Trong video đăng trên Twitter, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển, Greta Thunberg, 18 tuổi, nói: "#Đừng_im_lặng". "Hãy tiếp tục phấn đấu. Tôi ủng hộ các bạn hết mình trong chiến dịch Nói Không Với Than Vì Tương Lai Chúng Ta, mà mục đích là chặn nguồn tài trợ cho dự án xây nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2”.
Video nhằm gửi tới những sinh viên hoạt động vì môi trường tại châu Á. Những thanh niên này lo ngại rằng việc xuất hiện thêm một nhà máy nhiệt điện than xả thải khí nhà kính sẽ có những tác động tiêu cực tới những thế hệ mai sau ở Việt Nam.
Tại Nhật Bản, một nhóm sinh viên Đại học và trung học cũng như một doanh nhân vào cuối năm 2020 đã gửi thư ngỏ cho các công ty tham gia dự án Vũng Áng 2, bao gồm Mitsubishi Corp và các ngân hàng nhà nước như Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Trong lá thư, các nhà đấu tranh môi trường viết: “Thủ tướng Suga đã kêu gọi một xã hội không còn khí thải vào năm 2050. Trước những diễn tiến như thế, quý vị có dự định hủy bỏ những kế hoạch này không? Nếu không, làm thế nào dự án Vũng Áng 2 phù hợp với Thỏa thuận Paris, mà Nhật Bản và Việt Nam là hai bên ký kết, và làm thế nào đạt được mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu trong khoảng 1,5 độ C?”.
Mitsubishi Corp phản hồi rằng Việt Nam đang thiếu điện mỗi ngày và tập đoàn này đã được chính phủ Hà Nội ủng hộ mạnh mẽ về việc xây dựng nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2.
JBIC thì cho rằng đối với chính phủ Việt Nam thì xây dựng một nhà máy than sẽ ít tốn kém hơn để xây dựng so với một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng hoặc hạt nhân.
JBIC đã đồng ý cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhiệt điện Vũng Áng 2 (VAPCO) vay 636 triệu USD để tài trợ xây dựng nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam. Tổng số tiền khoản vay ước tính là 1,8 tỷ USD, được đồng tài trợ bởi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và các tổ chức cho vay tư nhân.
#Giới_trẻ
#Nhiệt_điện
#Vũng_Áng_2
#thải_khí_nhà_kính
#Nóng_lên_toàn_cầu
#Bảo_vệ_môi_trường