Bức tường Berlin sụp đổ vào lúc 10g45 đêm ngày 9 tháng Mười Một, 1989 khi hàng chục ngàn người dân Đông Đức tụ tập tại 6 trạm kiểm soát đòi công an biên phòng mở cổng để cho người dân Đông và Tây Berlin qua lại vì đã có lệnh bãi bỏ trạm kiểm soát vào lúc 6 giờ chiều cùng ngày.
Thật sự đây chỉ là tin đồn, loan tải sau cuộc họp báo của chính quyền Đông Đức về Luật Di Trú Mới nhằm nới lỏng các thủ tục du lịch chứ không phải cho qua lại tự do. Nhưng người dân Đông Đức vào lúc đó hiểu biện pháp nới lỏng của chính quyền Đông Đức là bước lùi trước sự kiện hàng chục ngàn dân Đông Đức bỏ chạy qua Tây Đức xin tỵ nạn.
Biến cố sụp đổ bức tường Berlin đã đưa đến tan rã toàn diện 8 chế độ cộng sản tại Đông Âu gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Albania, Bulgaria, Hungary, Romania, Nam Tư vào cuối năm 1989 và dẫn đến sự sụp đổ đế quốc Liên Xô vào năm 1990.
Năm nay 2019 đánh dấu 30 năm biến cố Đông Âu, Ban Biên Tập trang Web Việt Tân giới thiệu ba bài viết nhìn lại biến cố này và so sánh với tình hình Việt Nam vẫn còn ngập chìm trong sự thống trị của chủ nghĩa cộng sản.
Ban Biên Tập Web Viettan
--------------------------------
ĐÔNG ÂU 1989 – 30 Năm Nhìn Lại
Lý Thái Hùng
Không ai đoán được hiệu ứng Domino năm 1989*
Năm 1989, trận bão dân chủ đã thổi mạnh mẽ đến Đông Âu, quét sạch thành trì vô sản chuyên chính do Stalin xây dựng vào những năm sau Thế chiến Thứ hai. Chiến tranh lạnh chấm dứt và các dân tộc của vùng đất này đã được hồi sinh, vươn mình đứng dậy sau hơn bốn thập niên dài sống trong gọng kềm của chủ nghĩa cộng sản.
Nhiều nhà phê bình nhìn lại thời kỳ này đã cho rằng việc đế quốc Liên Bang Xô Viết sụp đổ theo cách như đã xảy ra là điều tất yếu. Đa số cho rằng đó là trường hợp tiêu biểu của một đế quốc khi bành trướng quá rộng, khiến không còn đủ sức giữ những tiền đồn vừa xa, vừa đầy trắc trở.
Nhìn lại thì người ta có thể nói như thế, nhưng nếu theo dõi những diễn biến đấu tranh khởi đi từ Công Đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào thập niên 1980, đến những cuộc tuần hành với hàng trăm ngàn người xuống đường đòi tự do bị đàn áp dã man ở Tiệp Khắc, Đông Đức, Hungary hay Romania trong các năm 1987 và 1988, thì sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại những quốc gia này không hề “tất yếu” chút nào. Nếu công an không xả súng vào họ để bảo vệ chế độ, thì lính Xô-Viết vẫn có thể bắn để bảo vệ đế quốc. Hồng Quân Liên Xô đã từng làm như thế vào các năm 1956 ở Warsaw và 1968 ở Praha. Hơn nữa, Hồng Quân Liên Xô có nửa triệu quân đóng tại Đông Âu, không phải là không thể ra tay.
Nhưng rồi, cả một hệ thống, một đế chế, một khuôn mẫu đã bị quét sạch cùng với hàng trăm lãnh tụ vừa độc tài vừa bất tài, lại tham nhũng và độc ác. Điều may mắn cho nhân loại là các chuyển biến đã diễn ra trong một thời gian kỷ lục với rất ít bạo động, chỉ trừ vài ngày ở Romania.
Khi nói tới biến cố Đông Âu, người ta gom chung để nói về tám nước chư hầu bị Liên Xô nhuộm đỏ sau Thế chiến Thứ hai, gồm: Ba Lan, Tiệp Khắc, Hungary, Bulgary, Đông Đức, Romania, Albania và Nam Tư. Nhưng trong thực tế, sự sụp đổ của khối Cộng sản tại Đông Âu đến từ ba cuộc đấu tranh rất đặc thù diễn ra lần lượt tại ba quốc gia: Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc, và từ đó tạo ra hiệu ứng Domino cho toàn khối Đông Âu.
Các chuyển biến diễn ra quá nhanh, như lời Giáo sư Timothy Garton Ash, chuyên gia về lịch sử Trung Âu, nhận xét về tốc độ sụp đổ của các chế độ cộng sản: Ba Lan mất mười năm tranh đấu, Đông Đức tốn mười tuần, và Tiệp Khắc vỏn vẹn 10 ngày.
………………
ĐÔNG ĐỨC
Cuộc đấu tranh tại Đông Đức mang nặng màu sắc quần chúng. Không có một lực lượng tiên phong nào lãnh đạo, kể cả không có một cá nhân nào trở thành một lãnh tụ như Lech Walesa ở Ba Lan hay Vaclav Havel ở Tiệp Khắc để điều hướng đám đông. Sở dĩ có tình trạng này là vì trong quá khứ, những người có thành tích đấu tranh mà bị đảng Cộng sản Đông Đức xem là nguy hiểm liền bị mật vụ của chế độ cô lập và bị đẩy đi sống lưu vong.
Ngoài ra, cuộc đấu tranh tại Đông Đức được châm ngòi từ chính thái độ ngoan cố, tham quyền cố vị của Tổng bí thư Erich Honecker, muốn giữ ghế tổng bí thư muôn đời và không chấp những khuyến cáo thay đổi từ Điện Kremlin như ở Ba Lan hay Hung Gia Lợi.
Nhân ngày bầu cử Hội đồng Nhân dân địa phương vào ngày mồng 8 tháng 5, 1989, đa số cử tri Đông Đức đi bỏ phiếu đã gạch chéo những ứng cử viên do Mặt trận Quốc dân Đức (của đảng Cộng sản Đức) đưa ra, trong khi khoanh tròn một số ứng viên của năm tổ chức quần chúng không nằm trong Mặt trận Quốc dân. Ngoài ra, dựa vào Hiến Pháp công nhận quyền giám sát bầu cử của người dân, một số lãnh đạo tôn giáo và các nhà hoạt động về môi trường, xã hội yêu cầu chính quyền cho phép thành lập các tổ giám sát bầu cử tại những đơn vị bỏ phiếu, và chính quyền đã miễn cưỡng chấp nhận. Sau này, chính quyền Đông Đức mới hiểu ra rằng quyết định cho dân tự kiểm phiếu là một sai lầm tệ hại.
Khi công bố kết quả bầu cử, những người giám sát lên tiếng ngay rằng kết quả đã bị chính quyền ngụy tạo. Con số họ có được về những cử tri không bỏ phiếu cho người của nhà nước khác xa con số chính thức. Họ cho biết, có từ 9% đến 10% bỏ phiếu chống. Trước sự kiện gian lận và tráo trở này, người dân đủ mọi thành phần đã cùng nhau tụ tập biểu tình tại những khu phố lớn. Ngày 12 tháng 5, 1989, một phái đoàn đại diện đoàn biểu tình đến trao thỉnh nguyện thư tại trụ sở Quốc hội để yêu cầu hủy kết quả bầu cử, nhưng đã bị lực lượng an ninh đàn áp dã man và bắt giữ 150 người trong đoàn biểu tình. Phẫn nộ trước sự đàn áp này, dân chúng tại Đông Bá Linh chính thức kêu gọi toàn quốc cùng xuống đường đòi công lý vào ngày 8 mỗi tháng.
Dân chúng thủ đô Bá Linh biểu tình chống kết quả gian lận trong cuộc bầu cử
Hội Đồng Nhân Dân Địa Phương vào đầu tháng 5, 1989, từ đó làm bùng nổ làn sóng biểu tình
chống chính quyền ở khắp các thành phố lớn. Photo by WSWS.org
Trong lúc phong trào chống bầu cử gian lận bùng nổ khắp nơi thì một biến cố khác cũng đã làm chấn động xã hội Đông Đức, đó là việc chính quyền Hung Gia Lợi cho mở cửa biên giới với nước Áo hôm mồng 2 tháng 5, 1989, cho phép người dân ở các quốc gia Đông Âu có thể vào lãnh thổ Hungary, rồi băng qua Áo để chạy sang các nước Tây Âu. Lợi dụng sự kiện hy hữu này, hàng ngàn gia đình người Đông Đức nhân dịp nghỉ hè từ tháng 6 đến tháng 8, đã tràn ngập các cửa khẩu ở biên giới với Hung Gia Lợi và Tiệp Khắc để xin vào các Tòa Đại sứ Tây Đức. Tại Praha, số người tỵ nạn quá đông; họ sống chen chúc trong tất cả mọi phòng ốc, không đủ chỗ để sinh hoạt, trẻ con không có chỗ để chạy chơi. Vì thế mà đích thân ngoại trưởng Tây Đức, ông Hans-Dietrich Genscher đã phải bay sang Đông Berlin để thương lượng với chính quyền Đông Đức sau khi đã thỏa thuận được với ngoại trưởng Liên Xô bên lề cuộc họp của Liên Hiệp Quốc.
Kết quả là chính quyền Đông Đức đồng ý cho người tị nạn Đông Đức đi thẳng đến Tây Đức, thay vì đi vòng qua ngả Hungary hoặc Tiệp Khắc. Ngày 3 tháng 9, 1989 xe lửa chở 17 ngàn người Đông Đức băng qua Đông Đức để sang Tây Đức là một biến cố khởi đầu làm thay đổi cục diện nước Đức. Đây có thể coi như là ngày báo hiệu sự suy tàn của chế độ cộng sản Đông Đức, vì qua những hình ảnh di tản được truyền hình Tây Đức loan tải vào những giờ cao điểm, hầu hết người dân Đông Đức đã được xem với một tâm trạng chung: chế độ Cộng sản Đông Đức không còn tồn tại bao lâu nữa. Trong khi đó, Tổng bí thư Erich Honecker của Đông Đức lại bình chân như vại, không màng để ý đến làn sóng tỵ nạn vì cho rằng những người Đông Đức bỏ đi tị nạn là thành phần bất hảo và bị tuyên truyền sai trái.
Lợi dụng kỳ nghỉ hè từ tháng 6 tới tháng 8, 1989, hàng ngàn người dân Đông Đức đã dẫn dắt nhau
tràn qua biên giới Hung – Áo để xin tỵ nạn Tây Đức. Photo by Corbis
Để biểu dương sức mạnh của Đông Đức trong bối cảnh khủng hoảng của khối cộng sản tại Đông Âu, Honecker đã đổ tiền và phương tiện tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng hòa Dân chủ Đức vào ngày 7 tháng 10, 1989 thật quy mô tại Đông Bá Linh, và mời rất nhiều lãnh tụ đảng cộng sản các quốc gia đến tham dự. Sự phung phí của Honecker đã làm cho dân chúng bất mãn nên hàng ngàn công nhân, sinh viên và giới trí thức đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình đòi Honecker từ chức. Mật vụ Đông Bá Linh đã ra tay đàn áp dã man, khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt. Cuộc đàn áp này đã gây chấn động dư luận và chính Mikhail Gorbachev đã phải ngầm ra lệnh “lật đổ” Honecker.
Một tuần lễ sau vụ đàn áp, một cuộc biểu tình quy mô khác được tổ chức tại thành phố Leipzig với hàng trăm ngàn người tham dự đòi Honecker từ chức. Trước áp lực này và nhất là do khuyến cáo từ Điện Kremlim, Bộ chính trị đã buộc Honecker từ chức và trao quyền điều hành lại cho Egon Krenz, một lãnh tụ trẻ xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Đức.
Nhưng Krenz cũng bị quần chúng chống đối mạnh mẽ ở khắp nơi, đòi ông từ chức, vì chính Krenz là người chịu trách nhiệm việc tổ chức và tráo phiếu trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân địa phương, và cũng là người đã đánh điện văn chúc mừng nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi đàn áp phong trào Thiên An Môn ngày 4 tháng 6, 1989.
Sau khi lên thay thế Honecker, điều đã làm cho Krenz choáng váng và lo âu khi chính mình được nghe báo cáo đầy đủ về tình trạng tài chính thê thảm mà Honecker đã gây ra và để lại cho Đông Đức. Báo cáo cho biết, gần 60% toàn bộ nền công nghiệp Đông Đức chỉ là một đống phế liệu, năng xuất trong các nhà máy và hầm mỏ ở Đông Đức chỉ bằng 50% năng xuất ở phương Tây. Thảm hại nhất là nợ đã tăng lên 12 lần trong 15 năm qua, lên đến mức 123 tỷ Đức-mã và đang tăng thêm khoảng 10 tỷ Đức-mã mỗi năm. Để cứu nguy tình trạng tài chánh thê thảm này, Krenz đã lên đường đi Moscow vào ngày 1 tháng 11, 1989 để cầu viện Gorbachev. Nhưng Gorchachev vốn không ưa Honecker và Krenz nên đã trả lời rằng: “Không giúp gì được vào lúc này.” Krenz rời Moscow về nước với hai bàn tay trắng.
Hàng trăm ngàn người biểu tình đòi Tổng Bí Thư Honecker từ chức
vào tối ngày 16 tháng 10, 1989 ở Leipzig. Photo by wikipedi.com
Ngày 4 tháng 11, 1989, Krenz đã họp khẩn Bộ chính trị để lên phương án “đối thoại” với quần chúng. Một số nhân vật lãnh đạo đảng được giao nhiệm vụ gặp gỡ quần chúng đối lập, tỏ ra trăn trở và quan tâm đến các đòi hỏi, nhưng phải câu giờ để quần chúng hy vọng và tin tưởng trở lại. Ngay buổi chiều hôm đó, tại Quảng trường Alexanderplatz có khoảng 700.000 người dân Berlin tụ tập. Lần đầu tiên, những nhân vật nổi bật của chế độ xuất hiện trên khán đài bên cạnh những sáng lập viên của các nhóm đối lập và các nhà bất đồng chính kiến. Gunter Schabowski, bí thư thành ủy Berlin, cố bình tĩnh bảo đảm với đám đông rằng nhiều biện pháp cởi mở sắp sửa được áp dụng, nhưng đám đông đã la ó phản đối nên chỉ sau 5 phút phát biểu, Schabowski đã phải rời diễn đàn.
Để cho quần chúng thấy chính quyền có những biện pháp mới và cởi mở, Egon Krenz đã cho công bố luật di trú mới vào ngày 6 tháng 11, 1989. Luật mới cho phép người dân được đi du lịch sang Tây Đức 30 ngày mỗi năm, khi được phép của Bộ Nội vụ, nhưng thời gian xin phép mất một tháng và người dân chỉ được phép mang theo 15 Đức-mã mỗi năm, tức chỉ đủ mua một lon bia và một chiếc bánh mì kẹp ở Tây Đức.
Thế là hàng trăm ngàn người trong nước “Cộng hòa Nhân dân Biểu tình Đức” một lần nữa lại xuống đường, như ở Leipzig, Berlin và Dresden, họ hô vang câu “Vòng quanh thế giới 30 ngày, tiền lấy đâu trả đây?”
Krenz đã ra lệnh cho bốn viên chức của Bộ Nội vụ, trong đó có hai đại tá an ninh, phải soạn lại ngay thủ tục cấp thị thực xuất nhập cảnh để dẹp yên cuộc khủng hoảng này. Và Krenz yêu cầu phải làm cực nhanh, phải xong trong vòng chưa đến hai ngày. Bản thảo cuối cùng không có khoản nào tuyên bố mở cửa Bức tường Berlin. Luật chỉ nói rằng bất cứ ai có hộ chiếu và thị thực xuất cảnh (visa), đều có thể rời Đông Đức dài hoặc ngắn hạn, qua một cửa khẩu giữa Đông và Tây Berlin, hoặc giữa Đông Đức và Tây Đức. Người Đông Đức vẫn phải nộp đơn xin phép xuất cảnh tại phòng xuất nhập cảnh, điều đó có nghĩa là luật mới được thiết kế để bảo đảm nhà nước vẫn có thể phần nào kiểm soát được số người ra đi. Và luật ghi rõ sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ sáu 10 tháng 11, 1989.
Trạm kiểm soát trên đường Bornholmer (Đông Berlin) là nơi mở cổng đầu tiên cho dân chúng
bên Đông và Tây Berlin qua lại vào đêm mồng 9 tháng 11, 1989. Hình chụp lúc 12:45 sáng. Photo by DPA/Reuteur.
Luật di trú được Krenz cho công bố vào lúc 6 giờ chiều ngày 9 tháng 11, 1989, trở thành một diễn biến bất ngờ, bị kích hoạt bởi các ngôn từ thất thường của Günter Schabowski, phát ngôn nhân của Bộ chính trị đảng Cộng sản Đông Đức, trong một cuộc họp báo truyền hình, nói rằng luật di trú “có hiệu lực ngay lập tức” và người dân được tự do qua lại Tây Đức. Ngay sau đó, đông đảo người dân Đông Đức đã đến các chốt kiểm soát chính để xem thực hư ra sao.
Lúc đầu công an vẫn kiểm soát chặt chẽ người qua lại như mọi khi. Nhưng khi số người tụ tập lên đến hàng chục ngàn và đòi quyền tự do đi lại vì chính quyền đã chính thức bãi bỏ kiểm soát từ tối nay, công an các trạm kiểm soát đã liên lạc lên cấp trên để xin ý kiến nhưng mọi nơi đều im lặng, kể cả Tổng bí thư Krenz cũng đã không nhận bất cứ cú điện thoại nào.
Cuối cùng, công an đã phải mở cổng cho người dân bên Đông và Tây Đức tự do qua lại. Điều này đáng lẽ đã không xảy ra, ít nhất là không xảy ra vào ngày thứ Năm hôm ấy, hoặc không xảy ra giống như thế. Một nhà ngoại giao hàng đầu nhận xét: đây là “một trong những nhầm lẫn hành chính lớn nhất trong … lịch sử”, và nhầm lẫn đó đã khiến nhà nước Đông Đức trên thực tế không còn tồn tại vào khoảng 10 giờ 45 phút, tối thứ Năm 9 tháng 11, 1989.
Cuộc cách mạng dân chủ tại Đông Đức còn kéo dài nhiều năm, nhất là quá trình thống nhất nước Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Nhưng những diễn biến sôi động nhất đưa đến sự sụp đổ nhanh của Đông Đức, đã diễn ra đúng 10 tuần. Bắt đầu từ ngày 3 tháng 9, 1989 khi người dân Đông Đức chứng kiến hình ảnh đoàn tàu xe lửa chở 17.000 người Đông Đức từ Hung Gia Lợi di chuyển sang Tây Đức tị nạn, cho đến khi Bức tường Berlin bị phá đổ vào đêm 9 tháng 11, 1989 là diễn biến không ai có thể dự kiến trước, nếu không nói đây là do một phép mầu của Thượng đế./.
*Bài này trích từ Chương 2 của Tập sách Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại của Tác giả Lý Thái Hùng, do Vietnam Reform Foundation (VRF) xuất bản và phát hành vào tháng 11, 2019.
Đông Âu và Việt Nam: 30 Năm Nhìn Lại
(1989 – 2019)
Tác giả: Lý Thái Hùng
179 trang
Copyright © Ly Thai Hung & Vietnam Reform Foundation
ISBN 1-4243-1718-5
ISBN 13:978-1-4243-1718-9
Xuất Bản và Phát Hành:
VIETNAM REFORM FOUNDATION (VRF)
Liên lạc: [email protected]
Hoặc gửi thư về:
4120 30th Street, Ste 202
San Diego, CA 92104