Diễm Thi - RFA|
Dân không tin Trung Quốc!
Chỉ trong 10 ngày, ba đoàn khách Trung Quốc với số lượng từ hàng trăm lên đến vài ngàn sang Việt Nam tham gia các hoạt động văn hóa của riêng họ khiến nhiều người đọc báo ngỡ ngàng. Lý do theo họ chưa bao giờ có hiện tượng như vậy xảy ra. Trong khi đó cơ quan chức năng và chính quyền chỉ có biện pháp khi sự việc dường như đã rồi.
Vụ việc đầu tiên diễn ra hôm 10 tháng 12, hơn 600 người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo hình thức “tour 0 đồng” qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) sau đó tập trung về thành phố Hạ Long, tụ tập tại Cung Quy hoạch – Hội chợ và Triển lãm tỉnh (Cung Cá heo), để biểu diễn trang phục, ca hát…
Ngày 11 tháng 12, bà Nguyễn Thị Hạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh – cho báo chí biết đã đề xuất cho tạm dừng chương trình vì chưa được phép của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Bùi Quang Nam, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Quảng Ninh, cho rằng doanh nghiệp chỉ cần gửi văn bản thông báo đến các cơ quan chức năng là được phép tổ chức mà không cần chờ cấp giấy phép hay có ý kiến phản hồi.
Ngày 12 tháng 12, hơn 700 khách du lịch Trung Quốc, chủ yếu là khách nữ, đến Cung Cá heo quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh Quảng Ninh (thành phố Hạ Long) tụ tập chụp ảnh khiến chính quyền địa phương phải đưa khoảng 30 người đến giám sát.
Hai vụ đó chưa kịp lắng xuống trong công luận thì sáng 20 tháng 12, hơn 2.000 người Trung Quốc di chuyển trên 60 xe khách từ tỉnh Quảng Ninh đến thành phố Hải Phòng để dự tiệc mà dư luận cho rằng họ dự định tổ chức hội thảo tại Trung tâm tiệc cưới Hải Đăng khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Theo TS Nguyễn Xuân Diện thuộc Viện Hán Nôm, thì theo lẽ thường, khi một nước, một tỉnh hoặc một vùng du lịch mà có khách du lịch đến ăn uống, tiêu xài, thuê mướn khách sạn, hội trường… thì đấy là một điều mừng chứ không phải điều lo, nhưng dư luận Việt Nam lại thấy lo ngại trước hiện tượng người Trung Quốc đến Việt Nam ồ ạt vì nhiều lý do. Ông giải thích:
“Thứ nhất là họ ồn ào, mất vệ sinh, hung dữ. Thứ hai là họ đến tuyên truyền những điều không được phép như tuyên truyền về đường lưỡi bò; tuyên truyền lịch sử Việt Nam vốn là từ Trung Quốc tách ra; tuyên truyền Hoàng Sa, Trường Sa là của họ.”
Tuy dư luận xã hội lo lắng trước hiện tượng này nhưng ông Lê Thế Hùng – Giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Quảng Ninh, cho rằng việc hơn 600 du khách qua biểu diễn thời trang tại địa phương này chỉ là buổi sinh hoạt nội bộ của du khách, cũng giống như du khách trong nước đi du lịch thường mặc đồng phục để check-in, sau đó ăn uống, ca hát…
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, một trong những thành phố có đông khách du lịch Trung Quốc, phân tích lý do vì sao có hiện tượng trên:
“Mình không ở trong ban tổ chức nên mình không biết chắc chắn họ có ý đồ gì không, nhưng tôi nghĩ nó có thể rơi vào mấy trường hợp sau:
Thứ nhất họ coi chuyện đó là bình thường, không vi phạm luật pháp Việt Nam. Thứ hai là họ có sự cố ý. Họ làm vậy để thể hiện người Trung Quốc có quyền làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ Việt Nam theo tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Cô Trần Thị Tuyết, nhân viên công ty bảo hiểm Prudential cũng bày tỏ nỗi lo lắng của mình rằng người Trung Quốc họ không bao giờ đối xử tốt với người Việt Nam mà họ chỉ tìm cách hại người Việt Nam từ thực phẩm cho đến chủ quyền quốc gia. Cô nói thêm:
“Người Trung Quốc họ đâu có tốt. Ở bên nước nó mà nó đã xấu rồi thì qua tới Việt Nam mình nó còn xấu tới cỡ nào nữa!”
Chính quyền quản lý lỏng lẻo hay sợ Trung Quốc?
Là một nước lớn lại nằm cạnh Việt Nam, từ hàng ngàn năm qua Trung Quốc lăm le xâm chiếm Việt Nam, coi Việt Nam như một nước chư hầu của mình. Gần nhất là cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung nổ ra vào ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi Trung Quốc đem quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.
Chính vì thế, chuyện từng đoàn khách du lịch Trung Quốc hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người tụ tập như những ngày qua khiến người dân không thể an lòng. Các cấp chính quyền cũng chỉ giám sát hoặc tạm ngưng các chương trình của họ khi “gạo đã nấu thành cơm” mà không thể ngăn cản ngay từ đầu.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nhận định:
“Điều đó nói lên Việt Nam rất lỏng lẻo trong vấn đề để người Trung Quốc sang Việt Nam. Thứ nhất là sự lỏng lẻo của hệ thống chính quyền tại các địa phương đó. Thứ hai là không có sự chỉ đạo một cách nhất quán từ trung ương xuống đến địa phương. Thể hiện sự buông lỏng quản lý của cấp trung ương với hiện tượng này.”
Theo lãnh đạo Công an thành phố Hải Phòng và Sở Du lịch thành phố Hải Phòng, sự có mặt của hơn 2.000 khách Trung Quốc như kể trên là hoạt động du lịch bình thường.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng, thật ra chính quyền chỉ lên tiếng khi công luận bức xúc lên tiếng trên báo chí hoặc trên mạng xã hội. Lúc đó họ mới giật mình rồi đổ qua đổ lại. Ông nói tiếp:
“Tôi cũng ở trong bộ máy Nhà nước nhiều năm nên tôi biết. Họ vô tâm lắm, họ chả có ý thức chuyện đó đâu.
Cán bộ cao cấp Việt Nam rất là sợ Bắc Kinh. Nếu làm phật ý Bắc Kinh là có thể bay ghế liền, cho nên hiện tượng người Trung Quốc sang Việt Nam ờ ạt như vậy chỉ có người dân là bức xúc mà thôi chứ cán bộ thì ít, đặc biệt cán bộ cao cấp nhiều khi còn tránh né sợ đụng chạm.”
RFA hỏi chuyện một vài người dân rằng giả sử người Mỹ qua Việt Nam du lịch từng đoàn người đông như vậy và có những hoạt động tương tự các đoàn khách Trung Quốc thì họ có thấy lo lắng không?
Cô Tuyết trả lời không do dự:
“Không! Tôi không thấy lo vì người Mỹ họ qua họ giúp Việt Nam Từ hồi nào giờ tôi chỉ thấy người Trung Quốc là xấu thôi chứ Mỹ thì không!”
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cùng ý kiến. Ông nêu dẫn chứng chiếc tàu sân bay USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm 2018. Hải quân Mỹ trong ban nhạc Hạm đội 7 đã có một đêm nhạc sôi động thu hút hàng trăm người dân tham gia tại chân cầu Rồng. Ông nói:
“Không hề lo ngại. Hoan nghênh và vui vẻ là đằng khác. Đó không phải là suy diễn mà là thực tế. Những chiếc tàu hải quân Mỹ đến Đà Nẵng hay Nha Trang tổ chức những sự kiện văn nghệ, người dân đến xem và tham gia vui vẻ. Họ đâu có ghét. Phải nói thẳng tâm lý của người Việt Nam là rất kỵ Trung Quốc.”
Qua mấy vụ vừa rồi, mạng xã hội lan truyền lại bài thơ “Đường sang nước bạn” của Tố Hữu với hai câu:
“Bên ni biên giới là mình
Bên kia biên giới cũng tình quê hương…”