Bloomberg dựa vào nguồn tin từ chính giới Đức cho biết, ông Scholz sẽ đến thăm thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, dự kiến từ ngày 3 đến ngày 4 tháng 11 (tuy nhiên chưa chính thức được xác nhận) và công tác chuẩn bị đã có tiến triển tốt.
Sau đó, cũng trong tháng 11 tới, ông Scholz sẽ đi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Bali - Indonesia vào giữa tháng 11 (từ ngày 15 đến 16/11) với sự tháp tùng của một phái đoàn kinh tế hùng hậu gồm nhiều doanh nghiệp Đức. Theo dự kiến, trước khi đến Bali, Thủ tướng Đức Scholz cùng với phái đoàn kinh tế sẽ dừng chân tại Việt Nam và Singapur từ ngày 12 đến 14 tháng 11 (tuy nhiên chưa chính thức được xác nhận), một nhà doanh nghiệp Đức cho biết như trên.
Chuyến công du Việt Nam và Singapur của ông Scholz là một phần trong nỗ lực xác định lại chiến lược của Đức đối với châu Á - Thái Bình Dương, mà chiến lược này có thể dẫn đến căng thẳng ngày càng tăng giữa Đức và Trung Quốc. Chính phủ Đức đang thực hiện một chiến lược quốc gia đối với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc của Đức vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đa dạng hóa chuỗi cung ứng và tăng cường an ninh.
So với người tiền nhiệm Angela Merkel, người duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, Thủ tướng Scholz có một chính sách khác và đưa Đức phù hợp hơn với đường lối của Mỹ và các đồng minh phương Tây khác, những nước đang theo dõi diễn biến ở Trung Quốc với sự lo ngại ngày càng tăng.
Nếu Thủ tướng Đức Scholz thăm Việt Nam vào tháng 11 này (có thể là ngày 12/11), ông sẽ đến dự Lễ Khánh thành trường Đại học Việt - Đức, mới xây dựng xong tại Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
Trường Đại học Việt - Đức
Đại sứ Việt Nam tại Đức Vũ Quang Minh cũng đã có lần phát biểu công khai hồi cuối tháng 8, ông nói rằng Việt Nam đang nỗ lực và ông "hy vọng rằng từ giờ đến cuối năm, đến tháng 11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ có cuộc viếng thăm Việt Nam, sẽ là chuyến thăm lịch sử ..." đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới sau 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.
Kể từ sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi năm 2017, Đức đã đóng băng quan hệ với Việt Nam trong một thời gian dài cả một năm rưỡi. Mãi đến tháng 2/2019 Đức mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, tuy nhiên từ đó đến nay, hơn 2 năm rưỡi trôi qua, vẫn chưa có một nguyên thủ Đức nào (Thủ tướng hoặc Tổng thống) đến thăm Việt Nam, đánh dấu quan hệ giữa hai nước đã thật sự hoàn toàn bình thường trở lại.
Đáng chú ý là ngày 2 tháng 11, Tòa án Thượng thẩm Berlin sẽ khai mạc phiên tòa xét xử Lê Anh Tú, một nghi can trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Phiên tòa sự kiến sẽ kéo dài đến cuối năm. Xem chi tiết ở đây: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=712085486763970&id=100038875746157