Chuyến đi thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rõ ràng là một sự kiện rất quan trọng. Nhiều nhà bình luận chính trị đã thảo luận về ý nghĩa của sự kiện và các diễn biến, hậu quả có thể tiếp theo.
Nói chung có hai khuynh hướng suy đoán:
1) Chuyến đi “sẽ đặt nền tảng cho những biến chuyển sâu rộng sẽ diễn ra ở Việt Nam trong nhiều năm tới” (Alexander L. Vuving, BBC, đăng ngày 06-07-2015). Việt Nam sẽ nghiêng về phương Tây hơn, độc lập với Trung Quốc hơn và do đó có thể có những thay đổi có ý nghĩa về chính trị quốc gia.
2) Việt Nam cũng vẫn sẽ là đồng minh chí cốt với Trung Quốc, với nền chính trị quốc gia không có các thay đổi đáng kể.
Người viết bài này có một cái nhìn vấn đề từ góc độ truyền thống lịch sử của Việt Nam, và từ đó mà nghiêng về suy đoán rằng Việt Nam sẽ có những thay đổi rõ rệt và chủ động có ý nghĩ về chính trị quốc gia theo hướng dân chủ hóa xã hội.
Xin được trình bày để thảo luận.
PHẦN 1: VAI TRÒ CỦA QUAN HỆ VIỆT-TRUNG TRÊN LỊCH SỬ VIỆT NAM CẬN ĐẠI
Tinh Thần Chống Ngoại Xâm Mạnh Mẽ của Người Việt:
Việt Nam có truyền thống bốn ngàn năm lịch sử chống ngoại xâm. Kể từ Thánh Gióng chống nhà Ân (mà tài liệu giáp cốt Trung Hoa còn ghi lại), sang Thục Phán chống Tần, rồi từ Hán cho tới Tống, Nguyên, Minh, Thanh, không đời nào Trung Hoa không xâm lăng Việt Nam. Do đó, lịch sử Việt Nam là bài học máu xương chống Trung Hoa xâm lược. Lịch sử và truyền thống đó tạo nên tính cách và tinh thần bảo vệ độc lập chống ngoại xâm rất mạnh mẽ của người Việt.
Pháp đến Việt Nam trễ (nửa sau thế kỉ XIX) và thiết lập nền đô hộ. Dù tính cách xâm lăng của Pháp khác với tính cách xâm lăng của các nhà Hán, Tấn, Đường xa xưa, và của nhà Minh gần đây hơn, thì Việt Nam cũng vẫn nằm dưới một nền đô hộ. Trong thời kỳ 1983-1954, Pháp phải đối phó với các cuộc kháng chiến liên tục và cuối cùng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất kết thúc sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam năm 1954 mà không đem lại hậu quả tốt đẹp nào cho cả hai dân tộc.
Phải chăng tinh thần chống ngoại xâm quá mạnh mẽ đã khiến người Việt chọn biện pháp chiến tranh chống Pháp mà bỏ qua các biện pháp chính trị, ngoại giao?
Sau năm 1954, cục diện chính trị thế giới thay đổi. Chế độ thực dân lỗi thời hoàn toàn chấm dứt. Sự đối đầu và cạnh tranh của hai khối Tự do và Cộng sản trên thế giới tạo cơ hội rất lớn cho cả hai miền Việt Nam phát triển.
Thay vì nắm được thời cuộc mới, tạo môi trường hòa bình cho hai Miền phát triển lâu bền, rồi sau đó tùy theo sự xoay vần của thế cuộc mà tìm cách thống nhất hai Miền trong tinh thần bình đẳng, chấp nhận và tương trợ nhau, Việt Nam lại phạm sai lầm ghê gớm: Miền Bắc dựa vào Trung Hoa tiến đánh Miền Nam. Trong gần hai mươi năm, Việt Nam đã tự mình tàn phá cuộc sống hòa bình và phát triển của chính Việt Nam!
Phải chăng tinh thần chống ngoại xâm quá mạnh mẽ, vốn là điểm mạnh giúp Việt Nam tồn tại trước Trung Hoa, tới lúc này đã khiến đất nước trệch đường rây (derail), đi theo con đường thiếu sáng suốt?
Nguyên Nhân Khiến Việt Nam Chưa Phát Triển Như Mong Muốn và Tiềm Năng Cho Phép
Sau những tổn hại khủng khiếp, hòa bình và thống nhất cũng đến với Việt Nam năm 1975. Tuy nhiên, tại sao sau 40 năm hòa bình dưới chế độ toàn trị của những người Cộng sản Việt Nam, đất nước và dân tộc được thế giới công nhận là rất giàu tiềm năng này vẫn không phát triển được như mong muốn và tiềm năng cho phép?
Người viết nghĩ rằng do 3 nguyên nhân quan trọng:
1) Công cuộc giành độc lập đã buộc Việt Nam vào chính thể Cộng sản, một chính thể độc tài và toàn trị. Chính thể này không thích hợp để phát triển con người, xã hội và đất nước trong hòa bình và trong thời đại kinh tế tri thức hiện nay. Nguyên nhân này đã có quá nhiều bài viết đề cập tới.
2) Cuộc chiến giành độc lập quá khốc liệt đã tàn phá tài nguyên, sinh mệnh của người Việt. Nó cũng tàn phá đạo đức, làm suy đồi phong hóa và đảo lộn các giá trị sống truyền thống và tốt đẹp của dân tộc, làm đứt mạch phát triển lâu dài…
3) Song song với cuộc chiến và sau đó, Trung Hoa Cộng sản, sau khi chiếm toàn bộ đại lục từ cuối những năm 1940, bắt đầu tiến hành các hoạt động ngăn cản sự phát triển và làm suy yếu Việt Nam, và vào giữa thập niên 1970 bắt đầu xâm chiếm Việt Nam. Trung Quốc là nước chống lưng chủ chốt cho Việt Nam trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1960-1975) rất tổn hại cho đất nước.
Càng về sau, áp lực của Trung Quốc càng mạnh và tai hại. Sau hòa bình năm 1975, Việt nam bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cũng vì đó. Cuộc chiến biên giới Tây Nam (do Trung Quốc giật dây Khmer đỏ khơi mào) và biên giới phía Bắc (do Trung Quốc tấn công), việc Việt Nam vào WTO quá muộn màng… là các thí dụ rõ nét.
Trong ba nguyên nhân trên, nguyên nhân thứ ba lại nhập về với dòng chảy lịch sử dân tộc từ ngàn xưa và chưa bao giờ bị đứt đoạn: Trung Quốc là người láng giềng có dã tâm truyền kiếp xâm lấn và nô thuộc Việt Nam.
PHẦN 2: CÁC BÀI HỌC ĐẮT GIÁ CỦA VIỆT NAM
Các Bài Học Chính Từ Năm 1954 Tới Nay
Có rất nhiều bài học, trong đó người viết nghĩ rằng ít nhất năm bài học dưới đây rất có ích lợi cho Việt Nam trong việc kiến tạo tương lai:
1) Bài học thứ nhất: Việt Nam đã sai lầm khi, do bị Pháp đô hộ 80 năm, quá chú ý tới phương Tây mà quên đi nguy cơ truyền thống to lớn và cận kề hơn rất nhiều. Sai lầm đó khiến Việt Nam đã quên rằng Trung Quốc là người láng giềng có dã tâm truyền kiếp xâm lấn và nô dịch Việt Nam. Chính giới cầm quyền Việt Nam, những người ủng hộ việc nương nhờ vào Trung Quốc, cũng đã từng nhắc nhở nhau về các bài học này:
a) Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam giàu mạnh và thống nhất
b) Trung Quốc âm mưu đẩy Việt Nam vào nội chiến để đưa nguy cơ chiến tranh ra xa biên giới Trung Quốc
c) Khi Việt Nam suy kiệt và Trung Quốc hùng mạnh, họ sẵn sàng lấn chiếm đất đai và khống chế giới lãnh đạo Việt Nam.
2) Bài học thứ hai: Chiến tranh, dù vì mục tiêu gì, cũng gây tàn phá, hận thù, chia rẽ, cực đoan, mù quáng… Do đó dù thành công và đạt được mục đích bằng phương pháp bạo lực thì cái hại chung cuộc cũng lớn hơn cái lợi rất nhiều.
3) Bài học thứ ba: Chế độ độc tài toàn trị ngày càng bất lực trong việc giải quyết các tệ nạn xã hội như tham nhũng, lợi ích nhóm; bất lực trước trách nhiệm xây dựng các giá trị sống tốt đẹp như bình đẳng, tôn trọng con người, trung thực…; và tổ chức xã hội xã hội văn minh, hữu hiệu. Chế độ độc tài toàn trị cũng không thể có sự ủng hộ và đoàn kết của toàn dân để bảo vệ nền tự chủ quốc gia.
4) Bài học thứ tư: Ý thức hệ, chủ nghĩa xã hội, chỉ là phương tiện phục vụ quyền lợi dân tộc (đối ngoại) hay quyền lợi phe nhóm (đối nội). Hội nghị Thành Đô là đỉnh cao của nhiều bài học cay đắng của Việt Nam trước Trung Quốc từ năm 1949 tới nay do quá bám vào ý thức hệ Cộng sản.
5) Bài học thứ năm: Liên minh với Mỹ, Nhật Bản, phương Tây… là các liên minh đem lại lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam hùng mạnh phù hợp với lợi ích và mong muốn các nước này. Liên minh với Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ không lường. Bài học này được rút ra từ thực tế chính trị lẫn thực tế kinh doanh.
Năm bài học nói trên không chỉ lan truyền trong dân chúng, mà cả trong các đảng viên. Không chỉ đảng viên thường, cả một số ủy viên trung ương. Người viết tin rằng, cho dù vẫn còn bám vào chính thể độc đảng và toàn trị, vẫn còn tuyên truyền về mức độ thấp của dân trí để trì hoãn thực hiện dân chủ hóa đất nước, nhà cầm quyền đang cảm nhận được ảnh hưởng và áp lực của quần chúng ngày càng mạnh mẽ hơn từ mức độ ý thức của dân chúng về các bài học đã rút ra được trong thời gian qua. Mức độ ý thức đó, được truyền bá bởi tác dụng của công nghệ thông tin, tạo nên ý kiến công chúng (public opinion), và từ đó tạo nên các đòi hỏi công chúng. Các đòi hỏi này, nếu không được đáp ứng sẽ khơi mào cho các hành động công chúng, một khi vượt quá tầm kiểm soát, có thể gây hậu quả không lường.
Lòng Dân Việt Nam Muốn Gì? Quan Niệm Công Chúng Ra Sao?
Nước Việt Nam không có trưng cầu dân ý, không có báo chí tư nhân, không có tự do ngôn luận, dân chúng không có quyền biểu đạt ý kiến ra công cộng thông qua các hoạt động như hội họp đông người, biểu tình… cho nên khó mà có câu trả lời một cách có căn cứ cho các câu hỏi trên.
Tuy nhiên, không có các biện pháp thăm dò dư luận công khai và khoa học, người ta vẫn có cách trả lời về các vấn đề được quan tâm rộng rãi. Bằng cách la cà trong các giới người Việt, cả trong nước lẫn ngoài nước, cả trong giới làm việc trí óc lẫn làm việc chân tay, người viết xin báo lại như sau:
1) Chống Trung Quốc xâm lược là chủ đề hàng đầu. Các yêu cầu chính trong chủ đề này có:
a) Không để đất nước lệ thuộc vào Trung Quốc và, nếu thời cơ tới, phải đòi lại các đảo và lãnh thổ bị mất.
b) Bạch hóa hội nghị Thành Đô
c) Liên minh với Mỹ, Nhật… để tự vệ
d) Tự chủ về kinh tế với Trung Quốc (tham gia TPP là một cột mốc quan trọng)
2) Rời bỏ chủ nghĩa Cộng Sản và chính thể toàn trị là chủ đề được quan tâm thứ hai. Các yêu cầu chính trong chủ đề này có:
a) Thực hiện đa nguyên, đa đảng
b) Tổ chức đất nước theo chính thể cộng hòa, tam quyền phân lập
3) Đòi các quyền tự do căn bản của dân chúng. Các yêu cầu chính trong chủ đề này có:
a) Tự do ngôn luận, tự do lập hội, lập đảng, tự do ứng cử, bầu cử…
b) Thả tù nhân chính trị
3) Liên minh với Mỹ, Nhật Bản và các nước phương Tây. Các yêu cầu chính trong chủ đề này có:
a) Thiết lập đối tác chiến lược với Mỹ
b) Gia nhập TPP
Trong tinh thần cầu thị và mong muốn tiếp cận sự thật tốt nhất, người viết kính xin quí độc giả có sự quan tâm kiểm chứng giùm.
PHẦN 3: THẾ GIỚI VỚI VIỆT NAM
Biến Thiên Của Quan Hệ Mỹ-Trung-Việt Từ Năm 1973 Tới Nay
Cuối năm 1973 Hạm đội 7 Mỹ đứng yên nhìn Trung Quốc tiến chiếm một số đảo Hoàng Sa của đồng minh Việt Nam Cộng Hòa (Miền Nam). Lúc đó, Mỹ đã chuyển chiến lược ngăn làn sóng đỏ, từ hỗ trợ Miền Nam bảo vệ chế độ Tự do sang bắt tay với Trung Quốc chống Liên Xô.
Năm 1977, Mỹ muốn bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam thống nhất, nhưng thương thuyết không thành. Lúc đó Việt Nam đang buộc chặt mình với Liên Xô, tỏ thái độ thù địch với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Năm 1988, Trung Quốc chiếm thêm một số đảo của Việt Nam. Mỹ bắt đầu cảnh giác. Tuy nhiên hai năm sau đó, khi hệ thống Cộng sản sụp đổ trên toàn bộ Đông Âu, Việt Nam lại càng tỏ thái độ thù địch hơn với Mỹ và thắt chặt liên kết với Trung Quốc, bất chấp việc nước này đang lấn chiếm lãnh thổ của mình.
Trong khi tự tin hơn về sức mạnh kinh tế, Trung Quốc càng tỏ thái độ thách thức và sẵn sàng đối đầu trên Biển Đông. Các thách thức được thể hiện rõ rệt đối với Philipines, Việt Nam cùng một số nước trong ASEAN, đối với cả Nhật Bản và Mỹ, tới mức độ có nguy cơ va chạm trên biển và trên không. Cùng với mức độ bồi đắp biến bãi chìm thành đảo nổi, Trung Quốc càng gia tăng mức độ thô bạo và ngang ngược của hành vi bạo lực, chà đạp lên luật pháp và chuẩn mực ứng xử quốc tế, nhằm xác định chủ quyền mà họ tuyên bố không ai có thể tranh cãi.
Cách thể hiện quyết tâm độc quyền kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc đã vượt quá mức chấp nhận của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc…, các nước có quyền lợi trong việc giữ con đường vận chuyển Biển Đông không thuộc về một quốc gia riêng nào. Cộng hưởng với thái độ hung hăng trong tranh chấp đảo với Nhật Bản, các hành vi này của Trung Quốc đã đẩy các cường quốc còn lại liên minh chặt chẽ hơn với Mỹ và ủng hộ chính sách xoay trục của siêu cường này sang châu Á. Các nước ASEAN cũng bày tỏ ủng hộ.
Việt Nam, nước có nhiều đảo bị Trung Quốc lấn chiếm, cần sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông để ngăn cản Trung Quốc. Mỹ thì thấy vị trí địa chính trị và địa quân sự của Việt Nam mang lại lợi ích quan trọng cho chính sách xoay trục sang châu Á của họ, trong đó Biển Đông là một điểm chiến lược. Vậy là, trong vòng 4 năm trở lại đây, quan hệ Mỹ-Việt phát triển nhanh chóng làm ngạc nhiên nhiều nhà quan sát.
Quyền Lợi Của Việt Nam Trong Mâu Thuẫn Mỹ-Trung Trên Biển Đông?
Mâu thuẫn Mỹ-Trung, bất chấp mức độ hợp tác to lớn giữa hai bên, đang ngày càng sâu sắc trên nhiều khía cạnh và trên nhiều khu vực địa lí. Bài viết này chỉ đề cập tới Biển Đông, khu vực địa lí mà Việt Nam nằm trấn ở rìa Tây trải dài hơn hai ngàn cây số với nhiều hải đảo.
Mâu thuẫn Mỹ-Trung thực chất là mâu thuẫn của các quốc gia tìm thấy ích lợi trong việc giữ con đường vận chuyển Biển Đông được quốc tế hóa (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu…) với Trung Quốc, nước muốn độc quyền khống chế Biển Đông.
Mỹ và các nước này thực tâm muốn góp sức cùng nhân dân Việt Nam xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và văn minh, góp phần giữ tuyến hàng hải Biển Đông quốc tế hóa. Điều này phù hợp với lợi ích của họ. Để có một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, một nền quốc phòng mạnh mẽ hơn, Việt Nam cần có một xã hội cởi mở, dân chủ, và đa chiều về tư tưởng hơn, trong đó người dân có những quyền tự do căn bản, nghĩa là một xã hội ngày càng khai phóng, có cách tổ chức phù hợp hơn với đa số các nước văn minh. Điều này rõ ràng phù hợp với lợi ích phát triển lâu dài, bền vững của Việt Nam.
Dân chúng Việt Nam, dù còn sống dưới thể chế độc tài và toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam, ý thức được điều này. Số đông các đảng viên cũng ý thức và nghiêng về ủng hộ khuynh hướng dân chủ hóa đất nước. Áp lực của dân chúng và đảng viên ủng hộ khuynh hướng dân chủ hóa đang ngày càng tăng trên bộ máy lãnh đạo trung ương của đảng. Hơn nữa, thế lực chống lưng cho đảng CSVN thống trị đất nước là đảng Cộng Sản Trung Quốc, thế lực này ngày càng hống hách và lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam. Sự lấn chiếm đầy tính bành trướng bá quyền này đã đẩy lòng phẫn uất của dân chúng Việt Nam lên cao ngất, và đẩy đảng CSVN vào thế rất nguy hiểm. Nếu đảng CSVN còn tôn sùng Trung Quốc như người thầy, người anh của “16 chữ vàng” và “4 tốt” thì đảng đã công khai chống lại tuyệt đại đa số nhân dân Việt Nam và đi ngược lại truyền thống của ngàn năm sử Việt.
Người viết tin rằng ban lãnh đạo trung ương đảng CSVN không dám gánh vác một trách nhiệm quá nặng như thế. Các bước đi của đảng hiện nay cho thấy đảng đang cố gắng trì hoãn việc dân chủ hóa để kéo dài thời gian thống trị, chứ không phải sống chết ngăn cản dân chủ hóa. Bởi vì đảng CSVN biết rằng họ không thể ngăn nổi bánh xe lịch sử tiến lên, và lịch sử tồn tại của đảng CSVN từng cho thấy tính thực dụng của đảng không thấp chút nào.
KẾT LUẬN
Việc nghiêng trục ngoại giao về phương Tây trong khi vẫn giữ cân bằng thích hợp với Trung Quốc mang tới các lợi ích cho cả sự phát triển của tổ quốc Việt Nam nói chung và cho sự tiếp tục cầm quyền của đảng CSVN. “Cân bằng thích hợp” với Trung Quốc có nghĩa hợp tác đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc và không bao hàm Việt Nam phải tự giam trong vòng chính thể độc tài Cộng sản. Đó là lí do khiến người viết tin rằng chính sách ngoại giao của Việt Nam sẽ nghiêng hơn về Mỹ và phương Tây nói chung sau chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tất nhiên, để chuẩn bị cho việc “chuyển trục” đó, sẽ có các động thái phù hợp tiến về hướng dân chủ hóa, về hướng thực thi nhân quyền... Và theo đà nghiêng của trục ngoại giao thì các động thái này ngày càng được khẳng định và thúc đẩy nhanh hơn. Trong một chế độ độc tài, một bước tiến về dân chủ là một bước khó có thể lùi lại. Sự tích tụ của nhiều bước như vậy sẽ có tác dụng chuyển đổi cả xã hội theo qui luật “lượng biến thành chất”. Lúc đó, đảng CSVN cũng đồng thuận và đồng ý với chuyển đổi này vì nói cho cùng nó cũng mang lại lợi ích cho từng cá nhân trong đảng. Đó là các biến chuyển của xã hội Việt Nam mà người viết nhìn thấy trong những năm tới.
Sự biến chuyển này là cả một quá trình. Độ lớn của góc nghiêng và vận tốc nghiêng tùy vào khả năng thực thi của nhà cầm quyền Việt Nam để tối đa hóa lợi ích của đảng và của đất nước, và tối thiểu hóa rủi ro do phản ứng của Trung Quốc và/hay của dân chúng trong nước.
Phải chăng đó là nguyên nhân khiến các tuyên bố sau chuyến đi, dù đẹp đẽ, có nhiều phần về nguyên tắc, về thành ý, về hi vọng cho tương lai, mà ít phần về các việc cụ thể cần triển khai, và do đó khiến một số nhà quan sát nhận định rằng chuyến đi “đã không đem lại thành quả cụ thể nào trên thực tế”? (Thiện Ý, VOA Tiếng Việt, ngày 15/7/2015)
Theo voatiengviet.com
Trần Phan
Trần Phan từng làm việc tại Việt Nam, châu Âu và châu Mỹ. Trước đây làm việc nhiều năm tại Procter & Gamble (Mỹ), Hoffman La Roche (Thụy Sĩ) ở vị trí quản lý. Hiện đã nghỉ làm việc cho các công ty đó.