Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cùng Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Thị Mai Anh đến phi trường Heathrow ở thủ đô London, vào ngày 11 Tháng Tư, 1973, trong chuyến công du đến Anh Quốc. (Hình: Evening Standard / Hulton Archive / Getty Images)
Khôi Nguyên/Người Việt|
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu nhân cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, cựu đệ nhất phu nhân VNCH, vừa qua đời vào sáng Thứ Sáu, 15 Tháng Mười, tại nhà riêng ở Đông Bắc San Diego County, Nam California, hưởng thượng thọ 91 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu tổng trưởng Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi VNCH và là em họ của cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, xác nhận tin này với Nhật báo Người Việt.
Theo lời ông Hoàng Đức Nhã, cựu Đệ Nhất Phu Nhân Nguyễn Mai Anh (thường được gọi là “Madame Nguyễn Văn Thiệu”), sinh năm 1930 (Canh Ngọ) tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (ngày nay) và bà qua đời tại nhà của người con trai lớn.
Theo Wikipedia, ông bà Nguyễn Văn Thiệu có ba người con, hai trai một gái: Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Thiệu Long và Nguyễn Thị Tuấn Anh.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh là đệ nhất phu nhân miền Nam Việt Nam từ năm 1967 đến 1975, trong thời gian ông Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
Vẫn theo trang Wikipedia, bà Nguyễn Thị Mai Anh theo đạo Công Giáo và ông Nguyễn Văn Thiệu theo đạo Phật. Hai ông bà chính thức kết hôn vào năm 1951 và sau đó vào năm 1958, ông Thiệu được rửa tội theo đạo Công Giáo.
Trong suốt những năm là đệ nhất phu nhân của miền Nam Việt Nam, bà Mai Anh được cho là “hoàn toàn không can dự vào chính trường, mà đi nhiều vào các hoạt động xã hội.”
Theo lời ông Hoàng Đức Nhã nói với Người Việt, “Bà Thiệu là một phụ nữ gương mẫu của miền Nam, lúc nào cũng kề cận và ủng hộ chồng, đồng thời nuôi các con thành tài, không bao giờ tham gia vào chính trị.”
Vẫn theo ông Hoàng Đức Nhã, “Điều đáng trân trọng nhất là bà tham gia rất nhiều công tác xã hội, trong đó đáng nhớ là bà chủ xướng việc xây dựng Bệnh Viện Vì Dân để phục vụ người dân tại Sài Gòn vào năm 1971 đồng thời chăm lo cho Trường Quốc Gia Nghĩa Tử nhằm nuôi dưỡng con cái của các tử sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà.”
Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1923 tại Phan Rang, Ninh Thuận và mất ngày 29 Tháng Chín, 2001, tại Boston, Massachusetts. Như vậy, bà Nguyễn Thị Mai Anh mất sau chồng đúng 20 năm. [kn]
Khôi Nguyên/Người Việt
https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/cuu-de-nhat-phu-nhan-vnch-nguyen-thi-m...
****
Bệnh Viện Vì Dân
Hội chợ Đồng Tâm để kêu gọi quỹ xây dựng bệnh viện.
Ngay ở Thủ Đô Saigon, thấu hiểu nhiều hoàn cảnh khó khăn của người nghèo mỗi khi thăm khám tại nhà thương với nỗi lo tiền bạc chữa bệnh.
Một người phụ nữ với uy tín của mình, đã chọn khu đất trước năm 1954 là một đồn phòng thủ, ở góc ngã Tư bảy Hiền (Cách mạng tháng 8 - LTK) rộng 3 mẫu, được dọn dẹp để xây bệnh viện cho Dân nghèo.
Nghĩ trong đầu và nói là làm, Năm 1970 nhiều buổi gây quỹ như Hội chợ Đồng Tâm được phát động thân hào nhân sĩ, thương gia, kỹ nghệ gia cũng như các cơ quan từ thiện trong nước và ngoài nước, các cơ quan quốc tế chung tay quyên góp, diễn ra thuận lợi và nhanh chóng.
Lễ đặt viên đá đầu tiên được cử hành vào ngày 17 Tháng 8 năm 1970. Chỉ hơn một năm, ngày 4 Tháng 9 năm 1971, Bệnh viện được khánh thành với 400 giường bệnh, gồm các khu Ngoại chẩn, Thí nghiệm và Quang tuyến X…
Bệnh viện này là bệnh viện tư, nhưng được điều hành như bệnh viện công, nghĩa là không thu viện phí, không thu tiền khám chữa bệnh, không thu tiền các loại thuốc thông dụng có sẵn ở bệnh viện. Các hội đoàn thiện nguyện các tôn giáo được lập ra để hỗ trợ dọn dẹp, hay nấu ăn cho bệnh nhân trong bệnh viện một cách miễn phí, bệnh viện ấy tên là Vì Dân
Bà Nguyễn Thị Mai Anh & Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Mai Anh- Bà Nguyễn Thị Mai Anh, phu Nhân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1931, là con gái thứ bảy (nên còn có biệt danh Cô Bảy Mỹ Tho) trong một gia đình Công giáo ở Mỹ Tho có mười anh chị em.
Sau biến cố năm 75, Bệnh viện Vì Dân đã bị xoá tên, được đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất, giờ đại đa số bệnh viện đó đều thăm khám cho cán bộ nhà nước là chính. Người Dân vào sẽ chi khoản tiền rất lớn để được khám chữa bệnh, mà chưa chắc sẽ uống thuốc thật có khi là thuốc giả cũng nên. Người giàu còn uống thuốc giả thì người nghèo làm sao có cửa vào đó?
Từng là bệnh viện của người nghèo, giờ đây, mỗi khi ai đi ngang qua đoạn đường Lý Thường Kiệt vào hoàng hôn buông xuống sẽ thấy cảnh người nghèo vô gia cư, thậm chí người bịnh, họ sống lay lắt, vật vờ ngay tại nơi trước năm 1975 họ hoàn toàn vào thăm khám không tốn đồng nào.
Hôm nay trái tim bà Mai Anh đã ngừng đập, nhưng dấu ấn và di sản một bệnh viện Vì Dân của Bà sẽ sống mãi theo thời gian cùng cái tên Saigon.
Có thể tuy thời thế đã thay đổi, nhưng đó cũng là lăng kính để cho lịch sử mai sau soi rọi vào để thấy giữa nền chính trị Việt Nam Cộng Hoà luôn tồn tại những điều nhân bản, làm cho ta day dứt, tiếc nuối khi nghĩ về nó.
Cũng là một bệnh viện nhưng dưới thời tự do thì Vì Dân, vì Dân thật sự. Còn dưới thời thiên đường XHCN thì vì.. cán bộ vào đây sẽ thăm khám chữa bệnh miễn phí. Vì cán bộ đúng nghĩa là khi thuốc ung thư giả nó sẵn sàng bán cho người bệnh uống với giá trên trời.
Sau gần nửa thế kỷ cai trị của một chế độ luôn mồm gọi là "Vì dân, Do dân" nhưng cả nước không hề có một bệnh viện nào tương tự: miễn phí dành cho người nghèo! Xã hội chủ nghĩa hiện thân cho sự bệnh hoạn và đau khổ tận cùng.
Fb Phạm Minh Vũ