Ngô Đồng - web viettan.org
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 ở Nhật Bản vừa qua, một video chiếu trên đài truyền hình Việt Nam cho thấy hình ảnh Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rất vội vã mong vài giây gặp Tổng Thống Mỹ Donald Trump để nói chuyện. Qua đoạn phim này, chúng ta có thể thấy được rất nhiều điều về nhận thức của lãnh đạo cộng sản và văn hóa chính trị ở Việt Nam đương đại.
Từ ‘đánh cho Mỹ cút’, chuyển sang kiên định bám Mỹ
Đoạn phim cho thấy ông Trump ngồi với bộ dạng không mấy thân thiện khi tiếp ông Phúc. Ông Trump bắt tay ông Phúc bằng một tay trông rất hời hợt, và rút tay lại ngay, sau đó để khoanh hai tay trước ngực, khuôn mặt nghiêm nghị, thể hiện không muốn tiếp chuyện. Trong khi đó, ông Phúc bắt tay ông Trump bằng hai tay và cả ông Phúc lẫn người phiên dịch phải cúi người sát về phía ông Trump để nói chuyện, điều này phản ánh một thái độ nịnh bợ với Tổng Thống Mỹ rất rõ.
Cũng cần phải nói thêm rằng, suốt nhiều thập kỷ qua, các đời lãnh tụ cộng sản luôn khoe khoang là đã “đánh cho Mỹ cút”. Và trong tất cả các sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền, lễ kỷ niệm luôn đề cao lịch sử đánh Mỹ. Vậy mà hiện nay thủ tướng Việt Nam lại đi cầu cạnh và bị tổng thống Mỹ coi thường đến vậy.
Trước đây, khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump giơ cao lá cờ đỏ của Việt Nam trong chuyến đến Hà Nội tham dự thượng đỉnh Trump-Kim, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng “bọn phản động, lưu vong rã rời chân tay”. Không biết lần này, khi chứng kiến sự khúm núm ve vãn Tổng Thống Trump của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đảng viên cộng sản có ‘rã rời chân tay’ hay không?
Văn hóa luồn cúi trong nền chính trị Việt Nam đương đại
Trong khi Tổng Thống Donald Trump không mấy niềm nở, thì ông Phúc lại dùng hai tay vuốt người ông Trump. Hành động đó ngoài việc thể hiện sự luồn cúi, còn cho thấy rõ ràng Thủ Tướng Phúc đã không hiểu được các nguyên tắc giao tiếp, chứ đừng nói các nguyên tắc ứng xử trong ngoại giao.
Không chỉ với tổng thống Mỹ, trong Hội Nghị Thượng Đỉnh G-20 vừa qua, người ta thấy không ít sự thiếu chuyên nghiệp của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc. Có lúc ông im lặng ngồi chầu rìa trong khi nguyên thủ các quốc gia khác đang bận rộn “ngoại giao bên lề”, có lúc thì ông vẫy tay một cách quá sỗ sàng.
Trước đây, nhiều người, nhất là giới truyền thông quốc tế không khỏi “kinh ngạc” khi thấy ông Thủ Tướng Phúc quạt phành phạch lúc nghe nhạc thính phòng cùng các nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị khác trong chuyến đi tham dự hội nghị thượng đỉnh G-20 2017 tổ chức ở thành phố Hamburg, Đức, và đặc biệt “thói quen khó bỏ” là luôn cầm tay những lãnh đạo đồng giới,…
Rõ ràng đây không phải là chuyện có thể được thông cảm. Những phép lịch sự, hay các nghi thức là công cụ đắc lực phục vụ cho việc ngoại giao. Nguyên thủ càng chuyên nghiệp thì vị thế và hình ảnh của quốc gia đó càng được củng cố. Chớ nên làm chính trị, nếu chưa học được bài học sơ đẳng đó.
Sự thiếu chuyên nghiệp của ông Thủ Tướng Phúc ít nhiều làm hình ảnh của Việt Nam xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Đây có thể là hậu quả của nền chính trị độc tài tại Việt Nam, nơi mà nếu muốn thăng tiến người ta chỉ có cách nịnh bợ, lo lót tiền bạc, lấy lòng cấp trên để được cất nhắc.
Trong khi ông Phúc đã leo lên tới chức thủ tướng và đang ngắm nghé ghế tổng bí thư, cùng với thái độ xum xoe, vuốt ve ông Trump, đủ biết năng lực nịnh bợ của ông ta tới đâu.
Giới cai trị Việt Nam rất cần Mỹ
Thái độ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với Tổng Thống Trump phản ánh chính xác tâm tư của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Mỹ. Trước đó, ông Trump đã chỉ trích Việt Nam gay gắt về vấn đề thương mại. Hôm sau ông Phúc phải đứng với vẻ khúm núm trước tổng thống Mỹ, khác hẳn lối tuyên truyền “đánh Mỹ cút” mà cộng sản Hà Nội vẫn thường tuyên truyền, đã cho thấy lãnh đạo CSVN rất cần mối quan hệ tốt với Trump.
Thực tế thì những lãnh đạo độc tài CSVN cần Mỹ hơn bất cứ quốc gia nào khác. Nhiều năm qua Việt Nam luôn xuất siêu với Mỹ, và đã lên tới mức $39,5 tỷ trong năm 2018. Đồng thời, mỗi năm số tiền của “phản động lưu vong” ở Mỹ gửi về Việt Nam góp phần không nhỏ trong lượng kiều hối đã lên tới hàng chục tỷ Mỹ Kim. Nếu thiếu những đồng đô la này, có lẽ cái chính thể “thu cùng diệt tân” đã không còn tồn tại.
Ngoài ra, nếu không có các hạm đội hải quân Mỹ thường xuyên tuần tra “tự do hàng hải”, thì có lẽ Trung Quốc đã đánh chiếm hết các đảo còn lại trên Biển Đông từ lâu rồi.
Bên cạnh việc cần Mỹ, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam còn rất “yêu” nước Mỹ. Nhiều viên chức từ cấp trung đến cấp cao ra sức cho con cháu du học Mỹ, tẩu tán tài sản sang Mỹ, mua nhà Mỹ,… Thậm chí là lúc đương chức thì ra rả chửi Mỹ, khi nghỉ hưu lại tìm mọi cách sang Mỹ sống.
Kết
Từ thái độ quỵ lụy tổng thống Mỹ của Thủ Tướng Phúc, có thể thấy thực tế là tiếng nói của giới lãnh đạo Việt Nam đã vô cùng thấp kém trong mắt quốc tế. Điều này trái ngược hoàn toàn với lối tuyên truyền rằng nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản, mà vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Ngoài ra, điều này còn lột tả bộ mặt kém cỏi của giới cai trị CSVN. Theo đó, ở trong nước họ duy trì cách hành xử côn đồ, đánh đập người biểu tình, cướp đất dân oan và tống tất cả những tiếng nói đối lập vào ngục tù. Nhưng ra quốc tế, họ xuất hiện với bộ dạng của những kẻ yếu đuối với thái độ khúm núm xu nịnh và hèn hạ. Lá mặt lá trái như thế bảo sao quốc tế họ không khinh?
Ngô Đồng