2019

Biểu tình bạo lực ở Hong Kong: Bước leo thang nguy hiểm?

VOA| Bạo loạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 1 tháng Bảy đánh dấu một bước leo thang mà nhiều nhà quan sát cho là ‘nguy hiểm’ và sẽ tạo cái cớ cho chính quyền Hong Kong với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ hơn. Trong khi đó, nội bộ những người biểu tình cũng có sự chia rẽ đối với hành động bạo lực này: nhiều người phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có người bày tỏ cảm thông. Hôm 1 tháng Bảy, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ. Trong khi cuộc tuần hành chính diễn ra ôn hòa thì một số người biểu tình ngay từ buổi sáng hôm đó đã tấn công vào tòa nhà Hội Đồng Lập Pháp (LegCo). Họ dùng các thanh sắt và xe đẩy tông vào cửa kính tòa nhà. Họ vào được bên trong, chiếm giữ hội trường chính trong một thời gian ngắn sau nhiều giờ đối đầu căng thẳng với cảnh sát bên ngoài LegCo. Những người biểu tình này, phần lớn che mặt, đã phá hoại bên trong tòa nhà. Họ phun sơn vẽ những câu chống chính phủ lên tường và tung ra lá cờ của Hong Kong từ hồi còn là thuộc địa Anh trong hội trường chính. Đến nửa đêm thì họ rời đi khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay giải tán những con đường xung quanh. ‘Chỉ là thiểu số’ Trao đổi với VOA, nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt, người vừa trở về Mỹ sau khi tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1 tháng Bảy ở Hong Kong, nói rằng những người có hành động bạo lực đó ‘chỉ là thiểu số’ trong cuộc biểu tình ‘có nhiều nhóm tham dự’. “Một số người hoàn toàn chống lại hành vi bạo lực đó,” ông Thái nói và cho biết nội bộ người biểu tình còn có giả thiết là những người tấn công LegCo ‘là người do Hoa Lục đưa qua trà trộn vào để làm hoen ố cuộc biểu tình hết sức ôn hòa’. “Tôi chưa từng thấy cuộc biểu tình nào đông đảo mà mọi người lại giữ được kỷ luật như thế,” ông nhận định. Tuy nhiên, ông cho biết có một người quản lý khách sạn mà ông hỏi chuyện nói là ‘đồng ý với hành động bạo lực đó vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay’. “Tôi hỏi ông ấy nếu xảy ra đổ máu thì sao thì ông ấy nói là ‘Cái gì cũng có cái giá của nó’,” ông Thái kể. “Dân chúng Hong Kong mà tôi hỏi chuyện thì họ có vẻ không vui lắm (với hành động bạo lực). Các nhóm luật sư và sinh viên thì nói ‘Dĩ nhiên không nên xảy ra chuyện như thế nhưng nếu tiếp tục thì không còn con đường nào khác hơn cả’,” ông cho biết. Ông nhận định rằng nếu như vào đêm 1 tháng Bảy, bạo loạn ở Hội Đồng Lập Pháp diễn ra càng mạnh hơn thì ‘nhiều khả năng nhà cầm quyền Hong Kong sẽ dùng vũ lực để trấn áp’. Khi được hỏi người biểu tình có mệt mỏi và có dấu hiệu chùn bước hay không khi phong trào đã kéo dài mà nhiều yêu sách của họ vẫn chưa được chính quyền chấp nhận, ông Thái cho biết là nhiều sinh viên Hong Kong mà ông gặp đều nói sẽ ‘chiến đấu đến cùng’. Bị lên án Hành động bạo lực tại LegCo ngay lập tức vấp phải sự lên án từ chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh, các hội đoàn tại Hong Kong và ngay cả từ phía Mỹ. Trong một cuộc họp báo hôm 2 tháng Bảy, Đặc Khu Trưởng Hong Kong Carrie Lam cam kết sẽ ‘buộc những người có hành vi bất hợp pháp và vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm’. Chủ Tịch Hội Đồng Lập Pháp Andrew Leung cho biết cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần. “Là một thành phố văn minh, Hong Kong sẽ không dung thứ bạo lực chống lại pháp trị,” ông Leung nói với các báo giới, “Cho dù ý kiến có là gì đi nữa, không ai nên dùng đến bạo lực để mọi người biết đến quan điểm của mình.” Các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền đã hòa giọng lên án hành động tấn công này, đồng thời chỉ trích những người có thiện cảm với những kẻ tấn công. “Việc đột nhập, phá hoại tại LegCo đã được nhiều người chứng kiến rõ ràng. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ nhất và kêu gọi cảnh sát truy trách nhiệm đến cùng,” lãnh đạo nhóm nghị sỹ ủng hộ chính quyền Martin Liao được Reuters dẫn lời nói. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và các học giả nói rằng hành động tấn công bạo lực và phá hoại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong là ‘khó mà biện hộ’. “Chúng tôi có thể hiểu tại sao nó bùng nổ, mặc dù chúng tôi hy vọng rằng có cách làm tốt hơn để chuyển sự phẫn nộ đó thành một chiến lược khác,” ông Lee Cheuk-Yan, Tổng Thư Ký Liên Đoàn Công Đoàn Hồng Kông, và một người ủng hộ trung thành của phong trào biểu tình, được tờ Wall Street Journal dẫn lời, “Chúng tôi đã hy vọng rằng họ không đi đến mức đó, bởi vì chúng tôi biết có một cái bẫy ở phía trước họ.” Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bác bỏ bạo lực thẳng thừng. Phòng Thương Mại Mỹ tại Hong Kong trong một thông cáo hôm 2 tháng Bảy nói rằnghọ ủng hộ quyền bày tỏ một cách ôn hòa, nhưng không thể dung dưỡng cho hành động bạo lực của người biểu tình. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo có lập trường dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, bình luận rằng những người biểu tình đã hành động xuất phát từ ‘sự kiêu ngạo mù quáng’ và ‘cơn thịnh nộ’ và tỏ ra ‘hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự’. Cần thông cảm? Tuy nhiên, một số người cũng nói rằng sự bất mãn đã khiến hàng ngàn người biểu tình trong trang phục đen tiến đến hành động vô luật pháp. “Tôi hy vọng mọi người có thể thông cảm nhiều hơn. Hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền đã phớt lờ họ,” anh Joshua Wong, nhà lãnh đạo Phong Trào Cách Mạng Dù năm năm trước vừa được ra tù, nói với Wall Street Journal. “Các nhà hoạt động Hong Kong cảm thấy không có cách nào để thúc đẩy chính nghĩa của họ mà không có sự hy sinh cá nhân nào,” anh Wong nói với ý nhắc đến án tù dành cho những hành động bạo loạn. “Sự bất mãn như thế không chỉ xuất phát từ sự không khoan nhượng của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình, mà còn là từ sự thất vọng sâu xa hơn hơn đối với sự phân cách giàu nghèo Hong Kong.” Wong cũng nhấn mạnh rằng hành động tấn công vào tòa nhà lập pháp cũng diễn ra đồng thời với 500.000 người biểu tình khác đang tuần hành ôn hòa gần đó. Anh nói điều đó cho thấy ‘sự đa dạng’ của phong trào. “Chúng tôi không tán thành phá hoại, chúng tôi không dung túng cho bạo lực”, nhà lập pháp Claudia Mo thuộc phe ủng hộ dân chủ nói với Reuters. “Nhưng chúng tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở Hong Kong.” Tạo cớ trấn áp? Ông Kenneth Ka-Lok Chan, phó giáo sư Đại Học Baptist Hong Kong và từng là nghị sỹ Đảng Công Dân Ủng Hộ Dân Chủ, cho rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn Hong Kong tăng cường đàn áp hơn nữa. “Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa về mặt quyết liệt trấn áp người biểu tình,” ông Chan được Reuters dẫn lời nói. “Hành động này sẽ khiến Bắc Kinh rất, rất quan ngại,” ông Steve Tsang, Giám Đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại Học London SOAS, nhận định với Washington Post. “Bắc Kinh sẽ bắt đầu một quá trình tại để suy nghĩ họ sẽ phải làm gì nếu chính phủ Hong Kong không thể xử lý [những cuộc biểu tình này]?” “Khi Hong Kong có chuyện, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và có bạo lực trên đường phố, nỗi sợ của chúng tôi là nếu cảnh sát không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở đây, có nguy cơ từ xa rằng [quân đội Trung Quốc] sẽ can dự,” ông Ronny Tong, thành viên của nội các Hong Kong và là cố vấn pháp lý cho bà Lam, nói. “Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của mô hình ‘một nước, hai chế độ”. Trong một tuyên bố hôm thứ Ba, văn phòng liên lạc của Trung Quốc về Hong Kong và Ma Cau, đã lên án vụ tấn công vào cơ quan lập pháp là ‘hành động của những kẻ cực đoan’ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘trừng trị hình sự đối với những kẻ phạm tội’. “Đây giống như là một chỉ thị,” ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, được Washington Post dẫn lời nhận định về tuyên bố này. Theo đó thì bà Lam được chỉ thị phải có hành động nghiêm khắc. Cường độ chưa từng có của hành động lần này cũng sẽ đem đến cho Bắc Kinh ‘một lý do để mạnh tay hơn và trấn áp nặng nề hơn’ sự phản kháng ở Hong Kong, ông nói thêm. Tuy nhiên, ông Mathew Wong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại Học Giáo Dục Hong Kong, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể để cho cuộc biểu tình tự tan. Nguồn: VOA Hong Kong: Sai lầm chết người!  
......

30 năm sau “bức tường Berlin”, lịch sử có lặp lại ở Triều Tiên?

Tân Phong| Hãy phá đổ bức tường này! Đó là lời thách thức mà Tổng Thống Ronald Reagan gửi tới nhà lãnh đạo tối cao của Liên Bang Xô Viết Mikhail Sergeyevich Gorbachev ngày 12 tháng Sáu, 1987 trong bài phát biểu trước cổng Brandenburg của thành phố Berlin. Hai năm sau, ngày 9 tháng Mười Một, 1989, bức tường Berlin – biểu tượng của sự chia cắt và thù hận, biên giới nhân tạo được xây lên để cầm tù con người, nhân danh vì Tự Do và Hòa Bình thế giới – đã bị phá bỏ bởi những người dân Đức. Kể từ sự kiện lịch sử đó, thế giới đã bước sang một trang mới và “bức màn sắt” – một khái niệm của địa chính trị thời “chiến tranh lạnh” ám chỉ các quốc gia nằm trong tầm kiểm soát, ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản ở Châu Âu – đã phân rã nhanh chóng với sự đổ vỡ không thể cưỡng lại của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Liên Xô – đế chế đỏ vĩ đại, quốc gia có lãnh thổ trải dài qua 170 độ kinh độ, bao phủ phần lớn Heartland và một phần Rimland của đại lục Âu – Á, cũng chỉ tồn tại thêm được 2 năm nữa. Tuy vậy, cảm xúc say đắm lòng người và những viễn tượng Tự Do từ bài hát bất hủ “Wind of Change” của nhóm danh ca huyền thoại Scorpions lan tràn qua khắp các lục địa đã không dễ dàng trở thành hiện thực. Ở cuối thế kỷ 20, thế giới còn phải chứng kiến những tội ác diệt chủng không kém phần tàn khốc ở những quốc gia từng là nạn nhân của phát xít Đức trong thế chiến 2 như xung đột sắc tộc Bosnia – Serb – Croatia, cuộc tắm máu khủng khiếp ở Thiên An Môn với một nhà nước Trung Quốc trở nên sắt máu và chuyên chế hơn. Những trật tự cũ sụp đổ, những hệ tư tưởng từng là trụ đỡ và chất kết dính cho những hệ thống xã hội và nhà nước khổng lồ cộng sản chủ nghĩa tan rã như bìa các tong ngấm nước. Trong khi đó, những lực lượng dân chủ chưa đủ mạnh, các giải pháp chính trị thay thế chưa sẵn sàng… đã khiến cho phần lớn các quốc gia thuộc Liên Bang Xô Viết cũ rơi vào trạng thái hỗn loạn rồi quay trở lại chế độ độc tài quân sự nhanh chóng. Một nước Nga cố gắng gượng trong tuyệt vọng để tìm lại ánh vinh quang của quá khứ với một thứ chủ nghĩa dân tộc méo mó và chuyên chính còn hơn cả chế độ phong kiến với một Sa Hoàng Putin. Bức tranh thế giới “hậu chiến tranh lạnh”, cũng không Hòa Bình hay Hạnh Phúc hơn. Khi Liên Xô vĩ đại tan vỡ, khoảng trống quyền lực to lớn ở đại lục Âu Á mà nó để lại đã tạo ra cơ hội vàng cho một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ. “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập Cận Bình không chỉ là tham vọng khôi phục lại một “đế quốc đại Đường” của thế kỷ 21, mà là một sự trở lại của khát vọng địa chính trị đầy nguy hiểm từ thời Halford Mackinder hay Karl Haushofer – “kiến trúc sư trưởng” của Hitler – nhưng dưới màu sắc khác và tầm vóc mở rộng hơn nhiều. Những học giả quân sự và tướng lãnh Trung Quốc đang say mê Alfred Thayer Mahan và coi những câu châm ngôn hiếu chiến nhất của ông ta như kinh thánh. Thế giới sẽ phải đối đầu với một quốc gia tham vọng hơn, hiểm độc hơn, linh hoạt hơn rất nhiều so với Đức quốc xã trong thế chiến 2. Những ưu thế này không xuất phát từ ý thức hệ đã lỗi thời và chỉ là vỏ bọc cho quyền lực chuyên chế cộng sản chủ nghĩa, nó có nguồn gốc sâu xa từ chủng tộc. Đó là mối nguy hiểm dai dẳng và đáng sợ nhất. Khi “bức tường Berlin” đổ xuống vào ngày 9 tháng Mười Một, 1989, một “bức tường” khác ở Châu Á – ranh giới phân chia hai miền Nam Bắc của bán đảo Triều Tiên – cũng là một biểu tượng và sản phẩm của thời kỳ “chiến tranh lạnh” vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay. Bất chấp, mong muốn thống nhất và hòa bình của dân tộc Triều Tiên, những độc tài hậu duệ của Mao Trạch Đông và Kim Nhật Thành vẫn giữ vững quyền lực và duy trì đường biên giới ngăn cách theo ý chí của riêng mình. Nhưng một định luật không bao giờ thay đổi là kẻ thống trị không bao giờ có thể mãi mãi đủ mạnh mẽ để giữ vững quyền lực. Khi kẻ thống trị suy yếu, đó là lúc thay đổi. Dường như thời điểm đó đang đến rất gần. Hôm 30 tháng Sáu,  2019 vừa qua, người ta chứng kiến một sự kiện “siêu thực” khi Donald Trump bắt tay “cậu nhóc tên lửa” Kim Chính Ân ở “đường biên giới chết chóc” và dắt tay nhau vào “ngôi nhà Hòa Bình”. Nếu điều đó thực sự xảy ra và không chỉ dừng lại như một cuộc gặp mang tính biểu tượng. Ông ta – Donald Trump, sẽ lặp lại một sự kiện lịch sử 30 năm trước khi Ronald Reagan đứng trước cổng Brandenburg nói với người dân Đức và Mikhail Sergeyevich Gorbachev rằng: Hãy phá đổ bức tường này! Tân Phong https://viettan.org/30-nam-sau-buc-tuong-berlin-lich-su-co-lap-lai-o-trieu-tien/  
......

Bắt Lê Tấn Hùng: Điềm quá xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải

Chân dung hai anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng. Thường Sơn (VNTB)|  Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể… Sẽ khó có thể so sánh hai vụ Phạm Nhật Vũ – Phạm Nhật Vượng và Lê Tấn Hùng – Lê Thanh Hải với nhau bởi một điểm khác biệt rất đáng kể: dù Phạm Nhật Vũ đã bị tống giam vì dính đậm vụ ‘MobiFone mua AVG’, nhưng anh trai của Vũ là Phạm Nhật Vượng không bị liên lụy vì chưa có cơ quan pháp luật nào xác định Vượng liên đới vụ mua bán khống đó; còn vụ nhân vật Lê Tấn Hùng vừa bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 vì ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng lại rất có thể dẫn đến ông anh ruột là ‘bố già’ Lê Thanh Hải – từng một thời là chủ tịch và bí thư đầy tai tiếng và cả ‘tội ác’ ở đất Sài Gòn. Nguyên do: bản thân Lê Thanh Hải cũng đang dính phốt nặng vụ ‘ăn đất Thủ Thiêm’, chưa kể quá nhiều đồn đoán về những vụ ‘ăn uống’ khác. Vào tháng trước, sau hơn một năm trời co kéo, vụ Lê Tấn Hùng mới được chính quyền TP.HCM chuyển từ hình thức kỷ luật khiển trách sang cách chức vì “vi phạm rất nghiêm trọng” khi ông Hùng còn ngồi ghế tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI). Trước khi được điều động về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn vào năm 2014, Lê Tấn Hùng giữ chức Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong TP.HCM. Lực lượng Thanh niên xung phong lại là “cái nôi cách mạng” để từ đó “đi lên” của Lê Thanh Hải. Đơn vị này là một trong số những tai tiếng lớn nhất về đặc quyền đặc lợi ở đất Sài Gòn và bị cho là được “bảo kê 100%” bởi ông Lê Thanh Hải. Ngay sau khi Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục sau cơn bạo bệnh tại xứ Kiên Giang ‘nhà Ba Dũng’, hiện tượng vụ Lê Tấn Hùng bị lôi trở lại và trùng thời gian với vụ bắt hai giám đốc doanh nghiệp liên đới mật thiết với cựu phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM kiêm ‘đệ ruột’ của Lê Thanh Hải là Tất Thành Cang đang báo hiệu một điềm rất xấu với ‘bố già’ Lê Thanh Hải, cho dù mới đây Lê Thanh Hải chợt xuất đầu lộ diện trong “Hội Thảo Khoa Học 50 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của chủ tịch Hồ Chí Minh” do Thành ủy TP.HCM của Nguyễn Thiện Nhân tổ chức, với phát biểu đậm chất ‘lên lớp’: ‘còn có một bộ phận cán bộ đảng, đảng viên dao động về phẩm chất chính trị, “tự diển biến”, “tự chuyển hóa “, suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức…” – như một hành động tự che chắn cho bản thân. Lê Thanh Hải không chỉ được đồn đoán là một trong những ‘tư bản đỏ’ kếch xù nhất trên rẻo đất chữ S quằn quại đau thương của hàng triệu dân oan đất đai, mà có lẽ còn là cái tên ngự ngay ở tốp đầu trong bản ‘danh sách tử thần’ của Nguyễn Phú Trọng: danh sách những quan chức mà nếu bị ‘mổ’ theo cách không kịp và không thể tẩu tán tài sản cá nhân thì đảng của ông Trọng sẽ có thể ‘thu hồi tài sản tham nhũng’ từ 3 đến 5 tỷ USD mỗi năm – một thành tích không quá tệ so với việc Tập Cận Bình đã từng xử chung thân và tịch thu tài sản của ‘bạn’ của Lê Thanh Hải là Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang, cùng lúc trám bớt vào cái lỗ trống toang hoác của nền ngân sách Việt Nam đang lao vào thời kỳ hộc rỗng đen tối. Vào giữa năm 2019, tương lai của nhóm quan chức cao cấp ăn đất Thủ Thiêm đang trở nên mờ mịt và nguy khốn hơn hẳn năm 2018 khi cơ quan Thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra về vụ khiếu tố khổng lồ ở Thủ Thiêm. Bản kết luận trên tuy chẳng thèm đả động gì đến việc bồi thường và trả lại đất cho hàng chục ngàn người dân bị cưỡng chế giải tỏa theo kiểu luật rừng, tan nhà nát cửa và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, cũng không trả lời được những câu hỏi như “Cơ sở nào kết luận 4,3 ha của phường Bình An nằm ngoài ranh?”, “160 ha tái định cư biến đi đâu và rơi vào túi nhũng kẻ nào?”, “Tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm biến đi đằng nào?”…, nhưng lại khá chi tiết khi quy trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong việc quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm thất thoát ngân sách nhà nước, phá vỡ quy hoạch chung theo Quyết định 367, thu hồi tiền của các dự án về cho nhà nước… Về tầm vóc và chiều sâu, bản kết luận thanh tra này là sắc bén hơn nhiều so với bản kết luận kiểm tra – cũng của Thanh tra chính phủ – được ban hành vào tháng 9 năm 2018 theo cung cách ‘cho có’ và ‘chẳng chết ai’. Chi tiết đắt giá nhất liên quan đến chuyện sống chết là ngoài kết luận thanh tra Thủ Thiêm được công bố, Thanh tra chính phủ còn có một văn bản không công khai đề cập đến những quan chức sai phạm thuộc diện quản lý của Ban bí thư và Bộ chính trị. Văn bản này chắc chắn đã được Thanh tra chính phủ gửi cùng kết luận thanh tra cho Ủy ban Kiểm tra trung ương, Thường trực Ban bí thư và ‘tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng. Cho đến giờ phút này, khả năng vụ Thủ Thiêm chìm xuồng là gần như không thể. Vấn đề còn lại chỉ là Lê Thanh Hải và nhóm quan chức cao cấp ‘ăn đất’ trong Thành ủy TP.HCM sẽ phải chịu hậu quả đến mức nào – xử lý kỷ luật đảng hay theo chân Đinh La Thăng để phải gào lên ở tòa “Hãy đối xử với bị cáo như một con người!”.…  
......

Boong ke cho đảng viên

Đỗ Văn Ngà| 2 ngày nay, xã hội như nóng lên vì Lê Tấn Hùng em trai của Lê Thanh Hải bị bắt. Đặc biệt ở chỗ, ông này bị C01 Bộ Công an băt chứ công an TP. HCM không ra tay vụ này. Trước đây Bắt Nguyễn Hữu Tín và Nguyễn Thành Tài cũng vậy cũng là Bộ Công An. Và xa hơn nữa là năm 2009, ông Huỳnh Ngọc Sỹ - giám đốc Ban Quản Lý dự án Đại Lộ Đông Tây bị C37 Bộ Công An bắt. Cấp hàm của ông Huỳnh Ngọc Sỹ lúc đó cũng ngang với giám đốc sở. Và như ta biết, nắm công ty Sagri là cấp hàm ngang giám đốc sở. Như vậy chúng ta thấy, từ cấp giám đốc sở trở lên thì Công An Thành phố không thể tóm được. Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Bộ máy công an tỉnh hoặc thành phố trực thuộc Trung Ương chỉ bắt những người dưới cấp sở. Còn những người có cấp hàm từ giám đốc sở trở lên đến chủ tịch hoặc bí thư thành phố thì công an thành phố vô phương. Năm 2015, ông Phan Anh Minh phó giám đốc công an tp. Hồ Chí Minh có lời phát biểu tại Hội nghị tổng kết phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2015, nói rằng “Công an không được trinh sát đảng viên, vì vướng chỉ thị 15”. Nội dung của chỉ thị này như sau: “Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt... thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng.” Nói thẳng ra câu nói đó mang ý nghĩa đơn giản thế này “Tao(tức Đảng) cho điều tra khởi tố thì công an mới được phép, hiểu chưa? Còn nếu đảng viên có những sai phạm động trời mà tao chưa cho phép là không được đụng đến họ. Đó là mệnh lệnh!”. Như vậy cuối cùng, câu hỏi đặt ra là, ĐCS được sinh ra để làm gì? Thực tế, Đảng được sinh ra để làm thành trì vững chắc nhằm bảo kê cho những sai phạm của đảng viên của nó. Như vậy qua đây chúng ta thấy gì? Luật pháp có tác động gì đến Đảng? Thực tế Đảng hoàn toàn không chịu sự sự kiểm soát của luật pháp. Có thể ví dụ rằng, Đảng như là một boong ke kiên cố, bên trong boong ke đó là nơi trú ẩn của những đảng viên và bên ngoài boong ke ấy là nhân dân. Luật pháp của CS như là những khẩu súng trường, chỉa vào dân bóp cò thì dân ngã gục, còn những khẩu súng đó mà bắn vào boong ke thì chẳng tác dụng gì cả, chỉ có tốn đạn nên khỏi bắn. Lâu lâu, bên trong boong ke chúng đấu đá nhau, và thằng yếu hơn bị đẩy ra khỏi boong ke thì nó mới bị bắn tỉa. Trường hợp Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài và Lê Tấn Hùng là như vậy, phải mất thời gian rất dài thì ông Trọng mới tống những người này ra khỏi boong ke. Vì một khi ai đang được ở trong boong ke thì cũng cố bám để đảm bảo an toàn cho mình nên khó đạp bọn họ văng ra. Bên trong boong ke có những loại tội phạm gì? Rất nhiều! Không một cá nhân nào đang trú ẩn trong đó mà không có tội, không một ai không tham nhũng. Ngoài ra một số trong đó còn phạm dâm ô, phạm tội giết người vv.. Nhưng riêng nhóm 19 người trên đỉnh quyền lực của Đảng còn mang thêm tội rất lớn, đó là phản quốc. Khi nắm trong tay quyền lực quá lớn và hoàn toàn miễn nhiễm với luật pháp, 19 người này đã chủ trương mang đất nước Việt Nam dúi vào miệng con mãng xà hung dữ mang tên Trung Cộng trong sự bất lực hoàn toàn của gần 100 triệu dân. Chuyện tội của đảng viên ĐCS như cá đại dương, lâu lâu có anh ngư dân bắt được vài con thì cũng có khối kẻ vui mừng, và họ nghĩ người ngư dân đó thật là “vĩ đại” vì họ tưởng rằng ông ngư dân đó đã bắt sạch cả biển. Tội nghiệp dân tộc này lắm, phần lớn trong 100 triệu người có suy nghĩ như vậy. - Đỗ Ngà - Tham Khảo: https://vnexpress.net/…/bat-ong-huynh-ngoc-si-trong-nghi-an… https://vnexpress.net/…/cuu-tong-giam-doc-sagri-le-tan-hung… https://www.rfa.org/…/decision-no-15-armor-of-party-members… https://vi.wikipedia.org/…/B%E1%BB%99_Ch%C3%ADnh_tr%E1%BB%8…  
......

Các đảng viên Cộng Sản có ‘rã rời chân tay’ khi Thủ Tướng Phúc luồn cúi ngoại bang?

Ngô Đồng  - web viettan.org Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 ở Nhật Bản vừa qua, một video chiếu trên đài truyền hình Việt Nam cho thấy hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất vội vã mong vài giây gặp Tổng Thống Mỹ Donald Trump để nói chuyện. Qua đoạn phim này, chúng ta có thể thấy được rất nhiều điều về nhận thức của lãnh đạo cộng sản và văn hóa chính trị ở Việt Nam đương đại. Từ ‘đánh cho Mỹ cút’, chuyển sang kiên định bám Mỹ Đoạn phim cho thấy ông Trump ngồi với bộ dạng không mấy thân thiện khi tiếp ông Phúc. Ông Trump bắt tay ông Phúc bằng một tay trông rất hời hợt, và rút tay lại ngay, sau đó để khoanh hai tay trước ngực, khuôn mặt nghiêm nghị, thể hiện không muốn tiếp chuyện. Trong khi đó, ông Phúc bắt tay ông Trump bằng hai tay và cả ông Phúc lẫn người phiên dịch phải cúi người sát về phía ông Trump để nói chuyện, điều này phản ánh một thái độ nịnh bợ với Tổng Thống Mỹ rất rõ. Cũng cần phải nói thêm rằng, suốt nhiều thập kỷ qua, các đời lãnh tụ cộng sản luôn khoe khoang là đã “đánh cho Mỹ cút”. Và trong tất cả các sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền, lễ kỷ niệm luôn đề cao lịch sử đánh Mỹ. Vậy mà hiện nay thủ tướng Việt Nam lại đi cầu cạnh và bị tổng thống Mỹ coi thường đến vậy. Trước đây, khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh Trump-Kim, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay”. Không biết lần này, khi chứng kiến sự khúm núm ve vãn Tổng Thống Trump của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đảng viên cộng sản có ‘rã rời chân tay’ hay không? Văn hóa luồn cúi trong nền chính trị Việt Nam đương đại Trong khi Tổng Thống Donald Trump không mấy niềm nở, thì ông Phúc lại dùng hai tay vuốt người ông Trump. Hành động đó ngoài việc thể hiện sự luồn cúi, còn cho thấy rõ ràng Thủ Tướng Phúc đã không hiểu được các nguyên tắc giao tiếp, chứ đừng nói các nguyên tắc ứng xử trong ngoại giao. Không chỉ với tổng thống Mỹ, trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 vừa qua, người ta thấy không ít sự thiếu chuyên nghiệp của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có lúc ông im lặng ngồi chầu rìa trong khi nguyên thủ các quốc gia khác đang bận rộn “ngoại giao bên lề”, có lúc thì ông vẫy tay một cách quá sỗ sàng. Trước đây, nhiều người, nhất là giới truyền thông quốc tế không khỏi “kinh ngạc” khi thấy ông Thủ Tướng Phúc quạt phành phạch lúc nghe nhạc thính phòng cùng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị khác trong chuyến đi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 2017 tổ chức ở thành phố Hamburg, Đức, và đặc biệt “thói quen khó bỏ” là luôn cầm tay những lãnh đạo đồng giới,… Rõ ràng đây không phải là chuyện có thể được thông cảm. Những phép lịch sự, hay các nghi thức là công cụ đắc lực phục vụ cho việc ngoại giao. Nguyên thủ càng chuyên nghiệp thì vị thế và hình ảnh của quốc gia đó càng được củng cố. Chớ nên làm chính trị, nếu chưa học được bài học sơ đẳng đó. Sự thiếu chuyên nghiệp của ông Thủ Tướng Phúc ít nhiều làm hình ảnh của Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Đây có thể là hậu quả của nền chính trị độc tài tại Việt Nam, nơi mà nếu muốn thăng tiến người ta chỉ có cách nịnh bợ, lo lót tiền bạc, lấy lòng cấp trên để được cất nhắc. Trong khi ông Phúc đã leo lên tới chức thủ tướng và đang ngắm nghé ghế tổng bí thư, cùng với thái độ xum xoe, vuốt ve ông Trump, đủ biết năng lực nịnh bợ của ông ta tới đâu. Giới cai trị Việt Nam rất cần Mỹ Thái độ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Tổng Thống Trump phản ánh chính xác tâm tư của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Mỹ. Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại. Hôm sau ông Phúc phải đứng với vẻ khúm núm trước tổng thống Mỹ, khác hẳn lối tuyên truyền “đánh Mỹ cút” mà cộng sản Hà Nội vẫn thường tuyên truyền, đã cho thấy lãnh đạo CSVN rất cần mối quan hệ tốt với Trump. Thực tế thì những lãnh đạo độc tài CSVN cần Mỹ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Nhiều năm qua Việt Nam luôn xuất siêu với Mỹ, và đã lên tới mức $39,5 tỷ trong năm 2018. Đồng thời, mỗi năm số tiền của “phản động lưu vong” ở Mỹ gửi về Việt Nam góp phần không nhỏ trong lượng kiều hối đã lên tới hàng chục tỷ Mỹ Kim. Nếu thiếu những đồng đô la này, có lẽ cái chính thể “thu cùng diệt tân” đã không còn tồn tại. Ngoài ra, nếu không có các hạm đội hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra “tự do hàng hải”, thì có lẽ Trung Quốc đã đánh chiếm hết các đảo còn lại trên Biển Đông từ lâu rồi. Bên cạnh việc cần Mỹ, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam còn rất “yêu” nước Mỹ. Nhiều viên chức từ cấp trung đến cấp cao ra sức cho con cháu du học Mỹ, tẩu tán tài sản sang Mỹ, mua nhà Mỹ,… Thậm chí là lúc đương chức thì ra rả chửi Mỹ, khi nghỉ hưu lại tìm mọi cách sang Mỹ sống. Kết Từ thái độ quỵ lụy tổng thống Mỹ của Thủ Tướng Phúc, có thể thấy thực tế là tiếng nói của giới lãnh đạo Việt Nam đã vô cùng thấp kém trong mắt quốc tế. Điều này trái ngược hoàn toàn với lối tuyên truyền rằng nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, mà vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. Ngoài ra, điều này còn lột tả bộ mặt kém cỏi của giới cai trị CSVN. Theo đó, ở trong nước họ duy trì cách hành xử côn đồ, đánh đập người biểu tình, cướp đất dân oan và tống tất cả những tiếng nói đối lập vào ngục tù. Nhưng ra quốc tế, họ xuất hiện với bộ dạng của những kẻ yếu đuối với thái độ khúm núm xu nịnh và hèn hạ. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế họ không khinh? Ngô Đồng
......

Câu chuyện 300 bộ áo dài của bà Kim Ngân!

Diễm Quỳnh Câu chuyện nhà thiết kế áo dài Võ Việt Chung tiết lộ là đã may cho bà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân khoảng 300 bộ áo dài từ năm 2016 cho đến nay, gây ra một số những phản ứng khác nhau trong dư luận. Có người thì cho là bà Ngân cần nhiều bộ áo dài như vậy để tiếp khách và là khuôn mặt “ngoại giao” của đảng; nhưng đa số thì cho đó là một sự phí phạm, trong lúc đất nước đang bị kiệt quệ ngân sách vì nạn tham ô nhũng lạm quá mức ở mọi cấp. Mỗi bộ áo dài của bà Kim Ngân sẽ tốn từ vài chục hay đến trăm triệu, và với 300 bộ của Võ Việt Chung thì ngân sách phải chi không thể dưới 30 tỷ đồng. Mặc dù đây là khoản tiền chi không từ túi riêng của bà chủ tịch Quốc Hội mà từ ngân sách của nhà nước, nhưng phải nói là con số tiền khủng. Từ câu chuyện bà Kim Ngân có 300 chiếc áo dài, làm người ta liên tưởng đến chuyện quan chức ở nhà biệt thự to, đi xe sang, đeo đồng hồ đắt tiền, cho con cái đi học nước ngoài, mua nhà ở Mỹ… đặt người dân trước những nghi vấn về nguồn gốc tài sản mà quan chức đó thủ đắc. Năm 2017, bà Châu Thị Thu Nga đã khai trước tòa là bà ta mua chiếc ghế đại biểu quốc hội 1,5 triệu đô la, thế nhưng ai bán cho bà Nga chiếc ghế 1,5 triệu đô đó thì chẳng thấy tòa nói. Qua sự kiện này, người ta thấy gì? Để may 300 chiếc áo dài trị giá 1,5 triệu Mỹ Kim, thực ra chỉ bằng một cái gật đầu bán một trong 500 chiếc ghế tại Quốc Hội mà thôi. Chuyện quan chức đảng và nhà nước sống xa hoa trên sự khốn cùng của người dân đã có từ thời ông Hồ Chí Minh. Mặt trước giản dị để mị dân, mặt sau thì kinh khủng. Chuyện áo dài của bà Ngân khiến người dân nhớ lại vào đúng mùng một Tết năm 2015, tấm ảnh được báo Tiền Phong đăng nơi trang nhất cho thấy nội thất tư gia của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có cách bài trí xa hoa với chiếc ghế ông ngồi không khác gì chiếc ngai vàng thời phong kiến, một khung cảnh xa hoa đến choáng ngợp. Những bàn, ghế được dát vàng sáng loáng y hệt như ngai vàng thời phong kiến. Tiền đâu ra mà họ sử dụng nó xa hoa đến vậy? Câu trả lời là sự nghèo khổ của nhân dân, đất nước tụt hậu là cái giá cho sự sống xa hoa đó. Tờ Thời Báo Tài Chính Việt Nam, ngày 16 tháng Giêng, 2018 có đăng bài “Xuất khẩu lao động đạt số lượng kỷ lục trong năm 2017”, thì hằng năm Việt Nam có cả trăm ngàn người phải bỏ xứ làm culi nước ngoài để kiếm “ngoại tệ mạnh” về cho đất nước. Tờ Đất Việt cũng cho con số, mỗi năm có 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Vì sống không nổi tại Việt Nam mà dân Việt đã trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người quốc tế. Chuyện phụ nữ trẻ em bị bọn buôn người bắt cóc bán sang Trung Quốc là chuyện thường ngày ở huyện, và hiện nay đang nóng vụ 472 trẻ em Việt Nam bị mất tích tại Berlin. Đây là nỗi buồn nỗi hận cho một dân tộc bị bức tử, bị đảng và nhà nước bóc lột để phục vụ cho thói xa hoa tột cùng của họ, không còn cách nào khác nhân dân phải túa ra nước ngoài làm culi và bán dâm để gởi đô la về nước nuôi những tầng lớp này, và rất nhiều trong họ là nạn nhân của bọn buôn người. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý I năm 2019 gần 1,1 triệu người. Người dân đang đói khổ hiện có 2.149.000 hộ nghèo. Đó chỉ là phần nổi, những phần khác chưa thống kê số lượng được bao gồm: số lượng người bán vé số tại Việt Nam, công nhân lao động phổ thông, người vô gia cư, trẻ em không được đi học, trẻ đi ăn xin. Chuyện quan chức và gia đình sống xa hoa, phô trương xảy ra ngày càng nhiều đến mức tại hội nghị toàn quốc học tập, quá triệt Nghị quyết Trung ương 8 diễn ra ở Hà Nội vào sáng ngày 23 tháng Mười Một, 2018, Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Phạm Minh Chính phải lên tiếng yêu cầu các đảng viên cao cấp “phải có trách nhiệm nêu gương, kiểm soát không để vợ/chồng, con sống xa hoa, phô trương lãng phí, vi phạm pháp luật.” Người dân rất quan tâm tới trí tuệ, phẩm cách vì dân vì nước của các lãnh đạo cao cấp, trong đó có bà Kim Ngân. Mấy ai quan tâm tới 300 bộ áo dài, khi mà gánh nặng thuế má còn è vai, lúc nào cũng phải chổng mông, bán mặt cho đất bán lưng cho trời? Con người được sinh ra họ hướng tới điều gì? Thứ nhất là tự do, thứ nhì là sự thịnh vượng, 2 yếu tố này sẽ cấu thành chất lượng cuộc sống cho cá nhân, và cũng chính 2 yếu tố này cấu thành sự cường thịnh cho một quốc gia. Dưới chế độ CS, người dân Việt Nam bị tước bỏ mất 2 yếu tố này, chính vì vậy mà hiện nay, người Việt Nam đang tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều cách: tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn tôn giáo, tị nạn sắc tộc, tị nạn chính trị v.v… Nếu nói “Giấc mơ Mỹ” là cục nam châm hút mọi người trên thế giới di cư vào Mỹ, thì với tình cảnh hiện nay của đất nước, có thể gọi cảnh này là “Ác mộng Việt”. Chính ác mộng này đã xua đuổi dân Việt tìm cách thoát khỏi đất nước hình chữ S đầy khó nhọc này. Năm 2016, “Hồ sơ Panama” với lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ. Dữ liệu do Hiệp Hội Nhà Báo Điều Tra Quốc Tế (ICIJ) công bố hôm 10 tháng Năm, 2016 có 189 tên cá nhân, tổ chức và 19 công ty vỏ bọc có liên quan đến Việt Nam. Còn theo thống kê của Hiệp Hội Địa Ốc Quốc Gia Mỹ (NAR) thì từ tháng Tư, 2016 đến tháng Ba, 2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt đứng thứ 6 trong Top 10 nước có công dân mua nhà ở Mỹ với số tiền trên 3 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng. Người cộng sản khi kêu gọi người dân cùng họ vùng lên đánh đổ chế độ phong kiến và người Pháp đô hộ đã sử dụng khẩu hiệu ‘cơm no, áo ấm’ cho giai cấp bần cùng trong xã hội. Gần 100 năm sau, khẩu hiệu nói trên vẫn là khẩu hiệu vì tại Việt Nam ngày nay, vẫn còn có nhiều thành phần như nông dân, người dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, và thậm chí những công nhân ở đô thị vẫn phải sống trong thiếu thốn, chạy ăn từng bữa. Những cảnh đời khốn khổ vẫn xuất hiện trên truyền thông; trong khi đó những vị lãnh đạo khai có gốc gác là thành phần nông dân, công nhân bị áp bức, bóc lột bởi phong kiến, thực dân, tư bản nay sống không khác gì những thành phần mà chính họ lên án. Những người quan tâm trước thực trạng vừa nêu nhắc lại câu nói của Karl Marx, ông tổ cộng sản, rằng ‘Chỉ có loài thú mới quay lưng với nỗi khổ đau của đồng loại để làm đẹp bộ da (lông) của mình!’ Diễm Quỳnh  
......

Vài dòng nhân vụ khởi tố Luật Sư Trần Vũ Hải

Phạm Minh Hoàng Tôi biết Luật Sư Trần Vũ Hải vì ông đã là người đại diện pháp lý cho tôi, và lần tiếp xúc đầu tiên với ông là trong trại tạm giam B34. Cảm nhận đầu tiên của tôi khi trao đổi với Luật Sư Trần Vũ Hải là một con người rất… lãnh cảm mà người ta hay gọi là COOL. Mình thì rầu thúi ruột vì sắp ra tòa mà ông thì vẫn “vô tư”, cười nói như không có chuyện gì quan trọng. Sau này khi nghe Luật Sư Trần Vũ Hải phát biểu tại tòa cũng như có dịp tiếp xúc với các luật sư khác, tôi thấy hình như ai trong giới luật sư cũng “vô tư” như thế. Thậm chí nhiều lúc tôi tự hỏi là nếu (chẳng may) mình đi theo nghề này thì mình cũng “vô tư” không chừng. Tôi nghe nói bên Mỹ bất kỳ cái gì người ta cũng có thể lôi nhau ra tòa và luật sư được đồng hóa cho những gì là mánh mung, thủ đoạn − thậm chí còn vô đạo đức nữa. Riêng tôi, tôi còn dị ứng với mấy cái áo thụng họ mặc khi ra tòa − trông như nhóm IS (Hồi Giáo quá khích). Xin lỗi quý anh chị đã và đang hành nghề luật sư về những chia xẻ thẳng thắng của tôi ở trên. Nhưng đó chỉ là ấn tượng có thể đúng và có thể sai, nhưng từ đây trở xuống cuối bài, tôi lại có một số nhận xét khác, sau khi nghe tin vợ chồng Luật Sư Trần Vũ Hải bị “khởi tố”. Điều thông cảm trước tiên cho giới luật sư − đặc biệt là các luật sư dám bảo vệ cho các tù nhân lương tâm là bị chụp cho cái mũ “vi phạm đạo đức nghề nghiệp” hoặc “vi phạm pháp luật” trước khi bị đe dọa tước giấy phép hành nghề. Tôi tự hỏi “đạo đức” mà nhà cầm quyền cũng như mấy ông gọi là chủ nhiệm luật sư đoàn là gì ? Trong bài phỏng vấn trên báo Sàigòn Giải Phóng tháng Sáu, 2003, Luật Sư Nguyễn Đăng Trừng đã nói rằng “ngoài nhiệm vụ bảo vệ cho thân chủ của mình, luật sư còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa (…) khi bào chữa luật sư phải thấy hết những bức xúc khác của xã hội, có nghĩa là luật sư không chỉ biết thấy “cây” mà còn phải thấy “rừng”! Tôi thiết nghĩ chẳng có luật sư nào “ngu” đến nỗi vi phạm pháp luật trong khi bảo vệ cho thân chủ của mình cả. Cái gọi là “đạo đức” đưọc nêu ra ở đây thường được dùng để nói về nỗi đau của người bị hại (nạn nhân). Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của tư pháp là nguyên tắc suy đoán vô tội. Điều này đã được ghi rõ ràng trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của V iệt Nam. Nếu vô tội thì luật sư cũng phải được bình đẳng với công tố viên trước tòa. Luật sư sẽ phải làm mọi cách − thậm chí là khai thác những kẽ hở của luật pháp, của nhân chứng để bảo vệ cho thân chủ của mình, điều này không có nghĩa là họ chà đạp lên nỗi đau của nạn nhân. Theo Luật Sư Lê Công Định − cũng là một tù nhân lương tâm thì “bảo vệ cho những công dân phạm pháp không thể bị đồng lõa với cái xấu và cái ác”. Dĩ nhiên, trong cách tra vấn nhân chứng, cũng có nhiều luật sư sử dụng những ngôn từ, những cách nói có tính cách khích bác dễ làm người nghe bực mình. Luật Sư Nguyễn Văn Đài, người từng bị kết án 2 lần vì tranh đấu cho nhân quyền đã nói rằng chính nhà nước mới phải xem lại cái gọi là “đạo đức” của họ. Luật Sư Đài cho hay việc tra tấn, ngược đãi bức cung, ép cung của điều tra viên để lấy lời khai của bị can là chuyện thường xảy ra. Báo chí đã nêu vụ hơn 200 người bị chết trong đồn công an sao chẳng thấy nhà đạo đức học nào lên tiếng? Khi nghe nói về “đạo đức”, về “pháp chế XHCN”, về “thấy cây mà không thấy rừng”, tôi tự hỏi, luật sư đoàn có “thấy” được những “cánh rừng Thủ Thiêm, Dương Nội, Lộc Hưng” hay không? Cũng nhân nói về Lộc Hưng, tưởng cũng nên nhắc lại là nhóm “Luật Sư Lộc Hưng” trong đó đứng đầu chính là Luật Sư Trần Vũ Hải thường bị mai mỉa là “nhóm luật sư toàn thua”. Thắng quái nào được trong cái “đạo đức và pháp chế XHCN”? Tôi thích cái từ “đạo đức và pháp chế XHCN” vì thực sự nó diễn tả rất đúng bản chất nền tư pháp XHCN ngày nay đầy rẫy những bất ngờ. Trước tiên, theo các quy định trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng như trong các văn bản pháp lý của Việt Nam thì ai cũng nghĩ rằng người dân phải được đại diện bởi luật sư, nhưng thực ra điều này không được áp dụng với các tội danh có “màu sắc chính trị”. Chẳng có tù nhân lương tâm nào được phép gặp luật sư của mình trước khi kết thúc điều tra, nghĩa là khi mọi chuyện đều xong (theo ý của điều tra viên), và vai trò luật sư thực sự chỉ là “nâng đỡ tinh thần” cho bị cáo. Điều này, ngay cả Quốc Hội cũng thấy không ổn. Chính ông Vũ Đức Khiển, Chủ Nhiệm UB Pháp Luật khóa X cũng đã cho rằng việc luật sư tham gia vào vụ án liên quan đến bí mật quốc gia từ đầu cũng là để giúp hội đồng xét xử ra những bản án đúng, tránh oan sai. Giống như bầu cử ở Việt Nam không có “văn hóa tranh cử công khai”, thì trong tòa án ở Việt Nam không có “văn hóa tranh tụng công khai”! Ra tòa, viện kiểm sát đọc cáo trạng xong đến luật sư đọc bản bào chữa. Sau đó tòa hỏi qua loa vài câu rồi tuyên án. Theo trình tự như thế thì một khi cơ quan điều tra hoàn tất công việc, thì không nhất thiết phải đối chất tại tòa. Chính vì thế chỉ có ở nước ta thành ngữ “án tại tòa”. Chuyện phi lý tưởng như chỉ hiện hữu trong thời phong kiến theo đó “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” mà nó vẫn tồn tại đến ngày hôm nay trên đất nước chúng ta. Nói một cách chính xác, thì ngoài tòa luật sư cũng có thể chất vấn viện kiểm sát, nhưng trả lời hay không lại là chuyện khác! Án oan sai là chuyện không thể chối cãi được. Ngay cả chánh án tòa án nhân dân và các đại biểu quốc hội cũng nhìn nhận. Dư luận còn chưa quên những Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Tràn Văn Thêm, Bùi Minh Hải, Trần Văn Chiến… Đó là các vụ “chấn động”, còn”lẻ tẻ” thì chắc phải đến chục nghìn như chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao Nguyễn Văn Hiện đã bộc bạch. Đến ngày nào mà “một đít ngồi ba ghế”, khi nào mà “đạo đức và pháp chế XHCN” còn ngự trị, khi nào còn dùng luật sư như một thứ trang trí cho ngành tư pháp thì chúng ta còn đi ngược với những giá trị cơ bản của Con Người và mãi mãi công lý chỉ là một diễn viên hài. Phạm Minh Hoàng https://viettan.org/vai-dong-nhan-vu-khoi-to-luat-su-tran-v…  
......

Khởi tố ngược

Ảnh Ls Trần Vũ Hải Theo thông tin trên các trang mạng xã hội về vụ án trốn thuế thì vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải nhận chuyển nhượng hơn 290 m2 đất ở hẻm 78/40 đường Tuệ Tĩnh (TP Nha Trang) từ ông Ngô Văn Lắm. Theo hợp đồng công chứng do Văn phòng Hoàng Huệ Phạm Tuấn thực hiện vào tháng 8/2016 thì lô đất có giá chuyển nhượng là 1,8 tỷ đồng và bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân hơn 42,8 triệu đồng, còn bên nhận sang nhượng phải nộp lệ phí trước bạ gần 11 triệu đồng. Chi cục thuế Nha Trang xác định giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND tỉnh Khánh Hòa quy định đối với mảnh đất ông Trần Vũ Hải nhận chuyển nhượng là hơn 2,14 tỷ đồng. Do đó phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất (có lẽ là hợp đồng công chứng nói trên) và việc ký vào các giấy tờ này đã giúp người bán trốn thuế với số tiền 276 triệu đồng. Căn cứ vào khoản tiền thuế bị thất thu này, Cơ quan cảnh sát điều tra Khánh Hòa khởi tố vụ án và khới tố bị can về tội trốn thuế đối với những người có liên quan, trong đó có vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải. Tuy nhiên, việc khởi tố đã không nhận được sự đồng tình của dư luận cũng như của giới luật sư. Họ cho rằng khởi tố tội danh này là không có căn cứ pháp lý và do Luật sư Trần Vũ Hải đã, đang tham gia vào nhiều vụ án cộm cán, nhạy cảm nên thế này thế kia … Để làm rõ việc khởi tố vụ án trốn thuế là đúng hay sai thì vấn đề mấu chốt cần phải được làm sáng tỏ là hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá quy định có cấu thành tội trốn thuế hay không và ai là người phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thoát khoản tiền thuế này. Về hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định có cấu thành tội trốn thuế hay không? Theo Điều 161 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về Tội trốn thuế đối với trường hợp này thì: “Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoạc về một trong các tội được quy định tại Điều 153 đến Điều 160, Điều 164, từ Điều 193 đến Điều 196, Điều 230, Điều 232, Điều 233, Điều 236 và Điều 238 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”. Theo hướng dẫn tại Thông tư số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/06/2013 (có hiệu lực ngày 15/08/2013) thì người phạm tội trốn thuế là người thực hiện một trong các hành vi được qui định tại Điều 108 của Luật quản lý thuế, đồng thời thỏa mãn các dấu hiệu được qui đinh tại Điều 161 của BLHS. Theo Điều 108 Luật quản lý thuế: Về xử phạt đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì: “Người nộp thuế có một trong các hành vi trốn thuế, gian lận thuế sau đây thì phải nộp đủ số tiền thuế theo quy định và bị phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn: 1. Không xuất hoá đơn khi bán hàng hoá, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hoá đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hoá, dịch vụ đã bán; 2. Sử dụng hoá đơn, chứng từ bất hợp pháp để hạch toán hàng hoá, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn; 3. Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn; 4. Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan trong thời gian sáu mươi ngày, kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan; 5. Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 6. Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hoá nhằm mục đích trốn thuế; 7. Sử dụng hàng hoá được miễn thuế không đúng với mục đích quy định mà không khai thuế”. Không thấy có hành vi kê khai giá chuyển nhượng nhà, đất thấp hơn giá quy định quy định trong điều luật này. Như vậy, căn cứ vào các quy định trên thì hành vi kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá quy định ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất không phải là hành vi trốn thuế và không cấu thành tội trốn thuế. Về vấn đề ai là người phải chịu trách nhiệm về việc làm thất thu khoản tiền thuế? Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về giá chuyển nhượng như sau: “1. Giá chuyển nhượng a) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có công trình xây dựng trên đất là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá hoặc giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng. b) Giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng. Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai….” Căn cứ vào quy định này thì: - Người chuyển nhượng, người nhận chuyển nhượng, và Văn phòng công chứng không phải chịu trách nhiệm về giá chuyển nhượng ghi trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. - Cơ quan chức năng (Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng tài nguyên và Môi trường, cơ quan thuế) phải căn cứ vào giá chuyển nhượng đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng để tính đúng, tính đủ đối với những Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Như vậy lỗi để thất thoát tiền thuế, lệ phí ở đây là của cơ quan chức năng (cơ quan thuế, Văn phòng đăng ký đất đai) thành phố Nha Trang. Cho nên, việc làm thất thoát tiền thuế là do những cán bộ chuyên trách của cơ quan chức năng thành phố Nha Trang gây ra chứ không phải do ông Ngô Văn Lắm và vợ chồng Luật sư Trần Vũ Hải ký hợp đồng chuyển nhượng có mức giá thấp hơn giá quy định gây ra. Để giải quyết việc làm thất thoát khoản tiền thuế này không khó, chỉ cần Chi cục thuế Nha Trang thông báo cho người chuyển nhượng là ông Ngô Văn Lắm thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung do có sai sót trong việc tính giá chuyển nhượng đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà là xong, không cần phải tốn công, tốn của để giải quyết vụ việc theo vòng xoáy tố tụng hình sự. Nếu Cơ quan điều tra Khánh Hòa kiên quyết muốn xử lý vụ việc bằng con đường tố tụng hình sự mà không muốn ông Ngô Văn Lắm nộp thuế bổ sung thì phải khới tố những cán bộ chuyên trách của cơ quan chức năng thành phố Nha Trang về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 mới đúng pháp luật. Như vậy, từ những phân tích trên cho thấy, nếu vụ án đúng như các trang mạng xã hội phản ánh thì việc Cơ quan điều tra Khánh Hòa khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn thuế là không có căn cứ, sai đối tượng và là khởi tố ngược. Để tránh oan sai, tránh những rủi ro pháp lý không đáng có có thể xảy ra, trong đó có việc phải yêu cầu Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào cuộc xác minh, điều tra về việc “Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội”, thiết nghĩ Cơ quan cảnh sát điều tra Khánh Hòa nên xem xét việc ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án “Trốn thuế” không có căn cứ này. Hà Nội, ngày 04/07/2019 Nguyễn Anh Vân - Fb Chú Tễu  
......

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đứa con 16 năm chưa chào đời.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là dự án hứa hẹn cải thiện bộ mặt giao thông thủ đô, nhưng nó cũng phải đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh và tai tiếng. Phạm Huy Thành (tên nhân vật đã thay đổi) thường nói vui rằng mình là một tài xế xe ôm hiếm hoi từng du học nước ngoài. Đó là trải nghiệm ở Bắc Kinh (Trung Quốc) những tháng cuối năm 2015, đầu 2016. Thành cùng hơn 100 học viên được đưa sang 3 tháng để học vận hành đường sắt đô thị. Công nhân tàu điện là nghề được hứa hẹn lương cao. Ấn tượng của Thành về thủ đô của Trung Quốc là những tuyến đường sắt nội đô dài hàng chục km, được hoàn thành chỉ trong 3-4 năm. Người dân bước ra khỏi nhà là hướng thẳng tới ga tàu điện, hầu như không có bóng dáng xe máy. Cũng thời điểm đó tại Hà Nội, lịch khánh thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông lùi từ tháng 12/2015 sang tháng 9/2016. Kết thúc khóa đào tạo tại Bắc Kinh, Thành về nước với sự háo hức được tiếp quản một công trình vận tải hiện đại bậc nhất thủ đô. “Anh em đồng nghiệp không chắc chắn bao giờ được làm việc, nhưng nghe hạn khánh thành trong năm 2016 thì ai cũng vui”, nhân viên metro nhớ lại. Rốt cuộc trong năm 2016 chẳng có tuyến tàu nào được khánh thành. Nhóm học viên gồm quản lý, lái tàu, thợ sửa… ai về nhà nấy, bắt đầu chuỗi ngày mưu sinh bằng những công việc lặt vặt trong lúc chờ dự án hoàn thành. “Thế là nhân viên metro trở thành tài xế Grab”, Thành cười buồn khi nói về hoàn cảnh của mình. Không chạy xe ôm thì đi bán hàng online, đi làm thuê các việc lặt vặt. Trước mắt vẫn là những cái hẹn khánh thành dự án. Tháng 9/2016, tháng 10/2017, tháng 12/2017, 9/2018, rồi 2019… Năm 2014, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) được thành lập và nhận lãnh nhiệm vụ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Doanh nghiệp này bắt đầu tuyển chọn nhân sự đưa sang Trung Quốc đào tạo chuyên ngành vận hành đường sắt. Dự án đường sắt trễ tiến độ triền miên khiến giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường “mất ăn mất ngủ”. Dưới ông là hàng trăm nhân công không có việc, cũng chẳng có lương. Ba năm chờ đợi không lương là thời gian đủ để mỗi người làm quen một công việc mới và ổn định thu nhập. Không ít công nhân đã phải ngẫm lại quyết định chọn nghề vận hành đường sắt đô thị. Có người vì gánh nặng gia đình mà phải bỏ đi làm nghề khác. Cuối năm 2018, đội ngũ công nhân vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông cuối cùng cũng được triệu tập (việc lẽ ra phải đến với họ ngay từ khi đi du học về) và thực hành trên tuyến dưới sự bố trí của tổng thầu. Bằng nhiều nỗ lực từ phía lãnh đạo Hanoi Metro, các công nhân được hưởng mức thu nhập tối thiểu (4,5 triệu đồng/tháng). Họ vẫn phải nuôi gia đình nhờ những công việc ngoài, nhưng tinh thần hứng khởi đã xuất hiện. "Sáng lên tuyến thực hành chạy tàu, chiều về tranh thủ chạy xe ôm. Cái hạn khánh thành muộn lắm chắc cũng chỉ trong năm 2019", Phạm Huy Thành nói, mắt ánh lên hy vọng. Trong ký ức của ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng thành phố Hà Nội, câu chuyện xây đường sắt đô thị tại thủ đô đã được bàn đến cách đây hơn 2 thập kỷ. "Từ những năm 1995-1996, tôi theo đoàn khảo sát của Hà Nội đi thăm các nước có hệ thống vận tải khối lượng lớn (metro, BRT). Theo bài học kinh nghiệm của họ, cứ những đô thị trên một triệu dân thì không thể không có đường sắt đô thị", ông Nghiêm nhớ lại. Dân số Hà Nội khi đó đã vượt rất xa con số một triệu người. Đường sắt đô thị trở thành đề tài cấp thiết. Đến năm 1998, quy hoạch chung của thủ đô đặt ra 6 tuyến đường sắt đô thị, trong đó thống nhất đặc trưng của đường sắt đô thị Hà Nội là kết hợp cả đoạn đi ngầm và đoạn đi trên cao. Năm 2011, quy hoạch đường sắt đô thị Hà Nội được nâng lên thành 8 tuyến và 10 nhánh. Những quy hoạch thủ đô về sau này đều thống nhất số tuyến theo quy hoạch năm 2011. Đến đây, vị kiến trúc sư trưởng của thủ đô giải thích một vấn đề ít người đặt câu hỏi: Vì sao trong số 8 tuyến đường sắt trên bản vẽ, Hà Nội lại lựa chọn Cát Linh - Hà Đông là "đứa con đầu lòng" để xây dựng và đưa vào vận hành? Theo ông Nghiêm, ý tưởng này đã được đưa ra từ năm 2003, cách đây 16 năm. Thời điểm đó, từ Hà Nội đi Vĩnh Phú đã có cầu qua sông, hướng đi Hải Dương, Hưng Yên đã quy hoạch đường 5 mới... Trong khi đó, hướng đi Hà Đông lại khó mở rộng do vướng các công trình 2 bên đường Nguyễn Trãi. Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được kỳ vọng là cầu nối liên kết vùng, để giải quyết áp lực giao thông và áp lực dân số của 2 thành phố. (Hà Đông lúc bấy giờ vẫn là trung tâm của tỉnh Hà Tây và là thành phố gần Hà Nội nhất). Nguyên nhân còn lại, theo ông Nghiêm là thời điểm đó Việt Nam tranh thủ được sự hỗ trợ của nước ngoài. Phía Trung Quốc đã tiếp cận và đặt vấn đề ngay khi các tuyến metro được hoạch định trên bản vẽ. Năm 2008, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được ký kết với chủ đầu tư là Bộ GTVT. Tổng mức đầu tư dự toán vào thời điểm đó là hơn 552 triệu USD (8.770 tỷ đồng), trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD. Tháng 11/2011, dự án chính thức được khởi công. Người dân Hà Nội khi đó được hứa hẹn đến năm 2015 sẽ thụ hưởng tuyến đường sắt trên cao vốn chỉ có ở các đô thị hiện đại trên thế giới. Nhà cửa bắt đầu bị giải tỏa, cây cối bị chặt hạ, giao thông ùn tắc suốt gần một thập kỷ thi công dự án. Bước sang năm 2019, những người từng vẽ lên giấc mơ đường sắt đô thị từ thế kỷ trước đã về hưu, mãn nhiệm. Tuyến đường sắt thì vẫn như hài nhi trong cơn thai nghén, không hẹn ngày chào đời. Trong nhà ông Nguyễn Trọng Phong (phường Yên Nghĩa, Hà Đông) còn lưu giữ một chiếc mũ màu xanh, tựa như mũ sắt của binh lính thời chiến. Năm vết xước hằn trên vỏ mũ, giống như từng có 5 viên đạn xượt qua. Người đàn ông gần 60 tuổi rót nước mời khách rồi trầm ngâm nhìn kỷ vật gắn liền với quá trình xây tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ông Phong kể đó là ngày 14/10 năm Giáp Ngọ (2014, ông Phong không nhớ rõ lịch dương). Sáng hôm ấy, ông đưa vợ là bà Lê Thị Hằng đến Bệnh viện Tuệ Tĩnh khám bệnh viêm họng. Chiếc xe máy đang đi qua công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông để rẽ vào bệnh viện thì một thanh sắt ngoằn ngoèo như đoạn dây thừng từ trên cao rơi xuống. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, ông Phong bị thanh sắt quật thẳng vào chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu. Cả người và xe sõng soài, bà Hằng bị xe máy đè vào chân. Thanh sắt thứ 2 tiếp tục rơi trúng thân xe. Ông Phong cố gượng dậy kêu cứu rồi lật chiếc xe máy để vợ rút chân ra. Máu trên mặt ông đầm đìa, nhuộm đỏ chiếc áo sơ mi trắng. Đau đớn, hoảng loạn nhưng người đàn ông này vẫn nói rằng gia đình có phúc và may mắn. Ba thanh sắt rơi trúng 5 người đi đường. Chỉ cách ông Phong vài bước chân, một nạn nhân khác đã qua đời. Người nằm đó là thượng úy Nguyễn Như Ngọc, sinh viên Học viện An ninh. Anh Ngọc tử nạn vì thanh sắt lớn rơi trúng đầu từ độ cao hơn 20 m. Ngày anh gặp nạn chỉ cách ngày lấy văn bằng hai chưa đến một tuần. Anh ra đi bỏ lại người vợ trẻ và hai con nhỏ. Cháu lớn hơn 3 tuổi, đứa nhỏ chưa đầy một năm rưỡi. Ba ngày sau sự việc kinh hoàng, người thân làm lễ tang để tiễn biệt người thượng úy trẻ xấu số. Xuất hiện trong tang lễ, đại diện Ban quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT), nhà thầu Trung Quốc và lãnh đạo Cienco 1 cúi rạp người tạ lỗi trước vong linh anh Ngọc. Sau vụ việc, Bộ trưởng GTVT đã giáng chức ông Nguyễn Mạnh Hùng từ quyền Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt xuống Phó tổng giám đốc. Đồng thời, tư lệnh ngành giao thông cũng yêu cầu đuổi tư vấn giám sát, đuổi toàn bộ thầu phụ. Nếu tổng thầu không đồng ý sẽ kiến nghị Chính phủ thay luôn tổng thầu. Những tưởng từ đó, việc thi công sẽ cẩn thận hơn. Nhưng cái chết của anh Ngọc và vết thương trên đuôi mắt của ông Phong lại mở đầu cho hàng loạt tai nạn khác tại công trường đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thời điểm lỡ hẹn vận hành chính thức của dự án đã cách đây 2 tháng (dịp 30/4 - 1/5). Mọi sự quan tâm đều đang hướng về Bộ GTVT và Ban quản lý Dự án Đường sắt. Người dân cần một lời hẹn cuối cùng. Nhưng đó là điều mà cơ quan chức năng né tránh. Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận dự án chậm khánh thành do tư vấn trong nước và Ban quản lý dự án đều có yếu kém, tổng thầu cũng có vấn đề. Tư lệnh ngành GTVT cho biết ông rất mong đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành thương mại. Tuy nhiên, công trình vẫn đang "nghẽn" ở khâu chứng nhận an toàn hệ thống. Ngọc Tân   Còn tiếp
......

Hãy khóc cho tiếng Việt

Manh Kim Thay vì làm to chuyện với một slogan quảng cáo thì “cơ quan chức năng văn hóa” nên tìm giải pháp khẩn cấp để chấn chỉnh tình trạng hỗn loạn tiếng Việt. Cái gọi là “rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ” đang hiện diện tràn lan trong việc sử dụng tiếng Việt và không chỉ với một từ mà với vô số từ và vô số câu. Nếu nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước” định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị phá phách ẩu tả đến mức đáng hổ thẹn. Từ việc ghép từ vô tội vạ đến tình trạng đặt ra những “khái niệm” ngữ nghĩa méo mó (chẳng hạn “trạm thu giá”), tiếng Việt đang bị sử dụng với một thái độ vừa cưỡng bức vừa khinh rẻ. Nếu cần tìm một bằng chứng cho thấy văn hóa xuống cấp và chọn ra nạn nhân tiêu biểu thì tiếng Việt là nạn nhân không thể không nhắc. Không chỉ “cưỡng hôn” – được hiểu lệch lạc là “cưỡng bức để được hôn”, còn có vô số kiểu nói kỳ quái khác. Trong thực tế, có bao giờ chúng ta nói “Nè, khi đang tham gia giao thông thì tạt qua tiệm bánh mì mua giùm cho tôi một ổ”! Có bao giờ người ta nói, “đang tham gia giao thông thì tôi gặp cậu ấy…”! Ai đặt ra cái cụm từ dị hợm này? Ngoài ra, có thể kể vô số từ bình thường khác cũng đang được dùng một cách bất thường. “Quá trình” là một ví dụ. Cái gì cũng “quá trình”. Trường hợp nào cũng “quá trình”. Sự việc nào cũng “quá trình”… “Một thí sinh dùng máy trợ thính trong quá trình thi”; “Một giáo viên tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi”. Chưa hết, “trong quá trình uống café”, “trong quá trình ăn tô hủ tíu”, “trong quá trình tham gia giao thông”… Kinh hoàng hơn là gần đây người ta “tinh giản” luôn chữ “trong” khi nói về một “quá trình” – chẳng hạn “Quá trình đi từ bàn mình đến bàn nạn nhân, hung thủ rút sẵn con dao ra cầm trên tay”! Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức 2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”. Dĩ nhiên chẳng ai đòi hỏi viết báo phải dùng câu chữ đẹp đẽ và kiêu kỳ như nhạc ngữ trong âm nhạc Phạm Duy nhưng biến mình thành học trò tiểu học khi viết báo thì thật không nên! Việc viết sai chính tả một cách bất chấp và báo chí đăng sai chính tả một cách bất kể đã không còn là “hiện tượng”. Nó đã trở thành một tệ nạn, một thảm trạng thật sự đối với chữ Quốc ngữ. Viết sai chính tả là “chuyện nhỏ”. Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết cuộc” (sai)… Giờ là thời “thích là xài”, chẳng cần tìm hiểu hay mất thời giờ tra cứu từ điển, cho nên mới không phân biệt được “điểm yếu” và “yếu điểm”; cho nên mới viết “thăm quan” thay vì “tham quan”. Tình trạng tiếng Việt bị hạ xuống trình độ “cấp tiểu học” lại xảy ra với một nghịch lý là thích làm sang. Thay vì viết “tôi thấy” thì người ta cứ nói “tôi mục sở thị”! Giữa việc trang điểm ngôn ngữ với việc làm dáng nhưng không giấu được điệu bộ giả tạo che đậy cái lớp quê mùa chữ nghĩa là một lằn ranh không phải không khó thấy. Nhân tiện nói thêm, việc nhầm lẫn các từ Hán Việt cũng là “hiện tượng thời đại”. Mới đây, tôi đã đọc một bài điểm sách, trong đó, vị nhà báo nổi tiếng nọ đã ví ngôn ngữ văn chương như một thứ “thần quyền” để phục vụ cho “thần dân” (với ý nghĩa của “thần” trong “thần dân” thuộc khái niệm… “thần thánh”!). Không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày nay còn méo mó cấu trúc. Thay vì nói “Chương trình này được Sony tài trợ”; người ta thích nói “Chương trình này được tài trợ bởi Sony”. Như thế còn đỡ. Người ta thậm chí còn nói “Thủ tướng VN đã được đón tiếp bởi ông Shinzo Abe”. Người ta không thấy lạ khi nói “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, mà thay vì phải nói một cách bình thường: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Thay vì nói “Thí sinh này ở Tiền Giang” thì lại dùng “Thí sinh này đến từ Tiền Giang”, như thể phải vậy mới là ngôn ngữ của thời hội nhập. Where are you from, hử anh/chị dẫn chương trình? Are you from Vietnam? Rồi còn “fan hâm mộ”, rồi “cặp đôi”, rồi còn đầy những câu không hề có chủ ngữ: “Sốc với phát biểu…”; “Choáng với hình ảnh”… Nếu thời chiến tranh người ta “khóc cười với vận nước nổi trôi” thì ngày nay chúng ta cần phải biết khóc trước sự bi thảm mỗi lúc mỗi tệ của chữ Quốc ngữ. Trong thực tế, nhiều hội thảo “làm trong sáng tiếng Việt” đã liên tục được tổ chức nhưng nếu đọc các tham luận này sẽ thấy hầu hết đều nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Hồ Chí Minh về việc đề cao “làm trong sáng tiếng Việt”. Việc viện dẫn phát biểu của một người mà tiếng Việt của ông ta luôn đáng “minh họa” cho sự bi thảm của tiếng Việt – được ông ấy dùng trong cái thời mà Việt Nam có vô số nhân vật có thể nói là bậc thầy ngôn ngữ, từ cụ Phan Khôi đến các nhà văn-thi sĩ kiệt xuất phải lâm vào cảnh bi thương trong cái “vụ án” gọi là “Nhân văn Giai phẩm” – cho thấy điều đó chẳng có ý nghĩa gì. Thậm chí ngay cả khi ông Hồ có tài giỏi tiếng Việt thì việc trích lời ông ta cũng không phải là giải pháp. Cần phải làm gì, làm như thế nào, làm từ đâu… mới là điều nên bàn. Báo chí cũng đừng nhắc đi nhắc lại nữa câu nói của cụ Phạm Quỳnh “Tiếng nước ta còn, nước ta còn”. Báo chí cần tự sửa mình trước, thay vì cứ nói về cái sự đang biến mất hoặc đang biến dạng. Tìm kiếm giải pháp toàn diện cho việc “cứu” tiếng Việt không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức, nhưng trước mắt, và cần kíp, chính báo chí phải tiên phong trong việc chấn chỉnh lại biên tập. Báo chí cần làm gương trong việc “làm trong sáng tiếng Việt”. Cứ thích đề cập đến bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tại sao lại đối xử với tiếng Việt theo cách như đang chứng kiến! Khi nhà báo than thở trước hiện tượng di tích văn hóa xuống cấp trong một bài viết nghệch ngoạc chấm phẩy tùy hứng thì sự xuống cấp văn hóa đã vô tình bị đẩy xuống thêm một cấp nữa rồi. Khi nhà báo còn viết đầy lỗi chính tả, thường xuyên và cố ý, như có thể thấy hàng ngày trên trang cá nhân của họ, thì sao họ có thể dạy con mình "yêu tiếng Việt", hoặc chứng tỏ cho con em mình thấy mình "quý tiếng Việt" bằng việc đi thắp nhang ở mộ các bậc tiền nhân khai xướng tiếng Việt?  
......

Đừng lừa nhau nữa!

"Made in Vietnam" Minh Châu - (VNTB)   “Tôi nghĩ rằng các quan chức cấp cao của Bộ Chính trị cần tỉnh táo và trung thực để nhìn nhận chủ quyền về kinh tế hiện nay của Việt Nam, thực ra đang nằm ở… ngoài Việt Nam. Đừng tự ve vãn nhau kiểu ‘thương hiệu ôtô Việt đầu tiên ra thế giới’. Xin đừng lừa nhau nữa!”   Luật gia Nguyễn Thu Trang nhận xét như vậy, nhân việc Bộ Công thương đang đưa ra lấy ý kiến về dự thảo lần 1 của bộ tiêu chí quy định thế nào là “sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hoá lưu thông trong thị trường nội địa.   Cứ mãi mị dân!   Việc xây dựng bộ tiêu chí này được Bộ Công thương đưa ra trước thực tế đã có quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng hoá, nhưng lại thiếu điều kiện thế nào là hàng sản xuất tại Việt Nam, “made in Vietnam” hay hàng Việt… để “áp” doanh nghiệp ghi nhãn hàng hoá.   Hạ tuần tháng 9 năm ngoái, trên hầu hết các mặt báo đều đưa tin với giọng văn kiểu ‘tụng ca’ được trích từ thông cáo báo chí được Vingroup gửi đến: “Hai mẫu ôtô đầu tiên (Sedan và SUV) do Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) sản xuất, sẽ xuất hiện tại sự kiện Paris Motor Show, diễn ra từ ngày 2-10 ở Pháp”.    Dĩ nhiên là những bản tin này được đăng tải kèm theo là ‘chuyện phải quấy’ của loạt hợp đồng quảng cáo giữa Vingroup với các tờ báo đó. Lý do, công nghệ luyện kim của ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam chưa có, thì làm sao tự sản xuất xe hơi để mà mang triển lãm quốc tế?    Dường như Vingroup đã gian lận phần xuất xứ đầu vào cho thành phẩm. Điều đó tương tự như thép của Formosa Hà Tĩnh thực ra là thép Trung Quốc (đăng ký quốc tịch Đài Loan khi đầu tư vào Việt Nam) dán nhãn mác Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu. Chính điều này dẫn tới việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.   Theo DOC, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ các nguồn này đã giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với Đài Loan và Hàn Quốc.   Nền kinh tế không minh bạch   Dường như domino của hệ lụy thiếu minh bạch đang tiếp tục. Chuyên gia về phân tích thị trường của tổ chức BSA, ông Phan Tường đã có một trao đổi nhanh quanh một vụ việc đang nóng trong ngành bán lẻ, đó là việc Big C (Tập đoàn Central Group, Thái Lan) bất ngờ thông báo ngưng bán, trả hàng may mặc Việt Nam. Hôm 3-7, hàng loạt doanh nghiệp hoang mang gọi nhau kéo đến trụ sở Big C để phản đối.    “Gặp trực tiếp một số doanh nghiệp, ai cũng méo mặt không biết sẽ đi đầu về đâu. Có chủ cơ sở may mặc nói như muốn khóc, không biết lo sao cho công ăn việc làm của mấy trăm công nhân, một nửa tổng số thợ (doanh số Big C chiếm gần 50%). Các doanh nghiệp bức xúc nhất trước tương lai gần quá bấp bênh, chứ chưa kịp thấm cảm giác của việc bị đối xử thiếu tôn trọng.    Big C chắc là sẽ khéo với truyền thông, nhưng họ làm gì cũng đã tính kỹ với đội ngũ luật sư hùng hậu... nên các doanh nghiệp Việt cần phải tỉnh hơn, phải chấp nhận một sự thật là sẵn sàng đối mặt mọi rủi ro, bấp bênh, chèn ép khi hợp tác với những nhà bán lẻ đến từ ngoài biên giới. Big C hay những nhà bán lẻ ngoại khác, một khi họ muốn làm thì đã kiểm tra kỹ về luật, họ sẽ không sai về lý, cho nên doanh nghiệp Việt chỉ còn cách phải cẩn thận và biết tự lo cho mình”. Ông Phan Tường, nhận định.   Ở đây còn là một chủ đề tầm vĩ mô: chủ quyền bán lẻ của doanh nghiệp Việt Nam còn không? Nếu còn thì có vững chắc như cách mà quan chức Việt Nam nghĩ không? “Có lẽ chẳng khó để mà đánh giá. Không cực đoan để đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhưng phải thật sự tỉnh táo để biết ngành bán lẻ nước nhà đang ở đâu, thực lực thế nào, cần có chính sách và phương pháp quản lý nào, đừng mị nhau, ru nhau bằng ảo tưởng nữa!”. Ông Phan Tường kết luận.   Chuyện mị nhau đó, tiếc thay trong nhiều trường hợp lại được đại ngôn từ chính người đứng đầu chính phủ. “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: VinFast là minh chứng rằng, người Việt Nam chúng ta có thể làm được những điều mà thế giới làm được”, là nội dung rất nhiều bài báo khi đưa tin về lễ khánh thành nhà máy VinFast hồi trung tuần tháng 6 vừa rồi.   Dẫu sao thì VinFast cũng có ông chủ là người Việt Nam. Các quan chức chóp bu từ cấp chính phủ đến Bộ Chính trị còn mặc định hàng Việt là hàng sản xuất tại Việt Nam, mà không quan tâm đến chủ thương hiệu, chủ doanh nghiệp sản xuất đó là nước ngoài hay chăng?.    Như ngành bia. Trước khi Bia Sài Gòn được bán cho người Thái, kệ hàng có hơn 60% là của các thương hiệu như Heineken, Tiger, Sapporo… Các thương hiệu này đều sản xuất tại Việt Nam cả, nhưng nói đó là hàng Việt thì thiệt khó nghe vì đó quả thật là một sự đánh tráo khái niệm quá ư kỳ cục.    Rồi khi người Thái thâu tóm Bia Sài Gòn, giờ đây 80% kệ hàng (và thị phần nữa) là của các doanh nghiêp nước ngoài. Người Việt hầu như chẳng còn gì trong một là những ngành hàng tỷ đô như bia. “Chủ quyền” ngành bán lẻ của Việt Nam, tình huống này đã mất.   Cần có một nền kinh tế minh bạch là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Và để làm được điều đó, nền tảng là người dân phải thực sự có đầy đủ các quyền tự do dân sự, cũng như quyền tự do chính trị theo Hiến định (các điều 6, 14, 25, 28 Hiến pháp 2013).
......

Đan Viện St. Ottilien: Ngày cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam

Như thông lệ hàng năm do lời mời gọi của Linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà, Đan viện St. Ottilien thuộc Landsberg am Lech, Bayern (gần München) Đức đã tổ chức một Thánh lễ cầu nguyện cho Quê hương Việt Nam vào thứ Bảy, ngày 29.06.2019 lúc 15:00 đến 17:00 giờ. Buổi Thánh lễ quy tụ rất nhiều giáo dân người Đức và bà con ở các vùng phụ cận như: München, Augsburg, Memmingen, Regensburg... Hiện diện trong ngày cầu nguyện năm nay, người ta còn thấy có các Ông Nguyễn Quý Cường, Hội Trưởng Hội Cao Niên München – Bayern; Ông Phạm Hồng Lam, Phong Trào Giáo Dân VN Hải Ngoại; Anh Bùi Ngọc Châu, Liên Đoàn Công Giáo VN... Thánh lễ bắt đầu với nghi thức rước Thánh Giá, hình Lòng Chúa Thương Xót, hình Đức mẹ La Vang lên cung Thánh cùng với đoàn linh mục đồng tế. Chủ tế cho buổi Thánh lễ là Linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà OSB cùng các Linh mục đồng tế như Lm. Theophil Gaus OSB, Lm. Martin Trieb, Lm. Josep Afatchao người Togo… Năm nay, ngoài Cộng đoàn người Việt Nam hát đáp ca và dâng lễ, còn có thêm nhóm người Togo hát Kinh Vinh Danh bằng tiếng bản xứ của họ cùng tiếng trống, chuông rất hùng hồn, sôi nỗi. Trong Thánh lễ, Lm.Theophil Gaus OSB giảng bài Thánh thư của Thánh Phêrô tông đồ (3, 8-12), và Phúc Âm (LK, 15,3-7) và được linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà dịch lại. Nội dung xoay quanh bức ảnh Lòng Chúa Thương Xót. Theo Lm.Theophil Gaus OSB, là Giáo hội thì sống biết quan tâm đến những „người nghèo“, người đang gặp hoạn nạn. Họ là những Việt Nam đang lên tiếng đòi công lý; đang bênh vực, bảo vệ cho nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận... thì bị đàn áp, tù đày. Họ là những người đang chịu nhiều những bất công thiệt thòi, vì sự tham ô, hối lộ. Họ bị cảnh màn trời chiếu đất vì nạn thiên tai lũ lụt, hạn hán mất mùa. Họ là những người đang ở Châu Phi như đất nước Togo, sống trong sự nghèo túng, không được đào tạo học hành, không có hệ thống chăm sóc, bảo vệ sức khỏe… Sau Thánh lễ, 17 giờ đến 19 giờ mọi người đến sân sinh hoạt ngoài trời của Đan viện, dùng cơm chiều chuyện trò, ca hát. Nhóm người Afrika đã làm vui tươi, sống động với những bài hát, điệu nhảy, tiếng trống. Những bài hát đấu tranh: Lời nguyện cho quê hương VN, Trả lại cho dân, Con có một tổ quốc, Việt Nam Việt Nam...do chị Kim Nhung điều khiển cũng được hợp ca cất lên tại nơi đây. Sau buổi cơm chiều lúc 19 giờ là nghi thức rước kiệu Mẹ Maria vòng quanh Đan viện với những chuỗi kinh Mân côi, những Thánh vịnh, những bài hát. Đoàn kiệu tiến vào nhà nguyện St. Ottilien với những lời nguyện dâng lên Mẹ Maria, cầu cho quê hương VN được thoát nạn cộng sản vô thần, để mọi người dân Việt trên Quê hương, sống trong no ấm, tự do, hoà bình. Trước khi kết thúc buổi cầu nguyện Linh mục Augustinus Phạm Sơn Hà và linh mục Josep Afatchao ban phép lành của Thiên Chúa đến mọi người./.  
......

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam IJAVN và khát vọng tự do báo chí

An Viên -  Việt Nam Thời Báo Mùa hè năm 2014, cùng với sự kiện đòi hỏi chính phủ hành động nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo trước hành vi xâm lấn trực tiếp của Bắc Kinh, nhiều hội đoàn độc lập cũng đã ra đời, và Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN) là một trong số đó. Đó một dấu hiệu hy vọng hiếm có cho xã hội dân sự Việt Nam. Bởi lẽ, xã hội Việt Nam dưới một hệ thống đơn đảng đã trở thành một nhà nước theo dõi, không có bất kỳ mảng ngành nào, hoặc khía cạnh nào thoát khỏi tầm kiểm soát từ phía chính quyền nhà nước. Báo chí là một lĩnh vực đặc biệt, đến mức, một tổ chức với tên gọi Ban Tuyên Giáo Trung Ương ra đời chỉ để đưa yếu tố này vào khuôn khổ, phục vụ cho mục đích của chính đảng (ĐCSVN). Và vì lẽ đó, một yếu tố mới về cả tổ chức hay phương thức báo chí, đều được đánh giá như một sự phản ứng bất lợi cho chính quyền hiện tại. Nhà báo tự do Chu Vĩnh Hài (trái) và Ls Lê Công Định. Nhưng nền báo chí cách mạng trực thuộc quản lý của ĐCSVN đã không thực sự cách mạng, nhiều tin tức giả, huyền ảo hóa, hay thậm chí lá cải hóa đã xuất hiện, biến báo chí trở thành nơi thỏa mãn các thị hiếu tầm thường và phục vụ cho nhu cầu vật chất phù phiếm. Một tin sao nữ hở ngực có thể được đăng tải nhiều hơn những tin tức liên quan đến những lần đụng độ giữa ngư dân Việt Nam và tàu kiểm ngư Trung Quốc trên vùng Biển Đông. Điều này không xa lạ, khi mà các phương tiện truyền thông được định hướng khá chặt chẽ trên lĩnh vực chính trị gắn với nhãn những chủ đề nhạy cảm cần tránh, nhưng thả nổi trên các lĩnh vực khác nhằm bẻ lái dư luận. Hệ thống báo chí cách mạng không gây ra gì ngoài sự phẫn nộ, thống khổ và thờ ơ. Và Hà Nội ít khoan dung hơn đối với các phương tiện truyền thông ngoài lề. Nhưng rõ ràng, chúng ta cần tin rằng, đất nước chúng ta xứng đáng có một tương lai tốt đẹp hơn, xứng đáng được hưởng quyền tự do ngôn luận hơn. Để báo chí thực sự là diễn đàn của nhân dân, và nó truyền tải những thông điệp ý nghĩa và mang tính chất thúc đẩy xã hội đi lên hơn, chứ không phải là một phần của bộ máy tuyên truyền của Hà Nội. IJAVN ra đời trên nhu cầu bức thiết đó, và khởi đầu của tổ chức này cũng đã thu hút nhiều người với tâm lý, nỗi niềm, lý tưởng đó. Không ít người trở thành hội viên IJAVN bởi họ cảm thấy có trách nhiệm với công việc của họ và cảm thấy cần phải viết những gì họ thấy cần thiết, nhưng không bẻ cong ngòi bút của chính mình. Họ đứng vào trong một tổ chức nghề nghiệp, một quyết định của sự dũng cảm. Nơi mà mỗi ngày trôi qua, là một ngày chiến thắng trước sự hỗn loạn, và không có sự thỏa hiệp đe dọa đến sự chính trực của bạn. Hãy xem tiến trình 5 năm trôi qua đã có gì thay đổi trên IJAVN (thông qua Việt Nam Thời Báo)? Những bài luận với ngôn ngữ sắc sảo hơn, dẫn chứng nhiều hơn. Có sự phân tách các chủ đề một cách rõ ràng, ngôn từ phù hợp với các tiêu chí mà chính bản thân IJAVN đặt ra. Những ngôn ngữ không hằn học hay kích động hận thù, những bài viết với nội dung bình luận trên chính kiến cá nhân dựa trên những sự việc có thực được báo chí nhà nước phản ảnh trước đó; những nhận định cá nhân với không ít thuyết âm mưu, nhưng được gắn liền với các sự kiện và diễn giải đầy tính hợp lý; những bài dịch nóng hổi tính thời sự, nhất là về quan hệ Việt – Trung; những bài phỏng vấn đi nhanh vào vấn đề và nêu bật tính thông tin tới người đọc,… Rõ ràng, so với thời kỳ đầu, IJAVN đã có những nội dung nền tảng, những cây bút chắc chắn hơn trong tư duy và lý luận về cả mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng cũng giống như nhiều hội đoàn độc lập khác, chuyên nghiệp vẫn là khát vọng với chính tổ chức này, khi các nội dung trên Việt Nam Thời Báo vẫn còn ít nhiều chậm tính thời sự hơn so với các trang web thông tin khác, tính tổng hợp chưa cao như baotiengdan; khả năng quản trị về văn phong và các vấn đề khác trong biên tập có vẻ như còn thấp so với luatkhoa tạp chí;… Nhưng những khiếm khuyết nêu trên, mặc dù có thể cảm thông là do nhân sự đều ở Việt Nam (so với các trang tin bài khác là ở nước ngoài), thì đó vẫn là vấn đề cần đặt ra, nếu IJAVN muốn trở thành một tổ chức nghề nghiệp chuyên môn hóa cao hơn, và tính chuyên nghiệp nhiều hơn. Đưa Việt Nam Thời Báo trở thành một trang tin bài phản biện thực sự, khách quan thực sự, và thời sự thực sự. Đáp ứng tốt các tiêu chí về độ nhạy bén với thông tin trong và ngoài nước, và những bình luận súc tích nhưng đầy tính sắc sảo. Và bất chấp tất cả các tỷ lệ cược, báo chí độc lập hay IJAVN vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam và kết quả công việc của nó dần dần thấm vào phạm vi công cộng. Về cơ bản, những nỗ lực này đang đặt nền móng báo chí sinh động hơn, nhân bản hơn cho một nước Việt Nam trong tương lai. Mới đây, Hội Đồng Nhân quyền LHQ 41 đã ra tuyên bố chung của Anh, Hà Lan và Canada, nhắc lại cam kết của họ đối với quyền tự do ý kiến và bày tỏ. Trong lời tuyên bố, đại sứ của Anh tại Liên Hợp Quốc thay mặt ba quốc gia tuyên bố: quyền tự do ý kiến và bày tỏ vẫn là quyền thiết yếu để bảo vệ tất cả các quyền con người và góp phần vào sự thịnh vượng, ổn định và khả năng phục hồi của một xã hội. Chúng tôi vẫn cam kết làm việc với tất cả các thành viên của Hội Đồng để làm sáng tỏ vấn đề này và đảm bảo rằng các quốc gia có các công cụ họ cần để thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông. Tuyên bố này đã phần nào cũng chỉ ra sứ mệnh của IJAVN và vai trò của IJAVN trong bảo vệ quyền con người, sự thịnh vượng và khả năng phục hồi xã hội Việt Nam bị tổn thương bởi nền báo chí định hướng và cải hóa nhanh chóng. Đồng thời cũng nhắc nhở về một tổ chức báo chí nghề nghiệp cần được Hà Nội thừa nhận, như là một trong những ví dụ điển hình nhất về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do báo chí, như một sự tất yếu của dòng thác thông tin, và nhu cầu bức thiết về quyền tự do ngôn luận của người dân. An Viên -  Việt Nam Thời Báo  
......

Mục sư Mỹ – Việt vận động nhân quyền cho người thiểu số Việt Nam

Bạn Đọc Làm Báo – VOA| Đồng bào thiểu số ở Việt Nam tiếp tục bị tước đoạt quyền làm người. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn nhiều kể từ đầu 2019 đến nay. Đồng bào thiểu số bao gồm người Thượng (Montagnard), người Mông (H’mong), người Chàm và người Khmer-krom. Phần đông đồng bào thiểu số theo Đạo Tìn Lành Phúc Âm hay Công Giáo. Những mục sư, trợ tế và người theo đạo thường xuyên bị chính quyền CSVN sách nhiễu đàn áp. Nhà thờ thường hay bị bố ráp và phá hủy. Đứng trước thảm họa trên, trong tuần vừa qua, một phái đoàn gồm 20 mục sư Tin Lành Mỹ và Việt từ nhiều nơi ở Hoa Kỳ đã đến thủ đô Washington để vận động cho quyền con người của các sắc tộc thiểu số tại Việt Nam. Bốn mục sư Mỹ gồm các ông Ernie Sanders, Hal Larsen và John Donelan thuộc Word Baptist Church, Ohio và Donovan Larkins, Spirit of Life Christian Center, Dayton, Ohio. Phái đoàn đã viếng thăm văn phòng của một số nghị sĩ, dân biểu Hoa Kỳ, Ủy Hội Nhân Quyền Quốc Tế Tom Lantos, Ủy Hội Hoa Kỳ cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế và tổ chức Victims of Communism Foundation. Đồng bào thiểu số bị đàn áp một cách tàn bạo Mục Sư Y Hin Nie thuộc United Montagnard Christian Church, Greenboro, North Carolina đại diện cho khoảng một triệu tín đồ người Thượng, người Mông và Khmer-krom tại Việt Nam thuộc 54 bộ lạc, gồm các giáo phái Evangelical Christian Fellowship, Baptist, Presbyterian, Mennonite và Montagnard Catholic church. Ông nói rằng trên 50 mục sư và trên 400 người theo đạo ở Việt Nam bị bắt giữ. Hậu quả là khoảng từ một đến hai ngàn trẻ em thiếu cha và khoảng 1.000 bà vợ có chồng mất tích. Học sinh Thượng ra trường bị từ chối việc làm vì theo đạo Thiên Chúa. Mục Sư Y Hin Nie kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ giúp đỡ để Hà Nội chấm dứt tình trạng đàn áp các sắc dân thiểu số, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, trả lại tài sản cho các giáo hội, cho phép những nhà lãnh đạo tôn giáo được tham dự những khóa huấn luyện ở trong và ngoài nước, trả tự do cho tù nhân lương tâm, đặc biệt cho phép phái đoàn Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để điều tra và sau cùng là xếp Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia cần lưu tâm về tự do tôn giáo. Hiện nay có 498 người thiểu số đã chạy trốn qua Thái Lan. Trong số này có 145 người Thượng, 75 người Khmer-krom, 278 người Mông. Ngoài ra có khoảng 300 người Việt Nam. Họ trông mong được định cư ở nước thứ ba. Trong khi chờ đợi được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tị nạn, họ vẫn có thể bị bắt trở về Việt Nam. Theo một báo cáo của Hội Đồng Dân Tộc Bản Xứ tại Việt Nam Ngày Nay (Council of Indigenous Peoples in Today’s Vietnam), chính quyền CSVN theo rõi và kiểm soát chặt chẽ những cộng đồng dân bản xứ, cấm đoán những sinh hoạt văn hóa, cấm sử dụng ngôn ngữ và tên bản xứ và thường xuyên bắt bớ và giam cầm họ mà không có lý do. Vài năm trước đây, nhà sư Khmer-krom nổi tiếng Thạch Thương từng bị bắt giam và bị đánh đập chỉ vì ông dự định mở trường dậy tiếng Khmer cho tín đồ. Những người dân bản xứ còn bị ép ngừa thai, phá thai và tiêu diệt khả năng sinh đẻ. Chính quyền CSVN chủ ý gọi tất cả những người dân bản xứ là dân thiểu số, không công nhận họ thuộc sắc dân Thượng, Chàm hay Khmer-krom để không có nhiệm vụ bảo vệ họ theo Tuyên Ngôn về Dân Bản Xứ của Liên Hiệp Quốc. Chính quyền CSVN còn gây áp lực với chính quyền của những nước lân cận để buộc họ gửi trả về những người trốn ra khỏi Việt Nam để lãnh nạn. Theo báo cáo vào tháng 11, 2018 của Ủy Ban Chống Tra Tấn (Committee Against Torture), có 698 trường hợp người tị nạn bị ép trở về Việt Nam, vi phạm Quy Ước Tị Nạn Liên Hiệp Quốc. Khi về Việt Nam họ bị đối sử như những tội phạm. Những người dân bản xứ bị cấm không cho làm đơn xin học bổng Fulbright và những cơ hội giáo dục khác bất kể khả năng của họ. Một thiểu số đước cho phép ra nước ngoài phải chứng tỏ có quan hệ với Đảng CSVN hoặc phải làm tình báo cho nhà nước. Nghị Quyết H.Res 435 Hai dân biểu Hoa Kỳ Harley Rouda (Dân Chủ, California) và Ted Budd (Cộng Hòa, North Carolina) đã đệ trình Hạ Viện Hoa Kỳ nghị quyết H.Res 435 vào hai tuần trước. Nghị quyết này ghi nhận những đóng góp của người Thượng ở Tây Nguyên, hỗ trợ đồng minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam và tố cáo sự đàn áp nhân quyền của chính quyền Hà Nội. Mục Sư Nguyễn Công Chính và nhiều tổ chức sắc tộc thiểu số đã giúp soạn thảo nghị quyết 435. Ông đã kêu gọi các dân biểu Hoa Kỳ và Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ủng hộ để nghị quyết này được sớm thông qua Hạ Viện. Đồng thời ông cũng kêu gọi các dân biểu bảo lãnh một số tù nhân lương tâm thuộc sắc dân thiểu số và vận động cho họ được trả tư do và được định cư tại Hoa Kỳ. Cho tới nay chưa có một người dân thiểu số nào được hưởng đặc ân này. Trong khi đó không ít tù nhân lương tâm Việt Nam đã được bảo lãnh qua Mỹ. Mục Sư Chính đã trình bầy trường hợp toàn bộ một gia đình sắc tộc Jarai tại Daklak bị đàn áp tàn bạo. Cha bà Hra bị Công an tra tấn khiến mang bệnh tâm thần. Đất đai và tài sản của gia đình bị Cộng sản cưởng chiếm. Chồng bà Hra bị bắt giam ở đồn công an huyện Ea Hleo, tỉnh Daklak. Sau khi chồng bị bắt giam, người phụ nữ sắc tộc này bị năm nhân viên Công an cưỡng hiếp tập thể liên tục nhiều ngày và cuối cùng bà và hai con nhỏ phải chạy qua Thái Lan xin tỵ nạn vì lý do tự do tôn giáo. Trên đường chạy từ Việt nam sang Thái Lan bà và một phụ nữ sắc tộc khác và hai đứa trẻ nhỏ cùng trên đường chạy trốn lại tiếp tục bị hai người dẫn đường cưỡng hiếp. Số phận của gia đình Jarai thật đáng thương. Họ rất cần sự giúp đở. May mắn thay bà Hra và hai đứa con đã được văn phòng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cấp giấy chứng nhận là người tị nạn. Hội Đồng Các Sắc Tộc và Tôn Giáo Việt Nam đang vận dộng xin cho bà và hai con qua định cư tại Mỹ. Ông Tan Dara Thach, Chủ Tịch Hội Đồng Dân Tộc Bản Xứ tại Việt Nam Ngày Nay, cho biết, các vị mục sư Hoa Kỳ với những kinh nghiệm ngoại giao rộng rãi và quý báu đã giúp cho phái đoàn trong việc tiếp súc với chinh quyền và Quốc Hội Hoa Kỳ./.
......

Việt Nam cần một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của Trung cộng

Tàu cá  là dân quân biển TQ Vũ Cao Đàm - huynhngocchenh.blogspot.com Nhân kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (4/5/1919) 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sắp kỷ niệm 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ, trong đầu tôi chợt thoáng qua một ý nghĩ: “Thật nhục nhã, tập đoàn cộng sản Hoa Lục (sau đây gọi tắt là Trung Cộng) đang phản bội và bôi bẩn thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ, khi họ phát động cuộc chiến tranh lai chống các dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam”. Trong khoa học quân sự hiện đại, chiến tranh lai (hybrid war hoặc hybrid warfare) là một khái niệm rất mới. Chủ đề “Chiến tranh lai” được đề cập lần đầu tại cơ quan tham mưu của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ vào năm 2008. Đến 2011 Tổng Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ George W. Casey đưa ra cảnh báo về hiểm họa lai (hybrid threats) để nói về những nguy cơ phải đối mặt trước cuộc chiến tranh lai.[1] Hiểm họa lai được một nhà nghiên cứu khác, G. Giannopoulos, định nghĩa là “Một tập hợp hoạt động gây sức ép và gây biến đổi, một cách bình thường hoặc bất bình thường, thông qua các hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, các biện pháp phối hợp giữa các cơ quan chính phủ và phi chính phủ để đạt được các mục đích đặc biệt, nhưng luôn giữ dưới ngưỡng của một cuộc chiến tranh có tuyên bố”[2] Trong bài viết“Chiến tranh lai: Hiểm họa mới của hòa bình và an ninh toàn cầu trong thế kỷ 21” các tác giả Bachmann và Gunneriussion đã nêu những hiểm họa của chiến tranh lai và tác động của nó đến hòa bình và an ninh toàn cầu của thế kỷ 21.[3] Quan sát tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, cả ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và ngay cả những nước có nền kinh tế phát triển. Chúng ta có thể nhận ra những hoạt động chiến tranh lai được thực hiện bởi các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ, các công ty, nhà thầu và thương lái, chúng ta nhận ra, những cuộc chiến tranh lai trên thế giới đang được triển khai một cách phổ biến, với quy mô rất khác nhau, nhưng đều có sức phá hoại an ninh quốc gia một cách đa dạng và nặng nề. Chiến tranh lai (Hybrid war)[4] là một cuộc chiến tranh không tuyên bố, là thứ chiến tranh không dùng quân đội, súng ống, xe tăng, thiết giáp, chiến hạm và máy bay, càng không sử dụng tên lửa và bom đạn, mà sử dụng những biện pháp phi vũ trang để triệt phá toàn diện mục tiêu phát triển của đối phương, lũng đoạn cơ sở hạ tầng, phá hoại môi trường sống, làm biến dạng nền tảng đạo đức[5]. Chiến tranh lai khác chiến tranh lạnh ở chỗ, với chiến tranh lạnh, các bên đối địch ngấm ngầm chạy đua vũ trang, luôn gây căng thẳng và hăm dọa lẫn nhau, sử dụng các biện pháp cấm vận và phong tỏa lẫn nhau. Còn chiến tranh lai lại sử dụng những cách xử sự hòa hiếu để lừa đối phương mắc bẫy. Chiến tranh lai mà giặc Tàu đang sử dụng trên thế giới trước mắt và chủ yếu là những biện pháp mềm mỏng và linh hoạt, có thể là cho vay dài hạn để lũng đoạn kinh tế, có thể là mua chuộc những người có chức quyền để giành những ưu đãi, và biến họ thành những kẻ cam tâm bán rẻ quyền lợi Tổ Quốc; Những kẻ chủ trì chiến tranh lai cũng không quên mang lại lợi ích ngắn hạn cho một bộ phận dân chúng, để họ tiếp tay cho chúng thực hiện cuộc chiến tranh lai. 2. GIẶC TÀU THỰC HIỆN CHIẾN TRANH LAI THẾ NÀO? Chúng ta lấy ví dụ ngay trên đất nước Việt Nam chúng ta. Nói theo ngôn ngữ của chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh lai mà giặc Tàu đang thực hiện trên thế giới và ngay ở Việt nam thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân sâu rộng nhất. Trong cuộc chiến tranh lai, giặc Tàu huy động một cách triệt để sự tham gia của tất cả các tầng lớp dân cư trong xã hội của cả hai quốc gia, Việt Nam và Trung Cộng: từ anh xe ôm đến các chị buôn bán nhỏ, các thương lái, các nhà thầu, người cầm đầu các cơ quan chuyên môn, các nhà lãnh đạo, các chính khách, một số nhà khoa học, các nhà công nghệ và các sĩ quan trong lực lượng vũ trang. Sau đây là một vài ví dụ quen thuộc mà chúng ta thậm chí nghe đã nhàm tai, nhưng được phân tích từ giác độ chiến tranh lai. 1) Lừa Việt Nam vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả Biện pháp này nhằm làm tận diệt xói mòn các nguồn lực quốc gia. Trước hết, chúng ta lấy ví dụ một công trình cỡ lớn, là Bô-xít Tây Nguyên. Nông Đức Mạnh, 3 lần ký tuyên bố chung, một lần với Giang Trạch Dân, hai lần với Hồ Cẩm Đào, rước giặc Tàu trấn đóng Tây Nguyên dưới hình thức khai thác bô-xit. Sự kiện này đã gây những làn sóng phản đối rất mạnh, nhưng chủ yếu nêu những lý do về văn hóa, môi trường, quốc phòng, … có một số bài bàn về hiệu quả đầu tư, nhưng chưa bài nào bàn từ giác dộ chiến tranh lai. Báo Điện tử VnExpress ngày 18/3/2014 có bài cho biết hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ lỗ mỗi năm hàng trăm tỷ đồng. Các nguồn tin chính thức của Nhà nước dự kiến, nó sẽ lỗ trong khoảng 11 năm. Như vậy, trong 11 năm, chúng ta có thể hình dung tổng tiền lỗ phải lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Xem xét một công trình nhỏ hơn, là công trình Đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Công trình này cũng thuộc về giặc Tàu. Công trình được ký kết năm 2008, với tổng vốn đầu tư trên 500 triệu USD. Báo Tuổi trẻ ngày 18/6/2016 cho biết, đến thời điểm này, vốn đầu tư đã tăng trên 866 triệu USD, đến hôm nay có lẽ đã vượt trên con số ngàn tỷ USD. Trong khi đó, báo chí đưa tin, 90% các công trình công nghiệp đều rơi vào tay các nhà thầu của giặc Tàu. Vậy, chúng ta hãy hình dung, nền kinh tế Việt Nam chịu đựng một khoản lỗ bao nhiêu mỗi năm? Không cần thiết thu thập toàn bộ số liệu thống kê, nhưng với các nghiên cứu ngẫu nhiên ở bất cứ công trình nào có bàn tay giặc Tàu trên đất Việt nam, đều có thể nhận ra, giặc Tàu đang cuốn hút đất nước ta vào bẫy nợ và những khoản đầu tư kém hiệu quả đến mức có thể làm suy kiệt nền kinh tế. 2) Phá hoại kinh tế gia đình của nông dân nghèo Bên cạnh chủ trương tận diệt các nguồn lực cơ bản của nền đại công nghiệp, giặc Tàu cho thương lái len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm để phá hoại từng vườn cây, ao cá, từng khoảnh ruộng nhỏ nhoi với vài luống ngô của nông dân nghèo. Với chiêu thức này, chúng ta có thể liệt kê rất nhiều ví dụ Một dạo, giặc Tàu cho thương lái đi mua chè vàng. Hết giai đoạn chè vàng lại tiếp đến giai đoạn thu mua chè bẩn. “Chè vàng” là chè chặt thô, phơi héo vàng, được thương lái thu mua với giá cao. Còn “Chè bẩn” là loại chè đào bới lẫn đất, được xử lý còn cẩu thả hơn, nhưng cũng được thu mua với giá rất cao, xúi giục nông dân tự mình triệt phá những đồi chè rộng lớn để bán cho thương lái của giặc Tàu. Kết quả là các xí nghiệp chè không còn nguyên liệu chè để mua, các đồi chè bị triệt phá. Gia Lai: người dân đang đóng bao rễ cây rừng để bán cho các thương lái Trung quốc Đến mùa vải trổ quả, thì chúng ta lại thấy thương lái của giặc Tàu xuất hiện, chúng đi thu mua lá vải với giá cao ngất ngưởng, và nông dân cắt lá vải bán cho thương lái, và thế là cây vải mất nguồn dinh dưỡng hấp thụ từ lá. Kết quả là mất mùa vải vì không thể tiếp diễn quá trình sinh học cho việc đơm trái. Ở những vùng trồng ngô thì người ta thấy bọn giặc Tàu đến thu mua râu ngô non, cũng với giá cao ngất ngưởng. Và thế là nông dân nghèo thu hái những bắp ngô non để bán râu ngô, tự tay triệt phá vụ thu hoạch ngô sau đó. Không biết bao nhiêu câu chuyện cười ra nước mắt từ khắp các vùng đất nước, chúng ta đang chứng kiến những người nông dân đói nghèo tự mình tiếp tay cho những mưu đồ triệt phá nền kinh tế trang trại và kinh tế hộ đang mới bắt đầu nhen nhóm mong manh. 3) Triệt phá mọi nguồn lực của sản xuất Thương lái Trung Cộng đi thu mua dây đồng vụn, xúi giục các đồng tặc khắp cả nước cắt trộm dây đồng từ các đường dây cao áp, phá hoại nguồn cung cấp điện cho công nghiệp và dân dụng. Vẫn bọn chúng, thông qua các công ty Việt Nam, thu mua cáp quang đã qua sử dụng, xúi giục dân nghèo lặn xuống biển cắt cáp quang phá hoại mạng cáp liên lạc viễn thông, một đòn vô cùng hiểm độc đánh vào hệ thống liên lạc viễn thông của Việt Nam. Vẫn bọn chúng, thu mua rễ hồi, triệt phá một nguồn nguyên liệu cho công nghiệp dược liệu. Rồi vẫn bọn thương lái Trung Cộng đi khắp hang cùng ngõ hẻm ở miền Bắc để thu mua móng trâu, với giá một bộ móng cao hơn giá một con trâu, triệt phá sức kéo của nông dân nghèo. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt sau khi cắt móng. Hết thu mua móng trâu, bọn thương lái lại vào miền Nam thu mua đuôi trâu, cũng với giá một cái đuôi cao hơn giá một con trâu. Kết quả là trâu chết. Nông dân lại được bán thêm một con trâu thịt. Câu chuyện lại diễn ra hệt như khi chúng mua móng trâu. Kết quả là chúng phá hoại tan hoang sức kéo của nông dân nghèo. Chúng thâm nhập vựa lúa Nam Bộ thuê nông dân trồng khoai trên diện rộng để nông dân phá lúa trồng khoai với sự cổ súy trên công luận của một vị giáo sư, hiệu trưởng đại học và đại biểu Quốc hội. Rồi chúng tính toán để ngày giao sản phẩm chậm hơn so với ngày nước nổi, để khoai bị hà (sùng) vì ngập nước không thể bán được với giá cả đã thỏa thuận trong hợp đồng. Với chiêu này, chúng đã làm được ba việc: Một là, làm phá sản các hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam; Hai là, biến vựa lúa Nam Bộ thành một vùng đất đói nghèo; Ba là, biến nông dân Việt Nam thành kẻ đồng phạm với chúng phá hoại kinh tế Việt Nam. Còn ở Đồng bằng Bắc bộ, bọn thương lái Trung Cộng bầy trò thu mua cây si (một loại cây cảnh) với giá hàng chục triệu đồng một cây. Đầu tiên người ta không hiểu, sau mới vỡ lẽ là chúng làm một công việc phá hoại sản xuất rất tinh vi, là phân tán nhân lực, đất vườn mầu mỡ để trồng cây si, đợi ngày bán cho giặc Tàu với giá hời. Nhưng chờ mỏi mắt chúng cũng không trở lại. Kết quả là nông dân nghèo bỏ những mảnh vườn màu mỡ vốn trồng cây có ích để chăm những vườn cây cảnh vô tích sự, tính đến nay có lẽ đã đến vài thập niên. 4) Tàn phá môi trường và mở rộng chiến tranh sinh học Thương lái Trung Cộng đi thu mua ốc bươu vàng với giá cao để nông dân ra sức nuôi ốc bươu vàng. Sau đó chúng ngừng không mua nữa, ốc bươu vàng lan khắp đồng ruộng, ăn hại lúa tệ hơn sâu cắn lúa. Cũng như vậy, chúng đi thu mua mèo để chuột phát triển, rồi lại bán thuốc diệt chuột, nhưng thực chất là thuốc kích dục chuột để phát triển đàn chuột phá hoại cân bằng sinh thái. Vẫn chiêu thức mua bán như đối với các mặt hàng trên, chúng thu mua rắn và bán giống rắn để nông dân nuôi rắn tràn lan. Và rồi chúng dừng không mua nữa, dân thả rắn khắp các cánh đồng, làng xóm làm rối loạn xã hội. Thương lái Trung Quốc từng đi mua đỉa, khiến nông dân đua nhau nuôi đỉa để bán cho TQ Thu mua rễ sim cũng lại là một chiêu thức tinh vi, chúng cuốn hút nông dân phá trụi đồi sim để đào rễ, biến những vùng đồi phủ xanh thành đồi trọc. Các cuộc chiến tranh sinh học xuất hiện từ thời Đế quốc La Mã, nhưng bọn Trung Cộng đã phát triển chiến tranh một cách đa dạng hơn. Bán sữa cho trẻ em với những chất độc hại đến quá trình phát triển của trẻ. Bán thuốc tăng trọng lợn, thuốc nuôi lợn siêu nạc, đều là thịt lợn nhiễm những hóa chất độc hại gây ảnh hưởng dài hạn đến sức khỏe con người. Bán thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, nhưng chứa đựng những hóa chất độc hại. Thải chất độc vào môi trường, dẫn đến chết cá trên diện rộng, rồi chúng lại cho người đi thu mua cá chết để làm nước mắm. Những người am hiểu đều thừa biết chúng sẽ tạo ra nguồn thức ăn để đầu độc lâu dài cả một dân tộc. 5) Tạo ra tình trạng bất ổn định xã hội Một thời thương lái giặc Tàu đi thu mua gỗ sưa với giá cao ngất ngưởng. Dân tình không hiểu gỗ sưa dùng làm gì. Chúng tung dư luận, mua gỗ sưa để làm đồ thờ, vì gỗ này là gỗ mang đặc trưng tâm linh; rồi lại có dư luận đây là loại gỗ ướp xác vĩnh cửu. Câu chuyện này thậm chí lôi kéo cả một số nhà khoa học cũng đặt vấn đề nghiên cứu giá trị của gỗ sưa. Rồi xuất hiện sưa tặc tràn lan, gây rối loạn xã hội, buộc các cơ quan hữu quan phải nghĩ biện pháp và tăng cường lực lượng bảo vệ cây sưa, phát triển lực lượng đảm bảo trật tự trị an chống bọn sưa tặc. Chưa hết, một số vùng, dân chúng đua nhau trồng sưa, lùng sục đi mua giống cây sưa. Họ tìm được nguồn giống cây sưa ở bên Trung Quốc giáp với tỉnh Quảng Ninh. Thế là dân Quảng Ninh đua nhau sang bên kia biên giới mua giống sưa về trồng, đầu tiên giá 5.000-7.000 đồng một cây, sau lên đến 15.000, rồi 70.000 một cây sưa, nhiều hộ còn phá cả vườn trồng vải để trồng sưa. Cuối cùng đến nay cũng không ai hiểu cây sưa được sử dụng làm gì, mà cả xã hội nháo nhào vì cây sưa, từ bọn lưu manh trộm cắp đến nhà khoa học. Và bỗng dưng, đến nay các thương lái mua sưa cũng mất tích luôn. Nhưng thu mua sưa trước hết chỉ diễn ra trên những vùng đất xa xôi, mãi sau mới tràn vào Hà Nội. Gần đây, ngay giữa thủ đô Hà Nội rộ lên cơn sốt dịch thương lái Trung Cộng “Mua đồ gỗ sà cừ”. Thế là một chủ trương được chính các cơ quan công quyền chỉ đạo: Chặt gỗ xà cừ của thành phố. Một chủ trương thay cây của Hà Nội, với đủ các lý lẽ, nào là cây chắn đường của đi bộ, nào là cây cổ thụ không còn sức chống đỡ với giông bão, nào là cần phạt quang đường không để vướng bận đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Ơ hay, tôi đến Sydney, thấy đường sắt trên cao len lỏi giữa những đường phố trung tâm đâu có cần đập phá những nhà cao tầng) 6) Làm biến dạng các nền tảng đạo đức Bán chất kích thích sinh trưởng, bón thuốc sâu để đẹp mã rau quả, biến người nông dân vì vụ lợi mà bất chấp mọi nền tảng đạo đức, đầu độc chính con cháu mình đang sống ở các thành phố. Ma túy, biến những thanh niên khỏe mạnh thành những kẻ nghiện ngập, sống vật vờ và ham gây tội ác. Buôn bán phụ nữ qua biên giới, biến một bộ phận lao động thành một đạo quân dịch vụ tình dục cho ngoại bang, không chỉ sang Trung Cộng, mà đi nhiều nước khác. 7) Hán hóa lâu dài dân tộc Việt Công nhân, kỹ thuật viên, thương nhân Trung Cộng đã tìm cách có con trong hoặc ngoài hôn nhân với phụ nữ Việt. Không ai thống kê được con số đó hiện nay là bao nhiêu, nhưng mọi người đều nhìn rõ dã tâm của giặc Tàu trong âm mưu Hán hóa dân tộc Việt. Những đứa con lai ấy đều mang quốc tịch Trung Cộng. Có thể chúng đang nuôi hy vọng một ngày nào đó sẽ có cuộc trưng cầu dân ý về một vùng đất nào đó thuộc Trung Cộng hay Việt Nam, giống như cuộc trưng cầu dân ý về vùng đất Crimea của Ukrain trong mưu đồ sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga. Để cổ súy cho chủ trương Hán hóa của giặc Tàu, một số nhà báo (không biết có phải được giặc Tàu thuê mướn?) viết bài ca ngợi những gia đình Hoa-Việt hạnh phúc, phải chăng là để phụ họa cho con đường Hán hóa dân tộc Việt trên đất nước này. 8) Gây chia rẽ trong cộng đồng Việt Đúng như Tướng Phùng Quang Thanh nhận định, dân chúng đã căm ghét giặc Tàu đến cực độ, một xu thế không thể đảo ngược, trong khi chính quyền cố thể hiện thái độ nhu nhược trước quân xâm lược. Những đoàn cán bộ cao cấp được cử sang xứ Trung Cộng học tập theo thỏa thuận giữa các nhà lãnh đạo, được nghe một bài giảng về cái gọi là “cộng đồng chung vận mệnh” về “ý thức hệ”. Chúng giương cao cái gọi là “ngọn cờ quốc tế” đã rách nát, để vừa ru ngủ, vừa hăm dọa những kẻ yếu bóng vía, lo ngại sự sụp đổ hệ thống chính trị độc tài toàn trị đầy béo bở, lôi kéo họ về phía Trung Cộng. Giặc Tàu đã sử dụng một cách vô cùng gian xảo cái bẫy ý thức hệ để tạo thế đối kháng trong nội bộ cộng đồng các dân tộc Việt Nam, giữa những người mang tâm thức chung vận mệnh ý thức hệ với giặc Tàu xâm lược và những người còn mang tâm nguyện hướng về CỐ QUỐC của cha ông. Để bảo vệ ý thức hệ, đã có những lực lượng được tung ra để đàn áp dân chúng khi họ thể hiện thái độ chống giặc Tàu xâm lược. Tất cả những động thái này làm cho dân chúng ngày càng mang tâm thức đối lập với chính quyền. Cái bẫy ý thức hệ cực kỳ nguy hiểm. Nó làm mờ mắt một số người, không phân biệt bạn thù. Tôi nhớ rất rõ trong một buổi báo cáo thời sự năm 1974 tại diễn đàn lớn của một cơ quan trung ương giữa Hà Nội, chính tôi được nghe diễn giả, là ông HT, một vị ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn khi đó đã báo “tin mừng” (nguyên văn lời ông), là “Các đồng chí Trung Quốc” đã giúp chúng ta “lấy lại” Hoàng Sa từ tay “quân địch”. Gần đây hơn, một vị quan chức lớn của Bộ Ngoại giao giải thích giữa diễn đàn một trường đại học lớn về hành vi hải tặc của giặc Tàu trên Biển Đông, là “yêu con cho đòn cho vọt”. 9) Kéo kinh tế Việt Nam suy sụp và ngày càng lệ thuộc Trung Cộng Có thể nói, đối tượng của chiến tranh lai nhằm vào từ kinh tế hộ nhỏ nhoi của các gia đình đến nền đại công nghiệp của quốc gia, từ người buôn bán nhỏ ngoài chợ đến kinh tế ngoại thương. Một thời trên mạng đưa tin, thương lái Tàu thu mua tôm xuất khẩu của Việt Nam với giá cao, rồi ngâm tẩm kháng sinh để tái xuất sang Việt Nam với giá hời để Việt Nam xuất khẩu qua thị trường Hoa Kỳ, một dạo đã làm mất tín nhiệm mặt hàng tôm xuất khẩu của Việt Nam. Hàng loạt hợp đồng xuất khẩu nông phẩm với số lượng lớn qua Hoa Lục bỗng dưng bị ùn tắc ở các cửa khẩu biên giới làm phá sản hàng loạt đơn vị kinh doanh có quan hệ buôn bán với giặc Tàu. Theo những số liệu tin cậy, nhập siêu từ Trung Cộng năm 2015 là 32,3 tỉ USD, tăng 12,5% so với 2014. Nếu tính cả con số nhập lậu là 20 tỷ USD, thì tổng giá trị nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 52 tỷ USD năm 2015. Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc quá nhiều vào giặc Tàu. Các nhà thầu của Trung Cộng nắm tới hơn 90% các gói thầu EPC (Engineering, Procurement and Construction) chiếm 77/106 các dự án lớn thuộc các ngành trọng điểm. Việt Nam phải nhập hơn 60% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. 10) Tạo thế bao vây chuẩn bị cho cuộc chiến tranh tổng lực Bên cạnh thủ đoạn chiến tranh lai, giặc Tàu ráo riết chuẩn bị cho cuộc chiến tranh nóng. Điều này không phải chúng ta vu oan cho chúng. Các cuộc chiến tranh xâm lược đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, đại quân tấn công các tỉnh biên giới năm 1979, đánh chiếm Trường Sa năm 1988 và những thủ đoạn lấn cột mốc biên giới diễn ra thường xuyên không thể biện minh cho giọng lưỡi “16 chữ vàng 4 tốt”, là thứ chỉ đủ sức lừa mị một số người nhẹ dạ. Với kinh nghiệm thu được từ các cuộc chiến tranh xâm lược, giặc Tàu đang dùng chiêu bài hợp tác kinh tế, và mua chuộc một số lãnh đạo chính quyền các cấp và các địa phương, để tạo thế bao vây ngày càng siết chặt: Thuê dài hạn 300 ngàn hecta rừng đầu nguồn (tương đương diện tích tỉnh Thái Nguyên), ngày càng mở rộng vòng vây xung quanh biên giới Việt Nam Cảng nước sâu Vũng Áng, tầu ngầm có thể ra vào bất cứ lúc nào, nối liền các căn cứ quân sự quanh đảo Hải Nam với Việt Nam. Các khu công nghiệp ngày càng phụ thuộc Trung Cộng với công nghệ lạc hậu, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và hoạt động kém hiệu quả, bù lỗ triền miên, như kiểu Bô-xít Tây Nguyên và Đường sắt Cát Linh Hà Đông. Các khu du lịch của các công ty của Trung Cộng hoặc có nguồn gốc từ Trung Cộng đang hình thành từ khắp mọi miền đất nước. Hàng loạt cơ sở và vùng đất của giặc Tàu ngang nhiên treo biển hiệu bằng tiếng Tàu, vé tầu Cát Linh –Hà Đông cũng bằng tiếng Tàu, thậm chí nhiều nơi còn cấm người Việt qua lại. Phải chăng, các cơ sở này đang cùng với hàng loạt cơ sở khác hợp thành những vùng đất tô giới của giặc Tàu trên khắp đất nước ta. Hàng loạt đường cao tốc mà giặc Tàu thắng thầu đang nối liền biên giới Trung Cộng với Hà Nội đi suốt chiều dài đất nước, đợi khi giặc Tàu mở cuộc chiến tranh tổng lực, thì chỉ sau vài tiếng là đại quân xâm lược của giặc Tàu có thể tiến thẳng vào Hà Nội và kiểm soát suốt chiều dài đất nước. Các cơ sở công nghiệp, du lịch mà giặc Tàu đã cắm chốt, với hàng ngàn công nhân, rất có thể là những đơn vị quân đội trá hình sẵn sàng tham chiến khi chúng gây ra sự biến trên đất nước ta. 3. VỀ CHIẾN LƯỢC ỨNG PHÓ VỚI CHIẾN TRANH LAI Bây giờ chưa phải đã quá muộn khi đề ra một chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu xâm lược. Ứng phó với chiến tranh lai là một vấn đề vô cùng nan giải, vì Giặc Tàu đã sử dụng một cách rất gian xảo một chiến thuật dùng người Việt để đánh người Việt. Vì những kẻ tiếp tay cho giặc Tàu trong chiến tranh lai để hủy diệt người Việt cũng chính là người Việt. Chúng ta hãy bình tâm suy xét. Để hoạch định chiến lược ứng phó với cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu, chúng ta cần làm rõ, ai là kẻ tiếp tay cho giặc Tàu trong cuộc chiến tranh lai và ai sẽ phải đối mặt với giặc Tàu để chống lại cuộc chiến tranh lai? Vấn đề thứ nhất: Ai tiếp tay giặc Tàu trong chiến tranh lai? Như đã phân tích, chiến tranh lai thực chất là một cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp của giặc Tàu, đang sử dụng chính người Việt để hại người Việt, và đang diễn ra trên chính đất nước của người Việt nhằm chống lại chính người Việt. Giặc Tàu đã huy động một cách đa dạng không chỉ dân nước HỌ và cả chính dân Việt Nam vào cuộc chiến tranh này. Dân nghèo Việt Nam và dân nghèo Trung Cộng chuyển hàng lậu qua biên giới, tiếp tay cho bọn thương lái Trung Cộng. Thương lái Việt nam tiếp tay cho thương lái Trung Cộng đi thu mua đủ các mặt hàng nhằm tận diệt mọi nguồn sinh lực của Việt Nam. Cũng chính thương lái Việt Nam đang tiếp tay cho thương lái Trung Cộng phát tán các chất độc hại đến tận các bản làng hẻo lánh để làm suy yếu sức sống của dân tộc Việt. Các nhà đầu tư Trung Cộng cũng được các nhà đầu tư Việt Nam tiếp tay để lũng đoạn đến tận gốc rễ nền kinh tế Việt Nam. Một bộ phận quan chức chính quyền các cấp của Việt Nam là những người tiếp tay mạnh nhất, vì không có họ thì giặc Tàu không thể thuê đất, thuê rừng, không thể có tay trong giúp họ thắng thầu tới 90% các dự án đầu tư. Vấn đề thứ hai: Ai chống lại chiến tranh lai của giặc Tàu? Cũng chính những tầng lớp dân cư ấy: Dân nghèo Việt Nam; thương lái Việt Nam; các nhà đầu tư; lãnh đạo và nhân viên chính quyền và các cấp. Không có họ thì cuộc chiến chống cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu là bất khả thực thi. Có thể nói, không ai khác, mà chính dân tộc chúng ta phải tỉnh ngộ để chống lại cuộc tự sát tập thể này. Trong cuộc chiến tranh lần này, chúng ta không hy vọng sự tham gia của các sắc dân Trung Cộng, như kiểu vận động dân chúng chính quốc để có những thanh niên, như Raymonde Dien và Henri Martin nhiệt thành ủng hộ Việt Nam như thời chiến tranh chống Pháp. Chúng ta không đánh giá thấp ý thức giác ngộ của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người đã làm nên Phong trào Ngũ Tứ ngày 4 tháng 5 năm 1919, với 3000 sinh viên Bắc Kinh xuống đường, lôi kéo hàng chục vạn người tại 22 tỉnh và 150 thành phố nhằm phản đối Hiệp ước Versaille, trong đó có điều khoản bàn giao đất đai Trung Hoa giữa các đế quốc, đòi đất đai Trung Hoa phải thuộc chủ quyền của người Trung Hoa. Nhưng chúng ta đang thấy một thực trạng về nhà nước Trung Cộng đương đại, là một nhà nước độc tài toàn trị, đã phản bội mục đích của Phong trào Ngũ Tứ, nhưng có tài lừa bịp và đàn áp dân chúng, để dân chúng hùa theo tội ác của họ trước nhân loại. Đã đến lúc, không thể chậm trễ hơn được nữa, các cơ quan hữu quan của Việt Nam cần quan tâm đến cuộc chiến tranh lai mà giặc Tàu đang thực hiện trên đất Việt Nam. Vấn đề thứ ba: Một cơ may lịch sử cho Việt Nam? Phải chăng là một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng, và mới đây, ông tuyên bố chưa hề có ý định ngưng chiến. Chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động trước đối thủ Trung Cộng thực chất cũng là một cuộc chiến tranh lai mà Mỹ đang áp đặt lên nhà nước Trung Cộng. Cuộc thương chiến mà Mỹ đang phát động đang là sức ép, làm cho kinh tế của Trung Cộng lao đao. Trong tương quan thế giới hiện nay, có lẽ chỉ có Mỹ mới là đối thủ có đủ sức đối trọng để chống lại các cuộc chiến tranh lai mà Trung Cộng đang sử dụng để tung hoành ngang dọc trên thế giới. Vấn đề cuối cùng: Chiến lược ứng phó thế nào với chiến tranh lai? Thứ nhất, đây cũng là một cuộc chiến tranh nhân dân, mọi tầng lớp nhân dân cần được huy động cho cuộc chiến chống lại chiến tranh lai của giặc Tàu. Thứ hai, trong cuộc chiến này, chiến lược ứng phó không thể thực hiện chỉ bằng những lời kêu gọi lòng yêu nước thương nòi, mà phải bằng các chính sách, chính sách trong tất cả các lĩnh vực mà cuộc chiến tranh lai đang lấn tới. Thứ ba, trong cuộc chiến tranh nhân dân kỳ này, từ các cấp lãnh đạo đến mọi tầng lớp dân chúng phải có sự đồng lòng, trước hết là chống lại các thủ đoạn chia rẽ của giặc Tàu, đoàn kết mọi tầng lớp dân chúng, đoàn kết quốc tế vì mục đích chống chiến tranh lai, từ kinh tế, văn hóa đến các chiêu trò mị dân “cộng đồng chung vận mệnh” và Hán hóa dân tộc Việt Nam. 4. VÀI LỜI KẾT THÚC Từ các phân tích trên đây, tôi xin tạm nêu mấy lời kết thúc: 1) Giặc Tàu đang thực hiện ráo riết cuộc chiến tranh lai với Việt Nam và với thế giới, đang bôi nhọ thanh danh của Phong trào Ngũ Tứ chống lại Hiệp ước Versaille với điều khoản vi phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. 2) So với tất cả các vương triều Hán tặc đã đô hộ Việt Nam, từ Hán, Ngô, Tùy, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, đến Trung Cộng, thì Trung Cộng là một triều đại có những thủ đoạn bẩn thỉu nhất, đê tiện nhất đối với dân tộc Việt Nam. Chúng ta không thể để giọng điệu “cộng đồng chung vận mệnh” lừa mị, che lấp tội ác của giặc và chia rẽ dân tộc chúng ta. 3) Một thực tế ngày càng lộ rõ: Dân tộc Việt Nam đang tự sát tập thể trước cuộc chiến tranh lai của giặc Tàu. Nhưng không ai khác, chính dân tộc Việt Nam phải được thức tỉnh để thoát khỏi cuộc tự sát tập thể này. 4) Một cơ may lịch sử cho Việt Nam khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh thương mại với giặc Tàu. Nó đang làm Trung Cộng suy yếu, và là cơ hội để Việt Nam có thêm sức mạnh chống chiến tranh lai của giặc Tàu. 5) Tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều chiến hữu đang đương quyền. Bên cạnh những kẻ biến chất tôi không muốn nhìn mặt, tôi nhận ra vẫn còn rất nhiều người giữ được lương tâm trong sáng, căm ghét giặc Tàu, có tâm nguyện với dân tộc. Tôi rất tin họ sẽ giang tay bảo vệ đất nước này. 6) Chiến lược ứng phó với giặc Tàu cũng trên tư tưởng chiến tranh nhân dân. Nhà nước cần công bố chính sách huy động nỗ lực của toàn dân để chống lại cuộc chiến tranh lai lần này trên mọi lĩnh vực, mọi ngành hạt động, từ kinh tế, thương mại, văn hóa, y tế, khoa học, giáo dục, v.v… 7) Bây giờ đang là thời điểm hành động rồi. Không chậm trễ hơn được. Lịch sử đang phán xét chúng ta. 8) Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn mong đợi sự thức tỉnh của những người con của Phong trào Ngũ Tứ, những người con của dân tộc Trung Hoa vĩ đại, những người con đã đổ máu trên Quảng trường Thiên An Môn dưới bánh xích xe tăng cộng sản năm 1989… Các bạn hãy cùng đứng về phía người anh em Việt Nam chống lại tập đoàn cộng sản Hoa Lục đang xâm lược giày xéo đất nước Việt Nam, đang gieo rắc đủ thứ tai ương mang tính hủy diệt trên đầu dân tộc Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên thế giới này. Hà Nội, 100 năm ngày Phong trào Ngũ Tứ (1919-2019) Vũ Cao Đàm  
......

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Chuyện Hà Thị Cầu & Trần Đức Thảo

Tưởng Năng Tiến|.   “Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!” Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì . Thích Trí Quang là tác giả của câu nói vừa ghi. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hoè ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, cha nội? Mà chả chỉ riêng hoa, ở nước ta, cái (mẹ) gì mà không thiếu nên mọi thứ vẫn thường phải phân phối theo tiêu chuẩn – ngoại trừ huân chương, huy hiệu, bằng khen, giấy thưởng ... thì mới thừa thôi. Bởi vậy, tôi xin được có ý kiến (hơi) khác với  Thích Trí Quang chút xíu: “Cộng sản nó chôn sống mình hôm nay, mai nó mang huân chương hay giải thưởng đến để ... làm lễ truy tặng!” Ông Trần Đức Thảo là một nạn nhân điển hình cho cái cách chôn sống (rất) bất nhân như thế – theo như lời của một bà cụ bán nước trà ở đầu khu tập thể Kim Liên, nơi mà triết gia của chúng ta cư ngụ cho đến gần lúc cuối đời: Trong khu nhà B6 đằng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi nhếch nhác quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp Pơ-giô con vịt mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc! Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, một anh dở người…” “Một buổi trưa nắng chang chang, ông ghé vào quán uống cốc nước chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế.. ế.. ế. Ông nói: Lên chợ Hàng Bè mua củi đun. Tôi hỏi: Thế củi ông để đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái pooc ba ga, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn có sợi dây buộc! Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần ấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… [Phùng Quán – “Chuyện Vui Về Triết Gia Trần Đức Thảo.” Ba Phút Sự Thực, 2nd ed. Nhà Xuất Bản Văn Nghệ Sài Gòn: 2007). Nếu bạn thấy những lời lẽ (thượng dẫn) của một bà cụ bán nước trà vô danh chưa đủ trọng lượng thì xin nghe thêm đôi câu nữa, của một chứng nhân thế giá hơn – luật sư Trương Như Tảng: Ông không bị tù hay hành hạ thân xác, nhưng công an bao vây, cô lập ông không cho ai tiếp xúc…Nếu ông Thảo tiếp xúc với ai, chẳng hạn một người bạn trên đường phố, thì người đó sẽ bị bắt giữ để điều tra. Bề ngoài xem ra triết gia sống cuộc đời bình thường. Nhưng thực tế ông sống như Robinson Crusoe, hoàn toàn cô độc, mặc dầu có nhiều người ở xung quanh. Ngay họ hàng thân thích cũng không được phép nói chuyện với ông. Đối với một trí thức như vậy là một sự tra tấn dã man. Ngó bộ ông Trương Như Tảng có vẻ hơi quá lời chút xíu, chứ nếu Trần Đức Thảo bị “tra tấn dã man” thì làm sao triết gia của chúng ta sống sót cho mãi đến năm 1991 – năm mà ông được nhà nước tha (tào) và cho trở lại Paris, theo như tường thuật của tác giả Minh Diện: Bảy mươi tuổi Trần Đức Thảo mới quay về chốn xưa. Tiếc thay thời huy hoàng của ông đã qua lâu rồi. Rất ít người còn nhớ tới ông. Suốt 40 năm ông cô đơn bên trời Nam,giờ lại cô đơn bên trời Tây. Khi người ta đã bỏ lỡ cơ hội thì khó mà tìm lại được. Quay lại Pari, Trần Đức Thảo sống tạm bợ trong căn phòng xép trên tầng 5, nhà khách của Đại sứ quán Việt Nam. Nhà báo Nguyễn Đức Hiền tả lại cảnh sống của ông như sau: “Một ông già ở độ tuổi cổ lai hy, khoác chiếc áo cũ màu tím dài chấm gót, bưng bê lỉnh kỉnh mọi thứ xoong chảo, chai lọ leo lên, leo xuống hàng trăm bậc thang tự lo lấy bữa ăn cho mình. Ông già ấy cứ hành trình chừng mười bậc thì dừng lại, tựa người vào hành lang đứng nhắm mắt, há miệng thở như thổi bễ”. Một chiều mùa Hè năm 1993, ông già ấy gục xuống tại bậc cầu thang, không bao giờ gượng đứng dậy được nữa.... Năm 2.000, ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học xã hội. Thiệt là ... có hậu! Ít nhất thì những ngày tháng cuối đời “của ông già ấy” cũng (có vẻ) đỡ đoản hậu hơn cuộc sống lê lết của ... một bà già khác, cùng thời, bà Hà Thị Cầu. Nhân vật này tuy có kém danh giá hơn ông Thảo (chút đỉnh) nhưng cũng nổi tiếng như cồn, ít ra là ở phạm vi quốc nội. Trên báo Bắc Giang, phát hành vào ngày 1 tháng 4 năm 2009, một nhà văn Việt Nam đã viết những dòng chữ chí tình như sau về người nghệ sĩ này: Với bà, tên tuổi, sự nghiệp tôi đã đọc quá nhiều trên báo chí, một nghệ nhân lớn, một người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ, một tài sản dân gian quý báu, một nghệ sĩ nổi tiếng không chỉ trong nước mà ở thế giới... Và tôi choáng váng vì không thể ngờ, một nghệ sĩ tên tuổi như vậy, báo chí ngợi ca như vậy, các cấp quản lý thay nhau tôn vinh như vậy lại đang có cuộc sống khó khăn đến không tin được. Ngôi nhà bà Hà Thị Cầu bé tí nằm cận kề trụ sở UBND xã Yên Phong. Ngôi nhà bé thế lại còn chia làm hai, một nửa cho bà Cầu ở, nửa còn lại là nhà thờ họ. Phần ở của bà lại chia đôi, phía ngoài đủ đặt cái giường đôi, bộ bàn ghế uống nước, phía trong là nơi bà ngủ, diện tích cũng chỉ nhỉnh hơn cái giường một chút xíu. BBC, nghe được vào hôm 3 tháng 3 năm 2013, lặng lẽ và buồn bã đi tin:”Nghệ nhân được coi là linh hồn của hát xẩm Việt Nam với gần 80 năm tuổi nghề, bà Hà Thị Cầu, đã qua đời tại Yên Mô, Ninh Bình...” Hung tin này đã khiến cho Nguyễn Quang Vinh đùng đùng nổi giận: Một nghệ nhân tài hoa như thế, cống hiến cho đất nước như thế, được coi là”báu vật nhân văn” của quốc gia như thế, đã từng đào tạo, truyền nghề cho biết bao nghệ sĩ, đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn với nước ngoài… Nhưng suốt đời nghèo đói, suốt đời khổ sở, túng thiếu như kẻ ăn mày. Báo chí lên tiếng, dư luận lên tiếng, những nghệ sĩ tâm huyết thay bà gõ cửa khắp nơi nhưng mặc nhiên không ai đoái hoài, và bà- nghệ nhân Hà Thị Cầu, cho tới lúc nhắm mắt, vẫn trong nghèo đói... Leo lẻo ca ngợi, leo lẻo thuyết giảng, leo lẻo leo lẻo…ở mọi cấp để rồi bỏ rơi một nghệ nhân lớn, cay đắng hơn, còn lợi dụng tài năng, tên tuổi của bà để trục lợi cả tiền, danh tiếng, uy tín của cá nhân mình. Thôi nhé, bà mất rồi, im cả đi, đừng lại ngoạc mồm” bà mất đi là địa phương mất đi một tài năng, đất nước mất đi một nghệ nhân lớn….vô cùng đau xót”. Câm đi... Tôi e rằng nhà văn của chúng ta không hiểu biết về đường lối, cũng như chính sách, của Đảng và Nhà Nước (rõ ràng và rành mạch) như nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Hải. Trong bản tin của BBC (thượng dẫn) ông Hải khẳng định: Cũng giống như ca trù, hát xẩm đã bị mất đi trong 50 năm vì chính quyền không coi trọng những tài tử dân gian ... hát xẩm bị coi là “hạ cấp” và chính quyền không muốn thấy những người hát xẩm lang thang ngoài đường. hat_xam_ha_thi_cau_ngoi_truoc_nha Nói cách khác là bà Hà Thị Cầu đã bị “chính quyền” chôn sống từ lâu nhưng mãi đến tháng ba năm nay mới (chịu) trút hơi thở cuối cùng. Ngay sau đó, báo Thể Thao Văn Hoá (số ra ngày 06 tháng 3 năm 2013) đã có ... tin vui: Tới dự đám tang nghệ nhân Hà Thị Cầu, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL – chia sẻ tâm nguyện cần đề nghị truy tặng cho bà danh hiệu NSND... Thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ xúc tiến thực hiện việc này. Thiệt là tử tế hết sức! Theo Wikipedia: Năm 1977 bà Hà Thị Cầu là tác giả của bài Theo Đảng Trọn Đời. Tôi sợ rằng vì mù chữ, không đọc được Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, nên (có lẽ) mãi cho đến khi nhắm mắt người được coi là “báu vật nhân văn sống của Việt Nam” vẫn không biết rằng toàn Đảng không ai thiết tha hay mặn mà gì lắm với tình cảm (thắm thiết) mà bà đã dành cho chúng nó. Những người “hát sẩm bị coi là hạ cấp,” đã đành, thế còn triết gia thì sao? Giới người này ở bên nước bạn, cũng như ở nước ta, cả hai Đảng đều coi họ không bằng... cục cứt! Và nói nào ngay, đối với Đảng thì giới người nào cũng vậy – bất kể là nông dân, công nhân, thương nhân, hay trí thức. Tất cả đều chỉ là phương tiện, được xử dụng tùy theo lúc mà thôi. Sau đó đều bị mang chôn sống ráo. Nhà nước đợi cho đến khi họ tắt thở sẽ mang bằng khen hay giải thưởng đến làm lễ truy tặng. Những cái lễ này, cũng tựa như những tấm giẻ lau, dùng để lau sạch máu hay nước mắt (hoặc cả hai) cho nạn nhân của chế độ hiện hành.  
......

Luật Sư Trần Vũ Hải ‘nghỉ ngơi, đọc sách’ sau khi bị khởi tố tội ‘trốn thuế’

Một ngày sau vụ bất ngờ bị khởi tố tội “trốn thuế”, chiều 3 Tháng Bảy, không ngoài dự đoán, Luật Sư Trần Vũ Hải thông báo trên trang cá nhân về “quyết định tạm nghỉ ngơi”. Ông Hải viết: “Mấy năm gần đây, với tư cách một luật sư cũng như một nhà hoạt động, tôi rất bận rộn và có những tuần phải đi lại gần mười chuyến máy bay khắp đất nước. Những vụ việc mà tôi tham gia rất phức tạp, khó khăn và đầy áp lực, dù là giúp dân oan Văn Giang, Thủ Thiêm, Đồng Tâm, nhóm cựu giáo viên Hải Phòng… và gần đây nhất là Vườn Rau Lộc Hưng hay giúp cho những doanh nghiệp vượt qua những tranh chấp, khủng hoảng. Hàng tuần, tôi còn có hàng chục bài viết trên Facebook liên quan đến các vấn đề pháp lý, xã hội. Tất cả những việc đó đã ngốn nhiều sức khỏe của tôi, và thậm chí đối mặt với những rủi ro không lường trước.” “Thể theo nguyện vọng của tôi và gia đình, tôi sẽ tạm nghỉ ngơi trong một thời gian. Tôi sẽ dành thời gian chủ yếu cho gia đình, đọc sách, và giải quyết những vướng mắc liên quan đến sự kiện ngày 2 Tháng Bảy, 2019, cùng gia đình…,” theo Facebook Vu Hai Tran. Trước đó, thông cáo do đồng nghiệp của ông Hải, Luật Sư Ngô Anh Tuấn, viết: “Gần đây, Luật Sư Trần Vũ Hải đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan điều tra cần tôn trọng quyền bào chữa của các bị can, quyền bào chữa của luật sư trong quá trình điều tra, không gây cản trở cho hoạt động hành nghề của họ. Ông Trần Vũ Hải hy vọng, trong vụ án liên quan tới ông mà nhiều luật sư sẽ tình nguyện bào chữa cho gia đình ông, Cơ Quan Điều Tra Công An tỉnh Khánh Hòa sẽ tôn trọng các quyền này của gia đình ông và của các luật sư, thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015.” Thông cáo này cũng nêu cáo buộc công an và “một số người khác không mặc quân phục” đã thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật không liên quan tới vụ án “trốn thuế”, trong đó có hồ sơ bào chữa cho nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất. Như vậy, có thể thấy Luật Sư Hải muốn đưa ra tín hiệu rằng đây là một vụ “có động cơ chính trị”, điều mà nhà cầm quyền CSVN lập tức bác bỏ bằng cách cung cấp hồ sơ cho các báo nhà nước để “định hướng” về tính chất của vụ này trước công luận. Tờ Người Lao Động dẫn nguồn tài liệu do công an cung cấp viết: “Tháng Tám, 2016, vợ chồng ông Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương đã nhận chuyển nhượng lô đất ở hẻm Tuệ Tĩnh, phường Lộc Thọ, ngay trung tâm thành phố Nha Trang với giá khoảng 6 triệu đồng ($258)/mét vuông. Cụ thể, lô đất hẻm có diện tích hơn 293 mét vuông, trong đó có căn nhà rộng 125.7 mét vuông, bề ngang hơn 8 mét. Vị trí lô đất này có đường vào rộng, xe hơi vào được, chỉ cách đường biển Trần Phú vài trăm mét nằm ở trung tâm phường Lộc Thọ, trung tâm thành phố Nha Trang…” Luật Sư Phạm Công Út, một trong các luật sư đồng hành cùng ông Hải trong việc trợ giúp pháp lý cho dân oan Vườn Rau Lộc Hưng, bình luận trên trang cá nhân: “Quy kết một luật sư giúp người khác “trốn thuế trên 200 triệu đồng ($8,592)”, nhưng có cần phải chiếm đoạt tài liệu, con dấu của tổ chức hành nghề luật sư ấy một cách trái pháp luật không? Những chồng hồ sơ tài liệu các vụ án đồ sộ của một văn phòng luật sư vốn chẳng dính dáng gì đến việc một luật sư “giúp người khác trốn thuế” thì sao lại bị thu giữ? Một hành vi bị cáo buộc ”giúp người khác trốn thuế tại sao Bộ Công An [CSVN] phải lên tiếng trần tình để trấn an dư luận? Những dấu hiệu bất bình thường trong một sự kiện bất bình thường có thể là chỉ dấu cho thấy sự lo sợ đến độ cùng cực của nhiều quan chức.”. (T.K.) HÀ NỘI, Việt Nam - Nguoiviet.com ***** LỜI CHÀO TẠM BIỆT CỦA LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI   Cám ơn các nhân viên, đồng nghiệp và các bạn. Tôi quyết định tạm nghỉ ngơi! Cách đây mấy hôm là ngày kỷ niệm 25 năm hành nghề luật sư của tôi. Tôi tự hào trong 25 năm qua mình đã làm được rất nhiều việc cho xã hội, cho gia đình và cho nghề luật sư. Mấy năm gần đây, với tư cách 1 luật sư cũng như 1 nhà hoạt động, tôi rất bận rộn và có những tuần phải đi lại gần mười chuyến máy bay khắp đất nước. Những vụ việc mà tôi tham gia rất phức tạp, khó khăn và đầy áp lực, dù là giúp dân oan Văn Giang, Thủ Thiêm, Đồng Tâm, nhóm cựu giáo viên Hải Phòng… và gần đây nhất là vườn rau Lộc Hưng hay giúp cho những doanh nghiệp vượt qua những tranh chấp, khủng hoảng. Hàng tuần, tôi còn có hàng chục bài viết trên Facebook liên quan đến các vấn đề pháp lý, xã hội. Tất cả những việc đó đã ngốn nhiều sức khỏe của tôi, và thậm chí đối mặt với những rủi ro không lường trước. Ngày hôm qua là một diễn biến kỳ lạ đối với nhiều người, khi một vụ việc nhỏ trong xã hội, chưa rõ đúng sai, nhưng đã được miêu tả như một sự kiện thời sự nổi bật. Riêng với tôi, dưới tư cách luật sư, đó cũng chỉ là một sự kiện pháp lý thường gặp, nhưng đáng tiếc nhất lại liên quan đến người vợ yêu quý của tôi và có một phần ảnh hưởng đến những gia đình của những nhân viên tôi. Mặc dù vậy, tôi rất biết ơn người vợ đầy bản lĩnh và những nhân viên trung thành của tôi, họ đang cùng với tôi vượt qua những thử thách như từ trước đến nay. Tôi cũng đặc biệt cám ơn các đồng nghiệp khắp Bắc Trung Nam đã tỏ tình đoàn kết với tôi, sẵn sàng trợ giúp tôi, rất nhiều luật sư đã tình nguyện bảo vệ cho gia đình tôi. Rất nhiều bạn bè, người quen của tôi và những người biết đến tôi đã gửi lời chia sẻ với tôi, động viên tôi và gia đình. Trong gian nan mới thấy rõ tình đồng nghiệp và tình bạn, và mới thấy mình cũng đã thật sự có ích cho mọi người trên đất Việt. Hôm nay, tôi xin tỏ lòng với các đồng nghiệp, nhân viên và bạn bè về quyết định của tôi: Thể theo nguyện vọng của tôi và gia đình, tôi sẽ tạm nghỉ ngơi trong một thời gian. Tôi sẽ dành thời gian chủ yếu cho gia đình, đọc sách, và giải quyết những vướng mắc liên quan đến sự kiện ngày 02/07/2019 cùng gia đình của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo đảm với các khách hàng và những người đã ủy nhiệm cho tôi rằng những công việc mà tôi đang phục vụ họ vẫn được tiếp tục bởi đội ngũ nhân viên và đồng nghiệp của tôi một cách tốt nhất. Khi cần tôi cũng sẽ là cố vấn cho các khách hàng và các nhân viên, đồng nghiệp để giải quyết những công việc đó. Tôi tin rằng các đồng nghiệp và đoàn thể luật sư sẽ tiếp tục bên cạnh, hỗ trợ gia đình tôi và các nhân viên của tôi trong thời gian tới. Xin cám ơn các nhân viên, đồng nghiệp và các bạn. Tôi xin được phép tạm nghỉ ngơi. Hẹn gặp lại!   Trần Vũ Hải
......

Có dấu hiệu vi phạm "luật tố tụng hình sự" trong vụ khởi tố tội trốn thuế của gia đình ông Trần Vũ Hải

Nhà văn Phạm Viết Đào - -Vụ vợ chồng ông Trần Vũ Hải nếu mua nhà tại Nha Trang Khánh Hòa đóng thuế thấp hơn so với đơn giá quy định của địa phương (Nếu xác thực)-Trách nhiệm pháp lý thuộc Cục thuế Khánh Hòa? -Việc tính thuế không sát đúng quy định của đơn giá đất địa phương; Cục trưởng Cục thuế Khánh Hòa đã vi phạm Điều 165 của Bộ Luật Hình sự 1999: Tội cố ý làm trái; Hành vi này không thuộc trách nhiệm pháp lý của vợ chồng ông Trần Vũ Hải và chủ bán nhà! Dư luận đang xôn xao trước việc Công an tỉnh Khánh Hòa khởi tố vụ án, tiến hành khám xét trụ sở làm việc của LS Trần Vũ Hải tại đường Nguyễn Thái Học Hà Nội sáng ngày 2/7/2019. Đầu đuôi vụ việc theo thông tin báo chí: “TTO - Theo thông tin chính thức của Bộ Công an chiều 2-7, có 4 người bị khởi tố trong vụ luật sư Trần Vũ Hải. Theo đó, ngoài khởi tố 2 vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm, cùng trú tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Cả 4 bị can đều bị khởi tố về hành vi "trốn thuế" quy định tại điều 161 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn "tạm hoãn xuất cảnh", "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bị can Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương tại thành phố Hà Nội. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án nhằm làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các bị can và người liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Chiều 2-7, nguồn tin từ cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa cho biết tất cả các quyết định khởi tố, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của hai bị can Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương (ở tại Hà Nội) đều đã được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn từ tháng 6-2019. Cụ thể, ngày 21-6-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra các quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Vũ Hải và bà Ngô Tuyết Phương, giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Luật Hà Nội, về tội trốn thuế. Các quyết định khởi tố hai bị can vừa nêu đều đã được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn vào ngày 24-6. Đến ngày 26-6, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc của hai bị can Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương tại Hà Nội. Các quyết định khám xét đều được Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn ngay cùng ngày. Hơn một tháng trước khi khởi tố hai bị can Trần Vũ Hải và Ngô Tuyết Phương, ngày 20-5-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định khởi tố vụ án trốn thuế và các quyết định khởi tố một số bị can khác về tội danh như vừa nêu. Vụ án trốn thuế diễn ra có liên quan trong việc mua đất đai tại TP Nha Trang (Khánh Hòa)…” (Bộ Công an: khởi tố 4 người trong vụ luật sư Trần Vũ Hải- https://tuoitre.vn/bo-cong-an-khoi-to-4-nguoi-trong-vu-luat…) ______ Sái pháp luật 1: Ông Trần Vũ Hải có 2 pháp nhân: -Pháp nhân là Trưởng Văn phòng LS Trần Vũ Hải; -Pháp nhân thứ 2 đó là pháp nhân của 1 công dân đi mua nhà… Việc vợ chồng ông Trần Vũ Hải mua nhà riêng là hành vi giao dịch dân sự, không liên quan tới “pháp nhân luật sư” và “Văn phòng luật sự Trần Vũ Hải”; Do đó, việc cơ quan công an Khánh Hòa tiến hành khám xét Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải là không đúng địa chỉ… Việc báo chí đưa tin “Khởi tố tội trốn thuế của LS Trần Vũ Hải” là sai vì ông Trần Vũ Hải không sử dụng pháp nhân LS để mua nhà! Về mặt pháp lý: Cơ quan điều tra chỉ có quyền khám xét nhà riêng của ông Trần Vũ Hải, nếu phát hiện bằng chứng về dấu hiệu trốn thuế trong vụ giao dịch mua nhà tại Khánh Hòa… CA Khánh Hòa chỉ được khám xét “Văn phòng LS Trần Vũ Hải” nếu đây là vụ giao dịch mua nhà làm trụ sở cho “Văn phòng LS Trần Vũ Hải”; Bằng kinh phí và pháp nhân của “Văn phòng LS Trần Vũ Hải”… Trong vụ án này: CA Khánh Hòa chỉ được quyền điều chỉnh theo pháp luật hành vi mua nhà riêng của vợ chồng ông Trần Vũ Hải; Còn khám xét Văn phòng LS Trần Vũ Hải là hành vi đụng chạm đến danh dự, quyền lợi của các thành viên khác của Văn phòng LS Trần Vũ Hải. Những thành viên của Văn phòng LS Trần Vũ Hải họ không hề có liên quan hay chịu trách nhiệm pháp lý gì đối với việc mua nhà của vợ chồng ông Trần Vũ Hải; Trong khi đó Văn phòng LS Trần Vũ Hải là một pháp nhân được pháp luật cấp phép hoạt động và đã đóng thuế cho nhà nước; pháp luật chịu trách nhiệm bảo hộ theo luật định… Viện Kiếm sát nhân dân Khánh Hòa phê chuẩn việc “khám xét chỗ ở” là đúng pháp luật; Còn khám xét chỗ làm việc, khám xét “Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải” là không đúng quy định của Bộ Luật tố tụng Hình sự… Sái pháp luật 2: Vợ chồng ông Trần Vũ Hải ( bên mua) và ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán) không phạm tội trốn thuế! Việc giao dịch mua bán này đã được kê khai với cơ quan thuế Khánh Hòa: bên bán đã nộp thuế có hóa đơn chứng từ và có công chứng; Họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ của các pháp nhân mua bán nhà đất; Do đó không thể quy kết cho các đối tượng mua bán này phạm tội trốn thuế… Bản thân gia đình ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán) có quyền tặng cho gia đình ông Trần Vũ Hải và giấy tờ giá cả có quyền ghi theo sự thỏa thuận. Hành vi này là đúng pháp luật; Không vi phạm tội trốn thuế… Việc áp thuế bào nhiêu đối với lô đất mà gia đình ông Trần Vũ Hải mua thuộc trách nhiệm pháp lý của Cục thuế Khánh Hòa; vì đơn giá đất của từng khu vực được chính quyền quy định để áp thu thuế và để tính giá đền bù khi bị thu hồi… Ví dụ nhà tôi đang ở Thụy Khuê Tây Hồ, giá thị trường hiện nay là 60 triệu đồng/m2; Thế nhưng Cục thuế Hà Nội khi áp thuế cho gia đình tôi hàng năm phái đóng thuế đất theo khung giá quy định là 15 triệu đ/m2. Nếu tôi có ý định bán nhà hay nhà thành phố Hà Nội thu hồi đất của gia đình tôi thì chỉ đến bù theo đơn giá quy định 15 triệu/m2, chứ không áp giá 60 triệu như giao dịch thị trường; Và nếu tôi phải đóng thuế khi bán nhà và quyền sử dụng đất thì cho dù tôi có khai là cho không hay biếu tặng ai đó, mức áp thuế vẫn theo đơn giá của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký là 15 triệu/m2…Việc nộp thuế hay đền bù nếu bị giải tỏa không bao giờ căn cứ vào lời khai của chủ đất dù được chứng đóng dấu đỏ. Vợ chồng ông Trần Vũ Hải ( bên mua), Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán) chỉ chịu trách nhiệm “khai gian” nếu tại Nhà Trang Khánh Hòa, đất đai không có quy định khung giá của nhà nước địa phương; Đây là điều hoàn toàn không đúng sự thật… Đối với việc kê khai nộp thuế đối với loại mặt hàng không có đơn giá quy định của nhà nước; Việc việc định mức đánh thuế không thể căn cứ vào lời khai của các bên mua bán mà do một hội đồng định giá quy định; chủ nhân lô hành chỉ phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu cố tình khai sai số lượng, ví dụ: đất 300 m2 khai 100 m2; hàng 2 cái khai là 1 cái… Do đó, việc kê khai đơn giá căn cứ vào hóa đơn chứng từ mua bán cũng chỉ là một cơ sở. Trách nhiệm pháp lý trong việc áp thuế không thuộc về bên mua-bán. Việc áp giá đất để đánh thuế đất pháp luật không bao giờ được theo đơn giá thị trường mà theo đơn giá nhà nước quy định…Việc kiện tụng đất đai nổi lên trong cả nước do xuất phát từ quy định áp giá khung giá đất của nhà nước chênh lệc với thị trường. Trọng vụ mua bán nhà đất của ông Trần Vũ Hải đã tòi ra cái nghĩa vụ trời giáng của người dân: Khi mua bán nhà đất phải đóng thuế thì bắt dân tính theo giá trị thực của thị trường; Nếu nộp không đúng thì bỏ tù người ta? Thế còn những nơi mà thu hồi không bao giờ theo giá thị trường, thậm chí còn thu, cướp không như ở Thủ Thiêm thì nhà nước có bỏ tù công chức làm sai không? Theo quy định pháp luật: việc khai đơn giá chỉ là thủ tục để tham khảo và chủ mua và bán không thể và không phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc kê khai này. Theo quy định pháp luật về đất đai hiện hành việc tính thuế đất và đền bù khi thu hồi giải tỏa đất phải theo đơn giá đã quy định của nhà nước. Vả lại trong giao dịch dân sự, gia đình ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán) có quyền tặng, biếu cho gia đình ông Trần Vũ Hải và họ kê khai thuế theo số tiền thực nhận. Điều này hoàn toàn đúng pháp luật dân sự. Còn trách nhiệm áp thuế đúng quy định của nhà nước trách nhiệm thuộc về Cục thuế Khánh Hòa… Do đó, trong vụ giao dịch mua bán nhà của 2 gia đình ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán); Trần Vũ Hải ( bên mua) hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm pháp lý về mức thuế mà họ đã đóng cho ngành thuế Khánh Hòa. Việc đóng thuế này được thực hiện thông qua 1 quyết định nộp thuế của ngành thuế Khánh Hòa ký, đóng dấu và xuất hóa đơn tài chính. Việc áp thuế cho vụ bua bán này nếu quả thực đã bị áp sai đơn giá quy điịnh của nhà nước địa phương, gây thất thoát thì trách nhiệm pháp lý thuộc Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa! Cục trưởng Cục thuế Cục Khánh hòa đã có hành vi vi phạm Điều 165 của Bộ Luật Hình sự 1999 về tội danh “Cố ý làm trái Điều 165 Bộ Luật hình sự 1999”… Kết lại: Vợ chồng ông Trần Vũ Hải ( bên mua); vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh và Ngô Văn Lắm ( bên bán) không phạm tội “trốn thuế” ( Điều 161 của Bộ Luật Hình sự 1999) vì họ đã đóng thuế theo Quyết định nộp thuế của Cục trưởng Cục Thuế Khánh Hòa từ năm 2016! Họ không nộp sai theo Quyết định của Cục trưởng Cục thuế Khánh Hòa! Còn quyết định nộp thuế áp sai, hai gia đình Trần Vũ Hải ( bên mua) và bên bán vô can! P.V.Đ.    
......

Địa ngục giữa trần gian-P.1

  Song Chi -RFA|   Tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị ở VN-muôn ngàn cách khủng bố, đày đọa của nhà cầm quyền  Thông tin về các tù nhân chính trị Nguyễn Văn Túc, Trương Minh Đức (nhà báo), Đào Quang Thực (thầy giáo) và Ngô Viết Dũng tại phân Trại 2, trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, đang tuyệt thực từ ngày 10.6 để phản đối việc giám thị trại giam tháo quạt điện giữa thời tiết nắng nóng lịch sử lên đến 42-43 độ C ở Nghệ An khiến những ai quan tâm đến tình hình chính trị tại VN đều hết sức lo lắng. Ai đã từng trải qua cái nóng ở miền Trung VN nói chung và Nghệ An nói riêng đều biết nó khó chịu như thế nào, nóng đến phát điên lại còn thêm gió Lào thổi khô rát cả người, cẩy cối cũng phải héo quắt lại. Mà theo báo Thanh Niên số ra ngày 23.6 thì năm nay “…Nghệ An đã phá vỡ nhiều mốc lịch sử nhiệt độ cao nhất từng ghi nhận những năm trước đây. Cụ thể, tại H.Quỳ Hợp, nhiệt độ lên tới 43 độ C, tại H.Con Cuông là 43,3 độ C, cao hơn nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ngày 30.5.2015 ở H.Quỳ Hợp là 42,7 độ C và ở H.Con Cuông là 42,5 độ C. Đặc biệt, tại H.Tương Dương, nhiệt độ trong ngày là 42,8 độ C, cũng phá vỡ kỷ lục 53 năm qua, ghi nhận từ ngày 12.5.1966…” (“Nắng nóng ở Nghệ An phá vỡ nhiều mốc lịch sử”) Nóng như vậy mà bị nhốt trong những buồng giam bít bùng xây bằng gạch, tường thấp, mái tôn thì phải nói là khủng khiếp, vậy mà đám giám thị lại cắt cả quạt đi, thì rõ ràng đây là một trò hành hạ tù nhân chính trị hết sức tàn ác, đê hèn của nhà cầm quyền. Chế độ tù đày ở VN dưới thời cộng sản đã vô cùng khắc nghiệt, nhưng tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm thì lại càng bị đày đọa hơn gấp bội. Trên thực tế, suốt hơn bảy thập niên đảng cộng sản cầm quyền ở miền Bắc VN và hơn bốn thập niên độc quyền cai trị trên toàn quốc, không ai có thể đếm được bao nhiêu người dân Việt thuộc các thành phần, thế hệ khác nhau phải nối tiếp nhau bước vào nhà tù vì những “tội danh” liên quan đến chính trị hay tôn giáo. Dù là tù không có án như trong vụ án xét lại chống đảng nổi tiếng những năm 60-70 ngoài Bắc, hay bị tù nhưng lại được gán cho cái tên là “đi học tập cải tạo” như hàng trăm ngàn dân quân cán chính của chế độ VNCH sau ngày 30.5.1975, hay tù có án với những điều luật hết sức hàm hồ, vi hiến như "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự tu chính, "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự tu chính, “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 luật hình sự tu chính; dù là đi tù vì tội bất đồng chính kiến hay chỉ vì những hoạt động dân sự phản đối lại một chính sách, điều luật nào đó của nhà cầm quyền, thì nhà cầm quyền cũng luôn luôn có đủ mọi biện pháp, thủ đoạn trừng phạt tàn ác và tinh vi nhất dành cho tù nhân chính trị. Nhưng có vẻ như những năm gần đây mức độ tàn bạo của nhà cầm quyền VN càng gia tăng! Những mức án vô cùng nặng nề, phi lý như 20 năm tù mà tòa án tỉnh Nghệ An ngày 16.8.2018 đã xử nhà hoạt động xã hội Lê Đình Lượng với tội "Lật đổ chính quyền nhân dân" theo Điều 79, Bộ luật hình sự Việt Nam. Đây là mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam, vượt qua cả 16 năm tù vì tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" mà ông Trần Huỳnh Duy Thức đang thọ án. Bị kết tội chỉ vì những việc làm rất nhỏ, rất ôn hòa như “mua bánh mì, nước uống rồi thuê xe taxi đến khu vực Nhà thờ Đức Bà, nhằm phát cho những người tham gia tụ tập chống các dự luật Đặc khu và An ninh mạng” mà Tòa án nhân dân TPHCM hôm 28.6.2019 đã xử ông Trương Hữu Lộc 8 năm tù về tội "phá rối an ninh". Chỉ vì dạy học sinh hát bài “Trả lại cho dân”, một trong những bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang hiện đang tị nạn tại Mỹ, mà thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An, một nhà hoạt động xã hội ôn hòa bị bắt ngày 30.5.2019 và khởi tố về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” v.v… Song song với việc sẵn sàng bắt, bắt cóc những ai dám lên tiếng (như vụ bắt cóc nhà báo, blogger bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Trương Duy Nhất tại Thái Lan tháng 1 năm 2019 sau khi tới UNHCR tại Bangkok xin tỵ nạn chính trị, sau 2 tháng không có tin tức, hiện tại Trương Duy Nhất đang bị giam tại trại giam T16, Hà Nội), nhà cầm quyền cũng gia tăng khủng bố tù nhân chính trị trong tù. Vào khoảng tháng 11.2018 gia đình kỹ sư, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức-người đang thụ án 16 năm tù vừa kể trên, đã phải lên tiếng báo động về việc anh bị trại giam tìm cách đầu độc qua thức ăn khiến anh chỉ dám ăn mì gói nhà gửi vào. Luật sư, cựu tù chính trị Lê Công Định chia sẻ trên facebook vào ngày 24.11.2018: “Thấy anh dùng mì gói, trại giam lại dùng thủ đoạn đê tiện là không phát nước sôi cho anh như từ trước đến nay vẫn làm. Anh Thức cho biết giờ đây Ban giám thị trại giam chỉ thị gây khó khăn cho anh rất nhiều, trái ngược hẳn trước đây. Cán bộ quản giáo chỉ đơn giản bảo "lãnh đạo quyết định, không cần căn cứ gì hết" để trả lời các phản đối và yêu cầu viện dẫn luật của anh Thức. Họ hạn chế và không cho anh Thức nhận thư nữa, cũng không cho gửi thư bằng phát chuyển nhanh. Họ còn thông báo rằng sắp tới sẽ xem xét cấm hẳn dùng nước sôi, đèn pin, máy đo huyết áp và máy đo đường huyết. Anh Thức hỏi căn cứ pháp lý thì họ không trả lời. "Những gì cơ bản cho sinh hoạt tối thiểu trong tù như trước đây đã mất hết rồi, không còn gì nữa", anh Thức cho biết vậy.” Nguyên nhân chỉ là vì nhà cầm quyền Việt Nam muốn sử dụng hình thức tra tấn tinh thần anh Trần Huỳnh Duy Thức, buộc anh nhận tội để được trả tự do trong nước, vì anh từ chối đi nước ngoài. Có những thủ đoạn đê tiện mà không ai có thể nghĩ ra: Blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cựu tù nhân lương tâm bị nhà cầm quyền trục xuất từ nhà tù sang Mỹ vào tháng 10.2018, từng bị cấm sử dụng băng vệ sinh và đồ lót trong suốt 8 tháng tạm giam (“Quốc tế kêu gọi thả Mẹ Nấm, Việt Nam khẳng định 'đúng luật', VOA). Nhà hoạt động xã hội, cựu tù nhân lương tâm Bùi Thị Minh Hằng kể trên facebook ngày 29.6 về việc trại giam ở Cao Lãnh-Đồng Tháp thả rắn độc như rắn lục vào trong buồng giam. Blogger Điếu Cày tức nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, bị nhà cầm quyền trục xuất sang Mỹ từ tháng 10.2014, người đã từng trải qua 11 nhà tù khác nhau của cộng sản, từng tuyêt thực ít nhất 2 lần, kể rất nhiều về những kinh nghiệm trong tù qua loạt bài “Cuộc chiến sau song sắt” đăng trên trên facebook của mình. Còn những thủ đoạn như mượn tay tù hình sự để hành hung tù chính trị là chuyện thường, cho tới công khai bạo hành. Vào khoảng tháng 8.2018 người nhà của nhà hoạt động xã hội Trần thị Nga, người đang phải thụ án 9 năm tù kể về việc chị bị hành hung (“Tù nhân lương tâm Trần Thị Nga ‘bị đánh và dọa giết’ trong trại giam”, Người Việt). Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa, người đang thụ án 7 năm tại Trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999, từng nhiều lần bị đánh đập, hành hung. Trong tháng 5.2019 các tù nhân chính trị cùng bị giam tại đây như Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Lê Đức Động, Nguyễn Thái Bình đã tuyệt thực để phản đối việc này (“Tù nhân lương tâm VN tuyệt thực phản đối cán bộ trại giam 'ngược đãi', VOA). Muôn ngàn kiểu đày đọa, khủng bố tinh thần lẫn thể xác tù chính trị, không sao kể xiết. Thâm độc hơn, không chỉ nhốt người bất đồng chính kiến trong tù, có những trường hợp, nhà cầm quyền còn  tống họ vào bệnh viện tâm thần để hùy hoại đầu óc, sự sáng suốt của họ như trường hợp luật sư Bùi Kim Thành trước đây hay nhà báo, blogger Lê Anh Hùng hiện tại. ******   Mong mọi người quan tâm, chia sẻ với các anh em tù nhân lương tâm đang tuyệt thực trong chốn lao tù!  Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày)  - Việt Khang    
......

Nghich lý nhờ phát triển vũ khí hạt nhân

Dương Hoài Linh Tổng GDP của Triều Tiên là 40 tỷ USD. GDP bình quân đầu người là 1.800 USD/năm, xếp gần bét bảng thế giới.Tài sản 25 triệu dân chỉ bằng một nửa tài sản người giàu nhất nước Mỹ. Nhưng nhờ cả gan phát triển vũ khí hạt nhân, Triều Tiên đã làm tổng thống Mỹ trên máy bay từ Nhật sang Hàn Quốc đã tweets trên twitter hẹn gặp nhà độc tài của đất nước mạt hạng tận đáy thế giới mà đa phần dân sắp chết đói vì cấm vận. Thế rồi cả bộ sậu quan chức Hàn Quốc , lính lác tất bật gần 30 tiếng cho cuộc gặp gỡ này. Sau đó lại còn hồi hộp không biết "chủ tịch Kim" có giữ đúng hẹn không? Nếu chủ tịch không đến thì thật là tẽn tò cho tổng thống Mỹ. Kết quả hơn 80 phút cho kẻ đứng đầu thế giới gặp một tên ăn vạ đứng chót bảng thế giới được báo chí thi nhau gọi là : CUỘC GẶP GỠ LỊCH SỬ. Giả sử nếu thằng mạt hạng này không đánh liều làm giàu uranium và liều mình thử tên lửa thì gã nhà giàu Mỹ chỉ nhìn hắn bằng nửa con mắt.   Trong khi đó thủ tướng của một nước có GDP 241 tỷ USD, GDP đầu người 2.555 USD/năm, từng đánh thắng 3 đế quốc to là Pháp, Mỹ , Trung đến xun xoe nịnh bợ nhưng gã nhà giàu chỉ khoanh tay bất cần, không thèm đếm xỉa tới. Gã xem thằng hói này không bằng góc của thằng con nít ranh kia. Xem ra ở đời chỉ cần liều. Cái đứa huyênh hoang thắng đế quốc chỉ là lừa dân. Trên bình diện quốc tế nó không hề được coi trọng bằng cái thằng chưa hề thắng một tên đế quốc nào.
......

Thủ đoạn cao thâm

Đỗ Văn Ngà Phải nói sau mấy năm đốt lò, nhiều quan tham bị bắt làm cho vô số người thần thánh hóa ông Nguyễn Phú Trọng. Điều đó thể hiện cái dân trí thấp của xã hội Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc dựa vào dân trí thấp lấy lại niềm tin cho ĐCS chứ thực sự ông ta không có mục đích cải cách thể chế để tạo nên một bộ máy nhà nước chống tham nhũng hiệu quả. Thành phần thần thánh hóa ông Trọng không chỉ những người trong nước, mà cả một số người Việt hải ngoại đã sống trong thể chế dân chủ cũng vậy, thật đáng thương. Chống tham nhũng phải đạt được những mục đích gì thì mới là chống tham nhũng hiệu quả? Chống tham nhũng thực sự phải đạt được 3 mục đích sau: thứ nhất là làm trong sạch bộ máy nhà nước, thứ nhì là phải thu hồi tài sản tham nhũng trả cho công quỹ, thứ 3 phải thể hiện được tính nghiêm minh của luật pháp. Hãy bóc tách từng mục đích ra mà xét thì sẽ thấy sự hiệu quả của việc chống tham nhũng đến đâu? Nói về mục đích trong sạch bộ máy nhà nước thì có đạt được không, khi kẻ lên thay cho kẻ bị trừng phạt cũng chẳng khá gì hơn. Vẫn tài sản bằng hàng trăm hàng ngàn lần lương, vẫn cho con du học, vẫn mua nhà Mỹ vv.. Thực sự đây là sự thay thế, kẻ chưa lộ thay cho kẻ bị lộ và bộ máy nhà nước vẫn đầy rẫy tham nhũng như cũ. Như vậy mục đích làm trong sạch bộ máy nhà nước đã hoàn toàn thất bại. Về mục đích thu hồi tài sản tham nhũng trả về công quỹ thì gần như không thể. Theo báo ANTV cho biết, trong các vụ tham nhũng ngàn tỷ, tài sản thu hồi không tới 10%, như vậy là xem như mất gần hết tài sản nhà nước. Và việc thu hồi tài sản tham nhũng tính chung chỉ đạt 38,3% trong năm 2017. Nghĩa là gì? Là tham nhũng càng lớn càng khó móc nó ra khỏi họng quan tham. Cũng đơn giản thôi, những kẻ tham nhũng ngàn tỷ thì quyền lực trong tay của chúng cũng hơn quyền lực của kẻ tham nhũng chục tỷ, cho nên thu hồi tài sản tham nhũng khó hơn. Qua con số thống kê, rõ ràng mục đích thu hồi công quỹ đã thất bại. Và cuối cùng mục đích thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật có đạt không? Không hề. Luật phòng chống tham nhũng đã được viết trong Bộ luật Hình sự rồi, nghĩa là việc chống tham nhũng là công việc của tư pháp và hành pháp phối hợp mà thôi. Tòa án thấy đủ cơ sở khởi tố thì cho khởi tố và hành pháp vào cuộc theo lệnh tòa, thế là xong. Nhưng ở Việt Nam, tư pháp đã vô dụng, cho nên đảng lại lập Ban Chỉ Đạo Trung Ương về Phòng Chống Tham nhũng, ở chính phủ thì có Thanh Tra Chính Phủ làm nhiệm vụ chống tham nhũng. Không phải lập 2 cơ quan chống tham nhũng kia mà chống được tham nhũng đâu, mà ngược lại chúng còn tham nhũng khủng hơn nữa. Đến mức độ, hiện nay ĐCSVN phải vất vả chống tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng. Như vậy, sự xuất hiện 2 cơ quan chống tham nhũng nữa là sự khẳng định, tư pháp của chính quyền CS vô dụng, và tất nhiên sự nghiêm minh pháp luật hông hề tồn tại. Như vậy, việc chống tham nhũng không đạt 3 đích chính thì đạt được gì? Chẳng lẽ ông Trọng không thấy cả 3 mục đích chính đó đều thất bại? Ông ta thấy hết, với con người đầy thủ đoạn thì ông ta thừa biết, nhưng mục đích chống tham nhũng ông ta không phải để đạt 3 mục đích đó mà là để PR cho hình ảnh của mình, và đồng thời để lấy lại lòng tin từ thành phần nhẹ dạ cả tin trong xã hội (thành phần này rất đông), nhằm cứu cánh cho ĐCS. Đấy mới là mục đích quan trọng của ông Nguyễn Phú Trọng chứ không phải mục đích chống tham nhũng thật lòng. Xây dựng lòng tin ở nước dân chủ hoàn toàn khác xây dựng lòng tin ở nước độc tài CS. Ở nước dân chủ, chính trị gia xây dựng lòng tin nhân dân bằng tài năng và hiệu quả công việc, thì tại nước độc tài CS họ không làm như thế, các ông lãnh đạo CS xây dựng lòng tin dựa vào kịch bản khéo léo để lừa dối dân chúng là xong. Thực ra ông Trọng không phải là người cao kiến gì cả, mà ông lấy thủ đoạn cao thâm này từ Tập Cận Bình. Hành động chống tham nhũng là thật, nhưng mục đích trong sạch bộ máy nhà nước không đạt, mục đích thu hồi tiền tham nhũng không đạt và cũng không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng trên thực tế rất rất nhiều người vạn tuế ông ta. Họ không biết rằng, đó là màn kịch lộng giả thành chân làm cho kẻ thiếu hiểu biết không thể bóc tách dụng ý chính trị đằng sau đó, và thế là lừa được khối người và giật lại lòng tin cho ĐCS. Ông Trọng, không thể sáng tạo nhưng giỏi bắt chước và trong hành động bắt chước này, ông thành công./.  
......

Hong Kong: Sai lầm chết người!

Trong những ngày qua, cả thế giới, và đặc biệt là người Việt, cảm thấy choáng ngợp với sự khâm phục, ngưỡng mộ và thèm thuồng người dân Hong Kong qua hình ảnh của những cuộc biểu tình đông tới 2 triệu người xuống đường chống đối dự luật dẫn độ người dân Hong Kong về Trung Quốc. Tràn đầy những hình ảnh những người trẻ, không có người ra mặt lãnh đạo hay hô hào như thường xảy ra, biểu tình tuần hành trong trật tự và kỷ luật. Cần nhắc lại là vào năm 1997 Anh Quốc đã trao trả Hong Kong về lại Trung Quốc với một thoả thuận có tên là “Một quốc gia hai hệ thống” (One country two systems), với ý là Hong Kong sẽ được duy trì một thể chế chính trị riêng, khác với Trung Quốc, trong vòng 50 năm, cho tới năm 2047. Trong gần 20 năm qua, từ 1997 tới gần đây, người dân Hong Kong tương đối ổn định và hài lòng với quy chế nói trên. Nhưng tình hình đã thay đổi quan trọng kể từ năm 2014 khi nổi lên phong trào Dù Vàng, phản đối việc Trung Quốc can thiệp vào nội tình Hong Kong. Cuộc biểu tình đang diễn ra tại Hong Kong là một bước ngoặt quan trọng đối với tương lai của Hong Kong và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả thế giới. Một sự kiện quan trọng vừa xảy ra trong diễn tiến cuộc biểu tình vào chiều hôm qua, 1 tháng Bảy, là đoàn biểu tình đã phá cửa xông vào chiếm lĩnh toà nhà Quốc Hội. Hẳn nhiên, đã xảy ra xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát Hong Kong. Đây là một hình thức bạo động mà chắc chắn những người chủ trương đấu tranh bất bạo động, như diễn ra cho tới giờ tại Hong Kong, không mong muốn. Một sự kiện khác cũng đáng chú ý là trong đoàn biểu tình (cho dù đó có phải là chủ ý của nhóm chủ trương hay không) đã thấy có những lá cờ Anh Quốc được phất lên. Phải chăng thông điệp của những cá nhân giương cờ Anh Quốc là muốn trở về thời bảo hộ của Anh Quốc và chống đối việc Hong Kong trở về với Trung Quốc? Dù thế nào thì đây cũng không phải là điều có lợi cho phong trào biểu tình vì chắc chắn là sẽ không được sự ủng hộ của khối đông đảo người Hoa ở lục địa cũng như một số người Hoa ngay tại Hong Kong. Có thể đây là những lỗi lầm (nếu cố ý) hay tai nạn (nếu không cố ý) rất bất lợi cho phong trào chống đối. Đây là một bước ngoặt rất cực kỳ quan trọng! Hong Kong rồi sẽ ra sao là điều hiện giờ không ai có thể đoán trước và tất cả đều đang chờ xem, đặc biệt là phản ứng của Bắc Kinh. Đỗ Đăng Liêu https://viettan.org/hong-kong-sai-lam-chet-nguoi/ Cảnh sát Hong Kong giải tán người biểu tình khỏi Hội đồng Lập pháp (VOA) https://www.youtube.com/watch?time_continue=4&v=IT8SpDbU38k  
......

Luật sư Trần Vũ Hải bị khởi tố.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ VỀ VỤ VIỆC LIÊN QUAN TỚI LUẬT SƯ TRẦN VŨ HẢI Luật sư Ngô Anh Tuấn Sáng nay, ngày 02/7/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hoà (PC03) đã tiến hành khám xét nhà riêng và nơi làm việc của luật sư Trần Vũ Hải về hành vi trốn thuế: Phía cơ quan điều tra cho rằng vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải đã ký vào những giấy tờ mua bán nhà đất tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà. Theo cơ quan này, việc ký vào các giấy tờ này đã đã giúp người bán trốn thuế với số tiền là 276 triệu đồng. Phía gia đình luật sư Trần Vũ Hải đã giải trình với cơ quan điều tra nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Người được coi là trốn thuế đã yêu cầu nộp thuế nhưng chưa được chấp nhận. Tuy nhiên, cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà vẫn ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với vợ chồng luật sư Trần Vũ Hải về hành vi được coi là giúp sức trốn thuế cho người bán. Trước khi diễn ra việc khám xét, luật sư Trần Vũ Hải đã yêu cầu có sự chứng kiến của luật sư và chỉ thu giữ những tài liệu, đồ vật liên quan trực tiếp tới vụ án nhưng tất cả các yêu cầu chính đáng này đều không được chấp nhận. Cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà với sự hỗ trợ của một số sỹ quan Bộ Công an và một số người khác không mặc quân phục đã thu giữ nhiều tài liệu, đồ vật không liên quan tới vụ án, trong đó có một số hồ sơ bào chữa những vụ án quan trọng tại Việt Nam. Đặc biệt có hồ sơ vụ án Trương Duy Nhất mà luật sư Trần Vũ Hải đã yêu cầu cấp thủ tục bào chữa nhưng hơn 3 tháng nay vẫn chưa được chấp nhận, mặc dù ông luật sư Hải đã liên tục khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền. Gần đây, luật sư Trần Vũ Hải đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan điều tra cần tôn trọng quyền bào chữa của các bị can, quyền bào chữa của luật sư trong quá trình điều tra, không gây cản trở cho hoạt động hành nghề của họ. Ông Trần Vũ Hải hy vọng, trong vụ án liên quan tới ông mà nhiều luật sư sẽ tình nguyện bào chữa cho gia đình ông, cơ quan điều tra công an tỉnh Khánh Hoà sẽ tôn trọng các quyền này của gia đình ông và của các luật sư, thực hiện theo đúng các quy định xuất Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Sau khi có kết quả giải quyết vụ án, gia đình ông Trần Vũ Hải sẽ thông tin cho báo chí được biết.   ảnh: Luật sư Trần Vũ Hải tại phòng làm việc lúc 14h45 ngày 02/7/2019. Luật sư Ngô Anh Tuấn - Fb Tuan Ngo  
......

Có hai nước Việt Nam đối nghịch nhau: một của lãnh đạo, một của nhân dân.

Trần Đình Thu LÃNH ĐẠO VÀ NHÂN DÂN KIẾP NÀY ĐỒNG SÀNG DỊ MỘNG, KHÔNG CHUNG NHAU NIỀM VUI NỖI BUỒN   Hôm qua Việt Nam ký EVFTA, dạo nhiều vòng trên facebook thấy im hơi lặng tiếng, trong khi báo chí quốc doanh đưa tin dày đặc, tin chạy trang nhất hoành tráng suốt cả ngày với những dòng mô tả niềm vui lớn, hình chụp các lãnh đạo cao cấp với nét mặt hân hoan nói cười hể hả mang tính cách ngày đại hỷ của đất nước của dân tộc. Nhưng chẳng một status nào của nhân dân chúc mừng chính phủ làm được việc ấy. Vì sao lại như vậy? Có phải vì EVFTA không mang đến cái gì cho Việt Nam? Thưa không, nó có thể làm được một số chuyện khá quan trọng về kinh tế. Có phải nhiều người không hiểu EVFTA là cái chi chi? Thưa không, người ta rất hiểu về nó là khác. Vậy thì vì sao nhân dân không chung vui sự kiện này với lãnh đạo? Đó là vì lãnh đạo và nhân dân lâu rồi không cùng chung niềm vui nỗi buồn. Hay nói cách ví von, hai bên kiếp này đồng sàng dị mộng. Lâu rồi việc gì chính phủ muốn chính phủ làm, không hỏi nhân dân bao giờ nên khi có niềm vui gì thì tự sướng với nhau, có nỗi buồn thì tự chia với nhau, nhân dân coi như không liên quan tới mình. Nói một cách chính xác, có 2 nước Việt Nam, một nước của lãnh đạo và một nước của nhân dân. Nước Việt Nam của lãnh đạo hôm qua vừa ký được EVFTA. Nước Việt Nam của nhân dân mấy hôm trước vừa bị Trung quốc kéo tàu đi ngang Hoàng Sa. Nước Việt Nam của lãnh đạo hôm qua có ông thủ tướng vừa đi G20 về. Nước Việt Nam của nhân dân tháng rồi mới bị tăng giá điện vô tội vạ, tuần rồi có một trận dịch heo chết tràn lan và hôm kia khởi phát đám cháy rừng khủng khiếp có người chết mà đến nay chưa dập tắt được. Thế đấy! Có 2 nước Việt Nam khác nhau của 2 cộng đồng khác nhau, cộng đồng lãnh đạo và cộng đồng nhân dân. Có hai nước Việt Nam đối nghịch nhau tồn tại trong tâm thức hai cộng đồng ấy từ lâu lắm rồi. Thế nên không thể chung nhau niềm vui nỗi buồn. Ngày xưa, khi quân Nguyên chuẩn bị tràn vào Việt Nam lần thứ 2, vua Trần triệu tập Hội nghị Diên Hồng ở Thăng Long để hỏi ý muôn dân và truyền đạt lời kêu gọi cùng nhau chống giặc. Ngày nay trong Tòa nhà quốc hội ở Hà Nội có phòng họp chính được đặt tên “Phòng họp Diên Hồng” nhưng ở phòng họp đó chưa bao giờ có chuyện hỏi ý dân đã đành mà còn thường bàn những chuyện đi ngược lòng dân. Từ việc đòi thông qua Luật đặc khu đến việc muốn giao cho Trung quốc làm đường cao tốc. Phòng họp Diên Hồng ngày nay không có những đại diện do nhân dân bầu lên ngồi vào đó để nói lên tiếng nói nhân dân như phòng họp Diên Hồng ngày xưa vua mời các bô lão từ khắp mọi miền đất nước tụ về đem theo ý nguyện toàn dân. Cho nên vua tôi ngày xưa tuy hai mà một, lãnh đạo nhân dân ngày nay không có một mà chỉ có hai. Vì thế niềm vui EVFTA ngày hôm qua nhân dân không muốn hưởng. Nhưng câu chuyện ngày hôm qua không chỉ có thế. Lẽ ra nhân dân có thể vui cùng EVFTA nếu nhà nước không cố tình tước đi phần mà nhân dân mong đợi. Hiệp định EVFTA Châu Âu đã dự liệu nguyên một gói, có phần dành cho phát triển kinh tế nhưng cũng có phần dành cho phát triển xã hội thông qua các yêu cầu về mở rộng nhân quyền, về phát triển hội đoàn giúp cho người lao động có tiếng nói chính đáng. Gói tổng hợp đó khi đến Việt Nam thì chính phủ lột mất phần của xã hội bằng cái hẹn với Châu Âu lùi lại 5 năm sau sẽ đưa vào. Nên nhân dân chẳng buồn chia sẻ niềm vui với chính phủ là như thế. Không chia vui không sẻ buồn với nhau lâu rồi. Khi nợ công tăng cao ông thủ tướng lo lắng kêu gọi nhân dân sát cánh cùng chính phủ trả nợ công, không một bức tâm thư nào từ cộng đồng gửi đi. Khi ông nghị sĩ quốc hội lo lắng phát biểu về nợ công ở diễn đàn quốc hội, không một status nào lên tiếng ủng hộ. Thế đấy! Sống cùng nhau trên một mảnh đất hình chữ S, cùng gọi Việt Nam là tổ quốc, nhưng hai cộng đồng không chung nhau một lý tưởng cùng vun đắp cho non sông này rồi.
......

Kiêu ngạo và bỉ ổi

Nguyen Ngoc Chu| 1. Một lần, giật mình khi nghe ông Phan Diễn cựu UVBCT, cựu Thường trực Ban Bí thư (2002-2006) phát biểu “Chúng ta đã vượt qua sự ‘kiêu ngạo cộng sản’” (Vnexpress 17/12/2016), thì mới hiểu hóa ra người cộng sản có đặc tính “kiêu ngạo cộng sản’. 2. Sáng ngày 29/6/2019 lại hoảng hồn khi nghe cựu Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải tuyên bố “Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng’ và kêu gọi “yêu cầu của Đảng cầm quyền là hết sức chú trọng chống chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân” (Baomoi.com, 29/6/2019). Hàng ngàn dân oan Thủ Thiêm – là nạn nhân của ông Lê Thanh Hải, bị ông Lê Thanh Hải làm cho mất nhà cửa ruộng vườn, buộc phải kêu oan ròng rã gần 20 năm trời mà không được giải quyết. Thế mà ông Lê Thanh Hải lại đăng đàn trình bày tham luận tại ‘Hội thảo khoa học về 50 năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh – do Thành ủy TP.HCM tổ chức’ kêu gọi chống “xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân”. Trong 15 năm trị vì trên chiếc ghế Chủ tịch UBND TP HCM (2001-2006) và bí thư Thành ủy HCM (2006-2016) ông Lê Thanh Hải đã đưa về bao nhiêu ngàn tỷ cho gia đình và cho nhóm lợi ích của ông? Thế mà ông lên mặt “yêu cầu của Đảng cầm quyền là hết sức chú trọng chống chủ nghĩa cá nhân”! 3. Nhớ lại, ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn – các cựu bộ trưởng bộ 4T đều đã ngàn lần lên mặt dạy đời về đạo đức, rồi cuối cùng lộ rõ nguyên hình là những tội đồ, phải ngồi tù. Các ông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị khai trừ ra khỏi Đảng. 4. ĐCS phải nhanh tay khai trừ ông Lê Thanh Hải ra khỏi Đảng, nếu không, người cộng sản sẽ bị gán thêm đặc tính “ Bỉ ổi cộng sản”./.  
......

Phạm Toàn: Cánh buồm vừa rời bến

Mặc Lâm - VOA Năm 2010 tôi viết bài về bộ sách giáo khoa do nhóm Cánh Buồm chủ trương, lúc ấy tôi được biết tác giả thật sự của những cuốn sách đặc biệt này là nhà giáo Phạm Toàn và từ lần đầu tiên phỏng vấn ông tôi đã bị sức hút từ con người đặc biệt ấy hấp dẫn, đến nỗi tôi tin ông là người có kiến thức uyên bác có thể giải quyết cho tôi bao điều về Việt Nam nhất là trong thế giới của Hà Nội, nơi ông sống cả đời và làm việc không hề mệt mỏi cho tới ngày nhắm mắt. Hai ngày trước đọc một bài viết ngắn của Đoan Trang về “cái ôm cuối cùng” với ông, tôi biết rằng ngày ra đi của ông đã tới nhưng không đủ can đảm gọi cho ông, bởi tôi sợ ông mệt trong cơn bạo bệnh và một nỗi sợ khác âm ỉ nhưng mãnh liệt hơn khiến tôi không đành lòng bấm nút, tôi sợ sẽ khóc và làm ông khóc theo như đã từng xảy ra nhiều năm trước, bởi tôi biết ông rất quý tôi qua thời gian tôi và ông chia sẻ những điều mà cho tới nay tôi tự hỏi không biết có ai thay thế được ông trong cuốn sách đời của lòng tôi hay không. Tôi có duyên lắm mới nghe được giọng nói sang sảng hào phóng của ông qua nhiều lần trò chuyện trước các vấn đề buốt nhức của nước nhà. Từ trăn trở lẫn khó khăn khi làm Cánh Buồm, tới những bài viết, dịch của ông trên trang Bauxite. Ông trẻ lắm trong lời ăn tiếng nói mà còn trẻ cả ở nhân sinh quan, cung cách sống và quan niệm về giới tính. Với ai ông cũng mở lòng ra mà trò chuyện vì chỉ như vậy ông mới nhìn thấy chính mình. Nhà giáo Phạm Toàn được người chung quanh quý trọng không phải ở khả năng thuyết phục mà ở sự minh mẫn lồ lộ trong từng giọng cười cho tới từng cái siết tay thân thiện. Có lần gọi về cho ông chỉ để hỏi thăm tình trạng của trang Bauxite, ông im lặng một chốc rồi hỏi tôi: Thế cậu có ý kiến gì giúp cho nó mạnh hơn lên hay không? Tôi cũng bất ngờ và hỏi lại: Nó đang mạnh như thế còn gì? Ông cười lớn: chưa đủ mạnh để công an tránh xa. Làm Cánh Buồm việc quan trọng nhất là kinh phí cho các bạn trẻ trong nhóm. May mắn cho ông là có khá nhiều mạnh thường quân ở nhiều nước gửi về giúp đỡ, nhưng những đồng tiền nhận được vẫn không đủ trang trải. Ông thường xuyên lặn lội vào Nam nhằm kiếm thêm mạnh thường quân nhưng không may, Sài Gòn tỏ ra không mặn mà lắm với chương trình mà Cánh Buồm khởi xướng ngoại trừ những người bạn thân của ông. Ông không buồn chút nào khi nói với tôi ông sẽ lại vào giới thiệu Cánh Buồm nữa cho tới khi nào “vỡ ra” mới thôi. Ông sống một cuộc đời giản dị và khiêm tốn mặc dù cuộc sống dành cho ông khá nhiều cảm tình. Dưới mắt ông đồng tiền không là gì cả mặc dù thu nhập của ông khó ai đoán được từ nguồn nào. Tôi nhớ như in khi ông nhắn tin cho tôi bảo gọi ông gấp có chuyện quan trọng, khi gọi được thì ông cho biết: lâu quá không nghe mày gọi nên… nhớ, vậy thôi. Thay vì bực mình, tôi xúc động như người say rượu. Tôi biết ông quý tôi mặc dù chưa hề gặp nhau. Lần tôi về Hà Nội gần nhất có yêu cầu Phạm Xuân Nguyên dẫn tôi tới thăm ông nhưng lúc ấy ông lại đi vắng, tiếc nhưng không còn cơ hội nào khác tôi chỉ biết e-mail nhắn tin cho ông vì không gọi được mặc dù đang ngồi tại Hồ Gươm. Lần duy nhất ấy vẫn làm tôi tiếc nuối không ôm được người mình yêu quý. Duyên với nhau chưa đủ để gặp mặt nhưng tôi và ông có những cuộc điện thoại dài nhiều tiếng đồng hồ bàn về những vấn đề hoặc ông hoặc tôi chăm chú. Khi tôi cần tìm hiểu về một vấn đề giáo dục hay văn hóa Hà Nội ông sẵn sàng ngồi hàng giờ tỉ mỉ cho tôi biết những gì đã xảy ra, và hơn thế ông còn đưa ra những kết quả hết sức thuyết phục về những gì ông suy đoán. Tuy nhiên chưa bao giờ tôi thấy ông tỏ vẻ tuyệt vọng về bất cứ vấn đề gì kể cả vần đề gai góc nhất khi ông gặp khó khăn lúc điều hành trang Bauxite. Lúc nào ông cũng cười thoải mái, không hề giả tạo hay gượng ép, nghe tiếng cười của ông người ta cảm thấy cuộc đời gần gũi và đáng sống hơn. Cũng trong tiếng cười ấy ông thường kể cho tôi nghe về những người an ninh có thời gian vây chung quanh ông đã bị tiếng cười làm cho họ bối rối ngần nào. Nếu Lão ngoan đồng trong tiểu thuyết của Kim Dung là có thật thì hình ảnh nụ cười của ông đáng được ghi nhận như một cốt cách, một tâm trạng thiện lương lúc nào cũng túc trực trong tâm hồn ông. 88 tuổi đáng được gọi là đại thọ cho những người bình thường nhưng với ông thì không đủ để ông làm việc. Căn nhà số 713 Lạc Long Quân tầng 7 Quận Tây Hồ Hà Nội từng chứa hàng ngàn nụ cười của ông giờ chắc nó sẽ nhớ như bạn bè thân quyến của ông từng chứng kiến. Tôi luôn cả tin rằng Phạm Toàn không bao giờ nuối tiếc cuộc đời này bởi ông thừa biết sống đến ngần ấy thời gian, chưa làm điều gì buồn lòng cho người khác ngược lại còn mang đến niềm kỳ vọng cho bao thế hệ qua bộ sách Cánh Buồm đã quá đủ cho một sĩ phu Bắc Hà mặc dù địa chỉ e-mail của ông là phamtoankhiemton. Mặc Lâm  
......

Việt Nam: nổi loạn trong sự độc đảng?

Nguyễn Hiền -  Việt Nam Thời Báo   Để tiệm cận với tinh thần dân chủ như Hong Kong, chúng ta cần phải trở thành một “quốc gia nổi loạn trong một biển của chế độ toàn trị” như cách TIME ví von. G-20 đang diễn ra, và Hong Kong trở thành “điểm áp lực tiềm năng” giữa Trung – Mỹ. Hai triệu người vào ngày 16 tháng Sáu đã minh chứng cho tinh thần Hong Kong, bảo vệ giá trị thuộc về người Hong Kong. Và cảnh tượng người Hong Kong “từ chối” trở thành một phần của hệ thống chính trị Bắc Kinh đã giáng một đòn nhục nhã vào ông Tập, người ngày càng coi mô hình Bắc Kinh là một sự thay thế khả thi cho nền dân chủ tự do phương Tây. Và cái gọi là “quyền lực mềm” của chính quyền Bắc Kinh cũng bị Hong Kong cho khai tử. Sự kiện xuống đường với hàng triệu người là một cuộc nổi loạn của chính người Hong Kong. Từ phong trào Dù Vàng, dường như người Hong Kong đã ghét sự tuân phục, và họ nhấn mạnh sự xứng đáng để hưởng được tự do và dân chủ, hô vang khẩu hiệu “Tự do cho Hong Kong”. Giới văn nghệ sĩ Hong Kong cũng nổi loạn, họ đi xuống đường, đồng hành cùng với người dân, và trong đó có cả ngôi sao điện ảnh từng làm nức lòng không ít thế hệ người Việt – Châu Nhuận Phát. Cựu Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Newt Gingrich đã ví sự kiện Hong Kong là chiến trường mới của Mỹ và Trung Quốc, nơi mà sự giằng co quyết liệt giữa một hệ đa số người dân chuộng tự do và dân chủ, ưa nổi loạn với một khuôn khổ ràng buộc, cùng với hệ thống chấm điểm tín dụng công dân. Người Hong Kong không ưa khuôn khổ, tuổi trẻ Hong Kong không thích hệ thống chấm điểm tín dụng công dân, và vì vậy họ đã xuống đường để thay đổi nó. Và những lá cờ thời Hong Kong còn là thuộc địa Anh Quốc vẫn phất phới trong các cuộc biểu tình. Dù nổi loạn, nhưng dân chủ sẽ không đến Hong Kong sớm, bởi sự siết chặt từ Bắc Kinh. Mất Hong Kong, sẽ chấm dứt vai trò chính trị của chính Đ ảng Cộng Sản Trung Quốc, mở đường cho các khu tự trị khác của Bắc Kinh tìm kiếm quyền tự chủ và độc lập, đưa Đài Loan nhanh trở thành một quốc gia độc lập. Nhưng những phong trào dân chủ ở Hong Kong sẽ giúp thúc đẩy cảm hứng dân chủ trong vùng đại lục, đưa tinh thần nổi loạn đến người dân Trung Quốc, và đến một lúc, khi một Thiên An Môn mới xuất hiện, làn sóng dân chủ tại Trung Quốc sẽ định hình sớm dân chủ tại Hong Kong. Một mối quan hệ tương hỗ Đối với Việt Nam, một quốc gia nằm phía nam Trung Quốc, cũng có những lý do để có thể nằm trong quỹ đạo chuyển động dân chủ. Việt Nam dường như hấp thu một phần tinh thần nổi loạn của Hong Kong trong những năm gần đây, khi những cụm từ từng xuất hiện trong thời kỳ đầu của Đảng Cộng Sản Việt Nam như “truyền đơn, biểu tình, lên tiếng, đòi người, bãi khóa” đã liên tục xuất hiện, cùng theo đó số lượng người dân bị lực lượng an ninh bắt giữ ngày càng tăng. Mặt khác, Việt Nam cũng hấp thụ một phần của chế độ Bắc Kinh, đó là một chế độ đã từng chứng minh có một hệ thống tự sửa lỗi. Ở một góc độ nào đó, cuộc cách mạng cải cách ruộng đất cho đến cải tạo tư sản, rồi đến đại hội đổi mới cho đến những thành tựu Internet đã cho thấy một kỳ vọng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đ ảng CSVN có thể tự thay đổi, và điều này đến từ bên trong gắn với chính sách tái cân bằng theo những hướng mới và tốt hơn. Việt Nam hiện tại, vẫn tăng trưởng nhanh chóng và có sự ổn định tương đối. Thế nhưng, như đã đề cập trên, có sự nổi loạn bên trong người dân, dường như sự ổn định tương đối không thể khắc phục được nhu cầu về chống nạn tham nhũng và hệ thống quan liêu. Nhiều người dân Việt Nam lôi cuốn vào các khía cạnh nổi loạn liên quan đến dân chủ, đất đai, chủ quyền quốc gia, và cả lao động. Những cuộc biểu tình, bãi khóa liên tục xuất hiện, những tranh chấp đất đai với quyết tâm dùng cả tính mạng để giữ đất của người nông dân liên tục diễn ra, tại thành thị nhu cầu giữ cây xanh, bảo vệ biển nước trước ô nhiễm nhà máy cũng đã thu hút nhiều người, với nhiều tầng lớp kinh tế, trong đó có cả tầng lớp trung và thượng lưu. Mâu thuẫn giữa nông dân với nhà đầu tư; người dân với chính quyền địa phương và trung ương tiếp tục tồn tại và diễn biến đầy phức tạp. Trong khi đó, một bộ phận đảng viên Đảng CSVN đã xuất hiện quan điểm về đa nguyên chính trị, xã hội dân sự đến mức Đảng CSVN buộc phải ban hành Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Sự ổn định chính trị tương đối sẽ sớm kết thúc, khi mà kế hoạch kế nhiệm về nhân sự đang gặp vấn đề liên quan đến tham nhũng, và khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì nổi loạn sẽ xuất hiện không chỉ ở người dân, mà cả bên trong bộ máy chính trị Việt Nam. Không còn lựa chọn nào khác, nổi loạn sẽ tất yếu, và khi đó, Việt Nam sẽ là biểu tượng kết hợp, một Hong Kong nổi loạn trong lòng độc tài Bắc Kinh, hay một Việt Nam nổi loạn trong thể chế độc đảng Hà Nội. Nguyễn Hiền -  Việt Nam Thời Báo  
......

Tuyên bố phản đối ngược đãi tù nhân

TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH VẬN ĐỘNG CHỮ KÝ PHẢN ĐỐI NGƯỢC ĐÃI TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM Thưa các bạn, sau 10 ngày vận động, kêu gọi, chúng ta đã có hơn 1100 người Việt khắp nơi, thuộc nhiều thành phần, nhiều ngành nghề đồng thuận ký tên trong bản tuyên bố phản đối ngược đãi tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Đây là một minh chứng của tình yêu người với người. Không một chính quyền nào, cho dù ác độc tàn bạo đến đâu, có thể giết chết tình yêu thương giữa người và người, càng không thể bịt miệng người công chính. Có một số anh chị em tỏ ra xót lòng vì cho rằng con số chỉ hơn ngàn người ký tên là vẫn quá ít so với tổng số dân. Đúng. Nhưng chúng ta vui mừng không vì con số mà là có rất nhiều người dân bình thường, người bán vé số, nhân viên hành chính, nội trợ ... đã tham gia ký tên vào một bản tuyên bố phản đối ngược đãi tù nhân lương tâm- việc mà trước đây chỉ có một số ít người tham gia hoạt động quan tâm. Chúng ta tin rằng tiếng nói của chúng ta có giá trị đóng góp vào việc đấu tranh của những người tù nhân lương tâm đang tuyệt thực trong tù lên đến ngày thứ 28 và sẽ thay đổi được tình hình tồi tệ mà các tù nhân lương tâm đã và đang phải chịu đựng trong các nhà tù. Chúng ta tin rằng, với sự công chính trong tim, chúng ta sẽ luôn lên tiếng phản đối trước bất công, bạo ngược và bảo vệ người công chính. Ban soạn thảo chân thành cảm ơn anh chị em đã tham gia ký tên, kêu gọi, vận động, chia sẻ thông tin và ủng hộ ý kiến cải tiến. Nếu có sót tên chúng tôi thành thật xin lỗi và xin quý vị báo gấp để bổ sung. ( Nga Thi Bich Nguyen viết) Danh sách tiếp theo cuối cùng từ 7AM đến 12 giờ trưa nay 8.7.2019 1066. Nguyễn Văn Đề, kỹ sư cơ khí, Thanh Trì - Hà Nội 1067. Nguyễn Điểu, nghề tự do, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. 1068. Vũ văn Huy, nghề tự do, Tiên Du,Bắc Ninh. 1069. Nguyễn Hoàng Duy Phương, Dialysis Tech, Lawrenceville, Georgia, U.S 1070. Mai Toan Hao, dich thuat,, Saigon 1071. Dong Ngoc Yen Nhi, sinh viên, THAILAND 1072.Trần Thị Hoan. Kinh doanh tự do. S 1073. Nguyễn Kim Luân, Bruxelles - Belgique . 1074. Lê Hồng Thắng, công nhân. Tp Huế. 1075. Châu Trần , nghề tự do, Oslo, Na Uy. 1076. Lê Diễn , họa sĩ, An khê, Thanh Khê Đà nẵng. 1077. Nguyễn Huy Đĩnh, hưu trí, Cái Bè, Tiền Giang 1078. Nguyễn Minh Hoàng,làm tự do, Phú Mỹ, Bà Rịa Vũng Tàu 1079 . Vũ Văn Hệ , Diễn Châu , Nghệ An. 1080. Phạm Phú Ngọc , Tân phú, tpHCM . 1081.Lê Tú Văn, xây dựng, Sài Gòn 1082. Lê Thị Ngọc Đa, nông dân, dân oan tỉnh Long An. 1083. Phạm Văn Hòa, công nhân, Biên Hòa, Đồng Nai. 1084. Phan Văn Cho, giáo viên hưu trí, GiaLai. 1085. Cici Do, I.T. Huntington Beach, CA California, USA 1086. Đỗ Đình Tú, công nhân, Cẩm Phả, Quảng Ninh. 1087. Nguyễn Văn Trí , Nghi lộc , Nghệ An 1088. Cao Thị Kim Tuyết. Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Nguyễn Văn Trí , Nghi lộc , Nghệ An 1089. Phạm Vân Sơn, hưu trí, Thanh Khê Đà nẵng 1090. Nguyễn Văn Hòa, Yên Thành Nghệ An 1091. Nguyễn Thế Hùng, kinh doanh, Mississauga, Ontario, Canada 1092. Trương Thị Ly Sa , Giảng viên, Huế 1093. Lê Mạnh Năm, hưu trí, Hà Nội 1094. Vi Nhân Nghĩa, Uông Bí - Quảng Ninh 1995. Quang Sang Le, Québec, Canada. 1096. Vi Nhân Nghĩa, Uông Bí - Quảng Ninh - Việt Nam 1097. Nguyễn tuyết Loan, Đầu bếp, Mississauga, Ontario, Canada 1098. Ngô Lê Hồng Diệp , Chemist, Garden Grove, CA, USA 1099. Vĩnh Thảo, nhân viên văn phòng, Quận 1, Saigon 1100 . Dominc Lee, hưu trí, Melbourne, Australia. 1101. Võ Văn Hiếu, nhân viên IT, Quận 7, Sài Gòn 1102. Phan Tư Thiện, nông dân, huyện Dương Minh Châu , Tây Ninh. 1103. Nguyễn Thị Thanh Hải, kế toán, Q9, Sài Gòn 1104. Nguyễn Đức Giang , dân oan kỳ cựu 10 năm, Dương Nội - Hà Đông - Hà Nội. 1105. Anne Công Huyền Ph.D. of Literature (Post Doctorate) Univercity of Michigan.USA. 1106. Nguyễn Hữu Bảng, công chức hồi hưu, Montreal, Canada. 1107. Lê thị Hồng Nhung, comptable, Montreal, Canada. 1108. Nguyễn Xuân Việt, Kỹ sư phần mềm, Hoài Đức, Hà Nội 1109. Nguyễn Văn Diệp, lao động tự do, Quảng Ngãi 1110. Hoàng Minh Đề, Kỹ Sư Điện, Thăng Bình - Quảng Nam 1111. Hoà Nguyễn ,công nhân, Ga,Atlanta. 1112. Phạm Minh Tuấn, Long Biên -Hà Nội. 1113. Võ Thanh Tâm, tài xế xe tải. Australia 1114. Nguyễn Văn Thịnh, nhân viên phòng hành chính , q7 , Sài Gòn. 1115. Ngô Thúy Vân, nhân viên xã hội, Praha, CH Séc. 1116. Lương Như Lân , công nhân, Dī An Bình Dương. 1117. Trần văn Danh. Xây dựng. Bình dương. 1118. Phạm Thị Hoàng Hoa, nhân viên, quận 7 1119.Phạm Kim Dung, lao động tự do, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội. 1120.Trần Đức Thắng, buôn bán, Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu 1121.Lê Văn Lịch, kinh doanh tự do, Gò Vấp tphcm 1122.Nguyễn Quang Thành, lao động, Nagoya, Aichi, Japan. 1123.Hàn Chung Tú, nhân viên IT, Quận 10, Tp. HCM 1124. Nguyễn Văn Nam, nghề tự do, Lạng Giang Bắc Giang. 1125. Nguyen Mai Ngoc Linh, thanh tra kỹ thuật, Paris, Phap 1126. Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên, quận 6, Tp.HCM 1127. Mai thế Khương, hưu trí, Santa Ana , California 1128.Lê Văn Chính, Nông dân,Đà Lạt, Lâm Đồng 1129.Trần Huy Cường, Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội 1130.Nguyễn Chí Tuyến, blogger tự do, Hà Nội, 1131. Nguyễn Văn Tâm, giáo viên, Sài Gòn. 1132. Nguyễn Thị Hà Liễu, hưu trí, Nouvelle- Aquitaine, PHÁP. 1133. Trần Thị Kim Thoa , nội trợ, Australia 1134. Đặng quang vinh, nhân viên bán hàng, Mannheim Đức 1135.Uông Thị Mỹ Lệ, Controllerin, Hamburg, Germany 1136.Nguyễn Thi Thu Hiền, nghề nghiệp tự do, Long Biên, Hanoi . 1137. Nguyễn Đình Khôn, mua bán phụ tùng sửa xe máy, Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Link tuyên bố và danh sách : https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2245492705506346&id=100001369149213 Blog Nguyễn Tường Thụy Những tổ chức xã hội dân sự, và cá nhân đồng ý ký tên, xin gửi họ tên, nghề nghiệp, chức vụ nếu có, nơi cư trú hoăc làm việc về địa chỉ Email: [email protected]   Sự việc Ngày 26 tháng Sáu, 2019, tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Văn Túc được gặp gỡ với vợ ông và hai em ông đi thăm. Bà Bùi Thị Rề vợ TNLT Nguyễn Văn Túc kể lại:“Anh Nguyễn Văn Túc cho biết anh cùng một số anh em TNLT đã và đang tuyệt thực đến nay là ngày thứ 16 để phản đối Trại giam số 6 không cấp quạt khi thời tiết rất nóng –trên 42 độ C–, nhìn Anh rất yếu”. Bà Bùi Thị Rề cho biết: “…Anh có dặn tôi, thôi thì anh ở trong này thời tiết khắc nghiệt sống chết không biết ra sao, còn mẹ già rồi thì các em phải thay mặt anh trông nom mẹ, còn anh không chắc có sống đươc mà về với mẹ và các anh em con cháu không, tôi nghe anh nói mà lòng đau thắt lại..” Cùng ngày 26 tháng Sáu, 2019, ký giả Trương Minh Đức điện về cho vợ là bà Nguyễn Thị Kim Thanh cũng nói bản thân ông, ký giả Trương Minh Đức, thầy giáo Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Túc và tù nhân Trần Phi Dũng (vụ án Bia Sơn) đang tuyệt thực đến ngày thứ 16 phản đối Trại 6, Nghệ An ngược đãi TNLT. (Báo Tuổi trẻ ngày 26 và 27 tháng Sáu, 2019 báo động có đợt áp thấp nóng từ đầu tháng sáu, nhiều nơi ở miền Bắc, miền Trung nhiệt độ lên 39-42 độ C…đã có ba người hôn mê cấp cứu ở Bệnh viện 108). Trước đó, ngày 20 tháng Sáu, tại buổi thăm gặp ở Trại 6, Nghệ An, ký giả Trương Minh Đức nói với bà Nguyễn Thị Kim Thanh rằng một số TNLT đã tuyệt thực 10 ngày qua để phản đối trại giam tháo hết quạt điện trong thời tiết mùa hè nóng bức khắt nghiệt lên trên 42 độ C. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh kể trên Facebook ký giả Trương Minh Đức rất yếu, đi không vững, chỉ chực chúi xuống đất, nói không ra hơi và mắt không mở nổi. Ngày 23 tháng Sáu, bà Nguyễn Thị Kim Thanh đã gửi đơn khiếu nại qua đường bưu điện đến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện Kiểm sát Nhân dân Nghệ An cùng Ban Giám thị Trại giam số 6, Nghê An để yêu cầu xem xét tình trạng đơn khiếu nại của một số tù nhân chính trị, và tôn giáo trong đó có chồng bà về việc Trại giam số 6 tháo gỡ quạt điện mà không được trại giam giải quyết, đến mức phải tuyệt thực để phản đối, đến nay chưa được phản hồi giải quyết. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải từng bị giam giữ ở cả hai Phân trại K1 và K2 tại Trại giam số 6, Nghệ An mô tả lại thời tiết mùa hè ở các phân trại tù này như sau: “Trại giam ở K1 được xây tường bằng đá hộc và gạch đặc dày những 30 phân. Tường của trại giam này thấp và bên trên lợp mái tôn. Đặc biệt, Trại giam K1 lại được xây theo kiểu bát úp, là ngay trên sát trần không có khe thông gió, cho nên hơi nóng cứ lẩn quẩn bên trong mà cái nắng của miền Trung, ở Nghệ An thì nóng khủng khiếp lắm. Đã nắng nóng rồi, nhưng trong không khí còn có gió Lào thổi qua rất nóng và khô rát, thổi vào da thịt là khô quắt luôn. Cây lá ở bên ngoài buồng giam đều bị héo. Có những ngày nắng từ sáng đến trưa thôi mà cây ớt trồng ở sân trại có nửa phần lá và trái tiếp xúc với ánh nắng bị bạc trắng, héo queo, tàn tạ. Bức tường nhà giam bị nắng nung lên như thế thì thường anh em dội nước lên sàn nằm xi-măng lênh láng để làm nguội bớt và khi đó nước nóng như ở trong phòng xông hơi. Ở buồng giam số 1, K1 trại 6, nơi tôi đã ở qua và hiện nay nhốt anh Trần Huỳnh Duy Thức, nằm về hướng Tây và ngay ở đầu hồi mà khi bị nắng chiếu vào đến mức có lúc phải đổ nước cả bên trong bên bên ngoài tường. Nhưng lúc đổ nước như thế thì nước sủi bọt như nước đang sôi. Còn K2, tường thì thấp, mái tôn như thế nhưng dãy nhà đó trên triền đồi trơ trọi và mùa hè cực kỳ nóng vì không có cây cối nào xung quanh cả. Vả lại, trong phòng chỉ có một cái quạt giống như cái quạt gắn trên trần của toa xe lửa, cứ quay đảo đảo, thế mà cái quạt này cũng bị lấy luôn thì anh em chịu sao nổi?” (RFA) Trong tháng trước, khi TNLT Nguyễn Văn Hóa ở Trại giam An Điềm, Quảng Nam bị tra tấn, bị biệt giam, bị ngược đãi trong tù,thì một số tù nhân chính trị và tôn giáo ở cùng trại giam An Điềm gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động cũng đã tuyệt thực trong nhiều ngày để phản đối Trại giam An Điềm (tháng 5, 2019). Vào giữa tháng Sáu, 2019 khi gia đình các TNLT đi thăm gặp TNLT ở Trại giam Hà Nam đã cho truyền thông biết các TNLT Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Lê Đình Lượng, Lê Thanh Tùng cũng bị kỷ luật, bị ngược đãi, bị cùm, bị biệt giam chỉ vì họ gặp nhau thảo luận viết đơn khiếu nại Trại giam Nam Hà đòi quyền lợi chính đáng cho TNLT. Nhận định Rõ ràng vụ tháo quạt tại phòng giam TNLT đúng vào mùa nắng nóng trên 42 độ C ở Trại giam số 6 Nghệ An; vụ đánh đập tù nhân và biệt giam tù nhân Nguyễn Văn Hóa ở Trại giam An Điềm, Quảng Nam; vụ cùm biệt giam TNLT Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Lê Đình Lượng, Nguyễn Thanh Tùng chỉ vì họ gặp nhau lúc lao động thảo luận khiếu nại đòi quyền lợi chính đáng của tù nhân ở Trại giam Hà Nam là những hành vi ngược đãi, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo với TNLT của các Trại giam có tên trên. Cán bộ Giám thị các Trại giam trên đã vi phạm Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký kết. Căn cứ vào Điều 12, Điều 13 Công ước Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc: “Điều 12. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình sẽ tiến hành điều tra khẩn trương và khách quan mỗi khi có cơ sở hợp lý để tin rằng việc tra tấn đã xảy ra trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình. Điều 13. Mỗi quốc gia thành viên phải bảo đảm rằng bất kỳ cá nhân nào cho rằng họ bị tra tấn trên lãnh thổ thuộc quyền tài phán của mình đều có quyền khiếu nại với cơ quan có thẩm quyền của nước đó, và và được những cơ quan này xem xét một cách khẩn trương và khách quan. Quốc gia đó cũng phải thực hiện các biện pháp để bảo đảm rằng người khiếu nại và nhân chứng được bảo vệ tránh sự ngược đãi hay hăm doạ vì như là hậu quả của việc khiếu nại hoặc cung cấp bằng chứng.” Tuyên bố Từ các sự việc, nhận định với căn cứ trên chúng tôi những Tổ chức và cá nhân ký tên dưới đây TUYÊN BỐ PHẢN ĐỐI NGƯỢC ĐÃI TÙ NHÂN (bao gồm TNLT), và yêu cầu các ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Thủ tướng Chính phủ, ông Chủ tịch nước và bà Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: 1. Ra lệnh chấm dứt ngay lập tức các hành vi ngược đãi Tù nhân bao gồm TNLT ở tất cả các Trại giam trên phạm vi toàn nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt là Trại giam số 6 Nghệ An và một số trại giam nêu trên. 2. Khẩn trương cử phái đoàn đến các trại giam nêu trên để thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kỷ luật, hoặc truy tố những cán bộ trại giam vi phạm Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký kết. Chúng tôi cũng kêu gọi các Tổ chức Quốc tế, các nước trên thế giới lên tiếng và có những biện pháp thích hợp với nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi Công ước Chống tra tấn như đã ký kết. Làm tại Sài Gòn, ngày 28 tháng Sáu, 2019 Những tổ chức xã hội dân sự, và cá nhân đồng ý ký tên, xin gửi họ tên, nghề nghiệp, chức vụ nếu có, nơi cư trú hoăc làm việc về địa chỉ Email: [email protected] (Văn bản này sẽ thu thập chữ ký trong vòng 10 ngày, đưa công khai trên truyền thông, sau đó sẽ gửi tới các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, và các tổ chức quốc tế…) Tổ chức 1. Nhóm Vì Môi Trường. Đại diên: bà Nguyễn Thị Bích Ngà, nhà báo tự do, SG 2. Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD). Đại diện: Vũ Quốc Ngữ, Ths – giám đốc 3. Phong trào Liên đới Dân oan. Đại diện: bà Trần Ngọc Anh, BR-VT 4. Hội thánh Mennonite Cộng đồng. Đại diện : Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng 5. Hội Dân oan ba Miền (Dân oan Việt Nam). Đại diện: ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chủ tịch Hội 6. Hội Anh Em Dân Chủ. Đại diện, Ls Nguyễn Văn Đài Cá nhân 1. Nguyễn Đại, kỹ sư XD, Sài Gòn 2. Võ Hồng Ly, nhân viên văn phòng, Q2, Sài Gòn 3. Trần Phương, kinh doanh tự do, Sài Gòn 4. Lê Bảo Nhi, nhà báo tự do, Sài Gòn 5. Hoàng Dũng, P.GS Ngôn ngữ học, Sài Gòn 6. Hoàng Hưng, nhà báo- nhà thơ, Sài Gòn 7. Kha Lương Ngãi, nhà báo, TV CLB LHĐ, Sài Gòn 8. Tuấn Khanh, nhạc sỹ, Sài Gòn 9. Nguyễn Tấn, kinh doanh tự do, Sài Gòn 10. Ngô Thị Thứ, giáo viên hưu trí, Q. Thủ Đức, Sài Gòn 11. Nguyễn Duy Tân, Lm Giáo phận Xuân Lộc, Đồng Nai 12. Nguyễn Vũ Bình, nhà báo, cựu TNLT, Hà Nội 13. Nguyễn Văn Đài, luật sư, cựu TNLT, CHLB Đức 14. Vũ Quốc Ngữ, Ths- giám đốc Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) 15. Nguyễn Thị Kim Chi, NSUT, TV CLB LHĐ, Sài Gòn 16. Võ Văn Tạo, nhà báo, Nha Trang 17. Nguyễn Văn Hải, Blogger Điếu Cày, cựu TNLT, sống tại Hoa Kỳ 18. Trần Bang, kỹ sư MXD, TV CLB LHĐ, Sài Gòn 19. Nguyễn Mạnh Hùng, Mục sư Tinh Lành, Thủ Đức, SG 20. Huỳnh Ngọc Chênh, nhà báo, Hà Nội 21. Nguyễn Thúy Hạnh, nhà hoạt động xã hội, Quỹ 50k 22. Hoàng Hà, giáo viên hưu trí, Hà Nội 23. Nguyễn Thanh Loan, giáo viên tự do, Sài Gòn 24. Trịnh Toàn, kinh doanh tự do, Sài Gòn 25. Nguyễn Thị Bích Ngà, nhà báo tự do, Sài Gòn 26. Ngô Thị Hồng Lâm, nghiên cứu viên về hưu, BR-VT 27. Nguyễn Thị Thương Huyền, lao động tự do, Q. Gò Vấp, SG 28. Cấn Thị Thêu, dân oan Dương Nội, cựu TNLT, HN 29. Trịnh Bá Phương, kinh doanh tự do, Dương Nội, HN 30. Trịnh Bá Tư, kinh doanh tự do, Dương Nội, HN 31. Trịnh Bá Khiêm, cựu TNLT, Dương Nội, HN 32. Chu Vĩnh Hải, nhà báo độc lập, TP Vũng Tàu, BR-VT 33. Phạm Nguyên Trường, dịch giả, TP Vũng Tàu, BR-VT 34. JB Nguyễn Hữu Vinh, nhà báo độc lập, Hà Nội 35. Nguyễn Đăng Vũ, kinh doanh tự do, Sài Gòn 36. Nguyễn Trường Chinh, dân oan, Kim Thành, Hải Dương 37. Lê Thăng Long, doanh nhân, cựu TNLT, Sài Gòn 38. Trịnh Đình Hòa, hưu trí, Hà Nội 39. Nguyễn Thị Tâm, dân oan, Dương Nội, Hà Đông 40. Đặng Bích Phượng, hưu trí, Hà Nội 41. Nguyễn Thị Hiền, nội trợ, TP Vũng Tàu, BR-VT 42. Nguyễn Thị Minh Hương, thợ may, Củ Chi, Sài Gòn 43. Phan Đắc Lữ, nhà thơ, TV CLB LHĐ, Sài Gòn 44. Nguyễn Mê Linh, hưu trí, Q2, Sài Gòn 45. Bùi Nghệ, hưu trí, Q. Tân Bình, Sài Gòn 46. Lê Xuân Trúc, lao động tự do, Bình Thuận 47. Lê Ngọc Thanh, Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế, SG 48. Dương Kim Khải, Mục sư Tin Lành, cựu TNLT, SG 49. Nguyễn Công Thanh, lao động tự do, Hòa Hưng, Q10, SG 50. Nguyễn Đình Ấm, nhà báo, Q.Long Biên, Hà Nội 51. Thùy Linh, nhà văn, Hà Nội 52. Trần Minh Thảo, viết văn, Bảo Lộc, Lâm Đồng 53. Phạm Ngọc Minh, kiến trúc sư, Hà Nội 54. Nguyễn Nghiêm, thợ hớt tóc, TP Hòa Bình, Hòa Bình 55. Trần Vũ Anh Bình, nhạc sĩ, cựu TNLT, Q.3, Saì Gòn 56. Đỗ Tuấn Anh, lao động tự do, Bắc Giang 57. Phan Ngọc Bửu Châu, nấu ăn, Hiệp Thành, Bạc Liêu 58. Ngô Kim Hoa ( Sương Quỳnh), nhà báo tự do, Sài Gòn 59. Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, Sài Gòn 60. Đỗ Việt Khoa, giáo viên chống gia lận thi cử, Hà Nội 61. Nguyễn Đăng Hưng, Giáo sư Danh dự ĐH Liège, sống ở Sài Gòn 62. Đặng Đăng Phước, giáo viên, Đăk Lăk 63. Nguyễn Tiến Dân, nhà giáo, Hà Nội 64. Bạch Ngọc Quý, kinh doanh tự do, Hà Nội 65. Nguyễn Tường Thụy, nhà báo Độc lập, Hà Nội 66. Đỗ Mạnh Tiến, người Việt, quốc tịch Tân Tây Lan 67. Nguyễn Viễn, cử nhân kinh tế, kinh doanh tự do, Hà Nội 68. Ngô Ngọc Hân, kỹ sư hưu trí, Q. Bình Thạnh, TPHCM 69. Nguyễn Quang Hòa, nghệ sỹ xăm hình nghệ thuật, TP Vinh, Nghệ An 70. Trần Bích, giáo viên, Đồng Phú, Bình Phước 71. Nguyễn Văn Lịch,cựu lính xe tăng, Q. Đống Đa,Hà Nội 72. Nguyễn Thiết Thạch, lao động tự do, TPHCM 73. Đoàn Thị Thu Tâm, công chức hưu trí, TP Biên Hòa, Đồng Nai 74. Nguyễn Quang A, TS nhà nghiên cứu - dịch giả, Hà Nội 75. Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu, Trung Tâm Minh Triết, Hà Nội 76. Nguyễn Ngọc Lanh, GS NGND, Hà Nội 77. Nguyễn Lai, cựu giáo viên, TP Nha Trang, Khánh Hòa 78. Phạm Anh Tuấn, dịch giả, Hà Nội 79. Nguyễn Tuấn Anh, cựu Sỹ quan chống TC, TP Việt Trì, Phú Thọ 80. Hồ Ngọc Nhuận, nguyên UVMTTQ VN, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TPHCM 81. Đào Công Tiến, PGS TS, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKT TPHCM 82. Nguyễn Thị Hà, kinh doanh tự do, TX Từ Sơn, Bắc Ninh 83. Uông Đình Đức, kỹ sư cơ khí, Q.1, TPHCM 84. Bùi Minh Chính, hiện cư trú tại Liên bang Thụy Sĩ 85. Nguyễn Hương Lan, lao động tự do, Hà Nội 86. Trần Hùng, công nhân xây dựng, TP Rạch Giá, Kiên Giang 87. Bùi Minh Quốc, nhà thơ - nhà báo, TP Đà Lạt, Lâm Đồng 88. Nguyên Ngọc, nhà văn, Hội An (cập nhật 29/6/2019) 89. Nguyễn Sĩ Ninh, thợ sửa ống nước, Hải Phòng 90. Nguyễn Huy Cảnh, lao động tự do, Q.9, Sài Gòn 91. Lư Văn Bảy, cựu TNLT, Kiên Giang 92. Nghê Lữ, nhà báo, San Jose Hoa Kỳ 93. Tô Lê Sơn, thành viên CLB Lê Hiếu Đằng, SG 94. Trần Đăng Quang, lao động tự do, Hà Nam 95. Nguyễn Trọng Bách, kỹ sư, Nam Định 96. Trần Minh Quốc, nhà giáo hưu trí, Sài Gòn 97. Nguyễn Phú Yên, nhà văn, Thủ Đức, Sài Gòn 98. Tương Lai, GS, nguyên Viện trưởng Viện Xã Hội Học VN 99. Lê Công Giàu, Phong trào HSSV trước 1975, hưu trí tại TPHCM 100. Nguyễn Thanh Trúc, lao động tự do, Sài Gòn 101. Huỳnh Thị Kim Nga (Vợ TNLT Dũng- Biển Mặn), buôn bán, TP Buôn Mê Thuột, Đăklak 102. Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội trí thức yêu nước TPHCM 103. Võ văn Thôn, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp tp HCM 104. Nguyễn Văn Kết, nguyên thư ký của Bộ trưởng Mai Chí Thọ 105. Phạm Quốc Hưng, kinh doanh tự do, TP Biên Hoà, Đồng Nai 106. Trần Đức Thạch, nhà thơ, cựu TNLT, Nghệ An 107. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, nội trợ, Tampere Phần Lan 108. Vũ Thị Kim Chi, nhân viên VP, Đồng Nai 109. Trần Văn Huỳnh (cha của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức ởTrại giam 6, Nghệ An), công chức hưu trí, Sài Gòn 110. Nguyễn Xuân Lượng, nhân viên văn phòng, Hà Nội 111. Phùng Quỳnh Thư, hưu trí, Sài Gòn 112. Song Lộc, giáo viên, TPHCM 113. Lưu Chí Kháng, lao động tự do, Yên Thành, Nghệ An 114. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, doanh nhân tự do, Hà Nội 115. Ngô Thị Quyên, biên tập viên, Bà Rịa Vũng Tàu 116. Danh Đức Kiên, lao động tự do, Q. Cầu Giấy, Hà Nội 117. Phan Văn Minh Tiến, sinh viên, Hà Nội 118. Lê Đính Kim Thoa, vợ của TNLT Trần Huỳnh Duy Thức, Sài Gòn 119. Triệu Mây, nhạc sĩ Du Ca Việt Nam- Sài Gòn, SG 120. Trương Văn Dũng, nhà hoạt động xã hội, Hà Nội 121. Vi Đức Hồi, cựu GĐ trường đảng Hữu Lũng, cựu TNLT, Lạng Sơn 122. Trương Văn Kim, dân oan, cựu TNLT, Di Linh, Lâm Đồng 123. Lê Thị Vân, dân oan Đồng Linh, Hải Phòng 124. Phùng Văn Phụng, giáo viên, hưu trí, Houston Texas, Hoa Kỳ 125. Phan văn Phong, cử nhân Tài chính, Hoàn Kiếm, Hà Nội 126. Nguyễn Xuân Châu, y tá, USA 127. Võ Thị Bạch Nga, công nhân, Melbourne, Australia 128. Trịnh Thu Tâm, hưu trí, P.Tân Kiểng, Q.7, TPHCM 129. Ngô Văn Hiền, kỹ sư xây dựng, Sài Gòn 130. Trần Thị Thảo, giáo viên nghỉ hưu, Hà Nội 131. Lê Hùng Mạnh, hưu trí, TP Biên Hòa, Đồng Nai 132. Phan Thị Châu, cựu phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, Q.2,TPHCM 133. Phùng Thị Ly, dân oan Thạnh Hóa, Long An 134. Nguyễn Văn Thanh, cử nhân kinh tế, Q.12, Sài Gòn 135. Lê Thúy Bảo Liên, nhà báo, TP Trà Vinh, Trà Vinh 136. Phạm Thành, nhà văn- nhà báo, Hà Nội 137. Nguyễn Tuyết Lan, hưu trí, TP Nha Trang, Khánh Hòa 138. Phạm Xuân Yêm, GS Đại học Paris Sorbonne, Pháp 139. Nguyễn Cường, tư vấn và môi giới Bất động sản, Praha, CH Séc 140. Đoàn Hòa, phiên dịch, Cộng Hòa Séc 141. Trịnh Thuỳ Mai, doanh nhân - Thuỵ Điển 142. Nguyễn Mạnh Khoa, doanh nhân - Thuỵ Điển 143. Trương Lê Khanh, lao động, Q.Tân Phú, TPHCM 144. Đỗ thị Ngọc Anh , Bạch đằng , Q Hai bà trưng , Hà nội 145. Hồ Văn Huy, kinh doanh tự do, Quỳnh Lưu, Nghệ An 146. Kiet Nguyen, công nhân, USA 147. Nguyễn Quang Vinh, Sĩ quan quân đội nghỉ hưu, Đội Cấn, Hà Nội 148. Chu Thị Thanh Nga, nhân viên văn phòng, Q.Từ Liêm, Hà Nội 149. Tuan Truong, Machinist, Garden Grove, USA 150. Vũ Văn Hùng, cựu tù chính trị, Hà Nội 151. Trần Văn Toàn, P.Trung Hoà, Q.Cầu Giấy, Hà Nội 152. Ngô Thái Hưng, kỹ sư, Cty CP Kỹ thuật công trình Việt Nam, Hà Nội 153. Phạm Thanh Nghiên, blogger, cựu TNLT, Sài Gòn 154. Huỳnh Anh Tú, blogger, cựu TNCT, Sài Gòn 155. Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội 156. Nguyễn Thiện Nhân, kế toán, Bình Dương 157. Hoa Nguyen, kỹ sư, Florida USA 158. Nguyễn Hoài Thu, lao động tự do, Tân Kỳ, Nghệ An 159. Nguyễn Văn Hùng, Linh mục tại BaDe Dist, Taoyuan city. Taiwan 160. Angelina Trang Huynh, Washington D.C, Hoa Kỳ 161. Đinh Đức Long, tiến sĩ, bác sĩ, Sài Gòn 162. Huỳnh Thu Thanh, kỹ sư đài THTP, giáo viên Anh ngữ, TPHCM 163. Huỳnh Thục Vy, Buôn Hồ, Đăklak 164. Thanh Tam Nguyen, Portland, Hoa Kỳ 165. Nguyễn Đan Quế, BS cựu GĐ Khoa Nội, BV Chợ Rẫy, Cựu TNLT, SG 166. Hứa Văn Tài, thợ điện, Đà Nẵng 167. Nguyễn Thị Khánh Trâm, hưu trí, TPHCM 168. Đàm Ngọc Tuyên, nhà báo tự do, Quảng Ngãi 169. Trần Thị Hoan, cựu giảng viên ĐH, TPHCM 170. Nga Lê, Montreal QC Canada 171. Vũ Văn Hoà hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ 172. André Menras Hồ Cương Quyết, cựu TNCT chế độ cũ, Nhà giáo Pháp Việt 173. Lại Đình Huy, lao động tự do, Sài Gòn 174. Đặng Văn Tiến, kỹ thuật viên điện ảnh, Sài Gòn 175. Hoàng Văn Ứng, cựu chiến binh, TP Hải Dương 176. Bùi Thị Mình Trâm, nội trợ, Q.Gò Vấp, TPHCM 177. Hoàng Hạc, Senior tech@ Pratt & Whitney, Hartford Connecticut USA 178. ThanhTam Nguyen, Blogger/Facebooker, Cựu Phó Chủ Tịch Cộng Đồng VN/Oregon, Hoa Kỳ. 179. Đỗ Thị Thanh Vân, quản lý nhà hàng, Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng 180. Trần Quang Ngọc, kỹ sư hưu trí, Stuttgart, CHLB Đức 181. Anhngoc B. Le, McDonough , GA USA 182. Phạm Anh Cường, kỹ sư, Sài Gòn 183. Song Vinh, kỹ sư, Texas, Hoa Kỳ 184. Thảo Ly, Blogger Tự do, Texas, Hoa Kỳ 185. Nguyễn Hoài Xuân, California, Hoa Kỳ 186. Nguyễn Thanh Thuý, nhân viên, Q1, Sài Gòn 187. Domininic Pham, hưu trí, Garden Grove, CA 92840, USA 188. Ngô Thị Kim Cúc- Nhà văn, Nhà báo- Sài Gòn 189. Nguyễn Hoàng Ngân, kinh doanh tự do, Sài Gòn 190. Lê Văn Tâm, nguyên chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản 191. Đoàn công Nghị, lao động tự do, Trường sa, TP Nha Trang 192. Huỳnh Quang Minh, cử nhân kinh tế, Quảng Nam 193. Huỳnh Sơn Phước, nguyên Phó TBT Báo Tuổi Trẻ TPHCM 194. Lucia cao, Minnesota, USA 195. Đoàn Thị Hương, lao động tự do, TPHCM Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy Fb Trần Bang  
......

Xuất hiện bản tuyên bố phản đối ngược đãi tù nhân tại Việt Nam

J.B Nguyễn Hữu Vinh – RFA Ngày 28/6/2019, một số tổ chức xã hội dân sự và nhiều cá nhân đã ra tuyên bố phản đối hành vi ngược đãi tù nhân trong các trại giam tại Việt Nam. Bản tuyên bố được 5 tổ chức Xã hội dân sự như Nhóm Vì Môi Trường, Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), Phong trào Liên đới Dân oan, Hội thánh Mennonite Cộng đồng, Hội Dân oan ba Miền (Dân oan Việt Nam) cùng với 50 cá nhân ký tên đợt đầu tiên vào bản Tuyên bố này. Bản Tuyên bố nêu các chi tiết về các tù nhân lương tâm như (TNLT) Nguyễn Văn Túc, ký giả Trương Minh Đức, thầy giáo Đào Quang Thực, tù nhân Trần Phi Dũng (vụ án Bia Sơn) đang tuyệt thực đến ngày thứ 16 phản đối Trại 6, Nghệ An ngược đãi các tù nhân lương tâm tại đây bằng cách không cho họ dùng quạt điện trong trại giam ngột ngạt ở Nghệ An. Khoảng thời gian gần 3 tuần nay, thời tiết ở Việt Nam, nhất là các tỉnh phía Bắc đã gặp một trận nắng nóng kéo dài, đã có một số người chết vì nắng nóng trong đợt này. Đặc biệt, tại vùng miền Trung từ Thanh Hóa trở vào qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đến Quảng Trị, gió Lào thổi càng nung nóng môi trường sống trở nên hết sức khắc nghiệt. Theo báo Tuổi trẻ ngày 26 và 27/6/2019 cho biết đợt áp thấp nóng từ đầu tháng sáu, nhiều nơi ở miền Bắc, miền Trung nhiệt độ lên 39-42 độ C. Cũng tờ báo này ngày 18/5/2019 cho biết: Những nơi được ghi nhận nắng nóng gay gắt trên 40 độ C như Mường La (Sơn La) 42,2 độ, Phù Yên (Sơn La) 41,7 độ, Tương Dương (Nghệ An) 41,4 độ, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,5 độ, Đồng Hới (Quảng Bình) 40,4 độ, Nam Đông (Thừa Thiên – Huế) 40,8 độ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) 40,2 độ. Trong điều kiện đó, nhiều TNLT tại Trại giam số 6 ở Thanh Chương, Nghệ An đã bị nhà cầm quyền Việt Nam thi hành chính sách khắc nghiệt nhằm đày đọa và ngược đãi họ bằng cách không cho họ dùng quạt điện trong các phòng giam bằng gạch, lợp tôn. Trong những điều kiện nắng nóng đến nhiệt độ như vậy, cộng với gió Lào kết hợp, thì những phòng giam ngột ngạt này giống như những chiếc lò thiêu. Những thân nhân của các TNLT như bà Bùi Thị Rề, vợ TNLT Nguyễn Văn Túc ở Thái Bình, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của TNLT Trương Minh Đức đã kể lại các sự việc liên quan khi đến thăm các tù nhân và các thông tin cho biết các tù nhân này đã tuyệt thực đến ngày thứ 16 để phản đối sự hà khắc và ngược đãi của nhà tù tại đây. Các thân nhân của các TNLT đã gửi đơn kêu cứu đến Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm, nhưng cho đến nay đơn không được hồi đáp và tình hình ngày càng tồi tệ. Không chỉ ở Trại giam số 6 Bộ Công an ở Thanh Chương, Nghệ An, mà tại các trại giam khác, nhiều TNLT cũng bị đối xử tàn tệ dẫn đến việc họ phải sử dụng biện pháp cuối cùng là dùng tính mạng mình để đòi quyền sống, chống sự ngược đãi. Bản Tuyên bố cho biết: Tháng 5/2019, TNLT Nguyễn Văn Hóa ở Trại giam An Điềm, Quảng Nam bị tra tấn, bị biệt giam, bị ngược đãi trong tù. Một số tù nhân chính trị và tôn giáo ở cùng trại giam An Điềm gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động cũng đã tuyệt thực trong nhiều ngày để phản đối Trại giam An Điềm. Giữa tháng 6/2019 các TNLT Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, Lê Đình Lượng, Nguyễn Thanh Tùng cũng bị kỷ luật, bị ngược đãi, bị cùm, bị biệt giam chỉ vì họ gặp nhau thảo luận viết đơn khiếu nại Trại giam Nam Hà đòi quyền lợi chính đáng cho TNLT. Với sự lo lắng cho tính mạng của các TNLT, cùng với sự phẫn nộ với những hành động mang tính chất trả thù tàn bạo và hèn hạ và vô luật pháp, trái với lương tâm làm người của nhà cầm quyền CSVN với những người bất đồng chính kiến, các nhóm Xã hội dân sự và các cá nhân đã tuyên bố yêu cầu các ông Bộ trưởng Bộ Công an, ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Thủ tướng Chính phủ, ông Chủ tịch nước và bà Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: 1. Ra lệnh chấm dứt ngay lập tức các hành vị ngược đãi Tù nhân bao gồm TNLT ở tất cả các Trại giam trên phạm vi toàn nước CHXHCN Việt Nam, đặc biệt là Trại giam số 6 Nghệ An và một số trại giam nêu trên. 2. Khẩn trương cử phái đoàn đến các trại giam nêu trên để thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh kỷ luật, hoặc truy tố những cán bộ trại giam vi phạm Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người mà Việt Nam đã ký kết. Bản tuyên bố cũng kêu gọi các Tổ chức Quốc tế, các nước trên thế giới lên tiếng và có những biện pháp thích hợp với nhà cầm quyền Việt Nam, yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam thực thi Công ước Chống tra tấn như đã ký kết. Ngay sau khi đưa lên mạng xã hội, bản Tuyên bố này đã lập tức thu hút nhiều người đồng ý tham gia ký tên và lên án những hành động đó của nhà cầm quyền CSVN đối với các tù nhân lương tâm. Bản Tuyên bố tiếp tục lấy thêm các chữ ký đển gửi đến các cơ quan hữu quan. Trong khi đó, trên mạng xã hội đã có rất nhiều người hưởng ứng những ngày tuyệt thực cùng đồng hành với các tù nhân lương tâm trong các trại giam cộng sản. Kỹ sư Trần Bang, sinh sống tại Sài Gòn nêu ý kiến: “Tuyên bố phản đối ngược đãi tù nhân” diễn ra đúng dịp “Ngày Quốc Tế Ủng Hộ Nạn Nhân của Tra Tấn”. Ngày 28/6/2019 J.B Nguyễn Hữu Vinh   
......

Nỗi buồn kinh tế

Nguyễn Việt Nam| Đọc báo cáo thống kê của bên chính phủ 6 tháng đầu năm mà vẫn cứ đau lòng và chán nản với cái kiểu điều hành kinh tế của Việt Cộng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thì cao chưa từng có với con số 245 tỷ USD. Nếu chỉ đơn giản nhìn vào con số đó thì thấy cũng là thành tích không hề nhỏ mà Việt Cộng đã làm được trong chỉ nửa năm. Nhưng nếu nhìn sâu vào thì nó mới lòi ra cái nỗi buồn của một nền kinh tế phụ thuộc, thành tích ảo. Phụ thuộc và thành tích ảo ở đây là gì? Là chỉ số xuất nhập khẩu của hai khối trong nước và nước ngoài (FDI). Trong con số 245 tỷ tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ấy thì con số xuất siêu lại thuộc về khối FDI và nhập siêu lại thuộc về khối doanh nghiệp trong nước. Khối ngoại xuất siêu 15,68 tỷ thì khối nội nhập siêu đến tận 15,72 tỷ. Và khối FDI vẫn chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Chỉ nhìn vào các chỉ số đó là đủ hiểu kinh tế Việt Nam dưới thời Việt Cộng như thế nào. Có một bài toán đặt ra là: Bao giờ Việt Nam mới thoát khỏi cái cảnh phụ thuộc kinh tế vào FDI và làm chủ công nghệ được? Một quốc gia không có nền móng căn bản về kinh tế thị trường, công nghiệp, công nghệ và đi lên bằng cái móng kinh tế hoang tưởng XHCN như Việt Nam thì muốn có thành tích cao, phát triển một cách nhanh chóng thì hội nhập, mở cửa, thu hút đầu tư cũng là một cách hay. Tuy nhiên để lấy được thành tựu của quốc tế về làm của mình thì không hề đơn giản. Ép chuyển giao công nghệ là một bàn cờ đã được đặt ra. Trung Quốc đã chơi ván cờ này và tưởng chừng đã thắng. Thằng em Việt Cộng cũng bắt chước chơi theo. Tinh ăn mù làm, tính chơi theo bài ăn cướp của thằng anh Tàu cộng. Nhưng kế hoạch bẩn thỉu đó của Việt Cộng đã không thành khi thằng anh Tàu cộng bị Donald Trump đánh cho te tua. Nhìn thằng anh bị đánh sấp mặt như thế thì chắc có lẽ còn lâu nữa thằng em mới dám chơi trò ăn cướp. Bọn tư bản nó cũng khôn lắm. Nó đã đạt đến trình độ mang chuông đi đánh xứ người thì đầu chúng nó có sỏi to gần bằng cái não rồi. Chúng nó cho vay ưu đãi, nâng tầm quan hệ với Việt Nam chẳng qua chỉ muốn kiếm chác ở cái đất nước này và biến nó thành bãi rác mà thôi. Một miếng bánh mà trong đó có lao động giá rẻ, tài nguyên giá rẻ, ưu đãi đủ thứ, xả thải thỏa mái…thì thằng nào chẳng muốn ăn. Chúng nó cho quân Việt Cộng ăn no rồi bắt đầu mới mang chuông sang. Nó đặt ngay tai nó gõ thì bố bảo dám kêu ca. Có cái quai to tướng ở miệng rồi thì há kiểu gì? Nó mang một rổ chuông sang gõ cũng có dám từ chối đâu. Cuối cùng được cái khỉ khô gì đâu. Chỉ là nơi đầu vào rẻ mạt để họ tao ra sản phẩm có giá thành thấp và mang đi để chiến đấu trên thương trường mà thôi. Đừng có hòng nó cho toàn bộ công nghệ mà làm ăn nhé. Cho một phần thôi rồi làm thuê cho nó ở một vài khâu thôi. Cứ cái đà này chắc còn dài dài nữa phụ thuộc. Việt Nam cứ luẩn quẩn trong cái vòng bế tắc này và rất khó tháo gỡ. Hạn chế cho FDI vào thì đói vốn, đói ngoại tệ. Đuổi bớt đi thì không có gì để báo cáo mị dân. Công nghệ thì không làm chủ được. Bẫy thu nhập thấp thì vẫn dính. Đất nước ngày càng ô nhiễm, tài nguyên ngày càng cạn kiệt… Ôi. Đmcs./.  
......

Nỗ lực nhưng còn thiếu cái đầu

Đỗ Văn Ngà| Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 243,48 tỷ đô, trong đó thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ với 47,53 tỷ đô, tiếp theo là EU với 41,88 tỷ đô, và thứ 3 là Trung Quốc 41,27 tỷ đô. Tổng 3 thị trường xuất khẩu chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, 3 thị trường xuất khẩu này đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Cũng năm 2018: Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 12,75 tỷ đô, tức Việt Nam xuất siêu sang Mỹ là 34,78 tỷ đô; nhập khẩu từ EU là 13,89 – tức Việt Nam xuất siêu sang EU là 27,99 tỷ đô; nhập khẩu từ Trung Quốc 65,44 tỷ đô – tức Viên Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 23,17 tỷ đô. Xuất siêu là thu đô về, nhập siêu là xuất đô ra. Như vậy, trong 3 thị trường lớn này, rõ ràng Việt Nam đang kiếm đô từ trường Mỹ và EU là rất lớn, nhưng phần lớn đô trong đó lại chảy sang Trung Quốc. Thực ra hàng lậu từ EU và Mỹ vào Việt Nam không đáng kể, phần vì họ cách xa Việt Nam, phần vì hàng họ được tiêu thụ hạn chế tại Việt Nam vì hầu như hàng rẻ tiền họ không có, cho nên con số thống kê theo kim ngạch xuất nhập khẩu do Bộ công thương đưa ra là chính xác. Còn với thị trường Trung Quốc thì khác, Việt Nam sát biên giới, hàng lậu sang dễ dàng, và hơn nữa, hàng Trung Quốc chất lượng kém và rẻ hợp với túi tiền dân Việt nên nó đã tràn vào Việt Nam chiếm lấy thị phần hàng Việt. Con số hàng lậu từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam thì không ai có thể thống kê nổi, chỉ thấy rằng, nó vào Việt Nam chiếm hết thị phần của doanh nhiệp Việt Nam bằng nhãn mác thật “made in China” và nó chui vào mọi loại doanh nghiệp đội lốt hàng “made in Vietnam” nữa. Loại hàng đội lốt này hiện diện khắp nơi và nó đang lừa dân Việt và xuất khẩu để lừa cả thị trường Mỹ và EU. Một doanh nghiệp muốn thành công phải làm tốt 2 điều, anh phải tự làm ra sản phẩm chính mình và tìm kiếm thị trường cho mình. Nếu anh lập ra một doanh nghiệp và tìm kiếm thị trường cho mình, nhưng anh lại không hề có sản phẩm của chính mình để bán vào thị trường đó, thì anh làm ăn kiểu gì? Thằng hàng xóm đang nhiều hàng hóa nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, nó thấy thị trường anh xây dựng quá ngon mà hàng hóa của anh thì không, nó bèn bảo anh cho nó lấy hàng của nó dán mác doanh nghiệp anh và nhảy vào chiếm lĩnh thị trường mà anh đã dày công vun đắp. thế là anh đồng ý. Vậy câu hỏi đặt ra là, anh lập doanh nghiệp và tìm kiếm thị trường để làm gì? Để cho hàng xóm hưởng à? Với Chính phủ cũng thế, điều hành nền kinh tế đất nước cũng phải làm tốt 2 điều, xây dựng nền sản xuất tự chủ và tìm kiếm thị trường cho doanh nghiệp trong nước xuất đi các thị trường trên thế giới. Việc tìm kiếm thị trường cho nền kinh tế đất nước là làm những gì? Là ban giao, đàm phán và thỏa thuận để ký các hiệp định thương mại (FTA) để dọn đường cho doanh nghiệp quốc nội chui vào đó. Thế nhưng chính phủ Việt Nam đang nỗ lực có 1 vế, tức họ đang nỗ lực ký kết các FTA để tìm kiếm thị trường, nhưng nền sản xuất thì để cho hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt nhảy vào hưởng phần nỗ lực này của chính phủ Việt Nam. Thế mới đau. Để có được Hiệp Định Thương Mại Việt Nam – Liên Minh Âu Châu (EVFTA) thì chính phủ Việt Nam nỗ lực rất nhiều trong 2 năm qua, và nay đang chờ Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn là xong. Đó là một thành tích mà dù cho không ưa CS thì cũng ghi nhận Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm rất tốt việc này. Nhưng hỡi ôi, anh đi tìm thị trường nhưng anh có đủ sản phẩm riêng anh lắp vào thị trường mà anh vừa tìm kiếm đó không? Thật thảm hại, anh chẳng có đủ hàng hóa cho thị trường đó, mà anh lại để hàng Tàu tràn sang đội lốt “made in Vietnam” để hưởng trọn thi trường mà anh đã bỏ công lao khó nhọc ra tìm kiếm. Thế mới thấy, chính quyền CS đang tự hào nỗ lực để có EVFTA nhưng tự hào nỗi gì trong khi chính quyền độc tài này lại thả cho hàng Tàu đội lốt hàng Việt? Công cốc. Và ở Ba Đình, không biết các ông có thấy lo khi nghe Tổng Thống Trump nói về các ông không nhỉ? Đồng ý nỗ lực là tốt, nhưng các ông còn thiếu cái đầu, mặc dù các ông luôn tự xưng mình là “đỉnh cao trí tuệ”, và đất nước này đã “hưởng” cái đỉnh cao ấy quá đủ rồi. Thật bất hạnh cho đất nước Việt Nam./. Tham khảo: https://www.customs.gov.vn/…/ThongKeHaiQu…/ViewDetails.aspx… https://www.voatiengviet.com/a/vi%e1%bb%87t-na…/4976597.html https://www.nguoi-viet.com/…/tt-trump-viet-nam-te-hon-trun…/  
......

Ồn ào như ong vỡ tổ

Phạm Trần Mỗi năm, cứ đến tháng Sáu, Ban Tuyên giáo Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam và Hội Nhà báo lại ồn ào kỷ niệm cái gọi là Ngày Báo chí Cách mạng 21/06/1925, nhưng càng nhắc càng thấy cái ngày trơ trẽn ấy không giống ai của tờ Thanh Niên do Hồ Chí Minh tự chế để tuyên truyền. Vì vậy, nhà văn Phạm Đình Trọng viết: “Tờ Thanh Niên chỉ là tài liệu tuyên truyền những điều sơ đẳng về cách mạng vô sản trong nội bộ tổ chức cộng sản thời manh nha, nhỏ bé, bất hợp pháp. Không làm chức năng thông tin về đời sống xã hội của một tờ báo. Không được in ấn công nghiệp. Không có thị trường phát hành. Tờ rơi Thanh Niên chưa thể gọi là báo”. Đại tá Quân đội CSVN nghỉ hưu Phạm Đình Trọng nhận xét rằng: “Công việc chế tác tờ Thanh Niên rất thủ công, thô sơ, do một mình Nguyễn Ái Quốc thực hiện: Viết bài. Chép lại bài viết bằng que nhọn trên giấy sáp. Lăn mực in ra khoảng 100 tờ. Giao tờ rơi Thanh Niên cho người của tổ chức Thanh Niên Cách mạng Đồng chí Hội làm việc trên tàu biển chạy tuyến Quảng Châu – Hải Phòng lén lút đưa về cảng Hải Phòng, rồi bí mật chuyển đến các tổ chức cộng sản trong thợ thuyền ở Hải Phòng, ở mỏ than Hồng Quảng”. Sưu tầm của Nhà văn Phạm Đình Trọng viết tiếp: “Tháng Tư năm 1927 quân đội Tưởng Giới Thạch mở chiến dịch tấn công quyết liệt vào lực lượng cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phải rời Quảng Châu, lại bắt đầu một thời kỳ lang bạt. Đi Vũ Hán. Băng qua sa mạc Gô bi sang Liên bang Xô Viết. Tờ Thanh Niên kết thúc ở số 88 năm 1927”. Do đó, ông Trọng đã lưu ý những ai trong đảng có tham vọng “cầm nhầm” hãy tỉnh ngộ: “Coi ngày 21.6 là ngày Báo chí Việt Nam thì thảm hại, thì tủi nhục cho nền báo chí Việt Nam quá! Trong khi từ hơn nửa thế kỷ trước Việt Nam đã có nền công nghiệp báo chí với những tờ báo được xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp, tạo ra sản phẩm không thể thiếu của đời sống văn hóa đất nước, tạo ra thị trường báo chí trên cả nước. Tờ báo xuất bản bằng dây chuyền công nghiệp sớm nhất là tờ Gia Định Báo ra số đầu tiên ngày 15.4.1868 và tồn tại tới 44 năm, đã mở ra ngành công nghiệp báo chí. Vì vậy ngày Báo chí Việt Nam đích thực phải là ngày 15.4”. Nhà văn Phạm Đình Trọng, hiện sống ở Sài Gòn, đã tự ý ra khỏi đảng từ ngày 20 tháng 11 năm 2009. Ông tuyên bố trong thư gửi đảng cơ sở: “Tôi là Phạm Đình Trọng, nhà văn, là đảng viên Cộng sản lớp Hồ Chí Minh từ 19.5.1970. Đến nay, 20.11.2009, tôi tự thấy đảng Cộng sản không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn mà tôi theo đuổi nên tôi tự rút ra khỏi đảng”. BÁO ĐẢNG MÀ NGOÀI ĐẢNG Lý do bỏ đảng của ông Trọng vì đảng “không còn phù hợp với lí tưởng thẩm mĩ và giá trị nhân văn” cũng phản ảnh bản lĩnh bây giờ của báo chí chỉ biết ưu tiên phục vụ quyền lợi đảng, bất kể có phản dân hay hại nước. Đó là lý do tại sao ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đã xác nhận: “Thông tin trên Báo Nhân Dân luôn bảo đảm tính thời sự, tính chiến đấu, tính định hướng dư luận xã hội, không để xảy ra sai sót về quan điểm, đường lối của Đảng; tiếp tục dòng chủ lưu phát hiện, biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội, các thế lực thù địch…   “…Ban Biên tập xác định, về công tác thông tin tuyên truyền, Báo Nhân Dân giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích của báo Đảng”. (Trích Diễn văn tại lễ mít-tinh kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2019) tại Trụ sở Báo Nhân Dân, Hà Nội). Nhưng quan điểm của Thuận Hữu có phản chiếu hình ảnh của tất cả 844 cơ quan báo in (184 báo, 660 tạp chí), 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 67 đài phát thanh, truyền hình của Việt Nam? Tài liệu chính thức cũng cho biết, “số nhà báo được cấp Thẻ phóng viên là 19.166 người, số hội viên Hội Nhà báo là 23.893 người”, nhưng một bài viết trên báo Nhân Dân của ông Thuận Hữu đã phê bình rằng: “Tuy đông về số lượng nhưng phải nói rằng chất lượng một số báo chí, cũng như trình độ nghiệp vụ của một số nhà báo đang có những vấn đề khiến dư luận lo ngại. Bên cạnh đó, không thể không kể đến những bất cập trong hoạt động chuyên môn và công tác quản lý tại nhiều cơ quan báo chí đòi hỏi sớm được tháo gỡ”. (Theo báo Nhân Dân, ngày 11/06/2019). Vậy những hạn chế này là gì? Bài viết trên Nhân Dân trả lời: “Các hạn chế này đã được thẳng thắn chỉ ra tại Hội nghị Báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 28-12-2018 tại Hà Nội. Ðó là: tình trạng một số báo, tạp chí có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, trái thuần phong mỹ tục; một số cơ quan báo chí và phóng viên có biểu hiện trục lợi, vi phạm đạo đức nghề báo… Ðây là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sai phạm trong lĩnh vực báo chí có chiều hướng gia tăng, làm xói mòn niềm tin vào người làm báo và một số cơ quan truyền thông”.   Báo của cơ quan, các tổ chức đảng được nhà nước nuôi ăn bằng tiền của dân toàn phần hay một phần lớn mà dám “xa rời tôn chỉ mục đích, xa rời thực tiễn đời sống; đưa thông tin một chiều, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân” mà Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và Bộ Thông tin và Truyền thông không làm gì được thì lâm nguy không nhỏ. Nhưng tại sao lại có tình trạng báo chí xé rào, coi thường lãnh đạo và tự do thông tin theo ý muốn? Hay là họ không còn biết sợ trước những đe dọa cắt nồi cơm để viết ra sự thật mặt trái của xã hội, hay dám công khai hóa che đậy của lợi ích nhóm của tập quyền lãnh đạo? Và khi báo chí bị lên án đưa tin “không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân” thì có phải họ đã đi ngược lại với quyền lợi của đảng trong khi thực tế nhân dân đã bị lợi dụng làm bình phong cho để che giấu xấu xa cho lãnh đạo? LOẠN XÀ NGẦU Dù kịch bản nào, tốt hay xấu của tập thể báo chí mệnh danh “cách mạng” thì họ cũng đã “cách miệng” hơi nhiều nên mới loạn xà ngầu như bây giờ. Vì vậy, không ngạc nhiên ta thấy tại Hội nghị Báo chí toàn quốc ngày 28/12/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã chỉ thị cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo phải: “Tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí”. Ông Thưởng nói: “Những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi một cách bất lương cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí”. Lạ chưa? Tại sao có cán bộ báo chí “vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần nghiêm trọng” mà vẫn khơi khơi nơi này nơi kia kiếm cơm ngon lành, trong khi tình trạng kinh tế của nhiều báo đang phải sống dở, chết dở? Báo Tiền Phong online ngày 28/12/2018 viết: “Tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2017 đã đề cập, thảo luận về vấn đề kinh tế báo chí, đưa vấn đề này vào chương trình công tác của năm 2018 với sự phối hợp với các nhà nghiên cứu báo chí, truyền thông cùng các ban, ngành liên quan. Theo ông Thưởng, sau một năm, nghiêm túc nhìn nhận, có thể thấy công việc chưa thực sự tiến triển. Trong khi mạng xã hội, nhất là các tập đoàn công nghệ thông tin – truyền thông đang ngày càng xâm lấn, nắm giữ thị trường; quảng cáo trực tuyến, quảng cáo số ngày càng chứng tỏ là xu hướng chủ đạo, thì nhiều cơ quan báo chí nước ta không những tiếp tục khó khăn mà còn khó khăn nhiều hơn nữa”. Theo lời ông Võ Văn Thưởng: “Lẽ ra phải trăn trở, tìm lời giải nghiêm túc, khoa học cho bài toán kinh tế, thì trong thực tế, không ít cơ quan báo chí lại coi ‘câu view’ với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế, cùng với những hành vi tiêu cực khác như hù dọa, tống tiền, gây sức ép để doanh nghiệp “hỗ trợ, hợp tác truyền thông”.   Báo Nhân Dân đã “tát nước theo mưa” với ông Thưởng trong loạt bài ngày 11/06/2019 rằng: “Trong hàng loạt sai phạm của báo chí hiện nay, nổi lên và gây bức xúc là hiện tượng một số phóng viên lợi dụng danh nghĩa nghề nghiệp, lợi dụng uy tín tòa soạn để hạch sách, nhũng nhiễu, mưu lợi từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chiếm số lượng đáng kể trong đó là một số phóng viên thường trú ở địa phương. Tranh thủ sự thiếu kiểm soát của cơ quan chủ quản, các phóng viên này sử dụng Thẻ nhà báo như “giấy thông hành” thực hiện hành vi sai phạm với nhiều chiêu thức khác nhau. Cách thức phổ biến nhất là săn tìm, phát hiện sai phạm của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đe dọa, mặc cả.”.   QUY HOẠCH HAY BÓP NGHẸT? Nhưng việc báo Nhân Dân và một số quan tai to mặt lớn trong đảng đột nhiên hạch tội báo chí để cổ võ cho Dự án “ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” nhằm mục đích gì trước thềm Đại hội Đàng khóa XIII, diễn ra vào tháng 01/2021? Trước hết, Quy hoạch khẳng định: “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Thứ nhì, Quy hoạch xác nhận: “Phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt, theo hướng cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, định hướng tư tưởng và thẩm mỹ, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam”. Như thế rõ ràng Quy hoạch báo chí, hay sắp xếp cho tinh gọn, chỉ nhằm giúp đảng kiểm soát tuyệt đối và độc quyền hơn để kéo dài lãnh đạo độc tôn và độc tài. Những chữ son phấn như “diễn đàn của nhân dân” và “nhu cầu thông tin của nhân dân” chẵng qua chỉ để lòe bịp dư luận và thế giới. Nhân dân, từ bao lâu nay làm gì có quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng như Hiến pháp quy định? Chỉ mỗi việc đảng độc quyền ra báo để tuyên truyền cho chủ trương và chính sách của đảng lãnh đạo một mình cũng đủ vạch mặt hành vi gian trá của ngôn từ trong Quy hoạch. NHỮNG CON SỐ BIẾT NÓI Căn cứ theo Quy hoạch thì: “Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Báo Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện. Đến năm 2020, mỗi ban đảng Trung ương có không quá 01 tạp chí in; khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử. Sau năm 2020, trên cơ sở lấy Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương) làm nòng cốt, hợp nhất tạp chí các ban đảng Trung ương để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện”.   Cũng theo kế hoạch thì: “Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước mỗi cơ quan có 01 cơ quan báo in và 01 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ nếu tiếp nhận thêm cơ quan báo thuộc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương, các doanh nghiệp thì được có tối đa 02 cơ quan báo nhưng chậm nhất đến năm 2025 phải hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo)”. Đối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân và Báo Công an nhân dân, Quy hoạch ấn định được “ thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện”. Cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam) có một cơ quan tạp chí. Quân khu, quân chủng có 01 cơ quan báo hoặc 01 cơ quan tạp chí. Tổng cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có 01 cơ quan tạp chí. Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Bộ Công an hoàn thành sắp xếp báo của công an 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành ấn phẩm của Báo Công an nhân dân trong năm 2020. “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh. Một số tỉnh, thành phố là địa bàn trọng điểm về kinh tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch được có cơ quan tạp chí chuyên ngành. Các cơ quan cấp sở, ngành thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không có cơ quan báo chí. Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2020, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 05 cơ quan báo (không tính các cơ quan báo thuộc tổ chức tôn giáo); đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo). Cuối cùng, Quy hoạch ấn định: “Mỗi tổ chức chính trị – xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên. Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Mỗi tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí. Lộ trình thực hiện: Đến hết năm 2019, các tổ chức ở trung ương hoàn thành việc sắp xếp theo đúng quy hoạch. Riêng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đến hết năm 2020 sắp xếp còn tối đa 03 cơ quan báo; đến năm 2025, hoàn thành việc sắp xếp (còn 01 cơ quan báo).   AI XUYÊN TẠC AI? Như vậy, dù báo nhiều như bây giờ, hay báo ít sau Quy hoạch thì cách nào cũng do đảng kiểm soát và làm chủ. Chỉ có nhân dân là tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Nếu Quy hoạch giúp đảng tiết kiệm được đồng tiền thì sẽ có hàng ngàn cán bộ báo chí mất việc. Với số báo hàng hà sa số hiện nay, có 19.166 phóng viên có thẻ hành nghề và 23.893 Hội viên Hội Nhà báo có cơm ăn. Không ai biết sẽ có bao nhiêu người trong số này thất nghiệp hay sẽ đổi nghề bằng cách nào? Do đó, đã có nhiều người và tổ chức ở trong và ngoài Việt Nam phản ứng bất lợi cho quyết định Quy hoạch Báo chí. Phản ứng về việc này, báo Nhân Dân đã cương cổ lên bênh đảng: “Việc một số tổ chức, cá nhân sử dụng thủ đoạn xuyên tạc, suy diễn để phản đối bản Quy hoạch báo chí mà Việt Nam ban hành không chỉ thể hiện thái độ thiếu thiện chí của họ, mà còn cho thấy họ đã tự đặt liêm sỉ sang một bên để thực hiện ý đồ xấu. Và xét đến cùng, những ý kiến phản đối, xuyên tạc đó vẫn là tiếp tục cố tình dấn sâu hơn trên con đường tiến công vào nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến công đường lối và các chủ trương, chính sách ích nước lợi dân của chế độ xã hội, làm băng hoại hệ thống giá trị văn hóa, làm tha hóa con người, làm chệch hướng của Việt Nam trên con đường đi lên phía trước”. (Nhân Dân, ngày 18/06/2019). Nhưng dường như Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viện Minh Triết Việt Nam đã có câu trả lời cho đảng CSVN. Ông viết: “Đông Kinh Nghĩa Thục là một phong trào canh tân đất nước đầu thế kỷ XX, nói: Chính phủ chẳng qua cũng là người dân nắm quyền. Ý nói hôm qua họ là dân, đựơc bầu lên, trở thành nhà cầm quyền. Vậy nếu không có tự do báo chí làm sao xã hội giám sát được họ? Ở điểm này, những người cộng sản hành xử như những kẻ lừa mỵ và mâu thuẫn. Họ nêu khẩu hiệu tự do, hạnh phúc, họ nêu khẩu hiệu xây dựng đảng trong sạch, đạo đức. Nhưng họ không muốn có tự do báo chí để nâng cao đạo đức và nhận thức của họ. Nên mọi chuyện rồi chỉ như con kiến leo vào leo ra mà thôi”. “Mác nói: Ở đâu có báo chí ở đó có tự do báo chí. Các anh không thể mãi mãi đặt vòng kim cô trên đầu của nhân dân được. Dự định đưa đất nước tiến lên hiện đại với tiêu chí: giàu mạnh, văn minh, dân chủ, công bằng mà để nền báo chí được xếp hạng kém tự do nhất hành tinh”. (Trích: Tự do báo chí – Nhu cầu tinh thần hiện đại của Việt Nam” ngày 16/06/”2019). Cũng nên biết, đảng CSVN đã tiếp tục bôi nhọ đất nước và con người Việt Nam khi để cho Hoa Kỳ, Liên hiệp Châu Âu và các Tổ chức Nhân quyền, Tôn giáo và Báo chí trên Thế giới đặt tên nước Việt Nam vào hàng các nước có số điểm tồi tệ nhất về Tự do và Nhân quyền. Riêng Tổ chức Phóng viên Không Biên Giới ( Reporters Without Borders,RSF), trong báo cáo năm 2019, đã xếp Việt Nam hạng 176/180 nước có nền báo chí kém tự do nhất. Như vậy thì có vẻ vang gì mà ồn ào như ong vỡ tổ về ngày Báo chí gọi là cách mạng lần thứ 94 (21/06/1925 – 21/06/2019)?  
......

Lên án hành vi "nướng người" của trại 6, Nghệ An

Việt Tân Các tù nhân chính trị tại trại giam số 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đang đồng loạt tuyệt thực sang ngày thứ 16, nhằm phản đối thủ đoạn tra tấn mới của lãnh đạo trại giam này. Bà Kim Thanh vợ của Ký giả Trương Minh Đức, cho biết trong lần thăm nuôi chồng vào ngày 20 tháng Sáu, 2019, ở Trại 6, ông Đức đã nói với bà Thanh rằng một số tù nhân chính trị đã tuyệt thực nhiều ngày qua, để phản đối trại giam tháo hết quạt điện trong thời tiết mùa hè nóng bức khắc nghiệt lên đến 40 độ C. Một nguồn tin khác đến từ bà Nguyễn Thị Rề, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Túc cũng đã xác nhận thông tin trên. Theo đó, ông Túc đã cho bà Rề biết về việc tuyệt thực của các tù nhân chính trị tại Trại 6 đang khiến sức khỏe của nhiều người giảm sút nghiêm trọng. Riêng ông Túc thì không thể tự đi đứng mà phải cần người dìu. Nói với Đài Á Châu Tự Do, Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, một cựu tù nhân tại Trại 6, đã không giấu được nỗi lo lắng: "Tường thì thấp, mái tôn như thế nhưng dãy nhà đó trên triền đồi trơ trọi và mùa hè cực kỳ nóng vì không có cây cối nào xung quanh cả. Vả lại, trong phòng chỉ có một cái quạt giống như cái quạt gắn trên trần của toa xe lửa, cứ quay đảo đảo, thế mà cái quạt này cũng bị lấy luôn thì anh em chịu sao nổi?” Có thể nói, việc lãnh đạo Trại 6 dùng cái nắng khủng khiếp của miền Trung để tra tấn tù nhân một cách tàn nhẫn, là hành động hèn hạ và vô nhân tính. Đồng thời chà đạp lên các Công ước quốc tế về chống tra tấn và ngược đãi tù nhân mà Việt Nam đã ký kết. Một số cựu tù nhân lương tâm sau khi ra khỏi tù cho biết khi còn trong trại giam, họ nằm trong tay của quản giáo. Mọi quyền sinh sát đều thuộc quản giáo; nếu khi có những vi phạm nêu luật và nói lý với quản giáo không xong thì cách thức duy nhất là phải đem chính mạng sống ra để đấu tranh. Đó là tuyệt thực. Rất mong nhận được sự lên tiếng của cộng đồng để phản đối hành động ngược đãi các tù nhân chính trị của lãnh đạo Trại 6. [ S ] - FB Việt Tân.  
......

Và cuối cùng tới phiên Việt Nam

 canhco’s blog – RFA Nhiều người nghi ngờ tác động hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc chạy sang núp dưới cái bóng Việt Nam để xuất sang Hoa Kỳ sẽ làm cho kinh tế Việt Nam khó khăn thêm nếu Trump chú ý tới những mánh khóe gian dối mà Trung Quốc sẽ làm như thường thấy xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam. Điều đó đã tới và Trump cũng đã công khai lên tiếng chỉ trích thái độ mà ông gọi Việt Nam là “kẻ lạm dụng”. Hà Nội sống quá lâu trong sự coi thường đế quốc Mỹ, một con hổ giấy, một kẻ thù giấu mặt, thậm chí một đất nước rất dễ lợi dụng nên tâm lý phớt lờ cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn xuất hiện trong tư duy của báo chí lẫn cán bộ làm kinh tế. Mỹ đánh Tàu thì chỉ có lợi cho Việt Nam mà thôi, và từ đó sinh ra những kế hoạch “hậu trường” nhằm lợi dụng cuộc chiến này để thủ lợi. Cách thủ lợi nhanh chóng và gọn gàng nhất là âm thầm mời các công ty Trung Quốc vốn đang bị Mỹ bao vây mang nhà máy vào Việt Nam rồi tái xuất sang Mỹ với cái nhãn Made in Vietnam. Nhưng mang vật tư xây dựng một nhà máy tiêu tốn rất nhiều thời gian mà chưa chắc gì cuộc chiến sẽ kéo dài nên khi nghe đối tác đề nghị mang hàng đã xuất kho từ Trung Quốc, ém quân một thời gian, dán lại nhãn giao cho Việt Nam xuất sang Mỹ…con đường nhẹ tênh nhưng lại có lợi nhiều hơn so với suy nghĩ một chiến lược dài hơi nhân cơ hội này chiếm lĩnh thị trường nước Mỹ thay thế một phần nhỏ của hàng hóa Trung Quốc trước đây. Hàng Made in Vietnam hầu hết là hàng Trung Quốc! Tâm lý ‘ăn xổi, ở thì’ vẫn ngự trị trong bất cứ chính sách nào mà Hà Nội đưa ra, nhất là cái lợi khó cưỡng trước mắt. Thế nhưng Tổng thống Trump không phải là Obama hay Clinton, ông Trump có cặp mắt cú vọ nhanh chóng phát hiện những con chuột tuy lén lút nhưng lì lợm, gian dối khi làm kinh tế dù là Trung Quốc hay Việt Nam. Chính sách của chính phủ mà ông đứng đầu không bỏ sót một quốc gia nào dù đồng minh hay đối nghịch. Việt Nam tuy là nước lập lờ giữa hai khái niệm ấy nhưng do vị trí đặc thù của địa chính trị nên được sự chú ý của ông Tổng tư lệnh của cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc. Việt Nam tỏ ra non tay và quá xem thường nước Mỹ dưới thời của Trump nên sáng hôm nay lãnh hậu quả mà không người dân nào muốn thấy. “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc,” là câu phát biểu của Tổng thống Trump với chương trình Fox Business vào sáng Thứ Tư ngày 26 tháng 6, và tệ hơn nữa khi ông thêm rằng “Việt Nam gần như là kẻ lạm dụng tồi tệ nhất trong số tất cả các nước”. Sự khó chịu lên tới mức giận dữ của Trump có khiến Hà Nội lo ngại hay không là một việc nhưng chắc chắn rằng người lo ngại hơn cả là Chủ tịch nước/Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vì ông đang thu dọn hành trang để lên đường sang Mỹ. Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa đối với ông khi lần đầu tiên ông sang Mỹ với danh phận của một nguyên thủ quốc gia chứ không phải là chủ tịch của một đảng phái, cho dù là Đảng Cộng sản chăng nữa. Ông Trọng thật khó ăn nói khi gặp ông Trump mà bị nhìn dưới đôi mắt là người đang thủ lợi một cách bất minh trong cuộc chiến tay đôi giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù ông Trump chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích về vấn đề nhân quyền của Việt Nam nhưng gót chân Achilles về thâm thủng mậu dịch của Mỹ vẫn là trọng tâm mà ông Trump nhắm tới sẽ không làm ông phớt lờ những kết quả gần đây đang đặt trên bàn của ông trong phòng bầu dục. Có lẽ Việt Nam ngủ quên trước lời khen ngợi của ông Trump vào vài tuần trước khi nói với một kênh truyền hình ở Anh rằng “Việt Nam là đối tác thương mại thứ dữ và họ đàm phán, kinh doanh rất tốt”. Việt Nam quên bẵng rằng chính sách “cây gậy và củ cà rốt” vốn chưa bao giờ rời khỏi bàn tay của bất cứ tống thống nào của nước Mỹ. Khen để Việt Nam tự thay đổi cho phù hợp với xu thế mới chứ không phải khen để rồi tưởng rằng cá đã cắn câu. Con cá Mỹ tuy có cắn câu chăng nữa chỉ sợ chiếc cần của Việt Nam quá nhỏ bé để làm chủ con cá ấy. Chính sách mở cửa cho hàng hóa Trung Quốc từ hàng chục năm nay đã tỏ ra có hại cho kinh tế Việt Nam hơn lúc nào hết. Người Việt đã quen thuộc với hàng Trung Quốc đóng nhãn Made in Vietnam nên vấn đề này đối với nhiều người không quan trọng nhưng trong cuộc chiến tranh thương mại đang xảy ra, việc thay đổi nơi xuất xứ của hàng hóa là hành vi được xem là tiếp tay cho kẻ thù của Mỹ. Có cần thiết đóng vai kẻ thù cho vừa lòng đàn anh phương Bắc hay không là câu hỏi người dân đang chờ lời giải đáp từ chính quyền của mình. Với ông Trump, bất cứ giải thích nào cũng vô giá trị vì con số mà các cơ quan theo dõi xuất xứ hàng hóa của Mỹ đưa ra mới là kết quả đáng tin. Thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam gia tăng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào năm 2017, lên tới mức 39,5 tỉ đôla trong năm 2018 không phải là con số không đáng để ý. Nhưng đáng để ý hơn nữa khi con số ấy đem về nguồn lợi cho dân chúng Việt Nam là bao nhiêu mới đáng nói. Có bao nhiêu phần trăm hàng hóa của Trung Quốc dán nhãn Việt Nam nằm trong gần 40 tỉ thâm hụt mậu dịch mới là điều mà Tổng thống Trump cần làm rõ. Việt Nam sẽ phản hồi mạnh mẽ để khỏa lấp những cáo buộc mà Mỹ đưa ra nhưng cái người ta chờ đợi là lời giải thích có chứng minh bằng các chứng cứ cụ thể chứ không phải là những “quan ngại” như thường thấy. Chỉ lo rằng sau khi ra về từ hội nghị nhóm G20 tại Nhật ông Trump sẽ đánh thuế lên nhiều mặt hàng Made in Vietnam thì lúc ấy những con chuột hữu nghị sẽ trốn vào đâu trong sự giận dữ của người dân cả nước? https://www.voatiengviet.com/a/trump-chi-trich-viet-nam-la-ke-lam-dung-thuong-mai/4974670.html canhco’s blog  
......

Câu chuyện Asanzo và hàng Trung Quốc đội lốt sản xuất Việt Nam

Từ lúc báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài phanh phui lối làm ăn bất chính của công ty bán hàng điện tử Asanzo của ông Phạm Văn Tam từ ngày 21 tháng Sáu cho đến nay, nghi án hàng Trung Quốc được đánh tráo bằng nhãn hiệu sản xuất Việt Nam, đã trở thành vấn đề thời sự nóng – không thua gì cái nóng khủng khiếp đang đổ ập đến các tỉnh miền Trung hiện nay. Trong loạt bài điều tra, báo Tuổi Trẻ đề cập đến hai nội dung chính: xuất xứ hàng hóa Asanzo, việc kê khai nộp thuế của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa, linh kiện của tập đoàn điện tử Asanzo. Điều đáng nói là qua loạt bài điều tra này, người ta không chỉ rùng mình về đường dây nhập lậu hay nói rõ hơn là cách mà hàng hóa Trung Quốc đã trung chuyển vào Việt Nam để từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác, mà còn cho thấy sự khống chế “toàn diện” các sản phẩm Trung Quốc trên thị trường Việt Nam ở mức độ chóng mặt. Có thể là ngẫu nhiên, khi loạt bài phanh phui của báo Tuổi Trẻ gây xôn xao dư luận thì phía Hoa Kỳ cũng bắt đầu dậy sóng. Hôm thứ Tư, 26 tháng Sáu, trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên đài FOX Business, Tổng Thống Mỹ Donald Trump chỉ trích thẳng thừng: nhà cầm quyền CSVN đang lợi dụng cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc để thúc đẩy xuất khẩu sang Mỹ. Ông Trump nói khá mạnh rằng: “Rất nhiều công ty đang dời sang Việt Nam, nhưng Việt Nam lợi dụng chúng ta còn tệ hơn cả Trung Quốc.” Nhiều cơ quan thông tấn quốc tế dự kiến rằng sau Hội nghị G-20, ông Trump có thể tung biện pháp áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Những diễn biến nói trên không phải là điều bất ngờ mà đã từng được dư luận dự báo, kể từ khi cuộc chiến tranh mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ vào tháng Bảy, 2018. Để tránh áp thuế, Trung Quốc chắc chắn là phải di dời một phần nhà máy sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam; nhưng Trung Quốc vẫn phải duy trì nhà máy sản xuất để cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong thị trường Hoa Lục và đối với thị trường của một số quốc gia ngoài Hoa Kỳ như Trung Đông, Phi Châu, Âu Châu, v.v… Nói cách khác, việc di dời nhà máy sản xuất sang Đông Nam Á và Việt Nam để tránh áp thuế chỉ là để qua mặt hải quan Hoa Kỳ, trong thực tế phần lớn nhà máy sản xuất – nhất là các mặt hàng gia công, vẫn còn tiếp tục sản xuất ở Hoa Lục. Trung Quốc lợi dụng kẽ hở của hải quan qua công đoạn Trung Chuyển (transshipment), trong đó các hàng xuất khẩu dưới dạng linh kiện sẽ đóng thuế rất thấp, và được gia công hay thay đổi ở mức tối thiểu trong một lần dừng ngắn tại một nước thứ ba và sau đó tái xuất khẩu duới dạng sản phẩm có nguồn gốc từ nước thứ ba. Loạt bài điều tra của báo Tuổi Trẻ đã cho thấy là Tập đoàn công nghệ điện tử Asanzo chỉ mới thành lập từ tháng Mười, 2013, với ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình; cả ba chưa hề có kinh nghiệm trong ngành sản xuất điện tử trước đó, nhưng đã đưa Asanzo lớn nhanh, lớn mạnh với sức sống “phù đổng”. Theo điều tra của báo Vietnamnet, chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, Asanzo đã bán ra hơn 100.000 máy tivi. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3. Năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 máy, đưa tổng doanh thu của công ty lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Đến năm 2018, Asanzo đã bán ra trên 4 triệu sản phẩm các loại, đạt doanh thu 6.250 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017. Hiện tại, với hơn 70 dòng sản phẩm đã đưa Asanzo lọt Top 3 trên thị trường điện tử Việt Nam, chiếm 18% thị phần cả nước. Để có sức sống “phù đổng” như vậy, ông Phạm Văn Tam, CEO của Tập đoàn Asanzo giải thích là nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm ở Việt Nam. Nhưng khi báo Tuổi Trẻ hỏi 30% tự làm là những gì thì ông Tam cho biết là làm vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp… Tức là nhà máy ở Việt Nam không sản xuất gì cả mà chỉ lo việc bao bì đóng gói. Nói cách khác, Tập đoàn Asanzo nhập 100% các linh kiện từ Trung Quốc, và để lừa dối người tiêu thụ họ đã cho công nhân gỡ các nhãn hiệu “Made in China” thay vào đó dán nhãn “sản xuất tại Việt Nam” trước khi ráp lại thành sản phẩm để bán tại thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia. Ngoài ra để tránh thuế, Tập đoàn Asanzo còn lập ra rất nhiều công ty ma để nhập các linh kiện từ Trung Quốc; nhưng tất cả các hàng hóa này sau khi vào đến Việt Nam đều tập trung chở về kho hàng của Asanzo tại Khu Công Nghiệp Vĩnh Lộc, Quận Bình Tân, TP.HCM. Theo điều tra của báo Tuổi Trẻ, từ năm 2014 đến nay có tới 19 công ty ma dưới các tên Sa Huỳnh, Trần Thoàn, Nguyên Tuấn, Khải Phong Sài Gòn, Nam Tiến, Việt Nhật… không chỉ nhập panel LCD mà còn nhập nồi cơm điện, máy xay sinh tố, bình thủy, lò nướng… từ Trung Quốc. Nhưng điểm đáng quan ngại chính là mạng chân rết các công ty Trung Quốc đã sản xuất và chuyển các linh kiện điện tử cho những công ty ma do Tập đoàn Asanzo dựng ra để nhận hàng, và tất cả đã đi trót lọt. Nếu như không có bàn tay bên trong của hải quan Việt Nam và Trung Quốc, thì làm sao các linh kiện của Trung Quốc vừa hưởng giảm thuế trung chuyển, vừa tránh thuế nhập khẩu. Theo điều tra của Tuổi Trẻ, có hơn 20 công ty của Trung Quốc nằm trong mạng lưới chân rết chuyển hàng cho Tập đoàn Asanzo gồm: Từ tỉnh Chiết Giang có các công ty Ninbo Vecco, Zhejiang Yueli, Cixi Wanfa Plastic, Ninbo Aux; từ tỉnh Quảng Châu có công ty Guangzhou Luckyvision, Giangzhou Lont; từ tỉnh Quảng Đông có các công ty Winstar, Guangdong Mibao, Huizhou Kaini, Guangdong Weking, Guangdong Zhangjiang, Zhonshan Silk, Shenzhen Litai, Guangdong Galanz, Dongguan City De Hui, Jipin Electrical; từ Hong Kong có các công ty Xiaolaijiao, Hoi Fu Paper, Hong Kong Konda, Xin Ying Global, Hong Kong Heng Da, Hong Kong Kangguan, … Việc nhiều công ty Việt Nam cấu kết với công ty Trung Quốc, nhập các linh kiện từ Trung Quốc, rồi lắp ráp bán ở thị trường nội địa Việt Nam, Lào, Campuchia không phải là sự kiện mới lạ. Tuy nhiên qua sự kiện Asanzo, rõ ràng là chính sách áp thuế của Hoa Kỳ lên các mặt hàng của Trung Quốc đã có những tác dụng tồi tệ lên nhãn hiệu “made in China”, nên Asanzo từ năm 2018 đã phải gỡ tem “made in china” để thay bằng tem “sản xuất tại Việt Nam”, từ đó thổi phồng thành sản phẩm nội địa để đánh lừa người tiêu thụ ở ba nước Đông Dương. Song song, Asanzo không còn nhập các linh kiện để lắp ráp tại Việt Nam mà nhập thẳng các sản phẩm từ Trung Quốc và chỉ dán “made in Việt Nam” để sau đó xuất khẩu sang các quốc gia khác. Theo báo Wall Street Journal, cơ quan Hải Quan và Bảo Vệ Biên Giới Hoa Kỳ (Customs and Border Protection – CBP) cho biết là từ một năm qua, cơ quan này đã xác định việc trung chuyển bất hợp pháp hàng hóa Trung Quốc qua một số nước, trong đó có Việt Nam. Hoa Kỳ đã nắm được một số mấu chốt và sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt trong nay mai. Câu chuyện Asanzo dùng hàng Trung Quốc “đội lốt” xuất xứ Việt Nam, chỉ là một phần rất nhỏ được báo Tuổi Trẻ phanh phui, của một tảng băng chìm đang đè lên xã hội Việt Nam, đó chính là sự lệ thuộc vào Trung Quốc quá lâu trên mọi lãnh vực. Trong não trạng “nô lệ “này, chỉ khi nào bị đẩy tới hoàn cảnh hiểm nguy thì con người mới thức tỉnh về đại nạn Hán Hóa. Biết đâu đòn trừng phạt áp thuế của ông Donald Trump đối với Việt Nam sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nhất là đối với tập đoàn “nô lệ Trung Cộng” tại Bắc Bộ Phủ Hà Nội. Lý Thái Hùng https://viettan.org/cau-chuyen-asanzo-va-hang-trung-quoc-doi-lot-san-xuat-viet-nam/  
......

Nghị sĩ Âu Châu gửi thư yêu cầu cải thiện nhân quyền Việt Nam

Việt Tân CÁC NGHỊ SĨ CHÂU ÂU GỬI THƯ YÊU CẦU CẢI THIỆN NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM TRƯỚC KHI PHÊ CHUẨN EVFTA Về việc: Ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do/Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam và đàn áp Nhân quyền tại Việt Nam. Kính gửi Chủ tịch Tusk, Chúng tôi, các Thành viên Nghị viện Châu Âu cùng ký dưới đây, viết cho Hội đồng xem xét Hiệp định Thương mại Tự do và Bảo hộ Đầu tư Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA/IPA) để nêu lên mối quan ngại của chúng tôi về sự xuống cấp nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống tại Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu Hội đồng, Ủy ban, Ban Đối ngoại (EEAS) và các quốc gia thành viên EU hành động kiên quyết và phối hợp để bảo đảm các cải thiện nhân quyền ở Việt Nam một cách cụ thể và liên tục bằng các ký kết và phê chuẩn các thủ tục của các hiệp định. Theo báo cáo của EEAS, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan độc lập, và như được nhấn mạnh trong suốt Kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát gần đây của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cho thấy không có mấy tiến bộ khả quan trong hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình nhiều năm qua. Ngược lại, cuộc đàn áp đã gia tăng kể từ năm 2016, đáng chú ý nhất là sự gia tăng các vụ tấn công, hành hung, câu lưu, giam giữ kéo dài mà không được tiếp cận luật sư, các án tù nặng nề đối với các nhà hoạt động ôn hòa, cũng như trong việc áp dụng các quy định hà khắc của Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự, và việc thông qua Luật An ninh mạng - một luật mơ hồ. Tất cả những điều này đã xảy ra mặc vô số lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt xu hướng đàn áp này, bao gồm cả EEAS và Nghị viện châu Âu. Cũng cần nhấn mạnh rằng sự xuống cấp nghiêm trọng này đã bắt đầu ngay sau các kết luận chính trị của cuộc đàm phán EVFTA/IPA và song song với việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU (PCA). Việt Nam là một bên tham gia nhiều công ước nhân quyền, bao gồm cả Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Ngoài ra, Việt Nam bị ràng buộc phải tôn trọng hơn nữa các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình theo PCA, cũng như trong khuôn khổ kế hoạch ưu đãi thuế quan GSP. Cũng cần lưu ý rằng PCA và FTA/IPA có liên quan chính thức với nhau khi Việt Nam vi phạm các phần quan trọng của PCA, bao gồm cả quyền con người. Trước những vi phạm có hệ thống và lâu dài đối với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế này, chúng tôi rất tiếc rằng lịch trình ký kết EVFTA/IPA đã thất bại trong việc không xác định được các tiêu chuẩn hoặc mốc thời gian rõ ràng trong việc chấm dứt xu hướng đàn áp hiện tại. Hơn nữa, các điều khoản trong Chương trình phát triển bền vững và Thương mại của FTA, chẳng hạn như các điều khoản liên quan đến các Công ước ILO cơ bản, chỉ ràng buộc Việt Nam phải “thực hiện các nỗ lực liên tục và duy trì đối với [phê chuẩn]”, - một nghĩa vụ có thể bị trì hoãn vô thời hạn do thiếu thời hạn thực hiện và các cơ chế thực thi cứng rắn. Cuối cùng, liên quan đến mối liên kết giữa PCA và EVFTA/IPA, chúng tôi nhận thấy chi phí rất cao khi đình chỉ ưu đãi thương mại, đó cũng là lý do tại sao việc đình chỉ đó chưa bao giờ xảy ra trong khuôn khổ của bất kỳ hiệp định thương mại song phương nào. Tuy nhiên, điều khoản quan trọng mang tính nguyên tắc như vậy chắc chắn phải là một công cụ hữu ích trong suốt quá trình đàm phán và trước khi phê chuẩn để đạt được tiến triển trong các trường hợp quan trọng. Xét cho cùng, quan hệ song phương của chúng ta với Việt Nam đã được điều chỉnh bởi PCA và các cam kết lẫn nguyên tắc của PCA được áp dụng cho tất cả hiệp định song phương khác. Do đó, đó sẽ là một tín hiệu xấu nếu mối quan hệ của chúng ta được thúc đẩy đáng kể, trong khi những vi phạm cơ bản của các nguyên tắc đó vẫn cứ tiếp diễn. Trước tất cả những điều này, chúng tôi tin rằng EU nên làm mọi thứ trong khả năng của mình để bảo đảm ít nhất một số cải thiện nhân quyền rõ ràng ở Việt Nam trước khi ký và phê chuẩn EVFTA/IPA. Cần có những dấu hiệu mạnh mẽ và cụ thể rằng chính phủ Việt Nam đã thực hiện một cam kết thực sự nhằm chấm dứt chiến dịch đàn áp nhân quyền của người dân. Các bước đó cần phải kèm theo: • Phóng thích và phục hồi danh dự đầy đủ cho tất cả các tù nhân chính trị. Khởi đầu, như một cách tạo dựng lòng tin ngay lập tức, bằng cách phóng thích những tù nhân lương tâm có vấn đề về sức khỏe để họ được chăm sóc y tế đầy đủ, bao gồm Ngô Hào, Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Túc, và Nguyễn Trung Tôn. • Cam kết công khai bãi bỏ hoặc sửa đổi các điều 109, 116, 117, 118 và 331 của Bộ luật Hình sự, các điều 74 và 173 của Bộ luật Tố tụng hình sự, và Luật An ninh mạng, cũng như làm việc với các cơ quan của EU và Liên Hợp Quốc để ban hành bộ luật hình sự phù hợp với nghĩa vụ của Việt Nam theo ICCPR và đưa ra một mốc thời gian rõ ràng cho việc thực hiện. • Thực hiện các bước cụ thể để công nhận các công đoàn độc lập và công bố bản lộ trình rõ ràng và có thời hạn để phê chuẩn các công ước cốt lõi còn lại của ILO, sửa đổi luật lao động và tuân thủ các công ước cốt lõi của ILO và cam kết hợp tác với EU, ILO và các tổ chức xã hội dân sự độc lập để giám sát việc thực hiện. Những cam kết cụ thể, tích cực như vậy từ chính quyền Việt Nam chắc chắn cũng sẽ là những tiêu chuẩn quan trọng đối với Nghị viện khi xem xét việc phê chuẩn với EVFTA/IPA. Trân trọng, Nghị sĩ Châu Âu (MEP) Maria Arena MEP Margrete Auken MEP Reinhard Bütikofer MEP Karoline Graswander-Hainz MEP Theresa Griffin MEP Heidi Hautala MEP Agnes Jongerius MEP Jude Kirton-Darling MEP Miapetra Kumpula-Natri MEP Aurore Lalucq MEP Ana Miranda MEP Maria Noichl MEP Joachim Schuster MEP Julie Ward ----- Brussels, ngày 21 tháng 6, 2019 Thư cũng được gửi đến: • Chủ tịch Juncker • Đại diện Cấp cao/Phó Chủ tịch Mogherini • Ủy viên Malmström • Đại sứ COREPER II • Ban Công tác về Châu Á và Châu Đại Dương (COASI) Đọc toàn văn lá thư tại: http://www.heidihautala.fi/…/06/Joint-MEP-letter-EVFTA_IPA.… (Bản dịch Việt Ngữ của Voice)
......

Nghị viện châu Âu có bị độc tài Việt Nam qua mặt?

Phạm Chí Dũng - VOA| “Thoả thuận EVFTA: một ngày tồi tệ cho quyền lợi của người lao động” (EU-Vietnam trade deal a bad day for workers' rights) - trang EUobserver cay đắng rút tít ngay sau khi Hội đồng bộ trưởng các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đã phê chuẩn vào ngày 25/6/2019 cho việc ký kết không chỉ EVFTA (Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam) mà còn cả EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư với Liên Minh châu Âu). Việc phê chuẩn hấp tấp hai hiệp định thương mại trên sẽ “có những hậu quả nghiêm trọng”, và “Trong khi các nhà lãnh đạo tự chúc mừng mình về một thỏa thuận đã được thực hiện, công dân châu Âu và Việt Nam không nên bỏ qua những người chiến thắng thực sự trong thỏa thuận đầu tư này: các doanh nghiệp lớn và các cá nhân giàu có, mà EU cho phép chiếm đoạt công lý và dân chủ vì lợi nhuận của họ” - EUobserver chua chát. Nhưng thực tế còn tối tệ hơn những gì mà EUobserver đánh giá và dự báo. Cú lừa gạt hoàn hảo Chính thể độc tài ở Việt Nam đã giành một thắng lợi lobby đáng giá đến mức làm cho không chỉ Ủy ban châu Âu mà còn cả Hội đồng châu Âu tin rằng nó không chỉ mang lại những giá trị thương mại quyến rũ cho các doanh nghiệp trong khối EU, mà còn đang cố gắng cải thiện nhân quyền, với bằng chứng là đảng đã chỉ đạo quốc hội ‘gật’ rất nhanh với Công ước 98 về thỏa ước lao động, để được EU chấp thuận cho ký EVFTA và EVIPA. Công ước 98 là một trong số 3 công ước quốc tế còn lại của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mà chính quyền Việt Nam đã chây ì không chịu ký từ rất nhiều năm qua. Nhưng việc chính quyền này chịu ký và phê chuẩn Công ước 98 thật ra cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên: đây là công ước ‘nhẹ’ nhất, tức ít liên đới nhất về các điều kiện cải thiện nhân quyền. Trong khi đó, chính thể Việt Nam đã gần như phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động là Công ước 87 về việc tự do thành lập công đoàn độc lập, và công ước 105 về chống cưỡng bức lao động. Lý do đơn giản là nếu phải chấp nhận ký hai công ước còn lại này, Việt Nam sẽ phải chính thức công nhận định chế công đoàn độc lập - luôn bị chính quyền quy chụp là ‘diễn biến hòa bình’ và ‘lật đổ chính quyền’, đồng thời phải tìm cách sửa đổi thực trạng có quá nhiều trẻ em ở Việt Nam nằm trong tình trạng phải lao động trước tuổi trưởng thành và bị cưỡng bức lao động. Trong cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, nhiều nghị sĩ như bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể. Còn John Sifton - Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) đã cảnh báo: “Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn”. Vào đầu năm 2018 khi các cuộc đàm phán EVFTA được khởi động trở lại, Việt Nam đã hứa với EU sẽ ký và phê chuẩn Công ước 87 trong năm 2020. Tuy nhiên trong thông cáo báo chí ngày 25/6/2019, phía EU lại tỏ ra quá chểnh mảng về mốc thời gian này khi ghi nhận Việt Nam đã ký Công ước 98, và tỏ ra hài lòng một cách khó hiểu khi Việt Nam chỉ ‘có ý định’ ký và phê chuẩn hai công ước 87 và 105 vào năm…2023. Một cách nào đó và bằng những thủ thuật nào đó, những doanh nghiệp châu Âu có lợi nhuận đáng kể trong EVFTA đã thành công trong việc vận động Ủy ban châu Âu - cơ quan đặt nặng lợi ích thương mại hơn là nhân quyền - trình cho Hội đồng bộ trưởng châu Âu để chấp thuận việc ký EVFTA và EVIPA. Còn chính thể độc tài ở Việt Nam đã đạt được thành công đầu tiên về EVFTA và EVIPA mà gần như chẳng phải trả một cái giá đáng kể nào về nhượng bộ các quyền cơ bản của người dân. Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rất rõ. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa chẳng có giá trị gì. Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa cuối năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA và EVIPA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào. Nếu mọi chuyện xảy ra đúng theo kịch bản trên, Nghị viện châu Âu - cơ quan có thẩm quyền cuối cùng và mang tính quyết định về bỏ phiếu xem xét số phận EVFTA và EVIPA - sẽ bị chính thể Việt Nam qua mặt ngọt ngào và trọn vẹn - có giá trị như một cú lừa gạt hoàn hảo. Nhân quyền vẫn bị bóp nghẹt Hãy nhớ lại, vào ngày 15/11/2018, tức gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam, Nghị viện châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016. Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động… Sau khi EVFTA bị Hội đồng châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyển của Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay. Vậy Việt Nam đã ‘cải thiện nhân quyền’ ra sao? Cho tới giờ phút này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế. Ngay sau khi Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ kết thúc vào tháng 5 năm 2019, công an Việt Nam lại gia tăng bắt bớ những người hoạt động nhân quyền và xã hội dân sự. Nhà giáo Nguyễn Năng Tĩnh ở Nghệ An là một trong những vụ bị bắt giam mới nhất. Trong khi đó, hầu hết các quyền cơ bản của người dân như tự do hội họp và lập hội, tự do biểu tình, tự do báo chí, tự do tôn giáo… vẫn bị nhà cầm quyền bóp nghẹt. Ngoài việc Việt Nam phớt lờ hai công ước quốc tế còn lại về lao động mang số 87 và 105, việc sửa đổi Bộ Luật Lao động cũng trí trá và ma mãnh không kém khi dự thảo này tuyệt đối không đề cập đến khái niệm ‘công đoàn độc lập’, trong khi dựng lên một núi thủ tục hành chính để làm nản lòng những công nhân muốn tự tay thành lập công đoàn phi nhà nước. Liệu Nghị viện châu Âu có biết được toàn bộ ‘quy trình’ mà chính thể Việt Nam đã tìm cách qua mặt họ hay không? Không hề dễ ‘ăn’ EVIPA Hy vọng còn lại cho nhân quyền Việt Nam liên quan EVFTA đang tùy thuộc vào thái độ của Nghị viện châu Âu, bởi cơ quan này sẽ bỏ phiếu quyết định có thông qua EVFTA hay không. Thực ra, EVFTA có thể được ký kết và phê chuẩn trước EVIPA vì đây chỉ là hiệp định mang tính ‘khung’. Để EVFTA được thông qua, chỉ cần có sự chấp thuận của các cơ quan như Ủy ban Thương mại châu Âu, Cộng đồng châu Âu và cuối cùng là Nghị viện châu Âu. Song với EVIPA thì lại nghiêm khắc hơn nhiều. Khác nhiều với EVFTA, EVIPA mới chính là cái mà một chính thể luôn muốn ‘ăn sẵn’ và ‘ăn đậm’ như Việt Nam cần kíp. Nhưng muốn có được EVIPA để mang lại lợi nhuận cụ thể chứ không phải môt thứ danh dự trừu tượng và an ủi như EVFTA, Việt Nam lại cần ‘vận động’ đủ 28 quốc gia thành viên của khối EU, mà nếu 4 trong số các quốc gia đó không đồng ý thì EVIPA không thể được ký kết và phê chuẩn, cũng đồng nghĩa với EVFTA sẽ ‘toi’ dù có được EU phê chuẩn. Sẽ hoàn toàn không dễ dàng để một chính thể độc tài mà lươn lẹo đã trở thành bản chất có thể thuyết phục các quốc gia châu Âu thông qua EVIPA, bởi những quốc gia này đã ngày càng nhận ra bản chất đó, nhất là đã được ‘mở mắt’ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và quá nhiều vi phạm nhân quyền đã trở thành hệ thống của chính thể Việt Nam./.
......

Chiến đấu sòng phẳng, đảng đi đâu?

nguyenhuuvinh's blog| Mới đây TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng mạng xã hội (MXH) có những nhược điểm lớn, mà tin giả là một trong số đó. Theo TS Dũng, trong cuộc chiến với tin giả, nếu chiến đấu một cách sòng phẳng, không có lý gì báo chí lại thua. Ông Dũng nói: “Có người đặt câu hỏi, vì sao có đến 18.000 nhà báo được cấp thẻ mà lại thua MXH? Tôi nghĩ có 2 lý do. Thứ nhất là quy trình kiểm duyệt. Để lên được một cái tin, báo chí phải trải qua quá nhiều quy trình, tức là đã bị “trói tay”, “trói chân” bắt cạnh tranh với MXH vốn tự do hơn nhiều. Thứ hai là báo chí không được giao nhiệm vụ chống lại fake news. Theo tôi hiểu, việc chống fake news trên MXH đang được giao cho một lực lượng khác với kinh phí không nhỏ, nhưng lực lượng đó không có nghiệp vụ”. Tin giả - fake news Tin giả, được định nghĩa đơn giản nhất là những tin không đúng, không chứa đựng sự thật. Ai cũng biết rằng, bất cứ xã hội nào, thì sự thật vẫn luôn cần được tôn trọng và phản ánh đúng. Và ai cũng biết rằng, tin giả không có tác dụng cho những người chân chính, cho một xã hội muốn tốt đẹp hơn. Tác hại của tin giả nhiều khi là hết sức lớn cho cá nhân, cộng đồng và xã hội. Khi xã hội chấp nhận mạng lưới thông tin đã phủ rộng khắp thì đồng nghĩa với những thông tin thật giả lẫn lộn. Người sử dụng, cung cấp thông tin cũng có muôn vàn loại người khác nhau về tính cách, suy nghĩ, trình độ nhận thức và văn hóa. Nhiều người vô tình đưa tin giả, có những người cố tình sáng tác và tạo ra tin giả nhiều khi chỉ với mục đích vô hại. Nhưng cũng có những người hoặc nhóm người cố tình tạo ra tin giả với những kế hoạch, âm mưu và mục đích khác nhau. Tin giả trong xã hội Việt Nam Báo chí, tin tức phản ánh hiện thực xã hội. Do vậy, khi một xã hội lành mạnh, văn minh, thì các tin tức phản ánh xã hội đã chứa đựng nhiều sự thật trong đó. Một chế độ chính trị ưu việt, dân chủ, người dân được quyền nói lên những suy nghĩ, tư tưởng và được phản ánh sự thật khách quan, sẽ giảm bớt những thông tin giả dối, nói tránh, nói ngược. Ngược lại, một chế độ chính trị hà khắc, bịt miệng người dân, báo chí, truyền thông chỉ là công cụ của chế độ độc tài như ở Việt Nam hiện nay, thì ngay chuyện tin giả, bịa đặt là chuyện không lạ, miễn là phục vụ đúng mục đích của đảng cầm quyền. Chưa cần nói trên mạng xã hội, bởi ở đó có nhiều thành phần, có nhiều tầng lớp khác nhau và thuộc về từng cá nhân. Mọi tin giả có thể có rất nhiều ở đó, nhưng nó không ảnh hưởng mấy đến cuộc sống xã hội và đất nước. Sự nguy hại của những tin giả ở đó không gây nên những hậu quả quá to lớn. Chúng ta hãy xét về tin giả trong hệ thống truyền thông chính thống của nhà nước Việt Nam, ở đó chúng ta sẽ thấy hệ thống tin giả khổng lồ. Bản chất của xã hội cộng sản, vốn được dựa trên nền tảng của sự dối trá, lừa bịp và bạo lực. Cả hệ thống duy trì sự cai trị của một nhóm người, cướp bóc, tước đoạt lợi ích của toàn xã hội nhằm phục vụ nhóm người đó. Người dân đã đúc kết bản chất xã hội Việt Nam hiện nay như sau: “Lãnh đạo giả vờ tin chủ nghĩa Mác Lê Mao, cán bộ đảng giả vờ nghe theo, quốc hội giả vờ họp và bỏ phiếu, chế độ giả vờ dân chủ, thầy giả vờ dạy, trò giả vờ học, thầy chùa giả vờ tụng kinh, công an giả vờ phạt, an ninh giả vờ côn đồ, thuế giả vờ thu, tòa án giả vờ xử, quốc doanh giả vờ có lãi, công chức giả vờ sống nhờ lương, quân đôi giả vờ chống ngoại xâm, nhà văn giả vờ tung hô... Còn người dân giả vờ hạnh phúc khi được báo chí chọn phỏng vấn”. Ngược lại, hệ thống tuyên truyền là công cụ tô vẽ bằng mọi cách tung hô, nhồi nhét vào đầu người dân, rằng đó là chế độ “Của dân, do dân, vì dân” và “cán bộ là đầy tớ trung thành tận tụy của nhân dân”. Với tình trạng xã hội đó, thì việc tung tin giả, bịa đặt tin giả là chuyện hiển nhiên có và cần thiết cho nó. Có lẽ, câu nói trong dân gian dưới thời cộng sản rằng: Lịch sử loài người ở Việt Nam theo quy luật tiến hóa từ thời đại đồ đá, sang thời đại đồ đồng và nay đến thời đại Hồ Chí Minh – thời đại đồ đểu quả là không phải không có lý. Trong thời đại mà không chỉ hàng hóa bị làm giả, mà hầu hết mọi mặt cuộc sống con người Việt Nam hôm nay đều được làm giả và có thể làm giả bất cứ thứ gì, thì chuyện tin giả là điều không mấy ngạc nhiên. Người ta có thể làm giả từ cái giấy khai sinh của đứa trẻ cho đến cái giấy báo tử của người già cũng như vô số bằng cấp của quan chức cộng sản. Người ta cũng có thể làm giả từ trình độ của những cán bộ cấp phường xã cho đến làm giả ngày tháng năm sinh một Chủ tịch nước nhằm trụ lại chiếc ghế quyền lực bóp nặn máu xương người dân. Người ta cũng có thể làm giả một đại biểu quốc hội, một chủ tịch Thành phố hoặc ủy viên Trung ương đảng bằng số tiền hàng chục tỷ đồng chạy chức, chạy quyền. Thậm chí, người ta có thể làm giả một thần tượng Hồ Chí Minh suốt đời chỉ vì hạnh phúc của người dân mà tìm đường cứu nước, sống như một kẻ tu hành mẫu mực không gia đình, vợ con và rất ghét thói tư hữu, chủ nghĩa cá nhân. Nhưng, hệ thống truyền thông độc lập đã chỉ ra rằng chẳng phải thế. Ông ta cũng chỉ là một con người chứ không hề là thần thánh. Ông ta cũng có vợ, có con và cũng mưu đồ, chủ nghĩa cá nhân hơn những người khác. Chỉ có điều khác mọi người, là ông ta đã giấu mình giỏi hơn và hệ thống tuyên truyền đã tạo ra hệ thống tin giả fake news bao bọc xung quanh, tạo nên ông ta mà thôi. Người ta có thể làm giả từ cái Bản Hiến pháp của Quốc hội đưa ra cho đến cái giơ tay của đại biểu quốc hội được điều chỉnh bằng quyền lợi đảng viên. Và với một xã hội như vậy, chỉ riêng truyền thông, báo chí phản ánh đúng hiện tượng diễn ra, đã chứa đựng sự giả dối về bản chất. Trong thời đại ngày nay, bất cứ thông tin nào cũng phải được sự chỉ đạo, kiểm duyệt của Tuyên giáo, thì hệ thống báo chí chính là hệ thống tạo ra số lượng khổng lồ những thông tin giả. Người ta thấy hàng ngày, hàng giờ hệ thống báo chí luôn đưa lên để tụng niệm và cái gọi là “Tính tất yếu, khoa học” của cái gọi là “Chủ nghĩa Mác – Lenin” – điều ai cũng biết rằng đó là một thứ lý thuyết hoang đường và ngược với thực tế cuộc sống. Do vậy, việc đưa thông tin ca ngợi, tung hô tô vẽ nó, đã là một hệ thống tin giả. Người ta thấy báo chí tường thuật về việc Quốc hội họp, cũng giơ tay bấm nút, cũng phát biểu, cũng tranh luận để làm ra luật. Nhưng tất cả điều đó chứa đựng sự giả dối. Bởi cái gọi là “Cơ quan quyền lực cao nhất” đó, đã và đang diễn vở diễn do Đảng cộng sản đã chỉ đạo. Người ta thấy những cuộc bầu cử từ đại hội đảng, cho đến bầu cử các cấp từ trung ương xuống địa phương, rất đông đúc, rất có vẻ cẩn mật ồn ào và tốn kém. Nhưng bản chất của những thông tin về việc đó là những tin giả. Bởi bản chất việc bầu bán kia, đã là sự giả dối do sự sắp đặt, cơ cấu từ lâu trước đó bởi đảng cộng sản. Có những vụ việc cụ thể như chuyện báo chí ca ngợi một viên công an giúp một người dân qua đường, hay một Cảnh sát giao thông trả lại ít tiền cho người đánh mất…  được báo chí tung hô như là chuyện anh hùng xuất hiện, mặc dù những chuyện đó, trong xã hội phải là chuyện hiển nhiên, đứa trẻ con cũng làm được. Thế nhưng, oái oăm thay là Mạng xã hội đã vạch trần những sự giả dối ngay lập tức sau đó khi người dân phát hiện ra bằng hình ảnh và chứng cứ cụ thể rằng người dân được giúp đỡ kia, cũng chính là người dân đã được cảnh sát đưa ra đóng vai trong những năm trước. Và để có hình ảnh đó, hệ thống công an, báo chí đã phải dàn dựng hết sức công phu. Đó là những tin giả. Mới đây, mạng xã hội cũng đã vạch trần cái gọi là “tiếp xúc cử tri” là một màn diễn vụng về. Mỗi khi Nguyễn Phú Trọng xuất hiện, hẳn nhiên có một diễn viên chuyên nghiệp là Trần Viết Hoàn đứng lên phát biểu, ca ngợi đúng như ý đảng. Đó là những cử tri diễn viên chuyên trách luôn được coi là nhân dân. Đó là những tin giả. Đến mức, người dân chứng kiến những tin giả sống sượng đó, đã phải thốt lên lời khen rằng: Khốn nạn thế mà vẫn làm được! Chiến đấu sòng phẳng, Đảng sẽ về đâu? Ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, nếu chiến đấu một cách sòng phẳng, không có lý gì báo chí lại thua. Điều này có thể đúng, hoặc không đúng tùy theo định nghĩa như thế nào là tin giả. Trước hết, cần định nghĩa như thế nào là sòng phẳng? Theo Từ điển Tiếng Việt, sòng phẳng có nghĩa là “tỏ ra phân minh, rõ ràng và thẳng thắn” Nếu dùng đúng nghĩa từ sòng phẳng như trên, thì tôi dám chắc chắn rằng đảng sẽ không thể tồn tại. Bởi khi báo chí có thể nói, có thể viết và đưa lên truyền thông mọi điều sòng phẳng, rõ ràng và thẳng thắn, phân minh thì bản chất của đảng Cộng sản bị vạch trần. Bởi như trên đã nói, đảng cộng sản tồn tại được nhờ sự dối trá và bảo đảm sự dối trá đó tồn tại bằng bạo lực. Do vậy, nếu được “sòng phẳng” thì hẳn nhiên bản chất của đảng sẽ không thể giấu diếm, tô vẽ và lừa đảo lâu đến thế. Và người dân Việt Nam không thể là một đàn cừu mãi mãi chỉ để cho đảng xén lông và xẻ thịt. Theo đảng cộng sản thì “sự thật” chỉ là những cái có lợi cho sự tồn tại và lợi ích của đảng, được nói, được viết theo đúng tinh thần, nghị quyết của đảng. Nếu theo cách định nghĩa này thì chắc chắn một điều dù có chiến đấu sòng phẳng đến mấy, dù có đến 18.000 nhà báo được cấp thẻ chứ có đến 4 triệu đảng viên đều được cấp thẻ, cũng sẽ nhận thất bại thảm hại. Còn nếu báo chí quyền tự do thật sự, được phản ánh sự thật một cách khách quan, được vào sân đấu một cách “sòng phẳng” thì chẳng cần đến số lượng chừng đó nhà báo và cả ngàn tờ báo, chỉ cần một số lượng rất nhỏ cũng có thể hạ đo ván hệ thống đảng cộng sản. Chính vì thế, đảng tìm mọi cách “lãnh đạo tuyệt đối” về báo chí. Vì thế, đừng bao giờ mơ đến việc “Sòng phẳng” trong hệ thống truyền thông Việt Nam dưới chế độ độc tài. Bởi, nếu sòng phẳng, thì đảng chẳng có cơ sở nào để có thể tồn tại mãi trên xương máu người dân và cơ  đồ đất nước này. Bởi, từ xa xưa, Kinh Thánh đã ghi lại lời Chúa rằng: “Chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta”. Ngày 25/6/2019 J.B Nguyễn Hữu Vinh  
......

EVFTA: mới nửa chặng đường

nguyenanhtuan's blog|   Mười tháng trước đây, trong bài viết bên dưới [*], tôi có bàn về những trở lực đối với EVFTA, từ quyền lao động (chưa phê chuẩn các Công ước ILO cốt lõi), đến môi trường (chưa có những thay đổi về mặt thể chế bảo vệ môi trường, đơn cử là báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM của các dự án chưa được công khai) và xã hội dân sự (phải được tham gia vào quá trình giám sát việc thực thi các cam kết). Từ đó đến nay, chính quyền đã có một số cải thiện. Tháng 4/2019, trong một diễn biến chưa từng có tiền lệ, 'công đoàn độc lập' được đưa vào Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dự kiến thông qua vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau [1]. Một tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị định 40 thi hành Luật Bảo vệ Môi trường, lần đầu tiên đặt ra yêu cầu phải công khai mọi bản ĐTM trên trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định [2]. Cách đây vài tuần thì đến lượt Quốc Hội chính thức phê chuẩn Công ước ILO 98 về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể của người lao động [3]. Trước những động thái đó, EU đã có phản hồi tích cực khi Hội đồng EU bật đèn xanh cho Ủy ban EU ký EVFTA với Việt Nam vào ngày 30/6 tới đây ở Hà Nội. Tuy nhiên phải chăng mọi việc như thế coi như là xong và chỉ là vấn đề thời gian trước khi EVFTA có hiệu lực? Hoàn toàn không phải vậy. Lập pháp của EU theo cơ chế cùng ra quyết định (co-decision procedure) giữa Hội đồng EU và Quốc Hội EU, chịu ảnh hưởng từ mô hình Quốc Hội hai viện của nhiều nước. EVFTA hiện mới qua được một cửa - Hội đồng EU, đại diện cho 28 chính phủ thành viên. Cửa còn lại là Quốc Hội EU, cơ quan dân cử gồm 751 thành viên đại diện cho cử tri toàn Châu Âu. Mà Quốc Hội EU thì chỉ vừa mới được bầu hồi tháng 5 vừa rồi, hiện vẫn trong giai đoạn định hình khối chính trị và thảo luận nghị trình. Vì lẽ các Dân biểu EU thường bỏ phiếu theo khối chính trị của mình nên để được thông qua, EVFTA cần được sự ủng hộ của các khối chính trị lớn bao gồm EPP, S&D, Renew Europe và Greens. [4] Không phải ngẫu nhiên mà Đại sứ EU Bruno Angelet, trong bài trả lời phỏng vấn gần đây [5], đã cảnh báo sẽ có thêm yêu cầu, đòi hỏi và ‘những câu chuyện được coi là nhạy cảm’ từ phía Quốc Hội EU khi thảo luận, xem xét thông qua EVFTA bởi lẽ kỳ bầu cử vừa rồi chứng kiến sự lên ngôi của khối xanh, khối tự do, khối xã hội vốn không tha thiết mấy với tự do thương mại. Bởi vậy câu hỏi khi nào EVFTA hoàn tất để có hiệu lực vẫn còn để ngỏ ở đó và chính quyền còn phải nỗ lực thêm nữa để hoàn tất nửa chặng đường còn lại. PS: Nói chuyện EVFTA, nghĩ cũng cần liên hệ đôi chút đến EUSFTA - FTA giữa EU và Singapore. Cũng bị trì hoãn vì những trục trặc pháp lý từ phía EU trong năm 2017 (dẫn đến việc tách Hiệp định Bảo hộ Đầu tư IPA ra khỏi FTA) song EUSFTA lại được thông qua nhanh hơn EVFTA, khi mà tháng 10/2018 đã được Hội đồng EU bật đèn xanh và 5 tháng sau đó có được cái gật đầu của Quốc Hội EU, giúp Singapore trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên có FTA với EU [6]. Có lẽ chính vì lo ngại những biến động nghị trường của EU sau mùa bầu cử tháng 5/2019 nên Chính phủ Lý Hiển Long đã nỗ lực hoàn tất EUSFTA ngay trong nhiệm kỳ Quốc Hội EU khóa trước và giờ thì chỉ cần đợi một số thủ tục mang tính hình thức để hiệp định bắt đầu có hiệu lực. Trong khi đó, Việt Nam thì vẫn phải chờ. --- [*] AI ĐANG CẢN TRỞ EVFTA? https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254 [1] http://laodongxahoi.net/bo-lao-dong-tbxh-trinh-chinh-phu-du-thao-du-an-bo-luat-lao-dong-sua-doi-1312414.html [2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-40-2019-ND-CP-huong-dan-Luat-bao-ve-moi-truong-413905.aspx [3] http://vneconomy.vn/viet-nam-phe-chuan-cong-uoc-cua-ilo-ve-thuong-luong-tap-the-20190614155526573.htm [4] https://www.ecfr.eu/publications/summary/how_to_govern_a_fragmented_eu_what_europeans_said_at_the_ballot_box [5] https://news.zing.vn/dai-su-eu-evfta-co-the-duoc-ky-vao-cuoi-thang-6-hoac-dau-thang-7-post957125.html [6] https://www.straitstimes.com/singapore/european-parliament-votes-yes-on-free-trade-partnership-agreements-with-singapore  
......

Ác mộng Việt

Đỗ Văn Ngà| Thông thường mỗi áo dài trung bình tốn 3 m2 vải. Mỗi tờ dollar Mỹ có kích thước dài 156mm và rộng 66,3mm, tính ra mỗi tờ dollar có diện tích 0,156×0,0663= 0,009828 m2. Vậy câu hỏi đặt ra là với 5000 dollars bằng tờ mệnh giá 1 đô thì chiếm diện tích bao nhiêu? Đơn giản thôi nó có diện tích là 0,009828×5000= 49m2. Như vậy là nếu đem ghép những tờ đô la lại để thành chiếc áo dài, thì với 5000 đô sẽ phủ được 16 lớp quanh chiếc áo dài. Vậy là mỗi chiếc áo dài mà bà chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt Võ Việt Chung may là những chiếc áo dài được phủ kín bằng 16 lớp tờ tiền mệnh giá 1 dollar. Kinh khủng. Nhưng ở đây bà Ngân không phải đặt một vài chiếc mà đặt đến 300 chiếc, với mỗi chiếc 5000 đô, vậy tổng giá trị là 1,5 triệu đô. Và khi chuyện này bị xì ra ngoài thì cộng đồng mạng tìm đã xem lại, bà Ngân chưa hề mặc một chiếc áo dài 2 lần. Nghĩa là những chiếc áo dài được phủ bằng 16 lớp tiền đô đó, bà mặc một lần rồi vứt. Chưa có thời nào quan chức xa hoa kinh khủng như như thời CS này. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân được cho là “hiền” nhất trong tam trụ, phần vì bà này giữ ghế chủ tịch quốc hội không quyền lực gì mấy so với 2 ghế kia, phần vì bà là phụ nữ ít có tai tiếng chuyện đấu đá cung đình. Với một người có vẻ như “trong sạch” còn coi tiền đô như rác thì những vị kia thế nào? Khó mà tưởng tượng nổi. Năm 2017, bà Châu Thị Thu Nga đã khai trước tòa là bà ta mua chiếc ghế đại biểu quốc hội 1,5 triệu đô, thế nhưng ai bán cho bà Nga chiếc ghế 1,5 triệu đô đó thì chẳng thấy tòa nói. Vậy qua đây chúng ta thấy gì? Với 300 chiếc áo dài trị giá 1,5 triệu đô thực ra chỉ bằng một cái gật đầu bán một trong 500 chiếc ghế tại Quốc hội mà thôi, tiền kiếm dễ thế nên chị Ngân nhà mình dùng dollar phủ 16 lớp lên 1 chiếc áo dài và chỉ mặc 1 lần rồi vứt cũng là điều dễ hiểu. Chuyện quan chức CS sống xa hoa trên sự khốn cùng nhân dân đã có từ thời ông Hồ Chí Minh. Mặt trước giản dị để mị dân, mặt sau thì kinh khủng. Cách đây mấy năm, một tờ báo đưa hình bên trong dinh cơ của ông Nông Đức Mạnh – người khởi xướng “phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một khung cảnh xa hoa đến choáng ngợp. Những chiếc ghế bàn chiếc ghế được giác vàng sáng loáng y hệt như ngai vàng của vua chúa. Tiền đâu ra mà họ sử dụng nó xa hoa đến vậy? Câu trả lời là sự nghèo khổ của nhân dân, đất nước tụt hậu là cái giá cho sự sống xa hoa đó. Theo tờ Thời Báo Tài Chính Việt Nam, ngày 16/01/2018 có đăng bài “Xuất khẩu lao động đạt số lượng kỷ lục trong năm 2017”, thì hằng năm Việt Nam có 100 ngàn người bỏ xứ làm culi nước ngoài để kiếm đô về cho đất nước. Và Tờ báo Đất Việt cũng cho con số, mỗi năm có 18.000 gái Việt ra nước ngoài hành nghề mại dâm. Và hiện nay vì sống không nổi tại Việt Nam mà dân Việt đã trở thành miếng mồi ngon cho bọn buôn người quốc tế. Chuyện phụ nữ trẻ em bị bọn buôn người bắt cóc bán sang Trung Quốc là chuyện thường ngày ở huyện, và hiện nay đang nóng vụ 472 trẻ em Việt Nam bị mất tích tại Berlin. Đây là nỗi buồn nỗi hận cho một dân tộc bị bức tử, bị ĐCS bóc lột để phục vụ cho thói xa hoa tột cùng của họ, không còn cách nào khác nhân dân phải túa ra ngước ngoài làm culi và bán dâm để gởi đô về nước nuôi những tầng lớp này, và rất nhiều trong họ là nạn nhân của bọn buôn người. Con người được sinh ra họ hướng tới điều gì? Thứ nhất là tự do, thứ nhì là sự thịnh vượng, 2 yếu tố này sẽ cấu thành chất lượng cuộc sống cho cá nhân, và cũng chính 2 yếu tố này cấu thành sự cường thịnh cho 1 quốc gia. Dưới thời CS, nhân dân Việt Nam bị tước bỏ mất 2 yếu tố này, chính vì vậy mà hiện nay, người Việt Nam đang tìm cách ra nước ngoài bằng nhiều cách, tị nạn giáo dục, tị nạn kinh tế, tị nạn tôn giáo, tị nạn sắc tộc, tị nạn chính trị vv… Nếu nói “Giấc mơ Mỹ” là cục nam châm hút mọi người trên thế giới di cư vào Mỹ, thì với tình cảnh hiện nay của đất nước, có thể gọi cảnh này là “Ác mộng Việt”. Chính ác mộng này đã xua đuổi dân Việt tìm cách thoát khỏi đất nước hình chữ S đầy khó nhọc này./. Tham Khảo: https://dantri.com.vn/…/chau-thi-thu-nga-xin-khai-ve-15-tri… https://www.quora.com/What-size-of-a-cube-would-1-000-000-d… http://thoibaotaichinhvietnam.vn/…/xuat-khau-lao-dong-dat-s… http://m.baodatviet.vn/…/18000-gai-viet-ra-nuoc-ngoai-hanh…/ https://ngoisao.net/g…/tu-di-mua-vai-may-ao-dai-2646825.html https://thoibao.de/thong-cao-bao-chi-cua-canh-sat-berlin-ve…  
......

Chí Phèo 4.0

Không lâu sau bài viết mang tính chất định hướng xã hội và có thể sẽ được coi là “cơ sở lý luận” cho những thay đổi chính sách quản lý đối với các mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và các hãng công nghệ như Google, Youtube của ông Võ Văn Thưởng có tựa đề “Truyền thông xã hội với ổn định chính trị xã hội ở Việt Nam” được đăng phổ biến trên báo chí truyền thông trong nước, ngày 25 tháng Sáu, 2019, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Bộ Trưởng Bộ 4T – đã có một phát ngôn “thẳng toẹt”: “Google, Youtube muốn làm ăn tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.” Nói như ông Hùng, thế chẳng nhẽ những đại công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam làm ăn bấy lâu nay là “vô phép”, không tuân thủ luật pháp Việt Nam? Vậy thì toàn bộ cái bộ máy nhà nước của các ông có vai trò gì? Đã qua rồi thời dân chúng dễ dàng bị mị lừa. Ai cũng hiểu rằng, những tập đoàn công nghệ có sức mạnh tài chính ngang với một quốc gia phát triển cỡ trung như Facefook, Google… đều nắm rất rõ luật pháp các nước sở tại mà họ kinh doanh đầu tư. Bất cứ hoạt động kinh doanh nào của họ đều dựa trên các cơ sở luật pháp quốc tế và các hiệp định thương mại có tính pháp lý rất cao. Vậy tại sao, giờ ông bộ trưởng 4T lại có những phát ngôn gây khó hiểu vậy? Chuyện chẳng còn gì phải úp mở, chỉ riêng hai hãng Facebook và Google đã chiếm gần hết thị phần thị trường quảng cáo trực tuyến có doanh thu 660 triệu Mỹ Kim năm 2018, với mức tăng trưởng phi mã hơn 30%/năm. Hai phần ba miếng bánh béo bở này thuộc về hai “ông lớn”, Facebook chiếm đến 235 triệu USD, Google chiếm 152,1 triệu USD. Phần còn lại thuộc về hàng nghìn các doanh nghiệp/mạng quảng cáo trực tuyến trong nước như VCCorp/Admicro, VNExpress/Eclick, Zing/Adtima, các báo điện tử, truyền hình… chia nhau 150 triệu USD. Bên cạnh món lợi lớn từ nguồn thu quảng cáo trực tuyến sẽ nhanh chóng cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2020, thị trường thương mại điện tử Việt Nam có doanh thu khoảng 8 tỷ USD năm 2018, với mức tăng trưởng cũng khoảng 30%/năm là một lĩnh vực béo bở mà chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất muốn “quản” và “làm tiền” bằng đủ loại thuế, phí. Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 6 trên thế giới về tăng trưởng thương mại điện tử. Trong khi đó, buổi hoàng kim của quảng cáo trên báo chí, truyền hình của các hãng nhà đài mà Bộ 4 T và Ban Tuyên Giáo CSVN quản lý dường như đang lùi dần vào “thời xa vắng”. Không còn được “làm vương, làm tướng”, tha hồ thét giá trên trời, thu tiền quảng cáo của các doanh nghiệp chia nhau, sự tức tối của thói “trâu buộc ghét trâu ăn” thể hiện rất rõ qua những phát ngôn của các viên chức cộng sản nói về sự “bất công” khi mà các doanh nghiệp như Google, Facebook kiếm lợi hàng trăm triệu Mỹ kim ở Việt Nam mà “chẳng đóng đồng thuế nào cả”. Năm 2017, Jack Ma đặt vấn đề “giúp” cho chính quyền Việt Nam phát triển thương mại điện tử, đã nhận được nhiều sự ưu ái từ Hà Nội. Cái tên Lazada – một nhánh của Alibaba tại Việt Nam – đang chiếm những miếng bánh lớn của thị trường thương mại điện tử giàu tiềm năng nhưng việc nó đóng góp được bao nhiêu cho ngân sách nhà nước thì là câu chuyện khác. Cho đến giờ, Lazada hay những hãng thương mại điện tử “hồn Trung, xác Việt” đang phủ kín các thị phần thương mại điện tử Việt Nam, thúc đẩy thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc với tốc độ “quá nhanh, quá nguy hiểm”, đồng thời gây sức ép hủy diệt với các doanh nghiệp Việt bằng những món “hàng giả, giá không rẻ”, nhưng rất hợp thị hiếu tiêu dùng. Với những hiệp định mà Hà Nội đã ký kết với Bắc Kinh, hàng hóa Trung Quốc tự do vào Việt Nam với mức thuế bằng không và hầu như không bị kiểm soát bởi bất cứ hàng rào kỹ thuật nào ngoài chi phí “lót tay” cho viên chức hải quan, biên phòng, doanh nghiệp Việt hoàn toàn không còn “cơ may sống sót” khi đối chọi với các doanh nghiệp Trung Quốc ở cùng ngành hàng. Ngoài những đồng bạc lẻ mà các hãng chuyển phát, bưu chính nội địa kiếm được, không rõ bao nhiêu phần trăm được chia phần dưới gầm bàn cho giới chức chóp bu, nhưng với tình trạng báo lỗ triền miên, còn lâu ngân sách Việt Nam mới kiếm được những đồng thuế đầu tiên từ Jack Ma. Có thể thấy rõ, nhịp điệu và giọng điệu mà giới chức Việt Nam đang “chĩa mũi dùi” về mạng xã hội và các tập đoàn đa quốc gia công nghệ thông tin như Facebook, Google, Twitter… đang gia tăng. Mục đích chính là ép các “đại gia” này phải chia lại miếng bánh của thị trường thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến, mục đích thứ 2 là mong muốn giảm thiểu những thông tin và nội dung được cho là gây hại cho trật tự xã hội và “ổn định chính trị”. Vào đầu năm 2019, bộ Luật An Ninh Mạng gây nhiều tranh cãi và lo ngại về rủi ro về nhân quyền đã được nhà nước CSVN đưa vào thi hành với những qui định và điều khoản rất mơ hồ, thiếu căn cứ, cho phép nhà cầm quyền CSVN dễ dàng bỏ tù hay bắt phạt nặng bất cứ người dân nào đăng tải, share các thông tin mà nhà cầm quyền không vừa mắt. Cùng với đó, Hà Nội đang mạnh tay chi tiền cho lực lượng “an ninh mạng” trong việc xây dựng “tường lửa” ngăn chặn hầu hết các trang thông tin nước ngoài phổ biến nhất toàn cầu như CNN, BBC, VOA, RFA… đánh phá các trang tin, blog, website có nội dung Dân chủ, Tự do, Hiến pháp… Dù chế tài và phương tiện đàn áp thông tin đã có đầy đủ, nhưng mục đích mà Bộ 4T và nhà cầm quyền nhắm tới còn nhiều mục đích khác. Một viễn tượng mà ông Thủ Tướng Phúc và Bộ Trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng có lẽ đang mơ tới là những mạng xã hội, hãng thương mại điện tử lớn nội địa “MAKE” in Viet Nam với sự “giúp đỡ” của những “đối tác chiến lược” như Huawei hay Alibaba, sẽ nhanh chóng thay thế chỗ đứng của Facebook, Google giống như Trung Quốc đã áp dụng. Không những độc quyền luôn thị trường thương mại điện tử béo bở, kiểm soát thông tin chính trị xã hội mà còn hướng đến kiểm soát người dân bằng công nghệ AI thông qua các mạng xã hội nhà nước quản lý. Mới đây, ban tuyên giáo trung ương của ông Võ Văn Thưởng đã khai trương mạng xã hội mới có tên VCNET với tham vọng số người tham gia sẽ thay thế mạng xã hội Facebook sau 5 năm hoạt động (!) Tất nhiên, khoảng cách giữa thực tế và phát ngôn của giới chức CSVN là “một trời một vực” nhưng với những “nỗ lực” mà nhóm lợi ích kiểu Chí phèo thời 4.0 của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Võ Văn Thưởng đang cố gắng kéo ngược Việt Nam quay trở về thời kỳ tăm tối, tự mình cô lập khỏi thế giới văn minh và dòng chảy lịch sử thì con đường phát triển của Việt Nam sẽ còn nhiều khúc quanh trắc trở. Tân Phong https://viettan.org/chi-pheo-4-0/  
......

Bản án “âm mưu lật đổ chế độ” thời công nghệ 4.0

Trung Điền| Sau hơn một năm bắt giữ và trấn áp một cách phi pháp từ tháng Bảy, 2018, CSVN đã dàn dựng ra phiên tòa vào ngày 24 tháng Sáu vừa qua tại Sài Gòn để kết án 4 người Việt Nam yêu nước với tội danh “âm mưu lật đổ chế độ”, tổng cộng 31 năm tù giam. Cộng sản Việt Nam cáo buộc bốn người này nằm chung trong một tổ chức hoàn toàn dựa trên sự dàn dựng và cáo buộc của bộ máy an ninh CSVN, có tên là “Quốc Nội Vùng Dậy” nhằm “lôi kéo người biểu tình” để chấm dứt chế độ độc tài cộng sản. Bốn người bị kết án gồm ông Michael Phương Minh Nguyễn, một Việt Kiều từ Mỹ, bị tuyên án 12 năm tù giam, sinh viên Huỳnh Đức Thanh Bình 10 năm tù giam; sinh viên Trần Long Phi 8 năm tù giam và ông Huỳnh Đức Thịnh, cha ruột của anh Huỳnh Đức Thanh Bình 1 năm tù giam. Mặc dù những nhà hoạt động trong các tổ chức đấu tranh liên tục bị trấn áp với những bản án nặng nề trong ba năm qua, nhưng có thể nói là dư luận rất bất ngờ với bản án khá nặng đối với 4 đối tượng lần đầu tiên bị bắt và bị kết án, so với những vụ xử tương tự không thể bị tuyên án nặng như vậy. Nhìn vào kết quả vụ án, người ta thấy rõ hai điều. Thứ nhất, những người này bị bắt ngay sau khi cuộc nổi dậy chống Dự Luật Đặc Khu bùng nổ tại 12 tỉnh thành vào ngày 10 tháng Sáu, 2018. Nói cách khác, cuộc biểu tình ngày 10 tháng Sáu đã làm cho CSVN rúng động và khiếp sợ nên đã ra tay trù dập và ngăn chặn mọi cuộc đấu tranh liên quan đến vụ đặc khu. Sự khiếp sợ này đã giải thích phần nào việc lãnh đạo CSVN phải đẩy lùi việc thảo luận thông qua Dự Luật Đặc Khu ở Quốc Hội từ tháng Tám, 2018 sang tháng Mười, 2018 và bây giờ là hoàn toàn “đông lạnh” không nhắc gì đến dự luật ba đặc khu (gộp chung thành Dự Luật Đặc Khu), và dự trù đến năm 2020 mới đưa ra thảo luận và thông qua qua. Thứ hai là phiên tòa diễn ra ngay vào thời điểm “nội bộ đảng” đang có vấn đề, sau khi ông Nguyễn Phú Trọng bị đột quỵ tại Kiên Giang vào ngày 14 tháng Tư. Sự vắng mặt của ông Trọng liên tục trong hai tháng vừa qua, với những đồn đoán ông Trọng vô năng đã không chỉ làm cho nội bộ đảng lùng bùng, mà còn khiến cho uy tín chính trị của phe ông Trọng đi xuống. Chính trong bối cảnh này, ông Trọng và phe nhóm có nhu cầu phải mạnh tay đối với các lực lượng đấu tranh để khoả lấp sự yếu kém tự thân của phe mình. Thật vậy, phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 21 tháng Sáu vừa qua, trong thực chất là để tạo diễn đàn cho ông Trọng tái xuất hiện sau hai tháng chữa bệnh, nhưng qua hình ảnh và thái độ của đảng viên các cấp, đa số đều có phản ứng “lạnh nhạt” và đều coi cuộc đời chính trị của ông Trọng đã chấm dứt. Nói tóm lại, phiên tòa xét xử nhóm ông Michael Phương Minh Nguyễn hôm 26 tháng Sáu vừa qua, hoàn toàn là sự dàn dựng của bộ máy an ninh, vì mục tiêu củng cố quyền lực cho phe đảng sau cơn đột quỵ bất ngờ của ông Trọng tại Kiên Giang. Bản chất của việc kết án qua phiên tòa ngày 26 tháng Sáu, hoàn toàn là một vở kịch tồi, nói lên sự hoảng loạn của một thế chế đang bị người dân chán ghét, lãnh đạo bất lực trước những khó khăn kinh tế – xã hội chồng chất hiện nay.    
......

Chống tham nhũng trong các cơ quan Phòng chống tham nhũng!

Nguyễn Minh| Ngày 18/6, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Đây là thông tin chấn động làm nhiều người ngỡ ngàng vì nó xảy ra đối với người thuộc cơ quan Phòng chống tham nhũng. Với gợi ý “xem thế nào đi chứ” Mấy ngày qua dư luận xôn xao, bàn tán về tin Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng làm việc tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vừa bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc lập biên bản về hành vi nhận hối lộ và ngày 18/6 Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 3 đối tượng nêu trên để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Cùng ngày Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Kim Anh, Trưởng đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng, cùng 2 thành viên trong đoàn là: Đặng Hải Anh, chuyên viên Phòng Thanh tra xây dựng 2 và Nguyễn Thùy Linh, cán bộ Phòng Giám sát, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, thuộc Thanh tra Bộ Xây dựng, để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Họ bàn tán là vì bà Nguyễn Thị Kim Anh là Phó trưởng phòng Phòng chống tham nhũng làm trưởng đoàn thanh tra và các thành viên của Thanh tra Bộ Xây dựng tại Vĩnh Phúc, sự chớ trêu ở đây là những quan chức nắm quyền lực, cầm cân nảy mực, có quyền thanh tra, kiểm tra người khác mà lại bị cáo buộc vi phạm pháp luật nhận hối lộ. Câu hỏi đặt ra là người của cơ quan Phòng chống Tham nhũng còn nhũng nhiễu, lót tay, hối lộ, tham nhũng thì nói được ai, chống ai? Vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên đang ở đâu? Dư luận cho rằng mới thanh tra mấy dự án cấp xã, cấp huyện mà đã vòi vĩnh, đòi chung chi tặng quà đến hàng “trăm triệu đồng” thì ở dự án cao hơn, cấp cao hơn thì chung chi sẽ lớn đến mức nào? Mà một khi đã được chung chi, lót tay, tặng quà, hối lộ thì sai phạm trong xây dựng, trong quy hoạch… nghiêm trọng, nguy hiểm đến nhường nào? Có bao nhiêu vụ đã bị phát hiện sai phạm được công bố và xử lý? Dư luận luôn hoài nghi đặt câu hỏi tại sao trong xây dựng người dân chỉ cần đổ cát, gạch để xây hay sửa nhà là có thanh tra xây dựng đến ngay và rồi mọi thứ đâu vào đấy nào là sai phép, không phép vẫn tồn tại, thậm chí phạt cho tồn tại. Nhất là tại các đô thị lớn thì không thể kể hết vượt tầng, điều chỉnh qui hoạch méo mó... Nổi bật như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh một năm không dưới hàng chục đoàn thanh tra các cấp kể cả cấp bộ về thanh tra. Ấy vậy mà quy hoạch của hai thành phố lớn nhất cả nước càng ngày càng có nhiều sai phạm, trong đó có qui hoạch luôn được điều chỉnh làm cho nhiều khu vực trở lên ngột ngạt, chật chội không còn không gian để sống nhưng rất hiếm khi được phát hiện bởi các đoàn thanh tra, kiểm tra. Có thể nói không biết có bao nhiêu thanh tra xây dựng đã dung túng, thông đồng tiếp tay để các chủ đầu tư làm méo mó quy hoạch đô thị vì lợi ích riêng?. Nhưng họ vẫn bình yên vô sự mà có kỷ luật nặng thì kỷ luật thôi việc có ai bị đền bù thiệt hại vật chất đâu, truy cứu trách nhiệm hình sự. Vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng vừa bị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can tạm giam 3 đối tượng nêu trên để điều tra về hành vi nhận hối lộ có lẽ là hy hữu, hiếm hoi và rất “khiêm tốn”. Người dân băn khoăn còn bao nhiêu vụ việc khác thì sao? Bao giờ mới bị lộ… Sở dĩ tình trạng nhũng nhiễu, lót tay, chung chi, tham nhũng nhận hối lộ trong thanh tra, kiểm tra,… ít bị phanh phui là vì hầu hết các cá nhân, tổ chức bị thanh tra, kiểm tra đã cân nhắc lựa chọn tính toán rất kỹ để đưa ra gợi ý “xem thế nào đi chứ”, đôi bên đều có lợi “biết điều” và tự nguyện “lo lót” chu đáo, làm vừa lòng các quan thanh tra, kiểm tra hiếm khi bị bắt hy hữu như ở Vĩnh Tường. Có thể nói phát hiện hối lộ là việc rất khó khăn, bởi nhũng nhiễu, lót tay, chung chi hay hối lộ thường đến từ 2 phía: Người dân hay doanh nghiệp muốn thỏa hiệp, muốn được việc còn người có quyền thì muốn có lợi ích từ công việc của mình. Cho nên cực chẳng đã không chịu nổi mới tố cáo nhau. Người dân đặt câu hỏi là vừa qua các cơ quan điều tra, xét xử các đại án tham nhũng đã bao giờ đề cập đến những sai phạm của các đoàn thanh tra, kiểm tra trong việc dung túng, bao che cho tham nhũng lo lót, chung chi vòi tiền chưa?. Bởi hàng năm tại các Tập đoàn Tổng Công ty lớn đều được thanh tra, kiểm tra nhiều lần trong một năm và rồi đều có những đánh giá, nhận xét kết luận tốt, có chăng sai phạm cũng chỉ là nhắc nhở, kiểm điểm phê bình rút kinh nghiệm mà thôi. Trách nhiệm của người đứng đầu cũng bị lãng quên trước những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội, cuộc sống chật chội, mệt mỏi đi lại tắc đường kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Vậy thử hỏi niềm tin của người dân vào kết quả thanh kiểm tra đến đâu, có thực chất không? Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vấn nạn tham nhũng càng ngày càng nghiêm trọng.   Xử lý nghiêm hành vi tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng Trước những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua, nhất là vụ việc tiêu cực của Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành địa phương, cơ quan thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng. Các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện các quy định của Đảng, nhà nước về phòng chống tham nhũng nếu để xảy ra tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị, cơ quan mình thì phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước. Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành quy chế làm việc rõ ràng, minh bạch, có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường…, ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”, phục vụ động cơ cá nhân trong thực thi công vụ. Phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp khi giải quyết công việc. Triển khai rộng rãi hệ thống ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các địa điểm có tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp và có bộ phận thường trực theo dõi, giám sát thường xuyên. Công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật có yếu tố nhạy cảm trong thực thi công vụ. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật, định kỳ luân chuyển vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định. Lựa chọn, bố trí người có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm, nhất là đối với các trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra viên. Phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí và nhân dân trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng khi thi hành công vụ. 
......

Tuyệt thực trong tù để làm gì?

Có bao giờ bạn tự hỏi, các Tù Nhân Lương Tâm đã chọn sự phản kháng ở trong tù bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực? Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý suốt cuộc đời mà bạn phải gánh. Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như “nằm vạ”, nhưng thực chất các cuộc “nằm vạ” đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger: An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói: Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người. Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố “Ăn, là một quyền tự quyết của tôi”. Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực. Hiện nay, lực lượng công an CS đã biến chất, nó không còn bảo vệ an toàn cho nhân dân như ý nghĩa mà nó đã tự nhận lâu nay, mà ngày nay nó sẵn sàng thâu nạp côn đồ gây tội ác thay nó, nó sẵn sàng hóa trang thành côn đồ để trả thù dân, nó sẵn sàng tiếp tay cho buôn lậu, tiếp tay cho bọn buôn ma túy, sẵn sàng giết người nếu nạn nhân không chịu nhận tội nó tự ghép v.v. nghĩa là nó còn làm cho xã hội bất an hơn. Đổi lại, công an phải bảo vệ chế độ bằng mọi giá, dùng những thủ đoạn tàn độc nhất, làm những gì ác nhất để cho Điều 4 được “vững bền”. Hiện nay nhà tù CS không coi những kẻ giết người ngoài xã hội là thành phần nguy hiểm, mà họ xem những người lên tiếng đòi đảng Cộng Sản từ bỏ độc tài lãnh đạo là thành phần nguy hiểm nhất. Người dân biết đòi lại sự tốt đẹp cho đất nước, biết đòi lại sự giàu có cho thế hệ tương lai, biết đòi CSVN chấm dứt nô lệ Bắc Kinh để đất nước trường tồn lại bị đảng xem là tội phạm nguy hiểm nhất. Trên thế giới, những nước tiến bộ người ta dùng nhà tù để tước bỏ quyền tự do của công dân nhằm răn đe, giáo dục và cách ly tội phạm với xã hội thôi. Nhưng với nhà tù CS thì khác, họ xem đây nơi trả thù người yêu nước. Thực ra tù nhân lương tâm (tức tù chính trị) là những người yêu nước, dám nói lên sự thật để bảo vệ công lý và họ đã bị nhóm cầm quyền u muội gán ghép những tội trạng với mục tiêu duy nhất là để khủng bố. Phía sau những song sắt, khi không còn ai quan sát, những trò tiểu nhân nhất được áp dụng nhằm khủng bố tinh thần tù nhân. Mục đích là làm suy kiệt thể xác tù nhân để trả thù và để duy trì quyền lực độc tôn của lãnh đạo. Trong quá khứ, anh Huỳnh Anh Trí bị nhà tù CS làm cho lây nhiễm HIV, và đến giai đoạn cuối họ trả anh về gia đình nhằm phủi bỏ trách nhiệm. Những điều kiện sinh hoạt tối thiểu cho tù nhân, nhà tù tùy tiện cắt bỏ để tra tấn nạn nhân, và quan trọng hơn nó bào mòn nhanh sức khỏe và cướp dần tuổi thọ của những tù nhân lẽ ra là vô tội này. Nhà báo Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, anh Trần Huỳnh Duy Thức, v.v. đều đã phải dùng đến mạng sống để đòi yêu sách – tức họ phải tuyệt thực. Chuyện này đã làm cho dư luận xã hội lên án bao lâu nay, nhưng nhà tù này vẫn vậy, vẫn giữ nguyên thủ đoạn tước đoạt sức khỏe, tước đoạt tuổi thọ tù nhân như vậy. Hôm 26 tháng Năm vừa qua có 4 người Tù Nhân Lương Tâm gồm Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Thái Bình, Lê Đức Động tuyệt thực từ ngày 13 tháng Năm, để phản đối vụ kỷ luật Nguyễn Văn Hóa không minh bạch và vi phạm pháp luật. Tiếp tục hôm nay ông Trương Minh Đức đang phải tuyệt thực ở Trại giam số 6, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Ông đã tuyệt thực 10 ngày để đòi hỏi nhà tù phải cấp quạt điện cho mình. Không có gì ác bằng dưới cái nóng đến 40 độ C mà không có quạt. Phải nói rằng, đây là hình thức trả thù rất dơ bẩn và rất man rợ trong thời đại văn minh này. Trong môi trường bị bưng bít như các trại giam ở Việt Nam, mọi thông tin liên lạc từ ngoài vào trong và trong ra ngoài đều bị cán bộ kiểm soát chặt chẽ, những người bị đối xử bất công sau khi làm đơn theo đúng qui định của pháp luật mà không hề được đếm xỉa gì tới đành phải sử dụng phương thế cuối cùng là lấy mạng sống ra để đòi hỏi cho được những quyền lợi căn bản dù rằng họ đang phải ở trong nhà tù. Ở bên ngoài trại giam, chúng ta có thể có nhiều phương tiện để có thể đấu tranh dưới nhiều hình thức; nhưng ở trong tù, người tù không có vũ khí nào khác ngoài bản thân của mình. Trong đó, ta có thể viết đơn thư khiếu nại… vẫn không có ai giải quyết, và cũng không có thể liên lạc với ai bên ngoài. Cho nên khi đối diện với những bất công trong nhà tù mà người tù muốn đấu tranh thì vũ khí tốt nhất và có thể cao nhất của người tù là chính mạng sống của mình bằng phương pháp tuyệt thực. Khi bị dồn đến đường cùng trong trại giam, những tù nhân lương tâm phải nghĩ đến biện pháp sử dụng mạng sống của mình để chiến đấu và đòi hỏi những quyền lợi căn bản. Tuy nhiên, có mấy ai thành công như trường hợp của hai ông Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Hải vừa qua. Tự thân người tù phải cương quyết, vững vàng; và rồi sự lên tiếng đấu tranh mạnh mẽ của người thân và công luận bên ngoài cho thấy là một yếu tố quan trọng giúp họ thành công khi quyết định lấy mạng sống mình để đấu tranh – đó là phương pháp tuyệt thực. Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tư cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân. Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên. Để xây dựng sự độc tôn, bảo vệ sự phá hoại của các lãnh đạo mà đảng Cộng Sản đã ra thủ đoạn trả thù tù nhân lương tâm. Napoleon đã nói: “thế giới phải chìm đắm trong đau khổ không phải vì tội ác cuả những kẻ xấu, mà vì những sự yên lặng cuả những người tốt”. Mong mọi người cùng nhau để lên tiếng cứu lấy một con người. Một tiếng nói rất dễ nhưng có thể cứu được một mạng người. Mong rằng xã hội đừng thờ ơ. Xin mọi người đừng tiếc một tiếng nói để đánh động xã hội nhằm ngăn tội ác mà tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đang thực hiện sau song sắt nhà tù. Diễm Quỳnh https://viettan.org/tuyet-thuc-trong-tu-de-lam-gi/
......

Chia tay người gieo mầm hy vọng

nhacsituankhanh Sáng sớm 26/6/2019, nghe nhà giáo Phạm Toàn qua đời. Mới thấy mọi thứ là lẽ đương nhiên của tạo hóa, rồi thấy nỗi buồn nở một đóa hoa trong khu vườn ký ức của mình. Vài năm trước, khi gặp ông. Vừa nhìn mặt, ông hỏi ngay “Tuấn Khanh phải ông?”, nói xong ông ôm chặt, rồi bỗng nhiên ông khóc. Lúc ấy tôi ngỡ ngàng, bác Vũ Sinh Hiên đứng cạnh tôi, cũng ngỡ ngàng, rồi bác cười “ừ, thế đấy, thế đấy”. Ông lau nước mắt, rồi cười, nói xin lỗi vì xúc động quá. Cho đến ngày ông mất, tôi vẫn chưa bao giờ có thể giải thích được vì sao ông lại xúc động đến như vậy. Chỉ nhớ lúc đó, ông quay sang bác Vũ Sinh Hiên, nói như giải thích “Chúng ta cần con người, đất nước này cần con người, anh à”. Bác Hiên, một nhà chép sử Công giáo Độc Lập cũng cười, gật gù “qui, qui…”. Thật ra buổi gặp đó cũng cho tôi một niềm xúc động kỳ lạ. Bởi tôi được chứng kiến hai con người với tuổi tác đi cùng trời đất, không mang gì theo mình ngoài ước muốn cho một đất nước có những con người. Nếu gọi họ là những học giả thì cũng là xứng đáng, vì cả đời những con người ấy luôn mải mê đi tìm làm sao để chấn hưng đất nước, làm sao để có được những con người với sự thật, giữa bóng tối mênh mông của nền tuyên truyền cộng sản. Họ, những học giả của nhân dân, học giả của thuyết hy vọng. Lúc đó, ông Phạm Toàn đang chuẩn bị để cho ra mắt những cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nhóm Cánh Buồm. Ông dành rất nhiều thời gian cho buổi gặp mặt đó, để nói một cách mê say với tôi về những điều ông sẽ làm. “Chúng ta sẽ xây lại từ những gì mà chủ nghĩa cộng sản đã phá nát các thế hệ trên đất nước này”, ông nói và nhìn tôi, như sợ tôi không tin, “khó đấy, nhưng sẽ rồi làm được”. Không lâu sau đó tôi thấy những tập đầu tiên của bộ sách giáo khoa Cánh Buồm ra đời. Tôi cũng được biết rằng ông đã phải đánh vật không biết bao nhiêu lần với những người kiểm duyệt để có thể đưa được một vài nội dung tiến bộ vào trong bộ sách ấy. Ông đã cố lược bỏ tất cả những phần chính trị cộng sản ngu ngốc nhất trong những cuốn sách giáo khoa – trong khả năng có thể – nhưng đồng thời cũng phải giữ lại một vài thứ mà nhà cầm quyền ép buộc. Tôi biết ông cũng cô đơn vô cùng khi đối diện với những ý kiến phê bình về sự bất toàn ấy. Và tôi biết những người đang muốn ngăn cản bộ sách của ông, cũng như những nhà kiểm duyệt cũng vui mừng khi thấy ông cô đơn như vậy. Cô đơn nhưng ông không dừng lại. Thầy giáo Phạm Toàn lấy dùng hết tất cả những năng lực cuối cùng của cỗ máy thời gian, được Thượng đế gắn tặng trong con người của ông, để phụng sự con người và đất nước Việt Nam như một người yêu nước phụng sự với niềm hy vọng, vì hiểu rõ giáo dục cộng sản là gì, và một tương lai không cộng sản sẽ là gì. Thậm chí ông đã thầm lặng phụng sự trong niềm hy vọng rất đỗi cô đơn ấy của riêng mình. Tôi nhớ cái bắt tay không còn khỏe của ông. Tôi nhớ nụ cười của các bậc nguyên lão như của bác Phạm Toàn, bác Vũ Sinh Hiên…trên đất nước này. Sự nhọc nhằn của họ đi qua thời gian, chứng kiến và thầm lặng của kẻ gieo hạt vĩ đại mà không có bất kỳ một sức mạnh nào của những kẻ độc tài có thể khuất phục được họ. Tôi đã sống đủ để chứng kiến có nhiều con người như vậy ra đi trên đất nước này, tôi cũng đã chứng kiến rất nhiều điều ước mơ dang dở về một dân tộc Việt luôn khẳng định mình là không chấp nhận sống hèn, sống tồi. Và tôi cũng đã nuôi dưỡng những hạt mầm hy vọng, như bác Phạm Toàn đặt xuống cho tôi và nhiều người khác, cho đến lúc tôi không sức để giữ được nữa trong tay, và trao lại cho thế hệ mới. Tôi cũng tin rằng như hạt mầm đó, dù hôm nay chỉ là cây con, chưa thể trở thành cổ thụ, nhưng vẫn luôn được nhân giống và gieo ra trên khắp đất nước đầy oan trái này. Đất nước Việt, con người Việt vẫn luôn lạc quan và hy vọng nên đã đi qua rất nhiều những triều đại hung ác và tàn bạo. Lịch sử đã ghi chép vậy. Tôi tin là bác Phạm Toàn sẽ vui khi nghĩ đến điều này. Hẹn gặp lại bác, cùng những ai đã sống và chết vì mang ơn nợ quê hương và dân tộc.    
......

Tù chính trị Lê Đình Lượng bị trả thù trong trại do cùng bàn bạc với các tù nhân khác

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng RFA| Đảng Việt Tân, trụ sở tại Hoa Kỳ, vào ngày 24 tháng 6 ra thông cáo về tình trạng của tù nhân Lê Đình Lượng phải chịu trả thù trong Trại giam Nam Hà do cùng những tù nhân khác bàn bạc viết đơn gửi đến Quốc Hội đòi hỏi quyền lợi của những người bị giam giữ. Thông cáo dẫn trình bày của người con dâu của tù chính trị Lê Đình Lượng về việc ông này bị Trại giam Nam Hà không cho gọi điện thoại về nhà theo như qui định; cũng như không được mua thêm thực phẩm từ căn tin Trại giam. Ngoài ra gia đình còn cho biết kể từ tháng 2 vừa qua ông Lê Đình Lượng không được nhận thực phẩm và sách do gia đình gửi vào Trại Nam Hà cho ông. Yêu cầu có được Kinh Thánh và gặp linh mục của ông Lê Đình Lượng cũng không được Trại giam Nam Hà đáp ứng. Lý do bị kỷ luật như vừa nêu được gia đình cho biết vì ông Lê Đình Lượng trong một dịp được giải lao đã gặp các tù nhân chính trị khác gồm Nguyễn Viết Dũng, Phan Kim Khánh, và Lê Thanh Tùng rồi đưa đề nghị cùng nhau viết đơn gửi Quốc Hội về những quyền lợi bị vi phạm trong thời gian giam giữ. Ông Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền’. Đây là người bị án chính trị nặng nề nhất tại Việt Nam tính đến lúc này. Trong khi đó trước khi bị bắt và bị kết án, ông Lê Đình Lượng được nhiều người biết đến qua các hoạt động lên tiếng về thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh gây nên cho các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/democracy-activist-le-dinh-luong-faces-reprisals-for-organizing-fellow-prisoners-06252019094402.html?fbclid=IwAR19tQfq7EOS5TB7G7yMKsMz3Ctam9s9CViQD4Wa41CA988QhhUGXTN4-4E#.XRJIAV7qUIs.facebook  
......

Nghiệp đoàn báo chí độc lập Việt Nam

Thảo Vy (VNTB)   Luật sư Đặng Trọng Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) kêu gọi cần có tổ chức nghiệp đoàn báo chí độc lập để lên tiếng bảo vệ những người làm báo tự do, nhân trường hợp bà Thư Lê, người vừa bị công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ thô bạo kèm các hành động đe dọa tính mạng, và hủy hoại tài sản tác nghiệp của nữ nhà báo tự do này.   Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc kể rằng bà Thư Lê rất xông xáo trong việc đưa tin hoàn toàn bất vụ lợi. Trong phiên tòa phúc thẩm vụ 15 người dân ở thành phố Biên Hòa xuống đường tuần hành hôm chủ nhật 10-6-2018, bà Thư Lê là người chăm chỉ ghi nhận những hình ảnh với các tình tiết phục vụ đắc lực cho việc bào chữa của nhóm luật sư từ Sài Gòn đến Biên Hòa hôm 9-11 vừa rồi. Câu hỏi đặt ra: Liệu Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng hoạt động với thêm chức năng chuyên sâu như một nghiệp đoàn báo chí, khi mà cuối tháng 11 này, Quốc hội hứa hẹn sẽ phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP]?   Cần thấy rằng bất chấp đây là một quyền được Hiến định, cho đến nay Luật về quyền lập hội vẫn còn dừng ở mức chưa biết bao giờ sẽ được quay trở lại nghị trường Quốc hội. Liệu CPTPP gắn chặt với các quyền lợi kinh tế mà nhà nước Việt Nam đang coi như phao cứu hộ cho cứu vãn sự suy sụp tài khóa quốc gia, thì việc hình thành các tổ chức công đoàn độc lập kỳ vọng sẽ được xúc tiến nhanh hơn, mà vụ việc vài hôm trước đây Bộ Nội vụ đã cấp phép hoạt động Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có trụ sở đặt tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là một dấu chỉ?.   Hiệp hội này chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên & Môi trường và các bộ, ngành có liên quan. Về kinh phí hoạt động, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam hoạt động dựa trên nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách. Tuy vẫn thuộc một Bộ chủ quản về mặt quản lý nhà nước, song với việc Bộ Nội vụ chấp thuận người đứng đầu Hiệp hội này không phải là đảng viên, không từng là một quan chức trong bộ máy công quyền, mà chỉ là một chủ doanh nghiệp, có thể tạm cho rằng đây là bước khởi động của hình thành những nghiệp đoàn độc lập.   Như vậy mô hình nào cho thêm chức năng của công đoàn độc lập trong Hội Nhà báo độc lập Việt Nam? [Xem thêm tại http://www.vietnamthoibao.org/2018/11/vntb-nghiep-oan-oc-lap-giup-gi-cho.html]   Trước năm 1975, ở miền Nam có Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt, và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam. Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt được thành lập trước, trước khi có Hiệp định Genève 1954. Các hội viên gồm tất cả các nhà báo hoạt động tại Sài Gòn. Sau 1954, nhiều nhà báo miền Bắc di cư vào Nam xuất bản nhiều tờ báo mới và thành lập Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam.   Có một sự khác biệt ngấm ngầm giữa giới cầm bút tại Sài Gòn và giới cầm bút từ miền Bắc di cư vào. Các ký giả Sài Gòn đa số có thái độ chính trị hoặc độc lập hoặc chống chính quyền, rất nhiều trong số họ là những cựu kháng chiến, không kể một số không ít đang hoạt động bí mật cho cộng sản. Trong khi đó đa số ký giả từ miền Bắc vào năm 1954 đều có lập trường chống cộng và ủng hộ chính quyền, từ thời Ngô Đình Diệm cho đến Nguyễn Văn Thiệu.   Trước “Ngày ký giả ăn mày”, hai Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt và Nghiệp đoàn ký giả Việt Nam hầu như không hợp tác với nhau. Chính do sự ra đời của sắc luật 007/72 đã làm họ xích lại gần nhau.   Một lợi thế dễ thấy ở Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là có nhiều hội viên quan hệ rất rộng, khắng khít với các nghiệp đoàn báo chí thế giới. Sắp tới đây, nếu bổ sung thêm chức năng của một tổ chức nghiệp đoàn, tin rằng sẽ là bước tiến đáng kể cho đời sống xã hội dân sự ở Việt Nam; đặc biệt là ở miền Nam vốn từng trải nghiệm qua các nghiệp đoàn báo chí từ trước năm 1975.   Trước mắt, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có thể mở rộng tầm ảnh hưởng qua việc mời gọi sự tham gia hội viên của những người hành nghề phát hành, những doanh nghiệp về truyền thông, truyền hình, các vị đại biểu Quốc hội, kể cả những cựu quan chức từng làm việc trong ngành truyền thông, xuất bản.
......

"Ai cũng sợ thì bao giờ đất nước có tự do"

  Amy Truc Tran 8 NĂM TÙ CHO CHÀNG TRAI TRẺ "DỰ ĐỊNH THAM GIA BIỂU TÌNH CHỐNG DỰ LUẬT ĐẶC KHU" Một chế độ khốn nạn, bán nước hại dân!   "AI CŨNG SỢ THÌ ĐẤT NƯỚC BAO GIỜ CÓ TỰ DO".   Đó là câu nói của em Trần Long Phi 20 tuổi, một thanh niên trẻ vừa bị nhà cầm quyền CSVN tuyên mức phạt 8 năm tù giam và 3 năm quản chế chỉ vì em "dự định tham gia biểu tình chống dự luật đặc khu và an ninh mạng". Em Trần Long Phi chính là con trai của cựu tù chính trị Trần Văn Long. Ông Trần Văn Long bị bắt vào ngày 27/07/1977 vì tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Năm 1997, ông ra tù tiếp tục hoạt động đấu tranh dân chủ nhưng phải chạy trốn cùng vợ con sang Thái Lan trước sự bố ráp của công an CSVN. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Nhung đã chết năm 2016 tại tỉnh KoRat vì căn bệnh ung thư.   Đầu tháng 06/2018, ông Long và con trai Trần Long Phi từ Thái Lan trở về Sài Gòn cùng một số anh em dân chủ trong và ngoài nước dự định xuống đường biểu tình ngày 10/06 và những ngày sau đó. Ngày 07/07/2018, con trai ông và 3 nhà đấu tranh dân chủ bị bắt gồm anh Nguyễn Phương Minh (người Mỹ gốc Viêt) anh Huỳnh Đức Thịnh và anh Huỳnh Đức Thanh Bình. Ông Trần Văn Long may mắn trốn thoát trở lại Thái Lan. Phiên xử em Trần Long Phi sau 1 năm bị giam giữ đã diễn ra vào ngày hôm qua, 24/6/2019, với kết quả phiên xử là em Long bị tuyên mức án 8 năm tù giam, 3 năm quản chế.    
......

Pages