Ấm lạnh Noel 2019 với các tù nhân lương tâm!

Hình minh hoạ. Tổng giám mục Nguyễn Văn Nhơn (trái) làm lễ ở nhà thờ nhân lễ Giáng sinh, ngoại thành Hà Nội hôm 24/12/2013

Nguyễn Hoàng - RFA|

24 tháng 12 năm nay vẫn như năm ngoái, quanh Nhà thờ Lớn Hà Nội người chặt như nêm cối. Tiếng ngân vang của những bản thánh ca bất hủ, những giai điệu về tình thương và sức mạnh của Chúa Hài đồng huyền diệu… Dẫu vậy, từ tối đến giờ, chúng tôi cùng một số cơ đốc nhân, không để bị chi phối bởi ngoại cảnh, chỉ tập trung mỗi cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm.

Thấy còn sớm, cả hội lấy quyết định tiếp tục chương trình như đã dự kiến. Mọi người kéo về Nhà thờ Thái Hà. Mỗi lần về đây, chúng tôi có cảm tưởng như được trở lại thăm “chốn xưa”, nơi Chúa giáng sinh ở Bethlehem. Thánh đường Nhà thờ được trang trí với nhiều đèn, nến, hình ảnh Thiên Chúa trang nghiêm, trầm mặc, lan toả khắp không gian tạo nên một bầu không khí linh thiêng, thành kính. Tại đây, ký ức đưa chúng tôi quay về bao nhiêu hoài niệm... Chính chúng tôi cũng không nhớ nổi đã bao lần cùng với người dân xứ đạo ở đây vang vang các khúc thánh ca của những thiên thần mà chúng tôi coi như sứ điệp từ Chúa trong những năm gần đây: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời/ Bình an dưới thế cho người tù nhân lương tâm”.

Những khúc hát giải bày tâm tình giữa đất với trời, như kết nối chúng tôi với 271 anh chị em đang bị đầy đoạ trong các nhà giam, từ Bắc chí Nam trên giải đất đau thương hình chữ S này. Chúng tôi tin rằng, từ trong ấy, anh chị em thấu cảm được “tiếng lòng” của chúng tôi, vơi đi phần nào những thương tổn và nỗi đau thể xác trong những đêm đông giá lạnh như thế này. Vẫn biết không phải tất cả các anh chị em đều là người công giáo, nhưng hết thảy chúng ta từng được hưởng hồng ân của Chúa, đồng thời các anh chị cũng không cần lắm những lời động viên, an ủi suông. Bởi hai lẽ: Thứ nhất, cảnh ngộ chúng ta như nhau, các anh chị em đâu có đứng một mình, chúng ta cùng đứng trên “chỗ sứt mẻ” cả; khác chăng, chúng tôi từ một trại tù lớn hơn ngoài xã hội, chia sẻ với các anh chị em hiện đang trong một nhà tù nhỏ hơn. Thứ hai, khi đã tình nguyện dấn thân vào con đường đấu tranh, các anh chị em đều thừa bản lĩnh, quyết tâm và lòng dũng cảm để đối mặt với mọi xông hãm, vây bủa và bắt bớ. Tuy chẳng cùng không gian, nhưng chúng ta cùng hoàn cảnh. Trong hoàn cảnh ấy, ta đâu có nghe thấy sự thù hận, nên hãy để cho nỗi buồn và sự cao thượng lan toả. Mọi người chắc còn nhớ giờ phút thầy Đinh Đăng Định yếu lã, lời ông dặn người chung quanh hãy đừng để hận thù chiếm lấy trái tim, mà hãy tha thứ. Tấm gương của thầy và những người đã ra đi trở thành những bằng chứng sáng lòa về một đất nước còn đầy những oan nghiệt.

Và thật ấm lòng, khi nhờ các phương tiện truyền thông, ngay từ đầu năm nay, chúng ta đã được biết tinh thần của một Nguyễn Đặng Minh Mẫn thật đáng khâm phục. Mặc dầu trọng lượng cơ thể chỉ còn hơn ba mươi cân sau những lần tuyệt thực để phản đối bạo lực xảy ra với cô, Minh Mẫn tuyệt nhiên không bao giờ tỏ ra yếu đuối. Người con gái ấy tuyên bố ráo hoảnh: “Nếu được làm lại từ đầu, tôi vẫn nói ‘Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam’. Mẹ con chúng tôi không bao giờ hối tiếc. Mình chấp nhận con đường đã chọn và rất hãnh diện là được góp một phần nhỏ bé để thay đổi đất nước”. Nhiều lắm những Minh Mẫn như thế. Cũng như những Phạm Đoan Trang, Phan Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Cấn Thị Thêu, Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), Huỳnh Thục Vy… kể sao hết hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu ở thế kỷ 21 này.

Theo các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện là nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á về số lượng tù nhân lương tâm bị giam hãm, khi mà tính đến nay, con số đã lên tới 271. Trong tù, các anh chị em đã và đang bị đánh đập, cách ly, tra tấn và từ chối thăm khám y tế đầy đủ. Nhân thân của mỗi người tham gia đấu tranh dù thiên hình vạn trạng, nhưng mục tiêu tranh đấu của các anh chị em thì chỉ là một. Cuộc đấu tranh vì sự công bình ấy ngời sáng bên cạnh sự tù mù, tăm tối của nền tư pháp “bỏ túi” đang xử những đại án tham nhũng nhiều triệu đô. Chúng là bóng tối còn anh chị em là Ánh sáng. Anh chị em đang chỉ ra con đường, mang lại chân lý và khát vọng tự do cho tha nhân… Những trái tim Danko ấy (The Flaming Heart of Danko) như ngọn đuốc trong đêm mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận hướng tới động lực giải phóng con người, soi sáng con đường tương lai, bắt đầu từ thế hệ hôm nay cho đến muôn đời sau. Dù bị đầy đoạ vì lương tâm, công lý và đức tin, anh chị em vẫn ngăn chặn thành công khi chúng muốn cướp lửa từ trái tim của những chiến sĩ dũng cảm mà không sao cướp được! Vì Ngọn lửa Thiêng trong cuộc dấn thân này chính là nguồn sáng từ Lẽ Thật hàng ngàn năm nay.

Thật trớ trêu khi bọn cầm đầu như bí thư đảng gốc Tàu Hoàng Trung Hải, công an chìm Nguyễn Đức Chung (từng thông mưu cùng đô trưởng Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đốn hạ 15 ngàn cây cổ thụ hàng trăm tuổi chỉ trong có hai đêm), nay tuy đã bị tuyên bố kỷ luật, nhưng vẫn nhố nhăng tìm cách “diễn” trên Truyền hình nhân các sự kiện của công chúng. Trong khi đó, blogger Lê Anh Hùng, người từng hàng trăm lần, kiên trì và bền bỉ viết đơn gửi tới tất cả các cơ quan công quyền để tố giác kẻ phạm tội, đã bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam từ tháng 7/2018 đến nay và hiện đang bị hãm hại bí mật tại các bệnh viện Tâm thần. Các nhà hoạt động nhận định rằng, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2019 rất tồi tệ và dự báo sang năm 2020 mức độ đàn áp các nhà tranh đấu sẽ nghiêm trọng hơn khi các quan chức tranh nhau nắm quyền giữa lúc diễn ra đại hội đảng các cấp. Những kẻ gieo điều ác hãy nhớ, tai hoạ bất ngờ sẽ giáng xuống đầu các ngươi, như lịch sử bao lần đã chứng minh. Còn tên tuổi của các anh chị em, những Huỳnh Anh Trí, thầy Đinh Đăng Định, những Trương Văn Sương, tu sĩ Cao Đài Trần Hữu Cảnh, tu sĩ Đoàn Đình Nam, những thầy tu Phật giáo, những linh mục Công giáo… sẽ được người đời và hậu thế vinh danh, dài không kể xiết từ 1975 đến nay.

Từ Sài Gòn hoa lệ, chèn giữa những nhà thờ, những xóm đạo mừng Noel, đêm nay có một xóm đạo lọt thỏm vào nỗi buồn cô đơn của mùa đại lễ. Kẻ dữ đã dùng đến cả công an chìm đập vỡ ra từng mảnh những chòi dựng tạm bà con lấy cảm hứng từ túp lều thành Bethlehem. Lộc Hưng hơn một năm nay là cả trăm gia đình không cửa không nhà tứ tán tha phương. Là cả ngàn người ngồi giữa sương đêm, hay dưới cái nắng gay gắt bên câu khẩu hiệu “Chăm lo Tết cho bà con Vườn rau Lộc Hưng” như một sự mỉa mai đầy ai oán. Gần một năm rồi không công ăn việc làm, không nhà không cửa, bị xua đuổi, gần một năm rồi kêu oan khắp đất nước, ra tận thủ đô Hà Nội… Tha La hôm qua giặc tràn sang cướp phá, Vườn rau Lộc Hưng thì giặc nào tàn phá hôm nay? Từ những Nguyễn Thị Thuỳ Dương “tô-ma-dép” ở Thủ Thiêm (Sài Gòn), đến những Cụ Kình bị đánh què chân ở Đồng Tâm (Hà Nội)… lường gạt và đểu giả kéo dài nhiều năm như những bản án công khai tố cáo chế độ mà Nguyễn Ái Quốc có tái sinh cũng khó viết được hùng hồn hơn.

 
Hiện trường vụ đập phá hang đá và tượng Đức Mẹ tại Vườn Rau Lộc Hưng hôm 8/12/2019 Courtesy of FB Vườn Rau Lộc Hưng

Hẳn bên trong tường cao cổng kín của các trại tù, anh chị em cũng biết rằng, chuyện bố trí để cướp tiền do các nhà hảo tâm gửi cho tù nhân lương tâm từng xảy ra. Đánh vào nguồn giúp đỡ tù nhân lương tâm là cả một tội ác, ấy vậy mà chính quyền này đâu có ngán. Chị Tươi vợ tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, bị cướp khi vừa ở ngân hàng ra. Vụ này, anh Vi Đức Hồi đã đưa tin lên mạng. Vào thời gian này năm ngoái, một lần nhân viên ngân hàng hẹn anh Ngô Duy Quyền đến nhà giao tiền. Đến giờ hẹn thấy công an chìm quen và lạ lảng vảng quanh nơi ở nên Quyền từ chối nhận. Cảnh giác, sau đó anh Quyền đề nghị nhà hảo tâm chuyển sang một địa chỉ khác. Chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng có lần sau khi nhận một khoản tiền khá lớn nhưng bị bọn “cá” âm mưu chặn, nhưng khi chúng đến thì chị đã kịp lên trên nhà, công an chỉ bắt được cô giao tiền để xét hỏi. Một lần khác, sau khi nhận tiền xong một tốp “cá chím” rượt đuổi theo nhưng Hạnh kịp chạy vào bên trong thang máy. “Quỹ 50K” của chị Thuý Hạnh đang rất phát huy tác dụng, mặc dù để duy trì nó, vợ chồng chị thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy.

Một vụ án rúng động khác, theo blogger Tuấn Khanh, là vụ thầy Đào Quang Thực từng bị kết án 13 năm tù, mức án nặng đến ngạc nhiên dành cho một thầy giáo đau yếu và hay cười nói. Ngắm nhìn nụ cười trên di ảnh của thầy, chúng ta không thể không liên tưởng tới nụ cười nổi tiếng của chị Võ Thị Thắng. Ôi, nụ cười xưa những tưởng là vì chính nghĩa, đã từng bị dẫm đạp ngay từ trong lòng chế độ. Chị Võ Thị Thắng cũng suýt bị bắt và có lúc cũng đã nghĩ tự vẫn để giải thoát. Còn thầy Đỗ Quang Thực thì đã bị bỏ đói, bị đánh đập và khi đưa đi cấp cứu, cũng bị ngăn không cho gặp gia đình. Sau 3 năm, người thầy bị vu vạ “lật đổ chính quyền bằng nụ cười ấy”, đã qua đời đúng vào ngày 10/12 (ngày nhân quyền Quốc tế) trong một trại giam nổi tiếng tàn ác từ trong đến ngoài trại. Sau khi về với Chúa, thầy vẫn phải chịu “biệt giam” nơi bãi chôn tập thể của trại giam số 6 Nghệ An thêm 3 năm nữa – điều nhân đạo nhất mà chế độ có thể làm được. Đám tang của thầy Thực tại quê nhà tỉnh Hòa Bình, giống như một lễ dựng mộ gió của những người chết mất xác trên Biển Đông bị giặc Tàu hãm hại. Đâu đó, heo hút và khắc nghiệt của thời tiết và của cả trại giam số 6 Nghệ An, thầy Đào Quang Thực bị vùi lấp theo quy định của nhà nước CSVN.

Không thể ghi danh hết tất cả 271 các anh chị, nhưng chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, một ngày không xa khi ánh sáng của nền Dân chủ được thắp sáng lên không chỉ các nơi thờ phượng, mà khắp hang cùng ngõ hẻm của đất nước, tên tuổi của các anh chị em sẽ được khắc trên những bảng bằng đồng hoặc đá hoa cương, để các thế hệ đời sau mãi mãi nhớ đến nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, vinh danh cuộc chiến đấu tuy không cân sức vào thời điểm hiện tại nhưng tất yếu sẽ chiến thắng dưới Niềm tin và Đức tin Thiên Chúa, dù không phải trong tất cả các anh chị em đều là Cơ đốc nhân. Chính phủ Hungary hậu cộng sản mới đây đã làm chuyện đó, mặc dầu Thủ tướng Hung cũng là một kẻ độc tài, một nhà “dân chủ phi tự do”.

Xưa nay, lễ Chúa Giáng Sinh là mùa lễ của phẩm giá con người. Chúa xuống trần để nâng cao phẩm giá con người. Chúa làm người để con người được kính trọng. Con người cao quý vì đã được nâng lên làm con Thiên Chúa. Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của niềm vui. Vui vì con người được Thiên Chúa yêu thương. Vui vì con người được nâng lên địa vị cao trọng. Nhưng ở Việt Nam, mùa Giáng sinh bao năm qua vẫn lại là những ngày lễ đượm buồn… buồn nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng. Hôm nay khi đọc Kinh Tin Kính đến câu “Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế”, ta hãy quỳ gối trước tình yêu thương cao cả của Chúa dành cho ta. Quỳ gối để suy niệm sự cao cả của các anh chị em vì đã được Chúa yêu thương. Vâng, các chế độ hưng rồi phế, nhưng tấm gương nghĩa hiệp về cuộc đấu tranh của các anh chị tù nhân lương tâm và cũng là của chúng ta, sẽ trường tồn theo năm tháng và lịch sử dân tộc!