Sự kiện lịch sử: Phong trào ‘Dân oan ba miền’ chính thức bổ sung thành viên công an!

 'Công an oan' Đông Anh biểu tình ngày 12/11/2019.

Thường Sơn - (VNTB)|

 Ngày 12 tháng 11 năm 2019 đã ghi dấu ấn ‘bản lề’ trong lịch sử dân oan đất đai ở Việt Nam, bằng sự tham gia không tuyên bố của lực lượng chuyên chính vẫn được xem là ‘còn đảng còn tiền’ và ‘còn đảng còn mình’.
 

Lần đầu tiên trong lịch sử của lực lượng mà đảng cầm quyền hô hào là ‘thanh gươm và lá chắn cho chế độ’, hàng chục sỹ quan công an chính quy ở huyện Đông Anh, Hà Nội, với sắc phục và quân hàm đầy đủ, đã nhào ra đường biểu tình, giăng biểu ngữ và hò hét đòi quyền lợi về nhà đất sau 17 năm bị chủ đầu tư quỵt vốn.
 
Cho dù quan chức lãnh đạo công an huyện Đông Anh cho rằng những người biểu tình chỉ là công an về hưu, nhưng nhiều hình ảnh và clip trực tiếp cuộc biểu tình này lại cho thấy khá nhiều trong số người biểu tình có độ tuổi trung niên, ngoài ra còn có những người trẻ hơn vào độ tuổi trên dưới 30. Điều đó có nghĩa là đa số, nếu không nói là tất cả, những công an biểu tình đều đang tại ngũ.
 
Toàn bộ cung cách ra đường biểu tình của những công an trên là khá giống với rất nhiều hình ảnh dân oan đất đai biểu tình trên khắp đất nước trong ròng rã nhiều thập kỷ qua. Sự giống nhau một cách kỳ lạ như thế cho thấy rất có thể nhóm ‘công an oan’ đã học hỏi một cách không tuyên bố về kinh nghiệm biểu tình đòi đất của dân oan.
 
Nhưng vì sao nhóm ‘công an oan’ lại quyết định bày tỏ chính kiến của họ bằng việc ra đường biểu tình chứ không phải theo đường đơn thư kêu cứu trong nội bộ? Tại sao họ có vẻ chấp nhận hậu quả của việc biểu tình đó, cho dù họ thừa biết bản quy định ‘19 điều đảng viên không được làm’ và hàng loạt quy định khác mang đặc thù của ngành công an sẽ có thể ‘giết’ họ khi dám làm trái với ý đảng?
 
Chỉ có một câu trả lời duy nhất: nhóm ‘công an oan’ đã rơi vào tâm thế cùng đường. Trong nhiều năm qua, rất nhiều đơn thư kêu gọi giải quyết quyền lợi nhà đất của họ đã được gửi đi, nhưng chỉ nhận được nhưng phản hồi vô trách nhiệm và rất thiếu thỏa đáng. Họ làm sao đòi được lợi ích của mình nếu chính cấp trên trong ngành công an của họ đã nhận ‘lại quả’ từ doanh nghiệp chủ đầu tư và do đó ém nhẹm đơn thư khiếu nại tố cáo của họ?
 
Vụ hàng loạt tướng công an dính chàm vụ Vũ ‘Nhôm’, hay hàng loạt tướng công an khác bảo kê cho đường dây đánh bạc công nghệ cao… cho thấy sự thối nát đã lên đến cực điểm trong bộ máy công an, từ cấp bộ xuống các địa phương. Những viên tướng ấy đã tự chứng minh rằng họ hoàn toàn có thể hy sinh quyền lợi của cấp dưới và bán đứng các thuộc hạ để vun vén cho bản thân.
 
Khi không còn có thể kêu cứu hay bám víu vào cấp trên, không còn cách nào khác những ‘con giun xéo lắm cũng quằn’ đã phải liều mình bước ra đường, trong bộ sắc phục công an, bất chấp việc hành động đó có thể bị ‘thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền’, cũng bất chấp tương lai họ bị cấp trên kỷ luật.
 
Sự tình trớ trêu của vụ việc lịch sử trên là Đông Anh lại chính là một trong những khu vực từng xảy ra tình trạng đàn áp dân oan đất đai, với chính lực lượng công an ‘còn đảng còn mình’ đã đóng vai trò xung sát ấy.
 
Có người bình luận: ‘Đến công an còn phải đi biểu tình thì xã hội loạn rồi!’.
 
Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Còn bây giờ, cái quan tài chế độ đã lờ mờ hiện hình.
Thật thế, cơ thể loang lổ u bướu ung thư của chính thể độc tài ở Việt Nam đã di căn ra khắp tứ chi và đang ăn nhanh vào vùng tim của nó. Thối nát và phân rã đang lao đến. Chỉ còn là thời gian…
 
Rồi đây khi chính thể độc tài cùng vô số nhóm tham nhũng tham tàn của nó lao như điên dại vào hội chứng hốt cú chót, sẽ còn nhiều bộ quần áo công an nữa lâm vào cảnh cùng đường.
 
Khi đó, mỗi cán bộ chiến sĩ công an chỉ còn biết cách phải tự cứu mình trước khi bị cái quan tài đó nuốt chửng.