Trọng Thành - RFI
Hôm nay, 07/02/2021, là ngày thứ hai liên tiếp, người dân Miến Điện xuống đường đông đảo phản đối cuộc đảo chính quân sự. Theo giới quan sát, đây là cuộc biểu tình vì dân chủ lớn nhất tại Miến Điện kể từ năm 2007.
Người biểu tình xuống đường đông đảo nhất tại Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện, với khoảng 100.000 người tham gia, theo ghi nhận của nhiều nguồn tin tại chỗ. Những người biểu tình thường mang theo áo đỏ, cờ đỏ hay bóng bay màu đỏ, sắc màu biểu tượng của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ hay những bức hình bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo chính phủ dân sự, vừa bị giới tướng lãnh lật đổ. Đả đảo chế độ độc tài quân sự, yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt, tái lập dân chủ là các thông điệp chính của những người biểu tình.
Theo AFP, người biểu tình không tiến về được tòa thị chính Rangoon, do khu vực này bị phong tỏa, cảnh sát chống bạo động được triển khai đông đảo, tuy nhiên, chưa có đụng độ nào xảy ra. Biểu tình cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn, như Mandalay. Khoảng 1.000 người xuống đường tại thủ đô Naypyidaw.
Khống chế internet để làm tê liệt phong trào phản kháng
Mạng internet tiếp tục bị ngăn chặn tại Miến Điện. Theo tổ chức phi chính phủ Netblocks, chuyên về vấn đề này, thì internet chỉ hoạt động ở mức 14% so với ngày thường. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện Tom Andrews nhấn mạnh là, bằng cách này, « giới tướng lĩnh cố gắng làm tê liệt phong trào phản kháng, và không để cho bên ngoài biết được những gì đang xảy ra trong nước ».
Trên thực tế, chính quyền quân sự cũng khó lòng cắt đứt hoàn toàn mạng internet tại Miến Điện khỏi thế giới. Trả lời RFI, chuyên gia David Cameroux (trung tâm nghiên cứu CERI, Học Viện Chính Trị Paris) giải thích:
"Internet không chỉ liên quan đến chính trị, mà là vấn đề kinh tế. Ngăn chặn internet có nghĩa là đóng cửa kinh tế. Với những biến đổi công nghệ hiện nay, chế độ độc tài quân sự không thể sử dụng các biện pháp đàn áp như trước. Giới quân sự cũng đang phải đối mặt với phong trào phản kháng của giới trẻ, lấy hình mẫu là phong trào phản kháng của giới trẻ Thái Lan. Lớp trẻ giờ đây không sợ hãi, và phong trào của họ cũng không có người lãnh đạo, phong trào như vậy khó có thể kiểm soát được".
Quân đội Miến Điện bắt giữ hơn 160 người
Chính quyền quân sự cũng tiếp tục các vụ bắt bớ. Theo hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị, có trụ sở tại Rangoon, cho đến nay đã có hơn 160 người bị câu lưu. Aung San Suu Kyi và tổng thống Win Myint đang bị quản thúc tại gia. Luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết chính quyền quân sự từ chối yêu cầu được tiếp xúc với thân chủ.
Về mặt chính thức, bà Aung San Suu Kyi sẽ bị quản thúc cho đến ngày 15/02. Giải Nobel Hòa Bình, 75 tuổi, bị chính quyền quân sự cáo buộc vi phạm luật về xuất nhập khẩu. Trong hơn hai thập niên tranh đấu chống chế độ độc tài quân sự, Aung San Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia trong gần 15 năm, trước khi quá trình chuyền tiếp sang dân chủ đầy gian nan được khởi sự vào năm 2011./.