Liệu CSVN sẽ “thoát Trung” qua cuộc chiến mậu dịch Mỹ – Trung?

Trong thời gian qua, nhiều bài báo quốc tế đã cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi rất lớn trong cuộc xung đột Mỹ Trung. Một vài nhà phân tích đã đưa ra nhận định rằng sự xung đột này mang đến cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hai cơ hội vàng trong thời gian tới.

Thứ nhất là dòng vốn đầu tư ngoại quốc (FDI) sẽ đổ vào Việt Nam ngày một nhiều hơn, vì sẽ có nhiều công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty Trung Quốc muốn tránh áp thuế của Hoa Kỳ nên sẽ dọn sang Việt Nam. Nhờ dòng vốn FDI này, kinh tế Việt Nam sẽ phát triển mạnh, giúp cho quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Hoa Kỳ gia tăng đáng kể.

Thứ hai là do những bận tâm đối phó các đòn trừng phạt về kinh tế của ông Trump, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ “lơ là” đối với các quốc gia chung quanh, đặc biệt là Việt Nam, trong nỗ lực đa dạng hóa các mối quan hệ về an ninh và đối ngoại, nhằm tái cân bằng sự quan hệ đối với thế giới.

Khuynh hướng nhận định này cũng cho rằng, với các thuận lợi nói trên, đây là thời điểm tốt nhất để cho CSVN thực hiện chiến lược đu đây một cách hoàn hảo, thoát dần ra khỏi gọng kềm của Trung Quốc đã kéo dài nhiều thập niên qua.

Thực tế ra sao?

Theo tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 18 tháng 12 vừa qua, các doanh nghiệp đang bắt đầu chuyển khỏi Trung Quốc. Hai quốc gia đang được nhiều công ty chiếu cố là Bangladesh và Việt Nam. Hiện có đến 35% trong số 430 công ty ngoại quốc và Trung Quốc đã và đang tìm nơi thiết lập nhà máy sản xuất tại Bangladesh và Việt Nam vì hai lý do: giá lao động quá rẻ và những đòi hỏi về việc bảo vệ môi trường không khắt khe như ở một số quốc gia Đông Nam Á.

Như vậy, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam thực chất vẫn là để tiếp tục nuôi sống nền kinh tế gia công, với những công nghệ cũ kỹ và lạc hậu chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trên một ý nghĩa nào đó, nhờ cuộc chiến tranh mậu dịch do ông Trump phát động, Trung Quốc đã “tống” được một số cơ sở sản xuất cũ kỹ, công nghệ thấp sang những quốc gia nghèo; cùng lúc tống xuất những nhà máy sản xuất ô nhiễm sang Việt Nam.

Vì là gia công nên Việt Nam hay Bangladesh muốn sản xuất hàng hóa cũng phải nhập khẩu các nguồn nguyên liệu từ bên ngoài, đa số là từ Trung Quốc, như sợi, vải, máy móc hay các linh kiện cho những thiết bị điện tử vì giá rẻ.

Điều này cho thấy là dòng vốn FDI càng gia tăng thì nền kinh tế của Việt Nam nói chung ngày càng dính chặt với Trung Quốc, không thể thoát ra khỏi gọng kềm “16 vàng – 4 tốt” này.

Song song, sự xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ dừng ở mậu dịch mà lan rộng đến các vấn đề an ninh, quốc phòng, trong đó các tranh chấp ở biển Đông sẽ khiến cho Bắc Kinh không thể buông tha cho CSVN.

Trung Quốc đã không chỉ chủ trương chiếm 80% chủ quyền trên biển Đông qua đường lưỡi bò chín đoạn mà còn khẳng định biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Tức là Bắc Kinh sẵn sàng “đổ máu” để giữ chặt biển Đông bằng mọi giá.

Hơn thế nữa, do chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” mà Tập Cận Bình sử dụng nhằm trấn áp các phe nhóm khác, đã tạo ra tình trạng xung đột ngầm trong nội bộ đảng ngày một gay gắt, họ Tập đã phải dùng tranh chấp biển Đông như là biện pháp “chiến tranh” để khống chế nội bộ.

Trong ý nghĩa đó, Tập Cận Bình còn đe dọa cả Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị đảng CSVN không được có những động thái theo Mỹ hay ủng hộ Mỹ về các chính sách biển Đông. Sự kiện Đại sứ CSVN tại Ấn Độ, ông Phạm Sanh Châu, vào ngày 15/11/2018 khi được hỏi quan điểm về bộ tứ kim cương Mỹ – Nhật – Úc – Ấn, đã nói với tờ The Times of India rằng: Việt Nam phản đối bất cứ liên minh quân sự nào mà không dẫn tới duy trì an ninh ở khu vực.

Phát biểu của ông Phạm Sanh Châu đã không đi ra ngoài chính sách 3 không (không liên minh quân sự, không hợp tác với bất cứ quốc gia nào tấn công nước thứ ba, không để cho nước nào xây dựng căn cứ quân sự) của Hà Nội trong nhiều năm qua. Rõ ràng Hà Nội đã không dám chọc giận Bắc Kinh, trong khi đa số các quốc gia tại Á Châu đều đồng tình việc kết hợp bộ tứ để kiềm chế tham vọng bành trướng quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.

Điều sau cùng là với chiến dịch đốt lò trong hai năm qua, ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm tuy đã đưa khá nhiều đàn em của các phe khác vào tù hay mất chức, thậm chí mất mạng, nhưng quan tâm duy nhất của ông Trọng hiện nay là không để bất cứ một cuộc nội loạn nào xảy ra. Nói cách khác là trên bề nổi, phe ông Trọng đang kiểm soát quyền lực; nhưng những nạn nhân của các vụ đốt lò, đang là những ngòi nổ đe dọa sự ổn định của triều đại Nguyễn Phú Trọng.

Kẻ sẽ khai thác các ngòi nổ này không ai khác hơn vào lúc này chính là Tập Cận Bình. Với những thủ đoạn kiềm chế lẫn nhau giữa các nước trong khối xã hội chủ nghĩa, việc cài cắm và dùng các bất mãn nội bộ để áp lực nhau là điều mà Bắc Kinh từng sử dụng. Tháng 10 năm 2017, Thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân đã tiết lộ là chính Trung Quốc đã cài cắm người trong nội bộ đảng CSVN để làm việc cho Bắc Kinh. Hai tháng sau khi những nội dung phát biểu nói trên bị tiết lộ ra bên ngoài, Thiếu tướng công an Trương Giang Long đã bị cho “nghỉ hưu” non.

Tóm lại, khác với những dự đoán từ một vài nhà phân tích thế giới, cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ – Trung chỉ làm cho mức độ lệ thuộc của CSVN vào Trung Quốc ngày càng nhiều hơn không chỉ về mặt kinh tế, mậu dịch, quân sự mà cả nhu cầu “an toàn” cho chính cái ghế Tổng bí thư kiêm chủ tịch nước của ông Trọng.

Lý Thái Hùng - https://viettan.org