Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh: Tòa án Đức xét xử một nghi phạm

 Hiếu Bá Linh

Sáng ngày 2/11, Tòa án Thượng thẩm Berlin đã khai mạc phiên tòa xét xử nghi can Lê Anh Tú, 32 tuổi, với cáo buộc hoạt động gián điệp và hỗ trợ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Vụ xét xử này được sự quan tâm chú ý của  truyền thông Đức, đông đảo báo chí và truyền hình đã đến chụp ảnh quay phim (Ảnh 2).

Đại diện Viện Công tố liên bang Đức đã đọc bản cáo trạng trong phiên tòa khai mạc. Theo cáo trang, bị cáo Lê Anh Tú là người sinh sống ở Praha, CH Séc, và đã tham gia vào vụ bắt cóc này do tình báo Việt Nam thực hiện, đích thân Trung tướng Đường Minh Hưng sang Berlin chỉ huy. Trong giai đoạn đầu tiên trước khi vụ bắt cóc xảy ra, bị cáo đã "tham gia vào việc dọ thám và theo dõi hai nạn nhân (Trịnh Xuân Thanh và người tình Đỗ Minh Phương) bị bắt cóc sau đó". Chẳng hạn hai nạn nhân bị theo dõi khi họ ăn tối trong một nhà hàng Ý tại Berlin.

Viện công tố liên bang Đức cho rằng bị cáo cũng có mặt lúc 2 nạn nhân bị bắt cóc ngày 23-7-2017, hoặc là thuộc đội quân ngồi trên chiếc xe gây án chở 2 nạn nhân bị bắt cóc, hoặc là thuộc đội quân che chắn bảo vệ và quan sát lúc vụ bắt cóc diễn ra.

Chỉ hai giờ sau vụ bắt cóc xảy ra và hai nạn nhân bị chở đến Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, bị cáo lái một chiếc xe của Đại sứ quán trở lại Praha, "nơi anh ta sẵn sàng cho các nhiệm vụ sau đó", cáo trạng cho biết.

Bị cáo cũng tham gia vào việc chở Trịnh Xuân Thanh từ CH Séc sang Slovakia. Tại thủ đô Bratislava của Slovakia, Bộ trưởng Tô Lâm đã mượn chuyên cơ của chính phủ Slovakia để đưa Trịnh Xuân Thanh đến Moscow (tức là ra khỏi vùng Schengen). Sau đó, từ Moscow Trịnh Xuân Thanh bị đưa về Việt Nam bằng một máy bay khác.

Sau vụ bắt cóc, bị cáo Lê Anh Tú trốn về Việt Nam. Nhưng 5 năm sau đó, vì tưởng rằng đã an toàn, anh ta quay trở lại Praha và lập tức bị bắt tại sân bay hồi tháng 4 năm 2022. Đến đầu tháng 6/2022, anh ta bị dẫn độ về Đức và bị giam giữ kể từ đó.

Một phát hiện bất ngờ, Lê Anh Tú từng bị bắt tại Đức vì mang trong người vũ khí trái phép, tuy nhiên theo bản án của tòa án Đức hồi năm 2016, anh ta chỉ bị kết án tù treo.

Điểm đáng chú ý nhất và đặc biệt nhất trong ngày đầu tiên của phiên xử là tòa án và luật sư của bị cáo muốn đạt được một thỏa thuận như sau: Bị cáo sẽ nhận mức án nhẹ từ 4 năm rưỡi cho đến 5 năm tù nếu đồng ý nhận tội toàn diện.


Nhưng cho đến cuối phiên tòa khai mạc, thỏa thuận này vẫn chưa ngã ngũ. Luật sư của Lê Anh Tú thông báo thân chủ của ông sẽ đưa ra lời nhận tội trong phiên xử vào thứ hai tuần tới. Tuy nhiên, luật sư bào chữa của bị cáo cũng nói trước rằng không phải tất cả các điểm cáo buộc trong bản cáo trạng đều đúng. Bị cáo khẳng định mình không trực tiếp tham gia lúc hai nạn nhân bị bắt cóc ngày 23-7-2017.

Tất nhiên, trong trường hợp nếu lời thú tội chệch với bản cáo trạng, Viện Công tố liên bang Đức sẽ không chấp nhận thỏa thuận này. Vì vậy, vụ xét xử này có thể sẽ phải kéo dài nhiều tuần lễ hoặc nhiều tháng để lấy lời khai của các nhân viên điều tra và các nhân chứng v.v. để xác thực các bằng chứng.

TRỊNH XUÂN THANH CÓ THỂ ĐƯỢC SANG ĐỨC NHÂN CHUYẾN CÔNG DU VN CỦA THỦ TƯỚNG ĐỨC

Một tin nhận được bên lề phiên tòa khai mạc, lần đầu tiên Đại sứ quán Đức tại Hà Nội đã được Việt Nam cho phép và nhân viên ĐSQ Đức đã vào thăm Trịnh Xuân Thanh trong nhà tù sau hơn 5 năm ngồi tù ở đó. Bộ Ngoại giao Đức đã cố gắng làm điều này trong nhiều năm nhưng nay mới được. Người ta có thể suy đoán liệu việc đến thăm của Đại sứ quán Đức như vậy có phải là một dấu hiệu cho thấy Trịnh Xuân Thanh sẽ được thả ra sang Đức, nơi ông ta đã được Đức cho tị nạn và cũng là nơi gia đình ông ta hiện đang sinh sống hay không. Dấu hiệu này cũng trùng hợp với chuyến thăm Việt Nam vào ngày 12-11-2022 sắp tới của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Theo bản tin của Bloomberg, Thủ tướng Đức Scholz sẽ đi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali - Indonesia vào giữa tháng 11 (từ ngày 15 đến 16/11) với sự tháp tùng của một phái đoàn kinh tế hùng hậu gồm nhiều doanh nghiệp Đức. Theo dự kiến, trước khi đến Bali, Thủ tướng Đức Scholz cùng với phái đoàn kinh tế sẽ dừng chân tại Việt Nam và Singapur từ ngày 12 đến 14 tháng 11 (tuy nhiên chưa chính thức được xác nhận), một nhà doanh nghiệp Đức cho biết như trên.

Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh cũng đã có lần phát biểu công khai hồi cuối tháng 8, ông nói rằng Việt Nam đang nỗ lực và ông "hy vọng rằng từ giờ đến cuối năm, đến tháng 11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có cuộc viếng thăm Việt Nam, sẽ là chuyến thăm lịch sử ..." đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới sau 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Kể từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017, Đức đã đóng băng quan hệ với Việt Nam trong một thời gian dài cả một năm rưỡi. Mãi đến tháng 2/2019 Đức mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, tuy nhiên từ đó đến nay, hơn 2 năm rưỡi trôi qua, vẫn chưa có một nguyên thủ Đức nào (Thủ tướng hoặc Tổng thống) đến thăm Việt Nam, đánh dấu quan hệ giữa hai nước đã thật sự hoàn toàn bình thường trở lại.

Ảnh 1: Bị cáo Lê Anh Tú trông trẻ hơn tuổi 32 của anh. Hôm Thứ Tư 2/11, anh ta xuất hiện ở phòng xử lớn nhất của Tòa án Thượng Thẩm Berlin, mặc một bộ đồ thể thao chạy bộ màu đen và đeo tai nghe mà qua đó anh ta có thể nghe thấy lời của thông dịch viên.

Tham khảo:
https://vietnamthoibao.org/vntb-thu-tuong-duc-du-kien-se-tham-viet-nam-vao-ngay-12-thang-11-toi/

https://www.straitstimes.com/world/europe/scholz-plans-china-visit-around-nov-3-4-ahead-of-g-20-summit