành lập một công ty giao thông vận tải mờ ám, có tên là National City Lines, với mục đích chủ yếu là vận động hành lang để thúc đẩy các mảng kinh doanh của bốn công ty mẹ. Đầu tiên, công ty National City Lines tiếp nhận vai trò cố vấn việc kiểm soát giao thông, thành lập hàng loạt các chi nhánh khắp nơi trên nước Mỹ, đặc biệt ở các thành phố đông dân. Rồi họ mua luôn những công ty đường sắt đô thị đang gặp khó khăn, vốn đã hoạt động để phục vụ hành khách từ nhiều thập niên trước. Sau vài năm, tổng cộng các công ty đường sắt đô thị trong 45 thành phố lần lượt rơi vào tay National City Lines. Không chỉ là các thành phố nhỏ, mà cả những trung tâm lớn như Detroit, New York, Auckland, Philadelphia, Chicago, Los Angeles. Nơi nào có sự chống đối của chính quyền địa phương, họ bỏ tiền ra mua chính trị gia quốc hội tiểu bang cũng như các công chức cao cấp của bộ máy hành chính địa phương. Nơi nào biện pháp mua chuộc không có hiệu quả, họ giao khoán phần việc còn lại cho xã hội đen. Nhưng National City Lines mua các công ty đó không phải để tiếp tục hoạt động giao thông đường sắt đô thị, mà chủ tâm để phá hoại nó. Trong vòng 10 năm, công ty đã hủy hoại hơn 10.000 Km đường sắt, hàng ngàn toa xe lửa đô thị để thay vào đó là những công ty xe buýt chạy bằng xăng dầu. Người có chút ít tiền thì mua xe hơi tư nhân với tín dụng ngân hàng. Một thị trường mới được mở thêm cho giới tiêu thụ xe hơi, xăng dầu và tài chính ngân hàng. Tất cả đều nằm trong kế hoạch tinh vi của Alfred P. Sloan.  Bãi chứa các toa xe lửa đô thị hết sử dụng Sự sụp đổ của dịch vụ đường sắt đô thị, vốn dĩ là phương tiện giao thông công cộng rất thân thiện với môi trường, không phải là sự tiến hóa tự nhiên của thị trường, mà là kết quả của một âm mưu thâm độc của giới công nghiệp xe hơi và dầu lửa. Trong lúc loài người hít thở ngày càng nhiều khí thải CO₂, thì giới vận động hành lang tuyên truyền rằng, đó là tiến bộ, là hiện đại, là xu hướng tất yếu của sự phát triển phồn vinh. Nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, đã phá hủy hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đã tham gia vào việc nâng cao lượng khí thải CO₂ bằng hành động bóp chết những phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Số lượng xe hơi lưu hành trên đất Mỹ hiện nay, chắc hẳn là hàng trăm triệu chiếc, là kết quả của một kế hoạch tinh vi để mở rộng thị trường xe hơi và công nghiệp xăng dầu. Giám đốc General Motors, Alfred P. Sloan là siêu sao của phi vụ vô tiền khoáng hậu này. Khi con hổ đã được thả về rừng, làm sao bắt nó lại để thuần hóa thành loài vật có ích?./. Tôn Thất Thông, tháng 10/2023 Viết phỏng theo nội dung Phóng sự truyền hình “Die Erdzerstörer” của đài Pháp-Đức ARTE.TV, nguyên bản tiếng Pháp, phát sóng bằng hai ngôn ngữ Pháp và Đức. Biên dịch sang tiếng Đức: Rudolf Nadler. Biên tập: Barbara Bouillon. Phát ngôn tiếng Đức: Jörg Hartmann. Viết cốt truyện: Jean-Robert Viallet. Thực hiện: Jean-Robert Viallet. Sản xuất: Alexandre Cornu và Victor Ede. Với sự hơp tác của nhiều đài truyền hình quốc tế và phỏng vấn nhiều viện nghiên cứu công nghiệp (xem thêm các thành viên tham dự ở cuối phim chiếu lại trong Mediathek, theo đường dẫn ở trên).  
......

BBC Tiếng Việt nói lời từ biệt London sau hơn 70 năm

BBC Tiếng Việt cùng một số ban châu Á khác tổ chức buổi chia tay hôm 22/9 tại trụ sở của BBC ở London, đánh dấu chấm hết cho chương sử kéo dài nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng Việt là hơn 70 năm. Blog Nguyễn Hùng - VOA Những nhân viên của BBC trong đó có BBC Tiếng Việt mất việc lần này nằm trong tổng số hơn 380 người bị BBC sa thải để tiết kiệm gần 30 triệu bảng Anh từ ngân sách của Thế giới vụ. BBC Tiếng Việt cùng một số ban châu Á khác tổ chức buổi chia tay hôm 22/9 tại trụ sở của BBC ở London, đánh dấu chấm hết cho chương sử kéo dài nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng Việt là hơn 70 năm. Mặc dù được lập ra để phát thanh về Việt Nam với buổi phát sóng đầu tiên hôm 6/1/1952, các chương trình phát thanh nổi tiếng của BBC Tiếng Việt cứ giảm dần thời lượng từ cuối thập niên 90 và ngừng hẳn vào 26/3/2011. Một trong những lý do BBC bỏ phát thanh bằng tiếng Việt là vì số lượng người nghe giảm đáng kể cùng với sự phát triển của internet. Nhưng lý do khác chính là “tiền đâu đầu tiên”. Và chính vấn đề tiền đâu đấy vẫn đứng sau lần cắt giảm được công bố từ cuối năm ngoái khiến hàng trăm đồng nghiệp cũ và bạn bè của tôi ở vùng châu Á và các vùng khác của BBC mất việc. Trước đây BBC World Service, phần hướng ra thế giới bên ngoài của BBC, được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ nhưng tập đoàn BBC đã phải nhận trách nhiệm về tài chính cho Thế giới vụ từ năm 2014. Thu nhập của BBC cho năm tài khoá 23/24 ước tính khoảng hơn 5,5 tỷ bảng Anh trong đó có gần 4 tỷ thu trực tiếp từ người dân qua khoản lệ phí truyền hình và phần còn lại từ bán chương trình và tiền quảng cáo thu được từ các dịch vụ phát ra nước ngoài (BBC không được chạy quảng cáo tại Anh). Mặc dù vậy BBC ước tính họ sẽ chi ra nhiều hơn so với thu vào khoảng 350 triệu bảng và khoản cần tiết kiệm thường niên trước đây ở mức 285 triệu bảng giờ lên tới 400 triệu. Khoản thực chi của BBC cho BBC World Service trong năm 2022 là hơn 350 triệu bảng Anh trong đó khoảng 250 triệu lấy từ nguồn thu lệ phí truyền hình và phần còn lại là trợ cấp ngắn hạn của chính phủ Anh. Những nhân viên của BBC trong đó có BBC Tiếng Việt mất việc lần này nằm trong tổng số hơn 380 người bị BBC sa thải để tiết kiệm gần 30 triệu bảng Anh từ ngân sách của Thế giới vụ. Từ con số hơn 10 người làm việc cho BBC Tiếng Việt ở London kéo dài trong nhiều năm, giờ BBC Tiếng Việt chỉ còn ba người - Trưởng ban Nguyễn Giang, hai phóng viên và biên tập viên Bình Khuê và Minh Thư; và ba nhân viên cuối cùng ở London cũng chỉ ở lại tới giữa tháng 11 năm nay. Nếu không có gì thay đổi, đó sẽ là thời điểm BBC không còn sự hiện diện của Tiếng Việt trong trụ sở chính của BBC tại London. Mặc dù BBC Tiếng Việt vẫn còn văn phòng ở Bangkok, vốn sẽ được mở rộng thêm so với trước đây, không ai từ văn phòng London sẽ chuyển tới Thái Lan. Cũng tương tự hầu hết các nhân viên của các ban châu Á khác sẽ không chuyển tới các văn phòng khu vực ở Jakarta, Seoul hay Islamabad. Hôm tới buổi chia tay các ban châu Á tôi cũng lên thăm lại nơi tôi đã làm việc nhiều năm tới hè 2017 khi trở thành giảng viên đại học. Cảm giác của tôi là một sự phá hoại văn hoá tồi tệ đã diễn ra trên tầng năm nơi các ban châu Á chiếm tới một nửa diện tích văn phòng cho tới gần đây. Ba ban tiếng Việt, Indonesia và Thái Lan từ chỗ chiếm hàng chục bàn làm việc giờ chỉ còn vẻn vẹn bốn bàn trong đó chỉ có hai máy tính. Tấm giấy in cho có những dòng chữ ‘Bàn [làm việc] của ban Thái, Việt Nam & Indonesia’ càng cho thấy cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và thiếu tôn trọng những người mà thâm niên cho BBC cộng lại lên tới hàng trăm năm. Đây không phải lần đầu tiên BBC đối xử với con người như những con số nhưng đây là một trong những lần nghiêm trọng nhất vì họ đã xoá đi một trang sử mà các ban ngôn ngữ vùng châu Á và cả các vùng khác đã viết lên trong nhiều thập niên mà trong trường hợp của BBC Tiếng việt là xuyên qua ba cuộc chiến của người Việt với Pháp, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tại các phòng họp của BBC, những trang trí liên quan tới các ban ngôn ngữ trong đó có bản đồ các tỉnh của Việt Nam đã bị gỡ bỏ. Tôi không hiểu sao họ phải vội vã làm như vậy trong khi một số nhân viên của các ban vẫn còn ở lại BBC trong vài tháng tới. Và kể cả khi các nhân viên đã rời đi, cái gì là một phần của lịch sử vẫn nên giữ lại. Nhân sự kiện BBC Tiếng Việt khép lại chương sử đáng nhớ tại London, tôi sẽ còn quay lại chủ đề này trong những blog tới đây. Kỳ tới tôi sẽ kể chuyện tôi là người đầu tiên được BBC tuyển trực tiếp từ miền Bắc Việt Nam sang London và những bước đi chập chững trong nghề phát thanh viên của anh cựu sinh viên tiếng Nga.  
......

Nữ dân biểu Đức Gyde Jensen đến thăm ông Nguyễn Bắc Truyển

Ảnh Nữ Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Gyde Jensen đã đến thăm vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển. Hiếu Bá Linh (Biên dịch) - Nguồn; VNTB Ngày 16/9 vừa qua, nữ Dân biểu Quốc hội Liên bang Đức Gyde Jensen đã đến thăm vợ chồng ông Nguyễn Bắc Truyển. Sau đó bà đã viết trên Instagram như sau: Thành thật mà nói – tôi không biết liệu tôi có sẵn sàng đứng lên bảo vệ niềm tin và lập trường của mình không – ngay cả khi tôi bị đe dọa với án tù dài hạn, bị quấy rối, quản thúc tại gia và bị cô lập? Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về câu hỏi này kể từ năm 2018, bởi vì vào mùa xuân năm đó, tôi đã nhận bảo trợ cho ông Nguyễn Bắc Truyền trong chương trình bảo vệ nhân quyền [của Quốc hội Liên bang Đức] “Dân biểu bảo vệ Dân biểu” [tên gọi ban đầu, sau này được mở rộng bảo vệ cho cả những người không phải là Dân biểu]. Ông Truyển bị nhà nước Việt Nam bỏ tù vì hoạt động chỉ trích chính phủ. Gần đây nhất, ông bị giam cầm trong 6 năm trời – không được tiếp cận với ánh sáng ban ngày, phương tiện truyền thông, chăm sóc y tế cần thiết và liên lạc thường xuyên với vợ. Vào ngày 8 tháng 9 vừa qua, ông ấy đã được thả ra và cùng vợ lên đường sang Đức – Đó là kết quả sau nhiều năm dài đàm phán, đối thoại, hy vọng và âu lo. Trong thời gian hiện nay có rất ít những thông điệp tích cực trong hoạt động nhân quyền quốc tế. Ngày 8 tháng 9 là một ngày có thông điệp như vậy đối với tôi. Hôm qua tôi đến thăm ông Truyển và bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ ông. Tôi không có từ ngữ nào để có thể diễn tả sức mạnh và phẩm giá mà cả hai người đã duy trì, bảo vệ. Cảm ơn công việc của tổ chức VETO và ông Vũ Quốc Dụng. ——– Nguyên văn tiếng Đức: Wäre ich bereit für meine Überzeugungen und meine Haltung einzustehen – auch wenn mir langjährige Haftstrafen, Drangsalierung, Hausarrest und Isolation drohen würden? Ehrlich gesagt – ich habe keine Ahnung. Ich habe mir über diese Frage aber seit 2018 immer wieder Gedanken gemacht. Denn im Frühjahr 2018 habe ich die Patenschaft in unserem Menschenrechtsschutzprogramm „Parlamentarier schützen Parlamentarier“ für Nguyen Bac Truyen übernommen. Der vietnamesische Staat inhaftierte ihn aufgrund seiner regierungskritischen Arbeit. Zuletzt war er 6 Jahre in Gefangenschaft – ohne Zugang zu Tageslicht, Medien, notwendiger medizinischer Versorgung und regelmäßigen Kontakt zu seiner Frau. Am 8. September konnte er gemeinsam mit seiner Frau – nach jahrelangen Verhandlungen, Gesprächen und Hoffen und Bangen – nach Deutschland ausreisen. Es gibt sie zwar sehr wenig in dieser Zeit. Diese positiven Botschaften in der internationalen Menschenrechtsarbeit. Der 8. September ist für mich ein solcher Tag. Gestern habe ich Truyen und seine Frau Bui Thi Kim Phuong besucht. Ich habe keine Worte für die Stärke und Würde, die sich die beiden bewahrt haben  Danke für die Arbeit VETO und Dung https://www.instagram.com/p/CxQ2HZ8o1ki/?utm_source=ig_web_button_share_sheet  
......

Tại sao châu Âu điều tra xe nhập cảng từ Trung Quốc?

Minh Đăng (SGN) Ngày 13 Tháng Chín 2023, Liên minh châu Âu chính thức mở cuộc điều tra về khả năng “chống lưng” (trợ giá) của nhà nước Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện cho xe hơi điện giá rẻ Trung Quốc nhập cảng ào ạt vào châu Âu… Phát biểu trước Nghị viện châu Âu ngày 13 Tháng Chín 2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết châu Âu sẵn sàng cạnh tranh nhưng “không phải cho một cuộc đua nhấn chìm nhau xuống đáy”. Châu Âu áp thuế 10% đối với xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc (so với mức thuế 27,5% của Hoa Kỳ) và các nhà sản xuất Trung Quốc đã tận dụng điều này để ào ạt đổ bộ vào thị trường châu Âu. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (China Passenger Car Association), các công ty Trung Quốc đã xuất khẩu gần 350.000 xe hơi điện sang chín nước châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhiều hơn tổng xuất khẩu của cả năm 2022. Và trong năm năm qua, số xe hơi nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU đã tăng gấp bốn lần. Theo ước tính gần đây của UBS, đến năm 2030, thị phần xe hơi Trung Quốc trên thị trường toàn cầu có thể tăng gấp đôi, từ 17% lên 33%, và điều này khiến các công ty châu Âu bị mất thị phần lớn nhất. Thế cho nên, EU không thể ngồi yên, trong khi công nghiệp xe hơi luôn là một trong những ngành công nghiệp chủ lực của họ, đặc biệt tại Đức. BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc, đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng đối tác đại lý tại thị trường châu Âu lên 200 trong năm nay – Li Yunfei, phát ngôn viên BYD, nói với giới báo chí vào tuần trước. BYD đang có kế hoạch tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 250.000 xe vào năm 2023, so với 55.916 vào năm 2022. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu (ACEA), ngành công nghiệp xe hơi châu Âu cung cấp việc làm cho khoảng 13 triệu người, chiếm khoảng 7% tổng số việc làm. Tại Đức, các thương hiệu như Volkswagen, Audi, BMW và Mercedes đóng vai trò trung tâm của nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Reuters đưa tin Bộ trưởng kinh tế Đức Robert Habeck hoan nghênh cuộc điều tra của Ủy ban châu Âu. Ông nói: “Đây là sự cạnh tranh không lành mạnh (của Trung Quốc)…”. Theo công ty nghiên cứu Jato Dynamics, giới giám đốc điều hành cấp cao của ngành công nghiệp Đức và Pháp gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ xe điện Trung Quốc, vốn rẻ hơn khoảng 30% so với các loại xe tương đương của EU hoặc Mỹ. Giám đốc điều hành BMW Oliver Zipse cảnh báo rằng việc EU cấm không cho sản xuất xe xăng mới, bắt đầu từ năm 2035, cùng với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc, có thể dẫn đến những cái chết hàng loạt của giới sản xuất xe hơi châu Âu. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Renault Luca de Meo cho biết các đối thủ Trung Quốc “đi trước chúng ta một thế hệ”. Tổng giám đốc ACEA (Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi châu Âu) Sigrid de Vries hoan nghênh thông báo của bà von der Leyen. Sigrid de Vries nói: “Đó là tín hiệu tích cực cho thấy Ủy ban Châu Âu đang nhận ra tình hình ngày càng bất cân xứng mà ngành của chúng ta đang đối mặt và phải khẩn cấp xem xét tình trạng cạnh tranh bị bóp méo trong lĩnh vực của chúng ta. Thương mại tự do và công bằng là điều cần thiết để tạo ra một ngành xe hơi châu Âu thành công và là nền tảng cho thành công toàn cầu của khu vực này… Tuy nhiên, nguyên tắc thương mại ‘tự do và công bằng’ đòi hỏi một sân chơi bình đẳng giữa tất cả đối thủ cạnh tranh, với việc thương mại có đi có lại và sự tuân thủ quy định gia nhập thị trường. Điều cần thiết này phải được tất cả các bên tham gia trên thị trường cùng tôn trọng”. Chẳng có ví dụ nào minh chứng rõ sự đổ bộ khốc liệt của xe hơi điện giá bèo Trung Quốc tại châu Âu bằng sự hiện diện của họ tại I.A.A. Mobility – cuộc triển lãm xe hơi qui mô ở Munich (năm nay được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 10 Tháng Chín 2023). The Guardian cho biết thêm, thị phần của Trung Quốc trên thị trường xe hơi điện châu Âu đã tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa đầy hai năm. Vương quốc Anh là thị trường lớn nhất châu Âu của các thương hiệu xe hơi điện Trung Quốc, chiếm gần 1/3 doanh số bán hàng tính đến thời điểm hiện tại trong năm 2023, theo dữ liệu từ Schmidt Automotive Research khi khảo sát 18 thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu. Chính phủ Berlin đang gấp rút ứng phó. Cuối Tháng Tám 2023, Đức đã phê duyệt 32 tỷ euro, tương đương gần US$35 tỷ, đồng thời cắt giảm thuế doanh nghiệp trong bốn năm, để giúp vực dậy nền công nghiệp xe hơi. Chính phủ cũng đề xuất cắt giảm hàng đống giấy tờ thủ tục hành chính rườm rà, chẳng hạn chấp nhận bản sao kỹ thuật số chứ không phải giấy. Một khảo sát gần đây với 500 công ty cho thấy ở thời đại này mà máy fax vẫn được sử dụng tại Đức vì người ta cho rằng đó là hình thức liên lạc an toàn nhất. Cần nhắc lại, cuối những năm 2000, Bắc Kinh đã bơm số tiền khổng lồ vào công nghệ năng lượng mặt trời, cho phép giới sản xuất trong nước đầu tư hàng tỷ đôla vào các nhà máy mới và giành thị phần toàn cầu. Sự bùng nổ sản xuất pin mặt trời của Trung Quốc khiến giá giảm mạnh, dẫn đến việc hàng chục công ty châu Âu và Mỹ phải phá sản. Trung Quốc đã thực hiện cách tiếp cận tương tự trong việc phát triển và thương mại hóa xe hơi điện. Hàng loạt chính sách khuyến khích thúc đẩy sản xuất xe điện đã tăng tốc sau khi Ôn Gia Bảo trở thành thủ tướng vào năm 2003. Thủ tướng Ôn đã đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng về doanh số bán xe hơi điện và yêu cầu các thành phố phải đạt được. Đến năm 2009, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xe hơi điện, với nhiều chính sách hỗ trợ, chẳng hạn trợ cấp $8.800/xe cho các hãng taxi cũng như cho các cơ quan chính quyền địa phương tại 13 thành phố, khuyến khích mua xe hơi chạy hoàn toàn bằng điện hoặc hybrid (xăng-điện). Cuộc điều tra của Ủy ban Châu Âu có thể dẫn đến việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu xe điện của Trung Quốc. Thông báo của Von der Leyen đã lập tức làm rung chuyển cổ phiếu các công ty xe điện lớn nhất Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong. Hãng khổng lồ BYD, nơi có phần hùn của tỉ phú Warren Buffett, giảm 2,8%; Xpeng giảm 2,5%; trong khi Nio giảm 0,9%. Phần mình, Hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất xe hơi Đức lên tiếng rằng cần phải thận trọng trong vụ điều tra trợ giá của Trung Quốc. Đơn giản vì giới sản xuất xe hơi Đức lâu nay đầu tư rất mạnh vào thị trường Trung Quốc và họ không muốn vì chuyện điều tra này mà họ bị vạ lậy. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc về xe điện có thể khiến họ phải trả giá đắt hơn những gì họ có thể đạt được. Đầu năm 2023, Volkswagen cho biết họ sẽ đầu tư 1 tỷ euro (US$1,1 tỷ) để xây dựng một trung tâm nghiên cứu xe hơi điện ở Hợp Phì, Trung Quốc. Họ cũng mua $700 triệu cổ phần trong XPeng, một công ty khởi nghiệp Trung Quốc chuyên sản xuất xe điện. Hiệp hội Công nghiệp xe hơi Đức cảnh báo: “Phải tính đến những phản ứng ngược có thể xảy ra từ Trung Quốc”./.    
......

Vì sao nhiều quốc gia phản đối bản đồ mới của Trung Quốc?

Hoàng Sa - RFA Trung Quốc công bố một bản đồ mới Báo chí Trung Quốc mới đây công bố: “Bản đồ tiêu chuẩn năm 2023 của Trung Quốc đã chính thức được phát hành vào ngày 28/8 và ra mắt trên trang web của dịch vụ bản đồ tiêu chuẩn do Bộ Tài nguyên (Trung Quốc) quản lý. Bản đồ này được biên soạn dựa trên phương pháp vẽ đường biên giới quốc gia của Trung Quốc và các nước khác nhau trên thế giới” (1). Thời điểm công bố bản đồ mới báo hiệu những khó khăn cho các tiến trình ngoại giao khi một loạt các hội nghị lớn trên thế giới đang bắt đầu, như hội nghị G20 sắp tới vào đầu tháng 10 tại New Deli, thủ đô của Ấn Độ. Nhà phân tích chính trị, Giáo sư James Chin từ Đại học Tasmania nói rằng động thái này của Trung Quốc nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự này trước các hội nghị thượng đỉnh là “điển hình của ngoại giao Trung Quốc”. “Thời điểm rất quan trọng. Người Trung Quốc muốn đây trở thành điểm thảo luận tại các hội nghị thượng đỉnh và muốn chứng tỏ rằng họ nhất quán trong việc tuyên bố những vùng lãnh thổ này là của mình” (2). Trong số các phần lãnh thổ được đưa vào bản đồ mới có bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ, khu vực Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố chủ quyền là phần phía Nam của Tây Tạng và Aksai Chin, khu vực khô hạn ở phía Bắc Ladakh, vốn bị Trung Quốc chiếm đóng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962. Một điểm khác biệt của bản đồ mới là “đường 10 đoạn”, bao quanh Biển Đông (“đường 9 đoạn”) và toàn bộ đảo Đài Loan (vạch thứ 10), cùng một số đảo nhỏ mà các nước Đông Nam Á tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Indonesia. “Đường 10 đoạn” này cũng bao trùm thêm nhiều khu vực thuộc EEZ của các quốc gia Biển Đông khác. Ngoài ra, theo bản đồ này, một phần lãnh thổ của Nga là đảo Bolshoy Ussuri, cũng bị coi là lãnh thổ của Trung Quốc mặc dù đã có sự phân định giữa Nga và Trung Quốc. Theo hiệp ước năm 2008 giữa Nga và Trung Quốc, hòn đảo này được phân chia giữa hai nước. Tuy nhiên, bản đồ chính thức mới của Trung Quốc lại đánh dấu toàn bộ hòn đảo là điểm cực đông của lãnh thổ Trung Quốc. Đảo Bolshoy Ussuriysky có diện tích từ 327 đến 350 km2, tùy thuộc vào mực nước sông. Từ đầu thế kỷ 19 đã có một cuộc đấu tranh lâu dài giữa Nga và Trung Quốc để giành quyền kiểm soát hòn đảo này, nhưng trong những năm 1920 và 1930, hòn đảo này đã được quân đội Liên Xô "bảo vệ”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, hòn đảo này vẫn thuộc quyền quản lý của Nga. Trung Quốc có lợi ích đặc biệt đối với vùng lãnh thổ này, và đã tranh chấp quy chế của vùng này kể từ năm 1964. Năm 2008, Nga đã bàn giao phần phía tây của đảo Bolshoy Ussuriysky và các vùng lãnh thổ khác cho Trung Quốc. Các chuyên gia vào thời điểm đó chỉ ra lợi ích lâu dài của Moscow trong mối quan hệ ổn định giữa hai nước. Phản ứng của các nước Đông Nam Á Antonio Carpio, Cựu Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, hôm 30/8 đã phân tích: “Thật khó tin rằng các đường ở Biển Đông, dù là 9 hay 10 đoạn, đều cấu thành biên giới quốc gia của họ. Vì vậy, nếu đó là ranh giới quốc gia của bạn thì mọi thứ trong đó là lãnh thổ quốc gia của bạn. Bây giờ thì rõ ràng rồi, họ đã làm rõ điều đó theo cách đó. Tôi nghĩ ý đồ của họ muốn khẳng định rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc” (3). Theo ông, bản đồ mới của Trung Quốc sẽ không thay đổi phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc. Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino cũng đã chỉ trích tuyên bố của Bắc Kinh, đồng thời nói rằng “Bản đồ mới nhất của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không còn là ‘Đường 9 đoạn’ nữa, mà là ‘Đường 10 đoạn’. Giờ đây, chúng ta đang nói về ‘Đường 10 đoạn’, chứ không phải ‘Đường 9 đoạn nữa” (4). Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) khuyến cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của Toà trọng tài năm 2016 dành cho Philippines và Trung Quốc. Tham mưu trưởng AFP Romeo Brawner nói: “Họ nên tôn trọng phán quyết năm 2016 của trọng tài, theo đó coi ‘Đường 9 đoạn’ là bất hợp pháp. Điều đó không có cơ sở và trên thực tế, họ nên tuân theo trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” (5). Về phần mình, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines (NSC) và Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines (Biển Đông) cho biết họ hiện đang yêu cầu chính phủ Trung Quốc làm rõ bản đồ mới này. Trợ lý Tổng Giám đốc NSC Jonathan Malaya cho biết: “Nếu bản đồ được chính thức xác nhận là do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ban hành, thì NSC sẽ đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) trao công hàm phản đối mạnh mẽ đối với việc ban hành bản đồ này vì điều đó xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines”. (6) Ngoài ra, hôm 30/8, Malaysia cũng bác bỏ “bản đồ tiêu chuẩn” mới của Trung Quốc tuyên bố chủ quyền vùng biển ngoài khơi bờ biển Malaysia ở Biển Đông. Đây là cuộc “khẩu chiến” mới nhất về sự quyết đoán của Bắc Kinh trên tuyến đường biển này. Theo bản đồ mới, các yêu sách đơn phương của Trung Quốc trên vùng biển chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi bờ biển các bang Sabah và Sarawak trên đảo Borneo (7). Trong một thông cáo, Bộ Ngoại giao Malaysia nhấn mạnh: “Malaysia không công nhận các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, như được nêu trong ‘Bản đồ tiêu chuẩn Trung Quốc 2023’, theo đó bao phủ khu vực biển của Malaysia”. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nêu rõ, bản đồ này không có thẩm quyền ràng buộc đối với Malaysia, đồng thời khẳng định, bản đồ này, trong số những thứ khác, thể hiện các yêu sách hàng hải đơn phương của Trung Quốc xâm phạm các khu vực hàng hải của Malaysia ở Sabah và Sarawak, dựa trên Bản đồ mới của Malaysia năm 1979. Hơn nữa, như Chính phủ Malaysia đã nhấn mạnh trước đây về vấn đề Biển Đông, bao gồm các vấn đề biên giới trên biển, Malaysia luôn bác bỏ yêu sách của bất kỳ quốc gia nào về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển dựa trên Bản đồ mới của Malaysia năm 1979 (8). Mô tả vấn đề Biển Đông là “phức tạp và nhạy cảm”, Kuala Lumpur khẳng định tranh chấp này phải được “xử lý một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại” dựa trên luật pháp quốc tế. Malaysia cũng cho biết họ ủng hộ việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử về các tranh chấp trên biển mà các quốc gia Đông Nam Á hiện đang đàm phán. Trước đó, năm 2021, Kuala Lumpur đã triệu Đại sứ Trung Quốc sau khi các tàu Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Malaysia cho biết khu vực Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền ở phía Bắc đảo Borneo – bao gồm 5 thực thể biển trong quần đảo Trường Sa – nằm trong khu vực đó. Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định hành động của Trung Quốc là "xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)" (9).  Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh vì lẽ đó, "yêu sách chủ quyền và yêu sách biển dựa trên đường đứt đoạn như thể hiện trong bản đồ nói trên là vô giá trị, vi phạm luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982”. "Một lần nữa Việt Nam khẳng định mạnh mẽ lập trường nhất quán của mình về vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như kiên quyết phản đối mọi yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên đường đứt đoạn.” (10) Ấn Độ, Đài Loan cực lực phản đối Ngoài ra, một số quốc gia khác cũng đã bác bỏ các yêu sách trên của Trung Quốc, trong đó Ấn Độ đã “phản đối mạnh mẽ” bản đồ này thể hiện bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và cao nguyên Aksai Chin là một phần lãnh thổ chính thức của Bắc Kinh. Ngày 29/8, trả lời phỏng vấn độc quyền của kênh NDTV (Ấn Độ), Ngoại trưởng nước này S. Jaishankar đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp, cho rằng đó là yêu sách là “vô lý”, khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: “Việc (Bắc Kinh) đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc”. Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc “có thói quen” công bố các bản đồ như vậy và khẳng định rằng việc chỉ đưa lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của mình chẳng có ý nghĩa gì (11). Trước đó, New Delhi đã nhiều lần tuyên bố với Bắc Kinh rằng “Arunachal Pradesh đã, đang và sẽ luôn là một phần không thể tách rời của Ấn Độ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Jeff Liu nói rằng "Đài Loan, Trung Hoa Dân Quốc, là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, không phụ thuộc vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ cai trị Đài Loan. Đây là những điều phổ biến." sự thật được thừa nhận và hiện trạng trong cộng đồng quốc tế.” (12) Liu nói rằng Đài Loan "hoàn toàn không" là một phần của Trung Quốc. Ông kết thúc bằng cách nói thêm: “Bất kể chính phủ Trung Quốc bóp méo tuyên bố chủ quyền của Đài Loan như thế nào, điều đó không thể thay đổi thực tế khách quan về sự tồn tại của đất nước chúng ta” (13). __________ Than khảo: 1. https://twitter.com/globaltimesnews/status/1696104724691570945?s=20 2. https://www.channelnewsasia.com/asia/china-new-map-territory-g20-asean-summit-india-malaysia-russia-indonesia-protest-3737366 3. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/ 4. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/ 5. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/ 6. https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/880601/china-s-new-10-dash-line-map-shows-extended-claims-in-scs-carpio/story/ 7. https://www.nst.com.my/news/nation/2023/08/949182/wisma-putra-malaysia-not-bound-chinas-map-updated 8. https://www.nst.com.my/news/nation/2023/08/949182/wisma-putra-malaysia-not-bound-chinas-map-updated 9. https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-20230831184319323.htm 10. https://tuoitre.vn/bo-ngoai-giao-viet-nam-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-vo-gia-tri-20230831184319323.htm 11. https://www.ndtv.com/india-news/making-absurd-claims-does-not-make-others-territory-yours-s-jaishankar-on-china-4339360 12. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4984988 13. https://www.taiwannews.com.tw/en/news/4984988  
......

Máy bay chở Prigozhin lâm nạn - nhất cử lưỡng tiện?

Nguyen Khan   Mấy hôm trước rộ tin Chú Sam kêu gọi công dân Mỹ rời Belarus khẩn cấp, cho rằng 3 nước vùng biển Baltic đã đóng biên giới với Belarus, và rằng BaLan cũng tuyên bố đóng cửa biên giới với Belarus bất cứ lúc nào. Lý do là vì nhóm lính đánh thuê Wagner của Prigozhin đang hoạt động trong vùng gần biên giới Belarus với các nước nói trên, có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh rất cao. Và khi chiến tranh xảy ra, nước hưởng lợi là Ukraina, vì giúp chia lửa bớt áp lực quân sự của Nga ở Ukraina. Nước bất lợi là Nga, vì không thể kham nổi một lúc tham chiến cả hai mặt trận. Đánh với một mình Ukraina mà quân Nga còn ngợp lên ngợp xuống, huống hồ… Đã vậy, với má.u gian hùng như Putin, hiện đang bị tổn thương uy danh quá lớn, khi một nước có kho vũ khí nguyên tử lớn nhất, có năng lực quân sự mạnh thứ hai thế giới, mà hơn 18 tháng qua bị ”danh hề” Zelensky đánh trả te tua không còn là chính mình… Còn bị tòa án hình sự quốc tế phát lệnh truy nã tội ác chiến tranh đến mức không dám đến Johannesburg dự khối BRICS… Cho thấy Putin đã bị tổn thương uy danh biết là dường nào ! Còn tổn thương hơn nữa khi cộng sự trung thành bao năm của Putin là trùm lính đánh thuê (Wagner) Yevgeny Prigozhin dám làm chuyện tày đình khi kéo quân về Moscow thách thức quyền lực Putin, tương tự năm xưa bên Tàu, An Lộc Sơn kéo quân về kinh đô hỏi tội Đường Minh Hoàng khiến Đường Minh Hoàng phải tháo chạy… Putin cũng lật đật lên chuyên cơ bay khỏi Moscow để tránh loạn quân Prigozhin. Cục tức này Putin khó nuốt trôi, trước sau gì cũng phải ra tay… Và hôm qua, có thể Putin đã ra tay theo cung cách rất KGB là… phi cơ chở 10 người đã lâm nạn ở gần Moscow khiến tất cả những người trong phi cơ đều bị đăng xuất. Prigozhin có tên trong danh sách những người trên phi cơ bị lâm nạn. Tin đồn cho rằng không phải phi cơ bị lâm nạn mà do bị hỏa tiễn phòng không S-300 của Nga bắn lầm ? Hiện tại, rất có thể số phận Prigozhin đã được định đoạt, vừa để tháo gỡ căng thẳng trên biên giới Belarus và các nước lân bang liên quan đến đám lính đánh thuê Wagner ở Belarus, có thể khơi ngòi cuộc chiến… Vừa để giúp Putin nuốt trôi cục tức vụ Prigozhin làm loạn. Đúng là máy bay rơi… “nhất cử lưỡng tiện”.  
......

Quan hệ Mỹ – Việt: Gọi bằng danh xưng gì nó cũng đều ngọt ngào…

Trần Hiếu Chân, từ TP HCM Điểm nhấn từ các tuyên bố gần đây của Tổng thống Joe Biden là chuyến công du Việt Nam của ông vào đầu tháng 9 tới. Việc nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược”, thậm chí là “Đối tác Chiến lược Toàn diện” nhân dịp này được dư luận ở cả hai nước đón đợi. Thăm Việt Nam là điểm nhấn nổi bật Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc năm 2020 khi còn làm Đại sứ ở Mỹ từng khuyến cáo, không nên câu nệ vào tên gọi của quan hệ Việt – Mỹ. Đại sứ Mỹ ở Việt Nam Marc Knapper đầu năm 2023 cũng đã trích dẫn văn hào vĩ đại Shakespeare “gọi Hoa Hồng bằng cái tên nào khác thì nó vẫn ngọt ngào” (1). Nước chảy đá mòn, sau ngần ấy thời gian, giờ đây không quá khó để xác định được tầm mức của mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ đang ở đâu. Mối bang giao này không giống với loại “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (với Tàu) hoặc “đối tác chiến lược toàn diện” (với Nga) – Lúc nào cũng phải đề phòng nguy cơ “bị thọc dao vào sườn” nếu ta sấp ý, hoặc thúc giục ta lên đường “chống Mỹ cứu… một cái gì đó” chẳng phải lợi ích của mình. Người bình dân Sài Gòn thật minh triết khi họ truyền khẩu nhau, “Nói dzậy mà không phải dzậy!” Dân Hà Nội nghe chỉ có thể “gật gù” trở lên, vì “Hà nội không vội được đâu”. Vì thế, dịp này vẫn phải chờ hai cụ Biden và Phú Trọng lấy quyết định lần cuối. Các cây viết chính thống ở Việt Nam mấy hôm nay im ắng, không muốn “cầm đèn chạy trước máy bay” . Nhưng Carl Thayer, vị Giáo sư đáng kính từ xứ Kangaroo xa xôi tỏ ra suốt ruột, (cũng lo cho Việt Nam thôi) khi ông thúc giục: “Việc nâng cấp này nếu muốn thực hiện thì phải thực hiện ngay bây giờ hoặc không bao giờ” (2). Đài RFI ngày 10/8 cho biết, Tổng thống Mỹ dự Thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ, thăm Việt Nam, nhưng có thể sẽ không tham dự Cấp cao ASEAN 10/9. Sau khi ông Biden thông báo “sớm thăm Việt Nam”, theo dự kiến, Joe Biden sẽ đến Ấn Độ họp thượng đỉnh G20 vào ngày 9 và 10/9/2023. Việc người đứng đầu nước Mỹ có thể sẽ không tham dự Thượng đỉnh ASEAN đang làm dấy lên hoài nghi về cam kết của Hoa Kỳ để khống chế sức ảnh hưởng ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực “Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở” (FOIP). Một nguồn tin trích dẫn đại sứ một nước thành viên ASEAN ở Washington, hôm 9/8 cho Reuters hay, Indonesia đã được thông báo ngay từ ngày 7/8 là ông Biden không đến dự ASEAN. Nhiều dân biểu Mỹ cũng khẳng định “có rất ít khả năng” nguyên thủ Mỹ có mặt ở Jakarta. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng từ chối xác nhận thông tin mà chỉ cho biết: “Chúng tôi vẫn đang xem xét… chúng tôi sẽ sớm thông báo”. Còn theo người phát ngôn của Nhà Trắng, lịch trình đi châu Á của Tổng thống Mỹ vẫn chưa phải là chính thức chừng nào chưa được thông báo và vẫn có thể có điều chỉnh (3). Thay đổi động năng quan hệ song phương Nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ, cho đến nay, ít nhất đã hai lần tuyên bố chính thức sẽ thăm Việt Nam, vì theo Biden, “người đứng đầu” Hà Nội đã nói với ông rằng, Việt Nam “mong muốn thay đổi mối quan hệ với Mỹ và muốn Mỹ trở thành một đối tác chủ chốt như Nga và Trung Quốc”. Cũng theo Tổng thống Mỹ, những biến động hiện nay trên thế giới đang là “một cơ hội để thay đổi động năng” trong quan hệ giữa hai nước. AFP nhắc lại, hồi tháng 4 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, trên đường đến Tokyo dự cuộc họp khối G7, khi dừng chân ở Hà Nội, cũng đã tuyên bố, những tháng tới đây sẽ là “thời điểm thuận lợi” để nâng cấp quan hệ “Đối tác Toàn diện” tồn tại từ 10 năm qua giữa hai nước. Trước đó, tháng 3/2023, Tổng thống Biden đã có một cuộc điện đàm với Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Tất cả những bối cảnh hiếm hoi này cho thấy, những chuyển dịch về chất trên nhiều lĩnh vực trong quan hệ Việt –  Mỹ thời gian tới đây là một thực tế không thể nghi ngờ. Theo giới phân tích, việc thiết lập “Đối tác Chiến lược Việt – Mỹ” sẽ là một tín hiệu tích cực và là cơ hội cho Việt Nam. Nó không chỉ để mở rộng và đào sâu các kết nối về kinh tế, ngoại giao, mà có thể còn tiến xa hơn nữa về an ninh, quốc phòng. Mặc dầu Việt Nam đã tuyên bố không khi nào liên minh với một quốc gia này để chống quốc gia khác, nhưng nếu việc bảo vệ chủ quyền Việt Nam đòi hỏi, thì Việt Nam vẫn có quyền chủ động tìm tới những “đối tác chiến lược” có thể giúp cho Việt Nam bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đây là cái nhìn của ông Bùi Kiến Thành, cựu Cố vấn về chiến lược hội nhập quốc tế và phát triển cho nhà nước Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do từ Sài Gòn hôm 10/8/2023. Cũng theo ông Thành, nếu Việt Nam muốn xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh có khả năng cạnh tranh so với Trung tâm tài chính tại Singapore, hay muốn có một Cảng trung chuyển quốc tế ở Vân Phong, Khánh Hòa, thì không thể thiếu sự hỗ trợ của Hoa kỳ. Với Washington,  các lĩnh vực hợp tác an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, tài chính, đặc biệt là nguyên, vật liệu quý cho công nghệ cao như khí (GSA HOA) và đất hiếm (Việt Nam xếp thứ hai thế giới)… đều là những hợp tác đã và đang được triển khai (4). Không phải ngẫu nhiên, từ tháng 2/2023 đến nay, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Catherine Tie đã đến Hà Nội; liền kề là một loạt các chuyến thăm Việt Nam của các quan chức cấp cao như chuyến thăm của Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) Rochelle P. Walensky, Tổng giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power, Ngoại trưởng Tony Blinken, cũng như Bộ trưởng Nông nghiệp Thomas Vilsack, và mới nhất là chuyến thăm của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng đã có đoàn đại biểu cấp cao từ Quốc hội có thành viên thuộc cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đại diện cả Thượng viện lẫn Hạ viện thăm Việt Nam. Trước đó phải kể đến chuyến thăm của một phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từ trước đến nay tới Việt Nam. Các chuyến thăm này nói lên Hoa Kỳ quan tâm trở lại ở mức độ rất cao trong mối quan hệ với Việt Nam. Chỉ dấu ấy cho thấy Hoa Kỳ tin tưởng vào tình hữu nghị với Việt Nam và trong mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước (5). Nhân quyền liệu có được cải thiện? Đây là vấn đề các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự (dù đã teo tóp nhiều trong những năm qua) rất mong đợi. Luật sư Nguyễn Văn Đài, từ Đức đánh giá rằng trước đây, Mỹ muốn nâng cấp mối quan hệ lên “Đối tác chiến lược” nhưng Việt Nam còn chần chừ. Tuy nhiên, giờ đây, khi nền kinh tế Việt Nam đang tụt dốc với các chỉ số về xuất nhập khẩu, công ăn việc làm… đều rất ảm đạm thì Việt Nam lại muốn xích lại gần hơn với Mỹ để có thể hưởng được lợi ích về kinh tế.  Do đó, theo ông Đài, hai bên nâng cấp mối quan hệ sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các nhà hoạt động nhân quyền thúc đẩy dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam (6). Tuy nhiên, người viết bài này chia sẻ với phần lớn đánh giá cho rằng,  kỳ vọng vào sự tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam không được lạc quan như nhận định của Luật sư Đài. Nhưng dẫu sao, mọi hy vọng chưa phải đã tắt ngấm. Trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nước này khẳng định luôn coi trọng các giá trị nhân quyền trong các mối quan hệ ngoại giao, đồng thời sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để thúc đẩy tự do, bao gồm ngoại giao song phương, can thiệp đa phương, hỗ trợ nước ngoài, báo cáo và tiếp cận công chúng, hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng thực tế, từ ngày Việt Nam tham gia sâu rộng vào tiến trình hội nhập khu vực và thế giới, Hà Nội đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội cải thiện tình trạng nhân quyền trong nước, vì lợi ích của chính người dân. Đó là những điều khoản cam kết về nhân quyền trong các hiệp định thương mại  mà Việt Nam phải tuân thủ, nếu muốn làm ăn với các đối tác lớn trên thế giới. Tuy vậy, trong hàng chục năm qua, Việt Nam đã cố tình phớt lờ thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền của mình (7). Vẫn còn đó những quan ngại cho rằng, sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ, chính quyền vẫn sẽ không nương tay bắt bớ và trấn áp mọi tiếng nói phản biện và các hoạt động của xã hội dân sự. Wait and see! ___________ Tham khảo:  Shakespeare: “Whats in a name? That which we call / A rose by any other name would smell as sweet”.         (6 – 7) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/will-upgraded-us-vietnam-relation-help-improve-human-rights-in-vietnam-08092023130201.html  
......

Hàn quốc xứng đáng là một cường quốc

Bạch Cúc Thật không may, thời gian họp Trại Hướng Đạo Thế Giới tại Hàn Quốc với hơn 45.000 người ở 158 quốc gia cùng tham dự đã chịu sự bất lợi về thời tiết. Đúng thời điểm này Hàn Quốc đang phải hứng chịu một đợt nắng nóng kỷ lục. Hầu hết trại sinh của các quốc gia Châu Âu + Mỹ đã rất khó khăn để thích nghi dưới cái nắng gay gắt và dữ dội nên đã phải rời trại. Chính phủ Anh, Mỹ... đã phải quyết định đưa đoàn của mình đến một nơi khác để đảm bảo sức khỏe cho đoàn sinh vì đã có rất nhiều trại sinh phải cấp cứu vì sốc nhiệt!    Thông tin từ đoàn Việt Nam cho hay: các đoàn sinh vẫn trụ vững về sức khỏe và cả sự nhiệt huyết. Tuy nhiên, các hoạt động ngoài trời bị giảm bớt và cắt bớt rất nhiều, các em chủ yếu ở trong lều và vẫn sinh hoạt với rất nhiều hoạt động lý thú + giao lưu cùng các nước bạn. Tuy nhiên, trên các trang mạng đã lan truyền khá nhiều thông tin "phẫn nộ" về sự yếu kém trong khâu tổ chức của chính phủ Hàn Quốc, khiến tôi ít nhiều cũng lo lắng cho đoàn Việt Nam. May thay, thông tin phản hồi từ đoàn VN khẳng định chính phủ Hàn Quốc đã dốc hết sức làm mọi cách để đối phó với cái nắng gay gắt, ví dụ: tạo nên các mảng xanh bằng những vật liệu chịu nhiệt cấp tốc, tăng cường dinh dưỡng đến mức dư thừa thực phẩm, cung cấp đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho trại sinh!   Chúng ta có thể hiểu và đồng cảm cho Hàn Quốc. Để tổ chức một Trại Họp Bạn Quốc Tế có quy mô và số lượng lớn nhất từ trước tới nay ắt hẳn khâu chuẩn bị vô cùng khó khăn và vất vả. Và nếu có những sự cố ngoài ý muốn, những đáp ứng không hoàn hảo thì cũng rất nên phải thông cảm cho họ bởi: làm sao chu đáo hoàn thiện, không sơ sót cho được khi phải đón tiếp 45.000 người tụ họp về một nơi với những hoạt động kéo dài tới 12 ngày. Ấy vậy mà, những khó khăn đã không dừng lại ở đó:   Ngay trong lúc này, Hàn Quốc dự báo sẽ phải hứng chịu siêu bão - Khanun!   Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới đã phải sơ tán khẩn cấp. Thông tin này khiến tôi phải rơi nước mắt vì tiếc và lo lắng nhưng không còn cách nào khác: an toàn và tính mạng con người là quan trọng nhất và tôi phải khâm phục đất nước Hàn Quốc bởi:   Để đối phó với cơn bão, họ đã phải sơ tán người dân của rất nhiều vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Bão có thể làm thiệt hại đến cơ sở vật chất, hạ tầng và nhất là tính mạng của người dân. Ấy vậy mà, ngoài việc chuẩn bị đối mặt với siêu bão, họ còn phải đảm bảo an toàn cho 45.000 người của 158 nước bạn. Đây không còn gọi là việc bắt buộc phải làm mà còn là danh dự quốc gia của Hàn Quốc!   Tôi thiết nghĩ: tổng thống Hàn Quốc và bộ máy Chính phủ của ông ấy đã và đang làm việc hết tốc lực, huy động mọi nguồn lực để đối phó với siêu bão và sắp xếp chỗ di trú - di tản Trại Họp Bạn. Đất nước này dự báo sẽ đối diện với thảm họa của thiên nhiên mà vẫn phải ưu tiên hàng đầu cho 45.000 người của 158 quốc gia đang có mặt tại Hàn Quốc. Trách nhiệm này vô cùng lớn lao, nó mang tính Quốc Thể: là danh dự, uy tín của quốc gia trên mọi phương diện, nhất là trong quan hệ với 158 nước bạn, và: chắc chắn Hàn Quốc sẽ làm được và làm tốt hơn cả mong đợi!   Ngay tối nay, đoàn Việt Nam đã di trú về thành phố Daejeon gần Seoul. Các em vẫn được tham dự các hoạt động bổ ích trong nhà, tham quan Seoul và các vùng lân cận. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết làm tất cả mọi thứ tốt nhất để phục vụ cho 45.000 người phải di tản khỏi Trại Họp Bạn. Thông tin cho hay đoàn Việt Nam đã được bố trí nơi ở rất tốt, sạch sẽ và tiện nghi, được cung cấp thực phẩm và suất ăn chất lượng tuyệt hảo. Đây là một nỗ lực vô cùng lớn lao cho thấy cái tầm và tâm của đất nước Hàn Quốc! Cũng thật tiếc khi Trại Họp Bạn Thế Giới phải thay đổi toàn bộ kế hoạch, lịch trình vì lý do thiên tai khẩn cấp, nhưng trong ít ngày qua các em cũng đã được tham dự rất nhiều hoạt động lý thú. Dù sao đây cũng là trải nghiệm chỉ có 1 lần duy nhất trong cuộc đời và sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí các em suốt cuộc đời còn lại!   Chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho Hàn Quốc, mong cho cơn bão chóng qua đi và không để lại thiệt hại nặng nề. Bài viết này như lời cảm ơn đến Tổng Thống và Chính phủ Hàn Quốc: trong những ngày qua đích thân vợ chồng Tổng Thống đã đến Trại Họp Bạn để khai mạc, vấn an, và xin lỗi vì đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra do vấn đề khắc nghiệt của thời tiết. Và cho tới nay, với những gì Hàn Quốc đang thể hiện để đối phó lại với siêu bão, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng sinh hoạt cho 45.000 người của 158 quốc gia thì đã đủ chứng tỏ:   Hàn Quốc xứng đáng là một cường quốc! *** Bạch Cúc TRẠI HỌP BẠN HƯỚNG ĐẠO THẾ GIỚI Chúc mừng con trai, con đã qua tới Hàn Quốc để tham dự Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới (World Scout Jamboree) lần thứ 25 (1.8 - 12.tại khu vực đê chắn sóng dài nhất thế giới Saemangeum thuộc tỉnh Bắc Jeolla. Trại Họp Bạn Hướng Đạo TG diễn ra 4 năm một lần, đây là lần thứ 2 Hàn Quốc đăng cai tổ chức, lần đầu vào năm 1991. Sự kiện lần này có quy mô tham gia cao kỷ lục, với hơn 45.000 thanh thiếu niên đến từ 158 nước.   Hướng Đạo (Scout Movement) là một phong trào thanh thiếu niên có phạm vi toàn cầu với mục đích giúp giới trẻ trong việc phát triển tâm linh, tâm trí, sức khỏe, hoàn thiện mọi kỹ năng sống nhằm mục đích xây dựng xã hội. Trước 1975, phong trào Hướng Đạo tại VN phát triển mạnh mẽ, là thành viên của Tổ chức phong trào Hướng Đạo Thế Giới. Nhưng sau 1975, hoạt động này bị cấm tại VN và gần đây mới được khôi phục lại, nhưng hình như vẫn chưa được cấp phép hoạt động chính thức. Do thế, với hơn 300 thanh thiếu niên của Đoàn VN có mặt tại Hàn Quốc dự trại họp mặt Quốc tế lần này, đó là một sự kiện to lớn và là một nỗ lực vô cùng lớn lao của những người nhiệt tâm, những "Viên gạch lót đường" đã đóng góp cả cuộc đời, cố gắng hết sức khôi phục lại phong trào Hướng Đạo tại VN. Tôi thật lòng tri ân họ !   Điều kiện để được tham dự trại Hướng Đạo Quốc tế vô cùng nghiêm ngặt, họ giới hạn độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, xê dịch 1 ngày cũng không được. Và 4 năm mới tổ chức một lần + rất nhiều điều kiện khác thế nên có những em, có những người đã tham gia phong trào Hướng Đạo cả đời cũng không có cơ hội được tham dự. Nhất là từ sau 1975 đến nay, sau 48 năm bị cấm đoán, Đoàn Hướng Đạo VN đã làm đơn với sự can thiệp của Quốc tế để xin gia nhập lại tổ chức Hướng Đạo Thế Giới. Và đây là lần thứ 2 nhưng chính thức là lần đầu tiên Đoàn Hướng Đạo VN tham dự một cách mạnh mẽ với hơn 300 đoàn viên có mặt tại Trại Họp Bạn Hướng Đạo Thế Giới lần thứ 25 tại Hàn Quốc. Vậy nên, đây là một cơ hội quý giá, một may mắn và cả niềm tự hào không những của riêng mẹ con tôi mà còn là của tất cả thành viên Đoàn Hướng Đạo VN!...   Chia sẻ thật lòng với các bạn, tôi không ép con học thật giỏi để lấy thành tích ở trường mà tôi cố gắng cho con học các kỹ năng sống, bổ sung những điều cần thiết và vô cùng quan trọng để đứa nhỏ có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Động viên và ủng hộ con tham gia phong trào Hướng Đạo là một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi. Việc tham dự sinh hoạt Hướng Đạo là hoàn toàn miễn phí, và con tôi được học rất nhiều kỹ năng để trưởng thành và ra đời làm công dân tốt của xã hội.   Tôi khuyến khích các bạn hãy cho con em mình tham dự Hướng Đạo, đứa trẻ sẽ nhận lại được những lợi ích vô cùng to lớn không thể đong đếm được. Hiện nay ở các tỉnh thành đều có những đội nhóm Hướng Đạo sinh hoạt ở công viên thường xuyên vào chủ nhật, bạn hãy đăng ký và trao cho con mình một cơ hội trưởng thành hiếm có này.   Cuối cùng, mẹ chúc con trai có 14 ngày trải nghiệm quý giá tại Hàn Quốc, con được mở mắt nhìn ra thế giới và được giao lưu văn hóa với 158 nước bạn cùng tham dự. Mẹ vô cùng hạnh phúc vì đây là một cơ hội lớn cho cả cuộc đời con mà người khác khó có thể có được. Chắc con đã biết chúng ta vất vả thế nào trong hơn 1.5 năm qua để chuẩn bị cho chuyến đi này: từ rèn luyện thể lực, trau dồi kỹ năng cho đến việc dành dụm tài chính. Con hãy tận hưởng từng giây phút quý báu này vì nó chỉ đến 1 lần duy nhất trong cuộc đời con. Các con hãy nỗ lực hết sức mình trong tất cả mọi hoạt động để ngang tài ngang sức cùng 152 nước bạn nhé!   Xin chân thành cảm ơn những lão thành đã khôi phục phong trào Hướng Đạo tại VN; Những thành viên của Ban tổ chức đã đấu tranh không mệt mỏi để được cấp phép chuyến đi này; Những cô chú, anh chị Huynh trưởng Hướng Đạo Sài Gòn và nhất là tại Đà Nẵng... Tất cả vì lòng nhiệt tâm đã giúp sức hết mình cho các em tới Hàn Quốc thuận lợi và bình an.   Xin tri ân tất cả   https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10223203757746739&id=1367142784&mibextid=Nif5oz Bạ
......

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ẩn náu tại Đức

VNTB - Hiếu Bá Linh (Biên dịch)   Bà Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn tại đây. Bà Nhàn và 7 nhân viên của bà dường như đã được thông báo trước và đã trốn ra nước ngoài. Bà Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn tại đây. Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn – nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác đơn này. Và Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh báo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp tiếp theo. "Chính phủ Liên bang Đức sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức", Bộ Ngoại Đức viết. Cảnh sát Đức cũng đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về tình trạng nguy hiểm của bà. Nhật báo TAZ của Đức ra hôm nay 7-8-2023 có đăng một bài viết dài chiếm cả trang 3, trang dành cho chủ đề thời sự đặc biệt, tường thuật về vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang ẩn trốn tại Đức và ngay trang đầu tờ báo, với hình TBT Nguyễn Phú Trọng in lớn chiếm nửa trong báo, trên đó in hàng tít “Lời chào thân ái từ Berlin” (ám chỉ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017) để giới thiệu bài báo ở trang 3: “Bài báo độc quyền của tờ TAZ: Cơ quan mật vụ Việt Nam dường như đang truy lùng tại Đức một phụ nữ Việt có nhiều thế lực, người được cho là có liên quan đến các vụ đấu đá chính trị. Cơ quan an ninh Đức báo động - ký ức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh năm 2017 được đánh thức”. Sau đây là trích dịch những phần chính của bài báo: Sáu năm trước, mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức phản nghịch ở Berlin. Nhưng giờ đây vụ bắt cóc có thể lặp lại. Vì lại một lần nữa, một người đang bị Hà Nội truy lùng đã sang Đức ẩn náu, lần này là một phụ nữ: Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Phụ nữ này cũng đang phải đối mặt với số phận tương tự. Phụ nữ 54 tuổi này đóng một vai trò quan trọng ở Việt Nam: Bà đem đến đất nước thứ hàng hóa mà quốc gia Đông Nam Á này đáng lẽ ra không được phép mua, chủ yếu là vũ khí. Bà là nữ thương gia ngoại thương, ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, bà còn nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và một chút tiếng Trung. Bà là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, một công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, nhưng cũng hoạt động trong các dự án xây dựng trong nước. Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng có tiếng tăm trên quốc tế. Một học viện Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự. Năm 2018, bà cũng vinh dự được chính phủ Nhật trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật. Bà cũng được cho là có quan hệ tuyệt vời với Israel. Kế toán trưởng của AIC, Đỗ Văn Sơn, bị dẫn độ về Việt Nam từ nơi ông ẩn trốn. Nhưng, vào tháng 5 năm 2022, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một số nhân viên của công ty AIC và các chính trị gia y tế địa phương bị lệnh bắt tạm giam với cáo buộc gian lận và tham nhũng trong đấu thầu xây dựng bệnh viện. Bà Nhàn và 7 nhân viên của bà dường như đã được thông báo trước và đã trốn ra nước ngoài. Kế toán trưởng của AIC, Đỗ Văn Sơn, đã bị dẫn độ về Việt Nam từ nơi ông ẩn trốn, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vào tháng 6 năm 2023. Cơ sở cho việc dẫn độ là một thông báo truy nã từ chính phủ Việt Nam thông qua Interpol, một "truy nã báo đỏ", như Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã xác nhận với tờ báo TAZ của Đức. Hiện người đàn ông này đang bị giam giữ tại Việt Nam. Một nhân viên khác trốn thoát sang Mỹ (Nguyễn Đăng Thuyết, giám đốc công ty Thành An Hà Nội) được biết là Việt Nam đã tìm cách dẫn độ về nước, nhưng không thành công. Số phận của 5 người trốn thoát còn lại thì hiện không được biết. Tuy nhiên, những người này đã bị tòa án Việt Nam kết án vắng mặt với án tù dài hạn vào tháng Giêng năm nay. Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sếp AIC, bị kết án nặng nhất với 30 năm tù vì gian lận và tham nhũng trong thủ tục đấu thầu. Bà còn bị khởi tố ít nhất trong một vụ án khác. Tài sản không nhỏ của bà, trong đó có một biệt thự bên hồ ở Hà Nội, đã bị tịch thu. Từ tháng 5/2022, Việt Nam nỗ lực truy tìm Nguyễn Thị Thanh Nhàn với áp lực cao. Báo chí gần đây cho rằng bà Nhàn đang trốn tránh trách nhiệm cá nhân bằng cách bỏ trốn - “do đó phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”. Với những phát biểu tương tự hồi năm 2016 và 2017, Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã và sau đó bị bắt cóc, đã bị đặt ngoài vòng pháp luật (tức là bị đặt trong tình trạng hoàn toàn không có quyền và sự bảo vệ của luật pháp). Trong cả hai trường hợp, chính quyền Việt Nam đã biết từ lâu rằng những người họ truy nã là đã trốn sang nước ngoài. Mặt khác, các phương tiện truyền thông Israel cho rằng đằng sau lệnh bắt giữ bà Nhàn có cuộc tranh giành quyền lực giữa lãnh đạo đảng và thủ tướng về việc mua vũ khí. Israel đã phát triển thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người môi giới các thương vụ quan trọng tại đây. Đó là gồm các phương tiện bay không người lái (drone), hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Công an đầy quyền lực Tô Lâm muốn giao dịch mua vũ khí với các đối tác truyền thống là Nga, Trung Quốc ... - cũng bởi vì người của phe ông kinh doanh tốt ở đó với tư cách là người môi giới và vì Nga là đối tác không thể thiếu để đào tạo Hải quân Việt Nam. Bộ Ngoại giao Đức cảnh cáo Việt Nam: "Chính phủ Liên bang Đức sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức" Theo thông tin của tờ TAZ, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn tại đây. Trước đó, bà được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang sống. Mật vụ Việt Nam cũng được cho là biết về việc bà đang ở Đức. Đại sứ quán Việt Nam tại Đức không trả lời các câu hỏi của tờ TAZ về việc này. Riêng bà Nhàn thì tờ TAZ không liên lạc được. Nhà chức trách Đức nhận thức rõ về tình huống nguy hiểm của phụ nữ 54 tuổi này. Cụ thể, cả Bộ Ngoại giao và cơ quan an ninh đều không muốn bình luận về vụ việc, vì trên nguyên tắc, dữ liệu cá nhân không được phép đưa ra ngoài. Tuy nhiên, theo thông tin của tờ TAZ, một số cơ quan đang bận rộn với vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, họ nhận thấy mối đe dọa thực sự. Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn – nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác đơn này. Giới chức chính phủ Đức cho biết, kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, tất cả việc dẫn độ về Việt Nam, trên nguyên tắc nói chung, đều bị từ chối. Và Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp tiếp theo. "Chính phủ Liên bang Đức sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức", Bộ Ngoại Đức viết. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng Việt Nam sẽ dám làm thêm một vụ bắt cóc nữa – mặc dù bị thảm họa ngoại giao sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Cường độ của việc truy tìm kiếm người phụ nữ, mà hiện đang là phụ nữ Việt Nam bị truy nã gắt gao nhất, đã cho thấy điều nêu trên. Hơn nữa, thực tế là sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, cơ quan mật vụ Việt Nam đã bắt cóc hai công dân Việt Nam khác từ Thái Lan. Năm 2019 là nhà báo Trương Duy Nhất, và năm nay là blogger Đường Văn Thái. Cả hai hiện đang bị cầm tù tại Việt Nam. Lần này cơ quan an ninh Đức đã được cảnh báo – khác với năm 2017 trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Hồi đó, hầu như không ai có thể tưởng tượng được rằng mật vụ Việt Nam bắt cóc một người từ Đức. Ngay cả khi nữ luật sư của Trịnh Xuân Thanh báo tin với cảnh sát Berlin về việc thân chủ của bà mất tích, bà có yêu cầu xem xét rằng có thể cơ quan mật vụ Việt Nam đã bắt cóc ông ta, nhưng cảnh sát được cho là đã bác bỏ khả năng đó. Lần này thì khác: Theo thông tin của tờ TAZ, cảnh sát Đức đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cảnh báo về tình trạng nguy hiểm rằng cơ quan mật vụ Việt Nam đang truy tìm bà. Liệu điều đó có hữu ích gì cho bà Nhàn hay không, trong những tuần tới sẽ cho thấy. ______________ Nguồn: TAZ (báo trên mạng): https://taz.de/Drohende-Entfuehrung.../!5952435/  
......

Threads khác Twitter như thế nào?

Lương Thái Sỹ Trong vòng chưa đầy 24 giờ, ứng dụng Threads của tập đoàn Meta ra mắt vào ngày 5 Tháng Bảy đã có hơn 30 triệu người dùng đăng ký, dẫn đầu bảng xếp hạng lượt tải của các cửa hàng ứng dụng và trở thành chủ đề trên… Twitter, mạng xã hội mà nó đang hy vọng sẽ qua mặt. Threads là ứng dụng truyền thông xã hội mới nhất của công ty Meta và ứng dụng này cho phép người dùng đăng văn bản, ảnh, liên kết và video. Không rõ liệu Threads có thể duy trì tốc độ phát triển hiện nay không nhưng theo các nhà phân tích và nhà đầu tư, thành công ban đầu có thể thu hút các nhà quảng cáo nếu nền tảng này đạt đến quy mô đủ lớn để họ tham gia. Molly Lopez, CEO của công ty quảng cáo Sparo cho biết: “Nguồn năng lực khổng lồ mà Threads có mà Twitter không có chính là sự kết nối có sẵn này. Đa số 30 triệu người dùng đến từ Instagram, Facebook và WhatsApp của Meta. Threads cho phép người dùng đăng nhập bằng tài khoản Instagram của họ. Đây là yếu tố quan trọng để tăng số người dùng nhanh chóng. Sự cất cánh nhanh chóng của Threads khiến Elon Musk rơi vào thế phòng thủ. Meta đã chuẩn bị kỹ cho ngày ra mắt Threads trong khi Twitter gần đây phải đối mặt với bất ổn khi áp dụng chính sách mới giới hạn số lượng bài đăng có thể xem hàng ngày. Vài giờ sau khi Threads hoạt động, Musk, tweet mỉa mai: “Thà bị người lạ tấn công trên Twitter còn hơn là đắm chìm trong niềm hạnh phúc giả tạo trên Instagram ẩn giấu nỗi đau”. Ngày 6 Tháng Bảy, một luật sư của Twitter đã gửi thư tới Meta, gọi Threads là “kẻ bắt chước” và cáo buộc Meta  thuê hàng chục cựu nhân viên Twitter để xây dựng Threads. “Twitter dự định vận dụng quyền sở hữu trí tuệ và yêu cầu Meta thực hiện ngay lập tức các bước cần thiết để ngừng dùng bất kỳ bí mật thương mại nào của Twitter” – bức thư viết. Andy Stone, phát ngôn viên của Meta phản ứng trên Twitter: “Không ai trong nhóm kỹ thuật Threads là cựu nhân viên Twitter, vì vậy đây không phải là vấn đề!”. Threads và Twitter khác biệt điểm nào? Trước hết, Threads có lợi thế là được liên kết với Instagram (cần có tài khoản Instagram để đăng ký Threads), với trọng tâm chính là chia sẻ các đoạn văn bản ngắn. Người dùng có thể đăng tối đa 500 ký tự hoặc chia sẻ video dài tối đa năm phút. Nhìn bề ngoài, Threads là một bản sao của Twitter, nhưng có một số khác biệt. Vì Threads được liên kết rất chặt với tài khoản Instagram nên người dùng không cần tìm bạn bè và những người khác để theo dõi. Những người mà bạn đã chặn trên Instagram vẫn như thế và bạn có thể chia sẻ Threads với Stories trên Instagram của mình. Threads tương thích với ActivityPub, một giao thức mạng xã hội phi tập trung (cùng một giao thức được Mastodon sử dụng). Điều đó có nghĩa việc lưu trữ các tài khoản, gồm cả những người theo dõi được thực hiện trên những máy chủ độc lập, thay vì các máy chủ do một công ty duy nhất điều hành. Đây cũng là cách Meta điều hành Facebook và Instagram. ActivityPub cho phép người dùng tự do hơn trong việc lấy thông tin và người theo dõi khi rời dịch vụ, và xem các bài đăng từ các mạng truyền thông xã hội có hỗ trợ giao thức. Cuối tuần trước, Twitter giới hạn số lượng bài đăng người dùng có thể đọc ở mức 600 bài mỗi ngày đối với các tài khoản chưa được xác minh và 6.000 bài đối với những người trả phí đăng ký hàng tháng. Threads không áp đặt giới hạn tương tự. Hạn chế của Twitter cũng là cơ hội tiềm năng cho các đối thủ cạnh tranh như Mastodon, Bluesky, Spill. Có một số tính năng mà người dùng Twitter từng mong đợi sẽ có trên Threads. Ví dụ nguồn cấp dữ liệu người theo dõi; Nút chỉnh sửa; Số lượng ký tự với dấu hiệu thông báo bạn sắp đạt đến giới hạn 500 ký tự; tìm kiếm bài đăng. Những người nổi tiếng nào đang có trên Threads? Thời điểm hiện tại, trên Threads người dùng chưa thể nghe Shakira, Nick và Joe Jonas hát; chưa nghe Ellen DeGeneres và Jack Black kể chuyện cười; chưa có trực tuyến những chương trình Netflix; chưa thể xem Shake Shack làm bánh mì kẹp thịt hoặc nhìn American Airlines cất cánh… Nhưng những tên tuổi quen thuộc với công chúng và công ty lớn đang tham gia rất nhanh. Quyền riêng tư trên Threads thì sao? Nếu dùng Facebook hoặc Instagram, bạn đã biết những ứng dụng này tích lũy khá nhiều dữ liệu về bạn theo thời gian. Threads chỉ là một ứng dụng khác cung cấp cùng kho dữ liệu đó. Meta có thể thu thập vô số dữ liệu trong các ứng dụng của họ, từ Sức khỏe & Thể chất, Mua hàng, Thông tin tài chính, Vị trí, Danh bạ của bạn… Threads có đến hai chính sách quyền riêng tư: Chính sách quyền riêng tư của Meta và chính sách bổ sung mới dành riêng cho Threads do tích hợp ActivityPub sắp tới. Threads cũng cho phép bạn chỉ định tài khoản và bài đăng của mình ở chế độ công khai hoặc riêng tư.      
......

Tại sao Trung cộng có thể cài cắm bản đồ đường lưỡi bò vào các ấn phẩm văn hóa thế giới?

Xuân Sơn Võ Ở đây tôi dùng từ Trung cộng, là để chỉ chính quyền Trung quốc dưới sự quản lí của đảng cộng sản. Phim ảnh Hollywood là những ấn phẩm văn hóa lớn của thế giới, có mức độ phổ biến lớn. Tỉ lệ những ấn phẩm điện ảnh Hollywood có doanh thu cao (tức là được phổ biến rộng rãi) là rất lớn. Chính vì vậy, việc có thể dự phần vào các ấn phẩm văn hóa đó, như tham gia vào việc diễn xuất, quay phim… đã rất là khó khăn. Vậy mà, Trung cộng còn có khả năng thay đổi kịch bản, và lũng đoạn cả kịch bản để đưa bản đồ có đường lưỡi bò của họ vô. Câu trả lời đầu tiên cho câu hỏi, tại sao Trung cộng có thể cài cắm bản đồ có đường lưỡi bò vào các ấn phẩm văn hóa thế giới, là họ giỏi hơn chúng ta. Rõ ràng là chúng ta chỉ mong mỏi được dự phần ở những phần ít quan trọng nhất của một bộ phim Hollywood, như ngoại cảnh, mà còn rất khó khăn để đạt được. Trong khi đó thì Trung cộng đã có khả năng chi phối cả kịch bàn, đưa thứ họ muốn và có lợi cho họ vô phim để cả thế giới thấy. Trung cộng giỏi hơn chúng ta, tại sao vậy? Họ có thông minh hơn chúng ta không? Trước đây, khi việc du học còn khó khăn, cả Việt nam và Trung quốc đều đưa những người xuất sắc đi du học bằng học bổng nhà nước. Ngay trong khi đất nước chúng ta còn chiến tranh, khó khăn mọi bề, thì ở những ngôi trường đều có du học sinh Việt nam và Trung quốc, du học sinh Việt nam không hề thua kém du học sinh Trung quốc ở bất cứ mặt nào. Vậy mà chúng ta vẫn cứ thua kém họ rất xa. Qua Trung quốc, nhìn thấy họ phát triển mà càng ngày càng thấy chúng ta nhỏ bé. Tại sao họ có thể phát triển như vậy? Tại sao họ có thể đe dọa soán ngôi bá chủ thế giới của Mỹ? Trung cộng cũng là một chế độ cộng sản, họ cũng tham nhũng, mà nói cho cùng, thì hầu như họ làm gì thì lãnh đạo chúng ta đều làm theo. Vậy sao họ lại mạnh lên như vậy? Có người bảo, đó là do cái đám quan chức của họ tham nhũng, nhưng ăn mà có làm, chứ không vừa ăn vừa phá, ăn thì ăn tàn mạt, phá thì phá tan hoang. Họ vắt sữa con bò, nhưng họ biết để cho con bò sống, có thể cho ra nhiều sữa, để họ ăn được nhiều hơn. Chứ không vắt kiệt con bò chỉ để thỏa mãn lòng tham của vài kẻ có quyền./.  
......

Những lý do cuộc nổi loạn tại Pháp và hướng giải quyết trong một chế độ pháp trị

Vào ngày thứ ba 27/6/23, Nahel M. một thiếu niên 17 tuổi trong vùng ngoại ô Nanterre, phía Tây Bắc Paris,  đã bị cảnh sát bắn chết, khi muốn lái xe vượt chạy khỏi sự kiểm soát của cảnh sát. Cuộc điều tra đang diễn ra và cho thấy, việc xử dụng súng không cần thiết trong biến cố này. Ngay sau đó, trong bốn ngày liên tiếp vừa qua, các cuộc bạo loạn đã xảy ra trên hầu hết các thành phố lớn tại Pháp như Paris, Lyon, Marseille, Nantes, Bordeaux, Toulouse, Lille, Strasbourg,…. Ngay khi trời tối xuống, qua các tin tụ họp, truyền đi qua mạng xã hội, các nhóm gồm hàng trăm, hàng ngàn thành phần trẻ, bịt mặt, trang bị cây sắt, cocktail molotow, chai xăng, bàn tay sắt, đã tụ tập và tan biến nhanh chóng khi cảnh sát ập tới, đập phá, đốt cháy các cửa tiệm thương mại, tiệm ăn, các bót cảnh sát, chi nhánh ngân hàng, các tòa thị xã, ngay cả các văn phòng Hồng Thập Tự, các NGO thiện nguyện, ngay các trung tâm chẩn bệnh lưu động đều bị đập phá tan tành, đốt cháy. Hàng trăm chiếc xe cá nhân và xe buýt bị đốt cháy, khiến các tuyến xe bus bị gián đoạn làm hàng chục ngàn người không có phương tiện di chuyển để đi làm. Đã có ít nhất hơn 3000 người đã bị bắt, trong đó có một số đông là thiếu niên từ 13, 14, 15 tuổi. Trong số này có một đa số thuộc thành phần da màu, sống tại các vùng ngoại ô « nóng » tại Pháp. Hơn 700 nhân viên công lực cũng bị thương trong các cuộc xô xát, săn đuổi suốt đêm với các nhóm đập phá, hôi của. Hơn 45.000 nhân viên công lực và cả xe bọc thép được bố trí tại các thành phố tại Pháp để chống bạo loạn. Hơn 200 thị trưởng đã kêu cứu chính phủ trước tình hình bạo loạn vượt khả năng kiểm soát tại địa phương quản nhiệm của họ. Mới đây mức độ bạo loạn, thách đố nhà cầm quyền đã lên cao, khi một nhóm nhỏ đã dùng xe ủi vào nhà riêng một thị trưởng vùng ngoại Nam Paris tại L’Hay Les Roses, vào đêm khuya, khiến có người vợ và 2 đứa con nhỏ trong nhà, đã phải bỏ nhà chạy trốn và bị thương nhẹ. Những vụ bạo loạn đã xảy ra nhiều lần tại trong vòng 50 năm qua tại Pháp. Sau hơn 3 năm sinh hoạt bị đình tệ vì COVID, nay các bạo loạn này đang gây nhiều tác hại về mặt kinh tế, du lịch tại Pháp, nhất là trong mùa hè với ngành du lịch rất phát triển tại Pháp. Và có thể có ảnh hưởng đến vấn đề tổ chức Thế Vận Hội 2024 tại Pháp. Có rất nhiều lý do có thể giải thích các cuộc bạo loạn này, chứ không phải duy nhất là vấn đề di dân: a) đối xử bất công đối với các cộng đồng da mầu (một hình thức kỳ thị ít lộ liễu và khó truy tìm) tiềm tàng trong các guồng máy hành chánh, hãng xưởng, b) hố sâu giàu nghèo ngày càng lan rộng, thất nghiệp hơn 30% trong giới trẻ tại các vùng ngoại ô nóng, với lợi tức từng gia đình rất thấp, so với 7% trên cả nước, c) chính sách chỉnh trang đô thị, hỗ trợ các vùng ngoại ô « nóng », hội nhập từ hàng chục năm nay không thành công, vì chỉ đi từ ngọn xuống qua một tuyệt đại thiểu số ưu tú về thể thao, âm nhạc, chứ không xuống đến số đông, d) Thái độ u lì không giải quyết vấn đề của chính giới, chủ trương khoan nhượng của giới quan tòa, vì các quan điểm về xã hội, phát triển kinh tế, hội nhập hoàn toàn khác biệt giữa các đảng phái, e) chính sách di dân (hậu quả đến từ cả một quá trình dài không kiểm soát, tuy đây không phải là vấn đề quan trọng duy nhất), f) tác động dây chuyền, lan tỏa nhanh chóng của các mạng xã hội qua các điện thoại di động. Trong một thế giới rộng mở, liên lập, và qua sự liên hệ gắn bó của sự phát triển kinh tế ngày nay với các lãnh vực khác về giáo dục, y tế, di dân, hội nhập, cần phải chủ trương một chính sách toàn diện ngay từ đầu để làm bớt đi các hậu quả xấu như đã xảy ra tại Pháp và một số quốc gia khác. a) cần cho người dân thấy nhu cầu liên đới, tương trợ cho các thành phần nghèo khổ, khốn khó cần phải được chia xẻ và quảng bá rộng rãi, chứ không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, một số địa phương, thành phần dân tộc gánh chịu, b) cần có một chính sách dài hạn hội nhập cụ thể với ngân sách, phương tiện về giáo dục, y tế, nhà cửa, đối xử công bằng, tôn trọng nhân phẩm, c) kiểm soát chính sách di dân, chấp nhận những nạn nhân bị đàn áp, tù đày nhưng cần sàng lọc những người di dân, muốn đến định cư, ngày nay không có một quốc gia nào dù giàu có đến đâu cũng không thể nào, mở rộng cửa cho làn sóng di dân, d) cần một chính sách thông tin, giáo dục phổ quát, để cho mọi người dân (bản xứ hay di dân) đều phải có trách nhiệm và bổn phận khi được hưởng các tiện nghi về giáo dục, y tế, nhà cửa, an ninh tại quốc gia tiếp cư, e) Tiến hành một chính sách giáo dục phổ thông, đại chúng, để cho giới trẻ nhận thức ra ngay, nhu cầu liên đới, tôn trọng nhân phẩm, những giá trị tinh thần cao đẹp, ngay ở tuổi nhỏ nhất, để cùng thăng tiến. Đó là những hướng Việt Tân chủ trương để nhằm giải quyết từ gốc rễ những mầm mống bạo loạn như vừa thấy tại Pháp, tuy nhiên có thể xảy ra tại bất cứ quốc gia nào, trong tình hình thế giới ngày nay.   Ks Nguyễn Ngọc Bảo  
......

Hãy tắt điện thoại

Timothy Trinh    Thủ tướng Anthony Albanese đã đưa ra một cảnh báo vào thứ Sáu tuần trước, yêu cầu người Úc “tắt điện thoại” trong nỗ lực để tránh nguy hiểm từ "hackers". “Chúng ta cần huy động khu vực tư nhân. Chúng ta cũng cần huy động người tiêu dùng,” ông Albanese nói. “Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. Điều đơn giản là tắt điện thoại của bạn mỗi đêm trong năm phút. Đối với những người đang xem nội dung này, hãy làm điều đó 24 giờ một lần". Tại sao bạn nên tắt điện thoại 5 phút mỗi ngày một lần? Mặc dù tắt điện thoại và khởi động lại hàng ngày có vẻ như là một việc cơ bản, nhưng nó có thể làm nên điều kỳ diệu để ngăn chặn tội phạm mạng khỏi thiết bị của bạn. Thông thường, các ứng dụng và quy trình đang chạy ẩn trên điện thoại hoặc máy tính của bạn, ngay cả khi bạn không sử dụng. Nếu kẻ xấu hoặc "hackers" giành được quyền truy cập vào các ứng dụng và quy trình đó, họ sẽ có thể bắt đầu theo dõi bạn và thu thập dữ liệu của bạn, bao gồm bằng cách truy cập thông tin tài chính và tài liệu nhận dạng hoặc thậm chí kiểm soát webcam hoặc camera điện thoại của bạn. Khởi động lại điện thoại sẽ buộc đóng bất kỳ ứng dụng và quy trình nào đang chạy trong nền, giúp khởi động hiệu quả bất kỳ ai có thể đang theo dõi chuyển động của bạn qua mạng. Priyadarsi Nanda, một chuyên gia về an ninh mạng tại Đại học Công nghệ Sydney, đã giải thích như sau: “Nếu có một quy trình đang chạy từ phía đối thủ, thì việc tắt điện thoại sẽ phá vỡ dây chuyền. Ngay cả khi chỉ trong thời gian tắt điện thoại, nó chắc chắn sẽ khiến hacker tiềm năng thất vọng". “Nó có thể không bảo vệ bạn hoàn toàn, nhưng (khởi động lại) có thể khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn (đối với tin tặc)”. Tiến sĩ Arash Shaghaghi, giảng viên cao cấp về an ninh mạng tại Đại học NSW của Úc, cho biết việc khởi động lại hàng ngày là bước đầu tiên tốt để “khuyến khích người dùng áp dụng biện pháp vệ sinh mạng tốt” vì việc ngắt kết nối có thể giảm thiểu một số rủi ro nhất định. Dựa vào mức độ mà nhân loại đang sử dụng điện thoại thông minh trong cuộc sống, nhiều người không tắt điện thoại trong cả năm. Vì thế, đòi hỏi để tắt điện thoại cho dù mỗi ngày 5 phút có thể là một việc quá khó... trừ khi người ta thấy được lợi ích của nó. Ừ thì, ngẫu nhiên... hôm nay cũng là ngày tắt điện thoại. Người Đà Lạt Xưa  
......

Người tị nạn Việt Nam vượt biên vào Anh sẽ bị chuyển sang Châu Phi

Người nhâp cư được chăm sóc y tế tại một trại tạm ở Calais, Pháp hôm 19/8/2015. Đây là nơi nhiều người tị nạn tìm đến trước khi vượt biển sang Anh - Reuters RFA Những người Việt tị nạn vượt biên trái phép vào Anh đang đối mặt với nguy cơ bị đẩy sang nước Rwanda ở Châu Phi theo một thỏa thuận giữa chính phủ Anh và Rwanda đạt được hồi năm ngoái. Theo Reuters, chính phủ của Thủ tướng Rishi Sunak hôm 26/6 ước tính chi phí chuyển mỗi một người tị nạn như vậy sang Rwanda sẽ tốn của Anh khoảng 169.000 bảng (tương đương 215.035 đô la). Khoản tiền này bao gồm mức trả trung bình là 105.000 bảng cho mỗi một người tị nạn cho chính phủ Rwanda, 22.000 bảng cho chi phí máy bay, 18.000 bảng cho các chi phí về tư pháp. Anh đẩy những người tị nạn sang Rwanda với hy vọng đây là biện pháp ngăn cản họ tìm đường đến Anh. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí giữ những người tị nạn tại Anh cũng đang tăng cao. Hồi tháng 6 năm ngoái, chuyến bay đầu tiên chở những người tị nạn từ Anh sang Rwanda không được thực hiện ở phút cuối khi Tòa Nhân quyền Châu Âu có phán quyết yêu cầu chặn việc trục xuất những người này cho đến khi có các kết luận cuối cùng liên quan đến các hành động tư pháp ở Anh. Hồi tháng 12 năm ngoái, tòa tối cao ở London ra phán quyết rằng chính sách đẩy người tị nạn sang Rwanda là hợp pháp nhưng quyết định này đã bị những người tị nạn từ các nước Syria, Sudan, Iraq, Việt Nam và các tổ chức nhân quyền phản đối. Tính đến cuối năm ngoái, đã có 45.000 người tị nạn vượt biển vào Anh, chủ yếu là từ Pháp. Năm nay, tính đến lúc này, con số người vượt biển vào Anh tị nạn là 11.000 người.
......

Quân Wagner ngưng tiến về Moscow

AP Yevgeny Prigozhin, chỉ huy lính đánh thuê nổi loạn hôm thứ Bảy 24.6.2023 cho biết, ông đã ra lệnh cho lính đánh thuê của mình ngừng hành quân đến Moscow và rút lui về các trại dã chiến ở Ukraine, dường như để xoa dịu một cuộc khủng hoảng leo thang đáng kể vốn là thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Vladimir Putin trong hơn hai thập kỷ cầm quyền của ông. Moscow đã chuẩn bị cho sự xuất hiện của các lực lượng từ Tập đoàn Wagner bằng cách dựng lên các trạm kiểm soát với xe bọc thép và quân đội ở rìa phía nam của thành phố.Quảng trường Đỏ đã bị đóng cửa và thị trưởng kêu gọi những người lái xe tránh xa một số con đường. Nhưng Prigozhin tuyên bố rằng trong khi người của ông chỉ cách Moscow 200 km (120 dặm), ông quyết định quay trở lại để tránh "đổ máu Nga". Ông không nói liệu Điện Kremlin có đáp ứng yêu cầu của ông về việc phế truất Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hay không. Không có bình luận ngay lập tức từ chính phủ của Putin. Thông báo này được đưa ra sau một tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng ông đã đàm phán một thỏa thuận với Prigozhin sau khi thảo luận vấn đề này với Putin. Văn phòng của ông Lukashenko cho biết Prigozhin đã đồng ý tạm dừng bước tiến trong một thỏa thuận được đề xuất bao gồm đảm bảo an ninh cho quân đội Wagner./.
......

Kiêu binh Wagner?

Nguyen Khan Đường đường là một nước lớn mà sử dụng các nhóm lính đánh thuê, tức xã hội đen, hoạt động song song với bộ quốc phòng nhằm thực hiện những quyền lực ngầm của tổng thống, thì nhà nước đó chẳng khác một băng đảng du côn ? Ở VN một thời có nạn kiêu binh làm điêu đứng dân sinh. Sự kiêu binh ấy là do chúa Trịnh sử dụng lính Thanh, Nghệ… chống lại thế lực của vua Lê, bảo vệ phủ chúa. Công trạng và sự trung thành của họ (lính Thanh, Nghệ) được chúa Trịnh ưu ái cho hưởng nhiều đặc quyền, dẫn đến kiêu binh, lộng quyền, đỉnh điểm là kiêu binh nổi loạn giết quận Huy. Là kiêu binh, song lính Thanh, Nghệ vẫn là lính chính quy của phủ chúa, chứ không phải lính đánh thuê như Wagner của Yergeny Prigozhin. Nói thế để thấy rằng, việc Tổng thống Nga Putin lạm dụng xã hội đen làm những chuyện phi pháp, ném đá giấu tay, không chỉ gây binh biến ở Syria, một số nước Trung Đông và Phi Châu… Mà còn gây binh biến ở Donbas hồi 2014 để lấy cớ can thiệp vào Ukraina. Và trong cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina, các nhóm lính đánh thuê, quan trọng nhất là nhóm Wagner PMC của Prigozhin, đã hoạt động song song với lính chính quy Nga trong việc xâm lược Ukraina. Chính Wagner đã chiếm được Bakhmut, trong khi bộ quốc phòng Nga của Sergei Shoigu không làm được. Chiến công của Wagner quá lớn nên Wagner và lãnh đạo Prigozhin của Wagner trở thành một lực lượng kiêu binh đáng gờm, khiến người thành lập và điều khiển trực tiếp Wagner là Tổng thống Putin phải bị trả giá. Hiện ông Putin đang mất ăn mất ngủ, vì đoàn quân Wagner đang trên đường kéo về Moscow làm loạn ? Đúng là Putin lạm dụng sức mạnh của chó để gia tăng quyền lực đen, thì nay đang bị chó liếm mặt. Còn quá sớm để đưa ra bất cứ nhận định nào, vì đang loạn tin. Cần thêm thời gian để đánh giá tác hại của kiêu binh với Putin, và Ukraina “hưởng sái” gì trong sự cố kiêu binh ấy ?  
......

Nga được gì khi phá đập Nowa Kachowka

Leonhard Landes (WELT) Nguyễn Xuân Hoài (lược dịch) Một vụ nổ lớn đã phá hủy đập Kakhovka ở miền nam Ukraine. Kẻ nào chịu trách nhiệm về hành động này? Chuyên gia an ninh và cố vấn chính trị Nico Lange cho rằng Nga đã có một "hành động tuyệt vọng". Ông giải thích Nga được lợi lộc gì từ hành động này.   WELT: Thưa ông Lange, ai đứng sau vụ phá đập Nowa Kachowka?   Nico Lange: Kể từ mùa thu năm ngoái, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy phía Nga đang chuẩn bị cho nổ tung con đập này. Bằng cách phá hủy con đập, Nga có thể câu giờ và tước đi các lựa chọn phản công của Ukraine ở khu vực này. Giờ đây họ có thể sử dụng các nguồn lực từ phía tây nam để củng cố tiền tuyến ở khu vực Zaporizhia, và có thể cả ở phía đông, bởi vì không còn bất kỳ mối đe dọa nào về việc Ukraine thực sự băng qua Dnepr   WELT:Nhưng liệu nước tràn dâng có thể cầm chân quân đội Ukraine trong hơn một vài ngày? Lange: Những hành động tuyệt vọng như vậy có khả năng phá vỡ động lực và giành thời gian về chiến thuật để tổ chức lại lực lượng của chính mình. Sự chậm trễ một vài ngày có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể cho Nga. Chúng ta biết đã có những ví dụ lịch sử: Vụ nổ đập Urfttal và việc đóng đập Schwammenauel đầu năm 1945 đã trì hoãn đáng kể bước tiến của quân Mỹ qua vùng Rur. Trong kế hoạch quân sự của mình Ukraine chắc chắn đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy. Việc Nga đưa ra lựa chọn này ít nhất cũng sẽ gây ra một số khó khăn cho cuộc phản công của Ukraine.   WELT: Việc phá hủy con đập này cũng ảnh hưởng đến sự cung cấp nước cho bán đảo Crimea đã bị sáp nhập vào Nga. Đó có phải là lập luận để bác bỏ sự cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy con đập?   Lange: Nga không kiểm soát hồ chứa nước này và kênh đào nối liền kể từ khi sáp nhập bất hợp pháp Crimea, nhưng từ năm 2022, khi quân đội của họ tiến đến vùng này. Về trung hạn, việc phá hủy sẽ gây ra vấn đề đối với việc cung cấp nước cho Crimea và cả Berdyansk bị chiếm đóng, nhưng điều này không có ý nghĩa quyết định đối với Nga.   WELT: Nga trước đây đã cáo buộc Ukraine tấn công đập bằng bệ phóng tên lửa Himar. Liệu Himars hoặc pháo binh có thể phá hủy một cấu trúc như thế nào vào thời điểm này không?   Lange: Theo những gì tôi biết, Himar đã bắn trúng cầu Antonivka gần Kherson. Cây cầu này được biết là đã bị hư hại nhưng không bị phá hủy. Tôi không biết về bất kỳ cuộc tấn công nào của Himars vào đập Nowa Kachowka. Không có bằng chứng nào trong các video về con đập cho thấy đây là các cuộc tấn công bằng pháo binh hoặc Himar. Với quy mô lớn của con đập, những cuộc tấn công bằng pháo binh sẽ là không đủ. Rõ ràng sự tàn phá không xảy ra từ trên cao, mà ở sâu hơn bên dưới, có thể trong một khoang để tua-bin.   WELT: Hậu quả của việc phá hủy con đập đối với người dân Ukraine và mặt khác đối với kế hoạch quân sự của Ukraine là gì?   Lange: Hậu quả nhân đạo lớn nhất là đối với người dân Ukraine ở các khu vực do Nga chiếm đóng ở tả ngạn sông Dnipro, ở khu vực phía đông nam Kherson. Bởi vì, thật không may, người ta phải cho rằng quân chiếm đóng Nga sẽ rút đi, nhưng sẽ không giúp đỡ dân thường Ukraine. Về kế hoạch quân sự, tôi nghĩ đó là một trong những kịch bản mà Ukraine đã tính đến. Ukraine sẽ có cách để đối phó.   WELT: Quân đội Ukraine có thể đối phó như thế nào?   Lange: Ukraine có thể phải trì hoãn phản công, giống như quân Đồng minh đã làm ở Rur. Do các hoạt động của Ukraine đang diễn ra, tôi không muốn đưa ra đánh giá công khai về các chi tiết có thể.   WELT: Hậu quả của việc phá hủy con đập của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia do Nga kiểm soát là gì?   Lange: Có rất nhiều đồn đoán về nhà máy điện hạt nhân này. Hồ chứa của đập thực sự thuộc về dự trữ cung cấp nước cho nhà máy điện hạt nhân. Nhưng nhà máy điện ở Enerhodar, cách đó khoảng 140 km về phía thượng lưu. Con sông chảy thẳng qua nhà máy điện hạt nhân và hiện đang cung cấp đủ nước. Các bể chứa nước làm mát của nhà máy điện hiện đã đầy và tại thời điểm này không có kịch bản nào có thể lường trước được rằng sẽ cần phải dự trữ thêm nước.   Nico Lange đã làm việc cho sáng kiến “Zeitwende” tại Hội nghị An ninh Munich kể từ tháng 7 năm 2022  
......

Hà Nội ân xá cho hai công dân Úc bị tuyên án tử hình nhân chuyến thăm của Thủ tướng Úc

Trang tin ABC của Úc hôm 5/6 có cuộc phỏng vấn với Thủ tướng Úc Anthony Albanese khi ông vừa về nước sau chuyến thăm Việt Nam hồi cuối tuần qua và được ông cho biết ông đã đưa đề nghị lên Thủ tướng Việt Nam vào buổi sáng và vào trưa ngày hôm qua, Chủ tịch nước đã ký các quyết định ân xá cho hai công dân Úc bị tuyên án tử hình. Danh tính của hai công dân Úc này không được tiết lộ theo yêu cầu của gia đình.  Được biết trong chuyến thăm VN lần này, Thủ tướng Anthony Albanese đã viện trợ 105 triệu đô la Úc cho Việt Nam. Liên quan đến trường hợp ông Châu Văn Khảm (74 tuổi), người đang thụ án tù 12 năm với cáo buộc "Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, Thủ tướng Úc cho biết ông cũng đã có đề nghị riêng biệt. Ông nói với ABC: “Chúng tôi đã có đề nghị thay mặt cho ông Châu Văn Khảm, người bị kết án với tội danh khác. Đó là một trường hợp khác. Chúng tôi theo đuổi việc chuyển tù nhân và rất hy vọng vào trường hợp này”. Trước chuyến thăm của Thủ tướng Úc tới Việt Nam, nhiều lời kêu gọi phóng thích các công dân Úc đang bị giam giữ ở Việt Nam đã được đưa ra bao gồm cả trường hợp của ông Châu Văn Khảm. Chính phủ Úc và các dân biểu Úc đã nhiều lần lên tiếng về trường hợp của ông Khảm kể từ sau khi ông bị kết án vào năm 2019 nhưng chưa thành công./.
......

Thông cáo của các nhà lãnh đạo G7 về vấn đề biển Đông

Timothy Trinh    Các nhà lãnh đạo của bảy nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới G7 đã tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 vô hiệu hóa các yêu sách hàng hải rộng lớn của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh ngừng quân sự hóa Biển Đông, nơi họ đã xây dựng các căn cứ quân sự trên các thực thể được cải tạo. "Chúng tôi nhắc nhở Trung Quốc về sự cần thiết phải duy trì các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và tránh đe dọa, ép buộc, hăm dọa hoặc sử dụng vũ lực," các nhà lãnh đạo G7 cho biết trong một thông cáo được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh 2023 tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản. “Không có cơ sở pháp lý nào cho các yêu sách hàng hải mở rộng của Trung Quốc ở Biển Đông và chúng tôi phản đối các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.” “Chúng tôi nhấn mạnh tính chất phổ quát và thống nhất của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tái khẳng định vai trò quan trọng của UNCLOS trong việc thiết lập khuôn khổ pháp lý chi phối mọi hoạt động trên biển và đại dương.” “Chúng tôi nhắc lại rằng phán quyết do Tòa án Trọng tài đưa ra vào ngày 12 tháng 7 năm 2016 là một cột mốc quan trọng, ràng buộc về mặt pháp lý đối với các bên tham gia các thủ tục tố tụng đó và là cơ sở hữu ích để giải quyết tranh chấp giữa các bên một cách hòa bình.” “Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao trùm, thịnh vượng, an toàn, dựa trên pháp quyền và bảo vệ các nguyên tắc chung, bao gồm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, các quyền tự do cơ bản và nhân quyền.” Người Đà Lạt Xưa  
......

Liệu nền dân chủ có trở lại với Thái Lan?

Lý Thái Hùng Đúng 5 giờ chiều ngày 14 tháng 5, 2023 giờ địa phương, Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia Thái Lan tuyên bố đóng cửa 95.137 địa điểm bỏ phiếu, để bắt đầu kiểm phiếu cuộc bầu cử 500 dân biểu Hạ viện gồm 400 bầu theo đơn vị và 100 bầu theo danh sách của gần 70 đảng tham gia cuộc bầu cử. sáng ngày 15 tháng 5, theo báo cáo sơ khởi của Ủy Ban Bầu Cử Quốc gia thì đảng Move Forward (đảng Tiến Lên) đứng vị trí số 1 giành được 151 ghế Hạ viện cùng với 14 triệu cử tri ủng hộ. Trong khi đảng Pheu Thai chỉ đạt 141 ghế Hạ viện với 10,6 triệu cử tri ủng hộ đứng hàng thứ hai. Còn lại theo thứ tự thì đảng Bhumjaithai về hạng ba chiếm 71 ghế Hạ viện, đảng Palang Pracharath về hạng tư chiếm 40 ghế Hạ viện, Đảng Thống Nhất Quốc Gia Thái Lan của đương kim Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đứng hạng năm chiếm 36 ghế Hạ viện với 4,6 triệu cử tri ủng hộ. Rõ ràng là cử tri Thái Lan đã muốn “giã từ” thời kỳ chi phối của phe thân quân đội. Tuy nhiên kết quả này cũng đã đặt cho người Thái một số vấn đề khá hóc búa. Thứ nhất là theo Hiến pháp Thái Lan, lãnh đạo của bất cứ đảng phái nào muốn được bầu làm thủ tướng phải có ít nhất trên một nửa trong tổng số 750 phiếu bầu từ  Lưỡng viện gồm: Hạ viện (500 ghế) và Thượng viện (250 ghế). Điều trớ trêu tại Thái Lan là 250 ghế Thượng viện đều do Quân đội Hoàng gia Thái bổ nhiệm nên lãnh đạo đảng Move Forward hay đảng Pheu Thai muốn trở thành thủ tướng phải có ít nhất 376 phiếu bầu từ Hạ viện vì không thể mong chờ từ khối quân nhân nằm ở Thượng viện. Hiện nay, đảng Move Forward và đảng Pheu Thai sẵn sàng liên minh nhưng cũng chỉ mới đạt được 292 phiếu nên cần phải có thêm 84 phiếu nữa. Đảng Move Forward đang nhắm đến 4 đối tác ngoài đảng Pheu Thai là đảng Bhumjaithai (71 ghế Hạ viện), đảng Prachchart (9 ghế Hạ viện), đảng Thai Sang Thai (6 ghế Hạ viện) và Thai Liberal and Fair (1 ghế Hạ viện). Với khí thế hiện nay, dư luận nghĩ rằng ông Pita Limjaroenrat (42 tuổi) sẽ trở thành tân thủ tướng trong 4 năm tới. Thứ Hai là sự liên minh giữa các đảng nói trên sẽ đụng ngay đến vấn đề chính sách. Trong cuộc bầu cử vừa qua, sở dĩ đảng Move Forward đã vượt qua đảng Pheu Thai chiếm vị trí số 1 vào tuần lễ cuối của cuộc bầu cử vì chủ trương của Move Forward đã lôi cuốn hàng triệu người trẻ muốn thay đổi hiện trạng chính trị tại Thái Lan. Ba điểm nổi bật trong chính sách tranh cử của đảng Move Forward là: 1) Sửa Hiến pháp, sửa Luật khi quân (chống đối Hoàng gia Thái không thể là bị đi tù vì tội khi quân); 2) Chấm dứt nghĩa vụ quân sự; 3) Tăng cường luật chống độc quyền và tăng cường pháp quyền. Nói một cách khác, đảng Move Forward đã đưa ra thông điểp “cải cách” chế độ Hoàng gia Thái và sự chi phối của quân đội Hoàng gia vào nền chính trị của đất nước. Trong khi đó, đảng Pheu Thai lại “thiên” về chủ nghĩa dân túy qua ba chủ trương nhằm lấy lòng người dân nghèo: 1) Thanh toán kỹ thuật số (digital) 10.000 Baht cho người Thái từ 16 tuổi trở lên; 2) Biến Thái Lan thành trục không lưu khu vực ASEAN; 3) Tăng gấp đôi mức lương tối thiểu từ 600 Baht vào năm 2027. Còn đảng Bhumjaithai thì chủ trương: 1) Ủng hộ nông dân và bảo hộ giá nông sản; 2) Hoãn trả nợ trong vòng 3 năm. Thứ ba là chủ trương của đảng Move Forward tuy được lòng giới trẻ nhưng sẽ là mối đe dọa quá lớn đối với cách hoạt động của nền chính trị truyền thống ở Thái khi tìm cách làm giảm các quyền lực của Hoàng gia. Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra đã bị quân đội truất phế vào năm 2007 và đang sống lưu vong tại Dubai cũng vì chủ trương “giới hạn” quyền lực của Hoàng gia Thái. Ngoài ra, đảng Move Forward có thể chịu chung số phận của đảng tiền thân của mình là đảng Future Forward ra đời trong cuộc bầu cử năm 2019 và giành được 80 ghế Hạ viện đứng hàng thứ hai sau đảng Pheu Thai vào lúc đó; nhưng đến đầu năm 2020, tòa Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết giải thể đảng Future Forward vì bị cáo buộc nhận các nguồn quỹ “bất hợp pháp” từ người sáng lập đảng là ông Thanathorn Juanroongruangkit. Dư luận lo ngại là với chủ trương cải sửa “Luật khi quân” trong Hiến Pháp sẽ khó cho đảng Move Forward vận động đủ túc số 376 phiếu để nắm chính quyền. Nếu trường hợp này xảy ra thì có thể đảng Pheu Thai sẽ từ bỏ liên minh với đảng Move Forward để kết hợp một phần của phe quân đội (như đảng Palang Pracharath của đương kim Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwon)  để nắm quyền như tin đồn đã tung ra trước những ngày bầu cử. Đến tháng 8 này, tân Quốc hội Thái mới chính thức chọn lựa tân thủ tướng, nên 6 đảng đối lập gồm đảng Move Forward, Pheu Thai, Bhumjaithai, Thai Sang Thai, Prachachart, Thai Liberal and Fair còn hơn hai tháng để thảo luận về những đồng thuận chính trị trong thế liên minh cầm quyền, nhằm đưa Thái Lan trở lại vị trí của một quốc gia dân chủ và ổn định, dựa trên ý nguyện của người dân. Nhiều người vẫn còn phập phồng lo sợ về nỗi ám ảnh quá khứ rằng liệu đảng Move Forward có thể sống sót trước những đe dọa của phe Hoàng gia sẵn sàng dựng chuyện tố cáo vi phạm luật bầu cử để bị giải tán như đảng tiền thân của nó là Future Forward bị giải tán vào năm 2020 hay không. Hay tệ hơn, đường phố Bangkok lại tái diễn những cuộc biểu tình lớn làm tê liệt Bangkok và khiến quốc gia này một lần nữa rơi vào vòng xoáy xung đột? Tuy nhiên, việc đa số giới trẻ Thái Lan đã sử dụng lá phiếu của mình để ủng hộ cho đảng Move Forward là một bằng chứng cho thấy là dù phe quân đội và Hoàng gia cố dùng những phép thuật để giữ quyền lực, nhưng giới trẻ vẫn có một tương lai lâu dài và tươi sáng ở phía trước. Họ nắm trong tay quyền lực thay đổi, và những thành phần bảo thủ không ý thức được nhu cầu thay đổi của đất nước sẽ đương nhiên bị đào thải./.  
......

Thôi xong! Chia buồn với Nga

Xuân Nghĩa Lê Euronews đưa tin - Hôm nay, Thụy Sĩ đã phê chuẩn việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Cả hai viện của quốc hội Thụy Sĩ đã bỏ phiếu sửa đổi luật về vật liệu quân sự. Điều này sẽ cho phép chuyển giao vũ khí cho Ukraine trong thời gian sắp tới. Từ đầu cuộc chiến đến nay, Thuỵ Sĩ kiên quyết thực hiện nguyên tắc trung lập trong chiến tranh của mình. Vì vậy họ kiên quyết từ chối cung cấp và cũng ko cho phép quốc gia thứ 3 cung cấp vũ khí cho Ukraine, trừ viện trợ nhân đạo Thuỵ Sĩ hiện là quốc gia đang lưu trữ nhiều nhất đạn dùng cho pháo phòng không tự hành Gepard, và sở hữu dây chuyền sản xuất loại đạn này. Cùng đó là xe tăng Leopard 2. --------------   Bich Nguyen X Gói viện trợ lớn nhất của Đức cho Ukraine. Spiegel đưa tin, Đức sẽ cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự lớn nhất kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Gói 2,7 tỷ € sẽ bao gồm: 1- 20 IFV Marder. 2- 30 xe tăng Leopard 1A5. 3 - 4 hệ thống phòng không IRIS-T-SLM (12 bệ phóng cùng hàng trăm tên lửa). 4- 200 UAV trinh sát. 5- 100 xe chiến đấu hạng nhẹ. 6- 100 xe hỗ trợ hậu cần. 7- Một lượng lớn đạn dược. Ngoài ra, Đức sẽ chuyển thêm 15 hệ thống phòng không Gepard cho Ukraine, từ kho dự trữ chiến lược. Ai bảo là Đức giúp đỡ Ukraine còn quá ít.  
......

“Khi mặt trận Donbass bị vỡ thì chiến tranh sẽ chấm dứt“

Leonhard Landes (WELT)   Marcus Keupp cho rằng Ukraine sẽ tạo đột phá, đánh thẳng xuống Biển Đen, phía nam Zaporizhia, qua Meletopol Về nhân vật: Marcus Keupp là giảng viên tại Học viện Quân sự ETH Zurich. Sinh ra ở Đức, ông di cư sang Thụy Sĩ năm 2004 Theo chuyên gia kinh tế quân sự Marcus Keupp tại trường ETH Zurich thì Nga sẽ thua cuộc chiến tranh ở Ukraine trong tháng 10 này. Ông đã giải thích về dự đoán của mình trong một cuộc phỏng vấn của báo WELT. Theo đó Ukraine đang dương đông kích tây, tung tin thất thiệt để gây nhiễu loạn ở Nga, trong khi Moscow đang có sự tranh giành quyền lực.   WELT: Quân đội Ukraine tung tin đã giành được lãnh thổ ở phía nam Bakhmut hôm thứ tư. Yevgeny Prigozhin, ông chủ của Wagner, nói binh lính chính quy Nga đang tháo chạy. Tình hình thực hư thế nào, thưa ông? Marcus Keupp: Chúng ta đều biết Prigozhin lắm chiêu trò, hay làm ầm ĩ. Nhưng lần này ông ta đúng. Cuộc tấn công diễn ra ở sườn phía nam của Bakhmut, không phải trong thành phố. Có thể Ukraine đang đánh vu hồi, thốc vào hai bên sườn. Nhìn vào bản đồ ta thấy quân Nga đang thọc sâu vào mặt trận Ukraine. Ukraine cho đến nay đã trấn giữ rất thành công, nay muốn băng qua lính đánh thuê Wagner và khép vòng vây. Nhưng tôi không nghĩ rằng lúc này họ có khả năng về mặt hậu cần để thực hiện ý đồ này.   WELT: Liệu cuộc tiến công ở hai bên sườn là một phần trong nỗ lực tổng tấn công của Ukraine, điều mà thiên hạ đã nói rất nhiều ? Keupp: Tôi không nghĩ vậy. Lúc này mọi người đều biết Wagner chiến đấu như thế nào. Những kẻ ở tuyến đầu chỉ là vật hy sinh, họ là tốt thí. Sau các làn sóng thứ tư, thứ năm mới xuất hiện quân thiện chiến, bọn này được đào tạo bài bản, được trả lương cao gấp bốn, năm lần. Song lần này thì khác. Trong một video của lữ đoàn Ukraine, người ta thấy quân Nga đã thực sự tháo chạy. Điều này cho thấy trên mặt trận này không có lực lượng chủ lực thiện chiến. Trong khi đó lính đánh thuê Wagner lại tập trung ở thị trấn Bakhmut và bảo vệ cánh trái cho quân đội chính quy của Nga. Người ta tự hỏi: Lính Wagner lúc này mạnh đến đâu? Điều này trong thực tế không được phép xẩy ra. Quân đội phải có lực lượng dự bị ở tuyến sau để sẵn sàng đánh trả những mũi thọc sâu của quân địch.   WELT: Tuần trước Prigoschin nổi điên nổi khùng dọa sẽ lui quân của ông ta ra khỏi Bachmut, sau đó ông ta đã rút lại lời hăm dọa. Hôm thứ ba ông ta lại lu loa tấn công giới lãnh đạo quân sự Nga. Sự tranh giành quyền lực này thực sự nghiêm trọng đến mức nào? Keupp: Có sự khác biệt cơ bản giữa tấn tuồng tuần trước và những gì Prigoschin vừa nói mới đây. Tuần trước Prigoschin la ó chủi bới bộ trưởng quốc phòng Schoigu, Gerasimov và ca cẩm, khiếu nại về việc cung cấp quá thiếu đạn dược cho quân đánh thuê của mình. Vở kịch mới đây thực ra là PR cho sự cạnh tranh chính trị. Trong hệ thống cai trị của Putin, có sự cạnh tranh để giành lấy sự ưu ái về vật chất và nguồn lực của "Dedushka", ám chỉ biệt danh của Putin. Putin sẽ là người quyết ai được gì. Trong video ngày 9 tháng 5, "Ngày Chiến thắng" của Nga, Prigozhin lần đầu tiên đã xúc phạm một cách thô lỗ "Dedushka", không rõ liệu đây có phải gã cố ý nói đến Putin hay không, nhưng mọi người đều hiểu như vậy. Nếu thế thì rủi ro sẽ rất lớn. Tôi đoan chắc Prigozhincó thể đã suy đoán những thay đổi chính trị có thể sớm diễn ra. Có lẽ anh ta đang kiếm chỗ, xếp hàng chuẩn bị cho các cuộc đấu tranh quyền lực tiềm ẩn. Dù sao thì ngày hôm qua anh ta đã công bố một “cuộc thăm dò ý kiến” trên kênh Telegram của mình, tự đôn mình là anh hùng chiến tranh và tự phong mình là chính trị gia Nga được yêu thích nhất sau Putin. Trong hệ thống của Nga luôn phải có một nhân vật nào đó có quyền sinh quyền sát. WELT: Tức là một sự tranh dành quyền lực sau Putin? Keupp: Không nhất thiết phải là sau Putin. Chỉ cần tỏ ra nghi ngờ Putin là đủ. Trong hệ thống của Nga luôn phải có một nhân vật đứng đầu, tiếng Nga gọi là "Nachalnik" dịch theo nghĩa đen là ông chủ hoặc người đứng đầu. Ngay khi có chút nghi ngờ "Nachalnik" không còn là "Nachalnik" nữa thì ngay lập tức dao đã kề cổ rồi. Đó là một chủ đề cổ xưa xuyên suốt lịch sử nước Nga. Và bất cứ khi nào có những biến động như vậy trong lịch sử nước Nga, chúng đều diễn ra nhanh chóng và dữ dội. Prigozhin có thể đang suy đoán hoặc hành động hướng tới điều gì đó như vậy. Có thể suy đoán, Prigozhin là một điểm yếu của Putin WELT: Cách đây ít lâu, ông đã dự đoán về sự kết thúc chiến tranh. Cụ thể là Nga sẽ thua trong cuộc chiến vào tháng 10 tới. Keupp: Tôi muốn nói một cách chi tiết hơn. Khi tôi nói Nga sẽ thua trong cuộc chiến này, không có nghĩa tất cả người Nga đã ra đi hoặc cuộc chiến đã kết thúc hoàn toàn ở mọi nơi. Tôi tin rằng một tình huống quân sự sẽ phát sinh mà Nga không thể cầm cự được nữa; tương tự như năm 1944 ở Châu Âu. Khi đó cuộc chiến bị thất bại về chiến lược và quân sự. Lựa chọn duy nhất còn lại là liệu những nguồn lực cuối cùng có bị hy sinh một cách vô nghĩa hay người ta tự nguyện rút lui. Năm 1944, Adolf Hitler đã chọn cách thứ nhất, kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Putin sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn tương tự. WELT: Ông có thể đưa ra một bài toán để giải thích cho dự báo của mình? Keupp: Tôi lấy xe tăng làm nền tảng. Theo ước tính từ các Viện như IISS hoặc Cơ quan Quốc phòng Thụy Điển FOI, tôi cho rằng sẽ có khoảng 2900 xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga hoạt động trước ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tỷ lệ tiêu hao trung bình đối với xe tăng chiến đấu chủ lực là năm chiếc mỗi ngày. Dữ liệu đến từ blog Oryx, trong đó tổn thất được tính bằng tài liệu ảnh hoặc video được định vị địa lý. Điều này cho phép người ta biết khi nào nguồn dự trữ sẽ bị cạn kiệt. Vì vậy, nguồn lực đang dần trở nên mỏng. Điều này cũng thể hiện qua cuộc duyệt binh ngày 9 tháng 5, cả ở Moscow và các thành phố khác của Nga, nơi vẫn còn tổ chức diễu binh. WELT: Có nhiều đánh giá bi quan hơn từ những nhân vật không bị nghi ngờ là tuyên truyền viên của Nga. Chẳng hạn, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông này cho rằng một cuộc chiến tranh có thể kéo dài "rất, rất, rất nhiều" năm. Liệu ông Stoltenberg có bỏ qua điều gì không? Keupp: Tôi chỉ có thể nói rằng, mong ông Stoltenberg tiết lộ các dữ liệu và con số của mình. Dựa trên cơ sở nào mà ông tin điều này? Cần biết ông ấy lập luận trên cơ sở nào? Nếu không tôi cho dự báo này chỉ là một sự đoán mò, nói theo cảm giác. Đây là một một vấn đề tôi thấy nói chung hay diễn ra trong các cuộc thảo luận ở Đức, cũng như ở các quốc gia khác. Một khi ai đó đưa ra dự báo, thì hãy nêu ra cơ sở và đưa ra dữ liệu cho dự báo đó. Tôi đã làm điều này. Tất cả những gì tôi nói, người ta có thể tính toán và xác minh. Nếu ai đó đưa ra dự đoán về cuộc chiến mà không đưa ra bất kỳ số liệu nào, thì tôi thấy không cần mất công phải bàn cãi. Nhưng tôi cũng nói rằng lịch sử sẽ phán xét tôi. Có thể tôi sai hoặc dữ liệu tôi dựa vào chưa được chuẩn xác. Tôi đã sử dụng những gì tôi tin là đáng tin cậy và khả tín vì thế tôi tin rằng dự đoán mà tôi nêu ra sẽ trở thành sự thật. "Ukraine bóp méo thông tin một cách rất chuyên nghiệp " WELT: Nga vẫn có thể tăng năng lực của mình trong ngành công nghiệp vũ khí? Có báo cáo về hoạt động ba ca tại nhà máy chế tạo vũ khí Uralvagonzavod. Keupp: Ở Nga, người ta thích kể chuyện cổ tích về những khả năng vô tận về nhân, vật lực. Nhưng rõ ràng là: một khi Nga huy động cả xe tăng chiến đấu T-55, tức là vũ khí từ thời chiến tranh Triều Tiên, thì chỉ có thể đưa ra hai kết luận hợp lý. Thứ nhất: họ không có xe tăng hiện đại hơn. Tôi nghĩ điều đó tương đối khó xảy ra. Hoặc thứ hai: Người Nga hiện có nhiều xe tăng hiện đại để trong kho, nhưng không có khả năng chỉnh trang, tu sửa chúng. Chúng ta đang nói về các hệ thống vũ khí đã không được hoạt động kể từ năm 1991, chúng nằm trong kho của quân đội. Nga có hai cơ sở bảo trì chính ở Nizhny Tagil và Chelyabinsk. Nếu chúng ta tính thật thoáng thì hai cơ sở này đạt công suất khoảng 160 xe tăng mỗi tháng. Điều đó không có nghĩa là các thành phần cần thiết đều có sẵn để giúp những chiếc xe tăng này sẵn sàng chiến đấu. Điều đó cho thấy Nga không thể có đủ xe tăng để mở các cuộc tấn công. Đây là một cái chết từ từ. WELT: Hồi tháng 3, cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev khoe Nga sẽ chế tạo 1.500 xe tăng trong năm nay. Keupp: Đó là cách tuyên truyền thông thường. Ở Nga có một khoảng cách lớn giữa lời nói hoa mỹ và thực tế cuộc sống. Người Nga thích đưa ra những mục tiêu phát triển to tát nhưng kết quả cuối cùng thường rất khiêm tốn. Đây là điển hình của triều đại Putin. Ông ta hứa sẽ cải thiện cuộc sống của dân Nga và phát triển kinh tế của Nga. Nhưng không có thay đổi là bao trong lĩnh vực này. WELT: Giới lãnh đạo Ukraine hiện đang giảm bớt kỳ vọng về cuộc tấn công mùa xuân. Đừng mong đợi bất cứ điều gì to tát, bộ trưởng quốc phòng đã nói. Theo ông thì điều gì có thể xảy ra? Keupp: Những tuyên bố này không nên được hiểu theo nghĩa đen. Ukraine đưa ra thông tin sai lệch rất chuyên nghiệp. Với mục đích gây nhầm lẫn cho người Nga. Nay họ nói thế này, mai thế khác. Đó là tuyên truyền. Họ không muốn để Nga, và cả thế giới biết cuộc tấn công chính xác sẽ diễn ra khi nào và ở đâu . Tôi đã nói nhiều lần rằng tôi trông đợi có bước đột phá của Ukraine. Đội quân máy bay không người lái Ukraine WELT: Ông trông đợi sẽ có một cú đột phá tới bờ Biển Đen, phía nam Zaporizhia, qua Melitopol. Keupp: Các điều kiện địa lý và mục tiêu chiến tranh của Ukraine đã nói lên điều đó. Nếu Ukraine tiến đến bờ Biển Đen, họ có thể bắn phá Crimea bằng pháo phản lực. Khi đó Ukraine có thể hạ gục các căn cứ quân sự ở Crimea, hậu cần của Nga sẽ sụp đổ. Điều này có nghĩa là mặt trận phía nam không còn giữ được, và khi đó mặt trận Donbass cũng sẽ sụp đổ và chiến tranh sẽ kết thúc. Kịch bản này là một trong nhiều khả năng, không ai biết liệu cuối cùng nó có xảy ra hay không. WELT: Ukraine phải tiến quân về phía nam chống lại các phòng tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Nga. Liệu mở đột phá ở đây có thực sự dễ dàng như vậy không? Keupp: Tôi muốn đề cập về hai vấn đề ở đây. Trước hết, đây không phải là một cấu trúc liên tục, kết nối liên hoàn với nhau. Điều này thậm chí không thể so sánh với chiến lũy phía Tây hoặc Phòng tuyến Maginot trong Thế chiến II. Thứ hai, một câu hỏi đặt ra mà hầu như báo chí không đề cập: Cần có bao nhiêu binh sĩ để chiến đấu trong những chiến hào này? Ngoài ra đòi hỏi về vũ khí, pháo binh và các đơn vị cơ động. Thomas Theiner (nhà sản xuất phim và chuyên gia quân sự, lưu ý) ông ta đã sử dụng sổ tay của NATO để tính toán cần bao nhiêu binh sĩ để trấn giữ một chiến hào như vậy trước một cuộc tấn công của đối phương. Con số phải có là khoảng 54.000 quân lính cho tuyến đầu dài 30 km, chưa tính quân dự bị. Nhưng chiến tuyến giữa Zaporizhia và Donetsk dài gấp năm lần. Đây mới nói về nhân lực, phải kể đến thiết bị, pháo binh và các đơn vị cơ động v.v. Nói cách khác, đào chiến hào, một cảnh quan hùng vĩ nhưng chưa đủ. Chúng ta mới đang nói về chiến tranh cơ giới cổ điển. Còn có một khía cạnh của chiến tranh hiện đại mà nhiều người chưa hiểu và ít được đề cập. Đó là đội quân thiết bị bay không người lái của Ukraine. Họ đã đào tạo khoảng 10.000 người điều khiển, họ có thể biến máy bay không người lái thương mại cỡ nhỏ thành vũ khí. Đạn pháo, lựu đạn được gắn vào những chiếc máy bay không người lái này. Tọa độ địa lý của tất cả các công trình phòng thủ được biết đến từng mét. Ngồi trong một con mương như vậy gần như là tự sát. Máy bay không người lái bay tàng hình phía trên trận địa có thể hạ gục binh lính một cách chính xác. Chúng ta sẽ còn được nghe rất nhiều về hoạt động của máy bay không người lái khi cuộc tổng phản công nổ ra...   Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)
......

Với loại vũ khí này phương Tây có thể thay đổi cục diện chiến tranh ở Ukraine

Clemens Wergin (WELT) Cho đến nay tên lửa hành trình Storm Shadow có tầm bắn xa hơn đáng kể so với bất cứ thứ vũ khí nào mà Ukraine nhận được của phương Tây Nước Anh đã cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình Storm Shadow. London lại một lần nữa vượt qua ranh giới đỏ của phương tây. Đây là loại tên lửa đầu tiên vươn xa tới tận Crimea và sâu trong lãnh thổ Nga. Một lần nữa, Anh quốc lại là người tiên phong ở phương Tây khi trang bị cho Ukraine hệ thống vũ khí hiện đại này. Các tên lửa hành trình có thể bay từ 250 đến 300 km - và do đó mở rộng đáng kể tầm bắn của các loại vũ khí phương Tây được chuyển giao cho đến nay. Cho đến nay, các đồng minh, dẫn đầu là người Mỹ, chỉ cung cấp đạn dược cho các bệ phóng rocket hiện đại như Himars hay M270 do Đức cung cấp, chỉ có tầm bắn khoảng 80 km. Từ lâu chính phủ Ukraine đã yêu cầu phương Tây cung cấp các tên lửa ATACMS có tầm bắn khoảng 300 km nhưng không được Hoa Kỳ và các đồng minh khác đáp ứng. Nay, một lần nữa, chính người Anh đang vượt qua ranh giới từng được phương Tây vạch ra và cung cấp tên lửa hành trình có tầm xa hơn. London đã hành động tương tự đối với câu hỏi về xe tăng chiến đấu hiện đại của phương Tây. Chính phủ Anh đã quyết định cung cấp xe tăng Challenger 2 sớm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Berlin và Washington sau đó vài tuần mới quyết định cung cấp xe tăng Leopard 2 và Abrams. Thực tế là Ukraine rất cần vũ khí mới bởi vì loại tên lửa Himars không còn phát huy được bao nhiêu tác dụng. Sau đợt giao hàng đầu tiên vào tháng 6 năm 2022, thời gian đầu Ukraine ban đầu đã làm suy yếu đáng kể lực lượng vũ trang Nga nhờ các cuộc tấn công chính xác vào kho đạn dược, nơi tập trung quân, trung tâm chỉ huy và các đơn vị radar. Tuy nhiên sau một thời gian người Nga đã điều chỉnh , di rời các mục tiêu có giá trị cao ra xa mặt trận. Ngoài ra Nga dường như đã thành công trong việc thao túng hệ thống GPS của tên lửa Himars, làm rối loạn thiết bị gây nhiễu. Nay Storm Shadows của Anh cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu có giá trị ở sâu phía sau chiến tuyến. Tên lửa Storm Shadow khó bị nhận dạng và đánh trả. Tuy nhiên có một số khó khăn về kỹ thuật. Tên lửa hành trình này được thiết kế để phóng từ máy bay chiến đấu của phương Tây, thứ mà Ukraine không có. Do đó cần có các bộ điều hợp phù hợp để làm cho Storm Shadow tương thích với máy bay Ukraine do Liên Xô thiết kế. Ngoài ra còn có vấn đề về trọng lượng: Theo các chuyên gia, một số loại máy bay phản lực của Ukraine như MiG-29 có lẽ không thể vận chuyển tên lửa nặng tới 1.300 kg. Loại S-24 của Ukraine thì có phần khả thi hơn. Cấu hình cơ bản của Storm Shadow có tầm bắn ngắn hơn một chút so với tên lửa ATACMS mà Ukraine yêu cầu. Nhưng nó lại có một số lợi thế khác. Tên lửa hành trình có đầu đạn song song BROACH nặng 400 kg được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố như boongke. Lượng thuốc nổ đầu tiên để xuyên thủng bức tường boong-ke, sau đó lượng thuốc nổ thứ hai tiêu diệt mục tiêu. Ngoài ra, tên lửa hành trình chỉ có dạng radar cỡ nhỏ, thích nghi với các dạng địa hình khi bay thấp. Điều này làm cho Storm Shadow khó bị radar của Nga phát hiện nên khó bị đánh chặn hơn. Với hệ thống vũ khí mới này Ukraine có thể biến Crimea thành bất khả xâm phạm đối với lực lượng Nga. Hạm đội Biển Đen hiện phải đối mặt với khả năng bị tấn công nhiều hơn do đó phải tính đến chuyên di rời các tàu và cơ sở hải quân ở Sevastopol đến Novorossiysk, một cảng ít phù hợp hơn. Cầu Kerch, tuyến đường tiếp tế quan trọng nhất từ lục địa Nga đến Crimea và sau đó đến mặt trận của Nga ở miền nam Ukraine, nay có khả năng trở thành mục tiêu đánh phá của Ukraine. London ra một số điều kiện với việc bàn giao loại tên lửa hành trình này. Nhờ có độ chính xác rất cao khả năng tiêu diệt các mục tiêu kiên cố mạnh nên Storm Shadow trở thành vũ khí chống cầu lợi hại hơn nhiều so với ATACMS. Điều đó sẽ gây rất nhiều khó khăn cho Nga trong việc giải quyết khâu hậu cần. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Wallace đã nhấn mạnh việc sử dụng Storm Shadow cũng bị hạn chế. Chính phủ Ukraine chấp nhận sẽ chỉ sử dụng loại tên lửa hành trình này để chống lại các mục tiêu của Nga trong lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, chứ không đánh phá các mục tiêu quân sự trên đất Nga. Không rõ số lượng tên lửa hành trình rất đắt tiền này sẽ được Anh cung cấp cho Ukraine là bao nhiêu. Điều đó cuối cùng phụ thuộc vào việc liệu loại vũ khí này có thể đóng vai trò quyết định trong cuộc phản công sắp tới của Ukraine hay không. Nhưng có một điều chắc chắn là: Vương quốc Anh lại một lần nữa vượt lên dẫn trước. Còn phải chờ xem sự hưởng ứng của các nước động minh Nato khác./.   Nguyễn Xuân Hoài (Lược dịch)
......

Chỉ cần một chiếc hay chỉ còn một chiếc xe Tank?

Nguyen Khan Đại lễ phô trương mừng chiến thắng ngày 9/5 thường niên của Nga năm nay chẳng khác cảnh chợ chiều. Không chỉ nghèo nàn về chiến cụ duyệt binh, hình như còn nghèo về lượng khách quốc tế, thiếu vắng nguyên thủ các nước có máu mặt, chỉ chủ yếu nguyên thủ các nước chư hầu đến dự ? Ngay cả Tổng thống Lukashenko của Belarus, chư hầu tốt nhất của Putin còn giả bệnh tránh bữa tiệc chiêu đãi, huống hồ… ? Đặt biệt, không có chiến đấu cơ (Thành tố chính khoe khoan trong các cuộc diễu binh) tham gia biểu diễn như lệ thường. Và chỉ một lão tank T-34 tham gia…   Cần biết xe tank và pháo binh là hai loại vũ khí không thể thiếu trong học thuyết chiến tranh của Liên Xô cũ và của nước Nga ngày nay. Nó quan trọng đến mức, nếu thiếu, thậm chí chỉ cần thiếu 1 trong hai… Thì học thuyết chiến tranh của người Nga sụp đổ. Nói cách khác, quân Nga có thể tấn công không cần chiến đấu cơ yểm trợ, nhưng xe tank và pháo binh thì không thể thiếu nếu không muốn quân Nga tháo chạy như vịt xụi cánh. Căn cứ những gì diễn ra trong lễ diễu binh hôm qua tại Moscow, chỉ một chiếc tank, đồng nghĩa học thuyết quân sự Nga không còn ý nghĩa, chẳng khác cảnh chợ chiều?   Việc Nga chỉ diễu binh bằng một tank T-34 có tuổi đời U90, lớn hơn tuổi tổng thống Putin gần hai thập niên, làm không ít khách quốc tế đặt câu hỏi, T-72, T-80, T-90, Armata-14…Đâu hết rồi mà để một lão tank lê lết diễu binh ? Và dĩ nhiên người Nga không thể trả lời câu hỏi nhạy cảm này, chỉ người Ukraina mới khoái chí trả lời giúp, rằng, ai muốn xem tất cả các loại xe tank của Nga, từ xe tank cổ lổ xỉ nhất cho đến xe tank hiện đại nhất, thì chịu khó đến xem Ukraina diễu binh trình diễn các chiến lợi phẩm thu được của Nga ! Hoặc lên mạng tìm trang nông dân Ukraina rao bán tank Nga… Chứ làm gì còn chiếc tank nào ở Moscow mà xem?   Việc Nga cử một lão tank-34 U90 đi diễu hành mừng chiến thắng phát xít 9/5, gợi nhớ tiểu thuyết Sông Đông Êm Đềm của Xô viết. Mô tả thời chống phát xít, thanh niên, trai tráng, người khỏe mạnh… Phải ra tiền tuyến chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu. Trong làng chỉ còn người già yếu, thương tật, bệnh đau, mất sức, phụ nữ và trẻ con… Sự khan hiếm đàn ông, đặc biệt thiếu vắng và thưa vắng đàn ông khi mùa đông phủ đầy giá băng và tuyết trắng, là lúc phụ nữ rất cần những bờ vai để dựa ấm. Và khi ấy mấy ông già nua yếu sức cỡ tuổi chiếc T-34 cũng được các chị em ở Sông Đông săn đón, chèo kéo… Vì có còn hơn không!   Chiến tranh Ukraina đang bước vào bước ngoặt mới, quân Nga xâm lược không còn khả năng đánh chiếm thêm lãnh thổ. Đến một thị trấn nhỏ như Bakhmut, dốc toàn lực nhiều tháng ròng rã mà vẫn không chiếm nỗi, thì xem như tháo chạy là việc khó tránh.   Bởi ngay cả những vùng Nga đã chiếm được như Balakliia, Kupyansk, Izium, Lyman Kherson city và Kherson oblast bên hữu ngạn sông Dnepr, quân Nga cũng không giữ được, phải bỏ của chạy lấy người… Thì Việc Nga tháo chạy chỉ còn là vấn đề thời gian.   Sau hơn một năm Putin phát động cái gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina, quân đội Nga bị Ukraina tàn phá sắc Xuân ghê gớm.   Trước ngày 24/2/2022, ngày quân Nga khởi đầu tấn công xâm lược Ukraina, chiếc tank hiện đại nhất, trẻ trung nhất, uy lực nhất của Nga là Armata-14, được cho là biểu tượng cho sắc Xuân của quân đội thần thánh Nga mạnh thứ hai thế giới…   Thì hôm qua, 9/5, ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít, quân Nga đã bị Ukraina bào mòn già nua ốm yếu chẳng khác chiếc Tank-34 tham gia diễu hành, không còn đủ sức chiến đấu, mặc tổng thống Putin hò hét, lên gân…  
......

Thấy gì khi Philippines đặt lợi ích quốc gia lên đầu?

Trần Đông A Chuyến thăm Washington vừa qua cho thấy ông Marcos Jr. đã quyền biến như thế nào khi cập nhật lợi ích quốc gia trong “bình diện địa chính trị” mới tại khu vực. Liệu Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) có rút tỉa được kinh nghiệm gì từ chuyện này không? Thỏa thuận mới nhất giữa Philippines và Hoa kỳ mang tính định hướng các nguyên tắc phòng thủ trong bối cảnh Tổng thống Marcos Jr. vừa tuyên bố, đất nước ông giờ đây đang lâm vào tình trạng “phức tạp nhất trên bình diện địa-chính trị, và vì thế điều hoàn toàn tự nhiên là Philippines quay sang một nước duy nhất đã được gắn kết với mình bằng một Hiệp ước quốc phòng”. Manila và Washington đã ký một thỏa thuận mới có tên gọi “Hướng dẫn phòng thủ song phương”. Văn kiện đã được công bố ngày 3/5 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) ký từ năm 1951, nhưng trong bối cảnh Philippines muốn làm sáng rõ hơn khi liên minh đặc biệt giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới. Tại sao phải có hướng dẫn mới? Chuyến thăm chính thức Washington từ 1/5 đến 4/5 của ông Marcos Jr. là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một Tổng thống Philippines tới Mỹ trong hơn 10 năm qua. Đây cũng là cuộc gặp mới nhất trong hàng loạt cuộc gặp cấp cao gần đây mà Philippines đã tiến hành với các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc, những cường quốc đang cạnh tranh nhau quyết liệt để giành lợi thế chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Theo hãng tin Reuteurs, mặc dù Hoa Kỳ đã trấn an Philippines rằng, quan hệ đối tác quốc phòng của họ là "vững như thép", nhưng Manila lại lập luận rằng, một Hiệp ước có tuổi đời 7 thập kỷ thì cần phải được cập nhật để phản ánh môi trường an ninh toàn cầu đã hoàn toàn thay đổi. Văn bản “hướng dẫn phòng thủ song phương” được bộ Quốc Phòng Mỹ vừa công bố hôm 3/5 nêu rõ rằng, những cam kết phòng thủ chung sẽ được vận dụng trong trường hợp một trong hai đồng minh bị tấn công quân sự “bất kỳ ở đâu trên Biển Đông”. Một chi tiết khác được đưa vào văn kiện là giờ đây các tàu tuần duyên cũng thuộc đối tượng được bảo vệ bởi Hiệp ước MDT. Điểm đáng chú ý khác là văn kiện hướng dẫn ghi nhận hai bên cần phải phối hợp với nhau để đối phó với “cuộc chiến tranh không cân xứng, chiến tranh hỗn hợp và các chiến thuật vùng xám”. Thuật ngữ quân sự “chiến thuật vùng xám” thường được Mỹ sử dụng để chỉ việc Trung Quốc dùng các phương tiện phi quân sự như tàu tuần duyên hay các đội tàu cá nhằm khẳng định những đòi hỏi lãnh thổ trong vùng Biển Đông. Chiến thuật này bao gồm cả những hành động phong tỏa, hăm dọa hay những biện pháp gây rối các hoạt động đánh bắt cá hay thăm dò khai thác tài nguyên của đối phương. Sở dĩ Philippines yêu cầu Mỹ phải cập nhật vào thời điểm hiện nay vì căng thẳng với Trung Quốc ngày càng gia tăng gần đây. Tháng trước, Philippines đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc thực hiện “các thao tác nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” cản trở cuộc tuần tra của các lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines gần Bãi Cỏ Mây – là rạn san hô do một lực lượng hải quân nhỏ của Philippines chiếm giữ và nằm cách bờ biển Philippines 105 hải lý (195 km). Vào tháng 2 trước đó, Philippines cho biết một tàu Trung Quốc đã chiếu tia laser cấp độ quân sự vào một trong các tàu tiếp tế của hải quân nước này trong cùng khu vực. Philippines và một số nước láng giềng trong những năm gần đây đã tố cáo về hành vi của lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân Trung Quốc, sau khi các tàu nhỏ hơn bị đâm, chặn hoặc bắn bằng vòi rồng. Trung Quốc, nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, rạn san hô và vùng biển cách bờ biển của họ những 1.500 km, kể cả trong vùng đặc quyền kinh tế của năm quốc gia láng giềng, thường cáo buộc các tàu khác khiêu khích hoặc xâm phạm. Hành động trong khuôn khổ pháp lý Biết được các tình huống mà Hoa Kỳ buộc phải can thiệp theo MDT có thể là một biện pháp ngăn chặn khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ lại về một số chiến lược Biển Đông để tránh đối đầu với các lực lượng Hoa Kỳ, bao gồm cả cách hành xử của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này. Nhưng Trung Quốc cũng có thể sử dụng các tàu của mình để kiểm tra các giới hạn trong cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ và cố gắng làm suy yếu liên minh, đặt Washington vào một vị trí khó xử khi họ có thể miễn cưỡng can thiệp do lo ngại về sự leo thang hoặc tính toán sai lầm. Một số nhà phân tích đã lập luận rằng Philippines và Hoa Kỳ được phục vụ tốt hơn bởi một Hiệp ước phòng thủ chung ít mơ hồ hơn. Các hướng dẫn này là lần đầu tiên kể từ khi “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) được ký kết từ năm 1951 và tuân theo hàng loạt các phản đối ngoại giao của Philippines trong năm qua về điều mà nước này gọi là các hành động và mối đe dọa “hung hăng” của Trung Quốc đối với lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này. “Hướng dẫn phòng thủ” dài 6 trang đã được nhất trí tại Washington hôm 3/5 sau các nỗ lực mới dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. nhằm cập nhật “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) với Hoa Kỳ, vào thời điểm căng thẳng gia tăng và đối đầu trên biển với Trung Quốc. Các hướng dẫn cho biết các cam kết tại Hiệp ước song phương sẽ được viện dẫn nếu một trong hai bên bị tấn công cụ thể ở Biển Đông và nếu các tàu tuần duyên là mục tiêu. Nó cũng được cập nhật để bao gồm các tham chiếu đến các hình thức chiến tranh hiện đại. Cùng với MDT, với “Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng” (VFA) ký năm 1998 và “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) ký năm 2014, tất cả tạo thành một khuôn khổ pháp lý vững chắc để Philippines từ nay sẵn sàng đối phó với “các mối đe dọa có thể phát sinh trong một số lĩnh vực – bao gồm đất liền, trên biển, trên không, vũ trụ và không gian mạng – và ở dạng chiến tranh bất đối xứng, kết hợp và bất thường và chiến thuật vùng xám, các hướng dẫn vạch ra một hướng đi để xây dựng khả năng tương tác trong cả các lĩnh vực thông thường và phi thông thường”, theo tuyên bố từ Lầu Năm Góc. Trông người mà ngẫm đến ta… Những thành tựu Tổng thống Marcos Jr. gặt hái được những qua trên đất Mỹ vừa tạo bước ngoặt thực chất, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Giới quan sát ở Việt Nam – nói một cách khách quan – nhìn mà thèm. Tất nhiên, không ai lại đi so sánh Philippinnes với Việt Nam. “Trông người đừng ngẫm đến ta/ Một dầy một mỏng biết là có nên?” (Lẩy Kiều). Giới cầm quyền ở cả hai xứ hẳn nhiên lúc nào cũng tuyên bố, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng kết quả thì như đang thấy. Nhờ xã hội có đa nguyên nên Marcos Jr. lên cầm quyền đã gần như đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, ưu tiên đối với lợi ích quốc gia chứ không đặt bảo vệ Đảng lên đầu, nên ông đã có ngay giải pháp cho hồ sơ hóc búa liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam trong khi đó, vẫn như “gà mắc tóc” trong vấn đề nâng cấp “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ. Thông thường, không nhà cầm quyền nào ngoài miệng, không mạnh mồm nói là chống nô dịch của ngoại bang. Nhưng chống xâm lược để rồi lại đặt ách nô dịch ấy lên đầu lên cổ người dân, không cho “dân mở miệng”, khác xa với chống ngoại bang vì lợi ích quốc gia – dân tộc! Điều ngạc nhiên là chính Tạp chí “Quốc phòng Toàn dân” ngay trước khi Marcos Jr. trúng cử đã có tiên lượng khá chính xác về các bước đi ngoạn mục trên chính trường Philippines. Tờ báo đánh giá rằng, “trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) thì việc quan hệ hai nước trở lại nồng ấm như trước có ý nghĩa rất lớn…” Lượng định này đáng quan tâm, vì giữa Philippines và Việt Nam, mối đe dọa từ Trung Quốc đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với mỗi nước gần như giống hệt nhau. Điều khác nhau ở đây là gì? Việt Nam “ngậm bồ hòn làm ngọt” còn Philippines thì quyết “sánh vai” cùng thời đại. Những ngày Tổng thống Marcos “tung hoành ngang dọc” tại Washington, ngồi ở Hà Nội nghe Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai “tỉ tê” với Tập Cận Bình về “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà nẫu cả diều! Trong khi đó, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tổng thống Marcos Jr. cho rằng, hiện là thời điểm để nâng cấp mối quan hệ song phương Philippines – Hoa Kỳ nhằm góp phần ứng phó nhanh hơn với những thách thức hiện tại ngày đang nổi lên. Ông Marcos cũng đề cập thỏa thuận mà ông ký hồi đầu năm nay cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Philippines, ngoài 5 căn cứ đã được chỉ định trước đó theo “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA). Nhà lãnh đạo Philippines nêu rõ việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn ở Philippines không nhằm mục đích sử dụng cho hành động tấn công bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trong những ngày trên đất Mỹ, ông Marcos cũng chẳng dấu diếm, các căn cứ này sẽ hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị tấn công./.    
......

Nhật Bản đang trở thành cường quốc quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Ảnh tư liệu : Không quân Nhật diễn tập trên vùng biển Nhật Bản ngày 25/05/2022. AP Phan Minh  - RFI Cuộc chiến tranh ở Ukraina do Nga tiến hành từ tháng 02/2022 cũng như những lo ngại xung quanh vấn đề Đài Loan là mối bận tâm lớn cũng như là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản đang thực sự phát triển quân sự trở lại kể từ sau Thế chiến thứ II. Đó là nội dung bài phân tích được đăng trên trang mạng The Conversation hôm 20/04/2023. RFI xin trích dịch. Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại Hiroshima vào tháng 5 tới là một minh chứng cho việc thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang gia tăng các hoạt động ngoại giao kể từ đầu năm 2023 : công du châu Âu và Mỹ, tổ chức hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử với Hàn Quốc, đến thăm Kiev. Trong bối cảnh Tokyo phải đối phó với những vấn đề về an ninh, mà quan trọng nhất là cuộc chiến ở Ukraina và hồ sơ Đài Loan, những chuyến công du này đi kèm với thay đổi đáng kể trong chiến lược tổng thể của xứ hoa anh đào. Vào tháng 12/2022, Nhật Bản đã công bố hai tài liệu mới liên quan đến quốc phòng, bao gồm Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lược Phòng thủ Quốc gia. Trong số các biện pháp được công bố, việc trang bị những phương tiện "phản công", tức là khả năng tấn công căn cứ của kẻ thù bằng tên lửa tầm xa, là điều được bình luận nhiều nhất. Hoa Kỳ đã đồng ý cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk cho Tokyo, một sự ưu ái cho đến nay chỉ dành riêng cho Vương Quốc Anh. Washington cũng đang tìm cách tăng cường khả năng tương tác với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (FAD) nhằm tăng cường sức mạnh răn đe của liên minh trong một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có nhiều căng thẳng. Một sự phát triển chiến lược đáng chú ý Trung Quốc và Nga đã vội lên án Tokyo "quân sự hóa một cách không kiểm soát", nhưng thật ra đây chỉ là một bước tiếp theo trong quá trình bình thường hóa bộ máy quốc phòng của Nhật Bản. Tuy nhiên, quá trình này đã không diễn ra một cách suôn sẻ. Phải chờ đến khi các mối đe dọa trong khu vực tích tụ sau các vụ bắn thử đầu tiên tên lửa đạn đạo và sau đó là tên lửa hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào năm 1998 rồi 2006 và khủng hoảng ngày càng tăng xung quanh quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) với Trung Quốc kể từ năm 2010, chính quyền Nhật Bản mới tỏ ra tích cực hơn trong việc chuyên nghiệp hóa phương tiện quân sự, đặc biệt là thông qua việc phát triển hệ thống phòng thủ chống tên lửa, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Washington đã khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ Nhật Bản để xứ hoa anh đào đạt được tư thế chiến lược vững chắc hơn ở cấp độ khu vực lẫn quốc tế. Tokyo cũng đã nhấn mạnh đến tính chất phòng thủ của việc phát triển tiềm lực quân sự, để không trái với với những ràng buộc trong Hiến Pháp Nhật Bản, trong đó có Điều 9 quy định về việc không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế và không duy trì một quân đội mà vẫn duy trì lực lượng vũ trang. Các tài liệu được công bố trong những ngày gần đây cho thấy Tokyo không ngần ngại thể hiện mình là một nhân tố chiến lược quan trọng. Nhật Bản khẳng định vai trò hàng đầu và cam kết cùng với Hoa Kỳ bảo vệ một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở và rộng hơn nữa là bảo vệ một trật tự quốc tế tự do đang bị xáo trộn do những hành vi hiếu chiến của Trung Quốc và Nga. Kế hoạch tăng ngân sách quân sự của Nhật Bản lên 2% GDP trong vòng 5 năm, so với 1% hiện tại, có thể đưa Tokyo vào danh sách 5 quốc gia có ngân sách quốc phòng hàng đầu thế giới, trong khi hiện nước này chỉ mới ở vị trí thứ 8, với ngân sách quân sự ở mức 49,3 tỷ đô la. Khai thác di sản chiến lược của Shinzo Abe Cựu thủ tướng Shinzo Abe (2006-2007 và 2012-2020), bị ám sát vào tháng 07/2022, đã tạo động lực đáng kể cho việc tăng cường sức mạnh quân sự của Nhật Bản bằng cách thông qua luật an ninh quốc gia mới vào năm 2015. Kể từ đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng vũ lực và hỗ trợ các quốc gia đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, trong một số tình huống liên quan đến lợi ích sống còn của quốc gia (đe dọa sự tồn tại của Nhật Bản, đe dọa các quyền hiến định của người dân Nhật), mà không bị giới hạn về mặt địa lý. Nghĩa là trên lý thuyết, Nhật Bản có thể triển khai lực lượng ở khắp nơi trên thế giới. Tác động của cuộc chiến ở Ukraina Cú sốc do cuộc xâm lược Ukraina của Nga tạo ra là một trong những yếu tố tác động đến việc soạn thảo các tài liệu chiến lược mới của Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Fumio Kishida là một trong những nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên cùng các nước phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt Nga, mặc dù quyết định này đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán Nhật-Nga về tương lai của Vùng lãnh thổ phương Bắc (quần đảo Kuril đối với Nga), với 4 hòn đảo đang có tranh chấp giữa hai nước kể từ năm 1945. Việc Nga dùng vũ lực ở châu Âu đã khiến chính quyền Nhật Bản hiểu rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể tấn công Đài Loan và Tokyo sẽ không thể tránh khỏi một cuộc khủng hoảng ở eo biển Đài Loan. Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản đã thấy được mức độ hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) và Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) dành cho Ukraina đã tăng lên như thế nào kể từ khi Kiev thể hiện quyết tâm chiến đấu. Tokyo tự hiểu rằng cách tốt nhất để nhận được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đối tác trong trường hợp xảy ra biến cố là thực sự phát triển tiềm lực quốc phòng của chính mình. Điều đó giải thích cho sự hiện diện của ông Kishida tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 30/06/2022 ở Madrid, cũng như nhận xét của ông về việc an ninh của châu Âu và an ninh của Ấn Độ - Thái Bình Dương có mối liên hệ với nhau. Thay đổi cốt lõi, nhưng phân tích tỉ mỉ về địa chính trị Trong tài liệu nói về Chiến lược An ninh Quốc gia mới, viễn cảnh các cuộc tấn công tên lửa nhắm vào Nhật Bản được mô tả là "mối đe dọa hoàn toàn có thể xảy ra", do đó, Tokyo cần phải cải tiến các hệ thống phòng thủ hiện có, nhất là trong bối cảnh những căng thẳng gia tăng ở khu vực gần Nhật Bản : Vào tháng 08/2022, sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn, với việc phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có 5 tên lửa rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Vụ việc này xảy ra sau nhiều vụ Trung Quốc xâm phạm không phận và hải phận của quần đảo Senkaku (mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư), nằm cách quần đảo Okinawa của Nhật Bản khoảng 410 km. Tài liệu này nhận thấy rằng các hoạt động ngoại giao và quân sự của Bắc Kinh "rất đáng lo ngại" và là một "thách thức chiến lược lớn" chưa từng có đối với Nhật Bản và cộng đồng quốc tế. Về phần Nga, kể từ khi tiến hành xâm lược Ukraina, Matxcơva đã trở thành một "mối quan ngại lớn về an ninh". Cần phải nhấn mạnh rằng chiến lược của Nhật Bản sẽ vẫn là "phòng thủ", và Tokyo sẽ chỉ "phản công" trong những tình huống hạn chế và sẽ không được phép tấn công phủ đầu. Cuối cùng, đối mặt với sự phát triển của những chiến lược hỗn hợp (can thiệp chính trị, bóp méo thông tin, tuyên truyền), Nhật Bản dự định cải thiện năng lực phòng thủ không gian và các phương tiện chống những cuộc tấn công mạng và chiến tranh thông tin. Lực lượng an ninh mạng sẽ tăng lên 4.000 người vào năm 2027, so với 800 người hiện nay. Hướng tới một “JAUKUS” ? Chính quyền Biden đã hoan nghênh các thông báo của Nhật Bản và những nét chính của Chiến lược Phòng thủ Quốc gia, có những nét giống với chiến lược mà chính Washington vừa công bố. Đối với Hoa Kỳ, vốn đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh đa chiều với Trung Quốc, điều quan trọng là tận dụng tối đa các công nghệ mới, cũng như phối hợp các năng lực vận hành và công nghệ sẵn có. Quan hệ đối tác quốc phòng AUKUS được ký kết vào năm 2021 với Vương Quốc Anh và Úc, ngoài việc phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, còn có hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực quan trọng khác như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử hay vũ khí siêu thanh. Nhật Bản và Hoa Kỳ vốn hợp tác chặt chẽ về công nghệ quân sự. Không quân Nhật Bản sử dụng chiến đấu cơ F-35 và hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis, cả hai đều do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin chế tạo. Liên minh với Hoa Kỳ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với Tokyo, vốn phụ thuộc vào thông tin tình báo và khả năng phát hiện sớm của Mỹ. Với việc mua tên lửa Tomahawk, Tokyo sẽ càng phụ thuộc vào Washington, đặc biệt là khi Tokyo có kế hoạch trang bị tên lửa này cho các tàu khu trục vốn được trang bị hệ thống chống tên lửa Aegis. Hơn nữa, các quan chức Nhật Bản sẽ không phản đối việc mở rộng các mối quan hệ đối tác, hoặc thậm chí trở thành một phần của cái gọi là “JAUKUS”. Khi cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Nhật Bản tin rằng có thể mang lại lợi thế rõ rệt cho đồng minh Mỹ, do Tokyo làm chủ các lĩnh vực tiên tiến, như trí tuệ nhân tạo, người máy, công nghệ lượng tử hoặc chất bán dẫn. Vào tháng 10/2022, trong một chuyến công du đáng chú ý tới Canberra, ông Kishida đã triển hạn một thỏa thuận cũ về chia sẻ thông tin với Úc. Thỏa thuận này đã khơi dậy những đồn đoán về việc Nhật Bản có thể trở thành thành viên của liên minh tình báo "Ngũ Nhãn" (Five Eyes), tập hợp các đồng minh thân cận nhất của Hoa Kỳ : Vương Quốc Anh, Úc, New Zealand và Canada. Tóm lại, có thể nói là thời kỳ mà Nhật Bản là "gã khổng lồ về kinh tế, nhưng lại là một chú lùn về quân sự" đã thực sự kết thúc.  
......

Ngoại trưởng Đức Baerbock truy vấn ngoại trưởng TC Tần Cương

Xuân Nghĩa Lê Ngoại trưởng Đức, người đang được châu Âu ca ngợi trong chuyến đi đến Bắc Kinh của bà Khác với sự yếu đuối của Tổng thống Pháp Macron, người đã khiến cả châu Âu phản ứng kịch liệt khi phản ánh sai quan điểm của châu Âu đối với Trung Quốc. Ngoại trưởng Đức Baerbock đã thẳng thắn quan điểm cứng rắn của mình trong chuyến đi đến Bắc Kinh. Đặc biệt tại buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương, bà Baerbok đã truy vấn đến cùng vấn đề Đài Loan và Ukaraine và không nhượng bộ. Điều này đã khiến Tần Cương lâm vào thế bí và hoàn toàn bị động. Trích màn đối đáp giữa Baerbock và Tần Cương: Nội dung thứ nhất: Vấn đề ĐÀI LOAN Tần Cương: Cũng như các nước khác, Trung Quốc bảo vệ chủ quyền & sự toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi sẽ không nhường một inch - Vấn đề nội bộ của Đài Loan, chúng tôi không cho phép nước ngoài can thiệp - Ly khai & can thiệp nước ngoài gốc rễ của vấn đề Baerbock: Sử dụng vũ lực là "không thể chấp nhận được". Điều đó sẽ: - Mất ổn định sẽ có hậu quả nghiêm trọng cho thế giới - Đặc biệt đối với quốc gia thương mại như Đức - Chúng tôi nhận ra sự nhạy cảm và tuân thủ chính sách một Trung Quốc của chúng tôi - Nhưng xung đột phải được giải quyết một cách hòa bình. Chúng tôi sẽ không chho phép và chấp nhận việc giải quyết bằng ép buộc Nội dung thứ 2: Về vấn đề Ukraine Tần Cương: - Đàm phán hòa bình là cách duy nhất - Chúng tôi có sáng kiến 12 điểm của Trung Quốc về giải pháp chính trị để đi đến hoà bình - Phải tôn trọng vấn đề cốt lõi như lãnh thổ và phải thừa nhận lợi ích an ninh của các bên Baerbock: Không đúng - Tôi tự hỏi tại sao lập trường của Trung Quốc không bao gồm yêu cầu kẻ xâm lược ngừng chiến tranh? Trong khi lại đề xuất đàm phán hoà bình? - Chuyến thăm Moscow của ông Tập cho thấy lúc này duy nhất Trung Quốc có ảnh hưởng đến Nga. Tại sao Trung Quốc không yêu cầu Nga tôn trọng chủ quyền, lãnh thổ của Ukraine? - Việc không rõ ràng của Trung Quốc với Nga có tác động trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của châu Âu Nội dung thứ 3: Không cung cấp vũ khí cho Nga Baerbock: - Quan trọng là Trung Quốc không cho phép cung cấp vũ khí cho Nga - Và ngăn chặn hàng hóa lưỡng dụng được sử dụng trong cuộc chiến này - Tôi nhấn mạnh điều này trong các cuộc đàm phán của chúng ta ngày hôm nay Tần Cương: - Chúng tôi sẽ không cung cấp vũ khí cho các bên xung đột - Sẽ giám sát hàng hóa lưỡng dụng theo quy định của pháp luật - Xem vai trò của chúng tôi là hòa bình và hòa giải - Không đổ dầu vào lửa (ngầm đá đểu việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine) Nội dung thứ 4: Về nhân quyền Baerbock: - Lo ngại không gian cho xã hội dân sự bị thu hẹp, quyền con người bị thu hẹp - Liên kết quyền con người với cạnh tranh công bằng - Báo cáo nổi bật của LHQ về Tân Cương - Kêu gọi thực hiện khuyến nghị Tần Cương: PHẢN ĐỐI VỀ NHÂN QUYỀN - Không có tiêu chuẩn chung cho việc bảo vệ quyền con người - Nước nào cũng có hoàn cảnh riêng - Trung Quốc đã chọn một hệ thống phù hợp với hoàn cảnh & nền dân chủ thực sự hiệu quả - Từ chối các “thầy giảng” từ phương Tây Baerbock: Ông đã sai - CÓ chuẩn mực chung về nhân quyền cũng như luật pháp quốc tế - tức là Hiến chương LHQ & Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền - Chúng tôi hiểu những điều này là phổ quát vì chúng ràng buộc tất cả các quốc gia của Liên Hợp Quốc - Trung Quốc không chỉ là thành viên của LHQ, mà còn là Uỷ viên thường trực thì tức đã thông qua và cam kết tuân thủ Nội dung thứ 5: Tham vọng trỗi dậy của Trung Quốc Baerbock: - Phải thành thật rằng sự trỗi dậy của Châu Âu 150 năm trước có liên quan đến chủ nghĩa bành trướng & chủ nghĩa thực dân. - Nhiều người đang hỏi Trung Quốc sẽ đi theo con đường nào để đạt được mục tiêu trở thành cường quốc toàn cầu vào năm 2049? Ông hãy làm rõ điều này Tần Cương: - Đánh giá cao những nhận xét của Baerbock về chủ nghĩa thực dân phương Tây, chủ nghĩa bành trướng - Khẳng định Trung Quốc theo đuổi phát triển hòa bình - Quan điểm của Tập về "cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại" Baerbock: - Những gì Trung Quốc đang thể hiện trong vấn đề Đài Loan, biển Đông và cả ở Nga dường như không như cam kết. Phía Trung Quốc và Nga cay cú nói rằng Ngoại trưởng Đức “thiếu tôn trọng Trung Quốc”./.
......

Ngoại trưởng Blinken: Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ một Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng và độc lập

RFA Chiều 15/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có cuộc họp báo ở Hà Nội sau một ngày gặp các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với lịch trình bận rộn, ông khẳng định Mỹ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. “Chúng tôi tôn trọng quyền của Việt Nam trong việc định hình tương lai của đất nước dưới hệ thống chính trị của các bạn. Đồng thời, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh những tiến bộ về nhân quyền trong tương lai là cần thiết để khơi mở tiềm năng của người dân Việt Nam. Đó cũng là trọng tâm của Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam,” ông Blinken nói. Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, Hoa Kỳ cam kết tiếp tục giải quyết các di sản của chiến tranh, như rà phá bom mìn và các vật liệu chưa nổ. “Vào tháng tới, chúng tôi sẽ hoàn thành cuộc khảo sát khu vực bị đánh bom nặng nề tại tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tẩy rửa các điểm nóng dioxin do chiến tranh – và tháng trước, chúng tôi đã công bố một hợp đồng mới trị giá 73 triệu đô la để xử lý đất và trầm tích bị ô nhiễm tại căn cứ Không quân Biên Hòa. Và chúng tôi đang tiếp tục công việc nhân đạo quan trọng nhằm tìm kiếm những người mất tích trong chiến tranh – bao gồm cả việc nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc xác định những người mất tích và thiệt mạng. Chúng tôi ghi nhận sự hỗ trợ lâu dài của Chính phủ Việt Nam trong việc tìm kiếm các nhân viên Hoa Kỳ đã mất trong chiến tranh. Sự hợp tác có đi có lại của chúng ta thực sự quan trọng trong việc đảm bảo các gia đình từ cả hai quốc gia có thể khép lại quá khứ,” ông Blinken cho hay theo toàn văn bài phát biểu và bản dịch của Đại sứ quán Mỹ gửi ra cho các phóng viên./.  
......

Không Thành Kế

Peter Pho Gia Cát Khổng Minh là một nhà chính trị, nhà ngoại giao cự phách, đồng thời là một trong những chiến lược gia kiệt xuất và vĩ đại bậc nhất trong thời Tam Quốc. Nhắc đến Gia Cát Lượng, quả thật khó mà kể hết được những mưu kế “quỷ khóc thần sầu” của ông từng khiến biết bao anh hùng thời Tam Quốc phải nghiêng mình nể phục. Mưu kế nổi tiếng nhất của ông chính là “Không thành kế”, chỉ dùng một tiếng đàn mà có thể đẩy lùi 15 vạn quân Ngụy. Thì nay, Tập cũng vận dụng “Không thành kế” trước Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đơn thuần chỉ mời nghe tiếng đàn, thong dong ẩm trà, nhưng bên trong chứa đựng vô vàn mưu sâu kế hiểm, dẫn dắt Macron đến đoạn đầu đài của chính trường.   Trước khi tổng thống Pháp đến thăm Trung Quốc. Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Phó Thông có khẳng định Trung Quốc không ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. ông khẳng định rằng Trung Quốc không đứng về phía Nga trong cuộc chiến và một số người "cố tình hiểu sai điều này vì điều được mô tả là mối quan hệ và tình hữu nghị 'không giới hạn'". Ông Phó nói rằng cụm từ "không giới hạn" chỉ là “tu từ” khuếch trương lên cho hay mà thôi. Điều này cho thấy Trung Quốc muốn dùng con bài châu Âu để phân hóa nội bộ phương Tây. Và việc Tập dành cho Macron sự đón tiếp trọng thị với nghi lễ cao nhất cùng một số đơn đặt hàng đã làm siêu lòng Macron. Cùng thưởng chén trà ngàn năm, nghe khúc nhạc ngàn năm từ chiếc đàn ngàn năm, cùng nhau thảo luận tiêu đề ngàn năm…cuối cùng đã khiến gã Macron thần phục trước Tập hoàng đế.   Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng "Châu Âu không nên là chư hầu của Hoa Kỳ trước xung đột giữa Đài Loan và Trung Quốc" nhận xét này của ông đã gây ra nhiều bất bình, chê trách và dư luận vẫn đang lan rộng khắp thế giới. Liên minh Nghị viện châu Âu về Chính sách Trung Quốc hôm thứ Hai (4/10) đã tuyên bố, nhấn mạnh rằng Macron không đại diện cho châu Âu và tiếng nói của người dân Đài Loan phải được tôn trọng.   Trả lời phỏng vấn của giới truyền thông trên chuyên cơ tổng thống trong chuyến trở về từ Trung Quốc, Emmanuel Macron cho rằng châu Âu nên tránh dính líu vào xung đột Mỹ-Trung về vấn đề Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh châu Âu nên độc lập về mặt chiến lược và không nên trở thành chư hầu của Mỹ.   Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền được công bố vào Chủ nhật (9/4), Macron cho biết: "Vấn đề mà châu Âu phải đối mặt là: Việc đẩy nhanh (khủng hoảng) Đài Loan có mang lại lợi ích cho chúng ta không? Không. Điều tồi tệ hơn là người châu Âu nghĩ rằng họ nên can dự vào vấn đề này. Đi theo nhịp điệu của Hoa Kỳ và điều chỉnh phản ứng thái quá của Trung Quốc."   Hơn 30 thành viên Quốc hội từ Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parliamentary Alliance on China, IPAC) đã đưa ra một tuyên bố chung vào thứ Hai, nhấn mạnh rằng những nhận xét liên quan đến Đài Loan của Macron không đại diện cho châu Âu và sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo rằng lập trường của Bắc Kinh về sự xâm lược Đài Loan phải nhận được phản ứng đối lập từ cộng đồng quốc tế.   Tuyên bố với lời lẽ kiên định rằng các thành viên IPAC vô cùng thất vọng trước phát ngôn của Macron, đặc biệt là "Châu Âu nên tránh bị lôi kéo vào các cuộc xung đột không thuộc về chúng ta - rõ ràng là đề cập đến căng thẳng ở eo biển Đài Loan".   "Đây là thời điểm tồi tệ nhất để gửi tín hiệu mạt thị Đài Loan khi Bắc Kinh đang tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông và thể hiện sự ủng hộ gián tiếp đối với hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine", tuyên bố viết.   Các thành viên nghị viện lên án "những nhận xét sai lầm của Macron không chỉ bỏ qua vị trí then chốt của Đài Loan trong nền kinh tế toàn cầu mà còn gây tổn hại cho những nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình trên eo biển Đài Loan. Thật đáng tiếc khi tổng thống Macron hầu như không học được gì từ quá khứ."   Tuyên bố nhấn mạnh rằng lời phát biểu của Macron khiến châu Âu và thậm chí các nghị sĩ toàn cầu cảm thấy lạc lõng, không ăn khớp với xu hướng. Hơn 30 thành viên của IPAC tuyên bố"Phải đoàn kết với niềm tin chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và tiếng nói dân chủ của người dân Đài Loan phải được tôn trọng."   Tuyên bố kết luận: "Thưa ngài Tổng thống, phát biểu của ngài không đại diện cho châu Âu. IPAC sẽ làm việc nỗ lực để đảm bảo rằng những bình luận của ngài là hồi chuông báo động cho các chính phủ dân chủ và chúng ta sẽ làm mọi việc có thể để đảm bảo rằng lập trường khiêu khích của Bắc Kinh đối với Đài Loan sẽ nhận được sự phản ứng thích đáng từ cộng đồng quốc tế."   Macron hiện đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hà Lan. Sự hoang mang và bất mãn của các nghị sĩ các nước về sự “thân Trung Quốc, đả kích Hoa Kỳ, bán đứng châu Âu và coi thường Đài Loan" của ông vẫn đang lan rộng. Họ cho rằng những nhận xét của ông không chỉ làm tổn thương Hoa Kỳ, mà còn gây nguy hiểm cho sự ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà còn đả kích Ukraine, chia rẽ châu Âu và chỉ trích ông ta đã hoàn toàn thần phục trước ma lực quyến rũ của cực quyền Trung Quốc.   Bài bình luận của tờ "The Wall Street Journal” hôm qua chỉ trích, "Không ai muốn xảy ra khủng hoảng Đài Loan, nhưng để tránh nó, bạn cần có sự răn đe đáng tin cậy. Những lời bình luận vô ích của ông ta sẽ làm suy yếu áp lực của Mỹ và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương đối với Trung Quốc”.   Theo lão, Macron đang gặp bế tắc trong và ngoài nước. Ông ta có tham vọng lớn, nhưng không phải một chính khách có bộ óc toàn cầu đứng về chính nghĩa. Trong lúc này, ông ta chỉ mong muốn làm được gì có lợi cho nước Pháp, nhất là trong khi kinh tế của Pháp đang sa sút nghiêm trọng. Ông ta cảm thấy mình có thể làm nên những điều kỳ diệu thay vì ngồi trong Điện Élysée chờ dân chúng ném đá vào mặt. Hiện tại người Pháp rất ngán ngẩm ông, một triệu người dân Pháp đã xuống đường biểu tình phản đối ông, họ phóng hỏa, đối đầu với cảnh sát, thậm chí quán cà phê mà ông yêu thích cũng bị đập phá. Vì vậy, lúc này ông đi thăm Trung Quốc có thể là một cách phân tán dư luận.   “Tôi đến Bắc Kinh để ký các hợp đồng kinh tế, vực dậy nền kinh tế Pháp và cho Trung Quốc biết rằng Pháp kỳ vọng vào Trung Quốc”. Việc theo đuổi hợp tác với Trung Quốc của Macron mang nặng màu sắc của chủ nghĩa lý tưởng. Và mục đích muốn đi theo cái gọi là con đường thứ ba khác với Hoa Kỳ, nhưng trong bối cảnh xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, sự khả thi này ngày càng ít đi. Cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài, châu Âu không thể tách rời Mỹ, bằng không, cờ đỏ búa liềm cắm đầy châu Âu, thế giới tiếp theo sẽ ra sao? Các bạn tự tưởng tượng ra được./.
......

Không có thời gian cho “mô hình Ukraine” trong cuộc tấn công Đài Loan

Philip Volkmann-Schluck (WELT) Nguyễn Xuân Hoài lược dịch   Trung Quốc thấy thuận lợi vì Nga đang kiềm chế sức mạnh quân sự của châu Âu và Hoa Kỳ. Tại Bắc Kinh từ lâu đã có các dấu hiệu về một cuộc chiến tranh chống Đài Loan. Các chuyên gia về an ninh đã mô tả chi tiết về những gì sẽ xẩy ra trong vài tuần đầu tiên khi xẩy ra một cuộc tấn công. Phương Tây phải khẩn trương đưa ra quyết định ngay bây giờ. Đại diện của châu Âu đã đến thăm Bắc Kinh với hy vọng thuyết phục được Chủ tịch Tập Cận Bình làm trung gian hòa giải. Để ông ta thuyết phục Nga rút khỏi Ukraine. Những lời kêu gọi của người đứng đầu EU Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hôm thứ năm không được chú ý nhiều. Thậm chí có thể hữu ích cho Bắc Kinh khi Putin kiềm chế sức mạnh quân sự của châu Âu và Hoa Kỳ. Trung Quốc từ lâu đã tính đến một cuộc chiến cũng nhắm vào toàn bộ phương Tây, khi phát động một cuộc tấn công vào quốc gia láng giềng nhỏ hơn nhiều là Đài Loan. Căng thẳng trong khu vực đã leo thang trong những tháng gần đây. Cách đây vài giờ, Bắc Kinh đã tuyên bố diễn tập quân sự gần hòn đảo này. Quân đội Trung Quốc tuyên bố về "cuộc tập trận chuẩn bị chiến đấu" sẽ được tổ chức từ thứ bẩy đến thứ hai tại eo biển Đài Loan, phía bắc và phía nam của hòn đảo, cũng như tại vùng biển và không phận phía đông Đài Loan. Nếu Trung Quốc thực hiện những lời đe dọa của mình, ngày tấn công sẽ bắt đầu bằng tiếng còi báo động, tương tự như những gì đã xảy ra ở Ukraine hơn một năm trước đây. Các chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mô tả về một cuộc tấn công có thể xảy ra vào năm 2026. Hàng trăm tên lửa từ Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan, khoảng cách từ Trung Quốc đại lục đến các mục tiêu chỉ 177 km. Từ đây Trung Quốc có thể tiêu diệt phần lớn lực lượng Hải quân và Không quân của đối phương. Hòn đảo này sẽ bị phong tỏa, mọi con đường tiếp tế sẽ bị cắt đứt. Sau đó, hàng chục nghìn binh sĩ sẽ vượt qua eo biển Đài Loan trên các phương tiện đổ bộ và bắt đầu cuộc tấn công trên bộ. Chỉ vài ngày sau, chính phủ dân chủ ở Đài Bắc và 24 triệu công dân của nó có thể phải đầu hàng nếu không có sự cứu trợ của nước ngoài. Phương Tây đã không có sự chuẩn bị để đối phó với cuộc xâm lược Ukraine của Nga ngày 24 tháng 2 năm 2022 . Theo nghiên cứu, "mô hình Ukraine", tức là tăng dần các đợt chuyển giao vũ khí của quốc tế trong nhiều tháng, không thể là một lựa chọn cho Đài Loan. Đài Loan, do áp lực ngoại giao của Trung Quốc không thuộc bất kỳ liên minh quân sự nào, do đó nước này ngay từ đầu phải được trang bị vũ khí mạnh mẽ . Điều này chỉ xảy ra nếu Hoa Kỳ can thiệp ngay lập tức. Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã nhiều lần hứa sẽ hỗ trợ Đài Loan. Người đứng đầu nhà nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc có các nguồn lực quân sự cần thiết để tấn công Đài Loan vào năm 2026. Ông này cũng hung hăng như Putin đối với Ukraine. Ông tuyên bố muốn sáp nhập Đài Loan một cách hòa bình, nhưng bảo lưu quyền thực hiện tất cả “các biện pháp cần thiết”. Trước hết phải trang bị cho Đài Loan các hệ thống tên lửa có thể đẩy lùi đợt tấn công bằng tên lửa đầu tiên của Trung Quốc, tiêu diệt các phương tiện đổ bộ cũng như tầu chiến của đối phương. Thứ hai, các đơn vị Mỹ đóng ở Thái Bình Dương phải tham chiến ngay lập tức và chấp nhận thương vong nặng nề. Theo trò chơi lập kế hoạch, sẽ có tới 3.000 binh sĩ Hoa Kỳ bị thiệt mạng trong trận chiến phòng thủ kéo dài ba tuần đầu tiên, đây sẽ là sự can thiệp tốn kém nhất của Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ hai. Ngoài ra, Quân đội Hoa Kỳ sẽ mất khoảng 20 tàu chiến, hai tàu sân bay và 400 máy bay. Quân đổ bộ Trung Quốc sẽ tấn công lên các bãi biển ở phía nam hòn đảo. Đây là điểm yếu nhất về quốc phòng, hầu hết xe tăng đóng quân ở phía bắc xung quanh thủ đô Đài Bắc. Sau đó phụ thuộc vào sức mạnh chiến đấu và tinh thần của lực lượng bộ binh Đài Loan. Quân đội Đài Loan phải ngăn chặn bọn xâm lược không xâm chiếm và thiết lập đội hình trên bãi biển. Để so sánh: Trong cuộc diễn tập đổ bộ của quân Đồng minh vào ngày 6 tháng 6 năm 1944 tại Normandy, 90.000 binh sĩ đã lên bờ trong ngày đầu tiên. Theo các chuyên gia an ninh, Trung Quốc sẽ chỉ có thể đưa tối đa 8.000 binh sĩ mỗi ngày lên đảo. Ở những vị trí không thể giữ được, lực lượng phòng thủ rút vào nội địa, vùng đồi núi với vũ khí cầm tay như bệ phóng tên lửa. Tại đây sẽ diễn ra các trận chiến đẫm máu, tương tự như các trận giáp lá cà trong các thành phố. Trung Quốc cũng có khả năng ném bom phá hủy cơ sở hạ tầng của Đài Loan, cố gắng chiếm các sân bay quan trọng bằng lực lượng lính dù. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc thực sự chuẩn bị tốt như thế nào cho hoạt động phức tạp này. Quân Đồng minh đã chuẩn bị và thực hành “D-Day” ở Normandy chống lại Đức Quốc xã vào năm 1944 trong vài năm. Một điều kiện không thể thiếu nữa là: Nhật Bản phải giành các căn cứ quân sự của mình cho Hoa Kỳ, do đó trở thành một bên tham gia cuộc chiến. "Nhật Bản là trụ cột," các tác giả nhấn mạnh. Một mình Mỹ khó đảm đương được cuộc chiến này, căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam lại quá xa. Các nước còn lại ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ giữ thái độ trung lập, bởi họ bị lệ thuộc vào Trung Quốc vì kinh tế. Úc và Hàn Quốc sau đó mới phát huy vai trò của mình, tức kiềm chế Trung Quốc khi nước này lâm vào tình thế thất bại trong cuộc chiến với Đài Loan. "Đạo luật tăng cường khả năng phục hồi của Đài Loan" cho thấy Washington nhận thức được mức độ nghiêm trọng của cuộc chiến tranh có thể xảy ra này. Tháng 12, Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định phân bổ 10 tỷ đô la cho vấn đề quốc phòng của Đài Loan. Cung cấp máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa Harpoon, đồng thời đưa 200 lính Mỹ đến đây để giúp Đài Loan huấn luyện chiến đấu. Tokyo cũng cho thấy họ sẽ sát cánh với Đài Loan. Quốc gia có 50.000 lính Mỹ đóng quân thường trực này đang đối mặt với sự nguy hiểm. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku ở phía nam Nhật Bản, chỉ cách bờ biển Đài Loan 150 km. Ngay từ mùa hè năm 2021, Phó Thủ tướng khi đó là Taro Aso đã tuyên bố quyết bảo vệ Đài Loan khi “sự sống còn” của hòn đảo này bị đe dọa. Nhật Bản đang nỗ lực buộc châu Âu phải có trách nhiệm. Thủ tướng Fumio Kishida nói: “Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai. Tokyo đã cung cấp hàng cứu trợ tới Ukraine và cả viện trợ tài chính cho quốc gia tiền tuyến Ba Lan. Ngược lại, người Nhật cũng trông đợi vào một sự đáp trả. Ben Schreer, lãnh đạo văn phòng Berlin của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng Châu Âu có thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Đài Loan, cũng như mối đe dọa từ Nga, tuy nhiên đây "rất có thể là một bước đi quá xa". Tuy nhiên, châu Âu có các công cụ để áp đặt “chi phí chiến lược” đối với Trung Quốc. Các thành viên NATO ở châu Âu có thể hỗ trợ Mỹ chuyển các nguồn lực của mình sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách "lấp đầy" sự hiện diện hiện nay của Mỹ ở châu Âu. Theo Schreer, cũng có thể hình dung việc NATO hỗ trợ một cách gián tiếp bằng cách góp phần phong tỏa hải quân đối với "các tuyến đường giao thông thương mại quan trọng" của Trung Quốc ở nam Ấn Độ Dương. Trung Quốc phải tập trung vào việc chống lại các lực lượng Đài Loan và các đồng minh của hòn đảo này ở bên kia eo biển, nên Trung Quốc sẽ có rất ít cơ hội đánh trả ở khu vực này. Trong chuyến thăm Bắc Kinh, bà von der Leyen đã cảnh báo về một cuộc tấn công vào Đài Loan. Von der Leyen nói: “Không bên nào nên đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực này bằng bạo lực. Ngoài lời nói người ta không thấy các hành động thực tế của Châu Âu dành cho Đài Loan. Rốt cuộc thì Pháp đang cung cấp các hệ thống tên lửa hiện đại. Ngược lại, Đài Bắc đã yêu cầu Berlin cung cấp tàu ngầm hiện đại trong nhiều năm nhưng Đức không đáp ứng. Vương quốc Anh cũng không bán vũ khí cho Đài Loan kể từ năm 2000. Vào mùa hè năm 2022, Thủ tướng Liz Truss đã tuyên bố sẽ thay đổi điều đó. Nhưng các chuyên gia quốc phòng Anh nhanh chóng cho thấy điều này phải mất "vài năm" mới thực hiện được vì hiện nay Anh phải lấp đầy kho dự trữ vũ khí sau khi đã viện trợ cho Ukraine. Ngay cả khi Trung Quốc thất bại trong cuộc tấn công này thì đó vẫn là khởi đầu của một cuộc khủng hoảng lâu dài. Quân đội Hoa Kỳ sẽ bị suy yếu trong nhiều năm vì những tổn thất nặng nề. Các thế lực khác như Iran hay Triều Tiên, có thể tận dụng cơ hội này. Ngoài ra, bản đồ thế giới thậm chí còn bị chia cắt nhiều hơn thành các khối ủng hộ hoặc chống lại Trung Quốc. Phương Tây sẽ phải áp đặt các biện pháp trừng phạt, chuỗi cung ứng sẽ sụp đổ. Do đó, các tác giả của nghiên cứu CSIS cho rằng cuộc đấu tranh vì Đài Loan là trước hết là: "Đòn đánh đầu tiên của một cuộc chiến tranh mới"./.    
......

Đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam, chỉ trích tình trạng nhân quyền tồi tệ

Phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thăm Việt Nam từ ngày 4 đến 6 tháng 4 năm 2023 Ỷ Lan  - RFA Từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4, một phái đoàn Dân biểu Quốc hội Châu Âu thuộc Phân ban Nhân quyền viếng thăm Việt Nam, do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền dẫn đầu. Trong Phái đoàn có các Dân biểu Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha) thuộc Đảng Bình dân Châu Âu; Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha) va Isabel Santos (Bồ Đào Nha) thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu; và Urmas Paet (Estonia), thuộc Đảng Renew tại Châu Âu. Mục tiêu chuyến viếng thăm là điều tra tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và đánh giá tác động đến nhân quyền của Hiệp định Tự do Mậu dịch Liên Âu-Việt Nam (EVFTA), đã có hiệu lực gần ba năm qua, từ ngày 1 tháng 8 năm 2020. Kết thúc chuyến viếng thăm vào chiều thứ năm (6/4/2023), Phái đoàn Quốc hội Châu Âu đã mở cuộc họp báo ở Hà Nội để nói lên “sự quan ngại sâu sắc trước tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ” tại Việt Nam. Họ chỉ trích những vi phạm nhân quyền trên các lĩnh vực xã hội và chính trị, “đặc biệt là không gian tự do của xã hội dân sự bị thu hẹp, các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự được sử dụng để dập tắt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động xã hội dân sự bị sách nhiễu, tự do ngôn luận bị bóp nghẹt, đặc biệt là ngôn luận trực tuyến, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bị hạn chế”. Phái đoàn còn kêu gọi Việt Nam trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm, kể cả những lãnh tụ các tổ chức phi chinh phủ (NGO), nhà báo và nhà hoạt động bảo vệ môi sinh. Trước khi rời Hà nội, Dân biểu Quốc hội Châu Âu Nacho Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn đặc biệt cho Đài Á Châu Tự do qua đường dây viễn liên về chuyến viếng thăm Việt Nam nói trên. Ỷ Lan : Xin chào Dân biểu Sanchez Amor. Ông là người Tây Ban Nha, thuộc Liên minh Tiến bộ Xã hội và Dân chủ tại Quốc hội Châu Âu. Trước hết, xin ông cho biết mục tiêu của chuyến viếng thăm này ? Nacho Sanchez Amor: Chuyến viếng thăm là của Phân ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu. Nhiệm vụ của chúng tôi không liên quan trực tiếp đến các vấn đề chính trị, mà liên quan rất nhiều đến thương mại. Trong Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có một chương dành riêng cho các điều kiện dân chủ. Chúng tôi quyết định đến đây để xem xét tình trạng cải thiện như thế nào, và đánh giá những cam kết của chính quyền Việt Nam khi ký kết Hiệp định EVFTA được tôn trọng đến mức nào ? Ỷ Lan : Xin ông vui lòng cho biết cảm tưởng về chuyến viếng thăm này ? Nacho Sanchez Amor : Cảm tưởng của chúng tôi là Việt Nam đang có những tiến bộ kinh tế rất đáng kể. Nhưng xét về khía cạnh nhân quyền, tình hình trước và sau khi EVFTA được ký kết hoàn toàn giống nhau không có tiến bộ, không có cải thiện về nhân quyền, không có tự do ngôn luận. Các tổ chức phi chính phủ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều hành các hoạt động của họ. Vì vậy, mặc dù chúng tôi xét thấy các khía cạnh thương mại của hiệp định đang hoạt động tương đối tốt, chúng tôi rất, rất thất vọng vì không có tiến triển nào liên quan đến việc tôn trọng nhân quyền và cải cách dân chủ. Chúng tôi không thấy bất kỳ sự cởi mở hay thiện chí nào của chính quyền Việt Nam trong việc tôn trọng những điều họ cam kết khi ký kết EVFTA. Dân biểu Quốc hội Châu Âu Nacho Sanchez Amor Ỷ Lan : Ngoài những cuộc gặp gỡ với các cơ quan Chính phủ, phái đoàn có tiếp xúc với những nhà hoạt động xã hội dân sự không? Nacho Sanchez Amor : Chắc bà sẽ hiểu lý do vì sao tôi không thể tiết lộ tên tuổi của những nhà hoạt động xã hội dân sự mà chúng tôi được gặp trong chuyến viếng thăm Việt Nam này. Về phía chính quyền, chúng tôi đã gặp Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao và nhiều viên chức trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Quốc hội, Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện Nghiên cứu Nhân quyền và Bộ Công an. Chúng tôi đã gặp gỡ giới ngoại giao tại Hà Nội, cũng như các phóng viên báo chí quốc tế, không phải để phỏng vấn mà để hiểu thêm về tình hình trong nước. Và đương nhiên chúng tôi đã gặp các đại diện xã hội dân sự. Nhưng như tôi đã nói, tôi không muốn tiết lộ tên của họ. Ỷ Lan : Phái đoàn có nêu các trường hợp tù nhân lương tâm bị giam giữ với nhà cầm quyền Việt Nam không? Ông có thăm được tù nhân chính trị nào ở Hà Nội? Nacho Sanchez Amor : Vâng, chúng tôi đã đích thân đệ trình danh sách các tù nhân lương tâm cho tất cả các cơ quan có thẩm quyền liên quan, và yêu cầu phải trả tự do cho họ. Rất tiếc chúng tôi không được phép thăm tù nhân lương tâm trong tù. Ỷ Lan : Ông có nghĩ rằng chuyến viếng thăm này đã giúp các Dân biểu Quốc Hội Châu Âu có hình ảnh rõ hơn về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ? Nacho Sanchez Amor : Vâng, tôi nghĩ chúng tôi đã có hình ảnh chính xác hơn. Có một số lĩnh vực mà chúng tôi có thể làm việc chung với chính quyền. Việt Nam có thiện chí giải quyết vấn đề lao động trẻ em và nạn buôn người, vâng, điều đó rõ ràng. Nhưng các khía cạnh khác, như tình hình nhân quyền nói chung, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ, không gian thu hẹp của xã hội dân sự - rõ ràng chính quyền không có thiện chí nào để thúc đẩy cải cách chính trị. Đây là lý do vì sao chúng tôi rất thất vọng. Bởi vì những cải cách về chính trị và nhân quyền là một phần không thể thiếu của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam mà cả hai chúng ta [các quốc gia] đều cam kết. Chúng tôi đã khẳng định mạnh mẽ với Việt Nam là phải thực hiện cam kết phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) liên quan đến việc thành lập các công đoàn độc lập. Nhưng cho đến nay chúng tôi chưa thấy Việt Nam có bất kỳ nỗ lực nào để thực hiện những cam kết này. Ỷ Lan : Như vậy, sau chuyến viếng thăm này, phái đoàn sẽ mang thông điệp gì cho Quốc Hội Châu Âu ? Nacho Sanchez Amor : Chúng tôi sẽ nói với Quốc Hội Châu Âu rằng Việt Nam hứa rõ ràng sẽ thực hiện các cải cách về dân chủ được nêu trong Hiệp định Thương mại EVFTA. Nhưng sau khi Hiệp định được ký kết, Việt Nam chẳng thực hiện sự cải cách chính trị nào, thậm chí không có sự cởi mở nhỏ nhất liên quan đến các hoạt động của xã hội dân sự. Đây là điều thật đáng thất vọng và nên là bài học cho Quốc Hội Châu Âu, nơi có quyền bật đèn xanh cuối cùng để thông qua các hiệp định thương mại. Chúng ta phải thực thi thiết lập những cơ chế thực thi để đảm bảo đôi bên phải thực hiện đầy đủ những cam kết nêu trong các hiệp định thương mại. Ỷ Lan : Xin cảm ơn Dân biểu Quốc Hội Châu Âu Sanchez Amor đã dành cuộc phỏng vấn này cho Đài Á Châu Tự Do. Chúc ông và phái đoàn thượng lộ bình an !  
......

Uỷ ban EU điều trần về việc thực thi các công ước lao động ở Đông Nam Á, nêu tình hình Việt Nam

Phái đoàn Nghị viện Liên minh châu Âu đặc trách khu vực Đông Nam Á tổ chức phiên điều trần về việc thực hiện các công ước của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), ngày 23/3/2023. VOA Tiếng Việt Phái đoàn Nghị viện Liên minh châu Âu đặc trách khu vực Đông Nam Á vừa tổ chức phiên điều trần về việc thực hiện các công ước của tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó các diễn giả nói rằng Việt Nam “vẫn có các vi phạm, dù có chút tiến triển”. Phiên điều trần được tổ chức vào ngày 23/3 dưới sự chủ trì của Nghị sĩ Marianne Vind, Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN, cùng với sự tham gia của ông Tim De Meyer, cố vấn cấp cao của ILO; ông Sơn Trần, phó giám đốc của tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam (VWP), và ông Jordi Curell, Vụ trưởng Lao động và Việc làm (DG Empl) của Uỷ ban châu Âu. Bà Marianne Vind (phải), Phó Chủ tịch Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của Nghị viện Châu Âu (European Parliament) phát biểu trong buổi điều trần. Ảnh chụp từ màn hình VOA Từ Anh Quốc, ông Sơn Trần, đại diện của tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam (VWD), một tổ chức xã hội dân sự có trụ sở ở Mỹ chuyên vận động việc tuân thủ các nguyên tắc của ILO, nói với VOA về nội dung điều trần của ông: “Các điểm tôi trình bày, về điểm tích cực, nhà cầm quyền ở Hà Nội đã có thay đổi Luật Lao động bằng một đạo luật mới 2019, có tiến triển về việc tôn trọng nghĩa vụ lao động của chính phủ Việt Nam nhưng chưa đủ. Bởi vì trong Luật Lao động đó có những điểm vi phạm công ước lao động quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn, đó là Công ước 87, Công ước 105, Công ước 138, và Công ước 97”. Tại phiên điều trần, ông Sơn Trần cho biết Bộ luật Lao động của Việt Nam 2019 quy định rằng các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đăng ký (Điều 172.1). Ông cho rằng quy định này của Việt Nam đã “vi phạm Điều 2 Công ước 87 của ILO”, mà theo đó quy định rằng “Người lao động và người sử dụng lao động tham gia các tổ chức do họ lựa chọn mà không cần xin phép trước”. Ông Sơn Trần, đại diện cho tổ chức Bảo vệ Người Lao động Việt Nam, phát biểu tại phiên điều trần ngày 23/3/2023. Đại diện của VWD cho rằng Việt Nam nên phê chuẩn Công ước 87 trước khi phê chuẩn Công ước 98 để người lao động thành lập công đoàn trước, vì chỉ khi có công đoàn, người lao động mới có quyền thương lượng tập thể với chủ. “Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã làm ngược lại, đã phê chuẩn Công ước 98 nhưng chưa phê chuẩn Công ước 87 của ILO”, ông Sơn nói tại phiên điều trần. Công ước 98 được xem là công ước cốt lõi, bản lề của ILO trong khuôn khổ các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trở thành một cấu phần quan trọng của các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), cũng như trong phần lớn chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của các công ty đa quốc gia. Ngoài ra, ông Sơn cũng chỉ ra rằng các quy định tại khoản 4, Điều 172 của Bộ luật Lao động Việt Nam 2019 về hồ sơ, thủ tục đăng ký và thẩm quyền cấp, hủy bỏ đăng ký tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đã vi phạm Điều 3.2 của Công ước 87 của ILO. Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992, nhưng sau 31 năm cho đến nay ở Việt Nam chưa hề có một tổ chức công đoàn nào độc lập với tổ chức công đoàn nhà nước, đại diện của tổ chức Bảo vệ Người lao động Việt Nam cho biết thêm. Đồng thời ông cho biết rằng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL) là một tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoàn toàn không phải là một tổ chức độc lập để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Ông Sơn cũng trình bày vấn đề lao động cưỡng bức, ông Sơn nói: “Vấn đề tôn trọng quyền của người lao động khi tham gia vào sản xuất các sản phẩm theo các hiệp định CPTPP và EVFTA với những điều chúng tôi trình bày được hoan nghênh bởi vì nó là những sự kiện – chúng tôi có dẫn chứng – về những vi phạm về cưỡng bách lao động tại Việt Nam, ví dụ như cưỡng bách tù nhân phải lao động lột hạt điều để xuất khẩu hay trẻ em phải lao động trong ngành thủy sản và ở các lò gạch”. Ông Curell phát biểu: “Chúng tôi có một hiệp định thương mại với Việt Nam, nhưng mặc dù vậy vẫn còn những lỗ hổng, giới hạn của các nguyên tắc lao động”. Nguồn: VOA   
......

Pages