Trang Nguyen|
Sử dụng Facebook suốt 10 năm qua, cùng trải nghiệm làm quản lý một số fanpage, bản thân tôi không ít lần phải ngán ngẫm những chiêu trò của Facebook vì sự bắt tay của mạng xã hội này với chính quyền Việt Nam.
Khoảng 7 năm về trước, Facebook là thánh địa của các nhà hoạt động. Tuy nhiên hiện tượng này lụi tàn vì 3 phương thức trấn áp của nhà cầm quyền:
- Cải tổ và gia tăng đầu tư vào hệ thống dư luận viên theo hướng chuyên nghiệp, bao phủ nhiều diễn đàn, phản ứng nhanh và đưa tin có lợi cho chính quyền.
- Gia tăng bắt bớ, trấn áp những tiếng nói bất đồng trên Facebook thông qua việc ban hành Nghị định 72, Luật an ninh mạng, buộc tội tuyên truyền chống nhà nước, tội hoạt động nhằm lật đổ nhà nước,...
- Dùng kinh tế để buộc Facebook thoả hiệp và tuân thủ luật chơi của chính quyền.
Để có quyền lợi về kinh tế, Facebook sử dụng 2 phương pháp chính nhằm thoả mãn các yêu cầu của chính quyền Việt Nam trong việc cô lập những nhà bất đồng chính kiến.
- Phương pháp 1: Sử dụng “luật”.
Luật ở đây là luật riêng do Facebook tự đặt ra với với tên gọi rất cao cả là “Tiêu chuẩn cộng đồng”. Nhấn mạnh rằng YouTube cũng có bộ “Tiêu chuẩn cộng đồng”, tuy nhiên họ lý giải cặn kẽ, giúp người dùng tránh vi phạm. Còn Facebook thì không, chính sự mập mờ trong bộ tiêu chuẩn cộng đồng đã khiến mạng xã hội này dễ dàng trừng phạt những bài đăng chính trị theo yêu cầu của chính phủ.
Việc trừng phạt này bao gồm đánh vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng cho phép khiếu nại, nhưng nhiều lúc không cho phép người dùng được kháng cáo.
Bên cạnh đó, Facebook ra quyết định xoá các bài đăng về sự kiện hoặc nhân vật chính trị một cách tuỳ tiện hoặc với lý chung chung.
Ngoài ra, Facebook còn có quy định cấm hiển thị bài viết về chính trị xuất hiện ở Việt Nam với lý do “giới hạn pháp lý tại địa phương”. Hình phạt này còn áp dụng cả với việc cấm chạy quảng cáo bài đăng về chính trị tại Việt Nam. Nói cách khác, Facebook công khai thừa nhận cơ chế kiểm duyệt của nhà nước Việt Nam, bất chấp quốc tế nhiều lần lên án về tình trạng tồi tệ của tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Nguy hiểm hơn, Facebook ngang nhiên khoá nick những nhà bất đồng chính kiến, thậm chí là cấm bài đăng của họ xuất hiện trên tài khoản của những người dùng có địa chỉ IP ở Việt Nam.
- Phương pháp 2: Những thủ thuật không công khai.
Nếu như việc áp dụng “tiêu chuẩn cộng đồng” khiến Facebook bị mang tiếng tiếp tay cho độc tài, thì việc áp dụng những phương pháp không công khai tỏ ra hiệu quả, làm cho nạn nhân uất ức mà không có bằng chứng để khiếu nại.
Facebook quản lý hệ thống bằng thuật toán. Mọi việc đều có thể giải quyết với một thuật toán hợp lý.
Phương pháp thường xuyên nhất mà Facebook áp dụng là “bóp tương tác”. Nghĩa là bài đăng của bạn đang được rất nhiều người quan tâm, bỗng một thời gian sau ít người tương tác hẳn (like, share, comment,...) Lý do là các bài viết này không được Facebook cho phép xuất hiện trên các dòng thời gian của người khác, điều đó kéo tụt sự lan toả của bài viết. Đúng ý của chính phủ Việt Nam.
Một phương pháp cũng được Facebook áp dụng đó là âm thầm xoá bài viết. Nếu như cứ xoá bài, gắn vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng nhiều sẽ khiến Facebook giảm uy tín, vì vậy họ luồn lách bằng cách âm thầm xoá bài mà không thèm nói lý do.
Chỉ với các thủ đoạn như trên, Facebook đủ sức làm tàn lụi những người bất đồng chính kiến trên mạng xã hội, cô lập họ, cô lập thông điệp và thúc đẩy các hành động có lợi cho nhà cầm quyền.
Chính vì xu hướng hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Facebook và chính quyền Việt Nam, rất mong sẽ có nhiều tiếng nói lên án những hành động này. Những người bất đồng chính kiến nên xem xét đến việc lập báo cáo hàng năm về các vi phạm của Facebook và nộp cho các tổ chức quốc tế, chính phủ các quốc gia dân chủ.
Trang Nguyễn