Tang lễ của Nữ hoàng Elizabeth II hôm nay cho thấy lịch sử lâu đời của Vương quốc Anh và chế độ quân chủ.
Nữ hoàng qua đời ở tuổi 96 tại nhà riêng của bà, Lâu đài Balmoral, ở Aberdeenshire, Scotland. Bà đã sống một cuộc sống lâu dài, luôn phục vụ cho đất nước của mình và cho Khối thịnh vượng chung. Tại Balmoral, chỉ hai ngày trước khi băng hà, bà chấp nhận sự từ chức của Thủ tướng Boris Johnson và bổ nhiệm người tiếp theo, Lizz Truss. Truss là Thủ tướng thứ 15 dưới triều đại của Nữ hoàng, người đầu tiên là Winston Churchill. Hàng tuần, bà tổ chức một buổi tiếp kiến với Thủ tướng, thể hiện sự quan tâm đến công việc của chính phủ, của đất nước.
Nữ hoàng Anh bổ nhiệm nữ Thủ tướng Lizz Truss
Những địa điểm nơi diễn ra tang lễ, đều được xây dựng từ lâu đời và chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của vương quốc Anh. Quan tài của Nữ hoàng đầu tiên được đưa đến Cung điện Holyroodhouse ở Edinburgh, dinh thự chính thức của chế độ quân chủ Anh ở Scotland.
Từ Edinburgh, quan tài của Nữ hoàng đã được đưa đến London. Linh cữu được quàn trong Hội trường Westminster, bên cạnh Nhà Quốc hội, để công chúng đến viếng. Hội trường Westminster được xây dựng vào năm 1097 bởi Vua William II, con trai của William the Conqueror. Ngoài việc được sử dụng làm nơi quàn linh cữu các thành viên của Hoàng gia và một vài chính khách quan trọng (trong đó Winston Churchill), tòa nhà cũng được sử dụng như một tòa án, bao gồm cả việc luận tội Vua Charles I và xét xử Guy Fawkes, người định làm nổ tung Nhà Quốc hội và Vua James I.
Lễ tang diễn ra tại Tu viện Westminster. Một nhà thờ được xây dựng lần đầu tiên ở đó vào khoảng năm 1080, nhưng tòa nhà hiện tại được khởi công vào năm 1245. Được chôn cất trong tu viện là 3.300 người Anh lỗi lạc, bao gồm ít nhất 16 quốc vương, tám thủ tướng, nhà thơ, diễn viên, nhà khoa học và nhiều người khác.
Lễ tang có sự tham dự của hoàng gia, các nguyên thủ quốc gia và những người đứng đầu chính phủ từ khắp nơi trên thế giới. Trong số các nhà lãnh đạo nước ngoài có những người đứng đầu chính phủ của các vương quốc Khối thịnh vượng chung (Commonwealth realms), thuộc địa cũ của Đế quốc Anh nơi Nữ hoàng vẫn là nguyên thủ quốc gia, và nguyên thủ quốc gia của các nước thuộc Khối thịnh vượng chung (Commonwealth countries), nay đã trở thành các nước cộng hòa.
Sau đó, quan tài của Nữ hoàng được đưa đến lâu đài Windsor, nơi ở của hoàng gia ở phía tây London. Lâu đài được khởi công bởi William the Conqueror sau Cuộc chinh phạt Norman của Anh vào năm 1066. Tại lâu đài, một nghi lễ được tổ chức trong Nhà nguyện St George (được xây dựng vào năm 1348), nơi quan tài của bà được hạ xuống hầm bên dưới nhà thờ. Nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng sẽ là trong nhà nguyện tưởng niệm Vua George VI, bên cạnh cha của Nữ hoàng (George VI), mẹ, em gái và người chồng yêu dấu là Vương tế Philip, Công tước xứ Edinburgh. Nhiều quốc vương và hoàng gia khác được chôn cất trong nhà nguyện (bao gồm Henry VIII, Charles I, George III, George IV, Edward VII, George V).
Tất cả những điều này cho thấy rằng Nữ hoàng, cũng như tất cả mọi người, là một phần của lịch sử lâu dài và đa dạng, một sự tiếp nối lâu dài của sự sống quý giá trên hành tinh này. Hầu hết chúng ta sẽ không đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử, như Nữ hoàng, nhưng tất cả chúng ta vẫn là những sợi dây trong tấm thảm lớn của cuộc sống.
Một sự kiện xảy ra dưới triều đại của George III, tất cả thu nhập từ Crown Estates (trừ Công quốc Cornwall), đất đai và tài sản thuộc về Quốc vương (nhưng không phải tài sản cá nhân của Vua hoặc Hoàng hậu), đều do chính phủ nắm giữ. Đổi lại, chính phủ trả lại một số tiền cho George III để chi trả cho chế độ quân chủ và hoàng gia. Sự sắp xếp này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, được Nữ hoàng cải tổ lại. Thu nhập từ toàn bộ đất đai, bất động sản đó, tính ra chế độ quân chủ Anh trả nhiều tiền hơn cho chính phủ so với chi phí để điều hành các hộ gia đình hoàng gia, hoàng gia không phải sống bằng tiền đóng thuế của người dân như nhiều người lầm tưởng.
Nữ hoàng là Người bảo trợ của hơn 600 tổ chức và hội từ thiện lớn nhỏ, ví dụ như tổ chức từ thiện lớn Nghiên cứu Ung thư của Vương quốc Anh và Hội Chữ thập đỏ Anh. Sự hỗ trợ và bảo trợ của bà đã giúp các tổ chức này gây quỹ (ước tính hơn 1,4 tỷ bảng Anh trong thời gian bà trị vì) và tiếp thêm tinh thần cho các tình nguyện viên và nhân viên của họ. Bà đã tham dự hàng trăm sự kiện mỗi năm để hỗ trợ các tổ chức này, cùng với hoạt động ngoại giao trong các chuyến viếng thăm các nước, chiêu đãi các nguyên thủ nước ngoài và những người đứng đầu chính phủ ở Vương quốc Anh. Khi còn sống, khối lượng công việc mà Vương tế Philip đảm nhận còn nhiều hơn, ông bảo trợ cho khoảng 800 tổ chức, đặc biệt tập trung vào môi trường, công nghiệp, thể thao và giáo dục, trong đó có việc sáng lập và là Chủ tịch của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (World Wildlife Fund (WWF), thành lập Học bổng Kỹ thuật, sau này là Học viện Kỹ thuật Hoàng gia (Fellowship of Engineering, Royal Academy of Engineering)…
Các thành viên chịu trách nhiệm làm những công việc của Hoàng gia khác cũng vậy, họ cũng tham dự hàng trăm sự kiện mỗi năm, họ không ngồi không một chỗ cả ngày không làm gì cả như nhiều người lầm tưởng.
Hoa Kỳ tự hào về sự tách biệt giữa nhà thờ và nhà nước. Tại Vương quốc Anh, Quốc vương là người đứng đầu Giáo hội Anh và Nữ hoàng là một tín đồ Cơ đốc sùng đạo, cũng như Vua Charles III. Phần lớn ý thức về bổn phận của họ đến từ đức tin Cơ đốc. Thay vào đó, ở Anh, có sự tách biệt giữa chính trị và đời sống công dân. Các chính trị gia đến rồi đi. Nữ hoàng luôn ở đó, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, gắn kết mọi người. Với các chính trị gia, tất cả mọi lời nói, việc làm của họ trước hết phải thỏa mãn người dân ngay nhiệm kỳ này, thế hệ này, đồng thời phải đặt quyền lợi đảng của họ, những người bỏ phiếu bầu cho họ lên trên và không bao giờ có thể có sự hài lòng của toàn bộ người dân đối với một Tổng thống hay Thủ tướng. Vì vậy luôn luôn có sự chia rẽ, cứ nhìn Hoa Kỳ chẳng hạn.
Còn một chế độ quân chủ kiểu như Vương quốc Anh với Nữ hoàng hay Vua ở bên ngoài chính trị, bên trên chính trị, với tầm nhìn xa, cao hơn, cho một bức tranh lớn hơn.
Nữ hoàng hay Nhà Vua ở Anh hoàn toàn không can thiệp vào công việc chính trị. Quyền lực của họ là một thứ quyền lực mềm, dựa trên uy tín, hình ảnh, tư cách, ý thức về bổn phận, trách nhiệm của họ. Nếu làm tốt công việc và giữ gìn tốt hình ảnh, Quốc vương sẽ đại diện cho một lý tưởng và có sức mạnh truyền cảm hứng cho mọi người nỗ lực hết mình, cống hiến thời gian, công sức và nguồn lực cho những mục đích lâu dài, và đoàn kết mọi người. Và Nữ hoàng đã thể hiện điều đó trong suốt 70 năm trị vì của mình.
Tất nhiên sẽ khó khăn hơn nhiều để duy trì chế độ quân chủ, khi thiếu vắng một Nữ hoàng Elizabeth luôn sáng suốt, điềm tĩnh, đáng tin cậy và vững vàng. Tân vương Charles III chắc chắn hiểu rõ điều này.
Không có hệ thống nào tỏ ra hiệu quả như một bức tường thành chống lại chế độ chuyên chế. Hoa Kỳ có các giải pháp – phân chia quyền lực giữa các nhánh tư pháp, lập pháp và hành pháp, nhưng có lẽ là không đủ.
Mỗi quốc gia đều cần một người gánh vác gánh nặng biểu tượng của nhà nước. Nếu người đó không phải là quân chủ, được thiết lập rõ ràng để quản lý vai trò đó, trách nhiệm, và sự cám dỗ, có xu hướng rơi vào người đứng đầu nhà nước, người đứng đầu cơ quan hành pháp. Tại sao đó lại là một vấn đề? Chẳng hạn, trong chế độ Tổng thống, với quyền lực tập trung quá nhiều vào Tổng thống, rất có nguy cơ trở thành độc tài.
Hệ thống quân chủ thực hiện một mục đích tâm lý/tinh thần và xã hội quan trọng. Nó cũng có tiện ích thực tế to lớn, về mặt văn hóa – và kinh tế. Ai có thể phủ nhận sức hút to lớn của các truyền thống của Vương quốc Anh, ví dụ, đối với thương mại, du lịch?
Và cuối cùng, ý thức về lịch sử, sự trường tồn, về truyền thống phát triển, về sự phục vụ và cống hiến, là một phần của điều gì đó vĩ đại hơn, đó là lý do tại sao hơn quá nửa người dân Anh vẫn tiếp tục ủng hộ và tôn trọng chế độ quân chủ của họ.
Còn nếu một ngày nào đó đa số người Anh cảm thấy chế độ quân chủ không còn có ích lợi gì nữa, thì họ cũng sẽ nhẹ nhàng dứt bỏ thôi.
Song Chi