Timothy Trinh|
Bản chất của phái đoàn ngoại giao Trung Quốc đã bộc lộ rõ rệt trong cuộc họp kéo dài hai ngày kể từ thứ Năm (18/3) tại Anchorage, Alaska; thêm vào đó, sự yếu kém trong cách đối phó của phía Hoa Kỳ cũng không thể che dấu được.
Địa điểm được chọn tại Anchorage, được xem là nửa đường giữa hai thủ đô Washington và Bắc Kinh. Tất nhiên, phái đoàn Hoa Kỳ của chính quyền Biden không muốn bị nhìn thấy đi đến Bắc Kinh để giải quyết tranh chấp; nhưng đồng thời Hoa Kỳ cũng không được sự nhượng bộ của Trung Quốc để thương thuyết ở Washington giống như các lịch trình đàm phán thương mại với chính quyền tiền nhiệm.
Phái đoàn Trung Quốc được dẫn đầu bởi "cáo già ngoại giao" Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị; về phía Hoa Kỳ gồm có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan.
Bản chất của Trung Quốc là vi phạm quy tắc, lỗi không đủ lớn để hủy bỏ cuộc họp nhưng đủ mức độ gian lận để đạt mục tiêu tuyên truyền trong các cuộc đàm phán, khiến cho phía Hoa Kỳ lúng túng trong cách ứng xử.
Theo giao thức đồng ý bởi hai bên, mỗi phái đoàn sẽ phát biểu mở đầu ngắn (hai phút) mỗi người, dành cho hai người trưởng đoàn.
Mở đầu cuộc họp là phía "chủ nhà", Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken đã có lời mở đầu kéo dài 2 phút 27 giây. Tiếp theo là lời mở đầu của cố vấn Sullivan kéo dài 2 phút 17 giây. Tổng cộng thời giờ mở đầu của phía Hoa Kỳ đã không quá 5 phút, trong đó Hoa Kỳ cho biết "sẽ thảo luận về mối quan ngại sâu sắc đối với các hành động của Trung Quốc, bao gồm ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan; các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ; và cưỡng bức kinh tế của các đồng minh".
Đến lượt Trung Quốc, cáo già Dương Khiết Trì đã phát biểu luôn 16 phút 14 giây (vượt quá 8 lần hơn giới hạn thời giờ phát biểu) để phản biện bằng cách tấn công Hoa Kỳ về đủ mọi mặt kể cả vấn đề kỳ thị người da đen trong phong trào 'Black Lives Matter', cáo buộc Mỹ là đạo đức giả nhân quyền do đối xử tệ với công dân da đen. Điều đáng buồn cười, sau đó một ngày, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã lên án Hoa Kỳ là phân biệt chủng tộc, bài ngoại và phân biệt giới tính vào thứ Sáu trong bài phát biểu tại Đại học Emory ở Atlanta, Georgia, nơi bà và Tổng thống Joe Biden đã đến để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Mỹ gốc Á.
Sau phần phát biểu của Dương Khiết Trì, đến lượt Vương Nghị nói thêm 4 phút 9 giây. Tổng cộng thời giờ tuyên truyền của phía Trung Quốc hơn 20 phút, không kể phần phiên dịch tiếng Anh.
Theo chương trình, giới truyền thông phải rời khỏi phòng họp ngay sau đó, để cả hai phái đoàn bắt đầu cuộc đàm phán.
Bấy giờ, phái đoàn Hoa Kỳ có lẽ cảm thấy bị thiệt thòi sau khi phía Trung Quốc phá vỡ giao thức để biến phần mở đầu cuộc họp (mà báo chí được phép tham gia để loan tin đến toàn thế giới) trở thành một màn kịch kéo dài cơ hội lên án Hoa Kỳ về đủ mọi mặt.
Cố vấn Sullivan đã phải vẫy tay ra hiệu, kêu gọi các ký giả ở lại phòng họp, và Ngoại trưởng Blinken nói với phía Trung Quốc rằng "vì những nhận xét mở rộng của bạn, hãy để tôi nói thêm một vài nhận xét của riêng tôi."
Blinken cảnh báo, "Đánh cuộc chống lại Mỹ chưa bao giờ là một cuộc cá cược tốt."
Trong phần nói thêm, Sullivan đã biện hộ vấn đề kỳ thị chủng tộc, cho rằng Hoa Kỳ là "một quốc gia tự tin có thể nhìn ra những thiếu sót của chính mình và không ngừng tìm cách cải thiện."
Cách phản pháo cho rằng Mỹ đã cố gắng đối mặt với việc ngược đãi người thiểu số hơn là “cố gắng giả vờ rằng họ không tồn tại”.
Ông nói “Nước sốt bí mật của Mỹ” là sẵn sàng thừa nhận sai sót và nỗ lực cải thiện, ám chỉ Mỹ không ứng xử giống kiểu Trung Quốc.
Một lần nữa, báo chí được mời ra khỏi phòng họp, tuy nhiên Vương Khuất Trì có dấu hiệu tức giận dường như muốn nói thêm; và sau đó, các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc lập tức đăng tin cáo buộc Hoa Kỳ từ bỏ dân chủ vì Blinken không cho báo chí được ở lại để nghe phái đoàn Trung Quốc nói tiếp.
Một quan chức chính quyền Biden nhận xét, “Phái đoàn Trung Quốc dường như đã có ý định rất lớn, tập trung vào sân khấu công cộng và kịch tính hơn là thực chất.”
Rõ ràng phái đoàn Trung Quốc đã mượn diễn đàn Alaska của chính quyền Biden để lan truyền một thông điệp chính trị mà Tập Cận Bình muốn gửi đến thế giới, và đặc biệt đến với 1,4 tỷ dân đại lục, rằng nước Mỹ không còn ở thế mạnh để bắt nạt Trung Quốc./.
Người Đà Lạt Xưa
Bản chất Trung quốc trong cuộc đàm phán đầu tiên với chính quyền Biden
21.03.2021