Phạm Nhật Bình – Web Việt Tân|
Những diễn biến gần đây trên Biển Đông cho thấy, chẳng những Trung Quốc không từ bỏ tham vọng làm bá chủ vùng biển tranh chấp này mà còn tỏ ra hung hăng hơn, bất chấp pháp luật quốc tế.
Đâm chìm tàu cá Việt Nam, cấm đánh cá 3 tháng, đưa tàu hải cảnh võ trang hộ tống tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 xâm nhập vùng biển chủ quyền Việt Nam, đe doạ tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Những hành động này của Bắc Kinh không phải là “trỗi dậy trong hoà bình” mà thực chất là bành trướng thế lực trong âm mưu chiếm trọn Biển Đông, tiến tới hất chân Mỹ khỏi vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên lần này, Bắc Binh đã vấp phải phản ứng cứng rắn của Hoa Kỳ đồng thời từ những quốc gia trong vùng. Lần lượt từ Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam đồng thanh lên tiếng qua Công Hàm gửi Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi pháp và vô căn cứ của Trung Quốc trong phạm vi đường 9 đoạn.
Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên vào ngày 2 tháng Sáu, 2020, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, trong tư cách nước có quyền lợi hàng hải trên Biển Đông đã chính thức gởi công hàm phản đối Trung Quốc. Công hàm có đoạn viết: “Hôm nay, Hoa Kỳ phản đối các tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc… Chúng tôi bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền không hợp pháp và nguy hiểm đó.”
Mặc dù là quốc gia không có diện tích nào chiếm hữu ở Biển Đông, sự lên tiếng kịp thời của Hoa Kỳ cho thấy lập trường của Hoa Thịnh Đốn là đồng nhất với lập trường của 4 nước trong vùng đang bị “buộc phải tranh chấp” với kẻ xâm lược là Trung Cộng. Có thể nói với thái độ minh bạch và cứng rắn của Hoa Kỳ, kể từ nay Trung Quốc không còn có thể ngang nhiên đe doạ các nước trong vùng bằng ngoại giao pháo hạm.
Đây cũng là tín hiệu cho Trung Quốc thấy Hoa Kỳ luôn luôn quan tâm thái độ, hành động của Trung Quốc ở nơi mà trước đây Hoa Kỳ đã hiện diện để bảo vệ hoà bình thế giới. Đồng thời Hoa Kỳ cũng không muốn quyền lợi an ninh và hàng hải của mình và các quốc gia đồng minh thiết thân vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan bị đặt dưới sự khống chế của 7 căn cứ hoả lực mà Trung Quốc bồi đắp từ vài năm qua.
Gần sáu tháng sau trận chiến công hàm bùng nổ giữa Philippines, Malaysia và Việt Nam với Trung Quốc, ngày 26 tháng Năm, 2020 Indonesia cũng gởi một công hàm cho ông tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, minh định lập trường của Djakarta về Biển Đông. Là một bên không có tranh chấp, nhưng Indonesia tuyên bố bác bỏ yêu sách “chủ quyền lịch sử” của đường lưỡi bò của Trung Quốc và yêu cầu phán quyết của Toà Án Trọng Tài năm 2016 về chủ quyền của Philippines phải được tôn trọng.
Cuối cùng công hàm phản đối Trung Quốc ngày 2 tháng Sáu, 2020 của Hoa Kỳ rõ ràng là một hành động phối hợp giữa 5 quốc gia để gia tăng sức ép lên đòi hỏi ngang ngược của Bắc Kinh. Trong bối cảnh Biển Đông xuất hiện tình hình bất lợi cho Trung Quốc, sự kiện này mang 3 ý nghĩa:
Thứ nhất, Hoa Kỳ đang chứng tỏ cho thế giới thấy quyết tâm của mình là sẵn sàng hậu thuẫn cho các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc để sẵn sàng đối đầu. 4 quốc gia đã lần lượt gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc cũng cho thấy giờ đây họ từ bỏ lập trường lâu nay, chỉ phản ứng chừng mực để đủ bảo vệ quyền lợi kinh tế. Sự lên tiếng của Hoa Kỳ là chỗ dựa cho các nước nhỏ, củng cố lòng tin vào Hoa Kỳ để ít ra không còn bị Trung Quốc bắt nạt một cách phi lý.
Thứ hai, Hoa Kỳ cho thấy thế trận đối phó với Bắc Kinh bày ra trong thời gian tới. Trên bàn cờ Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ đánh hai mặt trận trên biển, một mặt quân sự và một mặt luật pháp quốc tế. Về quân sự, khi so sánh lực lượng và những bài học tác chiến trên Thái Bình Dương giữa Mỹ và Nhật Bản trong thế chiến II, Trung Quốc tự hiểu chưa phải là đối thủ. Vì vậy thời gian trước mắt, Bắc Kinh chỉ có khả năng tiếp tục đe nẹt các nước láng giềng bằng lợi thế hải lực nước lớn, đồng thời chuẩn bị đối phó với những vụ kiện có thể xảy ra.
Gần đây, Tổng Thống Philippines Duterte đảo ngược lập trường, tuyên bố tiếp tục duy trì liên minh quân sự với Mỹ, điều mà trước đây ông đe doạ sẽ bãi bỏ. Sự kiện này cũng chứng tỏ Hoa Kỳ tạo được thế liên kết cần thiết, đang cùng 4 quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc bằng hai mặt trận nói trên.
Thứ ba, rõ ràng Hoa Kỳ đã ra mặt bảo trợ cho Việt Nam để Việt Nam mạnh mẽ kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế sau trận chiến công hàm này. Nếu Việt Nam không mạnh dạn từ bỏ “chiến lược 4 không” lỗi thời, sẽ khó được ai tin tưởng là quốc gia thật sự muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền hơn những lời nói “không” sáo rỗng của giới tướng lãnh.
Nhất là trong thời gian gần đây các nguồn tin khả tín cho biết Trung Quốc đã sẵn sàng tuyên bố thiết lập vùng nhận diện phòng không ở Biển Đông (ADIZ – Air Defense Identification Zone), hoặc ngay trong năm 2020 hoặc trong năm sau. Nếu điều này diễn ra, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia và Việt Nam là quốc gia chịu sự khống chế trên vùng trời chủ quyền nhiều nhất.
Từ ba ý nghĩa này cho thấy, thật sự Hoa Kỳ đang muốn lôi kéo và khuyến khích Việt Nam bước vào mặt trận pháp lý và khởi kiện Trung Quốc. Vấn đề còn lại là CSVN có dám đứng thẳng lưng lên làm người, bảo vệ lãnh hải của mình hay không?
Phạm Nhật Bình
XEM THÊM:
- Cần phải kiện Trung Quốc trước Toà Án Trọng Tài Liên Hiệp Quốc
- Tóm lược Phán Quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực về vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc