Thấy gì từ hai cuộc bầu cử tại Miến Điện và Hoa Kỳ

Cả hai cùng xảy ra vào tháng 11/2020.

Tại Miến Điện, bên thua cuộc, đảng của giới quân đội đang nắm thực quyền đằng sau Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi, và muốn được chính danh cầm quyền qua cuộc bầu cử, không chấp nhận kết quả bầu cử, tố cáo đảng NLD gian lận trong bầu cử, và đã đâm đơn kiện khoảng 200 lần theo luật chơi trong Hiến Pháp nhưng không thành.

Bên Mỹ, bên thua cuộc, vị tổng thống đương nhiệm, không chấp nhận kết quả bầu cử tại một số tiểu bang, đâm đơn kiện bên thắng gian lận, và tất cả các vụ kiện, trên 60 vụ, đều bị bác bỏ bởi Tòa Án tại các tiểu bang liên hệ cũng như Tối Cao Pháp Viện.

Ngày 1 tháng Hai, 20121, rạng sáng trước khi Quốc Hội Miến Điện họp để chính thức xác nhận kết quả bầu cử, quân đội Miến Điện làm cuộc đảo chánh chính phủ dân sự, quản thúc lãnh đạo dân sự của Miến Điện là bà Aung San Suu Kyi và các thành viên trong Quốc Hội và ban hành thiết quân luật, tái lập chế độ quân phiệt.

Tại Mỹ, ngày 6 tháng Giêng, nhiều ngàn người kéo về thủ đô Washington, D.C. theo lời kêu gọi của tổng thống đương nhiệm để biểu tình phản đối kết quả bầu cử và áp lực Quốc Hội không chuẩn nhận kết quả. Trong khi Quốc Hội đang tiến hành thủ tục xác nhận kết quả, một đám đông tấn công xâm nhập vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ gây bạo loan. Sau khoảng 2 tiếng, Tổng Thống Trump kêu gọi người biểu tình không bạo động và ra về, và ngày hôm sau ông lên án hành vi bạo loạn trên và chấp thuận bảo đảm một cuộc chuyển quyền ôn hòa theo Hiến Pháp mặc dù vẫn quả quyết rằng mình thua vì đối phương gian lận.

Bài học gì ta rút ra được từ hai nước trên để áp dụng trong việc canh tân nước Việt?

**

Miến Điện chưa hoàn toàn là một chế độ dân chủ. Từ chế độ quân phiệt, dưới áp lực quốc tế và của Hoa Kỳ đánh thẳng vào quyền lợi kinh tế trực tiếp của giới cầm quyền quân đội (Đạo Luật Magnitsky sau này lấy ý từ lối đánh trên), phe quân phiệt đã phải nhượng bộ, chấp nhận một tiến trình dân chủ hóa nhưng vẫn chuẩn thuận một Hiến Pháp dành cho mình quyền tối hậu và tối thiểu 25% phe mình trong Quốc Hội. Bề mặt là một chính quyền dân sự do đảng NLD với bà Aung San Suu Kyi là lãnh đạo tối cao, mặc dù không chính danh làm tổng thống vì Hiến Pháp ngăn chặn người có người phối ngẫu là người ngoại quốc làm vai trò này.

Trong kỳ bầu cử vừa qua, đảng NLD thắng lớn và có khả năng tu chính Hiến Pháp để làm giảm bớt quyền lực của phe quân đội. Độc tài thì luôn muốn nắm quyền lực bằng mọi giá, nên dẹp cuộc bầu cử bất lợi cho mình.

Cho nên nếu một ngày nào đó, khi CSVN dưới nhiều áp lực phải nhượng bộ và muốn thỏa hiệp, chia cho phe quốc gia một số ghế quyền, phe quốc gia dân chủ phải luôn ghi nhớ kinh nghiệm thỏa hiệp với CS để đánh Pháp trong quá khứ để rồi bị đâm sau lưng, bán đứng, thanh toán tiêu trừ dần; và ghi nhớ bài học Miến Điện, rằng dân chủ không thể thực sự có được khi phe cầm quyền độc tài vẫn còn nắm thế thượng phong với đầy đủ công cụ trấn áp bạo lực là quân đội công an trong tay họ.

Trong khi đó nước Mỹ có một nền dân chủ bền vững lâu đời, nên biến cố tấn công tòa nhà Quốc Hội mùng 6 tháng Giêng chỉ là cơn bão thoáng qua không làm suy suyển chế độ.

Trước đó khi chỉ mới nghe phong phanh rằng bên Tòa Bạch Ốc trong tiến trình phản đối kết quả bầu cử, đang xem xét việc ban hành thiết quân luật hoặc có thể xử dụng quân đội với một tân quyền bộ trưởng quốc phòng rất thân cận với tổng thống, 10 cựu bộ trưởng quốc phòng đã lên tiếng chặn trước, khẳng định bầu cử đã xong, và là điều nguy hiểm nếu quân đội can thiệp vào chuyện bầu cử.

Sau biến động 6 tháng Giêng, dư luận khắp nơi ở Mỹ và đại đa số dân cử hai đảng đều lên án việc tấn công vào tòa nhà biểu tượng của nền dân chủ Mỹ và ngay cả Tổng Thống Trump người đang phản đối kết quả bầu cử cũng phải lên án hành động bạo loạn trên. Các tướng lãnh trong bộ Tổng Tham Mưu Liên Quân (Joint Chiefs of Staff) cũng khẳng định quân đội chỉ trung thành với Hiến Pháp chứ không với cá nhân hay đảng phái nào.

Từ trên, ta thấy rằng một cơ chế dân chủ với tam quyền phân lập và tự do báo chí chưa đủ để duy trì một nền dân chủ bền vững. Mà người dân cần phải có một trình độ ý thức và thói quen hành xử dân chủ cao. Từ đó mới có một quân đội như quân đội Mỹ, tuy rất kỷ luật dưới quyền của tổng tư lệnh tối cao là tổng thống nhưng không thể trung thành với tổng thống đương nhiệm hay đảng phái nào để tuân theo những lệnh có thể vi hiến bắt mình quay súng vào dân. Vì thế ở Mỹ, các quân nhân khi còn tại ngũ có truyền thống không tham gia đảng phái chính trị.

Ta đã thấy tại các nước từ dân chủ chuyển sang độc tài  như Nga với Putin, Venezuela với Chavez và Maduro, v.v… những lãnh đạo ban đầu được dân tín nhiệm cao cỡ trên 80-90%, do đó dân cũng bầu cho quốc hội tuyệt đối cùng phe lãnh đạo, thì quốc hội sẽ dễ dàng tu chính Hiến Pháp nhằm củng cố quyền lực người lãnh đạo theo chiều hướng độc tài.

Trong lúc dân còn mê hay tôn sùng người lãnh đạo thì chuyện mất dần dân chủ chỉ là chuyện nhỏ dễ dàng chấp nhận, cho đến một thời gian sau, khi tỉnh ngộ thì quá muộn, lại phải tranh đấu đòi dân chủ lại từ đầu! Trong khi đó, tại các nước dân chủ bền vững, hiếm có lãnh đạo nào được quá 60% dân ủng hộ. Luôn có một bộ phận lớn người dân bất đồng, sẵn sàng đối lập làm cái thắng chặn mọi xu hướng manh nha độc tài.

Vậy làm thế nào để nâng cao trình độ dân chủ của người dân?

1/ Khi ta nghe một ý kiến trái nghịch với ta và ta giận ghét luôn người có ý kiến đó, ta tấn công chửi bới cá nhân người nghịch ý, thì điều này thể hiện một cái thâm tâm, có thể vô thức hay có ý thức, là ta muốn tiêu trừ người đối lập. Mầm mống độc tài nằm trong ta đó, ấy là ta vẫn chưa có quyền lực gì để mà say men. Cho nên để giảm thiểu cái mầm mống độc tài này, và cho chính ta khỏi tổn thọ mang trong mình cảm xúc tiêu cực giận ghét, ta cần nhắc nhau rằng những ý kiến đối chọi nhau là chuyện tự nhiên bình thường trong cuộc sống, thậm chí còn cần thiết, nhiều khi bổ túc cho nhau cho cuộc sống đa diện cân bằng hơn.

Cảm nhận được như thế, ta sẽ có được một tầm nhìn đa nguyên và thấm thía hơn câu “quân tử bất đồng nhưng không bất hòa,” hay “đại nhân bàn cãi trên ý tưởng, tiểu nhân tranh cãi về cá nhân nhau khi có tranh luận.” Từ đó ta cùng nhau xây dựng một văn hóa Hoà Đồng tốt hơn.

2/ Các chế độ độc tài thường tuyên truyền sao cho người dân tôn thờ sùng bái lãnh tụ.  Hồ Chí Minh và ông, cha, con nhà họ Kim tại Triều Tiên là những ví dụ. Khi người dân tôn sùng lãnh tụ, người ta dễ nhắm mắt đặt trọn niềm tin của mình vào lãnh đạo và giao cho họ quyền lực tuyệt đối, hơn cả cha mẹ mình. Với một niềm tin gần như tôn giáo ấy, người ta dễ dàng chối bỏ, không muốn nghe hay thấy những điểm tiêu cực của “giáo chủ” mặc cho những bằng chứng hiển nhiên. Như thế độc tài được thêm củng cố.

Cho nên ta cùng nhắc nhau không nên vì quá thích một nhân vật lãnh đạo nào mà thần tượng hóa họ quá mức để chỉ nhìn thấy toàn điểm hay, đẹp nơi họ, quên rằng họ chỉ là những con người, dù xuất chúng, nhưng vẫn luôn luôn có những điểm vừa hay và vừa dở tiêu cực về họ và nếu ta ủng hộ và theo họ, là vì những điểm hay của họ hợp với ta nhiều hơn mà thôi.

Tại các xứ dân chủ, thần tượng hóa lãnh tụ sẽ khuyến khích họ độc tài, say quyền lực hơn. Và để giảm nguy cơ thần thánh hóa một người, ta nên giữ ngay từ đầu một tư duy phê phán, theo dõi những thông tin trái chiều nhau thay vì chỉ theo một luồng thông tin một chiều từ người lãnh đạo.

3/ Khuynh hướng tôn sùng lãnh tụ dễ xảy ra khi người ta không tự tin rằng mình có thể làm chủ lấy vận mạng của mình, cần phải nhờ một minh quân, đấng phi thường nào đó lo cho mình. Các chế độ độc tài luôn luôn tìm cách làm cho người dân cảm thấy mình bé nhỏ, cần được bao cấp bởi chính quyền như là cha mẹ dân.

Một thời gian sau khi các chế độ CS Đông Âu sụp đổ, người dân vốn quen được nhà nước quyết định hết cho mình, đã hụt hẫng lúng túng thất vọng khi phải đứng trước nhiều chọn lựa do chính mình quyết định cho mình. Nên tại nhiều nước Đông Âu, trong cơ chế dân chủ mới, có một thời các đảng cộng sản hay hậu thân của nó đã được dân chọn trở lại một thời gian. Cho nên xây dựng một niềm tin vào chính nội lực của mình, vào khả năng mình có thể tạo thay đổi, làm chủ vận mạng mình phải là một trong những điểm then chốt trong tiến trình dân chủ hóa đất nước.

4/ Quyền lực dễ làm người ta say ghiền.  Theo các nghiên cứu khoa học về tâm trí thần kinh, Tình, sex, Tiền, Danh Vọng, Quyền lực, các thuốc gây nghiện v.v… cùng tác động lên một trung khu hạt nhân thần kinh trong não bộ làm gia tăng tiết ra những hợp chất dẫn truyền thần kinh làm cho ta cảm thấy hoan lạc dễ ghiền. Cho nên ai mà ở vị trí quyền lực lâu nếu không có gì kềm chế, dễ say ghiền quyền lực không muốn buông bỏ. và sẽ tìm đủ mọi cách để giữ ghế giữ quyền.

Các nhà lập quốc Mỹ đã vô cùng sáng suốt khi soạn Hiến Pháp giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Nhiều nhà độc tài vốn trước đó là những người đầy lý tưởng nhân bản, từng là anh hùng dân tộc, nhưng sau khi thành công nắm chính quyền rồi thì từ từ trở thành độc tài ác nhân là vì đã say quyền lực. Ví dụ nhà độc tài Robert Mugabe. Ông từng được coi là anh hùng dân tộc, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng đất nước giờ có tên là Zimbabwe, Phi Châu, khỏi tay thực dân Anh và sự thống trị của người da trắng; sau khi được bầu lên nắm chính quyền năm 1980, ông đã tìm cách ngồi lì luôn ở đó trong bốn thập niên, bằng nhiều thủ đoạn từ bạo lực đến gian lận bầu cử trước khi bị đảo chính năm 2017.

Cho nên những người đi đấu tranh cho dân chủ phải luôn nhắc nhở nhau về nguy cơ biến chất thành độc tài khi thành công nắm chính quyền, hành xử ngược lại với lý tưởng mình từng đeo đuổi.

5/ Khuynh hướng lạm dụng và bám chặt quyền lực nơi những người chiến thắng trong những cuộc đấu tranh cách mạng thường phát xuất từ tâm lý rằng mình đã hy sinh công sức chịu khổ sở nhiều nên bây giờ mình phải được hưởng những đền bù, đối xử đặc biệt hơn ngươi thường. Từ đó dễ có khuynh hướng ngồi trên luật pháp.Đây cũn g là tâm lý của người có quyền lực dễ tin rằng mình hơn người thường nên có những đặc ân đặc quyền mà luật pháp không thể áp dụng cho mình.

Cho nên để giảm thiểu sự lạm dụng trên, cần phải có một nền tự do báo chí vững chắc để có thể nhạy bén la làng kịp thời những hiện tượng ngồi trên pháp luật và hành vi sai trái mà không sợ bị trù dập. Và rất cần một nền tư pháp thật sự độc lập với chính quyền, phân xử công minh việc có tội hay không, sau đó mới xét đến công và tội trong việc áp dụng hình phạt.

Trên đây là những điểm lý thuyết căn bản để dọn đường cho có một nền dân chủ bền vững. Vậy thực hành ra sao?  Ở đây người viết chỉ muốn chia sẻ những gì mà anh chị em trong Đảng Việt Tân cùng người viết đang cố gắng thực tập để áp dụng những điều trên:

– Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau về một văn hóa Hoà Đồng của Việt Tân, thực tập tranh luận trong tương kính, tôn trọng những dị biệt của nhau để đồng tâm phục vụ lý tưởng chung.

– Chúng tôi không tôn thờ sùng bái thần thánh hóa lãnh tụ. Chúng tôi kính trọng và cảm phục quý chiến hữu lãnh đạo tiên phong, noi theo gương can đảm, dấn thân và hòa mình đồng cam cộng khổ cùng anh em cấp dưới, đi theo truyền thống tốt đẹp mà họ đã đặt nền tảng cho tổ chức, nhưng chúng tôi không ngại khách quan phân tích những điều đã làm họ thất bại.

– Chúng tôi đặc biệt chủ trương dựa vào nội lực của dân tộc là chính, không chủ trương chiến đấu đơn độc nhưng không ngại phải chiến đấu đơn độc và luôn nhắc nhở nhau lấy sức mình là chính, xây dựng niềm tin vào chính mình để tạo thay đổi thay vì chờ đợi trông cậy vào người ngoài.

– Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau rằng mục đích của cuộc đấu tranh không phải là nắm chính quyền bằng mọi giá, mà Việt Tân luôn luôn phục vụ đất nước và dân tộc dù ở trong hay ngoài chính quyền.

– Chúng tôi nhắc nhở nhau ta đi vào đấu tranh không phải để hy sinh. Nghĩ mình đang hy sinh tức chịu thiệt, thì khó mà đi đường dài, vì sẽ dễ mỏi mệt và trở nên cay đắng bỏ cuộc hoặc khi thành công thì tự cho mình quyền được đền bù. Đi vào đấu tranh là để tìm hạnh phúc cho người và cho chính mình. Cái hạnh phúc mình có được là tình chiến hữu, là được bao bọc chung quanh với những người cùng lý tưởng, là thấy cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, là thấy rằng mình đã càng ngày càng thăng tiến khi làm được những điều mà mình không ngờ mình có thể làm được khi đứng ngoài tổ chức, là một người bình thường như mình khi chung tay cùng nhiều người bình thường khác, những chiến hữu của mình, lại có thể làm điều phi thường, v.v…

– Chúng tôi đã quen dần với những chỉ trích, đánh phá từ một số dư luận từ trước đến nay, nên không cảm thấy thôi thúc phải loại trừ những dư luận trái chiều với mình, mà coi đó là cơ hội để mình rà soát lại chính mình xem các dư luận đó có xây dựng gì cho mình hay không.

Tóm lại từ những bài học rút tỉa từ hai cuộc bầu cử tại Miến Điện và Hoa Kỳ, ta thấy rằng dân chủ không phải là tự nhiên mà có. Đây là một tiến trình sinh động đòi hỏi nhiều công sức và chuẩn bị, vì ngoài việc gỡ bỏ độc tài, ta cần xây dựng và duy trì một nền dân chủ bền vững.

Dân chủ không phải là một chế độ toàn hảo bất biến, nó bền vững vì cho người dân có thể linh động điều chỉnh theo thời thế để vượt qua mọi thăng trầm ngả nghiêng chính sự. Đó là điều kiện cho một tiến trình canh tân miên viễn.

BS Đặng Vũ Chấn

https://viettan.org/thay-gi-tu-hai-cuoc-bau-cu-tai-mien-dien-va-hoa-ky/