Có thể nói, Mỹ đã rảnh tay hơn trong vai trò “sen đầm” quốc tế của mình, khi hai cựu đế quốc từng gây chiến trong thế chiến II là Đức và Nhật đang tích cực hợp tác với Mỹ ngăn cản hai tân đế quốc đang gây chiến và đe dọa gây chiến trên hai châu lục Á - Âu là Nga và TC (Trung Cộng).
Tân thủ tướng Đức có vẻ đang lúng túng trong việc đối phó với cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Bởi không chỉ thủ tướng tiền nhiệm Merkel có những chính sách thân thiện và phụ thuộc vào kinh tế Nga, nổi bật là để Đức và EU lệ thuộc quá nhiều vào năng lượng hoá thạch của Nga (than đá, dầu thô và khí đốt)… Mà ngay cả thủ tướng tiền nhiệm của cựu thủ tướng Merkel, là thủ tướng thuộc đảng của thủ tướng đương nhiệm, cũng rất thân thiện với bạo chúa Putin. Đó là lý do khiến tân thủ tướng Đức gặp không ít lúng túng, vì không thể trừng phạt triệt để Nga, hàng ngày Đức và EU phải trả hàng trăm triệu Euro tiền mua khí đốt cho Putin để Putin có tiền chi trả chiến phí tàn phá và giết chóc nhân dân Ukraina.
Công bằng mà nói, tân thủ tướng Đức đã tỏ rõ là nước đầu tàu EU, phối hợp tích cực với Mỹ, EU và NATO trừng phạt mạnh mẽ Nga, giúp đỡ tích cực cho Ukraina vệ quốc. Song rất tiếc vì chính sách thân Nga của các chính phủ tiền nhiệm đã khiến tân thủ tướng Đức bị kẹt… không thể trừng phạt triệt để năng lượng Nga ngay lập tức như mong muốn, mà phải chờ thêm thời gian…
Thì ở Đông Bắc Á, Tân thủ tướng Nhật có vẻ thông thoáng hơn trong chính sách kềm chế TC xâm lăng đảo Shenkaku, quốc đảo Đài Loan hoặc Biển Đông, vì các thủ tướng tiền nhiệm đã xây dựng chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và rộng mở trên cái sườn QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) rất minh bạch cho tân thủ tướng Nhật tiếp nối.
Bởi cuối năm ngoái, các chuyên gia tin rằng TC sẽ tấn công Đài Loan sau thế vận hội mùa Đông, nên QUAD có lý do để phòng bị bất chấp sau đó là cuộc tấn công xâm lược Ukraina của Nga.
Hiện tại tổng thống Mỹ đang thăm Hàn, Nhật, khởi động khung kinh tế Ấn Độ Thái Bình Dương (IPEF) nhằm tăng kết nối kinh tế trong khu vực để kềm chế TC. Tổng thống Mỹ xác nhận lại việc bảo vệ Đài Loan, trong khi thủ tướng Nhật tuyên bố phản đối việc dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông…
Nói tóm lại, nhờ hai cựu đế quốc kèm chặt hai tân đế quốc nên Mỹ nhẹ nhàng hơn trong công việc “sen đầm” quốc tế của mình, vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ ngày càng có sức nặng và tích cực hơn./.