Liên Âu tiếp tục có thêm các biện pháp căn bản nhằm giảm mạnh phụ thuộc vào khí đốt Nga. Hôm qua, 01/10/2022, lễ khai trương đoạn đường ống khí đốt Bulgari – Hy Lạp diễn ra long trọng tại thủ đô Sofia. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu (EU) khẳng định ‘‘một kỷ nguyên mới’’ đang mở ra cho khu vực Đông Nam châu Âu.
AFP dẫn lời chủ tịch EU, bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh : đường ống khí đốt nói trên ‘‘đồng nghĩa với tự do, và việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga’’. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh là đường ống IGB cho phép ‘‘đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về khí đốt của Bulgari, và đây là một tin tức rất tốt lành trong bối cảnh rất khó khăn hiện nay… Nhờ những dự án như thế này, châu Âu sẽ có tương đối đủ khí đốt trong mùa đông này’’.
Trong số các lãnh đạo khu vực tham gia vào nghi thức đưa vào hoạt động đoạn đường ống khí đốt Bulgari – Hy Lạp, có nguyên thủ Azerbaidjan Ilham Aliev, nguyên thủ Serbia Aleksandar Vucic, tổng thống Bắc Macedonia Stevo Pendarovski, tổng thống Bulgari Roumen Radev, cùng các thủ tướng Hy Lạp, Rumani.
Đường ống IGB dài 182 km, hoàn tất từ tháng 7, nhưng chỉ đến hôm qua mới chính thức đi vào hoạt động, theo thủ tướng Bulgari Galab Donev, có mặt tại buổi lễ. Đường ống Bulgari – Hy Lạp sẽ cho phép Bulgari nhận được một tỉ mét khối khí một năm, trên tổng số ba tỉ mét khối lưu chuyển. Ý tưởng về đường ống khí đốt trị giá 200 triệu euro nói trên đã có từ năm 2009, nhưng việc xây dựng bị trì hoãn. Chiến tranh Nga chống Ukraina và cuộc khủng hoảng năng lượng thúc đẩy dự án sớm được hoàn thiện.
Công ty Nga đình chỉ cấp khí đốt cho Ý
Việc cung cấp khí đốt Nga tại châu Âu có thêm trục trặc. Hôm qua, 01/10, theo tập đoàn năng lượng Ý ENI, nước Ý không còn nhận được khí đốt của Gazprom. Thông tín viên Anne Treca tường trình từ Roma :
‘‘Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, tập đoàn Gazprom của Nga đã đình chỉ việc cung cấp khí đốt cho Ý vào thứ Bảy, 01/10, theo thông báo của tập đoàn năng lượng của Ý, nhà nhập khẩu khí đốt chính ở tại nước này. Theo Gazprom, việc ngừng giao hàng này là do một số thủ tục hành chính ở Áo, nơi trung chuyển khí đốt đến Ý.
Tại Roma, các nhà lãnh đạo của ENI đang liên hệ với Gazprom để cố gắng phục hồi nguồn cung này. Tuy nhiên, không thể loại trừ sự gián đoạn này có thể kéo dài.
Nếu chuyện này xảy ra vào một năm trước, việc đóng cửa đường ống khí đốt của Nga có thể sẽ gây ra những hậu quả đáng kể cho nền kinh tế Ý, bởi Ý khi đó phụ thuộc vào khí đốt của Nga tới 40% lượng tiêu thụ. Tuy nhiên, kể từ cuộc chiến ở Ukraine, tình hình đã thay đổi rất nhiều. Nước Ý hiện mua ít hơn 10% khí đốt từ Nga. Ý đã tăng cường mua khí đốt từ các nước Bắc Âu và hiện đang tìm các nhà cung cấp mới, chẳng hạn như Algerie hoặc Azerbaijan. Ý cũng đã có trong kho dự trữ khoảng một phần tư lượng khí đốt dự kiến tiêu thụ trong mùa đông.
Vấn đề còn lại là giá cả năng lượng. Châu Âu hiện chưa có được sự đoàn kết cần thiết trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Thách thức nói trên đang trở thành ưu tiên tuyệt đối của tất cả các lãnh đạo chính trị Ý’’.