Luận điểm về nguồn gốc của corona đã quay trở lại

Lưu Thủy Hương

Bản tin rất mới của đài truyền hình nt-v. Đài truyền hình chuyên về tin tức lớn nhất của Đức hợp tác với CNN.

- Lần đầu tiên một hàng ngũ của những nhà nghiên cứu corona đặc biệt có kinh nghiệm và có uy tín, đã kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus Sars-CoV-2.

- Lần đầu tiên, các nhà virus học danh tiếng cũng công khai nêu quan điểm rằng: một sự cố trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc của đại dịch.

VTP-LTHg dịch.
 
--------------
 
Cho đến hôm nay, nguồn gốc của coronavirus vẫn chưa được biết.

Cho đến hôm nay, chuyện lây truyền từ động vật sang người được coi là có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Ngược lại, luận điểm về một vụ sự cố trong phòng thí nghiệm thường bị bác bỏ như một thuyết âm mưu. Nhưng bây giờ các nhà nghiên cứu đang dựng cho giả thuyết sống lại.

Câu hỏi đã được đặt ra ngay sau khi những ca nhiễm coronavirus đầu tiên xảy ra bên ngoài Trung Quốc: Virus này có nguồn gốc từ đâu? Cho đến nay, bối cảnh chính xác của đợt bùng phát đầu tiên vẫn chưa được biết. Tại chợ động vật hoang dã nổi tiếng hiện nay ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, ban đầu người ta nghi ngờ rằng động vật đã chuyển tiếp virus sang người. Dơi bị nghi ngờ là vật chủ gốc, như trường hợp của virus Sars tiền nhiệm. Có thể mầm bệnh từ chúng hoặc từ một vật chủ trung gian khả dĩ đã lây sang người. Covid-19 được gọi là chứng bệnh lây nhiễm từ động vật.

Nhưng một luận điểm đảo ngược đã được đưa ra từ rất sớm, đó là một sự cố trong phòng thí nghiệm - bởi vì Vũ Hán cũng là quê hương của Viện Virology Vũ Hán, nơi đang nghiên cứu về Sars và các loại virus corona khác. Và lý thuyết gần đây đã được thúc đẩy cho rằng, một mầm bệnh được lai giống nhân tạo tinh vi có thể vô tình thoát khỏi phòng thí nghiệm để gây ra một đại dịch hiện có hơn ba triệu người chết. Lần đầu tiên, các nhà virus học danh tiếng cũng công khai nêu quan điểm rằng một sự cố trong phòng thí nghiệm là nguồn gốc.

Cái đề tài tưởng như là kết thúc rồi. Vào tháng 3 năm 2020, các nhà nghiên cứu trên tạp chí chuyên khoa "Nature" đã bác bỏ luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm. Họ viết: "Chúng tôi không tin rằng, bất kỳ loại kịch bản nào dựa trên phòng thí nghiệm là xác đáng". Thế mà, luận điểm vẫn tồn tại. Hồi đầu năm, nhà vật lý học người Hamburg Roland Wiesendanger đã gây xôn xao dư luận, khi ông mô tả một sự cố trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán là "nguyên nhân khả dĩ nhất gây ra đại dịch corona".

Luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm vẫn "bền vững"

Nhưng luận điểm, mà đôi khi được dán nhãn là thuyết âm mưu, hiện đã được phục hồi phần nào: Một bức thư của 18 nhà khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học "Science", trong đó họ đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn gốc của Covid-19 - cũng là bao gồm việc cần xác minh các luận điểm sự cố phòng thí nghiệm. Luận điểm này cũng giống như lý thuyết về nguồn gốc từ động vật, vẫn "bền vững". Trong bức thư, các nhà nghiên cứu tránh lên tiếng ủng hộ một trong hai luận án.

Ở điểm này, bức thư khác với sứ mệnh nghiên cứu quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới, WHO tìm kiếm nguồn gốc của Sars-CoV-2 ở Vũ Hán. Trong báo cáo cuối cùng của WHO, nguồn gốc động vật của mầm bệnh được mô tả là "rất có thể xảy ra" và một sự cố trong phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Điều này đã không tồn tại được bao lâu. Đích thân giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó đã kêu gọi điều tra thêm về giả thuyết sự cố trong phòng thí nghiệm - những lời kêu gọi tương tự cũng phát xuất từ Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Những tác giả của bức thư trên "Science" cũng chỉ trích rằng các nhà điều tra của WHO đã không cho luận điểm về sự cố trong phòng thí nghiệm một tầm vóc thích hợp. Họ kêu gọi, một cuộc điều tra mới, minh bạch và khách quan phải do một cơ quan độc lập kiểm tra.

Dường như gió đổi chiều

Bức thư này có thể đóng vai trò một bước ngoặt quan trọng trong việc tìm kiếm nguồn gốc của virus. Giáo sư di truyền học Jena, Günter Theißen, nhận xét trên trang ntv.de. Bởi vì các tác giả của bức thư được in trên tạp chí chuyên ngành "Science", lần đầu tiên là một hàng ngũ của những nhà nghiên cứu corona đặc biệt có kinh nghiệm và có uy tín. Bản thân Theißen cùng với khoảng hai chục nhà nghiên cứu quốc tế khác, trong một bức thư ngỏ vào đầu tháng 3 cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus.

Những người khởi xướng bức thư "Science" hiện nay là nhà sinh học tiến hóa người Mỹ Jesse Bloom và nhà vi sinh vật học David Relman từ Đại học Stanford. Đáng chú ý là Ralph Baric cũng đã ghi tên mình vào văn kiện - trước đây ông đã nghiên cứu virus Sars đầu tiên cùng với nhà nghiên cứu virus nổi tiếng người Trung Quốc Shi Zhengli (được biết đến với biệt danh "Batwoman"). Shi đứng đầu Trung tâm của căn bệnh mới tại Viện virus học Vũ Hán, nơi có khả năng xảy ra sự cố trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, Shi đã sớm khẳng định rằng Sars-CoV-2 không liên quan gì đến phòng thí nghiệm.

Theißen lạc quan cho rằng các nhà khoa học nổi tiếng hiện đang công khai kêu gọi một cuộc điều tra về luận điểm sự cố trong phòng thí nghiệm, nhưng đồng thời ông cũng thấy bực tức. Bởi vì ông và những người khác cũng đã kêu gọi một cuộc điều tra "theo mọi hướng" trong một thời gian dài - nhưng lời kêu gọi của họ đã bị phớt lờ lâu nay.

Trình tự gen đáng ngờ trong bộ gen

Ngay cả khi Theißen nhấn mạnh rằng tất cả các giả thuyết về nguồn gốc của virus cần được theo dõi trong các cuộc điều tra sắp tới, ông vẫn nhận thấy dấu hiệu rõ ràng rằng nó thực sự có thể là một sự cố trong phòng thí nghiệm. Điều khiến Theißen nghi ngờ, là một đặc điểm di truyền của Sars-CoV-2, cho phép virus thâm nhập hiệu quả vào tế bào người bằng protein gai (Spike-Protein) của nó - các codon được sử dụng cho việc này thường hầu như không được loại coronavirus sử dụng.

(Người dịch: xem thêm về Codon, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C3%A3_di_truy%E1%BB%81n)

Theißen nói với ntv.de: "Nó gần như một bằng chứng rõ ràng“. Cũng không loại trừ khả năng trình tự gen như vậy phát triển một cách tự nhiên. Tuy nhiên khả năng xảy ra không cao. Ngược lại, nhà nghiên cứu cho biết rất dễ tạo ra sự thay đổi gen như vậy trong phòng thí nghiệm. Các thí nghiệm được gọi là "tăng cường chức năng" diễn ra tại Viện Virology ở Vũ Hán thì rất nổi tiếng, trong đó chính xác là các chuỗi gen như vậy đã được kết hợp. Điều duy nhất còn thiếu là, bằng chứng cho thấy một trình tự tương đương cũng đã tiếp diễn với Sars-CoV-2, và một loại virus như vậy sau đó đã thoát ra khỏi phòng thí nghiệm.

Tuy nhiên, cũng có những phản ứng chỉ trích đối với bức thư trên tạp chí "Science". Ví dụ phản ứng của nhà virus học Thụy Điển Kristian Andersen, một trong những tác giả của bài báo ở "Nature", hơn một năm trước đã bác bỏ nghi vấn trong phòng thí nghiệm. Andersen nói với New York Times, mặc dù điều này, cũng như lý thuyết về động vật là nguồn lây nhiễm, đều là giả thuyết có thể. Tuy nhiên, bức thư thiết lập một đẳng thức sai lệch về kịch bản thoát khỏi phòng thí nghiệm và nguồn gốc tự nhiên. Mà cho đến nay, không có bằng chứng đáng tin cậy nào về giả thuyết bộc phát trong phòng thí nghiệm đã được đưa ra, nhà virus học cho biết. Dữ liệu có sẵn rất "phù hợp với nguồn gốc tự nhiên" của virus, như đã được quan sát nhiều lần trong quá khứ. Tuy nhiên: Andersen cũng hỗ trợ các cuộc điều tra sâu hơn về nguồn gốc của virus.

"Sự thật sẽ chiến thắng"

Nhưng nếu Sars-CoV-2 thực sự xuất hiện một cách tự nhiên - thì bằng chứng về điều đó có thể như thế nào? Theißen nói: “Người ta sẽ phải tìm ra một loại virus trong quần thể động vật hoang dã rất giống với Sars-CoV-2. Đồng thời, dựa trên bộ gen của nó, cần phải chứng minh rõ ràng rằng loại virus này nằm trên gia phả được hình thành bởi các biến thể corona đang tràn lan trên toàn thế giới ngày nay."

Theo Theißen, có một ưu điểm là, các nhà nghiên cứu đã biết chính xác bộ gen của loại virus ban đầu này như thế nào. Tuy nhiên, có điều không thể không nghĩ đến là: Về lý thuyết, một loại động vật được giả mạo làm ông tổ của Sars-CoV-2 cũng có thể được sản xuất trong phòng thí nghiệm. Nhưng để xây dựng được nguồn gốc giả mạo theo cách này, cần rất nhiều nỗ lực và "rất nhiều năng lượng tội phạm", nhà khoa học nhấn mạnh.

Liệu sự thật về nguồn gốc của Sars-CoV-2 có bao giờ được đưa ra ánh sáng? Theißen tin tưởng vào điều này. "Về lâu dài, sự thật sẽ chiến thắng." Cùng với nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế không chính thức được gọi là "Hội đoàn Paris", ông muốn tiếp tục tìm kiếm manh mối có thể làm sáng tỏ hơn về nguồn gốc của đại dịch corona. "Và chúng tôi hy vọng rằng ngày càng có nhiều áp lực tăng lên cho đến khi lời thề im lặng Omertà bị phá vỡ." Bởi vì Theißen nghi ngờ rằng đã có những người biết chính xác cách thức virus xâm nhập ra thế giới.

(Người dịch: Lời thề Omertà là lời thề giữ im lặng trong giới mafia và giới tội phạm. Một sự ám chỉ rất nặng nề.)
*
Tin từ những trang báo khác:
https://www.rtl.de/.../corona-ursprung-ist-doch-ein...
https://www.nach-welt.com/wissenschaftler-fordern-dass.../