Những ngày cuối năm Kỷ Hợi tôi có nhiều niềm vui nhỏ. Lần đầu tiên chúng tôi thành ông bà. Sự nghiệp kỹ thuật của tôi cũng đạt những thành tích nhỏ vào tuổi gần 70.
Rồi tôi lại gặp lại Má tôi, được chăm sóc bà như một osin. Việc nhà không khó, nhưng vì „trái nghề“ nên tôi mất khá nhiều thời gian và chứng mất ngủ làm tôi không có tâm trí để kể về những niềm vui trên. Chúng chỉ âm ỷ trong lòng.
Những niềm vui nhỏ đó không át được nỗi buồn tê tái về những gì đang xảy ra ở mảnh đất này.
Tôi buồn không chỉ vì máu người Việt đã đổ ở Đồng Tâm.
Suốt 45 năm sau chiến tranh, máu người Việt vẫn đổ: Ở Biên giới Campuchia, Biên giới phía Bắc, ở Gạc Ma, trên BIển Đông, rồi ở Thủ thiêm, ở Ecopark Hưng Yên, Tiên Lãng... Nay là Đồng Tâm.
Người Việt vẫn chết trên những con đường vượt biên. Mỗi một cái chết, dù là của ai đều gây đau khổ, tang tóc.
Điều làm tôi buồn hơn cả là: 45 năm sau chiến tranh, chúng ta vẫn bị xua vào chỗ coi nhau là địch, vẫn bị kích động hằn thù.
Những người lính của lực lượng CSCĐ bắn vỡ đầu gối rồi bắn xuyên tim cụ Kình chắc cũng biết yêu thương, cũng có cuộc đời như tôi và bạn. Nhưng khí bắn vào một cụ già 84 tuổi như vậy, họ phải được giáo dục lòng căm thù cao độ. Họ đã coi đối tượng của cuộc hành quân đêm 9.1 nguy hiểm hơn bất cứ tên lính xâm lược Mỹ hay Trung Quốc nào. Thời chiến tranh, tôi cũng từng được giáo dục như vậy.
Tôi không một lời đàm tiếu về cái chết của các anh khi rơi xuống giếng trời, mặc dù cả vạn người cười chê sự vụng về của lực lượng đặc nhiệm Việt Nam khi tác chiến ngay trên quê nhà. Máu của các anh cũng là máu của đồng bào.
Một cô em họ mà tôi rất yêu quý nói với tôi rằng: Cuối cùng chính phủ cũng phải chấm dứt những nguy cơ bất ổn xã hội.
Tôi không giận em, chỉ nói để em rõ là: Nguyên nhân của bất ổn xã hội không nằm ở sự phản kháng của người nông dân mất đất, dù là họ muốn sử dụng bạo lực. Nguyên nhân của sự bất ổn nằm ở sự bất công trong chính sách, mà trầm trọng nhất là trong luật đất đai. Ở đâu có bất công, thì ở đó có phản kháng. Ở đâu có trấn áp thì ở đó sẽ sinh ra bạo lực.
Em có nghe tôi hay không thì không rõ, vì anh em chỉ gặp nhau mỗi năm một lần, còn em nghe VTV, VOV hàng ngày.
Cách đây 2 năm, thành tích của đội U23 đã làm nức lòng nhiều người Việt. Cuối cùng, chúng ta cũng có cái gì đó để cùng tự hào. Đọc những lời bình: „Bóng đá làm con người xích lại gần nhau..“, „Các em U23 đã làm cho chúng ta yêu thương nhau hơn…“, tôi đã kể những giấc mơ của tôi, trong đó có Đồng Tâm.
https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2043796408971755
Giấc mơ đó đã không thành. Nhưng cuộc đời mà không có những giấc mơ thì quả là vô vị.
Tôi đã chia sẻ bài viết của chi Sao Mai, vì liên hệ đến những gì tôi nghe từ họ hàng. Chị buồn và cảm thấy cô đơn vì con trai chị nói: Giết một người để bảo vệ yên lành cho cả xã hội là cần thiết.
Giá như vài năm trước, chị có thể im lặng nuốt nước mắt vì những ý nghĩ ghê sợ đó bị cài cắm vào đầu đứa con trai yêu quý. Nay chị chia sẻ nỗi đau trên FB và có gần ngàn người like bài biết của chị. 210 người đã chia sẻ bài viết. Số người đọc và âm thầm đau xót còn lớn hơn rất nhiều. Con trai chị chắc sẽ nghĩ lại.
Người như chị nay đang nhiều lên, vì vậy chị không còn cô độc.
https://www.facebook.com/sao.mai.56027281/posts/2642961615924769
Máu của cụ Kình đã không trở thành vô ích. Cái chết của cụ đã làm nhiều người nhìn ra chân lý:
Chỉ „Chống tham nhũng" không giải quyết được cái gốc của các vấn nạn đang đè chặt lên đất nước này. Cái gốc nằm ở một thể chế dân chủ, một nền pháp luật minh bạch, một hệ thống báo chí tự do và lành mạnh....
Cái gốc quan trọng còn là một xã hội nhân đạo, văn minh mà ở đó nông dân không trồng rau bẩn để làm giàu, doanh nghiệp không phá họai thiên nhiên để hốt bạc, tăng lữ không bán lòng tin để kiếm tiền, người cầm bút không viết láo để thăng tiến…
Đặc biệt không người Việt nào cổ vũ nhau giết người để mình sống yên lành.
Tôi vẫn mơ về ngày đó.
25.1.2020 - Ngày đầu năm Canh Tý.
*** Lời tựa đặt thêm.