ảnh tài xế xe container Lê Ngọc Hoàng
Như vậy là họ - Tòa án Thái Nguyên - đã giữ nguyên bản án sơ thẩm với anh tài xế xe container tội nghiệp Lê Ngọc Hoàng (trong vụ án xe container đâm vào ô tô innova đi lùi trên cao tốc). Qua vụ việc này một lần nữa khiến cho nhận định ngành tòa án nói riêng và hệ thống chính trị nói chung của Việt Nam không bao giờ nhận sai trước nhân dân (trừ phi các vụ án oan do hung thủ tự lộ diện), là có cơ sở. Cải cách ruộng đất giết hàng trăm ngàn người tại miền Bắc bị ém nhẹm, đến giờ gia đình con cháu bà Nguyễn Thị Năm - một người có ơn với cách mạng - vẫn phải đi kêu oan, đòi phục hồi nhân phẩm cho mẹ mình nhưng vẫn bị ngó lơ dù trước đó, ông chủ tịch Hồ Chí Minh đã thừa nhận có những địa chủ vô tội bị chết một cách oan ức. Thời bao cấp, đảng đưa nhân dân cả nước vào giai đoạn đói khổ bằng chính sách ngăn sông cấm chợ sai lầm nhưng không thừa nhận mà về sau lại tự ca ngợi mình có công "đổi mới" (thực chất là cho mọi việc trở lại gần giống như những gì vốn có). Thời nay, bộ máy Nhà nước và đảng là một, tạo ra hàng trăm, hàng ngàn đảng viên tham nhũng, lẽ ra phải biết tự xấu hổ nhưng lại một lần nữa nó được nâng tầm, ca tụng thành công cuộc "đốt lò" vĩ đại. Tất cả những điều đó là minh chứng: Họ - những con người không hề biết lỗi...
Trở lại câu chuyện của anh tài xế container, những lập luận chặt chẽ, viện dẫn cả những trường hợp tương tự đã xảy ra ở nước ngoài của giới luật sư, của dư luận trong và ngoài nước một lần nữa đều bị Tòa án tỉnh Thái Nguyên bỏ ngoài tai. Tôi sẽ không nêu lại những điều buộc tội vô lý của Tòa án nữa, vì từ khi ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án tối cao - phát biểu tại phiên họp ngày 13/08/2015 tại hội trường Quốc hội rằng khi đã bắt giam rồi “nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ, nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp” thì tôi đã hiểu bản chất của Tòa án thực ra chỉ là hợp thức hóa bản án đã được định sẵn dưới gầm bàn - mọi công dân ra trước tòa đều được mặc định là có tội. Tôi cũng không đi sâu vào giả thuyết có hay không những chiếc phong bì, những sức ép từ quyền uy giấu mặt của chủ nhân chiếc innova. Tôi nói thẳng, với cơ chế hiện nay, rất khó để các Tòa án thừa nhận mình sai một khi đã tuyên án (nhất là các án hình sự).
Như đã biết, với một nền Tư pháp độc lập thì, các thẩm phán, chánh án như một ngành nghề riêng biệt. Họ chỉ tuân theo luật và Hiến pháp để làm việc. Lực lượng chấp pháp như Cảnh sát có nhiệm vụ hỗ trợ cho Tòa án và chịu sự chỉ đạo từ Tòa án, không có chuyện công an, cảnh sát làm án rồi bắt Tòa án phải tuyên theo cáo trạng. Sự thăng tiến của các thẩm phán trong ngành nghề của họ không gắn liền với các chức danh Nhà nước, vì thế thẩm phán không chịu bất kì sức ép nào khi đưa ra phán quyết. Tất nhiên những oan sai chắc chắn sẽ có trong bất kì một hệ thống pháp luật của bất quốc gia nào, nhưng như đã phân tích, với nền Tư pháp độc lập thì nó là sai lầm từ cá nhân chứ không đến từ sức ép chính trị như tại Việt Nam.
Tại Việt Nam, dù ở nhánh Hành pháp, Tư Pháp hay Lập Pháp thì đều có chung một mẹ là Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nói nôm na là anh em trong nhà thì phải nể mặt nhau. Con đường quan lộ của các quan chức cũng khá ư là phức tạp, từ hành pháp nhảy qua tư pháp rồi lập pháp búa lua xua bất kể chuyên môn, chuyên ngành như ông Nguyễn Hòa Bình (thiếu tướng Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, Bí thư Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội) hay một nữ thẩm phán nào mới đây mà tôi quên tên đã nhảy tọt vào chức chủ tịch huyện, hoặc như trong vụ án Hồ Duy Hải, một ông cựu trưởng CA trước đây lại đường hoàng biến thành luật sư khi nghỉ hưu và được Tòa Long An chỉ định bào chữa cho Hải (thực chất là hỗ trợ ngành Tư pháp Long An kết tội Hải chặt chẽ hơn), v.v. tất cả điều đó thể hiện rằng việc điều tra án, làm án từ công an cho đến Tòa án không chỉ là phục vụ pháp luật mà là còn chạy theo thành tích, sự thăng tiến chức vụ trong bản lý lịch sự nghiệp của mình. Một bản án sai được minh oan không chỉ đơn giản làm mất uy tín, đền tiền mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đường quan lộ từ cán bộ điều tra cho đến cán bộ tòa án, sẽ không được quy hoạch, cơ cấu vào các chức vụ cao hơn trong Đảng (vốn ghế ít, đít thì nhiều). Vì vậy, tôi cho rằng, ngay cả khi không vì các động cơ nể mặt hay nhận phong bì, cho dù Tòa tối cao có bãi miễn, yêu cầu xử lại thì các Tòa cấp sơ thẩm vẫn sẽ một mực giữ nguyên quan điểm kết tội anh Lê Ngọc Hoàng, trừ phi những nạn nhân (cũng vừa là thủ phạm) trong chiếc xe Innova đột nhiên sống lại và nhận lỗi về mình!
Bà Lê Thị Thu Ba - phó trưởng ban Cải cách tư pháp Trung ương, trong một phát biểu đã thừa nhận rằng: "thậm chí khi lỡ bắt rồi thì phải xử một tội nào đó, tuyên một hình phạt nào đó cho tương xứng". Thực tế, có rất nhiều vụ CA bắt sai người, tạm giam kéo dài. Đến khi ra tòa vẫn không chứng minh được bị cáo phạm tội, đành kết một tội nào đấy vừa đủ với thời gian giam giữ rồi phóng thích tại Tòa, nạn nhân vì sợ rắc rối nên cũng nhắm mắt chấp nhận để được tự do. Về nguyên tắc, Hiến pháp nước ta quy định "không ai bị coi là tội phạm khi chưa có bản án từ Tòa án". Thế thì việc cơ quan điều tra bắt giam người trong một thời gian dài khi chưa chứng minh được họ phạm tội là vi phạm Hiến pháp một cách trầm trọng. Những bộ phim Hong Kong ba mươi năm trước cho ta thấy cách xử lý của các cơ quan chấp pháp dân chủ, khi tình nghi một người phạm tội, họ sẽ câu lưu để điều tra, tuy nhiên người đó có quyền có luật sư bảo lãnh tại ngoại khi đóng đủ số tiền thế chân kèm chấp hành quy định cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian điều tra còn hiệu lực. Hoặc mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra Hoa Kỳ cũng đã làm tương tự với công chúa của tập đoàn công nghệ Huawei. Điều này tránh tình trạng công dân bị bức cung nhục hình và đảm bảo không bị mất thời gian bị giam giữ trong lao tù khi chưa có các chứng cứ buộc tội, nó cũng giúp cho cơ quan xét xử không phải bị áp lực kết oan sai và đền bù trong thời gian dài tạm giam giữ bị can, bị cáo. Có thể ta không thể so sánh với Hoa Kỳ nhưng chẳng lẽ với Hong Kong 30 năm trước, há lẽ vẫn không bằng??
Những vụ việc như Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước hay mới đây là Lê Ngọc Hoàng, xin hỏi ông Trọng, bà Ngân, ông Phúc có biết không? Bộ Chính trị biết không? Quốc hội biết không? Xin thưa: họ biết hết, biết rất rõ. Nhưng họ làm như không nghe, không thấy, không biết. Bởi họ biết, hệ thống chính trị của ta như cái điện thoại 8210 hay iphone 4, nâng cấp phiên bản mới thì sẽ...sập nguồn!