Trấn áp Đồng Tâm

Phạm Nhật Bình - Việt Tân|
 
Tranh chấp đất ở xã Đồng Tâm kéo dài từ năm 2016 khi người dân không đồng ý việc chính quyền huyện Mỹ Đức, Hà Nội giao đất đang canh tác của họ cho Tập đoàn viễn thông Viettel của quân đội. Diện tích đất 59 ha này là đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, nằm trong 208 ha mà chính phủ thu hồi từ 1980 dùng cho mục đích an ninh quốc phòng.
 
Theo Luật Đất Đai 2013 quy định: “đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, nhà nước đại diện chủ sở hữu quản lý”. Quy định mập mờ này đã tạo ra không biết bao nhiêu bi kịch trên đất nước trong nhiều năm vừa qua. Điểm mập mờ này đã lấy đi không biết bao nhiêu máu, nước mắt và sinh mệnh của người dân ở chỗ nhà nước không công nhận quyền sở hữu đất đai, người dân chỉ có quyền sử dụng đất do nhà nước giao. Do đó “nhà nước” thông qua cán bộ các cấp, có quyền hạn rộng rãi thu hồi và giải toả đất đai tràn lan, làm bùng nổ tranh chấp đất đai càng ngày càng nhiều trên cả nước. Chính sự mập mờ này đã là kẽ hở để cho cán bộ tùy tiện giải thích và thu những món lợi rất lớn sau khi giải tỏa, trong khi người dân là thành phần chịu cảnh thiệt thòi nặng nề. Vì thế mà sau mỗi cuộc giải tỏa đất đai đều dẫn đến hệ quả sau cùng là đối đầu, không phải bằng pháp luật, vốn chưa bao giờ được nhà nước tôn trọng mà chỉ còn con đường trấn áp bạo lực.

Tại Đồng Tâm, cuộc tranh chấp đã bùng nổ lớn ngày 15 Tháng Tư, 2017, khi người dân bắt giữ 38 Cảnh sát cơ động làm con tin. Sau khi Chủ Tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhượng bộ, về Đồng Tâm đối thoại để cứu người, Cảnh sát cơ động mới được thả ra. Dĩ nhiên chính quyền Hà Nội không thể thua cuộc một cách dễ dàng, nên mới để cho thanh tra nhà nước công bố kết luận thanh tra rằng: “khu đất này thuộc sân bay Miếu Môn, là đất quốc phòng”.

Từ nhiều tháng qua, cuộc trấn áp đã được chính quyền cộng sản chuẩn bị khi người dân Đồng Tâm cương quyết từ chối kết luận thanh tra. Vì nếu họ chấp nhận, không khác nào chấp nhận mất đất vì 2 chữ “quốc phòng” rất mơ hồ. Bởi kinh nghiệm cho thấy, nhiều khu đất gọi là quốc phòng bị thu hồi trên thực tế sau đó phân lô bán nền, hoặc giao vào tay các dự án của những nhóm lợi ích cấu kết với các quan chức nhà nước thu về tiền tỷ gọi là quà cáp bôi trơn.

Cuộc trấn áp khởi sự vào lúc 3 giờ sáng ngày 9 Tháng Giêng, 2020 trong lúc bà con Đồng Tâm còn yên trong giấc ngủ. Giống như cuộc hành quân càn quét lúc nửa đêm, lực lượng công an cơ động lên đến 3000 người được huy động với xe bọc thép, súng máy, lựu đạn cay đã tấn công vào nhà ông Lê Đình Kình và một số nơi mà họ cho là những gia đình nằm trong nhóm sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất của xã Đồng Tâm.

Chỉ vài tiếng sau cuộc trấn áp bạo lực, Bộ Công An đưa thông báo lên trang điện tử của Bộ và buộc các trang điện tử khác của đảng phải đồng loạt công bố “chiến công” của lực lượng cảnh sát cơ động đã dẹp xong một cuộc gây rối công cộng, chống người thi hành công vụ với kết quả: 3 cảnh sát và 1 thường dân chết, 1 bị thương và bắt giữ hơn 30 người. Lúc đầu khi đọc qua bản tin trấn áp Đồng Tâm của Bộ Công An, đa số bất bình và lo âu; nhưng khi tin cụ Lê Đình Kình bị sát hại một cách dã man cùng với những tố cáo của gia đình cụ về việc công an ép buộc phải ký giấy xác nhận là cụ bị giết do chống đối ở tại cánh đồng Sênh chứ không phải bị giết tại nhà, thì sự phẫn nộ của dư luận tràn ngập trên mạng xã hội.

Hiện nay các người con trai và cháu của cụ Lê Đình Kình không biết còn sống hay đã chết. Trong khi công an và cảnh sát cơ động tiếp tục khống chế mọi sinh hoạt của người dân để ngăn chặn không cho những tin tức của vụ trấn áp loạt ra bên ngoài. Vì thế, cuộc trấn áp tuy thành công về phương diện bạo lực, nhà nứớc chiếm được xã Đồng Tâm và cướp trắng 59 ha đất nông nghiệp; nhưng chắc chắn là cuộc trấn áp này hoàn toàn thất bại vì nó chỉ làm cho lòng dân ngày thêm phẫn nộ đối với chế độ với sự mất lòng tin ngày một gia tăng.

Thứ nhất, sự kiện nhà cầm quyền Hà Nội tấn công và sát hại cụ Lê Đình Kình ngay tại nhà và buộc gia đình phải ký giấy nói dối rằng cụ đã chết trên cánh đồng Sênh, trong tay còn cầm một quả lựu đạn cho thấy là lãnh đạo CSVN đã cố tình sát hại cụ Lê Đình Kình nhằm triệt hạ một vị lãnh đạo tinh thần của bà con xã Đồng Tâm. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ Tịch Thành phố Hà Nội thấy rằng ngày nào cụ Lê Đình Kình còn sống họ không thể nào cưỡng chiếm 59 ha đất, dù là cụ có bị khống chế, bắt giam trong tù. Nói cách khác, chính cụ Lê Đình Kình đã là ngọn đuốc thắp sáng chính nghĩa đấu tranh của bà con Đồng Tâm và chính nghĩa này đã lan tỏa trên phạm vi toàn quốc. Sự thương tiếc của cộng đồng mạng về cái chết của Cụ đủ thấy sự cảm phục của mọi người, mọi thế hệ về quyết tâm chống lại những bọn sâu mọt của chế độ.

Thứ hai, việc Bộ Công An phải dàn dựng trên tay cụ Lê Đình Kình còn cầm quả lưu đạn khi bị bắn chết và nhất là không nói rõ vụ 3 sĩ quan công an cơ động tử thương như thế nào trong vụ đột kích, cho thấy là lãnh đạo CSVN đã dàn dựng một kịch bản quá tồi, không ai tin. Thế nhưng họ không còn kịch bản nào khác để vẽ lên hình ảnh bạo động của cụ Lê Đình Kình và nhất là huy động đám dư luận viên xào nấu, tung ngược các dữ kiện sai trái về cụ Kình vào trong hàng ngũ nội bộ đảng, để chứng minh rằng trong đảng có những kẻ “tự diễn biến” chống đảng, đúng theo bài bản đốt lò khống chế nội bộ của phe nhóm Nguyễn Phú Trọng hiện nay. Điều này cũng giải thích phần nào lý do vì sao Nguyễn Phú Trọng đã ra lệnh Bộ Công An phải mở cuộc trấn áp Đồng Tâm ngay vào giữa tháng Giêng năm 2020 chứ không thể trễ hơn, vì sau Tết Canh Tý là đại hội của các đảng bộ cơ sở, Tỉnh, Thành hầu chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13, làm ảnh hưởng đến tinh thần đảng viên các cấp.

Thứ ba, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ áp dụng biện pháp “nội bất xuất – ngoại bất nhập” tại xã Đồng Tâm trong vòng một năm trước mặt, cho đến khi tổ chức xong Đại hội 13. Lý do là những tin tức trấn áp và sát hại người dân vô tội tại Đồng Tâm chắc chắn ảnh hưởng đến việc thăng quan tiến chức của một số cán bộ. Nếu không có gì đột biến thì Nguyễn Đức Chung có thể sẽ vào bộ chính trị hoặc sang giữ một ghế bộ trưởng nào đó. Hoặc Tô Lâm được Nguyễn Phú Trọng cho tiếp tục giữ ghế bộ chính trị kiêm bộ trưởng Bộ công an thêm một nhiệm kỳ… Hơn lúc nào hết, lãnh đạo CSVN rất lo ngại những rỏ rĩ thông tin từ vụ trấn áp Đồng Tâm lọt ra bên ngoài. Nó không chỉ làm gia tăng và kéo dài sự phẫn nộ của dư luận, dẫn đến những chống đối có thể xảy ra tại nhiều nơi buộc CSVN phải lùi bước và giải quyết lại vụ Đồng Tâm như đã từng lùi bước phải giải quyết vụ Thủ Thiêm.

Nói tóm lại vụ Đồng Tâm chưa chấm dứt. Bộ Công An và chính quyền thành phố Hà Nội tưởng là giết được cụ Lê Đình Kình là chấm dứt mọi phản kháng tại Đồng Tâm, cướp trắng 59 ha đất nông nghiệp giao cho Tập đoàn Viettel. Thế nhưng chính cái chết tức tưởi của cụ Lê Đình Kình và những người con, người cháu cùng với hàng chục “đồng chí” đã từng sát cánh với Cụ trong việc bảo vệ đất đai của xã Đông Tâm đang còn trong lao tù, sẽ là ngọn lửa chính nghĩa thôi thúc bà con Đồng Tâm tiếp tục hành trình đi tìm công lý và sự thật.

Hơn thế nữa, trong thời đại truyền thông mạng ngày nay, lãnh đạo CSVN càng bưng bít thông tin, càng tuyên truyền dối trá sẽ chỉ làm cho dư luận trong và ngoài nước phẫn nộ và bộc phát thành cao trào đấu tranh quyết liệt, khi thời điểm chín mùi của sự ĐỒNG TÂM cả nước được kết nối./.

Phạm Nhật Bình