Tường An - RFA
Trước những động thái xoá tài khoản Facebook hoặc chặn các bài viết hay YouTube có nội dung đấu tranh cho Tự Do, Dân Chủ Nhân quyền tại Việt Nam ngày càng nhiều, cùng với Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, nhà báo Lê Trung Khoa tại Đức đã tổ chức một cuộc biểu tình ngay trước trụ sở của Facebook tại Berlin để lên tiếng về những hành động sai trái của FB cũng như Google và cổ vũ cho quyền tự do biểu đạt.
Vào ngày 21 tháng 9, tại thủ đô Bá Linh (Berlin) - Đức, trước trung tâm thương mại Sony, nơi đặt văn phòng của Facebook (FB) đã diễn ra một cuộc biểu tình để phản đối việc FB xoá những bài hoặc đóng tài khoản của một số người Việt trong và ngoài Việt Nam sử dụng mạng xã hội này để chuyển tải thông tin, đặc biệt những đề tài liên quan đến Tự do, Dân chủ và Nhân quyền tại Việt Nam. Nhà báo tự do Lê Trung Khoa, Giám đốc trang thoibao.de, sống tại Bá Linh, Đức quốc, người tổ chức cuộc biểu tình, cho biết từ đâu ông có ý tưởng này:
“Trang thoibao.de hàng ngày sản xuất rất nhiều tin tức về tình hình Việt Nam, tình hình trên thế giới. Chúng tôi truyền tải những thông tin đó trên YouTube, trên Facebook và các nền tảng xã hội khác nhau. Đặc biệt trên FB, sức lan toả của nó rất là lớn, nhưng nhà cầm quyền Việt Nam dùng những biện pháp kỹ thuật, những sức ép để bắt FB phải khoá những bài báo của chúng tôi tại Việt Nam. Điều này đem lại những thiệt hại cho người xem, người ta không biết, không truy cập được những thông tin sự thật và đối với chúng tôi thì thông tin cũng bị kém lan toả hơn.
Chính vì vậy chúng tôi cùng với Tổ chức Phóng viên Không Biên giới kết hợp để tổ chức một cuộc biểu tình tại Berlin, ngay trước trụ sở của FB để đưa tiếng nói của những người viết và đặc biệt là đưa đến cho công luận Đức và quốc tế biết về việc nhà cầm quyền Việt Nam đang thúc ép, ép buộc FB phải làm những việc không hợp pháp đối với phía Đức để có thể khoá những bài viết của chúng tôi ở phía Việt Nam”
Để cuộc biểu tình gây được tiếng vang quốc tế, nhà báo Lê Trung Khoa đã mời Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới cùng hợp tác. Ông Christian Mihr, Giám đốc điều hành Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới tại Đức, cho biết lý do ông nhận lời tham gia biểu tình :
“Hôm nay chúng tôi đứng ở đây, ngay trước trụ sở của Facebook tại Berlin, vì Facebook đã hứa rằng họ ủng hộ tự do báo chí trên toàn thế giới, nhưng đối với Việt Nam thì điều này đã không được bảo đảm.
Chính phủ cộng sản độc tài tại Việt Nam đã lạm dụng Facebook để khóa những bài viết mang tính chỉ trích, hành động đó là không thể chấp nhận.
Hoạt động báo chí độc lập trên Facebook hoặc YouTube cần phải được đảm bảo, hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để nhắc nhở Facebook điều họ cần phải làm, họ không được che giấu điều đó.
Họ cũng không phải chỉ coi trọng mỗi luật pháp của Nhà nước Việt Nam và cũng không vin vào cái cớ chỉ là một công ty tư nhân. Facebook là một công ty hoạt động trên toàn cầu nên họ cần tôn trọng nhân quyền. Tự do báo chí, tự do biểu đạt cũng là những quyền căn bản của con người trên toàn thế giới nên Facebook cần đảm bảo cho điều đó .
Chính vì vậy, chúng tôi có mặt ở đây để phản đối Facebook những điều họ đã vi phạm và nhắc nhở họ cần phải lưu ý điều này”.
Christian Mihr, Giám đốc điều hành Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới tại Đức và nhà báo Lê Trung Khoa tại cuộc biểu tình hôm 21/9/2021 ở Berlin, Đức
Chỉ số Tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới xếp Việt Nam vào thứ 175 trên 180 quốc gia trên toàn thế giới.
Năm 2021, tổ chức Freedom House cũng xếp tự do báo chí Việt Nam ở thang điểm 0/4. Freedom House cũng tố cáo việc Luật an ninh mạng tại Việt Nam năm 2019 bao gồm một số điều khoản hạn chế quyền truy cập vào thông tin chưa được kiểm duyệt của Nhà nước Việt Nam. Cũng theo Freedom House, Chính phủ Việt Nam cũng yêu cầu các công ty như Facebook và Google lưu trữ thông tin về người sử dụng, đồng thời cho phép Việt Nam chặn quyền truy cập vào những nội dung có thể được coi là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia. Dưới áp lực của Hà Nội, Facebook đã đồng ý tăng cường xóa những nội dung bị cho là bất hợp pháp tại Việt Nam. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng đe dọa sẽ chặn mạng xã hội này nếu họ không hạn chế thêm nội dung được cho là nguy hiểm với chế độ.
Trang thoibao.de của nhà báo Lê Trung Khoa hỗ trợ việc báo cáo cho những người viết bị FB xoá hay đóng tài khoản. Ông cho biết, ông đã có danh sách hàng trăm người sử dụng FB mà đa số là những FB có hàng chục ngàn người theo dõi, nhà báo Lê Trung Khoa nói:
“Vô vàn… Số lượng Facebooker mà bị khoá thì có hàng ngàn. Rất là nhiều người Việt Nam ở nước ngoài và ngay cả trong Việt Nam cũng bị rất nhiều là luôn luôn bị khoá, đóng và bị báo cáo dưới những hình thức ồ ạt. Thật ra, phía sau lưng đó có thể là đội ngũ dư luận viên của đảng Cộng sản Việt Nam tìm mọi cách đánh lừa «trí thông minh nhân tạo» của FB để khoá và xoá những bài viết của người sử dụng FB. Chính vì vậy mà chúng tôi phải đấu tranh cho việc này”.
Cuộc biểu tình kéo dài từ 11 giờ sáng đến 1 giờ trưa, thu hút được nhiều cơ quan truyền thông lớn như DPA, Reuters.v.v… Tham gia cuộc biểu tình cũng có luật sư Nguyễn văn Đài, hiện đang định cư tại Đức. Ông cũng cho biết, ông cũng là nạn nhân của việc chặn bài viết cũng như những YouTube của ông :
“Tôi biết chắc chắn 100% là những nhà hoạt động Xã hội dân sự hay những người sử dụng mạng xã hội FB để bày tỏ những quan điểm khác biệt thôi chứ chưa nói là đối lập, thì cũng đã bị đóng FB rồi. Tôi theo dõi tất cả những người hoạt động ở Việt Nam thì 100% ….không phải là 99% nữa mà là 100%.
Bản thân tôi thì trong vòng 8 tháng của năm 2021 tôi bị đóng bốn lần/ tháng. Như vậy là mất bốn tháng rồi.
Những video của tôi chủ yếu và về Nhân quyền Việt Nam cũng như nâng cao nhận thức cho người dân Việt Nam về Tự do, Dân chủ. Nhưng mà hầu như tháng nào tôi cũng bị chặn từ 15 đến 20, 30 video hoặc là các bài viết. Anh Lê Trung Khoa, anh Bùi Thanh Hiếu cũng vậy, thường xuyên bị ngăn chặn bài viết hay đóng FB. Chúng tôi là người hoạt động ở nước Đức, chúng tôi tuân thủ luật pháp của nước Đức cũng như là luật pháp quốc tế, chúng tôi không dính dáng gì đến luật pháp Việt Nam cả. Cho nên chúng tôi tổ chức biểu tình trước trụ sở FB với mục đích thứ nhất là lên án những sự vi phạm Nhân quyền của chính quyền cộng sản Việt Nam, thứ hai là kêu gọi Chính phủ Đức cũng như các tổ chức quốc tế cùng đồng hành với chúng tôi trong việc tố cáo tội ác của họ. Còn điểm thứ ba là chúng tôi khích lệ, kêu gọi công ty FB, Google không nên chịu áp lực của chính quyền CSVN mà họ cần phải giải thích cho phía Việt Nam biết rằng tất cả những gì họ làm là tuân thủ luật pháp Quốc tế”.
Những bằng chứng cụ thể về việc FB dưới sức ép của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của những người trong vả cả ngoài Việt Nam là những tin nhắn của FB đến người sử dụng được nhà báo Lê Trung Khoa in ra, phóng lớn và dán chung quanh địa điểm biểu tình để mọi người có thể nhìn thấy :
“Hàng trăm bằng chứng khác nhau được chúng tôi phóng to lên, gắn vào trên những cái cột rất là lớn ngay tại trung tâm Sony Center, trước cửa Facebook để họ nhìn thấy dễ dàng, bằng những tiếng Đức, bằng những dòng chữ tiếng Anh và cả tiếng Việt do FB gửi cho chúng tôi, gửi cho luật sư Nguyễn văn Đài, gửi cho blogger Người Buôn Gió và nhiều người khác nữa, yêu cầu FB phải đóng những status này của chúng tôi tại Việt Nam, thì đấy là những bằng chứng rất là rõ ràng.”
Một số hình ảnh buổi biểu tình ngày 21.09.2021 tại Berlin
Cuộc biểu tình được bắt đầu với phần phát biểu của đại diện Phóng viên Không Biên Giới tại Đức, ông Christian Mihr. Ngoài ra, còn có sự tham gia của những người từng bị FB xoá bài tại Việt Nam cũng như một số chính trị gia tại Đức. Đặc biệt một vở kịch được diễn lại với ba nhân vật chính là Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an với trang phục công an, một nhân vật đại diện cho Facebook và một nhân vật nữa đại diện cho giới sử dụng Fabebook. Màn kịch diễn lại cuộc trao đổi thú vị giữa bên đàn áp tự do ngôn luận và người bị đàn áp, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết thêm :
“Chúng tôi tổ chức cuộc biểu tình dưới hình thức rất mới là chúng tôi đóng một vỡ kịch là bộ công an và cộng sản Việt Nam đã áp đặt FB và YouTube như thế nào để khoá và xoá những bài của chúng tôi. Và thế giới, qua đây cũng biết được bộ mặt thật của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam như thế nào khi họ đàn áp tự do báo chí, tự do biểu đạt tại Việt Nam. Đặc biệt cũng sẽ có những chính trị gia của Đức, những tổ chức quốc tế khác cũng đến tham dự và họ chứng kiến và họ sẽ có những lời phát biểu về vấn đề này.”
Vở kịch tại buổi biểu tình hôm 21/9/2021 ở Berlin.
Sau nhiều lần tiếp xúc trực tiếp với nhân viên FB, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, vấn đề hầu như không được giải quyết rốt ráo, vì thế ông nghĩ rằng phải tổ chức một cuộc biểu tình :
“Tại trụ sở FB ở Berlin, tôi có nhiều lần đến làm việc, nhưng cách giải quyết vấn đề của họ rất chậm chạp và đặc biệt là có thể họ né tránh về phía Việt Nam cho nên họ không tích cực hợp tác với các bloggers, các người viết trong và ngoài nước để giải toả chuyện bài viết của họ luôn luôn bị chính quyền Việt Nam yêu cầu xoá hoặc làm cho ít truy cập.”
Luật sư Nguyễn văn Đài cũng nói rằng, những báo cáo của ông không hề được phản hồi của FB :
“Có những giai đoạn FB có những cơ chế để phản hồi lại họ. Thế nhưng mà những phản hồi đó hầu như không kết quả, Google thì cũng vậy thôi, họ cũng có cơ chế phản hồi. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ một hồi đáp từ hai công ty này. Rất là bất công cho những người sử dụng dịch vụ của họ."
Sau khi không có sự hợp tác từ văn phòng FB tại Bá Linh, nhà báo Lê Trung Khoa đã phải lên tiếng với các tổ chức quốc tế để đánh động về vấn đề của ông cũng như nhiều FB khác, việc này đã đem đến những kết quả nhất định :
“Nhiều năm qua, chúng tôi cũng liên tục có những trao đổi với tổ chức Phóng viên Không Biên giới, với FB và những tổ chức khác để họ tác động lên các công ty lớn như Google để họ có sự nhìn nhận đúng hơn và có thái độ rõ ràng hơn trước sức ép của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam khi mà họ bắt buộc phải xoá status của chúng tôi tại Việt Nam.
Thì việc đó cũng có tác dụng rất nhiều, trong thời gian vừa qua, cụ thể là sau khi làm việc xong thì chúng tôi thấy khoảng 1-2 năm vừa qua tài khoản của tôi và những người mà tôi đã làm việc với FB không bị khoá nữa. Tức là FB biết chúng tôi đã lên tiếng mà sự lên tiếng đó không chỉ chỉ có chúng tôi biết mà quốc tế biết, Quốc hội Đức cũng biết, Nghị viện Âu châu cũng biết và họ cũng đã trực tiếp gửi thư và họ trao đổi với FB để yêu cầu FB tôn trọng quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của công dân sống tại Đức và Châu Âu, đó là những người viết và rất nhiều cộng tác viên của chúng tôi.”
Sau nhiều nổ lực vận động, và đặc biệt, qua cuộc biểu tình này, nhà báo Lê Trung Khoa hy vọng :
“Sau cuộc biểu tình này thì tôi nghĩ rằng, chắc chắn FB sẽ phải có những phản ứng, một thái độ cụ thể, rõ ràng và đúng hướng hơn đối với những người viết như chúng tôi. Bởi vì thông qua những bài báo, những bài viết của những bloggers và của những người khác đã làm phong phú hơn cho mạng xã hội của FB, qua đó họ thu được rất là nhiều tiền. Nhưng, họ cũng phải bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do biết đạt của mọi công dân sống tại Đức cũng như Châu Âu, kể cả tại Việt Nam. Và chắc chắn là FB phải trả lời trước công luận, trước truyền thông, báo chí quốc tế. Và hy vọng rằng FB cũng sẽ có thái độ tích cực và hợp tác hơn đối với những người viết trong và ngoài Việt Nam.”
Riêng luật sư Nguyễn văn Đài thì không hy vọng nhiều ở ngắn hạn. Ông nghĩ rằng cần có sự đấu tranh bền bỉ, lâu dài thì mới đưa đến kết quả :
“Thực sự là tôi hoàn toàn không hy vọng gì cả vì chúng ta đã biết rồi, doanh thu từ quảng cáo của FB và Google tại Việt Nam rất là lớn, khoảng từ 300 đến 500 triệu USD/năm. Cho nên để giữ được thị trường ở Việt Nam thì họ phải chấp hành yêu sách của nhà cầm quyền Việt Nam. Cho nên chúng tôi tổ chức cuộc biểu tình này cũng chỉ là để cho nước Đức cũng như Châu Âu thấy rõ là những người đang sử dụng hai dịch vụ này đều bị vi phạm quyền tự do ngôn luận theo điều 19 của công ước quốc tế. Nhưng mà chúng tôi cũng hy vọng các tổ chức quốc tế cùng với những nhà dân biểu của Đức, của Châu Âu quan tâm và lên tiếng về vấn đề Nhân quyền tại Việt Nam. Chúng ta hy vọng vào một tiến trình dài, ngắn hạn thì tôi không tin là sẽ có sự thay đổi.”
Về dài hạn, nhà báo Lê Trung Khoa cho biết sẽ không dừng lại ở Bá Linh mà sẽ có những cuộc biểu tình được tổ chức thêm ở một số nước khác tại Âu Châu. Trong khi chờ đợi sự lan toả của các cuộc biểu tình ở hải ngoại, Luật sư Nguyễn văn Đài kêu gọi những người trong nước :
“Nếu như tất cả mọi người Việt Nam, mỗi người viết một tin nhắn hay viết thư khích lệ Facebook hay Google là hãy can đảm lên, hãy dũng cảm để không chấp nhận những yêu sách phi lý, bất công cũng như vi phạm luật pháp quốc tế của nhà cầm quyền CSVN thì tôi tin rằng tiếng nói của chính người dân trong nước sẽ có giá trị rất nhiều. Tôi mong tất cả mọi người cùng lên tiếng."