Hình minh hoạ. Cảnh sát đeo khẩu trang bảo vệ đứng canh tại một nhà ga xe lửa ở Bắc Kinh hôm 27/1/2020
Trần Tuệ An - RFA|
Trung Quốc vĩ đại
Trung Quốc thời Tập Cận Bình đã có nhiều “ảo vọng” về việc “cai trị” thế giới với nhiều kế hoạch khổng lồ. Một trong những kế hoạch đó là “Made in China 2025”. Kế hoạch này nhằm giúp chính quyền Trung Quốc chi phối hoạt động sản xuất công nghệ cao trên toàn cầu.
Kế hoạch thì rất vĩ đại, tuy nhiên, đầu năm 2020 cả thế giới đã chứng kiến, cái mà Trung Quốc đã xuất khẩu ra toàn thế giới không phải là công nghệ gì cao sang mà là một thảm hoạ y tế toàn cầu với tên gọi - Coronavirus Vũ Hán.
Một số chuyên gia đã so sánh sự kiện virus Vũ Hán khởi phát từ Trung Quốc với sự kiện lây nhiễm virus bệnh than từ thành phố Sverdlovsk của Liên Xô năm 1979. Việc bùng phát bệnh than tại thành phố này đã khiến ít nhất 66 người tử vong. Khi nhà chức trách tới mở cuộc điều tra, họ tuyên bố rằng nguyên nhân do người dân ăn phải gia súc đã nhiễm mầm bệnh than.
Tuy nhiên, đó chỉ là lời nói dối. Năm 1992, các nhà khoa học của trường đại học Harvard của Hoa Kỳ đã khám phá ra đó là một thử nghiệm vũ khí sinh học bí mật của quân đội Liên Xô.
Năm 1986, tuy xảy ra thảm hoạ Chernobyl, nhưng chính quyền Xô Viết cũng ém nhẹm mọi thông tin và bằng chứng về tác hại của vụ nổ.
Vũ khí sinh học
Cho đến hiện nay, với sự bùng phát của loại coronavirus Vũ Hán, cũng đã có người nghi ngờ đó không phải là thiên tai, mà “nhân tai” từ các kế hoạch chế tạo vũ khí sinh học của quân đội Trung Quốc.
Các nghi vấn về việc Trung Quốc thử nghiệm các vũ khí sinh học không phải là không có cơ sở.
Chuyên trang về quân sự Defense One có điểm lại các thông tin mà phía Trung Quốc có tiết lộ về các ưu tiên cho các kế hoạch quân sự mà trong đó vũ khí sinh học luôn được coi là ưu tiên hàng đầu.
Hình minh hoạ. Ống nghiệm có tên virus Corona. Hình chụp hôm 29/1/2020 Reuters
Theo đó, năm 2010, một giáo sư đại học quân y của Trung Quốc là Guo Jiwei đã viết bài về ảnh hưởng của vũ khí sinh học tới các cuộc chiến trong tương lai.
Năm 2015, Tướng He Fuchu - lúc đó là Giám đốc Học viện Quân y, sau này giữ chức Phó Giám đốc Học viện Quân sự Trung Quốc cũng cho rằng vũ khí sinh học sau này sẽ trở thành đỉnh cao tác chiến chiến lược.
Năm 2017, Zhang Shibo - Tướng về hưu và cũng là Cựu Giám đốc Học viện Quốc phòng Trung Quốc có xuất bản một cuốn sách, trong đó kết luận rằng “Sự phát triển của công nghệ sinh học hiện đại là chỉ dấu cho thấy tính chất đặc biệt của một cuộc tấn công”.
Năm 2017, trên tạp chí Khoa học về chiến lược quân sự - Một tạp chí chuyên ngành của Học viện Quốc phòng Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm “sinh học là một lĩnh vực của chiến tranh quân sự”.
Tình báo Trung Quốc núp bóng
Trong thực tế, Trung Quốc cũng tìm nhiều cách để thúc đẩy việc phát triển công nghệ sinh học bằng nhiều cách khác nhau. Một cách nhanh nhất là tìm cách “tuyển dụng” các giáo sư đại học danh tiếng từ bên ngoài. Mới đây, một giáo sư danh tiếng của đại học Harvard đã bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cáo buộc là đã vi phạm luật pháp Hoa Kỳ khi không khai báo trung thực về việc tham gia dự án với Trường đại học Vũ Hán của Trung Quốc cùng với việc nhận các khoản lương và tài trợ nghiên cứu từ đại học Vũ Hán lên đến con số cả triệu USD.
Mặc dù khó có bằng chứng cụ thể, nhưng chúng ta nên biết rằng, có bàn tay của Cơ quan Tình báo Hoa Nam đằng sau việc “tuyển dụng” giáo sư này.
Từ hồi cuối năm ngoái, Cơ quan Điều tra Liên Bang (FBI) đã phải ra thông báo về việc thận trọng trước các kế hoạch tuyển dụng người tài từ các Viện nghiên cứu và các Trường đại học tại Hoa Kỳ của Trung Quốc. Trong đó không loại trừ các chuyên gia về công nghệ sinh học.
Coi rẻ sinh mạng người dân
Bài học từ sự bùng phát bệnh than ở Liên Xô năm 1979 cho thấy rằng, các chính quyền cộng sản dường như không quan tâm tới sinh mạng người dân của chính họ, miễn là đạt được các mục đích họ mong muốn.
Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 26/1/2020: nhân viên y tế đứng canh chống sự lan rộng của virus corona ở điểm kiểm soát tại tỉnh Sơn Đông. AFP
Các cách hành xử của chính quyền Liên Xô và Trung Quốc trước các thảm hoạ đều có điểm giống nhau. Đối với thảm hoạ bệnh than 1979 và Chernobyl 1986 thì do chính quyền Liên Xô gây ra. Đối với virus Vũ Hán, chưa có bằng chứng chính thức nên đây chỉ là nghi vấn.
Tuy nhiên, cả chính quyền Liên Xô trước đây và Trung Quốc bây giờ đều giống nhau ở cách “ém nhẹm” thông tin về thảm hoạ, cho dù nó có thể đe doạ tính mạng của người dân đất nước họ.
Khi thông tin về dịch virus mới xuất hiện, truyền thông Trung Quốc đã tìm cách ém nhẹm thông tin và giảm nhẹ độ nguy hiểm của dịch bệnh. Thậm chí công an địa phương còn truy tố 8 bác sĩ đã tìm cách thông tin về dịch bệnh. Thị trưởng thành phố Vũ Hán - ổ dịch, đã lên truyền hình Trung Quốc phân bua là tình trạng dịch bệnh muốn được thông báo phải có sự chuẩn thuận của cấp trên.
Trung Quốc sau cùng cũng thừa nhận là phản ứng quá chậm trễ, khiến cho nhiều nạn nhân bị chết và số người bị nhiễm đã lan rộng.
Chính việc che giấu thông tin bệnh dịch đã khiến nhiều người trên thế giới lo ngại về tính trung thực của Trung Quốc trước các vấn đề quốc tế.
Chính vì vậy, mới đây, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang hiện hình như trung tâm của các đe doạ của thời đại chúng ta”.
Thế còn Việt Nam?
Việt Nam thì đang bị nhiễm cả hai loại virus Vũ Hán và Cộng sản. Nhiều người rất ngờ vực khi lẽ ra Việt Nam phải là quốc gia bị nhiễm nhiều nhất, vì Việt Nam có 6 tỉnh phía Bắc giáp biên giới Trung Quốc với rất nhiều cửa khẩu trên bộ. Các cửa khẩu này một ngày có ít nhất hàng ngàn người qua lại. Chưa kể lượng khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam dịp Tết Nguyên Đán rất nhiều, cả trăm ngàn người. Hệ thống y tế Việt Nam thì không thể nói là tiên tiến và hiện đại như các nước phát triển được. Thế nhưng con số người Việt Nam bị nhiễm virus được nhà chức trách Việt Nam thông báo rất ít. Điều này khiến nhiều người rất ngạc nhiên, cho dù người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới có nhắc tới Việt Nam như 1 trong 4 quốc gia có tình trạng lây nhiễm bệnh từ người sang người đáng lưu ý. Và vừa mới đây, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phải chính thức công bố dịch Corona, điều đó cho thấy nguy cơ nhiễm virus Vũ Hán ở Việt Nam rất nguy hiểm. Một số chuyên gia cho rằng, khả năng Việt Nam cũng “ém nhẹm” thông tin chính xác về số người nhiễm bệnh, giống như “ông anh” Trung Quốc vì cả hai cùng có sẵn virus Cộng sản như nhau.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã yêu cầu ngưng các chuyến bay tới và từ Trung Quốc. Tuy nhiên, còn các cửa khẩu trên bộ thì chưa có động thái gì, mặc dù đó là nguồn đe doạ lây nhiễm rất lớn. Trả lời báo chí, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết là Việt Nam có ký kết Hiệp định về cửa khẩu với Trung Quốc cho nên không thể muốn đóng cửa biên giới là đóng mà phải có sự đồng ý của Trung Quốc. Tuy nhiên câu này sau đó đã bị xoá khỏi báo chí Việt Nam như chưa từng tồn tại.
Kết luận
Cũng có nhiều quốc gia đã từng bị dịch bệnh. Dịch bệnh là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh biến đổi khí hậu và toàn cầu hoá như hiện nay. Tuy nhiên, cái mà quốc tế lo ngại là thái độ thiếu minh bạch về thông tin, lạm quyền, coi rẻ tính mạng của người dân thường mới là điều đáng lên án. Mà các căn bệnh này, chúng ta lại chỉ gặp ở những quốc gia Cộng sản mà Trung Quốc và Việt Nam đang là đại diện tiêu biểu.
Vậy tại sao các nước cộng sản lại có căn bệnh này? Đó là sự độc tài được dung dưỡng trong cơ chế tập quyền. Xã hội thiếu vắng các cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực. Chính trong môi trường như vậy, nên mới dẫn tới căn bệnh này. Và cho dù virus Vũ Hán bị tiêu diệt thì sẽ có ngày xuất hiện một virus khác một khi virus Cộng sản chưa bị tiêu diệt.