Khoảng 500 công nhân Việt Nam làm việc cho một dự án xây dựng của công ty Trung Quốc ở Serbia bị bóc lột, thậm chí bị đối xử gần như nô lệ. Sau nhiều tuần im lặng trước những cáo buộc của nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền Serbia, ngày 19/11/2021, tổng thống Serbia cho biết một thanh tra lao động đã được cử đến tìm hiểu tình hình.
Sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về tình cảnh khốn khổ của nhóm công nhân Việt Nam làm việc cho công ty Trung Quốc ở Serbia, một nhóm nghị sĩ châu Âu đã khiến cho nhà chức trách ở Belgrade nổi giận khi lên tiếng kêu gọi Serbia chấm dứt “chế độ nô lệ hiện đại”.
“Những công nhân này đang sống trong những điều kiện vô nhân đạo”, nhóm 7 nghị sĩ châu Âu, bao gồm Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel (Greens/EFA, Đức), Gwendolyne Delbos-Corfield (Greens/EFA, Pháp), Tineke Strik (Greens/EFA, Hà Lan), Toniono Picula (S&D, Croatia), Klemen Groselj (Renew, Slovenia), Irena Ioveva (Renew, Slovenia) và Thomas Waitz (Greens/EFA, Áo), nói trong thông cáo ngày 19/11.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được một quốc gia mong muốn là thành viên của EU lại dung túng cho việc xây dựng và duy trì một nhà máy được cho là thuê mướn nhân công từ nạn buôn người và bóc lột trên lãnh thổ của mình”, các nghị sĩ châu Âu nói thêm.
Theo các nghị sĩ châu Âu, “Việc chính phủ Serbia im lặng về vấn đề lao động cưỡng bức này có nghĩa là họ đang đồng lõa với chế độ nô lệ hiện đại”.
Các nghị sĩ kêu gọi chính phủ Serbia, Bộ Lao động và Thanh tra Lao động, Bộ Nội vụ và Văn phòng Điều phối các hoạt động Chống buôn người và Văn phòng Công tố viên phải “hành động ngay lập tức trước những hành vi lạm dụng trắng trợn về nhân quyền và nhân phẩm của người lao động”.
Để tìm hiểu thêm về quan điểm của nhóm nghị sĩ về sự việc liên quan đến nhóm công nhân Việt Nam, VOA phỏng vấn Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel, nhà lập pháp người Đức thuộc nhóm Greens/EFA của Nghị viện châu Âu.
VOA: Xin chào bà Viola von Cramon-Taubadel. Được biết bà đã kêu gọi Serbia phải hành động lập tức để chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại tại đây. Bà có thể cho VOA biết quá trình này như thế nào không? Và bà có nhận được phản hồi nào từ các bên liên quan không?
Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Các quốc gia trên toàn cầu đã ký kết các hiệp ước ràng buộc khác nhau, các công ước đa phương như Bộ luật Tổ chức Lao động Quốc tế, Công ước về Nghị định thư Palermo, Hiến chương Châu Âu về các quyền cơ bản, và tất nhiên, Công ước của Hội đồng Châu Âu về Chống buôn người. Tất cả các công ước đều có quy định tương tự rằng các quốc gia đã ký kết các công ước đó đều có nghĩa vụ ràng buộc là phải chống lại nạn buôn người, hay tình trạng xói mòn quyền lao động.
Trong trường hợp này, những gì chúng ta thấy ở Serbia là một vụ việc nghiêm trọng mà công nhân Việt Nam đã hoàn toàn bị tước đoạt quyền của họ. Hộ chiếu của họ bị lấy mất, tiền công không được trả. Rõ ràng là trong một thời gian dài, các quyền xã hội của họ không được đảm bảo, và điều đó phụ thuộc vào tất cả chúng ta, các tổ chức phi chính phủ ở các quốc gia cụ thể, và cả chúng tôi ở Liên minh Châu Âu, phải đưa vấn đề này ra và chất vấn các nhà chức trách rằng điều gì đang xảy ra ở quốc gia của anh vậy? Và anh dự định làm gì với nó?
Với chúng tôi, đây rõ ràng là một trường hợp mà họ cần phải thanh tra lao động để lo cho những người lao động đến từ Việt Nam được thuê mướn bởi các công ty Trung Quốc. Trong trường hợp có buôn người, anh cần phải có công tố viên để theo dõi chặt chẽ xem ai là người chịu trách nhiệm về chuyện này. Và đó là những gì chúng tôi kêu gọi, chúng tôi yêu cầu và đã thu hút được rất nhiều sự chú ý.
VOA: Sau vụ 39 người nhập cư Việt Nam được phát hiện chết trong xe tải ở Anh trước đây, chúng ta thỉnh thoảng vẫn nghe tin về những người lao động nhập cư Việt Nam bị rơi vào các đường dây buôn người qua môi giới lao động, bất chấp tình hình đại dịch đang diễn ra. Bà có nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã làm đủ để ngăn chặn tình trạng này? Bà có đề xuất gì không?
Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Tôi hy vọng rằng thảm kịch mà chúng ta đã chứng kiến ở Anh quốc sẽ không xảy ra nữa. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng và chính phủ Việt Nam hãy bảo vệ công dân của mình khỏi những thảm kịch này, và tất nhiên, phải bảo đảm rằng mọi công nhân được thông báo đầy đủ về những gì họ đang làm và họ được thuê mướn làm việc gì, những quy định, nguyên tắc trong hợp đồng… Tất cả những điều này đương nhiên là thuộc trách nhiệm của các cơ quan chức năng Việt Nam. Tôi không rõ là họ đã làm đủ hay chưa, nhưng rõ ràng những trường hợp trên cho thấy có một nguy cơ lớn là công nhân thậm chí có thể mất mạng khi họ đi làm việc ở nước ngoài.
VOA: Giữa bối cảnh Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường châu Âu thông qua các hiệp định thương mại tự do, theo bà, những sự việc như thế này có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và EU hay không?
Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Như bạn biết đấy, chúng tôi đã ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, và thông thường đây là cơ hội tuyệt vời để thực thi các quyền xã hội đã được quy định trong các hiệp định thương mại đó.
Tôi không chú ý nhiều đến vấn đề này nhưng tôi mong đợi từ phía Ủy ban Châu Âu và từ tất cả các tổ chức châu Âu có liên quan đến việc thực hiện này, rằng họ sẽ gây áp lực nhiều hơn nữa đối với các cơ quan chức năng của Việt Nam để thực hiện xong chuyện này và hoàn thành kịp thời. Từ vụ việc ở Vương quốc Anh cũng như ở Serbia, chắc chắn cho thấy vẫn còn một phạm vi tiềm năng lớn cho việc cải thiện. Và có một nhu cầu rất lớn là các cơ quan của Việt Nam cần phải làm công việc của họ để bảo vệ công dân của mình, bảo vệ người lao động của mình, đảm bảo rằng các công ty môi giới của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế cũng như các Công ước khác. Những gì chúng ta thấy rõ ràng ở đây là không phù hợp với Hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam.
VOA: EU vốn không dung thứ cho bất kỳ hành vi lạm dụng nào về quyền của người lao động. Vậy bà và nhóm GREEN/EFA của Nghị viện châu Âu dự định sẽ làm gì tiếp theo nếu như chính phủ Serbia phớt lờ lời kêu gọi của bà?
Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Đây không phải là vấn đề của các bên, không phải là chuyện The Greens sẽ nói gì, mà là vấn đề thuộc về một câu hỏi cơ bản, về quyền cơ bản. Và vì vậy, hy vọng Liên minh châu Âu sẽ có tiếng nói về vấn đề này. Nhưng theo tôi hiểu, chính phủ Serbia cũng sẽ giải quyết việc này. Tôi hy vọng họ bảo đảm rằng mọi thứ sẽ được công bố như họ gửi bằng chứng về việc thanh tra lao động đã đến nơi đó như thế nào, họ phối hợp với công ty Trung Quốc (công ty thuê mướn nhân công Việt Nam) như thế nào, cử công tố đến đây ra sao... Những vấn đề này không phụ thuộc vào việc The Greens hay thành viên The Greens của Nghị viện châu Âu gây áp lực. Mà tôi hy vọng vì lợi ích của chính mình, nhà chức trách sẽ quan tâm đến những trường hợp bi thảm trên và điều kiện làm việc không thể chấp nhận được tại đất nước của họ.
VOA: Bà có nhận định gì về các công ty Trung Quốc đang làm ăn ở châu Âu và các nước khác không?
Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel: Tôi cho rằng có một xu hướng lớn là gây suy yếu các điều kiện xã hội, vốn là cơ sở cho thị trường nội địa và còn ảnh hưởng đến các thành viên liên kết mở rộng. Tôi nghĩ chúng ta nên hết sức thận trọng khi hợp tác với các công ty Trung Quốc khi thấy có nguy cơ bóc lột lao động, các quyền xã hội bị suy giảm, không có tổ chức công đoàn, trong hợp đồng công nhân bị tước các quyền cơ bản và có những vi phạm khác... Rõ ràng, đối với các công ty Trung Quốc, càng đơn giản càng tốt. Nhưng đối với chúng tôi và Liên minh châu Âu, đây là điều kiện để hợp tác và đây cũng phải là điều kiện trong việc hợp tác đối với các quốc gia liên kết như Serbia.
VOA: Cám ơn Nghị sĩ Viola von Cramon-Taubadel đã dành thời gian cho VOA.
Theo các báo cáo và thông tin từ truyền thông quốc tế, các công nhân Việt Nam đã được đưa sang Serbia qua công ty môi giới với giá từ 2.200 đến 4.000 đô la. Sau đó, họ được Tập đoàn Kỹ thuật Năng lượng Trung Quốc Tianjin Electric Power Construction thuê, với hợp đồng không có ngày bắt đầu và thanh toán bằng tiền mặt. Họ phải làm việc theo ca 9 tiếng/ngày, 26 ngày/tháng và tất cả chi phí trang bị bảo hộ cá nhân đều bị trừ vào tiền lương. Nếu làm không đủ ngày, họ sẽ bị mất toàn bộ tiền lương tháng. Nếu đi làm muộn, họ có nguy cơ bị mất tiền lương cả ngày.
Điều kiện sống của nhóm khoảng 500 công nhân Việt Nam này cũng vô cùng tồi tệ. Họ sống trong các lán trại đông đúc, không có hệ thống sưởi ấm hoặc thoát nước thải phù hợp, không đủ điện và thực phẩm. Họ đã đình công hai lần để phản đối tình trạng thiếu lương thực và không được trả lương kể từ tháng Năm.
Những chỉ trích của nhóm nghị sĩ châu Âu trên ngay lập tức khiến nhà chức trách Serbia nổi giận.
Ngoại trưởng Serbia, Nikola Selakovic, đã phản ứng dữ dội, nói rằng những cáo buộc về “chế độ nô lệ hiện đại” và “sử dụng nạn buôn người cho việc bóc lột sức lao động” là “một nỗ lực khác nhằm quỷ dữ hóa Serbia”.
Ông Nikola Selakovic nói trên trang Twitter rằng các giới chức nước này đã “phản ứng khẩn cấp” sau khi truyền thông đưa tin về các công nhân Việt Nam và “hóa ra sự thật chẳng liên quan gì mấy đến những hình ảnh được tạo ra trong cuộc tấn công tuyên truyền chính trị có trật tự và phối hợp nhằm vào Serbia”.
Ngoại trưởng Serbia sau đó nhắm vào Nghị sĩ von Cramon-Taubadel, người đã đăng thông cáo trên trang web của mình, bằng cách cáo buộc bà đang tiến hành “một chương trình nghị sự hung hăng chống lại Serbia và chống lại Trung Quốc, không liên quan đến vấn đề nhân quyền”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 18/11 trả lời báo chí rằng Đại sứ quán Việt Nam tại Romania kiêm nhiệm Serbia đang xác minh thông tin, liên hệ với các công ty tại Serbia và các công ty phái cử lao động cùng cơ quan liên quan sở tại.
Bà Hằng nói thêm rằng “Thông tin ban đầu cho hay, không có chuyện hành hung hay đánh đập”.
https://www.voatiengviet.com/a/ngh%E1%BB%8B-s%C4%A9-ch%C3%A2u-%C3%A2u-l%...