2015

TPP : CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO VIỆT NAM

Hiệp Ước Đối Tác Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được thông qua vào lúc 5g sáng, giờ địa phương Atlanta, Hoa Kỳ, ngày 5-10-2015. Là quốc gia thành viên yếu kém nhất trong số 12 quốc gia thuộc TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất nếu biết khai thác cơ hội này. Tuy nhiên, cơ hội lớn cũng đem lại các thách thức nghiêm trọng mà chúng ta cần phải tỉnh táo nhận định cho tương lai lâu dài của dân tộc. TPP và cơ hội mới Về kinh tế: VN sẽ gia tăng xuất khẩu một số mặt hàng (dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản) do thuế suất giảm, gia tăng đầu tư ngoại quốc, tăng trưởng kinh tế, cải thiện kỹ năng và đời sống người dân (với sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh và an toàn, giá rẻ), chấm dứt nạn nhập siêu quá lớn từ hàng hóa Trung Quốc. Theo các điều kiện TPP, Việt Nam sẽ phải thay đổi cơ chế theo thị trường, cải tổ luật kinh tế, bảo vệ quyền của người lao động, quyền thành lập công đoàn độc lập và các tổ chức xã hội dân sự, bảo vệ môi trường, bản quyền trí tuệ, và quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân sẽ do pháp trị định đoạt; cam kết công khai hóa về đầu tư công, mua sắm chính phủ, chính sách cạnh tranh và vấn đề quản trị, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; chống buôn bán động vật hoang dã và thực hiện công ước CITES để bảo vệ các loài động/thực vật hoang dã bị nguy cơ diệt chủng. Những cam kết tiến đến “nền kinh tế thị trường” đúng nghĩa và tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cũng như công nhận sự hoạt động của các công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi người lao động ... đều giúp chuyển biến xã hội VN theo hướng có lợi cho dân tộc. Quan trọng nhất là khi Việt Nam gần gũi với Mỹ sẽ gia tăng cơ hội thoát Trung và chống lại chính sách bành trướng của Bắc Kinh. Cụ thể là sự đòi hỏi của luật TPP liên quan tới những sản phẩm xuất khẩu không được sử dụng nguyên vật liệu từ các quốc gia ngoài khối, sẽ khiến VN giảm lệ thuộc nhập cảng từ Trung Quốc. TPP và những thách thức Trong ngắn hạn khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần tới 0% khiến doanh thu về thuế giảm, nhập khẩu tăng trong khi xuất khẩu giảm do không cạnh tranh lại với phẩm chất hàng ngoại quốc, và các mặt hàng nội địa yếu kém có nguy cơ bị tiêu diệt (như ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khoáng sản, công nghiệp). Trong trung và dài hạn, VN sẽ không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ, trong khi nhu cầu về lao động có kỹ năng lại gia tăng. Các tiêu chuẩn cao về sở hữu trí tuệ sẽ khiến cho doanh nghiệp và người dân phải mất chi phí cao hơn cho các bản quyền nhu liệu cũng như các sáng chế liên quan đến sản xuất thuốc men. Các công cụ điều hành kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng sẽ giảm hiệu lực vì bị phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới. Ngành ngân hàng sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn của các tập đoàn tài chính thuộc các nước thành viên với các dịch vụ đa dạng. Các doanh nghiệp hưởng lợi từ hoạt động chi tiêu công của chính phủ sẽ bị cạnh tranh trực tiếp khi phải đấu thầu với các nhà thầu nước ngoài thay vì cơ chế chỉ định thầu. Nếu không chuẩn bị kỹ, những lợi thế và bất lợi của TPP sẽ đan xen vào nhau, dẫn đến mất kiểm soát. Tuy TPP có đem lại một thắng lợi “tâm lý” quan trọng, đó là tạo ra niềm phấn khởi cho người dân trong tình cảnh bi đát của đất nước ngày hôm nay, nhưng do tư duy và hệ thống chính trị-kinh tế lạc hậu, Việt Nam cần thời gian, nỗ lực và thiện chí để có những thay đổi thích hợp hầu có thể đạt được những thành quả và tránh bị những thách đố mới hủy hoại, thí dụ: 1. Cường độ cạnh tranh từ những sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc, Thái Lan và các mặt hàng chất lượng cao của hàng Âu, Mỹ, Nhật sẽ tiêu diệt hàng nội địa. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong môi trường kinh tế mang tính “ăn xổi ở thì” và thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế, do đó mà khi hội nhập vào TPP, doanh nghiệp Việt Nam chỉ loay hoay trong sân chơi của mình, trong khi các doanh nghiệp của những quốc gia thành viên TPP sẽ nhảy vào đầu tư ở Việt Nam để “đón sóng” TPP, nhất là các ngành da giày, dệt may - những ngành được cho là thế mạnh của VN. Việt Nam sẽ tiếp tục mất đi cơ hội chủ động kinh tế mà chỉ đi làm công cho các hãng xưởng ngoại quốc. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là phải nhanh chóng tái cấu trúc nền kinh tế, qua đó đẩy mạnh phát triển khu vực tư doanh để tận dụng sự nhạy bén thị trường của giới doanh nhân, cải tiến kỹ thuật, nâng cao trình độ quản trị thì mới có thể tham gia vào sự cạnh tranh đầy hứa hẹn của TPP. Nếu không thì hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam tiếp tục đứng ở bảng thấp nhất trong các nước. 2. Chênh lệch giàu nghèo gia tăng do tham nhũng từ hệ thống chính trị độc tài, và sân chơi bất bình đẳng dành cho những nhóm lợi ích và quyền thế - không kịp và không thể cải sửa theo đòi hỏi của TPP. Do đó, áp lực cải tổ chính trị song song với những cải tổ kinh tế để loại trừ tham nhũng, để đáp ứng với sự cần thiết về minh bạch sổ sách, chi tiêu công, đầu tư v...v... càng gia tăng khi VN gia nhập TPP. Chúng ta không thể ngây thơ hay ảo tưởng tin rằng khi giàu có, thịnh vượng hơn và tiếp cận với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia dân chủ thì các chính quyền độc tài sẽ “tự diễn biến” và trở nên dân chủ hơn, tôn trọng nhân quyền hơn. Trung Quốc là một thí dụ điển hình, và VN trong suốt gần 30 năm mở cửa giao thương kinh tế với thế giới tự do, những quyền căn bản của người dân vẫn bị vi phạm trầm trọng. Kết luận: TPP là một công cụ nằm trong chiến lược xoay trục về Á Châu Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, bằng cách dùng các ảnh hưởng kinh tế để hình thành một liên minh chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Với tham vọng bành trướng, Trung Quốc qua chiến lược “Con Đường Tơ Lụa” sẽ nối kết 64 quốc gia trong khu vực với tổng nhân số lên đến 4,4 tỷ người, chiếm 29% GDP của cả thế giới. Điều này cho thấy là tại Á Châu sẽ có hai thị trường lớn được hình thành song song, trong đó TPP có nhiều ưu thế hơn vì là thị trường có hai cường quốc Hoa Kỳ và Nhật Bản dẫn đầu. Nếu CSVN chọn lựa tiếp tục đu dây như hiện nay để tham gia vào cả hai thị trường TPP và “Con đường tơ lụa của Bắc Kinh” do tư duy “thần phục Bắc Triều” chưa thay đổi, thì việc đu dây bây giờ sẽ bị chính những thành viên TPP tạo áp lực và bị chế tài vì không chu toàn trách nhiệm. Hy vọng, TPP là một cơ hội để thoát khỏi gọng kềm Bắc Phương với những nỗ lực tranh đấu không khoan nhượng của toàn dân. Những đòi hỏi của TPP tự chúng không bảo đảm sự tôn trọng đầy đủ quyền con người và quyền lao động ở Việt Nam nhưng là những bước cần thiết và quan trọng để đi đúng hướng. Nhiều người hy vọng là qua Hiệp định TPP, CSVN sẽ phải công nhận quyền thành lập Công Đoàn Độc Lập của người lao động tại Việt Nam, chấm dứt sự khống chế của Tổng liên đoàn lao động như trong những năm vừa qua. Và khi Công Đoàn Độc Lập xuất hiện thì dù có luật hay không có luật về quyền lập hội, lần lượt các tổ chức, đoàn thể xã hội và chính trị sẽ ra đời hoạt động công khai như các đoàn thể xã hội dân sự hiện nay. Nhưng cũng có người không lạc quan như thế mà cho rằng, CSVN sẽ tiếp tục trì hoãn bằng cách giao cho quốc hội nghiên cứu nhưng không bao giờ mang ra biểu quyết như tình trạng về Luật Biểu Tình, Luật về Quyền Lập Hội hiện nay. Hơn thế nữa, trong lúc cần Hoa Kỳ và Nhật Bản ủng hộ cho việc tham gia TPP, CSVN sẽ hứa làm tất cả, nhưng sau khi gia nhập rồi thì Hà Nội làm ngơ, hay đàn áp thô bạo hơn. Sự tráo trở của Hà Nội khiến cho người ta không tin vào các cam kết của CSVN. Tuy nhiên, nếu chúng ta coi các ràng buộc về quyền của người lao động, sự hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự trong TPP là những cam kết mà các quốc gia thành viên của TPP phải thi hành, thì đó là những lý cớ tốt nhất để tiếp tục vận động tạo áp lực buộc Hà Nội phải tôn trọng. Người dân nếu chỉ vì một chút quyền lợi kinh tế được gia tăng mà xuôi tay ngừng tranh đấu thì đất nước lại trải qua thêm 40 năm nữa không có dân chủ. Nếu chúng ta không đấu tranh, thì không đương nhiên “thoát Trung” dù gần Mỹ. Từ bỏ quyền lực hay thực hiện một chính sách tôn trọng nhân quyền là điều mà không một chế độ độc tài nào tự ý làm nếu không có nỗ lực tranh đấu của toàn dân.
......

Bác Vu Khống Cháu La Làng

Ngày 29/9/2015 cô Nguyễn Thanh Phượng, con gái rượu của Thủ Tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng gởi thư không niêm cho 3 ông giáo sư Sùng-Tùng-Kháng (photo lá thư đính kèm) nguyên viện trưởng và khoa trưởng của lò nhuộm não Hồ Chí Minh. Theo cô, các giáo sư này "vu khống, bịa đặt những điều không đúng" trong Đơn Tố Cáo rằng cô đã vào quốc tịch Mỹ tại quận Los Angeles với tên mới là Helen Nguyen. Theo nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà thì GS.TS Lưu Văn Sùng (sinh năm 1939) nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Chính trị, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, từng nhận huy chương Kháng chiến hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. GS.TS Đỗ Thế Tùng (sinh năm 1934) nguyên giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nghỉ hưu từ 2005. GS.TS Nguyễn Đình Kháng (sinh năm 1945) nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế-Chính trị, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. đã đồng viết đơn gửi Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN (BCHTU) cho rằng cô Thanh Phượng nhập quốc tịch Mỹ là chạy theo Đế Quốc Mỹ, vi phạm nguyên tắc Đảng và phản bội dân tộc. Ngoài ra, trong đơn ba vị giáo sư này còn cáo buộc TT Nguyễn Tấn Dũng (3D) phá vỡ tình hữu nghị với Trung Cộng mà biết bao thế hệ lãnh đạo của Đảng đã cất công gầy dựng! Trong khoa học về tổ chức, có nhà nghiên cứu ví von rằng tổ chức là quái thú và con người là giai nhân. Con người phải sống với tổ chức nhưng thường không ưa nó và luôn thấy nó xấu xí. Chỉ khi nào "Beauty and the beast" trở thành "Beauty of the beast" thì mới có được sự hài hoà giữa con người và tổ chức ("Giai nhân và quái thú" trở thành "Nét đẹp của quái thú"). Sự hài hoà chỉ có được khi quái thú có bản chất hiền lành và giai nhân nhìn xuyên qua được ngoại hình xấu xí của quái thú để nhận ra được sự hiền lành đó. Nhưng Đảng CSVN (ĐCSVN) là con quái thú hung dữ và giai nhân trong 70 năm qua chấp nhận làm nô lệ cho nó, cũng cố thêm tính hung dã thú của nó thay vì huấn luyện cho nó thành con thú gia cầm. Cho nên quái thú thường hay ăn thịt giai nhân. Do không có những định chế công khai và minh bạch của dân chủ pháp trị trong việc quy định những luật chơi và nguyên tắc của sự tranh giành quyền lực, cho nên trong hệ thống độc tài độc đảng việc đấu đá có tính cách "vô độc bất trượng phu" (không tàn độc thì không phải là người tầm cỡ), sử dụng bất cứ đòn phép hay thủ đoạn nào (no holds barred) có được, không bận tâm gì hết về luật pháp hay luân lý đạo đức. Thư của cô Thanh Phượng được đưa lên Facebook khoảng 2 ngày trước Hội Nghị BCHTU 12 (HN12) của ĐCSVN khai mạc hôm 5/10. Điều này cho thấy Thủ Tướng dùng con gái để phản đòn phe muốn triệt hạ ông mà đầu tàu là TBT Nguyễn Phú Trọng, cùng các ông cuồng độc đảng như Trương Tấn Sang (4S) , Phạm Quang Nghị, Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh... Trước đây có 3 khuynh hướng chính trị trong thượng tầng lãnh đạo CSVN: (1) Giữ độc đảng thân Trung Quốc, (2) Giữ độc đảng thoát TQ, và (3) Không nhất thiết phải giữ độc đảng và thoát TQ. Nhưng với sự quá đáng của TQ ở Biển Đông và trong kinh tế thương mại thì khuynh hướng 1 đã không còn nữa, chính ông Trọng sau khi đi Hoa Kỳ và Nhật Bản thì cũng đã chuyển qua khuynh hướng 2, làm cho những người muốn tiếp tục ôm TQ đang ở trong tình trạng bị việt vị và vô duyên. Cho nên vấn đề chọn nhân sự trong HN12 này, sâu thẳm là sự chọn lựa giữa "thoát Trung giữ độc đảng" và "thoát Trung, không nhất thiết giữ độc đảng". Chính vì sự chọn lựa khó khăn này mà 3D trở nên bị thất thế, do bị nghi ngờ và bị đối thủ đánh là không trung thành với Đảng, vi phạm kỹ luật Đảng, con gái vào công dân Mỹ, muốn bỏ chế độ CS để xây dựng chế độ tổng thống, tự diễn biến, tự chuyển hoá, từ bên trong và từ bên trên... TBT Trọng với sự hà hơi tiếp sức từ 4S, PQNghị và nhiều thành viên Bộ Chính Trị (BCT) khác, đã làm cho 3D trở thành mãnh hổ nan địch quần hồ. Các chiêu của ông Trọng như ai sinh năm 1949 (5 con trâu: 3D, 4S, PQThanh, PQNghị, LHAnh) trở về trước đều phải về vườn hết, hay tăng cường uỷ viên BCHTU lên khoảng 300 để làm loãng cái đa số mà 3D đang có, hay bầu tổng bí thư trực tiếp từ khoảng 1,400 đại biểu toàn quốc về dự đại hội để có lợi thế số đông đại biểu nằm trong vùng ảnh hưởng của mình (nghe nói khoảng 65%), hay không được tự ứng cử/đề cử (Quyết định 244-QĐ/TƯ)... đều nhằm vào việc triệt hạ 3D. 3D nắm được quân đội sau khi bộ truởng QP Phùng Quang Thanh trở thành hư vị từ cuối tháng 6/2015 và sẽ về hưu sau đại hội 12 (ĐH12), và nắm được phần lớn công an. 3D nắm guồng máy chính quyền trong khoảng 10 năm qua và quan trọng nhất là nắm ngân sách nhà nước, có khả năng ban phát dự án cho các tỉnh thành và bổng lộc cho các viên chức chính quyền trung ương. Ông ta là người quyền lực nhất Việt Nam hiện nay, nhưng ông đang đối diện với một đối thủ khổng lồ, một quái thú có thể đè bẹp được ông - đó là quán tính ù lì của một tổ chức khổng lồ với 3.6 triệu đảng viên. Quán tính của: thà chết để duy trì nguyên trạng cho dù môi trường sống chung quanh đã thay đổi. Việc 3D đem con gái rượu ra để đương đầu với quái thú cho thấy ông đang gian nan. Như Người Buôn Gió nhận xét, nếu ông thắng thì chắc không ai dám bắt lỗi về việc cô Thanh Phượng vi phạm kỹ luật Đảng vì đã đưa thư phàn nàn nội bộ lên internet, nhưng nếu ông bại thì cô TP khó tránh bị kỹ luật. 3D tuy quyền lực nhất nhưng từ đây cho tới khi kết thúc Đại Hội 12 thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Sự thất thế của ông nằm ở chổ nếu muốn xỏ mũi được quái thú thì phải theo thủ tục chọn lựa trong nội bộ của quái thú, chứ không phải dư luận hay sự ủng hộ ở đâu đâu, mà thủ tục này mang nặng quán tính Mác-Lê-Mao-Hồ của bạo lực cách mạng độc đảng. Nó vận hành theo sự độc đoán riêng, cho nên dù Phạm Quang Nghị có mức tín nhiệm 19/20 hay tai tiếng cây xanh, hay để công ty Kinh Đô xây cao hơn Lăng Bác... thì Nghị vẫn có thể trở thành tổng bí thư. Tương tự, tuy 4S mang tai tiếng nhác gan, mị dân, bỏ rơi đàn em, không có sức mạnh tổ chức... nhưng ông ta cũng có thể trở thành tổng bí thư nếu xoa bóp đúng chổ ngứa của quái thú. Muốn trở thành tổng bí thư thì phải có chân trong Bộ Chính Trị, điểm qua 16 khuôn mặt thì có khoảng 10 khuôn mặt hoặc đã quá già hoặc không có ý ra tranh. Những khuôn mặt còn lại như 3D, 4S, PQNghị, TĐQuang, PQThanh, ĐTHuynh thì Thanh đã thiệp bài, Huynh thì từ nhà báo đi lên chưa có kinh nghiệm điều hành guồng máy Đảng, Quang thì có vấn đề khai sinh giả và không có ý nhắm vào ghế TBT mà là ghế khác trong tứ trụ, cho nên thực sự còn lại là 3D, 4S và Nghị. Hiện giờ phe Trọng đang tìm cách loại 3D để chỉ còn lại 4S và Nghị. Điều thú vị là cùng ngày 5/10 khai mạc Hội Nghị TU12 thì TPP được 12 nước thông qua, nó giúp tạo điểm cộng cho phe 3D vì TPP sẽ thúc đẩy thoát Trung và không nhất thiết độc đảng. Cũng cùng ngày, 4S thăng cấp đại tướng cho hai ông Ngô Xuân Lịch và Đỗ Bá Tỵ, tín hiệu cho thấy Tỵ sẽ vào BCT và làm bộ trưởng quốc phòng, Lịch sẽ đóng vai trò như một chính uỷ trong Đảng để kiểm soát Tỵ. Với quân hàm đại tướng và vấn đề Biển Đông, Lịch cũng có thể vào BCT trong thời gian sắp tới. Hôm 2/10, chỉ ba ngày trước HN12, 3D ký các Quyết định 1698, 1699, 1700, 1701/QĐ-TTg, bổ nhiệm 4 trung tướng làm thứ trưởng bộ quốc phòng (Lê Chiêm, Võ Trọng Việt, Bế Xuân Trường, Trần Đơn), nâng số thứ trưởng lên 10 vị. Điều này cho thấy (a) các phe đang o bế quân đội, (b) các phe đều muốn chứng tỏ mình yêu nước, muốn thoát Trung, (c) vai trò của quân đội lâu nay đã quan trọng trong BCT và BCHTU để bảo vệ Đảng, nay lại càng quan trọng hơn để đương đầu vấn đề Biển Đông. Vụ xử công khai ông Hà Huy Hoàng, cựu phóng viên báo Thế Giới và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại Giao, 6 năm tù hôm 30/9 ở Hà Nội, trong khi ông bị bắt giữ gần một năm (15/10/2014) không xét xử, cho thấy trong Đảng phe thuộc Trung đã bị việt vị. Xử ông Hoàng để trả đũa việc ông Tập Cận Bình trong chuyến du Mỹ nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa là của TQ từ thời cổ đại, việc xây đảo không ảnh hưởng tới ai và không nhắm vào một quốc gia nào. Nghe nói còn hai con cá gián điệp cho TQ lớn hơn ông Hoàng cũng sắp được đưa ra xử, một vụ trưởng ở Bộ Ngoại Giao và một đại tá quân đội. Ông Trọng giờ đây không còn muốn nằm trong quỹ đạo của TQ và sắp về hưu sau ĐH12. Nếu trước kia ông thân TQ 100% thì giờ đây chỉ còn chừng 10%, theo đánh giá của một số người quan sát thời cuộc, cho nên sự tranh chấp giữa ông và 3D trong Đảng không còn là thân Trung/thoát Trung mà là cương quyết bảo vệ độc đảng, bứng đi nhóm lợi ích, diệt trừ hiện tượng tự diễn biến. Sự thay đổi chiến lược này của ông Trọng gây khó khăn vô vàn cho 3D. Ông Trọng sắp về vườn, không có gì để mất cho nên sẵn sàng chơi tới bến trong khi quán tính ù lì của tổ chức để duy trì độc đảng là con quái thú hậu thuẩn sau lưng ông. 3D trong chốc lát bị mất thế mạnh thoát Trung trong Đảng và phải chiến đấu khá cô đơn đến độ phải lôi con gái rượu vào vòng chiến. Với TPP đã đạt được, với kinh tế đang ở mức phát triển 6.2 khá tốt, với khuynh hướng dân chúng nghĩ là ông "có thể" thắng được sự ù lì của quái thú để làm được việc thay đổi, với lợi thế có nhiều ảnh hưởng trong quân đội và công an, với dư luận quốc tế nhất là tây phương khá thuận lợi cho ông, ai cũng nghĩ 3D sẽ là TBT trong ĐH12, vì ông có lợi thế đường dài. Tuy nhiên, nước xa không cứu được lửa gần đang cháy phừng phừng cho đến ĐH12, hai cản trở lớn cho ông là sự ù lì của quái thú ĐCSVN và sự yếu đuối của Mỹ trước TQ ở Biển Đông, không quan tâm trong vấn đề tranh chấp chủ quyền trên các mõm đá, chỉ quan tâm an ninh hàng hải và giải quyết hoà bình các tranh chấp, điều mà TQ luôn luôn hứa bảo đảm với Mỹ, làm cho các phe trong Đảng CSVN đều cảm thấy bơ vơ mất phương hướng giải quyết. Do bơ vơ nên khuynh hướng đi dây lăng ba di bộ giữa Mỹ và TQ sẽ vượt trội, cho nên thoát Trung không có nghĩa là thân Mỹ mà là xàng xê để duy trì độc đảng. Với chính sách ngoại giao quốc phòng này thì phe 3D cạnh tranh vất vả hơn và chưa chắc đã hay hơn. Rõ ràng muốn bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì Việt Nam phải có sức mạnh nội tại. Sức mạnh này bao gồm chẳng những toàn dân trong nước mà còn cả người Việt hải ngoại, nhất là người Mỹ gốc Việt, tức khối người có thể ảnh hưởng lên đường lối chính sách của Mỹ đối với VN. Sự kết hợp càng ngày càng nhiều và càng thắc chặt giữa người dân trong nước và người dân hải ngoại là một xu huớng/quán tính tự nhiên. Lực lượng chính trị nào nhận chân và tận dụng được xu huớng/quán tính này sẽ có được quần chúng và phát triển được sức mạnh nội tại của dân tộc VN. Như Do Thái, nó là một yếu tố quyết định cho việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của VN. Lê Minh Nguyên 6/10/2015 Nguồn; - https://vietbao.com/a243817/bac-vu-khong-chau-la-lang
......

Đàm phán TPP kết thúc tốt đẹp, Obama nhấn mạnh tương lai khu vực Thái Bình Dương

Mười hai quốc gia Thái Bình Dương hôm nay 05/10/2015 tại Atlanta, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ấn định các quy định cho «tự do mậu dịch thế kỷ 21» sau bảy năm thương lượng ráo riết, có lúc tưởng chừng đã đổ vỡ. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh vai trò của TPP tại khu vực sinh động châu Á- Thái Bình Dương. Công nhân một xưởng may ở Sài Đồng, Hà Nội, 01/07/2015. Ngành dệt may đang thu dụng 1 triệu công nhân tại Việt Nam. REUTERS/Kham/Files Tổng thống Barack Obama ngay lập tức hoan nghênh việc đàm phán thành công hiệp định lịch sử, được ông coi là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ. Với TPP, khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới được thành lập và có thể coi là hình mẫu cho cuộc thương thảo hiện nay giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu. Đại diện thương mại Mỹ (USTR), ông Michael Froman trong cuộc họp báo ở Atlanta bên cạnh 11 nhà thương thuyết khác đã tuyên bố: «Chúng tôi đã kết thúc thành công cuộc đàm phán. Thông điệp gởi đến tất cả các nước là mười hai quốc gia chúng tôi vui mừng đã đạt đến một thỏa thuận (…) và sẵn sàng chia sẻ kết quả thương thảo, mở rộng các lợi ích của TPP». Cuộc thương lượng bắt đầu từ năm 2008 cuối cùng đã về đích sau kỳ họp kéo dài hơn năm ngày tại Atlanta. TPP là hiệp định tự do mậu dịch liên kết 12 nước Úc, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mêhicô, New Zealand, Pêru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam, chiếm 40% nền kinh tế thế giới, nhưng Trung Quốc không được tham gia. Hoa Kỳ muốn buộc Trung Quốc phải chấp nhận các tiêu chuẩn của TPP, còn các nước khác như Hàn Quốc có thể thương lượng để gia nhập sau này. Mô hình cho TTIP tương lai? Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại Cecilia Malmström chúc mừng thành công của đàm phán TPP. Thương lượng về Hiệp định Tự do Mậu dịch xuyên Đại Tây Dương (TTIP, hay TAFTA theo tiếng Pháp) bắt đầu từ năm 2013 hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ do tâm lý nghi ngại ở một số nước, nhất là Đức và Pháp. Chính quyền Obama trước đó cũng đã rất cực nhọc để đạt được TPA (Trade Promotion Authority), tức quyền đàm phán nhanh để chính phủ rộng tay thương thuyết với các đối tác, sau đó Quốc hội chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ toàn bộ. Nhà Trắng phải đối đầu với những người chống đối ngay trong đảng Dân chủ của ông Barack Obama. Tổng thống Hoa Kỳ khi hoan nghênh đàm phán thành công đã nhấn mạnh hiệp định TPP phản ánh «những giá trị Mỹ». Ông nói: «Chúng ta có thể giúp đỡ các công ty Mỹ bán được nhiều sản phẩm và dịch vụ hơn trên khắp thế giới (…) Quan niệm của tôi về trao đổi thương mại luôn dựa theo một nguyên tắc: bảo đảm rằng các doanh nghiệp và người lao động Mỹ có thể chiến đấu bằng các vũ khí tương đương (với các nhà cạnh tranh nước ngoài). Khi trên 95% khách hàng tiềm năng sống ở bên ngoài biên giới, chúng ta không thể để cho các nước như Trung Quốc áp đặt những quy định cho nền kinh tế toàn cầu». Tổng thống Obama nói thêm: «Chính nhờ hiệp định kết thúc tại Atlanta hôm nay, trên 18.000 sắc thuế mà các nước khác đánh vào sản phẩm Mỹ bị hủy bỏ (…). Hiệp định TPP sẽ củng cố quan hệ chiến lược với các đối tác của Hoa Kỳ tại một khu vực sống còn cho thế kỷ 21». Các điểm vướng mắc chính trong vòng đàm phán cuối là thời hạn dành cho quyền sở hữu trí tuệ các dược phẩm sinh học, sản phẩm sữa của Úc và New Zealand xuất qua Canada, phụ tùng xe hơi Nhật xuất sang Bắc Mỹ. Cửa ải Quốc hội Mỹ Hiệp định sẽ phải được cả 12 quốc gia thành viên ký kết và phê chuẩn, một điều có thể không dễ dàng đối với một số nước. Tổng thống Mỹ chỉ có thể ký hiệp định 90 ngày sau khi chính thức thông báo ý định cho Quốc hội. Sau đó chính quyền phải trao cho các dân biểu, nghị sĩ các báo cáo và dự thảo luật phù hợp với luật pháp của Mỹ, sau đó Quốc hội mới bỏ phiếu. Cuộc tranh luận tại Quốc hội Hoa Kỳ để phê chuẩn hiệp định TPP sẽ diễn ra vào ngay thời kỳ cao điểm vận động tranh cử Tổng thống Mỹ. Một trong số các ứng cử viên Dân chủ là Bernie Sanders ngay sau khi đàm phán kết thúc đã tố cáo hiệp định là «tai hại», cho rằng «Wall Street và các tập đoàn lớn đã lại chiến thắng». Dân biểu Dân chủ Louise Slaughter cảnh báo sẽ phối hợp với các nghị viên Canada và Úc để ngăn trở TPP. Về phía thượng nghị sĩ Cộng hòa Orrin Hatch nhận định, các chi tiết đầu tiên về TPP cho thấy hiệp định «hoàn toàn chưa đầy đủ». Thủ tướng bảo thủ Canada Stephen Harper cũng phải đối mặt với kỳ bầu cử Quốc hội trong gần hai tuần tới, chịu áp lực nặng nề của nông dân trong nước về sản phẩm sữa. Ông khẳng định TPP «là nhân tố chủ chốt trong chính sách quản lý và giúp tăng trưởng» nền kinh tế Canada, hiện đang có nguy cơ suy thoái. «Hiệp định của thế kỷ 21» TPP giúp mở cửa những thị trường lớn cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó Nhật Bản vốn lâu nay cứng rắn đã có những nhượng bộ đáng kể. Phía Hoa Kỳ chấp nhận giảm thuế hải quan phụ tùng xe hơi cho một số nước không tham gia TPP như Thái Lan, Trung Quốc. Hiệp định thiết lập những cơ chế để giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư ngoại quốc với các chính phủ, tránh dành ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước khi ký hợp đồng. TPP cũng đòi hỏi các nước như Việt Nam, Mêhicô và Malaysia cải thiện các điều kiện lao động cho công nhân. Riêng với Việt Nam, đây là cơ hội cho hàng xuất khẩu, tuy còn phải khắc phục nhiều khó khăn để đáp ứng các yêu cầu, như nguyên liệu cho ngành dệt may chẳng hạn. Đặc biệt vấn đề làm chính quyền Việt Nam ngần ngại nhất là công đoàn độc lập, gần đây cũng đã được vượt qua khi Hà Nội «chấp nhận quy chiếu theo chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO)» mà Việt Nam là thành viên. Nguồn: RFI
......

Không được phép cao hơn lăng Ba Đình

Ngày 28/9/2015, báo chí quốc doanh ở Hà Nội đồng loạt đăng tin chính quyền thành phố này đã “tiến hành kiểm tra” một dự án trung tâm thương mại, văn phòng bị cho là “cao hơn” lăng Hồ Chí Minh. Sự so sánh cho thấy công trình số 8B Lê Trực này đang được xây dựng, có chiều cao tối đa 60 mét trong khi lăng của lãnh tụ cộng sản Việt Nam chỉ cao 21.6 mét. Không ai khác mà chính Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã ký quyết định phê duyệt dự án này vào năm 2013. Câu chuyện không chỉ là vấn đề cao hơn hay thấp hơn mà nằm ở căn bịnh “tệ sùng bái cá nhân” còn ăn sâu trong não trạng các lãnh đạo cộng sản về chiều. Sự sùng bái đó được họ sử dụng như tấm bùa để bảo vệ quyền lực, dù rằng từ năm 1960 cũng chính các lãnh tụ đó đã gạt ông Hồ sang một bên trong mọi chuyện triều chính của triều đình cộng sản. Sau năm 1969, cái chết của Hồ Chí Minh là cơ hội cho các lãnh tụ đương thời phất lên trong quyền lực và họ quyết định sử dụng xác chết này như một món hàng trưng bày tượng trưng cho lòng yêu nước của người cộng sản. Và quan trọng hơn hết là dùng nước mắt để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lăng đẫm máu làm một món quà cho người chết, cũng như lường gạt thành phần dân chúng nhẹ dạ cả tin. Nếu năm 1956 chỉ cần một bài diễn văn dài 4 tiếng đồng hồ, Khrushchev đã hạ bệ nhanh chóng thần tượng Stalin thì sau năm 1969, tệ sùng bái cá nhân càng ngày càng được đắp nền xây móng vững chắc ngay tại Hà Nội. Các lãnh đạo chóp bu thời ấy đã ngang nhiên sửa lại ngày chết, sửa lại di chúc của ông Hồ cho phù hợp với tình thế và giấu giếm như một bí mật quốc gia. Nên thay vì hỏa táng ông ta theo nguyện vọng, họ mang trưng bày xác ướp của ông trong một lăng tẩm được xây dựng nguy nga ở Ba Đình bằng tiền của rút ra từ một ngân khố cạn kiệt của thời chiến. Từ đó Ba Đình trở thành một vùng đất thiêng của Hà Nội được đảng bảo vệ ngày đêm như một kho báu trời cho. Nhưng rồi nó cũng không vượt qua được sự biến loạn của cơn gió đổi thay trong thời buổi kinh tế thị trường, dù đảng có cẩn thận gắn kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa. Vùng đất thiêng nhanh chóng biến thành “khu đất vàng” để giòng chảy của đồng đô-la biến nó trở thành những tòa nhà “chọc trời” kiểu Mỹ. Tòa nhà 8B Lê Trực không phải mới xây trong tháng 9/2015 mà nó đã bắt đầu mọc lên từ năm 2013 sau khi có quyết định của một phó thủ tướng. Nó hiên ngang mọc lên dưới mắt người dân thủ đô Hà Nội cho tới khi ông Vũ Mão hay ai đó mở to mắt nhìn thấy nó bỗng cao hơn “lăng bác”. Nhưng cao hơn thì đã sao? Trả lời cuộc phỏng vấn của báo Petro Times, ông Vũ Mão kêu gọi mở một cuộc điều tra xem ai là người cấp phép cho dự án. Nguyên chánh văn phòng của quốc hội đảng cử dân bầu có lẽ cầm sổ hưu đã lâu, nên cũng không ngờ giấy phép đã đi ra từ cửa trước của ông Hoàng Trung Hải đến Sở xây dựng Hà Nội. Vậy nếu cần điều tra, có lẽ công an trước hết nên gõ cửa Phó thủ tướng Hải. Ông Vũ Mão nói chắc như đinh đóng cột rằng: "Có một nguyên tắc mà bất cứ người dân thủ đô nào, dù làm nghề gì và ở đâu thì cũng hiểu là không một công trình nào ở quanh khu vực này được phép cao hơn Lăng Bác." Ông Mão nói cho sướng miệng chứ người dân biết hơn ông nhiều và chẳng có ma nào cả gan đến đó để xây một công trình có thể “nhòm xuống lăng Bác” như ông mô tả. Mà chỉ có những thế lực trong đảng, những tâp đoàn siêu quyền lực về kinh tế và chính trị mới có khả năng xuyên thủng cái quy định “không được cao hơn lăng Ba Đình”. Nếu ông Mão biết được đến đó, ông sẽ không ngỡ ngàng và an tâm với cái sổ hưu hơn, lại khỏi mang tiếng trâu cột ghét trâu ăn. Chuyện căn nhà cao tầng ở đường Lê Trực bỗng nhiên trở nên “làm xùm” không chỉ là vấn đề sùng bái ông Hồ, khi nó được đưa ra vào giữa lúc lựa chọn nhân sự cho đại hội đảng sắp tới. Chính ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo thành phố Hà Nội phải điều tra và báo cáo gấp trước ngày 30/9, khiến người ta không khỏi liên tưởng đến việc đoàn thanh tra chính phủ (của ông Nguyễn Tấn Dũng) điều tra và báo cáo gấp về những bê bối của thành phố Đà Nẵng dưới thời ông Nguyễn Bá Thanh, khi ông Nguyễn Bá Thanh nổi lên trở thành một đối thủ của ông Dũng. Nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh khác, quy định bất thành văn “không được cao hơn lăng Bác” quả là một thứ quy định không những mang tính áp đặt phi lý mà còn vô pháp luật. Từ lâu đảng cầm quyền đã cương quyết dựa vào xác chết vô tri giác của Hồ Chí Minh để kéo giật lùi sự phát triển của đất nước và cả dân tộc Việt. Họ đặt ra luật lệ quy định này nọ để không gì khác hơn là đem phần lớn nhất của miếng bánh về cho phe đảng mình. Sự chỉ mặt lẫn nhau giữa phe này và phe kia trong vụ căn nhà cao tầng này chỉ là một trong rất nhiều vụ tương tự. Những chi tiết công bố sau này cho biết ông Hồ đã để lại di chúc là muốn hỏa táng sau khi chết, thế nhưng lãnh đạo CSVN lại tiêu tốn rất nhiều tiền mướn chuyên viên ướp xác để lộng kiếng cho thiên hạ vào xem. Làm như thế chưa đủ, nay Hà Nội còn cấm xây nhà cao hơn nhà mồ của ông Hồ, vốn được canh phòng nghiêm nhặt bởi một trung đoàn bảo vệ. Quy định duy ý chí này chẳng khác nào buộc cả nước phải thấp hơn nhà mồ ông Hồ, mà nếu không thấp hơn sẽ là một cái tội lớn. Xét ra trên thế giới chưa có quốc gia nào sùng bái lãnh tụ điên rồ như thế ngoài Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Liên Xô trước đây. Và cũng không phải ngẫu nhiên mà ba nước ấy đều là những nhà nước theo chủ nghĩa cộng sản, nơi đời sống dân chúng còn vất vả kiếm miếng ăn, thì sự đấu đá quyền lực và tranh giành miếng ăn trong giới cầm quyền đã là những đặc trưng của chế độ. Điều này đã nói lên tại sao nước ta không khá lên nổi sau 40 năm chiến tranh. Đó chính là do não trạng "ăn mày dĩ vãng" của các tay lãnh đạo đầu sỏ, dựa vào xác họ Hồ để cầm quyền, độc quyền bán nước, độc quyền cướp bóc đất đai của nhân dân làm của riêng.
......

NGHỊCH LÝ CHUA CHÁT

Kể từ khi những dòng người VN đầu tiên liều mình một sống một chết để tìm đường vượt biên, thoát khỏi “thiên đường XHCN” trên những chiếc thuyền nhỏ bé giữa biển khơi mênh mông, dữ dằn cho đến nay, đích đến được nhiều người nhắm nhất là nước Mỹ. Vì vậy mà cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài là ở Mỹ với khoảng hơn 2 triệu người. Hơn 40 năm trôi qua, người Việt vẫn tiếp tục tìm mọi cách ra đi, bằng nhiều con đường khác nhau, đi lao động xuất khẩu rồi tìm cách trốn ở lại, đi bằng đường hôn nhân thật và giả, đi học rồi kiếm được việc và ở lại, đi theo diện work permit-đi làm, đi theo diện kinh doanh, cho con đi học gọi là "tỵ nạn giáo dục", học xong tìm cách ở lại v.v…Dòng người, cả chất xám và tiền bạc tiếp tục thoát ra khỏi ngôi nhà VN tràn về các nước có đời sống tốt đẹp hơn, trong đó nhiều nhất, vẫn là Hoa Kỳ. Tự dưng thắc mắc, ừ thì hồi xưa người Việt ở miền Nam chạy trốn khỏi chế độ cộng sản muốn đến Mỹ vì đó là nước đồng minh (cho dù đồng minh đã phản bội nước mình) cũng là điều dễ hiểu, bất chấp việc bị nhà cầm quyền và cả người dân miền Bắc hồi đó chưa hiểu chuyện mắng nhiếc là chạy theo đế quốc để ăn cơm thừa bơ sữa cặn. Người Việt sau này tìm đường đi Mỹ vì đó là cường quốc có nền tự do dân chủ lớn nhất thế giới, cho con đi học ở Mỹ vì Mỹ là một trong những nước có nền giáo dục tốt nhất thế giới…cũng hiểu được luôn; ngay cả việc gần đây tù nhân lương tâm bị nhà cầm quyền tống thắng sang Mỹ cũng vì chỉ có Mỹ chấp nhận không điều kiện “món hàng đặc biệt” này. Nhưng còn những quan chức của chế độ, những người miệng ra rả chửi Mỹ, bênh đảng bênh chế độ họ cũng chạy qua Mỹ là sao. Từ những người không có chức vụ gì như một người quen mà tôi biết trước đây luôn tự hào về quá khứ từng là văn công đi phục vụ chiến trường, rất bênh chế độ, sẵn sàng nổi đóa lên nếu có ai “nói xấu" chế độ và một hai bảo mình chỉ sống ở VN, ra nước ngoài buồn lắm, chán lắm…Mấy năm không nghe tin, hỏi lại mới biết cũng đã lấy một ông Việt kiều và đi sang Mỹ rồi! Cho tới hạng tôm tép về mặt quyền chức nhưng là một bồi bút có cỡ, lúc nào cũng cao giọng bênh đảng bênh chế độ như một bà cựu Tổng biên tập một tờ báo mà giới blogger, nhà báo “lề trái” quá rõ mặt, cũng chạy sang Mỹ, cả gia đình. Và hàng trăm hàng ngàn quan chức Việt Cộng từ thấp đến cao, đến cả con gái của ông đương kim Thủ tướng bây giờ cũng đã là công dân Mỹ! Nghĩ thật chua chát, oái ăm. Suốt mấy chục năm đảng cộng sản tìm cách đẩy cả dân tộc vào con đường chiến tranh, quyết đánh và đánh tới cùng bất chấp lương tri, đạo nghĩa, xương máu của bao người, cả dân tộc này, đất nước này phải trả một cái giá vô cùng đắt cho cái mục tiêu mà họ gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Còn bây giờ, sau khi vơ vét cho bằng hết mọi tài nguyên, tài sản của nhân dân đất nước, họ thu tóm về cho mình, cho gia đình để làm một cuộc rút chạy êm ả và công khai sang Mỹ và các nước tư bản mà ngày xưa họ chửi rủa không tiếc lời. Chỉ có nhân dân, nhất là tằng lớp dân nghèo, là muôn đời khốn nạn, biết chạy đi đâu? Mà ngẫm nghĩ lại thì trên đất nước này kể từ khi có đảng, có cái gì mà không trở thành nghịch lý, đảo ngược 180 độ, bất bình thường, đi ngược mọi quy luật phát triển bình thường của thế giới? Theo facebook.com/songchi09
......

Người Việt cố giàu lên, để làm gì? (Kỳ 2)

Trên con đường dài dẫn ra biển Hungtington Beach, Quận Cam, có những khu nhà rất đẹp mà chủ hầu hết là người Việt. Họ là những người rất trẻ, hoặc đó là những gia đình bình thường nhưng sống khép kín. Bạn tôi, một người đã sống ở nơi này, gần bằng thời gian của thế hệ người Việt đầu tiên đặt chân đến Mỹ sau tháng 4/1975, nói rằng đó là những khu định cư mới của “Việt cộng”. Những ngôi nhà đó được mua rất nhanh trong khoảng vài năm gần đây – mỗi căn từ 450.000 cho đến hơn 1 triệu USD, cho thấy có một nguồn ngoại tệ khổng lồ được chuyển ra khỏi nước Việt Nam, để xây dựng một ước mơ thầm kín và khác biệt bên ngoài tổ quốc của mình.   Phần lớn những người này đều nói giọng miền Bắc, mới. Họ có một lối diễn đạt thời thượng thật dễ gây ấn tượng. Anh bạn tôi, một người làm real estate – môi giới mua bán bất động sản ở Mỹ – kể lại cuộc trò chuyện với một khách hàng như vậy, và được biết nhà được mua ngay bằng tiền mặt, mà người khách dằn giọng “tiền tươi!”. Không chỉ ở nơi đó, nhiều năm gần đây, cộng đồng Việt Nam ở Texas cũng hay nói với nhau rằng khu Bellaire đang ngày càng nhiều những người chạy khỏi Việt Nam hợp pháp như vậy. Thậm chí, không chỉ xuỳ tiền nhanh để mua nhà – lớp người này rất nhiều tiền – họ mua luôn các cơ sở thương mại. Từ các tiệm nail với giá vài chục ngàn cho đến các siêu thị giá trên chục triệu USD, một thế hệ khác chính kiến, khác tư duy đang len lỏi vào các cộng đồng Việt Nam chống Cộng để mong an cư và sinh tồn. Nơi quần cư cho tiếng Việt, văn hoá Việt không chấp nhận chế độ cộng sản mà nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng từng gọi là “một Việt Nam bên ngoài Việt Nam”. Có lẽ vì vậy, mà ở các khu người Việt như vậy, biển quảng cáo của các luật sư di trú ngày càng nhiều. Trên đài phát thanh hay truyền hình cũng ra rả các lời mời tư vấn tìm hiểu cách lấy thẻ xanh để được ở lại nước Mỹ. Sẽ là một điều chua chát, nếu nhìn lại lịch sử. Dù nước Mỹ vẫn bị gọi là thua trận và bị “đuổi” khỏi Việt Nam theo các văn bản tuyên truyền, nhưng đích đến giờ đây của nhiều quan chức Việt Nam vẫn là nước Mỹ chứ không là đồng minh số một Trung Quốc. Thậm chí các quan chức, giới tư bản đỏ hiện tại của Việt Nam còn bỏ ra rất nhiều tiền để được trụ lại quốc gia thù địch đó, cho mình là cho con cái của mình. Nhiều người Việt Nam sống bằng đồng tiền lương thiện ít ỏi của mình tại Mỹ đã ngạc nhiên hỏi rằng “họ là ai, sao giàu vậy”. Thật không dễ trả lời. Trong những người đến Mỹ hay bất kỳ quốc gia phương Tây thù địch nào khác, có những người làm mọi cách như một cuộc tỵ nạn về an sinh, giáo dục… nhưng cũng có những người chạy đi, để âm thầm đào thoát khỏi lý tưởng của mình. Anh Mến, một người sống ở Kansas chỉ hơn 10 năm, trong một cuộc gặp ngẫu nhiên đã thảng thốt kể rằng anh chứng kiến những người Việt đến Mỹ mua một lúc 2,3 căn nhà. Thậm chí họ còn luôn đón mua hàng chục chiếc Iphone đời mới nhất để gửi về, so với anh đến nay vẫn còn mắng con khi thấy chúng xài viết chì được phân nửa đã vứt đi. “Việt Nam bây giờ dễ kiếm tiền lắm hả anh?”, anh Mến ngơ ngác hỏi.   Thật khó mà giải thích với anh Mến, dù cùng là người nói tiếng Việt với nhau. Vì ngay ở quê hương lúc này, hàng triệu người đang nuốt các bữa ăn công nhân hàng ngày tệ bạc đến mức như công khai bào mòn tuổi xuân của họ. Những vùng quê đói nghèo phải xin gạo trợ cấp mỗi năm, nhưng đầy dẫy các quan lớn vẫn lên nhà cao, tậu xe to và viết các dự án xây tượng đài hàng ngàn tỉ.   Trường St Polycarp ở thành phố Staton, Quận Cam, là một trong những trường tư thục Công giáo mà nhiều gia đình người Việt dù tốn tiền nhưng vẫn hay gửi con vào vì mong chúng học kiến thức, và học được cả đức tin. Thỉnh thoảng, cũng có những gia đình đem con đến và cho con cái làm quen với Jesus thay cho học tin vào một lãnh tụ. Năm ngoái, chiếc xe đỗ trước cửa trường đưa đứa trẻ vào học, có cả ông bà theo để xem nơi học thế nào. Đó là những người vẫn còn mang đậm phong thái cán bộ với quần áo, giày dép vả cả giọng nói. Khi gia đình này bước qua sân trước, vòi nước tự động tưới cây bất ngờ bị hư, nên làm tràn ra một vũng nước. Người phụ nữ lớn tuổi bước qua, càu nhàu “Thế này là không được. Phải nói nhà trường xem lại coi chứ thế này thì đi hư hết cả giày”. Thấy tôi là người Việt, đang đứng gần ở nơi bán hàng gây quỹ cho trường, nên bà nói luôn “Anh có làm ở đây không, anh nên nói với ban giám hiệu”. Tôi nhớ đến Sài Gòn, Hà Nội… nhớ những ngày nước ngập lụt lội đến tận giường. Nhớ đến những mùa nhập học hàng ngàn phụ huynh vật vã, lê lết khắp nơi chạy trường cho con mình, dù phải gửi lót tay. Có lẽ người Việt đã quen sống vất vả và chịu đựng nên mọi thứ quen dần, đến khi tiếp cận với một đời sống tự do và dân chủ, ai cũng hăng hái tìm và thể hiện quyền của mình. Dĩ nhiên vòi nước được sửa ngay sau ấy không lâu, mà ban giám hiệu không đổ thừa cho biến đổi khí hậu hay thiếu tiền ngân sách. Gia đình đó khi quay lại hôm sau, chắc sẽ hài lòng và nghĩ mình được tôn trọng, khác với những ngày tháng mà bao nhiêu người dân ở quê hương giận dữ với hiện trạng nhưng thấy mình luôn bị biến thành trò hề. Bài học của cuộc sống đơn giản hiện rõ trên gương mặt của gia đình đó, mà tôi thấy, là sự tự tin và quyền của con người, có thể rất khác khi họ ở Việt Nam, bị cảnh sát giao thông ngoắc xe vào vô cớ, đã vội móc túi tìm vài trăm ngàn để lướt qua nan đề thật nhanh. Một trong những câu nói nổi tiếng của nhà văn, diễn thuyết gia John Mason, cũng là tựa đề một quyển sách nổi tiếng của ông, có tựa đề “Bạn được sinh ra như một nguyên bản, vậy đừng chết như một phiên bản” (You were born an original. Don’t die a copy) có lẽ là một trong những động lực thúc đẩy âm thầm nhưng mãnh liệt trong lòng người Việt từ nhiều đời nay. Đã có rất nhiều người ra đi, để được thấy mình và con cái của mình được sống như là chính mình, như một nguyên bản. Nhiều năm sau 1975, vẫn có những dòng người ra đi rất xa khỏi quê hương để tìm lại phần nguyên bản của mình. Nghèo khó, họ có thể thành người rơm ở Anh hay bị xua đuổi ở Campuchia. Giàu có, họ trở thành những kẻ lưu vong hoặc nhấp nhổm với cuộc sống mới mà mắt vẫn đau đáu về quê nhà. Lịch sử thế giới chắc sẽ lại phải ghi thêm một chương kỳ lạ. Con người và muông thú lên thuyền ông Noah để gột sạch mình cho một thế giới mới, nhưng người Việt hôm nay lại lặng lẽ lên chiếc thuyền mong cứu chuộc nguyên bản của đời mình, cứu chuộc một cuộc sống đơn giản, thật thà và tự do. Nhưng tại sao chúng ta không thể là nguyên bản ở quê hương mình? Vì sao chúng ta phải sống không là mình nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi đang hình dung người đàn ông có xe hơi đắt tiền không bỏ xe giữa con đường ngập nước ở Sài Gòn mà ông ta cùng nhiều con người nữa đang ướt sủng sẽ đi thẳng đến cơ quan nhà nước để hỏi rằng vì sao? Tôi hình dung gia đình Việt Nam di cư đến Mỹ đó sẽ không chất vấn một ban giám hiệu ngoại quốc về của công, mà sẽ cất tiếng nói như vậy trên chính đất nước mình? Một cuộc sống thật và đơn giản – nguyên bản vì sao đang phải bị đánh tráo bằng những phiên bản vô hồn và nhạt nhẽo? Chúng ta được dặn dò hãy chỉ nên lo làm ăn, và đừng quan tâm đến chuyện gì khác. Và nhiều người Việt đã mất rất nhiều thời gian để làm được điều đó rồi giật mình nhìn thấy thế giới này không chỉ no đủ là tất cả. Không ít người giàu có, thậm chí quan chức đã dồn tất cả để ra đi và đổi một cuộc sống khác. Thậm chí đó là cuộc sống mà trước đây họ bảo vệ và coi những kẻ từ bỏ, ra đi là thù nghịch. Cuộc sống đang như vậy. Rất hiện thực. Khi viết một bài trước đây, một bạn trẻ, có khuynh hướng dư luận viên, đã nhắn cho tôi “vậy cứ nghèo đi, nghèo hoài đi”. Dĩ nhiên, đó lại là một khái niệm khác, mà nếu hiểu những gì tôi viết ắt bạn trẻ ấy sẽ không nói như vậy. Vì câu hỏi của tôi rất rõ rằng chúng ta – người Việt, đang cố giàu lên và sau đó là gì? Theo tuankhanh's blog  
......

Gửi các cháu An ninh, Công an, Côn đồ, Dư luận viên... yêu mến !

Các cháu An ninh, Công an, Côn đồ, Dư luận viên… yêu mến ! Bác bận nhiều công việc, nên qua rằm trung thu mới thu xếp thời gian để viết cho các cháu đôi dòng. Quà thì bác chẳng có, vì bác nghèo, bác không phải đảng viên nên không có điều kiện tham nhũng, trộm cướp tiền dân. Vì thế, làm quà cho các cháu, bác chỉ có đôi lời chân tình từ đáy lòng. Các cháu có biết cô Nhíp, người đã một thời lừng lẫy trên màn bạc của nền điện ảnh XHCN của chúng ta.   Ảnh cô ta đấy, khi dẫn “quân Giải phóng” vào chiếm Sài Gòn và ảnh cô ta khi sang định cư ở Hoa Kỳ, quốc gia mà cô ta hăng hái tham gia đánh cho “Mỹ cút”. Ảnh tiếp là chị Beo Hồ Thu Hồng, cựu tổng biên tập báo TT thành phố HCM, kiêm nhân tình thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, ủy viên TW đảng CSVN, trùm mật vụ của nước CHXHCN VN. Nay chị ta cũng đã làm chủ một quán ăn bên Mỹ, Chị ta có thể yên tâm an dưỡng tuổi già. Ảnh tiếp nữa là cô Thanh Phượng, ái nữ của “đồng chí” Nguyễn Tấn Dũng, ủy viên bộ CT, Thủ tướng nước CHXHCN VN. Cô Thanh Phượng may mắn lấy được một tay Việt kiều Mỹ là con trai của một ông nguyên Thứ trưởng trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Cô Phượng sau khi lấy chồng là công dân Mỹ gốc Việt, cô đã vinh hạnh được nhập tịch Hoa Kỳ, quốc gia mà bố đẻ cô ta vẫn leo lẻo chửi. Các cháu thấy đấy. Từ loại dân ngu khu đen, thất học dốt nát như cô Nhíp, đến loại gái gọi cao cấp có học như chị Beo Hồng và cả gái thiên kim tiểu thư như cô Phượng, kẻ nào có thể thì cũng đã tìm đường cao chạy xa bay. Các cháu, bác biết lắm, các cháu phần lớn con nhà lao động, chỉ vì miếng ăn mà chấp nhận làm bất cứ việc gì. Bác thông cảm. Nhưng các cháu ạ, những đứa tội ác ngập đầu, chúng lót ổ ở nước ngoài cả rồi, nguy cơ mới lấp ló ở chân trời thì cả nhà chúng đã tìm đường trốn hết. Các cháu thì sao? Liệu có bao nhiêu cháu đủ tiền, đủ thế lực để kiếm một chỗ trú thân, và còn gia đình, bố mẹ, vợ con, anh chị em… nữa. Làm gì cũng nên nhìn trước nhìn sau, giữ cho mình một chỗ lùi, các cháu ạ. Lòng dân… ai biết thế nào. Bác Thanh yêu mến gửi đến các cháu muôn vàn cái hôn (vào má, phải nói rõ thế). Bloger Hải Thanh Nguyễn
......

Bản lên tiếng về vụ lương tâm TV bị sách nhiễu, hăm dọa

Kính thưa - Toàn thể Đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước - Các chính phủ dân chủ và các cơ quan nhân quyền quốc tế. Lương Tâm TV là một chương trình thực hiện các video clip ngắn do Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm (CTNLT) và Hội Anh Em Dân Chủ (AEDC) đồng thực hiện rồi gởi lên mạng Internet theo định kỳ qua YouTube của Quốc tế. Chương trình này nhắm trình bày sự thật về hiện tình của VN, đưa ra nhận định về các vấn đề của đất nước, nhằm khơi gợi ý thức, soi sáng lương tâm cho Đồng bào, để toàn dân cùng chung tay xây dựng một xã hội có công lý và tự do, dân chủ.   Thế nhưng, chỉ sau 3 video clip (bắt đầu từ ngày 19-08-2015), nhà cầm quyền Cộng sản VN đã ra tay trấn áp. Ngày 23-09-2015, công an Tp Hà Nội, quận Hai Bà Trưng đã cưỡng bức nhóm chuyên viên 5 người thực hiện chương trình đến đồn thẩm vấn hăm dọa, bao gồm nhà báo Nguyễn Vũ Bình, các anh Phạm Đắc Đạt và Nguyễn Mạnh Cường, các cô Lê Thị Yến và Lê Thu Hà. Sau đó tịch thu các phương tiện tác nghiệp của của Lương Tâm TV và các phương tiện thông tin của cá nhân họ, bao gồm 1 máy quay phim cầm tay, 1 camera Sony Anpha 58, bộ đèn chiếu studio 4 chân 4 đèn, 3 laptop chuyên dụng, 1 máy tính bảng, 4 điện thoại, 3 USB, 100 USD, bàn ghế và các thiết bị cho studio khác. Đứng trước vụ việc nghiêm trọng này. 1- Hội CTNLT và Hội AEDC nhận định: a- Chương trình Lương Tâm TV hoàn toàn phù hợp với điều 19 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị mà VN đã ký kết tham gia: “1- Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp. 2- Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia”. b- Chương trình Lương Tâm TV hoàn toàn phù hợp với pháp luật VN. Theo Hiến pháp, hoạt động này nằm trong quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà người dân được hưởng. Còn theo luật báo chí vốn qui định đài truyền hình hay đài phát thanh mà có trụ sở, có phát sóng trên không gian, qua vệ tinh hay qua Internet, phải xin phép chính quyền, thì Lương Tâm TV chỉ là những video clip ngắn từ 7-12 phút được đưa lên mạng qua nhà cung cấp dịch vụ Youtube của Hoa Kỳ- nên không phải xin phép và không thể bị cấm chỉ. c- Chương trình Lương Tâm TV cũng nằm trong tinh thần của 182/227 khuyến nghị UPR của cộng đồng quốc tế về nhân quyền ở Việt Nam mà vào tháng 6-2014, tại kỳ họp thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhà cầm quyền Hà Nội đã tuyên bố ủng hộ và cam kết thực hiện. Trong số khuyến nghị được chấp thuận, có nhiều điều liên quan trực tiếp đến quyền tự do ngôn luận như: Thực thi hơn nữa các biện pháp nhằm thúc đẩy tự do biểu đạt và tự do truyền thông phù hợp với những tiêu chuẩn quốc tế tiến bộ nhất (Italy); Tiến hành các biện pháp cho phép tiếp cận cùng sử dụng Internet không hạn chế đối với mọi công dân, đồng thời đảm bảo tự do quan điểm và biểu đạt của mỗi người, cũng như tự do báo chí và truyền thông (Estonia); Dành không gian cho truyền thông phi nhà nước và làm cho các Điều 79, 88 và 258 Bộ luật Hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt (Úc). 2- Hội CTNLT và Hội AEDC lên án a- Nhà cầm quyền VN vì đã trắng trợn chà đạp Công pháp quốc tế, Luật pháp quốc gia, khinh thường nhân dân và Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khi đàn áp chương trình Lương Tâm TV. Họ đã vận dụng một thứ luật pháp được giải thích cách tùy tiện, được áp dụng cách rừng rú để áp đặt những tội danh vu vơ, hòng duy trì quyền lực độc tài toàn trị của đảng Cộng sản. b- Nhà cầm quyền Hà Nội và Công an quận Hai Bà Trưng vì đã hành xử một cách vô luật khi dùng những trò phi pháp, đê tiện (chặn bắt giữa đường, dàn dựng tai nạn giao thông, huy động một lực lượng đông đảo…) để cưỡng bức công dân đến đồn thẩm vấn, sau đó tịch thu mọi phương tiện làm việc của nhóm thực hiện, thậm chí còn tước đoạt cả tài sản riêng vài người đang mang theo. Đến khi vài chục thân hữu của họ tới đồn để ôn hòa phản đối chuyện bắt người trái phép thì cả trăm công an, dân phòng, bảo vệ (đa số mặc thường phục) lên tiếng chửi bới thô tục và đánh đập họ cách dã man. Nay thì công an tiếp tục theo dõi canh chừng và cưỡng bức Nhóm thực hiện đến đồn để hăm dọa, áp lực họ nhận tội và tìm lý cớ để hợp pháp hóa việc tịch thu phương tiện tác nghiệp và tài sản cá nhân của họ. Qua hành động đàn áp dân chủ mới nhất này, người ta thấy công an ngày càng giỏi nghiệp vụ của bọn thảo khấu chặn đường để ngang nhiên cướp bóc hơn là giỏi nghiệp vụ của người bảo vệ luật pháp chính đáng và che chở nhân dân vô tội. 3- Hội CTNLT và Hội AEDC tuyên bố: a- Tiếp tục chương trình Lương Tâm TV trong sự hợp tác với nhiều tổ chức xã hội dân sự khác, vì đây là quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, là cách thức sống theo lương tâm và truyền bá dân chủ của chúng tôi, là nhu cầu cấp thiết của mọi giới đồng bào VN đang phải từng ngày từng giờ gánh chịu một nền thông tin mang tính tuyên truyền, đầy dẫy dối trá, phục vụ sự thống trị của đảng và nhà cầm quyền Cộng sản chứ không phục vụ sự thật và thiện ích của đất nước. b- Đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN chấm dứt ngay sự sách nhiễu, hăm dọa đối với những người đã và đang thực hiện chương trình Lương Tâm TV, đồng thời trả lại trong nguyên trạng các phương tiện tác nghiệp của họ cũng như tài sản riêng của họ vốn đã bị tịch thu cướp đoạt. c- Kêu gọi đảng CSVN – giữa lúc đất nước đang rơi vào đủ thứ khủng hoảng, tệ nạn và thảm trạng từ chính trị tới kinh tế, dân sinh tới môi trường, văn hóa tới giáo dục, an ninh tới quốc phòng- hãy để tâm lắng nghe tiếng nói của nhân dân, xét đến thiện chí của phong trào dân chủ, công nhận sự đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự, thay cho việc cấm cản tùy tiện, trấn áp dã man, bắt bớ điên cuồng. Việt Nam ngày 01-10-2015 Hai tổ chức xã hội dân sự khởi xướng:1. Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm: Bs. Nguyễn Đan Quế, Lm. Phan Văn Lợi 2. Hội Anh Em Dân Chủ: Ông Phạm Văn Trội, Ls. Nguyễn Văn Đài Các tổ chức xã hội dân sự ủng hộ:3. Hội Nhà Báo Độc Lập: Ts. Phạm Chí Dũng 4. Bach Dang Giang Foundation; Ths. Phạm Bá Hải 5. Giáo Hội Liên Hữu Lutheran Việt Nam – Hoa Kỳ: MS. Nguyễn Hoang Hoa 6. Hội Bầu Bí Tương Thân: Ông Nguyễn Lê Hùng 7. Tăng Đoàn GH PGVNTN: HT. Thích Không Tánh 8. Hội Thánh Chuồng Bò: MS. Nguyễn Mạnh Hùng 9. Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo: Cô Hà Thị Vân 10. Giáo hội PGHH Thuần Túy: Ông Lê Quang Hiển 11. Hội Phụ nữ Nhân quyền: Cô Huỳnh Thục Vy 12. Phong trào Con đường VN: Ông Hoàng Văn Dũng 13. Người Bảo vệ Nhân quyền VN: Ths. Vũ Quốc Ngữ. 14. Sài Gòn Báo: LM. Lê Ngọc Thanh 15. Hội Bảo vệ Tôn giáo và Sắc tộc: Ông Huỳnh Trọng Hiếu 16. Lao Động Việt; Cô Đỗ Thị Minh Hạnh 17. Khối 8406: Ks. Đỗ Nam Hải 18. Nhóm LM. Nguyễn Kim Điền: LM. Nguyễn Hữu Giải 19. Hội Ái Hữu Tù nhân chính trị và tôn giáo: Ông Nguyễn Bắc Truyễn 20. Cao Trào Nhân Bản: Bs. Nguyễn Đan Quế Các cá nhân ủng hộ:1. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy 2. CTNLT Hoàng Hưng 3. CTNLT Nguyễn Văn Túc 4. CTNLT Phạm Thanh Nghiên
......

„Nhiều văn hóa - một thành phố“ („Viele Kulturen – eine Stadt“)

Neustadt a.d.Weinstraße, Đức quốc „Nhiều văn hóa - một thành phố“, đó là chủ đề của hội lễ „Multi-Kulti- Fest“ (ngày hội đa văn hóa), do thành phố Neustadt tổ chức vào chủ nhật, 27.09.2015 lần thứ 23 tại bãi chợ lớn nhất (Marktplatz) nằm giữa phố chính, kế nhà thờ chánh tòa và cũng là biểu tượng (Wahrzeichen) của thành phố nổi tiếng về rượu ngon, cũng như được công nhận là nơi nghỉ mát  tốt cho sức khỏe (Erholungsort). Mặc dù nước Đức đang vào Thu, song hôm đó có nắng ấm nên số người đến dự rất đông. Ngày hội được bắt đầu lúc 10 giờ với buổi cầu nguyện liên tôn giáo ngoài trời cho hòa bình thế giới, cho các nạn nhân chiến tranh và cho những tù nhân lương tâm dưới các chế độ độc tài. Sau đó ban nhạc „Allstar-Bigband“, một ban nhạc tổng hợp các học sinh của các trường trung học Neustadt, Edenkoben và Hassloch, trình diễn rất sôi nổi. Chung quanh đó nhiều quầy giới thiệu các món ăn thuần túy Pháp, Châu Phi, Thổ, Ấn Độ, Afghanistan, Nepal…. có quầy thông tin của công đoàn, Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International)…  và có quầy của Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản ở Neustadt. Nơi đây có bàn thông tin về tình trạng đàn áp nhân quyền và đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Ngoài ra, quý khách còn được thưởng thức các món ăn thuần tuý: „chả giò dân chủ“, „chả giò tự do“, bánh bao, bánh Patisô nhân thịt, bánh đậu xanh, bánh tai heo…. Thị trưởng thành phố Neustadt, ông Ingo Röthlingshöfer đã đến thăm quầy và ủng hộ các tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Đặng Xuân Diệu và Hồ Đức Hòa. Vào tháng 11 năm 2013 ông Ingo Röthlingshöfer là một trong những người đầu tiên ký vào danh sách đòi trả tự do cho luật sư Lê Quốc Quân trong chiến dịch do Prof. Dr. Johannes Kals đứng ra khởi xướng (http://www.thongtinducquoc.de/node/1163 ). Trong phần văn nghệ nhóm võ cổ truyền dưỡng sinh Việt Nam  „Thiên Địa“ đã giới thiệu và mời khán giả cùng tập chung một số động tác đơn giản và bổ ích cho sức khỏe. Mọi người đã nhiệt tình hưởng ứng (https://www.youtube.com/watch?v=aOo8NZIU83k ). Báo „Die Rheinpfalz“, tờ báo lớn nhất của tiểu bang Rheinland-Pfalz, vào ngày thứ hai, 28.09.15, đã đăng bài tường trình về ngày hội này với hình chụp lúc nhóm dưỡng sinh „Thiên Địa“ đang trình diễn với những câu: „Bây giờ sân khấu sẽ được nhường lại cho „ THIÊN ĐỊA “, một môn võ đạo dưỡng sinh cổ truyền Việt Nam cho mọi người từ 7 đến 90 tuổi“. (Dann aber Platz frei vor der Bühne für Thiên Địa, eine vietnamesische Art der Gesundheitsförderung durch Bewegung, zum Mitmachen von 7 bis 90 Jahren) và: „Nhóm khởi xướng „Vietnam today“ đã phát „chả giò hòa bình“ để gây sự chú ý đến chế độ độc tài 40 năm“. (Die Initiative „Vietnam today“ verteilte Friedensfrühlingsröllchen und machte damit auf 40 Jahre Diktatur aufmerksam.“ ( Trích trong báo „Die Rheinpfalz“, Montag, 28.September 2015/Jahrgang 71/Nr. 225).  
......

Putin cố cứu Assad

Hai ông Vladimir Putin và Barack Obama đã công khai đấu khẩu qua hai bài diễn văn trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, nói đến cuộc nội chiến thảm khốc ở Syria. Trong khi hai ông tổng thống Nga và tổng thống Mỹ đàn hặc lẫn nhau, nhân vật đứng trong hậu trường đang chờ coi số phận mình sẽ được quyết định ra sao là Bashar al-Assad. Bashar là vị tổng thống đời thứ hai của nước Syria, nhờ cha truyền con nối, không khác gì triều đại nhà Kim ở Bắc Hàn. Trong khi Barack Obama lớn tiếng gọi Bashar al-Assad là tên bạo chúa từng bỏ bom, bắn hỏa tiễn để giết các trẻ em vô tội, thì Vladimir Putin kêu gọi thế giới hãy ủng hộ Assad đánh các lực lượng mang danh hiệu “Quốc Gia Hồi Giáo,” (IS hay ISIS). Obama kết tội chính sách kỳ thị bạo tàn của Assad, dùng một thiểu số theo một phái Shi A cai trị đa số dân theo phái Sun Ni, đã đẩy hàng chục ngàn thanh niên Á Rập chạy theo nhóm IS. Putin đáp lại, vạch ra rằng chính nước Mỹ phải chịu trách nhiệm về sự bành trướng của đạo quân Hồi Giáo Sun Ni quá khích này, sau khi quân đội Mỹ lật đổ các chế độ độc tài ở Iraq và Libya; và Putin báo trước sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho chế độ Assad, Cuộc đấu khẩu công khai ở New York có thể khiến người ta quên tính chất rắc rối phức tạp trong cuộc cờ Syria, và nghĩ rằng quốc gia Á Rập nhỏ này chỉ là một võ trường cho Nga và Mỹ đấu với nhau. Thực ra, Nga và Mỹ có thể cùng đứng về một phía. Chính phủ cả hai nước đều công khai coi các lực lượng IS là kẻ thù cần tiêu diệt. Tại đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin báo trước sẽ cho máy bay Nga bỏ bom các toán quân IS, đó cũng là một việc mà các máy bay Mỹ cùng các nước đồng minh đang làm; trong đó có các quốc gia Á Rập trong vùng, với Anh và Pháp đang nhập cuộc. Ðiều khác biệt là máy bay Mỹ đánh các toán quân IS khi bọn này đe dọa các đạo quân người Kurds ở Iraq và Syria, khi các nhóm quân đồng minh với Mỹ cần yểm trợ; trong khi đó ông Putin chắc chắn sẽ chỉ ném bom cánh IS khi cần giải vây quân đội của Assad. Bởi vì Nga và Mỹ có những mục tiêu khác nhau trên chiến trường Syria, và cho tới gần đây cả hai vẫn đóng vai trò đứng ngoài chờ chiến cuộc biến chuyển coi tới đâu. Bởi vì có rất nhiều nước lân cận đang can dự vào cuộc nội chiến ở Syria. Thứ nhất, ngay từ khi nội chiến bùng lên, đây là một cuộc chiến đấu của của đại đa số dân chúng theo giáo phái Sun Ni chống một chính quyền của ông Assad dựa trên thiểu số người Syria theo phái Alawites, một chi nhánh của giáo phái Shi A. Các lãnh tụ IS gồm những giáo sĩ và tướng tá thuộc quân đội Iraq cũ bị quân Mỹ giải tán từ năm 2003, đã “cướp cờ” dẫn đầu phong trào phản đối đó, tuyên bố thành lập một “quốc gia thuần túy Hồi Giáo.” Họ xây dựng một lực lượng Hồi Giáo quá khích quốc tế, mạnh hơn phong trào al Qaeda trước đây; với mục đích xóa bỏ tất cả các quốc gia Hồi Giáo trong vùng và thành lập một “caliphate” giống như trước đây hơn mười thế kỷ. Vì vậy, các nước theo Hồi Giáo đều thấy họ bị đe dọa. Những nước Á Rập đa số theo phái Sun Ni họp lại chống IS, chính phủ Mỹ yểm trợ họ bằng vũ khí và không lực. Nước Iran theo phái Shi A thì đứng về phía chính quyền Assad, người đồng đạo. Syria trở thành một chiến trường quốc tế, ít nhất đối với các nước trong vùng Trung Ðông. Chính phủ Mỹ đã tự giới hạn trong vai trò yểm trợ để khỏi bị lôi kéo vào chiến trận trên mặt đất. Họ theo chiến thuật “chờ coi” tình hình biến chuyển, có lẽ nhờ rút kinh nghiệm đau thương ở Iraq. Quân đội Mỹ huấn luyện một số quân địa phương vừa chống IS vừa chống Assad, nhưng chỉ cốt cho có mặt chứ không tin tưởng vào các toán quân yếu ớt này. Ngược lại, Nga đang có sẵn những quyền lợi quan trọng ở Syria cần bảo vệ, vì từ bao nhiêu năm qua Nga vẫn là đồng minh lớn nhất cung cấp vũ khí cho quân đội của triều đại Assad, kể từ thời cha đến đời con. Nước Nga chỉ có một căn cứ hải quân duy nhất trong vùng nước ấm Ðịa Trung Hải, nằm trên bờ biển nước Syria. Vladimir Putin đã bày ra một thế cờ mới: Nối liền căn cứ Hải Quân Nga trong Hắc Hải, sau khi chiếm được đảo Crimea của Ukrain, với các chiến hạm ở bờ biển Syria. Thế cờ mới của Putin có nguy cơ bị đảo lộn nếu chính quyền Assad bị lật đổ, bao nhiêu tỷ Mỹ kim vũ khí đầu tư vào chế độ Assad có thể biến ra mây khói. Tình trạng đảo lộn này gần trở thành sự thật vào giữa năm 2015. Từ đầu Tháng Sáu, chế độ Assad đang thua trên bốn mặt trận khi những đạo quân chống Assad dần dần mở rộng vùng kiểm soát ở phía Bắc và phía Nam nước Syria. Ðạo quân Jaish al-Fatah (Chinh Phục Quân), do do các nước Á Rập theo phái Sun Ni bảo trợ, như Saudi và Qatar, đã chiếm được thủ phủ của tỉnh Idlib. Ðạo quân này chỉ muốn đánh đổ chính quyền Assad, chứ không nhắm vào lực lượng IS. Những nhóm quân khác, do nước láng giềng Jordan và Mỹ bảo trợ, bắt đầu chiếm được nhiều vùng ở phía Nam. Trong cùng thời gian đó, lực lượng IS đáng sợ nhất tấn công vùng ở giữa và phía Ðông nước Syria, đe dọa vùng đất chung quanh thủ đô Damacus của chính quyền Assad. Chiến cuộc Syria không giản dị như bàn cờ có hai thứ quân mầu đen và mầu đỏ, vì quá nhiều quốc gia can dự. Iran tiếp tục ủng hộ chính quyền Assad, nhưng bị các nước Á Rập theo phái Sun Ni trong vùng chống lại. Mỹ muốn giúp tiêu diệt các đạo quân IS và lật đổ Assad nhưng không muốn những đám quân Hồi Giáo quá khích như Mặt Trận Nursa thắng thế, vì đó là một đám tàn quân của al-Qaeda. Nhóm Nursa này lại được các đồng minh của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ và hợp tác với đạo quân Jaish al-Fatah cùng thắng thế ở miền Bắc. Trong một cuộc phỏng vấn với đài Al-Jazeera, lãnh tụ nhóm Nusra Front là Abu Mohammad al-Jolani đã tuyên bố nhóm này không hề có ý chống nước Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi đã ngầm giúp cho lực lượng IS bằng cách mở cửa biên giới cho các quân tình nguyện từ Châu Âu và Phi châu đi vào Syria gia nhập IS, bắt đầu thay đổi chính sách vì chính họ cũng lo sợ IS quá mạnh. Trong khi đó, quân Thổ lại đánh nhau với các đạo quân người Kurds đang đánh IS! Từ Tháng Sáu vừa qua, chiến trường Syria đã thay đổi, thế lực của chế độ Assad ngày càng suy yếu, có thể bị sụp đổ. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi nhiều người ủng hộ Assad đã tìm đường trốn ra ngoại quốc. Chính phủ Nga đã ra lệnh người Nga rút ra khỏi tỉnh Lakatia, di tản về nước. Lakatia nằm trên bờ biển phía Tây Bắc Syria, vốn là căn cứ địa của gia đình Assad. Ðứng trước nguy cơ chế độ Assad có thể sụp đổ, Vladimir Putin đã đánh nước cờ chót: Ðưa máy bay, hỏa tiễn, xe tăng và các “cố vấn quân sự” tới Lakatia. Từ năm 2014 đến Tháng Chín năm 2015, trung bình mỗi tháng chỉ có một chuyến tàu chở hàng của Nga đi từ vùng Crimea xuống bờ biển Lakatia. Nhưng trong hai tuần lễ kể từ ngày 9 Tháng Chín năm nay, đã có sáu chuyến tàu chở vũ khí và chiến cụ tiếp viện cho chính quyền Assad. Ông Putin tuyên bố rằng chính phủ Nga chỉ muốn giúp Assad đánh các lực lượng Hồi Giáo quá khích IS, một mục tiêu mà Mỹ với các nước Á Rập trong vùng và Iran cũng theo đuổi. Các chính phủ Saudi và Qatar đều đặt câu hỏi: Lực lượng IS không hề có máy bay, tại sao Nga lại đem tới Lakatia những hỏa tiễn địa không nhắm đánh các máy bay bên địch như hỏa tiễn SA15 và SA22? Ai cũng biết, mục đích chính của Putin trong nước cờ chót này là bảo vệ một chỗ đứng cho nước Nga tại miền Ðông Ðịa Trung Hải, khi cuộc chiến Syria có thể tiến đến hồi kết thúc. Các hành động cấp cứu của Putin cho chế độ Assad diễn ra sau khi tình hình chiến sự nghiêng về phía các đạo quân chống Assad. Nhưng cũng vì những biến chuyển chính trị mới trong vùng. Mỹ đã ký với Iran một hiệp ước hạn chế năng lượng hạch tâm, để bảo đảm quốc gia Hồi Giáo Shia A này không thể chế bom nguyên tử. Mỹ và Iran có thể sẽ thỏa hiệp thêm về cuộc cờ Syria, trong khi bàn chuyện bãi bỏ cấm vận. Saudi và các nước theo Hồi Giáo Sun Ni đang có cơ thắng thế ở Yemen, đẩy đám quân Houthis nổi dậy vào thế thụ động, đám quân này theo phái Shi A và được Iran ủng hộ. Nhưng các nước theo phái Sun Ni cũng tỏ ý sẵn sàng nói chuyện với Iran để giảm bớt mối căng thẳng giữa hai giáo phái trong cả vùng Trung Ðông. Ngoại trưởng xứ Qatar, Khaled al-Attiyah nói rằng đã đến lúc các nước Á Rập trong Vùng Vịnh thảo luận với Iran “một cách nghiêm cẩn” về tất cả các vấn đề tranh chấp để “bình thường hóa” mối quan hệ. Nếu Iran và các nước Á Rập trong vùng có thể tiến tới một thỏa hiệp “sống chung hòa bình” giữa hai giáo phái Sun Ni và Shi A thì vai trò của Bashar Assad sẽ chấm dứt. Nước Syria có thể sẽ được chia ra thành nhiều vùng nhỏ, những tiểu quốc, khi Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Á Rập chia nhau ảnh hưởng. Trong một thỏa hiệp như vậy, Iran có thể hy sinh vai trò của Assad. Những người dân Syria theo phái Alawites, một chi phái của giáo phái Shi A, có thể giành được một vùng tự trị, không cần có gia đình Asasd nhưng vẫn nằm trong ảnh hưởng của Iran. Trước viễn ảnh đó, nước Nga có thể sẽ mất chỗ đứng. Vì vậy, ông Putin phải vội vã đưa 500 quân lính và chiến xa, hỏa tiễn, máy bay tới gọi là để “đánh quân IS.” Putin muốn “quốc tế hóa” vấn đề Syria để có thể giữ được một chỗ ngồi trong bàn thảo luận về tương lai Syria. Trong cuộc họp 90 phút giữa hai ông Putin và Obama bên cạnh đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Putin sẽ dùng các chiến cụ, phi cơ, hỏa tiễn Nga mới đưa tới Syria để cố mặc cả lấy một chỗ đứng cho Nga ở vùng biển ấm Ðịa Trung Hải. Nhưng hai người này cũng không thể quyết định số phận của chế độ Bashar Assad. Các nước khác trong vùng sẽ có tiếng nói của họ. Nhưng chúng ta đều biết một sự thật: Hàng trăm ngàn người Syria bỏ chạy khỏi xứ, vượt biển, vượt rừng, leo núi đi tị nạn, họ chống cả chế độ Assad lẫn các toán quân IS. Họ không chạy đến những nước Á Rập, cũng không tìm tới sống nhờ Iran hay Nga. Họ đều chạy sang Châu Âu và xin được nước Mỹ đón tiếp. Họ đi tìm cuộc sống mới trong các nước có chế độ tự do dân chủ. Các cường quốc không thể bỏ qua khát vọng của những người dân Syria còn ở lại trong nước. Chính họ cũng muốn được sống trong tự do dân chủ.
......

Tổ quốc tôi, ông là ai?

Xin trân trọng chia sẻ bài này với các bạn Trẻ VN ... và cả các bạn không còn trẻ nữa. Hãy cùng nhau mở đường hoặc tránh đường cho các thế hệ tương lai của chúng ta tiến lên. Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lý trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc? *** Tổ quốc tôi, ông là ai? “Kính thưa các thầy cô,bạn bè thân mến: Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai ?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy. Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao? Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao? Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu . Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa. Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được. Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận. Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc. Theo NTDTV  
......

Volkswagen và Tai Họa Âu Châu

Con sâu làm rầu nồi canh… thiu? Việc một doanh nghiệp gặp họa là chuyện thường tình. Nhưng doanh nghiệp ở đây là Volkswagen, hãng xe hơi đứng đầu thế giới, ngang ngửa với Toyota của Nhật. Volkswagen lại là doanh nghiệp của quốc gia dẫn đầu Âu Châu về sản lượng kinh tế. Mà Âu Châu đang gặp quá nhiều vấn đề, từ kinh tế tài chánh trong khối Euro đến di dân và người tỵ nạn. Mối họa của Volkswagen không chỉ làm cổ phiếu sụt giá hơn một phần ba, mất 24 tỷ Euro (hơn 26 tỷ Mỹ kim) từ đầu tuần và Tổng quản trị CEO là ông Martin Winterkorn phải từ chức sau khi nhận lỗi. Nó có thể gieo thêm tai họa cho kỹ nghệ xe hơi và cả kinh tế Âu Châu. Vì vậy, Hồ Sơ Người-Việt mới tìm hiểu chuyện này hầu quý độc giả. Giải Thuật Ma Mãnh Hãng Volkswagen bán khoảng 10 triệu xe một năm, trong đó có nhiều nhãn nổi tiếng toàn cầu và còn theo trào lưu bảo vệ môi sinh của thế giới để sản xuất loại xe chạy bằng dầu diesel có ưu điểm là ít gây ô nhiễm. Diesel là tên nhà khoa học người Đức đã phát minh ra máy diesel từ cuối Thế kỷ 19 có khả năng mồi lửa từ than và các loại dầu khác sau này. Cái tội của Wolkswagen là từ năm 2009 đã cài một nhu liệu điện toán trong máy diesel, với chương trình “thuật toán” có thể biết khi nào chiếc xe được trắc nghiệm về lượng khí thải nitrous oxide thì tự động giảm độ thải theo một trình tự tinh vi (algorithm hay “giải thuật”) để đạt tiêu chuẩn về môi sinh của nhà chức trách. Nhờ ma thuật ấy, xe diesel của Wolkswagen được đánh giá là “sạch” mà thực tế lại thải ra một lượng khí độc cao gấp 40 lần mức pháp định. Tại Hoa Kỳ, một phần tư lượng xe của Volkswagen là dùng máy diesel. Hai cơ quan Hoa Kỳ là EPA (Quản trị Môi sinh) và CARB (California Air Resources Board, do Thống đốc Ronald Reagan thành lập từ năm 1967 để kiểm soát khí thải) đã điều tra và phát giác sự gian lận này khiến 11 triệu xe diesel của Wolkswagen là loại xe “có vấn đề”. Hãng xe sẽ bị Chính quyền Hoa Kỳ trừng phạt 18 tỷ đô la, xe bị thu hồi trên toàn thế giới để ra soát và điều chỉnh. Wolkswagen có thể bị kiện trong một chuỗi hoạn nạn kéo dài. Được thành lập từ năm 1937 với tên gọi là “xe của dân” (volk-s-wagen), Volkswagen trở thành biểu tượng của tính chất khả tín, đáng tin, của kỹ nghệ Đức, một quốc gia nổi tiếng là có kỷ luật và tôn trọng phép nước. Nhưng lần này thì chưa biết Volkswagen còn có thể tồn tại được không sau một trách nhiệm quá lớn là cố tình dùng siêu kỹ thuật để đánh lừa nhà chức trách và khách hàng. Ngay lập tức, EPA của Hoa Kỳ đã mở cuộc điều tra đồng loạt xem các loại xe khác có tội gian trá này không. Bộ Tư Pháp Mỹ sẽ thụ lý hồ sơ gian lận vả đành rằng mọi xe hơi của Volkswagen dưới các hiệu khác nhau đều bị chiếu cố, nhưng lần lượt mọi chiếc xe của Đức, của Âu Châu và của các xứ khác đều có thể bị nghi ngờ. “Con sâu làm rầu nồi canh” là vậy. Nồi Canh Đức Kinh tế Đức dẫn đầu Âu Châu, là nền kinh tế có sản lượng thứ tư sau Mỹ, Tầu và Nhật, một năm sản xuất ra một lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá hơn ba ngàn 400 tỷ đô la. Đức là đầu máy của kinh tế Âu Châu, nền kinh tế đang gặp quá nhiều hoạn nạn kể từ năm 2009, ngẫu nhiên cũng là từ khi Volkswagen dùng ma thuật để lường gạt khách hàng và nhà chức trách. Kinh tế Đức lệ thuộc mạnh vào xuất cảng (tới 45% của Tổng sản lượng Nội địa GDP) và 17% lượng xuất cảng của Đức là xe hơi. Kỹ nghệ xe hơi chính là đầu máy của kinh tế Đức nên Chính quyền của bà Thủ tướng Angela Merkel lập tức bày tỏ mối quan tâm: người ta không chỉ kết án xe Volkswagen mà còn hoài nghi xe hơi Đức theo những tin đồn đang lan rộng. Làm sao khoanh vùng và cô lập loại xe có tội để cứu lấy các loại xe khác? Kỹ nghệ xe hơi của Đức không chỉ có các đại tổ hợp nổi tiếng như Volkswagen (với các loại Audi, Bentley, Porsche, Lamborghini, v.v… trong tổ hợp), như Mercedes-Benz hay BMW, mà còn cả vạn doanh nghiệp loại trung bình và nhỏ nằm trong chu trình cung cấp cơ phận đang hoạt động tại lưu vực sông Rhine và nhiều nơi khác. Từ trên đầu xuống, tai nạn này sẽ gieo họa cho các cơ sở sản xuất khác của nước Đức. Nồi canh Đức sẽ bị khoắng đục ngầu vì con sâu Volkswagen. Uy tín và danh dự của nước Đức cũng vậy. Mà chuyện không chỉ có vậy. Nước Đức là trưởng tràng đang cố giải quyết vụ khủng hoảng về nợ nần của các nước ở miền Nam như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và cả Ý Đại Lợi. Từ năm 2012, Đức vừa giải cứu vừa giáo dục các nước lâm nạn là sống quá lâu và quá cao so với thực lực kinh tế tài chánh và cứ trông cậy vào tín dụng của nước ngoài mà không tăng sức cạnh tranh nhờ các ngành có kỹ thuật cao hơn. Vụ Volkswagen gian lận lại làm khái niệm “cạnh tranh” trở thành điều mỉa mai và phương hại cho các giải pháp cứu vãn của nước Đức! Tấm gương cần kiệm liêm chính và chi thu có chừng mực của nước Đức vừa bị nhiễm khói diesel và trở thành vấn đề chính trị cho cả Âu Châu. Canh Bần Âu Châu Các nước Âu Châu đã bị tê liệt vì vụ khủng hoảng trong khối Euro và đang bị thêm khủng hoảng vì di dân rồi nạn dân. Nhưng từ 12 tháng qua, tình hình đã chớm hy vọng nhờ dầu thô sụt giá và hối suất đồng Euro cũng giảm sau biện pháp bơm tiền (QE, quantitative easing) của Ngân hàng Trung ương Âu Châu ECB. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp Âu Châu có cải thiện và xuất cảng đã tăng. Từ Tháng Bảy năm ngoái đến Tháng Bảy vừa qua, số xuất siêu của Âu Châu với các nước khác đã từ 21 tỷ Euro lên tới 31 tỷ (tương đương với 34 tỷ đô la). Đấy là bức tranh màu hồng của Âu Châu. Nhưng đấy là “tranh tối tranh sáng” vì tình hình khả quan ấy không xuất phát từ các nước miền Nam trong vùng Địa Trung Hải mà từ khả năng, và tấm gương, xuất cảng của nước Đức. Khi kỹ nghệ xe hơi của Đức bị xì bánh thì số “xuất siêu” của Âu Châu có thể là số ảo và nồi canh của Đức làm nồi canh Âu Châu là canh bần. Nhưng sự thật Âu Châu lại còn bi đát hơn vậy. Hệ thống chi thu ngân sách của Âu Châu thường xuyên có vấn đề là chi nhiều hơn thu và Đức là quốc gia kêu gọi táp lập kỷ cương và giảm chi để cân bàng ngân sách. Năm ngoái, hai nước Pháp-Ý lại viện dẫn ngoại lệ và vi phạm mà chẳng bị trách nhiệm gì. Nhu cầu khắc khổ và kiệm ước về kinh tế bị đả kích và dẫn tới trào lưu cực tả trên các chính trường Âu Châu. Là tiêu xài thả giàn. Chẳng hạn như Chính quyền Ý của Thủ tướng Matteo Renzi vừa nói tới việc giảm thuế (tức là sẽ giảm thu) và du di mức bội chi ngân sách từ năm ngoái qua năm tới. Và Hội đồng Âu châu có vẻ như bất lực nên cũng đành chấp nhận giải pháp của Ý. Trong hoàn cảnh dở khóc dở cười như hiện nay, Chính quyền Đức rất khó nói về kỷ cương và trách nhiệm với nước Ý, nước Pháp, chưa kể chuyện hạn ngạch từng nước phải nhận khối nạn dân đang trông chờ ngoài ngõ…. Khi nhìn trên toàn cảnh, tức là phải lùi một chút, thì người ta mới thấy ra tai họa Volkswagen là một vấn đề “toàn Âu” mà có hiệu ứng toàn cầu. Khối Euro được thành lập với kỳ vọng xuất cảng nhờ đầu máy của Đức. Sống nhờ xuất cảng thì cũng có nghĩa là sống nhờ sức nhập cảng hay số cầu của các nước khác. Các nước khác, như Hoa Kỳ, thì vẫn chưa khá và lại có bộ máy kiểm soát môi sinh quá nhạy! Nhật Bản cũng là một đại gia về xuất cảng và xe hơi Nhật làm các xe Âu Châu hay Đức phải dạt vào lề. Trung Quốc thì đang hạ cánh, v.v…. Thành thử số cầu cho các sản phẩm Âu Châu thật ra vẫn chưa mạnh và người ta đành trông chờ vào mũi nhọn là kỹ nghệ xe hơi của Đức. Bây giờ, đầu máy diesel của Đức bị phất cờ và phải đậu trên lề. Giấc mơ xuất cảng của khối Euro vừa biến thành cơn ác mộng. Cho dù chuyện tai tiếng của Volkswagen có thể được khoanh vùng, là điều cực khó, có lẽ chúng ta đang chứng kiến một vụ khủng hoảng khác của nền văn minh Âu Châu. ___ Kết luận ở đây là gì? Chẳng biết kỹ nghệ xe hơi Trung Quốc đã đánh cắp được bí kíp của Volkswagen hay chưa!  _____ Xin theo dõi Chương trình Bên Kia Màn Khói mới post trên You Tube hôm 26: https://www.youtube.com/watch?v=Lp04tRVMeko http://dainamaxtribune.blogspot.de/
......

Ðừng nghe những gì Tập Cận Bình nói

Ðọc câu tựa đề trên đây, quý vị biết ngay còn một vế thứ hai: Mà hãy nhìn kỹ những gì Tập Cận Bình làm. Trước khi sang thăm Mỹ chuyến này, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã viết bài trả lời nhật báo Wall Street Journal, trong đó có một đoạn giải thích tại sao Trung Cộng xây phi trường trên các hòn đảo nhân tạo vùng Trường Sa, mà người Tàu gọi là Nam Sa. Ngay câu đầu tiên Tập Cận Bình viết trả lời bài phỏng vấn đã nói một điều gian dối trắng trợn: “Từ thời xưa Nam Sa đã thuộc địa phận Trung Quốc; theo các bằng chứng lịch sử và luật pháp.” Hình Tập Cận Bình Nếu chính quyền Cộng Sản Việt Nam có can đảm và thực lòng yêu nước, họ phải bắt lấy lời khẳng định này mà thách đố đảng Cộng Sản Trung Quốc ra trước một tòa án quốc tế, hai bên cùng đưa ra những bằng chứng lịch sử và pháp lý, mời các luật gia và sử gia thế giới cùng phán đoán xem Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quốc gia nào. Bằng chứng pháp lý gần nhất là hiệp định chấm dứt cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, khi Nhật Bản chấp nhận từ bỏ chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nga Xô đề nghị trao các quần đảo này cho chính phủ Trung Hoa của Tưởng Giới Thạch, đề nghị này đã bị bác bỏ với tỷ số 46/3. Thủ tướng chính phủ Quốc gia Việt Nam lúc đó là ông Trần Văn Hữu đã tuyên bố các quần đảo trên thuộc chủ quyền nước Việt Nam, và không một quốc gia nào phản đối. Bằng chứng lịch sử hiển nhiên nhất là hai lần quân đội Trung Cộng đã tấn công và đánh chiếm Hoàng Sa (năm 1974) và đảo Gạc Ma (Trường Sa, năm 1988). Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có bổn phận trưng ra khắp thế giới những sự thật trên đây, để cho thế giới thấy Tập Cận Bình nói những lời dối trá không biết ngượng. Trong bài phỏng vấn của Wall Street Journal, Tập Cận Bình còn nói rằng: “Việc xây dựng và tu bổ những tiện nghi trên một số đảo và đá san hô có đóng quân trong quần đảo Nam Sa không nhằm gây ảnh hưởng hoặc nhắm vào một quốc gia nào cả,... Các cơ sở này dựng lên để cải thiện điều kiện sống và làm việc của các nhân viên hàng hải người Trung Hoa, cung cấp các dịch vụ và tiện ích công cộng cho cộng đồng quốc tế, và bảo vệ an ninh cùng quyền tự do hải hành trong biển Nam Trung Hoa tốt đẹp hơn.” Tất nhiên, cả thế giới không ai tin những lời ngụy biện mơ hồ này. Những phi trường, pháo đài, căn cứ quân sự mà Trung Cộng mới xây dựng không hề bảo vệ mà còn “đe dọa an ninh và quyền tự do hải hành.” Bằng cớ là quân lính Trung Cộng đã đe dọa các tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam từ hai chục năm nay, trước khi xây các căn cứ đó. Cả thế giới không ai ngây thơ tin vào những lời gian trá mà Tập Cận Bình mới nói. Cũng không ai tin khi Tập Cận Bình cam kết trước các doanh nhân Mỹ, để mời các công ty sang hoạt động ở Trung Quốc nhiều hơn. Một mối lo của các công ty sống nhờ phát minh, sáng chế là các sáng kiến kỹ thuật của họ bị ăn cắp. Tập Cận Bình đã bảo đảm với họ: “Chính phủ Trung Quốc không làm công việc ăn trộm trong thương mại, cũng không khuyến khích hoặc hỗ trợ ai làm việc đó.” Có ai tin vào lời hứa hẹn “không ăn cắp” của Tập Cận Bình hay không? Năm ngoái, chính phủ Mỹ đã truy tố năm công dân Trung Cộng về tội “ăn cắp bằng kỹ thuật tin học” (hacking) ít nhất ba cơ sở thương mại ở Mỹ: Công ty Westinghouse Electric, công ty khai mỏ Alcoa, và cả một tổ chức lao động: Công đoàn Quốc tế Công nhân Dịch vụ. Cơ quan Ðiều tra Liên bang (FBI) đã thiết lập một mạng chuyên thông tin và nạn gián điệp kinh tế, trong đó Trung Quốc là trọng tâm. Người Tàu sử dụng nhiều kỹ thuật ăn cắp: Ðiều tra về nhân viên các công ty Mỹ, xem có thể mua chuộc hay dọa nạt ai, dùng các mạng giao tế LinkedIn hay Facebook trong công việc điều tra và tuyển mộ này, và chụp hình bên trong các cơ sở thương mại không được bảo vệ. Ngay lúc Tập Cận Bình mới đặt chân trên đất Mỹ được hai ngày, ngày 24 tháng 9, 2015, nhật báo Wall Street Journal loan tin một bản báo cáo mới đã công bố đích danh một tin tặc, mang tên Ge Xing (có thể là Cá Tính, một biệt hiệu vô nghĩa). Báo cáo này do các công ty làm việc cho Bộ Quốc Phòng Mỹ về an ninh tin học soạn (dưới tên gọi chung, ThreatConnect and Defense Group). Ðiều đặc biệt là bản báo cáo có các khám phá mới, cho biết tay ăn trộm tin học Ge Xing làm việc cho Ðơn vị 78020 thuộc ngành tình báo quân đội Trung Quốc. Hoạt động tin tặc của Ðơn vị 78020 mang một mật danh là Naikon, nhắm vào các nước vùng Ðông Nam Á như Cambodia, Indonesia, Malaysia, the Philippines, Thailand và Singapore. Naikon đã đột nhập các máy computer và mạng lưới tin học để thu lượm các tin tức quân sự, ngoại giao, kinh tế, tại các nước trên. Bản báo cáo không nhắc đến tên Việt Nam như một mục tiêu tấn công của Naikon, có thể vì ở Việt Nam quân đội Trung Cộng có những phương pháp rẻ tiền hơn, không cần đến kỹ thuật tin tặc. Ngày Thứ Sáu, 25 tháng 9, hai ông Obama và Tập Cận Bình đều lên tiếng hai nước cam kết không dùng tin tặc tấn công và ăn cắp lẫn nhau, nhưng không ai có thể tin lời ông Tập Cận Bình. Ở nước Mỹ, theo pháp luật, ông Obama không thể ra lệnh cho các công ty tư nhân, từ lớn đến nhỏ. Nhưng ở nước Tàu, Tập Cận Bình có quyền ra lệnh cho tất cả một tỷ người, không những nhân viên chính phủ và quân đội mà còn tất cả các công ty tư nhân nữa. Chủ tịch một công ty tư nhân, Shuanghui (Song Hội) với số bán thịt heo hàng chục tỷ Mỹ kim mỗi năm, thú nhận rằng “Bộ Chính Trị là hội đồng quản trị tối cao” của tất cả các công ty! Trong số các nhà kinh doanh gặp ông Tập Cận Bình ở Seattle có các người lãnh đạo các công ty nổi tiếng đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm, gồm có Boeing, Microsoft, General Motors hay Apple. Năm ngoái, công ty Boeing biết họ là một nạn nhân khi Bộ Tư Pháp Mỹ loan báo đã bắt một người Trung Hoa tên là Stephen Su, làm việc ở Canada, đã ăn trộm các tài liệu về thiết kế máy bay C-17 để chuyển cho chính phủ Trung Cộng. Stephen Su cũng ăn trộm các dữ liệu từ công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Năm nay, Bill Gates đã tiếp ông bà Tập Cận Bình trong biệt thự của mình, cũng như năm 2006 đã tiếp Hồ Cẩm Ðào; mặc dù các tin tặc của chính phủ Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách đột nhập mạng phòng thủ của Microsoft. Tháng 5 năm nay, Bộ Tư Pháp Mỹ cũng truy tố sáu công dân Trung Cộng ăn cắp các tài liệu về sáng chế máy iPhone của Apple. Xa hơn, năm 2012, hai kỹ sư gốc Hoa làm cho của hãng General Motors bị bắt vì ăn trộm các kỹ thuật làm xe hơi hybrid vừa chạy điện vừa chạy xăng để bán cho công ty xe hơi Chery bên Tàu. Các công ty đã từng bị tin tặc Trung Cộng ăn trộm phải kể thêm Google, DuPont, Dow Chemical, Goldman Sachs. Trung Cộng là chính quyền làm công việc ăn cắp tin học với quy mô lớn nhất thế giới; nhưng các công ty Mỹ vẫn tiếp tục làm ăn với họ, vì mối lợi rất lớn. Việc đề phòng, bảo vệ các bí mật thương mại, kinh tế, kỹ thuật là việc họ phải làm thường xuyên, dù có khách hàng Trung Cộng hay không. Chính phủ Mỹ cũng có bổn phận bảo vệ an ninh cho các công ty Mỹ, với bất cứ nước thù hay bạn nào. Tính chung, các công ty trong danh sách S&P 500 mỗi năm thu được 170 tỷ Mỹ kim trong thị trường Trung Quốc. Các công ty như Qualcomm, Intel (tin học), Yum Brands (quán ăn) Wynn Resorts (du lịch, sòng bài) thu lợi ở Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nơi khác. Hãng thông tin kinh tế Bloomberg cho biết trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tập Cận Bình, các hãng hàng không Trung Quốc sẽ mua tổng cộng 38 tỷ Mỹ kim các máy bay của Boeing. Với những mối hàng như vậy, Boeing đã nhắm mắt bỏ qua những vụ trộm cắp vặt, như kỹ thuật làm chiếc máy bay C-17! Ðầu năm 2015 vụ ăn trộm nổi tiếng nhất được tiết lộ nhắm vào là nhân viên làm việc cho chính phủ Mỹ, với 21 triệu hồ sơ cá nhân bị mất cắp. Mỹ đã tố giác bàn tay Cộng Sản Trung Hoa trong vụ ăn cắp này. Lúc đầu Bắc Kinh nhất định chối cãi, như họ vẫn thường làm. Nhưng trước những lời đe dọa trừng phạt kinh tế, và để xoa dịu tình thế trước khi Tập Cận Bình công du, họ đã chịu nhượng bộ và ngồi xuống thảo luận. Chính quyền Mỹ đợi sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình, sau những lời tuyên bố long trọng “không ăn cắp lẫn nhau” của hai nguyên thủ quốc gia, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể hơn vào nghị trình. Tòa Bạch Ốc có thể chính thức đưa ra trước những biện pháp có thể thi hành để trừng phạt kinh tế, nếu Bắc Kinh không cam kết làm theo các biện pháp an ninh chung. Ðối với những tay nói dối không biết ngượng và ăn cắp chuyên nghiệp, phải bày tỏ thái độ cương quyết, không nhượng bộ. Ðó là cách chính quyền Obama đối phó với nạn tin do Trung Cộng chủ mưu. Trước các lời dối trá về Trường Sa và Hoàng Sa, Cộng Sản Việt Nam phải chọn thái độ cương quyết như vậy, nếu không sẽ chịu tội trước lịch sử. Theo http://www.nguoi-viet.com
......

Chính sách ngoại giao của tổng thống Obama đối với Á châu

(VNC) Lời giới thiệu: Trong khuôn khổ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng 9 này của ông Chủ tịch Nước Trung quốc Tập Cận Bình, tạp chí Foreign Affairs  (số Tháng 9 & 10, 2015) trích một phần trong cuốn sách “The China Challenge: Shaping the Choices of a Rising Power” của giáo sư Thomas J. Christensen  chuyên giảng dạy khoa “Chính trị thế giới về Hòa bình và Chiến tranh”  (World Politics of Peace and War) tại đại học Princeton. Giáo sư Christensen còn là Phụ tá Bộ trưởng bộ Ngọai giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á sự vụ từ năm 2006 đến 2008. Bài trích của giáo sư Christensen được Foreign Affairs trình bày dưới tựa đề: Obama and Asia: Confronting the China Challenge ****************************** Trung quốc trổi dậy tạo ra hai câu hỏi: làm thế nào để Trung quốc không đe dọa sự ổn định trong vùng Á châu - Thái bình dương và quan trọng hơn là để Trung quốc đóng góp vào việc ổn định thế giới. Về quân sự Trung quốc chưa sánh được với Hoa Kỳ, nhưng cũng đủ  mạnh để đe dọa lực lượng quân sự của Hoa Kỳ trong vùng Á châu –Thái bình dương. Và tuy Trung quốc còn đang phát triển và có nhiều vấn đề nội bộ cần giải quyết bàn tay Trung quốc cũng không thể thiếu đối với các vấn đề chung như sự lan truyền vũ khí nguyên tử, khí hậu toàn cầu và vấn đề tài chánh thế giới. Vào cuối nhiệm kỳ 2 của tổng thống Bush, quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ có vẻ êm êm. Qua thời tổng thống Obama, có thêm vài tiến bộ trong quan hệ của hai nước, nhưng nói chung hiện nay quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ căng thẳng hơn hồi năm 2009. Điều này không có nghĩa vì chính quyền Obama vụng về, mà chính yếu do Trung quốc tạo ra nhiều hơn. Sau khi giải quyết vụ khủng hoảng kinh tế cuối năm 2008 một cách gọn gàng hơn các nước Tây phương (Hoa Kỳ và Âu châu) Trung quốc tự tin và do đó trở nên khó chơi hơn trước. Và chính quyền Obama đã làm những gì cần làm để cho quan hệ Trung quốc-Hoa Kỳ dù có căng thẳng cũng vẫn ở trong mức độ giải quyết được. Chính quyền tới (2017- 2020) dù là Dân chủ hay Cộng hòa vẫn đối điện với hai vấn đề căn bản trên đối với Trung quốc và do đó sự nghiên cứu về chính sách của tổng thống Obama đối với Á châu là một nhu cầu cần thiết để hoạch định các đối sách mới. ** Như đã nói, sau khi vuợt qua khủng hỏang kinh tế toàn cầu cuối thập niên 2008 Trung quốc trở nên tự tin hơn, nhưng Trung quốc vẫn không khỏi lo ngại nền kinh tế đặt nặng vào xuất khẩu và bơm vốn vào mạch kinh tế quốc gia cũng không phải là một chính sách lâu dài và đang tạo bất ổn trong xã hội. Nhu cầu làm thế nào để vừa phát triển nhanh mà vẫn duy trì được sự ổn định buộc các nhà lãnh đạo Trung quốc luôn luôn điều chỉnh chính sách kinh tế và quốc phòng. Nhu cầu này buộc Trung quốc biểu lộ chủ quyền và sức mạnh quốc gia bằng những đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông và trở nên thiếu uyển chuyển  trong các vấn đề quốc tế như giúp ổn định kinh tế thế giới, giải quyết vấn nạn thời tiết, biện pháp trừng phạt các quốc gia bất trị và kiểm soát sự lan tràn vũ khí nguyên tử. Đứng trước một quốc gia như vậy, tổng thống Obama vẫn tạo được thành quả là tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Á châu. Nhưng tổng thống Obama đã để hở lưng ở những nơi quan yếu khác trên thế giới (TBN: “Assad phải đi” nhưng Addsad cũng chẳng đi; “Syria xử dụng vũ khí hóa học là bước qua lằn gạch đỏ” nhưng qua lằn gạch đỏ rồi cũng chắng thấy tổng thống Obama động tĩnh gì). Không tin vào lời của ông Obama, Trung quốc càng dè dặt trong sự hợp tác với Hoa Kỳ. Trong suốt nhiệm kỳ 1 của tổng thống Obama, Hoa Kỳ nói nhiều đến chính sách xoay trục (pivot, có nghĩa trở lại) về Á châu trong khi đang rút quân ra khỏi Iraq và Afghanistan. Nhưng danh từ “xoay trục về Á châu”  có vẻ cường điệu vì trên thực tế Hoa Kỳ chưa bao giờ rời khỏi Á châu – Thái bình dương. Các chuyển dịch quân sự như gởi thêm tàu ngầm đến đảo Guam, gởi khu trục cơ F-22 đến Nhật, gởi tàu tuần duyên trang bị vũ khí nặng đến Singapore, ký Thỏa ước thương mãi với Nam Hàn, và vận động Thỏa ước mậu dịch TPP (Trans-Pacific Partnership Agreement) gồm các nước ven Thái bình dương (nhưng không mời Trung quốc) đều được bắt đầu từ chính quyền George W. Bush. Tổng thống Obama đã thêm vào các chính sách trên một số hoạt động tích cực như gởi nhiều sứ giả (ngoại giao, quốc phòng) đến thăm các nước Á châu – Thái bình dương, giúp cởi bỏ chế độ quân phiệt tại Miến Điện, ký vào Thỏa ước giao hảo và hợp tác Đông Á (Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia – văn kiện này là văn kiện khai sinh ra Hiệp hội ASEAN), tham gia các buổi họp thượng đỉnh các nước Đông Á (East Asia Summit) và  Diễn Đàn ASEAN (Asean Regional Forum) biến hai tổ chức này thành những diễn đàn thực chất bàn về các vấn đề an ninh và ổn định địa phương. Tuy nhiên các điều Hoa Kỳ đã làm được  trong 7 năm qua không cần phải đặt trong chính sách “pivot” làm Trung quốc khó chịu nghĩ rằng Hoa Kỳ có dụng ý bao vây mình.  Đối với chính sách xoay trục các nước Đông Á vừa yên tâm vừa lo lắng. Lo vì Hoa Kỳ không dấu diếm sự kiện là Hoa Kỳ hiện không có khả năng đương đầu hai mặt trận lớn trên thế giới một lúc. Dựa hẵn vào Hoa Kỳ thì khi Hoa Kỳ vì nhu cầu mặt trận khác quan trọng hơn quay lưng đi thì ai bảo vệ mình. Thấy cái chính sách pivot “chênh vênh” gần đây Hoa Kỳ điều chỉnh dần và gọi là “rebalance” (chính sách tái cân bằng) . Pivot là nghiên hẵn về một phía, rebalance là có tới có lui. Về chữ nghĩa trong văn bản thỏa thuận nhau, Hoa Kỳ còn hái thêm một bất lợi khác. Tháng 11 năm 2009 khi tổng thống Obama công du Trung quốc, Hoa Kỳ ký với Trung quốc một thông cáo chung cam kết tôn trọng quyền lợi bình thường của nhau. Nhưng có một khoản ghi: “Hai bên đồng ý tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau là tối quan trọng trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung quốc” (nguyên văn: The two sides agreed that respecting each other’s core interests is extremely important to ensure steady progress in US-China relations). Trung quốc từng tuyên bố quyền lợi cốt lõi của Trung quốc là (1) sự độc quyền cai trị đất nước của đảng Cộng sản Trung quốc và (2) sự vẹn toàn lãnh thổ và lãnh thổ đối với Trung quốc ngoài lục địa còn gồm Đài Loan, đảo Doaoyu (tên Nhật là Senkaku) và Hoàng Sa, Trường Sa trong biển Đông. Dựa trên điều khoản thỏa thuận đó mỗi lần Hoa Kỳ đòi cởi mở chính trị tại Trung quốc hay lên tiếng bàn về Biển Đông là Trung quốc mang điều khỏa thỏa thuận kia ra để tố cáo Hoa Kỳ không tôn trọng cam kết . Sau khi đắc cử, tổng thống Obama cho Trung quốc cái cảm tưởng là sẽ mềm mỏng hơn đối với Trung quốc. Nhưng qua năm 2010 sau khi Hoa Kỳ tiếp tục các chính sách bình thường như bán vũ khí cho Đài Loan, lên tiếng tố cáo Trung quốc không tôn trọng quyền tự do trên mạng toàn cầu (internet freedom) và dự tính tiếp đức Đạt Lai Lạt ma tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Trung quốc thất vọng và trở nên cứng rắn đối với Hoa Kỳ. Hiện nay quan hệ Hoa Kỳ-Trung quốc căng thẳng hơn đầu năm 2009 nhưng tình hình này do Trung quốc tạo ra hơn là do Hoa Kỳ. Năm 2010 khi Bắc Hàn hai lần gây sự với Nam Hàn gây thương vong cho binh sĩ và thường dân Nam Hàn, Trung quốc bênh vực Bắc Hàn tố cáo Hoa Kỳ và Nam Hàn là nguyên nhân của khủng hoảng. Kết quả của vụ việc này là làm cho quan hệ giữa  Hoa Kỳ, Nhật và Nam Hàn trở nên khắng khít hơn, như hợp tác tình báo và tập trận chung trong Hoàng Hải. Thấy bất lợi Trung quốc lùi bước và cuối năm đã khuyên Bắc Hàn thận trọng. Tháng 7 năm 2010 tại Hội nghị Điễn đàn địa phương ASEAN (ASEAN Regional Forum)  ở  Hà Nội khi bà bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton  tuyên bố rằng Hoa Kỳ không thiên về bên nào trong việc đòi hỏi chủ quyền các hải đảo trên biển Đông, nhưng bà yêu cầu các bên giải quyết các khác biệt trong tinh thần hòa bình và phải dựa các đòi hỏi của mình căn cứ trên Luật Biển. Bà yêu cầu các nước Á châu hợp tác và tìm một thỏa thuận chung trong cách ứng xử. Lập trường của Hoa Kỳ được các nước tham dự trong đó có Việt Nam nhất loạt ủng hộ đã làm cho Trung quốc cảm thấy bị cô lập và ông bộ trưởng ngoại giao Trung quốc đã phản ứng một cách giận dữ làm cho các nước Đông Á ngao ngán và thấy có nhu cầu xích lại với nhau và xích lại gần Hoa Kỳ hơn. Tháng 9, quan hệ Trung quốc-Nhật bản  căng thẳng sau khi Nhật bắt giữ  một thuyền trưởng đánh cá Trung quốc cho là đánh cá trái phép trong vùng đảo Senkaku. Trung quốc định làm dữ, và Hoa Kỳ cảnh giác Trung quốc bằng cách tái xác nhận lập trường của Hoa Kỳ tuy không đứng về bên nào về quyền sở hữu, nhưng xác nhận Nhật đang quản lý hành chánh đảo Senkaku, và Điều 5 của bản Thỏa ước An ninh Hoa Kỳ-Nhật được áp dụng (TBN: Điều 5 của thỏa ước an ninh ràng buộc Hoa Kỳ bảo vệ Nhật nếu Trung quốc tấn công Nhật bản. Mấy năm sau khi chính phủ Nhật mua lại của tư nhân (Nhật) một số đảo nhỏ chung quanh, Trung quốc làm dữ cho dân chúng lục địa biểu tình phản đối, tăng cường hoạt động của Không quân và Hải quân trong vùng và thiết lập một vùng trời cấm bay tự do gọi là Air Defense Identificaion Zone  (ADIZ)  phủ lên toàn bộ vùng tranh chấp. Hoa Kỳ không đếm xỉa đến quyết định của Trung quốc và cho máy bay B-52 bay qua vùng ADIZ để bày tỏ thái độ. Trung quốc êm rơ. Tình hình mới làm cho Nhật Bản thấy có nhu cầu hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và căng thẳng chung quanh Senkaku được lắng xuống. (TBN: xem tài liệu dịch thuật số 74 http://www.tranbinhnam.com/story/BanCoTayThaiBinhDuong.html) Đối với Philippines và Việt Nam, Trung quốc không nhường nhịn như đối với Nhật. Trung quốc đơn phương chiếm bãi đá ngầm Scarborough, và năm 2012 thành lập khu quản trị hành chánh để quản lý Hoàng Sa, Trường Sa và bãi Macclesfield. Và mới nhất là việc xây đắp quy mô biến một số đảo nhỏ và bãi đá ngầm thành những căn cứ quân sự. Tháng 5/2015 tại hội nghị Shangri-La ở Singapore, ông Ashton Carter, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ đã lên tiếng cảnh cáo và yêu cầu Trung quốc chấm dứt ngay những cuộc xây đắp không có thiện chí hòa bình đó. Trước thái độ  “bắt nạt lân bang” của Trung quốc, Hoa Kỳ đã kiên định lập trường  bảo vệ sự “tự do di chuyển” trong vùng trời và vùng biển trong Biển Đông và làm cho các nước Đông Nam Á an tâm phối hợp nhau để chống lại áp lực của Trung quốc . ** Về quan hệ quốc tế liên quan đến sự kiểm soát sự phát triển vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn, Trung quốc không tỏ ra sốt sắng, lấy lý do Hoa Kỳ đã không tôn trọng thỏa thuận với Gaddafi và khi ông ta chịu hủy bỏ chương trình nguyên tử  thì cuối cùng bị lật đổ và giết chết. Trung quốc tỏ ý không muốn can thiệp áp lực Bắc Hàn ngưng sản xuất vũ khí vì Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ không có chính sách nào bảo đảm an ninh cho lãnh tụ Kim Jong-un.  Đó là lý do Trung quốc tăng viện trợ kinh tế để Bắc Hàn có thể đỡ đòn trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ.  Riêng đối với quan hệ với Bắc và Nam Hàn, Tập Cận Bình có vẻ muốn kềm chế Bắc Hàn hơn thời Hồ Cẩm Đào. Từ năm 2006 đến 2008 Trung quốc hợp tác với Liên hiệp quốc vận động Bắc Hàn ngưng các chương trình  nguyên tử, nhưng vào năm cuối cùng của chính quyền Bush, cuộc thương thuyết bất thành. Những năm đầu tổng thống Obama cứ để tình hình yên ắng như vậy. Mãi đến đầu năm 2012 tổng thống Obama mới đưa ra những điều kiện dễ dàng hơn để tiếp nối nối cuộc thương thuyết. Nỗ lực này tuy không thành, nhưng ít nhất tổng thống Obama đã tỏ ra mềm dẽo để qua đó cải thiện quan hệ với Trung quốc. Đối với Iran, Obama tăng cường sức ép. Điều này làm Trung quốc khó chịu và phản ứng bằng cách tăng mậu dịch và mua nhiều dầu hỏa của Iran. Các nước Âu châu cũng có nhu cầu mua dầu của Iran và kết quả Iran không bị  sức ép đủ để phải ký với Hoa Kỳ và Âu châu một thỏa ước nguyên tử với điều kiện của Hoa Kỳ và Âu châu, là chương trình nguyên tử của Iran phải nằm dưới sự kiểm soát của Cơ quan Nguyên tử  năng quốc tế. Khoảng cuối thập niên 2000, Trung quốc thay đổi chính sách “không can thiệp” vào chuyện nội bộ của các nước khác. Năm 2006 và 2007 Trung quốc đã áp lực Soudan chấp nhận để một lực lượng Liên hiệp quốc đến duy trì hòa bình tại Darfur, và lần đầu tiên Trung quốc gởi một đơn vị tham gia lực lượng này. Sau đó, năm 2009 Trung quốc gởi một hải đội đến giữ gìn an ninh thủy vận trong Vịnh Aden chống hải tặc. Sự hợp tác của Trung quốc đối với chính quyền Obama rõ nét nhất khi vào đầu năm 2011 tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc Trung quốc bỏ phiếu thuận đưa Lybia ra tòa án quốc tế về vụ tàn sát những người tham dự cuộc nổi dậy mùa Xuân Arập chống Gaddafi. Nhưng sau đó Trung quốc thất vọng khi NATO đã giúp thành phần nổi dậy bắt và giết Gaddafi . Trong lĩnh vực kiểm soát độ nóng của khí quyển, Trung quốc sốt sắng hợp tác hơn. Năm 2014 tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Á châu – Thái bình dương (Asia-Pacific Economic Cooperation – APAC), có sự tham dự của tổng thống Obama và Tập Cận Bình, Trung quốc đồng ý giảm dần và (có thể) sẽ chấm dứt thải khí nhà kiếng vào khí quyển vào năm 2030. Đồng thời Trung quốc hứa tiến hành ngay việc sản xuất 20% điện lực bằng nhiên liệu không thải khí. Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ cắt 26% khí nhà kiếng (so với mức đã thải ra năm 2005) vào năm 2026. Thỏa ước này mang lại nhiều hy vọng cho hội nghị quốc tế về khí hậu vào cuối năm nay tại Paris. Còn nhớ  tại hội nghị quốc tế về khí hậu năm 2009 tại Copennagen, Trung quốc đã không hợp tác và mọi cuộc thảo luận đều không đi tới đâu. ** Dựa vào thành quả và thất bại của chính quyền Obama, chính quyền Hoa Kỳ (sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2016) rút được bài học gì khi đối tác với Trung quốc để giải quyết các vấn đề quốc tế? Tại Á châu Hoa Kỳ cần tăng cường sự hiện diện quân sự thế nào để Trung quốc không thấy mình bị bao vây. Và trước khi tiếp cận Trung quốc về một vấn đề quan trọng địa phương hay quốc tế, Hoa Kỳ cần vận động sự ủng hộ của đồng minh trước. Trung quốc rất nhạy cảm khi phải chọn một thái độ làm mất lòng các nước có thể trở thành bạn . Điều quan trọng là Hoa Kỳ cần nhận dạng Trung quốc đúng hình thù của nó: một cường quốc, nhiều tự  ái quốc gia, đang phát triển với nhiều vấn đề nội bộ phải giải quyết. Hoa Kỳ cần đo lường đúng mức giới hạn nào thì Trung quốc có thể chịu đựng được. Và trái lại Trung quốc cần phải hiểu giới hạn kiên nhẫn của Hoa Kỳ (TBN: Việc Trung quốc tiếp tục xây dựng thêm phi đạo và nới rộng các căn cứ trên các đảo nhỏ và mỏm đá ngầm trong vùng Trường Sa, như các không ảnh tiết lộ ngày 15/9 vừa qua cho thấy - mặc dù trước đó hứa sẽ ngưng - là một thách thức quan trọng đối với Hoa Kỳ.) Trong bối cảnh quân sự và ngoại giao hôm nay tại Á châu – Thái bình dương cũng như  trách nhiệm của Hoa Kỳ và Trung quốc trước các vấn đề thế giới, một cuộc đụng độ quân sự giữa Trung quốc và Hoa Kỳ là điều khả dĩ khó xẩy ra trong một tương lại gần (TBN: nhưng “gần bao nhiêu” lại là chuyện khó đoán của tương lai)./. Trần Bình Nam phóng dịch Sept . 21, 2016
......

QUÂN ĐỘI ÔM MÁC-LÊNIN CHO ĐẢNG NGỦ MÊ

(VNC) Khi Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh cùng ra lệnh Quân đội phải kiên định với hai ông lạ hoắc người nước ngoài Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh để “bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”  thì nhân dân mạt vận là hệ qủa “tất yếu của lịch sử”. Tuyên bố của hai người đứng đầu Quân ủy Trung ương được đưa ra tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X (từ 21 đến  24/9/2015) ở Hà Nội. CSVN có trên 5 triệu quân chính quy và trừ bị, nhưng chỉ có 450 đại biểu dự Đại hội, đại diện cho 250,000 đảng viên trong tòan bộ Quân đội.  Như vậy đại đa số quân nhân không phải là đảng viên cũng phải chấp hành quyết định của Đại hội, trong đó có việc đồng ý Danh sách 43 đại biểu đi dự Đại hội đảng tòan quốc XII dự trù diễn ra đầu năm 2016. Danh tính và cấp bậc của 43 Đại biểu không được tiết lộ sau cuộc bầu chọn ngày 23/09 (2015). Trong Diễn văn tại Đại hội, ông Trọng nói một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quân đội là : “ Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào Quân đội cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa….Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; củng cố và phát triển mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội với Nhân dân.” (Báo Quân đội Nhân dân, 22/09/2015) Chủ trương này xưa như trái đất, càng nghe càng nhàm tai. Có điều là đến bây giờ, sau 26 năm Thế giới  Cộng sản tan rã ở Đông Âu và Nga , sào huyệt của Thế giới Cộng sản, mà ông Nguyễn Phú Trọng vẫn bắt Quân đội phải đội lên đầu 3 cái xác Cộng sản vô hồn để tung hô thì nước tụt hậu và dân tiếp tục chậm tiến là chuyện phải có như gieo gió thì gặt bão. Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng  Phùng Quan Thanh cũng nói  như vòi nước máy của người mới ra từ hang động: “ Kiên định quan điểm cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.”  (báo Quân đội Nhân dân, 21/09/2015) THÙ ĐỊCH HAY BỊ MA ÁM ? Bên cạnh những thành qủa  5 năm của khoá đảng XI mà đảng bộ Quân đội đã đóng góp, ông Trọng  cảnh giác đất nước vẫn đang phải đối phó với tình trạng mà ông gọi là: “Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh thực hiện "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, thúc đẩy phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, phi chính trị hóa quân đội để chống phá sự nghiệp cách mạng, phá hoại sự ổn định của đất nước.” Nhưng thù địch là ai, ít hay nhiều, đàn ông hay đàn bà, hình thù như thế nào mà ghế gớm thế ? Không một đầu óc thông thái nào (nếu có) của Hội đồng Lý luận Trung ương hay Ban Tuyên giáo , kể cả Tổng Bí thư Trọng, cũng không biết chúng là ai, mặt mũi là dân nước nào trên thế giới.  Đảng chỉ biết phát điên lên khi thấy sau 30 năm gọi là “đổi mới nhưng không đầu màu, hội nhập mà không hòa tan”  đã có một số không nhỏ đảng viên và nhân dân không muốn dính dáng gì với đảng nữa mà còn bài bác cái chủ nghĩa thoái trào Cộng sản khiến Lãnh đạo run chân, đảng viên dao động gây rạn nứt trong nội bộ nên gọi đại là “các thế lực thù địch” chứ biết nói sao bây chừ ? Tuy nhiên ông Trọng lại biết rõ mục tiêu chống đảng của kẻ thù khi nói rằng: “ Đối với nước ta, mục tiêu xuyên suốt, nhất quán của các thế lực thù địch là tìm mọi cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta, đưa Việt Nam đi theo ý đồ, quỹ đạo của họ. Thủ đoạn của họ là tiếp tục đẩy mạnh chiến lược "diễn biến hòa bình", tăng cường sử dụng các biện pháp "tấn công mềm", tập trung làm chuyển biến về chính trị tư tưởng, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa " từ trong nội bộ ta ; kích động, chia rẽ, thực hiện âm mưu phi chính trị hóa quân đội; hạ thấp, phủ nhận vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… “ Nhưng “họ” là ai mà cứ cáo buộc vu vơ như thế cả chục năm rồi ? Chẳng nhẽ  kẻ thù lại đang nằm ngay trong tay áo đảng mà lãnh đạo không dám nói ra ? Điển hình như chuyện đảng càng nói dai nói dài chống tham nhũng-lãng phí  “đã tiến một bước”  thì tình hình lại  tiếp tục “vẫn còn nghiêm trọng, tinh vi và phức tạp” năm này qua nằm khác ? Nếu lãnh đạo thật tâm muốn diệt thì cũng chẳng khó, nhưng đàng này  lại nể nang nhau, sợ vứt dây sẽ động đến rừng nên tham nhũng mới có đất thăng hoa. Hay như “truyện dài” cải tổ hành chính thì càng cải lại càng  hành dân hơn. Một số không nhỏ cán bộ, đảng viên cấp lãnh đạo cũng chi biết  “phép vua thua lệ làng” hay chi biết  “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” nên chuyện đâu vẫn còn nguyên đó. Còn  hàng ngàn chuyện tréo cẳng ngỗng khác cũng đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế như chủ trương giở người gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, hay tiếp tục  khăng khăng  “kinh tế nhà nước” (hay khối doanh nghiệp có vốn đầu tư của  nhà nước) phải “ giữ vai chủ đạo”  nền kinh tế, dù khối quốc doanh này đã ăn hại đái nát hết năm này qua năm khác khiến nhân dân phải gánh nợ khốn đốn. Trước những bất mãn thiếu công bằng, trì trệ trong phát triển và vướng mắc trong hành động, bộ máy điều hành việc nước đã rơi vào tay các phe nhóm có quyền trong đảng khiến quân đội, thành phần có kỷ luật nhất  cũng bị hoang mang, mất định hướng. Vì vậy ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới yêu cầu Quân đội phải : “Chủ động, nhạy bén đấu tranh với các quan điểm, nhận thức sai trái, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, góp phần làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động phòng, chống có hiệu quả "tự diễn biến", "tự chuyển hóa ", "phi chính trị hóa quân đội" . Tuyệt đối không được mơ hồ, chủ quan, mất cảnh giác.” Cũng đã lâu lắm không thấy lãnh đảo đảng gọi những cán bộ sao lãng việc học tập chính trị đã  “chệch hướng tư tưởng” . Bây giờ những người này  chẳng nhữ chỉ  “suy thoái tư tưởng” mà còn mất cả “ đạo đức, phẩm chất đảng viên”  và làm nhiều gương mù trong đời sống khiến đảng mất dần cán bộ trong Quân đội, lực lượng rường cột tựa lưng của đảng. Tưởng bấy nhiêu thôi cũng đã đủ  cho tòan quân học tập mệt nghỉ. Nào ngờ Phùng Quang Thanh lại rút kíp cho nổ tiếp qủa lựu đạn khói để phụ họa lấy điểm: “Đối với nước ta, các thế lực thù địch tăng cường các hoạt động chống phá thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội. Cùng với đó, tình trạng tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp; nền kinh tế còn khó khăn, thiên tai xảy ra ở nhiều nơi… đã tác động trực tiếp đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.” Khi cả Tổng Bí thư và Bộ trường Quốc phòng cùng nói một ngôn ngữ “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và “phi  chính trị hóa” trong quân đội thì vấn đề không còn là chuyện nhỏ mà đã nan giải đe dọa đến sự sống còn của đảng và chế độ. Do đó không lạ khi thấy Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đã kêu gọi trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội: “Trước những diễn biến phức tạp của tình hình và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ Quân đội và toàn quân luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tuyệt đối trung thành với Đảng, luôn gương mẫu đi đầu trong mọi khó khăn; là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chấp hành tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, nội bộ đoàn kết thống nhất, có chuyển biến quan trọng về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.” VIỂN VÔNG ĐỂ NGỦ MÊ Nhìn chung, các điểm nhấn từ 3  diễn văn của các ông Trọng, Thanh và Lịch  tại Đại hội X của đảng bộ Quân đội chỉ tập trung vào cảnh giác đề phòng  “diễn biến hòa bình”, “các thế lực thù địch” và phải ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa lực lượng võ trang” để quân đội tập trung sức mạnh vào nhiệm vụ bảo vệ Chế độ và tuyệt đối trung thành với Đảng. Tuyệt nhiên không thấy lãnh đạo nói gì đến việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đang bị đàn anh Trung Quốc lăm le chiếm thêm ở Biển Đông, hay giành lại Hòang Sa bị quân Tầu chiếm từ tay Việt Nam Cộng hòa tháng 1/1974, hoặc lấy lại 6 bãi đá và đảo Gạc Ma  bị quân Trung Quốc chiếm ở vùng Trường Sa từ năm 1988. Trung Quốc đã biến Hòang Sa thành một thành phố hành chính và các vùng chiếm được ở Trường Sa thành các đảo tân tạo kiên cố để xây dựng căn cứ quân sự, xây sân bay và bến cảng. Ông Nguyễn Phú Trọng bảo Quân đội phải :”Kiên quyết, không để tình hình diễn biến phức tạp và không để các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ can thiệp.” “Kẻ thù địch nào”  mà có thể “tạo cớ can thiệp” ngoài láng giềng Trung Quốc vì ông Nguyễn Phú Trọng đã rất hài lòng với kết qủa trong chuyến thăm Mỹ đầu tháng 7/2015 để đưa quan hệ hai nước Việt-Mỹ lên tầm cao mới. Đối với nước Nga thì chả có vấn đề gì phải lo vì Tổng thống Viladimir Putin đã quyết định coi Việt Nam là đồng minh “quan trọng nhất” của Nga ở vùng Á Châu. Quan hệ Quốc phòng Việt-Nga là một bằng chứng. Việt Nam đã trao việc trang bị khí tài, tân trang,mua vũ khí và để Nga huấn luyện quân đội Việt Nam. Hai nước cũng đã đồng ý thiết lập nhà máy sản xuất vũ khí chung tại Việt Nam, tiếp theo sau các chuyến thăm Nga và thăm Việt Nam của Lãnh đạo cấp cao nhất và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước. Nhưng Việt Nam lại đang chuẩn bị đón Chủ tịch, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình dự kiến sang thăm Việt Nam cuối năm 2015, ngay trước thềm Đại hội đảng kỳ XII. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng rất có thể sẽ thăm Việt Nam vào tháng 11/2015, sau Hội nghị APEC (Asia-Pacific Economic Cooperation) tại Thủ đô Manila, Phi Luật Tân  từ 18 đến 19/11/2015. Như vậy, thật khó mà hiểu được hậu ý của ông Tổng Bí Thư đảng CSVN khi nói đến ”các thế lực thù địch lợi dụng tạo cớ can thiệp” , tất nhiên phải từ ngoài vào Việt Nam. Và khi đã nói đến hai chữ “can thiệp” thì cũng nên hiểu đó phải là nước “mạnh hơn Việt Nam”. Vậy quốc gia nào mạnh hơn và đang trực tiếp đe dọa Việt Nam, nếu không phải là Trung Hoa phiá  bắc ? Vì vậy, trong diễn văn, ông Trọng đã chỉ thị Bộ Quốc phòng phải : “Tập trung chăm lo xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa... đi đầu trong đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa.… bảo đảm cho Đảng thường xuyên nắm chắc và lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội.” Ông nói: “ Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Đảng ta chủ trương phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa , hiện đại hóa đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc và bảo vệ nền văn hóa dân tộc; củng cố quốc phòng, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.” Trong nhận thức của ông Trọng thì không ai nhìn thấy ông có tư tưởng dùng Quân đội  để bảo vệ chủ quyền và sự tòan vẹn lãnh thổ  tổ quốc lại có cùng kế họach chống lại âm mưu mở rộng chủ nghĩa bá quyền và bành trướng lãnh thổ bất hợp pháp vào Việt Nam của “anh bạn “16 vàng” và “4 tốt” Trung Quốc. (“láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và  “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt.” ) Nhưng khi ông Trọng muốn có sức mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền và tòan vẹn lãnh thổ thì liệu ông có biết rằng ông sẽ trắng tay nếu  ông và tướng Phùng Quang Thanh chỉ biết buộc Quân đội phải kiện định Chủ nghĩa đã bị ruồng bỏ Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh và phải tuyệt đối trung thành, bảo vệ đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội và nhân dân, dù mọi người có muốn hay không. Nếu ông Trọng cứ tiếp tục viển vông và tiếp tục vùi đầu ngủ mê với chủ nghĩa  Cộng sản đã bị nhân loại lên án, ruồng bỏ và chôn vùi để áp đặt lên quân đội và nhân dân thì đất nước và nhân dân sẽ mãi mãi đói nghèo, lạc hậu. -/- Phạm Trần
......

Người Việt cố giàu lên, để làm gì?

Trong những ngày mưa ngập lụt lội nhiều nơi tại Việt Nam, có một người đàn ông đi xe hơi hạng đắt tiền đã giận dữ bỏ đi giữa làn nước, vốn đã lên đến thắt lưng, để lại chiếc xe của mình một cách đau đớn bất lực. Như hàng vạn người nghèo khó khác đã ngụp lặn, lội qua giòng nước ô nhiễm đó, chèo kéo từng chiếc xe honda, xe đạp của mình để về nhà, người đàn ông đó chắc cũng có chung một câu hỏi không lời đáp về tương lai mà tiền của là vô nghĩa trước những biến động đang ập đến ngay cửa nhà mình. Qua những biểu đạt than phiền về ngập lụt khắp nơi, qua các trang mạng hay báo chí, có thể thấy rằng không phải con người Việt Nam đã quá sức chịu đựng, mà họ như sực tỉnh trước một giấc mộng dài được vỗ về bởi những người lãnh đạo về sự hoa lệ của đô thị, về những chỉ số phát triển… nhưng chỉ trong tíc tắc đã lộ ra rằng mọi thứ chỉ là sân khấu tạm thời rực rỡ. Khi cánh màn nhung và những lời tuyên bố vừa dứt, hiện thực đã hiện ra tàn nhẫn với tương lai về nhà đen ngòm. Người Việt rầm rộ làm giàu từ nhiều năm nay, tập bỏ quên mọi thứ khác chung quanh mình, mà tưởng chừng miếng cơm manh áo no đủ sẽ giải quyết tất cả, nhưng mọi thứ lại không phải như vậy. Chưa bao giờ người Việt ào ạt in và ngấu nghiến đọc những công thức dạy làm giàu, dạy thành đạt như bây giờ. Thậm chí liều thuốc cường dương dựng đứng giấc mơ thành đạt của Mã Vân (Jack Ma) cũng được nhắc đi nhắc lại như một kim chỉ nam “quá 35 tuổi mà còn nghèo là tại bạn”. Thế nhưng những phong trào uống, chích các loại thuốc như vậy không hề có việc ghi chú chống chỉ định rằng việc thành đạt nóng, phải giàu có cho bằng được đôi khi cũng tạo ra loại ác thú núp kín sau bộ mặt niềm nở với đồng loại của mình. Rất nhiều người trẻ ở Việt Nam muốn nhanh giàu có, nên đã bơm hoá chất vào heo gà và rau xanh, hoặc trở thành những kẻ cướp máu lạnh. Tệ hơn nữa là những kẻ luồn lách và làm giàu bằng gian lận và tham nhũng tiền thuế của nhân dân. Làm giàu và khoe giàu đã trở thành một tín chỉ quan trọng để vuơn lên, leo vào một chuồng trại khác trong xã hội Việt Nam hôm nay. Già hay trẻ cũng vậy! Sự tôn thờ vật chất đã có rất nhiều ví dụ đau lòng như con giết cha mẹ để lấy nhà, lấy đất cho đời thụ hưởng. Nhưng rồi sự giàu có đó, sự tách biệt hãnh tiến đó bất chợt vỡ toang như những chiếc bong bóng xà phòng khi cơn mưa đem lụt lội đến. Họ nhận ra rằng mặt bằng cuộc sống không an sinh, khônh có gì cân bằng với giáo dục, môi trường, an ninh… Mọi hợp đồng bảo hiểm chỉ là trò tận thu chứ không hề cứu rỗi lúc tai ương. Mọi lời hứa vĩ đại trôi qua năm tháng, chìm vào hiện thực. Tương tự  như sự kiện “ngày đen tối” của thị trường chứng khoán Việt Nam ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong tháng 9/2015 với gần 10 tỷ USD bốc hơi trong vài ngày, đã nhắc khéo rằng dường như mọi lâu đài đang được dựng lên bằng ảo tưởng của một đám đông, và bằng thực tế đáng giá của một vài kẻ đứng sau cánh gà. Một chị bạn để dành được ít tiền sau những năm dài vật lộn mưu sinh, đã gọi hỏi tôi rằng có cách nào đưa con đi du học nước ngoài thật nhanh. Khi tôi hỏi lý do vì sao chị gấp gáp như vậy, thì câu trả lời – không phải của riêng một người – rằng chị cảm thấy lo lắng và muốn đưa con đến một môi trường sống và giáo dục tốt hơn. Một thế hệ mới của người Việt đang tự cào cấu với khát vọng đổi thay cuộc sống của mình nhưng bất lực, nên đành chọn cách chạy đi? Câu chuyện của chị bạn xảy đến cùng lúc với tin những học trò nghèo ở Huế chưa đóng được học phí bị bêu tên dưới cột cờ. Công ty Tôn Hoa Sen kêu gọi từ thiện nhưng chặn nguồn nước của dân thiểu số ở Đạ Mri đế ép lấy đất. Công ty Tân Hiệp Phát thì thay vì xin lỗi người tiêu dùng, bãi nại cho người tố cáo sản phẩm lỗi bị gài bẫy đi tù… thì thay giám đốc người nước ngoài để rửa mặt. Và ở Hà Nội, quan lại chia nhau cai trị trong họ hàng của mình ở huyện Mỹ Đức. Đã có bao nhiêu người Việt đang gắng làm giàu, chỉ để tìm cách cho mình hay con em mình rời xa quê hương? Chắc không ít, và cũng chắc chắn không phải là một khuynh hướng tạm thời. Nhan nhãn trên các trang báo, cũng như tin nhắn rác, là các dịch vụ môi giới đầu tư hay học nghề… ám chỉ việc ra đi, định cư ở nước ngoài. Một người bạn làm công việc này cho biết lượng người gọi vào, tìm hiểu, làm đơn hay hy vọng đang tăng đến mức kinh ngạc, thậm chí diện EB-5 của Mỹ, đòi hỏi phải có ít nhất 500.000 USD cũng vậy . Trong các bài phóng sự đuợc dịch từ báo nước ngoài cho thấy người Trung Quốc làm ra tiền đang ùn ùn tìm cách chuyển tài sản ra khỏi nước hoặc tìm cách di cư sang các nước phương Tây. Chỉ tính trong 10 năm, từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã chảy máu hơn 3.500 tỷ USD do người giàu Trung Quốc chuyển ra ngoài. Chưa có con số thống kê nào về người Việt Nam nhưng tin tức vẫn hay hé mở cho biết các đại gia Việt luôn trong thế “an toàn” khi tất cả nhà cửa, tài sản, gia đình… được sắp xếp ở Mỹ, Canada… thậm chí ở ngay Singapore. Cũng như người Trung Quốc, họ đã cố gắng làm giàu bằng mọi cách trên quê hương mình nhưng không chọn tồn tại ở nơi đó. Điều này có ý nghĩa gì? Có cái gì đó thật khó nghĩ về cách vồ vập muốn làm giàu của người Việt hôm nay, kể cả cách sau đó họ che mặt ra đi, bất chấp Việt Nam vẫn đang sáng rực tên trên các bản tin bình chọn là một trong những quốc gia hạnh phúc và đáng sống nhất thế giới. Trong bài thơ Quê hương của nhà thơ Đỗ Trung Quân, đời thật đẹp với những chùm khế ngọt.  Nhưng dường như một lớp người Việt hôm nay không chỉ tranh nhau hái trái, đốn hạ cây mà âm mưu sở hữu bán cả mảnh đất cha ông đã trồng cây để đầy túi. Nhưng lạ thay, sau đó họ lại lặng lẽ  gói ghém ra đi thật xa. Người Việt đang cố gắng làm giàu thật nhanh rồi như vậy, vì sao? Xin đừng ai trả lời. Đừng nói một lời nào cả. Chúng ta hãy cùng lặng im và suy ngẫm. (Hết phần 1) nguồn: Blog Tuấn Khanh
......

Phá Chiến Lược “Xoay Trục Sang Châu Á”: Trung Quốc Tìm Cách Đạt Được Thỏa Thuận Ngầm Để Đi Đêm Với Mỹ Ở Biển Đông

Ngay trước khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế số hai thế giới vào năm 2010, nhà nước Cộng sản Trung Hoa đã không hề giấu giếm tham vọng bành trướng, bá quyền của mình! Tháng 5/2009, Trung Quốc trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên Hợp Quốc bản đồ “hình lưỡi bò” (còn gọi là bản đồ hình chữ U hoặc đường 9 đoạn) nuốt trọn trên 80% diện tích biển Hoa Nam (tức Biển Đông) và tuyên bố đấy là “lãnh thổ nội thủy” của Trung Quốc. Sau đó Trung Quốc còn khẳng định rằng họ coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi của mình cũng như lợi ích của họ đối với Tây Tạng, Tân Cương hay Đài Loan. Cách đây đúng một tuần, hôm 14/9/2015, một Phó Đô đốc Hải quân Trung Cộng dốt nát về kiến thức địa lý nhưng lại thừa máu tham Đại Hán ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là của Trung Quốc vì nó mang tên là biển Nam Trung Hoa! Trong vòng 5 năm qua, từ khi trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, Trung Cộng không che giấu ý đồ muốn Hoa Kỳ lùi lại để họ làm bá chủ Châu Á, trước hết là để yên cho họ độc chiếm Biển Đông, Biển Hoa Đông, và tiếp đó là chia đôi Thái Bình Dương: Trung Quốc nửa phía Tây, Hoa Kỳ nửa phía Đông Thái Bình Dương! Trung Quốc cho rằng đây là sự “phân chia” sòng phẳng và hợp tình, hợp lý giữa hai siêu cường, bất chấp dư luận, đạo lý và pháp luật quốc tế! Trước những bước đi táo bạo của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Hoa Kỳ đã kịp thời điều chỉnh lại chiến lược của mình ở khu vực này. Chính sách “Xoay trục sang Á châu” của Mỹ ra đời! Ngày 22/7/2011 tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định lập trường của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương khi bà tuyên bố Hoa Kỳ coi tự do hàng hải và hàng không ở biển Hoa Nam (Biển Đông), biển Hoa Đông cũng như trên Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giơi là lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ! Một thông điệp rất rõ ràng: Mỹ không chấp nhận và để cho Trung Cộng biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ! Khái niệm về chiến lược “Xoay trục sang Châu Á” của Mỹ bắt đầu hình thành! Bốn tháng sau (11/2011), Tổng thống Barack Obama tuyên bố điều động 2.500 lính thủy đánh bộ Mỹ đến đồn trú ở Darwin (Australia). Đây là bước đi cụ thể và mở đầu cho việc triển khai chiến lược “Xoay trục sang Châu Á” hay còn gọi là chiến lược “Tái cân bằng lực lượng” của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc vô cùng tức tối và lớn tiếng lên án và tố cáo Mỹ. Song qua những lời tố cáo và lên án này, Trung Quốc càng bộc lộ cho thế giới và các nước Châu Á, đặc biệt các quốc gia ĐNA, thấy rõ dã tâm và tham vọng của chính mình! Ở Châu Á có 3 quốc gia đã, đang và sẽ tác động vào nền chính trị cận đại của Hoa Kỳ và để lại cho cường quốc số 1 thế giới những hệ quả, bài học và cả kinh nghiệm lịch sử vui buồn khó quên : Trước hết là Nhật Bản: Từ cựu thù trong Chiến tranh Thế giới II, Nhật Bản và Mỹ mất có 15 năm để xây dựng mối quan hệ bền chặt rồi trở thành đồng minh chủ yếu của nhau ở Châu Á và Thái Bình Dương khi 2 nước ký Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật vào đầu năm 1960. Khó có thể tưởng tượng được trong hơn nửa thế kỷ qua, tình hình vùng Viễn Đông nói riêng và Châu Á – Thái Bình Dương nói chung sẽ ra sao nếu Hoa Kỳ và Nhật Bản không phải là đồng minh của nhau và giữa 2 quốc gia không tồn tại Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ? Đây là một tấm gương mẫu mực cho mối quan hệ hiện đại trong một thế giới hội nhập ngày nay. Thực tế hơn nửa thế kỷ qua, Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ thực sự là hòn đá tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực này. Nó không chỉ có vai trò bảo đảm hòa bình ở đây mà nó còn giúp xây dựng một nền kinh tế phát triển và tạo nên một nền khoa học-kỹ thuật tiên tiến và hiện đại, phục vụ thiết thực cho lợi ích của nhân dân mỗi nước! Thứ hai là Việt Nam: Cũng là cựu thù của nhau trong một cuộc chiến tranh sai lầm và đẫm máu, Việt Nam và Mỹ phải mất đến 20 năm để bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau (1995). Rồi hai nước phải mất thêm 20 năm nữa mới có thể trở thành bạn bè của nhau (2015). Việt Nam và Hoa Kỳ rồi đây chắc chắn sẽ là đồng minh của nhau, nhưng điều này có lẽ sẽ cần thêm một vài năm nữa. Việc Việt Nam và Hoa Kỳ có sớm trở thành đồng minh của nhau hay không, điều này không chỉ phụ thuộc vào ý chí của 2 nước mà nó còn phụ thuộc vào yếu tố khách quan của tình hình Biển Đông. Việc TBT Nguyễn Phú Trọng của ĐCSVN vừa qua được mời thăm chính thức Hoa Kỳ là một diễn biến có nhiều ý nghĩa, không chỉ đối với Việt Nam mà còn cả với các nước khác trong khu vực. Ba là Trung Quốc: Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong 66 năm qua kể từ khi nước CHNDTH ra đời (1949) đã để lại nhiều dấu ấn thăng trầm trong lịch sử bang giao giữa 2 nước. Trung Quốc và Mỹ có thật tâm muốn và có thể trở thành đồng minh của nhau được không? Đây là một vấn đề không khó để trả lời! Từ khi nước Trung Hoa Cộng sản ra đời đến nay, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ Nhà nước cộng sản này muốn là bạn của Mỹ chứ đừng nói đến đồng minh! Nguyên nhân vì sao ư? Rất dễ hiểu: Người Trung Hoa vốn từ lâu đã tự coi mình là trung tâm của thiên hạ, giới cầm quyền của họ luôn có máu bành trướng bá quyền, muốn làm bá chủ địa cầu, nay cộng thêm bản chất độc quyền toàn trị cộng sản thì làm sao họ có thể là đồng minh của Mỹ, đi cùng Mỹ để “chia sẻ trách nhiệm” trong việc gìn giữ hòa bình và phát triển phồn vinh ở trên thế giới này? Ngay từ thập niên 1960s, khi thực lực còn hạn chế, nhưng Trung Quốc đã luôn tìm mọi cách tranh giành ảnh hưởng với Liên Xô để trở thành kẻ cầm đầu của cái gọi là “Phe Xã hội Chủ nghĩa” và “Phong trào Cộng sản Quốc tế” đấy thôi? Cuộc chiến tranh biên giới Xô – Trung năm 1969 đã phần nào lột tả tham vọng này của Trung Quốc! Trong 66 năm qua và từ nay về sau, Trung Quốc nếu không là kẻ thù giấu mặt thì cũng là đối thủ công khai của Mỹ, chưa khi nào là bạn của nhau, còn đồng minh thì không bao giờ! Người Mỹ cần ghi nhớ điều này kẻo sẽ rất dễ bị Trung Quốc lừa phỉnh và huyễn hoặc! Điểm lại những sự kiện của mối quan hệ trong hơn 60 năm qua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, người ta không khó để thấy thực chất của mối quan hệ này. Ngay sau khi Trung Hoa cộng sản ra đời, Mao Trạch Đông đã xúi Kim Nhật Thành gây ra cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) với mưu đồ đẩy Mỹ đương đầu với Liên Xô để họ ở giữa trục lợi. Ngược lại, Staline cũng âm thầm nuôi ý đồ mong cuộc chiến này sẽ dẫn đến đụng độ Mỹ-Trung để mình “tọa sơn quan hổ đấu”! Rồi đến cuộc chiến tranh Việt Nam, Liên Xô và Trung Quốc đều ra sức giúp đỡ miền Bắc Việt Nam với ý đồ và động cơ riêng của mỗi nước, nhưng có điểm chung là nhằm làm cho Mỹ phải “sứt đầu mẻ trán”. Khi bị sa lầy, Mỹ thấy nếu không rút ra khỏi cuộc chiến này thì sẽ thất bại, nên mùa hè năm 1971, Nixon cử Kissinger bí mật đi Bắc Kinh để tìm lối thoát. Và rồi việc gì phải làm đều đã được làm! Tháng 2/1972, Richard Nixon thăm Trung Quốc và Thông cáo chung Thượng Hải được ký kết: Trung Quốc giúp Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam “trong danh dự”, đổi lại Mỹ chia sẻ quyền lực với Bắc Kinh ở Châu Á, bật đèn xanh cho Trung Quốc xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, rồi Mỹ chơi “con bài Trung Hoa” (China Card) để biến Trung Quốc thành “đồng minh trên thực tế” nhằm ngăn chặn và chống lại Liên Xô! Bắt đầu từ đây, Mỹ đã tạo ra “một con quái vật Frankenstein” để rồi sau đó Mỹ phải ra sức đối phó cho đến tận bây giờ! Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và chiếm được chiếc ghế thường trực ở Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc đã mở chiến dịch thâm nhập sâu rộng và dữ dội vào lãnh thổ Hoa Kỳ, từ liên bang đến khắp 50 tiểu bang để đánh cắp mọi bí mật quốc gia của Mỹ: Từ bí mật kinh tế, bí mật quân sự đến các bảo bối KHKT của đối thủ, nhất là các bí mật hạt nhân và hàng không vũ trụ! Trung Quốc đã thả cửa thu thập và đánh cắp đủ thứ, không loại trừ lĩnh vực nào. Sau 40 năm nhìn lại, chú Sam bừng tỉnh và hoảng hốt thấy rằng con quái vật mình tạo ra nay đang thực sự thách thức và đe dọa chính mình! Sau 4 thập kỷ tung hoành trên đất Mỹ, đội quân thứ năm Hoa kiều đã giúp nước mẹ trở thành một siêu cường thực thụ. Trung Quốc không giấu mình nữa, nó muốn trỗi dậy càng nhanh càng tốt, nó cảm thấy đã đủ lông đủ cánh để xưng hùng xưng vương với thiên hạ. Nó thực sự là con quái vật Frankenstein mà chính Mỹ đã tạo ra. Nay đã đến lúc nó thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” (China Dream). Ai có đủ dũng khí để ngăn cản nó đây, kể cả kẻ đã tạo ra nó? Tuy vậy, để cho chắc ăn phải làm phép thử. Phép thử đầu tiên là quần đảo Senkaku. Phải đòi Nhật Bản “trả lại”, nếu không sẽ dùng vũ lực “thu hồi”! Mỹ liền tuyên bố: “Quần đảo Senkaku là nằm trong phạm vi bảo vệ của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ”! Nhà cầm quyền Bắc Kinh thấy khó nuốt, liền buông. Trung Quốc chuyển sang thử sức ở Biển Đông và coi đây là chiến trường chính. Đầu tiên là dùng giàn khoan HD981 để đo phản ứng của dư luận. Thấy không thuận, họ tạm lui. Nhưng quan trọng hơn là Trung Quốc đã táo bạo và ráo riết bồi đắp, tôn tạo các đảo đá và san hô mà họ đã chiếm được ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, xây dựng nhiều đường băng và các công trình quân sự ở đây, biến chúng thành các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát Biển Đông. Tới đây, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lập vùng nhận dạng hàng không (AIDZ) trước khi hiện thực hóa việc độc chiếm Biển Đông! Trước tình hình đó Mỹ đã mạnh mẽ lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hoạt động này lại. Ngày 18/7/2015, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ là Đô đốc Scott Swift đã trực tiếp dùng máy bay trinh sát hiện đại P-8A Poseidon bay thị sát trên quần đảo Trường Sa nơi Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo. Sau đó Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ điều phi cơ và tàu chiến đi tuần tra vào vùng không phận và hải phận 12 hải lý nơi Trung Quốc đang bồi đắp, tôn tạo các đảo san hô và đảo đá chìm. Trung Quốc thực sự lo sợ nếu Mỹ tiến hành các hoạt động này. Nhưng rất tiếc cho đến nay, Hải quân Mỹ chưa được lệnh thực hiện lời tuyên bố trên. Điều này đã đánh đi một tín hiệu sai rằng Mỹ ngại đối đầu! Một tháng rưỡi sau, ngày 2/9 vừa qua, Trung Quốc điều 5 tàu chiến tới eo biển Bering, ngoài khơi bờ biển Alaska của Mỹ và “vô tình đi ngang qua” hải phận 12 hải lý của chuỗi đảo Alieutian thuộc tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ. Bằng động thái này, ngoài việc thử phản ứng của Mỹ, rõ ràng Trung Quốc muốn thể hiện sức mạnh quân sự nhằm mục đích đổi chác với Mỹ sau này! Ngoài ra, thời gian qua Mỹ tố cáo và mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công mạng nhằm đánh cắp bí mật quân sự, công nghệ và sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Tin tặc của quân đội Trung Quốc đã thâm nhập vào hàng triệu máy tính trên đất Mỹ để lấy cắp các dữ liệu cá nhân của các quan chức Chính phủ Hoa Kỳ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng những “ngón võ” này để đòi đổi chác nhằm ép Mỹ phải thỏa thuận ngầm với họ trong những vấn đề song phương khác, nhất là các vấn đề ở Biển Đông. Trung Quốc là bậc thầy trong việc dụ nước khác đi đêm cùng họ trong những vấn đề quốc tế để họ trục lợi hoặc để họ tránh đối đầu với địch thủ chính một khi họ ở thế yếu! Con quái vật Frankenstein do chính Mỹ tạo ra trước đây thì ngày nay nó đang quay lại thách thức Mỹ. Liệu Mỹ có bị khuất phục? Nếu Mỹ bị khuất phục, chấp nhận thỏa thuận ngầm và đi đêm với Trung Quốc thì hẳn Mỹ sẽ mất nhiều và rồi sẽ mất hết, không chỉ quyền lợi quốc gia mà cả bạn bè, đồng minh của Mỹ tại khu vực chiến lược rộng lớn này của thế giới! Rồi chẳng bao lâu sau đó, con quái vật Frankenstein to lớn hơn sẽ gõ cửa nước Mỹ để đòi chia đôi tài sản cho mà xem! Người Mỹ có câu: “Better soon than late, better late than never”! Tuy con quái vật Frankenstein này do Mỹ tạo ra từ những năm 1970s, nay dù đã lớn mạnh nhưng vẫn chưa đủ sức để so găng với Mỹ. Nước Mỹ vẫn còn kịp để hành động! Nhưng nếu nước Mỹ ngày nay lại mắc sai lầm như 40 năm về trước, chắc chắn Trung Quốc sẽ được đằng chân lân đằng đầu! Bởi vậy nhất thiết đừng để con quái vật Frankenstein này trở thành con quái thú Frankenstein hung bạo gấp nhiều lần hiện nay. Đến lúc đó nước Mỹ dù có quyết tâm đến đâu cũng khó lòng còn ngăn chặn được nó! Hà Nội, ngày 21/9/2015. N.Đ.Q. Nguồn: http://boxitvn.blogspot.com/2015/09/pha-chien-luocxoay-truc-sang-chau-tr...
......

Lễ Tưởng Niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Anh Hùng Đông Tiến Năm Thứ 28

Lễ Tưởng Niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Anh Hùng Đông Tiến Năm Thứ 28 tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt - Mỹ, Nam California, Hoa Kỳ, ngày 13/9/2015.   ***** Lễ Tưởng Niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Anh Hùng Đông Tiến Năm Thứ 28 Bùi Xuân Nhã Chiều ngày Chủ Nhật 13/9/2015 vừa qua, Đảng Bộ miền Nam California thuộc đảng Việt Tân đã tổ chức Lễ Tưởng Niệm Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Anh Hùng Đông Tiến đã hy sinh cách đây 28 năm trên con đường tranh đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Lễ tưởng niệm năm nay có sự phối hợp tổ chức và yểm trợ của 13 hội đoàn tại miền Nam California gồm Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Nam California, Cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn Los Angeles, Cộng Đồng Việt Nam San Diego, Hội Đền Hùng Hải Ngoại, Hội Đền Hùng San Diego, Việt Nam Quốc Dân Đảng Thống Nhất, Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản và Tay Sai, Ban Tù Ca Xuân Điềm, Ủy Ban Phối Hợp Bảo Toàn Đất Tổ, Ủy Ban Đòi Nhân Quyền Cho Việt Nam, Hội Chuyên Gia Việt Nam, Ban Liên Lạc Các Hội Đoàn Giới Trẻ và Câu Lạc Bộ Thân Hữu Việt Tân. Buổi lễ diễn ra đúng 3 giờ 30 chiều tại khu vực Tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, thành phố Westminster, Nam California với sự tham dự của gần 300 đồng bào và quý quan khách. Trong số quan khách có Dân biểu Tiểu bang Young Kim; Dược sĩ Nguyễn Đình Thức, Đại diện Thượng Nghị Sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn; ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng thành phố Westminster; Nghị viên Sergio Contreras, phó Thị trưởng và Nghị viên Diana Carey thành phố Westminster; ông Carlos Urquiza, Đại diện Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez; ông Lý Vĩnh Phong, Đại diện Dân Biểu Liên bang Alan Lowenthal; ông Bùi Thế Phát, Nghị viên Thành phố Garden Grove, Chủ tịch Cộng đồng Quốc gia Nam California và quý vị Chủ tịch Cộng đồng San Diego, Los Angeles; Nhạc sĩ Trúc Hồ, giám đốc đài SBTN và phu nhân; Luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, cựu Chủ tịch Cộng đồng Quốc gia Nam California; ông Nhan Hữu Mai, Phó Tổng bí thư VNQDĐ Thống Nhất; ông Nguyễn Thiện Truyền, Đại diện Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Nam California; ông Hoa Thế Nhân (Đoàn Kết VNCH) và sự hiện diện của nhiều nhân sĩ trong Cộng đồng Nam California. Ngoài ra còn có sự hiện diện của các cựu quân nhân VNCH và nhiều thành viên trong Hội Hải Quân Cửu Long tham dự. Đông đảo báo chí Việt ngữ trong vùng đã đến đưa tin, phỏng vấn như báo Việt Báo, Người Việt, Viễn Đông, báo Việt Mỹ, đài SBTN và SET 57.4, Việt Phố TV, Sài Gòn TV và Truyền hình PBS, radio TNT, Radio Chân Trời Mới. Mở đầu buổi lễ là phần rước di ảnh cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và 13 Kháng Chiến Quân do các đảng viên đảng Việt Tân tiến lên bàn thờ giữa hai hàng chào danh dự của các cựu quân nhân Quân lực VNCH. Trong tiếng nhạc trầm hùng, tiểu sử của cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân đã được tuyên đọc khiến nhiều người hiện diện bùi ngùi, xúc động. Lễ niệm hương tiên cáo tiếp theo được bốn bô lão Gs. Nguyễn Tư Mô, ông Nguyễn Văn Cừ, ông Đoàn Thế Cường và ông Phan Kỳ Nhơn thực hiện trước bàn thờ các di ảnh. Sau nghi thức khai mạc, ông Trần Trung Dũng đại diện Đảng bộ Nam California và là Trưởng ban Tổ chức lên đọc lời chào mừng quan khách và đồng bào, tuyên bố lý do của buổi Lễ Tưởng Niệm hôm nay. Một vòng hoa trang trọng được đại diên Ban Tổ chức và các hội đoàn cùng mang lên đặt trước bàn thờ. Sau đó, các đảng viên Việt Tân thực hiện nghi thức Tế Lễ Cổ Truyền với sự điều hợp của Hội Đền Hùng Hải Ngoại. Trong ba hồi chiêng trống trầm hùng, mọi người xúc động tưởng nhớ đến các Kháng Chiến Quân và Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh vào 28 năm trước đã rời bỏ gia đình và đời sống tiện nghi ở nước ngoài, lên đường trở về đất nước trong quyết tâm sắt đá góp phần đấu tranh chấm dứt ách độc tài cộng sản và đã hy sinh vào ngày 28 tháng 8 năm 1987. Dân biểu Tiểu bang Young Kim Trong phần phát biểu cảm tưởng của chính giới Hoa Kỳ, Cộng đồng và Đoàn thể, Dân biểu Tiểu bang Young Kim đã nhắc lại và ca ngợi lòng yêu nước của các Kháng Chiến Quân cách đây 28 năm cũng như mục tiêu tranh đấu của Đảng Việt Tân vì một nước Việt Nam dân chủ tự do hiện nay. Ông Tạ Đức Trí (giữa), ông Sergio Contreras (trái) và bà Diana Carey Thị trưởng Tạ Đức Trí cho rằng sử sách sẽ luôn ghi nhớ công ơn của cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và các Kháng Chiến Quân và sự hy sinh của các vị mãi mãi là một tấm gương cho các thế hệ mai sau. Dược sĩ Nguyễn Đình Thức và ông Carlos Urquiza Dược sĩ Nguyễn Đình Thức đại diện Thượng nghị sĩ Tiểu bang Janet Nguyễn và ông Bùi Thế Phát, Chủ tịch Cộng Đồng Quốc gia Nam Cali đã trao tặng 2 bằng Tưởng lục để vinh danh Cố Chủ tịch Hoàng Cơ Minh và Kháng Chiến Quân Đông Tiến. Bs. Đông Xuyến chia sẻ về những tấm gương hy sinh của các Anh Hùng Đông Tiến Bác sĩ Đông Xuyến, Ủy viên Trung ương Đảng Việt Tân đã lên phát biểu bày tỏ lòng tri ân quan khách và đồng bào đã cùng đảng Việt Tân tưởng niệm sự hy sinh của Cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh và Các Kháng Chiến Quân Đông Tiến. Bác sĩ Đông Xuyến nói: “Tưởng niệm các Anh Hùng Đông Tiến là để tri ân những tấm gương của những người hải ngoại như chúng ta đã hy sinh mạng sống và cuộc sống riêng để trở về cứu nước. Tưởng niệm để một lần nữa chúng ta cùng tiếp nhận tinh thần yêu nước bền bỉ từ những tấm gương hy sinh. Tưởng niệm để chúng ta cùng tiếp sức cho nhau bằng những đóng góp, những nỗ lực đấu tranh bền bỉ của mỗi quý vị nơi đây, mỗi cộng đoàn, cộng đồng, đoàn thể, phong trào, chính đảng và mỗi tổ chức cơ quan dân sự tại nơi chúng ta cùng nhau sinh sống.” Bác sĩ Đông Xuyến cũng kêu gọi mọi người “sẽ gắn bó hơn, tin nhau hơn và chia sẻ với nhau nhiều hơn để tạo được một sức mạnh chung trong và ngoài nước mà không một thế lực hay một chế độ độc tài nào có thể đánh phá và quyết tâm vươn lên để tiến đến hình thành một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và tiến bộ.” Xen kẽ trong buổi lễ là phần văn nghệ đấu tranh của Ban Tù Ca Xuân Điềm cũng như ban đồng ca của Câu Lạc Bộ Thân Hữu Việt Tân với những nhạc phẩm như Bài Ca Đông Tiến, Ta Ra Đi, Thế Kỷ Này Là Thế Kỷ Của Chúng Ta và các bài hát khác. Đặc biệt nhất là phần chia sẻ của 2 cựu Tù nhân lương tâm, đảng viên Đảng Việt Tân từ quốc nội Nguyễn Văn Oai và Nguyễn Văn Duyệt. Hai anh đã bày tỏ quyết tâm tiếp tục đồng hành cùng dân tộc trong cương vị là đảng viên Việt Tân vừa thoát khỏi nhà tù cộng sản. Buổi Lễ Tưởng Niệm chấm dứt lúc 6 giờ sau khi ông Hoàng Tứ Duy đại diện Đảng Việt Tân và ông Hoàng Thế Dân đại diện Ban Tổ Chức cảm ơn quan khách và đồng bào hiện diện. Trước khi ra về, đồng bào và anh chị em đảng viên Việt Tân đã lần lượt lên thắp nhang trước bàn thờ di ảnh các Kháng Chiến Quân trong tiếng hát trầm buồn của Dạ Thảo, bài Trăng Chiến Khu của cố Chủ tịch Hoàng Cơ Minh.
......

Blogger Tạ Phong Tần: 'Mỹ ép buộc CSVN phải trả tự do cho tôi'

WESMINSTER, Calif. (NV) - Blogger Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công Lý và Sự Thật, đồng sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, đến phi trường Los Angeles (LAX) tối 19 tháng Chín, 2015,  sau 4 năm bị nhà cầm quyền CSVN cầm tù. Bà Tạ Phong Tần đến Hoa Kỳ lúc 8 giờ 30 tối trên chuyến bay của hãng hàng không China Airline. Khi đến phi trường, bà Tần phát biểu rằng sẽ không ngưng con đường mà bà đeo đuổi. 'Sau cái tang của mẹ thì tôi càng cương quyết trang đấu và bây giờ thì càng không bao giờ bỏ cuộc.' Blogger Tạ Phong Tần bày tỏ cảm xúc: "Trước khi đến Mỹ, tôi rất hồi hộp không biết bao nhiêu năm anh em mới gặp nhau anh em đối với mình ra sao. Nhưng khi thấy nét mặt xúc động và sự quan tâm đón chào của nhiều người thì cảm thấy an tâm và biết mình đã quyết định đúng." “Tôi cảm thấy như là gia đình của mình. Và tôi rất là xúc động khi gặp lại những người bạn của tôi. Đôi khi vui quá mình cũng xúc động chứ. Chưa bao giờ tôi khóc, ngay cả trước mặt bọn Cộng Kể lại giây phút bị áp giải ra phi trường, bà Tần cho biết: Tôi không biết họ đưa anh Điếu Cày đi như thế nào, nhưng riêng tôi có khoảng 50 công an áp giải. Ở trong nhà tù ra đi ba xe ô tô bảy chỗ ngồi. Khi đến sân bay lại thấy lố nhố khoảng 20 công an mặc thường phục nữa. Có người nhìn như có vẻ bàng quan, không có nhiệm vụ gì, nhưng cứ lẩn quẩn ở đó. Có khoảng một chục người cầm máy quay phim quay tứ tung. Họ đưa tôi vào khu vực phía sau sân bay, chỉ có tôi và công an. Đến khi máy bay sắp cất cánh họ mới đưa tôi ra phía ngoài. Và khi lên máy bay tôi mới gặp nhân viên đại sứ quán Hoa Kỳ đón tôi.” Bà Tần khẳng định mình không phải bị trục xuất: “Tôi nghĩ thân nhân tôi biết tôi đi, nhưng không phải là trục xuất, bởi vì phía Mỹ ép buộc họ phải trả tự do cho tôi. Và họ đã ra một quyết định tạm đình chỉ thi hành án tù, chứ không phải trục xuất.' * Kết quả của sự nỗ lực vận động Blogger Điếu Cày, người từng bị cầm tù và cũng được đưa thẳng từ nhà tù đến Hoa Kỳ tháng 10 năm ngoái nói rằng: "Tin Tần được trả tự do là món quà lớn nhất cho CLBNBTD trong đúng ngày kỷ niệm sinh nhật 8 năm thành lập của Câu Lạc Bộ. Chúng tôi hết sức vui mừng! Đây cũng là kết quả của bao nỗ lực vận động của nhiều tổ chức đấu tranh khắp nơi. Đặc biệt Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã hết sức tích cực trong việc thúc đẩy đưa Tần ra khỏi nhà tù cộng sản."   Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn có mặt tại LAX đón blogger Tạ Phong Tần phát biểu: ' Đi đón chị Tần tôi có cảm xúc giống như lần đi đón anh Điếu Cày. Có nghĩa là vui mừng giống nhau.' Trả lời cầu hỏi nhà cầm quyền CSVN cứ thả các tù chính trị ra ngoại quốc như Mỹ chẳng hạn thì ảnh hưởng đến cuộc đấu tranh dân chủ cho Việt Nam thế nào. Bà Janet Nguyễn nói: 'Chúng ta, một mặt vui mừng vì những người trong nước ra, qua đó giúp biết rõ phương cách đấu tranh tốt hơn. Tuy nhiên chúng ta đừng quyền họ có thể bắt người này và thả người khác. Nếu có tiến triển thực sự thì phải thả hết tù chính trị và không bắt thêm một người nào nữa.' * Trong vòng tay bạn bè Ngay từ buổi chiều 19 tháng Chín, đông đảo bạn bè là thành viên của CLBNBTD đã tụ họp để cùng nhau đến phi trường LAX đón Blogger Tạ Phong Tần. Nói về tâm trạng mình, Blogger Điếu Cày bày tỏ: 'Hơn ai hết tôi hiểu  rõ tâm trạng của Tạ Phong Tần khi ấy đến phi trường, và tôi thấy có bổn phận phải giúp đỡ và hướng dẫn cô ấy trong những bước đầu bỡ ngỡ.' Anh Võ Thiêm, một thành viên mới của CLBNBTD, lái xe đến từ San Diego chỉ để ra phi trường đón Tạ Phong Tần cho hay: "Tôi là thành viên mới của CLBNBTD nhưng rất cảm phục sự quả cảm của những blogger như chị Tạ Phong Tần, và hôm nay rất vui sẽ gặp được chị."" 'Hôm nay là một ngày rất vui.' Anh Hàng Tấn Phát đến từ San Jose so sánh 'cũng hồi họp như hôm đến đón anh Điếu Cày.' Anh Phát nói thêm: “ Khi nhà nước CSVN phải thả những tù nhân này, thì chúng ta sẽ gần có ngày về Việt Nam.' Một đồng hương khác, anh Sĩ Lâm, đến từ San Diego, hôm nay đến chung vui trong ngày sinh nhật thứ 8 của CLBNBTD, và rất vui cũng được dịp đi đón Blogger Tạ Phong Tần đang trên đường đến đất tự do. Còn anh Thiện Thành 'nôn nao đón một người cùng chí hướng ra hải ngoại để tiếp tay các anh em trong việc đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam.' Trên các trang mạng xã hội như facebook đã có hàng ngàn chia sẽ, bình luận về sự kiện blogger Tạ Phong Tần được trả tự do sang Mỹ. Từ Hà Nội, facebooker Nguyễn Lân Thắng viết trên trang của mình:  'Mong cộng đồng người Việt hải ngoại đón nhận chị với sự trân trọng và đừng ép chị như anh Điếu Cày...!' Blogger nhà báo Song Chi, một trong những người sát cánh cùng blogger Tạ Phong Tần hiện đang tị nạn tại Na Uy viết: 'Thế là thêm một thành viên của CLBNBTD rời nước và gặp lại nhau trên đất Mỹ. Chúc mừng Tạ Phong Tần. Kiểu này thì "tập hai" của CLBNBTD chuyển từ Sài Gòn sang California rồi.' Tám năm trước khi mới thành lập và sau đó một thời gian ngồi ở công viên Chi Lăng và những nơi khác của Sài Gòn bàn nhau chuyện biểu tình chống Trung Quốc chắc mọi người cũng không ngờ… 8 năm sau lại đi xa nửa vòng trái đất thế này. Hy vọng 8 năm nữa thì lại gặp lại ở Sài Gòn, một Sài Gòn khác trong một đất nước Việt Nam hoàn toàn thay đổi.' *** Blogger Tạ Phong Tần bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giam năm 2011, và bị kết án 10 năm tù vì tội "tuyên truyền chống phá nhà nước" theo  điều 88 của bộ luật hình sự, được cho là mơ hồ của Việt Nam. Thân mẫu của blogger Tạ Phong Tần, bà Đặng Thị Kim Liêng, đã vì uất ức thương con mà tự thiêu và qua đời cuối tháng Bảy, năm 2012. Theo http://www.nguoi-viet.com **** DƯ LUẬN VIÊN NGHĨ GÌ KHI CSVN TỰ TÁT VÀO MẶT LIÊN TIẾP 3 LẦN? Không biết rằng với những bằng chứng chân thực nhất này về sự Dối Trá của CSVN có làm cho lực lượng DƯ LUẬN VIÊN tỉnh ngộ hay không? Sau Cù Huy Hà Vũ và Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần là người thứ ba mà CSVN "trục xuất" sang Mỹ ngay trong thời gian đang ngồi tù với những bản án vô lý và ghán ghép. Hành vi mờ ám của CSVN đã chứng tỏ cho cả công luận trong nước và thế giới thấy rõ AI ĐÚNG AI SAI... chứng tỏ cái "BẢN ÁN ĐÚNG NGƯỜI ĐÚNG TÔI" của CSVN gán ghép thật sự có bản chất là thế nào. Hành vi LIÊN TIẾP 3 LẦN TỰ VẢ VÀO MẶT MÌNH của CSVN sẽ giúp nhiều thanh niên trẻ trong nước nhìn ra được BẢN CHẤT CỦA NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI VÀ LÀM => chắc chắn sẽ có thêm ngày càng nhiều NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ MỚI sẽ xuất hiện.  
......

Rõ chán!

Trong khi lãnh tụ các quốc gia khác có những hành động gần dân thì lãnh tụ Việt Nam lại thích gần với nghị quyết, với lý thuyết cộng sản và nhất là gần với chủ trương xã hội chủ nghĩa. Loa tuyên truyền trên đường phố Hà Nội. Trơ lì đến độ khó hiểu Mỗi lần đi đâu làm gì, những chiếc loa phường thu nhỏ ấy lại phát biểu như mở lại cái loa cho dân chúng nghe còn khuôn mặt, nét biểu cảm, nụ cười… giống như những chiếc mặt nạ bằng sáp, bóng nhẫy và trơ lì đến độ khó hiểu. Tại sao một cơ thể có sự sống bên trong lại tự trang bị cho mình chiếc mặt nạ của người chết như vậy? Người chết ấy là Lenin, là Hồ Chí Minh và ngay cả Chủ nghĩa xã hội vừa mới sinh ra cũng đã chết non tự thuở nào rồi. Còn người sống thì hình như các bậc minh quân đời nay có vẻ lảng tránh, càng xa càng tốt. Lảng tránh vì nếu lỡ miệng nói vô mà làm không được thì không biết xử sao cho tiện. Chẳng hạn như “mùa mưa trên thành phố Hồ Chí Minh” mà người dân đang nghêu ngao hát khi dắt xe bì bõm trên con đường từ sở về nhà. Cái cảnh lụt trên cạn năm nay hình như hơn vài năm trước nhưng người dân không biết kêu ai. Họ biết quá rõ hệ thống này vì không ai là người trách nhiệm cả. Mọi ông quan lớn nhỏ đều có cách trả lời rập khuôn với nhau, những chiếc khuôn đúc từ thời cải cách ruộng đất nay vẫn tỏ ra vừa vặn với mọi tình huống. Hỏi ông giám đốc hệ thống thủy lợi thành phố thì báo chí đã hỏi rồi. Ông ấy nói chắc như đinh đóng cột rằng đến năm 2020 thì sẽ không còn lụt lội trong thành phố thân yêu của chúng ta nữa. Nói thế cho vuông vì suy cho cùng thì ông ta cũng chỉ là tép riu, có quyền lực gì mà giải quyết một vấn nạn to đùng như cơn hồng thủy hiện nay cho được. Ông to hơn là UBND thành phố thì nói phải cần gần 70 ngàn tỷ mới có thể thu vén nước “vào một mối”. Ý của mấy ông này thì người dân biết tỏng, ra giá cho trung ương, các anh không chi hay chi không đủ thì bọn này không làm. Nói theo kiểu bài phé, thấu cáy xem ai là người lạnh chân chạy trước. Nhưng mấy ông Sài Gòn lầm tợn. Trung ương là ai mà dễ bị bắt nọn vậy các ông? Họ là trời phật, là thánh thần là thượng đế chứ nào phải người phàm mắt thịt mà các ông hăm dọa? Các thượng đế đang vắt trán suy nghĩ chuyện to lớn chứ hơi sức đâu mà để ý tới vụ lụt lội. Có ai chết không? Có ai vì nước ngập mà mất nhà mất cửa không? Có trường học nào bị đóng cửa vì ngập không? Có quán bia ôm nào ế không thay thậm chí có tiệm cà phê nào vì ngập mà lên giá không? Có ông nào bị ngập cả ba chân mà mất khả năng chi trả cho vợ không? Đấy, tất cả những câu hỏi rất… kinh tế, rất sát sườn này không có câu trả lời nào phủ định cả thì chúng tôi tại sao lại bận tâm tới chứ? Chúng tôi còn phải lo sang Nhật, sang châu Âu xin tiền về lo hạ tầng cơ sở cho mấy người nữa kia. Nhà cháy phải chữa từ nóc, tiền xin về phải có nơi bỏ vào, không lẽ lại bỏ vào cái lỗ đen khổng lồ của Sài Gòn mà quên đi khuôn mặt cần phải tu sửa, tân trang là các con đường xa lộ thênh thang sẽ nói lên sự phồn vinh của đất nước hay sao? Chúng tôi lo tầm vĩ mô còn chuyện nước nôi thì các người cứ tự lo lấy vậy. “Của dân, do dân, vì dân” Nhà nước là “của dân, do dân, và vì dân”, câu nói kinh điển này không bao giờ phai lạt. “Của dân” thì liệu mà vun quén, tại sao vung tay quá trán cho nhiều vào bây giờ lụt lội lại than thân trách phận. “Do dân” là như vậy đấy, hãy tự xét lại xem do dân là gì há chẳng phải là do các ông bà đã không tự biết quyền hạn của mình nên chúng tôi phải tự bơi vào chiếc ghế này trongkhi các người không một lời tha thiết thì nay kêu gào ai nữa? Một phụ nữ đi qua một bức tranh tuyên truyền về bầu cử ở trung tâm thành phố Hà Nội, ảnh minh họa chụp trước đây. “Vì dân” là ý nói tới chúng tôi. Này nhé, nếu không vì các vị thì chúng tôi làm gì phải lê lết ăn xin khắp chốn như vậy? Vì dân là thế, nhưng sự hy sinh nào cũng có giới hạn của nó. Bảo nhà nước lạnh nhạt và vô tư trước các công trình công cộng thì cũng đúng phần nào nhưng trên tổng thể nó còn những lý do khách quan khác mà nhà nước chưa khắc phục được. Chẳng hạn như muốn làm hệ thống thoát nước cho hiệu quả thì khoa học kỹ thuật của ta chưa xứng tầm đành phải nhờ cậy bạn bè bốn phương. Mà bạn bè thân thiết có tiền bạc, có khả năng nhất là…Trung Quốc thì các người lại đãi bôi, chê khen này khác. Còn Nhật thì làm cái gì cũng đòi hỏi đúng tiêu chuẩn quốc tế. Họ không chịu hiểu hoàn cảnh của chúng ta là chưa theo kịp những chuẩn mực ấy trong thời gian hiện nay, họ đòi phải công khai, phải minh bạch thì lấy đâu ra trong khi cả hệ thống của chúng ta cũng công khai minh bạch trong nội bộ lắm rồi. Công khai ra hết để bọn xấu lợi dụng đánh phá còn thời giờ đâu mà xây dựng chủ nghĩa xã hội? Bọn xấu đầy rẫy ra đấy chứ nào phải ít ỏi gì. Ngay cái tượng đài của bác được dựng lên tại Sơn La để người dân tộc anh em trên đó thỏa lòng khao khát thì bọn xấu lại nói là phung phí, mượn cớ tham nhũng đục khoét. Có ai chứng minh được số tiền 1.400 tỷ là quá dư so với công trình kiến trúc đồ sộ mà nhân dân Sơn La ao ước muốn được thấy hay không? Người nghèo thì nhiều như trấu làm sao giải quyết một ngày một bữa mà hết?  Tại sao không trang điểm bên ngoài một chút để gây thanh thế với thế giới, để họ hiểu rằng ta không tôn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ bằng cái miệng mà chúng ta hết lòng hết sức vì sự nghiệp của người, (viết hoa). Nước lên rồi nước sẽ xuống. Dân ướt thì có lúc sẽ khô, chỉ có chúng tôi là trăm bề khó khăn, khốn đốn. Ăn không no vì lo cho dân mà nào ai hiểu. Bọn xấu lại nói là chúng tôi tiệc tùng thái quá nên trời phạt bao tử bị dội thực. Chúng tôi không sợ ai đến nỗi phải nói lời dối trá cả, chỉ lo cho thân phận người dân nước Việt thua kém người ta mà sinh ra quẩn trí. Nỗi lo ấy cộng thêm với Hội nghị Trung ương thứ 12 gần kề càng làm cho anh em chúng tôi thao thức. Hãy suy nghĩ kỹ lại đi, các người chỉ lội nước có một khúc mà la trời la đất. Chúng tôi đã và đang lội ngược dòng cuộc sống mà có ai đưa tay ra kéo phụ một khúc hay chưa? Rõ chán. Cánh Cò, Việt Nam 17/09/2015
......

Quyền tự do lập hội và những bất cập trong dự thảo luật về hội

Quyền tự do hội họp, lập hội của công dân được qui định trong điều 10 trong bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam vào năm 1946. Và cho tới ngày 20 tháng 5 năm 1957, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ký sắc lệnh số 102/SL/L004 để ban hành Luật về Hội. Tiếp theo các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đều ghi nhận quyền tự do lập hội. Và bản Hiến pháp mới năm 2013 qui định quyền tự do lập hội tại điều 25. Tọa đàm về dự thảo Luật về Hội do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, ảnh minh họa chụp trước đây. Trải qua gần 70 năm kể từ khi quyền lập hội được xác nhận trong bản Hiến pháp đầu tiên thì công dân Việt Nam vẫn chưa được tự do và tự nguyện thành lập lên các hội đoàn, các tổ chức, đảng phái chính trị của mình. Có rất nhiều các tổ chức hội đã được thành lập trong thời gần 70 năm, nhưng đó là các tổ chức hội đoàn của nhà nước, do nhà nước thành lập để thực hiện các mục tiêu chính trị của đảng cầm quyền, không phải theo mục đích và ý trí của Nhân dân. C ác tổ chức này nhận sự tài trợ từ ngân sách, chịu sự kiểm soát về hoạt động cũng như về nhân sự của cơ quan nhà nước và đảng cầm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước có quyền can thiệp vào hoạt động cũng như nhân sự lãnh đạo của các tổ chức hội đoàn. Điều này làm mất đi bản chất của tổ chức hội là tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của các thành viên. Vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã đưa dự thảo Luật về Hội ra xin ý kiến Nhân dân. Với tư cách là một công dân, một luật sư đã hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền từ năm 2000. Tôi đưa ra những nhận xét, đánh giá riêng của mình về các qui định trong bản dự thảo Luật về hội. Theo đó, Dự thảo luật về hội đã trao cho cơ quan quản lý nhà nước quyền can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập, nhân sự và hoạt động của hội. Dự thảo luật đã không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội, và nhằm mục đích hạn chế, kiểm soát quyền tự do thành lập hội. Đồng thời các qui định này cũng đi ngược với luật pháp quốc tế. Theo đó, lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền khẳng định: “Quyền tự do lập hội là một trong những thành tố thiết yếu của xã hội dân chủ." ‘Các qui định xâm phạm trực tiếp đến quyền tự do lập hội’ 1/ Khoản 3 điều 9 qui định về điều kiện thành lập Hội: “Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động.” Qui định này sẽ hạn chế các tổ chức mới được thành lập sau này. Bởi các hội do chính quyền thành lập trước đó đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qui định này cũng không tạo ra sự cạnh tranh trong hoạt động hợp pháp của các tổ chức hội. Qui định này tạo ra sự độc quyền và độc đoán của các tổ chức hội do nhà nước thành lập. Qui định này đã tước quyền tự do lựa chọn hay thành lập tổ chức hội theo nhu cầu của công dân. Bởi vậy, cần phải loại bỏ khoản 3 điều 9. 2/ Khoản 1 điều 10: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận ban thành lập hội.” Ban vận động thành lập hội có ý nghĩa quyết định đến việc thành lập hội. Ban vận động thành lập hội mà không được chính quyền công nhận thì hội sẽ không bao giờ được thành lập. Qui định này buộc ban vận động thành lập hội phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận là vô lý. Đây sẽ là điều kiện để chính quyền loại bỏ ngay từ đầu những người tham gia thành lập hội mà chính quyền không ưa thích. Hội Anh Em Dân Chủ. (Ảnh minh họa) Để đảm bảo quyền tự do thành lập hội thì Ban vận động thành lập hội chỉ cần gửi danh sách đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mà không cần có văn bản chấp thuận. Bởi vậy, khoản 1 điều 10 phải được sửa lại như sau: “Công dân, tổ chức VN có nhu cầu thành lập hội phải dự kiến danh sách những người tham gia ban vận động hội, danh sách được gửi đăng ký với cơ quan có thẩm quyền mà không cần có văn bản chấp thuận.” 3/ Khoản 4 điều 21 qui định: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội.” Việc bầu người đứng đầu hội là do đa số các thành viên của hội tự do lựa chọn và quyết định. Cơ quan quản lý nhà nước không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của hội. Và không có quyền công nhận hay bãi nhiệm chức danh người đứng đầu hội. Bởi vậy, cần phải hủy bỏ khoản 4 điều 21 ra khỏi dự thảo luật. ‘Các qui định can thiệp thô bạo vào thủ tục, hồ sơ và quá trình thành lập hội’ 4/ Khoản c điều 11 qui định: “Trong hồ sơ đăng ký thành lập hội phải có Quyết định công nhận danh sách thành viên ban vận động thành lập hội;” Khoản 1 điều 10 đã được sửa đổi, nên phải loại bỏ khoản c điều 11. 5/ Khoản d điều 11 qui định: “phải có danh sách và đơn đăng ký tham gia hội của công dân, tổ chức.” Qui định này là không cần thiết, đơn đăng ký tham gia hội thuộc quyền lưu trữ của tổ chức hội. Cơ quan quản lý nhà nước không cần giữ các đơn đăng ký tham gia hội của công dân. Nên loại bỏ khoản d điều 11. 6/ Khoản 3 điều 13 qui định: “Ban lãnh đạo hội phải gửi báo cáo kết quả đại hội, đề nghị công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Khoản 4 điều 13 qui định:“Cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận điều lệ và chức danh người đứng đầu hội.” Qui định này cho phép cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào tổ chức hội. Điều lệ hội và người đứng đầu hội là do đa số các thành viên của hội thông qua và bầu lên. Bởi vậy không cần cơ quan quản lý nhà nước công nhận. Qui định tại khoản 3 của điều 13 này cần phải sửa lại: “Ban lãnh đạo hội phải gửi thông báo kết quả đại hội, điều lệ và chức danh người đứng đầu hội đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Hủy bỏ qui định tại khoản 4 điều 13. 7/ Vì khoản 3 của điều 13 phải được sửa đổi và khoản 4 phải bị hủy bỏ. Do vậy phải bỏ qui định về thẩm quyền công nhận điều lệ và người đứng đầu hội trong khoản 1 điều 14. Các qui định tiếp theo dưới đây can thiệp vào quá trinh hoạt động của hội. 8/ Khoản 6 điều 20 qui định: “30 ngày trước khi đại hội, ban lãnh đạo hội phải gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được tổ chức đại hội khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.” Qui định này cho phép cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào các hoạt động nội bộ của tổ chức hội. Qui định này vi phạm nguyên tắc hoạt động độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội. Ban lãnh đạo hội chỉ cần gửi thông báo về thời gian, địa điểm diễn ra đại hội của tổ chức hội. Không cần phải có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy phải hủy bỏ khoản 6 điều 20 ra khỏi dự thảo. 9/ Trong khoản 7, 8 điều 20 lập lại qui định theo khoản 3,4 của điều 13. Do vậy phải hủy bỏ khoản 7, 8 của điều 20. 10/ Điều 27 qui định việc tạm đình chỉ hoạt động của hội: Khoản d điều 27 qui định việc tạm đình chỉ hoạt động khi hội tổ chức đại hội mà chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do khoản 6 điều 20 phải hủy bỏ, nên khoản d điều 27 cũng phải hủy bỏ. Khoản đ, điều 27 qui định: “Hết thời hạn 06 tháng kể từ ngày nhận được văn bản của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu hội giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhưng hội không giải quyết để tranh chấp kéo dài.” Việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ hội sẽ do ban lãnh đạo và các thành viên tự giải quyết. Việc không thể giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp bằng hòa giải nội bộ thì sẽ chuyển sang giải quyết tại tòa án theo thẩm quyền. Cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp vào vấn đề này. Do vậy cần phải hủy bỏ khoản đ điều 27 ra khỏi dự thảo luật. 11/ Điều 31. Nội dung quản lý nhà nước về hội. Bỏ thẩm quyền công nhận điều lệ và người đứng đầu hội ở khoản 2; Bỏ thẩm quyền quản lý việc ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, gia nhập các tổ chức quốc tế của hội, triển khai các hoạt động đối ngoại, tiếp nhận viện trợ của các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Bởi qui định này cho phép cơ quan quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động độc lập của hội. 12/ Điều 32. Trách nhiệm quản lý nhà nước về hội Qui định này trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trong khoản 4 và UBND cấp huyện trong khoản 5 về việc công nhận điều lệ và người đứng đầu hội. Các qui định này cần phải bãi bỏ vì nó cho phép cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào nội bộ của tổ chức hội. Vi phạm nguyên tắc tự do, tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội. Kết luận: Qua các phân tích trên cho thấy dự thảo luật về hội chưa tôn trọng quyền tự do lập hội của Nhân dân. Các qui định trong dự thảo luật về hội hạn chế các công dân, tổ chức Việt Nam thành lập các hội mới có lĩnh vực hoạt động chính trùng với các hội thành lập trước đó. Bởi chỉ khi có nhu cầu thì công dân và tổ chức Việt Nam mới tiến hành thành lập hội nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu sinh hoạt của mình. Trong khi các hội đã được thành lập trước đó không phù hợp hay không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của họ. Dự thảo luật về hội đã trao cho cơ quan quản lý nhà nước quyền can thiệp quá sâu vào quá trình thành lập,nhân sự và hoạt động của hội. Dự thảo luật về hội đã không tôn trọng nguyên tắc tự do, tự nguyện và tự chịu trách nhiệm của tổ chức hội. Rất rõ ràng, dự thảo luật về hội nhằm mục đích hạn chế, kiểm soát quyền tự do thành lập hội của công dân. Đồng thời các qui định này cũng đi ngược với luật pháp quốc tế. Lời nói đầu của Nghị quyết 15/21 của Hội đồng Nhân quyền có viết: “Quyền tự do lập hội là một trong những thành tố thiết yếu của xã hội dân chủ. vì nó cho phép các thành viên "bày tỏ quan điểm chính trị, tham gia vào các mục tiêu văn học và nghệ thuật và các hoạt động kinh tế, xã hội và văn hóa khác, tham gia vào việc thờ phụng tôn giáo và các niềm tin khác, hình thành và gia nhập các tổ chức công đoàn và hợp tác xã, bầu chọn những người lãnh đạo đại diện cho mình và buộc họ phải chịu trách nhiệm" Đồng thời chính sự tác động qua lại và phụ thuộc giữa quyền tự do hội họp và lập hội với các quyền khác khiến chúng trở thành những tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ nhà nước tôn trọng việc hưởng thụ các quyền con người khác của công dân. Vì vậy để đảm bảo quyền tự do lập hội của công dân, dự thảo luật cần phải loại bỏ, sửa đổi những điều luật không phù hợp. LS Nguyễn Văn Đài, viết từ Hà Nội - - - Luật sư Nguyễn Văn Đài là một nhà hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền từ năm 2000. Năm 2006, tôi đã giúp phục hoạt đảng Dân chủ Việt Nam; Thành lập tổ chức Công Đoàn Độc lập; thành lập Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam. Tôi là sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức XHDS được thành lập một cách tự do, tự nguyện từ tháng 4 năm 2013. Trong hơn 2 năm qua, tôi cũng đã tư vấn và giúp đỡ cho nhiều tổ chức XHDS độc lập khác ra đời. Nguồn: RFA
......

Cuộc đấu tranh này đâu phải của riêng ai?

Tin tức Tù Nhân Lương Tâm Tạ Phong Tần được trả tự do (và chị đồng ý) lên đường đi Mỹ loan nhanh trên Facebook và một lần nữa (tương tự như khi anh Điều Cày ra đi cách đây 1 năm) có nhiều dư luận vui/buồn và kể cả bất bình/thất vọng trước sự việc này. Ở một góc độ cá nhân nhiều người vui cho chị, mừng cho chị thoát cảnh ngục tù, chấm dứt 8 năm nghiệt ngã. Và cũng ở một góc độ cá nhân nhiều người buồn khi kết cục của sự việc trả tự do là một cuộc lưu vong, chị không còn được lưu lại trên quê hương mình. Ở một thái cực (extreme) khác, một số người chê trách cho rằng “vậy là xong” đi là hết. Là bỏ cuộc, là thất bại. Ra nước ngoài thì coi như hết, khỏi đấu tranh gì nữa, v.v… Tôi không nghĩ thế. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Khi chúng ta chưa thể, hay không thể dốc toàn cuộc sống (hay mạng sống) của chính mình cho công cuộc đấu tranh thì chúng ta lấy quyền gì để đòi hỏi người khác phải tiếp tục hy sinh [thay mình]??? Cuộc đấu tranh này là của cả một dân tộc, chứ có phải của riêng Điếu Cày, hay Tạ Phong Tần hay Linh mục Lý để rồi đòi hỏi những người đó phải suốt đời đứng đầu sóng ngọn gió … [thay cho mình]? Mỗi người có một sự lựa chọn và quyền được lựa chọn làm gì với những ngày tháng của đời mình. Chính chúng ta (những người Việt hải ngoại) cũng đã từng quyết định ra đi 20-30 năm trước thì ngày hôm nay chúng ta có thẩm quyền gì để chê trách người khác cũng phải ra đi [như mình]? Và sau cùng, cho dù ra tới hải ngoại, chị Tạ Phong Tần hay anh Điếu Cày có giảm mức độ đấu tranh hay có ngưng luôn đi nữa thì đã sao? Họ có cái quyền được làm điều đó. (Cũng như chúng ta, làm hay không làm là do mình, chẳng ai có quyền bắt buộc mình phải làm hay phải ngưng.) Cuộc đấu tranh này không phải của riêng ai hay vì bất cứ một người nào. Nó sẽ vẫn tiếp tục đi, đi nhanh, bởi cùng với những người hiện tại, sẽ còn có nhiều người mới, nhiều tầng lớp khác nhập dòng. Cuộc đấu tranh này không phải của riêng ai.
......

Blogger Tạ Phong Tần được trả tự do và trên đường tới Mỹ

Tù nhân lương tâm Tạ Phong Tần được thả trước thời hạn và trên đường tới Mỹ. Theo nguồn tin đã được kiểm chứng mà chúng tôi có được cho biết bà Tạ Phong Tần đã rời nhà tù và lên phi cơ trên đường đến Hoa Kỳ. Sau khi ghé Taipei tối nay vào lúc 11 giờ 30 bà Tần sẽ tiếp tục bay đến phi trường Los Angeles bằng chuyến bay China Air 8 và sẽ đáp xuống phi trường LAX vào lúc 8 giờ 35 tối giờ California. Đi cùng với bà Tạ Phong Tần là tham tán chính trị của Hoa Kỳ ông David Muehlke. Bà Tạ Phong Tần là người thứ ba được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp và trả tự do ngay tại nơi giam giữ. Người đầu tiên là TS Luật Cù Huy Hà Vũ được thả vào ngày 7 tháng 4 năm 2014. Ba tháng sau người thứ hai là blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải được thả và tới Mỹ vào ngày 21 tháng 10 năm 2014. Bà Tạ Phong Tần từng là một sĩ quan công an. Bà bị bắt về tội tuyên truyền chống nhà nước với bản án 10 năm tù giam. Bà là thành viên sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà báo tự do cùng với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải. Sáng ngày 30 tháng Bảy năm 2012, bà Đặng Thị Kim Liêng, mẹ của Tạ Phong Tân, đã tự thiêu bên ngoài Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu để phản đối việc bắt giữ con gái bà. Bà Liêng chết vì các vết bỏng quá nặng trên đường đến bệnh viện. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và loan tin ngay sau khi bà đặt chân tới Mỹ.
......

ĐẤT NƯỚC CỦA NHỮNG ĐƯỜNG CONG

Vừa trải qua cuộc hành trình ba ngàn cây số, và hai đêm gần như thức trắng lái xe chở mấy ông bạn từ Việt Nam cỡi ngựa xem hoa, dọc mấy nước Tây Âu. Sáng nay, vẫn còn tơ lơ mơ gà gật, chợt có tiếng luận đàm từ trên kênh VTV4 làm tôi tỉnh hẳn. Một ông nhà đài dẫn kịch và ba ông tai to mặt lớn trong ngành nông nghiệp đang diễn, tụng ca công cuộc đổi mới. Từ hợp tác xã đói nghèo, Đảng, chính phủ đã sáng tạo ra khoán mười, và tư nhân hóa đồng ruộng đi đến cường thịnh, là nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ ba trên thế giới… Giời đất ạ! Có lẽ Đảng, chính phủ và mấy ông tuyên truyền coi chín mươi triệu người dân đất Việt trong và ngoài nước là con nít chăng? Phải nói thẳng, từ đứa trẻ thò lò lỗ mũi đến các cụ sắp trở về với đất, ai cũng thừa biết, mở cửa, đổi mới sáng tạo của Đảng là trở về cái cội nguồn, cái chính sách kinh tế, qui luật đúng đắn từ ngàn năm qua của cha ông ta. Tức là Đảng đang đổi về cái quan hệ sản xuất cũ. Cái mà Đảng đã tự tay bóp chết bằng cuộc cải cách ruộng đất long trời lở đất, sau khi cướp được chính quyền. Thật vậy! Đây là sự che đậy cái dốt nát, lưu manh một cách trắng trợn và bỉ ổi nhất, kể từ ngày lập quốc đến nay. Và sự lưu manh hóa truyền hình (sống bằng tiền của dân), để đánh bóng, phục vụ cho một cá nhân, hay tập đoàn là cái tận cùng của bẩn thỉu, trơ trẽn. Không những thế, dây thần kinh mắc cỡ, xấu hổ của lãnh đạo và giới truyền thông cũng đã hoàn toàn bị đứt bỏ. Và tuy không phải ngày nói phét tháng tư, mà là ngày đàn ông tháng năm ở Đức, trong lúc nhậu nhoẹt, ông bạn giáo viên trường Đảng cao cấp đã bị tuột xích, rất chăm chỉ đọc báo trong nước còn thông báo rất hùng hồn: Sau Thái Lan, là một số nước Tây, Bắc Âu trong đó có Đức sang Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm về trật tự an toàn giao thông và phòng chống tham nhũng đấy. Các ông đã thất kinh chưa? Làm mấy ông ngồi cạnh nhao lên, hỏi tới tấp: Ông lấy thông tin ở đâu? Hay lại từ trang Webseite của công ty rác rưởi, vệ sinh (Reinigungsfima) bình bầu cho đồng chí Ba Ếch, Tư Nhái dạo năm ngoái? -Đây là tin thứ thiệt từ trong nước, đã qua kiểm chứng, kiểm duyệt của anh Huynh (Đinh Thế Huynh), tổng biên tập của 700 tờ báo. Chắc như bắp. Có lẽ, trong cái xã hội à uôm, lộn nhộn này, không chỉ có giới lãnh đạo, truyền thông mà dường như cả giới trí thức văn nghệ sĩ cũng mắc chứng tụng ca hão huyền này. Tuy rất yêu mến tài năng của nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Qúy, nhưng hôm rồi đọc lời tụng ca nhà thơ Trần Đăng Khoa của ông, làm tôi nhột hết cả người: “TRẦN ĐĂNG KHOA GIỎI THẬT! Năm 1969, thần đồng thi ca Việt,Trần Đăng Khoa viết bài thơ ”Kể cho bé nghe” có mấy câu sau cùng thế này: Người em yêu thương Là chú bộ đội Chăm ngoan học giỏi Là bạn thiếu nhi Ngu xuẩn nhất nhì Là tổng thống Mỹ… Thời ấy, tôi còn bé, nhưng rất thuộc bài thơ này, đến bây giờ còn nhớ mồn một như thế. Bây giờ, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã bỏ mấy câu trên và thay nó bằng những câu như sau: Đêm ngồi đếm sao Là ông cóc tía Ríu ran cành khế Là cậu chích choè Hay múa xập xoè Là cô chim trĩ… GIỎI THẬT! TRẦN ĐĂNG KHOA GIỎI THẬT! THỜI NÀO CŨNG GIỎI!“ (Trần Đăng Khoa giỏi thật- Nguyễn Hữu Qúy) Không ai có thể phủ nhận, nhà thơ Trần Đăng Khoa ngay từ thuở thiếu thời cho đến nay có khá nhiều bài thơ và những câu thơ hay. Và tôi cũng là một trong những người đọc yêu mến ông. Nhưng với những câu vần vè thì, là, mà của cả hai đoạn thơ trên của Trần Đăng Khoa, quả thật chưa phải là thơ, và không có giá trị nghệ thuật gì ở đây. Những câu dạng vần vè, nặng tính nhồi sọ, tuyên truyền ngay từ tuổi ấu thơ như thế này, ta có thể nghe (bắt gặp) rât nhiều, từ những đứa trẻ trên lưng trâu thuở ấy, hay từ những ông phó cối trong giờ giải lao vui đùa. Đã lâu rồi, tôi có đọc nhà thơ Trần Đăng Khoa viết bốc thơm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nói tiếng Anh nghe như người Mỹ, trong một lần cùng dắt tay nhau đến xứ sở này. Không biết đây là câu khen đểu, hay khen thật của bác Khoa. Đã du học ở Tây, chắc bác Khoa cũng thừa biết, tiếng Việt ta đơn âm, tiếng Tây âm kép do vậy, chỉ có các cháu sinh đẻ, hoặc từ nhỏ học ở Tây mới phát âm được như Tây. Còn dạng sang Cu Ba học tiếng Tây như bác Thiều, hoặc nửa nạc nửa mỡ như chúng tôi dù có sống mấy chục năm ở Tây, cũng chỉ là giọng Tây giả cày, rau muống mà thôi. Có thể, mấy bài (vần) vè chúc mừng năm mới: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to…”  vì của lãnh tụ (Hồ Chủ Tịch), nên các bác bốc lên là thơ, còn là thơ tuyệt tác nữa. Rồi xúm vào tụng ca thật lực, bắt học sinh học và phân tích qua rất nhiều thế hệ…Điều này, dân chúng và người đọc còn có thể hiểu được. Chứ không rõ, các bác nhà thơ, nhà văn ở trong nước cứ lòng vòng bốc thơm nhau, nhằm mục đích quái quỷ gì? Nhìn vào cơ cấu tổ chức chính trị, văn nghệ tuyên truyền phình ra như hiện nay, ta có thể thấy, quân đội Việt Nam quá cồng kềnh, không có sức mạnh chiến đấu, và chẳng giống ai. Bởi, chẳng có nước tân tiến nào quân đội lại đẻ ra cả một trường đại học sân khấu nghệ thuật và các đoàn ca kịch, hội nhà văn, tuyên truyền từ trên xuống từng đơn vị, cơ sở. Vì phải nuôi quá nhiều các văn nhân, nghệ sỹ, báo chí tuyên truyền ương ương dở dở, tào lao chi khươn. Và bác nào bác nấy cứ đến hẹn lại lên, nhiều sao lắm gạch, tiền dân chịu sao cho thấu. Gánh nặng này, là một trong những nguyên nhân làm cho quân đội ì ạch, yếu đuối cũng là phải. Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa có giới trí thức thật sự. Bởi trí thức, nghệ sỹ văn nhân ngoài kiến thức, tài năng còn phải có nhân cách, chí khí, luôn luôn đối đầu, phản biện với chính quyền, xã hội đương thời. Dù xã hội có dân chủ, tự do, đời sống xã hội cao như các nước Âu- Mỹ cũng vẫn phải cần những tri thức, chí khí ấy, nhằm thúc đẩy xã hội phát triển tốt đẹp hơn nữa. Nhưng cũng có những biện hộ, Trí thức Việt Nam đói quá buộc phải thúc thủ theo chính quyền là lẽ đương nhiên. Tôi nghĩ, không hẳn như vậy. Chúng ta có thể thấy, “đại trí thức“ như Ngô Bảo Châu không hề bị đói khát, bởi lương Giáo sư ở Mỹ của ông rất cao. Thế mà ông vẫn bị (hay được) chặn họng bằng căn nhà giá trị nhiều triệu Dollars. Do vậy, ông bị nghẹn, nên lúc nào cũng ú a ú ớ như mắc rọ, trước đời sống, xã hội khổ đau của người dân quê ông. Tuy nhiên, ngoái nhìn lại lịch sử ta thấy, không riêng gì Ngô Bảo Châu, phục vụ (tụng ca) chế độ (nếu coi là) chính thống, để ôm chặt quyền lợi, dường như đó là đặc điểm chung của sĩ phu, trí thức Việt (?). Và chính lòng tham, cũng như nhân cách ấy đã giết dần tri thức của họ. Sau tết vừa rồi, tôi ngồi lai rai bia rượu với nhà văn Nguyễn Hoàng Đức trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Dù yêu cầu nhà hàng đóng hết các cửa sổ, nhưng vẫn nghe tiếng cưa cây ầm ầm ngoài đường. Tôi hỏi, sao lại chặt cây đồng loạt như vậy, Nguyễn Hoàng Đức cười buồn, hết nạc vạc đến xương thôi, chúng đã đến lúc ăn quẩn rồi. Vậy là Hà Nội đã trở thành thành phố trọc đầu, dưới bàn tay của những kẻ trí thức giả, tiến sỹ đểu đang nắm quyền. Trong cái trầm ngâm u buồn đó, chợt hiện ra trước mặt, đường tàu điện trên cao cong keo đang dở dang xây dựng, như mũi tên gẫy găm vào lòng người. Và không biết bao nhiêu những đồng tiền dơ bẩn cùng với bàn tay nham hiểm, đê tiện của ngoại bang đang luẩn quất đâu đó. Và phía sau nơi tôi ngồi, đường Trường Chinh (Tàu Bay) đã bị bẻ cong, trở thành đường “cong mềm mại“ một mỹ từ che đậy của lũ đội lốt trí thức, sâu mọt quan tham, để nghiền nát nhiều nghìn tỉ đồng của nhân dân, đất nước. Thật vậy, nếu một đất nước, giới trí thức đã bán linh hồn cho quỷ, hay đang tự ru mình, ru người bởi những danh vọng, hoặc vật chất tầm thường, thì chế độ, xã hội đó đã đến ngày mạt vận. Đây không phải là bài văn nghị luận, mà chỉ là những câu chuyện không đầu, không cuối lộn xộn, được ghi lại trong cuộc hành trình du ngoạn Tây Âu cùng hai ông bạn thuở hoa niên. Hai thằng này, đều là Đảng viên cấp cao, nhưng nói như đại tá Bùi Văn Bồng: “Tuy là Đảng viên, nhưng hai thằng này vẫn còn chơi được”. Và những câu chuyện vặt này, đã được khép lại, bởi câu hỏi của tôi trước khi hai ông bạn lên máy bay trở về Việt Nam: Hai thằng mày đều là cán bộ cấp cao, sang chơi với thằng bạn đã từng bị an ninh Việt Nam trục xuất về Đức vì can tội viết văn, không sợ bị liên lụy, hay bị đấng ngồi trên cho đi tàu suốt sao? Cả hai thằng cười khầng khậc: Yên tâm đi, đất nước đang lộn tùng phèo, không biết thằng bé sợ thằng to, hay thằng ngồi trên sợ thằng ngồi dưới. Thằng nào cũng có cái Thóp để bóp cả. Đường cong nhìn thấy, chưa hẳn là cái đáng sợ. Đường cong trong lòng người mới là cái kinh tởm hơn. Vâng! Và đất nước tôi cứ nằm trong vòng cong kinh tởm như vậy. Leipzig ngày 17-9-2015 Đỗ Trường Theo badamxoevietnam2.wordpress.com
......

Độc đảng thì đã sao?!

Ít ai biết "Lú" là căn bệnh mang tính ghiền. Người bệnh khó cưỡng lại áp suất bộc phát của nó. Sau những lời khen ngợi từ nhiều phía về hiện tượng TBT Nguyễn Phú Trọng không có tuyên bố dại dột nào trong suốt chuyến đi Mỹ vào đầu tháng 7/2015, thì nay chứng bệnh của ông đã tái phát, và ngay trước ngày lên đường đi Nhật xin viện trợ vào giữa tháng 9/2015. Để trả lời câu hỏi của báo chí Nhật ngày 12/9 về tuổi thọ của loại thể chế độc tài nay đã trở nên "rất hiếm" và chỉ còn tại vài nước như Việt Nam, ông Trọng dùng nhiều từ ngữ văn hoa và khá dông dài nhưng đại ý có thể tóm gọn thành: Thể chế độc đảng cũng tốt thôi. Thể chế tại Việt Nam đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân nên nó sẽ sống lâu bền. Khá rõ ông Nguyễn Phú Trọng đắc ý với phát biểu này và đã cho báo chí đăng tải hàng loạt. Có lẽ chính vì vậy mà chẳng có vị cố vấn nào, đặc biệt bên Bộ Ngoại Giao, dám chỉ ra giùm ông các điểm "lú" đã quá hiển nhiên. Thế giới ngày nay đã nghe quá nhiều lần và tởm loại giải thích đó lắm rồi. Từ những tay độc tài nổi tiếng du đãng như Hugo Chávez của Venezuela đến anh em lãnh tụ Castro của Cuba đến ngay cả đám hồi giáo cực đoan ISIS đều dùng luận điểm đó. Tóm tắt đó là loại lý luận láu cá và đã quá nhàm. Tại sao thế giới xem đó là loại lý luận "láu cá"? Câu trả lời nằm ở chỗ: đâu là nguyện vọng của nhân dân. Ngày nay thế giới đã biết rõ cái gọi là "nguyện vọng của nhân dân" trên báo đài do đảng độc quyền kiểm soát khác xa những nguyện vọng do chính người dân bày tỏ, đặc biệt qua phương tiện mạng Internet. Trong trường hợp Việt Nam, các thí dụ về sự khác biệt có thể thấy đầy rẫy trong mọi lãnh vực: - Trong khi dân muốn xây những cây cầu đơn sơ đủ để trẻ em đi học không chết đuối hàng ngày thì lãnh đạo đảng bảo dân muốn xây các tượng đài ở cấp ngàn tỉ. - Trong khi dân ai oán cảnh biển nước bao la ngay giữa lòng Hà Nội, Sài Gòn và nhiều thành phố lớn thì đảng bảo dân muốn vắt hết ngân quĩ quốc gia xây đường cao tốc, lò nguyên tử, và phi trường quốc tế. - Trong khi dân lo âu về các hiểm hoạ chủ quyền, các đe dọa môi sinh, và tiềm năng lỗ lã nặng nề nếu khai thác Bôxít Tây Nguyên thì lãnh đạo đảng khẳng định đại khối nhân dân ủng hộ "chủ trương lớn của đảng". - Trong khi ngư dân Việt sợ hãi, bơ vơ trước mũi súng của hải quân Tàu, chẳng thấy bóng dáng hải quân Việt ở đâu thì lãnh đạo đảng ghi nhận tinh thần ngư dân tình nguyện bám biển, quyết làm "cột mốc sống". - Trong lúc dân sôi sục xuống đường phản đối TQ xâm lược và kêu gọi bảo vệ đất nước thì lãnh đạo đảng tuyên bố tại Bắc Kinh nhân dân Việt Nam trân quí 16 chữ vàng và thề hứa sẽ "giải quyết triệt để" những người Việt biểu tình. - Và vô vàn thí dụ khác nữa. Cùng lúc đó, người dân nào dám vận động nhiều người cùng nói lên nguyện vọng thật của đồng bào mình đều bị liệt ngay vào thành phần phản động, bị kết án theo đủ loại điều luật hình sự, và bị bịt miệng trong tù ngục. Chí ít họ cũng bị đủ loại "công cụ bạo lực cách mạng" đến tận nhà chăm sóc. Có thể nói hiện nay, cả giới truyền thông quốc tế và các sứ quán nước ngoài có mặt tại Việt Nam đều đã nhận chân sự thật: thể chế độc tài tại Việt Nam tồn tại không dựa trên nguyện vọng của người dân mà dựa trên khả năng bóp chết các nguyện vọng đó. Và vì vậy, câu trả lời của ông Trọng với báo chí Nhật về thể chế độc tài hiện nay sẽ tiếp tục sống hùng sống mạnh cũng tương đương với lời đảm bảo gởi tới dân Nhật rằng: các quan chức đảng CSVN chắc chắn sẽ chia nhau số tiền viện trợ mà ông ... sắp xin chính phủ Nhật. Lý do đơn giản là vì chế độ độc đảng hiện nay không có cơ chế nào đối trọng hay giám sát. Nó vừa không có khả năng vừa không muốn ngăn chận nạn tham nhũng nữa. Bình quí nay đã là nhà chung của tất cả họ chuột, như chính ông Trọng đã nói. Tệ nạn rút ruột ODA trong quá khứ sẽ chỉ có thể trầm trọng hơn trong tương lai vì số chuột sinh sản ngày một đông hơn. Chế độ độc tài này cũng sẽ tiếp tục phung phí mọi nguồn viện trợ và tài nguyên quốc gia vào những dự án sai nhu cầu nhưng khổng lồ ở hàng chục tỉ mỹ kim để chia nhau. Nghĩa là viện trợ cho Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Và quan trọng hơn nữa, chế độ độc đảng đầy những người tham lam đó cũng sẽ tiếp tục lén lút bán đứng nhiều loại chủ quyền Việt Nam cho Bắc Kinh khi giá đủ cao, trong lúc tiếp tục nhận viện trợ từ các nước chống Bắc Kinh. Đặc biệt nghiêm trọng là việc tiếp tục cho phép các căn cứ của công nhân TQ trá hình hiện diện tại những vùng trọng yếu trên đất nước Việt Nam. Trên căn bản biết nhau quá rõ đó, giới quan sát có thể thấy chính sách của chính phủ Nhật chỉ nhắm tách rời anh du đãng nhỏ Hà Nội ra càng lâu càng tốt, để hy vọng giảm bớt vây cánh của anh du đãng lớn Bắc Kinh mà thôi, chứ không mơ hồ gì về bản chất du đãng của cả hai. Thật đau lòng cho dân tộc Việt Nam khi những tấm bảng cảnh cáo kẻ cắp chỉ viết bằng tiếng Việt tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều tại các thành phố lớn tại Nhật, bồi thêm bằng những bản tin và hình ảnh trên đài truyền hình về các vụ buôn hàng lậu, hàng ăn cắp của nhân viên hàng không và các viên chức nhà nước Việt Nam, rồi đến tin từng đoàn lãnh đạo đảng CSVN lần lượt đến nước này xin tiền viện trợ. Cảnh đón tiếp lịch sự của thủ tướng Abe đối với phái đoàn ông Nguyễn Phú Trọng không xóa được chút nào hình ảnh thực tế hiện nay trong đầu cả công luận lẫn chính phủ Nhật, và chỉ làm câu nói của Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Hoàng Bình Quân trên báo Nhật "Hai nước luôn có sự tin cậy, tôn trọng nhau, coi trọng lẫn nhau" càng thêm mỉa mai, oái oăm, và đau lòng cho những người Việt còn tự trọng dân tộc. Liệu còn ai muốn hỏi "độc đảng thì đã sao" nữa không? http://vnctcmd.blogspot.com/
......

Bóng đen kinh tế Trung Quốc đè nặng lên Việt Nam

Bài viết này tổng hợp nhiều dữ kiện cập nhật từ các nguồn uy tín như Wall Street Journal, New York Times, CNN, Reuters, Forbes, the Economist, Bloomberg ... đặc biệt, từ bài “China’s Stock Bubble Burst Is Only Half Done”, của John S. Tobey đăng trên Forbes ngày 29-8-2015 và bài “For China, a Plunge and a Reckoning” của Orville Schell, giám đốc Trung Tâm Quan Hệ Hoa-Mỹ của hiệp hội Asia Society, đăng trên WSJ ngày 28-8-2015. * Trong mấy tháng qua, Trung Quốc (TQ) đã trở thành trung tâm địa chấn của nền kinh tế toàn cầu với thị trường chứng khoán rớt tới hơn 40% và đồng yuan bị phá giá liên tiếp trong 3 ngày, dẫn tới hàng loạt phản ứng tiêu cực tương tự trên khắp thế giới. Có nhiều lý do để giải thích tình trạng suy trầm của nền kinh tế TQ.     a. Những chính sách sai trái của nhà nước can thiệp vào thị trường đang bị phản ứng ngược, và hệ thống kinh tế dựa vào đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, dựa trên các thống kê bịa đặt, dối trá, chính trị định đoạt kinh tế, thẩm quyền nằm trong tay những người không có kiến thức kinh tế.     b. Sau gần 3 thập niên phát triển vượt bực trong vai trò công xưởng của thế giới, kinh tế Trung Quốc đang đi vào ngã rẽ khi giá nhân công và chi phí nói chung không còn cạnh tranh nổi với các quốc gia láng giềng. Ngoại tệ dự trữ của TQ, dù ở mức lớn nhất thế giới, nhưng cũng đang giảm dần. Trong tháng 7 vừa qua, TQ đã mất $43 tỷ, tháng 8 mất $93.9 tỷ vì các nhà đầu tư ngoại quốc rút vốn ra khỏi nước, đồng thời người TQ giầu có đã tẩu tán tài sản vì những bấp bênh của thị trường, chính phủ cũng đã phải bỏ ra một lượng lớn ngoại tệ để cứu cấp thị trường chứng khoán, và khi đô la lên giá, ngân hàng trung ương TQ đã phải dùng ngoại tệ để mua đồng yuan hầu có thể giữ tỷ giá hối đoái không thay đổi so với Mỹ kim. Các chuyên gia nhận định là áp suất phá giá đồng yuan cũng như tụt dốc chứng khoán sẽ tiếp tục gia tăng vì nền kinh tế TQ đang gặp khó khăn, và chế độ Bắc Kinh không hề có những cải cách căn bản cần thiết về cả kinh tế lẫn chính trị. Ảnh hưởng lên Việt Nam ra sao? Vụ nổ bong bóng chứng khoán và phá giá đồng yuan đã ảnh hưởng sâu rộng trên thị trường quốc tế, trong đó có Việt Nam. Kinh tế gia Sarah Boumphrey tại trung tâm Euromonitor International thấy rằng các nền kinh tế Á Châu gần TQ như Hồng Kông, Đài Loan và Việt Nam bị ảnh hưởng tai hại nhất nếu TQ tiếp tục phá giá để cứu vãn kinh tế - và điều này gần như không thể tránh khỏi trong thời gian trước mặt. Riêng Việt Nam bị ảnh hưởng lớn trên bốn mặt nhập siêu, nợ công, xuất khẩu và du lịch. Khi TQ phá giá tiền tệ, không những VN gặp khó khăn xuất cảng vào TQ vì giá bán gia tăng, mà còn phải cạnh tranh với hàng rẻ từ TQ tràn vào VN, khiến mức thâm thủng mậu dịch sẽ gia tăng và hàng rẻ TQ sẽ giết chết các mặt hàng nội địa (chưa kể đến những thứ hàng hóa độc hại chết người tuôn vào VN). Thương mại hai chiều Việt - Trung đạt 59 tỷ đôla năm ngoái (chưa kể hàng lậu), trong đó Việt Nam ghi nhận mức thâm hụt là 29 tỷ đôla. Trong 7 tháng đầu năm 2015, thâm thủng mậu dịch với TQ đã tăng lên mức $19.33 tỷ, tệ hơn mức $14.88 tỷ thâm thủng năm ngoái. Tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng nếu việc hạ giá đồng Yuan tiếp tục. 12 năm trước VN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 15 của TQ, tính đến quý 1 năm nay thì VN đã là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của TQ. Trong khi đó chưa thấy nhà nước CSVN có đối sách hiệu quả cho tình trạng chênh lệch thương mại quá lớn giữa VN và TQ. Việt Nam cũng rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi phải phá giá đồng bạc để đối phó với đồng yuan hạ giá hầu gia tăng mức cạnh tranh trong xuất cảng, nhưng do VN nhập cảng nhiều hơn xuất cảng, nhất là các nhu liệu cần thiết cho sản xuất, nên càng phá giá đồng VN thì càng bất lợi vì hàng nhập cảng sẽ trở nên đắt hơn. Tiền nợ công cũng gia tăng vì những khoản vay tính bằng tiền Đô la. Một áp suất phá giá nữa là mối tương quan với các tiền tệ khác trong vùng. Tuy đã phá giá 3 lần trong năm, đồng VN vẫn chưa phá giá bằng tiền tệ của các quốc gia trong khối ASEAN. Thí dụ đồng baht của Thái đã giảm tới 8%, đồng rupiah của Indonesian đã mất 12%, và đồng ringgit của Mã Lai đã giảm 17%. Và như vậy có nghĩa là áp lực phá giá đồng VN sẽ còn tiếp tục để gia tăng tính cạnh tranh với các quốc gia trong vùng. Ngoài những lo lắng từ việc TQ phá giá thêm đồng yuan, Việt Nam còn phải canh chừng việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, có thể xảy ra vào tháng 9 này, đưa đến việc các nhà đầu tư vào VN rút ngoại tệ về để đầu tư vào cổ phiếu hay trái phiếu Hoa Kỳ. Hiện tượng tẩu tán tài sản ra ngoại quốc do tình hình bất ổn chính trị ở Việt Nam cũng đang gia tăng làm suy giảm trầm trọng nguồn dự trữ ngoại tệ. Việt Nam cũng bị kéo căng giữa hai áp suất giảm giá và tăng giá: cần giảm giá tiền đồng để tăng khả năng cạnh tranh cho xuất cảng, nhưng tiền đồng cũng bị áp suất tăng giá vì neo với đồng đô la hiện đang trở nên mạnh hơn. Nền du lịch của Việt Nam cũng đang gặp khó khăn, giảm tới 11% trung bình cho năm 2015 (World Bank). Hy vọng hạ giá nội tệ sẽ giúp nền du lịch vào VN khá hơn từ những quốc gia có nội tệ mạnh hơn, nhưng đối với các quốc gia lân cận đã phá giá nặng hơn VN thì không hy vọng; ngược lại, nền du lịch từ VN tới các quốc gia có ngoại tệ mạnh hơn lại bị thiệt hại vì đắt đỏ hơn. Với bản chất của hệ thống và lỗi hệ thống giống hệt nhau giữa hai nước cộng sản anh em và nền kinh tế “tư bản dưới định hướng xã hội chủ nghĩa”, Hà Nội và Bắc Kinh sau 25 năm (1991 - 2015) gắn kết chặt chẽ mọi phương diện chắc chắn sẽ cùng dắt tay nhau song hành trên... tử lộ. Bóng đen kinh tế Trung Quốc Bài phân tích của tờ Wall Street Journal vào cuối tháng 8/2015 có tựa “China’s Reckoning (Ngày Trung Quốc Bừng Tỉnh) đã nêu ra một yếu tố quan trọng mà một cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán có thể tạo ra những thiệt hại to lớn hơn cả những tổn thất đầu tư. Đó là xuyên thủng hình ảnh thần bí mang tính toàn năng - có thể sửa sai mọi chuyện - của lãnh đạo TQ nói chung và của Tập Cận Bình nói riêng, giúp mọi người thức tỉnh từ niềm tin mù quáng do bị nhồi nhét hay đánh lừa là những kẻ lãnh đạo TQ đã có thể kiểm soát được sức mạnh của thị trường tư bản, và đã tạo ra một nền kinh tế tăng trưởng vô địch và hoàn hảo. Chấn động này đủ lớn để làm thay đổi mối tương quan giữa kẻ thống trị và những người bị trị, hy vọng giảm bớt độ kiêu căng, cứng ngắc, hiếu chiến và lời lẽ hống hách của Bắc Kinh, và buộc Bắc Kinh phải chọn nghệ thuật tương nhượng thay cho thói quen đàn áp, bắt nạt. Khi thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc, Bắc Kinh gần như ngay lập tức can thiệp, bỏ tiền mua cổ phiếu giá trị hàng trăm tỷ đô la và giảm lãi suất để kích thích vay tiền mua cổ phiếu, cấm các doanh nghiệp nhà nước bán cổ phần, cấm các hãng mới cổ phần hóa ... Đó là những quyết định chết người: can thiệp của họ ngay lập tức biến thị trường thành một cơ quan mà họ sở hữu, bị bóp méo, làm lệch lạc mọi quyết định đầu tư và càng chữa thì càng hỏng. Mọi sự sẽ tốt hơn nếu đừng đụng tới thị trường vì nó là một đối tác bướng bỉnh không thể kềm chế. Thị trường chỉ đáp ứng theo định hướng giá trị của các tác nhân. Thị trường chứng khoán Trung Quốc còn phải rớt xuống nhiều nữa trước khi có thể tẩy sạch tâm lý tiêu cực của vụ nổ bong bóng này. Hơn nữa, hệ quả liên đới tới các lãnh vực kinh tế, tài chính khác cũng như chính trị - khiến việc đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc trở thành một vấn đề rủi ro hơn, và sẽ khó vực dậy hơn. Những điều xảy ra trong mùa hè năm nay đã lột trần bản chất thật của nền kinh tế Trung Quốc bên dưới bề mặt có vẻ thành công vượt bực trong hơn 2 thập niên qua. Thực tế của quốc gia đứng hàng thứ hai kinh tế trên thế giới này vẫn chỉ là một quốc gia với lợi tức trung bình, một nền tảng kinh tế lung lay, một hệ thống chính trị khuất tất và vô trách nhiệm, một mạng lưới tham nhũng dầy đặc, đầy những nhóm lợi ích chỉ chăm chăm cho quyền lợi của mình mà không màng gì đến quyền lợi chung của quốc gia. Quyền lực của họ Tập đang lung lay Là nhân vật quyền lực nhất nước, ông Tập Cận Bình có vẻ hài lòng với khả năng thâu tóm và sử dụng quyền lực của mình - buộc các quốc gia láng giềng yếu ớt phải quỵ lụy và thế giới tuân phục. Nhưng ông ta vừa bị một cú đánh thức giật bắn người. Một xã hội quen với thói coi thường bất cứ ai mà họ không thích - kể cả nước Mỹ, đã bị chấn động bởi một thị trường không chịu nghe lời. Giới lãnh đạo Cộng sản Trung Hoa giờ đây phải đối mặt với một con quái vật do chính họ dựng nên hiện đang vươn dậy với cung cách riêng, hoàn toàn miễn nhiễm từ những nỗ lực áp chế của chế độ. Ông Đặng và những nhân vật tiền nhiệm đã khoác lác rằng họ đã sáng tạo ra một mô hình mới siêu việt hơn hẳn chủ nghĩa tư bản dân chủ và phóng khoáng của Tây Phương, đó là nền “kinh tế tư bản dưới định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”. Trong hơn 2 thập niên rưỡi qua, “phép lạ kinh tế Trung Quốc” đã lên vùn vụt như trong môi trường không trọng lực. Khi bong bóng chứng khoán ở Thẩm Quyến (Shenzhen) phình to ở mức 70:1 cho tỷ số P/E (price to earning = giá mua/tiền lời), so với tỷ số P/E trung bình của S&P 500 khoảng 17, không lãnh đạo nào của TQ ý thức trái bóng sẽ nổ. Hàng triệu dân thường đã được nhà nước và các cơ quan tuyên truyền của chế độ cổ võ để trút hết tiền mượn, thậm chí đem nhà đi cầm, để ném vào canh bạc đỏ đen chứng khoán đang được thổi phồng là thị trường hùng mạnh đang mới chỉ bắt đầu. Sức mạnh và sự giàu có mới đã khiến lãnh đạo TQ trở nên quá tự tin và kiêu ngạo, càng ngày càng dương oai giễu võ đối với thế giới và rõ rệt nhất là thái độ gây hấn trên Biển Đông, trơ tráo vẽ đường lưỡi bò khổng lồ liếm trọn vùng vịnh thuộc Việt Nam và Philippine đến tận Indonesia để tự nhận là hải phận nước mình, đưa đến những căng thẳng không cần thiết với các quốc gia láng giềng và ảnh hưởng tai hại đến mối bang giao với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ngoài vấn nạn vỡ bong bóng chứng khoán, các dữ liệu kinh tế cho thấy hoạt động sản xuất đã giảm thấp chưa từng có trong hơn 6 năm qua, xuất cảng giảm rõ rệt trong tháng 7, vì vậy mà chế độ phải hạ giá đồng yuan, tạo nên một địa chấn thứ hai trong vòng 1 tháng. Các dữ kiện kinh tế của TQ cho tới ngày 8-9-2015 đều ảm đạm. Theo tin của Bloomberg, cả xuất cảng lẫn nhập cảng và chỉ số chứng khoán Thượng Hải đều tuột dốc, giảm lần lượt 5.5%, 14%, và 2.5%. Như chưa đủ xui xẻo, ngày 12 tháng 8, kho chứa hóa học tại Thiên Tân lại phát nổ làm thiệt mạng ít nhất 160 người và bị thương hơn 700 người, tàn phá cả khu vực rộng lớn với những đe dọa chất độc hại lan tỏa. Hai vụ nổ tiếp theo ở Quảng Đông ngày 23 và 31 tháng 8, được bồi thêm một vụ nổ thứ tư ngày 7-9 tại Zhejiang càng làm hình ảnh các lãnh tụ TQ lung lay như đèn trước gió. Trước tình trạng khốn khó, chế độ đã tìm cách ém nhẹm tin tức xấu như vẫn thường làm kể cả việc bịt miệng những chỉ trích trên thế giới về sự cải tổ kinh tế quá chậm cũng như sự vắng bóng hoàn toàn của những cải cách chính trị cần thiết. Mất niềm tin vào lãnh đạo, vào hệ thống đã đang là một yếu tố trầm trọng trong xã hội TQ từ lâu nay, thì một loạt những diễn biến tiêu cực lớn lao vừa kể sẽ khiến người dân nổi cơn thịnh nộ và trút vào chế độ, mà lãnh đạo TQ không còn có thể đổ lỗi cho thế giới bên ngoài như họ đã từng làm, vì mọi thất bại đều là nội tại – “made in China”. Mất uy tín và tính chính danh là điều mà lãnh đạo đảng lo sợ nhất. Mao đã hình dung ra một TQ tự túc, tự cường - zili gengsheng. Những sự việc xảy ra đã dạy cho họ Tập và tập đoàn thống trị của ông ta một bài học là TQ không thể nào là một ốc đảo – và không thể nào thành công trong thế đứng một mình, đừng nói chi tới việc còn gây hấn với những nước láng giềng và Hoa Kỳ. Dẫu là một cường quốc đi chăng nữa, TQ vẫn bị chi phối bởi những sức mạnh bên ngoài trong thế giới liên lập ngày nay và đặc biệt, những sức mạnh này nằm ngoài khả năng kiểm soát của đảng cộng sản. Một quốc gia thực sự lớn mạnh phải biết học hỏi nghệ thuật tương nhượng trong bang giao, thương lượng hầu như lúc nào cũng tốt hơn đe dọa và gây chiến. Sự thỏa hiệp không phải là một chỉ dấu của sự yếu kém hay đầu hàng. Đây là cơ hội để TQ thức tỉnh, cải thiện để ổn định và thu phục sự kính nể của thế giới mà họ hằng mong ước. Tuy nhiên, với bản chất và hồ sơ của chế độ nói chung, cũng như của Tập Cận Bình nói riêng, không ai dám lạc quan! Khi “bên Tàu có loạn” cũng là cơ hội để nhà sản VN học bài học đắng cay mà từ bỏ chủ nghĩa lạc hậu đã bị thế giới và nhân dân nguyền rủa. Rất tiếc là ngoài chuyến đi Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 vừa qua và một vài tuyên bố có vẻ “thoát Trung” để ... chạy tội, chưa có một chỉ dấu nào cụ thể để có thể nói là VN đã thức tỉnh từ mối tương quan “16 vàng, 4 tốt” và bài học thất bại của TQ. Với bản chất và hồ sơ trầm trọng của chế độ CSVN, không ai dám lạc quan! Ts.Trần Diệu Chân
......

Về hiện tượng giết người hàng loạt tại Việt Nam gần đây

Cách đây 4 năm, vào ngày 24/08/2011, người dân cả nước đã bàng hoàng về sự kiện gia đình 4 người của Tiệm vàng Ngọc Bích ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị thảm sát. Chỉ với mục đích kiếm một số tiền nhỏ để chuộc xe, hung thủ Lê Văn Luyện - một thiếu niên chưa đầy 18 tuổi, đã nhẫn tâm xuống tay hạ sát cả nhà nạn nhân. Tuy nhiên ngoài ý muốn của Luyện, bé gái 8 tuổi may mắn thoát chết - không xấu số như cha, mẹ và đứa em 18 tháng của mình. Vụ án điển hình này có thể được xem là khởi điểm cho thực trạng sát nhân nhiều người cùng một lúc trong xã hội Việt Nam, tính từ sau năm 1975. Năm 2015 là cột mốc đánh dấu 70 năm CSVN cướp chính quyền, rồi cầm quyền ở miền Bắc, cũng như 40 năm cưỡng chiếm miền Nam. Thế nhưng đây cũng chính là thời điểm mà xã hội Việt Nam bùng phát hàng loạt vụ thảm sát nhiều người cùng một lúc trên cả nước. Đặc biệt là trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. Khởi đầu trong số đó là vụ án Vi Văn Hai (20 tuổi) hạ sát một gia đình 4 người, trong đó có một đứa trẻ 11 tháng, vào ngày 02/07/2015 tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An - chỉ vì mâu thuẫn khi gã này hái trộm chanh nhà nạn nhân. Tiếp theo là vụ Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến (cùng 24 tuổi) ra tay giết sạch cả gia đình 6 người, trong đó có cả người yêu cũ của Dương, vào ngày 07/07/2015 tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước - xuất phát từ việc Nguyễn Hải Dương hận tình bị phụ bạc. Kế tiếp là vụ Đặng Văn Hùng (26 tuổi) truy sát cả nhà 4 người hàng xóm, trong đó có một đứa bé 2 tuổi, vào ngày 12/08/2015 tại huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái - từ nguyên do mâu thuẫn tranh chấp nương rẫy. Và mới nhất là vụ Vũ Văn Đản (39 tuổi) xách dao rượt chém 7 người kể cả thân nhân và láng giềng, khiến 4 nạn nhân vong mạng, 3 người trọng thương, vào ngày 23/08/2015 tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai - chỉ vì “giận cá chém thớt”, do không đòi được nợ từ một người khác. Hiện tượng giết người hàng loạt này tuy xuất phát từ nhiều nguyên do khác nhau, nhưng tựu trung liên hệ đến 3 vấn nạn của xã hội Việt Nam hiện nay. Đó là tính Nhân Bản của xã hội bị sói mòn trầm trọng; Thang Giá Trị xã hội như ý thức, tự trọng, trách nhiệm bị băng hoại; Giết Người trở thành thủ đoạn cướp đoạt tài sản bằng con đường tắt nhanh nhất. Có nhiều tác nhân trực tiếp và gián tiếp dẫn đến thực trạng xuống cấp trầm trọng hiện nay của cả ba vấn nạn trên, tuy nhiên trong đó nguyên nhân chính yếu vẫn là đường lối giáo dục dựa trên “đấu tranh giai cấp” của chủ nghĩa cộng sản mà Hà Nội đã áp dụng kể từ sau năm 1945 ở miền Bắc và tiếp tục ở miền Nam sau năm 1975. Mặc dù ngày hôm nay, CSVN không còn đề cập đến đấu tranh giai cấp, nhưng bản chất cai trị độc tài, quyền lực tập trung trong tay một thiểu số thống trị theo kiểu cha truyền con nối, đã đưa đến một thực trạng xã hội nát bấy: vô nhân, vô cảm và vô pháp hiện nay. Đó chính là mầm móng tạo ra những hành vi ác độc mà hiện tượng giết người hàng loạt xảy ra gần đây, biểu hiện qua hai hậu quả nguy hiểm cho xã hội: 1/ Hậu quả của việc tuyên truyền tư tưởng cực đoan “bạo lực”. CSVN đã liên tục nhồi sọ sự căm thù, ý chí trả thù, noi gương giết người… ngay từ những đứa trẻ mới bắt đầu đi học. Việc bị nhồi sọ thường xuyên về đấu tranh tiêu diệt “giai cấp tư sản”, căm thù đế quốc, noi gương những “tuổi trẻ diệt Mỹ”, noi gương “dũng sĩ diệt Mỹ”, hay noi gương các “biệt động Sài Gòn”; cũng như việc chứng kiến, xem và nghe kể các sự kiện “đấu tố” của tòa án nhân dân, “cải cách ruộng đất” đã khiến giới trẻ Việt Nam dần dần quen với những hành vi như thủ tiêu, ám sát, trả thù, tàn sát, hay khủng bố… Kết cuộc là các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam dưới mái trường Xã hội chủ nghĩa hoàn toàn không cảm thấy những hành vi trên là vô nhân đạo, mà là những tấm gương cần học tập và rèn luyện… để tiến thân. Dần dần sau 70 năm CSVN cầm quyền, tính Nhân Bản của con người sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa bị sói mòn trầm trọng. Tính “bạo lực” ngày càng trở thành một thuộc tính đặc trưng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong vài ví dụ về những cuộc huyết chiến bảo vệ gái làng ở miền Bắc; những trận đánh cho tới chết và đốt xe những tay trộm chó; hay đơn giản là tinh thần cổ vũ bóng đá đầy máu ăn thua của giới trẻ Việt Nam hiện nay. 2/ Hậu quả của việc tiêm nhiễm ý đồ “đạt được mục đích bằng mọi thủ đoạn” Với ý đồ “đạt được mục đích bằng mọi thủ đoạn”, CSVN đã liên tục thực hiện những hành vi lật lọng, ám sát, nướng quân, thảm sát và khủng bố... từ năm 1945 cho đến nay từ bên trong đảng ra đến bên ngoài xã hội. Ngoài những hành vi như tiêu diệt các đảng phái đối lập, lật lọng hiệp định Geneva 1954 và Paris 1973 với mục tiêu “cướp chính quyền bằng mọi giá”, CSVN còn sẵn sàng nướng quân trong các trận chiến khiến sinh mạng và cuộc sống con người không còn được coi trọng nhất. Đặc biệt, việc này thể hiện rõ trong vụ thảm sát dân thường ở Huế năm 1968, hay hàng loạt vụ khủng bố ở miền Nam trước năm 1975. Trong nội bộ đảng, do những đấu đá quyền lực, các phe nhóm trong thượng tầng lãnh đạo sẵn sàng sát hại nhau qua những vụ án như “xét lại chống đảng”, hay đầu độc chết một số cán bộ lãnh đạo như Đinh Bá Thi, Tướng Lê Trọng Tấn, Nguyễn Bá Thanh… Khi sinh mạng và cuộc sống con người không còn được tôn trọng, thì các thế hệ tiềm ẩn sẵn tính “bạo lực” suốt 70 năm kia sẵn sàng dùng bất kỳ thủ đoạn nào để đạt được mục đích. Những cá nhân hay tổ chức “bạo lực” khi nắm quyền lực sẽ dùng “luật rừng” và sức mạnh các bộ máy cầm quyền… nhằm cưỡng chế cướp đoạt đất đai, tài sản… của dân thường một cách nhanh nhất, dù người dân có lâm cảnh cùng cực hay thậm chí mất mạng. Còn những cá nhân “bạo lực” không nắm quyền lực trong tay sẽ sẵn sàng dùng các thủ đoạn như đả thương, giết người…, nhằm đạt được mục đích nào đó, ví dụ như cướp của, xâm phạm tiết hạnh, trả thù… một cách nhanh nhất. *** Tóm lại, chính đường lối giáo dục “đấu tranh giai cấp” của chủ nghĩa cộng sản, là nguyên nhân chính yếu xóa sạch tính Nhân Bản để thay bằng tính Bạo Lực trong xã hội. Hiện tượng giết người hàng loạt hiện nay chỉ có thể giải quyết thỏa đáng khi chính mỗi con người được tự do mưu tìm hạnh phúc trong một nhà nước pháp quyền thực sự. Mặc Thủy
......

Cần một Quốc khánh mới cho VN

Đặc xá cướp giết hiếp. Giam giữ tù lương tâm Đợt đặc xá quy mô lớn của chính quyền VN trước 2/9/2015 với số lượng 18.298 tù hình sự đã khiến dư luận được một phen ngỡ ngàng. Có phạm nhân giết người, tòa phạt 14 năm tù, nay ở  chưa được một nửa thời hạn đã tha bổng(có dư luận cho rằng do cô ta có thân hình bốc lửa và ở tù giùm cho một con ông cháu cha) ! Tội trộm cướp, tham nhũng, cướp giết hiếp, ma túy đều được đặc xá một cách  rộng rãi khác thường. Riêng người có lương tâm, vô tội, chỉ đấu tranh cho sự thật và tự do nhân quyền như Trần Huỳnh Duy Thức, anh Ba Sàm, Tạ Phong Tần, Nguyễn Ngọc Già, Bùi Hằng.. và nhiều người khác thì cho đến nay vẫn bị giam cầm dù người VN và thế giới đã nhiều lần lên tiếng phản đổi. Cung cách quản lý xã hội như vậy chính là đặc trưng của 70 vận hành chính thể sau cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9. 70 năm dân thành ‘Khách Trọ‘ Những ngày cuối tháng 8/2015, người VN chứng kiến tại Malaysia một sự kiện mà dù đã gần một thế kỷ mơ ước và gẳng gỏi, người VN cũng không thể có được. Người dân đã thực hiện quyền làm chủ đất nước và vận mệnh của mình bằng cách rầm rộ xuống đường biểu tình yêu cầu thủ tướng đương nhiệm Najib Rajak của họ phải từ chức chỉ vì phát hiện ra ông ta có dấu hiệu tham nhũng. Chính quyền không đàn áp họ, vì đó là quyền đương nhiên của dân, không ai có quyền xâm phạm. Trong khi ở VN, nhà cầm quyền đàn áp tất cả những người ôn hòa bày tỏ nguyện vọng chống TQ xâm lấn lãnh hại, dân oan đi khiếu kiện và những người chống tham nhũng, những trí thức bất đồng chính kiền. Đó là nghịch cảnh rõ ràng tố cáo bản chất của nền chính trị, thể hiện người dân là khách trọ hay là chủ trên đất nước của mình. Người dân trong một nước tôn trọng dân chủ và nhân quyền thì mới thực sự có đất nước. Tại VN, dân không có quyền tự do ngôn luận, không có quyền thay đổi thể chế chính trị và nhà cầm quyền khi họ không làm những cảm kết trước dân, người dân đương nhiên chỉ là những kẻ  phải lưu vong trên chính Tổ quốc của  mình. VN là một trong những thể chế chính trị độc tài cộng sản cuối cùng trên thế giới đã dùng những thủ đoạn khôn khéo để tồn tại, Cái gọi là thành quả đổi mới – thực chất là đổi mới nửa vời chỉ cốt để cứu thể chế chính trị cộng sản toàn trị VN khỏi sụp đổ dây chuyền theo hệ thống xã hội chủ nghĩa,  nới một chút nút thắt cổ người dân để họ làm kinh tế rồi bóc lột của họ tận xương tủy để làm giàu cho cá nhân. Mặc dù đời sống kinh tế của người VN hiện nay có cao hơn so với thời cách đây 70 năm, nhưng trong cùng một thời gian đó, kinh tế các nước có cùng xuất phát điểm thấp như VN trong khu vực đã tăng cả 7, 8 lần. Với bộ máy tham nhũng hiện nay, chi thường xuyên đã chiếm tới 72% ngân sách, tiền trả nợ lên tới 25%, chỉ còn khảng 3% ngân sách là chi cho đầu tư phát triển. Quan chức chính quyền, cơ quan đoàn thể nay còn không thèm giấu bộ mặt vô liêm sỉ, trơ trẽn tha hồ cấu kết với nhau cướp đoạt tiền của dân trên mọi lĩnh vực từ thuế phí chí, buộc dân phải hối lộ, đổi tiền lấy chữ ký trên mọi lĩnh vực, kể cả vay tiền nước ngoài hay cho phép đầu tưcng xuyên thất thoát, kém hiệu quả. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói “Cứ vay tiền ào ào thì không phát triển đất nước, trả nợ không được thì đến ngày là sụp“. Dân “một cổ ba tròng“ Tỉ lệ thuế và phí dân VN phải chịu  đóng/GDP cao từ 1,5 đến 3 lần các nước trong khu vực. là để nuôi tới 3 bộ máy chồng chéo chéo chức năng, nhiệm vụ với nhau: đảng cộng sản, chính phủ, các tổ chức  đoàn thể, chính trị xã hội trong Mặt trận tổ quốc từ TW tới địa phương. Sau 70 năm cách mạng Tháng tám thành công, dân một cổ thêm ba tròng. Tiền thuế của dân đã phải trả cho giới cai trị bóc lột và để bảo vệ cho một chế độ xã hội bất công. Ông Nguyễn Công Khế, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh niên đã nhận định rằng từ 50- 70% ngân sách nhà nước đã rơi vào túi quan tham. Người dân sẽ bị đàn áp nếu không chịu nô lệ, nhẫn nhục đóng thuế, phí nuôi bộ máy cai trị. Lấy tiếng rằng nông dân được miễn giảm tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp,, nghe tưởng rằng nhà nước nhân đạo lắm, nhưng trên thực tế khác hẳn. Nông dân phải gánh trên 1.000 loại phí và lệ phí! Sự tham lam tàn bạo này chưa từng có trong lịch sử VN. Sáng 10/8/2015, báo cáo  Ủy ban thường vụ QH tại phiên thảo luận dự thảo Luật phí và lệ phí cho biết, như với nông nghiệp, dù vừa qua đã ra soát bỏ nhiều loại nhưng vẫn còn 937 khoản phí và 90 lệ phí. Ông Nguyễn Sinh Hùng than: “một quả trứng mà gánh tới 14 loại phí thì đúng là …trời đất ơi(theo Vnexpress 10/8/2015. Nông dân vẫn chịu trên 1000 loại phí và lệ phí“) . Những lời hứa trịnh trọng được nêu trong Tuyên ngôn độc lập về thực thi quyền tự do, bình đẳng, quyền con người, điều đã khiến người VN tin và do đó đã dốc toàn lực ra ủng hộ Việt Minh và đảng cộng sản, qua 70 năm, càng ngày càng chứng minh rằng đó chỉ là mớ giấy lộn, một lá bùa hữu hiệu để chính quyền cộng sản độc tài cướp đoạt quyền con người, quyền tự chủ của người dân mà thôi. Đặc trưngThời đại Hồ Chí Minh: huynh đệ tương tàn, tụt hậu xa so với thế giới, dân bị nô lệ hóa Về việc tự vỗ ngực khen ngợi và che giấu những tội ác của mình, ít ai bằng đảng cộng sản VN. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói không một chút căn cứ thực tế :“ Thời đại Hồ Chí Minh là thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử VN, đánh dấu kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội. Trong khi đó, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận là VN đang đứng chót bảng xếp hạng tỏng nhóm ASEAN-6, thậm chí có lĩnh vực còng thấp hơn cả Lào, Campuchia, Myanmar, ba nước được coi là kém phát triển nhất trong khối. Lời vỗ ngực tự khen trên của Nguyễn Phú Trọng cũng không khác gì lời tự khen trên xương máu những nạn nhân trong cải cách ruộng đất của Hồ Chí Minh cách đây gần 70 năm tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội VNDCCH: Luật cải cách ruộng đất của chúng ta là chí nhân chí nghĩa, hợp lý hợp tình…“. Cần cách mạng thể chế 70 năm minh chứng sự bất lương của thể chế độc tài cộng sản là đã quá đủ.. Thậm chí không một nỗ lực cải cách nào có thể thay đổi được nó về bản chất. Những người muốn cài cải cách như Trần Xuân Bách, Võ Văn Kiệt đã có quyền lực lớn nhưng cũng bó tay hoặc bị hãm hại vì cải cách là đụng đến quyền lợi riêng nhiều quan chức, chưa kể có một bộ máy tình báo Hoa Nam đứng đằng sau. Nguyên nhân nào đã khiến người VN ngày nay nổi tiếng thế giới, nhiều nơi phải ghê tởm người VN khi VN liên tục xuất khẩu sự vô văn hóa, gái điếm, trộm cắp, buôn lậu, ma túy, sự giết chóc ra toàn thế giới? Những ác quỷ tàn sát cả mẹ cha, chồng vợ, bạn bè, thân chỉ vì vài đồng bạc từ đâu ra? Đều là những sản phẩm của con đường vạch ra từ 70 năm trước. Khi xã hội không có công bằng, người dân không tương lai, và hình mẫu của họ là những quan chức dối trá, cướp ngày thì được vinh thân phì gia, nhiều người dân, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ tuyệt vọng và noi gương quan chức, cũng sống như ác quỷ. Vì thế, cần một ngày Quốc khánh khác cho VN. Không phải quốc khánh đau thương và lọc lừa 2/9. VTH Theo rfa.org/vietnamese/blog
......

Hai cuộc diễu, trăm chuyện hài

Thế là sau biết bao chuẩn bị tốn kém kéo dài cả năm trời, 2 cuộc diễu binh liên tiếp ngày 2/9 tại Hà Nội và 3/9 tại Bắc Kinh đã qua nhanh và không để lại gì đáng kể. Hơn thế nữa, vì 2 thời điểm quá sát, hầu như toàn bộ ống kính truyền thông quốc tế đều tập trung vào Bắc Kinh. Chẳng mấy ai nhắc tới cuộc diễu binh tại Hà Nội, dù chỉ vài câu hay vài chữ. Nhưng cũng khó trách các ký giả ngoại quốc khi chính người Việt còn không thiết tha gì đến sự kiện này. Đại đa số dân chúng Hà Nội chỉ thấy bực mình vì bị chận đường xá, ngay cả trong những trường hợp phải đưa trẻ em đi cấp cứu như một đoạn phim đang lan tràn trên Internet về cảnh một bà mẹ đành ôm con đi về. Còn đại đa số dân chúng trên cả nước xem đó là trò phí phạm; chẳng khác gì chuyện xây tượng đài, bắn pháo hoa,... thay cơm. Có quan chức biện hộ: "Diễu binh làm tăng lòng yêu nước và tự hào về sức mạnh của ta chứ". Chuyện "tự hào" sẽ nói sau, nhưng đụng đến chữ "tăng lòng yêu nước" thì nhiều người giật mình cãi ngay: "Lãnh đạo đã khẳng định nhiều lần bằng cả lời nói và hành động rồi. Dân không nên tự ý yêu nước vì dễ mắc sai lầm và sẽ bị kẻ xấu lợi dụng. Ai yêu nước đã vào trại phục hồi nhân phẩm cả rồi. Vì vậy dân có còn dám "yêu nước" đâu mà tăng với giảm". Thế còn diễu binh để thêm niềm tự hào về sự hùng mạnh của quân đội thì sao? Câu trả lời cũng thế, niềm tự hào này bị thổi tắt từ lâu lắm rồi bởi hàng ngàn bài diễn văn của các quan chức đủ loại, ra rả thuyết phục toàn dân: Quân Tàu mạnh lắm, quân ta yếu lắm nên tránh xung đột là cách hành xử đầy trí tuệ. Rồi để chứng minh quân đội ta yếu thật, lãnh đạo ra lệnh cả hải quân tầu ngầm lẫn cảnh sát biển tầu nổi cứ đứng trên bờ "theo dõi sát" các ngư dân Việt ra biển làm "cột mốc sống". Cho đến nay, nhu cầu "chứng minh" này vẫn đang tiếp diễn. Thế thì có rặn cũng không ra được tự hào khi xem diễu binh. Đó là chưa kể tình trạng hàng giả. Khi dân cư mạng phát hiện một chị rõ xinh được tivi chiếu cận cảnh đang đeo quân hàm trung tá giả, lập tức lãnh đạo cho một ông tướng lên báo đài cải chính. Ông bảo: "Đó là qui định" chứ không phải cô này tự đeo. Nói cách khác, ông bộc lộ cho dân biết chị này không phải là trường hợp duy nhất mà còn cả trăm, cả ngàn cái lon giả khác trong cuộc diễu binh này, vì đó là chính sách! Chuyện hài "không đánh mà khai hàng giả" này gợi lại trong đầu người dân những bức hình, do chính báo đảng chụp, ngoại hình bóng láng của chiếc tàu ngầm mới vừa đưa về Việt Nam, nhưng hình chụp với thủ tướng bên trong con tàu lại đầy loang lổ rỉ sét. Có người khen ngợi trí tuệ lãnh đạo nằm ở khoản sai biệt trong chính sách "mua tàu cũ với giá mới". Cuộc diễu binh bên Tàu cũng diễu không kém. Trước hết Chủ Tịch Nước, kiêm Tổng Bí Thư Đảng, kiêm Bí Thư Quân Ủy Trung Ương, kiêm Chủ Tịch 6 ủy ban khác nữa thuộc Bộ Chính Trị, ông Tập Cận Bình, nhất định không mặc áo vét, cà vạt như mọi lãnh tụ khác trên lễ đài. Ông mặc, và chỉ riêng ông được mặc, áo đại cán để tô đậm quan điểm mà Ban Tuyên Giáo đã nỗ lực đẩy ra trong khoảng 6 tháng qua. Đó là lãnh tụ Tập Cận Bình xứng đáng đứng ngang tầm với những "2 nhà lái tàu vĩ đại" Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Và cũng để nhìn cho giống các lãnh tụ vĩ đại trước đây hay đọc diễn văn trên lễ đài, ông Tập cho gắn 4 cây vi âm (microphone) rõ to, không phải tại bục đọc diễn văn nhưng trên nóc xe mà ông dùng để cùng đi diễu hành. Không ai hiểu máy vi âm đó để làm gì và có thực sự cắm điện hay không. Có người Việt thắc mắc: không nhẽ lại theo kiểu "vừa đi vừa kể chuyện" của nước ta? Thế là hình đồ chơi chú gấu Winnie The Pooh ngồi xe lập tức lan tràn mạng Internet tiếng Hoa đến độ Ban Tuyên Giáo phải cho hình này vào danh sách lưới lọc để cấm đăng hay truy tìm. Cảnh hài kế tiếp là hình ảnh đầm ấm giữa Tập Cận Bình với 2 người tiền nhiệm Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trên khán đài chính. Không chỉ người dân Trung Quốc mà cả giới quan sát quốc tế đều thấy cảnh diễu này quá trơ trẽn. Hiện nay con số đảng viên cộng sản trung và cao cấp đang bị nằm tù, bị điều tra, hay đã tự tử, đột tử đã lên đến trên 400 ngàn người, phần lớn đều thuộc mạng lưới quyền lực của ông Giang và ông Hồ, kể cả những nhân vật tay trái, tay phải của 2 ông này như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, ... Thế giới cũng mỉm cười khi nghe ông Tập đọc diễn văn: "Trung Quốc sẽ không bao giờ bá quyền ... Không bao giờ gieo đau khổ cho các nước khác." Hàng chục triệu người Tây Tạng và Ngô Duy Nhĩ chắc phải tắt máy ngay lúc đó để khỏi phải ném cả cái tivi xuống cống. Và còn rất nhiều chuyện khôi hài oái oăm khác nữa mà các sử gia quốc tế chỉ ra, như: đảng CSTQ theo mưu của Mao Trạch Đông luôn tránh và đùn đẩy việc đánh Nhật cho Quốc Dân Đảng dưới quyền Tưởng Giới Thạch. Họ Mao chỉ tập trung chuẩn bị lực lượng để đánh Tưởng một khi Nhật rút về. Chính ông Mao trong những năm sau đó đã rất tự hào về "mưu lược" này và còn hận Stalin vì có lúc đã ép ông phải đánh Nhật để bớt áp suất cho Liên Xô. Công trạng kết thúc Thế Chiến II của đảng CSTQ là sản phẩm tưởng tượng. Trong khi đó, các kinh tế gia tìm mãi trong bài diễn văn của ông Tập vẫn không thấy chữ nào về hiện tượng thị trường chứng khoán Tàu đang sụp hố, chỉ số phát triển GDP đang rơi tới mức báo động, và các bong bóng địa ốc, ngân hàng cứ chực chờ bùng vỡ. Nhưng có lẽ 2 điều làm thế giới và người Việt phải cau mày suy nghĩ là: 1- Ông Tập tuyên bố ngay tại cuộc diễu binh 3/9 sẽ cắt giảm 300 ngàn quân trong số 2 triệu lính Tàu hiện nay. Phải chăng đây là cách biểu lộ quyền lực tuyệt đối của ông đối với quân đội? Câu trả lời chắc còn phải chờ thời gian mới biết được. 2- Ông Tập đẩy ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước CHXHCNVN, xuống hàng ghế rất thấp kém, thua xa cả những nước thuộc Liên Xô cũ mà theo lý thuyết không còn là những nước XHCN nữa; thua luôn cả Myanmar là nước vừa công khai cự tuyệt ảnh hưởng Trung Quốc. Vị trí trọng vọng nhất được dành cho tổng thống Nga và Hàn Quốc. Phải chăng đây là cách biểu lộ quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với Hà Nội: biết bị gọi đến để chịu nhục mà vẫn phải đến? Câu trả lời đã rất rõ và từ nhiều năm rồi. http://vnctcmd.blogspot.de/…/hai-cuoc-dieu-tram-chuyen-hai.…
......

Kauder trifft Menschenrechtler in Vietnam

Fraktionsdelegation informiert sich über Christenverfolgung in Vietnam Vietnam hat einen rasanten wirtschaftlichen Aufstieg hinter sich. Doch bei Demokratie, Menschenrechten und speziell der Religionsfreiheit gibt es immer noch Defizite. Der Unionsfraktionsvorsitzende Volker Kauder macht sich derzeit vor Ort ein Bild der Lage. Dabei spielt das Thema Christenverfolgung eine ebenso große Rolle wie die Durchsetzung von Menschenrechten. Auch wenn die Situation sich in jüngster Vergangenheit zu entspannen scheint, macht Kauder das in Hanoi zum Thema - und lädt als einen Test bedrängte Menschenrechtsaktivisten nach Deutschland ein. Auch Vertreter der kommunistischen Partei erhalten eine Einladung. Es war nicht sicher, ob das Treffen in Hanoi überhaupt stattfinden kann und, wenn ja, ob alle Gäste kommen würden. Menschenrechtsanwalt Le Quoc Quan war erst vor einigen Monaten aus der Haft entlassen worden und auch einer seiner Mitstreiter Dai Nguyen hat mehrere Jahre Haft und Hausarrest hinter sich. Auch für den Dritten im Bunde, Auh Chi Nguyen, interessieren sich die Staatsorgane intensiv. Doch am Ende saßen an diesem Morgen alle drei Gäste am Tisch im Hotel Metropole - wobei einer von ihnen noch von der Polizei auf dem Weg fürsorglich zu einem Kaffee eingeladen wurde, was dieser aber dankend ablehnte. Kritiker können sich mittlerweile über Facebook austauschen Es ist etwas in Bewegung gekommen in Vietnam. Diesen Eindruck vermittelten alle drei in dem Gespräch mit Kauders Delegation, der auch die Parlamentarischen Geschäftsführer Michael Grosse-Brömer und Bernhard Kaster sowie die umweltpolitische Sprecherin der Fraktion Marie-Luise Dött angehören. Die kommunistische Partei herrscht noch uneingeschränkt. Das Stadtbild von Hanoi wird noch von den roten Fahnen mit Hammer und Sichel mitgeprägt. Doch es gibt Demonstrationen gegen das Abholzen von Bäumen. Über Facebook können sich kritische Bürger austauschen, auch wenn der Staat immer wieder in die Internetkommunikation eingreift. Aussicht auf Gefängnis schreckt Menschenrechtler nicht ab Le Quoc Quan sieht auch mehr Chancen für mehr Bürgerrechte in Vietnam, obwohl immer noch Systemkritiker zum Teil zusammengeschlagen und bedrängt werden. In dem Maße, in dem sich Vietnam öffnet, müsse die kommunistische Partei mehr Freiheit gewähren - so die Hoffnung. "Es gibt Chancen", sagt der Jurist. Er wolle jedenfalls trotz der Haft für "Demokratie, Presse- und Meinungsfreiheit sowie Religionsfreiheit" eintreten. Die Aussicht, wieder in das Gefängnis zu gehen, schrecke ihn nicht. Auch über das Treffen soll nach Ansicht der drei Menschenrechtsaktivisten berichtet werden. Sie erhoffen sich offenbar auch persönlich mehr Sicherheit, wenn ihre Namen auch in Deutschland bekannt sind. Sie beklagen, dass sie nicht in das Ausland reisen können. Ein Pass wird ihnen verweigert. Kauder will ihnen den Weg nach Deutschland ebnen. Er lädt sie zu einem Besuch nach Deutschland ein. Bei seinem Treffen mit der politischen Führung - darunter Außenminister Pham Binh Minh - wollte er deutlich machen, dass für eine Weiterentwicklung der Beziehungen zu Deutschland auch die Verbesserung der Menschenrechtslage dringend wünschenswert sei. Kauder benennt Defizite bei Regligionsfreiheit in Vietnam Wie fast immer, wenn Volker Kauder ins Ausland reist, machte er auch die Religionsfreiheit zum Thema. Auch hier gibt es in Vietnam Defizite. So beklagte nicht zuletzt der Erzbischof von Hanoi Peter Nguyen Van Nhon, dass etwa Katholiken wegen ihres Glaubens Nachteile im Beruf in Kauf nehmen müssten. So würden sie in der öffentlichen Verwaltung bei Beförderungen oft übergangen. Andere Geistliche berichteten von Behinderungen beim Neubau von Kirchen. Die Genehmigungen zögen sich manchmal über Jahrzehnte hin. Der Erzbischof beklagt auch, dass die katholische Kirche keine Schulen gründen könne. Auf der anderen Seite wird nach Angaben zufolge in die Gestaltung des Gottesdienstes nicht eingegriffen. Auch ein Treffen mit dem Vorsitzenden der Vietnamesischen Vaterlandsfront, einer Art Dachorganisation der gesellschaftlichen Gruppen im sozialistischen Vietnam, Nguyen Thien Nhan, steht auf dem Programm. In einem offenen Gespräch will Nguyen Thien Nhan nachweisen, dass es um die Religionsfreiheit doch nicht so schlecht steht und überreicht ein dreiseitiges Papier zur Lage der Glaubensgemeinschaften im Land. Sogar im Parlament würden Vertreter von Religionen sitzen. Kauder nimmt den gut informierten Funktionär beim Wort:  "Wir freuen uns, dass unser Anliegen auf fruchtbaren Boden fällt." Eine dauerhafte gute wirtschaftliche Zusammenarbeit setzt auch Fortschritte bei den Menschenrechten voraus - auch bei der Religionsfreiheit. Darüber will Kauder mit Nguyen Thien Nhan im Dialog bleiben und lädt ihn ebenfalls nach Deutschland ein. https://www.cducsu.de/themen/aussen-europa-und-verteidigung/kauder-triff... ------------------------- Chủ tịch Khối liên minh Quốc hội Đức gặp gỡ các nhà đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam Phái đoàn của Khối Quốc hội Liên bang tìm hiểu về tình trạng truy bức (đàn áp) Ki-tô-hữu tại Việt Nam Việt Nam đang trải qua những tiến bộ kinh tế rất nhanh, nhưng trong lãnh vực dân chủ, nhân quyền và nhất là tự do tôn giáo vẫn còn những yếu kém. Chủ tịch Khối Quốc hội Liên bang của hai đảng Thiên Chúa Dân Chủ và Thiên Chúa Xã Hội (CDU / CSU), ông Volker Kauder đang ở Việt Nam để tìm hiểu tình hình tại chỗ. Nơi đây đề tài đàn áp Ki-tô-hữu cũng đóng vai trò quan trọng như đề tài thực thi nhân quyền. Cho dù tình hình mới đây có vẻ bớt căng thẳng, ông Kauder vẫn đưa vấn đề này ra tại Hà Nội – và để thí nghiệm, ông mời những người đấu tranh cho nhân quyền bị bắt bớ sang Đức Quốc. Cả những người đại diện cho đảng Cộng Sản cũng được mời. Trước đó, vẫn không chắc là cuộc gặp gỡ có diễn ra được hay không, và nếu có, tất cả những khách được mời có thể đến được không. Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân vừa ra khỏi tù cách đây vài tháng cũng như người cùng chí hướng là luật sư Nguyễn Văn Đài, đã bị tù mấy năm và bị quản thúc. Vị khách thứ ba là anh Chí Tuyến, người mà bị các cơ quan nhà nước “chiếu cố” một cách mãnh liệt. Nhưng sau cùng cả ba đã ngồi chung một bàn tại khách sạn Metropole - một vị trong họ, trên đường đến khách sạn, đã được cảnh sát ân cần mời đi uống cà-phê, nhưng người này đã cám ơn và từ chối. Bây giờ những người phê bình có thể trao đổi với nhau qua Facebook Tại Việt Nam đang có những chuyển động. Cả ba người khách đều để lại ấn tượng này trong buổi đàm thoại với phái đoàn của ông Kauder, trong đó có ông Michael Grosse-Brömer và ông Bernhard Kaster (quản lý viên quốc hội của khối CDU/CSU) cũng như bà Marie-Luise Dött (phát ngôn viên của khối CDU/CSU về chính sách môi sinh). Đảng Cộng Sản vẫn độc quyền thống trị không giới hạn. Sắc thái của thành phố Hà Nội vẫn còn được khắc ghi bởi những lá cờ đỏ búa liềm. Nhưng có những cuộc biểu tình chống lại vụ chặt cây xanh. Qua Facebook những người dân biết nhận xét có thể trao đổi với nhau, mặc dù chính phủ thường xuyên nhúng tay vào mạng lưới thông tin toàn cầu. Nguy cơ bị bỏ tù không làm người đấu tranh cho nhân quyền sợ hãi Lê Quốc Quân nhận thấy có nhiều cơ hội hơn cho dân quyền tại Việt Nam, mặc dầu vẫn còn một số những nhà phê bình chế độ bị đánh nhừ tử và bị hành hạ. Với mức độ mà Việt Nam cởi mở thì đảng Cộng Sản phải ưng chuẩn nhiều tự do hơn – đây là niềm hy vọng. Lê Quốc Quân cho rằng: “Hiện nay đang có những cơ hội thuận lợi”. Riêng ông sẽ vẫn tiếp tục tranh đấu cho “dân chủ, tự do báo chí, tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”. Viễn cảnh có thể phải vào tù lại không làm ông sợ hãi. Cả ba vị tranh đấu cho nhân quyền đều nghĩ rằng nên có những bài tường trình về cuộc gặp gỡ này. Rõ ràng là họ hy vọng có được sự an toàn cá nhân hơn khi tên tuổi của họ cũng được biết đến tại Đức Quốc. Họ phàn nàn là không được phép xuất ngoại. Họ không được cấp giấy thông hành. Kauder muốn dọn đường cho họ qua nước Đức. Ông mời họ qua thăm Đức Quốc. Trong cuộc gặp gỡ với cấp lãnh đạo chính trị - trong đó có Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh – ông nhấn mạnh, để tiếp tục phát triển mối tương giao với Đức Quốc thì tình trạng nhân quyền cần được cải thiện khẩn cấp. Kauder nêu lên những yếu kém trong lãnh vực tự do tôn giáo tại Việt Nam Hầu như trong mọi chuyến công du ở ngoại quốc, ông Volker Kauder đều đặt vấn đề tự do tôn giáo. Đây cũng là lãnh vực mà Việt Nam còn những yếu kém. Thí dụ như Đức Tổng Giám Mục Hà Nội Phêrô Nguyễn Văn Nhơn không phải là người sau cùng than phiền rằng người công giáo phải chịu những thiệt thòi trong công ăn việc làm. Chẳng hạn trong các cơ quan hành chánh họ thường không được thăng cấp. Những giáo sĩ khác cho biết họ bị cản trở khi xây nhà thờ. Tiến trình chuẩn y đôi lúc kéo dài hàng mấy chục năm. Đức Tổng Giám Mục phàn nàn giáo hội công giáo không được mở trường học. Mặt khác, theo như được biết thì cách tiến hành thánh lễ không bị can thiệp vào. Trong chương trình cũng có một cuộc gặp gỡ với chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (một kiểu tổ chức chỉ huy các nhóm xã hội khác trong Nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), ông Nguyễn Thiện Nhân. Trong một buổi đàm thoại cởi mở ông Nguyễn Thiện Nhân muốn chứng minh rằng tình trạng tự do tôn giáo không đến nỗi tệ, và đưa ra một tập hồ sơ dài 3 trang về tình hình của các nhóm tôn giáo trong nước. Theo tài liệu này thì ngay cả trong quốc hội cũng có những đại diện các tôn giáo. Dựa vào lời tường thuật đầy dữ kiện của người cán bộ này, ông Kauder chụp lấy cơ hội: “Chúng tôi vui mừng vì những mong đợi của chúng tôi được rơi vào những vùng đất phì nhiêu. Một sự cộng tác về mặt kinh tế lâu dài và tốt đẹp cần có những cải thiện trong lãnh vực nhân quyền - cũng như tự do tôn giáo. Về vấn đề này ông Kauder muốn tiếp tục đối thoại với Nguyễn Thiện Nhân và cũng mời ông đến Đức Quốc.  
......

Danke Deutschland

Vietnamesen gedenken der vielen Opfer des Kommunismus in ihrer Heimat Troisdorf, 29.8.2015. Unter dem Motto „DANKE DEUTSCHAND“ fand eine vom Bundesverband der vietnamesischen Flüchtlinge in Deutschland und dem Verein der vietnamesischen Flüchtlinge in Mönchengladbach organisierte Wiedersehens-Dank-und Gedenkveranstaltung statt. Im  40. Jahr (1975 – 2015) der gewaltsamen Besetzung Südvietnams durch die kommunistische Armee wolle man den vielen Opfern gedenken. Im April 1975 begönne für das ganze vietnamesische Volk die Leidensgeschichte mit Vertreibung, Flucht, Umerziehungslagern.  Es soll  dabei, laut Veranstalter, aber auch um ein Wiedersehen mit den Rettern und Wohltätern gehen. Man wolle ausdrücklich daran erinnern und öffentlich dafür danken, wie Deutschland den Boat-peoples damals geholfen hatte. In Anwesenheit des Bürgermeisters der Stadt Troisdorf  Klaus-Werner Jablonski und Dr. Rupert Neudeck * haben Vietnamesen aus  fast dem ganzen Bundesgebiet auf der städtischen Grünanlage Frankfurter Straße/Siebengebirgsallee ihre Zeremonien, interreligiösen Gebete, Lieder und Tänze vorgetragen. Hier stehen bundesweit einmalig ein ehemaliges Flüchtlingsboot in Original und ein Gedenkstein, auf dem dem deutschen Staat, Herrn Dr. Ernst Albrecht, Herrn Dr. Rupert Neudeck u.a. gedankt wird. Bei der Gedenkzeremonie wurden nicht nur auf der Flucht ums Leben gekommene Vietnamesen erwähnt, sondern auch deutsche Soldaten, die im Ausland ihr Leben im Einsatz für Freiheit und Demokratie gelassen haben. Ebenso fanden ertrunkene Boat-peoples im Mittelmeer und die Opfer des Rechtsextremismus in Deutschland Erwähnung. Frau Dr. My-Lam Hoang, Vors. des Bundesverbands, sparte in ihrem Grußwort nicht mit Lob und Dank an den deutschen Staat und das deutsche Volk. Jablonski lobte die Deutschen vietnamesischer Abstammung als vorbildlich und bereichernd für Deutschland. Er nutzte auch die Gelegenheit mitzuteilen, dass Troisdorf zur Zeit etwa 500 Flüchtlinge beherberge. Man brauche natürlich Ehrenamtliche, die diesen Menschen beistehen und ihnen das Einleben erleichtern. Engagierte können sich im Büro des Bürgermeisters melden **. Auch sei er froh und hoffnungsvoll darüber, dass deutsche Politiker wie Sigmar Gabriel, Christoph Strässer und Volker Kauder sich für die vietnamesischen Menschenrechtsaktivisten und die Demokratisierung in Vietnam einsetzten.                   Dr. Neudeck erwähnte in seinem Grußwort immer wieder von „meinen Vietnamesen“, die sich in Deutschland wunderbar eingelebt hätten, und gute, hilfsbereite Bürger geworden seien. Vorbildlich sei Van-Ri Nguyen, der als ehemaliger Bootsflüchtling sich sozial  in Deutschland sehr engagiere. Er wurde deshalb mit dem Bundesverdienstkreuz und dem Landesorden des Landes Nordrhein-Westfalen ausgezeichnet. Wochenlang vor dem Veranstaltungstermin hatte Van-Ri mit seinen Freunden das durch die Witterung beschädigte Boot repariert und gestrichen. Neudeck sei hierfür sei dankbar. Es sei ein wichtiges Zeugnis im Geschichtsunterricht für die Schülerinnen und Schüler. Es war das letzte Flüchtlingsboot, das Ende April 1982 vom Rettungsschiff CAP ANAMUR aufgefunden wurde. Als Überraschungsgast erschien der 93jährige Mediziner Lothar Watrinet, ein ehemaliger Weggefährte von Neudeck. Dr. med. Watrinet wurde sofort von seinem ehemaligen, nun 83-jährigen Mitarbeiter und Ehrenvorsitzenden des Bundesverbands Dr. med. Van-Tich Tran erkannt und herzlich begrüßt. Bemerkenswert war die aktive Beteiligung der Jugend bei der Gedenkveranstaltung. Dies sei ein wichtiger, notwendiger Schritt für die psychosoziale Weiterentwicklung der jungen Vietnamesen, so das Mitglied des Bundesvorstands Tonvinh Trinhdo. *Gründer des Komitees Cap Anamur /Grünhelme / MOAS (www.moas.eu)
......

Đòn độc: đẩy ông Sang đi dự lễ 3/9

Giữa không khi dân chúng ghê tởm và ghét cay ghét đắng mọi thứ dính dáng tới đám lãnh đạo Bắc Kinh ngang ngược và trong lúc giới lãnh đạo đảng CSVN đang ùn ùn "bỏ Tàu chạy lấy người" trước thềm Đại Hội Đảng XII, người ta khá ngạc nhiên khi đọc tin ông Trương Tấn Sang sẽ dẫn đoàn Việt Nam đi dự lễ diễu binh tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 9 sắp tới. Có người bảo ông Sang đi là đúng rồi vì ở vai trò đại diện cao nhất của chính phủ. Nhưng ai cũng biết và giới lãnh đạo TQ lại càng biết rõ trong hệ thống XHCN, tổng bí thư đảng CS mới là vai trò quyền lực cao nhất. Và ngược lại, nếu bảo ông Sang có vị trí đại diện chính phủ cao nhất thì tại sao ông bị thẳng tay thay thế bởi ông Nguyễn Phú Trọng trong chuyến sang Mỹ gặp Tổng thống Obama vừa qua? Ngoài lý do vai vế, ai cũng biết ông Nguyễn Phú Trọng trong suốt mấy thập niên qua luôn chứng tỏ mình là học trò xuất sắc của Trung Quốc. Ông được huấn luyện cán bộ cấp cao nhiều lần tại Trung Quốc; Ông luôn đòi buộc cả nước phải tôn quí 16 chữ vàng và 4 tốt; Ông rất kể lể mình đã đẻ ra cụm từ "Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN" sau khi Bắc Kinh công bố "Kinh tế thị trường với đặc tính Trung Quốc"; và ông luôn tuyên bố tại Quốc Hội: "Không đem chuyện Biển Đông vào nghị trình vì không có diễn tiến gì mới".... Nhưng nay, ông Trọng nhất quyết không đi. Đến cả tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phùng Quang Thanh , những người luôn to tiếng khẳng định sẽ "giải quyết triệt để" những người Việt yêu nước mỗi lần Bắc Kinh làm nhục Việt Nam, hay rất lo lắng khi thấy dân Việt ghét quân xâm lược quá, cũng cự tuyệt không đi dự buổi diễu binh 3/9. Có thể nói chuyến này tương đương với "dấu chấm hết" cho cả sự nghiệp chính trị lẫn mạng lưới đàn em bên dưới ông Sang. Hiển nhiên, về mức độ thì "bị đẩy đi dự lễ 3/9 tại Bắc Kinh" chưa nặng bằng "bị đẩy vào làm trưởng ban điều hòa sinh đẻ" như Tướng Giáp, nhưng chủ đích của hai đòn cực độc đó giống hệt nhau. Đó là cố tình dùng sự bất lực tuyệt đối và sự chịu nhục đến mức mất liêm sỉ của chủ tướng để dập tắt hoàn toàn hy vọng nơi hàng ngũ cán bộ dưới trướng. Sau đó, chẳng cần làm gì thêm, toàn bộ đội ngũ này sẽ vẫn nhanh chóng tan rã hoặc bỏ đi đầu quân nơi khác. Ai còn chút hy vọng ông Sang sẽ làm một hành động vì nước vì dân nào đó như tiếng gầm cuối cùng của con hổ trước khi mãi mãi tắt tiếng sau Đại Hội XII, thì nay cũng đều thất vọng, nhìn cảnh ông Sang lầm lủi, ngậm miệng đi Tàu. Những người bực mình hơn vì đã ủng hộ ông Sang nhiều năm qua, nay đang phê phán: Không lẽ ông Chủ tịch nước chỉ có dáng vẻ "sang" bề ngoài còn trong gan ruột lại thiếu "dũng" tới mức đó!? Đến như Phùng Quang Thanh còn biết dùng mưu ngã bệnh ung thư giả để thoát hiểm! Nguồn: https://www.facebook.com/radiochantroimoi/posts/961748467202039:0
......

Trung quốc sẽ sụp đổ vì tham vọng Tập Cận Bình

Trung Quốc tiến vào thế kỷ 21 với một tâm trạng vừa vui mừng vừa lo sợ,  Vui mừng vì trong những năm tháng gần đây uy tín của quốc gia này có chiều hướng đi lên.  Lo sợ vì thực trang kinh tế phát triển quá mau lẹ.  Phản ứng phụ nguy hiểm nhất của tốc độ phát triển nhanh trong một xã hội có nền chính trị độc tài và có thu nhập chỉ đủ sống là sự xuất hiện ngày càng trầm trọng của hố cách biệt giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, và của nạn tham nhũng đe dọa sự sống còn của chế độ. Những người lãnh đạo Trung Quốc ý thức đầy đủ mối nghuy hiểm nói trên và đang tìm cách hóa giải.  Còn người dân Trung Quốc thì hy vọng là với các thế hệ lãnh đạo thứ tư,  thứ năm… (ba thế hệ trước là do Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình và Giang trạch Dân đại diện) Trung Nam Hải sẽ có không gian chính trị rộng rãi hơn để có thể dân chủ hóa một cách tiệm tiến, hầu tránh một cuộc nổi dây của qaần chúng. Trung Quốc là quốc gia có một dân số và kích thước của một tiểu lục địa.   Phần đất này, ngày nay, không còn sống biệt lập nữa, mà đã hội nhập gần như toàn vẹn vào sinh hoạt của thế giới.  Cho nên những gì đã và đang xảy ra tại Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng không ít đến phần còn lại của nhân loại. Việc tìm hiểu những chuyển biến chính trị đó rất cần thiết cho việc tiên liệu vấn đề an ninh và cuộc sống hòa bình của các dân tộc khác.  Cho nên, trong những đoạn viết tiếp theo, một số ý kiến sẽ được đóng góp với ước mong làm rộng dư luận cần quan tâm. Xin mời qúy độc giả đọc tiếp. Trung Quốc dưới ba triều đại cộng sản đầu tiên Mao Trạch Đông thắng Tưởng Giới Thạch năm 1949 và có công thống nhất đất nước nhưng ông ta đã gây nạn đói trong các năm 1959-1961 và phát động Cách Mạng Văn Hóa trong 10 năm tiếp theo, làm nhiều triệu người chết.  Chiến tranh quốc-cộng tại Trung Quốc đã được thuật đi thuật lại nhiều lần, nên ở đây chỉ xin nhắc lại một số thông tin ít được phổ biến. Năm 1948 khi đưa quân lên đánh chiếm căn cứ Mãn Châu, quân Quốc Dân Đảng của Tưởng dần dần xa cách Mỹ vì không được Mỹ viện trợ nữa.   Cuối năm 1948 Tưởng cho vợ là Tống Mỹ Linh sang Mỹ cầu viện nhưng Mỹ lờ đi không đáp ứng.  Cuối năm 1949  Tưởng thua và phải mang 2 triệu quân chạy ra đảo Đài Loan.  Ngày 1/10/1949 Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, thủ đô ở Bắc Bình, nay đổi là Bắc Kinh. Dư luận Mỹ chỉ trích và lên án tổng thống Truman đã để cộng sản chiếm Trung Hoa.  Joe Mc Carthy cho rằng việc ngăn chặn Tàu bành trướng cần phải chi viện nhiều và lâu dài hơn nữa.  Câu hỏi ai đã làm mất Trung Hoa chưa bao giờ được trả lời công khai.  Tỷ lệ ủng hộ tổng thống Truman từ 70% tụt xuống còn 30%.  Bộ trưởng ngoại giao Mỹ thời Truman bị đánh giá thấp.  Việc để mất Trung Hoa đưa đến nhiều hậu quả thảm khốc. Năm 1950 Nga và Trung Cộng giúp Bắc Hàn xâm lược Nam Triều Tiên.  Mỹ phải đưa quân sang can thiệp.  Chiến tranh tiếp diễn mãi tới tháng 7/1953  mới chấm dứt.  Cũng từ  1950 Mao giúp Việt Minh chống Pháp thắng lợi.  Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ tháng 5/1954 nên đất nước Việt Nam bị chia đôi.  Mỹ phải nhảy vào bảo vệ và xây dựng miền Nam Việt Nam thành tiền đồn chống cộng cho đến năm 1973 cuộc chiến mới ngã ngũ.  Mỹ đã phải rút lui trong “danh dự” khỏi miền Nam VN và chiu mang tiếng với đồng minh và thế giới.  Đó là những viêc xảy ra trên bình diện quốc tế. Tại quốc nội Mao hăm hở lên kế hoạch Đại Nhảy vọt làm 37,5 triệu người chết đói.  Chết nhiều nhất xảy ra tại An Huy. Cam túc, Hồ Nam, Tứ Xuyên nhưng không ai dám lên tiếng.  Lầm lỗi này khiến Mao mất chức vụ chủ tịch nước.  Đó là một vụ chết đói lớn nhất lịch sử Trung Hoa.  Đói đến nỗi tại nhiều nơi người ta ăn thịt trẻ em bằng cách đổi con cho nhau  để tránh phải chứng kiến cảnh tượng ăn thịt chính con mình. Vụ chết đói vừa chấm dứt thì Mao phát động cuộc Đại Cách Mạng Văn Hóa để trà thù những người buộc ông phải từ chức. Chém giết lại xảy ra liên tục thêm 10 năm nữa và làm thêm 20 triệu nhân mạng phải hy sinh. Như vậy, trong suốt 26 năm cầm quyền Mao đã giết hại 60 triệu dân và kéo lùi nước Tàu về thời Trung Cổ.  Mao đã biến nước Tàu thành một địa ngục đói khổ và tang thương thê thảm nhất.  Một người phạm tội ác chống nhân loại mà vẫn được ca tụng và sung ái  như Mao thì thật là một điều quái gở chỉ có thể có ở bên Tàu. Đặng Tiểu Bình sinh năm 1904 và mất năm 1997.  Sau khi Mao chết, Hoa Quốc Phong lên thay được một thời gian ngắn thì Đặng Tiểu  Bình dần  dần nắm quyền kiểm soát cả đảng cộng sản và xã hội Trung Hoa.  Năm 1978 ông đưa đất nước ông vào kỹ nguyên cải cách “mở cửa”.  Năm 1979  ông sang thăm Mỹ để bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước  và ngay sau đó dạy cho Việt Nam một bài học nằm trong chính sách ngăn chặn ảnh hưởng Nga tại Đông Nam Á. Cuộc biểu tình khổng lồ tại Thiên An Môn đã diễn ra dưới thời Đặng Tiểu Bình.  Nhiều người tin rằng ông ta đã nhúng tay vào máu trong cuộc thảm sát phong trào tại quảng trường này.  Sau biến cố họ Đặng rút khỏi chính trường.  Thiên An Môn gây chia rẽ trong đảng và quân đội, giữa hai phe bênh và chống. Theo ước lượng của Mỹ có khoảng từ 4000 người đến 6000 người bị giết.  Khối Xô Viết ước tính có 10.000 người bị giết và khoảng 30.000 người bị thương.  Bằng chứng cho thắy rõ là những người công sản da vàng đã sẵn sàng dùng quân đội của họ bắn giết đồng bảo ruột thịt để bảo vệ địa vị của Đảng một cách mù quáng. Giang Trạch Dân sinh năm 1926.  Ông là người được Đặng Tiểu bình chọn ra thay thế và trở thảnh lãnh đạo tối cao vào thập niên 1990.  Đặng Tiểu Bình chuyển hết quyền hành cho Giang Trạch Dân.  Chính sách mở cửa của Đặng rất khôn ngoan khiến nền kinh tế của Trung Quốc tiến nhanh và mạnh trong vòng ba năm. Dưới thời Giang tệ nạn tham nhũng gia tăng như vũ bão.  Doanh nghiệp nhà nước đóng cửa nhiều.  Quan chức tham nhũng lấy đi 10% GDP của Quốc gia.  Tỷ lệ tội phạm phát triển chưa từng thấy tại các thành phố. Năm 1999, Pháp Luân Công, một môn pháp tu dưỡng cơ thể và tinh thần tại Hoa Lục bị Giang Trạch Dân chỉ đạo đàn áp một cách dã man.  Tổng cộng có khoảng 7000 nạn nhân bị bắn giết hoặc tra tấn cho tới chết. Bộ ngoại giao Canada thu thập nhiều bằng chứng tố cáo Trung Cộng cho mổ gan và thận tử tù đem bán với giá cao.  Tội ác tầy trời này được coi là chưa từng có trên trái đất.  Giang bị coi như người đàn áp diệt chủng Pháp Luân Công và bị kết án tù tại 17 quốc gia trên thế giới.  Nếu Giang đến các nước này y sẽ phải đối mặt với 20 năm tù giam vì tội diệt chủng nói trên. Năm 2002 Giang nhường chức cho Hồ Cẩm Đào làm tổng bí thư đảng.  Các lãnh đạo cộng sản của Tầu từ Mao, Đặng cho đến Giang toàn là những tên uống máu người không tanh.  Bọn này giết hại đồng bào mình và bị cả thế giới, nhất là Tây Phương  khinh bỉ, ghê tớm và coi như thú vật. Trung Quốc dưới triều đại thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ tư Hồ Cẩm Đào thuộc thế  hệ lãnh đạo thứ tư. Ông sinh năm 1942 và tốt nghiệp đại học hạng ưu. Sau khi đươc Giang Trạch Dân nhường ngôi, ông làm chủ tịch nước từ năm 2003 tới năm 2013. Tự do hóa tư tưởng là làn sóng thứ ba được Hồ Cẩm Đào phát động vào thời gian Đại Hội 17 (tháng 10//2007) của đảng cộng sản Trung Quốc. Làn song thứ nhất ám chỉ cuộc vận động mang tên “Thực hành là điều kiện duy nhất của sự thật” nhằm dẹp bỏ chủ thuyết Mao-Ít. Làn sóng thứ hai, được đưa ra trong dịp Đặng Tiểu Bình đi khảo sát miền Nam năm 1992, là thời gian áp dụng kinh tế thị trường. Đại Hội 17 đưa ra lộ trình cho tương lai Trung Quốc. Mục tiêu của thời kỳ này là xây dựng một “xã hội hài hòa” và phương tiện để đạt mục tiêu đó là chủ nghiã “dân chủ xã hội”. Tính cho đến ngày nay, thời gian này là thời gian duy nhất dân Tàu được hưởng sự an bình và không có chém giết hoặc tù đầy ghê tởm trong nội bộ. Theo Hồ Cẩm Đào, phát triển kinh tế phải được đặt lên hàng ưu tiên cao nhất. Không có phát triển kinh tế Trung Quốc không thể khắc phục được những khó khăn đang phải đối phó hiện nay.  Trung Quốc phải tiếp thu nhãn quan khoa học, nghĩa lả phải nhắm tới sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và phát triển xã nội Quan trọng hơn cả là phát triển phải hướng vào nhân dân. Nói khác, chế độ phải mang tính xã hội chủ nghĩa nhân đạo.  Chỉ khi nào phát triển hướng về nhân dân thì mục tiêu xã hội hài hòa mới có khả năng thực hiện. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc quan tâm khảo sát sự thực hànhdân chủ xã hội ở Âu Châu.  Tuy nhiên với mặc cảm tự tôn Đại Hán, giới lãnh đạo đảng vẫn không chấp nhận hệ thống đa nguyên và vẫn tiếp tục tìm kiếm xem có cách nào đề một đảng chính trị có thể đại diện cho những quyền lợi kinh tế và xã hội khác nhau. Một chế độ chính trị chuyên chế và một sự thịnh vượng kinh tế nhất định, vẫn có thể cùng xuất hiện trong một thời gian nào đó, như là điều đang xảy ra tại Trung Quốc hiện nay, nhưng sự thịnh vượng này sẽ không lâu dài.  Thiếu ba yếu tố hiện đại hóa Trung Quốc sẽ không bao giờ đạt được cấp độ phát triển tiếp theo. Ba yếu tố đó là : thứ nhất, hiện đại hóa nhà nước thành một thiết chế bền vững, hiệu qủa, không phụ thuộc vào cá nhân con người; thứ hai, chế độ phải mang tính pháp trị, nghĩa là quyền lực của nhà nước chỉ xuất phát từ luật pháp, đảng cầm quyền không được ngồi lên trên pháp luật; thứ ba, lập một hệ thống ràng buộc ràng buộc trách nhiệm của chính quyền. Chế độ pháp trị và hệ thống ràng buộc trách nhiệm của chính quyền không phải là những giá trị phương Tây.  Không có những giá trị này thì không thể có hiện ̣đại hóa theo  đúng nghĩa của ngôn từ này. Trung Quốc dưới triều đại thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ năm Tập Cận Bình thuộc thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ năm. Ông sinh năm 1953 và đậu tiến sĩ luật. Tháng 10/2010 Tập được bầu làm phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương. Ngày 15/11/2012 Tập được bầu làm tổng bí thư, rồi ít lâu sau lên làm chủ tịch Quân Ủy.  Ngày 13/3/2013 ông được bầu làm Chủ Tịch Nước. Kể từ thời Mao đến nay chưa có một cá nhân lãnh đạo nào lại thâu tóm nhiều quyền lực vào trong tay một cách nhanh chóng như Tập Cận Bình.  Chưa có một lãnh đạo nào lại thúc đẩy một chương trình trọn vẹn phục hồi các giá trị cũ và sức mạnh thô bạo của đảng cộng sản như Tập Cận Bình đang làm. Tại Trung Quốc hiện nay, những nhà tranh đấu ôn hòa cho một xã hội dân sự cũng bị nghiêm trị, khiến phải im tiếng. Tập đang được gọi bằng mọi thứ tên, từ một nhà “độc tài mới” đến một “hoàng đế mới” của thời hiện đại. Từ khi lên ngôi đến nay Tập đã bỏ tù những đối thủ chính trị của mình trong một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn được mệnh danh là chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi”. Chiến dịch này đã gieo sợ hãi và gây bất ổn tâm lý trong các cấp đảng viên từ thấp đến cao. Hàng trăm quan liêu tham nhũng đã bị tống giam và mấy chục tỷ đô la tài sản tham nhũng đã bị tịch thu. Một vị tướng có nhiều uy danh, tên Từ Tài Hậu, đã bị tống giam. Một chính khách có thế lực nhất nhì trong nước tên Chu Vĩnh Khang cũng đã bị Tập tóm cổ và đem ra xử tội trước tòa án.  Dân chúng hoang mang tự hỏi “Nếu Tập có thể triệt luôn cả Chu Vĩnh Khang thì ai là người có thể thoạt khỏi bàn tay hung hãn của Tập ?” Sự trỗi dậy của Tập Cận Bình được coi như một bước ngoặt vì ông đã xóa bỏ mô hình lãnh đạo tập thể của Đặng Tiểu Bình. Theo mô hình này các quyết sách phải được thông qua do sự đồng thuận của chín ủy viên trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị rồi mới được đem ra thi hành.  Như vậy là để tránh dẫm lại tệ sùng bái cá nhân hay một cuộc Cách Mạng Văn Hóa thứ hai như dưới thời Mao cai trị. Mặc dầu có người cha bị Mao Trach Đông hành hạ và bỏ tù nhưng Tập vẫn hướng đến Mao để tìm nguồn khích lệ.  Trong một tập tiểu luận xuất bản gần đây, Tập đòi hỏi các đảng viên không được từ bỏ tinh thần Mao Trạch Đông.  Tập đã đăng đàn diễn thuyết nhiều lần  để khẳng định : “vai trò của thủ lĩnh số một là then chốt”. Sáu cơ quan cao nhất trong Bộ Chính Trị được tái cơ cấu năm 2012. Tập cầm đầu cả sáu cơ quan đó. Nhờ thế mà ông đã có cơ hội đưa kẻ cựu thù không đội trời chung là Bạc Hy Lai ra xét xử. Ông không chỉ nói mà còn hành động. Báo chí Trung Quốc mô tả ông là một người xay mê quyền lực. Trong khi lời khuyên của Đặng Tiểu Bình, là cả nước phải ẩn mình đề chờ đợi thời cơ, vẫn còn văng vẳng bên tai, thì Tập tin rằng những năm tháng ẩn mình đã qua rồi. Tập muốn cùng với Mao và Đặng họp thành một bô ba lãnh tụ vĩ đại được nhân dân Trung Quốc và thế giới muôn đời kính phục.                                                                                                 * Điểm qua lịch sử Trung Quốc ta thấy tham vọng nói trên của Tập Cận Bình chỉ là một tham vọng hồ đồ. Tham vọng này xuất phát từ tính kiêu ngạo Hán Tộc. Cố tật này đã kìm hãm dân tộc Trung Hoa không cho họ phát triển thành một cường quốc cùa thế giới. Thật vậy, qua các triều đại của lịch sử Trung Quốc, ta thấy tính kiêu ngạo Hán Tộc đã là nguồn gốc của chiến tranh. Chiến tranh liên tục từ đời này qua đời khác khiến nên kinh tế không thoát khỏi ngõ bí và đất nước nghèo nàn lạc hâu. Cuối cùng Trung Quốc đã bị Tây Phương xâu sé và phải chịu thân phận chư hầu cách đây hơn một thế kỷ. Đến nay, khi  Mao Trạch Đông có cơ hội giải phóng và thống nhất đất nước thì cũng chỉ vì cái tật xấu này mà Mao đã giết chết 60 triệu sinh linh và làm tiêu tan đất nước. Đặng Tiểu Bình tuy có khôn ngoan vực lại được nền kinh tế, nhưng với cái tính kiêu ngạo đó vẫn giữ trong đầu, Đặng không cho Trung Quốc thoát khỏi gông cùm độc trị để trờ thành dân chủ. Hồ Cẩm Đào thông minh đưa ra sách lược cứu vãn tình thế nhưng sách lược này lại đang bị Tập Cận Bình xé bỏ. Trong mấy thập niên gần đây, Hoa Kỳ và các nước Phương Tây, đã ồ ạt đầu tư vào Hoa Lục đề hưởng lợi vì nhân công rẻ. Mỹ và Âu Châu ấu trỉ cho rằng khi nển kinh tế trở nên khá giả thì Trung Quốc sẽ từ bỏ chế độ cộng sản, nhưng việc đó vẫn không thể xảy ra. Nhiều dư luận sốt ruột cho rằng đây là một sai lầm lớn vì Mỹ đã nuôi Trung Cộng cho béo để họ trở thành kẻ thù, là mối đe dọa cho toàn thế giới. Tuy nhiên nếu căn cứ vào những nghiên cứu vững chắc hơn thì phải nói rằng còn khá lâu Trung Quốc mới có thể trở thành nguy hiểm. Việc Trung Cộng có thể gây chiến tranh vào lúc này chỉ là một huyễn tượng. Thứ nhất, Trung Cộng đang bị bao vây chặt chẽ bởi các nước xung quanh, Mỹ, Nhật và Âu Châu. Thứ hai, nhất cử nhất động của Bắc Knh thường xuyên bị Ngũ Giác Đài theo dõi xát xao và sẵn sàng ứng phó. Trung bình cải tổ một nền văn hóa phải cần từ vài thế hệ đến vài thế kỷ, mà Tập thì chỉ mới lên ngôi được có vài năm và chỉ còn trụ được nhiều nhất là vài năm nữa tại vị thế hiện nay.  Như vậy, dù cho tham vọng có lớn đến đâu, y cũng không có đủ thời gian để thực hiện. Thêm nữa, lời khuyên của Đặng Tiểu  Bình vẫn chưa mất hết giá trị.  Tập còn rất nhiều việc phải làm ở trong nước trước khi có thể gây rắc rối với các nước xung quanh và thế giới.  Nước Tàu tuy đã có đôi chút tiến bộ về kinh tế nhưng chưa thể nói là đã trở thành một quốc gia hiện đại để có thể hành động như một siêu cường trong thế giới hiện nay. Tập còn phải chiêm nghiệm sâu sắc hơn nữa và đọc đi đọc lại nhiều lần bài học về sự sụp đổ cũa Liên Xô.  Lúc này việc quan trọng nhất phải làm là lo cho nhân dân Hoa Lục học tập nếp sống văn minh để khỏi bị thế giới khinh bỉ.  Đó là một việc phù hợp với khả năng lãnh đạo của Tập và thực tế của đất nước.  Những việc vượt quá sức mình hãy để cho các thế hệ nối tiếp phụ trách, theo đà tiến và đòi hỏi của lịch sử. Ngày nay, dưới ảnh hưởng của hai hiện tượng toàn cầu hóa và hiện đại hóa, sách lược bành trướng bằng con đường chiến tranh và bạo lực đả chấm dứt. Trước mắt chỉ còn lại con đường hòa bình và dân chủ./.
......

Thảm kịch xét tuyển Đại học 2015

Trong những ngày trung tuần tháng Tám 2015 vừa qua, song song với tin tức về hàng loạt vụ thảm sát nhiều người cùng một lúc xảy ra trên khắp Việt Nam như ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái, Tây Ninh, Gia Lai… giới truyền thông quốc nội cũng đã sôi động dồn dập với những bài viết về sự bất bình của dư luận liên quan đến Kỳ xét tuyển Nguyện vọng 1 Đại học - Cao đẳng 2015, diễn ra từ 1/8 đến 20/8. Hình ảnh các hội trường chật kín người với những gương mặt phờ phạc của phụ huynh và thí sinh nộp đơn; hay câu chuyện chiếc xe cấp cứu 115 được thuê chỉ để chở mẹ con một thí sinh đại học ra Hà Nội rút hồ sơ sao cho kịp nộp vào một trường khác; hoặc hành động của hàng trăm ngàn Facebooker kêu gọi Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận hãy có một lời xin lỗi, đồng thời từ chức; và đặc biệt nhất là cảnh một thanh niên trẻ đứng biểu tình trước văn phòng Bộ Giáo dục với một tấm hình chú chuột bạch sắp bị tiêm thuốc, cùng dòng chú thích “Học sinh, sinh viên không phải là Chuột Bạch”… đã cho chúng ta thấy rõ nỗi thất vọng và sự bất bình của dư luận đối với cách thức tổ chức của kỳ xét tuyển đại học vừa qua. Nhìn lại quá khứ… Trước năm 1975, nền giáo dục theo tinh thần Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa quy định con đường vào đại học có 2 cách là Thi tuyển và Ghi danh. Hệ Thi tuyển chỉ dành cho các ngành đào tạo chuyên môn, số lượng tuyển sinh khá giới hạn, vì vậy những thí sinh trúng tuyển đều là những học sinh thuộc loại khá. Còn hệ Ghi danh thì mở rộng cho tất cả những ai muốn nâng cao kiến thức, với đầu vào rất dễ dàng đơn giản, nhưng đầu ra thì vô cùng khó, đòi hỏi sinh viên phải thật sự có lực học - xứng đáng đúng trình độ cử nhân tốt nghiệp đại học. Sau năm 1975, mặc dù nền giáo dục theo tinh thần “cách mạng” của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã liên tục thực hiện nhiều cuộc cải cách - tính đến nay đã có được 40 lứa “chuột bạch” vào đại học và còn 11 lứa nữa đang trên các mái trường phổ thông - nhưng loay hoay mãi vẫn chưa thấy đâu là điểm dừng hợp lý. Từ năm 1975 cho đến những năm 89-90, nhà cầm quyền CSVN siết chặt con đường vào đại học. Đầu vào đại học chỉ có một cách là vượt qua kỳ thi tuyển. Đề thi thì vẫn được giao cho các trường tự ra. Học trò đạt điểm thì đậu, không đạt thì rớt - chẳng oán hận ai, chỉ biết trách mình. Tuy nhiên, cửa ải lý lịch của CSVN đã khiến nhiều thế hệ không thể có cơ hội bước vào ngưỡng cửa giảng đường. Từ những năm 91-92, luồng gió mới của thời kỳ “đổi mới” cũng đã tác động vào ngành giáo dục. Với sự xuất hiện một số trường đại học tư và ngành học mới, đầu vào đại học được mở ra thông thoáng hơn. Đề thi vẫn do các trường tự ra, nhưng thí sinh có thể tham gia đến 3 kỳ thi đại học trong một mùa. Tuy nhiên, một điều tệ hại là từ thời kỳ này giới chức CSVN bắt đầu hé cửa cho việc tuyển sinh tràn lan, thả nổi chất lượng đào tạo - hướng toàn xã hội quen với tư tưởng trọng bằng cấp hơn thực học, hay còn gọi là chạy theo bằng cấp. Từ năm 2005 trở đi, việc xuất hiện ồ ạt hàng loạt trường đại học cấp tỉnh và đại học tư (được coi là những bộ máy kiếm tiền và là nơi bố trí chỗ ngồi mới cho các quan chức cộng sản về hưu) đã khiến cho xã hội Việt Nam lâm cảnh “người người học đại học, nhà nhà học đại học”. Các trường thi nhau chạy theo lợi nhuận nên bùng phát thực trạng tuyển sinh tràn lan, và thả nổi chất lượng đào tạo. Bộ Giáo dục bắt đầu nắm giữ luôn quyền ra một đề thi chung duy nhất cho toàn quốc. Do số lượng trường quá nhiều, dẫn đến việc điểm chuẩn để đậu vào các trường không đồng đều, có những trường lấy điểm chuẩn rất cao, nhưng lại cũng có nhiều nơi chọn điểm chuẩn thấp không thể tưởng. Không ít trường chỉ đạt 8 điểm/3 môn - tức là trung bình mỗi môn chưa tới 3/10 điểm. Xã hội bắt đầu xuất hiện cảnh tréo ngoe, nhiều thí sinh điểm cao thì rớt đại học, còn vô số học sinh điểm thấp thì lại đậu. Để chữa cháy, Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành quy chế Điểm Sàn, nhằm quy định mức điểm tối thiểu được cho phép vào đại học cho có vẻ công bằng. Tuy nhiên từ khi xuất hiện đến nay, chưa năm nào khung Điểm Sàn vượt quá ngưỡng 13.5 điểm/3 môn - tức là mỗi môn tối đa chỉ đạt mức 4.5/10 điểm. Từ thời kỳ này, bắt đầu xuất hiện cảnh chạy đua rút và nộp hồ sơ vào những trường điểm thấp, tuy nhiên không đến nỗi gây ra thảm cảnh như hiện nay, vì thí sinh biết rõ điểm chuẩn của trường mà mình chạy đến nộp đơn. Cũng từ thời gian này các ngôi trường sinh sau đẻ muộn, nhất là các trường tư, bắt đầu được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo một lúc cả 3 hệ, gồm Trung cấp, Cao đẳng và Đại học. Tất cả những thí sinh dù thi đại học chẳng có được điểm nào vẫn có thể ghi danh học hệ Trung cấp (tương đương vào học lại trung học phổ thông) ở một trường đại học nào đó, sau đó sẽ chuyển tiếp lên bậc Cao đẳng, rồi tiếp tục liên thông lên bậc Đại học - cuối cùng cũng đường hoàng tốt nghiệp đại học, chỉ có điều là chịu mất thời gian hơn lâu chừng 2 năm (so với 4 năm của hệ đại học bình thường). Thực trạng này tất yếu thúc đẩy chất lượng giáo dục xuống đến mức cùng cực. Xuất hiện hàng triệu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ học giả bằng thực, dẫn đến thực trạng có bằng cấp cao nhưng thất nghiệp tràn lan. Thảm kịch năm 2015 Năm 2015, Bộ Giáo dục CSVN tiến đến một bước cải cách mới là bỏ hẳn kỳ thi Đại học, các trường chỉ xét tuyển Đại học căn cứ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Với tư tưởng đầy chất “bạo lực cách mạng” hơn hẳn tính “nhân bản giáo dục”, Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận hùng hồn khẳng định đây là “trận đánh lớn”. Thế nhưng, tầm nhìn chiến lược của những bộ óc “đỉnh cao trí tuệ cộng sản” này đã khiến hàng triệu thí sinh lâm cảnh “kẻ bại trận” trước “trận đánh lớn” của Bộ Giáo dục. Họ hoảng loạn quay cuồng giống như các nhà đầu tư đang chạy theo những chỉ số của “thị trường chứng khoán” trong suốt 20 ngày của tháng Tám vừa qua. Nguyên cớ gây ra sự hoảng loạn và phẫn nộ của dư luận chính là thời gian ấn định nộp hồ sơ xét tuyển quá dài - đến 20 ngày. Với 20 ngày này, những thí sinh “khôn ngoan” sẽ án binh bất động hơn 2/3 thời gian để chờ xem xét tình hình. Trong khi đó hầu hết các thí sinh khác đều đã nhanh chóng đi nộp hồ sơ vào ngôi trường mình đã dự định ngay những ngay đầu tiên. Sau khi đã nắm bắt rõ được điểm số dao động và mức giới hạn an toàn, vào lúc gần đến kỳ hạn chót, những thí sinh “khôn ngoan” sẽ bắt đầu nắm quyền chủ động nộp hồ sơ vào những trường mà họ biết mình chắc chắn giành được chỗ, không cần quan tâm đến việc sẽ học ngành nghề gì, chỉ cần là có nơi để học đại học là được. Việc này dẫn đến làn sóng rút hồ sơ tháo chạy tán loạn của hàng loạt những thí sinh có điểm thi thấp nhưng đã nộp hồ sơ trước đó, sau đó ào ào tìm đến các trường khác nộp - rồi tiếp tục lập lại điệp khúc rút nộp ở nhiều nơi khác… gây ra một thảm cảnh tan tác như ong vỡ tổ. Nguyên ủy vấn đề Nhìn kỹ thực trạng giáo dục từ sau 1975 đến nay, chúng ta có thể tóm lược sơ khởi 4 nguyên do dẫn đến thảm cảnh giáo dục hiện thời. 1/ Nguyên do đầu tiên là bởi giới chức CSVN chạy theo lợi nhuận trước mắt, cho phép thành lập quá nhiều trường đại học. Việc này dẫn tới sự mất cân bằng cung cầu, không cân đối được đầu ra sau khi tốt nghiệp, đưa đến mất cân bằng xã hội. Các trường vì chạy theo doanh thu nên thả nổi chất lượng cả đầu vào lẫn chất lượng đào tạo - đồng thời kéo cả xã hội lao đầu vào duy nhất một con đường học đại học. 2/ Nguyên do thứ nhì là Bộ Giáo dục hiện nay không giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường, khiến họ lâm cảnh bị động trong việc quyết định chất lượng đầu vào và mức điểm chuẩn của mình. 3/ Nguyên do thứ ba là hệ quả trực tiếp từ nguyên do đầu tiên - đó là thực trạng thả nổi chất lượng đào tạo. Thực trạng thả nổi chất lượng đào tạo ở các cấp trung học khiến hầu hết thí sinh không hề nắm bắt được học lực thực sự của mình nằm ở mức nào. Điền này dẫn đến số lượng thí sinh cùng lúc dồn vào một số trường rất cao, dù năng lực thật chưa đạt tới. Kết cuộc tất yếu là cảnh họ phải tháo chạy khi những thí sinh có điểm số cao hơn kéo đến áp đảo. 4/ Nguyên do thứ tư cũng là hệ quả trực tiếp từ nguyên do đầu tiên - đó là thực trạng chạy theo bằng cấp. Thực trạng này khiến hầu hết phụ huynh luôn dồn ép con cái mình phải bằng mọi giá học đại học cho nở mày nở mặt. Dẫn đến việc thí sinh nhắm mắt lao vào con đường đại học chứ không chọn đi theo một hướng khác thực tế hơn và phù hợp năng lực hơn cho tương lai sau này của chính mình. Để có thể chấn chỉnh được thực trạng hỗn loạn trong việc xét tuyển hiện nay, đồng thời dần dần đưa nền giáo dục Việt Nam trở lại quỹ đạo phát triển chung, nhà chức trách chắc chắn còn rất nhiều điều cần phải làm. Nhưng 3 việc cần kíp nhất phải ưu tiên giải quyết là 1/giảm số lượng trường Đại học xuống cho phù hợp với nhu cầu xã hội; 2/giao quyền chủ động tuyển sinh cho những trường đó theo con số lượng thực mà xã hội cần; và 3/chấn chỉnh lại chất lượng đào tạo ở cả các cấp phổ thông cũng như bậc đại học, theo hướng thực nghiệm và khai phóng với thế giới bên ngoài. Mặc Thủy 27/8/2015
......

Hai tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung mãn án tù

Hai tù nhân lương tâm trẻ Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung thuộc nhóm thanh niên Công giáo- Tin Lành bị kết án tù về tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’ theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam vừa mãn án tù. Sau khi ra khỏi nhà giam họ chia sẽ lại một số điều trong thời gian bị bắt, bị tù tội và những suy nghĩ lúc này với biên tập viên Gia Minh, Đài Á Châu Tự Do trong phần sau. Không nhận tội Phiên tòa sơ thẩm xử nhóm hơn chục thanh niên Công giáo- Tin Lành diễn ra tại thành phố Vinh trong hai ngày 8 và 9 tháng giêng năm 2013. Họ bị buộc tội có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền Hà Nội hiện nay và là đảng viên của Đảng Việt Tân trụ sở chính tại Hoa Kỳ. Các phiên xử sơ thẩm hay phúc thẩm đều được nói là công khai, thế nhưng rất ít người thân của những thanh niên bị đưa ra xét xử được cho vào phòng xử án; bởi vậy đó thông tin về việc họ nhận tội ra sao cũng không được nhiều người tường tận. Theo các cựu tù nhân sau khi ra khỏi nhà giam thì suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến lúc đưa đi thụ án và trước ngày mãn án, họ đều bị áp lực phải ký giấy nhận tội; nhưng điều này không được đáp ứng như lời của anh Trần Minh Nhật sau khi về đến nhà từ trại Gia Trung vào trưa ngày 27 tháng 8 như sau: “ Tôi không phạm tội gì cả mà tôi không phạm tội thì không ai có thể ép tôi ký nhận tội cả. Dĩ nhiên trước đó họ có đưa vào một bản cam kết không tái phạm tội; nhưng tôi đã xé bản cam kết không tái phạm tội vì tôi tự hỏi ‘tôi phạm tội gì’; thế nên những đơn đó không có giá trị với tôi” Cựu tù nhân lương tâm Thái Văn Dung, người mãn án hôm ngày 19 tháng 8 vừa qua cũng nói về điều này: “ Tất nhiên 3 tháng, 6 tháng, quí xét giảm ản họ đưa ra các bản cam kết để xét giảm án, nhưng tôi ghi trong đó không nhận tội. Tôi không công nhận điều 79 Bộ Luật Hình sự.” Đấu tranh trong tù Trong thời gian bị giam giữ, những cựu tù nhân chính trị như các anh Trần Minh Nhật, Thái Văn Dung …đấu tranh đòi hỏi quyền lợi cho bản thân cũng như những tù nhân khác. Họ từng phải áp dụng biện pháp cuối cùng là tuyệt thực. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều mà chỉ đòi hỏi con người cần được tôn trọng và nhân quyền cần được bảo đảm Trần Minh Nhật Anh Trần Minh Nhật cho biết đáp ứng của trại giam sau những lần tuyệt thực của các anh em tù chính trị như bản thân anh trong nhà tù: “ Tôi thấy tại những trại giam tôi qua, họ có một số cơ chế trong đó áp bức những người tù, đặc biệt phân biệt đối xử một số đối tượng. Họ không tôn trọng và không bảo đảm những qui định đã cam kết. Chúng tôi không đòi hỏi gì nhiều mà chỉ đòi hỏi con người cần được tôn trọng và nhân quyền cần được bảo đảm. Thế nhưng họ đã phớt lờ. Chúng tôi làm đúng thủ tục đến cùng rồi mới phải dùng đến hình thức tuyệt thực. Thật đáng tiếc khi người ta không cư xử với nhau bằng trái tim thì họ có những cách hành xử không đúng mực. Đó là điều tôi rất tiếc về những người thi hành pháp luật. Còn dĩ nhiên sau khi tuyệt thực có những thứ cải thiện mang tính hình thức. Tôi nói hình thức vì ví dụ như Trại Phú Sơn 4, Thái Nguyên, gọi là ‘thay đổi’ nhưng chỉ là hình thức mang tính chiếu lệ thôi!” Thái Văn Dũng cũng kể lại việc thực hiện biện pháp tuyệt thực và kết quả của những lần đó: “ Lần tuyệt thực nhiều nhất là vào ngày 1 tháng 1 năm 2015, tức kỷ niệm 1 năm Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ra đời, mà quyền tự do tín ngưỡng họ không thực thi cho mình. Hiến pháp chỉ có trên giấy tờ chứ không có tính thực tiễn, áp dụng vào đời sống của mọi người. Lúc đó tôi tuyệt thực 12 ngày đòi hỏi quyền lợi về sách tôn giáo, họ vẫn không cho mình đọc. Vào tháng 12 năm 2014, họ chuyển từ K5 Trại giam Thanh Hóa, tức là thời điểm trại Thanh Cẩm chuyển về K 3 Thanh Hóa thì trong buồng có TV và quạt điện, còn sách tôn giáo họ vẫn không cho mình đọc.” Tiếp tục con đường đã chọn Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật trong ngày đầu ra khỏi trại giam có những chia xẻ như sau: “ Có một điều phải nói rằng có một điều mà tôi sẽ không bao giờ đánh đổi những gì mà tôi đã trải qua vì đó là một bài học vô giá. Bài học để tôi có thể nhìn nhận về con người, trong đó tôi nhận thấy rằng một xã hội không đặt nền tảng trên sự bình đẳng, không đặt nền tảng trên công lý và yêu thương giữa con người với nhau thì đừng nói gì đến văn minh hay tiến bộ cả. Tôi nghĩ rằng tôi cần phải trả món nợ đó. Món nợ đối với gia đình của tôi, những người yêu thương tôi, món nợ đối với tổ quốc nơi tôi dã sinh ra trong tư cách một công dân- nơi mà người dân của tôi dường như đang bị những áp bức không cần thiết; và món nợ với niềm tin mà tôi đã sống, và nhờ đó mà tôi vượt qua được những năm tháng tù đày. Tôi nghĩ rằng tôi luôn sống trong tư cách của một người công dân, và với tôi là người có niềm tin, tôi sẽ sống như tôi cần phải sống; tôi thấy rằng tôi sẽ luôn tôn trọng tất cả mọi người như tuân thủ pháp luật, nhưng tôi là một con người tự do nên tôi sẽ hành xử như một con người tự do.” Tất nhiên sẽ có một số vấn đề, sắp đến họ sẽ tìm cách trù dập mình, họ làm một số vấn đề cho mình nhụt chí. Đối với những vấn đề đó tôi đã chuẩn bi tâm lý sẵn sàng rồi, cần thiết cũng có thể đi vào tù lần thứ hai Thái Văn Dung Thái Văn Dung cũng cho biết hướng công việc hiện nay của bản thân: “ Mình công khai hoạt động nên bây giờ mình hoạt động một số vấn đề về các tổ chức xã hội dân sự, đấu tranh đòi những quyền lợi chính đáng mà con người chúng ta cần được hưởng. Tất nhiên sẽ có một số vấn đề, sắp đến họ sẽ tìm cách trù dập mình, họ làm một số vấn đề cho mình nhụt chí. Đối với những vấn đề đó tôi đã chuẩn bi tâm lý sẵn sàng rồi, cần thiết cũng có thể đi vào tù lần thứ hai.” Xin được nhắc lại anh Phao lô Trần Minh Nhật bị bắt tại Sài Gòn vào ngày 27 tháng 8 năm 2011 và bị kết án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. Tuy nhiên theo anh này thì tại phiên phúc thẩm, tại tòa Hội đồng xử án chỉ tuyên bố anh bị 4 năm tù giam mà không nói gì đến quản chế, thế nhưng trong văn bản lại có. Anh tỏ ra thắc mắc về cách làm việc này của tòa Việt Nam. Giaon Thái Văn Dung bị bắt vào ngày 19 tháng 8 năm 2011 tại Hà Nội. Anh bị kết án 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Trong nhóm những thanh niên Công giáo- Tin Lành bị đưa ra xét xử ở Vinh có 2 người chịu mức án cao nhất 13 năm tù cho mỗi người là Hồ Đức Hòa và Đặng Xuân Diệu. Nhóm này còn có Nguyễn Đặng Minh Mẫn hiện thụ án 8 năm tù tại Trại giam Yên Định, Thanh Hóa. Đây cũng là nơi giam giữ cô Tạ Phong Tần, bị tuyên án 10 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’. http://www.rfa.org/…/new-release-2-prison-of-concien-082720…
......

Mặt trận truyền thông của đảng

Trong Đại hội lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ở Hà Nội ngày 9/8/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo truyền thông báo chí nhà nước cần tỉnh táo trước thông tin lợi dụng dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, lợi dụng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ và chia rẽ nội bộ. Những chỉ đạo vừa kể của ông Nguyễn Phú Trọng được ông Nguyễn Bắc Son, bộ trưởng bộ Thông Tin và Truyền Thông, lập lại trong đại hội Đảng bộ Bộ TT&TT lần thứ IV hôm 20/8 vừa qua, nhưng lần này ông Nguyễn Bắc Son nhắm vào môi trường internet. Ông Nguyễn Bắc Son nói rằng: “Các thế lực thù địch vẫn tăng cường lợi dụng môi trường internet để tuyên truyền, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ; kích động, xúi giục các phần tử cơ hội, thoái hóa chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, gây chia rẽ nội bộ”. Nhìn chung thì những chỉ đạo của ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bắc Son cho truyền thông đảng chẳng khác gì nhiều so với những chỉ đạo tương tự của ông Trương Tấn Sang 5 năm trước, hay thậm chí của ông Nông Đức Mạnh 10 năm trước. Có khác chăng là thêm những cảnh giác, đề phòng về các vấn đề mà trước đây đảng chưa phải bận tâm nhiều; chẳng hạn như đa nguyên, đa đảng, minh bạch thông tin, v.v... Như thế có nghĩa là, mặc cho sự liên tục “tăng cường lãnh đạo của đảng”, những chỉ đạo dồn dập của lãnh đạo đảng trên trận địa thông tin, cả hai mặt trận báo chí và internet của đảng đều ngày càng trở nên bị động, co cụm trước sự lớn mạnh của truyền thông tự do trong thời đại tin học ngày nay. Một thí dụ gần đây nhất cho tình trạng trên là chỉ trong tháng 7 vừa qua, vụ tướng Phùng Quang Thanh, vụ bình nước miễn phí cho dân nghèo ở Hà Nội và vụ xây dựng tượng đài ông Hồ Chí Minh ở Sơn La; trong cả ba vụ việc, báo chí và truyền thông lề đảng gần như bị tê liệt trước sự tấn công tới tấp của truyền thông lề dân, đặc biệt là trên mạng xã hội. Truyền thông lề dân không có những lợi thế để được tiếp cận thông tin như truyền thông lề đảng, nên có khi chỉ dựa vào những tin đồn trong những chuyện mờ ám cấp cao, về bí mật cung đình, về đấu đá nội bộ trong thượng tầng lãnh đạo đảng, về sự lũng đoạn của các nhóm đặc quyền... Tuy nhiên, do không phải tránh nét các “vùng nhạy cảm”, cùng sự phân tích logic, rạch ròi để làm sáng tỏ vấn đề; truyền thông lề dân thường đáp ứng được sự khao khát thông tin của công chúng. Đó là hệ quả tất yếu của một xã hội bất minh, sự thật bị che giấu, sự dối trá lên ngôi và quyền được thông tin của người dân không được tôn trọng. Thế nhưng đối với đảng CSVN, một đảng vốn có bản chất bất minh, thì lãnh đạo đảng không dám nhìn vào sự thực đó, nên họ thường biện minh bằng cách “đổ lỗi”. Trước đây thì đổ lỗi cho “hậu quả chiến tranh”, cho “tàn dư mỹ ngụy”, nay thì đổ lỗi cho “các thế lực thù địch”. Khi ông Nguyển Phú Trọng cảnh giác báo giới về những tin tức lợi dụng phòng chống tham nhũng để bôi xấu chế độ thì người ta tự hỏi có loại tin tức nào bôi xấu chế độ cho bằng lời phát biểu của ông: “Bây giờ ra khỏi nhà, cái gì cũng phải tiền, không tiền không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có, như ngứa ghẻ, rất khó chịu.”;hoặc lời phát biểu của ông chủ tịch nước Trương Tấn Sang rằng: “Trước kia chỉ có một con sâu làm rầu nồi canh. Nay thì nhiều con sâu lắm! Nghe mà thấy xấu hổ. Không nhẽ cứ để mãi như vậy, mai kia người ta nói là cả một bầy sâu, tất cả là sâu hết. Thế đâu có được! Một con sâu đã nguy hiểm rồi. Một bầy sâu là chết cái đất nước này!”; hay lời phát biểu của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan rằng: “Bây giờ người ta ăn của dân không chừa một thứ gì“. Thế lực thù địch nào có khả năng tạo nên những vấn đề nhức nhối mà những người lãnh đạo cao nhất của đảng phải thừa nhận như vừa kể? Thế lực thù địch nào “bắt“ ông uỷ viên trung ương đảng Trần Văn Truyền “phải“ sở hữu đến mấy toà lâu đài? Hoặc “dụ“ được giám đốc công an Quảng Nam xây dựng trái phép một biệt thự 100 tỉ đồng trong rừng đặc dụng Hải Vân? Thế lực thù địch nào “nhúng tay“ vào đời tư của bác chủ tịch Nguyễn Trường Tô nằm tô hô (với nữ sinh tuổi vị thành niên) mà hình ảnh được tán phát để bàn dân thiên hạ thấy mặt thực “đời sống đạo đức“ của một trong những lãnh đạo cao cấp của đảng? Và còn bao nhiêu điều tương tự? Còn bao nhiêu “đồng chí chưa bị lộ“? Người ta có thể đặt ra hàng trăm hàng ngàn những câu hỏi về “âm mưu của thế lực thù địch“ như vừa kể, nhưng ở đây cũng nên nhắc lại một điều hiếm thấy khi người bên ngoài được biết đến. Đó là việc ông Nguyễn Phú Trọng đã phải “nghẹn ngào“ trên TV sau khi ông bị thua trong cuộc đấu đá với “đồng chí X“. Thế lực thù địch nào đã gây chia rẽ được thượng tầng lãnh đạo đảng như vậy? Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Bắc Son cảnh giác giới truyền thông lề đảng về điều mà các ông gọi là thế lực thù địch lợi dụng tự do dân chủ đòi đa nguyên đa đảng, gây nghi ngờ chia rẽ nội bộ trong những ngày tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 sắp đến, để yêu cầu báo chí cần tỉnh táo, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu “xuyên tạc, bịa đặt“. Hẳn là cả ông Trọng và ông Son đều biết rất rõ là Hiến pháp Việt Nam hiện hành không có điều khoản nào cấm lập hội, lập đảng. Không những thế, chính ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã từng khẳng định “người dân có quyền làm những điều luật pháp không cấm”. Như vậy, những điều ông Trọng và ông Son cảnh giác ở trên đều vi hiến và vi phạm luật pháp (thế nhưng không thấy ông Nguyễn Tấn Dũng lên tiếng về điều này). Như vậy làm sao truyền thông lề phải có thể “kiên quyết đấu tranh phản bác“ những đòi hỏi hợp hiến, hợp pháp được? Cả hai ông (Trọng và Son) đều yêu cầu báo giới và truyền thông cần quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng. Thế nhưng, trong thời đại tin học ngày nay mỗi người dân đều có thể trở thành một chiến sĩ thông tin để cung cấp nhanh chóng cho quần chúng những sự thực về tình hình đất nước, về những đấu đá trong nội bộ đảng, về sự bán đất dâng biển cũng như sự quỵ luỵ của đảng đối với Trung Cộng, v.v..., truyền thông lề dân vừa soi mòn cột trụ truyền thông đảng, vừa chủ động hướng dẫn dư luận, trong khi báo đảng lúng túng như gà mắc tóc, cuối cùng phải chạy theo dư luận. Trong tình trạng như vậy thì những yêu cầu vừa kể của lãnh đạo chỉ là ước mơ không bao giờ thành sự thực. Đến đây cũng nên mở một dấu ngoặc để nhìn vấn đề một cách rộng lớn hơn, nhân việc một cậu học sinh 14 tuổi nhận định nền giáo dục của đảng nay đã “thối nát“ lắm rồi, cần một cuộc cách mạng để thay đổi; người ta thấy không chỉ lãnh vực giáo dục, mà toàn bộ các lãnh vực khác cũng đều thối nát. Chính cái đảng đang lãnh đạo đất nước và xã hội hiện nay cũng vừa thối vừa nát (không còn hình thù gì nữa), vì vậy cũng cần phải có cuộc cách mạng để tống khứ nó đi thì đất nước mới khá lên được. Tóm lại, truyền thông của đảng có thể đã có thời là vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng trên mặt trận tư tưởng và từng được đảng tặng thưởng nhiều loại huân chương “ăn giỗ“ như huân chương Sao Vàng, huân chương Hồ Chí Minh, v.v..., nhưng đó là thời còn những “bức màn tre, màn sắt“ để bưng bít, để đảng độc quyền. Thời đó xa lắm rồi! Nay mọi góc cạnh thâm u của đảng đều bị truyền thông tự do soi rọi, để lộ rõ ra mọi thứ đều thối nát. Truyền thông của đảng thì bị cùn lụt, lại không còn mảnh vườn hoang để múa gậy nữa. Vì thế trận địa truyền thông của đảng ngày càng co cụm và dần dần bị vỡ trận là thế!
......

Nội Bộ Lãnh Đạo CSVN Trước Thềm Đại Hội Đảng XII

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/08/20150823-ctm-... Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Trong những ngày vừa qua, báo chí tại Việt Nam đã loan tải về bản kết luận điều tra của Ban thanh tra chính phủ về việc ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sài gòn đã để thất thoát 3,390 tỷ đồng tương đương với non 200 triệu Mỹ Kim tiền thuê, sử dụng đất của thành phố có nguy cơ không thu được. Đồng thời qua bản kết luận, Ban thanh tra chính phủ còn cho biết là các sở, ngành, huyện dưới quyền chỉ huy của ông Lê Hoàng Quân đã không thực hiện đúng trình tự, thủ tục về kê khai, không kê khai giá trị nhà và đất, tức là không minh bạch về tài sản. Bản kết luận điều tra của Ban thanh tra chính phủ phổ biến ngay vào lúc đảng CSVN đang cho tổ chức hàng loạt các đại hội cấp cơ sở để bầu lại thành phần lãnh đạo cấp đảng ủy trong 5 năm tới. Đặc biệt là đảng ủy Sài Gòn sẽ bầu lại thành phần lãnh đạo, trong đó ông Lê Hoàng Quân - đang là phó Bí thư - có nhiều triển vọng lên làm Bí thư thành phố thay thế ông Lê Thanh Hải sẽ về hưu. Để tìm hiểu những bí ẩn đàng sau bản kết luận của Ban thanh tra chính phủ và tương lai chính trị của ông Lê Hoàng Quân, xin mời quý vị theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay. Thanh Thảo: Trước hết ông có nhận định ra sao về việc Ban thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra trách nhiệm đối với ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Sài Gòn trong lúc đảng CSVN chuẩn bị đợt thay đổi nhân sự cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Lý Thái Hùng: Trong bản kết luận thanh tra trách nhiệm đối với ông Lê Hoàng Quân của Ban thanh tra chính phủ đã nêu lên 3 điểm: 1/ Để thất thoát tài chánh lên khoảng 200 triệu Mỹ Kim; 2/ Thanh tra các sở, ngành, huyện trực thuộc làm việc sơ sài tức làm lấy có; 3/ Ít tiếp dân tức là không gần gũi dân chúng. Những điểm chỉ trích và quy trách nhiệm cho ông Lê Hoàng Quân nói trên không phải là điều mới lạ trong bộ máy quan liêu của chế độ Hà Nội. Nó bàng bạc ở hầu hết các Tỉnh, Thành cũng như các cơ quan trong bộ máy đảng và nhà nước vì nhu cầu “cộng sinh” giữa các quan chức của chế độ. Cán bộ không thể sống với đồng lương rẻ mạt nên đã đẻ ra tình trạng “cộng sinh” trong mọi cơ quan để giúp nhau mà sống, nên tạo ra hiện tượng tham ô nhũng lạm càng lúc càng tệ hại do độc tài, bưng bít thông tin, thiếu trong sáng, vô luật lệ và hệ thống cường quyền tạo ra điều mà chính ông Trương Tấn Sang đã mô tả là một bầy sâu. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao vào lúc này, Ban thanh tra chính phủ lại đưa ra bản kết luận thanh tra và yêu cầu ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm của ông Lê Hoàng Quân, nhằm vào mục tiêu gì? Thứ nhất, ông Lê Hoàng Quân là một ủy viên Trung ương đảng, hiện đang là phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn kiêm chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố. Ông Lê Hoàng Quân được mô tả là cánh tay mặt của đương kiêm Bí thư Thành ủy Sài gòn Lê Thanh Hải. Ông Quân sinh năm 1953, còn trong hạn tuổi có thể trở thành Bí thư Thành ủy và bước vào Bộ chính trị trong kỳ đại hội XII diễn ra vào tháng 1/2016. Thứ hai, nội dung kết luận thanh tra đa số đề cập về sự yếu kém của ông Lê Hoàng Quân trong việc chỉ đạo hành chánh, kiểm tra các sở, huyện về quản lý đất đai, tài chánh hay kê khai tài sản. Nói cách khác là kết luận thanh tra cho thấy ông Lê Hoàng Quân không xứng đáng là một chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố vì không có khả năng chỉ đạo. Thứ ba, bản kết luận thanh tra được công bố hai tháng trước khi Thành ủy Sài Gòn họp đại hội để bầu lại thành phần nhân sự lãnh đạo cho 5 năm tới (2015 – 2020) chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp chính trị của ông Lê Hoàng Quân. Nói cách khác, bản kết luận thanh tra tung ra vào lúc này là nhằm triệt hạ ông Lê Hoàng Quân và những người liên hệ. Tóm lại, kết luận thanh tra là một âm mưu của một phe nhóm nào đó tung ra để dọn đường cho người của họ nắm quyền lực Thành ủy Sài Gòn trong 5 năm tới. Thanh Thảo: Nếu dựa trên những phân tích của ông thì phe nhóm nào đứng đằng sau vụ tấn công nhằm triệt hạ ông Lê Hoàng Quân? Lý Thái Hùng: Ban thanh tra chính phủ trực thuộc sự chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng chính phủ. Do đó, ta có thể thấy ngay phe nhóm chủ lực triệt hạ ông Lê Hoàng Quân là ai. Hơn thế nữa, trong khi bản báo cáo được gửi lên Thủ tướng, thì một vài tờ báo như Một Thế Giới, VnExpress, Thời Báo Kinh Tế Việt Nam đã phổ biến một số nội dung dưới tựa đề mang tính giật gân; thí dụ báo Một Thế Giới: “Những sai phạm khó tin ở TP Sài Gòn dưới quyền Chủ tịch Lê Hoàng Quân”. Điều này ai cũng thấy rõ là phe Nguyễn Tấn Dũng muốn triệt hạ Lê Hoàng Quân, vây cánh của Lê Thanh Hải, đương kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn để đưa người của họ vào thay thế. Theo sự phân tích của nhiều nhà bình luận quốc tế thì Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân thuộc cánh của Nguyễn Phú Trọng. Nhân vật mà phe ông Nguyễn Tấn Dũng muốn đưa lên thay thế là Võ Văn Thưởng, hiện là phó bí thư thường trực Thành ủy Sài Gòn. Ông Thưởng trước đây là Bí thư Tỉnh Quảng Ngãi, nhưng được hoán chuyển vào làm việc ở Sài Gòn vào tháng 4/2014. Thanh Thảo: Nếu như đại hội toàn đảng XII dự kiến khai mạc đầu năm 2016, thì ngay thời điểm này, Hội nghị lần thứ 11 của Trung ương đảng đã phải họp vào tháng 7 hay tháng 8, để sắp xếp nhân sự và chung quyết về đường lối, nhưng lý do gì Trung ương đảng chưa nhóm họp thưa ông? Lý Thái Hùng: Ban chấp hành trung ương đảng gồm 175 ủy viên chính thức và 25 ủy viên dự khuyết họp 6 tháng 1 lần tại Hà Nội và phiên họp thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày. Ban chấp hành trung ương đảng nhiệm kỳ XI (2011-2015) cho đến nay đã họp 10 kỳ hội nghị. Hội nghị 10 đáng lý ra họp vào tháng 10/2014 nhưng đã dời đến tháng 1/2015. Trên nguyên tắc thì Ban chấp hành trung ương XI sẽ còn họp 2 khóa 11 và 12 trong năm nay, nếu Bộ chính trị CSVN vẫn còn giữ ý định tổ chức Đại hội XII vào tháng 1/2016. Đáng lý ra, Hội nghị 11 của Ban chấp hành Trung ương đã phải nhóm họp. Hội nghị này rất quan trọng vì phải làm hai quyết định tối cần: 1/ Đường lối, chính sách cho 5 năm tới; 2/ Nhân sự lãnh đạo trong Trung ương đảng, Bộ chính trị và nhất là nhân sự trong bộ tứ (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) cho 5 năm tới. Sự kiện Hội nghị 11 chưa có thể nhóm họp, đưa đến hai nghi vấn: Thứ nhất là chưa đạt được sự thống nhất về đường lối trong Trung ương đảng, đặc biệt là các chính sách về kinh tế, an ninh quốc phòng để đáp ứng tình hình mới. Thứ hai là có sự đấu đá gay gắt giữa các phe nhóm về vấn đề nhân sự lãnh đạo trong bộ tứ, do bàn tay khuynh loát của Trung Quốc. Chính việc Hà Nội cố tạo hình ảnh “bình thường hóa” sự hiện hữu của Tướng Phùng Quang Thanh sau những thông tin bất thường về tướng Thanh, cho thấy là áp suất của Trung Quốc vẫn còn đè nặng lên vấn đề sắp xếp nhân sự của lãnh đạo CSVN. Nói tóm lại, Hà Nội chưa có thể triệu tập Hội nghị lần thứ 11 Trung ương đảng là vì sự xung khắc giữa các nhóm quá lớn, do những tiến thoái lưỡng nan trong mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay. Thanh Thảo: Nhiều nhà quan sát cho rằng lãnh đạo CSVN đang xoay trục từ Trung Quốc chuyển sang Hoa Kỳ và Nhật Bản để giảm thiếu các ảnh hưởng của Trung Quốc, kể từ khi ông Trọng gặp Tổng thống Obama hồi tháng 7/2015 vừa qua. Ông nghĩ sao về điều này? Lý Thái Hùng: Nhìn trên mặt hiện tượng thì đúng là Hà Nội đang chuyển từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ, qua chuyến viếng thăm Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 10 tháng 7 vừa qua của ông Nguyễn Phú Trọng. Tuy nhiên ở đây chúng ta cần phải hiểu là CSVN đang muốn “chuyển” điều gì từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ và tại sao họ phải “chuyển”. Từ năm 1990 cho đến năm 2014, mối quan hệ giữa CSVN và Trung Quốc bao trùm lên mọi lãnh vực từ đảng, kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, tình báo, văn hóa vân, vân… Từ khi xảy ra vụ Trung Quốc mang giàn khoan HD 981 vào sâu trong thềm lục địa Việt Nam (tháng 5/2014) và cho bồi đắp 7 đảo nhân tạo và xây căn cứ quân sự (2013-2015) tại Trường Sa, CSVN thấy rằng Trung Quốc không những không còn là chỗ dựa an toàn mà còn đe dọa đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cụ thể là Bắc Kinh có thể đánh chiếm 21 đảo, bãi đá chìm mà Hà Nội đang kiểm soát trong quần đảo Trường Sa. CSVN tiếp cận với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhắm vào 3 yêu cầu: Thứ nhất là mua vũ khí sát thương của Hoa Kỳ, nhận viện trợ (hiện nay là tàu bè) từ Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển Đông. Thứ hai là đàm phán để gia nhập vào TPP. Đây là thị trường rất quan trọng cho CSVN để không chỉ đưa nền kinh tế hòa nhập với các cường quốc mà để giảm bớt sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Thứ ba là qua sự ủng hộ tích cực của Hoa Kỳ và Nhật Bản, khối ASEAN sẽ gia tăng đoàn kết để áp lực Trung Quốc phải nghiêm chỉnh chấp nhận đàm phán đa phương, nhất là thi hành bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Như vậy vấn đề “chuyển trục” của CSVN nói trên chỉ là nhằm giải quyết bài toán biển Đông với hai áp lực có ảnh hưởng trực tiếp lên sự tồn vong của chế độ, đó là: bản chất nham hiểm và bá quyền của Trung Quốc, và sự phân hóa trong thượng tầng lãnh đạo CSVN giữa hai khuynh hướng thoát Trung và bám Trung. Việc CSVN đi gần hơn với Hoa Kỳ không nhằm đưa đất nước hòa nhập vào thế giới tự do dân chủ và dứt khoát thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc, mà chỉ quanh quẩn trong ngõ hẹp của sự bảo vệ quyền lực độc tôn, tư duy nô lệ Bắc Triều, và vấn nạn Hán Hóa quá sâu không còn rút chân ra được nữa. Điều này đã giải thích lý do vì sao ông Nguyễn Phú Trọng vẫn còn những tuyên bố như: “tiếp tục duy trì mối quan hệ để cùng tồn tại và không làm lớn chuyện các khác biệt, gây đổ vỡ quan hệ láng giềng hữu nghị”, để tránh né không làm Bắc Kinh khó chịu. Thanh Thảo: Một cách tổng quát, tình hình đảng CSVN hiện nay ra sao và liệu sự chuyển giao quyền lực giữa ông Trọng với một Tổng bí thư mới có suông sẻ hay không? Lý Thái Hùng: Trong 16 thành viên của Bộ chính trị hiện nay, có 10 thành viên gồm các ông Nguyễn Phú Trọng (1944), Nguyễn Sinh Hùng (1947), Ngô Văn Dụ (1947), Tô Huy Rứa (1947), Lê Hồng Anh (1949), Nguyễn Tấn Dũng (1949), Phạm Quang Nghị (1949), Trương Tấn Sang (1949), Phùng Quang Thanh (1949), Lê Thanh Hải (1950) sẽ phải từ nhiệm vì vượt quá giới hạn tuổi 65. 6 thành viên còn lại Đinh Thế Huynh (1953), Nguyễn Thị Kim Ngân (1954), Tòng Thị Phóng (1954), Nguyễn Xuân Phúc (1954), Trần Đại Quang (1956) – có nhiều xác xuất không là tất cả – được tái nhiệm. Nhưng những nhân vật này không có đủ khả năng để được đưa lên làm Tổng bí thư thay thế ông Nguyễn Phú Trọng. Vì thế, 2 trong 10 thành viên phải từ nhiệm ở trên có thể được chọn làm Tổng bí thư đảng cho nhiệm kỳ XII (2016-2021). Đó là các ông Nguyễn Phú Trọng (lưu nhiệm) và Nguyễn Tấn Dũng. Trong thời gian qua, ông Nguyễn Tấn Dũng có rất nhiều ảnh hưởng đối với Trung ương đảng nhờ những ban phát về quyền lợi phe nhóm, và là nhân vật có những phát biểu đi gần với Mỹ và Nhật trong vấn đề biển Đông, nên có nhiều xác suất được bầu vào trách vụ Tổng bí thư. Tuy nhiên qua chuyến viếng thăm Hoa Kỳ và Nhật Bản gần đây, ông Nguyễn Phú Trọng đã chứng tỏ bản lãnh có thể “nói chuyện” với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc để làm an lòng khối đảng viên thân Tàu và muốn thoát Tàu. Do đó có thể ông Trọng lại được lưu nhiệm thêm một nhỉệm kỳ 5 năm. Do những diễn tiến phức tạp giữa hai phe Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng như vậy nên Hội nghị lần thứ 11 của Ban chấp hành Trung ương đảng chưa triệu tập là vì vậy. Thanh Thảo: Cảm ơn ông Lý Thái Hùng Nguồn: http://radiochantroimoi.com/
......

Khi Thứ trưởng Trương Minh Tuấn ra tay!

“Báo chí phải ngừng khai thác thông tin tội ác câu khách”: đó là thông điệp mà Thứ trưởng Bộ 4T Trương Minh Tuấn đưa ra cho báo chí trong nước như một giới hạn cuối cùng. Trong cuộc họp với các báo tuần này, ông thứ trưởng được mô tả như rất “bức xúc” trước tình trạng hàng loạt tờ báo trong thời gian qua đã ào ạt khai thác tin tức từ những vụ án giết người với mục đích câu khách. Người ta có cảm tưởng như mọi tội lỗi đều được trút lên đầu đám nhà báo tội nghiệp, đồng thời cũng là những người được Bộ Thông tin và Ban tuyên giáo nắm chặt và dạy dỗ trong bao lâu nay. Ông đã hỏi các nhà báo có mặt trong buổi họp rằng: các bạn nghĩ gì khi mỗi sáng cầm tờ báo, thấy tràn lan những thông tin man rợ được báo chí thêu dệt thêm? Dĩ nhiên, những người có mặt chẳng cần nghĩ gì vì lâu nay họ quen để cho nhà nước nghĩ thay trong mọi vấn đề thuộc về tin tức. Mặc dù đây là một tình trạng mà các báo không thể chối cãi, nhưng đó là kết quả của một thực trạng mà đáng lẽ trong cương vị một người thứ trưởng, ông Tuấn phải biết. Thực trạng xã hội đó bùng nổ gần như khắp nước không phải không có lý do. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8/2015 tại Nghệ An, Bình Phước, Quảng Trị, Yên Bái liên tiếp xảy ra những vụ án giết nhiều người trong cùng gia đình. Nguyên nhân gây ra những vụ “thảm sát” theo các báo tường thuật, chỉ vì những lý do rất cỏn con khiến dư luận bàng hoàng đặt nhiều câu hỏi. Không cần là một nhà xã hội học, người ta cũng nhìn ra một xã hội mà nhân tính con người đang đảo lộn đến tận cùng. Từ những vụ bình thản đánh đập người trộm chó đến chết, tới hàng loạt vụ trọng án gần đây, dường như sự mất nhân tính đã trở thành phổ biến. Nhưng cũng không ai ngạc nhiên. Sau 40 năm cai trị đất nước, chế độ đã biến đổi nhanh chóng những con người hiền hòa trở thành vô cảm, không còn phân biệt thiện ác. Trong xã hội, nhìn đâu cũng thấy cảnh bạo lực và chính lực lượng công an của nhà nước chứ không ai khác, là kẻ thủ ác mà hiếm khi bị pháp luật trừng trị. Họ là tấm gương đen tối cho kẻ xấu nhìn vào soi chung. Sự kiện các báo đua nhau khai thác tin tức các vụ án không chỉ để câu khách thông thường, mà họ nghĩ đây là một khu vực an toàn nhất vì những tin loại này có vẻ vô thưởng vô phạt. Nắm quyền sinh sát toàn bộ báo chí quốc doanh trong tay, nhưng ông thứ trưởng có vẻ quên những gì Phó ban tuyên giáo Vũ Ngọc Hoàng tuyên bố hồi tháng 6/2015. Báo chí Việt Nam là một nền báo chí “4 sợ” lẫn “4 không”. Sợ viết sai, sợ nói sai, sợ bị đánh giá, sợ bị quy chụp quan điểm; nên không tìm hiểu, không nghiên cứu, không viết, không phản ảnh. Tránh né mọi đề tài chính trị xã hội “nhạy cảm”. Và thay vào đó, những vụ cướp của, giết người, hiếp dâm xảy ra hàng loạt trong xã hội chính là những đề tài để các báo khai thác tự do, an toàn mà không phải sợ điều gì. Trong lãnh vực này, nhà báo có thể moi tin ở công an điều tra, tha hồ tung hoành với những tình tiết có thể giúp tờ báo bán chạy. Hơn là ngồi chờ tin tức về sức khỏe ông Phùng Quang Thanh từ bộ đưa xuống để viết theo đúng từng câu chữ. Chẳng qua đó cũng chỉ là một cách phản ứng của báo chí để lấp đầy khoảng trống của tin tức một chiều mà ngày nay không còn ai muốn đọc. Một xã hội không lành mạnh dĩ nhiên dẫn tới một loại báo chí càng ngày càng thiên về “lá cải” để thỏa mãn thị hiếu quần chúng. Bất kể những lời rao giảng về đạo đức nghề nghiệp hay trách nhiệm với cộng đồng, mục tiêu mà đảng đề ra cho báo chí “xây dựng lòng tin vào đảng” chỉ còn là lời nói suông. Mặt khác, có thể nói chính vì báo chí bị nắm quá chặt, bị định hướng quá nặng nề nên tình trạng báo chí quốc doanh sa lầy vào việc khai thác các vụ giết người rùng rợn để câu khách chỉ là hệ quả tất yếu. Đó là nhu cầu phải có độc giả để sống vì độc giả lâu nay đã hầu như quay lưng với loại tin tức một chiều khô cằn. Đây chính là cơ hội tốt để các báo sinh tồn bằng cách cùng nhau lao vào tận tình khai thác những chi tiết giật gân nhất. Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cuối cùng phải đưa pháp luật ra răn đe, đòi “xử lý nghiêm khắc những cơ quan báo chí vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động báo chí”. Nhưng cách giải quyết của ông thật ra cũng không giải quyết được gì. Đây chỉ là một kiểu định hướng trong quản lý, khi bộ cảm thấy sự xé rào hay quá đà thì đe dọa dùng luật lệ để đưa báo chí trở về lề đảng. Gốc rễ của sự sai lầm đối với báo chí không được những người cầm đầu Bộ TT-TT nhìn thấy. Báo chí là công cụ của đảng để vo tròn bóp méo trong tay nên nền tảng của đệ tứ quyền hay yếu tố tự do của báo chí đã bị triệt tiêu từ đầu và chỉ còn trên văn bản hiến pháp làm mẫu. Cho nên dù có mang cả tổng biên tập ra tòa, dù có siết chặt sợi dây thòng lọng quanh cổ họ, khuynh hướng “lá cải” vẫn tồn tại dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Điều tốt hơn hết, nhà nước cộng sản cần trả lại vai trò đích thực của đệ tứ quyền cho xã hội pháp quyền, trong đó độc giả là người phán xét cuối cùng, chứ không phải nhà nước. Chỉ khi nào báo chí được hoàn toàn tự do, phẩm chất của báo chí không cần bàn tay phù thủy của Bộ 4T cũng nhanh chóng được khôi phục và nâng cao. Nhưng đó là một ước mơ và ước mơ ấy chỉ có thể thành hiện thực khi sự độc quyền chính trị ra đi.
......

Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ

  Câu nói xưa của ông bà để lại, nghe mà đáng giá. Lời trẻ con thật thà, có thể nói lên được những điều mà người lớn đã quên hoặc né tránh. Chuyện cậu bé lớp 8 ở Hà Nội bình luận về hiện trạng giáo dục Việt nam đang trở thành sự kiện gây tranh cãi ở nhiều nơi là một ví dụ. Giờ đây, bất luận các ý kiến phản đối hay ủng hộ cách thể hiện của cậu bé này, thì vấn đề xuống cấp của giáo dục Việt Nam được đặt ra rất rõ ràng, quả thật đang nhức nhối trong tim của hàng triệu phụ huynh.   Sự kiện này xảy ra vào ngày 12 tháng 8, trong buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 do nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn phụ trách và soạn thảo. Phần phát biểu của một học sinh lớp 8, tên là Vũ Thạch Tường Minh, trường Amsterdam, về sự ì ạch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, cũng như khát vọng đổi thay của em, được nói rõ bằng tuyên bố “nếu các vị Bộ trưởng không làm, thì khi nào con thành Bộ trưởng Bộ giáo dục, con sẽ làm”. Trong băng ghi âm sống động, được phát đi nhiều nơi trên mạng xã hội, nhiều trang báo điện tử… người ta nghe thấy vỗ tay rầm rộ của giới phụ huynh, giới giáo viên… tham dự buổi ra mắt ấy. Trong tiếng vỗ tay ấy, rõ là có những góc tối ẩn ức được chạm tới, khiến cho nhiều người lớn phải bật ra tán thưởng. Tình trạng khủng hoảng của ngành giáo dục Việt Nam đã trở nên hết sức trầm trọng, thậm chí đến một học sinh trung học cũng cảm thấy bất đồng. Sự bất đồng không chỉ mới hôm nay mới có, mà đã hàng chục năm người ta chịu đựng, hàng chục năm ngơ ngẩn bàng hoàng nhưng vì ngán ngại và thỏa hiệp mà hầu hết các người lớn, phụ huynh chọn sự im lặng. Đường đến tương lai thật xa, ông bà Việt xưa chắc không hình dung trong ngôi nhà quê hương mình hôm nay, kẻ lớn đang loay hoay cày xới, cải cách trong vốn liếng sân vườn rách nát mình, và cứ tưởng đó là xây dựng bình nguyên của cả dân tộc. Đường xa chắc chẳng còn trông mong gì ở người già chỉ lối. Chỉ còn tiếng trẻ vang lên. May thay! Tiếng vỗ tay và sự truyền đi nhanh chóng của cậu bé lớp 8 ấy, chỉ nối tiếp những phát biểu thẳng thắn đối với ngành giáo dục. Nhiều đoạn video tự quay, tải lên trên mạng internet, đã cho thấy không ít sinh viên, học sinh phản ứng vể các chương trình giáo dục, đường lối giảng dạy lịch sử, chính trị Mác-Lê… đã không còn hợp thời nữa. Hôm nay, tốc độ lan truyền của đoạn ghi âm ấy, không chỉ là chuyện trẻ con, mà chính ngay người lớn cũng đã quá mỏi mệt và giật mình khi được nhắc nhở rằng mình đang rơi lại phía sau, trên đường chạy vào tương lai bằng đôi chân sự thật. Nhiều đời Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam, không ít gia đình cứ hy vọng rồi thất vọng. Thất vọng chồng thất vọng cao như núi. Ngoài những bộ áo sang trọng hơn, những dự án khổng lồ tiền tỷ hoặc những kiểu học đòi mị dân, đánh bóng bản thân, thì các vị lãnh đạo ngành giáo dục đã chẳng đem lại được điều gì ngoài khủng hoảng. Đôi khi, chúng ta cũng nên tự hỏi đường chân trời đến Tân Thế Giới của các nhà lãnh đạo phiêu lưu giáo dục Việt Nam là đâu? Tại sao không bắt đầu và nối tiếp từ nền tảng sẳn có của miền Nam, mà vốn là quy chuẩn mơ ước của nhiều quốc gia châu Á khác từ thập niên 50-60?   Cũng có ý kiến cho rằng đám đông người lớn nổi loạn đang mượn miệng trẻ con, nói những điều không thuộc thế giới trẻ thơ. Thật lạ, khi cần, người ta vẫn chứng minh các thiếu niên Lê Văn Tám, Kim Đồng, Kơ-pa Kơ-Lơng, Võ Thị Sáu… là đầy đủ ý thức. Còn nếu không, thì mọi phát ngôn khác đều là bị coi là bị “kẻ xấu” xúi giục.   Một thế giới mơ về sự tốt đẹp lẽ nào đều bị xúi giục như vậy sao, từ Joshua Wong của Hồng Kông, cho đến Malala Yousafzai ở Pakistan…có thể đều bị xúi giục? Hay chỉ có trẻ con Việt Nam trong nền giáo dục yếu kém này mới không thể có tư duy riêng và bị mượn miệng nói thay?   Trong một câu chuyện cổ của Ấn Độ, kể rằng, có hai ông thầy tu ngồi trước cửa ngôi đền thờ gần dinh thự nhà quan. Ông thầy tu ngồi gần ngôi nhà quan lớn, vẫn hay cố ý đọc kinh thật to để quan lớn nghe thấy, mong được có cơ hội ban thưởng. Khi cả hai chết đi và được gặp Phật. Ngài ban tặng cho vị thầy tụng kinh thầm lặng một chiếc chén bằng vàng, còn người tụng kinh thật to là một nắm cát. Vị thầy tụng kinh to tiếng thấy vậy, tức giận phân bì. Phật im lặng nhìn ông ta rồi nói “Ngươi chỉ mượn kinh, tụng to tiếng chỉ để cho quan lớn nghe thấy, chờ một ơn mưa móc của kẻ thế tục, chứ đâu phải tụng kinh để độ thế cứu khổ? Lâu đài của ngươi xây mong manh dã tràng như cát, nên kẻ tu thân phải biết xây lại từ đầu”. Trong lao xao những lời phản biện, cũng có không ít người mượn chuyện chỉ trích quan điểm về giáo dục của cậu bé 14 tuổi, mà nghe chừng chỉ như giới thiệu bản chất cơ hội của mình với chế độ, chờ một ơn mưa móc cho phận tôi đòi, chứ nào phải nói lời cho thế gian? Cậu bé lớp 8 chắc không phải là kẻ hô hoán quan điểm để tìm lợi cho mình, khác với không ít kẻ tiểu nhân đắc chí trong xã hội hôm nay vẫn luôn tìm thấy khe lạch xum xoe của mình. Cậu bé chỉ nói ý riêng của mình, nhưng trong diễn từ ấy, người ta nhìn thấy một xã hội Việt Nam đang lắc đầu ngao ngán, bàn bạc với nhau khi nhìn thấy mình đang là vật thí nghiệm trong một trò chơi thực tế giả trí tuệ. Người ta nhìn thấy các bậc phụ huynh đã hết kiên nhẫn và ta thán ngay khi có mặt con cái của mình. Đúng, có thể cậu học sinh không nói chỉ có ý của mình, mà còn nói thay cho hàng triệu con người đang quay quắt chờ một đổi thay tốt đẹp hơn, từ những gì đã áp đặt một cách ngu xuẩn lâu nay. Lời trẻ thì có thể ngô nghê và không êm tai, nhưng lời trẻ trong ngôi nhà là sự thật, chúng ta cũng nên lặng nghe mà suy nghĩ như một người có học. Khi những người già chỉ còn biết nói dối, sợ hãi và xu nịnh, thì dân tộc Việt chỉ còn mong được nghe thêm lời của trẻ trong ngôi nhà của mình. Theo nhacsituankhanh.wordpress.com
......

TNLT Thái Văn Dung: tôi đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của con người

http://www.radiochantroimoi.com/wp-content/uploads/2015/08/20150821-ctm-... Vào lúc 9 giờ 55 ngày 19 tháng 8 năm 2015, tù nhân lương tâm (TNLT) Thái Văn Dung đã được trả tự do sau 4 năm tù giam. TNLT Thái Văn Dung quê ở xóm 4, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Anh Dung là một nhà hoạt động chống bất công xã hội. Anh cũng từng tham gia tích cực các cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược, khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam.   Anh bị bắt vào ngày 19/8/2011 lúc đang ở Hà Nội trong cùng vụ án với các thanh niên Công giáo khác. Sau đó anh bị nhà cầm quyền CSVN khép vào tội “âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo khoản 2, điều 79, Bộ Luật Hình Sự. Toà Án Nhân Dân Tối Cao phúc thẩm đã kết án anh 4 năm tù giam và 4 năm quản chế. Mời quý thính giả theo dõi buổi nói chuyện với TNLT Thái Văn Dung. Radio Chân Trời Mới: Trước tiên, xin chúc mừng anh đã về đoàn tụ với gia đình. Ngày anh ra tù cộng sản có rất nhiều anh em đến đón. Cảm nghĩ của anh thế nào khi nhìn lại những khuôn mặt thân quen sau 4 năm xa cách? Thái Văn Dung: Tất nhiên cảm nhận của mình rất là vui khi được gặp mặt một số anh em đã cùng bị bắt và đồng hành với mình và đã được thả. Còn một số anh em muốn đến [đón] nhưng đã bị ngăn cản không đến được. Radio Chân Trời Mới: Quay về 4 năm trước, năm mà nhiều anh em ở Nghệ An bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam. Anh có thể cho biết những công việc nào của anh đã khiến cho nhà cầm quyền sợ hãi và ghép anh vào tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền"? Thái Văn Dung: Thời điểm đó em sang Thái Lan tham dự khóa học do đảng Việt Tân tổ chức. Một tháng sau em lại sang Philippines tham dự Đại hội Thanh niên Sinh viên kỳ 6. Có một số thông tin có thể bị rò rỉ về một số vấn đề nào đó. Sau đó họ bắt và kết tội mình là đã tham gia vào đảng Việt Tân. Sau một thời gian thì có một số bằng chứng cụ thể, và mình công nhận mình là đảng viên của đảng Việt Tân. Radio Chân Trời Mới: Khi anh chấp nhận mình là đảng viên đảng Việt Tân thì chắc chắn anh phải rõ một điều là anh sẽ bị phân biệt đối xử, vì nhà cầm quyền CSVN luôn coi đảng Việt Tân là đảng khủng bố phải không ạ? Thái Văn Dung: Tất nhiên là gặp khó khăn, vì đảng Việt Tân được chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ghét và cho là đảng khủng bố. Nhưng theo thông tin mình nắm bắt thì đảng Việt Tân có cương lĩnh rất tốt và được cộng đồng thế giới ủng hộ. Mình rất vinh dự được kết nạp vào đảng Việt Tân và được anh em tin tưởng và mến yêu. Radio Chân Trời Mới: Anh Dung đã trải qua 4 năm tù ra sao ạ? Thái Văn Dung: Trước khi ở Giam Cứu thì ở với một số người bị án về kinh tế, sau đó về Nghi Kim thì bị giam với những người bị án hình sự. Sau phiên phúc thẩm đi chấp hành án thì mình bị giam với những người bị án hình sự; đây là những người họ cài cắm vào để theo dõi, để nắm bắt tình hình của mình. Thời gian đầu khi mình mới vào trại thì mọi việc rất khó khăn về đời sống cũng như việc ăn ở. Họ chỉ cho mình ở trong một phòng khoảng 9 mét vuông bao gồm ăn uống, vệ sinh. Cửa giam thì đóng 24 trên 24. Sau một thời gian đấu tranh đòi các quyền lợi như đài báo, TV, quạt điện.., thì tháng 12 năm 2014 họ đã xây xong một khu để nhốt các án chính trị và mình bị chuyển lên K3 này. Đời sống thoải mái hơn một chút, 2 người ở trong một buồng rộng từ 15 đến 20 mét vuông, có TV và quạt điện, có khu vận động để sinh hoạt. Khi vào tù thì mình phải mạnh mẽ, nếu không sẽ bị chính quyền đàn áp. Về mặt đấu tranh thì có hai sự việc đưa đến kỷ luật và bị cùm chân 10 ngày. Thứ nhất là vào tháng 8 năm 2013, lúc đó mình đòi các quyền lợi như được xem TV, được ra ngoài vận động và được có quạt điện. Họ không chấp nhận các đề xuất của mình, sau đó mình không vào buồng... khi chia cơm mình không vào buồng thì họ lập lệnh là "chống mệnh lệnh của cán bộ". Khi chống mệnh lệnh của cán bộ thì họ ép đưa mình xuống kỷ luật. Buồng kỷ luật khoảng 7 đến 9 mét vuông, và họ cùm chân mình 10 ngày. Vệ sinh cá nhân thì có một cái xô trong buồng, lúc nào đầy xô họ mới cho đổ. Họ cho mình mang một chiếc mền, một chiếc gối, một chiếc chiếu và một bộ quần áo của trại. Đó là đợt kỷ luật thứ nhất. Vụ kỷ luật thứ hai xảy ra vào tháng 6 năm 2014. Lúc đó ở trong buồng hai người thì không thể ở với nhau được vì ở với án hình sự có một số vấn đề mất quyền lợi cho mình nên lúc đó có đề xuất xin được ở một mình. Họ đã không đồng ý, nhưng mình vẫn xin liên tục; và cuối cùng mình quyết định khi chia cơm mình không vào buồng giam.., và họ đã đẩy mình xuống buồng kỷ luật và cùm chân mình 10 ngày lần thứ hai. Đợt này họ không cho mình đưa bất kỳ đồ dùng cá nhân nào của mình xuống buồng ngoài một chiếc chiếu và bộ quần áo đang mắc lúc đó. Radio Chân Trời Mới: Anh có bị giam chung với những tù nhân chính trị khác hoặc có gặp các thanh niên công giáo đã từng bị bắt chung với anh hông? Thái Văn Dung: Dạ không bị giam chung, nhưng có gặp Duyệt - là người bị bắt trong cùng vụ án - vào tháng 11 năm 2014. Hai anh em bị chuyển từ K5 và K6 về K3 và bị giam cùng một khu dành cho tù nhân chính trị, nhưng ở phòng giam khác nhau. Ngoài ra không gặp bất kỳ ai. Radio Chân Trời Mới: Nhìn lại những việc làm đã qua, anh có cảm thấy tiếc nuối điều gì không?   Thái Văn Dung: Thứ nhất là mình không hối hận. Khi quyết định tham gia vào con đường đấu tranh, tất nhiên mình không phải là một chính trị gia hay luật gia, mình chỉ là một công dân đấu tranh cho những quyền lợi mà mỗi người đáng được thừa hưởng. Những quyền lợi đó song hành với những vướng mắt của chế độ Cộng sản. Khi có vấn đề nào xảy ra thì họ bắt bớ và giam cầm mình. Điều đó mình đã chuẩn bị sẵn sàng tư thế, nên vụ bắt bớ này mình cũng đã chuẩn bị tâm lý và vì vậy không e ngại với bất kỳ vấn đề gì. Trong thời gian bị giam thì mình đấu tranh mạnh mẽ, không chùn bước trước sự đàn áp của Cộng sản. Nếu chùn bước thì họ sẽ được nước và đè bẹp mình. Mình đã tuyệt thực 3, 4 đợt để đòi một số quyền cơ bản của mình và mọi người. Cuộc tuyệt thực thứ nhất vào khoảng tháng 11 năm 2014 kéo dài 7 ngày để đòi các quyền lợi như được ra ngoài vận động [đi lại], xem TV, đọc báo và sách tôn giáo. Tuy nhiên họ đã không chấp nhận yêu cầu của mình. Lần tuyệt thực thứ hai xảy ra vào tháng 1 năm 2015, tròn 1 năm Hiến pháp ra đời. Vậy mà chế độ này cũng không cho mình đọc sách tôn giáo. Trong thời gian tới mình sẽ gởi đơn kiến nghị để mọi người được biết chế độ này đàn áp quyền tự do tôn giáo rất ghê gớm. Radio Chân Trời Mới: Cám ơn anh Thái Văn Dung đã dành cho đài Chân Trời Mới cuộc phỏng vấn này. Thái Văn Dung: Em cũng xin gởi lời cám ơn tất cả mọi người đã đồng hành, giúp đỡ và động viên trong lúc anh em đi tù. Nguồn: www.radiochantroimoi.com
......

XIN VIỆC VÀ NHỤC NHÃ VÌ TÌM VIỆC

Hôm qua tình cờ tôi có đọc được một bài báo của một tác giả An Yên trên báo VTC viết về một cử nhân đứng “xin việc” bên lề đường. Tôi thực sự ngạc nhiên khi người viết báo cũng như ban biên tập VTC coi hành động này như là một việc làm nhục nhã. “Xin việc” có nhục nhã không? Không, thưa các bạn. Việc một người bằng nỗi lực của bản thân tìm kiếm cho mình một cơ hội được làm việc một cách chính đáng thì không có gì là nhục. Cái nhục ở đây nên dành cho tác giả của bài viết và ban biên tập CTV thì đúng hơn. Vì sao? Chúng ta hãy xét bài báo này trên hai khía cạnh: ngôn từ và nội dung. Cử nhân đại học Anh 'đứng đường' tìm việc làm là chuyện bình thường. VỀ NGÔN TỪ Trong bài báo này có một từ mà nếu xét ra nó không có nghĩa gì cả, đó là từ “xin việc”. Tại sao phải xin việc? Xin việc để làm gì? Nếu có xin thì tất có cho, vậy ai sẽ cho chúng ta việc? Nếu họ cho chúng ta việc, vậy họ có phải trả tiền cho cái “cho” của họ không? Không biết từ bao lâu, trong xã hội chúng ta tồn tại những cái xin rất kỳ cục như: xin nhập học, xin thay đổi nhân khẩu, xin vay vốn ngân hàng, xin ly hôn … và đến cả xin việc. Ở đây tôi chỉ bàn về hai chử “xin việc”. Việc tại sao lại xin? Việc, nếu xin được rồi thì có quyền đòi lương không? Người cho bạn việc rồi thì có phải trả thêm lương vì đã “lỡ cho” việc không? Chỉ với vài câu hỏi nhỏ thì chắc mọi người cũng có thể thấy sự bất hợp lý khi chúng ta sử dụng từ “xin việc”. Chúng ta cần phải phân biệt rõ là không ai đi xin việc cả, chúng ta đi “tìm việc” để làm và chúng ta mong nhận lại một khoản thù lao để thực hiện công việc đó. Và người tuyển dụng có trách nhiệm phải trả một khoản thù lao đó cho chúng ta khi chúng ta giúp họ thực hiện một công việc. Nếu chúng ta đã từng một lần ứng tuyển vào công ty nước ngoài, chúng ta sẽ thấy “thư ứng tuyển” (Letter of Application) hay “phiếu đăng ký dự tuyển” (Application form) mà không có một cái gì gọi là đơn xin việc như ở Việt Nam. Là những người chơi đùa cùng “ngôn ngữ” và sống bằng “ngôn ngữ”, chẳng lẽ cả nhà báo và ban biên tập lại không phân biệt được ý nghĩ của từ “xin” và “ứng tuyển” hay sao? Hay do ý thức xin – cho đã ăn sâu trong tiềm thức của họ? Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc chúng ta phải bỏ đi ý thức xin – cho mà biểu hiện rõ nét nhất đó là hàng loạt cái “xin” hoàn toàn vô lý đó. VỀ NỘI DUNG Tôi thật sự ngạc nhiên khi có người coi hành động đi tìm việc để làm một cách quang minh chính đại như vậy là một sự nhục nhã. Tại sao nhục nhã? Câu ta xin cái gì của ai sao? Cậu ta trộm cắp hay cướp giật cái gì của ai sao? Việc mà cậu ta làm chỉ đơn giản là thông báo cho những người đi ngang qua đó biết là cậu ta sẵn sàng cho một công việc mới. Vậy có gì là nhục nhã? Cái nhục nhã mà tôi thấy ở đây là: một xã hội đã đẩy cậu ta vào con đường khốn khổ, một xã hội mà các cử nhân hầu như bế tắc khi tìm việc để mưu sinh. Và một cái nhục nhã nữa là một tòa báo đã dùng tiền của chính cha mẹ cậu ta để sỉ nhục mong muốn chính đáng của cậu ta là tìm được một việc làm để nuôi sống bản thân và gia đình nhỏ của cậu. Tôi không biết tác giả bài báo và VTC đăng tải bài viết này với mục đích gì, nhưng tôi đoán rằng, họ sợ một làn sóng dư luận đồng tình phía sau hành động đó, và điều đó bôi xấu lãnh đạo của họ. Họ viết một bài báo để chặn đứng dư luận và bưng bô cho lãnh đạo của mình. Nhưng mà, cho dù là vì mục đích gì đi nữa, thì việc dùng ngòi bút để sỉ nhục một cá nhân với một ước muốn trong sáng như vậy là một hành động vô đạo đức, vô nhân tính. Rất mong rằng, trong xã hội chúng ta, những nhà báo như An Yên và tòa báo như VTC ít thôi, càng ít càng tốt. Theo FB Duy Le
......

Rùng mình qua bài học Thiên Tân

Vụ nổ ở thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc (TQ), với dân số 15 triệu, có sức công phá được cảm nhận như một trận động đất kinh hoàng. Nó không chỉ làm rung chuyển thành phố Thiên Tân mà đã làm rung chuyển cả thế giới về sự thiệt hại mạng sống con người, thiệt hại vật chất và nhất là làm cho người ta hãi hùng về thực trạng xấu xa tồi tệ của xã hội Trung Quốc dưới chế độ cộng sản chứa đựng đầy những bưng bít dối trá. Vào tối ngày 12/8/2015, hai vụ nổ liên tiếp đã xảy ra tại một nhà kho của công ty Tianjin Dongjiang Port Ruihai International Logistics (Hậu cần Quốc tế Nhuệ Hải Thiên Tân Đông Cương Cảng), chứa hơn 700 tấn natri xyanua, một loại muối độc hại, và những lượng lớn hoá chất nguy hiểm dễ gây cháy nổ như kali nitrat, một trong những thành phần chính của thuốc súng, ở một khu công nghiệp của thành phố cảng Thiên Tân, với sức công phá tương đương với 3 tấn (cho vụ nổ đầu tiên) và 21 tấn thuốc nổ TNT (cho vụ nổ thứ hai), tạo ra những quả cầu lửa khổng lồ bốc cao đến nỗi người ta có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa nhiều cây số với sức sóng công phá lan xa hàng cây số khiến nhiều trăm căn nhà gần đó bị tàn phá và cửa kính của những căn nhà ở cách xa 2 cây số cũng bị vỡ tung. Các nhân chứng sống của vụ nổ đã cho biết như sau: Cô Zhang Siyu, một người dân sống cách hiện trường vài km, cho The Global and Mail biết: "Tôi nghĩ đó là một trận động đất nên chạy vội xuống cầu thang mà không kịp xỏ giày. Mãi tới khi ra khỏi nhà, tôi mới nhận ra đó là một vụ nổ. Một quả cầu lửa khổng lồ trên bầu trời với những cột khói bụi bốc lên. Tất cả mọi người đều có thể trông thấy nó. Lúc vụ nổ xảy ra, mặt đất rung chuyển dữ dội. Những chiếc xe và các tòa nhà cũng rung lắc. Kính từ một vài tòa nhà vỡ vụn và mọi người bắt đầu bỏ chạy". Cô Zhang cho hay cô chứng kiến nhiều người bị thương đang khóc lóc vì đau đớn. Không thấy ai thiệt mạng nhưng Zhang có thể "cảm thấy cái chết". Cô Monica Andrews, giáo viên người Canada sống gần khu vực xảy ra vụ nổ, bị đánh thức và vô cùng sợ hãi vì nghĩ đó là một trận động đất: "Tôi nhìn ra cửa sổ và trông thấy bầu trời đỏ rực. Tôi đã tận mắt chứng kiến vụ nổ thứ hai. Mọi thứ rất hỗn loạn. Tất cả mọi người rời khỏi chung cư vì nghĩ có động đất. Ánh sáng và ngọn lửa phát ra từ vụ nổ thật đáng sợ". Ông Han Xiang miêu tả vụ nổ giống như trận động đất năm 1976: "Nhưng sau đó, đám mây nấm khổng lồ khiến chúng tôi nghĩ mình đang ở trong một cuộc chiến tranh". Theo con số của chính quyền thì đã có ít nhất 112 người thiệt mạng (dựa trên số thi thể đã được tìm thấy, không kể số người hiện bị coi là mất tích) bao gồm hơn 20 lính cứu hoả, khoảng 1 ngàn người bị thương nặng nhẹ, 10 ngàn chiếc xe hơi đậu xung quanh khu nổ bị cháy đen, khoảng 17 ngàn gia đình mất tiêu nhà cửa, 1.700 xí nghiệp công nghiệp và 675 hộ kinh doanh bị thiệt hại, và vô số người lo bị nhiễm độc. Hiện đã có khoảng 10 ngàn y bác sĩ đang làm việc cứu chữa cho những người bị thương. Đến sáng ngày thứ ba (18/8) thì con số lính cứu hoả bị tử thương được xác nhận là 50 người. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin khác thì mức thương vong cao hơn nhiều. Trang mạng Đại Kỷ Nguyên loan tin có 1,400 bị chết, hơn 700 người mất tích. Vụ nổ kinh hoàng đã gây nên nhiều thắc mắc và phẫn uất trong dân chúng. Chất Natri xyanua nguy hiểm khi bị hòa tan hay bị đốt cháy sẽ phóng ra khí hydro xyanua và nếu hít phải sẽ gây cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể người có thể gây chóng mặt, buồn nôn, choáng váng, cảm giác nghẹt thở, lo lắng, co thắt cơ, co giật, phù phổi, hôn mê và tử vong rất nhanh. Người dân thắc mắc là tại sao chính quyền địa phương lại có thể cho phép các công ty liên hệ tồn chứa bất hợp pháp khoảng 7 chục lần hơn số lượng cho phép những hoá chất độc hại và những chất dễ gây nổ trong chu vi khu dân cư sống như vậy mà chỉ đến bây giờ khi tại họa xảy ra thì nội vụ mới nổ tung ra. Chính quyền TQ đã chính thức xác nhận nguồn tin trên. Vậy ai là người đã phê chuẩn cho phép đặt nhà kho trái quy định? Chủ của công ty là ai? Tờ Đa Chiều ngày 15/8 đã tìm hiểu và cho biết là ông chủ thực sự của công ty này là thông gia với Phó thủ tướng Trương Cao Lệ; người phê chuẩn cho phép xây dựng nhà kho trái phép là Hà Lập Phong, nguyên Bí thư khu Tân Hải, hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban cải cách, phát triển quốc gia. Cho tới giờ này chính quyền TQ vẫn chưa cho biết chính thức nguyên nhân vụ nổ. Bên cạnh nỗi khổ đau vì có người thân tử vong và bị thương vì vụ nổ, nhiều ngàn người dân ở Thiên Tân và cả những nơi khác đã vô cùng phẫn uất vì tình trạng thiếu và che giấu thông tin của giới chức trách nhiệm TQ. Những người có thân nhân mất tích đã la ó kêu gào khi không được cho vào tham dự cuộc họp báo của chính quyền: "Không ai cho chúng tôi biết bất cứ điều gì, chúng tôi đang ở trong bóng tối, không có tin tức gì cả". Một thanh niên hét lên: "Chúng tôi là gia đình của các nạn nhân, các ông có quyền gì mà đối xử với chúng tôi như vậy?" Ông Liu, một người cha cho biết ông vẫn chưa liên lạc được với con trai làm lính cứu hỏa: "Chúng tôi cố gắng gọi cho nó ngay khi xem tin tức về vụ nổ trên truyền hình, nhưng không thể nào liên lạc được", AFP dẫn lời người đàn ông họ Liu nói, giọng run run vì xúc động. Một bà mẹ tên Long tuyệt vọng chờ tin tức về số phận con trai mình là Zhiqiao, một thành viên của một đội cứu hỏa được điều đến cảng Thiên Tân trước vụ nổ: "Có 25 người trong một đội", bà nói. "Một người trong đội của con trai tôi đêm qua được xác định là đã qua đời. Họ không nói bất cứ điều gì về những người khác, họ chỉ bắt chúng tôi chờ đợi và chờ đợi". Điều mà người ta lo sợ nhất hiện nay là các hóa chất cực kỳ nguy hiểm có thể bay vào không khí, có thể vẫn đang rò rỉ từ hiện trường hai vụ nổ và tiếp tục gây cháy nổ. Các quan chức chính quyền Thiên Tân tuyên bố chất lượng không khí thành phố vẫn chưa có vấn đề gì, nhưng quan chức, cảnh sát và lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường đều đeo mặt nạ phòng độc. Mới đây Tân Hoa xã đưa tin nồng độ cyanide trong nước ở Thiên Tân cao gấp 10,9 lần so với tiêu chuẩn an toàn thông thường sau hai vụ nổ. Hiện nồng độ cyanide đã giảm, nhưng vẫn cao hơn tiêu chuẩn an toàn. Sáng ngày thứ ba (18/8), dân chúng và các nhân viên cứu tế đã dành một phút yên lặng để tưởng niệm những người đã mất, thay thế cho nghi lễ thờ cúng tuần thứ nhất (trong thất tuần – 49 ngày) cho người chết. Sau đó trời đổ mưa làm gia tăng nỗi lo các hoá chất tiếp xúc với nước mưa tạo ra khí độc, và nếu nước mưa cuốn trôi một số lượng lớn hoá chất xuống hệ thống cống rãnh thành phố thì chưa biết điều gì sẽ xẩy ra. Điều làm cho người ta lo ngại hơn nữa là cách giải quyết vấn đề thiếu minh bạch của nhà nước TQ qua việc hạn chế tối đa những phản ứng chỉ trích mà một trong những việc làm là đã đóng cửa hơn 360 tài khoản mạng xã hội và xử phạt hơn 50 trang mạng với tội danh “gây hoảng loạn do đăng tải thông tin chưa kiểm chứng, khiến độc giả tung tin đồn thất thiệt”. Theo luật của TQ, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt tù đến 3 năm. Giáo sư King Wa Fu của trường đại học Hồng-Kông, người chuyên theo dõi sự kiểm duyệt của nhà cầm quyền trên trang mạng Weibo (trang mạng chính của TQ) cho biết, sau khi vụ nổ ở Thiên Tân xẩy ra, mức độ kiểm duyệt trên trang mạng vừa kể đã gia tăng gấp 10 lần. Tờ báo Want Daily của Đài Loan, xuất bản ở Thiên Tân, đã đăng tin về sự bối rối của các cơ quan truyền thông nhà nước trong thành phố sau khi vụ nổ xẩy ra. Đài truyền hình địa phương không có tin tức gì, suốt ngày chỉ chiếu đi chiếu lại phim truyện, trong khi dân chúng hoảng loạn đi tìm kiếm người thân. Hôm thứ hai đã có một số những cuộc biểu tình đòi nhà nước phải minh bạch thông tin. Một số khác thì đòi nhà nước phải mua lại những căn nhà bị huỷ hoại của họ. Qua vụ nổ Thiên Tân, dựa vào mức độ tác hại khủng khiếp gây ra bởi lượng hoá chất và chất dễ gây nổ được tồn trữ bất hợp pháp nhiều phần là do những cấu kết với ý đồ tham nhũng của các giới chức cầm quyền TQ nay mới lộ ra qua vụ nổ, người ta tự hỏi là ở TQ, với nền kỹ nghệ đang phát triển với mức độ bất kể như hiện nay, còn bao nhiêu những nguy cơ tương tự như Thiên Tân mà người dân chưa biết, và sẽ chỉ được biết khi nội vụ nổ tung ra như kiểu Thiên Tân? Mà không chỉ trong công kỹ nghệ hoá chất; cách đây 2 tháng, vụ hoả hoạn tại một trại gà ở tỉnh Cát Lâm (Jilin) đã giết chết 121 người. Hơn thế nữa, nếu việc quản trị những nhà máy sản xuất điện cũng như vũ khí hạt nhân cũng tồi tàn như Thiên Tân thì tai họa đổ lên đầu người dân còn khủng khiếp biết chừng nào! Và là người Việt Nam thì phải rùng mình khi nghĩ là nhà nước CSVN đang học đòi theo mô hình phát triển của Trung Cộng. Hoàng Trường Theo http://vnctcmd.blogspot.de
......

ĐỂ CÒN CÓ NGÀY MAI

Chúng ta là nước tiêu thụ rượu bia lớn nhất thế giới với mỗi năm hàng tỷ lít chất lỏng có cồn và men. Một đất nước ngủ say, say mèm trong sự hoan lạc và vui vầy. Nhưng không phải bằng chất hữu cơ và men Hóa học. Mà bằng lịch sử và giáo dục tự huyễn. Lịch sử chúng ta viết hay lắm, tô đẹp một cách rực rỡ, 4.000 năm luôn chiến thắng vang dội khắp năm châu bốn bể, trong những cuộc chiến, dù theo nghĩa bị buộc vào hay được chủ động thỏa hiệp tự do thống nhất nhất thời. Nên các bạn trẻ cứ tự hào mãi những chiến công hiển hách của cha ông, đã từng đánh thắng thực dân, đế quốc hùng mạnh, đã từng quật ngã Mỹ, Nhật hàng đầu, đã từng hàng nghìn năm đánh đuổi giặc Tàu đô hộ. Nhưng một ngày, Giáo sư Phan Huy Lê đột nhiên kêu gọi trả lại sự thật hình tượng Lê Văn Tám liều mình đánh bom kho xăng của địch, rằng đó chỉ là hình ảnh tạo dựng nhằm khích động lòng dân chiến đấu trong sự tàn khốc của chiến tranh. Cũng rồi một ngày, người ta phát hiện thấy bức ảnh chiến sỹ leo thác nước trong đêm đem đi dự triển lãm quốc tế ở Mỹ đã được chỉnh sửa nhiều chi tiết. Rồi cũng lắm nhân chứng lịch sử đến tham quan bảo tàng trong buổi triển lãm cải cách ruộng đất những năm 1947 đến 1959 diễn ra mới đây. Và những nhân chứng ấy ngùi ngẫm rầu rĩ cảm thán rằng ở đó có quá ít những chứng tích lịch sử nói lên những sai lầm đã mắc phải khi áp dụng chính sách ấy những năm giữa thế kỷ 20. Người ta còn chờ đợi nhiều hơn thế, những sự kiện lịch sử chân thật và đầy đủ hơn cho những thế hệ sau được tường tận và diện toàn. Giáo dục của ta vẫn luôn tự hào là nền giáo dục có tri thức về toán học và khoa học vượt cả Mỹ, Úc. Trong khi cả nước ta không có sáng chế nào đáng giá cho khoa học, mà một chuyên gia người Mỹ đã thẳng thắn cho hay: trên bản đồ khoa học thế giới, Việt Nam là con số không. Còn đối với Toán học, Việt Nam là một dấu chấm nhỏ. Cả đất nước rầm rộ với 24.000 Tiến sỹ, Giáo sư, nhưng không có nổi một bằng sáng chế nào để tự hào, ốc vít vài vòng xoắn còn không làm được. Thế mà mới đây, có một anh trưng bày với cả thế giới chiếc điện thoại tự làm với công nghệ đỉnh cao. Nhưng rồi không hiểu vì đâu, chưa nổi một tháng, mọi sự bẽ bàng và ê chề đều có cả. Và cuối cùng các bài báo chỉ cố vớt vát lại những tia sáng nhờ vả: người đàn ông gốc Việt hay người đàn bà cũng gốc Việt, thành danh hay có vị trí nào đó đang ở nước ngoài cống hiến. Xướng tên họ lên, và rồi rất đỗi tự hào. Giáo dục chúng ta lúc nào cũng luôn hãnh tiến về những con người được đào tạo dưới mái trường XHCN, lực lượng sản xuất tân tiến nhất của xã hội loài người. Vậy nhưng các quan chức mỗi khi ban hành chính sách, xây dựng pháp luật lại chỉ có một nguyên do để từ chối và phản biện lại những cái có lợi cho người dân mà đáng ra phải thực thị, mà phải bỏ lại, chỉ vì: dân trí thấp. Chúng ta cũng vẫn luôn tự hào về một nền giáo dục XHCN tiên tiến mà lại thường xuyên gửi đi những con người ra nước ngoài học hỏi, tu dưỡng. Và hơn thế, mỗi cử nhân tốt nghiệp từ và bởi hơn 400 trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước, nếu có cơ hội ra nước ngoài học tập, họ lại phải đào tạo và học lại từ đầu. Vì thế giới, trong các trường đại học, họ không đào tạo những môn như Triết học Mác Lê Nin, Chủ nghĩa Xã Hội Khoa Học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng HCM hay Kinh tế Chính trị,...suốt mấy năm ròng! Chúng ta, có lẽ sẽ mãi ngủ trong men say của niềm tự hào mù quáng hoặc được tạo trạng nhấp nhoáng bởi những lớp son màu tầng tầng lớp lớp phủ lấy khiến con người ta không thể nhận ra đâu là sự thật hay chỉ là một góc nhìn tự huyễn phía riêng như câu chuyện Thày Bói Xem Voi của các cụ ta xưa kia đã đúc rút? Mây mù hay giông bão, tự nó sẽ tan. Nhưng mây mù của câu chữ, ngôn từ ma mị, lại được giáp lên bởi áp lực chính sự thì khi nào có thể vén mây giữa trời hay tan sương đầu ngõ để còn có ngày mai? Theo FB Ls. Lê Luân
......

Thế chiến II: trại tù kinh hoàng của quân Nhật

Hàng chục ngàn quân nhân Anh đã phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo trong các trại tù của Nhật thời Thế chiến II. Clare Makepeace và Meg Parkes ghi lại một số câu chuyện đáng chú ý từ những người sống sót. Bob Hucklesby, năm nay 94 tuổi, từ vùng Dorset, với dáng đi tuy chậm rãi nhưng thái độ cương quyết, thật khó có thể hình dung những gì cơ thể và tâm trí ông từng trải qua. Ông là một trong số 50.000 quân nhân phải trải qua giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử quân sự Anh. Ông cũng là người dẫn dắt lễ tưởng niệm 70 năm ngày VJ (Victory over Japan Day – ngày chiến thắng Nhật Bản) hôm thứ Bảy 15/08. Chưa từng có tiền lệ, và cả cho tới sau này, lực lượng vũ trang Anh Quốc lại có số quân nhân bị đẩy vào hoàn cảnh cùng cực về địa lý, bệnh tật và sự đối xử vô nhân giữa người với người như những tù binh của Nhật trong Thế chiến II. Một phần tư số tù binh bị chết trong giam cầm. Những người sống sót trở mang theo bệnh tật và bị tổn thương. Trong suốt ba năm rưỡi, họ sống trong điều kiện tàn nhẫn đến mức hủy hoại con người. Cựu binh Bob Hucklesby (hàng giữa, thứ hai từ bìa phải) cùng đồng đội trong ngày tưởng niệm 15/08 ở London   Nữ hoàng Anh và Hoàng thân Philip tới gặp các cựu tù binh Thế chiến II hôm 15/08 Trung bình mỗi tù nhân nhận được chưa đầy một chén gạo hẩm mỗi ngày. Khẩu phần ăn quá ít ỏi dẫn tới suy dinh dưỡng rộng khắp, khiến nhiều người bị mù hoặc đau thần kinh kinh niên. Bệnh tật tràn lan. Hầu hết tù binh đều bị sốt rét và bệnh lỵ. Bệnh kiết lỵ do ruột già bị nhiễm trùng, khiến những người này chỉ còn xương bọc da. Các bệnh lở loét thì đặc biệt nghiêm trọng. Trung úy Barrett, người làm việc trong các lều trại chuyên trị hoại tử ở Thái Lan, viết trong nhật ký của ông: “Đa số đều do các vết xước do tre gây ra khi lao động trong rừng... Vết loét chân có khi dài tới hơn 30cm và bề ngang lên tới 15cm, lòi cả xương và đã thối tới vài cm, là cảnh không hiếm gặp.” Những kẻ coi tù thường xuyên đánh đập, tra tấn tàn bạo một cách ngẫu nhiên. Trung úy Bill Drower, người phiên dịch ở trại Kanburi, Thái Lan, chỉ vì dám hỏi lại một câu trong khi dịch mà bị đánh trọng thương và biệt giam trong suốt 80 ngày cuối cùng của cuộc chiến. Lúc được cứu ra khi Nhật Bản đầu hàng, ông đã sắp chết vì suy dinh dưỡng và bị sốt rét ác tính, biến thể hiếm gặp và cực kỳ nguy hiểm của bệnh sốt rét. Ngoài những điều kiện khủng khiếp này, đa số tù nhân chiến tranh phải lao động như nô lệ ở các khu công nghiệp nặng của Nhật Bản. Họ liên tục làm việc nặng nhọc trên các bến cảng, sân bay, trong mỏ than, bãi đóng tàu, lò luyện thép, luyện đồng. Cảnh dã man thời Thế chiến II này ngày nay hầu như ai cũng biết đến nhưng ít ai biết đến tinh thần quật cường của những tù binh – tinh thần mà sự tàn bạo của quân Nhật đã không thể khuất phục. Một trong những phương tiện sống sót quan trọng bậc nhất trong trại là tình thân thiết với bạn đồng hành. Mỗi nhóm nhỏ từ ba đến bốn người gắn bó chặt chẽ là điều kiện tiên quyết. Họ cùng chia sẻ thức ăn và cả công việc, và chăm sóc lẫn nhau khi ốm. Ông Derek Fogarty, từng làm việc trong lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, bị bắt ở Java, kể lại trong một cuộc phỏng vấn năm 2008: “Chúng tôi thân nhau như anh em. Nếu một người bị ốm thì bạn mang nước uống cho họ, rửa ráy giặt giũ cho họ. Chúng tôi thân nhau vô cùng và qua mỗi năm lại càng thân hơn, người ta sẵn sàng chết vì bạn, chúng tôi thân nhau tới mức đó.” Không có những người bạn như thế, rất nhiều tù binh có thể đã mất mạng. Ở mọi trại giam, tù binh tận dụng các kỹ năng khác nhau của mình để giúp đỡ bạn đồng hành. Tù binh Anh reo mừng khi Nhật Bản đầu hàng Những người là bác sỹ không có y cụ hay thuốc men, phải nhờ tới những người khéo léo về thủ công. Fred Margarson từng là thợ sửa ống nước và chạy các việc vặt ở phòng khám y khoa, đã bí mật mở bệnh viện trong trại Chungkai ở Thái Lan, nơi ông giám sát làm chân giả cho các bệnh nhân bị hoại tử. Nhưng ngay cả trong những điều kiện tồi tệ nhất, những người đàn ông này cũng nâng đỡ nhau bằng trí hài hước. Jack Chalker bị bắt ở Singapore,nhớ lại những bệnh nhân gầy giơ xương ở lều trị kiết lỵ trên tuyến xe lửa Thái Lan – Miến Điện. Họ chơi xổ số để chọn ra “ai sẽ là người phải ngồi trên chiếc xô duy nhất trong lều trước khi nó bị đổ”. “Những cái như thế”, ông nhớ lại, “đã khiến chúng tôi cười nghiêng ngả”. Khoảng 37.500 quân nhân Anh đã sống sót qua thời kỳ giam giữ và chứng kiến ngày VJ. Hàng nghìn người trong số họ phải đợi tới năm tuần, thậm chí lâu hơn, trước khi các trại được quân đồng minh tìm thấy. Đa số phải trải qua chặng đường biển dài 8 – 10.000 dặm để trở lại Anh Quốc, xuống ở cảng Liverpool hoặc Southampton, hơn năm tháng sau khi chiến tranh ở châu Âu đã kết thúc. Với Hucklesby, tâm điểm của lễ tưởng niệm 70 năm ngày VJ không phải là ông hay những người đồng đội còn sống sót, mà là những người đã nằm lại. Bảy mươi năm sau những cái chết nghiệt ngã, ông nhớ họ hơn bao giờ hết. Ngày nay, ông chỉ muốn chúng ta nghĩ về họ, “những người đàn ông trẻ ở tuổi sung sức nhất không bao giờ được về nhà, những người đã phải sống trong điều kiện tồi tệ trước khi chết”. Tóm tắt lại từ bài viết của Tiến sỹ văn hóa lịch sử chiến tranh Clare Makepeace và giảng viên đại học UCL, Meg Parkes trên BBC News: http://bbc.in/1TFtj3P Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/08/150815_british_pow_under_jap...
......

Mừng Lễ Lớn, Bất Chấp Nợ To

Một mặt kêu gào thiếu tiền, ngân sách quốc gia thâm hụt trầm trọng, mặt khác thì đảng chi mạnh cho những khoản khủng vô bổ, không giúp ích gì cho việc vực dậy nền kinh tế vốn thường xuyên èo uột, què quặt, thoi thóp. Ngân sách là do tiền mọi loại thuế của dân đóng vào, tại sao người dân phải chấp nhận tình trạng mâu thuẫn triền miên như thế? *** Theo thông lệ hàng năm, nhà nước cộng sản Việt Nam đưa 2 ngày 19/8 và 2/9 thuộc vào hai ngày lễ lớn cấp quốc gia. Cho đến nay, người dân Việt đều biết Lễ Quốc khánh 2/9 thực sự thoát thai từ một hành động mà chính những người cộng sản nhìn nhận là một cuộc “cướp chính quyền” từ chính phủ hợp pháp Trần Trọng Kim. Và họ gán cho nó một danh từ mỹ miều là “Cách mạng tháng 8”. Năm nay, cái chính quyền thực chất là phi pháp ấy tiếp tục thông báo sẽ tổ chức một lễ kỷ niệm thật long trọng có “diễu binh”, “diễu hành”, có bắn 21 phát đại bác chào mừng và đốt pháo hoa tưng bừng với sự tham gia của cả 30 ngàn người. Ngoài ra, Ban tổ chức còn nhấn mạnh một hoạt động nổi bật khác là các lãnh đạo đảng và nhà nước sẽ “dâng hương tưởng niệm” trong ngày 1/9. Vốn là một nhà nước không được ai bầu lên, Hà Nội không từ bỏ một cơ hội nào để ăn mày dĩ vãng và rêu rao đủ mọi mục đích tốt đẹp cho buổi lễ. Nào là giáo dục truyền thống yêu nước, khát vọng hoà bình của dân tộc; nào là đề cao tinh thần đại đoàn kết dân tộc và thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Nhưng trong thực tế, những lời lẽ tốt đẹp ấy chỉ nhằm đánh lừa nhân dân để củng cố vị thế lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản mà thôi. Những loại lễ lạc như thế này dù không thấy công bố, nhưng chắc chắn chính quyền sẽ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ để thực hiện. Những tin tức gần đây cho thấy ngân sách quốc gia đang trong tình trạng thâm hụt trầm trọng. Trong nhiều năm liền số thu không đủ bù chi, nhưng chính quyền vẫn vung tay chi tiêu như một anh nhà giàu bị mù. Chỉ qua 6 tháng đầu năm 2015, Bộ trưởng tài chánh đã gào lên ngân sách thiếu hụt đến 30.000 tỷ đồng và đề nghị vay Ngân hàng Nhà nước để tiếp tục chi cho đến cuối năm. Tuy nhiên thiếu thì mặc thiếu, “diễu binh” ta cứ diễu, pháo hoa ta cứ đốt cho tưng bừng thoải mái. Cũng có dư luận cho rằng càng bày ra nhiều trò “diễu binh” rầm rộ, tiếp tân linh đình, hội thảo sôi nổi chế độ càng chứng tỏ đang xúm vào ăn mày quá khứ một cách tận tình. Bất chấp nợ công ngập lút đầu, không cần biết ngân sách cạn kiệt, lễ lớn lễ nhỏ được cán bộ đảng coi là cơ hội chi tiêu thoải mái và do đó bòn rút “vô tư”! Và điều quan trọng nhất, ẩn sau những hình thứ lễ lộc đình đám ấy chính là ý đồ che giấu tội ác theo Tàu bán nước, cũng như làm mờ đi nỗi oan khiên của người dân bị cướp đất. Với một vài đêm pháo bông rực trời, đảng hy vọng người dân tạm quên đi biển đảo, đất liền đã bị đảng cống hiến cho Trung Cộng. Người ta có thể tự hỏi: tại sao mừng lễ Quốc khánh, một ngày trọng đại của dân tộc mà chương trình chỉ có thắp hương, tưởng niệm của lãnh đạo đảng và nhà nước? Hóa ra Việt Nam không có lịch sử nên chính quyền cộng sản không hề đề cập đến việc tưởng niệm các anh hùng, liệt nữ Việt Nam từ ngàn xưa. Công lao đánh đuổi quân Tô Định cũng không sánh bằng trái lựu đạn hú họa của Võ Thị Sáu; anh hùng Trần Quốc Toản cũng không ngang được thần tượng dỏm Lê Văn Tám! Chuyện gần đây nhất, hàng năm nhà nước cộng sản đều cố tình làm lơ những người đã xả thân bảo vệ chủ quyền đất nước trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 hay Trường Sa năm1988 và nhất là cuộc chiến biên giới năm 1979 mà sự hy sinh của người lính còn kéo dài đến năm 1984. Hải chiến Hoàng Sa 1974https://www.youtube.com/watch?v=6PQV5Of_hYc Chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 1979https://www.youtube.com/watch?v=DMF1iJAE1rg Hải chiến Trường Sa 1988https://www.youtube.com/watch?v=WIf-T9Z1nl8 Những ngày đáng ghi nhớ ấy được nhân dân Hà Nội và Sài Gòn tự động tổ chức thành những buổi tưởng niệm rất trang trọng với sự tham dự của các thành phần dân chúng. Nhưng lần nào cũng vậy, tại tượng đài Lý Thái Tổ, thay vì tạo điều kiện dễ dàng cho người dân tham dự, chính quyền Hà Nội lại cho côn đồ đến phá rối, hoặc tổ chức nhảy múa một cách khả ố. Trong khi đó tại các khu nghĩa trang “liệt sỹ Trung Quốc” hàng năm vẫn đón nhận những tràng hoa ghi ơn và khói nhang nghi ngút. Chẳng lẽ những người lính Việt Nam chết ngoài hải đảo hay vùng biên giới xa xôi không đáng để đảng quan tâm bằng những người nằm trong các nghĩa trang Trung Quốc? Hay đó là cách đảng “thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc”? Cứ bỏ ra thật nhiều tiền để gây tiếng vang, tạo thành tích, bất chấp đạo lý, có lẽ đảng chỉ nhìn thấy ánh hào quang rực trời trong phút chốc mà quên đi số phận người dân đang oằn lưng dưới sức nặng của sự đói nghèo… Theo FB Radio Chân Trời Mới
......

Dĩ vãng chẳng còn gì cho ăn mày

Trong lúc cơn lũ liên tục hàng ngày, hàng giờ — của hàng triệu cán bộ công nhân viên quắc mắt chờ "phong bì", của công an các cấp sừng sộ đòi "bánh mì" — đang xối xả đục rã chân cột trụ uy tín của Đảng, thì giới lãnh đạo lại được hoàn toàn thuyết phục: (1) nếu "vỡ bình quí" thì sẽ chết luôn "con chuột đang đòi ném đá"; nên (2) toàn bộ nhà chuột, không phân biệt dòng họ, phải xé xác ngay đứa nào đòi "hốt liền, bắt liền, không nói nhiều", dù chỉ mới ở mức hăm doạ miệng. Chính vì vậy mà nhu cầu kéo lá nho dĩ vãng ra che đậy chỗ hiểm yếu lại càng bức thiết hơn bao giờ hết. Họ tích cực dựng thêm tượng đài, nâng thêm các cố lãnh tụ lên hàng thần thánh, và nhất là kỷ niệm những ngày lễ của Đảng ngày càng lớn. Hiện tượng "ăn mày dĩ vãng" mà ông Hà Sĩ Phu đặt tên nay đã trở thành một ngành công nghiệp quốc doanh. Nhưng câu hỏi là liệu dĩ vãng, cụ thể như ngày Cách Mạng Tháng Tám (CMT8) năm nay, có còn gì để bố thí nữa không? Trước hết, những sử liệu quốc tế quanh thế chiến 2 và những nhân chứng Việt còn sống, qua phương tiện Internet, đã cho người ta một bức tranh chi tiết để thấy đó chẳng phải là một cuộc cách mạng và lại càng chẳng có công trạng gì của đảng CSVN. Chính lòng yêu nước và nỗi khát khao tự do, độc lập đã thúc đẩy người dân tại Hà Nội nhào ra đường phố lấp đầy khoảng trống quyền lực do quân Nhật rút đi để lại. Rồi người dân sau đó trao tặng quyền lực này cho Việt Minh, một tổ chức lúc đó chưa lộ gốc cộng sản và đang quấn chặt trên mình lá cờ dân tộc - đúng như bài bản Lênin dạy. Vì vậy, dưới ánh sáng lịch sử thật, người ta không thấy đóng góp nào của đảng CSVN trong ngày CMT8. Hơn thế nữa, Ban Tuyên Giáo càng nói về ngày CMT8 càng nhắc người ta xót xa, uất ức cho máu đồng đội đã đổ ra suốt từ ngày đó. Tất cả hóa ra quá vô ích và chỉ phục vụ cho tham vọng của một vài cá nhân, chứ chẳng vì độc lập, tự chủ, hay giá trị của con người Việt Nam. 70 năm kể từ CMT8 để lại một chuỗi dài liên tục những phản bội. Trong hàng ngũ bộ đội, bắt đầu bằng chính sách phân biệt "đại táo, tiểu táo" kéo dài đến những bà mẹ liệt sĩ quì lạy các ông công an đến cưỡng chế nhà đất hiện nay. Trong hàng ngũ những người dân yêu nước, bắt đầu bằng những người dân đem gia tài ra nuôi Việt Minh rồi bị dán nhãn địa chủ để xử tử kéo dài đến những người dân phản đối Trung Quốc xâm lược bị ném vào trại phục hồi nhân phẩm rồi đuổi học, đuổi nhà, đuổi việc. Và còn vô số những dẫn chứng khác nữa. Nhưng có lẽ điều đau lòng nhất mỗi năm vào ngày CMT8 là nhận thức đất nước ngày nay THUA XA cả thời Pháp thuộc. Những gì lãnh đạo đảng lên án chế độ thực dân thì nay đều đang xảy ra ở mức độ trầm trọng hơn hàng chục lần. Tình trạng "sưu cao thuế nặng" thời Pháp thuộc không thấm gì với rừng thuế, phí, nghĩa vụ chính thức và các loại phong bì lớn nhỏ không chính thức của ngày nay. Tình trạng nông dân bị áp bức thời Pháp thuộc khó so được với cảnh cả làng ngày nay bị cướp trắng đất đai mà họ đang sinh sống để trở thành những đoàn dân oan sống lây lất không nhà, hàng thập niên. Tình trạng công nhân bị chủ xử ép thời Pháp thuộc không bằng một góc của tình trạng công nhân bị công đoàn quốc doanh cấu kết với chủ ngoại quốc trấn áp hiện nay, và lại càng quá nhỏ so với tình trạng công nhân Việt bị hành hạ tại nước ngoài để dành hàng trăm ngàn công việc trong nước cho lao động Trung Quốc. Và còn vô số những dẫn chứng khác nữa. Trong khi đó mọi quyền con người bị chế độ CSVN tước đoạt thẳng tay hơn chế độ thực dân rất nhiều. Trong thời Pháp thuộc vẫn có báo và nhà xuất bản tư nhân, với những cây viết khác biệt chính kiến với nhà cầm quyền, bao gồm cả các cây viết cộng sản; mọi tôn giáo có quyền hành đạo và truyền đạo mà chẳng cần xin phép ai; một hệ thống toà án có cả các luật sư Việt bào chữa thành công cho người Việt trong những vụ tranh tụng với công dân Pháp; một hệ thống giáo dục cho phép những sinh viên Việt xuất sắc theo học những đại học bậc nhất của Pháp, và nhờ thế đã có những nhóm trí thức Việt đấu tranh cho quyền lợi của đất nước và dân tộc Việt Nam ngay trên đất Pháp, mà chính ông Hồ là một người được họ cưu mang. Nhìn cả núi chứng cớ đó, khó ai có thể chối cãi xã hội Việt Nam đã tụt hậu rất nhiều so với ngay cả thời bị ngoại quốc cai trị, và các quan chức Việt ngày nay ác hơn nhiều so với các quan chức thời thực dân. Và còn đáng sợ hơn nữa là thực tế: nhà nước thực dân Pháp bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam hơn xa nhà cầm quyền CSVN. Sự thật này tồi tệ đến độ sau khi ký kết hiệp ước biên giới suốt từ năm 1999, lãnh đạo đảng cho đến nay vẫn phải cất giấu nghiêm ngặt các bản đồ biên giới như một loại bí mật quốc gia. Chính trong tâm trạng quá chán ngán các bài bản của Ban Tuyên Giáo mà trong những ngày dẫn đến kỷ niệm CMT8 năm nay, nhiều người lại tìm đọc và bàn luận về bức thư 20 năm trước của ông Võ Văn Kiệt gởi Bộ Chính Trị. Hoàn cảnh của 2 thời điểm rất giống nhau. Bức thư xuất hiện vào dịp kỷ niệm 50 năm CMT8 và lúc đó cũng đang tiến tới một đại hội đảng với nhiều đấu đá kịch liệt. Trong bức thư này, ông Kiệt dám kêu gọi lãnh đạo đảng hãy thôi đừng bịt mắt nhau và bịt mắt toàn dân. Cái gọi là "4 nguy cơ" mà Bộ Chính Trị kết luận trước đó 1 tháng chỉ là trò vờ vĩnh để che đậy tham vọng nắm quyền bằng mọi giá, kể cả cái giá dìm đất nước và dân tộc trong tụt hậu. Phải đặt mình trở lại vào không khí nặng nề của thời đó mới hiểu được mức độ chấp nhận nguy hiểm của ông Kiệt, đặc biệt khi các đòn thù đối với ủy viên Trần Xuân Bách còn khá kinh hoàng trong hàng ngũ đảng viên các cấp. Nhiều dữ kiện xuất hiện từ đó đến nay đã cho thấy rõ sự tha thiết của ông Kiệt đối với tương lai đất nước và ý hướng đặt vận mạng đất nước lên trên cái đảng mà ông đã cống hiến phục vụ cả đời. Ông Kiệt cũng là một trong những nhà lãnh đạo cộng sản hiếm hoi còn cảm được cái đau, cái đói của dân chúng, trong lúc đại đa số các lãnh tụ quanh ông đều xem cảnh đói, cảnh chết của dân là cái giá phải trả và sẵn sàng trả để "đi lên CNXH". Nhưng cũng có người thắc mắc. Chắc chắn ông Kiệt đã biết sớm hơn và rõ hơn cái mà ông Nguyễn Văn An sau này gọi là "lỗi hệ thống", tức những tật bệnh cốt lõi không thể sửa được nếu tiếp tục duy trì hệ thống cai trị hiện tại; hay nói cách khác, nếu sửa được các lỗi đó thì hệ thống cai trị hiện tại không còn là nó nữa. Thế thì ông Kiệt vẫn viết bức thư dài đó cho Bộ Chính Trị để làm gì? Húc vào những cái đầu "4 nguy cơ" đã hóa đá đó thì có ích gì? Câu trả lời khá hiển nhiên: ông Kiệt đã tuyệt vọng trong nỗ lực khuyên can BCT và chỉ mượn lý cớ viết cho BCT để nói với hàng ngũ đảng viên mà không bị kết tội lập bè đảo chánh mà thôi. Chính vì thế mà ngay sau đó, bức thư đã được rò rỉ ra bằng nhiều đường cho nhiều đảng viên. Một trong những người đã trả giá tù tội để chuyển bức thư đó là ông Hà Sĩ Phu. Thắc mắc kế tiếp: Nếu thực sự mang tâm huyết đó, tại sao ông Kiệt không cùng lên tiếng khi có những đảng viên cao cấp đòi chuyển đất nước sang hướng tự do, dân chủ như các ông Trần Xuân Bách, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, Trần Độ? Có lẽ bức thư của ông Kiệt cũng là lời thú nhận sai lầm khi ông chọn thái độ im lặng nhiều lần trước đó, đặc biệt đối với người bạn chí thân như ông Nguyễn Hộ, để rồi đến phiên ông Kiệt cũng chịu hệ quả tương tự. Bức thư của ông cũng chỉ gặp những sự đồng ý ... âm thầm; không ai lên tiếng công khai ủng hộ. Và thế là những tiếng nói can đảm và quí báu từ thượng tầng đảng CSVN, từ Trần Xuân Bách đến Võ Văn Kiệt, cứ vang lên rải rác, riêng lẻ rồi im bặt, chứ không chung lòng, chung sức phát ra cùng lúc để tạo tối đa tác động. Rõ ràng loại suy nghĩ "nếu tụ nhiều tiếng nói lại sẽ bị dập tan sớm" cần phải được xét lại, vì từng tiếng nói đơn lẻ bị dập tan sớm hơn nhiều và uổng phí hơn nhiều. Khá hiển nhiên ông Kiệt không viết bức thư đó một mình và chắc chắn có nhiều đảng viên và tầng lớp nhân dân chia sẻ khát khao "đặt nước trên đảng" của ông Kiệt. Vì thế, câu hỏi cho mọi người chúng ta, cả trong và ngoài đảng CSVN: nếu có những con người can đảm đứng lên vận động xóa bỏ toàn bộ hệ thống cai trị độc tài trong những ngày tới, chúng ta sẽ làm gì? Liệu chúng ta có bỏ công tìm hiểu để phân biệt họ với những kẻ tuyên bố mị dân chỉ để giành ghế cao hơn, hay những kẻ làm dáng lương tâm chỉ để hạ cánh an toàn? Liệu chúng ta có tiếp tục im lặng ngồi nhìn cho đến lúc họ bị dập tắt rồi tiếc rẻ, hay sẽ tiếp tay tạo số đông để giúp họ sống còn và tiến lên? Liệu chúng ta có vượt lên trên được các lằn ranh khác biệt chính kiến cũ để cùng tranh đấu cho một Việt Nam mới không còn bóng dáng độc tài? Lời đáp cho những câu hỏi đó sẽ quyết định số phận cả dân tộc chúng ta có phải tiếp tục "ăn mày dĩ vãng" nữa hay không; có phải tiếp tục che mắt bằng tấm vải "lịch sử hào hùng 5000 năm văn hiến" để khỏi thấy hiện tại nhục nhã nữa hay không. Theo http://vnctcmd.blogspot.de/…/di-vang-chang-con-gi-cho-may.h…
......

Hãy Cùng Nhau tạo nên Thông Điệp

Đuổi giặc Mãn Thanh về phương Bắc Rồi cắp giáo đi giữa biên cương (Bài Ca Đại Việt- Bắc Phong) Ba lần chiến thắng lừng lẫy, đẩy bật đội quân bách chiến bách thắng của Thành Cát Tư Hãn ra khỏi bờ cõi Đại Việt đã chứng tỏ với thế giới và chính chúng ta một điều: Một quân đội hùng mạnh tùy thuộc vào tinh thần của mỗi chiến binh; danh dự của tổ quốc tùy thuộc vào nhân cách của mỗi con dân Đại Việt. Ngày nay, dân tộc Việt Nam đang bị bêu riếu bởi những kẻ ăn cắp vặt ở Thái, ở Nhật, ở Đài Loan, ở Singapore. Những chiến binh Việt Nam đang bị sỉ nhục bởi tầng lớp lãnh đạo khiếp nhược. Mới đây báo Pháp Luật đã dẫn lời của Phó Chủ Tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn. Ông Sơn cho rằng chúng ta đã vô phương, Hoàng Sa Trường Sa đã mất hẳn vào tay Trung Quốc. Là một Thượng tướng trong quân đội mà ông lại phát biểu như sau: "Không lẽ bây giờ bà con bảo là đánh nhau…. Nhiều lần ta cũng nghĩ tới việc lấy lại nhưng trong lúc này chưa thể lấy lại được. Để đời con đời cháu chúng ta lấy lại. Trung Quốc bây giờ họ củng cố gần như là bất khả xâm phạm rồi”. Lịch sử đã chứng minh không có một vùng đất nào bị quân xâm lược chiếm đóng lại trở thành "bất khả xâm phạm" đối với nhân dân Việt Nam. Nếu nay Hoàng Sa, Trường Sa, rồi mai đây Tây Nguyên, Hà Tĩnh cũng trở thành những địa danh "bất khả xâm phạm" của Trung Quốc thì đời con, đời cháu chúng ta chỉ có thể là nô lệ. Nhân cách lãnh đạo như thế nên Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc, ông Vương Nghị mới dám ngạo mạn lớn tiếng trước thế giới rằng việc xây dựng các bãi đá trong vùng quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam là xây trên sân nhà của họ. Ông Sơn đã quên mất - để tổ quốc đứng vững hàng nghìn năm - một người lính của đất nước này cũng đòi hỏi một nhân cách khác. Những kẻ thù dũng mãnh nhất khi đặt chân đến đây đều đã bị đánh cho tan tác; bạo lực và cái chết đã cúi đầu trước những chiến binh dũng cảm vô danh hàng ngàn năm trước; bạo lực và cái chết đã cúi đầu trước Ngụy Văn Thà, Trần Văn Phương, Nguyễn Văn Lanh hàng ngàn năm sau. Bản lĩnh và phẩm chất tốt đẹp này cần được đánh thức. Sau gần nửa thế kỷ bỏ nước ra đi, người Việt hải ngoại đã xây dựng được những cộng đồng giàu mạnh và thành công ở xứ ngươi. Với bản chất thông minh, cần cù và hiếu học nhiều người Việt Nam đã lập nên những kỳ tích khiến người bản xứ phải nể trọng và họ đã đóng góp tích cực, đáng kể vào sự phát triển của các nước sở tại. Trong khi đó, cũng với bằng ấy thời gian, lẽ ra chúng ta đã xây dựng được một đất nước ấm no và phồn thịnh. Với tiềm năng về nhân lực và vật lực, Thủ Tướng Lý Quang Diệu đã từng nhận định: Nếu có nước nào mà giàu mạnh nhất châu Á thì nước đó chính là Việt Nam. Tiếc thay, một thể chế chính trị sai lầm và một giàn lãnh đạo kém tài trí lẫn đạo đức đã giết chết giấc mơ về một con rồng châu Á. Kết quả là những cơ hội phát triển, tài nguyên quốc gia, sự giàu có của đất nước... tất cả đã đổ vào túi tham của các nhóm lợi ích! Tám mươi năm đã trôi qua. Đây cũng là mốc điểm mà người dân các quốc gia Cộng Sản ở Đông Âu đã tự khắc đứng lên để cứu lấy đất nước họ. Cái thời dân ta nhắm mắt đặt niềm tin vào đảng đã chấm dứt. Cái giai đoạn ta cảm thấy mình bị lừa dối, bị sỉ nhục cũng nên thuộc về quá khứ. Lãnh đạo đảng đã không còn đủ tư cách để đại diện cho dân tộc. Với tâm lý khiếp nhược như Phó chủ tịch Quốc Hội Huỳnh Ngọc Sơn, cộng thêm với yếu tố lòng dân không theo; đa số lãnh đạo đảng cũng bối rối, cũng bất lực như ông Sơn mà thôi! Họ chỉ muốn được an thân để bảo vệ cho bằng được cái gia sản kếch xù của họ. Để cứu lấy đất nước, cứu lấy chính mình và các thế hệ tương lai, chúng ta cần nỗ lực thay đổi. Nhưng trước hết và trên hết, tất cả chúng ta đều cần có nhau. Chúng ta cần lắm những trí thức dũng cảm và trách nhiệm, chúng ta cần lắm những cán bộ, đảng viên sáng suốt đang phục vụ trong guồng máy của đảng và nhà nước. Chính vì biết thức thời, Thủ Tướng Then Sein đã giúp cho Miến Điện thoát khỏi sự lệ thuộc Trung Quốc và xoay chuyển được cục diện của đất nước ông. Dân tộc Việt Nam nhân bản, đầy tình thương và lòng vị tha; chúng ta sẽ giúp nhau vượt qua giai đoạn thử thách này. Trong bản dự thảo văn kiện đại hội đảng XII sắp tới, lợi ích dân tộc đã được đặt lên hàng đầu. Thiết nghĩ đây là lúc lãnh đạo đảng cần tỉnh táo để nhìn rõ vị trí của mình. Trong môi trường công nghệ thông tin hiện nay, đảng không thể cứ lạc hậu tiếp tục lừa dân, ngu dân bằng tổ chức vô số những buổi học tập gọi là: “Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng”, v.v và v.v... Người dân Việt Nam không cần đến các thế lực "phản động" mới biết được thực trạng xã hội và tình trạng hiểm nghèo của đất nước. Nhưng không thể vận động toàn dân trong bối cảnh một chính quyền tham nhũng, lũng đoạn và khinh dân. Nếu thực tâm vì lợi ích dân tộc, lãnh đạo đảng hãy thả ngay những tù nhân lương tâm bị bắt chỉ vì chống Trung Quốc, hãy thực lòng đối thoại với dân, hãy chấp nhận đa nguyên đa đảng để cùng toàn dân giải quyết các vấn nạn trước mắt. Chúng ta trót sinh ra trong giai đoạn gian nan của tổ quốc. Trong một ý nghĩa lớn lao hơn, có lẽ Thượng Đế lại một lần nữa thử thách dân tộc Việt Nam. Và trách nhiệm này chia đều trên đôi vai của mỗi chúng ta. Nếu bạn còn e ngại, hãy lắng nghe tiếng nói của những tù nhân lương tâm vừa được thả tự do, các anh Paulus Lê Sơn, Nguyễn Văn Oai, MS Dương Kim Khải. Dân tộc Việt Nam đang nhập cuộc, khi bạo lực và tù ngục không làm nao núng được bước chân của những con người tay không này, thì cũng là lúc người dân Việt Nam đang chứng tỏ quyền lực thực sự của mình. Cái quyền lực có lúc làm bạn hãnh diện đến ứa lệ, chính nó đã đưa đất nước này vượt qua bao sóng gió. Trong dòng chảy của lịch sử, một lần nữa, bạn và tôi, cùng nhau chúng ta sẽ tạo nên thông điệp của dòng chảy bất tận này. Theo viettan.org
......

Pages