Tác giả Christian Herrmann
Tập Cận Bình được xem là người cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, lúc này lãnh đạo nhà nước Trung Quốc trông có vẻ mệt mỏi hơn bao giờ hết. Ông ta đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề chồng chất, trong số đó, nhiều cái do ông ta tự tạo ra.
"Đả đảo Đảng Cộng Sản!" "Đả đảo Tập Cận Bình!", hôm tháng 11 đám đông đã giận dữ hét lên như vậy trên đường phố Thượng Hải. Đến thời điểm này, vừa tròn một tháng kể từ khi Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Giới hạn tuổi tác, giới hạn nhiệm kỳ đã không ngăn cản được ý muốn của ông ta. Từ bao lâu nay Tập đã củng cố vị trí của mình, để biến thành nhà cai trị quyền lực nhất của Trung Quốc kể từ sau Mao Trạch Đông.
Tuy nhiên, giờ đây người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đang phải đối mặt với một ngọn núi khổng lồ chất đầy những vấn đề, hầu hết do ông ta tự tạo ra. Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, doanh thu của chính phủ giảm, tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt gia tăng trong giới trẻ, và anh bạn thân nhất thì đang sa lầy trong chiến tranh. Vấn đề cấp bách nhất vẫn là tình hình Corona.
Kế hoạch Không-Covid làm trì trệ nền kinh tế
Trước những cuộc biểu tình lớn nhất kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Tập đã phải nhượng bộ. Vào đầu tháng 12, Bắc Kinh tuyên bố nới lỏng việc kiểm dịch, việc xét nghiệm PCR và việc phong tỏa. Một quyết định hợp lý, nếu người ta thực sự muốn ngăn chặn dịch bệnh, đồng thời giữ vững kinh tế. Phong tỏa các khu nhà, tiến hành xét nghiệm đại trà và cung cấp lương thực cho hàng triệu người là việc tiêu tốn nhân lực và tiền bạc. Nếu các nhà máy vẫn đóng cửa, công nhân bị mắc kẹt ở nhà, sẽ không có gì để đổ vào ngân sách.
Jürgen Matthes từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho rằng, chính sách Không-Covid là một kế hoạch cực kỳ tốn kém và đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc. Nhà kinh tế cho biết trên ntv (một kênh truyền hình của Đức), vào tháng 11 năm nay kinh tế Trung Quốc đã sụm xuống một cách thảm hại. "Những dự báo gần đây nhất cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay đã trở thành mớ giấy lộn. Đảng Cộng sản phải đối mặt với hai vấn đề: nền kinh tế suy yếu và các cuộc biểu tình."
Khoản thâm hụt khổng lồ
Vào tháng 11, Trung Quốc đã trình bày dữ liệu thương mại tồi tệ nhất trong hơn hai năm. Sản lượng hàng hóa xuất ra nước ngoài giảm 8,7 phần trăm so với năm trước. Hơn hết, đây là những con số khác thường, vì tháng 11 luôn là cao điểm cho các hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa nhân dịp lễ Giáng sinh, của một nước có nền ngoại thương mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, diễn biến này không có gì ngạc nhiên: Ngay cả trước khi Tập Cận Bình gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ở trung tâm tài chính Thượng Hải hoặc ở "Thành phố iPhone" Trịnh Châu, vào năm ngoái, Tập đã lãnh đạo một chiến dịch điều tiết chống lại các công ty công nghệ thành công như Alibaba, Didi và Tencent. Kết quả là giá cổ phiếu của họ giảm mạnh trên các sàn giao dịch chứng khoán trên toàn thế giới, doanh thu sụt giảm và mất công việc làm.
Hơn một năm trước, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc cũng trải qua tình trạng tương tự. Tình trạng vỡ nợ đã khiến các doanh nghiệp khổng lồ ngành xây dựng lần lượt không thể trả nổi các khoản vay của họ. Những căn hộ đã được trả tiền còn chưa xây xong đã bị phá bỏ. Giờ đây, Bắc Kinh phải giải cứu các công ty nhà đất mắc nợ như chúa chổm bằng khoản "viện trợ toàn diện". Do đó, vào năm nay ngân sách của Trung Quốc bị thâm hụt cao nhất trong nhiều thập kỷ. Theo cổng thông tin tài chính Bloomberg, chỉ từ tháng 1 đến tháng 9, con số này đã là 980 tỷ đô la Mỹ.
Thất nghiệp
Các công trường xây dựng đánh đòn tàn khốc lên thị trường việc làm. Tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cảnh báo về một tình hình "phức tạp và nghiệt ngã" sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ. Khoảng 20% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi sẽ thất nghiệp. Jörg Wuttke người đứng đầu Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc cho biết, đây là chỉ những con số chính thức. Có khả năng là một phần ba thanh niên không có việc làm.
"Tất nhiên, điều này thật tàn khốc trong một xã hội có chính sách một con," Wuttke nói. “Bốn ông bà nội ngoại, hai cha mẹ nhìn vào một đứa trẻ, kẻ gánh vác tương lai của gia đình. Để nó phải thốt lên: Xin lỗi, con đã khốn khổ suốt 15, 16, 17 năm, bây giờ thì thất nghiệp, hay phải đi khuân vác. Giấc mộng đã vỡ tan tành rồi."
Con đường tơ lụa mới như trò chơi ném dĩa
Trung Quốc không chỉ khủng hoảng tài chính trong nước. Vào tháng Bảy, "Financial Times" đã đưa tin về cuộc khủng hoảng nợ đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài. Có vẻ như “con đường tơ lụa mới” phần nào đang biến thành trò chơi ném dĩa. Vài năm trước, người ta vẫn lo sợ rằng Trung Quốc có thể khiến các nước đang phát triển phụ thuộc vào các khoản vay hào phóng của họ cho các tuyến đường thương mại và cơ sở hạ tầng mới. Tuy nhiên, hiện nay điều ngược lại dường như đang xảy ra: Nhiều đối tác không còn khả năng trả các khoản vay của họ, chủ yếu là do cuộc khủng hoảng Corona - và do đó Trung Quốc đang mất rất nhiều tiền.
Theo Financial Times, các khoản vay trị giá hơn 52 tỷ đô la đã phải được đàm phán lại và tái cấu trúc vào năm 2020 và 2021. Các quốc gia đối tác nhận được kỳ hạn trả nợ dài hơn với lãi suất thấp hơn, với hy vọng rằng các hải cảng, tuyến đường sắt hoặc các dự án cơ sở hạ tầng khác ở Sri Lanka, Zambia hoặc Pakistan vẫn có thể được hoàn thành. Trong nhiều trường hợp, Trung Quốc thậm chí phải đổ thêm tiền vì mọi món vay đã bị chính phủ con nợ tiêu pha sạch hết.
“Thế lực tài chính” đang ngày càng trở thành một vấn đề ở các quốc gia như Pakistan: công nhân Trung Quốc là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố và bắt cóc. Bởi vì họ đem lại những khoản tiền chuộc cao hoặc vì họ là đại diện cho sự tham nhũng và thế lực của Trung Quốc tại các nước đối tác. Francesca Ghiretti từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS) ở Berlin cho biết, giờ đây, khi tài trợ cho các dự án này Trung Quốc phải nghĩ đến việc bỏ tiền để chống lại nguy cơ khủng bố.
Điều gì sẽ xảy ra nếu làn sóng Corona tràn qua?
Giờ đây, việc nới lỏng chính sách Không-Covid sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ: Nếu không đóng cửa nữa, các nhà máy có thể hoạt động hết tốc lực trở lại và bù đắp cho ngân sách - ít nhất đó là điều Bắc Kinh hy vọng. Nhưng nếu biến thể omicron tràn qua Trung Quốc, nó có thể gây tác dụng ngược lại, đó là cảnh báo của các nhà quan sát. Jürgen Matthes từ Viện Kinh tế Thế giới nói trên ntv rằng, việc tiếp tục nới lỏng sẽ có lợi cho Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. "Nhưng có một mối nguy hiểm lớn là số ca nhiễm bệnh sẽ tăng lên ồ ạt, đến mức các bệnh viện sẽ quá tải. Sau đó, có thể sẽ có một lệnh phong tỏa thậm chí còn gay gắt hơn."
Nhìn chung, Trung Quốc có tỷ lệ tiêm chủng cao. Tuy nhiên, chính những người lớn tuổi có nguy cơ đặc biệt lại không tiêm. Nhiều người khác tỏ ra hoài nghi vì họ không tin tưởng vào vac.c.in - đây là vấn đề mà Tập Cận Bình phải chịu một phần trách nhiệm: Năm ngoái, ông ta đã cho truyền thông đưa tin rằng vac.c.in mRNA của Biontech và Moderna là thuốc độc.
Sau khi kết thúc kế hoạch Không-Covid, một làn sóng omicron sẽ tràn qua Trung Quốc. Các cơ quan y tế Trung Quốc dự đoán rằng, ở giai đoạn cuối cùng sẽ có khoảng 80 đến 90% dân số của 1,4 tỷ người nhiễm bệnh. Sau gần 3 năm áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, bây giờ nhiều người mới lần đầu tiên tiếp xúc với virus corona, do đó họ dễ bị nhiễm và sẽ có tiến trình phát bệnh nghiêm trọng, có thể phải nhập viện. Tuy nhiên, khi nói đến giường chăm sóc đặc biệt, thì phải biết là Trung Quốc thua xa các nước châu Á khác như Đài Loan hay Thái Lan. Đây là một vấn đề mới mà người đàn ông quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao cũng phải đối mặt./.
Lưu Thủy Hương dịch
Nguồn: https://www.n-tv.de/.../Die-vielen-Probleme-des-Xi...